10 KHUÔN MẶT “THI CA CẦU NGUYỆN”-Phần I

 

BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK: buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

***

10 KHUÔN MẶT “THI CA CẦU NGUYỆN

Phần I: THƠ CỦA LM. CAO GIA AN, LM. ĐAM KHUẤT DŨNG SSS,

LM. TRẦN VIỆT HÙNG, ĐINH VĂN TIẾN HÙNG, THẾ KIÊN DOMINIC

Bùi Công Thuấn

***

            Tôi đã đọc hơn 60 tác giả xuất hiện trên các số Thi Ca Cầu Nguyện, trong các tác giả ấy, thơ Sơn Ca Linh và thơ Cao Danh Viện tôi đã có bài viết riêng [[1]]. Trong bài viết này, tôi tập trung viết về 10 khuôn mặt thơ của Thi Ca Cầu Nguyện (chọn tình cờ) để khảo sát về các khuynh hướng của thơ ca Công giáo đương đại. Dù 10 khuôn mặt thơ được chọn không phản ánh đầy đủ phong trào làm thơ Công giáo trong cả nước, nhưng trong quá trình hơn 10 năm sáng tác của CLB Thi Ca Cầu Nguyện, người đọc có thể nhìn thấy những xu hướng thơ Công giáo đáng quan tâm.

1.THƠ CỦA LM. CAO GIA AN

            Được đọc thơ hay, đó là hạnh phúc; và tôi nhận được rất nhiều hạnh phúc khi đọc thơ của Lm. Cao Gia An (Roma). (Mời bạn vào Gia An’s blog)

Thơ Cao Gia An phong phú màu sắc tư tưởng-nghệ thuật. Đó là thơ của một hồn thơ vừa sâu sắc, vừa tinh tế; rất đời nhưng cũng rất thánh thiện; rất lãng mạn nhưng cũng rất thực; vừa dân dã vừa sang trọng cổ điển; vừa hồn nhiên trẻ trung vừa nặng trĩu suy tư. Nhưng trên tất cả, Cao Gia An có năng lực sáng tạo những tứ thơ mới, một kiểu tư duy thơ rất năng động, và một cái  nhìn nghệ thuật độc đáo (thí dụ bài Từ trên cao nhìn xuống).

Hồn thơ Cao Gia An mang mang tâm trạng tha hương của Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan (bài Lữ thứ, Ngày xưa ơi, Niệm khúc ngày về, Chiều, Lỗi hẹn với sông quê, Xin cho tôi một rẻo đất, Ly khúc), nhưng “Cái Ta” trữ tình vừa mang khí chất ngất ngưởng của Cao Bá Quát (bài Đong đưa phận người, Lỗi hẹn với sông quê) vừa ngọt ngào gần gũi của Xuân Diệu (Mùa thu bên khung cửa).

Trời xa ta với mình ta

Và bao vụn vỡ phù hoa chất chồng

Nghiêng tay rót chén rượu hồng

Nghiêng đời uống cạn chén nồng say sưa

            (Đong đưa phận người)

Ta đi trong ngày lộng gió
Mang theo chút nắng dịu dàng
Chút tình tươi như hoa cỏ
Chút hương mùa cũ chưa tan

            (Cẩm Tú Cầu)

Sông mây chảy ngược về ngàn
Ta lặn lội ngược trần gian
Về Nguồn

            (Ngược)

Thơ Cao Gian An có khuynh hướng thơ tư tưởng. Nhiều bài tra hỏi về lẽ đời, về phận người, về đời ta, về tình yêu, về đời “hư huyễn phù du”, về sự “dính mắc” của con người trong cõi vô thường; trăn trở con đường theo Chúa (Sứ mạng, Emmaus), thao thức nhận thức về mình (Canh thức), một Cái Ta cô độc, nhưng không hư vô, không tuyệt vọng, Cái Ta cô độc phiêu bạt lữ thứ nhưng “rất Người”, rất khao khát gắn bó với mọi người, khao khát một chốn quê để về. Kết thúc bài thơ là sự “Vượt qua”. Bóng dáng tư tưởng Thiền bỏ lại phía sau. Từ bóng tối, những vòng hào quang tư tưởng đã sáng lên.

Trong Thi Ca Cầu Nguyện, không có thơ tư tưởng như thế. Xin đọc: Phố mới, Ngược, Tìm mình, Khói, Kiến càng, Mùa lá rơi, Khoảng cách, Tìm mình, Ru mình

“Một hình một bóng chênh chao

 Mình, hay chỉ chút hao hao giống mình?…

                        (Tìm mình)

Đường xa bụi cát mịt mùng

Người đi chân bỗng chập chùng bước chân

            (Chập chùng)

Ai biết sẽ về đâu
Khói trời bay tản lạc
           
(Khói)

Cao Gia An có những bài lấy cảm hứng Kinh thánh, nhưng Cao Gia An kể lại câu chuyện do mình sáng tạo (Về; Chỉ còn Đấng xót thương). Điều này hoàn toàn khác với thể thơ “Diễn ca” quen gặp. Giọng thơ chất chứa yêu thương. Cao Gia An kết hợp được bút pháp kể chuyện (tự sự) với nghệ thuật thơ (trữ tình), kiến tạo thành một tác phẩm sinh động ở góc trần thuật, đa thanh ở giọng điệu. Vấn đề được soi chiếu ở nhiều chiều kích. Tôi nghĩ các nhà thơ Công giáo có thể tham khảo cách viết này. Tất nhiên đòi hỏi người viết phải có năng lực sáng tạo, phải hiểu sâu sắc Kinh thánh và điêu luyện trong thể loại truyện thơ (Xin đọc Chỉ còn lại Đấng xót thương)

CHỈ CÒN LẠI ĐẤNG XÓT THƯƠNG

“Trong sách luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó.

                        Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”(Ga 8,5)

Chỉ là để thử nhau thôi
Đâu có gì đâu để nói
Chuyện rõ như ban ngày rồi
Cần gì phải thưa với hỏi

Nhân danh ngàn năm luật lệ
Ngữ này ném đá cho xong
Đã thối đã hư đến thế
Tốt đẹp gì nữa mà mong…

Một người gục đầu lãnh tội
Trần ai tủi nhục ê chề
Một đoàn người thì rất vội
Giăng tay chặn kín nẻo về

Chỉ riêng Người là Đấng Thánh
Giàu sang muôn hộc từ bi:

Ai trong các ông sạch tội
Ném viên đá đầu tiên đi!..

Mọi người kéo nhau đi hết
Đá xanh lăn lóc trên đường

Một người về từ cõi chết
Nhờ bàn tay Đấng Xót Thương

Mọi người kéo nhau đi hết
Rộng thênh thang một con đường
Mọi điều đã qua đi hết
Chỉ còn lại Đấng Xót Thương

Cao Gia An, S.J
Lille, France – Mùa Chay 2016

            Tám câu đầu là lời bàn tán trực tiếp của đám đông. Tám câu giữa là cận ảnh tất cả các nhân vật (đám đông, người phụ nữ bị ném đá và Đức Giê su). Tám câu cuối, tác giả vừa kể, vừa tả vừa bình luận ấm áp tình người và sâu sắc về tư tưởng. Bài thơ để lại dư âm hạnh phúc về sự Cứu rỗi có sức lan tỏa (khác rất xa với kiểu thơ công thức).

            Đây là đọan tả tiếng đàn bầu. Vẫn là nghệ thuật so sánh nhưng Cao Gia An so sánh tiếng đàn bầu với những tứ thơ hoàn toàn khác với Nguyễn Du (tiếng đàn của Thúy Kiều  trong đêm tình tự – Đoạn trường tân thanh):

Buồn như nguyệt tận trăng tàn
Thương như một kiếm võ vàng vọng trông

Như người chinh phụ đợi chồng
Bóng khuya nghiêng giữa đêm đông ngậm ngùi

Dài như sợ nhớ khôn nguôi
Như bao tiếc hận chảy xuôi về trời

Bao là nước mắt mồ hôi
Là xương là máu bao đời… còn không?

Vang như tiếng cuốc gọi đồng
Mênh mang bao nỗi chất chồng nhiêu khê

Oằn cong như gánh mẹ quê
Ngả nghiêng như cánh cò về trong mưa

                  (Đàn Bầu-trong tập thơ: Tình thơ trên phận người)

            Và đây là không gian lãng mạn của thi nhân:

                        MÙA THU BÊN KHUNG CỬA

Này em ngồi bên khung cửa
Có thấy mùa Thu đang rơi
Mùa Thu về trên chiếc lá
Vàng phai lem luốc dấu đời

Từng ngày trôi từng chiều rơi
Vẫn em và khung cửa nhỏ
Lần tay tìm trong tiếng gió

Từng ngày xa từng ngày xưa

Thanh xuân qua như cơn mưa

Lưng chừng đời em sũng ướt
Gom về vỗ giấc mơ trưa
Chênh chao bên đời em bước

Này em ngồi bên khung cửa
Đang vá áo hay vá đời
Chiếc lá mùa Thu đang rơi

Vẫn nâng niu từng sợi nắng

Từng sợi mùa Thu lẳng lặng

Dệt vàng trời đất trinh nguyên
Dệt đời em vuông lụa trắng
Còn thơm hương vải tinh tuyền

Này em ngồi bên khung cửa
Có thấy mùa Thu đang rơi?
Tay nâng niu từng sợi nắng
Vá đi em, cả đất trời…

          Cao Gia An, S.J. – Roma 10.2018

            Bài Lục bát này khám phá nhiều tứ thơ mới lạ:

Ta đi ngược giữa phố người
Ngược con dốc nắng lên đồi tịch liêu
Đồi cao ngược gió hiu hiu
Trời cao ngược bóng phủ chiều thênh thang

Ta đi qua phố, qua làng
Qua đồi, qua núi, qua ngàn trùng xa
Qua ngã bảy, qua ngã ba
Qua vương víu, qua phù hoa trần hồng

Lắm khi ta lội ngược dòng
Quờ tay ngỡ chạm mặn nồng hôm xưa
Giật mình cứ ngỡ như vừa…
Men mùa cũ đẫm say sưa gót mềm

Lắm khi lội ngược dòng đêm
Lắm khi leo ngược dốc tìm trời cao
Trời cao lấp lánh muôn sao
Ngu ngơ ta với hụt vào mênh mông

Khi bàn tay chạm hư không
Chợt rụng rơi những vọng trông vô hình
Là khi ta gặp lại mình
Ngược mưa nắng, ngược linh đinh dòng đời

Ta đi ngược giữa phố người
Ngược tiếng khóc, ngược tiếng cười nhân gian
Sông mây chảy ngược về ngàn
Ta lặn lội ngược trần gian
Về Nguồn

            (Ngược)

Cao Gia An, S.J.
Torricella in Sabina – 18.09.2012

            Lm Cao Gia An cũng có những bài quan tâm đến thế sự, quê hương đất nước, (Lỗi hệ thống, Mùa vọng cho quê hương, Cong, Bao giờ.), chuyện đời ( Khôn và Ngu, Rửa tay), những bài giáo huấn (Anh và Người), thi ca cầu nguyện (Thêm lần nữa, Vào Chay. Xin đừng ngoảnh lại), thơ kêu gọi (Tỉnh thức, Mặt trời và chiếc bóng). Nghĩa là biên độ sáng tác của ngòi bút Cao Gia An rất rộng, không chỉ bó mình trong “Thi Ca Cầu Nguyện”.

Con đường sáng tạo của Lm. Cao Gia An còn thênh thang phía trước và hứa hẹn đóng góp nhiều thơ hay cho kho tàng thơ Công giáo đương đại.

2.THƠ CỦA LM. ĐAM KHUẤT DŨNG SSS.

            Thơ của Lm. Đam Khuất Dũng SSS nằm trong dòng “Huấn ca” của văn học truyền thống Công giáo và văn học dân tộc (ca dao, Dân ca, vè).

Gọi Huấn ca là “văn chương bình dân” vì dòng văn học này hướng về quảng đại quần chúng bình dân. Ngày xưa người bình dân thường thất học nên hình thức ca vè truyền khẩu được sử dụng để sáng tác, phổ biến và lưu truyền trong dân gian. Ca dao, vè, thường dùng thể lục bát dễ thuộc, dễ nhớ, dùng ngôn ngữ của người bình dân mộc mạc, nôm na. Chất liệu thi ca bình dân là sự vật, sự việc ở ngay xung quanh, ngay trong môi trường sống hàng ngày, gần gũi sống động. Ca dao, vè được sáng tác để chia sẻ, cổ vũ mọi người ngay trong hoàn cảnh sống đang diễn ra. Tuy ca dao, dân ca, vè sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật, dùng nhiều tu từ, song mục đích thông tin (vè), mục đích bày tỏ (ca dao) là chính. Ca dao, dân ca sử dụng ba thể: thể Phú, thể Tỷ, thể Hứng để diễn đạt. Ngôn ngữ của ca dao là ngôn ngữ biểu cảm bộc lộ trực tiếp ý tưởng, khác với thơ. Thơ phô diễn ý tưởng bằng tứ…

“Trâu ơi ta bảo trâu này

 Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta…”

Cho nên “văn chương bình dân” là tiếng nói trực tiếp, là tiếng lòng bộc trực của người bình dân. Cái hay cái đẹp của văn chương bình dân là ở sự chân thành, ở tấm lòng yêu thương con người, yêu thương quê hương đất nước, ở hình ảnh đời sống người dân quê  (bài Tát nước đầu đình), và ở tính minh triết dân gian (thí dụ bài Thằng Bờm có cái quạt mo). Vì thế việc đọc “văn chương bình dân” sẽ rất khác cách đọc “văn chương bác học”. Bởi vì, về thi pháp, về tư tưởng Mỹ học, về mục đích sáng tác, đối tượng sáng tác của hai dòng văn học này khác nhau. Cho nên cái hay của một bài ca dao khác rất xa cái hay của một bài Tứ tuyệt Đường luật, hay một bài thơ Lãng mạn. Những nhà thơ nhà văn lớn của dân tộc đều học tập từ suối nguồn văn học dân gian (Truyện Kiều, Lục Vân Tiên chẳng hạn).

            Thơ của Lm Đam Khuất Dũng SSS là kiểu loại thơ như thế, nên việc đọc, tiếp cận thơ phải được xem xét ở những hệ quy chiếu khác.

SỐNG YÊU
(Suy niệm Ga 14, 15-21)

Lệnh truyền di chúc Thầy ban
Những ai tuân giữ giới răn thật lòng
Thánh Thần bào chữa cậy trông
Ba Ngôi Thiên Chúa hiệp thông muôn đời
Muối men ướp mặn trần đời
Tình thương xót Chúa tha người thứ tha
Tim yêu chất ngất chan hòa
Sông sâu biển rộng bao la vô bờ

Con đây nhỏ bé đơn sơ
Chuyên chăm đáp trả phụng thờ sớm mai
Siêng năng dự lễ khẩn nài
Mân côi lần chuỗi miệt mài thực thi
Trung thành đức ái kiên trì
Không hề giết hại thai nhi lạnh lùng
Chẳng ham cờ bạc bần cùng
Gia đình son sắt thủy chung khang trường
Văn minh văn hóa tình thương
Nước trời hạnh phúc hướng đường con đi.
            Lm. Khuất Dũng sss
(Đây là nội dung bài thơ của Tin Mừng chúa nhật thứ 6 Phục Sinh).

Đọan Tin Mừng (Ga 14, 15-21):

“Nếu anh em Yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa

Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em. Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em.  Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ Yêu mến Thầy. Mà ai Yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy Yêu mến. Thầy sẽ Yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.”

            Tám câu đầu của bài thơ, tác giả trình bày lại nội dung đọan Tin Mừng bằng một cách nói tóm tắt “đại ý” (không gò bó theo đúng câu chữ của văn bản Tin Mừng). Phần còn lại tác giả nhập thân với giáo dân, nói lên niềm xác tín bằng hành động những gì Lời Chúa dạy: con tôn thờ Chúa sớm mai, siêng năng dự lễ, siêng năng lần chuỗi Mân Côi, kiên trì thực hiện đức ái. Trong sống đạo hôm nay (môi trường sống hiện tại, dùng ngôn ngữ hiện đại), con không tham gia vào “văn hóa sự chết”: giết hại thai nhi, cờ bạc, giữ thủy chung son sắt (không ly dị), xây dựng nền “văn minh tình thương”.

Những xác tín ấy là những điều cụ thể, ngắn gọn, trọng tâm mà người Mục tử muốn tín hữu của mình thực hiện ngay trong đời sống hàng ngày của mỗi người. Nếu giáo dân ghi nhớ và thực hiện những lời giáo huấn ấy, thì mục đích sáng tác loan báo Tin Mừng đã thành công.

 Đấy cũng là mục đích của Huấn ca Công giáo truyền thống (Huấn ca của Trần Lục của Xuân Ly Băng…). Bài thơ này nếu được đọc sau bài giảng lễ đoạn Tin Mừng (Ga 14, 15-21) sẽ được giáo dân cổ vũ nhiệt liệt. Bởi vì tính chất của văn chương bình dân là sáng tác, phục vụ công chúng ngay trong hòan cảnh sống. Nó mang tính đối thoại, chia sẻ và là tiếng nói chung của cộng đồng.

            Nói như thế không có nghĩa rằng thơ viết cho công chúng không có yêu cầu về nghệ thuật. Trái lại là khác. Văn chương bình dân có thi pháp riêng, có tư tưởng thẩm mĩ riêng, có mục đích, đối tượng, và cách thể hiện riêng. Nếu không nắm được những nguyên tắc sáng tác ấy, người làm thơ chỉ là người bắt chước một cách máy móc, không thể sáng tạo. Nhiều người không hiểu điều này, chỉ nghĩ “Nôm na” bình dân thì thế nào cũng được. Nói như thế thì làm sao giải thích được do đâu những bài ca dao có sức sống lâu dài trong lòng dân tộc? Ca dao, dân ca, tục ngữ đã góp phần giáo dục tâm hồn, phẩm chất và bản sắc Việt qua bao đời.

Xin đọc lại bài ca dao đầy tình yêu thương là bài “Trâu ơi ta bảo trâu này”. Bài “Hôm qua tát nước đầu đình” có nghệ thuật kể chuyện sinh động, tinh tế, ý nhị. Bài “Trèo lên cây bưởi hái hoa” là thơ tình của lứa đôi (thể giao duyên), chất chứa bao nỗi niềm. Bài “Thằng Bờm có cái quạt mo”, một bài kể chuyện, tuy rất giản dị, dễ hiểu, nhưng đã bao đời nay, mấy ai hiểu đúng ý nghĩa minh triết của nó! Thơ “giáo huấn” cần có những hình ảnh gây ấn tượng như “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…”. Ước mong Văn học Công giáo có nhiều thơ “giáo huấn” đẹp như Ca dao.

Xin đọc thêm thơ của Lm. Đam Khuất Dũng SSS: Niềm vui gặp Chúa, Tin (Mt 8, 5-11), Bé nhỏ (Lc 10, 21-24), Chân chính (Mt 7, 21. 24 – 27), Mù câm (Mt 9, 27 – 31), Nén bạc (Mt 24, 14 – 30), Mến Chúa yêu người (Mt 18. 21-35), Sống đạo yêu (Mt 18. 21-35), Lòng Chúa Xót Thương (Ga 3, 13-17), Giờ của Chúa (Ga 12, 20-33),Hãy theo Thầy (Mc 1, 14-20)

3.THƠ CỦA LM. TRẦN VIỆT HÙNG, Bronx New York

            Tôi tìm đọc thơ  của Lm Giuse Trần Việt Hùng (Bronx, NewYork) trên Thi Ca Cầu Nguyện và trên trang conggiaovietnam.net [[2]]. Lm Trần Việt Hùng có một bộ ba năm A, B, C thơ suy niệm Kinh thánh tất cả các ngày lễ trong năm. Suy niệm thơ được sắp xếp theo tuần từ Chúa nhật đến thứ Bảy: Các tuần thường niên, các mùa Vọng, mùa Chay, mùa Phục Sinh. Các lễ trọng, lễ kính.

            Tôi nhẩm tính mỗi năm có 365 ngày, mỗi ngày một bài thơ, ba năm A, B, C có tất cả 1095 bài thơ (365 x 3). Mỗi bài thơ 16 câu thơ lục bát, Lm Giuse Trần Việt Hùng đã viết 17.520 câu thơ lục bát dài gần gấp đôi cuốn “Sứ điệp tình thương” diễn ca Kinh thánh của Lm Fx. Nguyễn Xuân Văn (dài 9.764 câu lục bát-Nxb Tôn giáo 2001). Quả là một nỗ lực sáng tạo phi thường. Đó là chưa kể thơ làm theo những chủ đề khác của Lm Trần Việt Hùng.

            Thơ viết về Kinh Thánh, Lm Trần Việt Hùng gọi là “Thi ca suy niệm”, không phải là Thi Ca Cầu Nguyện. Điều này có gì khác biệt. Thi Ca Cầu Nguyện là thơ cầu nguyện. Tác giả Dzuy Sơn Tuyền đã nói rõ tâm tình cầu nguyện là “Tâm tình chúc tụng, thờ lạy, cầu xin, chuyển cầu, cảm tạ, ngợi khen” Thiên Chúa[[3]].

 “Thi ca suy niệm” của Lm Trần Việt Hùng nội dung chính là diễn ca Kinh thánh. Tác giả cũng diễn ca những sự việc trọng tâm của bài Kinh thánh mà không tự gò bó bám sát câu chữ của văn bản Kinh Thánh. Phần suy niệm rất nhẹ nhàng (thường chỉ nằm ở 2 câu cuối); không lộ diện việc dạy dỗ đạo đức (Huấn ca), không kêu gọi, khuyên răn với tư thế của bề trên. “Suy niệm” cũng không viết theo “công thức” có sẵn như Thi Ca Cầu Nguyện của các tác giả phong trào là giáo dân.

Thơ lục bát của Lm Trần Việt Hùng khá tự nhiên, ngôn ngữ được chọn lọc. Tâm tình là tâm tình chung, không có sự hiện diện của “Cái Tôi” hay Cái Ta” (như trong thơ trữ tình). Bộ diễn ca Kinh thánh theo năm phụng vụ này nếu được tập hợp lại để in sẽ là bộ sách quý của Văn học Công giáo đương đại.

Xin đọc thơ của L, Trần Việt Hùng trong một tuần:

THI CA SUY NIỆM CHÚA NHẬT PHỤC SINH. C

 (Ga 20: 1-9)

MỒ TRỐNG

Yêu thương chan chứa đong đầy,

Ma-ry thức giấc, nhớ Thầy mồ chôn.

Tinh sương sáng sớm dủ hồn,

Vội vàng cất bước, kính tôn xác Thầy.

Ai lăn tảng đá khỏi đây,

Mồ không trống rỗng, xác Thầy đi đâu.

Trở về loan báo tin sầu,

Phê-rô vội chạy, ngó đầu vào xem.

Chỉ còn khăn liệm bên hèm,

Dây băng vải cuốn, ai đem góc mồ.

Gio-an yêu dấu tông đồ,

Ngó nhìn vào mộ, không vô, hiểu rằng,

Ông tin sống lại vĩnh hằng,

Là Con Thiên Chúa, thiên thăng cõi trời.

Trải qua sự chết phận người,

Phục sinh vinh hiển, cao vời Chúa Con.

Hy sinh tận hiến sắt son,

Cứu nhân độ thế, chính Con Chúa Trời.

Niềm vui hy vọng tuyệt vời,

Cho ai tin tưởng, Ngôi Lời Phục Sinh.

THỨ HAI, TUẦN 1 PHỤC SINH

(Mt 28, 8-15).

ĐỪNG SỢ

Mấy bà vội vã ra đi,

Vui mừng loan báo, những gì xảy ra.

Giê-su đón gặp các bà,

Ôm chân phục lạy, Chúa ta sống còn.

Báo tin môn đệ héo hon,

Trở về xứ sở, đường mòn đã qua.

Ga-li-lê chốn phương xa,

Thầy trò sẽ gặp, ngợi ca Chúa Trời.

Lính canh Thượng tế xu thời,

Nhận tiền hối lộ, nói lời dối gian.

Nhóm người Kỳ lão hỏi han,

Tin lành dấu nhẹm, khai man chính quyền.

Nói rằng trộm xác y nguyên,

Loan tin khắp cả, tương truyền hôm nay.

Chúa đã sống lại ai hay,

Hiện ra minh chứng, thân này Phục sinh.

THỨ BA, TUẦN 1 PHỤC SINH

(Ga 20, 11-18).

RABBONI

Ma-ri-a đứng gần mồ,

Đau buồn than khóc, ngó vô kiếm tìm.

Thiên thần áo trắng ngồi im,

Đầu, chân mỗi phía, lắng chìm ngất ngây.

Tại sao bà khóc nơi đây?

Thưa rằng ai trộm xác Thầy đi đâu.

Giê-su đứng đó hồi lâu,

Bà không nhận biết, mặc dầu Chúa đây.

Tìm ai? Chúa hỏi, bà này,

Xin cho tôi biết, đặt Thầy nơi nao?

Giê-su khẽ nhắc lời chào,

Ô Ma-ri-á, tiếng sao dịu dàng.

Rab-bo-ni, lạy thánh nhan,

Hãy đi loan báo, mọi làng hân hoan.

Chúa nay thực đã khải hoàn,

Chết đi sống lại, hoàn toàn phục sinh.

THỨ TƯ, TUẦN 1 PHỤC SINH

(Lc 24, 13-35).

EMMAUS

Có hai môn đệ về làng,

Em-maus tiến bước, dẫn đàng sầu đau.

Truyện trò gợi nhớ trước sau,

Giê-su tiến lại, cùng nhau đồng hành.

Mắt họ che phủ mong manh,

Tai sao buồn bã, tan tành trí tâm.

Hòa mình khách lạ quan tâm,

Ông không hay biết, việc lầm đã qua.

Các thầy trưởng tế mở tòa,

Hùa nhau kết án, mù lòa dối gian.

Tử hình thập giá gian nan,

Tiên tri quyền lực, trao ban chữa lành.

Mấy người phụ nữ báo nhanh,

Loan tin sống lại, xuất hành đó đây.

Bàn ăn cầm bánh trong tay,

Tạ ơn Thiên Chúa, mắt rầy sáng ra.

THỨ NĂM, TUẦN 1 PHỤC SINH

(Lc 24, 35-48).

THẦY ĐÂY

Khi Thầy bẻ bánh trao ban,

Hai ông nhận biết, xóa tan nỗi sầu.

Trở về loan báo phép mầu,

Giê-su đứng giữa, khởi đầu chúc an.

Các con đừng sợ gian nan,

Mọi người bối rối, mê man không ngờ.

Tưởng rằng ma quái vật vờ,

Thầy đây xương thịt, hãy sờ chân tay.

Vui mừng bỡ ngỡ lạ thay,

Chúa ta sống lại, thân này thực hư.

Ăn phần cá nướng còn dư,

Trao cho môn đệ, giống như mọi lần.

Chúa thương giải thích ân cần,

Hiểu lời Kinh Thánh, góp phần chứng minh.

Khổ đau hiến tế thân mình,

Ba ngày sống lại, phục sinh khải hoàn.

 THỨ SÁU, TUẦN 1 PHỤC SINH

(Ga 21, 1-14).

THẢ LƯỚI

Tông đồ đánh cá thâu đêm,

Uổng công canh thức, chẳng thêm mẻ nào.

Rạng đông Chúa đến hỏi sao,

Các con dự tính, đãi khao món gì?

Đồng thanh đáp, chẳng có chi.

Chúa truyền thả lưới, hạ chì xuống sâu.

Lưới đầy nặng trĩu một bầu,

Cá to cá nhỏ, ghe tầu đầy vơi.

Phê-rô nghe biết Ngôi Lời,

Vội vàng khoác áo, nhảy bơi vào bờ.

Tông đồ phụ giúp chẳng ngờ,

Lửa than sắp sẵn, chực chờ nướng trui.

Thầy trò gặp mặt mừng vui,

Chia nhau mẩu bánh, tới lui xum vầy.

Tin yêu xác tín là Thầy,

Ba lần hiện đến, đong đầy niềm vui.

THỨ BẢY, TUẦN 1 PHỤC SINH

(Mc 16, 9-15).

LOAN TIN

Hôm nay sáng sớm trong tuần,

Giê-su hiện đến, khơi nguồn tin yêu.

Ma-ry diễm phúc yêu kiều,

Chúa thương nhắn gởi, đôi điều truyền rao.

Loan tin sống lại khai mào,

Tâm hồn xao xuyến, khát khao gọi mời.

Tông đồ môn đệ buông lơi,

Đức tin non yếu, Thầy ơi độ trì.

Chúa thường khiển trách hoài nghi,

Nghi ngờ hạch hỏi, đôi khi cứng lòng.

Thỏa điều nguyện ước cầu mong,

Chỉ cho xem thấy, vết trong thân mình.

Niềm tin phó thác hy sinh,

Truyền rao chân lý, phục sinh sống đời.

Nhiệm mầu sự sống cao vời,

Tin mừng rao giảng, mọi thời mọi nơi.

            Lm. Giuse Trần Việt Hùng (Bronx, New York)

            Giữ được cảm hứng sáng tạo dài hơi như thế, thể hiện một nội dung vừa có bề rộng vừa có bề sâu như thế, huy động được một vốn từ vô cùng đồ sộ và làm chủ được vần điệu Lục bát một cách tự nhiên như thế, không phải người làm thơ Lục bát nào cũng đạt được. Tôi nghĩ đó là một tài năng Chúa ban cách riêng cho tác giả.

4.THƠ CỦA ĐINH VĂN TIỀN HÙNG

            Trên Thi Ca Cầu Nguyện, Đinh Văn Tiến Hùng ít xuất hiện. Thỉnh thoảng chỉ đăng một bài. Nhưng tôi tìm thấy trên thanhlinh.net 174 bài cả thơ và tạp văn [[4]] của Đinh Văn Tiến Hùng. Ông không có kế hoạch dài hơi cho bất cứ đề tài nào. Thơ ông có bài suy niệm Kinh thánh, có bài viết về các thánh (Giuse xóm đạo quê nghèo, Thánh cả Giuse, Cảm nghiệm về cuộc đời mẹ Teresa Calcutta, Thánh Phanxico Assisi: Người anh em khó nghèo…), về Đức Mẹ và tháng hoa (Khúc hoan ca Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Tháng hoa dâng Mẹ), về mùa Giáng Sinh (Noel dấu ấn tâm hồn, Liên khúc Giáng Sinh), về tháng các linh hồn (Requiem), về mùa Chay (Cám dỗ, hãy nhớ mình là bụi tro), mùa Phục Sinh (Di ngôn đồi thập giá, Bản Ai Ca Đồi Thập Gía, Phục sinh khải hoàn), về Chúa Thăng thiên (Chúa về trời), về Thánh Tâm, Thánh Thể (Bánh trường sinh, Thánh tâm Chúa Giê su), về Lòng Chúa Xót Thương (Cảm tạ Lòng Chúa Thương Xót), về cha, mẹ (Bài ca dao cho cha, Nhớ thương cha, nhớ mẹ), về những kỷ niệm (Nhớ mãi tháng hoa xưa) và có cả thơ thế sự (Sống gửi thác về, Chuông nguyện hồn ai…)

            Đinh Văn Tiến Hùng có quan niệm riêng về Thi Ca Cầu Nguyện:

THƠ KINH NGUYỆN CẦU

Chúa ơi! Con có gì đâu,

THƠ KINHtha thiết NGUYỆN CẦUdâng lên

“Kinh cầu nhẹ gõ cửa hồn,

Trần gian dục vọng bồn chồn tâm linh,

Bao nhiêu thệ ước ân tình,

Chúa thương xin để an bình tin yêu” (1)

Tôi không phải là thi nhân Công giáo,

Mà chỉ là người Công giáo làm thơ  (2),

Cả đời tôi không biết đến bao giờ,

Mới trở thành một nhà thơ tên tuổi?

Nhưng điều đó tôi nào đâu tiếc nuối,

cuộc đời đã là một bài thơ.

Sống trọn vẹn với năm tháng ngày giờ,

Đó chính là bài thơ muôn vần điệu

Thân thể tôi: một tác phẩm kỳ diệu,

Nhịp tim luôn cuộn dòng máu nhịp nhàng,

Dâng sức sống như biển cả mênh mang,

Đem Tình Yêu dệt bài thơ Hằng Sống.

Trí óc tôi: một kỳ công sống động,

Nhanh hơn nhiều muôn làn sóng viễn thông,

Nguồn tư tưởng chất chứa thật mênh mông,

Triệu lời thơ cũng từ đây phát xuất.

Đã khi nào ta tìm ra sự thật,

Bởi do ai mà ta sống bấy lâu,

Buông tay xuống rồi sẽ trở về đâu?

Ôi! Đời sống là bài thơ huyền nhiệm.

Buổi sớm mai khi vầng đông xuất hiện,

Gieo nguồn sống trên khắp mặt địa cầu,

Chim ca hát, hoa khoe sắc muôn màu,

Đẹp hơn cả ngàn bài thơ dệt mộng.

Có khi nào tâm hồn ta rung động,

Trước tang thương khổ lụy của bao người,

Có khi nào ta đem một nụ cười,

Trao nhân thế những lời thơ cứu khổ?

Cuộc sống này đâu có gì bền đỗ,

Bám quanh địa cầu hơi thở mong manh,

Lòng đất sục sôi muốn nổ tan tành,

Biển dâng trào, bão cuốn trôi tất cả!

Đừng kiêu căng khoe công trình vĩ đại,

Đừng tự hào với sáng chế kỳ công,

Trong phút giây sẽ biến vào hư không,

Rồi sẽ bị chìm sâu vào quên lãng!

Vườn E-đen xưa Thiên đàng sáng lạn,

Vạn vật, đất trời mở rộng nguồn thơ,

Nhưng Nguyên Tổ bất kính Chúa tôn thờ,

Nên tội lỗi đã tràn đầy vũ trụ.

Lòng con đây giờ không còn do dự,

Đất trời thơ với muôn vật ngàn hoa,

Đêm huyền diệu nhìn tinh tú ngợi ca,

Ôi! Thượng Đế Đại Thi Nhân Sáng Tạo!

Tôi không phải là thi nhân Công giáo,

Mà chỉ là người Công giáo làm thơ,

Cuộc đời tôi cho đến tận bây giờ,

Chỉ Dâng Thơ thay cho Kinh Cầu Nguyện.

Đinh Văn Tiến Hùng

Ghi chú : (1) Thánh Thi Phụng vụ

(2) Mượn ý tiểu thuyết gia Pháp Francois Mauriac:

“Tôi không  phải là tiểu thuyết gia Công giáo,

Mà chỉ là người Công giáo viết tiểu thuyết

Đinh Văn Tiến Hùng làm thơ như Kinh cầu nguyện xin Chúa ban bình an tin yêu. Quan điểm thơ của ông tiếp cận được với Mỹ học Kitô giáo. Thiên Chúa là Đấng Sáng tạo vĩ đại. Tất cả những gì Thiên Chúa làm ra đều tốt đẹp. “cuộc đời đã là một bài thơ”,Thân thể tôi: một tác phẩm kỳ diệu”,”Chim ca hát, hoa khoe sắc muôn màu,/ Đẹp hơn cả ngàn bài thơ dệt mộng”. “Đất trời thơ với muôn vật ngàn hoa,/Đêm huyền diệu nhìn tinh tú ngợi ca,/Ôi! Thượng Đế Đại Thi Nhân Sáng Tạo!”. Đó là nhận thức về bản chất của “Cái Đẹp”, tức là bản chất của nghệ thuật. Văn chương là sự sáng tạo Cái đẹp bằng ngôn ngữ. Với nhà văn Công giáo, Cái Đẹp ấy chính là Thiên Chúa và Đức Giêsu là hiện thân của “Cái Đẹp trọn hảo”.

Việc nhận ra Cái đẹp với việc sáng tạo Cái Đẹp là hoàn toàn khác nhau. Cho nên Đinh Văn Tiến Hùng biết rõ “Tôi không phải là thi nhân Công giáo,/ Mà chỉ là người Công giáo làm thơ“, mặc dù ông không dấu tham vọng trở thành “nhà thơ tên tuổi”.

Thực ra Đinh Văn Tiến Hùng không chỉ làm thơ cầu nguyện mà còn làm thơ thế sự. Xin đọc:

CHUÔNG NGUYỆN HỒN AI 

“Ai sống và tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ được sống, ai sống và tin vào Thày sẽ không bao giờ phải chết “ ( Ga. 11:26 .)

Tháng 11 Cầu nguyên cho các Linh Hồn.

Nắng chiều lịm tắt sau đồi

Sương dâng lan toả chơi vơi ngập ngừng,

Hồi chuông nhỏ giọt rưng rưng,

Tiễn đưa ly biệt nghe chừng phiêu du.

Những ngày thơ ấu năm xưa,

Chuông nhà thờ đổ tôi chưa hiểu gì,

Tưởng rằng tạm biệt người đi,

Dù xa xôi mấy ngày kia cũng về.

Như thuyền rời bến sơn  khê,

Chim thiên di vẫn nhớ quê thuở nào.

Như người viễn xứ nôn nao,

Tình quê chan chứa làm sao không buồn.

Bao lần tắt nắng chiều hôm,

Bao lần chuông nhỏ giọt buồn tiễn ai,

Bao lần viễn khách thở dài,

Song thân khuất bóng con trai muộn về.

Người em vĩnh biệt chiều quê,

Anh còn chinh chiến nặng thề nước non.

Chị ơi ! Kiếp sống mỏi mòn,

Khi chị nhắm mắt em trong lao tù.

Cuộc đòi trải mấy nắng mưa,

Xa quê biền biệt vẫn chưa trọn thề,

Nơi đây cách vạn sơn khê,

Không nghe chuông nhỏ lê thê giọt buồn.

Mỗi lần nhạt nắng chiều hôm,

Đâu đây văng vẳng tiếng buồn thở than,

Dù cho năm tháng phai tàn,

Không quên lời nguyện Chuông vang Cầu Hồn.

Đinh văn Tiến Hùng

(Nhan đề mượn tên tiểu thuyết “Chuông nguyện hồn ai” của E. Hemingway)

Trong bài thơ này,Đinh Văn Tiến Hùng kể lại hoàn cảnh ly tán của gia đình mình mỗi khi nghe tiếng chuông chiều. Một nỗi buồn mênh mang bao trùm. Song thân khuất bóng, Người em vĩnh biệt, người anh còn đi chính chiến, Người chị sống kiếp mỏi mòn, và “Khi chị nhắm mắt em trong lao tù.”. Tác giả trải qua hơn 10 năm trong trại cải tạo. Sau đó ông đi định cư ở nước ngoài, và tiếp tục sống xa quê: “Xa quê biền biệt vẫn chưa trọn thề,/ Nơi đây cách vạn sơn khê,/ Không nghe chuông nhỏ lê thê giọt buồn”.Bài thơ nặng tình quê, tình gia đình hơn là tâm tình cầu nguyện ngợi ca Thiên Chúa.

“Cuộc đời tôi cho đến tận bây giờ,

Chỉ Dâng Thơ thay cho Kinh Cầu Nguyện”

            Khi kể lại những đau khổ của bản thân và gia đình, tác giả không nhìn ra “Cái đẹp” của những đau khổ ấy dưới ánh sáng Tin Mừng và Mỹ học Kitô giáo. Đức Kitô bị xỉ nhục ở dinh Philatô. Ngài phải vác thập giá và chịu đòn roi trên đường lên núi Sọ, và chết cô độc trần trụi trên thánh giá. Tất cả những điều đau khổ ấy tỏa sáng vẻ đẹp Ơn Cứu Độ, vẻ đẹp Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Ngài chính là Thiên Chúa. Ngài chiến thắng tội lỗi, chiến thắng thế gian, chiến thắng sự chết, một “Cái đẹp” hùng vĩ hơn bất cứ cái đẹp nào khác.

            Vâng, giữa nhận thức Mỹ học Kitô giáo và sáng tác trong thơ Đinh Văn Tiến Hùng còn khoảng cách rất xa. Dù sao, trong các khuôn mặt Thi Ca Cầu Nguyện, Đinh Văn Tiến Hùng có khuôn mặt thơ rắn rỏi, góc cạnh và có những nét mới. Xin đọc thêm bài Bản ai ca đồi thập giá để hiểu thêm về nghệ thuật thơ Đinh Văn Tiến Hùng.

5. THƠ THẾ KIÊN DOMINIC

Thế Kiên là người có mặt đều đặn trên cả nguyệt san Đồng Xanh ThơThi Ca Cầu Nguyện ngay từ đầu đến nay. Mỗi số báo đều đăng 3 bài của Thế Kiên. Thử tính TCCN đã phát hành 511 số và Đồng Xanh Thơ phát hành 114 số, tổng số bài thơ của Thế Kiên là: 1875 bài. Một lượng bài “khủng”. Thật đáng nể sức viết của cụ Thế Kiên Dominic (Khi cụ tham gia Đồng Xanh Thơ, Cụ đã trên 90 tuổi).

Thơ Thế Kiên là thơ “giáo huấn”, nằm trong thể “huấn ca” truyền thống (Huấn ca của Trần Lục, Xuân Ly Băng). Thơ được dùng để dạy dỗ về Tin Mừng, về tín lý về đạo đức lối sống và về những điều khôn ngoan ở đời mà người Công giáo cần phải trung kiên thực hiện từ bản thân, từ trong gia đình đến ngoài xã hội.

Tin Mừng Chúa dạy hôm nay:

Yêu thương thù địch, điều này nhớ ghi

Dĩ ân báo oán, thực thi,

Không là nhu nhược, nhưng vì tình thương.

                        (Yêu thương thù địch)

Mùa Chay Thánh, bốn mươi ngày sắp tới

Chúa cho con dọn mình xưng tội nên

            (Ăn chay và cầu nguyện)

Kiêng thịt, ăn chay, thêm nghị lực,

Giao hòa, sám hối, giữ lòng ngay

Thực thi bác ái không quan ngại

Hoạt động tông đồ dẫu đắng cay

            (Sống đạo mùa chay)

Tín hữu ta, ai nấy phải hãm mình

Chịu thương khó, giữ chay và cầu nguyện.

Tưởng nhớ Chúa: 40 ngày trong hoang địa

Người sẵn sàng vâng mệnh Thánh Ý Cha

            (Mùa chay thánh 2)

Người tín hữu trên đường về Quê Thật

Sống Tin Mừng: tin cậy Chúa Giê Su

Luôn sẵn sàng tỉnh thức tránh ba thù

Và vững bước trên con đường Thánh Giá

            (Đường thánh giá)

Người tín hữu luôn nhớ, mình yếu đuối

Như mọi người dương thế… Phải gắng công

Điều tu nhân, tích đức:  học làm lòng

Đường tội lỗi tránh xa… Tin, cậy Chúa…

Trong trường hợp:  sa cơ, phải tẩy rửa

Ngã trên đường, vùng dậy, dấn bước ngay

Chớ nản lòng… Xin sức mạnh Lời Thầy

Nhận Bí Tích Giao Hoà, nguồn an lạc…

                    (Bí tích giao hòa)

Thưởng Xuân vui nhất tại gia đình

Cha mẹ, anh em trọn nghĩa, tình

Nội ngoại: viếng thăm, lòng quý mến

Xóm làng: cụng  chén, dạ chân thành

Đồng bào Đất Nước vui an lạc

Tín hữu Đạo Trời hưởng phúc lành

Tết đến gia đình thêm phấn khởi

Nguyện xin danh Chúa được tôn vinh…

            (Xuân gia đình)

Những lời nhắc nhở, kêu gọi, giáo huấn của Thế Kiên rất đúng, rất chuẩn nên người đọc tín hữu phải “tâm phục khẩu phục”. Những lời “giáo huấn” ấy được viết bằng niềm xác tín, niềm hân hoan của Tin Mừng. Lời thơ rõ ràng, mạch lạc, khúc chiết. Thái độ diễn ngôn là thái độ khẳng định, nên thơ “giáo huấn” dễ đọc.

Thế Kiên có ý thức chắt lọc ngôn ngữ, sử dụng thể Thất ngôn Đường luật để tạo nên tính trang trọng. Các phép đối, gieo vần, bố cụ rất chuẩn theo luật thơ. Nghệ thuật kể chuyện Kinh thánh của Thế Kiên giản dị nhưng hấp dẫn, suy niệm rất nhẹ nhàng:

PHÉP LẠ ĐẦU TIÊN TẠI CANA

(CN 2 TN C (Ga 2, 1-12)

Chúa và Mẹ tham gia tiệc cưới

Tại Cana cùng với môn đồ

Xảy ra một chuyện bất ngờ

Nửa chừng tiệc cưới rượu nho hết rồi

Ý Mẹ muốn Ngôi Lời rạng vẻ

Chúa bỏ qua, nhưng Mẹ ép nài

Gọi người giúp việc tới ngay

Chúa đành ra lệnh chất đầy sáu chum…

Chúa lại bảo ngôi trùm giúp việc

Múc rượu đưa quản tiệc tiếp tân

Bất ngờ, quản tiệc phân vân

Rượu ngon sao để cuối phần tiệc vui ?

***

Thánh sử chép: đây là phép lạ

Lần đầu tiên Chúa đã thực thi

Vâng theo ý Mẹ từ bi

Dạy người môn đệ kiên trì tín trung …

            (Thế Kiên Dominic-TCCN số 98)

            Nội dung “giáo huấn” trong thơ Thế Kiên là những điều mọi giáo hữu đều đã biết, đã được nghe Linh mục giảng dạy nhiều lần. Tôi nghĩ Thế Kiên cần có những khám phá mới mẻ những suy niệm sâu sắc hơn để làm mới thể “huấn ca” truyền thống.

Tôi ghi nhận thơ Thế Kiên Dominic với lòng quý mến và thán phục. Tôi nghĩ rằng, nỗ lực sáng tạo, tâm huyến của cụ Thế Kiên Dominic với thi ca Công giáo là bài học đáng để người làm thơ trẻ học tập.

(Mời xem tiếp phần II)

Tháng Thánh Giuse/ 2022

Bạn có thể download bản full theo link:

https://www.mediafire.com/file/kwvc5qednkz82wz/10+KHUÔN+MẶT+THƠ+TCCN-bài+viết+Offical.pdf/file


[1] Bùi Công Thuấn-Thơ Sơn Ca Linh:

https://www.vanthoconggiao.net/2021/11/khuon-mat-tho-cong-giao-uong-ai-tho-son.html

Bùi Công Thuấn-Thơ Cao Danh Viện:

Những Khuôn Mặt Thơ Ca Công Giáo Đương Đại – Thơ Mic. Cao Danh Viện

[2] http://conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=19860

[3] https://www.vanthoconggiao.net/2019/07/thi-ca-va-cau-nguyen-bai-thuyet-trinh.html

[4] https://www.thanhlinh.net/node/100190

Loading

Đánh giá bài viết
call Hotline 1 0798287075 call Hotline 2 0798 287 075 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok