45 NĂM VĂN CHƯƠNG VIỆT NAM – Một góc ghi nhận
Bùi Công Thuấn
Lời thưa,
Trong khi chờ đợi những công trình nghiên cứu của Viện Văn học, của Hội Nhà văn Việt Nam, của các nhà nghiên cứu lịch sử văn học, tôi ghi lại cảm nhận chủ quan của mình những gì mà mình đã chứng kiến và dõi theo trong 45 năm văn học Việt Nam (1975-2020). Chỉ là một góc nhìn rất hẹp và không tránh được “những khác biệt” với những góc nhìn và cách tiếp cận khác. Điều ấy cũng là lẽ bình thường.
Giai đoạn 1975-2020 lịch sử xã hội Việt Nam trải qua các thời kỳ: thời kỳ khủng hoảng, thời kỳ “đổi mới” và giai đoạn ổn định phát triển. Những năm 1975-1985, Văn chương Cách mạng và kháng chiến tiếp tục phát triển. Các nhà văn từ kháng chiến bước ra đời thường, họ viết với nguồn cảm hứng còn nóng bỏng của thời chống Mỹ. Giai đoạn 1986-1996, công cuộc “đổi mới” đã mở ra nhiều triển vọng, nhưng cũng có những va đập dữ dội. Tư tưởng và Văn học Nghệ thuật buộc phải đổi mới. Văn chương nhân văn và dân chủ phát triển ào ạt. Từ 1996 trở đi, đời sống xã hội đã chuyển hẳn sang nền kinh tế thị trường, đất nước đã hội nhập toàn cầu hóa. Nghị quyết Trung ương 5 (1998) và Nghị quyết 23 (2008) của Bộ Chính trị khuyến khích nhà văn tìm tòi sáng tạo, văn chương đã vượt ra khỏi phạm vi của chủ nghĩa Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa …
NHÂN TỐ QUYẾT ĐỊNH
Bạn đọc hải ngoại và bạn đọc những thế hệ sau cần hiểu điều này.
45 năm 1975-2020, Đảng và Nhà nước đã kiên định những quan điểm về văn học nghệ thuật của chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Những quan điểm này ngày càng được cụ thể hóa trong các nghị quyết (1). Đáng kể nhất là Nghị quyết Trung ương 5 (1998), Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (2008), và gần đây là Nghị quyết Trung ương 33 (2014). (Tôi xin không trích dẫn lại các Nghị quyết này).
Những quan điểm cơ bản vẫn là: Văn hóa, văn nghệ là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo, có nhiệm vụ phục vụ sự nghiệp cách mạng. Văn học phải phản ánh cho được hiện thực cách mạng, góp phần giáo dục quần chúng. Văn nghệ sĩ là chiến sĩ của Đảng trên mặt trận văn hóa tư tưởng.
Đảng lãnh đạo toàn diện văn nghệ về tư tưởng, tổ chức và hoạt động.
Hiện nay (2020), Hội Nhà văn Việt Nam có 1100 hội viên. 65 Hội VHNT địa phương mỗi Hội cũng có hàng trăm hội viên. Những người thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa văn nghệ ở các cơ quan Nhà nước (Tuyên giáo), báo chí, các nhà xuất bản, các đài phát thanh truyền hình, các trường Đại học, các Viện…là một đội ngũ đông đảo. Như vậy, đội ngũ “chiến sĩ” của Đảng là một lực lượng rất lớn. Đội ngũ này thường xuyên được học nghị quyết của Đảng, tham gia các trại sáng tác mà đề tài, nội dung đã được xác định trong nhiệm vụ chính trị; tham gia các cuộc thi văn nghệ mà mục đích phục vụ chính trị cũng rất cụ thể. Họ cũng được hỗ trợ sáng tác, được tạo mọi điều kiện hoạt động văn nghệ và tặng giải thưởng…
Từ năm 2009 đến nay (2019), Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đã mở nhiều lớp tập huấn về quan điểm của Đảng, về công tác quản lý văn nghệ, nhằm thống nhất lực lượng trên mặt trận tư tưởng, đấu tranh chống những quan điểm và khuynh hướng sai trái về văn học nghệ thuật. Năm 2013 mở lớp tập huấn chuyên đề “Quan điểm của Đảng về văn học, nghệ thuật và hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật”. Năm 2014 tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay”. Tháng 4 năm 2015 mở tập huấn “Mấy vấn đề về lý luận và thời sự trong đời sống văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay”. Tháng 11 năm 2017 mở lớp tập huấn: “Nâng cao trình độ nhận thức lý luận và năng lực lãnh đạo, quản lý Văn học nghệ thuật trong giai đọn hiện nay”, trong đó có chuyên đề: “Quán triệt đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng trong thời kỳ đổi mới”. Tháng 9 năm 2018, Hội nghị tập huấn: “Xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam”, chuyện luận về “đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng” được nhắc lại. GS Hà Minh Đức nhắc lại các “quan điểm của Marx và Engel về văn học nghệ thuật”; và một chuyên luận về “ Đấu tranh phản bác quan điểm, luận điểm sai trái trong văn học nghệ thuật”. Năm 2019, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Vai trò định hướng của phê bình trong hoạt động thực tiễn và sáng tạo văn học, nghệ thuật hiện nay“…
Tất cả các hoạt động trên của Hội Nhà văn, của các Hội VHNT địa phương, của Hội đồng lý luận và phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương đều là hoạt động trong lĩnh vực tư tưởng, tổ chức của Đảng, nhằm thống nhất lực lượng, tạo ra sức mạnh chính trị to lớn trong cuộc đấu tranh tư tưởng.
Trong bối cảnh xã hội có nhiều biến động, thì sự kiên định đường lối văn nghệ ấy trở thành bản lĩnh. Giai đoạn Việt Nam lâm vào khủng hoảng (1975-1985), hoặc khi Việt Nam mở cửa hội nhập toàn cầu hóa (1986), đón nhận cái mới, cái tốt và cả cái xấu, cái không phù hợp; bao nhiêu trào lưu tư tưởng về văn hóa văn nghệ bên ngoài tràn vào làm cho không ít văn nghệ sĩ mất phương hướng, và tạo ra sự “loạn chuẩn” trong đời sống văn học, thì Đảng đã giữ cho nền văn học phát triển đúng hướng.
Đến nay, quan điểm về xây dựng một nền vǎn học – nghệ thuật thấm nhuần tinh thần nhân vǎn, dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người. Khuyến khích tìm tòi, thể nghiệm mọi phương pháp, mọi phong cách sáng tác vì mục đích đáp ứng đời sống tinh thần lành mạnh, bổ ích cho công chúng. Bài trừ các khuynh hướng sáng tác suy đồi, phi nhân tính” của Nghị quyết Trung ương 5 và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đã mở ra thời đại mới, đưa văn học nghệ thuật Việt Nam cùng với đất nước hội nhập với nhân loại.
NHỮNG DÒNG CHẢY VĂN CHƯƠNG
Cho đến nay, văn chương Việt Nam đã định hình rõ 3 dòng chảy: Văn học Cách mạng và kháng chiến, Văn chương Dân chủ và Nhân văn và Văn chương thị trường.
Xu thế chung của các dòng chảy văn học là muốn thoát khỏi, muốn viết khác đi, hay còn gọi là cách tân, so với văn chương tả thực xã hội chủ nghĩa (1945-1975). Xu thế “cách tân” ngày càng chiếm ưu thế do có sự dung nạp những cách viết mới từ văn chương thế giới; TS. Lê Thị Bích Hồng đã có bài tổng hợp khá đầy đủ các tác phẩm văn học 30 năm đổi mới. Xin đọc “Văn học Việt Nam đồi mới trong cơ chế thị trường” (http://vanvn.net/thoi-su-van-hoc-nghe-thuat/van-hoc-viet-nam-doi-moi-trong-co-che-thi-truong/456)
- Văn chương “Cách mạng và kháng chiến”
Gọi là văn chương cách mạng và kháng chiến vì nội dung của dòng văn chương này viết về hiện thực cách mạng, viết về đời sống kháng chiến của nhân dân. Dòng văn chương này tiếp tục con đường của văn chương giai đoạn trước. Đa số tác giả là những người trực tiếp chiến đấu ở chiến trường trở về. Họ sáng tác theo mô hình “thi pháp” của văn chương kháng chiến.
Dòng văn chương này kiên trì các đề tài do Hội Nhà văn, các Hội VHNT địa phương đề ra. Đề tài lịch sử, cách mạng và kháng chiến; đề tài “học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, về suy thoái đạo đức; về hội nhập và phát triển, về nông thôn mới, về công nhân; viết cho thiếu nhi, viết về các dân tộc ít người, viết về các ngành nghề (thí dụ, đề tài giao thông vận tải, ngân hàng…). Hội Nhà văn Việt Nam và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương liên tục tổ chức các trại sáng tác, đưa hội viên đi thực tế; liên tục tổ chức các cuộc thi thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết; hàng năm tổ chức trao giải…
Khối lượng tác phẩm do các Hội VHNT địa phương, các trại sáng tác trong 45 năm qua là hết sức đồ sộ. Các tác phẩm văn học cách mạng và kháng chiến được đánh giá là thành tựu to lớn, góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Đảng. Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học là sự tôn vinh những thành tựu ấy.
Xin đơn cử, chỉ riêng nhiệm kỳ 2005-2010 của Hội Nhà văn Việt Nam, ”Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn thể hội viên của Hội đã cho xuất bản 1875 tác phẩm. Trong đó, văn xuôi: 942 tác phẩm; thơ: 611 tác phẩm; văn học dịch 83 tác phẩm; Lý luận phê bình 239 tác phẩm”(2);
Báo cáo nhiệm kỳ 2010-2015 :”trong nhiệm kỳ qua, toàn Hội đã sáng tác được 1216 tác phẩm thuộc đủ các thể loại (3)… .
Báo cáo tổng kết giải thưởng 5 năm của Bộ Quốc phòng (2009-2014): ”Chọn lựa trong 200 tác phẩm văn học, gần 500 tác phẩm mĩ thuật, gần 1000 tác phẩm nhiếp ảnh, 400 tác phẩm âm nhạc, 50 tác phẩm múa, 44 tác phẩm điện ảnh, 30 tác phẩm sân khấu… để lựa chọn ra và trao 185 giải thưởng ở cả 8 lĩnh vực. Trong đó, có 19 giải A, 35 giải B và 54 giải C và 77 giải khuyến khích.
Trong văn học, hình tượng “Bộ đội Cụ Hồ”, hình ảnh người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam cao đẹp được nhiều tác phẩm thể hiện thành công, kêu gọi lòng nhân ái và tinh thần yêu hòa bình của con người. Các tác phẩm nổi bật như: tiểu thuyết Đèn kéo quân của tác giả lão thành Lương Sĩ Cầm, tiểu thuyết Phượng Hoàng của tác giả Văn Lê, tập thơ Sương đẫm lá khộp khô của nhà thơ Ngân Vịnh, hai trường ca Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến và Hạ thủy những giấc mơ của Nguyễn Hữu Quý… đã cho ta thấy vẻ đẹp, ý chí quật cường, lòng dũng cảm sự hi sinh, gian khổ và lòng cao thượng của chiến sĩ Việt Nam.”(Văn nghệ quân đội online 17.10.2015). Xin đọc thêm Mùa gặt văn chương, báo cáo bế mạc trại sáng tác văn học Hội Nhà văn, Vũng Tàu 04/2014 (4).
Và đây là một thành quả:
Bản tin về tiểu thuyết Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của Trần Mai Hạnh:
“Đúng dịp kỷ niệm 39 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2014), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật giới thiệu với bạn đọc cuốn “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của Trần Mai Hạnh. Đây là tác phẩm duy nhất của thể loại văn xuôi được Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam quyết định trao tặng “Giải thưởng Văn học năm 2014” với số phiếu tuyệt đối. Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: Các nhà khoa học hàng đầu về văn chương trên thế giới đã dự báo thế kỷ XXI là thế kỷ của văn học tư liệu. Hiện nay hàng loạt hồi ký của các nhân vật chính trị, tướng lĩnh, các nhà doanh nghiệp lớn, chiếm lượng phát hành lớn, thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng. Văn học tư liệu đã đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình văn học hiện đại. Cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử của nhà báo Trần Mai Hạnh đã phác họa sinh động sự sụp đổ, chân dung của hầu hết tướng lĩnh quân đội và số phận những người cầm đầu chính quyền tay sai Sài Gòn trong 4 tháng cuối cùng của kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, làm nổi bật chiến thắng vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng.
Nhà phê bình Bùi Việt Thắng nhận xét: “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” là một “hiện tượng” vì lần đầu tiên trong văn học tư liệu có cái nhìn “ngược sáng” về “phía bên kia”. Tác giả đã không đứng ở phía “người chiến thắng” thông thường, không lấy hình ảnh người bộ đội Cụ Hồ làm chính thể như những tác phẩm khác về chiến tranh. Cách nhìn khách quan, trung lập của tác giả đã giúp độc giả hiểu rõ hơn về nội tình của chính quyền Việt Nam Cộng hòa thời đó cũng như đi sâu tìm hiểu nguyên nhân sụp đổ của chính quyền này.(5)
Các báo cáo tổng kết của các Hội Văn học nghệ thuật luôn đầy thành tích lạc quan như vậy.
***
Nhưng nếu đánh giá thực chất theo yêu cầu của các Nghị quyết, thì có rất ít tác phẩm “phản ánh hiện thực sinh động, chân thật và sâu sắc sự nghiệp của nhân dân trong cách mạng và kháng chiến, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc…”, có rất ít tác phẩm ”thấm nhuần tinh thần nhân vǎn, dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người”, và chưa có tác phẩm nào được tôn vinh về ”phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Trong trường học cũng không có tác phẩm văn học Cách mạng và kháng chiến giai đoạn 1975-2020 được giảng dạy. Học sinh gần như xa lạ và không có hứng thú khi học văn học 1945-1975.
Tại sao có tình trạng này? Có thể hiểu rằng, chiến tranh đã kết thúc gần nửa thế kỷ, các thế hệ người đọc sinh ra sau chiến tranh ít nhất cũng đã 45 tuổi. Họ sống trong thời bình, trong một bối cảnh xã hội hoàn toàn khác với thế hệ cha anh. Họ nhìn ra thế giới và mơ ước cuộc sống sung túc. Cuộc sống đương đại trong sự phát triển toàn cầu hóa với những mạng 4G, 5G đặt ra những vấn đề khác. Các thế hệ 8x, 9x, 1K, 2K quan tâm đến những vấn đề của hôm nay.
Hơn nữa, những nhà văn đã trải qua chiến trường cũng đã mai một gần hết, thế hệ cầm bút sau đó viết về chiến tranh mà không có trải nghiệm, thành ra tác phẩm khó thuyết phục. Văn chương Cách mạng và kháng chiến bây giờ viết nhiều về đau thương mất mát cá nhân, cái nhìn về chiến tranh cũng khác trước nhiều (chẳng hạn cái nhìn dưới quan điểm hòa hợp hòa giải dân tộc). Vì thế, người đọc nếu đã quen với khuynh hướng sử thi của văn chương giai đọan trước, sẽ không còn tìm thấy những nhân vật anh hùng, sáng ngời lý tưởng trong tác phẩm văn chương hôm nay. Xin đọc Trong cơn lốc xoáy (2016), tiểu thuyết hơn 1000 trang của Trầm Hương viết về người cán bộ cách mạng tên Vạn. Vạn từng bị Pháp bắt đày Côn đảo 15 năm, vậy mà trong kháng chiến chống Mỹ, Vạn lại lụy vì tình và từng là người đi tìm gái cho những ông chủ Mỹ. Vạn triết lý: ”Ôi, lý tưởng, hoài bão, ước mơ vá biển lấp trời của ta rốt cuộc đều thua trước thực tế đàn bà…”. Tiểu thuyết Con chim Joong bay từ A tới Z của Đỗ Tiến Thụy (2017) viết về chiến tranh theo một cách khác hẳn trước đó.
Đánh giá từ các nghị quyết, các báo cáo, các cuộc hội thảo đều nhận định rằng:
“Trong sáng tác, biểu diễn, truyền bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật còn không ít tác phẩm và hoạt động chưa thể hiện được tính chất tiên tiến và bản sắc dân tộc. Số lượng tác phẩm ngày càng nhiều song còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Trong một số tác phẩm, lý tưởng xã hội – thẩm mỹ không rõ nét, ý nghĩa xã hội còn hạn hẹp. Một số văn nghệ sĩ còn hạn chế trong tiếp cận và nhận thức những vấn đề mới của cuộc sống, chưa cảm nhận đầy đủ ý nghĩa, chiều sâu và tính phức tạp của quá trình chuyển biến mang tính lịch sử trong thời kỳ mới của đất nước… “(Nghị quyết 23)
- Văn chương “Nhân văn và Dân chủ”
Văn chương thời kỳ đổi mới (1985-1995) và sau đổi mới đến nay chưa được tổng kết đánh giá và định vị như các giai đoạn văn học trước. Lấn cấn đó là vì nhiều lẽ.
Gọi là văn học “đổi mới” thực ra chỉ là sự quyết liệt lìa bỏ chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Văn chương chống Pháp và chống Mỹ “miêu tả hiện thực cách mạng, kết hợp với lãng mạn cách mạng thông qua điển hình hóa cao độ”. Đánh giá tác phẩm dựa trên tính Đảng, tính nhân dân và nhiệm vụ phục vụ cách mạng trong từng thời kỳ cụ thể. Khi được “cởi trói” và “đổi mới tư duy”, nhà văn nhận ra, trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, hiện thực vốn phức tạp, có phần sáng và có phần tối. Nhận ra trách nhiệm nhà văn phải lên tiếng trước những vấn đề bức xúc của đời sống, không thể cứ tụng ca lãng mạn, họ thấy cần phải đổi mới cách viết. Nhà văn muốn viết phần “sự thật” chưa được văn chương cách mạng nói tới, bởi một nửa chân lý không phải là chân lý.
Có người gọi dòng văn chương này là văn chương thức tỉnh. Tôi cho rằng cách gọi đó không đúng. Sự đổi mới nằm ở ý thức mới về tư tưởng – thẩm mỹ và phương pháp sáng tác. Tôi gọi là dòng văn chương nhân văn và dân chủ (mượn chữ của Nghị quyết Trung ương 5 và Nghị quyết 23- đã dẫn). Dòng văn học này rời bỏ hẳn chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, nhìn hiện thực từ góc nhìn nhân dân, một hiện thực đa diện, phức tạp. và được viết bằng kiểu bút pháp hiện thực trần trụi với cảm hứng phê phán. Với định kiến rằng chủ nghĩa xã hội là tốt đẹp, người ta không thể chấp nhận cái hiện thực được miêu tả trong những tác phẩm của dòng văn chương này.
Có thể kể đến Đứng trước biển (1982), Cù lao Tràm (1985- Nguyễn Mạnh Tuấn), Chiếc thuyền ngoài xa (1983-Nguyễn Minh Châu), Thời xa vắng (1984-Lê Lựu), Thiên sứ (1989-Phạm Thị Hoài) truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (Tướng về hưu-1987), Nỗi buồn chiến tranh (Thân phận tình yêu 1987- Giải thưởng Hội Nhà văn 1991-Bảo Ninh), Bên kia bờ ảo vọng (1987) và Những thiên đường mù (1988-Dương Thu Hương), Mảnh đất lắm người nhiều ma (1990-Nguyễn Khắc Trường), Một người Hà Nội (1990-Nguyễn Khải), Chuyện kể năm 2000 (2000- theo lời tác giả, tiểu thuyết này được viết từ tháng 6 năm 1990 đến 30 tháng 11 năm 1991 thì hoàn tất. Bản thảo được xem lại lần cuối vào tháng 8 năm 1998), Cánh đồng bất tận (2005-Nguyễn Ngọc Tư), Ba người khác (2006-Tô Hoài), Thời của thánh thần (2008-Hoàng Minh Tường), Quán dương cầm (Đặng Thị Thanh Liễu- tạp chí Langbian Lâm Đồng số 75, 76 tháng 7, 8/2009), Bóng anh hùng (2009-Doãn Dũng), Mối chúa (Đãng Khấu-2017), Kiến, Chuột và Ruồi (Nguyễn Quang Lập-2019) …
Cần nhận rõ đây là dòng văn học phức tạp về tư tưởng và mục đích viết văn. Giá trị của nó tùy thuộc vào góc nhìn chính trị hay góc nhìn “nhân văn- dân chủ”. Xét đến cùng, các tác phẩm của dòng văn học này là hành động phủ định chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, nhưng chưa định hình hẳn một trào lưu nghệ thuật mới có giá trị cách tân cho một giai đọan văn học mới. Dòng văn học này vẫn chỉ là “phản ánh hiện thực”, phần hiện thực chưa được văn chương cách mạng khai phá. Thực ra, nó gây ra ồn ào vì lý do ngoài văn chương, không hẳn là do nghệ thuật văn chương, tư tưởng. Về tư tưởng, nhiều tác phẩm trình bày những cái nhìn trái ngược với quan điểm của Đảng và Nhà nước, chẳng hạn quan điểm về chiến tranh, về Cải cách ruộng đất, về những tiêu cực trong đời sống xã hội hôm nay… Vì thế đã có những tác phẩm bị dừng phát hành (thí dụ: Chuyện kể năm 2000, Mối chúa).
Trong đời sống văn học, cũng xuất hiện những cuốn sách chính trị mang dáng dấp sách văn chương, bởi nội dung và mục đích của nó là chính trị. Chẳng hạn, việc sử dụng văn chương (hậu hiện đại) để “giải thiêng”, để “hạ bệ thần tượng” nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Năm mục tiêu của sách lược “diễn biến hòa bình” là: “…xóa bỏ chủ nghĩa Mác – Lê-nin, xóa bỏ sự lãnh đạo của đảng cộng sản, thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, gây mất ổn định về chính trị…(6)
Trên tạp chí Quốc phòng Toàn dân, Phạm Văn Sơn nói cụ thể hơn:
”Trên lĩnh vực văn học – nghệ thuật, báo chí, xuất bản, chúng ra sức vận động thành lập “Văn đoàn độc lập”, “Hội nhà báo độc lập”, “Công đoàn độc lập”; tán phát một số cuốn sách được xuất bản ở hải ngoại, như: “Con đường Việt Nam” của Trần Huỳnh Duy Thức, “Bên thắng cuộc” của Huy Đức, “Đèn cù” của Trần Đĩnh,… nhằm “bôi nhọ” đời tư của các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, v.v.(7)
Cần nói rõ những “tác phẩm” được Phạm Văn Sơn kể ra ở trên không phải là tác phẩm văn chương. Tuy vậy nó có gây ra tác động đến đời sống tinh thần của một bộ phận người đọc
Trở lại dòng văn chương dân chủ và Nhân văn, có lẽ sự “nhạy cảm” chính trị của những tác phẩm này đã gây khó cho các nhà viết lịch sử văn học Việt Nam giai đoạn 1975-2015 (?). Không thể phủ định thành tựu của dòng văn chương này, nhưng nó không nằm trong quan điểm văn học của Đảng. Nó xuất hiện trong bối cảnh Đảng “đổi mới tư duy”, “nhìn thẳng vào sự thật”, mà thực tế cao hơn lý luận. Ứng xử với nó, người ta chọn cách nhìn riêng lẻ từng tác phẩm và chỉ xét ở góc độ nhân văn và dân chủ. Điều ấy thể hiện ở việc trao giải văn học. Hội Nhà văn Việt Nam đã trao giải thưởng cho Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh năm 1991, cho Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư năm 2006.
***
Sự từ bỏ chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa cũng được nhận thức về mặt lý luận. Đầu tiên là bài của Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến – “Về một đặc điểm của văn học và nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua” (1979). Sau đó 8 năm là bài của nhà văn Nguyễn Minh Châu – “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”. (1987)
Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến nói đến một thứ “chủ nghĩa hiện thực phải đạo” chỉ phản ánh cái hiện thực phải – là, chứ không phải cái hiện thực đang – là: “Nhìn chung trong sáng tác hiện nay, sự miêu tả cái phải tồn tại lấn át sự miêu tả cái đang tồn tại. Và chúng tôi tán thành ý kiến của Nguyễn Minh Châu cho rằng sự lấn át này đương là một cản trở “trên con đường đi đến chủ nghĩa hiện thực”, đặc biệt trong thể loại tiểu thuyết. Đứng ở bình diện cái phải tồn tại, người nghệ sĩ dễ bị cuốn hút theo xu hướng miêu tả cuộc sống “cho phải đạo”, còn đứng ở bình diện cái đang tồn tại thì mối quan tâm hàng đầu là miêu tả sao cho chân thật. Đọc một số tác phẩm chúng tôi thấy tác giả dường như quan tâm đến sự phải đạo nhiều hơn tính chân thật. Có thể gọi loại tác phẩm này là “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”. Thực ra, ngay trong đời sống thực tại, do quy luật của sự thích nghi sinh tồn, dần dần được hình thành những kiểu người “phải đạo” với những cung cách suy nghĩ, nói năng, ứng xử được xem là “phải đạo”. Khái quát những hiện tượng hết sức thực tại này vẫn sản sinh ra “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”(8).
Nhà văn Nguyễn Minh Châu nói đến một giai đoạn văn nghệ minh họa:”Tôi không hề nghĩ rằng mấy chục năm qua nền văn học cách mạng – nền văn học ngày nay có được là nhờ bao nhiêu trí tuệ, mồ hôi và cả máu của bao nhiêu nhà văn – không có những cái hay, không để lại được những tác phẩm chân thực. Nhưng về một phía khác, cũng phải nói thật với nhau rằng: mấy chục năm qua, tự do sáng tác chỉ có đối với lối viết minh họa, văn học minh họa, với những cây bút chỉ quen với công việc cài hoa, kết lá, vờn mây cho những khuôn khổ đã có sẵn mà chúng ta quy cho đấy đã là tất cả hiện thực đời sống đa dạng và rộng lớn. Nhà văn chỉ được giao phó công việc như một cán bộ truyền đạt đường lối chính sách bằng hình tượng văn học sinh động, và do nhiều lý do từ những ngày đầu cách mạng, các nhà văn cũng tự nguyện tự giác thấy nên và cần làm như thế (thậm chí có phần nào các nhà văn mới đi theo cách mạng và kháng chiến còn coi đó là cái mới, là hoàn cảnh “lột xác”.(9)
Năm 2012 Giáo sư Trần Đình Sử đề nghị bỏ khái niệm phương pháp sáng tác: ”Tôi thấy đã đến lúc dứt khoát loại bỏ khái niệm phương pháp sáng tác nhằm hoàn thiện hệ thống lí luận văn nghệ của chúng ta. Bỏ khái niệm phương pháp sáng tác không phải là hành vi theo đuôi nước ngoài, mà là bỏ đi một thuật ngữ nguỵ tạo của lí luận văn học Xô viết, vốn không có trong lí luận mác xít, để hệ thống lí luận văn học được chặt chẽ hơn, phù hợp với tinh thần của chủ nghĩa Mác, đồng thời nội dung mà ta vẫn gọi là “phương pháp sáng tác” thì chuyển sang lí thuyết hay chủ trương về sáng tác (10). Người ta hiểu rằng Giáo sư Trần Đình Sử muốn loại bỏ phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa mà Trường Chinh đã nói đến trong báo cáo Chủ Nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam.(11)
Năm 2015, đi xa hơn về mặt lý luận, Giáo sư Trần Đình Sử nói về tình trạng khủng hoảng lý luận ông kết luận:”Tóm lại, lí luận văn học mác xít vì bản chất là xã hội học, tuy có đem lại một ít sinh khí, khí thế trong đấu tranh xã hội, nhưng nhìn chung đối với phê bình văn học nghệ thuật, một lĩnh vực thẩm mĩ, nó có rất nhiều hạn chế và khiếm khuyết. Trong điều kiện xã hội học mác xít độc tôn thì các khiếm khuyết ấy càng phát huy tác dụng tiêu cực. Chỉ đến thời Đổi mới người ta mới dám nhìn thẳng vào các tiêu cực ấy, dám phê bình nó, vượt qua nó để vươn tới phát triển nền lí luận, phê bình văn học phong phú, đa dạng, giàu sức sống.”(12)
Nói về việc xây dựng nền lý luận văn học Việt Nam, ông nói cụ thể hơn: ”…từ góc độ diễn ngôn cho phép chúng ta có thể quan niệm rằng muốn xây dựng một nền lí luận văn học Việt Nam hiện đại, xứng tầm thời đại và dân tộc như nhiều người mong muốn, vấn đề không phải là quán triệt tư tưởng này, chủ trương nọ, không phải học tập cho có hệ thống lí thuyết nước ngoài, mà then chốt là đột phá bốn yếu tố của diễn ngôn lí thuyết. Muốn thế thì xây dựng đội ngũ các nhà lí luận, nghiên cứu, tạo điều kiện cho họ được học tập, sáng tạo tự do, để họ tự kiến tạo hệ thống của riêng mình, phương pháp của mình, đem vận dụng vào thực tế văn học mà họ tâm đắc. Căn cứ vào các bình diện của diễn ngôn cần phải trau giồi hệ thống thuật ngữ, chuẩn hóa nội hàm. Không ngừng mở rộng khung tri thức theo các giới hạn mà lí luận thế giới đang mở ra. Dân chủ hóa, đa nguyên hóa về ý thức hệ và hệ thống quyền lực, thì chắc chắn một nền lí luận văn học Việt Nam hiện đại sẽ xuất hiện từ trong thực tế nghiên cứu sinh động theo tinh thần sáng tạo ấy.”(13)
Lã Nguyên (2015) cũng nói đến những hạn chế của nền lý luận văn nghệ Mác xít (14): “Khi công cuộc đổi mới văn nghệ được khởi động, trên các diễn đàn học thuật, người ta truy vấn, thảo luận sôi nổi về hàng loạt nguyên lí quen thuộc của mĩ học Mác –xít truyền thống. Cũng từ đây, trong các công trình nghiên cứu của giới khoa học, trong các luận văn, luận án của sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, hệ thống lí luận văn nghệ Mác xít truyền thống không còn là ưu tiên lựa chọn hàng đầu để tiếp cận đề tài. Ở các lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa cũng không còn là ưu tiên lựa chọn của văn nghệ sĩ…Nói tóm lại, giờ đây, ai cũng nhận ra, lí luận văn nghệ và mĩ học Mác xít truyền thống không thể giữ được vị thế vốn có vì nó đã trở nên xơ cứng, bất cập trước thực tiễn khoa học và sáng tạo nghệ thuật của thời đại.” Ông dẫn lời Phan Trọng Thưởng“… Từ những năm chín mươi của thế kỷ 20 đến nay, hệ thống lý luận về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa và cùng với nó là phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, sau hơn bảy mươi năm tồn tại và phát triển, đã không đủ sức trụ vững ngay trên mảnh đất quê hương của nó. Dường như nó đã hoàn tất sứ mệnh lịch sử của mình để nhường chỗ cho những quá trình văn học khác đang nhen nhóm và thay thế”(15)
Nhìn vào thời điểm những bài viết, người đọc thấy rõ các “nhà lý luận” đã đi sau nhà văn khá xa. Nếu tính từ những năm 1986-1990, văn chương thoát ly chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đã đạt được những thành tựu có giá trị khẳng định thì mãi 25 năm sau (2015) các “nhà lý luận” mới dám nói đến sự việc phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa đã hoàn tất sứ mệnh lịch sử. Thực tế ở Việt Nam cho thấy lý luận văn chương luôn đi sau sáng tác, yếu kém và lạc hậu, chưa trở thành ánh sáng tiên phong cho sáng tác. Nguyên nhân do đâu, xin để các “nhà lý luận” trả lời.
***
Người ta đi tìm câu trả lời ở các Hội nghị Lý luận, phê bình văn học lần thứ I (2003), lần II (năm 2006), lần III (2013), lần thứ IV tại Tam Đảo (2016).
Khai mạc Hội nghị lần III, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà Văn cho biết: “Chủ đề lần thứ I đề cập đến vấn đề đánh giá tiến trình phát triển của văn học thế kỷ 20; chủ đề lần thứ II: Phát huy vai trò, tính sáng tạo của nhà văn. Và lần thứ III mang chủ đề “Nâng cao chất lượng, hiệu quả lý luận phê bình văn học”(16).
Chủ đề của Hội nghị LLPB lần thứ IV là “Văn học-30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển
Tiến sĩ Lê Thành Nghị trong phát biểu đề dẫn Hội nghị lần III nêu một số vấn đề cụ thể của lý luận, phê bình:” vấn đề mối quan hệ giữa nội dung và hình thức, vấn đề vai trò chủ thể sáng tạo, vấn đề ngôn ngữ nghệ thuật, lý thuyết tiếp nhận, văn học và hiện thực, phương pháp sáng tác…chưa được soi sáng thấu đáo từ góc độ lý thuyết đến diễn giải những dấu hiệu của thực tế sáng tạo. Trong khi đó, nhiều vấn đề nảy sinh từ sự đời sống hiện tại của văn học chưa kịp được nghiên cứu, lý giải, hướng dẫn, tổng kết, cắt nghĩa các hiện tượng, soi sáng chúng trên bình độ lý thuyết, nhận thức và phân tích chúng bằng tư duy luận lý, từ đó chỉ ra con đường triển vọng, dự báo những khả năng hiện thực…”(17)
Đây là một vài ý kiến phát biểu nhận xét về Hội nghị II (18):
Họ đến Hội nghị với một tinh thần nghiêm túc và nhiệt tình. Tuy nhiên, những tham luận trong Hội nghị còn có sự tản mạn về đề tài (Phạm Tiến Duật).
Hội nghị còn khá nhiều tham luận nói đến những vấn đề quá cũ kỹ, tôi đã nghe nhiều lần. Sự lặp đi lặp lại những ý kiến, những phát hiện không mới hay chỉ là sự bày tỏ những bức xúc gì đó của cá nhân (Nguyễn Hòa).
Vẫn cái cũ lặp lại nhiều và nếu người ta có đề nghị cái mới thì tôi cũng không nhận thấy sự cụ thể và rõ ràng. Theo tôi, hội thảo nên tập trung khai thác nhiều vấn đề mới hơn nữa trong lý luận văn học (Inrasara).
TS Chu Văn Sơn nhận xét:“Thực tế, các hội nghị về nghệ thuật thì người ta chỉ chú trọng đến những thành công bên ngoài chứ không chú trọng vào những thành công ở bên trong. Tạo dựng cho các đại biểu một địa điểm đổi gió, một nơi để anh em cùng nghề gặp nhau, qua sự giao lưu bên lề để có thể góp ý cho nhau thì hội nghị này coi như đã thành công rồi.
Nhận xét về Hội nghị Lý luận, phê bình lần III năm 2006, Ngô Vĩnh Bình viết trong bài “Văn chương 2006, rối như canh hẹ:“Điểm nóng thứ hai của văn học năm 2006 là phê bình văn học. Tốn kém cả trăm triệu đồng, kéo cả trăm người xuống Đồ Sơn để hy vọng “hắt những chảo lửa” xuống cái “ao lý luận phê bình” bấy nay đìu hiu, buồn tênh và tĩnh lặng (theo từ dùng của nhà thơ Trần Đăng Khoa) nhưng kết quả thu được là thế nào? Có thể nói rằng rất ít! Vẫn là những vấn đề, những câu hỏi mà Hội nghị Lý luận – Phê bình lần thứ nhất ở Tam Đảo đã đặt ra, những vấn đề, những câu hỏi chưa được giải đáp.”(19)
Vâng, đã có nhiều hội nghị về lý luận, phê bình văn học nhưng những vấn đề của thực tiễn văn học Việt Nam cho đến nay vẫn chưa được giải quyết. Chẳng hạn, làm thế nào để có tác phẩm văn học đỉnh cao? Đã có những ý kiến chỉ ra rằng việc tiếp thu các lý thuyết văn học phương Tây có chỗ bất cập, vì các tác giả phương Tây viết cho nền văn học của họ, vậy thì đến bao giờ mới có một nền lý luận văn học Việt Nam cho nền văn học Việt Nam? Và đây một thực tế, Ngô Vĩnh Bình viết: ”…Ở Hội An khi đến dự đêm thơ, nghe nhà thơ đọc thơ (diễn thơ), có người đã hỏi “người ta (nhà thơ) đang làm gì thế ”? Có người không tránh khỏi bất ngờ đã phải viết “thơ là vậy sao”?… Các nhà phê bình thì dường như “chạy mất dép” cả. Không ai dám bảo đó là thơ và cũng chăng ai dám nói đó không phải là thơ. Tôi chưa thấy một bài phê bình nào dám “nhìn thẳng” vào các nhà thơ trẻ, đặc biệt là các nữ thi sĩ trẻ để khen thuyết phục và chê thuyết phục.”, còn Nguyễn Thúy Hằng, người làm thơ trẻ, nhận định về giới phê bình:“đội ngũ các nhà phê bình quá ít và trình độ của họ hiện nay chỉ dừng ở mức độ khen – chê, chưa đủ sức phân tích tác phẩm trọn vẹn”. Phó giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái: “Bản chất của văn học là chữ, và đòi hỏi duy nhất là đọc cho “vỡ chữ”. Các nhà phê bình hiện nay đang gặp phải bi kịch: đọc không vỡ chữ. ” (Hội nghị lần III)
Lý giải vấn đề “khủng hoảng” của lý luận, phê bình văn học, nhà văn Hoàng Quốc Hải (tham luận Hội nghị lần II- vẫn nhìn theo cách nhìn Marxist) cho rằng:“Hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ, Ban Văn hóa tư tưởng cũng như Hội đồng lý luận Trung ương có đề ra “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tuy nhiên, đó là định hướng mờ nhạt. Vì rằng “định hướng xã hội chủ nghĩa” nhưng lại hoạt động theo cơ chế thị trường. Định hướng xã hội chủ nghĩa với cơ chế thị trường khắc chế nhau như nước với lửa nhưng lại song song tồn tại. Do vậy, các nhà lý luận nước ta rơi vào khủng hoảng triền miên là một sự đương nhiên.” Cách lý giải này không thuyết phục.
Một vấn đề “nóng” của thực tiễn: Ở Hội nghị lần III, từ phát biểu của nhà lý luận Nguyễn Văn Lưu về luận văn của Đỗ Thị Thoan, Giáo sư Phong Lê lên tiếng: Ai làm luận văn xúc phạm lãnh tụ, hãy truy đến tận gốc xem hội đồng thạc sĩ ai chấm, ai lập hội đồng. Không thể chấp nhận được. Cần phải lên tiếng. Nhà phê bình Nguyễn Văn Lưu đặt thẳng vấn đề với các đồng nghiệp :” Chúng tôi muốn góp ý với các đồng nghiệp là nhà văn Nguyễn Đăng Điệp-Viện trưởng Viện Văn học, và nhà văn Văn Giá- Trưởng khoa Lý luận-Phê bình Văn học Trường Đại học Văn hóa (Bộ Văn hóa), hai thành viên hội đồng chấm luận án và Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên-người đã đọc bản thảo Những tiếng nói ngầm của Nhã Thuyên- rằng các bạn nên giữ sự trung thực cho ngòi bút của mình, nên tự trọng về nhân cách. Các bạn có thể xin ra khỏi Đảng, tự nguyện trả lại các chức danh và học vị mà thể chế này-do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập- đã phong tặng cho các bạn rồi làm một nhà văn tự do thì hay hơn là lập lờ hai mặt như vị thầy của các bạn: vẫn ca ngợi kính phục Dương Thu Hương: Người phụ nữ một mình chống lại cả một Nhà nước- nhưng mà giải thưởng, chức danh Nhà nước ấy trao cho vẫn vui vẻ nhận, lại còn thắp hương khấn vái xin cho được nữa. Cũng mong ngài Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đừng để Đại học Sư phạm Hà Nội thành ra một trung tâm hài hước như thế “ (20)
Vấn đề luận văn Đỗ Thị Thoan là vấn đề chính trị, tôi không đề cập ở đây. Tuy nhiên xung quanh vấn đề này đã có những ý kiến có tính học thuật. Luận văn của Đỗ Thị Thoan nói về “cái bên lề” về văn học ngoại biên: ”Việc Mở miệng tự xác định vị trí bên lề của mình thuộc vào một xu hướng rộng hơn, có tính chất liên quốc gia: xu hướng ngoại vi hóa (marginalization). Mảng văn chương ngoại vi này hấp dẫn cộng đồng nghệ thuật và giới trí thức trong/ngoài nước, như biểu hiện của nỗ lực trên cả hai phương diện của nghệ sĩ: đổi mới nghệ thuật và đòi hỏi tự do ngôn luận”(Luận văn).
Như một thái độ bênh vực Đỗ Thị Thoan (tuy không nói thẳng ra), Giáo sư Trần Đình Sử ca ngợi văn chương ngoại biên. Dẫn theo Bakhtin ông viết: “Như vậy văn học ngoại biên là nguyên sinh, văn học trung tâm là thứ sinh do điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa quy định. Văn học cách mạng Việt Nam trước 1945 chỉ là ngoại biên, sau Cách mạng tháng Tám liền trở thành chủ lưu, trung tâm. Trung tâm ngoại biên luôn đổi chỗ cho nhau trong thực tế”,…” Quan niệm về ranh giới của Bakhtin cho ta hiểu rằng, toàn bộ sức sống văn học, nghệ thuật nằm ở đường biên. Kìm giữ văn học, nghệ thuật ở trung tâm là kìm hãm sự phát triển, sinh sôi của chúng. Quan niệm này cũng cho thấy ngoại biên hóa là quy luật khách quan của nghệ thuật và lí thuyết, phê bình.” Ông cho rằng văn học Việt Nam đã ngoại biên hóa từ đầu đổi mới:”Các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường, Hồ Anh Thái… thể hiện nhu cầu ngoại biên của văn học rất mạnh mẽ. Dần dần các đề tài về tình yêu, tình dục, đề tài chấn thương, thế tục, đồng tính trở nên phổ biến. Ông kết luận:”, “Ngoại biên hóa dẫn đến đa nguyên, tạp giao, đối thoại và điều đó có thể làm nảy sinh những sáng tác mới có giá trị. Ngoại biên hóa văn học ở Trung Quốc đã làm nảy sinh một Mạc Ngôn đoạt giải Nobel, lẽ nào ngoại biên hóa văn học Việt Nam chẳng đem đến niềm hi vọng?”(21)
Lý luận về văn chương ngoại biên và văn chương trung tâm còn cần phải xem xét kỹ. Trong suốt quá trình lịch sử, có bao giờ văn học dân gian Việt Nam trở thành văn học trung tâm? Thời Trịnh – Nguyễn phân tranh thì văn học nào là trung tâm? Văn học Đàng Trong hay Đàng ngoài? Trước 1975, văn học Miền Bắc, văn học Miền Nam, văn học nào là ngoại biên, văn học nào là trung tâm? Và hiện tại, văn học Việt Nam trong nước và văn học Việt Nam của những người cầm bút hải ngoại, đâu là văn học trung tâm, đâu là ngoại biên? và cứ theo mạch lập luận của Giáo sư Trần Đình Sử thì một ngày nào đó, theo quy luật vận động khách quan, thì văn học Việt hải ngoại sẽ thành văn học trung tâm chăng?
Đó là những vấn đề của các Hội nghị Lý luận phê bình I, II, III.
Hội nghị LLPB lần thứ IV tại Tam Đảo được tổ chức khá nghiêm túc. Ngày thứ nhất thảo luận riêng từng Hội đồng (Thơ, văn xuôi, Lý luận phê bình). Ngày thứ hai thảo luận chung. Dường như đến hôm nay (2016) những vấn đề nóng của Lý luận Phê bình những năm trước đã nguội (?), và những “thùng thuốc nổ” đều không dự (Trần Mạnh Hảo, Bùi Minh Quốc, Phạm Xuân Nguyên…), chỉ còn Chu Giang-Nguyễn Văn Lưu, Nguyễn Hòa và Đông La.
Tôi chú ý đánh giá tổng kết Hội nghị LLPB lần thứ IV của Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà Văn.
Ông đã chỉ ra nhiều thành tựu của Văn học trong 30 năm đổi mới:
“Vấn đề 1: Đổi mới đã giải phóng tiềm năng sáng tạo. Chẳng hạn, chưa bao giờ ta có nhiều tiểu thuyết lịch sử như bây giờ. Đề tài, chủ đề, tư tưởng trong sáng tác là phóng khoáng. Hội Nhà văn không cầm tay chỉ việc.
Điều làm thay đổi toàn bộ nền văn học là, văn học 30 năm qua nói về cái bình thường, cái tự nhiên, cái hài hòa, không lấy cái bất thường, cái phi thường như giai đoạn trước. Nền văn học 30 năm đổi mới phát triển hài hòa, vì thế ta có điều kiện quan sát con người trong nhiều bình diện. Vai trò cá nhân nhà văn, cá tính sáng tạo được tôn trọng. Thí dụ, khi nhà văn gửi tác phẩm đến nhà xuất bản thì nhà xuất bản phải trả lời.
Trước kia chúng ta ca ngợi hay phê phán, ngày nay văn học hướng thiện. Không hướng thiện thì không phải là con người. Khi nhân danh lý luận, nhân danh mỹ học của cái khác, thì cái khác đó có hướng thiện hay không? Không hướng thiện thì không còn là văn chương.
Dưới góc nhìn của lý luận phê bình văn học, chúng ta thấy nhiều giá trị đã bị vượt qua. Chẳng hạn, mức độ phê phán, mức độ đấu tranh bảo vệ con người, bây giờ dữ dội vô cùng, không còn chỉ như thời Vua Lốp.
Xin báo cáo với lãnh đạo, công lao lớn nhất của Hội Nhà văn là chủ đề đạo đức xã hội. Đảng ra nghi quyết 33 nhấn mạnh việc xây dựng đạo đức con người. Nhưng cách đây mấy chục năm, văn học đã nhấn mạnh đến đạo đức con người, cái đó là tinh tường lắm!
Tôi xin tiếp ý kiến của GS Nguyễn Đăng Mạnh rằng, văn học của chúng ta không minh họa. Nhà văn nắm bắt được hồn cốt xã hội là đạo đức, là nền tảng của nền tảng, (cái đó) hay vô cùng!
Vấn đề 2: Chúng ta từng bước hiện đại hóa nền văn học.
Văn học hôm nay hiện đại hơn rất nhiều, đó là, khả năng tiếp nhận đời sống ở diện rộng. Thú dụ, chỉ vụ cá chết, hàng trăm bài thơ, bút ký xuất hiện nhanh. Đây là nhiệm vụ của nhà văn. Rất thành công.
Hiện đại là ở chỗ: Xu hướng mở, không áp đặt. Vấn đề dân chủ rất quan trọng. Văn học đổi mới thực sự là một nền văn học dân chủ. Ngay trong hội nghị này, có người nói đi, có người nói lại, dân chủ quá đi chứ! Không có chỗ nào có vách ngăn văn học với đời sống. Cách đây 30 năm, ai dám viết về đồng tính, về thế giới tâm linh. Bây giờ mỗi người có giọng riêng, cách nói riêng. Chúng ta đang thoát khỏi dàn đồng ca. Thí dụ Nguyễn Ngọc Tư xuất hiện là một, tôi không bỏ qua tác phẩm nào của Nguyễn Ngọc Tư. Nền văn học dân chủ là nền văn học mỗi người có giọng điệu riêng, không phải là một dàn đồng ca.
Văn học không đánh bóng, không mạ kền. Con người hiện ra trần trụi, xù xì như nó có, vì thế văn học thực hơn, gần sự thật hơn.
Đổi mới là nhu cầu nội tại của văn học. Hãy đánh giá nền văn học dưới góc độ Văn hóa học. Không chỉ đánh giá giá trị phản ánh mà phải đặt văn học trên hệ giá trị văn hóa. Nhà văn là đội quân văn hóa. Lực lượng sản xuất những giá trị tinh thần cho xã hội. Đây là đội quân rất đáng quý (dù ăn mặc còn xộc xệch).
Nhiều vấn đề chúng ta đã vượt một chặng đường dài. Tiểu thuyết Dòng sông mía (Đào Thắng) viết sinh động, gai góc, nhưng tâm nhà văn trong sáng. Nguyễn Khắc Phê viết về Cải cách ruộng đất, ông nói muốn “nắn gân Hội Nhà văn”, chúng tôi trao giải. Nếu như sợ sệt, thiếu trách nhiệm thì tác phẩm Biết đâu địa ngục thiên đàng sẽ bị bỏ qua. Viết gai góc, nhưng cái nhìn của nhà văn trong sáng, chúng tôi trao giải. Đó là cái mới. Trước kia không dám trao giải. Sách của Tô Hải Vân đặt vấn đề ngồi nhầm chỗ làm đảo lộn hệ giá trị. Tiểu thuyết Mảnh vỡ (Vĩnh Quyền), Ban chấp hành thảo luận lên thảo luận xuống. Trao giảo là ở cái tâm của nhà văn.”
Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng nhắc tới tác phẩm của các nhà văn: Xuân Đức, Lê Minh Khuê (Chân trời của Hạ), Trầm Hương (Sài gòn đêm không ngủ), Bích Ngân (Thế giới xô lệch), Nguyễn Bình Phương…
“Vấn đề 3: Hội Nhà văn đã khôi phục những giá trị một thời, như phục hồi danh dự nhà văn cho Trần Dần, Hoàng Cầm. Lan Khai, Vũ Trọng Phụng… Có Giáo Sư vi phạm đã không bị tước danh hiệu, không truất giải thưởng Nhà nước.
Vấn đề 4: Đã xuất hiện một lực lượng trẻ.
Vấn đề thứ 5: Lý luận phê bình có những bước tiến mới. Nhiều trào lưu được giới thiệu, cái nhìn cởi mở hơn. Trường hợp GS Hoàng Ngọc Hiến, cuối đời ông nghiên cứu Hồ Chí Minh, tôi kính trọng vô cùng!
Lý luận Phê bình có nhược điểm là tầm bao quát chưa hết, chưa sâu. Lý luận Phê bình phải bao quát được tình hình văn học. Nhà Lý luận Phê bình phải đọc tác phầm.
Vấn đế thứ 6: Một số vấn đề cần trao đổi:
Trong hội nghị này còn có những vấn đề phải trao đổi thêm. Đó là vấn đề phân kỳ văn học đổi mới chưa thống nhất.
Đổi mới văn học là vì sinh mệnh của chính nó. Không phải nó chỉ đổi mới vài năm rồi dừng lại (1986-1991). Trường hợp của Nguyễn Ngọc Tư thế nào? Bảo Ninh bây giờ khác với Bảo Ninh 1991. Nguyễn Quang Thiều đạt giải 1993, trường hợp của Nguyễn Xuân Khánh…
Đổi mới văn học là dòng chảy của nhiều thế hệ, sức lực của cả đội ngũ. Không nên quy kết đổi mới chỉ ở lớp trẻ. Đổi mới nhưng không đoạn tuyệt với quá khứ. Nhà văn phải học lẫn nhau. Không có nhà văn nào trở thành lĩnh xướng mà không hút mật thời đại.
Vấn đề nhân vật trung tâm hay vấn đề trung tâm của văn học, cái nào là chính? Nhân vật nào gánh vác hai nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng tổ quốc thì nhân vật ấy là nhân vật trung tâm. Vấn đề trung tâm mới là vấn đề quan trọng. Văn học phải vì con người, tiếp sức cho con người. Vấn đề trung tâm là: xây dựng cho con người tới đâu?” (Nguồn: bản ghi trực tiếp tại hội nghị của BCT)
Người viết những dòng này xin lưu ý rằng, ngay từ năm 1998, Nghị quyết Trung ương 5 đã mở đường:”Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người. Khuyến khích tìm tòi, thể nghiệm mọi phương pháp, mọi phong cách sáng tác vì mục đích đáp ứng đời sống tinh thần lành mạnh, bổ ích cho công chúng. Bài trừ các khuynh hướng sáng tác suy đồi, phi nhân tính.”. Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (2008) cũng khẳng định:”Tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học, nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi, thể nghiệm, nâng cao chất lượng toàn diện nền văn học, nghệ thuật nước nhà…”
***
Trở lại dòng “Văn chương Nhân văn và Dân chủ”, phải đến lớp nhà văn trẻ đầu thế kỷ XXI dòng văn học nhân văn-dân chủ mới có những cách tân thực sự. Do không còn vướng mắc về phương pháp sáng tác, họ mạnh dạn thể nghiệm những cách viết hiện đại. Văn chương không đặt ra mục đích phản ánh hiện thực mà miêu tả và suy nghiệm về hiện thực. Văn chương từ phương thức kể chuyện chuyển sang kiểu tác phẩm tư tưởng. Nhà văn rời bỏ cách nhìn theo chủ nghĩa Marx (nhìn hiện thực theo quan điểm đấu tranh giai cấp) chuyển sang khám phá hiện sinh. Có người trở về với tư tưởng phương Đông. Nhà văn vận dụng nhiều kiểu bút pháp, cả siêu thực và hiện thực huyền ảo và hậu hiện đại. Có thể nói, 10 năm đầu thế kỷ XXI, một lớp nhà văn trẻ đã làm thay đổi hẳn bộ mặt văn chương Việt Nam hiện đại. Do được tiếp cận với văn chương thế giới, họ hơn hẳn thế hệ trước về trình độ. Do không vướng mắc vào quá khứ, họ không phải e dè ngòi bút, và do được “cởi trói” bởi Nghị quyết Trung ương 5 và Nghị quyết 23, họ mạnh dạn thể nghiệm những gì mình tâm đắc.
Xin kể một vài tên tuổi các nhà văn, nhà thơ: Nguyễn Bình Phương (Những đứa trẻ chết già. 1994- Thoạt kỳ thủy. 2004-Ngồi. 2006,…), Đỗ Tiến Thụy (Màu rừng ruộng. 2006), Phong Điệp (Blogger. 2009), Nguyễn Danh Lam (Giữa dòng chảy lạc-Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2010), Nguyễn Ngọc Tư (Khói trời lộng lẫy. 2010), Uông Triều (Sương mù tháng Giêng. 2015)…, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Vĩnh Tài, Văn Cầm Hải, Nguyễn Thúy Hằng,…(22).
Sau những thành công ban đầu, lớp nhà thơ, nhà văn này đã chững lại, và phía sau họ, lớp nhà văn trẻ từ 2010 đến nay chưa có khả năng vượt lên phía trước, tiếp tục con đường đưa văn chương Việt Nam hội nhập văn chương thế giới.
- “Văn chương thị trường”
Cho đến nay (2019) sau hơn 30 năm đổi mới và hội nhập, chúng ta đã có thể nhận dạng được nền kinh tế thị trường và những hệ quả của nó với xã hội Việt Nam. Kinh tế thị trường làm thay đổi mọi yếu tố xã hội, từ tư tưởng đến văn hóa, lối sống, các mối quan hệ giữa người với người, đặc biệt là sự suy thoái đạo đức xã hội. Kinh tế phát triển đem đến đời sống ấm no hơn nhưng cũng làm sụp đổ những giá trị văn hóa truyền thống và gây ra bao nhiêu tệ nạn xã hội. Kinh tế thị trường biến mọi thứ thành hàng hóa và vận động theo quy luật của đồng tiền. Ngay cả giáo dục là ngành độc quyền của Nhà nước cũng trở thành thị trường béo bở cho nhiều “nhóm lợi ích” giành giật. Văn học nghệ thuật, tuy chủ trương không thương mại hóa, song những ngành kinh doanh văn nghệ mang đến những món tiền khổng lồ. Năm 2019, mỗi 30 giây quảng cáo trong giờ chiếu phim Về nhà đi con là 120 triệu đồng. Một xuất chiếu trên VTV 1, qủang cáo 10 phút, thu về 2,4 tỷ. Lúc đầu phim dự định có 40 tập sau kéo thành 80 tập.
Sự thất bại của nền giáo dục đã đưa vào đời một lớp người trẻ hoàn toàn khác với lớp trẻ cha anh. Họ không có lý tưởng, chẳng có gốc rễ gì với cách mạng và kháng chiến. Chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, lối sống hưởng thụ và triết lý thực dụng trở thành bản chất xã hội của họ. Họ quay quắt kiếm tiền, rồi đắm mình trong thế giới ảo. Không có tình yêu, chỉ có tình qua đêm. Không còn niềm tin, chỉ có sự trống rỗng. Không có con đường cho tương lai, chỉ có quanh quẩn bế tắc trong cái tôi. Không tìm thấy giá trị thật trong đời sống, chỉ có hàng nhái, hàng giả.
Tối 18/10/2012 tại Hà Nội, trong tọa đàm mang tên “Nhiều cách sống của những tuổi trẻ bất thường” về bộ ba tiểu thuyết “1981″, “Nhiều cách sống” và “Mất ký ức“, tác giả Nguyễn Quỳnh Trang thú nhận: “Từ khi sinh ra tôi đã luôn tự hỏi mình là ai, mình từ đâu đến, mình sẽ đi về đâu trong cuộc đời này… Tuổi trẻ của chúng tôi hoang mang, lo lắng quẩn quanh, càng đi sâu vào những thú vui vật chất lại càng thấy rệu rã. Với Mất ký ức tôi muốn đi tìm tôi, để biết cách vượt qua những hoang mang bấn loạn”(23).
Văn chương thị trường là dòng tác phẩm đáp ứng thị hiếu một lớp độc giả trẻ. Lớp độc giả này chịu ảnh hưởng văn chương thị trường nước ngoài. Họ là “nguồn thu”, là “nạn nhân” của công nghệ PR. Văn chương thị trường chủ yếu là văn chương giải trí và phô diễn cái tôi của thế hệ “A còng”(@). Các tác giả viết cho đối tượng độc giả phải hiều biết tâm lý và thị hiếu công chúng, phải làm chủ công nghệ PR (văn chương, show diễn, ca nhạc, phim ảnh và mạng xã hội…). Nhiều nhà văn muốn viết văn chương thị trường nhưng không thể, vì họ đã định khuôn trong cách sản xuất tác phẩm của những “trại sáng tác”, được định hướng bởi những nhiệm vụ chính trị và không biết gì về công nghệ PR.
Trong thực tế hôm nay, nhà văn nào khi viết tác phẩm cũng hướng về công chúng thị trường và đối mặt với thách thức. Thí dụ những tập thơ in ra chỉ dành để tặng vì không ai mua. Nhà văn Nguyễn Đình Tú đưa ra nhận xét:
“Thứ nhất: Không thể phủ nhận được sự tác động của văn học nước ngoài khi vào Việt Nam đã ít nhiều tạo động lực cho những tác phẩm thuộc khuynh hướng này ra đời. Với Hạt cơ bản của Michel Houellebecq, Báu vật của đời của Mạc Ngôn, Cô gái chơi dương cầm của Jelinek, Rừng Na uy, Kapka bên bờ biển của Murakami, Những kẻ thiện tâm của Jonathan Littell, Huynh đệ của Dư Hoa, các tác phẩm của Vệ Tuệ, Thiết Ngưng, Sơn Táp, Xuân Thụ… Thứ hai: Sex từng là vùng cấm kỵ trong văn chương nước ta, vì thế nó luôn tạo sự háo hức cho người đọc và người viết. Chỉ khi nào bạn đọc chán nó thì các tác phẩm viết về nó mới dừng lại… Sự “cởi trói” cho một vùng cấm kỵ cùng với thị hiếu bạn đọc (có vẻ như mong chờ) ít nhiều là nguồn cảm hứng cho các nhà văn cầm bút lên và viết về…sex!…
… Với sự nở rộ những tác giả tác phẩm thuộc khuynh hướng này trong thời gian gần đây, cho thấy, dòng văn học này sẽ còn tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Bài viết này không bàn tới cái được và cái chưa được cũng như những ảnh hưởng tiêu cực hay tích cực của những tác phẩm mang đậm yếu tố sex. Nếu nhìn nó đơn giản chỉ là một khuynh hướng sáng tác thì cũng hãy đơn giản mà nhìn nhận rằng: Cũng giống như nhiều khuynh hướng (hay trào lưu) sáng tác khác, khuynh hướng tính dục cũng sẽ phát triển lên đến cao trào rồi thoái trào.”(24)
***
Đã có những “mặt nạ” được dựng lên để che đậy thực chất việc miêu tả sex trần trụi nhằm câu khách, nhằm gây scandal để nổi tiếng của một số người cầm bút. Người ta mượn hơi hướng của văn chương nữ quyền, người ta dùng văn chương để giải phóng người phụ nữ khỏi sự thống trị của nam giới; rằng văn chương không có vùng cấm, rằng văn chương sex đã có trong mọi thời đại, trong mọi nền văn chương của nhân loại…Có thể nhắc đến, Đỗ Hoàng Diệu với Bóng đè; Y Ban với I am đàn bà, Thủy Anna với Điếm trai; Keng với Dị bản; Nguyễn Đình Tú với Nháp,…Đồng thời với đề tài sex là đề tài tình dục đồng tính: tiểu thuyết Một thế giới không có đàn bà của Bùi Anh Tấn, Song song của Vũ Đình Giang…Nhưng không hẳn chỉ có vậy. Trong một cuộc tập huấn lý luận phê bình văn học nghệ thuật, Giáo sư Mai Quốc Liên cho biết, Bóng đè lúc đầu chỉ là một truyện sex gây sốc bằng sự miêu tả trần trụi bản năng, nhưng khi một nhà văn nước ngoài mông má lại, nó trở thành một mặt nạ để bộc lộ chủ đề chính trị.
Trong bài viết có nhan đề: Văn chương thời nay: Không có sex, không bán được?, tác giả Nhung Đinh, báo Người đưa tin cho biết, theo nhận định của các công ty sách Alpha, Nhã Nam thì: ”…trong khi thị trường văn chương trong nước đang ế ẩm mới thấy rằng “văn học sex” đang trở thành cứu cánh số 1 cho các nhà xuất bản. Chưa cần biết cốt truyện là gì, nhân vật ra sao, ý nghĩa xã hội như thế nào; chỉ cần quảng cáo có “sex” là các đơn vị xuất bản đã có thể yên tâm về số lượng phát hành.”(25)
Khi nhà văn viết sex mà “không bàn đến…những ảnh hưởng tiêu cực hay tích cực”, và chỉ “nhìn đơn giản” văn chương sex như một trào lưu rồi sẽ qua, tôi e rằng nhà văn đã chỉ viết theo bản năng mà không viết dưới ánh sáng những quan niệm tư tưởng tiến bộ. Trong số những người viết về “sex bẩn”, có người đã nói thẳng ra mục đích cầu danh cầu lợi, không che giấu (26).
Sau trào lưu văn chương sex, văn chương thị trường lại rộ lên những truyện ngôn tình, mà phần lớn chịu ảnh hưởng ngôn tình Trung Quốc. Chuyện tình yêu được xào nấu đủ kiểu và hẳn nhiên không thể thiếu sex. Nhan đề sách đủ gợi ra nội dung những gì tác giả muốn nói. Xin điểm qua nhan đề các tác phẩm ngôn tình trong năm 2014: Trước khi chết phải biết tình yêu là gì; Bùa yêu; Yêu đi thôi, muộn lắm rồi”; Tất cả em cần là tình yêu; Đến lượt em tỏ tình; Có ai yêu em như anh; Ai cho em nằm trên? Yêu anh bằng tất cả những gì em có; Im lặng để yêu; Yêu trên từng ngón tay; Yêu không hối tiếc; Chỉ là yêu thôi mà, Tin em đi, rồi anh sẽ lại yêu. Ai rồi cũng phải học cách quên đi một người. Anh ngủ thêm đi anh, em phải dậy lấy chồng. Người yêu cũ có người yêu mới, Yêu người yêu người ta; Yêu lại nhau, như thể lần đầu; Ngoại tình; Tình yêu là không ai muốn bỏ đi; Trung tâm phục hồi cảm xúc hậu thất tình; Yêu nhau để cưới; Đừng chết vì yêu…
Xin lắng nghe tâm trạng của tác giả Anh Khang:
”… không chỉ bạn bè tôi, đầy rẫy ngoài kia vẫn đang có nhiều lắm những cặp tình nhân gạch đầu dòng. Yêu cho qua ngày, cặp kè cho có tụ. Thấy người này hội tụ đủ những điều mình cần cho một mối quan hệ thì… cứ yêu. Rồi nếu thấy một vài người khác nữa cũng có những chỉ tiêu vừa khít với những gạch đầu dòng mình đề ra, thì lại… yêu tiếp. Cứ thế, họ đi yêu những gạch đầu dòng – chứ không phải yêu một tấm lòng…“(Buồn làm sao buông).
Xu hướng chung của văn chương thị trường là giải trí. Xu hướng này đang lấn át trên thị trường và có một lượng fan (người ái mộ) đáng kể. Và trong danh mục sách best-seller năm 2014, những sách đứng đầu top ten lại là văn chương thị trường. Xin đọc những lời quảng cáo này: ”Tác phẩm mới ra mắt đã cháy hàng tại Hội sách tại Tp.Hồ Chí Minh thời gian qua; sách nằm trong top 12 cuốn sách Việt Nam bán chạy nhất năm; Tập tản văn đầu tay… với lượng tái bản lên tới 20.000 bản, tác giả tiếp tục trình làng tập truyện ngắn thứ hai. Cuốn này khi mới nằm ở dạng bản thảo đã trở thành sách best-seller vì có đơn đặt hàng trước gần chục nghìn bản; tập sách như những cuốn cẩm nang dành cho lứa tuổi ô mai ngốc nghếch; tác giả là một blogger đình đám và được cộng đồng mạng phong danh là “nhà văn hotgirl”. Trước khi tiểu thuyết phát hành, 6 chương đầu được tung lên mạng đã thu hút hơn 2 triệu lượt view chỉ trong vòng 1 tháng.”, Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, thành viên sáng lập giải Sách Hay thì chia sẻ riêng với Sài Gòn Tiếp Thị rằng: “Khi người đọc đa số là người trẻ thì có nghĩa là thị trường sẽ rộng hơn, mức chi tiêu cho sách sẽ mạnh hơn. Tôi thấy hiện nay nhiều công ty sách, đặc biệt là phía tư nhân đã bắt mạch tính chất thị trường rất tốt. Họ tìm những tác giả trẻ có tiếng nói trẻ có thể chạm vào cảm xúc, suy nghĩ, tạo ra sự đồng cảm với người đọc trẻ. Nhưng thách thức đặt ra là thị trường sách đang cần tính đa dạng, không nên chỉ tập trung ở mảng sách giải trí thuần túy…”(27)
Có tác giả đã in 7 đầu sách nói rằng:”Văn chương không phải là công việc của tôi. Nó chỉ là sở thích. Có cũng được, không có cũng hơi buồn chán, nhưng mà chẳng sao”. Một tác giả khác đã in 3 đầu sách cũng có cùng một ý:”Tôi không nghĩ nhiều đến chuyện có trở thành một nhà văn thực sự hay không? Chỉ đơn giản là thích viết, luôn viết…”.
Trong cái xô bồ của việc buôn bán chữ, của việc cầu danh cầu lợi, của những toan tính cá nhân, thì dòng văn chương thị trường cũng có những tác giả tài năng. Sách của họ vừa đáp ứng thị trường, vừa có phẩm chất văn chương. Xin đơn cử Nguyễn Nhật Ánh, Dương Thụy, Phan Hồn Nhiên… Sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã thành thương hiệu. Sách mới in của ông thường vượt qua con số 10.000 bản. Dương Thụy nổi tiếng với tác phẩm “Oxford thương yêu” tái bản trong hai năm là 14 lần, với tổng đầu sách là 55.000 bản. Phan Hồn Nhiên chuyên tâm với thể loại sci-fi (Mắt bão, Cảm xúc nguy hiểm, Máu hiếm, Ngựa thép…).
Thực ra không có sự phân định rạch ròi một nhà văn thuộc dòng văn chương thị trường văn chương nhân văn và dân chủ. Nguyễn Ngọc Tư là một thí dụ. Nữ tác giả này có sách best-seller trên thị trường, nhưng cô cũng là nhà văn đụng chạm đến những vấn đề nóng của hiện thực. Cánh đồng bất tận đã đem đến vinh quang cho cô nhưng cũng gây ra không ít khó khăn cho tác giả khi nó mới xuất hiện.
Nhà văn viết tác phẩm muốn được đông đảo độc giả biết đến, họ buộc phải hướng đến thị trường. Nhưng chỉ những nhà văn tài năng, có tâm huyết mới có thể viết được một tác phẩm vừa đáp ứng những đòi hỏi của thị trường vừa có phẩm chất văn chương. Thành công như Nguyễn Nhật Ánh vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và vì thế, dòng văn chương thị trường, tuy có lúc ồn ào do quảng cáo, nó sẽ qua đi rất mau, hết đợt sóng này đến đợt sóng khác, tùy thuộc vào những cơn sóng thị trường có ảnh hưởng toàn cầu.
Sau cao trào 2014 đến nay, văn chương thị trường trở về sự im ắng. Rất nhiều người viết đã bỏ cuộc chơi. Tài năng vẫn là của hiếm. Những nhà văn “truyền thống” viết cho thị trường đến nay không có mấy người thành công. Tác phẩm văn chương nước ngoài được dịch ra tiếng Việt vẫn đang chiếm lĩnh thị trường sách văn chương.
Văn chương thị trường tuy đã định hình và có thành tựu, song chưa có đóng góp gì nhiều vào sự phát triển chung của văn chương Việt Nam, có chăng là sự hiện diện của chính nó như một thực tại được công nhận trong thị trường. Nó cũng đặt ra nhiều vấn đề để các nhà quản lý, các nhà giáo dục, các nhà lý luận suy nghĩ. Chẳng hạn, cần phải có những mối quan hệ thế nào giữa giải trí với tư tưởng, lối sống, khi người trẻ tiếp nhận văn chương thị trường? Làm thế nào để cân bằng văn chương thị trường với văn chương cách mạng và kháng chiến, văn chương Nhân văn và Dân Chủ?…
***
(XEM TIẾP PHẦN II: NHỮNG HIỆN TƯỢNG VĂN CHƯƠNG 1975-2020)
( Chú thích nằm ở cuối phần II)