GƯƠNG MẶT LOÀI HOMO SAPIENS

GƯƠNG MẶT LOÀI HOMO SAPIENS

(Đọc bản thảo Gương mặt loài Homo Sapiens, tiểu thuyết lịch sử của Trần Như Luận)

Bùi Công Thuấn

 

 Khuôn mặt 5

(Bìa do BCT thiết kế để minh họa bài viết)

 

 Trong “Lời bạt”, khi kể lại việc viết cuốn tiểu thuyết Gương mặt loài Homo Sapiens, tác giả thổ lộ, đó là “những câu chuyện rất thật” của lịch sử. Cơ duyên là như thế này. Thân phụ tác giả đã tiếp xúc với nhân vật Po Martin (nhân vật chính của tác phẩm), và đọc Hồi ký của Po. Năm 2006 khi sang Mỹ, tác giả may mắn gặp và nói chuyện với Xho Martin, con của Po. Để làm tăng sức thuyết phục về “sụ thật” lịch sử được nói trới trong tác phẩm, tác giả còn cho in chân dung nhân vật. Đó là những con người có thật trong lịch sử hiện đại như như vua Léopold II, Hitler; Anne Frank, Mobutu, Lumumba, Bob Dylan, Albert Kahn, Lm Casmir, Disanka; … Hơn thế, để hoàn thành cuốn sách, tác giả còn phải mua tài liệu từ OpenLeads. Đây là lời chia sẻ: “Tôi ghi lời bạt này với mục đích tri ân những người đã cung cấp thông tin nhiều chiều để tôi có dịp tham khảo nhằm viết nên nội dung cuốn sách này. Tôi cũng xin cảm ơn quý độc giả đã trải lòng qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau để sống thêm một đời sống khác qua những câu chuyện rất thật được ghi chép lại.” Từ đó tác giả đặt vấn đề: “Gương mặt loài homo sapiens thế nào, đó là câu hỏi mà tác giả xin phép dành cho bạn. Những vấn đề ấy lôi cuốn tôi vào cuốn sách.

  1. THÁCH THỨC NỖ LỰC CỦA NGƯỜI ĐỌC.

 Với tôi, Gương mặt loài Homo Sapiens không dễ đọc. Bởi để đọc một cuốn sách, người đọc cần có một nền tảng tri thức về nội dung cuốn sách, nhưng tôi chưa chuẩn bị đủ kiến thức về lịch sử thế giới. Tôi hoàn toàn mù mờ về Châu Phi, về hoàn cảnh chính trị nước Congo, “từ khi cái gọi là Hội nghị Berlin 1885 có hiệu lực, người ta xem Công Gô chỉ là vật sở hữu của ông vua Bỉ Léopold II. Từ năm 1908 cho tới tận ngày nay, Công Gô chỉ được xem là một phần đất của Bỉ.”(tr.34). Cho nên khi tác giả dẫn tôi vào một không gian rất rộng của Châu Phi, và châu Âu, trải dài từ đầu thế kỷ XX đến thế chiến II, và chiến tranh Việt Nam, tôi như bước vào một thế giới mới lạ, vừa đi vừa dò dẫm, và ngạc nhiên thú vị. Không thú vị sao được khi cùng với Po thâm nhập bộ tộc Sahanana, nơi hôn nhân không được phép tổ chức lễ cưới hỏi. Cha mẹ dựng lều cho con và đôi trai gái thành thân với nhau trong túp lều ấy. Bước chân lưu lạc của Po cũng dẫn người đọc đến Paris, đến Hà Lan, vào trại tù của Đức, đi biểu tình trên đường phố New York, và sang cả Việt Nam năm 1945 chứng kiến bao nhiêu người chết đói ở miền Trung và miền Bắc…

Nhưng tác phẩm thách đố năng lực cảm nhận của người đọc ở nghệ thuật kể truyện. Có hai câu truyện được kể cùng một lúc. Câu truyện ở thực tại, kể về người anh hùng Patrice Lumumba giành độc lập cho Congo và câu truyện về “sử gia” Po (người Congo) được ghi lại trong hồi ký của ông (truyện quá khứ) mà Blaise Sanchez đọc từ chương 4 đến chương 63 (360 trang). Cả hai câu truyện cùng hiện lên trước mắt người đọc ở thì hiện tại (kỹ thuật đồng hiện, xếp chồng) nhưng giữa hai câu truyện không có mấu chốt nào quan hệ với nhau, khiến người đọc luôn tự hỏi không biết tác giả đang kể truyện gì, ấy là chưa kể cả hai câu truyện lại bị lẫn vào những sự kiện của bối cảnh chính trị rộng lớn, phức tạp, khiến cho nhân vật chính bị tan loãng ra, như mất tích trước mắt người đọc. Chuyện của Po được kể trong 28 chương, xen kẽ vào truyện của Lummuba đang diễn ra trong thực tại. Mãi tới chương 69 (sau 390 trang), trong cuộc biểu tình ở New York, tình cờ Blaise Sanchez mới gặp Po Martin trong đời thực. Lúc ấy hai tuyến truyện mới nhập chung vào một dòng thời gian. Sự đan cài hai câu truyện này là một đặc sắc của bút pháp, giúp người đọc tiếp cận câu chuyện của quá khứ mà Po trải qua (thí dụ: thế chiến II) như trong thực tại, nhưng sẽ gây rối cho người đọc quen kiểu truyện được kể theo tuyến tính.

 Do sử dụng hai tuyến truyện trong một không gian rộng và thời gian dài nên có quá nhiều nhân vật xuất hiện. Họ thuộc đủ mọi thành phần, từ vua quan đến thứ dân, thuộc nhiều quốc tịch: người châu Phi, người Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Mỹ, Liên xô. Có những nhân vật đã nổi tiếng như Hitler, tổng thống Eisenhower, Anne Frank, Bob Dylan (người mới đạt giải Nobel văn chương 2016)… nhưng cũng có nhiều tên lạ không dễ nhớ, nhất là khi những nhân vật này chỉ xuất hiện trong khoảnh khắc. Tôi đã căng mắt tìm nhân vật Billy Smith, trưởng trạm CIA phụ trách Congo. Y xuất hiện ở đầu truyện, sau đó mất tích hẳn. Đến chương 44, Billy mới xuất hiện lại, rồi lại mất tích và đến trang 373 mới được nhắc tên. Tôi tự hỏi, chẳng lẽ tác giả quên mất nhân vật này? Phải đến chương 69, sau 390 trang truyện, tác giả mới tiết lộ Blaise chính là Billy Smith. Tôi chưa bao giờ bị thử thách sự kiên nhẫn đến như vậy. Nhưng có thể hiểu, Billy là điệp viên CIA, y cần giấu mặt, và tác giả cũng không được để lộ tung tích nhân vật khi chưa cần thiết. Sự gặp gỡ giữa một cựu điệp viên CIA với Po Martin có ý nghĩa tư tưởng. Chính tư tưởng chống chiến tranh, yêu hòa bình của Po đã cảm hóa y. Tư tưởng này cũng là tư tưởng soi chiếu vào những sự kiện lịch sử trong suốt tác phẩm. Blaise đã phải công nhận Po là nhà tư tưởng lớn của châu Phi (tr. 392).

 2.NHỮNG BÀI HỌC CỦA LỊCH SỬ

 Lịch sử hay tiểu thuyết lịch sử, cung cấp cho người đọc những sự thật của quá khứ, làm lộ ra những góc khuất một thời, nhưng điều quan trọng hơn là gợi ra ý nghĩa của lịch sử, và những bài học của quá khứ. Gương mặt loài Homo Sapiens là chân dung của nhân lọai “văn minh”. Qua cái nhìn của Po, nhân loại văn minh là giống loài còn dã man hơn giống loài chưa văn minh, vì chúng tàn ác, chúng giết hại đồng loại. Po đã chứng kiến cảnh lính Đức truy bức người Do Thái, chứng kiến cảnh người Congo bị thực dân Bỉ đối xử tàn bạo, chứng kiến người tốt như Lumuba bị lật đổ và bị giết chết, và khi còn là sinh viên tình nguyện qua Việt Nam cứu trợ, Po chứng kiến tận mắt những người đói và cảnh chết đói do Phát xít Nhật gây ra. Khóa luận của ông viết về nạn đói năm 1945 do thực dân phát xít gây ra ở Việt Nam.

Cảm nghĩ chung của Po là: « tôi vẫn không thôi bị ám ảnh bởi những xung đột dữ dội của những người nọ người kia mà tôi đã gặp trong ngày. Tôi thật chán nản với cuộc sống của loài người. Hóa ra, mọi diễn biến trong tâm tư của loài homo sapiens thật ra chẳng có chút bình an nào cả.» Cụ Kahn, một hiền triết đã ước ao:”- Ôi, tuyệt! Tuyệt quá! Dường như nếu vứt bỏ đi cái mà chúng ta đang trịnh trọng gọi là nền văn minh, có khi con người còn được sống hồn nhiên hơn và do đó sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều đấy!”(tr.150). Tác giả cũng thổ lộ mục đích viết văn của mình:Tôi hoàn toàn không có tham vọng vẽ nên chân dung loài người. Tôi chỉ mong thông qua các câu chuyện, chúng ta lần lượt nhận ra gương mặt của loài homo sapiens, lúc hung ác, xảo quyệt như quỷ sứ, lúc điêu ngoa, tráo trở như chồn cáo, lúc ngây ngô, khờ khệch như nai” (tr.413).

Cần phải nói cụ thể, “loài homo sapiens, lúc hung ác, xảo quyệt như quỷ sứ…” ấy chính là chủ nghĩa thực dân, Phát xít. Bọn thực dân, dù là Pháp, Ý, Anh hay Bỉ; Phát xít Đức hay Nhật, ở đâu chúng cũng đối xử tàn bạo với người dân các nước nhược tiểu. Trái lại loài Homo Sapiens ở các bộ tộc, chẳng hạn bộ tộc của Po, bộ tộc được gọi là Blasensenla, có nghĩa là bộ tộc cười và nhảy.”. “Vì từ già tới trẻ, tất cả hễ gặp nhau là nhoẻn miệng cười... Nhảy múa là một điều rất thích thú. Nhảy múa làm cho mọi người thêm xinh đẹp(tr.40); Po khẳng định:Tôi nghĩ, cuộc sống và tính cách của những người trong bộ tộc tôi đúng là tốt đẹp.”(tr.46)

 Gương mặt loài Homo Sapiens ghi nhận những bài học này. Chủ nghĩa thực dân, Phát xít đã gây bao tội ác với nhân loại. Căn nguyên tư tưởng Phát xít của Hi1tler là tư tưởng về siêu nhân của Nieszche: Gã tuyên bố Thiên Chúa đã chết. Gã say sưa ca tụng các ông chủ bằng các thuộc tính như: Cao cả, trong sáng, lành mạnh. Gã quy kết quần chúng nhân dân mang tính bầy đàn, đê hèn, đầy thù hận. Rồi gã tha hồ ca ngợi bản năng. Gã ra sức khuyến dụ các ông chủ hãy tự giải thoát ra khỏi những rào cản về mặt đạo đức, thản nhiên bước sang tình trạng dã man. Gã tán dương cả hành vi áp bức, bóc lột. (chương 21). Một số nhà tâm lý học cho rằng Niezsche đã  “sáng tác” trong trạng thái bệnh hoạn cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhân loại cần phải cảnh giác với những thứ tư tưởng “bệnh hoạn” như kiểu tư tưởng Niezsche.

Gương mặt loài Homo Sapiens đề cao tưởng nhân ái của Kahn và Po. Tác giả dành hai chương: chương 64 (Hoa tư tưởng tỏa hương) và chương 72 (Hoa tư tưởng nở rộ) để nói về ảnh hưởng tư tưởng Po đối với kẻ thù. Cả Blaise và Larry Devlin là những điệp viên CIA tại Congo được giao nhiệm vụ giết Lumuba, nhưng họ từ chối nhiệm vụ, vì tư tưởng nhân đạo của Po Martin trong tập hồi ký kia đã ảnh hưởng tới họ rất sâu sắc.(tr.365), dù “gã có mật danh A9 kia thông báo cho Blaise biết là nếu anh không hành động theo lệnh cấp trên, anh sẽ bị sa thải, đồng thời phải hoàn trả 50% chi phí do dự án Sanchez bị phá sản. Ngoài ra, nếu rò rỉ thông tin ra bên ngoài, anh sẽ bị trừng trị.”(tr. 365). Chương 72, tác giả miêu tả một hình ảnh rất đẹp của tư tưởng nhân ái. Không còn là những dòng hồi ký của Po, mà chính là Po hiện diện trong đời thực. Blaise bất ngờ gặp Po ở New York. Họ nhận ra nhau. Cả Hai gia đình Po Martin và Billy Smith kết thân. Bảy người đã biến thành một ban nhạc đường phố. Tình cờ họ gặp Robert Zimmerman (sau này là Bob Dylan), và Woody Guthrie. Chịu ảnh hưởng rõ rệt bởi tư tưởng của Po Martin, Woody bắt đầu sáng tác những ca khúc nói lên khát vọng yêu chuộng hòa bình, chán ghét chiến tranh, ngợi ca lòng nhân ái và lối sống chẳng đua chen. Robert những giai điệu hùng tráng, phản ánh một cuộc sống chung hòa hợp, không phân biệt màu da, sống hết mình vì tình bạn, tình yêu và hòa hợp với thiên nhiên. Ban nhạc của Billy Smith trở thành ban nhạc hippy. Phong trào hippy chẳng mấy chốc đã lan nhanh ra nhiều thành phố khác.

Để làm rõ hơn tư tưởng nhân ái của Po, tác giả còn dành riêng chương 73 (Lão Tử tái thế), so sánh Po với Lão tử. Chắc chắn đây là một chương hoàn toàn hư cấu thể hiện gián tiếp quan điểm của tác giả trước hiện thực. Có một người cốt cách như tiên xuất hiện ở Hà Nam Đó là một vị sử gia nước ngoài đang sống ẩn dật tại hạt Lộc Ấp, bạn với tỉnh trưởng. Tin đồn Lão Tử tái thế là do cánh nhà báo. Họ tìm đến phỏng vấn vị tỉnh trưởng rồi trực tiếp gặp vị khách tiên ấy hỏi về phép trị nước. Những câu trả lời của vị khác tiên này không khác Lão Tử. Đó là cách ăn ở thuận theo trời đất, làm bạn với cỏ cây hoa lá và phong cảnh hữu tình. Ta không thích đua chen nơi phường hoa đô hội. Coi đời chẳng qua chỉ là một giấc mơ. Phép trị dân là không trị (vô vi): “Kẻ thật thà vui lòng đứng đằng sau dân thì dân mới đưa lên trước. Kẻ tranh đoạt quyền lợi của dân thì dân coi như giặc.”; “Các vị ký giả bỗng dưng khựng lại. Họ thấy sao vị này giống hệt như ngài Lão Tử thuở xa xưa được mô tả trong các pho sách kinh điển vậy không biết nữa! Từ cốt cách, đến dung mạo, đến cả tư tưởng nữa…”. Tôi nghĩ rằng tư tưởng nhân ái, hồn nhiên của Po có  một phần phù hợp với thực tại hơn là tư tưởng “Vô vi” của Lão Tử. Trong đời loạn thì không thể “vô vi trị” được.

Tình trạng chính trị của Congo sau khi được Bỉ trao trả độc lộc đã nhanh chóng trở nên hỗn loạn (chương 66). Những ý tưởng có phần ảo tưởng của Lumuba chính là nguyên nhân dẫn đến cái chết thảm khốc của ông. Po đã cảnh báo Lumimba: “Giữa lúc hai con hổ Mỹ và Liên Xô đang gầm gừ, thiết nghĩ, chỉ cần một chút sơ suất, Công Gô sẽ lọt vào tầm ngắm của bên này hoặc bên kia. Đó là thân phận của các nước nhược tiểu.”(tr.399). Người thân tín của ông là Mobutu lại là kẻ phản bội, bán đứng Congo cho CIA Mỹ chỉ với 5000 USD (tr.372). Chương viết về sự khuynh đảo của CIA với đất nước Congo (chương 65 & 66)  trong sự tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Liên xô mà Liên Hiệp Quốc cũng đành bó tay là một chương có nhiều ý nghĩa lịch sử. Với tình hình như thế, liệu tư tưởng “vô vi” của Lão Tử có giải quyết được vấn đề không? Chính Po cũng bất lực, ông chỉ viết cho Lunuba những lời cảnh báo, sau đó rời khỏi Congo.

Bài học lịch sử là: giành độc lập đã khó, giữ độc lập còn khó hơn. Khi ngoại bang can thiệp vào nội tình đất nước, chúng sẽ gây ra bất ổn, sau đó lật đổ để nắm quyền cai trị. Điều này có thể thấy rõ ở miền Nam trước 1975

  1. LỊCH SỬ VÀ TIỂU THUYẾT

 Tiểu thuyết là hư cấu. Và ngay cả những sách viết về lịch sử, cũng chỉ là văn bản, không phải lịch sử thật. Điều ấy có nghĩa là, lịch sử chỉ được “phản ánh” một phần tùy theo nhãn quan, lập trường chính trị và mục đích diễn ngôn của tác giả. Mọi phản ánh chỉ là hình bóng của hiện thực đã bị xô lệch đi ít nhiều. Nhưng cầu lưu ý rằng lịch sử trong tiểu thuyết là hư cấu, khác với sách viết về lịch sử dựa trên tư liệu, có thể kiểm chứng được trong đời thực (tiêu chí khoa học). Nói vậy để bạn đọc khi đọc tiểu thuyết lịch sử, hãy cứ thưởng thức những giá trị tư tưởng, nghệ thuật của tiểu thuyết, đừng so sánh tiểu thuyết với sách lịch sử. Tất nhiên nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử phải tôn trọng sự thật lịch sử, thậm chí viết về sự kiện lịch sử cũng phải chính xác như một văn bản khoa học.

Điều này bạn đọc có thể tin tưởng ở cách viết thận trọng, khoa học của tác giả Trần Như Luận. Tôi đã thử đối chiếu một số sự kiện, ngày tháng, nhân vật trong tác phẩm với sách lịch sử, và hoàn toàn yên tâm về tính chân thực của ngòi bút. Sự sáng tạo của nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử là ở việc xây dựng nhân vật, kiến tạo cốt truyện, tình huống, lấp những khoảng trống mà lịch sữ thật còn bị che khuất, và điều quan trọng là tác giả soi rọi điều gì vào lịch sử, tìm ra bài học gì từ lịch sử, và xây dựng tác phẩm trên nền tảng tư tưởng gì?

Hiểu như vậy sẽ thấy tất cả những gì tác giả viết về lịch sử chỉ là để làm nền cho nhân vật. Nếu bạn đọc muốn tìm hiểu lịch sử qua những miêu tả của tiểu thuyết thì chắc chắn sẽ thất vọng.  Gương mặt loài Homo Sapiens viết về thế chiến thứ II, về quân Đức, về trại giam của phát xít Đức đối với người Do Thái, có viết về quá trình giành độc lập của Congo và thời kỳ đen tối sau đó, về nạn đói về năm 1945 ở Việt Nam, về phong trào Hippy ở Mỹ những năm 1960, viết cả về những nhân vật lịch sử như Hitler, Lumuba, Mobutu… nhưng những dòng lịch sử ấy chỉ được “phản ánh” gián tiếp qua lời kể của người khác. Chẳng hạn: “Bỗng có tin cho hay Hitler bị ám sát hụt”; “Theo một nguồn tin đáng tin cậy thì người trực tiếp ra tay là một viên đại tá Đức, tên Von Stauffenberg”; Tháng 10 năm 1944, Đài BBC đưa tin con quỷ dữ Hitler đã bức tử Rommel”(tr.300); ”Nghe nói, sau khi suýt chết lần ấy, Hitler càng tỏ ra thận trọng.”(tr.302).“bản tin cuối ngày 30/4/1945, các hãng thông tấn chính thức thông báo Hitler đã chết”(tr.302”; Có tin cho hay trong vòng một tuần, ở hai thành phố đó đã có trên 40 cuộc đụng độ, gây thương tích cho hằng trăm người và vài người đã tử vong.(tr.319); “Có tin đồn rằng binh lính của ông Mobutu tham gia thảm sát thường dân”. (tr.352);Người ta đồn rằng anh Lumumba đã bị giết”. (tr.390)… Ngay cả Tội ác của Đức ở Hà Lan, cuộc chiến của Đức ở Liên Xô, Po cũng chỉ nghe kể hoặc theo dõi tin tức. Một tháng trời Po bị quân Đức bắt giam (chương 37), Po cũng không chứng kiến và miêu tả trực tiếp tội ác gì của Phát xít Đức đối với người do Thái. Có thể đây là một hạn chế trong xử lý tư liệu, cũng có thể là một dụng ý của tác giả. Dụng ý ấy là, tất cả là để làm nổi rõ tư tưởng về bộ mặt tàn ác của loài Homo Sapiens văn minh là bọn thực dân, Phát xít; tư tưởng chán ghét chiến tranh, tư tưởng về lòng nhân ái, về chung sống hòa bình; về tôn trọng sự khác biệt, tư tưởng về “vô vi trị”. Tôi nghĩ đây mới là cốt lõi giá trị của tiểu thuyết.

Tất nhiên bạn đọc có quyền hoài nghi về những “chân lý lịch sử” được miêu tả trong tác phẩm. Chẳng hạn. Việc Blaise gặp Po ở New York, rồi hai gia đình trở thành ban nhạc Hippy, từ đó tạo nên phong trào Hippy rộng khắp nước Mỹ và châu Âu, dẫn đến Hippy cổ vũ cho chiến tranh Việt Nam. Điều này tôi e rằng tác giả giao phó cho Po một vinh dự quá lớn ngoài khả năng của một nhân vật tiểu thuyết. Tác giả viết về phong trào Hippy chưa đầy đủ, bởi Hippy không chỉ có mặt tốt mà còn sự tha hóa (thanh niên Hippy sử dụng ma túy nhiều hơn, sống thác loạn hơn thế hệ trước), chính sự tha hóa của hippi làm sụp đổ phong trào này.

Một chút hoài nghi khác về cuốn hồi ký của Po. Khi Po gặp Blaise ở New York (tr. 393), Blaise kể rằng, anh chịu ảnh hưởng sâu sắc từ cuốn hồi ký đó. Po trố mắt ngạc nhiên hỏi, cuốn hồi ký nào? Blaise trả lời: Đấy là một văn bản hoàn hảo viết về cuộc phiêu du của ông đến rất nhiều nơi. Văn bản ấy viết bằng tiếng Blasensenla năm 1947, ông quên rồi sao?”. Sau phút ngạc nhiên thú vị, Po cho biết: “Tôi nhớ rõ vào năm đó, tôi đang cặm cụi gõ hồi ký bằng máy đánh chữ thì một trận cuồng phong ập đến. Sức gió mạnh tới mức cả tấm krakratta(*) mà tôi treo trên cây cùng toàn bộ những gì tôi để trên ấy đều bay tuốt. Người tôi ngã nhào xuống đất, đến khi bừng tỉnh thì mọi thứ mất trắng. Tôi cố tìm mãi mà không ra! “(tr.393).

Chính tác giả cuốn hồi ký tìm không ra cuốn sách của mình, vậy cuốn hồi ký này đã lưu lạc thế nào và xuất hiện ở đâu? Không có câu trả lời thuyết phục. Chương mở đầu truyện miêu tả Billy loay hoay mãi mà không giải mã được một văn bản viết vằng một thứ chữ không thể hiểu, hắn báo cáo xin hoãn việc họp lại. Sau đó do quan hệ với Disanka, rồi Imani, rồi quen Marie em của Imani, một thần đồng ngôn ngữ, Blaise nhờ Marie dịch giúp ra tiếng Pháp. Việc phát hiện trở lại cuốn hồi ký của Po là do Disanka, sự thể là như thế này: “ Đột ngột nghe tin ông Kazadi, cha của Imani qua đời, Disanka thu xếp về nhà ngay (Diasanka và Imani là bạn)… » Sáng hôm sau, lúc Disanka sang tiễn chân mọi người thì một chuyện không ai mong đợi lại diễn ra »… có ba tên cướp bịt mặt đột nhập định bắt gã phụ tá của Blaise, nhưng chúng bị Blaise đánh bỏ chạy, để lại một khẩu súng săn còn mới tinh trên sân cỏ… “Disanka là người còn lại sau cùng vì Imani nhờ cô khóa cửa và trông nhà hộ. Bỗng cô phát hiện chính giữa phòng khách, ngay trên nền nhà là một chiếc cặp đen…Cặp khá nặng. Mở ra, cô thấy bên trong có nhiều tài liệu học tập, một chiếc lược ngà và đôi bông tai bằng vàng tây. Cô cũng lôi ra được một xấp tài liệu dày cộm. Đó là tài liệu được đánh máy chữ bằng một thứ tiếng gì rất lạ, kèm một bản dịch bằng tiếng Pháp.”(tr.39). Chiếc cặp đen trong chứa hồi ký Po ở nhà Imani là của ai? Của Marie chăng? Disanka đã đọc cuốn hồi ký này (từ chương 7 đến chương 14 mới trao cho Blaise.). Quả là không thể tìm ra manh mối. Do đâu, ngay từ đầu, Blaise có tập tài liệu (Hồi ký Po), rồi do đâu có chiếc cặp đen đựng tập tài liệu này ở giữa nhà Imani?

Cuộc đời của Po cũng được miêu tả không rõ ràng như chính hồi ký của Po. Po là người bộ tộc “cười và nhảy”. Khi Po 16 tuổi, một trận cháy rừng khủng khiếp đã xảy ra, Po đã chạy và lạc người thân. Po được đoàn khảo cổ người Pháp cứu và nhận André là bố. Po được dạy dỗ  nết ăn, lối ở,  và dạy tiếng Pháp, được trang bị kiến thức căn bản cần thiết”. Từ đó Po lưu lạc với đoàn khảo cổ, sau về Paris, sống an nhàn suốt mùa hè 1940. Khi Po đã 24 tuổi, “Bố cho rằng tôi đã có vốn liếng căn bản chương trình trung học phổ thông, lại có khả năng tự học”, (tr.146). Po đi thăm cụ Kahn. Sau đó được chú Deiter đưa sang ở với ông Kahn vào khoảng đầu tháng 11 năm 1940. Nhưng rồi cả bố André và cụ Kahn qua đời. Po đi Hà Lan với chú Deiter, sống ở Amsterdam tháng 2. 1941 để giúp chú Deiter coi nhà và đi học. Ở đây Po bị quân Đức bắt giam gần một tháng. Cũng ở đây Po gặp Anne và thầm yêu cô bé này. Lúc ấy Po 25 tuổi và Anne 13 tuổi. Mối tình câm lặng này kéo dài cho đến đầu tháng 8 năm 1944. Khi học đại học, Po ngưỡng mộ linh mục Casmir và trao đổi với vị linh mục này về cuốn tự truyện Mein Kampf của Hitler. Po cũng chứng kiến gia đình Anne Frank bị quân Đức bắt đi. Lý do gia đình Anne là người Do Thái. Po “quay quắt khổ sở. Tôi muốn gào lên. Tôi muốn bầu trời sụp đổ hẳn đi cho xong những chuỗi ngày oan nghiệt” Sau đó Po theo linh mục Casmir tình nguyện đi cứu trợ. Nhóm của Po sang Việt Nam. Khi trở, về Po làm khóa luận tốt nghiệp, đề tài về nạn đói 1945 ở Việt Nam. “bản tóm tắt luận văn của tôi lại được phát rành rành trên Đài BBC, tôi trở thành một cộng tác viên của đài từ dạo ấy”(tr.331). Tháng 7 năm 1947, Po mãn khóa. Po về thăm quê Emila, bộ tôc Sahana và thành thân với nàng, dù vẫn nhớ Anne và mong trở về với bộ tộc “cười và  nhảy” của mình (chương 63). Hồi ký Po chấm dứt ở đây. Tập hồi ký này sau bị Larry Devlin đốt (chương 65).

Nếu hồi ký Po chỉ có thế thì không thể gây ảnh hưởng tư tưởng sâu đậm và làm thay đổi cuộc đời của điệp viên CIA Billy và Larry Devlin được. Po được giới thiệu là nhà sử học, nhưng không rõ những thành tựu nghiên cứu sử học của Po là gì. Po được coi là nhà tư tưởng nhưng trong hồi ký Po không thể hiện tư tưởng gì ngoài việc chán ghét chiến tranh. Po viết: “Trời đất hỡi, tôi thật sự chán ghét chiến tranh! Tôi vô cùng chán ngán với thực trạng hằng chục triệu người trên trái đất không những không biết đùm bọc nhau nhằm vượt qua khó khăn trong cuộc sống mà lại ra sức giết hại nhau (tr.284).

Tôi đồng ý với nhận định này của tác giả về Po: “Có lẽ xuất thân từ một bộ tộc còn giữ nét nguyên sơ từ nếp ăn lối ở cho tới lề thói tư duy, nên ông có một cái nhìn thật trong suốt và tỉnh táo về loài người và cái mà chúng ta thường hay gọi là nền “văn minh”. Ông là một người được sinh ra để sống thuận theo trời đất. Bao rối rắm của cuộc đời dường như không đủ sức làm cho tâm hồn ông điên đảo”(tr. 413). Po cũng khẳng định điều này: “Điều lý thú là tôi luôn nhìn đời với vẻ hiếu kỳ. Tôi vẫn mỉm cười hồn nhiên dù đang phải đối mặt với hiểm nguy. Dường như chính những trải nghiệm sống ở bên Min và Pat tại khu rừng hoang dã của bộ tộc tôi đã hun đúc cho tôi những đức tính cừ khôi như thế.“(tr. 214).

Thực ra, Po được giáo dục theo văn minh phương Tây, sống với bố André người Pháp, đã có thờ gian sống tại Paris, chắc chắn nền giáo dục ấy có ảnh hưởng đến Po. Po đã đọc cuốn tự truyện Mein Kampf của Hitler, không thể không có ảnh hưởng tư tưởng dân tộc của Hítler. Có hai người Po yêu mến và cảm phục là Linh mục Casmir và Anne. Đời sống và tinh thần của họ để lại dấu ấn trong tâm hồn Po. Po học với Linh mục Casmir, rồi theo ngài đi làm thiện nguyện ở Việt Nam. Hành động và tư tưởng bác ái của vị linh mục này mà Po chứng kiến tương đồng với lòng nhân ái sẵn có trong Po (tr, 228). Với Anne, Po biết rõ đức tin của nàng: “Trong nhật ký của mình, Anne viết rằng kể từ khi biết Chúa Giê-su theo lời kể thân tình của tôi, nàng ngày đêm hay nghĩ tới Chúa. Trong những lúc gian nan, chính nhờ có Chúa trong lòng mà Anne cảm thấy tâm hồn mình thanh thản hơn.”(tr.335).

Tuy nhiên, Po là người vô thần. Po nói rõ điều này: “tôi quá thất vọng vì trong nhân thế, xem ra cái ác thường lấn lướt cái thiện. Những lúc thấy mình bất lực trước hoàn cảnh éo le, bé mọn trước không gian vô tận và thời gian vô cùng, tôi đã từng chắp tay cầu nguyện. Nhưng Chúa đã không kịp thời hiện ra để cứu rỗi những người lương thiện. Tôi chưa có cơ hội gặp Chúa bao giờ, trong thực tế lẫn trong mơ. Do vậy, niềm tin của tôi đối với Chúa chưa đủ mạnh. Nếu ai đó nói rằng có một guồng máy vô hình đang vận hành trong vũ trụ và chi phối cuộc sống của muôn loài thì tôi tạm thời tin. Nhưng nếu nói rằng cả vũ trụ và mọi sinh linh đều do một đấng toàn năng tạo dựng rồi tiếp tục định đoạt số phận thì tôi không đủ bằng chứng để tin.” (tr.347)

Thái độ vô thần của Po còn thể hiện cụ thể khi Po ở trong trại giam của Đức. Po nằm trên giường, đè lên nột cái ví da, trong có “một cuốn kinh Tân Ước và một chiếc thánh giá với hình ảnh Chúa Giê-su dang tay chịu tội.“của ai đó. Po không hề có cảm xúc tâm linh nào. Sau đó vì muốn cứu ông Müller trong trại giam của Đức, Po khuyên ông “ mang sợi dây chuyền có hình Chúa Giê-su vào người, đồng thời giữ lấy cuốn kinh Tân Ước mà tôi may mắn có được trong tay. Tôi cũng khuyên ông ráng học thuộc các bài kinh rất ngắn của người Công giáo như kinh Thương Xót, kinh Vinh Danh và kinh Lạy Cha phòng khi có ai chất vấn thì ông dễ trả lời./ Thế nhưng, ông Müller một mực lắc đầu. Tôi nhớ rõ đêm ấy ông đã lắc đầu như thế không biết bao nhiêu lần. Hình ảnh ông giả Müller lắc đầu từ chối đeo dây chuyền Thánh giá và giữ cuốn Tân ước cũng chính là thái độ của Po đối với tôn giáo.

Như vậy, có thể nhận thấy Po trong tập hồi ký không định hình tư tưởng gì ngoài sự “hồn nhiên“ và tính “hiếu kỳ“ bẩm sinh của bộ tộc và những phản ứng cảm tính tự nhiên không mang ý thức xã hội hay triết học cao rộng nào. Xin đơn cử, Po đã nhìn lén Anne tắm khỏa thân, và yêu say đắm Anne trong khi ở Hà Lan, bọn Đức chiếm đóng đang thực hiện một chính sách cai trị vô cùng hà khắc. Chúng ra sức bức hại người Do Thái: “Tính ra, trong số 140 nghìn người Do Thái tại Hà Lan, rốt cuộc chỉ có non 38 nghìn người sống sót. Số người Do Thái lần lượt bị giết bằng hơi ngạt trong các trại tập trung lên đến 102 nghìn người.”(tr.235). Thái độ sống “vô tâm” như thế của Po có ý nghĩa tư tưởng gì? Hay chỉ là cảm tính “hồn nhiên”. Tôi cũng không thấy Po có chút gì là nhà tư tưởng như Lão Tử.

Việc xây dựng nhân vật Po và nhân vật Lumumba trong tác phẩm chưa đạt được mục đích tư tưởng của tác giả. Cả hai nhân vật được xem như những nhân vật lý tưởng về chính trị và tư tưởng để thể hiện những quan niệm sống và quan niệm “trị dân” của tác giả. Đó là sống an nhiên, thanh khiết và cai trị dân bằng cách không cai trị (thuyết vô vi của Lão Tử). Lumuba thất bại và bị giết hại vì ngây thơ chính trị, còn Po thì phiêu bạt (sau theo Hippy), ngay cả ước muốn trở về bộ tộc của mình cũng không thực hiện được. Dù sao hai nhân vật này cũng thể hiện khát vọng của tác giả đối với xã hội Việt Nam đương đại. Khi xã hội ngày càng tôn thờ vật chất và trở nên vô cảm, khi cái ác ngày càng lộng hành, Nhà nước không bảo đảm được bình yên hạnh phúc cho dân …thì tác giả đề xuất một con đường. Đó là một thiện ý. Con đường ấy được Po nói rõ với phóng viên.

Po nói:

“- Kẻ thật thà vui lòng đứng đằng sau dân thì dân mới đưa lên trước. Kẻ tranh đoạt quyền lợi của dân thì dân coi như giặc.

– Thế thì, làm thế nào mới có thể khiến cho thiên hạ thái bình được ạ?

– Ngài ấy cần gì phải trị dân mà tự nhiên dân theo. Ấy là do cách ăn ở thuận theo trời đất. Ngài ấy và ta thật ra có làm gì đâu.”

Thiết nghĩ, nhà văn chỉ là người đặt vấn đề, là lương tâm của thời đại, soi sáng lương tri thời đại. Nhà văn không phải là người giải quyết vấn đề. Giải quyết vấn đề xã hội là trách nhiệm của nhà chính trị. Gương mặt loài Homo Sapiens đặt ra nhiều vấn đề để bạn đọc suy gẫm về thời đại của mình. Được như vậy chính là sự thành công của văn chương.

Tháng 11. 2017

 

 

 

Loading

Đánh giá bài viết
call Hotline 1 0798287075 call Hotline 2 0798 287 075 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok