BÊN NGOÀI CỔNG NHÀ THỜ
(Đọc tập truyện Bên ngoài công nhà thờ của Lm Cao Gia An)
Bùi Công Thuấn
Nếu bạn hỏi tôi tập truyện Bên ngoài cổng nhà thờ có gì là ấn tượng, tôi xin thưa ngay rằng, tập truyện có những trang văn rất đẹp, về người quê hồn hậu, về tình quê thiết tha. Và dù là những câu truyện bi kịch thì cái nhìn của tác giả vẫn lấp lánh một niềm tin yêu trẻ trung tinh khôi và một giọng kể dung dị, gần gũi, ấm áp.
- Bên ngoài cổng nhà thờ có gì?
Đây là một bức tranh xã hội: “Những đứa con được sinh ra, lớn lên, đi làm ăn xa, khắc sâu trong lòng mình chữ đạo chữ hiếu. Họ bán đi cái quê hương xứ xở trong lòng mình, bán đi cả tuổi xuân của mình, bán luôn bao nhiêu là ước vọng của riêng mình. Có những đứa trẻ sớm bị đẩy ra ngoài đường phố, lam lũ với nắng với mưa và với gió bụi cuộc đời. Có những đứa con được gả bán đi, ngơ ngác trong hành trình làm dâu xứ lạ. Có những người trẻ tìm cách ra đi, đau đáu với khác vọng đổi đời, khát vọng về một cuộc đời phồn vinh no ấm cho mình, cho gia đình, cho quê hương mình… (tr.97)
Bên ngoài cổng nhà thờ “còn rất nhiều người nghèo thiếu cả cơm ăn áo mặc. Nghèo hơn nữa là những người nghèo chưa bao giờ được nuôi dưỡng bởi những của ăn tinh thần và đời sống tâm linh. Họ vô phương kháng cự trước vô số cám dỗ và nguy cơ của đời sống hiện đại” (tr.162). Tác giả dẫn người đọc đến thăm những cảnh đời mà lối sống đạo truyền thống của người Công giáo đã đẩy họ ra ngoài nhà thờ. Đó là những trường hợp gọi là hôn nhân “rối”, những cô gái “chửa hoang”(Bên ngoài nhà thờ, Cha xứ dở); những “cánh hoa rơi” giữa phố thị (Tầm xuân giữa phố); chia sẻ những bi thảm của những số phận bị công nghiệp hóa tước đi môi trường sống (Miền cỏ xanh dưới lòng sông), hoặc làm tha hóa những điều đạo đức tốt đẹp, làm tan vỡ những cuộc tình hồn hậu, làm ly tán những gia đình vốn nề nếp hạnh phúc (Tiềng chuông nhà thờ; Hương ổi ngày xưa; Xóm không đêm; Một cuộc đời để sống)…
Bên ngoài cổng nhà thờ là cuộc sống phức tạp. Người Linh mục trẻ cảm thấy bất lực. ”Càng va chạm nhiều với thực tế, anh càng gặp nhiều cảnh đời đau lòng. Những cảnh đời đau lòng đặt ra cho anh nhiều câu hỏi vô phương trả lời, nếu chỉ dựa trên những gì anh đã được học, dựa trên những phương tiện anh đã được trang bị, hay dựa trên những luật lệ mà trước đây anh đã từng trân giữ và xác tín.”(tr.23),
Và đây là một câu hỏi không có lời đáp về một trường hợp chửa hoang mà ba đời chịu khổ: “tội nhân đã ôm tủi hổ xuống mồ, bố mẹ của tội nhân thì cho đến chết cũng đã không dám ngước mặt nhìn đời, con của tội nhân thì không có cơ hội để sống một cuộc sống bình thường như bao nhiêu người khác. Đáng không? Do đâu mà ra cái bể trầm luân như thế? Còn có cơ hội nào để tìm và cứu những gì hư mất không?” (tr.11).
Trong bài giảng về đoạn Tin Mừng “Đứa con hoang đàng” (Luc 15, 1-32), người Linh mục trẻ ấy (Cha Tâm) đã đặt câu hỏi này vào lương tâm người Công giáo: “Người ra đi, bị gọi là kẻ tội lỗi, kết cục bước vào ở trong nhà của Cha. Còn người ngày ngày ở lại trong nhà Cha, tự xem mình là kẻ công chính, cuối cùng lại tự đặt mình ở ngoài cổng. Chúng ta gặp mình trong nhân vật nào? Người con thứ hay người con cả? Hay cả hai? Đâu là chỗ của chúng ta, trong nhà hay ngoài cổng?”(truyện Bên ngoài cổng nhà thờ)
- Những niềm thao thức
Trong thực tại xã hội Việt Nam hiện nay, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thế tục và những khuynh hướng suy đồi đang làm băng hoại tận gốc những giá trị văn hóa của dân tộc, thì bên ngoài cổng nhà thờ còn bao nhiêu là bi kịch, bao nhiêu điều bất công. Hàng ngày, người ta chứng kiến bao nhiêu là tội ác đổ xuống trên đầu những số phận bé nhỏ, mà bất lực, không lời nào nói hết.
Tuy nhiên ở tập truyện Bên ngoài cổng nhà thờ, tác giả không có mục đích “phản ánh hiện thực” để đặt những vấn đề xã hội. Những truyện được kể trước hết là những suy nghiệm, những trăn trở, những ước vọng của sứ vụ Linh mục, đồng thời tra vấn lương tâm người Công giáo trong chính hành trình sống đạo, để cùng thao thức.
Người Công giáo sống đạo không chỉ trong nhà thờ mà hãy nhìn ra ngoài cổng nhà thờ để hướng về tha nhân, để sống đúng với giới răn “mến Chúa yêu người”. Dường như lâu nay, và từ bao giờ không rõ, người Công giáo đã tự xây bức tường, vạch làn ranh tách biệt mình với bên ngoài, rất nhiệt thành trong việc tổ chức những lễ lạc “xôm tụ, hoành tráng” để “khẳng định căn tính và danh giá của mình trước mặt những người không cùng đức tin”, nhưng “liệu xôm tụ và hoành tráng có phải là cách hữu hiệu để nói với người khác về Chúa, để trình bày về đạo của Chúa không?”(tr.161)
Tập truyện mở ra nhiều sự việc, nhiều cách nghĩ, cách sống đạo mà người Công giáo phải xem lại mình. Chẳng hạn, việc đọc kinh cầu nguyện, “Ông Chín tự hỏi lại mình về những giờ kinh gia đình mà ông vẫn thường hướng dẫn. Có thật khi cầu nguyện, “chỉ cần nhắm mắt đọc thuộc lòng cho hết bộ kinh bổn từ đầu cho tới cuối là xong”? Cầu nguyện như vậy, liệu có còn phù hợp với bọn trẻ con cháu của ông không? Thế hệ này hay muốn tìm hiểu và thích đặt câu hỏi tại sao. Còn ông, kinh kệ hình như chỉ là chuyện thuộc nằm lòng. Mọi sự cứ tự nhiên mà tuôn ra theo môi miệng, tự nhiên như lời kinh của lòng ông dâng lên Thiên Chúa. Ông cứ đọc, cứ thuộc, rồi truyền lại cho con, cho cháu, như của gia bảo hồi môn từ thế hệ này sang thế hệ kia.”(Đi tìm anh em.tr.41)
Về vấn đề hoang thai: “Để che đậy một tội, người ta lại phải phạm một tội khác lớn hơn. Với người trẻ của thời hiện đại, phạt tội liệu có còn là phương pháp giáo dục tốt nhất để gìn giữ lề thói đạo nghĩa không? Răn đe và nghiêm cấm liệu có còn là cách tốt nhất để giáo dục lương tâm không? Còn có cách nào khác để vẽ lại dung mạo của một Giáo hội bao dung và từ nhân hơn? Giá trị của một con người và giá trị của luật lệ, điều gì nên đặt lên trên?…(Cha xứ dở-tr.22)
Và đây là vấn đề cốt lõi để người Công giáo “sống phúc âm giữa lòng dân tộc“. Xã hội có chương trình “xóa đói giảm nghèo”, còn người Công giáo sống thế nào? Tại sao rất dễ để kêu gọi mọi người cùng chung tay tổ chức một cuộc lễ lạc với rước sách long trọng và hoành tráng, nhưng lại rất khó để kêu gọi mọi người tham gia một dự án bác ái xã hội để giúp cho những người nghèo? Tại sao rất dễ để kêu gọi bà con chung tay trong công cuộc xây dựng một công trình gì đó của nhà thờ, nhưng lại rất khó để thuyết phục mọi người đóng góp để xây dựng và giúp đỡ xóm lương dân đang còn nghèo khổ và đói rách?/ Đó là sức ì của truyền thống? Đó là phong cách giữ đạo đã lâu đời đến độ trở thành một quán tính tự nhiên, nhưng không còn đủ chiều sâu và sức bật? Hay đó là lựa chọn tự vệ của những người đạo đức, trước những đe dọa hữu hình của văn minh hiện đại?”(Xóm không đêm-tr.163)
Tập truyện đã đưa ra ít nhất hai hình ảnh để người Công giáo tự đối chứng. Đó là trường hợp các anh em Tin Lành. Họ thực hiện lời Chúa dạy là “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”. Họ đến với xóm đạo để cùng cầu nguyện. Ông Chín trong truyện Đi tìm anh em đã phải suy nghĩ lại: “Như vậy hóa ra muốn sống đạo tốt, theo đúng lời Chúa dạy, thì người ta phải đi. Chỉ một từ “đi” nho nhỏ thôi, mà làm ông Chín bị đụng chạm và thấy nhột quá sức. Tính ra, từ hồi nhỏ tới giờ, ông Chín vẫn nghĩ chỉ cần ngày nào cũng đi từ nhà đến Nhà Thờ thì đã đủ để làm một tín hữu tốt. Xóm đạo của ông được xây dựng như một hợp thể hoàn chỉnh: có nhà thờ, có chợ, có trường học, có một bệnh xá nhỏ. Cả xóm đã như một mô hình khép kín, ít khi nào nghĩ tới chuyện phải đi ra bên ngoài.” (tr.36)
Trường hợp thứ hai ở nhà nuôi dưỡng người già, neo đơn trong một ngôi chùa. Vị Linh mục trẻ tận mắt chứng kiến “tấm lòng quảng đại từ bi của nhà chùa và các Phật tử hảo tâm. Họ sẵn lòng mở rộng vòng tay để tiếp nhận những người già nua cô độc. Đó là gương phục vụ vô vị lợi của các cô, các dì ở chùa đối với những người già. Họ phục vụ tận tâm từ những người bại liệt, mù loà đến những người già khó tính hay giận hay hờn…” (truyện Trong bóng chiều cuộc đời). Đối chiếu với Tin Mừng, vị Linh mục “học được nhiều điều và đọc thấy nhiều giá trị Tin Mừng,…nơi những người già bị bỏ rơi, tôi tìm thấy hình ảnh của Đức Kitô nghèo hèn và cô độc, nhưng vẫn đẹp đẽ lạ thường”(tr. 151).
Những cách nhìn như thế chắc chắn là cách nhìn của Giáo hội trong Tông huấn Giáo hội tại Á châu (Ecclesia in Asia): “Á Châu cũng là chiếc nôi của các tôn giáo lớn trên thế giới -Do Thái Giáo, Kitô Giáo, Hồi Giáo và Ấn Giáo. Đó là nơi phát sinh nhiều truyền thống thiêng liêng khác như Phật Giáo, Lão Giáo, Khổng Giáo …Giáo Hội giữ một niềm kính phục sâu xa nhất đối với các truyền thống này và tìm cách chân thành đối thoại với các môn sinh của truyền thống đó. Những giá trị tôn giáo họ truyền dạy, chờ được hoàn thành viên mãn trong Đức Giêsu Kitô…. Họ quý trọng những giá trị như tôn trọng sự sống, lòng trắc ẩn đối với mọi sinh vật, gần gũi với thiên nhiên, hiếu thảo với cha mẹ, đàn anh và tổ tiên, và một ý thức cộng đồng cao độ (11). Đặc biệt, họ coi gia đình là nguồn sống ban sức mạnh, một cộng đồng liên kết chặt chẽ có một cảm thức mạnh mẽ về tình liên đới (12). Các dân tộc Á Châu nổi tiếng có tinh thần bao dung tôn giáo và sống chung hoà bình.”
- Một ngòi bút trong trẻo tinh khôi
Điều rất quý ở tập truyện này là ngòi bút trong trẻo, tinh khôi, bộc lộ ở nhiều yếu tố của bút pháp. Dù truyện viết về bi kịch của nhiều cảnh đời bất hạnh, những cuộc tình đổ vỡ, hay những ly tan gia đình do hoàn cảnh, song cái nhìn của tác giả là sự cảm thông chia sẻ, là sự lên tiếng nói. Nhiều truyện kết thúc có hậu. Không phải vô tình mà nhiều truyện, góc trần thuật là cái nhìn của những em bé, rất hồn nhiên (Đỉnh cao nghệ thuật, Một cuộc đời để sống, Trên những đường cong)
Một triết lý lạc quan bao trùm không gian truyện, cuộc sống có bi thảm thế nào thì con người vẫn vươn lên để sống. Nhìn dòng sông cạn nước do người ta ngăn đập làm thủy điện, tác giả nhận ra điều này: “dù dòng sông không còn chảy, cuộc sống vẫn cứ trôi. Bất chấp những thịnh suy thăng trầm, sự sống vẫn cứ tiếp diễn liên tục theo cách rất riêng của mình… Tại nơi mà những người lớn ngoi ngóp mắc cạn, bọn trẻ vẫn có thể có một khung trời tuổi thơ đẹp như mơ. (tr.84) Triết lý lạc quan này xuất phát từ sự xác tín con đường. Tác giả chia sẻ: “Có một thời gian tôi ở trong tình trạng lao đao khi muốn tìm cho tương lai mình một lối đi. Chiều chiều, tôi hay ra đứng bên dòng sông Đồng Nai, ngắm những cánh hoa trôi nổi bồng bềnh. Đem so sánh tương lai đời mình với cánh hoa lục bình, tôi thấy có cái gì đó na ná: mong manh phiêu bạt, rồi sẽ chẳng biết sẽ về đâu? Nhưng rồi cũng đến giai đoạn tôi quyết định hướng đi cho tương lai đời mình. Cánh lục bình cho tôi một bài học quý giá: cuộc đời mong manh và vắn vỏi là thế, nên tôi cần tìm cho mình một Bến Đỗ an toàn và bền vững hơn. Tìm về với Đấng là Cội Nguồn và Cùng Đích của đời tôi. Đó là căn nguyên đức tin của tôi”(tr.147)
Có nhiều trang tả cảnh thiên nhiên đồng quê rất đẹp. Câu chữ hiện lên sắc nét, tươi tắn, thơm tho: “Mỗi sáng, mặt trời mọc lên bên kia bờ sông, con nước như một tấm gương vàng phản chiếu toàn bộ ánh sáng đầu ngày hắt lên khu đất nhà ngoại. Mỗi chiều, mặt trời khuất sau ngọn đồi, cứ như có ai đó đem toàn bộ của cải giấu sau lưng nhà ngoại.” (tr.71)
“Trên bầu trời một bóng mây vừa bay qua, để lại một khoảng trời xuân trong veo và xanh thăm thẳm. Trời xuân đổ xuống khoảng sân trước nhà chị Diệp con nắng vàng ươm như rót mật. Trước sân, hàng cau vươn thẳng mình, chìa những táng lá xanh um như những cánh tay dang rộng mở ra với trời. Trên thân cau là dây trầu quấn quýt. Sau bao mưa gió, lá trầu xanh càng thêm thắm xanh. Sau bao biến đổi thăng trầm, trầu và cau đã được quấn quýt bên nhau…” (tr.142)
Tôi thực sự xúc động trước sự quan sát rất tinh tế và lấp lánh tình người khi tác giả ghi lại hình ảnh bà già mù: “Từ hai hốc mắt sâu hoắm không còn chút tinh anh của bà, đôi dòng lệ cuộn tròn, trào ra rồi chảy thành dòng qua những nếp nhăn nheo của đôi gò má xương xẩu. Vài tia nắng hắt từ khung cửa sổ đậu lại trên khuôn mặt bà, làm ánh lên hai hàng nước mắt long lanh. Mỗi lần kể chuyện cho tôi nghe bà đều ngồi yên bất động, chỉ có đôi môi mấp máy và cặp mắt nheo nheo như đang hướng về một vùng trời vô định.” (tr.146)
Nếu bạn đọc để ý, sẽ thấy, tác giả không miêu tả những cảnh đời nhầy nhụa hay những hành động tàn bạo của tội ác, những cảnh vô luận hay những biểu hiện của những hình thức “vô văn hóa’; mà luôn giữ cho ngòi bút chừng mực trong thế giới của “cái đẹp”, dù rằng trong tập truyện, vẫn có những cảnh đời như thế.
Kiểu truyện ngắn kết hợp với Tùy bút tạo nên một văn phong gần gũi, tín cẩn. Người đọc có cảm giác rằng chính tác giả (không phải nhân vật) đang chia sẻ những thao thức, những trăn trở, nhửng tâm nguyện của mình về việc sống đạo, về lương tâm Công giáo trước thực tại, và mời gọi mọi người cùng mở lòng ra để hướng ra bên ngoài cổng nhà thờ. Sự thành tín tùy bút này giúp cho những câu truyện, có khi chỉ là tâm trạng của nhân vật, rất ít tính truyện, vẫn cuốn hút người đọc.
Kiểu ngôn ngữ bình dân, giàu tính nhạc, giàu cảm xúc lãng mạn, giàu chất thơ…lại có một sức hấp dẫn khác. Xin nghe những lời chia sẻ này: “Thì ra người ta có thể có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một chốn duy nhất để tìm về. Thì ra người ta có thể lớn lên, đi khắp tứ phương thiên hạ, làm được đủ thứ chuyện, nhưng vẫn có một góc nào đó rất nhỏ, trên một mảnh đất nào đó rất nhỏ, khiến người ta thấy mình vẫn chỉ là đứa con nít của ngày hôm qua chưa kịp lớn. (tr.119)
…Cái nhịp sống ở phố dạy hắn rằng không gì hạnh phúc cho bằng có một chốn để thuộc về, có một nơi để tìm về, có một quê hương xứ sở, có một gốc gác cội nguồn.”(tr.125);
Đằng sau tất cả những câu truyện cuộc đời là thông điệp này: “Lúc này đây, tôi thấy lòng mình bừng lên ước ao muốn được chia sẻ (cho bà) niềm tin của tôi về Đấng Tuyệt Đối là cội nguồn và cùng đích của mọi loài.”(tr.147)
Tháng 12. 2017
Pingback: VĂN XUÔI CÔNG GIÁO ĐƯƠNG ĐẠI-Nhận dạng – CHÚT TÌNH TRI ÂM