NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN ĐỨC PHƯỚC TRỞ THÀNH HỘI VIÊN HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM 2017, MỜI BẠN ĐỌC BÀI BCT VIẾT VỀ THƠ NGUYỄN ĐỨC PHƯỚC:
TRÁI TIM BIẾT KHÓC
Đọc tập thơ Đêm Khát của Nguyễn Đức Phước- Nxb Hội Nhà Văn năm 2008
Bùi Công Thuấn
Nhiều nhà thơ trẻ đương đại quay quắt trong cái tôi, hả hê với sex (1), ồn ào với “cách tân“, nhưng họ không sáng tạo được những tác phẩm nghệ thuật có thể đọng lại trong lòng người đọc và đứng được với thời gian. Vĩnh Phúc nhận xét: ”Thú thật, tôi đã đào xới các mạng, tìm kiếm đến mờ mắt những câu thơ hay của các khuôn mặt tên tuổi từ Nguyễn Vĩnh Tiến, Vi Thùy Linh, Hồ Huy Sơn, Phan Huyền Thư, Trương Quế Chi, Nhóm Ngựa Trời, Nhóm Mở miệng… và chỉ thấy ở đó rất nhiều những con chữ phùng mang trợn mắt không hồn vía, những rêu rao tình dục, những giễu nhại hồ đồ phi thẩm mỹ. ..” (2) Trái lại, Nguyễn Đức Phước có những cảm thức nghệ thuật vượt qua thế hệ mình, những cảm thức nối kết truyền thống với hiện đại. Thơ Nguyễn Đức Phước là thơ tư tưởng thẩm mỹ.
Nếu đọc bằng cảm thức tư tưởng, Đêm Khát có thể có sức lay động sâu xa tâm hồn người đọc. Nguyễn Đức Phước viết về những cái đời thường, nhưng anh, dẫn ta vào cõi sâu thẳm của ý thức về thời gian, không gian và những vấn đề của kiếp nhân sinh. Ở nơi ấy, nỗi đau choáng ngợp tất cả.
“Mọi vương triều cũng thành hoang phế
Còn đây đau đáu một hình hài “
(Nỗi Buồn Thánh Điạ)
“Dập dìu góc phố lặng im
Tháng năm xa cách cố tìm lại đau“
(Đêm vàng Bỏ Quên)
“Chuyến đò ngày ấy em xa
Vẫn còn đau nỗi bôn ba xứ người “
(Nỗi buồn sông Ngân)
“Ta để quên loài hoa phố núi
Tìm ánh mắt mùa đông
Chiếc khăn len phảng phất hương dại
Ám ảnh đêm
Ché rượu cất nỗi đau hoang dã…”
(Ảo ảnh mùa đông)
“Một tiếng khóc giữa muôn ngàn tiếng khóc
Một cơn đau vật vã những cơn đau”
(Trả lại cho em)
Đó là nỗi đau hiện sinh trong hoang phế buồn thiên cổ và ẩn hiện những vật vã kiếp người lầm than. Nói như thế để thấy Nguyễn Đức Phước không luẩn quẩn trong cái tôi của thơ trẻ. Anh hoà nhập vào được những nguồn mạch lớn của thơ ca tư tưởng trong thơ truyền thống và thơ hiện đại. Có thể nói nỗi đau là mạch cảm hứng căn cốt của Đêm Khát và của hồn thơ Nguyễn Đức Phước. Nỗi đau ấy cất lên nhiều cung bậc và nhiều sắc thái. Nỗi đau hoang dã, nỗi đau của sự mất mát tháng năm, hoang phế, rong rêu, nỗi đau thân phận lạc loài mịt mù khói sương, nỗi đau vật vã cuả muôn ngàn tiếng khóc.
« Ta còn gì trên sông quê
Khi phù sa chảy vào lòng biển bạc“
(Ảo ảnh muà đông)
“Thu vàng không thấy vàng thu
Trông về muôn hướng mịt mù khói sương”
(Thu)
Biển chiều lặng lẽ cơn mưa
Mờ phai dấu cát ngác ngơ cánh buồm”
(Đông)
“ Ta vùng vẫy tìm khắp biển cả
Chạm rong rêu”
(Biết khóc)
“Hỏi mưa mưa nói buồn thiu
Hỏi nắng nắng chỉ: rong rêu tứ bề“
(Hạ)
Nguyễn Đức Phước không chạm vào cái hiện sinh phi lý đến” buồn nôn” (3) của tư tưởng hiện sinh hiện đại mà đạt tới cái cụ thể, cái vô cùng thời gian của nghiệm sinh hữu thể. “Mọi vương triều cũng thành hoang phế/ Còn đây đau đáu một hình hài “. Nỗi “đau đáu hình hài “ ấy giàn giụa nước mắt
“Giọt nước mắt rơi xuống biển
Bao giờ đến được bờ kia”
(Nhớ biển)
Ta còn lại bước chân lầm lũi…
…Giữa ngàn thông giọt nước mắt thầm thì “
(Tiễn)
Trong cái ý thức hiện sinh ấy, Nguyễn Đức Phước thấy xung quanh mình là đêm lạnh toát. Đó là đêm hiện thực thăng hoa thành đêm của ý thức tư tưởng thẩm mỹ.
“Tiếng côn trùng rả rích trên thảm cỏ xanh ướt đẫm
Lạnh toát đêm…”
(Ngày xa)
Bầu trời xanh bỗng co rúm lại
Để bóng đêm trùm xuống những cuộc đời
(Trả lại cho em)
Tôi còn lại mớ bòng bong
Đem về rao bán giữa dòng sông đêm
(Đa Tình)
Nguyễn Đức Phước nói đến những ám ảnh đêm, đêm trắng đêm gió hú, gặm nhấm đêm, là nói đến đêm của sự bất lực trước thực tại
Vô cảm trước những ngôn từ
Thơ – Không phải thơ
Người – Có phải người?
Trắng giấy
Đêm Đen?
(Bất lực)
“Những câu chữ không còn hồn vía
Chập chờn như dải luạ đen”
(Biên giới một tình yêu)
Những ám ảnh đêm ấy là ám ảnh về những kiếp người không được làm người. Nguyễn Đức Phước hoá thân vào người ăn xin, lạy sáu cõi thế gian (Lạy), vào những bào thai phải lãnh án tử (Viết tại Khoa Sản), những nạn nhân chất độc da cam “Em sinh ra không mặt, chỉ có đầu ! “ (Trả lại cho em), “những người đàn bà…” (Đêm Khát), những thân phận bôn ba xứ người. Nguyễn Đức Phước kêu khản giọng mà vẫn không thể mua được “một đĩa vị tha, một đĩa nụ cười, một đĩa niềm tin” để chia xẻ cho đời , cho bạn (Xin mua). Niềm đau ấy đầy ắp tình người, Cái tôi của nhà thơ nhoà đi trong nỗi đau cụ thể đau đáu hình hài. Nỗi đau ấy lớn lao khiến nhà thơ nhận ra sự bất lực cuả mình và sự vô cảm của thơ.
Trong sâu xa của hồn thơ Nguyễn Đức Phước, còn có nỗi đau của một tình yêu xa khuất mà những kỷ niệm làm trăn trở mãi không thôi.
“Cánh chim vẫy biệt ngày xuân
Người xa xa mãi bâng khuâng bóng chiều
Tim mình một ngọn lửa thiêu…”
(Xuân)
“Tình yêu khát đến bạc đầu
Bởi đâu ngăn cách nhịp cầu đa mang “
(Đêm vàng bỏ quên)
“Bỗng quên cả kiếp lưu đày
Mà không đổi được một ngày cho em “
(Bỗng quên)
Tình yêu ấy thiêu đốt trái tim, cháy khát đến bạc đầu, có thể đánh đổi cả kiếp lưu đày để được một ngày cho em. Nhà thơ đã đi đến tận đáy lòng mình trong tương quan với thời gian, không gian, giữa cái cụ thể kỷ niệm và cái vô cùng của ý thức về nỗi đau.
Với tư cách một nhà thơ, Nguyễn Đức Phước còn có nỗi đau về chính thơ ca.
“..Những vũ khúc với những điệu nhạc xập xình
Nàng thơ uốn éo, nàng thơ lập loè
Nàng thơ thoát y
Những vũ điệy sexy trên giấy…
Tội nghiệp!
(Những vũ khúc trên giấy)
- Những chiếc bánh trung thu sau đêm rằm
Đại hạ giá
Những bộ áo quần may sẵn
Giá chỉ còn ba mươi phần trăm
Đại hạ giá
- Cô gái đứng đường quá nưả đêm
Đại hạ giá
Đại hạ giá
Đại hạ giá
Ai mua thơ…
(Đại hạ giá)
Thơ mất giá vì nàng thơ uốn éo, nàng thơ thoát y, làm những vũ điệu sexy trên giấy. Nhưng làm sao thơ lại có thể so sánh với bánh trung thu, với bộ áo quần may sẵn, với những cô gái đứng đường. Với những cái cụ thể, có thể hưởng thụ được, có thể đem đến no ấm khoái lạc, mà còn mất giá thì nhà thơ có thể rao bán thơ cho ai? Thơ không phải để bán mà để giữ lấy giọt lệ làm người.
“Lật qua tập thơ cũ
Những cảm xúc ngày thơ…
Sao mình vô tư thế
Giọt lệ còn chưa khô”
(Ngày cũ)
“Dẫu cuộc chiến lùi vào quá khứ
Những rừng cây nẩy lộc đâm chồi
Hãy trả lại cho em trời xanh đó
Hãy trả lại cho em nghiã con người “
(Trả lại cho em)
Khi Nguyễn Đức Phước còn nói được những tiếng kêu thương của kiếp người, còn đưa dẫn người đọc vào thế giới cuả cái đẹp tư tưởng và nghệ thuật, thì thơ anh như những “giọt nước mắt rơi xuống biển sẽ đến được bờ kia (đáo bỉ ngạn – chữ cuả nhà Phật )
Có thể nhận thấy nội dung tư tưởng thơ Nguyễn Đức Phước đã chảy cùng một giòng với thơ truyền thống và thơ hiện đại, và về nghệ thuật, Nguyễn Đức Phước cũng làm mới thơ mình trong khuynh hướng đổi mới thơ ca Việt đương đại. Tuy nhiên anh không ồn ào thử nghiệm cách tân. Anh có những bước chuyển tự nhiên từ truyền thống đến hiện đại. Những câu thơ lục bát của anh kết hợp với tứ tuyệt có vẻ đẹp riêng
“Thu vàng không thấy vàng thu
Trông về muôn hướng mịt mù khói sương
Xin đời còn chút tơ vương
Thả rơi chiếc lá bên đường hôm nao”
(Thu)
Người đọc nhận ra vẻ đẹp hài hoà của nhiều bút pháp: chất liệu ca dao, âm hưởng câu thơ Kiều và cảm hứng bàng bạc cuả thơ lãng mạn trong cái thi vị tứ tuyệt cuả bài thơ Thu. Nguyễn Đức Phước có được những tứ thơ lục bát khá hay
“Bỗng quên lời hứa muộn màng
Mái xanh xưa đã ướm vàng chân mây”
(Bỗng Quên)
“Biển chiều lặng lẽ cơn mưa
Mờ phai dấu cát ngác ngơ cánh buồm!“
(Đông)
Nhiều bài cuả Đêm Khát vẫn viết theo thi pháp thơ lãng mạn. Bài thơ là tâm trạng cuả nhân vật trữ tình. “cái ta” choán cả bài thơ với những cảm xúc dào dạt.
“…Trong cơn mơ ta thấy em bốc cháy
Trên ngọn núi ngùn ngụt dung nham
Ta gào thét lao người giữ lấy
Tro tàn…”
(Biết khóc)
Bài Hợp Xướng Đêm, Biên Giới Một Tình Yêu, Cơn Bão Vừa Đi Qua, Vòng Xoay , được viết bằng bút pháp hiện đại
“Thơ tình
Rơi xuống đất
Nỗi đau quăng vào sọt rác
Thiếu nữ trong bài thơ
Cùng gã đàn ông
Khúc khích
Khúc khích
Chuột reo trong sọt rác
Đêm…”
(Hợp Xướng Đêm)
Ta nhận ra thi pháp cuả thơ hôm nay ở chỗ, không có nhân vật trữ tình hiện diện trực tiếp trong bài thơ bày tỏ tâm trạng như trong thơ lãng mạn, hay thơ truyền thống. Hình ảnh thơ là hệ thống ẩn dụ. Nhạc của thơ không phải là nhạc của âm, vần, mà nhạc cuả cuộc sống. Không gian, thời gian nghệ thuật làm bối cảnh bị tước bỏ. Chất liệu và ngôn ngữ thơ là chất liệu đời thường. Tác giả ghi lại một cách khách quan và không can dự gì vào những mảnh của hiện thực. Không có những “đại tự sự “ như tình cảm nhân đạo, giá trị nhân văn, tình tự dân tộc, ngợi ca cái đẹp…Thay vào đó, tất cả quăng vào sọt rác, trong sọt rác.
Trong thế giới cuả Đêm, không có chỗ cho nỗi đau, không có chỗ cho tình yêu. Tình yêu, nỗi đau là những giá trị nhân bản truyền thống chẳng có giá trị gì trong xã hội thực dụng hiện đại. Chỉ có khúc khích đàn ông đàn bà cùng tiếng reo của lũ chuột. “Đêm…” là đêm cuả loài thú, thăm thẳm hoan lạc. Trong sọt rác, thiếu nữ, gã đàn ông hay chuột có khác gì nhau. Không còn giá trị Người. Trong thi pháp hiện đại, người đọc trở thành đồng sáng tác với tác giả để cảm nhận tác phẩm. Tác giả không bắt người đọc phải cảm nghĩ theo cách của mình như trong tác phẩm thơ truyền thống. Nhờ thế bài thơ có sức tác động trực tiếp và đa nghĩa đối với nhiều đối tượng người đọc.
Tất nhiên đằng sau cái trần trụi của hình ảnh và ngôn ngữ thơ, người đọc vẫn nhận ra thái độ, tư tưởng, tình cảm cuả tác giả. Nhà thơ đủ tỉnh táo để nhận ra, để nghe thấy, để ghi lại và lên tiếng nói trước thực tại. Ấy là nỗi đau, là sự thảng thốt trước những giá trị nhân bản, giá trị của cái đẹp bị “quăng vào sọt rác “. Cái tiếng khúc khích và tiếng chuột kia như ám ảnh mãi…
Đêm Khát là một bước thành công mới cuả Nguyễn Đức Phước sau hai tập Sông Thiêng (2000) và Lời Biển (2004). Trong những cố gắng tìm kiếm và đổi mới thơ ca, Nguyễn Đức Phước có được những thành tựu đáng quý. Anh kế thừa được tư tưởng nghệ thuật cuả thơ ca truyền thống, đồng thời thành công bước đầu trong thể nghiệm những hình thức diễn đạt mới. Gấp trang thơ lại, tôi vẫn nghe tiếng anh chấp chới…
“Đây đó tiếng kêu đồng loại
Có ai kia cứu lấy những con người”
(Trả lại cho em)
______________________________________________________________-
(1) Tọa đàm về “Thơ trẻ hôm nay” do tuyển tập Áo Trắng tổ chức chiều 17-7-2007 tại hội quán Miss Sài Gòn
(2) Vĩnh Phúc, Cái Chi Chi Thơ, VCV, 28.6.08
(3) La Nausée, J.P.Sartre
Bài đã đăng trên văn nghệ trẻ số 32 ngày 10/8/08