(Chân dung nhà thơ Đào Trọng Thử, hội viên Hội VHNT Đồng Nai. ảnh của BCT)
Bài viết về các tập thơ: Em bán sầu riêng, Sợ, Trốn của Đào Trọng Thử
___________________________________
NHÀ THƠ “BÁN SẦU RIÊNG”
(Đọc tập thơ Em Bán Sầu Riêng của Đào Trọng Thử .NxbHội Nhà Văn 2004)
Bùi Công Thuấn
Bài thơ Em Bán Sầu Riêng nói về tình cảnh “đắng cay, ngọt bùi “của người thiếu phụ ở Long Thành. Chồng chị chết trẻ, con thơ dại, chị phải bán sầu riêng dạo ở Sài Gòn để kiếm gạo nuôi con. Bài thơ không có gì đặc sắc lắm. Trong tập thơ, Đào Trọng Thử cũng không khai thác nhiều cảnh đời như người thiếu phụ này, nhưng tại sao Đào Trọng Thử lại lấy bài thơ này làm nhan đề cho cả tập thơ? Em Bán Sầu Riêng là ai? Có ý nghĩa gì? Tôi cứ mông lung nghĩ suy, rồi chợt vỡ nhẽ rằng, đó là một cách chơi chữ. Đào Trọng Thử không chú tâm đến việc bán trái sầu riêng của người thiếu phụ mà nói đến nỗi sầu riêng của chính mình. Và cũng thật lạ, người đời chỉ “mua vui “, ai đi mua sầu mà Đào Trọng Thử đem bán?
Thành ra Đào Trọng Thử chỉ trò truyện với nỗi sầu riêng của chính mình.
“…Mình tôi trò truyện với mình tôi thôi…“
(Tháng 5 ở Lộc Ninh)
“…Mình tôi với lại con đường thẳm xa…“
(Về lại Tây Ninh)
Anh độc thọai điều gì trên con đường đời thăm thẳm?
“…Đời người được mấy gang tay
Mỗi ngày mỗi trải đắng cay ngọt bùi
Bán sầu mua lấy cái vui
Cho bao đau khổ trên đời vợi đi! “
(Tháng 5 ở Lộc Ninh)
“… Ngẫm ra trong cõi nhân gian
Hoa kia rồi cũng nát tan có ngày…”
(Cỏ ở đồi Cù)
“…cõi người như thực như mê “…
(Trên đèo Mẹ Bồng Con )
Những câu thơ ấy nghe trĩu nặng ưu tư nghìn năm về thân phận con người trong cõi đời này, nhưng anh không lạc vào cõi siêu hình hay trạng thái bi phẫn trước thực tại, cũng không bất lực yếm thế. Anh đau một nỗi đau đời và cất tiếng nói tri kỷ.
…” bạn cùng tôi đau nỗi đau đời
Lũ chúng ta sinh ra vì thế kỷ
Thế kỷ hai mươi thấm đẫm máu xương người …”
(Bạn thơ)
Thơ anh có những mảng rất sáng. Những vầng sáng thơ anh tỏa ra từ những tình cảm với đồng đội đã hy sinh trong những năm tháng chiến đấu. Có thể nói những bài thơ hay, xúc động lòng người của Đào trọng Thử là những bài anh viết về đồng đội. Trong tâm thức anh, đồng đội vẫn như ngày nào, đang cùng chia nhau niềm vui nỗi buồn. Ngày gặp mặt đồng đội cũ đích thực là một ngày vui. Câu thơ như rạng rỡ ánh mắt nụ cười.
“Lính gặp lính là tri kỷ đấy
Chào những đứa con chung một chiến hào
Nào hãy cụng ly, uống mừng nhau còn sống
Cụt chân, cụt tay, thủng bụng, sứt đầu…
…nào hãy cụng ly uống thay người đã chết
Ba mươi năm tan trong đất trong cây
Gương mặt bạn nhòe trong trí nhớ
Hình như lúc chết bạn hơi gầy…”
(Ngày của chúng mình)
Anh ao ước:
“Mong ước lớn có một ngày trong trẻo
Một ngày thôi gặp lại bạn bè xưa
Để được nói, được cười, được khóc
Khóc cho bạn bè đã ngã xuống ngày xưa.
(Nhớ bạn)
Anh không khóc người bạn xưa đã ngã xuống, mà cầu nguyện cho họ “hồn thiêng tụ họp về phương mặt trời “(Về lại Tây Ninh). Anh muốn thực hiện cho bạn cái nguyện ước ngày xưa là có được một chiếc xe đạp, nhưng không sao mua được chiếc xe đạp hàng mã để gửi cho người đã hy sinh.
“…hàng mã bây giờ tòan xe hơi xe cúp
Xe đạp lọai xòang kiếm đâu ra
Ngày giỗ bạn cố tìm mua một chiếc
Để hóa tro gửi xuống cho Hòa! “
(Chiếc xe đạp)
Đồng đội anh lúc sống chiến đấu thiệt thòi đã đành, giờ đất nước hòa bình, cuộc sống đã giàu có sự thiệt thòi vẫn không sao bù đắp được. Anh nhận ra nét đẹp một thời của người lính:
“…Sống trong chiến tranh ta trong trắng thế
Ngây thơ, hiền dịu, dại khờ …”
(Nhớ bạn)
Có lẽ vì thế, khi anh vào thăm nghĩa trang, tâm trạng thương bạn, nỗi xót xa cứ dâng lên trước cuộc sống thực tại lạnh lẽo tình người.
“Các anh chị nằm đây thì yên tĩnh thật
Nhưng mà khuất nẻo phải không nào
Cuộc sống ngòai kia xô bồ chụp giựt
Chẳng cần biết nơi này bao người chết vì sao…”
(Viết Ở nghĩa trang Đồng Nai )
« …Thương đồng đội đi dọc thờ đánh Mỹ
Bao đồng chí giờ đây yên nghỉ
Cô đơn trong đất lạnh Lâm đồng «
(Mùa đông ở Đà Lạt)
Sự lạnh lẽo lan tràn mọi nơi mọi chốn :
«Cứ ngỡ nơi này không có mùa đông
Cái rét giờ đây lan tràn khắp cả…
(Mùa đông ở Đà Lạt)
Anh hướng về đâu? “… nỗi lòng gửi đến mai sau…”
(Về lại Tây Ninh)
và Anh nghe thấy gì?
“… Cuốc kêu ngỡ lời non nước
Gọi anh suốt cuộc chiến tranh
Triệu người đã thành bất tử
Hóa thân mây trắng trời xanh…”
(Nhớ chim Quyên)
Từ ánh sáng của những người đã hy sinh, anh rọi soi vào hiện thực cuộc sống thời kinh tế thị trường. Anh giật mình nhận ra:
“Em yêu ta một thời oanh liệt ấy
Nhưng ta phản lại chính ta rồi…
…Thành phố ấy phồn hoa mà băng họai
Nuốt chửng ta cùng ngàn vạn cuộc đời…”
(Sầu Riêng Phú Hội)
Anh đau lòng đến phẫn uất
“Nào hãy cụng ly, chia buồn thời mở cửa
Đô la đang ngự trị tòan cầu
Quân tham nhũng những ông hòang bà chúa
Lòai giặc này còn sống đến bao lâu?
(Ngày của chúng mình)
Anh đặt ra khá nhiều vấn đề, nhưng dường như không có câu trả lời.
“ba mươi tháng tư theo đại quân về phố
Ta sống với ngày mà quên mất đêm ‘
(Đêm và Ngày)
“Khắp xứ sở đi đâu mà chẳng thấy
Tô Thị bồng con đầu chít khăn xô.
(Nàng Tô Thị)
“Bác Châu em cũng tuổi trâu
Kéo cày năm tháng để giàu cho ai?
Ách đời chín rạn hai vai…”
(Không đề)
..Nông dân nuôi nước nuôi nhà
Nước đục thế bao nhiêu phèn cho lại
Lòai cò sinh sôi…
« ..Bao giờ cho hết người nghèo ?
.. bao giờ mới hết cánh bèo lênh đênh ?
(Thơ viết cuối năm Thìn)
Ám Ảnh Tà Lài thực sự là một bài thơ ám ảnh. Đào Trọng Thử đặt cái tương phản giữa những hình thức của cuộc sống mới bên cạnh đời sống cơ cực của nhân dân: Trong khi nhân dân “mất mùa liên tiếp “, “cỏ cháy đồng khô”, “chạy ăn từng bữa” , “ khắc khỏai “ thì
“Nhà Văn hóa như cây đuốc lớn
Cháy bập bùng đỏ một khúc sông nông
Sau cây đuốc là cánh đồng nứt nẻ …
.. Khách lại đến tham quan và những tiếng thở dài “
Không có câu trả lời cho những vấn đề nhân sinh xã hội vì thế thơ anh có giọng buồn:
“Gạn đục mãi nước vẫn không trong nổi
Câu thơ buồn tái tê…(Bạn thơ )
Anh bế tắc hay phủ định cuộc sống thực tại?
“Kiếp sau được đầu thai lần nữa
Ta lại làm thơ chứ biết làm gì
Cầm súng thì quen. Làm quan thì dốt
Làm giàu không biết đường chi…”
(Bạn thơ)
…” Chí trai đạp đất đội trời
Giờ về chiều vợ , lụy đời cưng con.
(Bài thơ tặng vợ)
Ấy là tấm lòng của một “người thơ“ hiền lành. Nếu có kiếp sau, anh sẽ lại làm thơ. Anh từ chối làm giàu, từ chối làm quan và nếu tổ quốc gọi, anh lại cầm súng. Anh lại làm thơ vì thơ anh là tiếng lòng của anh, tiếng lòng với quê hương, với đồng đội, với những nàng “Tô Thị bồng con đầu chít khăn xô “, những cảnh đời bèo dạt như cô gái bán sầu riêng, những cô gái chăn bò, những cô cậu công nhân mà anh gọi là hòang tử cô tiên, những người cha đánh Pháp, người mẹ đánh Mỹ, với “các anh, các chị, các em ‘ một thời chiến trận, những người “nông dân nuôi nước nuôi nhà ‘. Anh cũng chẳng quên tình quên nghĩa với bàu rau muống bạt ngàn đã cứu anh và đồng đội trong cơn ngặt nghèo bủa vây của kẻ thù, nhớ lá trung quân “chiến sĩ miền Đông với trung quân như Chồng như vợ ‘, với trái bình bát lót lòng năm nào, với “lòai chim quyên bất tử “…Thơ Đào Trọng Thử đọng lại trong lòng người đọc ở cái chân tình đằm thắm , sâu lắng suy tư, đậm chất dân dã. Cái tình ấy có cội nguồn trong thơ Nguyễn Du, thơ Nguyễn Khuyến, trong ca dao dân ca.
Đào Trọng Thử đem nguyên chất “người thơ hiền lành “vào trong thơ, vì thế giọng thơ anh là giọng đằm thắm của lục bát, của những câu thơ mà cung điệu bao giờ cũng vang lên những hòa âm thuận. Bè trầm có âm lượng mạnh mẽ, trong khi bè cao rất nhẹ nhàng. Rất ít có hòa âm nghịch.Thơ anh không có cách tân trong cả thể lọai và ngôn ngữ, nhưng anh lại kế thừa được cái tình, cái tâm cái nhìn và cả cái khí` vị của thơ dân tộc. “ách đời chín rạn hai vai “, “Cao su xanh tận chân trời “ gợi nhớ Nguyễn Du, “Những ai ước mình làm cây thông “là khí phách Nguyễn Công Trứ , Thăm Bạn Trấn Biên có ý vị thanh tao tình bạn Nguyễn Khuyến – Dương Khuê. Tặng Vợ có cái tình của Trần Tế Xương, cả cái bình dị lấp lánh lục bát của Tố Hữu. Trên đèo Mẹ Bồng Con, Nàng Tô Thị, Gửi, Nhớ chim Quyên chắc chắn lấy cảm hứng từ ca dao dân ca. Nhiều câu thơ của anh sử dụng nguyên chất ca dao (“Người về em chẳng cho về “, Giận thì giận, thương càng thương “, “ Gió đưa cây cải về trời ‘…), thành ra người đọc thấy thơ anh gần gũi lắm, đằm thắm và hồn hậu. Cái hồn hậu của riêng anh khi anh vượt qua được những bức xúc của cuộc sống.
“…ta già, trái đất đang non
Trăm năm dâu bể: vuông tròn, tròn vuông
Giận thì giận, thương càng thương…”
(Gửi)
Anh đã vượt qua được cách viết tụng ca quen thuộc một thời mà tiếp cận được với hiện thực tỉnh táo và có tình có lý hơn. Nhưng hiện thực bề bộn và phức tạp không phải là đối tượng của thơ anh. Anh khai thác những cái bình dị, bất chợt trong những chuyến đi: cỏ ở Đồi cù, cây thông Đà Lạt, Sầu Riêng Phú Hội, cái yên tĩnh ở nghĩa trang Đồng Nai, đàn kiến, con chuồn chuồn ở tượng đài chiến thắng Long Khánh, cao su xanh tận chân trời ở Lộc Ninh, Đèo Mẹ Bồng Con, cây Tung ở Nam Cát Tiên, mưa ngập nước ở Biên Hòa, nắng hạn ở Tà Lài. Anh cũng viết rất ít về những vấn đề bức xúc của chính mình như chuyện ước mơ có được ngôi nhà nhỏ, chuyện không về quê mà ở lại Đồng Nai “làm trai đất lành“, đến thăm bạn , nhưng viết nhiều đến những gì liên quan đến kỷ niệm một thời chiến đấu: Trăng Cù Lao Phố, rau muống ,cây dừa nước, lá trung quân, trái bình bát, nhớ chim quyên, và viết rất có duyên về những gì tưởng như chẳng phải thơ: đèn đỏ, cưới, tre cảnh, đêm và ngày, lạc, cô gái chăn bò, …
Anh có thiên hướng phát hiện và đặt ra những vấn đề tư tưởng nhân sinh từ những cái đời thường. Bài thơ nào cũng có những suy nghiệm nặng trĩu về lẽ đời. Đọc thơ anh có sự thú vị thấm thía của những phát hiện và suy nghiệm ấy. Bài thơ Lạc làm người đọc thảng thốt nhìn lại chính mình và tự hỏi không biết mình có bị lạc giữa trần gian không. Đọc Viết ở nghĩa trang Đồng Nai hay Ám ảnh Tà Lài người đọc cảm được ngay, bởi cái nhìn của anh tinh tế, tấm lòng của anh sâu nặng, sự phát hiện vấn đề của anh thật tự nhiên như thể vấn đề đã hiển hiện sẵn ngay trong đề tài. Thực ra đấy chính là một khía cạnh tài hoa của thơ Đào Trọng Thử. Tôi đã đi qua đèo Mẹ Bồng con không biết bao nhiêu lần, từng ngắm nhìn tượng đài chiến thắng Long Khánh, đã dạo chơi ở đồi Cù, đồi thông Đà Lạt, xung quanh chỗ tôi ở bạt ngàn cao su, vậy mà tôi chẳng phát hiện được gì, ngòai những xúc cảm về cảnh quan tươi tốt tấp nập. Vậy mà Đào Trọng Thử đã viết được những bài thơ rất “lạ‘và tài hoa về những nơi ấy. Đào Trọng Thử là người thơ hiền lành nhưng thơ anh vẫn ánh lên những câu thơ tài hoa, ấy là một sắc màu thẩm mỹ là thơ Đào Trọng Thử sáng lên trên nền của những âm sắc truyền thống.
Em Bán Sầu Riêng là tấm lòng của Đào Trọng Thử nhưng cũng là tiếng lòng của người đọc về những gì đã trở thành lương tri của cuộc sống chúng ta, Đào Trọng Thử khơi gợi cho cái lương tri ấy sáng mãi lên
“Lũ chúng ta sinh ra vì thế kỷ
Thế kỷ hai mươi thấm đẫm máu xương người “
Tháng 3/ 2005
__________________________________________
Ghi chú về
“SỢ”
Tập thơ Của Đào Trọng Thử
(Bài này bị Nxb Đồng Nai cắt khi in Nhà Văn Đồng Nai 2018)
Bùi Công Thuấn
Nhà thơ Đào Trọng Thử, quê ở Ninh Bình, hiện là hội viên Hội VHNT Đồng Nai. Anh từng là người lính thời đánh Mỹ, cũng từng là nhà báo. Đào Trọng Thử đã in nhiều tập thơ. Em bán sầu riêng (2004), Đau (2009), Trốn (2011), Sợ (2013) là những tập thơ đậm đặc chất thơ và phong cách Đào Trọng Thử. Thơ anh có những đặc điểm thi pháp rất khác với các nhà thơ Đồng Nai. Đào Trọng Thử Tự trào:
Giật mình tóc đã hoa râm
Mắt đeo kính viễn cái tâm vẫn đầy
Ngẫm mình phận rủi duyên may
Bạc vàng khó kiếm con bầy đủ nuôi
Nhìn lên chẳng được chín mười
Bằng lòng nhìn xuống ối người kém ta
Phó thường dân trấn Biên Hòa
Nhủ lòng sống đẹp để mà làm thơ…
“SỢ” TRƯỚC THỰC TẠI
Tập thơ “Sợ” đề cập đến nhiều hiện tượng xã hội, như đời sống nông thôn nghèo xơ xác (Quê Chồng, Ghi ở vườn bách thảo Hà Nội), đất nước cờ bay nhưng vẫn còn nhiều gia đình trắng tay (Viết dưới chân Tháp Rùa), người nông dân thất bại (Nông dân), người thương binh đói nghèo vất vả (Gặp Phúc bên hồ Vân Trục), giới kinh doanh đưa dân nghèo vào chỗ chết (Ngân hàng), suốt đời xóa đói giảm nghèo (Ưu việt),
Nhận thức về một thực tại còn nhiều bất công, nhà quan cao ngất còn nhà dân thì nghèo (Đỉa), chênh lệch giàu nghèo (Gặp ở Quảng Bình), quần chúng thì thiệt thòi còn anh cảnh sát giao thông làm giàu bằng cái còi (Cái còi), mặt đất đâu cũng sông Tiền Đường, đầy dẫy bọn Sở Khanh. Phận lính tráng chỉ là nông nô vô danh, (Không đề), xã hội toàn phường treo dê bán chó (Lạ và quen), tình trạng luật rừng (Cứu cánh). Trước 30.4.1975 lý tưởng là chiến đấu hy sinh, bây giờ là :Tiền-Tảm-Tường (Tâm tưởng), hiện tượng bố đi chiến đấu, con làm quan tham nhũng (Giặc ở trong nhà), về sự thất bại của những đường lối, chính sách như: Cải cách ruộng đất, phong trào hợp tác xã, cấm chợ ngăn sông, về thời bao cấp,cấm đốt pháo, xóa đói giảm nghèo, sinh đẻ có kế hoạch, về chống tham những (Không Đề 2)
Những suy nghĩ về sự đời, lẽ đời: Không sợ chiến đấu hy sinh nhưng sợ lũ cơ hội (Sợ), làm thằng dân chỉ biết cúi đầu (Có một người câm cắt tóc mở phố Ngọc Hà), buồn vì báo đăng tin án mạng (Tràn), ước gì viện bảo tàng treo bức tranh bất công xã hội (Ươc), lúc sống xin chữ”nhẫn”, khi chết, thờ chữ” bất”(In chữ). Thăm Củ Chi về, tác giả thấy mình lưởng khưởng vì Củ Chi tàn tạ chỉ còn hình nộm người xưa. Viết về một thời Hợp tác xã và hỏi tội “ai đắc tội với ai”(Long Phước), thương bạn đi tù về (Gửi bạn thơ Ngọc Thùy Giang). Ở đền Bến Dược, tác giả nhận ra:” Ngỡ ai cũng được thờ/ Ngẫm ra chẳng thờ ai cả…Vô tình/ vô cảm/ vô tâm”(Ghi ở đền Bến Dược), Binh pháp nói dối để khoe thành tích (Binh pháp), đồng bào miền Trung yêu nước quá bị nước nhấn chìm (Phản trắc). Xưa ta đánh Mỹ, giờ ta thân Mỹ, mai này đi gặp bạn chết vì Mỹ, bạn sẽ quay mặt (Mỹ), trung thành như chó lẽ nào lại chết oan (Tâm sự của một chó già), rùa thần cũng có ngày tận số (Rùa thần Hồ Gươm), Vào chung cư là sống chung với lũ người đang hại người (Thời của chung cư), Trên cao là quỷ, trên cao có sao Thái Bạch quét dân lộn nhào (Cao), Triết lý sự đời :”Chả ai dám nói trước biết trước sự gì…những bài học phải trả bằng máu và nước mắt/ Ví như những bài học đau lòng về các cuộc chiến tranh”(Không đề)…
THÁI ĐỘ CỦA NHÀ THƠ
Cảm hứng chung cả tập thơ là cảm hứng phê phán hiện thực. Một vài bài có cảm hứng trữ tình nhân đạo (Gặp Phúc bên hồ Vân Trục, Lão Hạc, Gửi bạn thơ Ngọc Thùy Giang, Thăm lại khúc Hoàng Long, Nhớ chồng, Hải ơi…)
Có khi nhà thơ phê phán trực tiếp bằng kiểu thơ suy tưởng (Cứu cánh, Thời của chung cư, Truyền thống, Mỹ…), có khi phê phán bằng ẩn dụ, có cách nói bóng gió, “nói kháy”, nói mỉa (Phản trắc, Ngụ ngôn, Con rối, Con mọt, Tâm sự con chó già, Binh pháp, Sợi dây, Cao,). Cũng có cách nói “huỵch toẹt”, nói thẳng, “nói văng mạng” (Ưu viêt, Cố, Không đề, Trèo lên Bái Đính mà xem, Bợm, Trả giá, Về, Củ Chi, Nông dân, Ghi ở đền Bến Dược..)
Tác giả đứng trên lập trường người lính đã chiến đấu hy sinh trong kháng chiến để phê phán không khoan nhượng những cái xấu, cái bất công, cái tiêu cực trong đời sống xã hội kinh tế thị trường, vì thế sự phê phán có tính thuyết phục.
Thí dụ:
Bài Quê Chồng là một bức tranh nông thôn thê thảm.
…Cùng trang lứa nhiều đứa thành ma trẻ
Cười với tấm bằng Tổ Quốc Ghi Công
Cám cảnh đìu hiu cột xiêu nhà dột
Gian giữa dành thờ liệt sĩ tổ tông
Mất mùa chuột, sâu, rầy múp míp
Rạ rơm teo típ níu chân người
Cua rốc, ốc nhồi thành xa xỉ
Đỉa hút máu người lởn vởn trêu ngươi
Đình chùa phá nát rồi lại dựng
Thánh thần phách lạc được hồi hương
Các thánh bảo nhau lo phù thịnh
Nhanh chóng ăn theo kinh tế thị trường
Xóm làng dang dở bê tông hóa
Đẻ nhiều đất ruộng cứ hẹp dần
Quan tham rủ nhau giành chỗ đẹp
Đầu thừa đuôi thẹo ấy phần dân
Vợ than:-Về một lần nhớ mãi
Quê chồng nghèo quá biết làm sao…
Bài Ghi ở Vườn Bách Thảo Hà Nội, chỉ thấy cảnh xơ xác:
“Chỉ có hai con công nhốt trong lồng khát nước
Một đôi cầu vượt mặt rỗ da mồi
Vài đám cưới lăng xăng chàng phó nháy
Cây cõ rũ buồn
Trầm mặc
Buông xuôi”
Bài Không đề (1) là mặt trái, mặt tiêu cực của đời sống. Thực ra đó chỉ là cái nhìn chủ quan của nhà thơ. Cuộc sống luôn có hai mặt tốt/ xấu, và ở đâu trong cõi Người này, cái Thiện, cái Tốt, niềm hy vọng và sự phát triển vẫn vượt lên.
Đến đâu cũng gặp Tiền Đường
Con sông định mệnh Kiều đương lập lờ
Đâu là bến, đâu là bờ?
Sở khanh thấp thoáng đang chờ dắt đi
Phận ta nào có hơn gì
Thanh xuân ra trận, già thì nông nô
Rầm trời dậy đất hoan hô
Máu xương tốt cỏ nấm mồ vô danh
Giá đừng có cuộc chiến tranh
Bạn không chết trận yên lành thường dân
Bao nhiêu ma quỷ thánh thần
Rủ nhau quậy nước dần dần đục thêm…!
NGHỆ THUẬT THƠ ĐÀO TRỌNG THỬ
Đào Trọng Thử viết đa dạng các thể thơ: Lục Bát, Tứ Tuyệt, thơ 6 chữ, 7 chữ, 8 chữ, thơ tự do…Lục bát có bài tài hoa (Gặp Phúc bên hồ Vân Trục, Thời của chung cư), nhưng nhiều bài gần với Vè, Ca dao (Củ Chi, Tâm sự một chó già, Về, Ma nơ canh,…). Thơ suy tưởng đa số chỉ có ý tưởng, rất ít chất thơ (In chữ, Hão, Cái còi, Ngân hang, Vốn, Ưu việt, Pháo, Cứu cánh, Bong bóng bay,…)
Nhiều bài thơ của Đào Trọng Thử được viết bằng bút pháp trào phúng. Bút pháp này đã thành “truyền thống” từ Hồ Xuân Hương, Trần Tế Xương, Nguyễn Khuyến, Tú Mỡ, Tú Kếu… Để tạo hiệu quả nghệ thuật, Đào Trọng Thử sử dụng nhiều kiểu cấu tứ tương phản (Gặp ở Quảng Bình, Sợ, Hải ơi, Tâm tưởng..), cách nói ẩn dụ (Phản trắc, Riềng mẻ, Không đề 1), nói bóng gió (không nói trực diện vào đối tượng, mà dùng hàm nghĩa để người đọc suy ra. (Vốn, Trèo lên Bái Đính mà xem, Có một người câm cắt tóc ở phố Ngọc Hà, Ước, Chim quý, Binh pháp, Cao, Lão Hạc…)
Thơ Đào Trọng Thử không nằm trong dòng thơ Cách mạng và kháng chiến, dù anh có viết về đề tài này, nhưng thơ anh nằm trong dòng thơ “nhân văn, dân chủ”. Anh đem đến một góc nhìn khác về hiện thực, một tiếng nói phản biện so với thơ tụng ca. Những bài thơ trữ tình (Lão Hạc, Đêm trừ tịch, Hải ơi,…) có sức lay động lòng người.
Trong tập thơ này, Đào Trọng Thừ có nhiều tìm tòi về đề tài, soi vào nhiều hoàn cảnh xã hội, và có những đặc sắc riêng về phong cách. Tuy vậy, về nghệ thuật, tập thơ không có những khám phá mới (so với những tập thơ trước như Em bán sầu riêng, Trốn…). Người đọc quen với kiểu thơ Trần tế Xương, Nguyễn Khuyến sẽ thấy điều thú vị trong thơ Đào Trọng Thử. Ngược lại, người quen với thơ Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa, quen với thơ tụng ca, quen kiểu thơ lãng mạn bỏ tập thơ của anh sang một bên.
Nhìn trong dòng chảy thơ Việt đương đại với nhiều nỗ lực cách tân của các thế hệ từ trước 1945 đến nay, với các nhà thơ tiên phong như Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Pham Thiên Thư, Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt và “thơ trẻ” Hậu hiện đại, thơ Tân Hình thức đầu thế kỷ XXI, thì thơ Đào Trọng Thử đã thuộc về quá vãng. Bởi vì những hiện tượng của hiện thực được Đào Trọng Thử nói đến giờ đã thành “cổ tích”.
Người đọc hôm nay quan tâm đến những vấn đề khác, tìm kiếm những giọng thơ khác, những kiểu tư duy nghệ thuật khác với “truyền thống”, bởi họ đã sống ở một thời đại rất khác với thời đại của nhà thơ cách đây bốn, năm thập kỷ.
Tháng 3. 2014
________________________________________
SAO ANH LẠI TRỐN, HỠI NHÀ THƠ!
(Đọc tập thơ TRỐN của Đào Trọng Thử, Nxb Hội Nhà Văn.2011)
Bùi Công Thuấn
Tập thơ đọng lại trong tôi nỗi buồn và nhiều trăn trở. Nỗi buồn thế sự của nhà thơ về thế hệ mình, thời đại mình và về chính mình. Thơ Đào Trọng Thử (ĐTT) là thơ châm biếm – trữ tình, chất trữ tình là chính. Bởi dường như anh nhận ra rằng, sự phê phán châm biếm của anh đã bị thời đại vượt qua, và tiếng thơ của anh như tan vào cõi không. Trữ tình và châm biếm hòa quyện vào nhau, và đó là phẩm chất nghệ thuật riêng của thơ anh.
Đào Trọng Thử quan tâm đến điều gì của thực tại?
Anh châm biếm cái sai, cái nghịch lý, cái bất nhân bất nghĩa, cái trái đạo đức của nhân dân, để khẳng định cái tình cái nghĩa, đặc biệt đối với những người đã chiến đấu và hy sinh. Anh không chịu đựng được những sự việc, những con người, những hoàn cảnh của đời sống kinh tế thị trường trái với lối sống tình nghĩa, nghèo mà thanh cao của thời chiến đấu hy sinh. Trong tập thơ này, trái tim người lính trong anh vẫn dành cho đồng đội. Niềm vui, nỗi đau của anh xuất phát từ sự hy sinh của những người bạn, tương phản với đời sống xã hội thực tại.
Bốn trăm chiến binh dự Mậu Thân đẫm máu
Các anh hy sinh khi tập kích Biên Hòa
Giặc chôn các anh chung nấm mồ to quá
Hài cốt mỗi người không thể nhận ra
Đành chia thôi : Ôi đống xương khô lạnh
Đầu , mình, tay, chân kiếm đủ, chia đều
Chia lần lượt, trời ơi sao vẫn thiếu
Tất cả lặng câm không nghe ai kêu?!
Cha chia cho con nào nhà nào đất
Mafia chia nhau món lợi nhuận kếch xù
Quân tham nhũng chia nhau những đồng tiền bẩn…
(Chia)
Chiến tranh kết thúc lâu rồi
“Nhắn tìm đồng đội” của tôi chưa dừng
Nhắn người :- người dửng dừng dưng
Nhắn đất :-đất lặng không ngừng… chia lô…!
( Nhắn Tìm Đồng Đội)
Đoạn thơ sau đây mang đặc trưng trữ tình – châm biếm của thi pháp ĐTT. Anh châm biếm rất khôn ngoan, mỉa mai rất sâu cay sự giả dối trong cách người ta tổ chức mừng chiến thắng, nhưng không thể bắt bẻ câu chữ của anh được, bởi anh nhìn thấu cái bất nhân bất nghĩa của con người hôm nay với người đã hy sinh, và bởi cái tình của anh với đồng đội sâu nặng quá.
Đồng đội cũ gặp nhau
Xanh xao
Nói cười như mếu
Lang thang lên tàu vào Nam-ra Bắc
Lên tàu ra Bắc xuôi Nam
Tự hào
Đưa tay ngang mũ để chào
Mắt ầng ậc nước
“Nước mắt dành cho ngày gặp mặt”
Nước mắt trong những ngày lận đận
TỔ QUỐC ĐÃ TOÀN THẮNGT!
Chúng mình còn gian lao!
Nếu không có ngày 30 tháng Tư
Ta cũng không vợ, không con, không nhà
Không ruộng,
Ngồi trầm tư trên bàn thờ khói hương đứt quãng
Xương đen nằm ngoài nghĩa trang
Làm ma trẻ ngắm tượng đài sừng sững
TỔ QUỐC GHI CÔNG…
…Mừng Việt Nam ta thắng Mỹ
Nhà nhà cụng ly
Người người cụng ly
Chiến sỹ cụng ly
Quân tham nhũng cụng ly
Cùng nhau giết chó ăn mừng…
Đất nước đang thời mở cửa
Gió bốn phương, tám hướng ùa vào
Mát đấy rồi đau âm ỷ đấy
ĐAU SUỐT ĐẾN ĐỜI CON-ĐỜI CHÁU
CHÚNG MÌNH…!
(Lắng Tiếng Vỗ Tay- Nhân dịp kỳ niệm 35 năm Việt Nam thắng Mỹ- 30.04.2010)
Trái tim anh còn đau nỗi đau của dân tộc trong thời đại nhiễu nhương, thời đại cả dân tộc sợ ngáo ộp (Có Một Con Ngáo Ộp), thời đại oan sai không biết tìm Bao Công ở đâu (Bao Công ), thời đại mà chênh lệch giàu nghèo không sao hiều nổi (Dột), thời đại mà nhân dân xài tiền xu còn bọn nghĩ ra tiền xu lại xài tiền tỷ, chúng ném vào mặt nhân dân những đồng xu đen như ném cho lũ ăn mày (Tiền Xu), thời đại mà người thua kiện luôn là dân đen (Sạch), bởi đó là thời đại người ta đã quên bài hát “ vì nhân dân quên mình “(Bài hát Ấy Quên Rồi)
Tôi lớn lên ngáo ộp có lâu rồi
Nó hiện nguyên hình từ thời cải cách
Trong mỗi mái nhà tranh
Trên mỗi bức tường bức vách…
Làng xóm lặng câm như bãi tha ma…
…Trong tăm tối:
Người với người nhìn nhau ngờ vực
Con cảnh giác cha
Vợ ngờ vực chồng
Cháu đấu tố ông
Con đòi giết bố
Ngáo ộp âm thầm
Rình người khốn khổ
Nỗi kinh hoàng bạc nhược suốt trăm năm…
…Có một con ngáo ộp
Ngự trị trong anh
Ngự trị trong em
Ngự trị trong lòng dân tộc
Khổ đau cho tổ quốc này
Buồn thay!
(Có Một Con Ngáo Ộp)
Bài thơ dùng ngôn ngữ ẩn dụ chỉ những người đương thời với tác giả mới hiểu, hoặc nếu biết lần theo câu thơ Tố Hữu thì có thể nhận ra. Những thế hệ hôm nay sẽ chẳng hiểu được ngáo ộp “mình đồng da sắt/ Trăm mắt, trăm tay “ thật sự là gì, và bởi họ không hiểu nên không còn sợ ngáo ộp nữa. Thí dụ, vụ cưỡng chế đất tại Tiên Lãng mà Đoàn Văn Vươn dám chống lại Ngáo Ộp. Rất tiếc tập thơ này in trước sự kiện nấy, nếu không tôi tin Đào Trọng Thử đã có thơ, nhưng mà nhà thơ đã “TRỐN” thực tại hôm nay rồi, bạn đọc sẽ chẳng được đọc những bài thơ không sợ ngáo ộp của Đào Trọng Thử. “Buồn thay!”Ấy là tôi chỉ giả định vậy thôi, nhà thơ hôm nay đã không còn là anh lính chiến năm xưa nữa, mà “ giờ đây thanh thản đợi giờ để bay”(Lên Lão)
Và đây là nỗi đau đã bật thành tiếng cười bất lực, bởi thời đại hôm nay đã đánh mất lý tưởng:
Thời anh là lính chiến
Đêm ngày “Hành quân xa”
“Bác vẫn cùng chúng cháu”
Ngày nào anh cũng ca
“Vì nhân dân phục vụ”
“Vì nhân dân hy sinh”
Vì nhân dân quên mình”
Cà toàn quân cùng hát
Đất nước giờ đổi khác
Thêm nhiều bài hát hay
“Vì nhân dân “ quên khuấy
Cúi đầu chào- bó tay…!
(Bài hát Ấy Quên Rồi)
Đào Trọng Thử trốn đi đâu?
Đào Trọng Thử lấy tên tập thơ là “TRỐN”, bạn đọc sẽ tự hỏi tại sao nhà thơ lại trốn, trốn đi đâu, thái độ của anh là thế nào trong cuộc chạy trốn?
Vào rừng để nhớ chiến tranh
Một thời khốc liệt toàn anh lính quèn
Phố phường sống gấp không quen
Quên nhanh thớ lợ, nghèo hèn nhớ lâu
Rừng ơi đồng chí ở đâu?
Cây rưng rưng lặng. Ve sầu điên điên…!
Vào rừng ngỡ gặp bạn hiền
Bạn hiền nhiều đứa xuôi miền hư vô
Vào rừng chạy trốn hoan hô
Hoan hô xô lệch cơ đồ nước Nam
Trốn phố phường cái túi tham
Cùng rừng ta tiếp tục làm con dân..!
(Trốn)
Như vậy là đã rõ. Anh trốn cuộc sống gấp ở phố phường, trốn sự giả dối, trốn sự gian tham. Anh lên rừng sống với đồng đội lính quèn chân thật, sống với những đồng chí, những người đã xuôi miền hư vô. Thực ra đó chỉ là cách nói ẩn dụ. Nhà thơ không thích hợp với đời sống kinh tế thị trường, bởi vì người “Làm kinh tế có trăm phương ngàn kế”(Âm Thịnh), lũ người sống xung quanh chẳng khác gì lũ đười ươi, thực ra đười ươi khác người bởi chúng không ngậm tăm như người (Ngậm Tăm). Anh không sống được với bọn quan tham kiếm tiền như làm xiếc (Xiếc), trong khi người nghèo hiền lành chân thật như Thạch Sanh vẫn bị lừa (Thạch Sanh). Dẫu vậy, anh không dấu được những cơn giận điên người trước thủ đoạn và tội ác mà tập đoàn Vê-Đan gây ra cho quê hương Đồng Nai (Bột Đắng)
Ai trực tiếp giết sông
Là gián tiếp giết người
Sông chết bây giờ
Người sẽ chết mai kia !
Lửa đã cháy! Chuột đã lòi mặt chuột
Tập đoàn Vê-Đan ăn năn hối cải
Đã muộn rồi !
Bột ngọt các ngươi trở nên đắng chat
TẬP ĐOÀN VÊ-ĐAN LÀ TẬP ĐOÀN TỒI”
Câu thơ ngắn lại với giọng quyết liệt, câu thơ bùng lên như lửa cháy. Những tưởng lửa căm giận, lửa của lòng yêu nước thương dân sẽ thiêu sạch bọn chuột Vê-Đan. Vậy mà anh chỉ kết luận bằng một câu chẳng có một tí trọng lượng nào. Câu thơ đa số là tiếng bằng, nhạc điệu buồn, chậm lại và buông xuôi như người lính gục xuống. “TẬP ĐOÀN VÊ-ĐAN LÀ TẬP ĐOÀN TỒI”
. Phải chăng bút lực của anh đã sức cùng lực kiệt? hay kẻ thù quá lớn đến nỗi, dù súng đạn anh có thừa, anh cũng chẳm làm nên trò trống gì? Thơ anh chỉ còn là những lời hô hào suông, không lay động được những tâm hồn đồng điệu khác, không gợi được cái hào khí hùng ca của thơ ca thuở trước! Hay tại đề tại anh chọn báo chí đã khai thác cạn kiệt, mà tài thơ của anh không thể gây sóng? tất nhiên chẳng ai đòi nhà thơ phải xông lên chiến đấu như người lính năm xưa, nhưng ít ra tư tưởng, tình cảm và ngọn lửa yêu nước trong lòng anh phải rực sáng, trong thời đại mà anh bảo là “Chặng đường phía trước còn tăm tối/ Đời còn lâu nữa mới bình minh “(Tự)
Hồn thơ ĐTT chỉ thực sự bình yên khi trở về với đồng quê xanh mát tình người
Phở bò, lẩu Thái cho qua
Mẹ ghiền bánh đúc – thứ quà nhà quê
Bánh đúc bát, bánh đúc sề
Lạc rang ít hạt bùi tê tái…bùi…
Mẹ ăn bánh : Con bùi ngùi
Bao bà Mẹ – Giống mẹ tôi hở giời?!
Nồng nàn tấm bánh đúc vôi
Quốc hồn dân Việt dâng đời thảo thơm…!
(Ca bánh Đúc- Kính tặng các bà mẹ Việt Nam)
Cha tích cực trồng cau
Để kiếm mo làm quạt
Trời dộp phồng khô khát
Thương mẹ già mỏi tay …!
(Mo Cau)
…Ước gì trở lại ngày xưa
Đời yên tình thắm trâu đùa cùng ta
Cỏ non xanh lại đồng nhà
Trâu xơi thỏa chí, khỏi qua đồng người”
(Trâu Về)
Ở những bài thơ trên (Ca Bánh Đúc, Sen, Hoa Lau, Rau tàu bay, Lá Trung Quân,Thày Ơi, Nước Mắt Chảy Xuôi, Mo Cau, Trâu Về..), thơ ĐTT hiền lành hơn, chất trữ tình đậm đặc hơn. Hồn thơ sâu nặng nghĩa tình. Tính châm biếm chỉ còn là nỗi xót xa rất nhẹ nhàng. Nói điều này để thấy những bài thơ châm biếm của anh xuất phát từ những nỗi bức xúc thế sự không dằn lòng được, còn căn cốt hồn thơ anh là tiếng nói trữ tình.
Thở phào : Thoát khỏi hương dương
Chuyển sang hưởng thọ : đọan trường còn xa…?!
Bao nhiêu lần suýt làm ma
Rồi con, rồi cháu đầy nhà như ai
Ngẫm mình có tí tẹo tài
Hành nghề chữ nghĩa với vài tập thơ
Xuống ruộng chán, lại lên bờ
Giờ đây thanh thản đợi giờ để “bay”
Của riêng “còn một chút này”
Ai khen : Cảm tạ- ai rầy : Cám ơn…!
(Lên lão-2009)
Nằm trong dòng thơ trữ tình của ĐTT là những bài anh viết cho các công ty (Tình Trong Ly Cà Phê, Những tiếng Đập Sữa, Gửi Người Mặc Áo Nàng Bân, Những Cái Râu Mực). Những bài này chất trữ tình lấn át hẳn chất quảng cáo, khiến cho người đọc chợt ngỡ ngàng về tài thơ của anh. Bởi khi viết thơ châm, người thơ chú trọng đến đối tượng châm biếm và các kỹ thuật viết thơ châm, khiến cho chất nghệ thuật của ngôn ngữ văn chương bị giảm đi (thí dụ các bài : Không Đề, Gặp Lại Cây Sung, Bình Quân, Mèo, Đầy Tớ Còn Đang Họp…)
Thơ châm của Đào Trọng Thử có gì đặc sắc?
Nghệ thuật châm biếm trào phúng của ĐTT là nghệ thuật của thơ trào phúng truyền thống. Anh hay dùng thủ pháp tương phản để bật ra cái mâu thuẫn gây cười, tiếng cười đánh thẳng vào kẻ xấu, cái xấu. Anh cũng có những bài sử dụng nghệ thuật ẩn dụ để khái quát về một vấn đề (Mối, Gặp Lại Cây Sung, Không Đề, Rác, Thạch Sùng, Xuân Tóc Đỏ, Thạch Sanh, Lý Thông, Chí Phèo, Thi hào Nguyễn Du, Có Một Con Ngáo Ộp) Lập trường của anh là lập trường nhân dân, chính nghĩa của anh là chính nghĩa dân tộc, tình cảm yêu thương chiến đấu của anh là tình cảm thiên về đạo lý của nhân dân. Trong thơ anh, rất hiếm khi gặp được Cái Tôi
Tiền Xu
Kẻ nghĩ ra tiền xu
Lại đang xài tiền tỷ
Hắn ung dung
Búng
Những
Đồng
Xu
Han gỉ
Lăn
Lăn
Lăn
Về phía lũ ăn mày
Bài Cấp Độ được viết như một tiểu phẩm hài.
Đỉnh tầng năm khách sạn 5 sao
Nhìn xuống cánh đồng ven đô
Cán bộ tỉnh trầm trồ :
- Ôi! Lúa mùa chin vàng mơ, đẹp quá!
Cán bộ huyện tán dương hể hả
- Một cánh đồng màu mỡ
Dân trồng toàn lúa nếp
Hứa hẹn vụ mùa bội thu
Cán bộ xã gãi đầu, gãi tai :
- Hổng dám đâu, đất quy hoạch sân gôn
Nông dân đã nhận tiền rồi
Màu vàng cỏ tranh thôi
Kính thưa các sếp…!
Nhưng tuyệt kỹ châm biếm của ĐTT phải kể đến bài Lắng Tiếng Vỗ Tay, Bài Học Vỗ Tay, Thưởng. Anh nói rất thật, nhưng lại là châm biếm, và châm biếm sâu cay. Cái đau không phải là ở đối tượng bị châm biếm mà lại nỗi đau không kìm nén được trong lòng anh. Anh phê phán thói giả hình, thói vong ân bội nghĩa của cuộc đời và xót xa cho những người đã chiến đấu và hy sinh. Anh chỉ ra trong cái ồn ào, xô bồ, phô trương hình thức, đâu là bản chất của sự giả dối vong ân. Nội dung trở nên trào phúng khi ngôn ngữ của anh đang bình thường bỗng chuyển sang cường điệu hoặc tương phản
…Ba mươi lăm năm ăn mừng toàn thắng
Người sống ngồi cùng người chết
Cùng lắng nghe biển người
Vỗ tay rào rào hoan hỷ
Bắt tay đồng chí- đồng bào
Tiếng vỗ tay đều đặn, tự hào
Tiếng vỗ tay vang vang như biển động sóng trào
Tiếng vỗ tay như sấm rền tít tận trời cao…
Mừng Việt Nam ta thắng Mỹ
Nhà nhà cụng ly
Người người cụng ly
Chiến sỹ cụng ly
Quân tham nhũng cụng ly
Cùng nhau giết chó ăn mừng
Tự hào ngày 30 tháng Tư góp mặt chúng mình
Tự hào có chúng mình mới có ngày 30 tháng Tư
Đồng đội của tôi ơi hãy im lặng lắng nghe cả nước vỗ tay
Vỗ đến tấy đỏ cả hai bàn tay vẫn còn mãi vỗ…
(Lắng Tiếng Vỗ Tay)
12 câu thơ đầu mang ý nghĩa bình thường, vì vui nên có hơi lãng mạn một chút, nhưng khi bật ra câu 13 “Quân tham nhũng cụng ly” và câu 18:” Vỗ đến tấy đỏ cả hai bàn tay vẫn còn mãi vỗ…” thì toàn bộ nội dung trước đó trở nên trào phúng, châm biếm. Bởi tất cả những gì đang diễn ra, niềm vui, niềm tự hào, tình đồng chí đồng bào, ý nghĩa sự thắng lợi, ý nghĩa của lòng tri ân chỉ là giả dối, là hình thức, là ngụy trang. Làm gì có chuyện cả nước vỗ tay đều đặn? làm gì có cảnh Nhà nhà cụng ly/ Người người cụng ly/ Chiến sỹ cụng ly/ Quân tham nhũng cụng ly/ Cùng nhau giết chó ăn mừng. Làm gì có cảnh cả nước vỗ tay/Vỗ đến tấy đỏ cả hai bàn tay vẫn còn mãi vỗ. Chính sự cường điệu, sự diễu nhại này tạo ra ý nghĩa châm biếm, làm đảo ngược ý nghĩa nội dung tưởng như thật được ĐTT miêu tả. Trong đoạn thơ trên cũng cần thấy tài năng dựng cảnh, tài năng ,”chộp” những hình ảnh sắc nét, bất chợt, tài năng đặt bên nhau những cái tương phản để tạo ra một không gian nghệ thuật vừa cụ thể, vừa có sức khái quát, vừa rất thật, nhưng vừa là sự lật nhào tất cả làm lộ ra những gì là giả dối, sự giả dối lớn lao, sờ sờ ra đó trong thời đại hôm nay (cả nước-vẫn còn mãi). Cái đau là ở những người như “chúng mình”. Tự hào có chúng mình mới có ngày 30 tháng Tư/ Đồng đội của tôi ơi hãy im lặng lắng nghe cả nước vỗ tay.
Có thể bạn đọc sẽ không đồng tình với ĐTT về cách nhìn và cách phản ánh, phân tích hơi quá đáng của anh về hiện thực. Cả tập thơ chỉ phản ánh hiện thưc đau lòng của số phận nhân dân, của người lính sau chiến tranh, hiện thực giả dối, hiện thực bất công của thời kinh tế thị trường, anh ước mơ trở về “ngày xưa”, thời chiến tranh, tuy gian khổ nhưng nghĩa tình chân thực, đằm thắm. Tuy không nói thẳng ra, nhưng anh đòi hỏi phải có một xã hội công bằng, “Cơm no, áo ấm nhà nhà”, đòi hỏi những người đã chiến đấu hy sinh phải được bù đắp xứng đáng. Anh ca ngợi cuộc sống thanh bần. Cái nhìn của anh bi quan trước hiện thực, có đôi khi anh thỏa hiệp với hiện thực (Mừng Thọ Bác Bùi Tứ Hải, Thiên Đường,…).
Thực ra chiến tranh đã qua lâu rồi (37 năm), chẳng còn ai mong trở về cái thời đau thương ấy nữa. Bây giờ là thời khép lại quá khứ hướng đến tương lai, thời của “nước giàu, dân mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”sẽ chẳng ai ngồi ôm đống xương người chết mà khóc (dù công việc đền ơn đáp nghĩa, tìm hài cốt liệt sĩ vẫn đang tiến hành), chẳng còn ai thích ăn rau tàu bay, dùng quạt mo cau nữa (Rau Tàu Bay, Mo Cau). ĐTT cố níu kéo cái thời quá vãng ấy, liệu anh có đủ sức không?
Cũng cần thấy điều này về mặt nghệ thuật, ĐTT có những phát hiện rất tinh tế, rất thơ cũng rất tư tưởng ở những sự vật sự việc của đời thường, qua đó anh đặt vấn đề làm “nhức đầu” người đọc (Hoa Lau, Rau Tàu Bay, Âm Thịnh, Tiền Xu, Mối, Nhắn Tìm Đồng Đội, Cấp Độ). Đọc những bài thơ này, người đọc vừa thấm thía, vừa thú vị. Thấm thía ở vấn đề anh đặt ra, thú vị ở nghệ thuật thể hiện. Xin đọc Tiền Xu và Cấp Độ là hai bài tiêu biểu. Tuy vậy không phải bài nào anh cũng thành công. Bình Quân và Ngậm Tăm là hai bài rất ít sáng tạo nghệ thuật. Bài Ngậm Tăm (07.2010) của ĐTT chắc chắn là sự diễn đạt lại dưới dạng thơ ý tưởng chủ đề của truyện ngắn Thói Ngậm Tăm (12.2007) của Khôi Vũ. Còn Bình Quân là câu chuyện giả định được kể nhiều trong dân gian để mỉa mai cách tính GDP theo bình quân đầu người. ĐTT chỉ ghi lại câu chuyện mà không có sáng tạo gì mới hơn. Bài Mèo thực sự chưa đem đến cho người đọc cảm xúc thẩm mỹ cần thiết để cảm nhận đó là một bài thơ, ngoài sự chia sẻ một nhận định bi quan của tác giả “Người đời ai chẳng một lần/ Mèo…!”
Có một con gà luộc
Bình quân cho hai người
Kẻ giầu thản nhiên chén
Người nghèo nhăn răng cười…
(Bình Quân)
Nếu Đào Trọng thử phát huy được mặt mạnh của mình cả trong thơ trữ tình và thơ châm biếm, anh sẽ có nhiều thành công hơn, bởi anh có được cái nền tình nghĩa sâu nặng với nhân dân, sử dụng được kỹ thuật thể hiện của nhân dân, và anh hòa mình vào trong nhân dân để cảm nhận, lên tiếng về những vấn đề của đời sống đương đại, mà tầm nhìn của anh vừa có chiều lịch sử, vừa có chiều hiện đại (Có Một Con Ngáo Ộp- Bột Đắng; Sen-Cấp Độ…). Trong tập thơ TRỐN anh không có bài thơ cách tân theo khuynh hướng của thơ Việt đương đại, tuy vậy tập thơ định hình được khuôn mặt thơ Đào Trọng Thử với hai nét sắc xảo là trữ tình và châm biếm. Đào Trọng Thử vẫn trung thành với con đường đi riêng trong cá tính sáng tạo, và ít nhiều anh đã có được thành công.
Dù sao ý niệm “trốn” trong thơ ĐTT cũng gợi ra thái độ an bần lạc đạo của nhà Nho xưa, tuy ĐTT chưa bao giờ là nhà Nho, mà tính cách của anh là tính cách con nhà lính.
Cháu nội cháu ngoại đầy nhà
Gặp nhau thì vẫn cứ là mày tao
Ngỡ như vừa mới hôm nào
Tha La, Vườn Mít, đội tao đội mày
Trộm rau bắt gặp thì “vay”
Mổ thương binh giỏi, đứ tay la làng
Lính quèn rất khoái xài sang
Đèn Nghéo, đài Nhật nghênh ngang rừng già…
Chiến trường ôn lại mắt cay
Rưng rưng nhớ bạn bấy chầy “tiêu dên”
Miền Đông ác liệt nỡ quên?
Mất toi tuổi trẻ bắt đền ai đây?!
Ăn mừng cuối tháng Tư này
Sang năm gặp lại chúng mày Hăm ba…
(Ngẫu hứng K23)
Ghi chú: Bài đã in trong tập Hoa đỏ bên sông. Nxb HNV .2014
____________________________________