VĂN CHƯƠNG 2018 – LẶNG LẼ ƯƠM MẦM
Bùi Công Thuấn
Năm 2018 thế giới đầy biến động, đời sống chính trị xã hội Việt Nam cũng đầy những“sự kiện lịch sử”, nhưng văn chương Việt Nam vẫn “lặng lẽ”, “lặng lẽ” như nhiều năm qua (ít nhất là từ 2015 đến nay) và có lẽ sẽ còn “lặng lẽ” nhiều năm nữa…
(xin ghi nhận một vài thông tin, ở góc nhìn cá nhân, không tránh được phiến diện và thiếu sót)
LẶNG LẼ ƯƠM MẦM
Khi Hội Nhà văn Hà Nội trao giải năm 2018, chỉ nhà văn Nguyễn Xuân Khánh được tôn vinh ở hạng mục thành tựu trọn đời, không có giải thơ và văn xuôi. Có ý kiến cho rằng năm 2018 mất mùa giải thưởng văn học.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933 tại Hà Nội. Ông nổi tiếng với nhiều tác phẩm như: Rừng sâu, Miền hoang tưởng, Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Hai đứa trẻ và con chó Mèo xóm núi, Mưa quê…Ông cũng từng nhận nhiều giải thưởng. Tiểu thuyêt Hồ Quý Ly được 3 giải: Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 1998-2000, Giải thưởng Thăng Long của UBND Thành phố Hà Nội 2002, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2001. Năm 2006 tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn của ông cũng được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội. Năm 2018, tiểu thuyết Chuyện ngõ nghèo của Nguyễn Xuân Khánh cũng đạt giải Sách Hay, hạng mục Tác phẩm văn học.
Những thành tựu văn chương của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh có thể gợi ra nhiều suy nghĩ về con đường sáng tác của người cầm bút.
Trong Hội nghị tổng kết công tác văn học 2018 ngày 14.12.2018 tại Hà Nội, Nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà Văn đã đánh giá: “Nhìn chung bức tranh văn học 2018 phát triển toàn diện”. Tác giả Tuyên Hóa trên vanvn.net tường thuật: “năm 2018 văn học Việt Nam tiếp tục có những nét khởi sắc đáng mừng; đời sống văn học cởi mở, dân chủ hơn, có nhiều tác phẩm được công bố, trong đó tính dự báo của văn học có nhiều dấu hiệu đáng mừng. Các lĩnh vực: Văn xuôi, thơ, văn học dịch, lý luận-phê bình văn học… đều có bước phát triển rõ rệt; đặc biệt là chất lượng và số lượng của các sáng tác trẻ ở văn xuôi và sự “nở rộ” của trường ca trong lĩnh vực thơ. Thực tiễn sáng tác cho thấy sự gắn bó giữa nhà văn với đất nước, dân tộc, nhân dân được thể hiện rõ hơn, trách nhiệm hơn.”[1]
Ngày 19-12 ở Hà Nội, trong Hội thảo khoa học toàn quốc do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức với chủ đề “Nhìn lại quá trình xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay”, nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu: “Xã hội hóa với văn nghệ sĩ là tài năng được thừa nhận, tác phẩm được thừa nhận, tạo được tiếng vang với công chúng và có sức sống lâu dài. Xã hội hóa làm ra cả nghìn CLB thơ, nhưng tôi đọc thì không có bài thơ nào hay, có sức sống lâu dài. NXB Hội nhà văn có 1125 đầu sách được phát hành trong 1 năm nhưng chất lượng thì như thế nào? Chúng ta có cả một vườn sản phẩm được gọi là văn hóa nhưng thực chất văn hóa được bao nhiêu? Tôi hoan nghênh xã hội hóa nhưng không thể vì vài đồng tiền mà quên đi giá trị tác phẩm. Tác phẩm phải đi vào lòng người, đấy mới là xã hội hóa cao nhất”[2]
Hai ý kiến có vẻ trái ngược nhau của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho người đọc thông tin gì về tình hình văn học 2018?
Người đọc có thể hiểu rằng, văn học vẫn phát triển ở bề rộng các hoạt động phong trào và sáng tác (tổ chức trại sáng tác, tổ chức hội thảo, tổ chức kỷ niệm 100 năm các nhà thơ nhà văn…), song không có những tác phẩm nổi trội, sâu sắc về nội dung, tư tưởng và mới mẻ về nghệ thuật thể hiện. Thí dụ, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết, riêng nhà xuất bản Hội nhà văn có 1125 đầu sách được phát hành trong 1 năm. Ở giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam 2018, có tới 30 cuốn sách lý luận phê bình in năm 2018 tham dự xét giải. Đó là một con số đáng kinh ngạc.
Trong những cuốn sách Lý luận phê bình dự xét giải thưởng Hội Nhà Văn 2018, có nhiều cuốn được chú ý: Bí mật tuổi trăng non (Thanh Tâm Nguyễn), Thăng hoa sáng tạo thẩm mỹ tiếp nhận văn chương (Nguyễn Ngọc Thiện), Văn học Nga hiện đại những vấn đề lý thuyết và lịch sử (Trần Thị Phương Phương), Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết Việt Nam (Luận án Tiến sĩ của Huỳnh Thu Hậu), Phê bình ký hiệu học (Lã Nguyên), Phê bình văn học và ý thức cái khác (Hoàng Thụy Anh)…Tôi cũng đặc biệt chú ý cuốn Phê bình văn học thế kỷ XX của Thụy Khuê (Nhã Nam in quý I. 2018). Cuốn này không tham gia xét giải của Hội Nhà Văn Việt Nam 2018. Chắc chắn rằng những cuốn sách tôi nêu ở trên có những đóng góp nhất định cho lý luận phê bình văn học Việt Nam, không phải chỉ trong năm 2018, mà còn có ích cho nhiều người nghiên cứu văn học sau này.
Dẫu vậy, đây đó cũng có những vấn đề người đọc thấy những cuốn sách ấy chưa thật hoàn thiện như mong đợi. Tôi xin dẫn hai thí dụ:
Bí mật tuổi trăng non của Thanh Tâm Nguyễn là một chuyên luận viết về văn học thiếu nhi. Phạm vi khảo sát của tác giả là các tác phẩm từ đầu thế kỷ XX đến 2018. Tác giả ghi rõ “Phê bình văn học dành cho lứa tuổi 13+”. Thanh Tâm Nguyễn có cách viết trẻ trung, ngôn ngữ khá mới lạ, vận dụng nhiều lý thuyết văn học như Thi pháp học, Tự sự học, phân tâm học, Tâm lý học, lý thuyết tiếp nhận về “tầm đón đợi”… để xem xét vấn đề. Quả là một chuyên luận rất đáng được mong đợi. Bởi chưa có chuyên luận nào nghiên cứu văn chương thiếu nhi bao quát một diện rộng như thế.
Nhưng đọc chuyên luận, tôi thấy nghi ngại và cảm thấy chưa thuyết phục. Sách viết “dành cho lứa tuổi 13+”, nhưng tuổi 13+ không thể đọc được cuốn sách dày đặc lý thuyết này. Vấn đề là, ngay từ viên đá đầu tiên xây dựng chuyên luận, “Thế nào là văn học thiếu nhi?”, tác giả đã không xác định được đúng đối tượng nên mới đưa Vòng tay học trò của Nguyễn Thị Hoàng và Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư vào khảo sát. Có lẽ tác giả nên hỏi xem hai nhà văn này có viết tác phẩm của họ cho thiếu nhi không?
Về phạm vi khảo sát, tác giả minh định rõ “Tôi giới hạn phạm vi khảo sát ở những tác phẩm thuộc thể loại văn xuôi ra đời từ đầu thế kỷ XX đến nay (2018)” (tr.11), vậy mà khi triển khai nghiên cứu, tác giả bỏ sót nhà văn Nguyễn Thái Hải. Nguyễn Thái Hải xuất hiện ở Sài Gòn 1969. Đến nay (2018), ông đã viết 31 tác phẩm văn học dành cho thiêu nhi. Ông đã từng đạt giải thưởng của Hội Nhà văn. Chuyên luận chỉ nhắc tên ông hai lần (lần thứ nhất ghi sai là Nguyễn Thác Hải-tr.29), và chỉ nhắc tên một cuốn sách của ông: Con dốc cổng trường. Nghĩa là chuyên luận chưa bao quát đủ đối tượng khảo sát.
Về nội dung, có sự sự bất nhất khi triển khai đề tài. Tác giả xác lập rõ nội dung chuyên luận viết về: ”xúc cảm giới tính chứ không phải là tình yêu đôi lứa” (tr. 12), nhưng trong suốt chuyên luận lại tập chú vào “chuyện tình trẻ con”, và đặt vấn đề “giáo dục giới tính cho trẻ”. Có lẽ còn cần nhiều thời gian nữa thì trình độ nghiên cứu của Thanh Tâm Nguyễn mới đạt độ chín?
Tôi đã đọc Phê Bình Ký hiệu học của Lã Nguyên (Nxb Phụ nữ 2018) [3] và kỳ vọng đôi điều. Trong Lời bạt, GS Trần Đình Sử nhận định rằng: “Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định Ký hiệu học sẽ là khuynh hướng của phê bình văn học thế kỷ XXI…”(tr.404); “Bằng những bài nghiên cứu táo bạo, công phu, Lã Nguyên đã trình làng một hướng phê bình mới, phê bình Ký hiệu học. Chúng tôi vui mừng tin tưởng rằng khuynh hướng này sẽ nhanh chóng được bắt rễ, lan tỏa trong nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam…”(tr.405).
Nhưng tôi thất vọng, bởi đây không phải là một chuyên luận được viết với một nội dung và cấu trúc thống nhất nghiên cứu và áp dụng Ký Hiệu học vào phê bình văn học, mà chỉ là tập họp các bài tác giả viết rải rác và sắp xếp lộn xộn từ năm 1987 (Mấy cách tân nghệ thuật của truyện ngắn Nam cao) đến 2015 (Tôi đọc Miền Hoang của Sương Nguyệt Minh). Chính tác giả cũng đưa ra tự đánh giá: “Dĩ nhiên, đi theo con đường ấy, mọi nhận xét, kết luận trong cuốn sách về loại hình diễn ngôn và ngôn ngữ nghệ thuật chỉ có thể được đưa ra dưới dạng những giả định khoa học với hi vọng tìm được sự đồng thuận của bạn đọc.”(tr.10).
Theo tôi, phê bình Cấu trúc luận (structuralism) và Giải cấu trúc (Deconstruction) mới có khả năng đọc tác phẩm đương đại. Ký hiệu ngôn ngữ chỉ là vỏ hình thức, nghĩa của những ký hiệu ấy đã được xác định trong tự điển. Cấu trúc mới tạo nên tác phẩm, và nghĩa của tác phẩm là nghĩa do cấu trúc tạo nên. Diễn giải là vô tận bởi ý nghĩa tác phẩm còn là do “cộng đồng diễn giải”(Stanley Fish) gán cho, cũng là “tầm kỳ vọng” (Hans Robert Jauss ) của người đọc.
GS Trần Đình Sử đã nhận xét rất đúng rằng “Phê bình Ký hiệu học của Lã Nguyên là sự mở rộng của Thi pháp học…Lã Nguyên chỉ đặt lại trên bình diện khác”(tr.403). Có nhận xét như vậy vì, thí dụ, GS Trần Đình Sử đã viết Thi pháp thơ Tố Hữu, và Lã Nguyên viết lại về thơ Tố Hữu, nhưng xoay sở ở một góc khác của chữ với tư cách là ký hiệu. Lã Nguyên cho rằng: “Tố Hữu là nhà thơ Việt Nam đầu tiên đã chọn truyền thuyết làm chiến lược diễn ngôn cho văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa”, nhưng Lã Nguyên lại không giới thuyết “truyền thuyết” là gì, mà chỉ mặc định: “Mục đích giao tiếp của truyền thuyết là truyền đạt những tri thức khả tín (bất kiểm chứng)”(tr.189) Ô hay nhỉ, “khả tín” nhưng lại “bất kiểm chứng”! Chẳng lẽ Lã Nguyên dẫn người đọc vào con đường mù quáng hay sao?. Tôi nghĩ nhận xét ấy đúng là một “giả định” hàm hồ khó đồng thuận. Bởi đọc xong bài Lã Nguyên viết rất dài về thơ Tố Hữu, tôi không thấy có một khẳng định nào về giá trị thơ Tố Hữu, rằng bài thơ nào của Tố Hữu là bài thơ hay, để có thể đối thoại được với những ý kiến đặt ra về thơ Tố Hữu? thí dụ, ý kiến của Trần Dần 1955?[4]
Viết về Nguyễn Tuân, Lã Nguyên khẳng định rằng: ”Mọi sáng tác của ông đều được kiến tạo theo cấu trúc tùy bút, ngay cả khi nó là tác phẩm truyện” (tr.170), hình như điều này đã được nói đến từ lâu lắm rồi. Thế có nghĩa Lã Nguyễn chỉ nói lại những điều đã cũ, dù ông đã xoay vần đủ trò những con chữ của Nguyên Tuân. Lã Nguyên đã bỏ qua hoàn cảnh sống và cá tính con người Nguyễn Tuân, đã siêu hình hóa Nguyễn Tuân trước và sau cách mạng tháng Tám 1945. Điều ấy làm cho phê bình ký hiệu học trở nên “khả tín nhưng bất kiểm chứng” là vậy!
Một thí dụ khác, Lã Nguyên cho rằng “Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn của những câu chuyện về cái vô nghĩa của thế sự nhân sinh, thì Phạm Thị Hoài là cây bút của những bức tranh về một nhân loại vô hồn.” (tr.331), và cho rằng hai nhà văn này thấm đẫm “tâm trạng hoài nghi tồn tại”, và đó là “cảm quan hậu hiện đại” (tr.337), từ đó cho rằng văn chương Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài có dấu hiệu Hậu hiện đại. Tôi nghĩ rằng Lã Nguyên nên đọc lại Jean-François Lyotard khi vận dụng cái gọi là “tâm thức hậu hiện đại”.
Xét đến cùng, Phê bình Thi pháp học, phê bình Ký hiệu học cũng chỉ là phương pháp công cụ, nghiêng về nghiên cứu vỏ chữ của tác phẩm. Vấn đề là nhà phê bình biết dùng công cụ nào (trong các phương pháp phê bình) thích hợp để có thể khám phá được chân lý của vấn đề. Dùng Thi pháp học, Ký hiệu học để chẻ sợi tóc ngôn ngữ làm tư, làm tám, thì mãi mãi cũng không thể tìm thấy giá trị của văn chương. Tuyệt đối hóa một công cụ không phải là giải pháp khoa học.
Tôi dẫn 2 cuốn sách đáng quan tâm để thấy rằng năm 2018 nhận định của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam dù là một cách diễn ngôn có ý nghĩa chính trị, song không phải là không khả tín: “Nhìn chung bức tranh văn học 2018 phát triển toàn diện”; “Chúng ta có cả một vườn sản phẩm được gọi là văn hóa nhưng thực chất văn hóa được bao nhiêu?
VẪN CHƯA HẾT CHUYỆN LÙM XÙM
Chuyện lùm xùm là ở Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh sau khi công bố kết quả Giải thuởng Văn học năm 2017.
Ngày 18-1-2018, Ban Chấp hành Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh đã họp đột xuất để xem xét xử lý vụ việc phát sinh. Hội đồng chung khảo nhận sai sót khi xét giải hai tác phẩm: Thơ trắng và Nghi lễ của ánh sáng mà không thông qua Hội đồng Thơ (mặc dù sau đó có họp lại với Hội đồng Thơ). Về nghi án đạo thơ, bài thơ Khúc dịu dàng nắng gió cao nguyên (không có trong tập Những ký âm ngân) của Nguyễn Thị Thanh Long có nhiều câu thơ, đoạn thơ giống hệt bài Khúc thiếu phụ của Thy Minh. Ban Chấp hành kết luận: Đây là việc làm sai trái, nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long cần rút kinh nghiệm nghiêm khắc. Ban Chấp hành chấp thuận đơn xin rút khỏi tặng thưởng của 2 tác giả: La Mai Thi Gia và Nguyễn Thị Thanh Long.
Hóa ra cả Nguyễn Thị Thanh Long và Thy Minh đều sử dụng bài thơ “Người đàn bà thơ” của nhà thơ Nguyễn Vĩnh, hội viên hội Liên hiệp VHNT tỉnh Phú Thọ. Ông đã tặng bản quyền “toàn quyền sử dụng” bài thơ cho cả hai người! Và hai “nhà thơ” Nguyễn Thị Thanh Long và Thy Minh đã chiếm làm thơ của mình [5]. Thật đáng buồn khi một hội văn chương lại dung nạp những cây bút kém cỏi cả về tài năng và nhân cách như vậy. Bởi nhà văn là người đại diện cho trí tuệ, tài năng và nhân cách.
Vào đầu tháng 4. 2018, nhà thơ Phan Hoàng, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh khóa 7 (2015 – 2020), Chủ tịch Hội đồng Thơ, đã viết trên trang Facebook cá nhân, bài “Ngộ độc thơ”. Bài viết bị cộng đống mạng phản ứng dữ dội. Họ cho rằng nhà thơ Phan Hoàng đã xúc phạm những người làm thơ trên Facebook. Ngày 23/4/2018, Ban Chấp hành Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh đã có cuộc họp khẩn và ra quyết định đồng ý để ông Phan Hoàng từ nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Thơ, và rút khỏi Hội đồng Thơ. Ông Phan Hoàng cũng nhận ra sai sót đồng thời có lời xin lỗi cộng đồng mạng. Tôi nghĩ, coi thường công chúng thì nhất định sẽ bị trừng phạt! Bởi vì “sự nghiệp cách mạng là của quần chúng”.
Trong số 50 báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) ra ngày 16-12-2017, ban Biên tập đã cho đăng truyện ngắn Bắt đầu và kết thúc của tác giả Trần Quỳnh Nga. Sau khi báo phát hành, có nhiều ý kiến bình luận gay gắt về nội dung truyện ngắn này. Ngày 19-01-2018, Ban Sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức một buổi thảo luận để lắng nghe ý kiến của các nhà văn, nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học về truyện ngắn này. Buổi thảo luận Có sự hiện diện của GS-TS Trần Đình Sử, PGS-TS Trịnh Bá Đĩnh, nhà văn Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Văn Thọ, Lê Minh Khuê, Văn Chinh, Trần Bảo Hưng, Khuất Quang Thụy, cùng các Ủy viên Ban Chấp hành: nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều PCT, nhà thơ Trần Đăng Khoa, PCT, trưởng Ban sáng tác…
Đây là ý kiến của nhà văn Hoàng Quốc Hải: “Một người tiếp tay cho giặc, làm nguy thế nước như vậy, sao lại gọi là có công được.Trên thực tế vấn đề nhân vật lịch sử Trần Ích Tắc đã được lịch sử liệt hạng phản quốc một cách ổn định, không còn gì ẩn khuất mà phải giải mã. Cũng không có ai tôn vinh nhân vật này hoặc đưa y vào điện thần mà phải giải thiêng, giải ảo. Vậy tại sao truyện lại viết Trần Ích Tắc như một người có công với nước vậy?”[6]
Đây là “Lời cáo lỗi” của báo Văn nghệ: “Ban Biên tập báo Văn nghệ đã tiếp thu ý kiến của cuộc thảo luận một cách cầu thị, chân thành và nhận thấy rằng: Việc cho in truyện ngắn này là một khuyết điểm gây ra những bất lợi về nhiều mặt. Nguyên nhân chủ yếu của sự cố đáng tiếc này là do nhận thức và trình độ của biên tập viên còn bất cập, cách làm việc vội vã, cân nhắc thiếu thận trọng, thiếu nhạy bén, để lại những hậu quả ngoài mong muốn. Sự phê bình, nhắc nhở của dư luận là cần thiết không những cho công tác biên tập mà cả cho tác giả. Chúng tôi sẽ nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân và xem xét lại quy trình làm báo để tránh những sai sót đáng tiếc lặp lại trong tương lai… Thay mặt Ban Biên tập, Tổng Biên tập báo Văn nghệ xin chân thành xin lỗi bạn đọc vì đã cho in truyện ngắn này và xin hứa nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình, tập trung mọi cố gắng nâng cao chất lượng của tờ báo, phục vụ bạn đọc ngày càng tốt hơn.”[7] Tôi nghĩ việc xử lý như vậy là phải lẽ.
Tiểu thuyết lịch sử Chim ưng và chàng đan sọt của Bùi Việt Sỹ, tác phẩm đoạt giải C Sách hay giải thưởng Sách quốc gia bị mạng xã hội chê là có nhiều chi tiết tả cảnh sex của nhân vật Trần Khánh Dư khá thô tục. Nhà văn Bùi Việt Sỹ, 72 tuổi thì cho rằng: “Có một chiến dịch bôi nhọ tôi vì tôi được giải. Tôi được giải của Hội Nhà văn, giờ lại còn được giải thưởng sách quốc gia nữa nên nó mới đánh”. Nhà văn Nguyễn Phan Hách, trưởng tiểu ban sách văn học thuộc hội đồng giám khảo Giải thưởng sách hay quốc gia 2018 bày tỏ: “Tôi biết có những ý kiến nói rằng sách có trang tả sex thô tục của Trần Khánh Dư. Nhưng ông Trần Khánh Dư ngoài đời cũng rất phóng túng, không theo khuôn phép. Nếu văn học mà khuôn phép quá, xét nét quá thì sẽ tự ràng buộc mình, khiến tiểu thuyết không còn hấp dẫn, sinh động. Tuy nhiên đúng là dù ông Trần Khánh Dư có phóng túng đến đâu, nhưng viết về các anh hùng lịch sử mà có những chi tiết sex quá cũng không thích hợp. Dù vậy cũng không nên vì những chi tiết đó mà ảnh hưởng đến toàn cuốn sách”; “Bây giờ sự việc đã xảy ra, tôi thấy rất khó nói, nếu bênh vực thì không được, còn nếu nói không có vấn đề gì thì vô trách nhiệm… Cuốn sách này không có chi tiết nào sai chính trị cả. Những chi tiết sex này phải chăng có thể bỏ quá được không?[8]
Đã có quá nhiều sách văn học miêu tả “sex bẩn”(miêu tả sex bản năng nhằm mục đích khiêu dâm) trên văn chương thị trường bị công chúng phản đối quyết liệt. Phải chăng nhà văn miêu tả sex bẩn là để cầu danh? Và nếu có chút danh, thì cũng là “danh bẩn”. Không thể nói như ông Nguyễn Phan Hách rằng: “Cuốn sách này không có chi tiết nào sai chính trị cả. Những chi tiết sex này phải chăng có thể bỏ quá được không?” Ông chẳng hiểu gì về mối quan hệ giữa văn chương và văn hóa cả!
CÓ NHỮNG NIỀM VUI
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được trao Giải thưởng văn học quốc tế Hàn Quốc (Changwon KC international literary Prize) năm 2018. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là người giúp quảng bá và đưa văn học Hàn Quốc đến Việt Nam. Ông đã giới thiệu 5 tác giả Hàn Quốc tại Việt Nam và góp phần đưa 2 nền văn học có dịp giao lưu, học hỏi lẫn nhau trên nhiều phương diện. Giải thưởng văn học Hàn Quốc Changwon chỉ được trao cho những nhà văn có độ tuổi 50 – 65 với những cống hiến, đóng góp sáng tạo văn học nghệ thuật không chỉ trong nước mà còn ngoài nước. Ngoài tác phẩm được dịch sang tiếng Hàn thì tác giả dự giải cũng phải có tác phẩm được dịch sang tiếng Anh. Tôi nghĩ giải thưởng này có ý nghĩa chính trị, ngoại giao nhiều hơn là sự tôn vinh giá trị nghệ thuật thơ Nguyễn Quang Thiều.
Phiên bản tiếng Đức tác phẩm “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư đã vượt qua nhiều tác phẩm của 8 tác giả nữ quốc tế để chiến thắng giải Literaturpreis 2018. Cánh đồng bất tận do giáo sư Gunter Giesenfeld, nhà giáo Marianne Ngo chuyển ngữ sang tiếng Đức. Cánh đồng bất tận (Endlose Felder) của Nguyễn Ngọc Tư đã vượt qua những tác phẩm của các ứng viên sáng giá khác như Han Kang (Hàn Quốc), Ayelet Gundar-Goshen (Israel), Nona Fernández (Chile), Shumona Sinha (Ấn Độ)…Đây là giải thưởng do Litprom, Hiệp hội quảng bá văn học châu Á, châu Phi và Mỹ Latin ở Frankfurt (Đức), bình chọn. Giải thưởng Literaturpreis dành cho các tác giả nữ đến từ châu Á, Phi, Mỹ Latin, Thế giới Ả Rập và vùng Caribe. Giải thưởng đã được hình thành từ 30 năm qua. [9] Năm 2018, Nguyễn Ngọc Tư cũng in tập truyện ngắn “Cố định một đám mây” gồm 10 truyện mới. Nói về giải thưởng, Nguyễn Ngọc Tư cho rằng: “Giải thưởng nào cũng là của ngày hôm qua. Ngày mai tôi là một kẻ tay trắng, nếu không viết thứ gì mới”; Trả lời câu hỏi “điều đáng sợ nhất của một người cầm bút là gì? Nguyễn Ngọc Tư nói: “Lười, ngủ quên với vinh quang (đôi lúc vinh quang ấy là ảo tưởng của con ếch ngồi trong giếng). Tôi cũng sợ những nhà văn tự hào về những thứ không thuộc về văn chương”. Tôi nghĩ, Nguyễn Ngọc Tư đã đi rất xa sau Cánh đồng bất tận rồi, Nguyễn Ngọc Tư xác nhận: “Tôi nghĩ mình đã đi ngay ấy chứ, từ Gió lẻ.”Quả là niềm vui khi một nhà văn luôn băng mình về phía trước trên con đường sáng tạo. Có vậy, văn chương Việt mới có hy vọng.
Lâu nay người ta lo ngại về lực lượng viết phê bình. Nhà thơ Vũ Quần Phương lại kể chuyện vui: “Về phê bình lý luận thơ. Chuyện này cũng nhiều lý thú. Các thày ở trường bồi dưỡng viết văn thường có nhận xét nghe vui, nhưng không biết có là thật không: Năm đầu vào học nhiều em chọn bộ môn thơ. Năm thứ hai một số chuyển sang văn xuôi. Năm cuối xem chừng gần hết cả lớp đều muốn trở thành nhà phê bình. Không biết có phải vì tâm lý ấy mà các nhà phê bình thơ và các bài phê bình thơ cứ phát triển đều đặn. Giọng điệu phê bình chung là biểu dương, ca ngợi, có khi ca ngợi đến hêt lời. Thi hữu thi huynh đôi bên đều vui chỉ có bạn đọc là hoang mang, rồi nghi ngờ, rồi tự bảo vệ mình là không đọc nữa. Thế là cả phê bình thơ lẫn thơ đều mất khách”(Thơ, những vấn đề hôm nay)[10].
Nhà thơ Vũ Quần Phương nói vui về một câu chuyện buồn, còn nhà phê bình Hoàng Thụy Anh lại điểm danh được nhiều nhà phê bình trẻ các tỉnh phía bắc trung bộ. Và văn chương Việt có quyền hy vọng. Thanh Hóa có: Hoàng Tuấn Phổ, Nguyễn Xuân Dương, Lưu Đức Hạnh, Nguyễn Mạnh Hùng, Hỏa Diệu Thúy, Hoàng Tuấn Công, Thy Lan và Nguyễn Thanh Tâm… Ở Nghệ An có Đặng Lưu, Phan Huy Dũng, Đinh Trí Dũng, Phạm Tuấn Vũ, Lê Hồ Quang, Nguyễn Duy Bình, Lê Thanh Nga. Hà Tĩnh có Nguyễn Thị Nguyệt và Nguyễn Thanh Truyền. Quảng Bình có Mai Thị Liên Giang, Dương Ánh Tuyết, Nguyễn Thị Nga, Hoàng Đăng Khoa, Hoàng Thụy Anh, Lê Hương. Quảng Trị có Bùi Như Hải và Nguyễn Thái Hoàng. có thể kể đến Nguyễn Thị Tịnh Thy, Trần Huyền Sâm, Hoàng Thị Huế, Nguyễn Văn Thuấn, Thái Phan Vàng Anh, Nguyễn Văn Hùng, Phan Trọng Hoàng Linh, Phan Tuấn Anh, Lê Thị Diễm Hằng, Thanh Tâm A…[11] Quả là một lực lượng đông đảo.
Mới chỉ các tỉnh phía bắc Trung bộ đã có 35 nhà phê bình trẻ được điểm danh, và trong số họ, đã có nhiều người tự khẳng định tên tuổi. Tôi thấy những khuôn mặt sáng giá như Hoàng Thụy Anh, Trần Huyền Sâm (TS, Đại học Huế), Hoàng Đăng Khoa, Thanh Tâm Nguyễn (TS, Đại học Huế), Nguyễn Thanh Tâm (TS, Viện Văn học), cùng với những người viết phê bình trẻ trước đây như Trần Ngọc Hiếu (TS), Trần Thiện Khanh (TS), Mai Anh Tuấn, Phan Tuấn Anh, Đoàn Minh Tâm, Ngô Hương Giang,…(xin lỗi tôi đã không biết rõ chức danh xã hội của các tác giả) đã hình thành một lực lượng hùng hậu đầy triển vọng. Trước đó, Hội nghị “Những người trẻ viết về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật” khu vực phía bắc, do Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT T.Ư tổ chức ngày 5-8-2015 tại Hà Nội mới điểm danh có 50 đại biểu, và trong bài viết “Phê bình văn học trẻ thiếu và yếu: Tại sao?” ngày 30/12/2016 trên Quân đội nhân dân [12], TS Nguyễn Thanh Tâm đã báo động tình trạng yếu và thiếu của phê bình văn học trẻ, cả về lực lượng, phương pháp phê bình, tính chuyên nghiệp…
Vậy mà, đến năm 2018, những khuôn mặt trẻ đả tỏa sáng nhiều, hẳn nhiên đó là một niềm vui.
Thực ra đó là niềm vui không trọn vẹn, vì yếu tố trung tâm của văn học là tác phẩm văn chương. Năm 2018 không có tác phẩm nào gây được ấn tượng. Giải thưởng Văn học tuổi 20 (lần thứ 6) không có giải Nhất. 2 tác phẩm đoạt giả nhì là “Wittgenstein của Thiên đường đen” của Maik Cây, “Người lạ” của Mai Thảo Yên. Tôi chưa rõ giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam sẽ vinh danh những tác giả nào, nhưng tình hình chung trên văn đàn năm qua khá yên ắng. Tiểu thuyết “Tuổi 20 yêu dấu” của Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được in trong nước không tạo được cơn sốt, dù rằng cuốn sách này đã được in ở Pháp trước đó 13 năm. Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn được yêu mến, nhưng cuốn Cố định một đám mây Nguyễn Ngọc Tư in 2018 cũng không gây ra một hiện tượng phát hành nào trong năm. Tôi suy gẫm điều này, ngoài Nguyễn Nhật Ánh vẫn giữ được phong độ (cuốn Cám ơn người lớn in 150.000 bản), hình như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư và nhiều nhà văn nổi tiếng một thời… đã thành những thần tượng cũ để chiêm ngắm. Công chúng cần những thần tượng mới để xốc văn học Việt Nam đi về phía trước.
Văn chương 2018 – lặng lẽ ươm mầm.
Tháng 12.2018
__________
[1] http://vanvn.net/tin-tuc/hoi-nghi-cong-tac-van-hoc-nam-2018/2043 [2]http://vanvn.net/thoi-su-van-hoc-nghe-thuat/hoi-thao-khoa-hoc-toan-quoc-%E2%80%9Cnhin-lai-qua-trinh-xa-hoi-hoa-cac-hoat-dong-vhnt-o-viet-nam-tu-khi-ban-hanh-chu-truong-den-nay%E2%80%9D/2051 [3] Bản in Phê bình ký hiệu học–Đọc văn như là hành trình tái thiết ngôn ngữ (Nxb Phụ nữ 2018) có 14 tiểu luận. Bản công bố trên vandoanviet.blogspot.com có 22 tiểu luận… [4] http://vanhoanghean.com.vn/component/k2/thao-luan-1955-ve-tap-tho-viet-bac-phan-vii [5] http://nld.com.vn/van-nghe/bi-hai-kich-nghi-an-dao-tho-20180118160702329.htm [6] http://trannhuong.net/tin-tuc-53141/ve-truyen-%E2%80%9Cbat-dau-va-ket-thuc%E2%80%9D.vhtm [7] http://xuandienhannom.blogspot.com/2018/01/bao-van-nghe-xin-loi-ve-viec-in-truyen.html [8] https://tuoitre.vn/chim-ung-va-chang-dan-sot-co-nhieu-chi-tiet-sex-tho-tuc-20180423173113284.htm [9] http://phunuvietnam.vn/giai-tri/nha-van-nguyen-ngoc-tu-nha-tho-nguyen-quang-thieu-doat-giai-van-hoc-quoc-te-post45650.html [10] http://vanvn.net/tac-pham-chon-loc/thonhung-van-de-hom-nay-/1539 [11] http://vanvn.net/ong-kinh-phe-binh/phe-binh-van-hoc-tre-bac-mien-trung-tren-nen-phe-binh-ca-nuoc-hien-nay-/1737 [12] http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/phe-binh-van-hoc-tre-thieu-va-yeu-tai-sao-496289