TRUYỆN TUỔI HOA CỦA NGUYỄN THÁI HẢI
Bùi Công Thuấn
Truyện nhi đồng Tuổi Hoa phát hành ở Sài Gòn, số đầu tiên vào tháng 06-1962 và phát hành mỗi tháng 1 kỳ (nguyệt san). Sau 8 số thì đổi tên thành Tạp chí thiếu nhi Tuổi Hoa (nguyệt san). Từ số 36 trở đi phát hành ½ tháng một kỳ (Bán nguyệt san). Đến số 74 thì chính thức đổi tên thành Bán nguyệt san Tuổi Hoa. Những truyện dài đăng trên Bán nguyên san Tuổi Hoa được nhà xuất bản Tuổi Hoa in thành sách gọi là tủ sách Tuổi Hoa (1969). Tủ sách Tuổi Hoa gồm: Hoa Đỏ (trinh thám – phiêu lưu mạo hiểm), Hoa Xanh (tình cảm gia đình bè bạn), Hoa Tím (tình cảm nam nữ trong sáng tuổi mới lớn)[1].
Nhà văn Nguyễn Thái Hải xuất hiện trên Tuổi Hoa từ tháng 6/1968 với truyện ngắn nhi đồng “Nốt ruồi”. “Màu xanh học trò” (1969) là truyện thứ 12 và là truyện đầu tiên của Nguyễn Thái Hải được in liên tiếp 5 kỳ trên báo Tuổi Hoa. Nguyễn Thái Hải có 8 cuốn sách in trong tủ sách Tuổi Hoa và 50 truyện ngắn in 1 kỳ hoặc nhiều kỳ trên báo Tuổi Hoa.
Sau 1975, ông lấy bút danh Khôi Vũ khi viết cho người lớn. Đến nay (2018) ông đã in khoảng 60 tác phẩm thuộc đủ các thể loại. Riêng sách viết cho thiếu nhi, ông in 31 cuốn (tính đến năm 2019) [2].
Tháng 7.2017 NXB Phương Đông và Phương Nam Books đã tái bản 8 cuốn sách của tủ sách Tuổi Hoa trong đó có Chiếc lá thuộc bài của Nguyễn Thái Hải, điều ấy khẳng định giá trị sách của tác giả Nguyễn Thái Hải trẻ với bạn đọc hôm nay.
Tôi tự hỏi điều gì làm nên những giá trị những cuốn sách ấy sau gần 50 năm với bao biến đổi lớn lao của lịch sử và thời đại?
NHỮNG TRUYỆN HOA XANH
Những truyện trong tủ sách Tuổi Hoa và truyện in trên báo Tuổi Hoa của Nguyễn Thái Hải hầu hết thuộc loại “Hoa xanh”, tức là những truyện viết về tình cảm gia đình, bè bạn, thầy cô. Những tình cảm ấy đến nay, dù cuộc sống đã thay đổi rất nhiều, nhất là trong giao lưu toàn cầu hóa, thì tình cảm cha con, mẹ con, bạn bè, thầy cô trong tâm thức Việt Nam vẫn nguyên vẹn. Và tác phẩm của Nguyễn Thái Hải đến nay vẫn còn giá trị chính là ở ngòi bút của nhà văn đã khắc tạc được những tình cảm có truyền thống dân tộc. Tuy hình thức sinh hoạt của ngày xưa ấy có khác hôm nay, nhưng những điều căn cốt nhất của tâm thức Việt vẫn nguyên vẹn trong tác phẩm của Nguyễn Thái Hải.
Màu xanh học trò là tình thầy trò thắm thiết của học trò lớp Lục 2 sau một năm học với những kỷ niệm không phai. Lớp Lục 2 được thầy Tuyên hướng dẫn học tập, chơi bóng đá, giải quyết nhưng bất hòa học trò các lớp. Khi đã xa học trò, thầy Tuyên viết cho các em: “các học trò của thầy ơi, các em có biết tuổi học trò của các em là đẹp và sung sướng nhất không?”
Tiếng hát vành khuyên là sự ganh đua học tập và phát triển tài năng của các bạn lớp Tám. Đó là Vành Khuyên (Nguyễn Thị Hương Trầm) và Hạnh Trang. Hai cô bé do những hoàn cảnh riêng đã ganh đua trong cuộc thi “Tiếng hát Vành Khuyên” và danh hiệu “học sinh xuất sắc trong tháng”. Sau những hiểu lầm và căng thẳng quyết liệt, cuộc đua tranh có một kết quả tốt đẹp: thầy cô Ban giám khảo của trường đã trao giải nhất cho Trang và trao cúp danh hiệu Vành Khuyên mãi mãi cho Vành Khuyên. Tình bạn của hai cô học trò sau những thử thách quyết liệt đã trở nên thắm thiết hơn bao giờ.
Những dòng mực tím là những dòng yêu thương ấm áp tình thầy trò trong lá thư học trò gửi cho cô khi cô đã xa trường. Đó là một ngôi trường ở một vùng hẻo lánh, nơi học sinh chỉ có thể học hết lớp Ba rồi nghỉ học, vì không có lớp trên. Học trò kể lại những trò nghịch ngợm của bọn con trai với các bạn gái vì cô có vẻ bênh vực các bạn ấy. Chúng đoàn kết học tập và cũng “đoàn kết” bày trò hành hạ bọn con gái. Chúng bắt kiến bỏ hộc bàn buộc bọn con gái bỏ chỗ ngồi. Chúng đem chuột con vào lớp nhát bọn con gái, và đặc biệt là, “nghệ thuật” nói dối, chúng không chỉ nói dối bạn mà còn nói dối cả cô để lấy tiền. Khi cô đã đi xa, chúng hứa: “Nhất định chúng em phải chăm học để khỏi phụ lòng cô. Vì nhờ cô tình nguyện xuống vùng hẻo lánh này dạy chúng em năm lớp Nhì mà chúng em khỏi phải học trễ một năm”…Người thầy thời nào cũng dấn thân vì học sinh và được học sinh yêu mến là vì vậy.
Tuổi học trò còn quý giá ở tâm hồn ngây thơ trong sáng. Nguyễn Thái Hải miêu tả rất tinh tế và xúc động tuổi hồn nhiên ấy trong truyện Cô nhỏ Trúc quan âm. Cô nhỏ tiểu học ấy thích hoa. Cô đã xin hoa bên vườn nhà báo Dũng Tâm, báo Hồn Nhiên về trồng. Nhưng cô không biết rằng Trúc quan âm không thể trồng bằng nhánh mà phải trồng bằng củ, vì thế những cành trúc Quan Âm cô lén cắt đem về trồng luôn bị héo rũ. Nhà báo Dũng Tâm đã không trách cô bé ăn cắp hoa, mà còn coi cô như người bạn vong niên. Kết truyện, ngày 27 tết, trước khi về quê, nhà báo Dũng Tâm đã sang gia đình kế cận, tặng chủ nhân hai chậu bông duyên cúc đủ màu để chưng tết, và tặng cô học trò tiểu học giỏ trúc anh đã ươm mầm. Lúc này anh mới biết cô nhỏ tên là Trúc. Đây là tâm trạng của Dũng Tâm, và cũng là tiếng lòng yêu thương trẻ thơ của tác giả: “Tôi tưởng như mình nhỏ lại. Ơi! Ngày xưa ngây thơ sao đẹp quá. Cô nhỏ Trúc quan âm của tôi ơi, cô nhỏ có biết là tôi đang thèm được thơ ngây trồng trúc bằng cách cắm nhánh như cô nhỏ không?
Trong những nhân vật tuổi thơ, Nguyễn Thái Hải còn dành tình yêu thương đặc biệt cho những thân phận bất hạnh. Dung Chi (Truyện Hoa tầm gởi) là một nạn nhân chiến tranh. Cha mẹ em chết vì đạn lạc giao tranh. Từ trại tạm cư chiến tranh Chi được các sư cô nhận về trai cô nhi. Rồi em được một gia đình khá giả nhận làm con nuôi. Chi mơ ước một mái ấm gia đình, nhưng không ngờ nhiều người trong gia đình lại đố kỵ, Chi đã bỏ nhà đi và bị bọn xấu bắt cóc bán cho mụ Hai. Mụ cho Chi đi ở đợ để lấy tiền. Sau một năm ở đợ, Chi trốn thoát…
Lá tủi thân là tình cảnh của cô học sinh tên Lá. Nhà chỉ có hai cha con. Cha bị mù vì một tai nạn. Lá phải dẫn ba đi ăn xin. Ba đánh đàn, Lá hát. Một lần vô tình cô giáo Tiên gặp Lá ở bến xe. Lá vội vã dẫn cha về và nghỉ học những ngày sau đó. Cô giáo Tiên đã đến nhà thăm người cha mù và an ủi, chia sẻ động viên Lá đi học trở lại. Cô nói: “Nghèo đâu phải xấu em. Biết giúp cha mẹ trong việc sinh nhai là quý lắm, sao em lại mắc cỡ”, “…Em biết giúp đỡ ba để kiếm sống là tốt lắm. Ai biết chuyện cũng phải khen em hết…”, “Ngày mai đi học nghe Lá,…”
Mùa sương mù là tình cảnh của Hòa, một đứa trẻ vô tình rơi vào tay người mẹ nuôi, mà người này cũng vì hoàn cảnh trở thành kẻ chăn dắt những đứa trẻ bị bắt cóc đem bán cho mụ. Mụ dạy chúng đánh giày, bán báo, bán bánh kẹo, móc túi… rồi xuất vốn cho chúng, thu về số tiền lời chúng kiếm được, thu tất cả. Quá trình người mẹ ruột đi tìm con hết sức gay cấn. Kết thúc truyện. Hòa tìm được mẹ ruột. Người mẹ nuôi hoàn lương và về ở chung với mẹ ruột của Hòa. Tình yêu thương đã hóa giải mọi hận thù. Mùa sương mù đã hết, nắng lên thật sớm và ấm.
Sài Gòn những năm 1970 đầy biến động. Tình hình xã hội cũng vô cùng xô bồ, phức tạp. Nhưng đọc những truyện của Nguyễn Thái Hải, người đọc thấy một thế giới trong veo, thanh khiết và hồn nhiên. Tôi nghĩ đó là một giá trị, cũng là bản lĩnh của một ngòi viết trẻ. Anh biết chọn cái đẹp của dân tộc để miêu tả, anh muốn đem tình yêu thương vào những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Tình yêu thương của anh với trẻ chảy tràn trên trang văn, mà đến tận hôm nay, những trang văn vẫn tỏa hương sắc thơm ngát. Tất nhiên nền tảng của ngòi bút ấy là một lý tưởng đẹp, nhưng trong hoàn cảnh lịch sử của Sài Gòn lúc bấy giờ, anh không dễ gọi tên, bởi ở Sài Gòn lúc ấy, cuộc đấu tranh tư tưởng giữa nhiều khuynh hướng diễn ra rất quyết liệt. Nhà văn có ý thức về trách nhiệm ngòi bút của mình biết tìm con đường để đi. Con đường ấy, lý tưởng ấy, và khát vọng nữa, Nguyễn Thái Hải gửi trong hai truyện Nhóm lửa và Con dốc cổng trường.
Các nhân vật trong Nhóm lửa và Con dốc cổng trường không còn ở tuổi học trò tiểu học hay tuổi lớp Bảy, lớp Tám, mà là sinh viên đại học. Ngoài việc cố gắng học tập, làm việc, họ còn nỗ lực hoạt động xã hội. Họ tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng với trẻ em xóm lao động, cùng mở lớp dạy tiểu học miễn phí cho học sinh nghèo, họ gửi gắm khát vọng: “dựng được một lớp học, nơi trau dồi khả năng, đồng thời, hướng tâm hồn học trò về một hướng đẹp: dân tộc!
Tác giả trực tiếp thổ lộ: “Truyện này, tôi xin được làm một ánh lửa rất nhỏ, cùng góp vào ngọn lửa xây dựng mà những người trẻ đầy thiện chí trên khắp Việt Nam…” (Nhóm lửa)
Trong Con dốc cổng trường, tác giả đặt vấn đề: đối với sinh viên, lý tưởng hay tình yêu, tha nhân hay vị kỷ? Câu trả lời là, sinh viên phải có lý tưởng sống vì tha nhân. Tình yêu đến sau. Và chính tình yêu giúp cho hoạt động lý tưởng hăng say.
Dù những điều Nguyễn Thái Hải gửi trong tác phẩm chưa thực sự hướng về một lý tưởng xã hội cụ thể, nhưng những gì anh miêu tả đã phản ánh được chí hướng của một bộ phận thanh niên thành thị miền nam những năm 1970. Giữa những xô bồ của lối sống thực dụng, giữa những giao tranh không ngừng của các tư tưởng đối nghịch (chủ nghĩa Hiện sinh chẳng hạn), giữa cuộc chiến tranh ngày càng khốc liệt, giữa những tranh giành chính trị diễn ra liên tục, miền nam lâm vào bế tắc và hoang mang tột độ. Không khí bi quan bao trùm. Không phải người trẻ miền nam nào cũng tìm được lối thoát cho mình. Lúc ấy Nguyễn Thái Hải cũng đang là sinh viên, anh viết về sinh viên, những người trẻ biết hướng về dân tộc, biết nhìn ra một dân tộc đẹp và hùng mạnh, biết dấn thân phục vụ đồng bào, sống vì tha nhân. Như thế, ngay từ những tác phẩm đầu đời, ngòi bút Nguyễn Thái Hải đã định hình những phẩm chất tốt đẹp, và nhờ thế tác phẩm của anh có khả năng vượt qua thời gian, gặp gỡ những tâm hồn trẻ thơ và đọng trong tâm thức bạn đọc những tình tự dân tộc.
KHAI PHÁ MỘT CON ĐƯỜNG NGHỆ THUẬT
Truyện Tuổi Hoa là truyện viết cho tuổi học trò nhưng Nguyễn Thái Hải đã không ngừng thể nghiệm ngòi bút của mình ở nhiều mặt kiến tạo tác phẩm. Có một nỗ lực rất rõ là anh cố gắng tiếp cận cho được đối tượng nhân vật của mình, nói tiếng nói của nhân vật, suy nghĩ bằng suy nghĩ của nhân vật. Sự đa dạng của nhân vật cũng là sự đa dạng của cách viết. Làm sao viết thật hồn nhiên như cô bé tiểu học cắt trộm trúc quan âm (Cô nhỏ trúc quan âm), làm sao viết thật tinh nghịch nhưng lại đáng yêu như các cậu trai lớp Nhì (Những dòng mực tím), làm sao hòa mình vào được Xóm nhỏ với cảnh sống chật chội, tối tăm, thiếu thốn và mưa lũ gây ra bao tai họa, không thể không lên tiếng. Tôi ngạc nhiên khi người sinh viên Nguyễn Thái Hải trẻ tuổi lại có thể lăn vào cuộc sống của các cháu cô nhi (Hoa tầm gửi), những nạn nhân chiến tranh, những đứa bé bị bắt cóc và bán đi (Mùa sương mù), để chia sẻ và dẫn chúng đi về phía yêu thương và ánh sáng.
Nhiều truyện nhân vật chính là nhân tự kể câu chuyện đời mình, nhờ thế sự việc được nhìn từ bên trong, từ góc tiếp cận khả tín (Tiếng hát Vành Khuyên, Xóm nhỏ, Mùa sương mù,..). Con dốc cổng trường như một lời độc thoại, lời đối thoại trong tâm tưởng hay một lá thư tự tình kể truyện, mỗi chương viết cho một nhân vật thân yêu. Mỗi chương như biệt lập song lại tạo nên một cốt truyện chặt chẽ, hấp dẫn. Trái lại, trong truyện Nhóm lửa, mỗi chương là lời kể của một nhân vật. Ngôi kể, góc trần thuật thay đổi liên tục, tạo nên một lối kể truyện rất lạ. Mùa sương mù là truyện có nhiều tình huống như phim trinh thám. Lối viết này Nguyễn Thái Hải còn sử dụng mãi về sau, thí dụ Ai cướp chiếc laptop (2013).
Một trong những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của truyện Tuổi Hoa của Nguyễn Thái Hải là kết nối những mạch truyện phức tạp, sáng tạo những tình huống bất ngờ, đặc biệt là tình huống kết truyện, vừa hóa giải các mâu thuẫn, cởi các nút thắt truyện, vừa tỏa sáng chủ đề, tư tưởng; tạo nên niềm vui, niềm hạnh phúc cho người đọc. Mùa sương mù, Chiếc lá thuộc bài, Hoa tầm gửi, Con dốc cổng trường, Tiếng hát Vành Khuyên… là những truyện đầy sáng tạo như thế.
Dù vậy đôi khi Nguyễn Thái Hải không tránh được những giới hạn, Hoa tầm gởi có những tình huống chưa thật thuyết phục. Trong truyện Ngoài cửa sổ, tác giả trực tiếp hiện diện để nêu chủ đề: “Đó là tất cả những chuyện xảy ra cho Túy Đoan. Thật ra, sự xuất hiện của những người trong gia đình ông Tư trong khung cảnh gia đình Túy Đoan, sự ra đi của họ, chuyện Túy Đoan gặp lại chị Hiền, chuyện Túy Đoan bỏ dở buổi tiệc để đi tặng quà cho người thiếu nữ mà cô bé thương mến, tất cả chỉ là những chuyện rất tầm thường. Nhưng có một điều không tầm thường. Đó là sự nhận thức của ba má cô bé về tình thương mà ông bà đã dành cho cô bé trước kia. Đó là sự trỗi dậy của một tình thương từ đáy tâm hồn một bậc cha mẹ đã một thời gian để vật chất làm thành tấm lưới bít kín./ Ước mong sao những cô bé gặp hoàn cảnh như Túy Đoan sẽ không còn những lúc ngồi buồn nhìn qua cửa sổ…”.Trong Mùa sương mù, giọng trần thuật của nhân vật tôi (đứa trẻ 15 tuổi) lại quá già dặn, và người mẹ nuôi, một mụ chăn dắt những đứa trẻ bị bắt cóc lại được miêu tả lương thiện. Những truyện viết về hoạt động của sinh viên (Nhóm lửa, Con dốc cổng trường) không được đặt trong bối cảnh xã hội cụ thể của miền Nam lúc bấy giờ. Tất nhiên điều này không ảnh hưởng gì đến nội dung và chủ đề câu truyện.
Năm 2017 NXB Phương Đông và Phương Nam Books tái bản Chiếc lá thuộc bài. Sự việc vừa là một niềm vui, những cũng gây ra những tổn thương cho tác giả. Những độc giả lớp những năm 60, 70 thì muốn giữ nguyên ấn bản đã in 1970, và nhà xuất bản lại in bản đã sửa chữa 1993. Cả hai cùng xuất phát từ góc nhìn của người tiếp cận. R. Barthes nói rằng “tác giả đã chết” phần nào có nguyên do, bởi vì khi một tác phẩm đã được công bố, nó thuộc về người đọc. Tác giả không thể thay đổi tác phẩm. Nhưng xin lưu ý rằng, trong trường hợp của Chiếc lá thuộc bài là ý kiến khác nhau của hai thế hệ người đọc: người đọc trước 1975 ở miền Nam và người đọc hôm nay (2017 mà nhà xuất bản là đại diện), cho nên khi nhà xuất bản in bản 1993 là đáp ứng đối tượng người đọc hôm nay. Đại diện Phương Nam Books nói: “Cái hay của tác phẩm là nội dung, các nhân vật chỉ là hư cấu. Tác giả chỉ thay đổi nghề nghiệp của nhân vật cho phù hợp và nội dung tác phẩm không hề thay đổi. Tại sao chúng ta cứ phải làm cho vấn đề trở nên nặng nề. Thiết nghĩ nên hoan nghênh tác phẩm đã được cấp phép xuất bản và phát hành một cách hợp pháp.”[3].
Tôi lại nghĩ, từ khi Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du xuất hiện đến nay, đã có không biết bao nhiêu lần in, bao nhiêu lần sửa chữa, nhưng tất cả chỉ là phục dựng từ ngữ. còn cốt truyện, tình huống, nghệ thuật truyện thơ vẫn được giữ nguyên, và vì thế dù sử dụng bản Kiều nào, người đọc vẫn tiếp cận được tác phẩm gốc của Nguyễn Du. Ý kiến của nhà xuất bản khi in Chiếc lá thuộc bài năm 1993 là chấp nhận được. Nói như thế để thấy rằng tác giả rất khó tránh những giới hạn mà bối cảnh lịch sử quy định.
CON ĐƯỜNG CỦA MỘT NHÀ VĂN
(Nhà văn Khội Vũ-Nguyễn Thái Hải đọc thơ trong đêm nhạc BCT 1998)
Đến nay, Nguyễn Thái Hải-Khôi Vũ đã thuộc lớp nhà văn “xưa nay hiếm”, bởi số lượng tác phẩm của ông thật đồ sộ, bút lực của ông thật dồi dào, năng lực sáng tạo của ông không vơi cạn. Con đường nghệ thuật của ông có nhiều thành tựu ở nhiều thể loại và nhiều kiểu bút pháp. Trước khi bước vào tuổi 70 (năm 2020), nhà văn còn đang ấp ủ những bộ tiểu thuyết lớn về hiện thực miền nam từ 1954 đến nay.
Có lẽ trước 1975 Nguyễn Thái Hải không thể hình dung được đến năm 2020 mình sẽ viết được những gì. Nhưng tôi tin rằng sự chọn lựa con đường của nhà văn Nguyễn Thái Hải ngay từ đầu đã có những yếu tố của sự thành công về sau. Đó là kiểu truyện có nhiều tình huống bất ngờ, có cấu trúc biến hóa. Đó là tư tưởng nhân văn xuyên suốt trong hành trình sáng tạo. Nhà văn yêu mến và gắn bó với người lao động, hòa mình với thế giới của trẻ và luôn suy nghĩ dưới ánh sáng của cái đẹp và lẽ thiện.
Nguyễn Thái Hải-Khôi vũ viết cẩn trọng và có ý thức sâu sắc về trách nhiệm ngòi viết. Thái độ diễn ngôn rất khôn ngoan. Ông lên tiếng trực diện về những vấn đề của thời đại. Ông cũng nỗ lực đóng góp những giá trị tốt đẹp cho văn chương, góp phần xây dựng văn hóa cộng đồng. Nguyễn Thái Hải viết: “…Để mãi mãi, tình thương ươm mầm nuôi mạch sống…”. Tôi cầu chúc cho những trang văn của ông trở thành vườn ươm yêu thương cho cuộc đời này.
Tháng 12. 2018
________________________
[1] https://sites.google.com/site/tusachtuoihoa/ban-nguyet-san [2] Sách thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải- 1. Hoa tầm gởi (Truyện vừa-1970), 2. Chiếc lá thuộc bài(Truyện vừa-1971), 3. Ngoài cửa sổ(Truyện vừa -1971), 4. Mùa sương mù (Truyện vừa -1971), 5. Tiếng hát vành khuyên (Truyện vừa -1972), 6. Xóm nhỏ (Truyện vừa -1972), 7. Nhóm lửa (Truyện vừa -1973), 8. Con dốc cổng trường (Truyện vừa -1975), 9. Bên bóng Thái sơn (Truyện vừa –1989), 10. Thằng đầu bò (Tập truyện ngắn–1989), 11. Ba chàng thám tử (Truyện vừa–1992), 12. Cha con ông Mắt Mèo (Truyện vừa–1993), 13. Những trái sao xoay (Truyện vừa–1993, 14. Những ông tướng nhà trời (Truyện vừa–2002), 15. Chú bé phiêu lưu (Tập truyện ngắn–2002), 16. Thằng heo sữa (Truyện vừa–2003), 17. Cánh chuồn kim biếc (Truyện dài 3 tập–2004), 18. Cây trứng cá gãy ngọn (Truyện vừa – 2006), 19. Sao chim không hót (Tập truyện -2011), 20. Mơ làm thủ lĩnh (Truyện vừa – 2011), 21. Một ngày hè ở biển (Tập truyện -2012)…22. Ai cướp chiếc laptop? (Tập truyện), 23. Khu vườn hạnh phúc (Truyện đồng thoại), 24.Hai con diều bay thấp (Tập truyện), 25. Những sợi tóc sâu của mẹ (Tập truyện), 26. Lớp học làng rừng (Truyện đồng thoại), 27. Mèo con đã lớn lên như thế (Truyện đồng thoại), 28. Vụ án ba trái xoài (Tập truyện), 29. Bầy nai tung tăng trên đồng cỏ (Bộ truyện thiếu nhi 4 tập). (Đang in 2019) 30. Thám tử học trò (Bộ truyện thiếu nhi 3 tập), 31. Khí phách Biên Hùng (Truyện lịch sử)
Hiện nhà văn Nguyễn Thái Hải đang chuẩn bị in một tập truyện ngắn chọn khoảng 18 – 20 trong 50 truyện đã in trên báo Tuổi Hoa, in thành tập MỘT THUỞ TUỔI HOA. Dự kiến in năm 2019 hoặc 2020 (Nhân tác giả tròn 70 tuổi).
Pingback: TRUYỆN THIẾU NHI NGUYỄN THÁI HẢI (KHÔI VŨ) – CHÚT TÌNH TRI ÂM