ĐƯỜNG LÊN NÚI CÚI
Truyện dài tư liệu
Bùi Công Thuấn
***
Chương 3
NGƯỜI DẪN ĐƯỜNG
Ông Phạm Quang Tiến, Trưởng BHG giáo xứ Dốc Mơ (người mặc áo sọc, đang đứng ở ngã ba Thánh Tâm, bên hồ Trị An, nơi có giáo xứ Thánh Tâm bị chìm dưới lòng hồ)
***
Đoàn xe rời nhà xứ giáo xứ Dốc Mơ.
Nói là đoàn xe chứ thực ra chỉ có 2 xe 4 chỗ. Chiếc xe Ford chở Đức cha giáo phận, cha sở Hoàng Minh Đường và ông chánh Tiến. Cha quản hạt Phạm Duy Liễm, ông trưởng Ban Hành giáo giáo phận (ông Chiến) và Cha Phó giáo xứ Dốc Mơ đi trên chiếc xe 4 chỗ khác. Hai xe rời nhà xứ, ra quốc lộ 20 rồi vòng vào một đường nhỏ chạy giữa hai bên là nhà giáo dân. Hầu hết là nhà cấp bốn, san sát nhau.
Người dẫn đường hôm nay là ông Chánh Tiến (Phạm Quang Tiến). Vóc người tầm thước, có dáng thương gia. Trông ông rất khỏe mạnh, da hơi cháy nắng. Giọng nói của ông âm vang, tự tin. Thái độ nhiệt thành và thân thiện. Ông sống ở đất này từ nhỏ nên ông am tường từng căn nhà, dù là đường ngang ngõ dọc. Ông vừa dẫn đường vừa giới thiệu với Đức Cha:
_Con đường này gọi là đường Đức Huy vì dẫn qua giáo xứ Đức Huy. Trước 1975, giáo họ Đức Huy là một trong năm giáo họ của Giáo xứ Dốc Mơ, cha Giuse Trần Đình Vận, chánh xứ Dốc Mơ quản nhiệm. Một năm sau, Cha Giuse tách Giáo họ Đức Huy và giao cho các Cha dòng Salesien Don Bonsco coi sóc. Giáo dân từ nhiều nơi, phần lớn thuộc vùng Dốc Mơ và Bạch Lâm về đây lập nghiệp ngày càng đông (khoảng 1.500 người). Ngày 06.08.1982, Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Lãng nâng Giáo họ Đức Huy lên thành Giáo xứ Đức Huy và cử Cha Giuse Đinh Xuân Hiên (SDB) phụ trách. Năm 1998, Đức Cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật chính thức trao Giáo xứ Đức Huy cho dòng Salesien quản nhiệm vĩnh viễn. Giáo xứ Đức Huy có gần 5 ngàn giáo dân và nhiều cộng đoàn dòng tu như: Con Đức Mẹ Mân Côi (Chí Hòa), Cộng đoàn Mân Côi phù hộ Đức Huy, Cộng đoàn Mân Côi Vô Nhiễm Đức Huy, Đa Minh Tam Hiệp, Don Bosco…
-Sao giáo xứ này có tên gọi là Đức Huy, nghe rất lạ? Bác tài xế chợt hỏi.
-Đức Huy là tên nghĩa phụ cha cố Trần Đình Vận.
-À ! Ra là vậy.
Rời con đường Đức Huy xe đi vào con đường nhỏ hơn, đường này dẫn sang xã Cây Gáo. Hai bên đường là vườn cây trái xanh tốt. Rồi xe quẹo vào đường Thánh Tâm dẫn đến bờ hồ Trị An.
Ông Chánh Tiến kể tiếp:
-Gọi là đường Thánh Tâm vì con đường này dẫn đến giáo xứ Thánh Tâm. Trước kia khi hồ Trị An chưa ngập nước, nơi đây là ruộng lúa nuôi cả vùng Gia Kiệm. Có một giáo họ tên là Thánh Tâm. Giáo họ quy tụ vài chục gia đình Việt Kiều Cambuchia hồi hương. Khi người ta đắp đập ngăn nước, nước dâng, nhận chìm giáo xứ Thánh Tâm dưới lòng hồ. Nhà thờ Thánh tâm cũng bị nhận chìm. Dân tản đi nơi khác.
Quả là một thông tin đáng kinh ngạc, bởi trong kỷ yếu của Giáo phận không hề nhắc tới giáo họ Thánh tâm như ông Chánh Tiến vừa kể. Việt Kiều Cambuchia hồi hương đa số sống ở hồ Dầu Tiếng Tây Ninh. Ít khi nghe nói có giáo họ Việt Kiều sống trên hồ Trị An.
Bác tài xết tiếp tục hỏi:
-Ngày nay những Việt kiều này còn không, ông Chánh?
-Vẫn còn. Thời gian hồ ngập nước có ông Bảy Mẹo, bây giờ con cháu vẫn còn sống ở đây, những người khác thì tản đi các nơi. Trước Giải phóng nhà thờ Thánh Tâm đã bị máy bay ném bom sụp rồi, còn hai bức tường dựng đứng thôi. Con nghe Cha sở nói khi cha cố Vận về đây đã có Thánh Tâm rồi. Có khoảng mười mấy giáo dân Việt kiều Cambuchia ở đó và một số dân của mình ở rải rác ở đó. Thánh Tâm bị ném bom xong rồi, những hộ ở đó mới chuyển về Dốc Mơ, nguyên một cái dãy khoảng 20 gia đình bây giờ gọi là khu Việt Kiều.
Ông trùm Tiến nhớ lại:
– Cánh đồng Thánh Tâm phục vụ cho giáo dân ở đây, có ruộng ba mùa. Diện tích khoảng chừng trên 600 héc ta. Khu đất nuôi sống giáo dân Dốc Mơ lúc di cư qua. Năm 1960 con lên chỗ cao su. Hồi đó máy bay ném bom loại cánh ngang, nó ném bom vào nhà thờ Thánh Tâm. Trúng nhà thờ nên dân họ về Dốc mơ.
-Thế ông Chánh ở đây lâu chưa?
-Tôi ở đây từ nhỏ,
-Chắc là từ thời mới di cư 1954? Ông là thổ công đất này rồi!
Ông Chánh cười trừ. Xe chạy đến đâu ông Chánh giới thiệu đến đó. Đến chân một ngọn đời, ông Chánh cho xe ngừng lại. Mọi người xuống xe. Ông Chánh chỉ về phía ngọn đồi:
-Đây là Núi Nứa (không phải Núi Nứa lấy làm mỏ đá ở Xuân Lập, Thị xã Long Khánh). Núi Nứa này gần hồ Trị An. Đó là một ngọn đồi khá cao, cây cối um tùm, có một con đường đất đỏ đi vào. Xe không vào được. Xung quanh có chừng vài chục mẫu vườn cây. Thế đất khá trơ trọi.
Đức cha và mọi người xuống xe, đứng quan sát Núi Nứa. Quả là không thể vào được vì cỏ cây um tùm, chỉ có con đường đất nhỏ. Gói là núi, thực ra chỉ là một ngọn đồi nhỏ. Nơi đây có thể đặt tượng đài Đức Mẹ được.
Đức cha và mọi người bàn bạc, thống nhấy ý kiến. Nơi đây cảnh quan đẹp, có đồi, có núi, có suối Reo, có hồ Trị An. Nhưng khu đất này hẹp, đường đi vào chỉ vừa đủ một làn xe, không đáp ứng cho một trung tâm cần có quảng trường rộng.
Mọi người lại lên xe chạy thẳng ra ngã ba Thánh Tâm bờ hồ Trị An.
Trên hồ, cặp bến có những con thuyền đánh cá của ngư dân, loại thuyền nhỏ chạy máy. Bờ hồ có nhiều đám lục bình xanh tốt. Ngoài xa có những thuyền cá lớn hơn. Phía nhà thờ Thánh tâm, giờ chỉ còn là mặt nước mênh mông, có những con thuyền lớn hơn hình như người ta đang đánh cá.
-Nhà thờ Thánh Tâm chỗ nào, thưa ông Chánh?
-Phía mỏm đất nhô ra hồ, nhưng tất cả chìm dưới lòng hồ. Nơi này trước kia là ruộng lúa, giờ không còn dấu tích gì.
Rồi ông Chánh chỉ cho Đức cha và mọi người ngọn đồi cao và dài phía bên kia bờ hồ:
-Thưa Đức cha, ngọn núi đó gọi là Núi Cúi. Con cũng trình với Đức cha, trước đâyNúi Cúi này là một khu rừng hoang sơ. Về sau, lúc mà Nhà nước chia tập đoàn, khoảng năm đói (1979), người ta tự khai thác vùng ven hồ. Tập đoàn mới cắt ra chia mỗi người, ví dụ, vài ba sào. Vài ba ngàn mét chia ra rồi, người ta trụ lại đó. Mà đường đi rất là khó khăn. Nó toàn là dốc đứng không à. Chỉ có gánh chuối xuống thôi. Rất vất vả. Đất hoang, Nhà Nước cấp cho xong, người ta mới trồng cây đìu, trồng mít, trồng bơ, cho nên là nó cũng khô cằn lắm. Cái sườn nó hơi nghiêng nghiêng thế này, sau Giải phóng họ mới vào bắn khỉ. Trong Núi Cúi có một cái hang khỉ, ở mặt dựng đứng nhìn ra bờ hồ. Người vô không được. Chưa có người nào vô trong đó hết. Người ta chỉ bắn khỉ thôi. Trong đó khoảng mười mấy năm về trước, có khoảng trên 100 con khỉ. Hiện giờ chỉ có khoảng 2 chục con đổ về thôi.
Đứng ở Ngã ba Thánh Tâm nhìn về Núi Cúi, cảnh sắc thật đẹp. Núi có độ cao 90 mét, vươn lên trên bầu trời xanh trong. Dáng núi mềm mại nổi lên giữa vùng đồng bằng trải rộng từ Trảng Bom, Dầu Dây đến sông La Ngà, Định Quán. Cây trên núi tươi tốt. Phía dưới là mặt hồ, nước xanh phẳng lặng yên tĩnh. Đường cong của bờ hồ kết hợp với dáng núi tạo nên một góc ảnh rất ấn tượng. Quả là một phong cảnh sơn thủy hữu tình. Không gian yên tĩnh tuyệt vời, sẽ vô cùng thích hợp cho đời sống tâm linh. Đức cha giáo phận thấy lòng vui khôn tả, nơi đây nếu chọn được, sẽ làm trung tâm tôn vinh Đức Mẹ thì xứng hợp vô cùng, vì đất trời, sông nước, cây cỏ nơi đây thật thanh khiết và đa dạng về thiên nhiên.
Đức cha hình dung lại khu đất hơn 20 mẫu dưới chân núi Chứa Chan trước đây định xây dựng trung tâm Đức Mẹ nhưng bị ngăn trở. Khu đất ấy có thế núi phía sau cao hùng vĩ, cảnh quan thiên nhiên dễ nâng tâm hồn con người lên cao. Nhưng thế núi cao có thể làm cho tượng Đức Mẹ trở nên nhỏ bé. Nơi ấy không có sông hồ, chỉ có cây cỏ và đá núi, có sơn mà không có thủy, có cái hùng vĩ vững mạnh nhưng thiếu sự sống dào dạt.
Đức cha lại nhớ Trung tâm Đức Mẹ Bãi Dâu. Tượng Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa tựa vào vách núi nhìn ra biển, cảnh quan thật hữu tình. Nơi Núi Cúi này, nếu đặt tượng Đức Mẹ trên đỉnh kia, thì cảnh quan còn tuyệt vời hơn nhiều, bởi tượng Đức Mẹ sẽ che chở ban ơn cho một vùng dân cư đồng bằng bát ngát dưới kia. Thế núi vừa độ cao để giáo dân hành hương có thể lên với Mẹ và kín múc ơn thiêng từ Mẹ như nước hồ Trị An mênh mông vô tận. Đức cha hướng về Núi Cúi, trong ánh quang của buổi sáng đẹp trời, bất giác lời bài hát “Kìa Bà nào đang tiến lên như rạng đông” rực sáng trong tâm hồn Đức Cha. Ngài thầm cầu nguyện với Đức Mẹ cho ước vọng xây Trung tâm tôn kính Mẹ sớm được hình thành.
***
(Cha cố Hoàng Minh Đường-tay xách giỏ màu đỏ- đang hướng dẫn Đức cha Đa Minh)
Lần khác, Đức cha lại thăm Dốc Mơ, và ông Chánh Tiến lại dẫn Đức cha đi tìm đất. Từ Ngã ba Thánh Tâm nhìn lên Núi Cúi là từ hướng đông Nam. Đoàn xe trở ra để tìm một hướng khác. Xe đi theo đường Thánh Tâm, trở lại đường Đức Huy rồi ra quốc lộ 20 từ Dốc Mơ đi Định Quán. Bây giời, Núi Cúi đã được định vị như một địa điểm cần được quan sát kỹ trước khi giáo phận có những quyết định quan trọng. Xe qua khỏi Dốc Mơ đến con đường giáp ranh Gia Kiệm-Định Quán thì rẽ vào một đường nhỏ trải nhựa. Hai bên là vườn cây. Lác đác có nhà của dân cư. Đường chạy sát bờ hồ Trị An nên tầm quan sát rộng hơn. Ông Chánh Tiến cho biết xe đang chạy qua giáo xứ Hiệp Nhất. Ông dẫn giải:
-Năm 1987, khi thủy điện Trị An bắt đầu hoạt động, nước hồ dâng ngập lụt ruộng vườn của giáo dân ấp Bến Nôm II, xã Phú Cường, huyện Định Quán. Một số người bỏ đi nơi khác kiếm sống. Những người ở lại chuyển sang nghề ngư phủ. Cha Phaolô Lê Văn Diệu, chánh xứ Thống Nhất quản nhiệm nơi đây. Cha dựng một nhà nguyện tạm bằng tranh. Năm 1995, Đức Cha Phaolô-Maria Nguyễn Minh Nhật thành lập Giáo họ biệt lập Hiệp Nhất. Cha Phaolô tiếp tục quản nhiệm giáo họ. Sau đó ngài cùng cộng đoàn xây nhà nguyện kiên cố, đài Đức Mẹ và đài Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm bổn mạng của giáo họ. Năm 2009, Cha Théophile Đỗ Hữu Liêm về quản nhiệm Hiệp Nhất. Ba năm sau, Giáo họ biệt lập Hiệp Nhất được nâng lên thành Giáo xứ và Cha Théophile trở thành Cha xứ tiên khởi. Giáo xứ đã có đời sống an hòa và hiệp nhất như hiện nay. Hiện có khoảng hơn 2 nghìn giáo dân.
Ông nói tiếp:
-Mình đi hết con đường này là ra tới Mõm bò. Đây là con đường cùng. Mõm Bò là một doi đất nhô ra hồ Trị An. Từ ngã ba Thánh Tâm đến Mõm Bò là một vòng cung, Núi Cúi nằm ỡ quãng giữa. Từ Mõm Bò có thể nhìn sang Thánh Tâm và nhìn lên Núi Cúi. Lát nữa dừng xe mình sẽ thấy rõ.
Xe chạy trên đường không có bóng người, thỉnh thoảng có vài con bò tụ ở ven đường gặm cỏ. Có lẽ vì thế mà người ta gọi nơi đây là Mõm Bò chăng, vì ở đây không có cánh đồng nào để cày bò.
Xe chạy hết đường nhựa, tới đường đất. Phía trước có vài căn nhà lá ở ven hồ. Đó là tận cùng Mõm Bò. Xe quay lại tìm một chỗ dừng để Đức cha, cha Quản Hạt và cha sở Dốc Mơ quan sát Núi Cúi. Thực ra có dịp này các vị mới đến tận nơi đầu rừng cuối bãi này. Ở đây thưa thớt giáo dân, mấy khi các đấng có dịp đến thăm. Nhưng bây giờ, nếu Núi Cúi được giáo phận chọn thì sẽ nhiều dịp đi nữa.
Ông chánh Tiến giới thiệu:
- Núi đất nhô cao kia là Núi Cúi. Ở Mõm Bò, ta chỉ thấy mặt dựng đứng của
Núi Cúi, không thấy toàn thể Núi Cúi. Mặt dựng đứng ấy quay ra hồ, trong có hang khỉ. Chưa ai vào hang khỉ, người ta chỉ đến bắn khỉ. Nơi ấy còn hoang sơ.
Đức Cha nhìn về Núi Cúi, Ngài nhận thấy Núi Cúi vẫn nổi bật lên khá cao trên mặt bằng của những cánh vườn xanh ngát. Nhìn từ vị trí này, Núi Cúi gần sát hồ hơn, điều ấy sẽ là một ưu điểm cho phong cảnh sơn thủy của một trung tâm. Đúng là Núi Cúi nằm giửa vòng cung từ ngã ba Thánh Tâm sang Mõm Bò. Ngã ba Thánh Tâm và Mõm Bò như ôm gọn lòng hồ, như thể tạo một lòng hồ riêng cho Núi Cúi, mà không tan loãng vào mặt hồ Trị An mênh mông ngoài kia.
Trong thâm tâm, Đức cha cùng với cha Quản hạt Gia Kiệm và Cha sở Dốc Mơ đã bắt đầu hình dung ra một địa điểm có thể xây dựng trung tâm, nhưng cần tìm một điểm nào nữa để quan sát chính diện Núi Cúi và vùng đất xung quanh xem có thuận lợi không. Bởi vì, Núi để xây đài Đức Mẹ thì có thể chọn được rồi, nhưng còn cần đất để xây những cơ sở khác như nhà nguyện Thánh Thể, các khu sinh hoạt, quảng trường-nơi giáo dân tập trung những dịp lễ lớn. Nhớ lại ngày khai mạc Năm Thánh giáo hội Việt Nam 2010 tại Sở Kiện có hàng trăm ngàn giáo dân tham dự. Rất nhiều người trong số họ đã phải ngồi trên vạt cỏ bờ đê. Núi Cúi cần có chỗ cho những đại lễ như vậy, và vì thế cần phải tìm xem phia bên kia Núi Cúi có vùng đất bằng phẳng làm quảng trường hay không?
***
Cha quản Hạt Gia Kiệm Phạm Duy Liễm cùng Đức cha Đa Minh xem bản đồ Núi Cúi
Những ngày sau đó công cuộc tìm kiếm vẫn tiếp tục. Xe đi vào con đường lô cao su bên cạnh khu công nghiệp Phú Cường. Hết con đường đất là vườn rẫy của dân. Vẫn là Cha sở giáo xứ Dốc Mơ, cha Quản Hạt Gia kiệm, có sự tháp tùng của ông Trưởng Ban Hành giáo giáo phận và ông Chánh giáo xứ Dốc Mơ dẫn Đức cha, Đức cha đi thăm dò từng bước.
Từ quốc lộc 20 đi vào gần một cây số, mọi người dừng lại, đứng gần một giếng nước (giếng nước tưới vườn rẫy) nhìn lên Núi Cúi. Ở vị trí này mọi người có thể nhìn thấy Núi Cúi gần hơn. Đó là một ngọn đồi đất đá thế nằm hình thang, phía sau là hồ Trị An. Trên Núi có những cây vươn cao, có vườn chuối, có những đám đất đỏ giữa những mảng cây xanh, có thể là đất đang khai phá. Mọi người thấy rõ một đỉnh đồi cao và hai đỉnh đồi thấp hơn gần nhau. Không thấy có đường đi lên nhưng triền đồi thoai thoải có thể đi lên được. Mặt đồi dựng đứng phía bờ hồ (có hang khỉ) thì không thể đi lên được. Trong ánh nắng buổi sáng, trời cao xanh, nước hồ cũng xanh mênh mông và màu xanh bạt ngàn của vườn cây, Núi Cúi nổi hẳn lên, vừa hoang sơ tinh khôi, vừa mời gọi những nỗ lực vượt bực nếu giáo phận muốn xây dựng nơi này thành một trung tâm hành hương tôn kính Đức Mẹ.
Tất cả đã manh nha niềm hy vọng cậy trông và những dự định lớn lao…
Ông Trưởng Ban Hành giáo-giáo phận Nguyễn Văn Chiến kể:
-Đứng ở đó nhìn lên rất lâu. Rồi mỗi người trang bị một đôi ủng để đi “thám hiểm” Núi Cúi. Đức cha và cha cố Đường không đi được vì đường lên núi trượt dốc. Mọi người men theo đường mòn của dân trồng rẫy trên Núi Cúi mà đi lên. Hai giờ sau cả đoàn mới trở về báo lại những gì mình quan sát được cho Đức cha biết. Trên đỉnh núi có một mặt bằng khá rộng, có thể làm nhà nguyện hay làm hội trường. Nhưng mà tất cả còn hoang sơ, phải lắm công lắm mới vỡ vạc được…
***
Sau những ngày xuân vui ấy, Đức cha cùng với quý cha và nhiều thành phần dân Chúa còn tìm đến Núi Cúi, cố lên lên đỉnh núi để quan sát, để phóng tầm nhìn về tương lai.
Và sau nhiều cầu nguyện, bàn bạc, Đức cha hỏi ý kiến Cha sở Dốc Mơ:
– Cha sở người thấy địa điểm này có thể xây dựng Trung tâm được không?
-Thưa Đức Cha, ở Đồng Nai, con nghĩ, chắc không còn nơi nào phù hợp hơn, vì ở đây có sơn thủy hữu tình, không gian tinh khôi rất thuận lợi cho việc cầu nguyện. Từ quốc lô 20 vào cũng chỉ khoảng một cây số, sẽ rất thuận lợi cho các đoàn hành hương tìm đến. Con nghĩ lúc này các điều kiện còn trong khả năng. Con nghhe nhiều công ty du lịch họ cũng tìm mua đất quanh hồ để làm du lịch sinh thái. Mình không nhanh tay có khi không còn cơ hội!
Đức cha ngạc nhiên:
-Vậy à?
Rồi quay sang Cha Quản Hạt Gia Kiệm ngài hỏi:
-Thế ý kiến của Cha quản Hạt thế nào?
-Con cũng nghĩ như Cha sở Dốc Mơ. Mình đã mất cơ hội xây trung tâm ở núi Chứa Chan, giờ có Núi Cúi, lại có hồ Trị An và cả một vùng vườn cây bát ngát dưới kia, rất gần quốc lộ, khó có địa điểm nào đẹp hơn nơi này.
Đức cha hỏi ông Chánh giáo xứ Dốc Mơ:
-Ông chánh ở đây, ông có hiểu tình hình đất cát thế nào không? Nếu giáo phận muốn mua lại đất khu vực này, ông Chánh thấy có khả năng không?
-Thưa Đức cha, vùng này là đất của hầu hết giáo dân. Nếu biết giáo phận muốn xây dựng Trung tâm Đức Mẹ nơi này, con nghĩ họ sẽ sẵng sàng chia sẻ với giáo phận.
Đức cha hết sức vui mừng. Bước đầu đã có những tín hiệu rất tốt, và khả năng hình thành một Trung tâm tôn kính Đức Mẹ nơi đây là trong tầm hiện thực.
Trong khóa họp mùa xuân của năm 2014, Hội đồng Linh mục giáo phận chung ước nguyện xin Đức cha Đa Minh trực tiếp lo việc phát triển và xây dựng Trung tâm tôn kính Đức Mẹ của giáo phận theo sở nguyện cùa Đức cha và cử hai cha làm phụ tá giúp ngài là cha Phê rô Phạm Duy Liễm (chánh xứ Ninh Phát, Quản hạt Gia Kiệm) và cha Hoàng Minh Đường, (Chánh xứ Dốc Mơ).
Bao nhiêu dự định, bao nhiêu công việc mở ra phía trước với chưa chan hy vọng và …
***