VĂN CHƯƠNG 2019
PHẢI KIÊN NHẪN CHỜ…
Bùi Công Thuấn
Tôi viết những dòng này, như một chén trà, trò chuyện với bạn văn những ngày cuối năm. Ước mong được chia sẻ đôi điều trước thềm năm mới 2020. Dẫu biết rằng với góc nhìn hẹp của cá nhân người viết thì mọi nhận thức là rất chủ quan. Tôi lại nghĩ, biết đâu trong một giọt nước có thể chứa cả đại dương. Năm 2018: “Văn chương 2018-Lặng lẽ ươm mầm”(1). Năm 2019, các hạt mầm vẫn chưa vươn dậy. Nhưng tôi vẫn nhìn thấy tiềm lực của văn chương rất dồi dào. Hy vọng sẽ nở rộ những mùa vàng như thời “đổi mới” (1986-1996) và thời văn chương trẻ đầu thế kỷ XXI (1996-2005).
THƠ 2019
Các trang web, các tạp chí, và các tuần báo của các Hội Văn học Nghệ thuật địa phương giới thiệu rất nhiều thơ. Đa phần là thơ phong trào để phục vụ nhiệm vụ chính trị. Tôi chọn thơ nghệ thuật được giới thiệu thơ trên vanvn.net để định vị thơ 2019. Bởi đây là trang của Hội Nhà văn Việt Nam (thơ đã được chọn kỹ). Hai nhà thơ Nguyễn Việt Chiến và Mai Nam Thắng là những người thẩm định thơ có uy tín. Tôi cũng chọn thơ ở một vài trang khác để có cái nhìn bao quát hơn.
Đa số các tác giả thơ được giới thiệu đều có bút lực dồi dào. Thơ nói những điều tâm huyết. Đó là trường ca “Những đám mây ký ức” viết về đất nước Chùa Tháp của Lê Mạnh Tuấn; Tập thơ “Xanh mãi” của Nguyễn Hồng Vinh, hồi ức thời sơ tán chống Mỹ,…Tập thơ “Ký ức Hà Nội” của nhà thơ Lê Huy Quang; tập thơ “ Một mai gió chở tôi về” của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, tập thơ Biên bản thặng dư của Phùng Hiệu, trường ca Phồn Sinh của Nguyễn Linh Khiếu. Riêng trường ca này được nhà phê bình Văn Giá đánh giá cao.
Xin đọc một đoạn ngắn:
“chỉ nghe con đực khấp khởi gọi con cái
chỉ nghe con cái khấp khởi gọi con đực
chỉ có con đực hân hoan gọi con cái
chỉ nghe con cái hân hoan gọi con đực
chỉ nghe con đực hổn hển gọi con cái
chỉ nghe con cái hổn hển gọi con đực
chỉ nghe con đực ời ợi gọi con cái
chỉ nghe con cái ời ợi gọi con được
chỉ nghe con đực nỉ non gọi con cái
chỉ nghe con cái nỉ non gọi con đực
chỉ nghe con đực rền rĩ gọi con cái
chỉ nghe con cái rền rĩ gọi con đực
chỉ nghe con đực réo rắt gọi con cái
chỉ nghe con cái réo rắt gọi con đực
chỉ nghe con đực thống thiết gọi con cái
chỉ nghe con cái thống thiết gọi con đực
chỉ nghe con đực gào thét gọi con cái
chỉ nghe con cái gào thét gọi con đực
chỉ nghe con đực tuyệt vọng gọi con cái
chỉ nghe con cái tuyệt vọng gọi con đực…”
Đọan thơ thể hiện cách viết chủ đạo trong trường ca Phồn Sinh: có chữ mà không có tư tưởng. Kỹ thuật lấn át nghệ thuật. Chỉ có một kiểu tu từ trùng điệp đơn điệu, thấp thoáng cách chơi chữ như Bùi Giáng trong kiểu thơ văn xuôi trước 1975. Cảm hứng chính là tụng ca cảm tính và chủ quan. Quan hệ “Con đực- con cái” được “khám phá” như thế này: “truyền giống là hành vi bất tử/ truyền giống là hành vi vĩnh hằng/ truyền giống là hành vi của mọi hành vi/ trên thế giới này không có hành vi nào vĩ đại bằng hành vi truyền giống…” Đó là những câu văn nghị luận, không phải thơ. “Khám phá” ấy không đem đến bất cứ ý tưởng mới nào. Bởi vì Phồn thực là bản năng của mọi sinh vật có từ khai thiên lập địa. Ở Việt Nam, văn hóa phồn thực đã có trên trống đồng. Người Chămpa thờ Linga – Yony là hiện thân của thần Siva, thần của sinh sôi, phát triển. Người Nhật có lễ hội Dương vật thép ở Kawasaki, người Việt có lễ hội ”Linh tinh tình phộc” ở Phú Thọ: trong đêm hội, người ta làm nghi thức giao hoan dương vật và âm vật để cầu cho cuộc sống sung túc. Các nhà thơ trẻ đầu thế kỷ XXI cũng đã viết lại đề tài này cùng với văn chương sex tràn lan những năm trước đây. Nghĩa là, vấn đề Phồn sinh đã rất xưa cũ… Dù sao, Phồn Sinh chỉ là một tác phẩm đơn lẻ, chưa thấy âm vang.
Mặt bằng chung của thơ hiện nay đã được nâng lên đáng kể. Hầu hết thơ đăng báo đều “đọc được”, nghĩa là có ý, có tình, có tứ, và nghệ thuật nằm trong “thơ truyền thống”. Người làm thơ có “tay nghề” điêu luyện. Nhưng nếu nhìn ở góc độ khám phá sáng tạo cái mới, cái độc đáo thì thơ 2019 khá cũ. Cũ về ý, tứ, về lời. Cũ về cách thể hiện.
Người trẻ làm thơ thì bắt chước một cách vụng về “thơ trẻ” đầu thế kỷ XXI, viết những câu thơ liệt kê ý tưởng, trộn lẫn những từ không cùng trường nghĩa và dùng nhiều ẩn dụ, khiến cho thơ vừa rời rạc, vừa ngô nghê, chỉ có vỏ chữ, không nội dung. Đó là một thứ hàng giả, hàng nhái.
“Cuồn cuộn đổ về
máu đại ngàn tức tưởi
xác nguyên sinh nghẹn lối chúng sinh
những cái chết qua mặt thám tử
cuồn cuộn đổ về
gã khổng lồ phùng mang trợn mắt
những đôi môi thao thác tổ chim
những bọt bèo sinh linh ngơ ngác
không vuốt mặt
cái chết ruột thắt chiêm tinh…”
(Lũ-Đỗ Thành Đông
Cả bài thơ chỉ diễn tả một ý này là: Lũ-cuồn cuộn đổ về, gieo kinh hoàng chết chóc, nhưng ngưởi làm thơ nói mãi không ra thơ. Chỉ có vỏ chữ. Không có bóng dáng hiện thực, chỉ có hình ảnh so sánh. Những từ ngoài trường nghĩa, không diễn tả điều gì. Thơ thành ra sáo rỗng. Có thể viết thành văn xuôi như thế này: Lũ-“Cuồn cuộn đổ về/ (như/ là) máu đại ngàn tức tưởi/ (lũ kéo theo) xác nguyên sinh (làm )nghẹn lối chúng sinh/ (gây ra) những cái chết (không rõ nguyên do) qua mặt thám tử. Lũ- cuồn cuộn đổ về/ (như) gã khổng lồ phùng mang trợn mắt/ (làm cho) chim trong tổ thao thác đôi môi/ (làm cho) những sinh linh như bọt bèo ngơ ngác/ cái chết đến nhanh không kịp vuốt mặt làm ruột đau thắt. (“ruột thắt chiêm tinh” là tử vô nghĩa). Khi thơ xa rời đời sống của nhân dân, nó trở nên “sinh linh bọt bèo” như vậy.
Người làm thơ nhiều năm, đã quen một cách viết, thì viết theo quán tính “ăn mày quá khứ”. Họ khai thác cái nghèo, cái lam lũ của ngày xưa; khai thác những ký ức chiến tranh, và đưa cả những cái lặt vặt vào thơ. Người làm thơ dường như không khám phá được gì từ đời sống hiện nay. Lưu ý rằng, thơ chống Pháp, chống Mỹ đã khai thác cạn kiệt những gì đã khai thác được và đã đạt những đỉnh cao. Người làm thơ hôm nay nếu lặp lại, sẽ không sánh được.
À ơi… cánh đồng quê tôi
Thánh thót mồ hôi trưa – mẹ
Bầm dập bước chân đêm – cha
Rạ rơm đan mùa xào xạc
(thơ Trần Thị Ngọc Mai)
Kiếp nghèo vẫn chẳng buông tha
Đến khi ra bãi tha ma vẫn nghèo
(Lê Văn Vỵ– Kính viếng hương hồn thầy Đỗ Niệm)
Chân đạp đá, đi tìm hạt thóc
hạt thóc mong manh nặng hơn hạt ngô
(thơ Vũ Từ Trang)
Cha ơi !
Con châm đóm rồi
Con mời cha hút
Mong cha đừng quá say
Điếu thuốc lào đầu tiên trong ngày
Cha thả khói con cay cay mắt “ (Tô Thị Vân-Buổi sớm)
Chuyện con châm đóm cho cha hút thuốc lào, rồi cha phà khói vào mặt con làm con cay mắt cũng thành thơ, tôi không biết phải bình thế nào? Đất nước đang có bao nhiêu vấn đề nóng bỏng liên quan đến sự tồn vong của cả dân tộc; đất nước cũng đang mở ra bao triển vọng lớn lao hết sức tốt đẹp về tương lai, không biết người làm thơ có suy nghĩ gì về những điều ấy khi viết về việc “con châm đóm cho cha hút thuốc lào”?
Mừng rằng Vanvn.net cũng giới thiệu được những khuôn mặt thơ đã ánh lên chút khí sắc riêng và tôi hy vọng họ có thể tỏa sáng: Nguyễn Tuấn, Nguyễn Hồng Công, Khương Hà (tập thơ Những rời và rạc); Đỗ Anh Vũ…
Tôi đặc biệt chú ý thơ Lữ Thị Mai, thơ Nguyễn Bình Phương (nhà văn). Họ thể hiện phẩm chất thi sĩ mà những người làm thơ phong trào không có được. Họ có những tứ thơ mới, giàu cảm xúc và lắng sâu tư tưởng. Họ tiếp tục được dòng “thơ trẻ” đầu thế kỷ XXI, dù thơ họ vẫn nằm trong trường thơ “truyền thống”, nói cách khác, họ đang làm mới “thơ truyền thống”. Xin đọc
Hồng xiêm chín hình như là tháng một
nếu không hái quả rụng xuống tháng hai
chẳng ai biết bao lâu thì chạm đất
Có người tựa vào gốc cây đường mật
nhờ ngọn chuyển lời xin lỗi tới mùa đông
vì đã hẹn mà chưa lạnh được
Có người nhờ rễ nhắn theo mạch nước
những nẻo tối tăm kia sẽ rực sáng có ngày
hãy kiên nhẫn giữ lòng trong trẻo
Có người tin trong quả nâu nhạt treo
giấu hoan lạc của lời giã biệt
như chân lí rối bời giấu bên làn mưa bạc
làm ngẩn ngơ những vết da khô
Này, ngọn gió sau lưng, ngươi có nhớ
hồng xiêm chín hình như là tháng một
nếu không hái quả rụng mãi tới ai?
(Hồng Xiêm rụng chín-Nguyễn Bình Phương)
Ngày 13/12/2019 tại Hà Nội, nhà thơ-nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ 89 tuổi, ra mắt trường ca “Một người – thơ – tên gọi” dài hơn 12.000 câu lục bát, viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tác giả viết trong 10 năm. Tôi chưa được đọc trường ca này nên chưa thể nói điều gì, nhưng ghi nhận đó là một sự kiện Thơ năm 2019.
VĂN 2019
Năm 2019, số lượng tác phẩm văn xuôi được in khá nhiều. Không kể sách được đặt hàng, được tài trợ, còn lại, các tác giả in sách đều phải dụng công PR cho cuốn sách mới của mình. Có những cách làm linh hoạt: giới thiệu trên Facebook, tổ chức tọa đàm, tổ chức buổi ra mắt và phát hành, tặng sách… Thời kinh tế thị trường, muốn hay không, người viết cũng phải hướng đến công chúng thị trường. Tuy vậy, những cuốn sách gây được sự chú ý trên văn đàn thì không nhiều.
Kỷ niệm 40 năm chiến tranh biên giới có các tác phẩm: Mùa xa nhà của Nguyễn Thành Nhân, Mùa chinh chiến ấy, Mùa linh cảm và 100 ngày trước tuổi 20 của Đoàn Tuấn, Rừng khộp mùa thay lá của Nguyễn Vũ Điền, Những mùa xuân con không về (nhiều tác giả). Có ý kiến nhận xét rằng, đó là những ký ức chân thực của người lính đã trải qua cuộc chiến. Các tác phẩm cũng là kho tư liệu quý về chiến tranh biên giới.
Đề tài chiến tranh cách mạng tiếp tục được khai thác: Lính Hà của Nguyễn Ngọc Tiến, Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn, Cánh cung đỏ của nhà văn Hà Lâm Kỳ…
Đề tài lịch sử có tiểu thuyết Từ Dụ Thái hậu của Trần Thùy Mai kể về 3 đời vua Minh Mạng, Thiệu trị, Tự Đức với chất giọng Huế. Nhà văn Văn Chinh đánh giá cao tác phẩm này; cuốn Đường về Thăng Long của Nguyễn Thế Quang, viết về đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thú thực là tôi hơi nghi ngại về loại tiểu thuyết này, bởi cũng chỉ là một dạng khác của văn chương “ăn mày quá khứ”. Muốn hiểu lịch sử, tôi đọc chính sử (Đại việt sử ký toàn thư, chẳng hạn). Những chuyện nhà văn hư cấu (bịa đặt) là không thể tin được! Và cách viết mượn chuyện xưa để nói chuyện nay là cách của văn chương cổ, không phải văn chương hiện đại. Tại sao nhà văn không viết về những chuyện “thâm cung bí sử” hiện nay? Những ý kiến ồn ào về tiểu thuyết lịch sử Hội Thề của Nguyễn Quang Thân ngày nào (2011), chính là ở những chỗ nhà văn bịa đặt sai với chính sử nhằm thực hiện ý tưởng riêng của mình.[2]
Tiểu thuyết Kiến, Chuột và Ruồi của Nguyễn Quang Lập viết về Cải cách ruộng đất, được in ở Mỹ. Phạm Ngọc Tiến tụng ca lên mây xanh. Có rất ít phản hồi của bạn đọc. Có lẽ đến nay, đề tài này cũng đã là quá vãng.
Có một hiện tượng cũng đáng được lưu ý là các cuốn sách do tác giả ngoài nước viết. Cuốn “Phố Nhà thờ” do Marko Nikolic (người Serbia) viết bằng tiếng Việt, kể cuộc sống người nước ngoài ở Hà Nội, lồng ghép chuyện tình yêu; và .”Kẻ ly hương” do Viet Thanh Nguyen – nhà văn gốc Việt từng đoạt giải Pulitzer 2016 – chủ biên, tập hợp 17 bài tiểu luận của 17 tác giả xuất thân là người tị nạn từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có 2 tác giả gốc Việt là Bùi Thi và Trần Vũ.
Sách best seller nhắc đến Hành lý hư vô, tản văn của Nguyễn Ngọc Tư và Làm bạn với bầu trời, tác phẩm thứ 45 của Nguyễn Nhật Ánh.
Tôi đặc biệt chú ý đến “Thư gửi Mina” của nhà văn Thuận, tiểu thuyết gồm 30 bức thư, vẽ ra bức tranh khủng hoảng kinh tế, chính trị và di dân; và tiểu thuyết Cô Độc của Uông Triều, một tác phẩm tư tưởng (thấp thoáng bóng dáng văn chương hiện sinh). Uông Triều thử nghiệm cách viết hai cốt truyện song song tạo nên một thứ “mã” ngôn ngữ không dễ đọc. Tôi cũng chú ý đến cuốn Đường đến cây cô đơn của Bích Ngân, một tác phẩm vừa có khuynh hướng tác phẩm tư tưởng, vừa là tiếng nói quyết liệt của nhà văn trước hiện tình đất nước. Phải chăng những thử nghiệm văn chương của Thuận, của Uông Triều, Bích Ngân là những tín hiệu tích cực của văn chương Việt 2019 đang chuyển mình?.
NHỮNG SỰ KIỆN
Một vài sự kiện có thể được lưu tâm.
Đó là sự qua đời của hai nhà thơ hải ngoại Tô Thùy Yên và Du Tử Lê. Đây là hai nhà thơ nổi tiếng ở miền Nam trước 1975. Truyền thông trong nước đã đưa tin với thái độ dè dặt. Dù vậy, đây đó vẫn có tiếng nói thiếu tinh thần hòa hợp hòa giải dân tộc, thiếu thái độ nhân văn vốn có của người cầm bú.
Trí nhớ suy tàn của Nguyễn Bình Phương được dịch sang tiếng Pháp và Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh phát hành bản tiếng Trung. Những năm gần đây, văn chương Việt Nam từng bước được giới thiều ra nước ngoài, hy vọng sẽ có được những âm vang.
Viết và Đọc” đã phát hành số thứ 5, chuyên đề mùa thu. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: Viết và Đọc “dựng lên một ngôi nhà nhỏ cho những người kể chuyện của thế gian bước vào, nhóm lên ngọn lửa và cất tiếng. Mỗi một nhà văn, nhà thơ, mỗi một họa sỹ, mỗi một nhà nghiên cứu, mỗi một người giảng dạy trong nhà trường… và mỗi một bạn đọc chính là một người kể chuyện của thế gian này”. Đây là một nỗ lực thúc đẩy sự tiến bộ của văn chương theo khuynh hướng hoạt động thị trường khi mà tình trạng trì trệ có thể đã làm nản lòng sự mong chờ của người đọc.
Ở hải ngoại, những người làm văn chương Việt cũng có những nỗ lực như thế. Đáng kể đến là bộ sách “44 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại (1975-2019)” do Khánh Trường, Nguyễn Vy Khanh và Luân Hoán thực hiện và tạp chí Văn Học Mới có 41 tác giả viết bài (có cả tác giả trong nước)
Một sự kiện khác đáng quan tâm là ngày 9/3/2019, lãnh đạo Hội nhà văn Việt Nam thành lập Ban chỉ đạo kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng toàn diện báo Văn nghệ. “Mục tiêu là Trí tuệ, Đẳng cấp và Sang trọng. Nguyên tắc chung là đổi mới tờ báo dựa trên cơ sở giữ vững và phát huy những thế mạnh đã có; chỉ cải tiến, đổi mới những trang-mục không phù hợp hoặc chất lượng còn thấp; lấy lý luận-phê bình làm khâu đột phá; tăng cường thông tin về đời sống văn học và những vấn đề nổ cộm của đời sống văn học; mở rộng trao đổi, tranh luận… trên mặt báo”… Tuy nhiên, đến hết năm 2019, Văn nghệ (HNV) vẫn chưa có cải tiến gì nổi bật. Nhưng chúng ta có quyền hy vọng.
Năm 2019 cũng có nhiều gặp gỡ, tọa đàm, hội thảo. Có nhiều vấn đề đáng chú ý. Đó là: Tọa đàm “Nhận diện văn học trẻ Thủ đô 10 năm gần đây” do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức; Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội tổ chức hội thảo “Định hướng sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới”. Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thơ và Văn xuôi đồng bằng sông Cửu Long 45 năm”, Hội thảo thơ Thanh Tùng… Hội thơ Đường luật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Thơ Đường luật đời Lý”. Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Vai trò định hướng của phê bình trong hoạt động thực tiễn và sáng tạo văn học, nghệ thuật hiện nay“…
Nhiều nhà văn dị ứng với tiêu đề “Định hướng sáng tác”, bởi sáng tạo là cái tuyệt đối cá nhân, chỉ nhà văn mới tự định hướng cho mình. Nhà văn Trần Đức Tiến viết stt trên FB cá nhân ngày 06/12/2019: “Này các ông lý luận phê bình văn học: nhà văn là nhà văn, còn các ông, nói cho cùng, cũng chỉ là bạn đọc thôi nhé! Ai khiến các ông định hướng? Vai trò nhận vơ.”! Phê bình luôn đi sau sáng tác. Vì thế phê bình không thể “định hướng” cho sáng tác được. Từ sau 1975 đến nay đã có bao nhiêu “định hướng sáng tác” cho văn chương phong trào, nhưng chưa ai tổng kết được những “định hướng” ấy đã đem đến những kết quả thế nào (?)
“Tư duy nghệ thuật mới” cùng với “ý thức sáng tạo và tài năng” của cá nhân nhà văn mới quyết định con đường của nhà văn. Trong thực tiễn, 10 “tôn chỉ” của Tự Lực Văn Đoàn (1930-1940) làm nên những giá trị văn chương của Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam. Cũng vậy Báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam (Trường Chinh) thực sự mở ra một khuynh hướng sáng tác mới cho văn chương kháng chiến Việt Nam sau 1945.
Và NHỮNG VẤN ĐỀ
Từ Tọa đàm “Nhận diện văn học trẻ Thủ đô 10 năm gần đây” đến Hội thảo “Thơ và Văn xuôi đồng bằng sông Cửu Long 45 năm” đều vang lên nốt nhạc trầm này là, Văn học trẻ – Kiên nhẫn đón đợi và kỳ vọng. Rằng: “10 năm qua thơ trẻ Hà Nội vẫn chưa có tên tuổi nào bứt phá hẳn lên để tạo thành điểm nhấn trên văn đàn”.
Vâng, đúng là đã có rất nhiều tác giả trẻ xuất hiện. Đây là một thông tin về các tác giả trẻ: Đức Anh (Tường lửa và Thiên thần mù sương); Huỳnh Trọng Khang (ra mắt tiểu thuyết đầu tay Mộ phần tuổi trẻ); Meggie Phạm (Tôi và em, Giám đốc và em, Hoàng tử và em, Người xa lạ và em). Thái Cường (Những mảnh mắt nhìn, 2017), Gam lam không thực, 2018 và Người chết thuê, 2019). Hoàng Yến (Săn mộ – Thông thiên la thành); Nguyễn Hoàng Mai (Đung đưa trên những đám mây); Phạm Anh Tuấn (Đánh đổi); Hiền Trang (Bức tranh cô gái khỏa thân và cây vĩ cầm đỏ); Nhật Phi (Người ngủ thuê); cuộc thi “Văn học tuổi 20” lần 6 khi xuất hiện Phạm Thúy Quỳnh (Trăng trong cõi); Đặng Hằng (Nhân gian nằm nghiêng); Mai Thảo Yên (Người lạ); Phạm Thu Hà (Sau những ngày mưa); Bạch Đằng (Những đứa con cổ tích)…
Tôi tự hỏi ai trong những tác giả này trụ được trên văn đàn như là người khai sinh ra một thời đại văn học mới? Hay sau những ào ạt phong trào, tất cả lại trở về lặng yên.
Tác giả Minh Tú trong bài viết Người trẻ Việt đọc sách: Đằng sau những best-seller cho biết: “Mỗi năm, có gần 400 triệu bản sách được in với 300 triệu bản là sách giáo khoa. Trong 100 triệu còn lại là các sách mới. Tuy nhiên, ngoài số lượng sách hay, số sách mang nội dung làng nhàng, vô bổ cũng chiếm số lượng không hề nhỏ.”(3)
Nhà thơ Inrasara đặt vấn đề Thơ Việt khủng hoảng: Còn ai đọc thơ, hôm nay?Nhà phê bình được cho là người đọc cao cấp, hiện nay họ đang đâu? Vẫn cứ là “không theo kịp sáng tác”; công chúng thơ mãi dị ứng với cái mới, lạ. Nhưng cần hơn cả là sự cô đơn, cô đơn sáng tạo . Cô đơn là tự do, là sáng tạo.(4) Tôi nghĩ khác, hiện nay thơ Việt vẫn đang chảy thao thiết, không hề “khủng hoảng”. Chỉ là, sau cao trào cách tân thời đổi mới (1986-19969) và phong trào “thơ trẻ” đầu thế kỷ XXI, thơ Việt đang định thần lại, tìm một hướng đổi mới khác. Đó là hướng đổi mới thơ truyền thống, có dung nạp thêm các yếu tố mới của thơ đương đại thế giới (không phải là thơ Hậu hiện đại)
Nhà phê bình Bình Nguyễn Trang đặt vấn đề: Người nông dân đang vắng bóng trong văn chương Việt.(5)”những đầu sách văn học viết về đề tài nông dân, nông thôn trong hơn chục năm trở lại đây, số lượng quá ít. Không chỉ số lượng ít, mà những tác phẩm thực sự vẽ cho ra chân dung của người nông dân hôm nay cũng hiếm hoi vô cùng”; “Nguy cơ hình ảnh người nông dân đang mất dần trong văn học là có thật”.
Ở hội thảo khoa học toàn quốc “Vai trò định hướng của phê bình trong hoạt động thực tiễn và sáng tạo văn học, nghệ thuật hiện nay”, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu: “…nhìn vào thực trạng công tác phê bình văn học, nghệ thuật thời gian qua, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, so với thực tiễn sáng tác rất sôi động, đa dạng, phong phú, thậm chí phức tạp hiện nay, phê bình đang tỏ ra trầm lắng, chưa phát huy hết vai trò và sức mạnh của mình. Sự thiếu hụt về đội ngũ, nhất là ở các lĩnh vực nghệ thuật như Âm nhạc, Múa, Điện ảnh, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh,… diễn ra từ nhiều năm qua, đã được chỉ ra nhưng các giải pháp khắc phục chưa thực sự hiệu quả. Ở một số diễn đàn, đã xuất hiện không ít những bài viết cảm tính, thiếu cơ sở khoa học, khen chê dễ dãi, thậm chí chịu tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường, không những không định hướng được sáng tác và tiếp nhận mà còn làm tăng nguy cơ loạn chuẩn, loạn giá trị trong đời sống văn nghệ” (6).
Tại buổi họp báo chiều muộn ngày 4/12/19, Ông Phan Đình Tân – phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương- nói rằng: “”Hiện nay, những người tâm huyết, các nhà chuyên môn phải đặt câu hỏi rằng các nhà phê bình đang ở đâu trong nền văn học nghệ thuật nước nhà?” (7).
Nói cho đúng thì cả thơ, văn, phê bình hiện nay đang “trầm lắng”. Không có tác phẩm văn chương hay, có tính đột phá tư tưởng và nghệ thuật thì không thể có phê bình chuyên nghiệp. Các nhà phê bình phong trào chỉ động bút theo phong trào. Bao nhiêu năm nay, đâu có trường nào đào tạo các nhà phê bình văn học chuyên nghiệp (?), cũng chẳng ai sống được bằng viết bài phê bình. Thế nên xin đừng hỏi các nhà phê bình đang ở đâu?
Sau những “định hướng” không thể có ngay một nền văn chương đỉnh cao được. Vì đã hàng chục năm nay, nhiều hội thảo về tác phẩm văn chương đỉnh cao cũng không giải quyết được gì. Phải kiên nhẫn chờ thôi! Nói một cách khác, văn chương Việt Nam vẫn phải chờ những tác phẩm lớn (không phải tác phẩm phong trào hoặc tác phẩm văn chương thị trường chất lượng làng nhàng).
LỜI TIỄN NĂM CŨ
Văn chương Việt Nam có nhiều tài năng, nhưng những tài năng của tương lai thì chưa bừng nở. Tôi tin vậy, vì cần có nhiều điều kiện (xin đơn cử, tài năng trẻ đang nằm ở trường Phổ Thông, nhưng chương trình Văn ở Phổ Thông đang giết chết mọi cảm xúc văn chương của trẻ; và bây giờ là thời của truyền thông đa phương tiện, giới trẻ có mấy người đam mê viết văn). Dân tộc Việt Nam là dân tộc có tài đánh giặc, cả thế giới phải thừa nhận và kẻ thù phải kính phục. Tự hào như thế cũng đủ.
Còn văn chương thì…
Tháng 18/12/2019
________________
- http://trannhuong.net/tin-tuc-53866/van-chuong-2018—lang-le-uom-mam.vhtm
- http://www.sachhay.org/diem-sach/ChiTiet/2051/doc-hoi-the-cua-nguyen-quang-than-au-la-su-that-lich-su
- https://www.phunuonline.com.vn/van-hoa-giai-tri/nguoi-tre-viet-doc-sach-dang-sau-nhung-best-seller-154911/
- http://tiasang.com.vn/-van-hoa/Ve-dau-tho-Viet-hom-nay-15264
- http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/Nguoi-nong-dan-dang-vang-bong-trong-van-chuong-Viet-548170/
- http://vanvn.net/thoi-su-van-hoc-nghe-thuat/hoi-thao-khoa-hoc-toan-quoc-ve-vai-tro-dinh-huong-cua-phe-binh-vhnt/2535
- https://tuoitre.vn/chung-ta-dang-khong-co-phe-binh-chi-co-binh-luan-ninh-nhau-va-nem-da-20191204204605834.htm