TƯ TƯỞNG MỸ HỌC KITÔ GIÁO
Và Văn học nghệ thuật Công giáo
Bùi Công Thuấn
Hãy quan sát nhưng ngôi thánh đường Công giáo, đó là những kiến trúc có vẻ đẹp riêng. Nhà thờ Công giáo luôn có tháp chuông, thường là kiểu tháp nhọn vươn thẳng lên cao, hướng tầm mắt người nhìn lên trời. Hãy nghe thánh ca Công giáo, đó là một nền âm nhạc đồ sộ. Vẻ đẹp toát ra từ giai điệu, lời ca, hòa âm, hợp xướng. Thánh ca Công giáo vang lên khắp mọi nẻo trên mặt đất trong mùa Noel, đưa người nghe vào thế giới của niềm vui thánh thiện hòa bình. Nền thánh ca ấy trở thành một bộ phận trong kho tàng văn hóa của nhân loại. Và hãy ngắm nhìn những tranh tượng Công giáo, hình ảnh Đức Giêsu, Đức Maria, và rất nhiều nội dung Kinh thánh đã trở thành đề tài hội họa, thành những tác phẩm kinh điển của hội họa thế giới. Cái đẹp của hội họa Công giáo đã gợi ra bao cảm xúc cho người xem tranh…Như vậy, dù là hội họa, âm nhạc hay kiến trúc Công giáo đều có cái đẹp riêng, cái đẹp ấy được soi chiếu bởi tư tưởng Nhân văn và tư tưởng Mỹ học Kitô giáo.
TƯ TƯỞNG NHÂN VĂN KITÔ GIÁO
Tư tưởng nhân văn đặc biệt phát triển thành trào lưu tư tưởng nghệ thuật từ thời Phục Hưng ở phương Tây. Ðặc trưng chủ yếu của Chủ Nghĩa Nhân Vănlà sự suy tôn con người, là sự khôi phục lại con người (hay tính người), và con người bao giờ cũng được coi là tốt đẹp (con người chí thiện). Con người được đặt vào trung tâm thế giới, được đặt lên ngôi cao nhất (con người chí tôn)[1]. Văn học và nghệ thuật thời đó đưa “chất người” vào “chất thần thánh”, biến đời sống thần thánh thành đời sống bình thường của con người. “Con người là vẻ đẹp của thế gian, kiểu mẫu của muôn loài”(Shakespear). Các nhà nhân văn chủ nghiã lấy câu của Terence, một nhà hài kịch La Mã làm phương châm: ”Tôi là một con người, không có cái gì có tính chất người lại xa lạ với tôi”. Con ngưởi là một bộ phận của tự nhiên, sống và chết theo quy luật tự nhiên, vì thế phải trả con người về tự nhiên để nó phát triển theo tư nhiên[2]. Chiến tranh phong kiến, chủ nghiã khổ hạnh, ngu dân, đàn áp tư tưởng là trái với tự nhiên, là nguồn gốc gây ra bất hạnh, xấu xa, tội lỗi trên thế giới. Chủ nghĩa Nhân Văn sau thời Phục Hưng được làm phong phú hơn bởi tư tưởng dân chủ thời Khai Sáng, ý thức đấu tranh giải phóng con người cuả chủ nghiã Marx và ý thức về tồn tại của chủ nghiã Hiện sinh.
Nhưng vượt lên trên tất cả là tư tưởng Nhân văn Kitô Giáo mà cội nguồn là Kinh Thánh. Kinh Thánh đem đến cho nhân loại cái nhìn về bản tính con người, về cõi người, về ý nghiã sự sống của con người. Con người là gì? Con người không chỉ là vật chất thụ tạo, mà con người được nâng lên khỏi mọi loài thụ tạo, mang phẩm giá con cái Thiên Chuá, được thánh hóa và và hiệp thông với Thiên Chúa. Sáng Thế Ký viết rằng: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa”(Stk 1, 27). Đức Giêsu nói: “Thầy là cây nho, anh em là cành” (Ga 15, 5). Khi nhập thể làm người, Ngài là Anh Cả của loài người; Ngài là đầu, Giáo hội là Thân thể, mỗi tín hữu là chi thể của Ngài; con người được làm em của Ngôi Con Thiên Chúa và thành con cái của Thiên Chúa. Không có cái nhìn nào về Con người siêu việt như thế. Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Thiên Chúa Cha cho con người : “Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến. Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng Ta”(Ga.17.19-21).
Kinh Thánh nói Con người nhưng không phải là Con người trừu tượng mà là con người cụ thể, đó là những con người trong mọi tình huống khốn cùng của họ. Mở đầu bài giảng Tám mối phúc, Đức Giêsu dạy rằng: ”Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chuá là của anh em”(Lc 6.20). Trong cuộc phán xét chung, Đức Vua đã thưởng cho những người được chúc phúc, vì “xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han”.”Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt.25.35-40). Đức Giêsu cũng nói với các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông.”(Mt 21, 31). Tên trộm lành đã được vào Nước Trời ngay khi Chúa trút hơi thở trên Thánh giá: Luca thuật lại: “anh ta thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi !” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng“(Lc 23, 42-43). Kinh Thánh đã trân trọng con người ở thân phận bé nhỏ và khốn khổ nhất, lấy hành động vì con người làm thang bậc giá trị để phán xét ở ngày cánh chung.
Từ cái nhìn con người như thế, Kinh Thánh lấy lòng yêu thương con người làm điều răn quan trọng. Khi được hỏi điều răn nào quan trọng nhất, Đức Giêsu trả lời:”Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình (Mt.22.37-39). Chúa còn dạy: “Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”(Mt. 5:44). Nhưng yêu thương như thế nào? Yêu thương bằng quan tâm thiết thực, như trong dụ ngôn về “Người Samari tốt lành” (Lc.10.29-37). Thấy người bị nạn bên đường, thầy Tư Tế bỏ đi, thầy Lêvi cũng tránh xa, còn người Samari lại gần “lấy dầu, lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, ông ta lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói:” Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác”. Người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang, theo luật Môise thì phải bị ném đá. Thế nhưng Đức Giêsu đã cứu chị và nói với chị: ”tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”(Ga.8.11). Một lần khác, cảm thương tình cảnh cuả chị em Mácta và Maria, Đức Giêsu đã khóc thương Lazarô (Ga.11.33). Người đã truyền cho Lazarô từ cõi chết sống lại.
Qua những trường hợp cụ thể ấy, Kinh Thánh đã chỉ ra, tư tưởng Nhân văn Kitô giáo thể hiện cái nhìn con người trong phẩm vị con Thiên Chúa, lòng yêu thương Con người mang đến Ơn Cứu rỗi. Điều này khác rất xa với nhiều nhãn quan triết học về con người.
Vấn đề con người, tương quan giữa người với người, hạnh phúc của con người và giải phóng con người là vấn đề của muôn thuở. Bi kịch của con người vẫn còn nguyên đó. Đau khổ, thù hận, tội lỗi, sự chết vẫn bao trùm lấy con người. Chỉ tư tưởng nhân văn Công Giáo mới soi rọi ánh sáng cho số phận của con người. Cả Friedrich Nietzsche và J. P. Sartre đều phủ định Thượng đế. Nietzsche giết chết Thượng đế để tôn con người lên hàng Siêu nhân, con người Tự do, tự định lấy ý nghĩa cho sự tồn tại của chính mình. Với Satre, tất cả là phi lý: ”Thượng đế là một phi lý, vũ trụ là một phi lý và cuộc nhân sinh là một phi lý”. “Tha nhân là địa ngục cho tôi”[3]. Triết học Hiện sinh vô thần kéo con người xuống đất và dìm con người trong tuyệt vọng. Trái lại, Gioan viết: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1, 9). Đức Giêsu cũng khẳng định: “Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối”(Ga 12, 46); Người nói rõ hơn: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 1-6). Đức Giêsu và công cuộc Cứu độ của Người trên Thập giá chính là cốt lõi của tư tưởng Nhân văn Kitô giáo.
TƯ TƯỞNG MỸ HỌC KITÔ GIÁO
Thông thường Mỹ học được hiểu là bộ môn khoa học về Cái Đẹp. Alexander Baumgarten đã dùng thuật ngữ Mỹ học để đặt tên cho tác phẩm Aestheticä (Mỹ học) của ông (1750–1758). Nhưng ngoài Cái Đẹp, Mỹ học còn nghiên cứu các phạm trù thẩm mỹ khác như Cái Cao cả, Cái bi, Cái hài... Cho đến nay, chưa có sự thống nhất về đối tượng của Mỹ học.
Mỹ học là một môn học còn trẻ, nhưng tư tưởng Mỹ học lại xuất hiện từ rất xa xưa, từ Platon (427-347 TCN), Aristote (384-322 TCN)… Và nhận thức về Cái Đẹp cũng rất khác nhau. Xin dẫn vài ý kiến. Platon cho rằng có cái đẹp vật chất và cái đẹp tinh thần, nhưng chỉ có cái đẹp tinh thần, cái đẹp của ý niệm, mới là cái đẹp vĩnh hằng, tuyệt đối. Socrates (469-399 TCN) đặt câu hỏi: “Đẹp là gì?”; Ông trả lời: “Đẹp là cái thích thú do tai nghe mắt thấy” (Hippias Maior). Aristote coi Cái Đẹp là trật tự của sự hài hòa, cân xứng. Ông cho rằng Cái Đẹp của thực tại, trung tâm là vẻ đẹp của con người. Thánh Augustinô (354–430), cho rằng chỉ có thượng đế là vĩnh viễn, là vẻ đẹp tối cao, vẻ đẹp tuyệt đối mà thôi. Thánh Tôma (1225-1274) nhận thức Cái đẹp là một đặc tính của hữu thể. Nền tảng của cái đẹp là chính Thiên Chúa, Hữu thể tự tại. Cái đẹp được nhìn trong tương quan với cái Thật và cái Tốt. Đẹp là sự rạng rỡ của cái Thật [4]. Hegel (1770-1831) quan niệm Cái Đẹp là một sự thể hiện đặc biệt của ý niệm tuyệt đối dưới hình thức cụ thể, cảm tính. Nhà văn nổi tiếng người Nga Fyodor Mikhailovich Dostoyevsky (1821-1881) đã nhận ra giá trị của Cái Đẹp: “Cái Đẹp cứu rỗi thế giới” (lời nhân vật Hoàng thân Myshkin trong tiểu thuyết Thằng Ngốc). Tsernysevski khẳng định dứt khóat: “Cái Đẹp là cuộc sống”.
Thực ra Cái Đẹp là một thực tại khách quan, nhưng nhận thức về Cái Đẹp thì luôn là cảm tính chủ quan. Vì thế, đứng trước một đối tượng thẩm mỹ, ta không thể tranh cãi. Mỗi người có cách cảm thụ Cái Đẹp rất riêng… Nói cách khác chỉ con người mới cảm nhận được Cái Đẹp của thực tại khách quan. Loài vật và sự vật, tự nó không nhận thức được Cái Đẹp. Trong cuộc sống, Cái Đẹp là một giá trị.
“Cái Đẹp” trong tư tưởng Mỹ học Kitô giáo được đặt trên nền tảng Kinh Thánh. Thực tại khách quan ấy là thiên nhiên, vạn vật, đời sống. Sáng Thế Ký thuật lại rằng, sau khi sáng tạo vũ tụ, muôn loài muôn vật và con người, “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp! (Stk 1, 31). Như vậy Cái Đẹp bắt nguồn từ Đấng Sáng Tạo và mọi Hữu thể đều đẹp. Trung tâm của Cái Đẹp là con người, vì “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (Stk 1, 27). Chỉ khi con người phạm tội, sa ngã, nó mới trở nên xấu và nhận ra Cái Xấu (phạm trù đối lập với Cái Đẹp).
Con Thiên Chúa được sai xuống làm người để cứu rỗi Con người, để làm cho Con người trở nên “hoàn hảo như Cha trên trời là Đấng hoàn hảo” (Mt. 5, 48). Vì Vậy Đức Giêsu chính là “Cái Đep hoàn hảo”, hình ảnh của Thiên Chúa Cha. Điều này Kinh Thánh từ Cựu Ước đến Tân Ước đều miêu tả cụ thể. “Khi Chúa Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”(Mt 3,16-17). Đức Giêsu hiện ra là một Hữu thể đẹp hoàn hảo làm rạng rỡ vũ trụ, Cái Đẹp mang Thần khí của Thiên Chúa, Cái Đẹp trọn hảo như Ý Chúa Cha.
Một trình thuật khác về Đức Giêsu: “Hôm ấy, Đức Giê-su đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng… chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.”(Mt 17, 1-9). Chính Thiên Chúa Cha đã khẳng định Đức Giêsu là “Cái Đẹp trọn hảo” như ý Chúa Cha.
Tất nhiên Đức Giêsu không chỉ Đẹp qua cái nhìn thị giác như chúng ta đã thấy trong những trình thuật Kinh Thánh ở trên. Vẻ đẹp của Đức Giêsu còn thể hiện ở lòng yêu thương nhân hậu đối với mọi kiếp người, đặc biệt là vẻ đẹp hùng vĩ của Ơn Cứu độ khi Ngài bị treo lên. “Đức Giê-su lại kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn. Và kìa, bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Đất rung đá vỡ. Mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được chỗi dậy” (Mt. 27, 51-52). Và đây là vẻ đẹp đầy quyền năng của Đấng làm chủ vũ trụ, làm chủ tạo vật trong “ngày quang lâm”: “Vì, như chớp loé ra từ phương đông và chiếu sáng đến phương tây thế nào, thì cuộc quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy… “Ngay sau những ngày gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống và các quyền lực trên trời bị lay chuyển. Bấy giờ, dấu hiệu của Con Người sẽ xuất hiện trên trời; bấy giờ mọi chi tộc trên mặt đất sẽ đấm ngực và sẽ thấy Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến. Người sẽ sai các thiên sứ của Người thổi loa vang dậy, tập hợp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương, từ chân trời này đến chân trời kia.”(Mt 24 27-21).
Như vậy, Kinh Thánh đã trình bày Đức Giêsu là “Cái Đẹp trọn hảo” (trong tương quan Chân, Thiện, Mỹ), và tư tưởng Mỹ học Kitô giáo được soi chiếu từ chính từ chính Đức Kitô là hiện thân của vẻ đẹp. Những tư tưởng Mỹ học cho rằng Cái Đẹp là đời sống, Cái Đẹp cữu rỗi nhân loại, trung tâm của Cái Đẹp là con người…có những giới hạn nhất định so với trong tư tưởng Mỹ học Kitô giáo.
SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT KITÔ GIÁO
Có thể tóm lược tư tưởng Mỹ học Kitô giáo như thế này: Mọi tạo vật được Thiên Chúa tạo dựng đều tốt đẹp. Thiên Chúa là Cái Đẹp trung tâm, con người được dự phần vào Cái Đẹp trung tâm trong hiệp thông với Đức Kitô. Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Và Đức Giêsu, Con Thiên Chúa là “Cái Đẹp trọn hảo”.
Văn chương nghệ thuật Công giáo phải là sự khám phá những tư tưởng Mỹ học từ Kinh thánh, khám phá “Cái Đẹp” tỏa sáng trong mọi tạo vật, trong mọi phận người, mọi hoàn cảnh của cuộc sống, và trên hết phải là “Cái đẹp trọn hảo” của Đức Giêsu.
Tư tưởng Mỹ học (từ Kinh Thánh) kết hợp với tư tưởng Nhân văn Kitô giáo là cốt lõi làm nên mọi giá trị của văn học nghệ thuật Kitô giáo. Điều này có thể nhận trõ trong Âm nhạc, Kiến trúc, Hội họa… Châu Âu.
Để kết, tôi xin mượn những dòng tuyệt bút của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt nam) khi ông khám phá ra Cái Đẹp từ Thánh giá:
“…Hỡi Chúa Trời, con quỳ dưới chân Người, con gánh trên lưng con bóng tối khổng lồ. Đôi môi con run rẩy chạm vào những ngón chân Người giá lạnh nhưng những giọt máu chảy từ bàn tay bị đóng đinh của Người từng giọt, từng giọt rơi xuống ngực con rực sáng và nóng ấm vô tận
Cây thập giá nơi Người bị đóng đinh trong đêm sừng sững dựng lên cái Cây Ánh Sáng vĩ đại nhất trên thế gian này
…
Con đã sinh ra trên thế gian này con đã uống sữa thơm và mật ngọt của người
Tuổi thơ con đã từng được những thiên thần của Người dắt chạy trên cánh đồng lộng lẫy của thế gian
Con đã cười vang, tiếng cười trong như ban mai khi chơi trò đuổi bắt cùng những thiên thần của Người
Con đã từng nằm trong vòng tay ấm như hơi lửa để các thiên thần dắt con vào cơn mơ…” (Dưới cái cây ánh sáng– khúc thứ hai).
Tháng 7/2020
_________________
[1] Nguyễn Kiến Giang. http://phucdinhhong.wordpress.com/2010/01/18/v%e1%ba%a5n-d%e1%bb%81-con-ng%c6%b0%e1%bb%9di-va-ch%e1%bb%a7-nghia-nhan-van-m%e1%bb%9bi-pha%cc%80n-1/#more-96
[2] Tự điển Văn Học. tr291
[3] Dẫn theo Trần Thái Đỉnh: Triết học Hiện sinh. Công ty sách Thời Đại và Nxb Văn Học. 2015. Tr.308
[4] https://tsthdm.blogspot.com/2016/09/cai-ep-trong-lich-su-triet-hoc.html