“Miền cỏ tranh” và Tiểu thuyết viết về chiến tranh Việt Nam
(Đọc tiểu thuyết Miền cỏ tranh của Nguyễn Minh Ngọc. Nxb Quân đội nhân dân 2025)
Bùi Công Thuấn
***
Các tiểu thuyết: Con chim Joong bay từ A tới Z của Đỗ Tiến Thụy, Từ giờ thứ sáu đến giờn thứ 9 của Nguyễn Một và Miền cỏ tranh của Nguyễn Minh Ngọc, đã có những khám phá mới mẻ về nghệ thuật và tư tưởng trong việc miêu tả chiến tranh Việt Nam [[1]]. Dù vậy, tôi vẫn thấy tiểu thuyết Việt Nam hôm nay chưa nói đủ về con người Việt Nam trong chiến tranh. Ngòai “Miền cỏ tranh”, vẫn còn những miền hiện thực các tác giả chưa chạm tới được.
Miền cỏ tranh viết về tiểu đoàn 840 từ những năm 1962 (tr.17) đến ngày toàn thắng 30/4/1975 (tr.356), bối cảnh là vùng đất thuộc các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, khu Lê (Lê Hồng Phong), Nam Tây Nguyên và“Miền đông gian lao mà anh dũng”, ghi dấu nhiều địa danh như Chi khu Bù Đăng, Bù Đốp, Yếu khu Bù Na, Chi khu Phước Bính, Tiểu khu Phước Long (tr.228), Bù Gia Mập, sông Bé, sông Đắk Hoyt (tr. 284) biên giới Cambuchia,… Tác phẩm không viết về hoạt động tập thể tiểu đoàn 840 mà tập trung vào số phận của một nhân vật là Mười Lượng (Võ Lượng), một người lính trinh sát. Anh đã sống, chiến đấu trong những ngày mưa bom bão đạn ấy. Anh là nhân chứng về con người Việt Nam trong chiến tranh.
50 năm sau ngày hòa bình, thống nhất, đọc tiểu thuyết Miền cỏ tranh, người đọc hôm nay có nhiều điều để suy gẫm.
MIỀN NAM TRƯỚC 1975
Hiện thực được nói đến trong tác phẩm là khu 6, vùng đất cực nam Trung bộ và miền Đông Nam bộ [[2]].
Đây là vùng hoạt động của Quân khu bộ (tr.12), được chỉ huy bởi Tư lệnh Quân khu, có tiều đoàn 840 (tr.16). Võ Lượng là lính của 840, trung đội trinh sát (20). Tiền thân của 840 là Tiểu đoàn 120. Đầu tháng 11 năm 1962, Tiểu đoàn 120 từ Ninh Thuận lên Đắk Lắk, đánh trận Đầm Ròn, sau đó tham gia chống càn bảo vệ căn cứ Khu 6, vùng Chư Yan Sin rồi về Di Duk, Năm Buôn, từ đây mang mật danh 840 (tr. 17). Mật danh này có nghĩa là: “Số 8 chỉ địa bàn đơn vị đứng chân hoạt động ở B8 (Tuyên Đức) thuộc vùng 4 (nam đường 21, nam Tây Nguyên) và thêm vào con số không (0) ở cuối cho cân đối” (tr. 17). Tiểu đòan 840 đã đánh nhiều trận. “Sau trận đột ấp Bù Nơ, một ấp nhỏ của đồng bào thượng, do một trung đội dân vệ chiếm giữ, Tiểu đoàn 840 phục kích vận động đánh địch trên quốc lộ 14, rồi lui về vùng đông bắc Bù Gia Mập, để củng cố lực lượng”(tr. 29) để đánh chiếm Bu Prang.. Đây là một cứ điểm độc lập do một đại đội Bảo an của quận Kiến đức (Quảng Đức) trấn giữ” (tr. 29). Tác giả đã miêu tả và phân tích vị trí chiến lược của Bu Prang (tr30) rất cụ thể. Cần phải bóc gỡ cứ điểm này để mở rộng hành lang và khai thông cửa khẩu sông Đắk Hoyt (Đắk Huýt)…”(tr.31). Cuối tháng 12 năm 1965, Tiểu đoàn 840 được lệnh đánh Bu Prang (tr.43). Do điều nghiên chưa kỹ nên trận đánh thất bại, Tiểu đoàn thương vong gần 60 cán bộ chiến sĩ (tr.50). Võ Lượng bị thương nặng.
Tôi ghi lại một vài chi tiết về hoạt động của Tiểu đoàn 840 (ở trên) để lưu ý bạn đọc rằng, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc đã miêu tả bối cảnh thật của cuộc chiến đấu, làm nền cho nhân vật Võ Lượng. Những trang miêu tả bối cảnh này đậm chất ký, ghi lại người thật việc thật mà bạn đọc có thể tìm được “nguồn” ở nhiều cơ sở lịch sử (quân đội, Đảng bộ, các trang web lịch sử). Chẳng hạn, chiến dịch Nguyễn Huệ ở Miền Đông Nam Bộ do tướng Trần Văn Trà (Tư Chi), Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam làm Tư lệnh chiến dịch và tướng Trần Độ (Chín Vinh), Phó Chính ủy miền Nam, làm chính ủy chiến dịch (tr. 339). Chiến dịch mở màn cuối tháng 3 năm 1972, kéo dài đến trung tuần tháng 1 năm 1973 (tr. 347) kết thúc thắng lợi.
Miền cỏ tranh ghi lại tin tức thời sự từ những năm 1954 đến 30.4.1975 (20 năm kháng chiến chống Mỹ).
Theo chân nhân vật Năm Ngà-Tư lệnh quân khu 6 ở chiến trường Nam Tây Nguyên (tr.7)- tác giả ghi lại hoạt động của ông từ ngày đầu 1945, rồi Nam bộ kháng chiến. Sau đó ông làm Tỉnh đội trưởng Bình Thuận. Năm 1954 ông tập kết ra Bắc. Đầu 1963 ông về Nam, được Quân ủy trung ương và Bộ Tư lệnh bổ nhiệm Tư lệnh quân khu 6, hoạt động ở vùng cực nam Trung bộ (tr. 8). Ông tham gia chiến dịch Phước Long tháng 11 năm 1965.
Hoạt động từ những năm 1945 còn có Hai Lược, Chính ủy trung đoàn 812 của tỉnh Ninh Thuận. Năm 1959 Hai Lược trở lại miền Nam làm Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm chính trị Quân khu 6. (tr. 84).
Nguyễn Minh Ngọc đã ghi chép biên niên sử bước phát triển của cuộc kháng chiến ở khu 6 qua các năm 1959 (tr. 84), 1960 (tr. 104), 1962 (tr. 105), 1963 (tr. 109), 1964 (tr. 111), 1965 (tr. 27), 1966 (tr. 131), 1967(tr. 156), 1968 (tr. 187), 1969 (tr. 229), 1970 (tr. 320), 1971 (tr.336), 1972 (tr.348), 1973 (tr. 350), 1975 (tr. 352).
Xin đọc:
“Cuộc tổng công kích mùa xuân Mậu Thân 1968 của ta nổ ra hầu khắp các thành phố, thị xã miền Nam, còn lại phần lớn vùng nông thôn đồng bằng và đặc biệt là vùng rừng núi hẻo lánh thì có khác về mức độ. Sáng 30 tết, các cơ quan đơn vị được lệnh hành quân ra tiền phương. Đồng thời, đây cũng là đợt Khu bộ T10 di chuyển chỗ đóng quân đến vị trí mới luôn”.(tr.187)… Cuộc tổng công kích diễn ra ác liệt ở các đô thị lớn kéo dài tới tận mùa hè 1968. (tr.188). Từ sau Mậu Thân, trên toàn miền Nam, phía cách mạng bị tổn thất nặng nề và gặp khó khăn nhiều bề. Hầu hết các cơ sở cũ đều bị phá bỏ với hy vọng chuyến này “tiến về Sài gòn” thì không trở lại nơi chốn giữa rừng xanh nữa. Tới khi bị tổn thất nặng, các lực lượng của ta phải rút từ nội thành và các đô thị về lại căn cứ thì lâm vào cảnh trắng tay,…hầu hết các cơ quan, đơn vị của ta đều không còn chỗ đứng chân. Bởi vậy, tất cả đều phải dạt sang đất Miên”. (tr. 207).
Xin đọc:
“Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi.
Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, lá cờ giải phóng đã phấp phới tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Năm cánh quân giải phóng cùng chầu tuần về thành phố Sài Gòn…Cuộc chiến tranh kéo dài nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã kép lại. Sông núi hòa ca, ngân lên khúc khải hoàn. Lòng người cuồn cuộn nỗi niềm, vui có, buồn có. Nhưng hòa bình thật rồi.” (tr. 356).
Hai đọan miêu tả bối cảnh lịch sử (được trích ở trên) thực ra chỉ là bản tin được tiểu thuyết hóa qua tâm trạng nhân vật. Đó không phải là miêu tả sử thi về cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Dù vậy, những đoạn ghi chép lịch sử (1954-1975) này giúp người đọc hôm nay có cái nhìn tổng quan về sự phát triển của cuộc kháng chiến ở miền Nam trước năm 1975, và là dấu chỉ cách miêu tả mới mẻ của ngòi bút Nguyễn Minh Ngọc về chiến tranh.
Ông không viết tụng ca, không lý tưởng hóa ngòi bút, không kiến tạo tác phẩm theo công thức: “ta nhất định thắng, địch nhất định thua”; không khai thác tư tưởng hận thù. Ông gọi: “Cuộc chiến tranh kéo dài nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã kép lại”, mà không nói “cuộc kháng chiến chống mỹ vĩ đại thắng lợi vẻ vang”. Vâng, khát vọng lớn lao nhất của dân tộc này là hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do. Kháng chiến bảo vệ tổ quốc là nhiệm vụ lịch sử, như cha ông ta đã chiến đấu bảo vệ tổ quốc hàng ngàn năm qua. Người Việt coi trọng tư tưởng hiếu hòa. “Họ đã tham sống sợ chết, mà hoà hiếu thực lòng/ Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức” (Bình Ngô đại cáo-Nguyễn Trãi). Có lẽ miêu tả chiến tranh Nguyễn Minh Ngọc dựa trên tinh thần ấy.
Việc miêu tả biên niên thời sự chiến tranh trong Miền cỏ tranh đã đặt được nhân vật vào vị trí trung tâm của lịch sử. Nhân vật đã chứng kiến, đã trài nghiệm hiện thực ấy. Và hơn thế, nhân vật Võ Lượng đã sống, đã tham gia vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc (dù chỉ ở cương vị một người lính trinh sát ở một chiến trường hẹp), nhưng người trinh sát ấy đã nói lên tiếng nói một Con người trong chiến tranh, là nhân chứng của một dân tộc trong thời kỳ đau thương mà anh dũng nhất lịch sử hiện đại, để các thế hệ sau nhìn vào và suy gẫm.
THÂN PHẬN CON NGƯỜI TRONG CHIẾN TRANH
Nhiều lần Võ Lượng nói đến số phận không tránh khỏi của cuộc đời mình. “Dường như luôn có sự sắp đặt của số phận hay sao ấy” (tr.120); “Anh cứ mơ hồ liên tưởng nghĩ mình hệt như một con chiên đã được Chúa đóng đinh gắn chặt số phận với vùng đất này rồi, nên không dễ gì dứt ra được, không thể khác “ (tr.136); Bảy Trà nói với Lượng về chuyện tình yêu: “Ừ thì tụi mình cứ thiệt tình, thưa chuyện trực tiếp luôn, anh à. Coi thử mấy ảnh thương được thì thương, nếu không cũng đành cắn răng chịu”. Nghe vậy, Lượng chia sẻ với vợ: “Coi như số phận vậy, Bảy à” (tr.236); lần khác vợ chồng Lượng lại than thở với nhau: “Cái số tụi mình sao mà cực dữ vậy, Mười ơi!” – “Thì đã là số phận, hỏi sao tránh nổi, hả em” (tr. 257). Khi nghe tin Mười Thành chết vì lũ cuốn (tức Hai Lược), Lượng nghĩ: “Thương thay, tiếc thay! Nhưng thôi, biết làm sao được, mỗi con người đều có một số phận riêng, rất riêng, dường như tất cả được lập trình sẵn, thật khó có thể đổi thay! Tất cả như một cuốn phim tua nhanh trong tâm trí Lượng, có đoạn vui, có khúc buồn, nhưng đọng lại vẫn là nỗi đau mất mát…” (tr.319)
Và tác giả nhận xét về Lượng: “Quãng đời lính chưa dài, nhưng cũng chẳng phải là ngắn, kể từ khi rời khu Lê nhảy núi, con người luôn cưỡng lại số phận đã đi đến tận cùng cuộc chiến. Trồng cây đắng hẳn không bao giờ cho trái ngọt. Võ Lượng tâm niệm và sống đúng như vậy” (t.357).
Nói “số phận” là nói đến con đường tạo nên bởi lực tổng hợp của hoàn cảnh sống, các mối quan hệ giữa người và người và cá tính của đương sự. Các yếu tố này quyết định hướng đi của một đời người (tất nhiên còn có yếu tố may rủi).
Lượng sinh ra trong chiến tranh, lại lăn mình vào chiến trường, anh phải chấp nhận những mất mát, thiệt thòi, hy sinh,…và không thể khác. Hơn nữa Lượng là đảng viên, anh phải thực hiện nhiệm vụ tổ chức phân công. “Lượng xác định, một khi đã có sự phân công thì việc ai nấy làm, mình vì đại cuộc chứ không phải vì bất cứ cá nhân nào” (tr.284). Lượng là người lính trinh sát, “giỏi binh yếu địa bàn, thạo căn bản đồ mà cắt rừng, lại vừa lanh lẹ khi xử trí tình huống”(tr.275), “Chủ động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm…”(tr.291), anh lại có tính cách ngỗ ngược (tr.233), liều lĩnh (tr. 341) khác người. Những yếu tố ấy làm nên nhân vật Lượng đầy góc cạnh.
Lượng tuổi Ngọ, quê ở thôn 1, xã Hồng Sơn. Quê anh mênh mông đồi cát, rừng còi (tr. 181). Người dân quê chủ yếu làm nông, gắn với vườn tược, ruộng rẫy. Thưở nhỏ, Lượng rất khoái đi bắt dông về làm thức ăn (con dông giống như rắn mối, da dày và nhiều màu sắc). Má Lượng chịu khó chế biến thịt giông thành nhiều món ăn ngon.
Gia đình cha mẹ Lượng, ông Hai Thơ-bà Năm Tý, là một gia đình cách mạng. Ông bà có 7 người con (tr. 36). Lượng thứ mười, là út. Má của Lượng là một thành viên tích cực trong Hội Mẹ Chiến sĩ của tỉnh Bình Thuận. Ngoài các con ruột, má Lượng có một đoàn con nuôi đông đảo. Họ là các “Vệ túm”, trong đó có Văn Lược (Hai Lược) là Chủ nhiệm chính trị quân khu, người ảnh hưởng trực tiếp đến số phận Lượng sau này (tr.35).
Tuy nhà nghèo, sống giữa miền cát, nhưng “ông Hai Thơ và bà Năm Tý sớm hướng cho con cái đi theo con đường sáng…”. Khi Lượng tròn một giáp (12 tuổi), Hiệp định Giơnevơ được ký kết (1954). Nhưng rồi Mỹ-Diệm xé bỏ hiệp định. Họ thực hiện chính sách “tố cộng, diệt cộng”, lập Ầp chiến lược. Cha của Lượng cho con là Võ Thanh, Võ Dũng gia nhập quân Giải phóng. Tiếp đó, ngay sau Đồng Khởi, Võ Lượng cũng nối gót theo các anh (tr.37).
Năm sau, bà Năm Tý chết trong trại tập trung, còn ông Hai Thơ (cha của Lượng) bị địch bắt giam ở Phan Thiết vì tội tiếp tay cho con trai trốn theo Việt Công. Giữa năm 1962, anh Võ Dũng, chiến sĩ trinh sát thuộc tỉnh đội Bình Thuận, khi làm nhiệm vụ, lọt ổ phục kích hy sinh. Sau đó là anh Chín Thanh hy sinh trong trận công đồn La Gàn ở huyện Tuy Phong, (Liệt sĩ Võ Thanh hy sinh ngày 6/8/1965) (tr39).
“Nỗi mất mát đau thương vò xé tâm can Lượng…Người mẹ đã khuất núi, ba người anh cầm súng đánh giặc lần lượt ngã xuống ngay trên mảnh đất Bình Thuận quê hương. Đau đớn thay là cả ba người anh đều chưa một ai kịp lập gia đình và có khi họ còn chưa biết nắm tay một người con gái nói chi đến hò hẹn yêu thương…Trời cao đất dày ơi, ngươi có thấu chăng?” (tr.41).
Và rồi tử thần đã đến bên Lượng. Trận Bu Prang thất bại, Lượng bị thương nặng. “cứ nghĩ rằng mình sẽ “ra đi” ngay trong đêm nên chả cần ai quan tâm nữa. Đầu óc trơ lì, lòng trống rỗng, không buồn, không vui. Chỉ mỗi cảm giác chờ đợi là có thật. Không ân hận, chẳng tiếc nuối, chàng trai miền cát cũng chẳng trách oán bất kỳ ai. Cái số kiếp mình nó vậy. Cứ ráng chờ. Nhanh thôi. Lão thần chết vung lưỡi hái lên kéo một nhát là xong đời. Sự giải thóat nhẹ nhàng”(tr. 59).
Nhưng Tử thần không thể đem Lượng đi. Anh nhận ra sự kỳ diệu sức mạnh của tuổi trẻ. Anh cũng hiểu rất rõ chính tình yêu thương của đồng đội, sự tin yêu và quan tâm của lãnh đạo cấp trên, sức mạnh của tình yêu quê hương, tình yêu gia đình đã giữ anh lại trong cuộc đời này và bù đắp cho anh những thiệt thòi của số phận.
Từ một du kích làng, bằng tài năng, sự chân thành và lòng dũng cảm, Lượng đã thăng tiến lên chức Tiểu đoàn phó Tham mưu trưởng Tiểu đoàn Đặc công. Anh cùng với đồng đội lập nhiều chiến công, được thưởng huân chương. Cũng chính tài năng và “tiếng tăm” lừng lẫy của Lượng, mà anh được nhiều nữ chiến sĩ xinh đẹp yêu thương. Đặc biệt anh chinh phục được Thanh Trà, một nữ chiến sĩ, cô gái Sài Gòn xinh đẹp. Nàng trở thành vợ và sinh cho anh hai đứa con trai (Võ Tâm và Võ Trí. tr.333) để nối dõi tông đường như nguyện vọng của cha anh. Ở đâu anh cũng đầy ắp tình người:
“Dẫn mấy anh em quân báo lên cửa khẩu làm nhiệm vụ, Võ Lượng gặp lại nhiều bạn bè, những đồng đội cũ, tay bắt mặt mừng. Vui vì trải bao gian nan, bầm trầy, sau nhiều biến cố mà vẫn còn được nhìn thấy nhau, được nắm tay nhau. Hay tin Lượng đã lập gia đình và lên chức bố, anh em xúm lại chúc mừng. Thế là mỗi người bèn dốc bòng ra, ai có gì tặng nấy, song nhiều hơn cả vẫn là những lon sữa hiệu Ông Thọ. Gom lại được chục lon sữa đặc, quý hơn vàng, và trên hết vẫn là tấm lòng của đồng đội ở nơi hòn tên, mũi đạn, dẫu ranh giới giữa sự sống và cái chết luôn cận kề song vẫn luôn ấm áp tình người.” (tr.321).
Qua bóng dáng của Lượng, người đọc hôm nay còn nhận ra nhiều thân phận khác nữa trong chiến tranh. Thân phận con người trong những vận động lớn lao của lịch sử, của cuộc kháng chiến (các đợt cán bộ tập kết ra Bắc rồi trở về Nam chiến đấu những năm 1960, Tổng tiến công Mậu Thân 1968, Hiệp định Paris 1973. Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975…). Có cả những thất bại chiến trường (trận Bu Prang), những đợt di tản qua đất Miên (tr. 323), những cô gái (cô Sáu, Út Hường, Bảy Trà), những thương binh (đoàn thương binh vài ngàn người. tr. 326), những cái đói, cái đau, lũ cuốn (Mười Thành chết vì lũ. tr.316), bom đạn, chất độc Dioxin (tr. 328) và những cái chết (tr.50)…
Đây là cảm giác của Lượng khi chiến tranh kết thúc: “Trở lại Bù Gia Mập, anh dừng xe bên đường. Con mắt người lính chiến như thể bị thôi miên trước màu xanh vàng ngút ngát của trảng tranh. Những vạt cỏ tranh bị bom đạn thiêu rụi, mưa xuống, tua tủa cả một lớp ngọn mầm nhọn hoắt như chông đang giăng giăng. Màu xanh lá mạ. Chợt liên tưởng đến mảnh ruộng vẫn đi cày thuê hồi còn ở quê nhà, không kìm nổi, Lượng đưa ta dứt một túm cỏ tranh. Anh đưa một cọng lên miệng nhấm. Đăng Đắng…”(tr. 357), sau đó Lượng nhớ đến cha, nhớ cô Sáu và Út Hường, hai người đã chăm sóc anh khi anh bị thương nặng, nhớ về Trinh và mối tình đầu. “Lượng nghẹn ngào thấy mình có lỗi với cuộc đời này” (tr. 358). Anh “không thể nào đoán biết những gì đang chờ mình ở phía trước, bao dự cảm bộn bề khiến ngưới lính chiến muốn nghẹt thở “ (tr.359).
Cái vị “đăng đắng” và cảm quan “không thể nào đoán biết những gì đang chờ mình ở phía trước”của Lượng về tương lai đời mình vẫn là dự cảm về một số phận bất định. Lẽ ra sau 30/4/1975, với thành tích lẫy lừng, có vợ đẹp, con khôn, trở về đời thường, Lượng phải vui, vì chắc chắn Lượng sẽ có một vị trí quyền lực tương xứng với thành tích chiến đấu của anh. Anh sẽ được cấp nhà, cấp xe; con được hưởng chế độ ưu đãi, và với quan hệ rộng rãi, con đường tương lai của anh có thể biết được. Vậy mả Lượng lại “thấy mình có lỗi với cuộc đời này”, lại “không thể nào đoán biết những gì đang chờ mình ở phía trước”. Cách kết thúc tác phẩm như vậy đặt ra cho người đọc nhiều điều để suy gẫm, cũng đồng thời là dấu chỉ sự khác biệt giữa Miển cỏ tranh với tiểu thuyết kháng chiến (giai đoạn 1945-1975) viết theo thi pháp của Chủ nghĩa Hiện thực xã hội chủ nghĩa.
ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT CỦA “MIỀN CỎ TRANH”
- Miền cỏ tranh là tiểu thuyết hiện thực, nhưng không phải là Hiện thực xã hội chủ nghĩa, bởi vì Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa “phản ánh hiện thực cách mạng, trong quá triển cách mạng, kết hợp với lãng mạn cách mạng”. Miền cỏ tranh có phản ánh hiện thực cách mạng (gia đình Võ Lượng là gia đình cách mạng), nhưng cũng miêu tả phần “hiện thực không cách mạng”, những chuyện thường tình “ở đời”: “Nhưng ở đời, nói như cách mà cổ nhân vẫn dạy là người tính không bằng trời tính” (tr.221). Các miêu tả này làm cho Miền cỏ tranh đầy đặn hơn, trung thực hơn và phong phú chất thẩm mỹ hơn so với tiểu thuyết “truyền thống”.
Chẳng hạn, tác giả miêu tả cảnh làm tình (sex) của Lượng với Trinh (tr. 89), và cảnh ái ân giữa rừng của Lượng với Thanh Trà (tr. 216); cảnh Lượng đưa “vài ngàn” thương binh ra Bắc, “Ròng rã suốt ba tháng trời, dọc đường đi đã có không biết bao nhiêu chuyện dở khóc dở cười xảy ra”, “nhiều thương binh gã quỵ ngay trên đường vì đau đớn, không có thuốc và kiệt sức”, “những cái chết lãng nhách, thê thảm…”(tr. 329).
Chẳng hạn, việc lật tẩy những trò xấu của Chính ủy Tư Vê (tr. 293) trong việc hắn âm mưu hãm hại Lượng và đánh phá hạnh phúc của Thanh Trà (tr. 302); hoặc việc phê phán quy định “ba khoan”, điều đã làm cho Lượng và Thanh Trà, lứa đôi yêu nhau lo lắng (tr.190). Chuyện Lượng bị cấp trên cho ăn bánh vẽ (tr.118). Nhân vật Lượng, dù là chiến sĩ trinh sát kiên cường, lại có lúc suy nghĩ tiêu cực: “lắm lúc đau quá xá, chịu hết xiết, thì Lượng bỗng nảy ra ý nghĩ tiêu cực, giá gặp quả mìn thì đạp cho nỗ banh xác luôn có khi lại sướng cái thân. Coi như một sự giải thoát cho kiếp người” (tr. 116). Có lúc anh còn nghĩ: “…không màng đến bất cứ thứ gì. Bởi mọi chức tước, địa vị rồi cuối cùng sẽ trở thành phù vân cả thôi” (tr. 159). Khi nhận nhiệm vụ chiến đấu, Lượng không nói đến việc hy sinh vì lý tưởng, vì Tổ quốc; vì trách nhiệm đảng viên, như là sức mạnh chiến thắng của một người lính chiến.
Những miêu tả đời thường này đã vượt ra ngoài thi pháp của Chủ nghĩa Hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nó có ý nghĩa như là đóng góp của Nguyễn Minh Ngọc vào sự đổi mới tiểu thuyết, đổi mới văn học Việt Nam sau chiến tranh.
- Nhân vật Lượng chứa đựng sự đổi mới cách viết của Nguyễn Minh Ngọc. Lượng không được miêu tả như một nhân vật anh hùng của bút pháp lý tưởng hóa, cũng không được tô đậm phẩm chất chính trị như yêu cầu của “tính Đảng”, mà được khắc họa như một nông dân bình thường đánh giặc.
Anh giỏi bắt cá, bắt con dông, săn thú rừng. Đi trinh sát, anh cắt rừng mà đi. Anh sống sâu nặng tình cảm với cha mẹ, anh em. Anh đau đớn khi nghe tin gia đình bị giặc triệt hạ (mẹ chết trong ấp chiến lược, cha bị bắt giam tội tiếp tế cho Việt cộng, ba người anh chết trận…tr.41; tr.319). Hai nữ y tá chăm sóc anh đã để lại trong tim anh những ấn tượng sâu đậm: “Anh trào nước mắt nhớ hình ảnh cô Sáu và Út Hường quân y ở trạm xá. Tận bây giờ anh vẫn thấy nhói đau mỗi khi nhớ về cái chết bi thảm của người con gái bưng biền xinh đẹp và dịu dàng quá sức. Lời hứa tìm về thăm của anh chưa kịp thực hiện và cũng chẳng còn cơ hội nữa” (tr.358). Lượng đặc biệt yêu thương chăm sóc vợ con, bởi Thanh Trà là tình yêu vô giá của anh; hai đứa con là Võ Tâm và Võ Trí là cháu đích tôn của cha anh, mà ba người anh hy sinh đã không thực hiện được ý nguyện của người cha.
Cốt lõi phẩm chất của Lượng là ý thức thực hiện nhiệm vụ của người chiến sĩ, với sự thẳng thắn, trung thực giàu tình nghĩa, và giàu lòng nhân ái: “Ở bất kỳ đâu thì nhiệm vụ của người lính vẫn không hề thay đổi, đó là bám đánh địch, tiêu hao và tiêu diệt sinh lực kẻ thù, xây dựng và bảo tồn lực lượng góp phần ‘chia lửa’ cùng với toàn miền”(tr.337).
Thoát ly gia đình từ năm 18 tuổi (tr.302), Lượng là cận vệ trung tín, là trinh sát giỏi, mưu trí, dũng cảm; một tham mưu đầy mưu lược và luôn tiên phong thực hiện những nhiệm vụ khó khăn mà cấp trên tin cẩn trao phó. Anh luôn tự khẳng định mình “là chính mình” (tr.118), không sợ hy sinh gian khổ khi đối mặt với cuộc chiến và kề cận cái chết. Anh từ bỏ quyền lợi chính đáng của một thương binh nặng được đi chữa trị ở ngoài Bắc. Anh không bận tâm khi Huân chương của anh bị dìm, bị cố ý lãng quên (tr. 293); đám cưới của anh đang tổ chức thì địch tấn công, phải đến lần thứ ba, lễ thành hôn của anh với Thanh Trà mới được tổ chức trọn vẹn. (tr. 285…), anh kính yêu những cấp trên tài giỏi, đức độ (chẳng hạn Phó Chính ủy Mười Thành, Tham mưu trưởng Năm Khánh…).
Phẩm chất chính trị của Lượng trở thành bản chất con người Lượng (có lẽ vì thế nhà văn Nguyễn Minh Ngọc đã không cần phải miêu tả gì thêm); và nhờ có bao chiến sĩ như Lượng, đất nước này mới được hòa bình, thống nhất toàn vẹn.
Tất nhiên, có lúc tác giả cũng không tránh được chất thông tấn, nhưng cần thiết. Chẳng hạn: “Nhờ có vệ binh chủ động đi tuần tra sớm phát hiện biệt kích tổ chức đi càn, đơn vị kịp thời cử người về báo cáo để ở nhà nắm được, mặt khác linh hoạt bám nắm và theo dõi địch rất sát sao. Tuy lực lượng đôi bên quá ư chênh lệch nhưng tiểu đội đã mưu trí dũng cảm, biết lựa thế, lấy ít chọi nhiều, chủ động tấn công phủ đầu, bẻ gãy ý đồ của địch khi chúng chưa kịp khởi sự…”(tr.178).
Ở nhân vật Lượng, còn thấp thoáng chất lãng tử và bước đầu tiếp cận cách viết Hiện sinh. Người đọc ngạc nhiên khi trong ngày đại thắng 30-4-1975, Lượng để vợ con ở lại hậu cứ, rồi phóng chiếc Honda 90 màu xanh ngược về bản quán. Anh không có tâm trạng gì của người vừa góp công vào cuộc đại thắng, cũng không bận rộn việc sẽ làm chức vụ gì trong bộ máy Quân quản. Trong đầu anh không có bóng dáng của tương lai cho mình và cho vợ con. Trái lại, khi nhìn lại đời mình và nhìn về con đường trước mặt, anh hết sức hoài nghi: Võ Lượng “dừng lại bên đường. Anh đứng như chôn chân, mắt trân trối nhìn trời, nhìn đất, nhìn đám bụi cuồn cuộn mịt mù theo từng đoàn ô tô trẩy xuôi về phương Nam. Không thể nào đoán biết những gì đang chờ mình ở phía trước…”; “Giây lát, anh tặc lưỡi. Cứ đi rồi khắc đến, Hãy sống rồi, khắc biết. – Đi.”(tr. 359 – kết truyện).
Tâm thức hoài nghi và thái độ “hãy sống rồi, khắc biết” là ý thức Hiện sinh về sự tồn tại. Bởi Lượng đã đi qua sinh tử, trải nghiệm tồn tại cho anh biết rằng “Không thể nào đoán biết những gì đang chờ mình ở phía trước”. Đó là một nhận thức mà bất kỳ ai cũng đều cảm nghiệm trong hành trình sống của mình. Và như vậy, cuộc chiến đấu gian nan, hy sinh; hạnh phúc, đau khổ, vinh nhục của một đời người, niềm hy vọng hay tuyệt vọng của chính Lượng, đã là quá khứ (không phải là hiện tại và tương lai). Lại bắt đầu một hành trình sống khác, một hành trình sinh tử đầy phiêu lưu (tr. 327; 331) “…không mấy ai còn đủ nước mắt để khóc nữa, những cái chết lãng nhách, thê thảm. Nhiều người thở ngắn thở dài nghĩ dại, chả biết lúc nào tới lượt mình? Vâng, chiến tranh là vậy, đâu có thể nói trước điều gì” (tr. 329): “Hãy sống rồi, khắc biết. – Đi.” Lượng đặt mình vào một mệnh lệnh Hiện sinh, với thái độ không chần chừ: – Đi (nhưng đi theo hướng nào, đi đến đâu và để làm gì? Sẽ tiếp tục là những tra vấn hiện sinh).
Nhưng nhà văn Nguyễn Minh Ngọc không trả lời những câu hỏi đó (bởi ông không phải là nhà tư tưởng). Ông cũng chưa đi đến tận cùng Hiện sinh, mà còn ngập ngừng trong thế giới quan cũ. Có lúc Lượng nghĩ: “…không màng đến bất cứ thứ gì. Bởi mọi chức tước, địa vị rồi cuối cùng sẽ trở thành phù vân cả thôi” (tr. 159). Đây là tư tưởng của Kinh thánh: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (Sách Giảng viên.1, 2). Nguyễn Minh Ngọc nói nhiều đến số phận, số kiếp mà trời đã “lập trình” cho mỗi người (tư tưởng Thiên Mệnh của Nho giáo): “…mỗi con người đều có một số phận riêng, rất riêng, dường như tất cả được lập trình sẵn, thật khó có thể đổi thay! (tr. 319). Nguyễn Minh Ngọc pha trộn với minh triết dân gian. Dù “Thiên mệnh” là không thể thay đổi, “nhưng mặc lòng, cuộc đời vẫn cứ luôn nhân hậu. Hễ cánh của này khép lại thì cánh cửa kia mở ra” (250); “Quả là trong cái rủi có cái may!” (tr. 332). Xin lưu ý, Lượng không phải là kiểu nhân vật tư tưởng. Anh là nhân vật của bút pháp hiện thực, nhưng trong quá trình sống chiến đấu, đối mặt với tử sinh, anh tiếp cận được một vài khía cạnh tư tưởng Hiện sinh. Đó là cái mới của ngòi bút Nguyễn Minh Ngọc.
Ý nghĩa thực của Hiện sinh được tô đậm trong Miền cỏ Tranh là khát vọng sống, khát vọng hòa bình, khát vọng hạnh phúc của Con người trong chiến tranh. Những khát vọng này được miêu tả sâu sắc, được tô đậm trong từng chi tiết, dù ngôn ngữ hoàn toàn bất lực trước thực tại.
Xin đơn cử. 3 người anh của Lượng hy sinh khi chưa có vợ con. Họ hoàn toàn mất tuổi trẻ, mất hạnh phúc tuổi thanh xuân. Làm sao cha của Lượng có cháu nội nối dõi tông đường. Cái khát vọng này của ông làm cháy lòng Lượng khôn nguôi?: “ba người anh cầm súng đánh giặc lần lượt ngã xuống ngay trên mảnh đất Bình Thuận quê hương. Đau đớn thay là cả ba người anh đều chưa một ai kịp lập gia đình và có khi họ còn chưa biết nắm tay một người con gái nói chi đến hò hẹn yêu thương…Trời cao đất dày ơi, ngươi có thấu chăng?” (tr. 41). Những lần xung trận, Lượng vội vã đến độ không sao từ biệt vợ và con trai, mong một phút được bên vợ bên con cũng không được. “Nghĩ đến hai mẹ con, lòng khôn nguôi sự áy náy, nhưng biết làm sao được” (tr. 327). Lượng dẫn đoàn thương binh hàng ngàn người trên đường ra Bắc, anh chứng kiến cái đói, đau xót mà bất lực: “…phải kiếm đủ cái ăn cho cả ngần ấy con người quả là vượt quá khả năng. Chỉ còn nước là ngửa tay hứng trời mà lấy không khí vậy. Đối diện với cái đói, người bình thường đã là một cực hình, với những người mang đầy thương tích thì thật không có ngôn từ nào có thể diễn tả nổi…”(tr.331).
Đó là khát vọng bình an, no ấm, khát vọng sống còn rất cụ thể của bao Con người đang trong lúc đau khổ tuyệt vọng. Và đây là hạnh phúc thật: Ở chiến trường trở về, Lượng có thêm đứa con trai. “Gia đình nhỏ đã có thêm một thành viên mới tuy cực nhưng mà vui. Bởi con cái luôn là thứ phúc phận trời cho, chứ không phải cứ muốn là được! Còn được sống sót trở về để ôm vợ con vào lòng, với Lượng có lẽ đó là thứ ‘huân chương’ siêu hạng rồi…”(tr.333)…
Miêu tả những khát vọng của Con người trong chiến tranh chính là giá trị của Miền cỏ tranh mà Nguyễn Minh Ngọc muốn chia sẻ với bạn đọc hôm nay. Chiến tranh đã qua đi nửa thế kỷ. Nhưng kẻ thù xâm lược đất nước này thì không bao giờ từ bỏ tham vọng của nó. Làm thế nào để mỗi người dân được sống trong hòa bình, no ấm và thực hiện được những khát vọng của mình?
XIN ĐƯỢC CHIA SẺ
Tôi thích những trang miêu tả thiên nhiên giàu đẹp của Miền cỏ tranh, thích những cử chỉ rất đẹp của cô Sáu và Út Hường khi căm sóc thương binh. Tôi đồng cảm được với tình yêu nồng nàn của Lượng với Trinh và sau đó với Thanh Trà. Đó là hạnh phúc mà đời người chỉ có một lần tuổi trẻ. Tôi ngưỡng mộ cái đẹp của Phó Chính ủy Mười Thành và Tham mưu trưởng Năm Khánh khi bảo vệ hạnh phúc cho Lượng… Miền cỏ tranh có cách viết truyền thống nhưng đã hiện đại nhiều yếu tố của thi pháp.
Và tư tưởng này của nhà văn Nguyễn Minh Ngọc đọng lại trong tôi nhiều suy nghĩ: “…các trảng cỏ tranh luôn chứng tỏ một sức sống diệu kỳ giữa bom đạn, nắng nóng, lửa cháy. Chúng cứ bình thản trải rộng một màu xanh như vô tận” (tr. 295); “… Con mắt người lính chiến như thể bị thôi miên trước màu xanh vàng ngút ngát của trảng tranh. Những vạt cỏ tranh bị bom đạn thiêu rụi, gặp mưa xuống, tua tủa cả một lớp ngọn mầm nhọn hoắt như chông đang giăng giăng. Màu xanh lá mạ…”(tr. 357). Đoạn văn vừa miêu tả hiện thực, vừa có ý nghĩa tượng trưng thể hiện chủ đề của tác phẩm và tư tưởng của nhà văn.
Tiểu thuyết Miền cỏ tranh là “sức sống diệu kỳ giữa bom đạn” của con người Việt Nam trong chiến tranh, là sự tái khám phá sức mạnh Việt Nam, và là thông điệp cho mai sau. “Ở đời dường như việc gì cũng có đầu có cuối, chẳng mầy khi là ngẫu nhiên cả. Sự vật luôn vần xoay, biến chuyển. Số phận con người cũng vậy, có lúc thăng, lúc trầm, chứ không hoàn toàn suôn sẻ.”(tr. 156).
Tháng 6-2025
B.C.T
[1] Bùi Công Thuấn: Con chim Joong bay từ A tới z. Nguồn:¨Nhà văn Đồng Nai, Nxb HNV 2018. Tr.366
http://trannhuong.net/tin-tuc-52827/con-chim-joong%E2%80%A6-sang-suot.vhtm
Bủi Công Thuấn: Từ giờ thu71 đến giờ thứ 9. Nguồn: 45 Năm văn học Đồng Nai. Nxb HNV 2024, tr.299
[2] Trong kháng chiến chống Mỹ, Khu 6 ở Đông Nam Bộ, còn được gọi là T6, bao gồm các tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tuyên Đức, Lâm Đồng, Đắk Lắk và Quảng Đức. Khu 6 được thành lập năm 1961, do Bộ Tư lệnh Miền (B2) trực tiếp chỉ đạo.