TÔI ĐỌC TRANH NGUYỄN QUANG THIỀU
Bùi Công Thuấn
Sáng 7/1/2021 tại Trung tâm Art Space, ĐH Mỹ Thuật, Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) đã khai mạc triển lãm cá nhân có tên Người thổi sáo. Hơn 53 bức tranh triển lãm được vẽ với các chất liệu sơn dầu, màu nước, pastel và được Nguyễn Quang Thiều thực hiện trong 3 năm gần đây. Triển lãm này do nhóm Nhân sĩ Hà Đông đứng ra tổ chức. Tôi không có điều kiện trực tiếp tham dự buổi khai mạc này. Những thông tin tôi có được là qua video ghi hình lại buổi khai mạc của nhà thơ Trần Nhương, các bức tranh được báo chí chụp lại và tranh trên FB của nhà thơ Nguyễn Quqang Thiều. Đó là những thông tin gián tiếp, tôi sẽ không tránh khỏi những ngộ nhận khi đọc tranh
ENTRANCE
Xin xác định là tôi đọc tranh Nguyễn Quang Thiều như đọc một văn bản, chỉ khác trong văn bản là ký hiệu chữ, còn tranh là ký hiệu hình ảnh, màu sắc, bố cục, đường nét…
Nhiều người đã xem tranh Nguyễn Quang Thiều, song cho đến lúc này, tôi chưa thấy ai đọc tranh của người họa sĩ tài hoa này[1].
Hoạ sĩ Lê Thiết Cương nhận xét: “Nguyễn Quang Thiều mộng du qua cánh đồng hội hoạ. Nguyễn Quang Thiều đã chọn chính xác cho giọng hội hoạ của mình là giọng mộng du…Đấy là cái đẹp của Nguyễn Quang Thiều”
Hoạ sĩ Đào Hải Phong bày tỏ cảm giác này: “Tranh của Nguyễn Quang Thiều nhìn không bị mệt mặc dù ông ấy vẽ đôi khi rất ẩn chứa điều gì đó. Nhưng quan trọng nhất đối với tôi vẽ để Nguyễn Quang Thiều giải thoát chính mình”.
Hoạ sĩ Thành Chương lý giải điều này: “…ông (NQT) là con người của chữ nghĩa, là con người của cội nguồn gốc rễ quê hương làng xóm sâu nặng. Nên trong tranh của Nguyễn Quang Thiều đậm chất làng xóm quê hương.”
Cả ba họa sĩ đã xem tranh nhưng không ai nói rõ ra “ẩn chứa điều gì đó”trong tranhNguyễn Quang Thiều là điều gì? Và nếu xem kỹ tranh của Thiều, người xem tranh phải hoài nghi về cái “chất làng quê” mà họa sĩ Thành Chương gán cho tranh của Thiều. Người mộng du là người đi trong lúc ngủ, tôi chưa nghe thấy “giọng mộng du” là giọng thế nào! (phải chăng “giọng mộng du” là một thuật ngữ chuyên môn của hội họa mà tôi là dân ngoại đạo không biết?)
Tôi đã chuẩn bị cho mình cổng vào phòng tranh của Nguyễn Quang Thiều như thế này.
Tranh của Thiều là tranh Siêu thực. Nghệ thuật Siêu thực phá vỡ cấu trúc logic của sự vật, đưa vào tranh những hoang tưởng, những phi lý, những ngẫu nhiên; phá vỡ nhận thức logic của người xem tranh, lật nhào mọi thói quen nhận thức theo kiểu lấy logic hiện thực đo chân lý nghệ thuật. Vì thế nếu đọc tranh của Thiều bằng cái nhìn hiện thực, quán chiếu theo logic lý trí thì sẽ thất bại. Bởi tất cả hình ảnh trong tranh Thiều, dù có mang bóng dáng của hiện thực, đều là những hình ảnh biểu tượng trong liên tưởng vô thức của tác giả. Không có không gian thực, không có thời gian thực, và những gì được vẽ ra không phải là đời thực. Vấn đề là khám phá cho ra những hình ảnh ấy biều tượng cho cái gì và người họa sĩ vẽ tranh dùng nó để nói điều gì?
Hình ảnh Siêu thực cũng là một hệ thống “mở”, cho phép người đọc dùng mọi chìa khóa văn hóa để liên tưởng, mở ra những cách hiểu, lấp đầy những khoảng trống văn bản, hoặc khám phá ra những ý nghĩa khác của ký hiệu mà tác giả không ngờ tới. Nói cách khác, người đọc hiện đại đọc tác phẩm theo cách tiếp cận của mình, và vì thế nhiều khi họ khám ra những điều không phải là thông điệp của tác giả. Nghĩa của văn bản là nghĩa của người đọc khi đọc đọc ký hiệu văn bản.
Công việc của tôi là, dùng Ký hiệu học để giải mã những hình ảnh Nguyễn Quang Thiều đã chuyển thành biểu tượng nghệ thuật. Tôi cũng dùng Cấu trúc luận để tìm cấu trúc tổng thể trong ý thức sáng tạo của người họa sĩ. Chính cấu trúc này giúp việc tìm ra ý nghĩa, bởi nghĩa nằm trong cấu trúc. Và dùng Giải Cấu trúc để lấp đầy những khoảng trống văn bản theo những quy chiếu của Cộng đồng diễn dịch và Tầm đón đợi của người đọc. Tất nhiên là không thể thiếu tri thức về các trường phái hội họa…
Nhan đề Người thổi sáogợi cho tôi tên bài hát The Piper của Abba. Bài hát có hình ảnh này nhưng trong tranh Nguyễn Quang Thiều không có:
We’re all following the piper
And we dance beneath the moon
(Tạm dịch:Tất cả chúng tôi đang theo người thổi sáo/ Và chúng tôi khiêu vũ dưới mặt trăng).
Tôi rời Abba để lần theo truyện dân gian Trương Chi thổi sáo bên sông làm Mỵ Nương đắm say. Nhưng tranh của Thiều, người thổi sáo không ngồi bên sông, và cũng không có dòng sông nào. Tôi lại lần theo chuyện anh Điều mù thổi sáo bài Tiến quân ca mà nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng đó là “cả vũ trụ đau đớn bi thương sát kề khiến chúng ta không thể quay mặt” (Hữu Thỉnh, Bến văn & Những vòng sóng. Nxb HNV 2020, tr.406). Nhìn bức tranh người mù thổi sáo của Nguyễn Quang Thiều, tôi cũng không thấy “vũ trụ bi thương” này.
Nói như thế để thấy Nguyễn Quang Thiều không chịu ảnh hưởng phương Tây hay phương Đông khi sáng tạo hình tượng Người thổi sáo này. Người thổi sáo là hình tượng sáng tạo riêng của nhà thơ Nguyễn Quag Thiều trong trong thế giới nghệ thuật của riêng ông.
Và may mắn tôi tìm được lời giải thích.
Người mù thổi sáo có nguyên mẫu là một người thực. Thông tin của Nhóm Nhân sĩ Hà Đông cho biết: “Người Thổi Sáo cũng liên quan đến một câu chuyện trong đời của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Đó là những ngày tháng ông mang một nỗi phiền muộn mà không thể thoát ra được. Một sáng có một người thổi sáo mù đi qua nơi ông ngồi uống cà phê ở thị xã Hà Đông. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã cầu khẩn người thổi sáo mù thổi cho ông một khúc nào đó mà người thổi sáo mù muốn. Người thổi sáo mù ấy đã nhìn ông rất lâu bằng đôi mắt mù và nâng sáo lên thổi. Giai điệu của khúc sáo ấy đã chạm vào một nơi chốn nào đó trong con người ông và thay đổi ông. Những phiền muộn trong lòng ông bấy lâu nay đã tan biến. Những tháng ngày sau, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã luôn ngồi ở quán cà phê vỉa hè ấy để mong gặp lại người thổi sáo mù. Nhưng ông không bao giờ thấy người thổi sáo mù đi qua nữa. Có lẽ mỗi người trong đời chỉ được một lần nghe thấy giai điệu ấy”.[2]
Câu chuyện này có thể giúp ta đọc tranh của Nguyễn Quang Thiều. Những mảng màu sậm (đen, nâu, tím đen, xanh đen, nâu đen. Có rất ít màu đỏ) chiếm đa phần trong tranh của Thiều chính là sự trầm tư và “một nỗi phiền muộn mà không thể thoát ra được”và người thổi sáo mù đã làm tan đi những nỗi muộn phiền ấy (mảng màu sáng: Màu vàng, màu xanh, màu trắng). Còn lại, những hình ảnh trong tranh có thể hé lộ Nguyễn Quang Thiều trầm tư về những vấn đề gì. “Triển lãm của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chỉ là sự bày tỏ con người ông, một con người như mọi con người trên mặt đất này và không có gì hơn nữa.”[2.đd]
Như vậy, vấn đề trung tâm của tranh Nguyễn Quang Thiều là vấn đề ”Con Người”.
CHIM, CÁ – BƯỚM VÀ ỐNG SÁO
Trong rất nhiều tranh của Nguyễn Quang Thiều, hình ảnh chim, cá, bướm, ống sáo luôn hiện diện. Và kèm theo đó là hình ảnh người đàn ông, hoặc người đàn bà hoặc hình ảnh nam nữ đang giao hoan. Có bức tranh vẽ người đàn bà, con cá và một con chim lớn. Có tranh vẽ người đàn ông khỏa thân với đầu chim, rắn và con cá. Có bức tranh vẽ đôi nam nữ với có hai con chim, trên người nhân vật nữ là những con bướm; có tranh vẽ một phụ nữ khỏa thân với con bướm và con chim gần đó…(xem hình 2)
Trong dân gian, chim được dùng để gọi bộ phận sinh dục nam. Cá, bướm dùng để gọi bộ phận sinh dục nữ. Như vậy trong tranh của Nguyễn Quang Thiều, hình ảnh chim, ống sáo là biểu tượng cho bộ phận sinh dục nam. Hình ảnh bướm và cá là biều tượng bộ phận sinh dục nữ. Tranh nào cũng có những biểu tượng này, đó chính là sự bộc lộ những ẩn ức tính dục. Con người lừ lúc sinh ra cho đến hết cuộc đời, luôn bị ám ảnh, chi phối bởi bản năng tính dục. Đấy là sự thật, và chính tính dục đã gây nên bao tội lỗi. Cho nên bức tranh người đàn ông thổi sáo, xung quanh rất nhiều bướm, trước hết anh ta bị bao vây bởi tính dục. Đó là Con Người. Bức tranh có hình con rắn phải chăng là sự cám dỗ tính dục (trong Kinh Thánh: Eva bị con rắn dụ dỗ ăn trái cấm sau đó rủ Adam ăn theo, và cả hai phạm tội bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng).
Nhưng cần lưu ý rằng, Nguyễn Quang Thiều không vẽ những biều tượng sinh dục hoặc vẽ tranh khỏa thân để miêu tả tính dục (mặc dù có hình ảnh nam khỏa thân, nữ khỏa thân và đôi nam nữ nằm bên nhau khỏa thân). Tính dục trong tranh Nguyễn Quang Thiều đã thăng hoa thành “Cái đẹp”. Vì thế người xem tranh cảm nhận được ngay cái đẹp mà không bị chi phối bởi bất cứ cảm giác tính dục nào. Đó chính là nghệ thuật. Điều này Phân Tâm học đã lý giải. Chẳng hạn, hình ảnh bướm-chim trở thành biểu tượng đa nghĩa. Trong tranh của Thiều, chim có thể là bồ câu đá, hay bồ câu trắng, chim sáo hay con quạ đen. Những hình ảnh này vận động trong những trường nghĩa khác nhau tương quan cấu trúc với những hình ảnh khác.
NGƯỜI THỔI SÁO
Người đàn ông thổi sáo trong tranh Nguyễn Quang Thiều đều đầu trọc. Tục ngữ có câu: Nắm thằng có tóc ai nắm thằng trọc đầu. Hình ảnh người đàn ông trọc đầu là biểu tượng cho Con người trần trụi (không có gì cả). Hình ảnh người đàn ông mặc áo vàng, áo nâu có thể gợi ra Thiền sư (con người giác ngộ), và ngay cả con người giác ngộ ấy cũng vẫn bị “Chim /ống sáo – Cá/ bướm” ám ảnh (tức là ám ảnh tính dục. Trong thực tế đã có những người tu hành sa ngã vì tính dục). Tất nhiên, người đàn ông trong tranh Nguyễn Quang Thiều không chỉ có thế.
Tranh vẽ người đàn ông nhắm mắt (mù) hay mắt dán miếng giấy báo (tranh1, 3-thông tin), hoặc ở vị trí hai con mắt là hình ảnh đàn cá (tranh 2)…Họ không có chân dung riêng nên hình ảnh họ là biểu tượng cho Con Người hiện đại (vì tin tức cập nhật hàng ngày). Họ bị vong thân bởi thông tin (mắt bị dán những dòng tin) hoặc họ bận tâm những vấn đề đương đại (chuyện Formosa cá chết chẳng hạn) hoặc giả rằng, họ có thấy nhiều vấn đề xã hội song cứ nhắm mắt lại (hình ảnh con sâu, con chuộc, con chim đen, con rắn…là biểu tượng cho cái xấu (ảnh 3) …; cây thập tự biểu tượng cho vấn đề tôn giáo; cái đầu rỗng biểu tượng cho sự vô vảm, vô nhân tính. Có cả một mặt người đen với 2 con mắt sáng, như những kẻ rình rập trong bóng tối, hay một sự đe dọa mà Con người không thể trốn thoát được.
Người thổi sáo làm thức tỉnh, làm thăng hoa mọi hoàn cảnh (ảnh 5). Khi người thổi sáo ngưng thổi (ảnh 8 từ trên xuống), tất cả chỉ còn lại là chim bồ câu trắng đậu trên đầu (hòa bình trong tâm hồn), và chim bồ câu trắng trên ống sáo (cái đẹp an lành). Bức tranh người đàn ông mặc áo vàng tay ôm cái hũ nhỏ (ảnh 9 từ trên xuống)), không rõ đó là hũ nước, hũ rựơu, hũ đựng hạt giống hay hũ đựng tro cốt? Tôi nghĩ vị Thiền sư đang ôm hũ cốt tro của mình (điều này có thể không đúng với chủ ý của Nguyễn Quang Thiều).
Con Người đã được giải thoát, tự ôm hũ tro cốt của mình tồn tại trong Cái Đẹp sáng láng. Trong bức tranh này không có bướm hay con cá. Chỉ có màu vàng rực rỡ của sự thăng hoa và màu xanh lá cây của sự sống tràn ngập không gian. Con Người đã “vượt qua” tất cả để đạt đến cõi tịnh không. Con chim đậu trên đầu người là chim bồ câu hiền lành và ống sáo đã thành nghệ thuật (không còn là nhân vật chính với màu sắc đậm). Nguyễn Quang Thiều đã đụng chạm đến nhiều vấn đề tư tưởng và xã hội, song , trên tất cả là tư tưởng: “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”(F.M.Dostoyevsky)
THIÊN ĐƯỜNG
(xem hình 4&5. Thứ tự tranh đếm từ trái sang phải, từ trên xuống dưới)
Trong bức tranh (1), con người bị vùi lấp trong bao nhiêu thứ đen tối (màu đen-tối chiếm phần lớn), không gian tranh chật chội vô cùng (có bao nhiêu thứ cùng chen lấn và có nhiều mặt người, có cả bóng người và cây thập tự xiêu vẹo biểu tượng cho nghĩa trang-sự chết), có một bàn tay mà lòng bàn tay có dấu đinh đưa lên. Trên góc trái là chữ Jesus, tôi hiểu đó là tiếng kêu cứu.
Ở bức tranh (2) Có một người trên cây thập tự choán gần hết bức tranh, một chén như thể Chén thánh. Dưới chân Thánh giá là bốn phụ nữ đang mang thai, tay ôm bụng, đi về phía trước (cưu mang sự sống). Trên cùng góc trái có người thổi kèn (trong Kinh Thánh, đó là thiên thần thổi kèn (Mt 24,31) gọi người chết sống lại trong ngày cánh chung). Trên đầu thánh giá có một cành lá (có thể hiểu đó là cành nguyệt quế sự sống lại đã chiến thắng). Toàn bộ không gian tranh toát ra ánh sáng, niềm vui (như niềm vui Phục Sinh; xin đọc các bài thơ Dưới cái cây ánh sáng và Linh hồn những con bò của Nguyễn Quang Thiều).
Tranh (3) là hạnh phúc trong vườn địa đàng.
Tranh (4) là đoàn người đem theo giỏ hoa chúc mừng
Tranh (5) là thánh đường rực sáng. Tranh (6) là trên trời nở hoa.
Các tranh còn lại là con người bình an trong hạnh phúc, con người bay lên với những ước mơ.
Như vậy Tư tưởng về Con người trong tranh Nguyễn Quang Thiều đã rõ. Đó là một tư tưởng hùng tráng, con người tự giải thoát và tìm lại được vườn địa đàng của mình. Tôi đọc niềm hân hoan vô biên của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khi từ bóng tối (trầm tư) đi ra ánh sáng của Phục sinh (tự giải thoát) khi ông được người thổi sáo mù lay động. Người ấy chỉ đến một lần rồi đi (không gặp lại), người ấy chỉ thổi một khúc nhạc (không rõ là bài gì) nhưng ta hiểu rằng những gì người ấy truyền cho Nguyễn Quang Thiều phải là chìa khóa mở ra chân lý. Nếu tiếng kèn của Thiên sứ trong Kinh thánh là tiếng gọi Phục sinh thì tiếng sáo của người thổi sáo cũng mang một ý nghĩa ấy. Trong Kinh thánh cũng có người mù được chữa lành (Mt 9, 27-31), và anh ta đi rao truyền Tin Mừng ấy cho mọi người, phải chăng người mù thổi sáo mà Nguyễn Quang Thiều gặp chính là ông ta? Và những bức tranh Thiều vẽ là để truyền đi thông điệp mà người mù thổi sáo đã trao gửi? Thông điệp ấy là: Hãy là người thổi sáo (hình 1) và hãy giữ lấy tro cốt của chính mình (hình 3, ảnh 9) ?
Đọc tranh Nguyễn Quang Thiều như vậy thì thật thú vị, bởi nếu chỉ nhìn thấy cái đẹp của những mảng màu, nhìn thấy những cái “không giống ai” trong tranh Thiều (tức là sự độc đáo sáng tạo) thì nào có ích gì? Tôi tin là với Nguyễn Quang Thiều “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”(F.M.Dostoyevsky).
Xin chúc mừng nhà thơ, người họa sĩ tài hoa Nguyễn Quang Thiều.
(Có điều gì không phải trong bài viết, xin bỏ quá cho kẻ ngoại đạo với hội họa này)
Tháng 01/2021
__________________________________________
Ghi chú
[1] https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/di-san-my-thuat-san-khau/nguyen-quang-thieu-da-chon-giong-chinh-xac-hoi-hoa-cua-minh-la-mong-du-703529.html[2] http://trannhuong.net/tin-tuc-55250/vai-thong-tin-ve-trien-lam-%E2%80%9Cnguoi-thoi-sao%E2%80%9D-cua-nguyen-quang-thieu.vhtm