Những khuôn mặt thơ ca Công giáo đương đại
“LỜI TỰ TÌNH CỦA BẾN TRẦN GIAN”
(Tập thơ của Lê Đình Bảng. Nxb Tôn Giáo 2012)
Bùi Công Thuấn
Nhà thơ Lê Đình Bảng [*] có nhiều tập thơ đặc sắc.Quỳ trước đền vàng (2010) là tập thơ có những khám phá riêng về vẻ đẹp của Đức Maria [1]. Hành hương (2011) là tập thơ hành hương về những miền nguồn cội thi ca Công giáo bộc lộc đặc sắc thi pháp thơ Lê Đình Bảng [2]. “Lời tự tình của bến trần gian” (2012) là một tập thơ tình yêu, thơ tự tình của người trần gian nhưng vẫn được ướp hương thánh thiện.
“Lời tự tình của bến trần gian” có 112 bài thơ với lời giới thiệu của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (hiện là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam). Tập thơ cũng in kèm 72 bài nhạc của 15 nhạc sĩ tên tuổi trong làng Thánh ca Công giáo phổ thơ trong tập Lời tự tình của bến trần gian. Riêng nhạc sĩ Hải Triều phổ 41 bài. Có lẽ đây là một tập thơ có con số kỷ lục bài được phổ nhạc. Điều ấy là sự gặp gỡ kỳ diệu của thơ và nhạc. Và chính thơ đã đem đến cảm xúc âm nhạc cho nhiều nhạc sĩ (Vì là thơ của “bến trần gian”, nên ca khúc không phải là Thánh ca phụng vụ, nhưng là một dòng ca khúc đặc biệt mang âm hưởng tình ca thánh thiện).
LỜI TỰ TÌNH CỦA TÌNH YÊU
Thơ tình Việt Nam đã có những đỉnh thi sơn mà tên tuổi được ghi vào lịch sử văn học dân tộc. Hồ Xuân Hương, Tản Đà, Phan Khôi, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Xuân Quỳnh, Phạm Thiên Thư, Nguyên Sa…Mỗi người một vẻ, các nhà thơ đã làm giàu có đời sống tinh thần của một thời.
Thơ tình Lê Đình Bảng có những đóng góp đặc sắc gì về tư tưởng và nghệ thuật?
Xin đọc một bài
THÔI ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI
Thơ Lê Đình Bảng
Hôm qua đi lễ khấn dòng
Nhìn em đăm đắm tựa bông hoa quỳ
Ta về đọc truyện Trương Chi
Thì ra, người ấy cũng y như mình
Cũng buồn cũng nhớ mông mênh
Cũng tương tư cả giờ kinh sớm chiều
Thì ra, từ buổi em yêu
Nụ tầm xuân đã thành điều thiêng liêng
Bây giờ ngày tháng ra Giêng
Em là của Chúa của riêng nhà dòng
Mỗi lần ra đứng trông mong
Gửi hương cho gió vào trong tường rào
Gửi thêm một chút chênh chao
Nhỡ mai cách trở ba đào, dặm khơi
Sông nào rẽ khúc ngăn đôi
Em như thánh nữ, ta người trần gian
Cũng là bụi đất tro than
Sao ta nguội lạnh, em nhân đức dày
Cũng là đầu ngọn heo may
Ta đêm bóng tối, em ngày trời trong
Hai con đường thẳng song song
Chia nhau nỗi nhớ, nửa trong nửa ngoài
Thế rồi, chiều nắng, mưa mai
Cách chia đâu phải dặm dài đường xa
Em về bên ấy hương hoa
Buồn, ta ra đứng ngã ba sông dài
(Sài gòn 1975)
Đó là chuyện tình của “người trần gian với thánh nữ”. Người con gái ấy hình như không thuộc về trần gian. – Em là của Chúa của riêng nhà Dòng”. Tuổi thanh xuân của em, “Nụ tầm xuân đã thành điều thiêng liêng”. Chỉ có “Ta” tương tư, buồn nhớ mênh mông, như chuyện tình Trương Chi. Cách ngăn không xa nhưng hai người như hai đường thẳng song song. Thời gian cứ phôi pha, “Thế rồi, chiều nắng, mưa phai”, và ta khôn nguôi thương nhớ: “Em về bên ấy hương hoa/ Buồn, ta ra đứng ngã ba sông dài”. Ta đi lễ khấn dòng của em về mà lòng đầy tâm trạng, mà lẽ ra phải chúc mừng em, phải chia vui với em. Chỉ có nỗi buồn và sự trông mong để gửi vào trong tường rao nhà dòng cho em “chút hương” và cả chút “chênh chao” (nghiêng lệch chao đảo của tâm hồn) để em hiểu lòng ta. Nhưng tất cả đã cách ngăn.
Người đọc nhân ra ngay phải chăng đây là một mối tình đơn phương. Anh nhận ra, em ngày càng xa cách trong không gian, thời gian. Và trong em không có chút hình bóng nào của anh, không một sợi tơ vương bụi trần nào vướng gót chân em. Bởi “Em là của Chúa, của riêng nhà dòng”. Ta và em không chỉ cách trở bằng tường rào nhà dòng, mà còn “cách trở ba đào, dặm khơi”. Nhà thơ đã diễn tả nỗi nhớ thương đằng đẵng trong thời gian bằng những tứ thơ rất tuyệt. Nhớ mênh mông trong cả giờ kinh sớm chiều, “Cũng là đầu ngọn heo may (mùa đông)/ Ta đêm bóng tối, em ngày trời trong”. Nhớ em cả đêm ngày, từ đầu xuân ra Giêng đến khi gió heo may về (mùa đông). Chỉ còn lại nỗi buồn, không biết gửi về đâu: “Buồn, ta ra đứng ngã ba sông dài”. Tại sao người thơ lại ra đứng ở ngã ba sông dài? Con sông dài ấy chính là nỗi buồn mênh mông của người thơ. Nó gợi lại một tứ thơ cổ điển của Huy Cận: “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp” (Tràng Giang)
Những điều vừa trình bày trên đã lộ ra những “cái mới” của thơ tình Lê Đình Bảng
trong dòng chảy thơ tình, chuyện tình Việt Nam. Tình Lan và Điệp (Tắt lửa lòng – Nguyễn Công Hoan) là tình của người thất tình đi tu. Tình của chú tiển Lan trong Hồn Bướm mơ tiên (Khái Hưng) là tình của người chạy trốn. Chú tiểu Lan ngày ngày niệm Phật nhưng nhưng trái tim lại gửi dưới hồng trần. Tình yêu trong thơ Xuân Diệu là tình yêu nhục thể (sau này người ta phát hiện ra đó là “tình trai”). Trong thơ T.T.K.H, tình yêu rướm máu trên mỗi câu thơ. Động hoa vàng của Phạm Thiên Thư (100 khổ thơ) là tình yêu “nhập niết bàn” (“Vào hang núi nhập niết bàn/ Tinh anh nở đoá hoa vàng cửa khe”). Tình yêu trong thơ Nguyên Sa (Áo lụa Hà Đông, Tuổi mười ba…), trong thơ Nguyễn Tất Nhiên (Cô Bắc kỳ nho nhỏ; Ma Soeur…) là tình yêu của đời thường (tương phản với tình yêu trong thơ Lãng Mạn 1930-1945. Tất nhiên, còn một dòng chảy khác là thơ về tình yêu trong chiến tranh (Màu Tím hoa sim – Hữu Loan; Tha La xóm đạo. 1950-Vũ Anh Khanh; Núi Đôi – Vũ Cao; Cuộc chia ly màu đỏ – Nguyễn Mỹ; Sóng –Xuân Quỳnh…). Thơ tình trong chiến tranh đậm màu sắc lý tưởng, tràn ngập lửa đạn hy sinh, và nỗi niềm khôn nguôi với quê hương.
Thơ tình Lê Đình Bảng có cái trong ngần, thanh khiết của hồn thơ. Không một chút gợn của cảm xúc nhục thể. Buồn mênh mông, ngóng trông vời vợi, biết là hai người là hai đường song song, nhưng không tuyệt vọng, không hư vô. Yêu em, Ta nhận ra mình là “bến trần gian”, một sự tương phản cách biệt, nhưng lại dung chứa nhau bởi “người ấy cũng y như mình”, cũng là tro bụi, cũng cùng một tình cảnh.
“Sông nào rẽ khúc ngăn đôi
Em như thánh nữ, ta người trần gian…
…Cũng là bụi đất tro than
Sao ta nguội lạnh, em nhân đức dày
Cũng là đầu ngọn heo may
Ta đêm bóng tối, em ngày trời trong”
Sự soi chiếu vào em để nhận ra Ta là “bến trần gian”, ta nguội lạnh, ta đêm bóng tối là điều làm cho thơ Lê Đình Bảng khác hẳn với thơ tình của những nam nhân khác. Trong thơ của nam nhân, “nam tính” có sự vượt trội giữa anh và em, và nam tính trực tiếp bộc lộc nhục cảm, có sức càn lướt.
Hãy để môi rót rượu vào môi
Hãy cầm tay bằng ngón tay bấn loạn
(Tháng sáu trời mưa-Nguyên Sa)
Để anh còn dắt cô đi dạo
Còn rủ cô vào rạp cải lương
(Cô Bắc Kỳ nho nhỏ-Nguyễn Tất Nhiên)
Thì thôi tóc ấy phù vân
Thì thôi lệ ấy còn ngần dáng sương
Thì thôi mù phố xe đường
Thôi thì thôi nhé đoạn trường thế thôi
(Động hoa vàng-khổ 22-Phạm Thiên Thư)
Với Lê Đình Bảng, nhân vật em là “cô gái Sion trong Kinh Thánh, Bồ câu của Nhã ca, và là thánh nữ” mà nhân vật Anh không thể tiếp cận như một người trần gian. Anh hướng về em là nhìn lên một vẻ đẹp tinh tuyền,” Cái Đẹp Tuyệt Đối”. Em rạng ngời như ánh dương, Em mát trong như trăng ngàn, Em hồn nhiên như thiên thần. Mọi thứ trần gian quanh em đều mờ đi, kể cả Anh. Em chiếm ngự tâm hồn anh và trở thành ngôi sao soi dẫn anh suốt cuộc đời
Bởi khởi đầu của tình yêu là những kỷ niệm thánh thiêng
Khi ấy, em lên mưới sáu tuổi
Tôi từ trường Tập về quê chơi
Bỏ quên kinh sách trong nhà Chúa
làm kẻ chầu nhưng suốt cả đời…
(Thơ tình gửi Dalida )
Em còn nhớ mỗi thứ Năm, Chúa Nhật
Xong lễ về, tôi đợi dưới vòm cây
Ở ngã tư mà em vẫn qua đây
Thuở hai đứa mới mười lăm mười bảy
Hai cánh cổng, giàn hoa leo bông giấy
Lời kinh thơm như là kẹo mạch nha
Vì lễ đầu dòng vừa mới hôm qua
Trong khăn lúp còn rưng rưng lời khấn
(Lễ đầu dòng)
Đêm nay, nhớ đốt trầm, chờ nhau nhé
Lễ nửa đêm, theo kiệu Chúa Hài đồng
Con đường vòng, hai đứa bước song song
Hai ngọn nến, một đức tin ngời sáng
(Nhã ca lễ nửa đêm)
-Tôi ngắm đứng, chờ em lên dâng hạt
Sao lời kinh, điệu vãn cứ nao lòng
Hình như là ơn Chúa ngấm vào trong
hành máu thịt chở đức tin, lòng đạo
(Nơi thiên đường ký ức)
Cũng có lúc mơ ước cõi trần gian “đầu gối, tay ấp”:
Ngày mai em có lên đền thánh
Ra ngắm rừng dương xanh bóng kia
Đã tới mùa chim quyên xuống đất
Từng đôi trong vườn rợp hoa kề…
…Em hát những bài ca Thánh vịnh
Cơ hồ mật ngọt và bùa mê
Lòng tin em đỡ đần tay gối
Đầu ấp cho ta nỗi nhọc nhằn
(Em lên đền thánh)
Người đọc không thể hiểu tại sao tình đơn phương ấy lại theo Anh suốt cả cuộc đời, cả trong chiêm bao. Sự thật Em chính là Cái Đẹp tuyệt đối mà anh hướng về. Anh thấy, lúc sắp qua đời, Anh gọi em là thánh nữ.
Vì tôi trót vụng đường tu
Bao năm nặng gánh tương tư với người
(Sơn tinh Thủy tinh)
Dưng không trước lúc qua đời
Gọi em mấy bận sang chơi bên nhà
Maria, Maria
Em là thánh nữ, em là người yêu
(Chiêm bao)
Một nỗi buồn trăn trở mãi trong tâm thức người thơ. Nỗi buồn bao trùm không gian thời gian, Không phải là thất tình kiểu trai gái yêu nhau, mà là sự tìm kiếm Cái Đẹp tuyệt đối mà người ở bến trần gian chưa với tới được.
Buồn đâu ở tận thinh không
Cơn mê sũng ướt đầy đồng mưa rơi
(Buồn)
Em vẫn giong thuyền sang đất hứa
Đêm khuya, nguyệt lạnh chỗ ta ngồi
(Gửi ngưởi biên viễn )
…Từ em đầu hạt mưa tuôn
Từ ta ra ngã ba đường, vời trông
Ngọn cồn, bóng núi mênh mông
Nhớ nhung, xin hẹn một lòng hôm mai
(Đôi bờ)
Em như cây cải về trời
Để ta ngóng đợi một đời hư vô
(Một lời thác sinh)
Mai kia trong cõi vô cùng
Một vun nước nhạt, một lưng cơm thừa
Lạy trời bên ấy dăng mưa
Để tôi đứng đợi sau bờ dậu kia
Chờ khi xong lễ, em về
Bâng khuâng gió rét buồn nghe trong cành
(Bâng khuâng)
Và không ít nước mắt, nhưng nén vào trong lòng.
Ngày mai em có lên nhà mẹ
Xanh mấy trùng khơi, cách mấy sông
Nước mắt chực rơi, rồi nén lại
Đi, về đôi ngả, nước mênh mông
Chờ ngô ra bắp thêm mùa nữa
Khi cánh đống vừa gặt lúa xong
Gió đã đổi chiều ra gió chướng
Mà thôi, giấu nỗi buồn vào trong
(Em về bên ấy có bình yên)
Bao giờ hạt lệ phôi pha
Từ em khóc giấu, từ ta thương thẩm
(Mộ khúc)
Ước gì em đến bên tôi
Hai bên hàng ghế song đôi nguyện cẦu…
…Cõi trầm hương rất nguy nga
Nghe tuôn lá động, nghe nhòa lụy rơi
(lời khần nhỏ chiều Chúa nhật )
Cũng đành một buổi phân ly
Vời trông theo bóng người đi mưa nhòa
(Người về đầu non)
Từ em xa chẳng gần bên
Sẻ chia nước mắt, nhân lên nụ cười
(Quê nhà)
Không thể tìm thấy những nét chân dung cụ thể của một người yêu trần gian trong thơ tình Lê Đình Bảng. Không thể định vị nhân vật Em trong tình yêu của nhà thơ bằng không gian, thời gian, bằng những kỷ niệm, những tình huống như những người yêu trần gian của Hàn Mạc Tử. Cũng không thể tìm thấy những cảm xúc nhục thể nam nữ trong những lời tình mê đắm của thơ Lê Đình Bảng. Nhân vật Em ấy, một nữ tu, một cô gái Sion, một thánh nữ, chỉ có thể là Cái đẹp tuyệt đối mà nhà thơ suốt đời ủ ấp trong tim. Chỉ có điều, “bến trần gian” còn xa cõi trời quá, cho nên người thơ vẫn hoài ngóng trông.
Hoa kia nở trong vườn rào kín
Của thánh, nào đâu phải của mình
Của một đời hương hoa đạo hạnh
Của vâng lời, nghèo khó, đồng trinh
(Lời tự tình của bến trần gian)
VẺ ĐẸP THƠ TÌNH CỦA LÊ ĐÌNH BẢNG
Ngoài vẻ đẹp về nội dung và tư tưởng, thơ tình lê Đình Bảng có vẻ đẹp riêng về nghệ thuật ở nhiều yếu tố thi pháp.
Lê Đình Bảng đưa vào thơ thi liệu lấy từ bối cảnh đời sống sinh hoạt lễ hội Công giáo, điều này là một cách làm giàu thơ tình Việt Nam. Đối với giáo dân Công giáo, những sinh hoạt lễ hội ở nhà thờ là điều rất bình thường, nhưng chính nhà thơ là người phát hiện ra cái đẹp mới mẻ này.
Em có nhớ từ lễ Tro ra tết
Từ Giêng, Hai trong cái rét nàng Bân
Nắng ngọt ngào từ hơi ấm trong chăn
Quê nhà ta cũng vào mùa thương khó
Và khi ấy dọc đường hoa xoan nở
Ội, loài hoa chịu phép rửa muộn màng
Như kẻ trộm vừa được phúc ăn năn
Đến tắm mát ở đầu nguồn Cứu Rỗi
Những tuần chay, mình xếp hàng xưng tội
Lòng bâng khuâng nghe chim hót ngoài vườn…
(Hoa xoan mùa thương khó)
Giục giã lời kinh thơm nắng gió
Thiêng liêng câu hát đượm hương trời
Nô –en về vàng rực lúa ngô phơi
Những mắt biếc với môi trầm rạng rỡ
Ước gì mình sánh bước song đôi
Đêm rất thánh quỳ bên nhau lặng lẽ
(Rước tình)
Đêm nay, nhớ đốt trầm, chờ nhau nhé
Lễ nửa đêm, theo kiệu Chúa Hài đồng
Con đường vòng, hai đứa bước song song
Hai ngọn nến, một đức tin ngời sáng
(Nhã ca lễ nửa đêm)
Nhớ mùa chay trước em qua
Thứ Năm đi lễ Đức Cha Truyền Dầu
Hai lòng đã bén duyên lâu
Cứ như lá rét tìm nhau trong cành
Ta nhìn trong mắt em xanh
Hoa xoan tim tím mỏng manh. Ô kìa
Ở nơi vòm cửa bên kia
Có đôi chim mới tha về cọng rơm
Lúa mùa con gái đương thơm
Hay hương tóc của chiều hôm lên đền
(Mùa chay)
Mời em, xin nhảy mừng cho thỏa
Theo những tình nhân vui sánh đôi
Ở đấy lúa đồng chiêm chín tới
Lời quyên ca ríu rít vàng mười
(Hương mùa mới)
Đọc những câu thơ trên, người đọc còn nhận ra một điều mới lạ khác trong thi pháp thơ tình Lê Đình Bảng. Thơ tình Lê Đình Bảng gắn liền với khung cảnh thiên nhiên làng quê. Nơi ấy đẹp sững sờ: “Lúa mùa con gái đương thơm”, “dọc đường hoa xoan nở”, “nắng ngọt ngào” “trong cái rét nàng Bân”; “Nô –en về vàng rực lúa ngô phơi/ Những mắt biếc với môi trầm rạng rỡ”…
Cho nên lễ hội Công giáo ở thôn quê vừa ngân vang lời kinh, tiếng hát, tiếng chuông, tiếng chim trong vườn; vừa ướp trong hương hoa, hương lúa, hương đất, và “hương tóc của chiều hôm lên đền”…Trong thơ ca tình yêu Việt, những chất liệu, thi tứ, cảm xúc đó thật mới mẻ, có sức gây nghiện. Người đọc không chỉ cảm nhận thơ hay mà còn nhận ra những nét rất đẹp mà làng quê Công giáo đem vào đời sống văn hóa Việt.
Đi vào thế giới thơ tình Lê Đình Bảng, người đọc còn nghe đâu đây dư âm những câu thơ Kiều, thấy lấp lánh cái duyên dáng trong cách kể chuyện của Nguyễn Bính, cảm cái đồng điệu tài hoa sang trọng của thơ Phạm Thiên Thư (nhưng rất khác về tư tưởng. Phạm Thiên Thư viết theo nhãn quan Thiền – Lê Đình Bãng viết dưới ánh sáng Mỹ học Kitô giáo), và hơn thế, Lê Đình Bảng làm mới thơ cổ điển (thơ Đường-Lý Bạch, Bạch Cư Dị) bằng những tứ thơ rất khoáng đạt đậm Việt tính. Không gian và thời gian được mở ra rất rộng, thế giới tâm tưởng trôi chảy miên viễn đến vô cùng, thoát ra khỏi cái không gian chật chội của Thơ Mới (1930-1945): “Hai mươi bốn năm xưa/ một đêm vừa gió lại vừa mưa/ Dưới ngọn đèn mờ/ trong gian nhà nhỏ/ hai cái đầu xanh kề nhau than thở…”(Tình Già-Phan Khôi)
Xin hãy bay theo cánh thơ Lê Đình Bảng
Từ em chẳng thấy tăm hơi
Từ em bóng nắng gương soi nhạt nhòa
Tôi về quê mẹ quê cha
Con trăng thấp thoáng khi xa khi gần
(Quê nhà)
Những chiều buồn bã thinh không
Em đi khói ngất vời trông quê nhà
Bao giờ mở hội, tôi qua
Lễ xa bên ấy bằng ba lễ gần
(Lễ xa lễ gần)
Em đi biền biệt chưa về
Mấy mùa sông lấp còn nghe gió đàn
(Sa mạc)
Lạy trời, đổ xuống sương mưa
Chân mây mặt đất lưng bờ tràng giang
Dặn dò sông cứ mênh mang
Để ta phiêu bạt với ngàn long đong
…Khi không chiều lại trông chiều
Gửi em đây cả trăm điều xót xa
(Lạy trời đổ mưa sương )
Hỏi người, rặng liễu kia xanh
Có còn in những bóng hình hồng nhan?
Ta về, hỏi khắp dương gian
Trong vuông áo mỏng cơ hàn ngày xưa
(Cố hương)
Từ em cách trở quan san
Ta nương cánh gió trăng ngàn miền khơi
Lặng thầm khi những tăm hơi
Non phơi đầu bãi, non phơi bóng mình
(Những miền xa khơi)
Ở đây chiều rét không mùa
Vào ra sớm vắng, buồn trưa, mưa chiều
Ở đây trời vẫn trong veo
Hình như gió nói những điều thiêng liêng
(Thanh xuân)
Những tứ thơ khoáng đạt mở ra “chân mây mặt đất”, gió núi trăng ngàn, đầu non cuối bãi, những rặng liễu xanh và ngọn gió nói lời thiêng liêng bay khắp cõi dân gian, mãi trên cõi trời trong xanh, đưa tâm hồn người đọc vào cõi thơ bất tuyệt. Thơ tình Việt Nam ít có một thế giới nghệ thuật như vậy.
VẺ ĐẸP CỦA CÁI TÔI TRỮ TÌNH
Đó là một Cái Tôi dân dã, nghèo, long đong phiêu bạt nhưng vẫn thừa sang trọng. Một mình nhưng ở giữa trăng gió, hoa cỏ vây che.
Bỗng dưng ngồi nhớ trăng quê
Tình tang cơm cháo măng tre đỡ lòng
Bỗng thương cái phận long đong
Giăng câu, vó tép bên sông một mình
(Tình tang)
Tôi mỏng manh và ải giòn như lá
Nhưng bốn mùa, hoa cỏ sống vây che
(Thư nhà)
Cái Ta ấy có khí chất phương Đông: tĩnh tại, tự soi vào Tâm, hóa thân vào muôn kiếp khổ, mang nặng xác thân hư huyễn, để sẻ chia kiếp người phù du như hương bay. Và trong cái nhìn Hoa Nghiêm (con sâu cái kiến, núi non mây ngàn…, vạn pháp đều có Phật tính), Cái Ta ấy bỗng nhiên ngộ “lẽ nhiệm màu”.
Đợi người ta đã quên ta
Hóa thân dưới cội sim già trầm tư
Ôi người khổ hạnh chân tu
Còn bao nhiêu kiếp thân hư hèn này
Ta đong giọt lệ từng ngày
Gửi người trong cõi hương bay nhạt nhòa
(Dòng đời)
Mời người thả bước vô thăm
Ngó lên cao, chỗ Phật nằm tịnh không
Mây gần, nở trắng như bông
Đường tăng ơi, rũ bụi hồng về đâu?
Ta, loài cỏ kiến, chim sâu
Bỗng dưng ngộ lẽ nhiệm màu từ bi
(Trưa trên đèo Takóu)
Cái Ta ấy lại như một hành giả khổ hạnh, nương nhờ vào lượng trời và lưng cơm thừa của nhân gian, để cảm nhận cho đến tận cùng nỗi hiện sinh xót xa.
Ta dỗ dành ta không cạn hẹp
Trời cho, xin nửa trái sim già
Và lưng bát nước qua cơn khát
Để kẻ trần gian đỡ xót xa…
(Bây chừ Huế mưa)
Mai kia trong cõi vô cùng
Một vun nước nhạt, một lưng cơm thừa
Lạy trời bên ấy dăng mưa
Để tôi đứng đợi sau bờ dậu kia
(Bâng khuâng)
Nhà thơ có lúc như một khách giang hồ, một tráng sĩ qua sông Dịch, vượt qua một hành trình đầm đìa máu và thân xác đầy dấu đinh.
Nâng chén trà thơm, thơm tuyết trắng
Mài gươm đợi một chuyến sang Tần
(Quỳnh)
Dặn lòng còn chút hương hoa
Giữ giùm nhau để may ra có ngày
Bốn bề lửa đốt giăng vây
Ta nghe mướt máu. Hồn đầy dấu đinh
(Vượt qua)
Và, cốt cách là một Cái Tôi si tình
Tịnh không một tiếng thở dài
Phòng không gác khánh, mái ngoài tường rêu
Ai về, tôi ngóng trông theo
Ngẩn ngơ trưa xế, ráng chiều bặt tăm…
(Đi lễ chùa nào)
Nhưng tôi rất thích nét tiêu dao (Nam Hoa kinh-Trang Tử) này của Lê Đình Bảng
Người từ quảy lúa lên nương
Hai vai gánh nặng nhành hương nhân từ
Ta về, đọc lại thiên thư
Ngắm bông sim nở rừng Thu phong đầy
Cảm ơn bờ bụi quanh đây
Tháng giêng hoa cải vàng rây trước thềm
Ba nghìn thế giới tây riêng
Tịnh không một cõi kề bên thôn đào
Cảm ơn ngày tháng xôn xao
Đôi con chim mộng ra vào vườn mai
Cảm ơn giờ khắc khoan thai
Trăm muôn bến đợi, ngàn phai sắc vàng
Cảm ơn bầu bạn dương gian
Áo gai hài cỏ, một gian liễu bồ
Sớm chiều vài hạt lương khô
Tiếng chim ghềnh đá, giọng hò bãi sông
Cảm ơn đợt gió trên khộng
Thầm đem hơi ấm giữa lòng đương xuân
(Giữa đường thơm)
Tôi gọi đó là Cái Tôi tài hoa đậm chất phương Đông, nền nã Việt tính và nghệ sĩ tính. Cái tôi ấy tài hoa trong cách dẫn truyện, tài hoa trong dùng lời để nói những điều rất đẹp, dù là hiện thực khó nghèo. Cái Tôi ấy tài hoa ở việc tìm ra Cái Đẹp và sự chia sẻ với mọi người cái hạnh phúc thánh thiện. Tất nhiên không thể không nói đến sự tài hoa trong sử dụng những thể thơ, tài hoa trong việc thẩm thấu ca dao và những câu thơ Kiều, những điển tích phương đông và phương Tây, những tư tưởng triết học của mọi thời. Chính Cái Tôi tài hoa ấy làm nên mọi giá trị thẩm mỹ của thơ tình Lê Đình Bảng.
CHỜ NGƯỜI SẺ CHIA
Tập thơ Lời tự tình của bến trần gian còn những bài thơ sâu nặng tình quê (Tội tình, Gửi người quê lũ, Quê nhà, Mấy thương, Ơi, đồng quê ta, Về quê lúa quê chèo), những bài thơ giàu có hiện thực và đầy ắp tài hoa về những miền quê nồng đượm nghĩa tình (Về Gò Thị, Lý Cái Mơn, Ghé thăm nhà ông Đốc, Về Long Xuyên, Ơi người Cần Xây, Đêm mịt mùng Tân Châu, Thả thuyền về sông nước Cửu Long, Ai về vườn bưởi Tân Triều về Huế ; thăm Nhà dòng phố biển (Nha Trang), Về Tây Nguyên, Trưa trên đèo Takóu, Ghé thăm Kinh Bắc, Đêm ở Tràng An (tiếp nối được tâm thức thơ Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan).
Lê Đình Bảng cũng viết những bài giàu chất trí tuệ với cốt cách nghệ sĩ gửi Nguyễn Du (Thì thầm với Nguyễn Du), gửi Cố Giám Mục Giuse Vũ Duy Thống, cố Đức Ông-nhà thơ Xuân Ly Băng, nhạc sĩ Thế Thông, nhạc sĩ Phanxicô. Đọc những bài thơ này, người đọc nhận ra những khuôn mặt văn hóa lớn của văn hóa Công giáo đương đại (nhưng cũng hiểu rằng, viết về người đương thời là rất khó).
Những mảng thơ ấy chứa đựng nhiều thông điệp của trái tim nhà thơ hướng về mọi người. Nó cũng ánh lên những sắc màu khác của tài thơ và cốt cách Lê Đình Bảng, rất tiếc trong phạm vi một bài viết ngắn tôi chưa nói được điều gì, mong bạn đọc yêu quý thơ Lê Đình Bảng tiếp tục lắng nghe trong tim mình “Lời tự tình của bến trần gian”.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong lời đề tựa tập thơ có viết: “…không ít những câu thơ lục bát của nhà thơ Lê Đình Bảng đã thực sự quyến rũ tôi;…Những câu thơ lục bát đã làm nên phần cơ bản con người thi sĩ của ông”. Tôi nghĩ thêm, những bài thơ 7 chữ, 8 chữ của Lê Đình Bảng đã làm sống lại cái thi vị của Thơ Mới, mà một thời người ta đã “chôn” nó đi (Trần Dần).
Tôi nghe thấy trong thông điệp của Lê Đình bảng điều này:
Giữ gìn, đừng để phai hương
Dẫu ngày son nhạt, bước đường xa quê
(Cố hương)
Long Khánh ngày 04/5/2021
___________________________________________
[*] Nhà thơ Lê Đình Bảng đã in các tập thơ: Bước chân người Giao Chỉ (Sài gòn 1967), Hành hương (2006), Quỳ trước đền vàng (2010), Lời tự tình của bến trần gian (2012), Ơn đời một cõi mênh mang (2014), Kinh buồn (2014), và các tập thơ được phổ nhạc: Đội ơn lòng Chúa bao dung (2012), Lời khấn nhỏ chiều Chúa nhật (2012), Về cõi trời mênh mang (2012). Ngoài ra, ông còn là nhà nghiên cứu lịch sử văn học Công giáo Việt Nam. Ông đã in “Văn học Công giáo Việt Nam-Những chặng đường” (2010), và bộ sách “Ở thượng nguồn thi ca Công giáo Việt Nam” (2009) gồm 6 cuốn, 4.088 trang in do ông sưu tầm, nghiên cứu…[1]https://buicongthuan.wordpress.com/2020/06/24/tho-le-dinh-bang-quy-truoc-den-vang/[2] https://buicongthuan.wordpress.com/2021/06/04/le-dinh-bang-hanh-huong/
Pingback: BÀI VIẾT NĂM 2021 CỦA BÙI CÔNG THUẤN – CHÚT TÌNH TRI ÂM
Pingback: VĂN HỌC CÔNG GIÁO-GIÁO PHẬN QUY NHƠN – CHÚT TÌNH TRI ÂM