TÂY DƯƠNG GIA TÔ BÍ LỤC-Những nghi vấn

BẠN CÓ THỂ ĐỌC TẤT CẢ BÀI VIẾT CỦA BÙI CÔNG THUẤN TẠI:

http://buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

 

Bùi Công Thuấn

***

            Tôi đọc cuốn Tây Dương Gia Tô bí lục [1] do Ngô Đức Thọ dịch và giới thiệu từ bản chữ Hán. Bản tiếng Việt của tác phẩm này do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội Hà Nội ấn hành năm 1981, với dòng ghi “Lưu hành nội bộ“. Ngoài bìa ghi: Tây Dương Gia Tô bí lục- “Ghi chép những chuyện kín của đạo Gia Tô Tây Dương”. Ngô Đức Thọ có bài giới thiệu tác giả, tác phẩm, văn bản, và phân tích. Ông đánh giá Tây Dương Gia Tô bí lục là “Tiếng vang của một cuộc đấu tranh tư tưởng”, tác phẩm có “Giá trị văn học và sử liệu”, đó cũng là “Tấm lòng của những người Thiên Chúa giáo yêu nước”. Ông kết luận: Vì vậy, mặc dù có những hạn chế nhất định, Tây Dương Gia Tô bí lục đáng được ghi nhận là một tác phẩm văn học yêu nước có phong cách nghệ thuật độc đáo, đồng thời là tài liệu tham khảo có giá trị đối với công tác nghiên cứu lịch sử, nhất là lịch sử tư tưởng Việt Nam.”

NHỮNG NGHI VẤN

            Dịch giả Ngô Đức Thọ cũng đưa ra những nghi vấn về cuốn sách. Ông gọi cuốn sách “là một tác phẩm truyện ký dã sử bằng chữ Hán về đề tài tôn giáo với quan điểm tư tưởng yêu nước chống đế quốc xâm lược”. Nhưng sau đó ông lại viết: “những điều ghi chép có tính chất tự truyện rải rác trong tác phẩm”.

“Dã sử” tức là những chuyện lưu truyền trong dân gian không rõ xuất xứ (thí dụ Truyện Họ Hồng Bàng của người Việt), trái lại “những điều ghi chép có tính chất tự truyện” là truyện thật của tác giả. Nếu là truyện thật thì tác phẩm mới có giá trị tư liệu (thí dụ Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác in 1885). Vậy Tây Dương Gia Tô bí lục là “dã sữ” hay là truyện ký? Xưa nay chưa có thể loại “truyện ký dã sử” trong văn học. Không xác lập được kiểu loại, bút pháp, cách viết của tác phẩm thì không thể xác định được đúng nội dung ý nghĩa tư tưởng và giá trị của tác phẩm. Căn cứ vào những gì được giới thiệu thì ông Ngô Đức Thọ coi Tây Dương Gia Tô bí lục là một truyện ký nên mới khẳng định tác phẩm này tài liệu tham khảo có giá trị . Tôi e rằng đó là một nhận định không khả tín (võ đoán, hàm hồ).

Ông đặt vấn đề về tác giả: “từng có một vài người khác tham gia vào việc chú thích bình luận tác phẩm. Hơn thế, phải chăng trong định bản hiện nay phần nào còn có vai trò nhuận sắc, bổ sung của một trong những người khuyết danh, chẳng hạn ở đoạn nói về sự kiện chiến tranh thuốc phiện ở Trung Quốc? Điều đó hiện còn chưa rõ”.

Nhận định này có nghĩa, Tây Dương Gia Tô bí lục không chỉ có 4 tác giả mà còn có thêm những người khuyết danh. Như vậy, chắc chắn nội dung, tư tưởng tác phẩm không còn là thuần nhất, không còn là đúng suy nghĩ của người viết ban đầu. Ông Ngô Đức Thọ nói thêm: Trong quá trình nghiên cứu và phiên dịch tác phẩm này, chúng tôi có chú ý tìm hiểu tiểu sử của bốn tác giả. Nhưng có lẽ vì thời gian đã xa,…, cho nên tên tuổi và hành trang của các vị không khỏi bị những kẻ thiếu thiện chí làm cho lu mờ, thanh danh mai một. Ngay cả tác phẩm của các vị cũng chỉ mới sưu tầm được cách đây không lâu”.

Nói cách khác, cả 4 tác giả trên đều không có nhân thân cụ thể, không tồn tại trong lịch sử. Đây là một nghi vấn lớn, bởi trong Tây Dương Gia Tô bí lục, ông Ngô Đức Thọ tìm thấy “những điều ghi chép có tính chất tự truyện” của tác giả, và văn bản Tây Dương Gia Tô bí lục ghi rõ ngày, tháng năm sự việc xảy ra, thì 4 tác giả đều là “Giám mục”, không thể không để lại dấu tích, nhân thân của mình trong lịch sử truyền giáo và vết tích trong văn hóa thời đại (chẳng hạn họ có những tác phẩm khác nữa, hoặc có những người khác, sách khác viết về họ).

Đọc Tây Dương Gia Tô bí lục, người đọc nhận ra có 3 văn bản tác phẩm: Thứ nhất là Gia Tô bí pháp (của Phạm Văn Ất và Nguyễn Đình Bính). Thứ hai là Tây Dương Gia Tô bí lục (của Văn Hoằng và Đức Đạt). Thứ ba là một “bản sao” duy nhất do Văn Hoàng giấu kín, đến nay mới được phát hiện. Vấn đề là, văn bản hiện nay có phải là văn bản của Văn Hoàng cất giấu hay không thì chưa được làm rõ. Nếu vậy, văn bản Tây Dương Gia Tô bí lục hiện nay sao có thể được coi là cứ liệu có giá trị khoa học để nghiên cứu?

Cũng cần lưu ý rằng, khi hai ông Văn Hoằng và Đức Đạt đến thăm Nguyễn Đình Bính, hai người được Nguyễn Đình Bính “lấy thủ cảo cuốn Gia Tô bí pháp đưa cho Văn Hoằng và Đức Đạt xem”; “Văn Hoằng cũng lấy tập sách do mình soạn đưa cho Đình Bính xem. Đình Bính cả mừng góp thêm ý kiến sửa chữa thêm bớt, khiến cho người ta chỉ đọc qua một lần là biết ngay thủ đoạn lừa bịp của bọn chúng. Đó chính là tập sách này đây”.

Như vậy “tập sách này đây” (Tức Tây Dương Gia Tô bí lục) là của Văn Hoằng. Tập sách này đã được Nguyễn Đình Bính xem, “góp thêm ý kiến sửa chữa thêm bớt”, và chính Văn Hoằng trước khi in, đã đóng cửa không ra khỏi nhà, tham khảo rộng thêm các sách truyện ký của người Tây Dương, dọn lại sách này một lần nữa, rồi thuê người viết chữ, khắc bản gỗ đem in để lưu hành cho công chúng đọc”. Vậy người cuối cùng quyết định nội dung và việc in ấn phát hành cuốn sách là Nguyễn Văn Hoằng. Những tường thuật cụ thể như thế giúp người đọc nhận ra cuốn Gia Tô bí pháp củaPhạm Văn Ất và Nguyễn Đình Bính không phải là Tây Dương Gia Tô bí lục.

Cuốn Gia Tô bí pháp của Phạm Văn Ất và Nguyễn Đình Bính có lẽ chỉ là sách ghi chép lại các “Phép bí tích của đạo Gia Tô” của giáo hội Công giáo, có tính chất thuần túy tôn giáo, không thể là những “bí mật” về âm mưu xâm lược được.

Môt nghi vấn khác là những sách “nguồn” mà các tác giả tham khảo để viết. Tây Dương Gia Tô bí lục ghi nguồn như sau:

“Các sách truyện ký của người Tây Dương thì có nhiều, chỉ chọn nêu lên 7 bộ quan trọng sau đây:

  1. Bí lục, tức là sách Gia Tô bí pháp chỉ các Tổng giám mục mới được đọc.
  2. Thực lục, tức là sách do môn đồ của Jêsu ghi lại những điều tai nghe mắt thấy.
  3. Ngoại lục, ghi những lời vua tôi Tây Dương khoe khoang khoác lác để mê hoặc dân chúng.
  4. Giảng lục, soạn những lời dối trá, lừa bịp.
  5. Ngâm lục, lược trích từ sách Thực lục, chia làm 15 đoạn ngâm, nay giáo dân vẫn dùng để tụng niệm.
  6. Quốc ký, ghi chép về vua tôi các đời của nước Tây Dương.
  7. Nhất thống, ghi về những nước bị Tây Dương thôn tính.

Nay xin thâu góp ở các sách nói trên lược soạn thành một sách, gọi chung là Bí lục để tiện xem đọc”.

Những “nguồn” trên không ghi rõ là những cuốn sách nào. Chẳng hạn, “Thực lục, tức là sách do môn đồ của Jêsu ghi lại những điều tai nghe mắt thấy”, vậy đó có phải là sách Phúc âm của Matthêu, Luca, Maccô hay Gioan; hay sách Tông đồ Công vụ”, thư gửi các giáo đoàn của Phêrô, Phaolô…?

Ngoại lục, ghi những lời vua tôi Tây Dương khoe khoang khoác lác để mê hoặc dân chúng”, những lời này tác giả ghi trực tiếp hay ghi lại từ những sách nào, không nói rõ. Thực ra đây là cách đánh tráo. Đó là lời của Tác giả, nhưng được gán vào miệng nhân vật.

Sao có thể “thâu góp ở các sách nói trên lược soạn thành một sách, gọi chung là Bí lục “? Tức là, Tây Dương Gia Tô bí lục là bản “thâu góp” tất cả các sách tham khảo đã nêu? Vây đâu là phần tác giả “sáng tác”?

Khi những “sách nguồn” không được xác định và không được trích dẫn chuẩn xác thì mọi tường thuật đều là bịa đặt.

Một điều buộc người đọc phải nghi vấn về giá trị thực của cuốn sách là sự mờ nhòe của lịch sử.  Tây Dương Gia Tô bí lục ghi rõ về nhân thân, việc làm của các đời giáo hoàng liên tiếp nhau là Giáo hoàng Tây Dương Maisen, Lôrenxô, Đixirô, Pio, nhưng khi tra cứu danh mục các Giáo hoàng La mã, không thấy có 4 đời giáo hoàng liên tiếp như thế. Cũng vậy, “Giám mục đốc chính” Thăng Long năm 1812 (người bỏ tiền ra mua hết sách in của Văn Hoằng) tên là gì cũng không được tác giả ghi rõ ra. Xa hơn, tác giả Tây Dương Gia Tô bí lục cho rằng các Giám mục, Linh mục người Việt thời ấy là những người“cam tâm làm đầy tớ trung thành cho bọn người Tây Dương, ngấm ngầm bán rẻ đất đai con dân nước ta cho chúng”, nhưng trong cả cuốn sách, tác giả lại không nêu tên cụ thể một Giám mục nào (giống như việc không nêu tên Giám mục đốc chính Thăng Long 1812), điều này có ý nghĩa gì? Sự mập mờ này phải chăng các tác giả không có chứng cớ xác thực, mà chỉ võ đoán nên không dám “tố cáo” thẳng người thật việc thật?

Như vậy cả về tác giả, văn bản, thể loại tác phẩm và nguồn dẫn đều có những nghi vấn lớn. Nếu những nghi vấn này không được làm rõ thì việc đọc hiểu tác phẩm, đánh giá về tác phẩm không thể đạt được những giá trị chân thực. Vì thế, kết luận của ông Ngô Đức Thọ cần được xem xét lại. Ông viết: “Tây Dương Gia Tô bí lục đáng được ghi nhận là một tác phẩm văn học yêu nước có phong cách nghệ thuật độc đáo, đồng thời là tài liệu tham khảo có giá trị đối với công tác nghiên cứu lịch sử, nhất là lịch sử tư tưởng Việt Nam”

NỘI DUNG CỦA TÂY DƯƠNG GIA TÔ BÍ LỤC

Tây Dương Gia Tô bí lục ghi tên các tác giả và người dịch như sau:

Nam Lục lão tẩu: Phạm Ngộ Hiên, Nguyễn Hoà Đường.

Hải Châu hậu tẩu: Nguyễn Bá Am, Trần Trình Hiên.

Ngô Đức Thọ dịch và giới thiệu.

Sách có bài tựa, mục thứ, lược dẫn, nguyên dẫn và phần chính, chia làm 9 quyển.

Nhan đề mỗi quyển như sau:

Quyển I: “Nước Jiuđê, Jêsu ra đời.

                Được môn đồ Jêsu thêm kiêu ngạo”

Quyển II: “Lên khỏi nước, Jêsu đặt bày lắm phép.

                  Bị hỏi vặn, Jêsu nguy khốn nhiều phen.”

Quyển III: “Về Jiuđê, Jêsu bị án tử hình.

                    Bừng sáng núi, xác Jêsu sống lại.”

Quyển IV: “Lên núi cao, thể phách Jêsu truyền bí pháp.

                    Hoá chim câu, thể phách Jêsu bịp loè người.”

Quyển V: “Nhờ viện quân Lâmbô, Jêsu hoá phép sinh yêu.

                  Trúng mưu kế nữ thần, quân Jêsu đành thua trận.”

Quyển VI: “Sang Tây Dương, phép thuật Jêsu đắc dụng

                    Trình “Bí lục”, môn đồ Jêsu được phong.”

Quyển VII: “Các vua đạo mượn Jêsu đối chứng.

                    Bọn quan đạo bịa chuyện láo lừa dân.”

Quyển VIII: “Quận Tây Dương thôn tính các lân quốc.

                     Các nước gần cùng nhau trừ Dương tặc.”

Quyển IX: “Thời Hậu Lê, giặc Tây ẩn náu ở nước ta.

       Đời nhà Thanh, Dương tặc công nhiên đến Trung Quốc.”

 Quyển IX kể về hoàn cảnh sáng tác và việc in ấn tác phẩm như sau:

Năm Cảnh Thịnh thứ 1 (1793) triều Tây Sơn, vào tháng 10, hai Giám mục dòng Tên ở địa phận Nam Chân là Phạm Văn Ất và Nguyễn Đình Bính sang Tây Dương khiếu nại về việc mất dòng”.

Hai ông được Giáo Hoàng đón tiếp trọng hậu nhưng không giải quyết việc khiếu nại.

Giáo Hoàng cho hai ông xem một tấm bản đồ nước ta vẽ rất rõ ràng… và lấy ra quyển sách ghi chép các phép kín bảo hai người ngồi ngay trước ghế của ngài mà đọc. Vậy là hai ông được ngồi trong điện Giáo hoàng cùng đọc chung sách Bí lụcsách Sử ký của nước Tây Dương. Hai ông nghĩ rằng: “Xem ra thì từ lâu người Tây Dương chỉ mượn danh chúa Jêsu để đi cướp nước người”. Sau khi trở về nước, hai ông dùng trí nhớ cùng nhau ghi lại cuốn Gia Tô bí pháp (Ghi chép các phép kín của đạo Gia Tô) và bí mật cất giấu…Cả hai cùng bỏ đạo (năm Cảnh Thịnh thứ 4 -1796).

Hai Giám mục Nguyễn Văn Hoằng và Đức Đạt cũng có những bức xúc. Họ tới thăm Phạm Văn Ất và Nguyễn Đình Bính (lúc này đã già), được Nguyễn Đình Bính lấy thủ cảo cuốn Gia Tô bí pháp đưa cho Văn Hoằng và Đức Đạt xem. Văn Hoằng cũng lấy tập sách do mình soạn đưa cho Đình Bính xem. Đình Bính cả mừng góp thêm ý kiến sửa chữa thêm bớt. Đó chính là tập sách này (Tây Dương Gia Tô bí lục). Năm Gia Long thứ 8 (1809), Hoằng và Đạt bỏđạo.

Sau đó Đức Đạt bị giặc Tây ám hại. “Văn Hoằng cả kinh, bèn đóng cửa không ra khỏi nhà, tham khảo rộng thêm các sách truyện ký của người Tây Dương, dọn lại sách này một lần nữa, rồi thuê người viết chữ, khắc bản gỗ đem in để lưu hành cho công chúng đọc. Sách in xong, các nhà hàng bày bán ở các phố chợ trong thành Thăng Long (Năm Gia Long thứ 11 -1812).  Giám mục đốc chính cả kinh, liền xuất 30 nén bạc để mua hết số sách đã in ra và mua luôn cả bản khắc gỗ đem về tòa Tổng giám mục tiêu hủy. Văn Hoằng căm giận, giấu kín trong nhà một bản sao để dành cho hậu thế”. Đến nay sách ấy mới được phát hiện ra.

Qua những tường thuật trên, các tác giả không cho biết cuốn Gia Tô bí pháp nói những gì, nhưng sau khi xem cuốn sách này, họ nghĩ rằng: “Xem ra thì từ lâu người Tây Dương chỉ mượn danh chúa Jêsu để đi cướp nước người”, vì thế họ viết sách để thức tỉnh người đương thời và các đời sau về những gì họ phát hiện được:

 Trong sách của chúng tôi cũng có những điều khác biệt này khác, mong quý vị lượng thứ những chỗ sai trái, lựa chọn lấy những chỗ nghe được để đặt thành phép của ta, nắm lấy thực chất sự việc để trừ diệt giặc Tây, khiến cho non sông nước Nam thì vua nước Nam ở, xã tắc vững âu vàng, muôn đời được nhờ cậy. Đó là ý nguyện thành thực canh cánh bên lòng của bốn người quê mùa chúng tôi vậy. Nay làm tựa.”

GIÁ TRỊ THỰC CỦA TÂY DƯƠNG GIA TÔ BÍ LỤC LÀ GÌ?

1.Tây Dương Gia Tô bí lục xuyên tạc, báng bổ KiTô giáo với mục đích chính trị.

            Các tác giả cho biết: “Từ Q. I đến Q. IV chủ yếu dựa vào sách Thực lục và Bí lục”, “tức là sách do môn đồ của Jêsu ghi lại những điều tai nghe mắt thấy”. Lời giới thiệu này chỉ ra “nguồn” các tác giả sử dụng để viết  Tây Dương Gia Tô bí lục là cácsách Tân Ước của Matthêu, Luca. Mac cô và Gioan, sách Tông đồ Công vụ, các thư từ của các tông đồ gửi các giáo đoàn…

            Xin đọc một đoạn Tây Dương Gia Tô bí lục viết về Đức Giê su và đối chiếu với các sách “Thực lục và Bí lục” tức là Kinh thánh mà họ đã tham chiếu để viết.

“Jêsu đi đến đâu cũng leo lên giường cao ngồi chễm chệ, dẫu đối với ông già bà cả cũng chỉ xấc xược gọi bằng ngươi, bằng mày, không có tí gì khiêm tốn, vì vậy mọi người đều ghét. Chỉ có những kẻ ngu khờ nghèo khổ hàm ơn mới kính nể tin lời, chịu chứa chấp che chở, nhờ vậy Jêsu mới được dung thân.

 Môn đồ của Jêsu là bọn Phêrô, Jiuđa thường kín đáo khuyên can Jêsu hãy nên nhũn nhặn hơn để lấy lòng dân, nhưng bị Jêsu mắng rằng: “Bọn các ngươi làm sao hiểu được ý ta! Nếu thân ta chịu khuất thì đạo ta làm sao có thể vươn ra được? Không làm cho tôn nghiêm thì đạo không tôn lên được, người ta chẳng ai theo”. Jiuđa nói: “Chỉ sợ xảy chuyện không hay, điếm luỵ đến tôn danh”. Jêsu nói: “Việc gì mà phải luỵ? Ngày sau ta sẽ có diệu kế khiến cho mọi người phải chịu luỵ với ta!”. Jiuđa nói: “Thầy có phép diệu thì tốt được cho một mình thầy, còn hàng vạn môn đồ thì làm sao mà tốt được? Vả lại, nói như thầy thì chẳng hoá ra cả nước này đều ngu dốt cả sao?”.

 Jêsu gạt đi mà nói rằng: “Như thế là ngươi cũng không tin đạo ta rồi”. Từ đó Jiuđa âm thầm nảy sinh ý định phản bội Jêsu

            Những ai đã đọc Tân Ước đều thầy rõ chẳng có cuốn Tân Ước nào miêu tả những điều như thế, không một Tân ước nào ghi những lời nói của Đức Giêsu và các môn đồ như thế. Như vậy, các tác giả chỉ dựa vào cái khung truyện trong Tân Ước rồi bịa đặt ra những chuyện về Đức Giê su, thực hiện mục đích chính trị là xuyên tạc báng bổ Đức Giêsu, lật đổ chân lý đức tin mà Đức Giêsu rao truyền. 

            Xin đọc một đoạn miêu tả cuộc chịu nạn của Đức Giêsu:

            “Dân chúng xa gần lâu nay nghiến răng căm ghét Jêsu tận xương, bấy giờ cùng nhau kéo đến nhà giám ti đồng thanh thưa rằng: “Các quan binh đã được thỏa chí, vậy cũng xin cho dân chúng tôi được hả lòng!” Viên giám ti căn dặn rằng: “Làm cho hắn biết nhục thì được, chứ không được đánh nữa”. Đám đông đồng thanh dạ ran hứa hẹn rồi lui ra; kéo đến chỗ Jêsu đang ngồi. Bọn họ lần lượt thuật các phép đạo của Jêsu bêu riếu, xách đến trước mặt Jêsu một vò nước tiểu mà bảo rằng: “Nước phép của mi đây! Nước phép của mi đây! Hãy uống cho hết nước phép của mi đi!”. Nói đoạn bọn họ đổ nước tiểu vào mồm vào mặt Jêsu. Toàn thân Jêsu ướt dầm, buốt xót đau đớn. Có người bưng cứt đến, nói rằng: “Nay phải cho mi được ăn bánh phép!” Nói đoạn nhét phân vào mồm Jêsu. Lại có người xúc cứt đổ hết trên đầu Jêsu mà nói: “Để ta làm phép Côngfirmaxông cho mi”. Dân chúng đứng xem reo cười khoái trá. Hết người này đến người khác đọc các câu niệm phép của Jêsu, có điều là vừa đọc vừa chêm vào những câu khôi hài. Có người nói: “Phép Matrimôninô đây lạ lắm! Lạ lắm! Xưa nay chưa có ai biết cách dạy nam nữ động phòng như mi!” [64] Có người cười nói: “Dạy chuyện trong chốn buồng the, biết đâu hắn ta lại chẳng làm trước chuyện ấy?” Thế là đám đông xúm lại vả vào mặt Jêsu, nghiến răng mà đánh đập.

            Lại nữa, thường ngày Jêsu vẫn khuyên răn người ta không nên dâm dục, bảo bộ phận sinh dục của người ta là cái cục tội. Đến bây giờ có người hỏi Jêsu: “Sao mi không cắt hẳn cái “cục tội” của mi đi?” Lại mắng rằng: “Không có cái “cục tội” ấy thì làm gì mà có mi? Biết đâu cái ấy lại chẳng phải là “cục phúc” của mi?” Lại một người khác nói: “Nay ta hỏi mi: nếu bảo cái ấy là “cục tội” thì trời sinh nó làm chi?” Có người phú hào ở thị trấn giả cách an ủi Jêsu mà nói rằng: “Thật tội nghiệp, tội của người thì mi giải cho, đến tội của mi thì chẳng có ai chịu giải. Nay nếu mi bảo được hai đứa gái trinh bên dân đạo chịu về với ta thì ta sẽ giải tội cho mi”. [Quyển III]

            Bạn đọc chẳng cần phải bình luận, vì đoạn văn đã lột mặt nạ sự xuyên tạc vô văn hóa của các tác giả, đồng thời chỉ rõ sự bỉ ổi đốn mạt về nhân cách của hạng người cầm bút này.

Vậy gọi sự đốn mạt, bỉ ổi vô văn hóa này là giá trị gì của tác phẩm?

Khi giới thiệu cuốn sách này, ông Ngô Đức Thọ đã cố tình bỏ qua nội dung, cách viết và mục đích của cuốn sách này (tất cả đều được viết như đoạn tôi vừa trích ở trên). Là chuyện bịa đặt, sao Tây Dương Gia Tô bí lục có thể là “tài liệu tham khảo có giá trị đối với công tác nghiên cứu lịch sử, nhất là lịch sử tư tưởng Việt Nam”?

2. Người viết Tây Dương Gia Tô bí lục tỏ ra không biết gì về KiTô giáo

            Bản dịch ghi rõ tác giả là 4 “Giám mục” Việt Nam. Hai ông Phạm Văn Ất và Nguyễn Đình Bính sang Tây Dương gặp Giáo hoàng và được đón tiếp nồng hậu, lại còn được chia sẻ những “bí mật” của đạo, để khi về Việt Nam, các ông nhớ lại và ghi thành cuốn sách Gia Tô bí pháp. Cả 4 “Giám mục” này đều bỏ đạo. Hai ông Phạm Văn Ất và Nguyễn Đình Bính về quê sống đời dân dã tuổi già.

            Ai cũng biết việc đào tạo một Linh mục là rất nghiêm nhặt trong nhiều năm. Linh mục được học rất kỹ về Kinh thánh, về Thần học, về giáo luật, về tu đức; được thử thách rất khổ công về đức tin trong nhiều hoàn cảnh và được huấn luyện rất kỹ về hoạt động truyền giáo. Linh mục là hiện thân của Đức Giêsu ngay trong cuộc sống này. Linh mục là người từ bỏ mình mà vác thánh giá theo Chúa (Mt 16, 24). Linh mục xác tín điều này: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18, 36). Và ý thức rõ thân phận mình: “Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.” (Lc 10,3). Và vì thế, có thể hiểu vì sao thời kỳ bách đạo từ Quang Trung đến Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đã có rất nhiều Linh mục, Giám mục bị giết hại vì kiên trung giữ Đức Tin. Giám mục là người có sự hiểu biết sâu rộng hơn, đức độ hơn, khôn ngoan hơn, can trường hơn.

            Vì thế việc bỏ đạo của hai Giám mục Phạm Văn Ất và Nguyễn Đình Bính, và sau đó là Văn Hoằng và Tấn Đạt là rất khó xảy ra. Bởi vì, nếu hai người chỉ coi tấm bản đồ Việt Nam của Giáo hoàng, và được xem sách Gia Tô bí pháp thì chưa đủ động lực bỏ đạo. Bỏ đạo là từ bỏ Đức Tin đã được giáo dục rất sâu xa ngay từ nhỏ. Bỏ đạo là đạp lên lời thề khi đón nhận chức Linh mục; và khi trở về đời sống thế tục, họ sẽ phải sống trong mặc cảm kẻ phản bội như Giuda và bị giáo dân rất xem thường..

            Là Giám mục, khi nói hay viết lại Lời Chúa trong Kinh thánh, luật buộc các ngài phải trích dẫn nguyên văn, chính xác và ghi rõ nguồn (trích ở sách Kinh thánh nào, đoạn mấy, câu mấy). Không thể có việc kể lại chuyện Kinh Thánh mà tự mình gán cho nhân vật Kinh thánh những lời do mình bịa ra. Cần phải hiểu các Giám mục là những người trí thức, hiểu rõ những chuẩn mực viết sách. Có lẽ tác giả là một người ngoại đạo, không hiểu phép đạo, không hiểu những nguyên tắc trí thức khi viết sách, càng không hiểu Kinh thánh là “Lời Chúa”, “Lời hằng sống”, là “Chân lý”, nên mới bịa đặt ra như vậy.

 Điều làm lộ rõ sự không hiểu biết của các tác già là cuốn “Gia Tô bí pháp”. Căn cứ vào tên cuốn sách thì đó là sách ghi “các phép bí tích của đạo Gia Tô”. Chữ “bí” là “Bí tích”, “Pháp” là phương pháp thực hiện hay cách làm. “bí pháp” không phải là sách “bí mật” giáo hội che giấu âm mưu xâm lược. KiTô giáo có 7 Bí tích là: Bí tích Rửa Tội. Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thêm Sức. Bí tích Hoà Giải. Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân. Bí tích Truyền Chức Thánh. Bí tích Hôn Phối.

Sự thiếu hiểu biết này cùng với những bịa đặt (đã nêu) chỉ ra Tây Dương Gia Tô bí lục là sách giả, sách nhảm nhí bậy bạ, không phải là sách theo những chuẩn mực của thánh hiền (Văn chương cổ được viết theo ý thức “văn dĩ tải đạo”)

            Tôi ngờ rằng tác giả là một người ghét “tả đạo”, biết lõm bõm một vài điều về KiTô giáo, quan sát được một vài lần các Linh mục cử hành thánh lễ, lại sẵn “tà tâm” chính trị nên bịa ra câu chuyện, với các nhân vật, tình tiết, lời nói sai lạc như vậy. Nếu là một nhà Nho uyên bác, có đạo đức, “thành ý, chính tâm”(sách Đại Học), thì không bao giờ vi phạm những chuẩn mực của người cầm bút như tác giả Tây Dương Gia Tô bí lục.

            Gọi là biết lõm bõm vài điều sai lạc về KiTô giáo vì tác giả không phân biệt được bản chất hướng thiện của tôn giáo, không phân biệt được chính-tà, chỉ lặp lại một luận điệu tuyên truyền rằng, các giáo sĩ nước ngoài là gián điệp, người theo Ki Tô giáo là những kẻ theo “tả đạo”, theo Tây bán nước.

Rất rõ ràng là các giáo sĩ đã đến Việt Nam từ năm 1533 nhưng mãi đến 1858 Pháp mới nổ súng tấn công Đà Nẵng, tức là hơn 300 năm sau. Chẳng lẽ có người làm gián điệp đến hơn 300 năm? Cũng rất rõ ràng là, hai nước Cambuchia và Lào đều là nước Phật giáo, họ cũng bị Pháp xâm lược, vậy phải giải thích thế nào? Các nước đế quốc đi xâm lược là xu thế của thời bấy giờ. Ấn Độ trở thành thuộc địa Anh (1850). Indonesia phải sống 3 thế kỷ dưới ách thống trị của thực dân Hà Lan. Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha là những đế quốc có thuộc địa trải rộng. Việt Nam phải ký hiệp ước 1884 nhận chịu sự bảo hộ của Pháp vì vua tôi nhà Nguyễn yếu kém cả chính trị, ngoại giao, quân sự, để mất nước. Lẽ nào vì các giáo sĩ truyền giáo mà Việt Nam bị Pháp xâm lược! Ngay cả Giám mục Bá Đa Lộc là người có công với vua Gia Long cũng không gây được ảnh hưởng gì với nhà Nguyễn. Cho nên cái gọi là “lòng yêu nước của tác giả cuốn sách này” chỉ là một mặt nạ văn học. Và có lẽ cuốn sách này do người đời sau viết, đặc biệt là việc hô khẩu hiệu chính trị. Khẩu hiệu ấy ghi rõ trong lời kết của ông Ngô Đức Thọ: “qua đó chúng ta tìm hiểu được cách suy nghĩ của đông đảo người nước ta trước đây trước vấn đề Thiên Chúa giáo.

3. Về “nghệ thuật văn chương” của Tây Dương Gia Tô bí lục

            Có một chiến lược tấn công để “lật đổ” KiTô giáo trong cuốn sách. Cuốn sách không chỉ tuyên truyền luận đề các giáo sĩ Ki Tô giáo cam tâm theo giặc bán nước mà còn muốn “lật đổ” cả KiTô giáo ở Việt Nam, bằng cách nêu gương cả 4 “Giám mục” yêu nước mà bỏ đạo (Tất nhiên thời nào, ở đâu cũng có kẻ phản bội. Giuda là một minh chứng).

            Trước tiên các giả đứng trên lập trường Nho giáo gọi Ki Tô giáo là “Tả đạo”, gọi các giáo sĩ Tây Dương là giặc (Cách gọi này đã có từ thời Gia Long trong chỉ dụ 1804). Khi xem cuốn sách Gia Tô bí pháp của Nguyễn Đình Bính, hai ông Văn Hoằng và Đức Đạt kêu thốt lên: “Chính là giặc! Chính là giặc rồi! Đúng như người ta nói: không mưu đồ lợi lớn thì việc gì phải đánh đường sang đây! Bọn ta chìm vào đảng giặc đã lâu quá rồi!”.

            Chiến lược ấy bắt đầu bằng việc “lật đổ” Đức Giêsu và đạo thánh của Người (các Bí tích, cách nghi lễ thờ phụng, các giáo luật…) . Sau đó tấn công vào giáo hội của Giêsu là các Giáo hoàng, vào việc truyền giáo trên thế giới rồi đến các giáo sĩ ở Việt Nam.

Đức Giêsu được nhấn mạnh chỉ là một kẻ lừa bịp. Tác giả đem tất cả bút lực và tà tâm để tục hóa hình ảnh Giêsu dùng những lời bình thô tục mạt hạng để “hạ bệ” nhân vật Giêsu:

Đức Giêsu là Thiên Chúa giáng sinh bị gọi là: “con quỷ mới sinh làm người”. Lên 8 tuổi thì ”Jêsu bắt đầu lòe bịp lừa người. Về sau thì y làm nhiều sự việc kỳ dị không tài nào ghi chép xuể”. 18 tuổi Giê su đã thu phục 12 tông đồ. “Jêsu từ nhỏ đã là kẻ xấc xược, ngang ngạnh, nay có được chừng ấy môn đồ, lại càng càn rỡ chẳng coi ai ra gì, tự xưng là thầy cả”…

“Jêsu lại làm ra hai bổn kinh gọi là kinh Bởi trời và kinh Lạy cha, và làm ra chuỗi hạt gọi là chuỗi con niệm để cho những kẻ ngu dốt sử dụng khi làm lễ đọc kinh”; “Jêsu lại làm ra kinh Mười điều răn, bắt những kẻ ngu đần làm theo những lời răn ấy, lấy đó làm cái đích để tự xét tội lỗi của mình, ai phạm điều gì thì phải tự xưng ra, gọi là “cầu phép chúa Trời”…

“Jêsu muốn thay đổi hết phong tục trong nước khiến cho chỉ một mình được độc tôn, bèn nghĩ ra lắm phép bịp để lừa người. Khi có ai vặn hỏi, Jêsu đều khéo miệng trả lời biến báo để xoa lấp sự dối trá”…

 “Trước hết Jêsu thử làm phép nước thánh: múc một bình nước trong, đổ muối vào, đem cất kín chừng 10 ngày rồi lấy ra bày lên bàn thờ chúa Trời. Khi làm lễ, Jêsu áp miệng vào bình lẩm nhẩm đọc lời cầu khấn, xin chúa Trời ban phép cho để bình nước này diệt trừ ma quỷ. Xong đó, Jêsu bảo mọi người rằng: “Phàm những ai bị tà ma ám ảnh hoặc gặp tai nạn hoả hoạn, lấy nước bình thánh này rảy vào thì đều qua khỏi cả”. Có người hỏi: “Nước gì mà hay như thế?”. Jêsu đáp: “Đó là nhờ phép thần thông biến hoá, ví như trời mưa thì không đâu không khắp”. Phép nước thánh bắt đầu như vậy”…

“Người ta lại hỏi rằng nói Ađam nuốt quả cấm là căn cứ vào sách nào? Jêsu đáp: “Cứ xem ngay ở cổ họng đàn ông có cục xương trồi ra, mà ở đàn bà thì không có”. “Jêsu khéo viện dẫn những chứng cớ như thế, cho nên những kẻ ngu khờ lại càng thêm tin”…

“Lại qua năm sau nữa, thấy người ta đã tin phép rửa tội, Jêsu lại đặt ra phép giải tội, lừa phỉnh dân chúng” …

  “Qua năm sau, thấy người ta đã tin phép xưng tội, giải tội, nhưng vẫn lo còn có kẻ nghi ngờ. Phải nghĩ cách trấn áp tâm trí họ. Jêsu bèn đặt ra phép “rượu thánh, bánh thánh”. Rượu thì lấy quả nho ép ra nước, đựng vào chén thuỷ tinh gọi là chén “calixa” có chân đế cao 1 thước. Bánh thánh thì làm bằng bột mì, hình dáng như chiếc bánh bẻ [10] . Thứ bột thật trắng và mịn, bỏ vào lò sấy khô, khi ăn vào miệng là tan ngay. Lấy kéo cắt vài miếng tròn như miệng chén, còn mấy chục miếng khác thì nhỏ vừa bằng đồng tiền, bỏ cả vào một chiếc chén bạc. Khi làm lễ, Jêsu tay nâng chén rượu ngẩng mặt lên trời khấn nhẩm, rồi cầm lấy chén bánh hai tay ốp sát thành chén, cúi đầu áp miệng mà khấn nhẩm. Khấn xong, trước hết Jêsu giơ chén “rượu thánh” lên trước bàn thờ chúa Trời. Môn đồ lắc chuông tay làm hiệu cho mọi người quỳ lạy. Jêsu giơ lên hạ xuống mấy lần rồi ngửa cổ uống hết chén rượu. Sau đó Jêsu dùng ngón cái và ngón trỏ nhón chiếc bánh tròn to nhất giơ lên, môn đồ lại nhắc chuông ra hiệu cho mọi người quỳ lạy như trước. Bốn, năm thiếu nữ được chọn đứng dưới bàn thờ ngân giọng hát rằng: “Con kính lạy mình thánh chúa Trời”. Ngâm hát như thế ba lần [11] . Jêsu ngẩng đầu bẻ bánh mà nuốt, xong lại đứng ngay ngắn. Một lát sau Jêsu cầm chiếc bánh giơ lên, nghi lễ cũng như trước. Rồi đó Jêsu bảo những người xưng tội bước lên quỳ một hàng ngang, hai môn đồ giăng một tấm vải trắng ra phía trước, mọi người giơ tay đỡ, còn hai đầu thì do hai môn đồ đứng cầm. Bấy giờ Jêsu đi bỏ bánh vào miệng cho từng người, bảo phải nuốt trửng không được nhai. Ai nhai bánh là phạm tội phải đày xuống địa ngục. Giải quyết bảo mọi người rằng: “Bánh thánh đã vào lòng dạ các ngươi, từ nay lòng dạ các ngươi được sáng láng” [12] . Tiếp đó lại ra hiệu cho các thiếu nữ đọc rằng: “Lạy ơn Đức chúa Trời cao cả từ nay đã soi tỏ ngôi nhà linh hồn con”. Lễ xong, Jêsu lại bước lên bệ đứng chính vị. Những kẻ ngu khờ thấy thế lại càng tin là mình đã được miễn tội. Phép “rượu thánh, bánh thánh” bắt đầu có từ đó”…

 …Được một năm, thấy người ta đã tin phép xức dầu thánh cho người ốm, Jêsu lại đặt thêm phép chuộc tội”…

           “Jêsu gọi những người phạm tội phải liếm đất tới, không phân biệt đàn ông đàn bà, đuổi hết những người xung quanh rồi hỏi từng người: “Việc liếm đất thế nào rồi?” Ai nấy đều trả lời: “Đã liếm rồi”, Jêsu mừng thầm, cười mà bảo riêng với các môn đồ rằng: “Bảo liếm đất mà bọn họ cũng làm thì chẳng còn việc gì mà họ không theo”…[2]

            Tất cả các chương kể về Giêsu đều viết như thế. Mục đích nhấn mạnh rằng Giêsu chỉ là kẻ lừa gạt. Đạo Giêsu là đạo lừa gạt “những kẻ ngu dốt”. Hội thánh (các Giáo hoàng, các vua Tây dương) dùng mọi thủ đoạn, từ dùng tiền mua chuộc đến đem quân đánh chiếm) để truyền giáo, để xâm lược: “Hiểm ác thay tên vua quỷ Tây Dương! Lại thêm yêu tà Jêsu! Bọn chúng muốn phen này nuốt trửng nước ta!

            Chỉ tiếc là “chiến lược” (mưu lược viết lách) ấy không lừa được ai, bởi vì những người có Đức Tin, những người hiểu biết, những người “thành ý chính tâm” đều đọc được cái “tâm bất chính” ẩn dưới những câu chuyện bịa đặt ấy.

            Đã là “chiến lược” bịa đặt thì việc dựng lên những năm tháng lịch sử, trưng ra vài sự kiện lịch sử (Chiến tranh nha phiến ở Trung quốc), miêu tả sinh động, dung hợp nhiều kiểu bút pháp (kể chuyện dân gian, kể chuyện lịch sử…) chỉ là sự “thâu góp” các sách tham khảo nhằm đánh tráo sự thật và đánh lừa người đọc. Chuyện bịa trở thành truyện thực. Sự đánh tráo này hiệu quả đến nỗi dịch giả Ngô Đức Thọ lầm tưởng Tây Dương Gia Tô bí lụctài liệu tham khảo có giá trị đối với công tác nghiên cứu lịch sử, nhất là lịch sử tư tưởng Việt Nam”.

Các tác giả tỏ ra không hiểu biết gì đặc trưng thể loại, về bút pháp, về cấu trúc của một tác phẩm văn học, nên mới “thâu góp” tất cả vào “bí lục”. Thí dụ, nếu là thể loại truyện thì cấu trúc tác phẩm phải thống nhất thời gian, không gian; các nhân vật vận động theo quy luật hiện thực mà ta quen gọi là số phận. Góc trần thuật, cách kể là của một người (tác giả). Thử hỏi trong “Tây Dương Gia tô bí lục” ai là nhân vật chính. Đức Giê su hay các ông Phạm Văn Ất, Nguyễn Đình Bính, Văn Hoằng hay Đức Đạt? Không gian, thời gian trong truyện là thời Đức Giêsu hay thời nhà Thanh hay thời Gia Long? Về bút pháp, truyện được kiến tạo vằng cách dựng lại sự việc như đang xảy ra trong hiện tại. Sao lại có những chương viết riêng như chép sử…Nói như thế để xác lập rằng, tác giả chẳng “có phong cách nghệ thuật độc đáo”gì, không có ý thức sáng tạo. Họ chỉ “thâu tóm” các sách tham khảo một cách vô thức.

Có lẽ ông Ngô Đức Thọ cũng không biết gì về Ki Tô giáo nên mới tin những gì Tây Dương Gia Tô bí lục viết là thật, là “tư liệu có giá trị”. Nếu ông “thành ý, chính tâm”, xin hãy đọc lại 4 Kinh thánh Tân Ước của Matthêu, Luca, Mac cô và Gioan, cùng với sách Tông đồ công vụ rồi so sách với những gì được kể trong Tây dương Gia Tô bí lục, thì ông sẽ “ngộ” ra nhiều điều. Chuyện yêu nước chống Pháp không phải là độc quyền của các tác giả cuốn sách mà ông ca ngợi. Lm Đặng Đức Tuấn (1806-1874), Nguyễn Trường Tộ (1830-1871), Quận công Nguyễn Hữu Bài (1863-1935) không là những người Công giáo yêu nước đó sao!

KẾT

            Theo tôi, Tây Dương Gia Tô bí lục chỉ là một cuốn sách nhảm nhí, hết sức suy đồi (loại ngụy thư). Bậc thức giả chỉ đọc vài trang là vứt vào giỏ rác. Vì toàn bộ nội dung viết về Ki Tô giáo đều là bịa đặt, cố ý làm sai lạc. Người viết có cái tâm bất chính. Ngôn ngữ và nội dung bịa đặt của cuốn sách soi rõ khuôn mặt người viết, đó là một nhân cách mạt hạng. Cuốn sách được viết để thực hiện một “chiến lược chính trị” chống Ki Tô giáo. Bản văn chúng ta hiện có không biết có phải là bản văn duy nhất mà Văn Hoằng giấu được (năm 1812) hay không. Việc Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành, với dòng ghi “Lưu hành nội bộ” là một khẳng định nghi vấn về sự chân thực của văn bản.

Khi một cuốn sách còn có quá nhiều nghi vấn về tác giả, nội dung, văn bản thì không thể phổ biến rộng rãi. “Lưu hành nội bộ” hàm nghĩa như vậy. Những lời giới thiệu của Ngô Đức Thọ trở thành những lời lừa dối. Nó làm lộ ra cái “tà tâm” của các tác giả Tây Dương Gia Tô bí lục và cái “thâm ý” của người giới thiệu thêm một lần nữa.

Tháng 10 năm 2021

______________

[1] Tây Dương Gia tô bí lục bản điện tử do Talawas thực hiện:

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10340&rb=08

[2] Tôi trích hơi dài để bạn đọc không có điều kiện tiếp cận toàn vẹn tác phẩm Tây Dương Gia Tô bí lục có thể hiểu được một cách trung thực về những gi các tác giả Tây Dương Gia Tô bí lục đã viết (Bùi Công Thuấn).

Loading

Đánh giá bài viết

2 những suy nghĩ trên “TÂY DƯƠNG GIA TÔ BÍ LỤC-Những nghi vấn

  1. Pingback: NĂM 1533, TIN MỪNG ĐƯỢC TRUYỀN VÀO VIỆT NAM – CHÚT TÌNH TRI ÂM

  2. Pingback: NĂM 1533, TIN MỪNG TRUYỀN VÀO VIỆT NAM - Ban Văn Hóa Gp Xuân Lộc

Bình luận đã được đóng lại.

call Hotline 1 0798287075 call Hotline 2 0798 287 075 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok