ĐỒNG XANH THƠ SÀIGÒN-Câu lạc bộ văn học Công giáo

BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK: buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

***

Giới thiệu Văn học Công giáo đương đại

GHI NHẬN VỀ

CÂU LẠC BỘ ĐỒNG XANH THƠ SÀI GÒN

Bùi Công Thuấn

***

(Họp mặt Đồng Xanh Thơ Sàigòn)

CÂU LẠC BỘ “ĐỒNG XANH THƠ SÀI GÒN”

  1. Thành lập

Câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ Sàigòn (gọi tắt là Câu lạc bộ) ra mắt lần đầu tại giáo xứ

Nam Hòa vào ngày 28/2/2010 (Nguyên tiêu Canh Dần). Lm Giuse Phạm Quốc Văn làm linh hướng. Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu là bổn mạng.

 Mục đích của Câu lạc bộ là “dùng thơ văn rao truyền và ca ngợi tình yêu Thiên Chúa”, [[1]]

  • Nhân sự

Nhân sự Câu lạc bộ không ổn định.

Các thành viên lúc đầu là: An Thiện Minh, Trầm Thiên Thu, Bùi Nghiệp, Lm Dzuy Sơn Tuyền, Vĩnh An, Thế Kiên Dominic, Maria Xuyến, Kim Hoa.

Sau 10 năm, trong cuộc họp ngày 02/01/21 tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sàigòn, Câu lạc bộ có 18 người [[2]]: Hương Quê, Lương Chuyên, Quang Chu, Quý Long, Hoà Duyên, Thái, Kiến Thụy, Hoa Vàng, Thuỳ Linh, chị Qúy Long, Bồ Câu Trắng, Tuyết Lê, Thy Hoa, Yên Vy, Nguyên, Hương, Phạm Hằng, Tiếng Vọng.

Ban Điều Hành nhiệm kỳ mới 2021- 2023 gồm các tác giả An Thiện Minh. Jos. Cao Thái. Tiếng Vọng.  Hoa Vàng. Thy Hoa.

Số người hiện diện trong các Nguyệt san Đồng Xanh Thơ cũng không cố định: Đồng Xanh Thơ số 72 có 17 người; Đồng Xanh Thơ số 73 có 31 người; Đồng Xanh Thơ số 74 (số tháng 9/ 2012) có 32 người.

            Tôi thống kê xác xuất 10 số Nguyệt san Đồng Xanh Thơ số: 03, 04, 06, 68, 69, 70, 71, 72, 73, 76. Tổng số có 80 tác giả gồm: 12 tác giả có bài thường xuyên. 35 tác giả chỉ xuất hiện 01 lần và 03 người có tên trong danh sách Câu lạc bộ nhưng không có thơ.

            12 Tác giả có bài thường xuyên là: Tuyết Mai Texas, Cù Mè, Đỗ Văn, Hoài Việt Nguyễn Vĩnh Tường, Kim Ngôn, Minh Thông, Nguyễn Văn Sướng, Thế Kiên Dominique, Trầm Thiên Thu, Trần Thanh Hà, Vũ Thủy, Xuân Phúc.

            Hiện diên trên trang dongxanhthosaigon.com, mục Tác giả và tác phẩm, của có 15 người: Bùi Nghiệp, Anna Teresa Thùy Linh, Cao Bồi Già, Dã Tràng Cát, Dzuy Sơn Tuyền, Giang Tịnh, Dương Kim Quới, Hoa Mặt Trời, Hoàng Công Nga, Học Trò Nhỏ, Hồn Biển, Kim Hải, Mai Thành, Mặc Trầm Cung, Nguyễn Quốc Dũng.

  • Hoạt động.

Ngoài việc sáng tác, hội họp, dự thánh lễ, tĩnh tâm, CLB Đồng Xanh Thơ Sàigòn còn tổ chức các cuộc họp mặt; các buổi ra mắt tập thơ của Câu lạc bộ (tập thơ “Lấp Lánh Sương Mai” ra mắt ngày 23/6/2015 [[3]]), tổ chức sinh hoạt chuyên đề ở Trung tâm Mục vụ TGP Sài gòn [[4]]…và lan tỏa đến Đồng Xanh Thơ ở các giáo phận bạn như Đồng Xanh Thơ Xuân Lộc, Đồng Xanh Thơ Quy Nhơn,…Các sinh hoạt này được tổ chức “hoành tráng”, có nhiều Đấng bậc tham dự và chia sẻ [[5]].

Về phổ biến tác phẩm, mỗi tháng Câu lạc bộ xuất bản (trên trang web dongxanhthosaigon.com) một “nguyệt san”, tính trung bình mỗi số có 80 bài, nhẩm tính, trong 12 năm qua, số lượng bài thơ của Câu lạc bộ là một gia tài lớn, trên một vạn bài (khoảng 11.000 bài).

Câu lạc bộ đã quy tụ được đông đảo người làm thơ Công giáo từ mọi miền, tạo nên một không khí, một môi trường sinh hoạt văn thơ Công giáo có sự dẫn dắt, chia sẻ của các Linh mục có uy tín trong Giáo hội. Các thành viên có cơ hội phát huy tài năng, tâm huyết  đóng góp vào thơ Công giáo đương đại.

CLB Đồng Xanh thơ Sàigòn cùng với CLB Thi Ca Cầu Nguyện được coi là tiêu biểu cho phong trào sáng tác và sinh hoạt thơ ca Công giáo từ 1980 đến nay ở phương diện tổ chức, mục đích sáng tác, hình thức sinh hoạt và hiệu quả đạt được.

  • Tính chất phong trào

Trong cách gọi hiện nay, sinh hoạt văn học nghệ thuật thế tục có hai bộ phận: “văn

 nghệ quần chúng” và “nghệ thuật chuyên nghiệp” [[6]]. “Văn nghệ quần chúng” còn gọi là văn nghệ phong trào là hoạt động chính của các Hội Văn học Nghệ thuật địa phương. Hội viên sáng tác là để phục vụ trực tiếp nhiệm vụ chính trị của Nhà nước tại địa phương. Các Hội Văn học Nghệ thuật đề ra kế hoạch sáng tác, kế hoạch đào tạo bồi dưỡng hội viên, kế hoạch in ấn quảng bá tác phẩm, kế hoạch thi đua, và đánh giá tổng kết khen thưởng hàng năm.

            Tính chất “văn chương phong trào” của CLB Đồng Xanh Thơ Sàigònthể hiện ở những mặt sau đây:

Về mục đích làm thơ: “Mục đích là dùng thơ văn rao truyền và ca ngợi tình yêu Thiên Chúa”, tức là mục đích trực tiếp phục vụ tôn giáo, không đặt mục đích sáng tạo nghệ thuật. Các thành viên không sáng tác cho mục đích riêng của cá nhân.

Về nhân sự, người làm thơ thích thì tham gia, không ràng buộc.  Số thành viên Câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ không ổn định. Trong 80 tác giả (tôi thống kê) có mặt trên Nguyệt san Đồng Xanh Thơ thì 35 người chỉ xuất hiện 01 lần. 03 người có tên trong danh sách nhưng không có thơ đăng trên Nguyệt san. Nhiều người cũng có bài đăng trên trang Thi Ca Cầu Nguyện.[[7]]. Thoáng nhìn, Câu lạc bộ có vẻ đông đảo và hoạt động mạnh, nhưng thực tế hoạt động của Câu lạc bộ là hoạt động phong trào.

Về sinh hoạt: Câu lạc bộ có kế hoạch sáng tác hàng tháng kết hợp với sinh hoạt tôn giáo (tham dự thánh lễ, tĩnh tâm, nghe linh hướng…). Thành viên Câu lạc bộ sáng tác theo kế hoạch [[8]].

Về nội dung: Thơ được làm theo những chủ đề cho trước. Tư tưởng, tình cảm được hướng dẫn trước. Nội dung thường trình bày theo công thức: công thức sám hối, công thức cảm tạ Thiên Chúa, công thức cầu nguyện, các công thức về lẽ đạo, sống đạo… Các tác giả thường cảm nhận các bài Tin Mừng Chúa nhật hàng tuần, các lễ lớn, các mùa phụng vụ. Những nội dung ấy là những điều giáo hội đã dạy. Người sáng tác phải tuân thủ tuyệt đối, không được làm sai lệch Lời Chúa, sai về tín lý.

Thí dụ:          

Nguyệt san ĐXT số 68: suy niệm về Con Đường Thương Khó.

            Nguyệt san ĐXT số 69: suy niệm về Tên Tử Tội Vô Tội nhưng đầy lòng trắc  ẩn từ bi”.

Nguyệt san ĐXT số 70: suy niệm về Đức Maria, Mẹ Thiên Quốc.

            Nguyệt san ĐXT số 73: chủ đề niềm vui Đức Mẹ hồn xác lên trời.

Nguyệt san ĐXT số 76 : suy niệm “Tôi Tin Xác Loài Người Sẽ Sống Lại.

Nguyệt san ĐXT số 77: suy niệm về Con Thiên Chúa Giáng Sinh làm người.

Về sáng tác: thành viên Câu lạc bộ “sản xuất” thơ hàng loạt. Một chủ đề Kinh thánh, trong một tuần, có người (với nhiều bút danh) làm được 17, 18 bài, có tuần 23 bài. Tác giả Trầm Thiên Thu, chỉ riêng bài đăng trên Thi Ca Cầu Nguyện, có tuần lên đến 17, 18, 25 bài (xem TCCN số: 498, 509, 510), tác giả Hai Tê Miệt Vườn có tuần đăng 26 bài (xem TCCN 510). Cho nên tác giả nào cũng có số bài “khủng” (trên 500 bài).  Tính trong hơn 10 năm qua, của Câu lạc bộ đã có một “kho”  hơn một vạn bài, đó là chưa kể các bài thơ thế tục, thơ thể hiện tậm tình riêng của cá nhân mỗi thành viên, và nếu gộp số bài của Thi Ca Cầu Nguyện (510 số x 80 bài: khoảng 40.000 bài) thì “kho tàng” thơ Công giáo đượng đại là vô cùng lớn (5 vạn bài)…

Trong thực tế sáng tạo nghệ thuật, Hàn Mạc Tử chỉ với một bài Ave Maria đã là bài ca ngàn đời tôn vinh Đức Mẹ. Nguyễn Nhược Pháp với bài Chùa Hương và Vũ Đình Liên với bài Ông đồ, mỗi người chỉ đóng góp một bài cũng đủ ghi tên mình vào lịch sử văn học. Nghệ thuật cần ở chất lượng, không phải số lượng.

Nguyệt san Đồng Xanh Thơ có khi đưa cả những bài thơ thế tục (không tôn giáo) vào. Tôi không rõ đó là chủ trương của Câu lạc bộ hay của người biên tập. Xin đọc các bài: Điệu thức liêu trai, Đời đá cuội, Hóa thân, Huyền thoại trăng của Viễn Dzu Tử (đxt số 73), hoặc các bài: Vào thu (Thanh sơn, đxt số 73), bài Kiếp bèo mây (Bút Xuân Trần Đình Ngọc, đxt số 76).

Nhà thơ Thiên Cung đặt câu hỏi: “Tại sao nền văn chương nghệ thuật “đời” ở Việt

Nam phát triển như vũ bảo trong những thế kỷ qua, còn trong Giáo hội Công giáo Việt nam, khu vườn văn học nghệ thuật sao mà đìu hiu đến thế!”

Câu trả lời là: Người làm thơ Công giáo không có mục đích sáng tạo về tư tưởng và nghệ thuật, không hướng về cuộc đời, không là tiếng nói của mọi kiếp nhân sinh. Đồng Xanh Thơ chỉ có mục đích: “dùng thơ văn rao truyền và ca ngợi tình yêu Thiên Chúa”, tức là tự giới hạn nội dung, chủ đề. Đức Giêsu ngày xưa đi khắp nơi, tiếp xúc với đủ hạng người trong mọi hoàn cảnh để loan báo Tin Mừng. Người đâu có tự giới hạn mình chỉ ở trong đền thờ. Cuộc sống vô cùng phong phú, đời sống tư tưởng, tình cảm, tâm linh của một người có bao nhiêu vấn đề phải đối mặt hàng ngày. Thơ đã không đáp ứng được nhu cầu của chính người sáng tác, nói chi đến người đọc.

Nội dung của ”thơ phong trào” hầu hết là những điều mà mọi người đọc giáo dân đều đã được học biết từ nhỏ. Chỉ cần đọc nhan đề bài thơ, người đọc biết tác giả sẽ viết những gì. Về phương diện thông tin, không ai đọc tin cũ. Người sáng tác phải mang đến những thông tin nghệ thuật mới, có vậy mới gây được chú ý. Nhiều bài thơ Công giáo nặng về “giáo huấn” đạo đức. Điều này cản trở độc giả đến với thơ. Bởi vì giáo dân đã nghe các Linh mục dạy dỗ về Kinh thánh trong nhà thờ mấy chục năm trong một đời người, giờ đọc thơ lại nghe lặp lại những lời “dạy dỗ” ấy, mà tác giả làm thơ đâu có thẩm quyền hơn Linh mục, thế nên sẽ không ai muốn nghe. Thơ đạo cứ trôi tuột đi, không đọng được trong lòng người đọc.

Làm thơ là sáng tạo nghệ thuật, dù với mục đích gì. Nếu không sáng tạo nghệ thuật thì thơ đánh mất bản chất của mình, thơ không còn là thơ, mà chỉ là “công cụ” thuần túy. Tôi nghĩ, người làm thơ Công giáo cần học nơi Thiên Chúa là Đấng sáng tạo vĩ đại, “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!”(St 1, 31). Tức là, Thiên Chúa sáng tạo (làm ra) mọi sự theo chuẩn mực của Cái Đẹp và Cái Thiện (tốt đẹp), người làm “thơ đạo” cũng cẩn theo chuẩn mực ấy.

Có một lý do nữa mà thơ ca, văn chương Công giáo không phát triển theo kịp với thời đại là, nhiều người cầm bút Công giáo không tự trang bị các lý thuyết văn học, không vận dụng lý luận văn học trong sáng tác, không viết dưới ánh sáng Mỹ học và Thần học Kitô giáo, thành ra chỉ loay hoay đi theo lối mòn của người đi trước. Tôi ghi nhận CLB Đồng Xanh Thơ có tác giả Vũ Thủy đã học về sáng tác thơ trong một lớp học của Mỹ. Tác giả này cũng có ý thức sáng tạo riêng, hồn thơ phong phú, thơ có chất riêng. Nhìn chung, Thơ Công giáo cũ lắm, cũ cả ý, tứ, lời và cách thể hiện. Về thể thơ, chỉ là Lục bát, Song thất lục bát, thơ Thất ngôn bát cú Đường luật, thơ 5 chữ, thơ 7, 8 chữ kiểu thơ Lãng mạn trước 1945, không theo kịp thơ Việt hiện đại. Người trẻ hôm nay đọc Thơ Trẻ (thơ tự do, thơ làm với cảm thức và thủ pháp Hậu Hiện đại, hoặc kết hợp Lãng mạn với Siêu thực…).

 Vì không phải là một đoàn thể Công giáo Tiến hành, nên Câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ không thể tham gia vào các hoạt động Mục vụ của giáo xứ để sinh hoạt như các đoàn thể khác. Hơn nữa, dù có muốn phục vụ trực tiếp tôn giáo, thì thơ ca cũng không có chỗ đứng. Trong thánh lễ, tất cả mọi lời kinh đều thuộc thẩm quyền của Giáo hội (từ Roma). Thơ của Đồng Xanh Thơ hay Thi Ca Cầu Nguyện có thể tham gia vào phần nào trong thánh lễ? Câu trả lời là không, vì chỗ nào chen được, ca đoàn đã hát thánh ca. Trong sinh hoạt của các hội đoàn Công giáo tiến hành, có đoàn thể nào dùng thơ để thông tin, để chia sẻ, để giáo huấn hay không? Câu trả lời là không. Thơ của Đồng Xanh Thơ có thể dùng để dạy giáo lý cho trẻ được không? Thưa không. Như vậy, thơ phong trào không có đất sống trong chính môi trường của mình.

Câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ Sàigòn không là một đoàn thể Công giáo tiến hành, mặc dù có Lm linh hướng, có thánh bổn mạng, có lịch sinh hoạt như một tổ chức hành chính [[9]]. Đồng Xanh Thơ cũng hoàn toàn khác với các trường phái, các nhóm văn học, có nhân sự cố định, có tôn chỉ nghệ thuật như Tự Lực Văn Đoàn (có 7 nhà văn, đứng đầu là Nhất Linh, hoạt động với một tôn chỉ có 10 điều), Trường thơ Loạn (Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan, Bích Khê) hay Xuân Thu Nhã Tập (Đoàn Phú TứPhạm Văn HạnhNguyễn Xuân Sanh.)…Thơ của Câu Lạc bộ Đồng Xanh Thơ không thể sánh được với thơ của các nhóm, các trường phái thi ca thế tục vì không có mục đích sáng tạo nghệ thuật, không đem đến cho thơ ca Việt điều gì mới.

Tôi nhìn thấy tính chất chênh vênh này của thơ ca phong trào.

Nhìn chung, về mặt hiện tượng văn học Công giáo, Câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ và CLB Thi Ca Cày Nguyện  có thể tiêu biểu cho phong trào thơ Công giáo từ sau 1980 đến nay về nhiệt tình sáng tác, về mục đích loan báo Tin Mừng, về những nỗ lực hoạt động và một “kho tàng thơ” vô cùng lớn, phản ánh tâm tư, tình cảm và thái độ của người Công giáo trong sinh hoạt tâm linh của mình. Đó là một giá trị.

NHỮNG KHUÔN MẶT “ĐỒNG XANH THƠ”

            Rất tiếc tôi không có điều kiện viết về tất cả các tác giả của Câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ Sàigòn. Và dù có muốn, tôi cũng không đủ sức đọc một số lượng bài thơ “khủng” (hơn một vạn bài) của Câu lạc bộ. Chỉ xin ghi nhận một vài khuôn mặt tiêu biểu làm nên diện mạo của Đồng Xanh Thơ.

            1. Dã Tràng Cát (Jos Cao Thái).

Tôi tìm trên dongxanhthosaigon.com, trang Vườn thơ ân sủng, mục Tác giả và tác phẩm, Dã Tràng Cát có 320 bài thơ. Và thật kinh ngạc, trên trang thivien.net, Dã Tràng Cát có 518 bài. Ngoài ra, trên thivien.net Dã Tràng Cát còn có tài khoản thứ 2 với bút danh Học Trò Nhỏ [[10]]. Số lượng bài thơ của Đã Tràng Cát quả là một con số “khủng”. Sức sáng tác của ông thật đáng nể. Ông có ý thức quảng bá thơ của mình một cách rộng rãi ở ngoài đời (thay vì chỉ trong phạm vi “nhà đạo”). Có điều, sức lan tỏa thơ của Dã Tràng Cát còn giới hạn. Cả hai account trên thivien của Dã Tràng Cát từ 2015 đến nay (2022) tôi không tìm thấy comment hay bài viết nào về thơ Dã Tràng Cát.

            Dù sao đọc một số lượng lớn bài thơ như vậy (tôi tự giới hạn số bài trên trang dongxanhthosaigon-tác giả và tác phẩm), người đọc thấy được lòng say mê làm thơ của Dã Tràng Cát. Tác giả nhiệt tình ca tụng Chúa, hùng hồn kêu gọi mọi người, tự tin giáo huấn lẽ đời lẽ đạo, trầm lắng với “thi nguyện”, chia sẻ thơ tâm tình, và say mê họa thơ. Dã Tràng Cát còn có thơ “Khảo luận ‘Thế cuộc và con người’”(bài Dã tràng xe cát thở), thơ phóng tác (Chén thánh Têrêsa).

Xin đọc các bài tiêu biểu: Cảm xúc thánh thiêng, Khung hình Thánh Thể, Vượt thắng, Valentine tình yêu thăng tiến, Diều xuân ánh sáng, Vách thời gian, Bao la hơi thở cánh hồng, Muốn về nhà Cha, Khôn ngoan giữa đời thường, In God we trust…[[11]]

            Dã Tràng Cát làm thơ ở khắp nơi. Ông ghi rõ nơi làm bài thơ: Sài gòn, Hà Nội, Mông Triệu, Bình Thạnh, Biển Hồ Pleiku, Phương Nghĩa Kontum, Vườn Tịnh tâm, Cap Saint Jacque, Mũi Né, biển Quy Hòa, San Francisco, Dallas, Noblesville Indiana, Wyomin, Michigan, Montana, Worthington City, Lynnwood WA (làm nhiều thơ ở đây).

            Dã Tràng Cát có nhiều bài thơ lấy cảm hứng từ Kinh Thánh. Xin đọc: Giọt lệ Madalena (Ga. 20,1-2; 11-18), Đơn sơ bừng nở một trời mơ (Lc. 10, 39), Đêm Giáng trần (Lc 9,57-58), Đất mẹ và ánh sáng (Lc 12, 49), Cơn mưa thác vọng (Gr 23, 5), Chuyện tình dài trường thầy Giê su (Mt 1, 28-30), Chuyện của chim con (Mt 6, 24-34), Bình minh xuân hồng (Mt 13, 36-43)…

Dã Tràng Cát có niềm say mê họa thơ một cách đặc biệt. Đó là những bài thơ “thương tặng nữ sĩ Thy Hoàng” (bài Hoa bay, Hiệp vần thi hữu, Gốc rễ yêu thương, Giọt lệ Madalena, Đổi mới, Đêm giáng trần, Chiều xưa, Chị khỏe em mừng… ), với “nữ sĩ Tú Yên” (Giấc nồng say, Cõi ngàn phương, Bên ấy trời rạng đông); “Thương tặng em gái kết nghĩa…TH” (Em Xuân); “Tâm giao cùng cô Hồng Vân” (Đong đầy); “Chiêm nghiệm nỗi đau cùng nữ sĩ Từ Ngu” (Đón nỗi đau); “tâm giao cùng nữ sỹ Trần Thanh Vân” (Đất thiên linh, Cao nguyên hát); ”Chút giao cảm với nhà thơ Thanh Đà Nẵng” (Đại sự); “Cảm hoạ cùng nhà thơ Ng. Mai” (Dòng Hậu giang xưa); “cảm hoạ với Huyền Cầm” (Diệu yêu); “Cảm hoạ cùng nhà thơ Diệu Nguyên” (Dặm trường có Chúa); “Hoài cảm cùng nhà thơ Vương Anh Đào” (Cơn mưa chiều trầm mặc); “cảm tác theo thi phẩm “Xin” của nữ sĩ Lạc Nhạn” (Cơn đau con tim cấm, Cát bụi hành trình); “cảm hoạ cùng nữ sỹ Lê Vân” (Con vào đời như thế); với các “nhà thơ” Vũ Thắm (Em và người); Trần Khuyến (Em bên Maria); Vạc Ăn Đêm (Đường tu); Đào Công Điện (Cộ người, Cỏ biết); Hoàng Công Nga (Chuyện tình dài trường thầy Giêsu); “Chút tâm giao với anh Minh Tâm Đỗ” (Chuyện của chim con); “Cảm tác và hoạ vần theo thi phẩm “Áo trắng” của nhà thơ Huy Cận” (1919-2005)(Cánh trắng); “cảm hoạ cùng cố thi sĩ Chế Lan Viên” (Bốn mùa tin yêu)…

Ngoại trừ Huy Cận và Chế Lan Viên (hai nhà thơ Lãng Mạn trước 1945), còn lại, tôi chưa hề nghe tên các “thi hữu”, các “nữ sĩ” nào của Dã Tràng Cát trên văn đàn (có lẽ tại tôi ít đọc chăng!)

Trong buổi “Ra mắt tập thơ Lấp lánh sương mai” 2015 của Câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ, Jos. Cao Thái chia sẻ cảm nghiệm làm thơ của ông: “Thơ tất cả là để được đắm chìm trong Chúa Thánh Thần để được Cha cầm tay tập viết từng câu thơ, và được gọi “Cha Ơi” trong suốt cuộc đời của nhà thơ”. Nói một cách đời thường, thơ của ông là rất thánh thiêng, là “thơ thần”, vì được Chúa Thánh Thần “cầm tay viết từng câu thơ”.

Xin đọc một bài (thơ Dã Tràng Cát thường là bài dài, rất ngại khi trích dẫn):

LÊN ĐÀNG

Giấc mơ vu vơ

Giò thổi vu vơ…

…Mắt tôi vu vơ xin khơi ý thơ

Lặng lẽ chốn đời nguyện một niềm mơ

Đất trời ấm nồng nào có bơ vơ

Đan kết ngàn phương ánh sáng dệt tơ.

Vu vơ thế

Ngác ngơ thế…

…Được khám phá bao nhiêu điều muốn kể

Ríu rít chim sâu thức dậy không bê trễ

Lá gió vui đùa kết tình huynh đệ

Say đắm muôn phương anh em bốn bể.

Đặt để đôi mắt

Phận người lữ khách…

…Dòng suối khát khao dẫn về nguồn mạch

Bao đêm hoang vắng sao không cô quạnh

Khí xuân tràn trề tinh sa lấp lánh

Lữ khách người con luôn có Cha bên.

Lời ru ầu ơ

Mộng hiền bé thơ…

…Tâm điểm vũ hoàn năm tháng khó mờ

Đêm có trăng sao ngày có mặt trời

Xoay quanh con trẻ thổn thức đầy vơi

Mắt Chúa ngọc ngà soi hướng trùng khơi.

Đạp lên con sóng

            Bơi những biển xa…

            …Một người hiền lương một quỷ dạ xoa

            Đi chung con đường kinh qua tận thế

            Chúa gặt lúa thơm liềm kết cỏ ác

            Ngọn lửa vu vơ thiêu rác ngục hình…

            Choàng tỉnh

            Chiêm bao

            Tôi thấy

            Bình minh

            Sáng láng thiện nhân

            Cửa mở lên đàng

                        (Vườn Tịnh Tâm, không giờ ngày Chúa nhật 7/2/2021)

Bài thơ có hương vị Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ trong nhóm Xuân Thu Nhã Tập. Nếu bạn đọc bài thơ mà không hiểu gì thì xin đọc Tuyên ngôn thơ của Xuân Thu Nhã Tập sau đây:

 Một cái gì không giải thích được, mà không cần giải thích. Nó chiếm đoạt ta tất nhiên, hoàn toàn, tức khắc. Đội nhiên ta nhảy đến cửa trời như nhào vô lòng mẹ. Không xét suy. Bằng con đường thẳng hình ảnh, tiết tấu, lễ nghi. Âm thanh, màu sắc, mùi giọng được hòa hợp thành những biểu hiện nhịp nhàng để khêu gợi những rung động siêu việt của bản nhạc Vô-cùng…Có rung động là có thơ. Phải cần và chỉ cần có rung động ấy”.

Tôi trích nguyên văn một bài để bạn đọc trực tiếp thơ Dã Tràng Cát. Bạn có thể nhận ra “cái riêng” trong việc dùng từ, cấu tứ, cách thể hiện tư tưởng, tình cảm, khẩu khí và nghệ thuật thơ Dã Tràng Cát.

Tôi xin ghi lại đây chút cảm nhận khi đọc bài thơ trên.

Nếu trong giọt nước có cả đại dương thì chỉ một bài thơ cũng chứa đựng tài thơ của tác giả (về tư tưởng, tình cảm, năng lực sáng tạo và mục đích diễn ngôn…).

                        Giấc mơ vu vơ

                        Gió thổi vu vơ…

                        …Mắt tôi vu vơ xin khơi ý thơ

                        Lặng lẽ chốn đời nguyện một niềm mơ

                        Đất trời ấm nồng nào có bơ vơ

                        Đan kết ngàn phương ánh sáng dệt tơ…

                                    (Lên Đàng)

Thú thực tôi không tin rằng tác giả được Chúa Thánh Thần là Cha “cầm tay tập viết từng câu thơ”, như những câu thơ trên và nhiều câu thơ khác như tác giả đã thổ lộ! Nghĩa là giữa thực tế sáng tác và phát ngôn của tác giả không có độ khả tín.

Khổ thơ sau đây cũng “vu vơ, bơ vơ, dệt tơ” như thế:

                        Đạp lên con sóng

                        Bơi những biển xa…

                        …Một người hiền lương một quỷ dạ xoa

                        Đi chung con đường kinh qua tận thế

                        Chúa gặt lúa thơm liềm kết cỏ ác

                        Ngọn lửa vu vơ thiêu rác ngục hình…

Câu thơ: “Đạp lên con sóng/ Bơi những biển xa” gợi ra trường nghĩa “đi biển”, vậy mà hai câu sau lại là hai người “đi chung con đường” là một trường nghĩa khác. Đặt hai trường nghĩa khác nhau bên cạnh nhau sẽ làm hỏng nội dung, phá hủy chủ đề, ngắt mạch liên tưởng kết nối ý nghĩa.

“kinh qua tận thế” nghĩa là trải qua tận thế. Thế giới này đến tận thế là hết, nào ai có thể trải qua tận thế! Việc dùng từ Hán Việt “kinh qua” không phù hợp (Dã Tràng Cát rất sính dùng từ Hán-Việt).

Hai câu: “Một người hiền lương một quỷ dạ xoa/ Đi chung con đường kinh qua tận thế”, hai người ấy, họ là ai? Tôi không rõ tứ thơ này tác giả lấy từ nguồn nào. Nếu tác giả muốn nói về dụ ngôn Cỏ lùng (Mt 13, 24-30), gọi chủ ruộng lúa và kẻ thù là hai người đi chung con đường thì rất sai về tín lý. Chủ ruộng là ẩn dụ về Chúa, kẻ thù là ẩn dụ về ma quỷ, sao Chúa có thể đi chung con đường với ma quỷ? Chỉ có lúa và cỏ lùng sống chung (người thiện và kẻ ác sống chung) lúa và cỏ lùng không thể được so sánh tường minh với hai con người: một người hiền lương, một quỷ dạ xoa đi chung con đường. Dẫu thế nào, việc sử dụng và diễn giải dụ ngôn như thế đã không bảo đảm tính chân lý của Lời Chúa. Đây là Lời Đức Giêsu giảng về dụ ngôn Cỏ lùng (Mt 13, 37-42): “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng”.

Trong câu “Chúa gặt lúa thơm/ liềm kết cỏ ác” có phép tiểu đối, đem Chúa đối với liềm thì lại sai về tín lý và không chuẩn về nghệ thuật…

Tất cả những yếu tố trên khiến khổ thơ trở nên hết sức “vu vơ”, nội dung không nói được điều gì (nội dung rỗng), cả bài thơ cũng chỉ là một “giấc chiêm bao vu vơ”, mặc dù tác giả muốn “dệt tơ” bằng “ngàn phương ánh sáng” như kiểu thơ nghệ thuật của Xuân Thu Nhã Tập chẳng hạn!.

Dùng thơ để rao truyền Tin Mừng như thế này (thơ rỗng, sai tín lý) thật khó thuyết phục người đọc.

Vâng, “thơ phong trào”  là vậy.

Dù Dã Tràng Cát có vịn vai Huy Cận, Chế Lan Viên, mượn hơi Đoàn Phú Tứ để tự nâng mình lên ngang hàng với những nhà thơ lừng danh này, thì những bải thơ “vu vơ, bơ vơ, dệt tơ” như thế của ông chỉ làm nản lòng người đọc.

2. Thơ Mặc Trầm Cung.

 Mặc Trầm Cung cũng là người khởi xướng và hiện là Chủ nhiệm CLB Thi Ca Cầu Nguyện. Có thể coi thơ Mặc Trầm Cung là tiêu biểu cho “thơ nhà đạo” đương đại ở tính chuẩn mực về nội dung, nghệ thuật, về thái độ diễn ngôn và phong cách thơ. Xin đọc một bài:

ĐÔI CÁNH TÌNH YÊU 

[Chúa Nhật XXX Thường Niên – Năm A – 2008 – (Mt 22, 34 – 40)]

Nắng chiều vương nhẹ con lang thang,

Tiếng gió vi vu tựa cung đàn.

Ru mát hồn hoang lời nhân ái,

Tim yêu rạo rực, phút miên man.

Trầm lắng tâm hồn con suy tư,

Lắng nghe Lời Chúa rất nhân từ.

Sứ điệp Tin Mừng nơi trần thế,

Yêu thương cốt tủy, lời chúc thư.

Mẫu gương sống động, hãy yêu thương,

Chúa đã dạy con, sáng nẻo đường.

Yêu Chúa – Yêu người luôn sáng tỏ,

Đôi cánh nhịp nhàng bay muôn phương.

Tuân phục một lòng Vâng Ý Cha,

Chết treo thập giá, mối giao hòa.

Sẵn sàng hiến mạng vì nhân thế,

Nối kết ân tình ơn thứ tha.

Tình yêu đòi hỏi biết hy sinh,

Thử thách, gian nan, vác thập hình.

Phục vụ quên mình, tình dâng hiến,

Của lễ ân tình luôn trung trinh.

“Yêu mến như Thầy yêu anh em”,

Tình yêu tuyệt hảo, sáng ngọn đèn.

Bài ca đức ái Thầy dạo khúc,

Nhân loại hiệp lòng tấu Amen./. 

Mặc Trầm Cung.

Nhiều bài thơ của Mặc Trầm Cung được làm theo thể thơ 7 chữ với nhạc điệu, ý tứ như kiểu thơ Lãng Mạn trước 1945. Tiếng thơ là tiếng lòng của tác giả (thơ tự tình) là tiếng nói nội tâm. Ngôn ngữ được chọn lọc. Nội dung là những tín niệm trong đạo được dạy từ Kinh thánh, từ những bài giảng lễ của Linh mục trong nhà thờ: “Lắng nghe Lời Chúa”, vì đó là “Sứ điệp Tin Mừng “. “Chúa dạy…Yêu Chúa – Yêu người” “Yêu mến như Thầy yêu anh em”. Bởi vì, Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”(Ga 15, 13):

Tuân phục một lòng Vâng Ý Cha,

Chết treo thập giá, mối giao hòa.

Sẵn sàng hiến mạng vì nhân thế,

Nối kết ân tình ơn thứ tha.

            Từ đây tác giả rút ra bài học suy niệm:

Tình yêu đòi hỏi biết hy sinh,

Thử thách, gian nan, vác thập hình.

Phục vụ quên mình, tình dâng hiến,

Của lễ ân tình luôn trung trinh…

            Vâng, như vậy là chuẩn mực cả về thể thơ, nội dung thơ, về tín lý và về sống đạo. Thơ thực hiện mục đích rao truyền Tin Mừng. Đọc những bài thơ như thế này, các Đấng bản quyền rất yên tâm về lòng đạo của con chiên. Thơ tinh ròng những lời đã dạy con nhà đạo học từ lớp giáo lý vỡ lòng xưng tội, thơ tuyệt không vướng chút bụi trần của những vấn đề thế sự, hay bị day dứt chao đảo đức tin. Tôi gọi thơ Mặc Trầm Cung là tiêu biểu cho “thơ nhà đạo đương đại” là vì thế.

Có thể đọc thêm các bài: Ra Khơi (tác giả kêu gọi), Sám hối (thơ tâm tình), ‘Tấm lưới đời con (thơ cầu nguyện), Ghen, Lầm lỗi (thơ Giáo huấn). Mẹ Sầu Bi-Tám niềm đau của Mẹ, Học với thầy Giê su (giảng Kinh thánh), Đường nào cho con đi… thơ được làm theo những công thức quen thuộc.(xin đọc thơ Mạc Trầm Cung trên conggiaovietnam.net)

Thực ra Mặc Trầm Cung cũng có những bài có cách thể hiện riêng, sáng tạo. Đó là các bài: Tình thơ Mân Côi (giảng nghĩa Kinh Mân Côi gồm 5 sự Vui, 5 sự Thương, 5 sự Mừng5 sự Sáng), hoặc chùm thơ Những vần thơ dâng Mẹ (Maria thánh danh huyền nhiệm; Maria nữ trinh linh mục; Lặng lẽ; Ave Maria Vô nhiễm nguyên tội; Maria nữ trinh diễm phúc; Maria Tam tòng tứ đức).

Và nếu Mặc Trầm Cung có được ý thức sáng tạo riêng, anh sẽ có nhiều thơ hay. Dù vậy làm thơ chuẩn mực như thơ anh cũng là rất quý.

3.Dzuy Sơn Tuyền.

Trong bài bài thuyết trình với chủ đề “Thi Ca và Cầu Nguyện ” tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sàigòn sáng thứ Bảy ngày 6/4/2019 [[12]], tác giả Dzuy Sơn Tuyền trình bày nhận thức của mình về thi ca với việc cầu nguyện. Ông triển khai ý tưởng “tâm tình cầu nguyện” là “Tâm tình chúc tụng, thờ lạy, cầu xin, chuyển cầu, cảm tạ, ngợi khen”. Ông cho rằng: Thơ là biểu lộ Cái Đẹp và Sự Thiện được phát tỏa từ nhịp rung của mỗi trái tim…Hình ảnh trong thơ hôm nay không còn là sự sao chụp thô thiển hiện thực, đó là một sáng tạo thuần khiết của cảm hứng, vụt hiện ra từ những thế giới siêu thực…Thơ còn được coi như là tiếng nói của tâm linh”. Ông khẳng định: “Chính Thần Khí sẽ thổi hồn vào thơ, thổi tình vào tim để mọi cung bậc của chúng ta trở nên lóng lánh và tươi đẹp trước Đấng Toàn Năng”.

Những nhận thức như thế về thơ có khả năng tiếp cận được bản chất vấn đề. Thực ra, văn chương nghệ thuật là sự sáng tạo Cái Đẹp bằng ngôn ngữ. Mỹ học Kitô giáo chỉ ra rằng Thiên Chúa làm ra Cái Đẹp và đức Giêsu là hiện thân của Cái Đẹp thiện hảo[[13]]. Lời khẳng định rằng: “Chính Thần Khí sẽ thổi hồn vào thơ, thổi tình vào tim để mọi cung bậc của chúng ta trở nên lóng lánh và tươi đẹp trước Đấng Toàn Năng” chỉ là một cách nói, một niềm tin, một tâm tình, không phải là một hành động hiện thực.

 Làm thơ là sáng tạo nghệ thuật, đó là một năng lực thiên phú; đồng thời người làm thơ phải trầm luân bể dâu trong cuộc nhân sinh, phải mang lấy thân phận của mọi kiếp người, như Đức Giêsu đã nhận lấy thân phận làm người, sống giữa người nghèo khó, người đau khổ và chết đau đớn nhục nhã trần trụi trên Thập giá để cứu độ nhân lọai. Người làm thơ còn phải khổ công học tập để có tri thức đầy đặn, có cái nhìn sâu rộng, lúc ấy mới có thơ hay. Tôi nghĩ, người sáng tạo nghệ thuật, rất cần ánh sáng Mỹ học Kitô giáo, cần phải được trang bị tư tưởng Triết học, Thần học, Thi pháp và các lý thuyết văn học, có vậy việc sáng tạo mới có thể vượt lên, thay vì chỉ viết theo lối mòn. Những nền thơ lớn luôn là những nền thơ tư tưởng, có thi pháp riêng (Thơ Đường, thơ Thiền, Haiku, thơ Lãng mạn…). Những nhà thơ lớn là những người tự khai phá con đường mình đi.

Bài tình ca diễm tuyệt (phóng tác sách Diễm ca) của Dzuy Sơn Tuyền là một trường ca lục bát hay. Hồn thơ phóng khoáng, ngôn ngữ tinh ròng, cách thể hiện tài hoa đầy sáng tạo, gần gũi với ca dao. Xin đọc một đoạn đối chiếu với Diễm ca:

Diễm ca (bản dịch: Những giờ kinh phụng vụ)

BÀI CA THỨ BA

6 Kìa ai đang tiến lên từ sa mạc, tựa hồ những cột mây, thơm ngát mùi nhũ hương mộc dược, ngạt ngào hương phấn xứ lạ phương xa?

7 Kìa loan giá vua Sa-lô-môn, vây quanh hộ tống là sáu mươi dũng sĩ tuyển trong hàng dũng sĩ Ít-ra-en.

8 Tất cả đều thạo phép binh đao, đều rành nghề chinh chiến. Ai ai cũng gươm giáo bên mình, phòng khi gặp hãi hùng đêm tối.

9 Vua Sa-lô-môn đã truyền lấy gỗ Li-băng đóng cho vua một cỗ kiệu:

10 cột kiệu bằng bạc, lưng kiệu bằng vàng, mặt kiệu bọc vải điều quý giá, phía trong kiệu dệt gấm thêu hoa do đôi tay ân cần trìu mến của những nàng thiếu nữ Giê-ru-sa-lem.

11 Thiếu nữ Xi-on hỡi, hãy ra chiêm ngưỡng vua Sa-lô-môn: người đội triều thiên hoàng thái hậu đã đội cho người ngày hôn lễ, ngày vui nhất của lòng người

Bản diễn thơ của Dzuy Sơn Tuyền:

BÀI CA THỨ BA

Thi nhân:

6.Kìa ai đang tiến trên đường

Từ sa mạc nóng như dường cột mây

Thơm mùi mộc dược sa bay

Nhũ hương ngào ngạt phấn say hương trời

7.Kìa xe vua đã đến rồi

Salomon đó sáng ngời kỵ binh

Sáu mươi dũng sĩ vây quanh

Is-ra-el lính hùng anh tuyển vào

8.Ngời ngời gươm tỏa ánh sao

Thạo nghề chinh chiến, binh đao xá gì

Phàm khi gặp phải khó nguy

Hai hàng đêm tối tức thì triến lên

9.Salomon lệnh đã truyền

Kiệu vua phải đóng gỗ miền Li-Băng

10.Cột thì đúc bạc giăng giăng

Còn lưng kiệu phải vàng ròng dát lên

Vải điều quý giá mặt trên

Phía trong dệt gấm hoa tiên rỡ ràng

Do đôi tay khéo dịu dàng

Ân cần trìu mến các nàng Sa lem

11.Sion thiếu nữ các em

Salomon đó vua hiền tiến lên

Mau ra chiêm ngưỡng triều thiên

Của Hoàng Thái hậu đội trên đầu Ngài

Nhân ngày hôn lễ đông vui

Ngày hạnh phúc nhất lòng người hoan ca…


Ngoài bản trường ca Bài tình ca diễm tuyệt, thơ Dzuy Sơn Tuyền cũng thể hiện những

 tâm tình, nghĩ suy với lời thơ, ý tứ quen thuộc (của lối thơ phong trào): sám hối ăn năn, cậy trông phó thác, cầu nguyện, kêu gọi giáo huấn. Về hình thức, vẫn là thể thơ rất cũ: thơ 7, 8 chữ của thơ Lãng mạn (trước 1945), hoặc thơ Đường, không thấy bóng dáng của thơ Việt hôm nay.

            Hãy lắng nghe tiếng của Ngài tất thảy

            Đang gọi ta…từ giọt nắng xôn xao…

            . . . . . . . . . .

            Tiếng của Ngài ôi tiếng gọi thiết tha

            Hãy vươn lên tới chân trời Thiện Mỹ

                                    (Âm thanh lặng)

            Đường đời muôn nỗi bể dâu

            Trùng trùng sóng gió con cầu xin Cha

            Quỳ dân lời nguyện thiết tha

            Dắt con về bến chan hòa Thánh Ân

                        (Người lữ khách thầm lặng)

Quỳ bên Chúa giờ đây con sám hối
Xin Thánh Thần soi sáng lối con đi
Cho con biết giữ trọn vẹn lời thề
Đường Thánh Giá, chính là đường Hạnh-Phúc

            (Đường hạnh phúc)

Và từ nay con thật lòng sám hối
Biết tha thứ và biết sống chan hòaVới mọi người trong TÌNH CHÚA bao la
Cho con sống cuộc đời con có CHÚA

                        (Cho con biết)

Dzuy Sơn Tuyền làm thơ  theo mùa phụng vụ với những nội dung, tâm tình, ý và lời

đã thành công thức, rất ít sáng tạo: mùa các đẳng linh hồn (Nghĩa đời, Hình như, Thảnh thơi, Ca mừng các thánh), thơ Mùa Chay (Mẹ Sầu Bi, Vì ai), mùa Hoa Đức Mẹ (Tiến hoa, Ngàn hoa dâng Mẹ), kính thánh Giuse (Mừng lễ thánh Giuse, Gương thánh cả, Tỏa ngát huệ thiêng), Mùa Chay-Phục Sinh (Đường hạnh phúc, Tiệc ly, Nụ hôn, Lửa Phục Sinh, Và bây giờ, Chuyện tình, Cho con biết, Mừng Chúa Phục Sinh). Trong các thể thơ, Dzuy Sơn Tuyền thành công hơn ở thể lục bát. Các thể thơ khác, ngòi bút Dzuy Sơn Tuyển có điêu luyện, song không có chất riêng.

            4. Hoàng Công Nga.

            Trong mục “Tác giả và tác phẩm” trên dongxanhthosaigon, Hoàng Công Nga chỉ có một bài Con đường nên thánh. Nhưng trên thivien, Hoàng Công Nga có 135 bài. Ngoài ra Thơ Hoàng Công Nga cũng có trên các “Nguyệt san Đồng Xanh Thơ” và một số trang mạng khác. Tác giả có nhiều nỗ lực quảng bá thơ của mình vượt ra ngoài CLB Đồng Xanh Thơ. Trên Thivien, nhiều bài thơ Hoàng Công Nga là thơ thế sự. Có một bài của Vũ Đình Bình viế về thơ Hoàng Công Nga.[[14]]

            Đây là quan niệm làm thơ của Hoàng Công Nga:

Người làm thơ
Là người tổng hợp được sự kiện
Để viết lên trong một vài dòng ngắn ngủi
Chứa đựng sự cảm thông, sẻ chia sâu sắc
Những vần thơ như những thiên thần
Cất lên cung bậc hòa nhạc
Để lòng người tìm được sự bình an.

                                                  (Hạt cát)

            Hoàng Công Nga đã làm thơ như thế nào?

                        Mỗi ngày con viết một bài thơ

Để tụng ca Thiên Chúa con tôn thờ

…Lời thơ con sẽ viết thật giản dị

Rõ chữ , rõ lời truyền đi Thánh ý

Làm phận sự của một người sắp chữ

Chuyển Lời Ngài, dệt ý Thánh thi

            (Mỗi ngày một bài thơ)

Tiếp bước cha anh thuở trước

Bằng những câu ca vè, ví dặm

Bằng những bài lục bát dân gian

Trở thành những con thuyền chở đạo

            (Giữa đồng xanh)

Hoàng Công Nga đã nói rõ mục đích làm thơ và đặc điểm nghệ thuật của thơ ông. Ông làm thơ “chở đạo” là chính, ông “Làm phận sự của một người sắp chữ”. Ông viết như cha ông làm Ví dặm, Lục bát, “giản dị, rõ ý, rõ lời”. Như vậy không thể đòi hỏi ông phải “sáng tạo” tư tưởng, nghệ thuật trong việc làm thơ. Quan niệm làm thơ của Hoàng Công Nga cũng là tiêu biểu cho đặc trưng của thơ phong trào.

Thực sự là, Hoàng Công Nga có rất nhiều bài “không thơ”, nhất là thơ thời kỳ đầu (2008). Những bài từ năm 2020 trở đi, nghệ thuật thơ ông đã điêu luyện hơn. Tôi nói “không thơ” không có nghĩa rằng “không phải là những bài thơ”. Một bài thơ “không thơ” khi ý tưởng, nội dung, cảm xúc không bộc lộ ra được bằng ngôn ngữ thơ. Lời thơ, tứ thơ, nhạc thơ, cảm xúc thơ và kiểu tư duy thơ là những yếu tố quan trọng bậc nhất để làm nên một bài thơ. Hoàng Công Nga không quan tâm đến những yếu tố này. Ông viết chỉ để nói được những điều ông nghĩ bằng một lọai ngôn ngữ “giản dị, rõ ý, rõ lời”.

 Xin đọc các bài: Khao khát thấy Chúa, Miền Tĩnh lặng, Điều cảm nhận, Cây Thập Tự, Cánh cửa Nước Trời được mở ra, Nếu không có ChúaLòng tin của anh đã cứu anh, Người quản lý bất trung, Vì con là Linh mục, Mẹ! Nguồn thi ca, Nỗi đau và niềm tin, Thiên đàng mở rộng,Về đất tổ…

Thử đọc đoạn thơ này, đó là văn xuôi ngắt dòng, kiểu văn nói:

“Trong ánh mắt hiền từ của những con vật

Cũng đã nói lên sự sẻ chia đồng loại

Vốn là loài vật mang bản năng thú tính

Nhưng loài hổ dữ vẫn không ăn thịt con

Con người đôi khi phải học từ thú vật

                                    (Điều cảm nhận)

Đoạn thơ trên không vần, không nhạc, không tứ thơ, không cảm xúc, dùng nhiều khẩu ngữ, lặp từ và sai cú pháp (lời ăn tiếng nói hàng ngày, chỉ có nghĩa thông tin, không có nghĩa nghệ thuật).

Xin viết lại thành văn xuôi:

“Trong ánh mắt hiền từ của những con vật cũng đã nói lên sự sẻ chia đồng loại vốn là loài vật mang bản năng thú tính, nhưng loài hổ dữ vẫn không ăn thịt con. Con người đôi khi phải học từ thú vật

            Nhận dạng: Trạng từ “Trong ánh mắt” không thể lám chủ ngữ cho động từ “nói lên”(sai ngữ pháp). Lặp lại ba từ “con vật, loài vật, thú vật”(nghèo về dùng từ). Ngôn ngữ nói: “cũng đã, vốn là, vẫn”, diễn đạt không chuẩn: “những con vật…vốn là loài vật”.

            Tôi xin mạo muội viết lại:

“Ánh mắt hiền từ của loài vật nói lên sự sẻ chia đồng loại, dù loài vật chỉ mang thú tính. “Hổ dữ không ăn thịt con”. Con người đôi khi học được bài học về sự chia sẻ đồng loại từ loài hoang dã.

            Những phân tích trên để phân biệt thơ và không thơ về mặt văn bản.

            Thơ Hoàng Công Nga có những hạn chế về kiến tạo văn bản song vẫn có sức hấp dẫn người đọc ở những yếu tố khác. Thơ Hoàng Công Nga đầy ắp ý tưởng, cảm xúc, bộc lộ một cá tính có những yếu tố độc đáo: Nói thẳng, nói những điều chân thực và ở bề sâu, thơ Hoàng Công Nga đậm đặc tình cảm.

            Xin đọc: Lập lại trật tự, Điều răn trọng nhất, Con tim có lửa, Hãy trở nên như trẻ nhỏ, Tháng Bảy tình ca, Về lại cố hương Xót thương, Niềm riêng, Xin trời đổ xuống cơn mưa. Nỗi buồn tháng năm, Về lại đồng xanh Giữa đồng xanh, Câu chuyện của những đồng tiền lẻ…

             “Cái Tôi” trữ tình trong thơ Hoàng Công Nga có cá tính. Cái Tôi ấy nặng tình quê hương (Nỗi nhớ, Mẹ, miền dân dã, Nhắn người đi xa, Mari yêu, Quê hương tôi, Quê hương và em, Về đất tổ; Ngọt ngào quê hương, Nguyện cầu, Xin trời đổ xuống cơn mưa, Nỗi buồn tháng năm, Điệu buồn ly hương…)

            Những bài thơ tình yêu có sức gây ấn tượng: Yêu đi chứ. Em là bài ca anh hát, Tháng Bảy tình ca. Trăn trối. Em vẫn là của riêng tôi. Lấy chồng giàu, Vườn địa đàng, Chuyện tình buồn

            Những bài thơ về tình cảm bạn bè rất chân thật, khéo nói: Ngược thời gian, Giữ trọn lời nguyền. Họp mặt yêu thương, Nhận ra nhau: Giữa đồng xanh, xướng họa thơ Đường với Khôi Nguyên, Thanh Loan…

            Cái Tôi trữ tình trong thơ Hoàng Công Nga vốn có phẩm chất lãng mạn (Nắng lên đi) và sám hối (Lời nguyện cầu) nhưng đôi khi muốn nổi loạn (Mưa đầu mùa)

Tôi muốn mình là con nước mạnh
Cuốn trôi phăng bao nghịch cảnh trần ai
Để không còn gì trên trần thế cả
Trở về nguồn hồng thuỷ tội ngàn xưa

(Mưa đầu mùa)

          Dù vậy Hoàng Công Nga cũng bận tâm thế sự (Ngày tận thế, Câu chuyện của những đồng tiền lẻ, Lời nguyện cầu 2, Nhà thờ đóng cửa, Dấu chỉ thời đại)…Có lẽ người đọc đồng thuận được với ý kiến này của Hoàng Công Nga:

Người làm thơ
Là người tổng hợp được sự kiện
Để viết lên trong một vài dòng ngắn ngủi
Chứa đựng sự cảm thông, sẻ chia sâu sắc

                        (Hạt cát)

          Và thơ của ông quý ở tấm lòng.

5.Thơ Vũ Thủy.

            Ngoài những bài thơ của Vũ Thủy trong Nguyệt san Đồng Xanh Thơ, tôi còn tìm thấy trang http://thovuthuyhmt.blogspot.com nhiều bài thơ khác. Có 8 trang thơ thế tục, mỗi trang 20 bài, 8 trang “Vườn thơ đạo”, mỗi trang cũng 20 bài. Tập thơ Em ngày xưa (62 bài làm trong khoảng 1988-1991), Tập thơ Ba hạt dẻ & Những điều ước của tôi (112 bài), tất cả khoảng hơn 500 bài thơ. Với một tác giả khiếm thị, đó là một nỗ lực phi thường.

            Một điều thật đáng ngạc nhiên là Vũ Thủy được đào tạo về thơ trong trường lớp ở Mỹ, khác hẳn với nhiều tác giả khác. Việc đào tạo này giúp ích cho việc làm thơ của Vũ Thủy rất nhiều. Thơ Vũ Thủy thật phong phú về nội dung, có khí sắc về nghệ thuật và thấp thoáng bóng dáng tư tưởng.

Trong Bài không tên cuối cùng (tập thơ Em ngày xưa) Vũ Thủy viết: “Mình có vẻ ngố ngẩn làm sao với những bài thơ của mình. Đôi khi lại già chát, và điên loạn nữa. Nhưng mình biết, nếu mình không viết thì mình sẽ chết mất…

Nó sẽ hiểu mình biết bao. Nó và những chai thuốc ngủ làm dịu thần kinh mình. Nó là bạn để cho mình gởi gấm tâm sự. Tại sao không? Chung quanh mình chẳng có ai ngoài nó. Mình cô độc hoàn toàn. Phải chi chẳng có ai quanh mình. Mình sẽ khỏa thân trong ánh sáng và ngủ một giấc thiên thu. Rồi sau đó, mình không biết chuyện gì sẽ tiếp theo. Thật đấy!”

Tập thơ Ba hạt dẻ & Những điều ước của tôi là sự “vượt qua” bóng tối và tìm thấy sự sống, ánh sáng, con đường. Tâm hồn reo vui niềm hoan ca trong Chúa. Vũ Thủy khám phá Kinh thánh từ Cựu Ước tới Tân Ước (điều này thật đáng kinh ngạc). Ở đâu cũng là tình thương bao la của Chúa:  sách Dân số, sách Khôn ngoan, sách Huấn ca, Isaia, Giêrêmia, Ba-rúc, Giô-en, Mi-kha, Kinh thánh Matthêu, Maco, Luca, Gioan, thư Roma, thư Côlôxê, Ê-phê-sô, 2 Ti-mô-thê, Do Thái, Phê rô I, Phê rô II,…Vũ Thủy chia sẻ Kinh Thánh, dùng Lời Kinh Thánh để suy tư và bày tỏ tâm tình thống hối, tâm tình tạ ơn Chúa, tâm tình ngợi ca Tình Chúa bao la, và tâm tình cầu nguyện.

            Xin đọc một bài trong Ba hạt dẻ & Những điều ước của tôi :

CÁI NHÌN TRONG CHÚA

 (Mc: 10, 50-52)

    Áo choàng, tôi đã vất chưa

Những ngày tháng cũ bão mưa qua rồi

    Hôm nay tôi thấy bồi hồi

Bao nhiêu mặn đắng đã thôi không còn

    Bây giờ chim hót véo von

Bây giờ đôi mắt tâm hồn mở ra

    Tôi nghe tình Chúa bao la

Đã cho tôi khỏi mù lòa con tim!

    Chúa ơi! Đời vẫn nổi chìm

Vẫn còn gió thét, sóng dìm ngoài khơi

    Thân con yếu đuối, Chúa ơi!

Con đi theo Chúa nửa vời bước chân

    Vẫn còn thích chuyện phù vân

Con còn nấn ná lần khân giữa đàng

    Hôm nay Lời Chúa rõ ràng

Giục con vất chiếc áo choàng ngày xưa… 

    Con xin một tiếng thân thưa

Xin đi theo Chúa, xin chừa đam mê

    Xin cho con trọn lời thề

Chẳng mê danh vọng, chẳng mê bạc tiền

    Đời con dẫu có truân chuyên

Con luôn thanh thản bình yên trong Ngài

    Mắt con thấy rõ tương lai

Những ngày có Chúa nắng mai ngập hồn!

          Mời bạn đọc “tự bạch” của Vũ Thủy, bạn sẽ nhận ra rất nhiều điều thật tuyệt vời ở hồn thơ này, đồng thời cũng hiểu được những luận điểm cơ bản trong lý luận về sáng tác, về quan hệ thi ca và tâm linh, về quan hệ nội dung tư tưởng và nghệ thuật và về giá trị của thi ca:

            THEO NGÀI VÀO LỐI THƠ

Lời tự bạch của Vũ Thủy (06.04.2008)

“Lúc còn đang học lớp năm, tôi đã võ vẽ viết những bài thơ lục bát. Dần dần lớn lên tôi thích viết những bài thơ tự do hơn, và đã viết về đủ thứ trên đời. Khoảng thời gian đó, tôi chẳng có dịp nghiên cứu học làm thơ và cũng chẳng được đọc nhiều thơ cho lắm, tôi làm thơ chỉ là để trút những tâm sự và nỗi niềm riêng tư của mình…

Đôi mắt tôi mờ dần rồi mù hẳn, những bài thơ của tôi cũng lưu lạc đâu mất. Tôi đã ngưng việc làm thơ cho đến khi tôi biết sử dụng computer vào giữa năm 2002; khoảng thời gian này, tôi thường viết về những đề tài như hồi tưởng, hòa bình, thiên nhiên và những bức xúc về thời cuộc. Đó là những suy tư vụn vặt của tôi, đôi khi là những bức bối về cuộc sống đầy rẫy những bất trắc.

Bài thơ đầu tiên tôi viết có sự hiện diện của Thượng đế là bài “Cô gái mù với ly cafe trắng”. Và phải đến hơn 3 năm sau tôi mới lại viết được một bài có nét tâm linh nhiều hơn đó là bài “Món quà của Thượng đế”. Tôi muốn viết về Chúa nhiều hơn nhưng sao mà khó quá … Tuy nhiên, cũng như bao nhiêu khó khăn khác, Chúa đã dẫn tôi đi một cách âm thầm mà chỉ khi đến đích tôi mới hay Người đang ở bên tôi. Lần này cũng vậy, khi tôi viết bài thơ “Dù bước đi trong thung lũng tối…” tôi mới nhận ra một cách rõ ràng rằng Chúa đã dẫn tôi đi vào lối thơ của Ngài và bây giờ Người đang cầm tay tôi viết. Đó là một quá trình tôi muốn chia sẻ cùng những người có tâm huyết với thơ ca Công giáo Việt Nam.

Vào khỏang cuối năm 2004, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo từ xa đầu tiên của Hadley School for the Blind (the course “English skills I”) tôi viết thư cảm ơn giáo viên của tôi và bảo với cô ấy tôi rất thích làm thơ, bao giờ tiếng anh khá, tôi sẽ dịch một bài thơ của tôi sang tiếng Anh tặng cho cô ấy. Không ngờ Angie viết thư trả lời tôi, trong đó cô cho biết cô đã giúp tôi đăng ký vào học course “Elements of poetry”. Tôi rất hoảng không biết làm sao vì tiếng Anh tôi viết còn sai chét bét nói chi đến đọc hiểu và viết những bài thơ bằng tiếng Anh, cái mà tôi còn chưa đọc qua bao giờ. Từ chối thì sợ phụ lòng người giáo viên tốt bụng; và, tôi gần như bị bắt buộc học course này vì cuối cùng một Phần của bộ sách “Elements of Poetry” in chữ nổi đã được gởi đến tận nhà. Thậm chí tôi không có tiền để gởi trả thùng sách ấy cho Hadley School, ở Mỹ có chính sách miễn bưu phí cho người mù nhưng Việt Nam thì không.

Trong thời gian này tôi đăng ký thêm hai course học song song với Poetry để hỗ trợ cho vốn tiếng Anh ít ỏi của mình. Đó là “Punctuation” và “Word studying: Spelling”. Trừ những ngày tháng đau yếu nằm bẹp giường hay những ngày mải mê Dominoes với mấy người bạn mù, tôi cứ lẽo đẽo với Poetry. Khi thì đau ốm nằm cả tháng trời, khi thì chờ đợt sách gởi đến mất gần ba tháng. … Cuối cùng, vào giữa tháng 3-2007 tôi cũng hoàn thành the course “Elements of Poetry”.

Trước đó, một người bạn của bố tôi cho tôi địa chỉ Dunglac.net, và tôi tình cờ đọc được lá thư kêu gọi tham gia Đồng Xanh Thơ của anh Cao Huy Hoàng trên website này và đã mạnh dạn gởi đi bài thơ “Món quà của Thượng đế”. Sau đó là bài“Cô gái mù với ly cafe trắng”. Khi anh Hoàng khuyến khích tôi tiếp tục gởi bài, tôi đâu còn bài nào để gởi, những bài tôi đang có thì không phù hợp với Đồng Xanh Thơ. Tôi chợt nghĩ về hình ảnh đã lưu trong tâm trí tôi một cách rất sâu đậm, đó là ánh mắt của Chúa Giêsu. Ánh mắt mà tôi đã từng được nhìn thấy cách đây hơn hai chục năm qua sự thể hiện của một họa sĩ kỳ tài. Ánh mắt ấy đã thôi thúc tôi ngồi vào máy vi tính và cứ thế ngón tay tôi gõ liên tục trên bàn phím những ý tưởng mà tôi đã chất chứa về ánh mắt ấy trong những năm đầu tôi làm quen với bóng tối. Sau khi hoàn thành bài thơ, tôi đọc đi đọc lại nhiều lần và quyết định đặt cho bài thơ này tựa đề là “Hai nghìn năm vẫn đợi”. Đây là bài thơ đạo đầu tiên tôi viết sau khi học xong những bài học về thơ ca của Mỹ. Và đến lúc này tôi có thể khẳng định chính “Elements of Poetry” đã giúp tôi viết những bài thơ có mang nét tâm linh dễ dàng hơn. . . Tôi có thể viết về Chúa, nói với Chúa bất cứ lúc nào qua những vần thơ vụn vặt của mình.

Căn phòng nhỏ của tôi dường như chứa đầy những vần thơ, mỗi khi xuất hiện trong đầu một ý tưởng nào đó tôi cho là đẹp tôi liền vội vã lưu lại trong vi tính, hễ có thời gian rảnh rỗi tôi sẽ lấy ra gọt dũa chúng thành những bài thơ mới. Có những bài lúc đầu tôi gõ lách cách trên bàn phím vài ý tưởng rời rạc, không có chủ đích; thế nhưng khi viết xong những bài thơ ấy lại mang những ý nghĩa tích cực như bài “Hoa tình yêu,” “Khát vọng,” “Tìm về đất hứa.” Đặc biệt, bài thơ “Dù bước đi trong thung lũng tối. . .”, …

Khi tôi viết bài thơ “Lương tâm và giải lụa”, tôi chỉ định ví von con người của tôi yếu đuối và hay buông thả như một giải lụa. Không ngờ sau khi đã đưa ra một loạt những hình ảnh về giải lụa ấy, tôi càng nhận ra con người mình xấu xa hơn mình tưởng và nhận ra Chúa đã tha thứ cho mình nhiều hơn mình đã tưởng. Và hôm ấy cũng chính là ngày tôn kính Lòng Chúa thương xót, thế là tôi có được hình ảnh về một Biển Hồ Thương Xót thật là xúc động và tôi đưa ngay vào câu thơ kế tiếp của mình. . .

Bây giờ thì không thể dừng lại nữa, tôi đã viết đến đây, bạn có thể thấy Chúa dắt tôi đi vào lối thơ như thế nào. Bạn cũng thấy được Ngài đang cầm tay tôi viết ra sao. Rõ ràng là Elements of Poetry giúp tôi dễ dàng viết những bài thơ tâm linh, chủ đề mà trước đó tôi đã thực hiện một cách rất khó khăn. Nhưng tôi thấy tôi học được American Poetry là do ý Chúa muốn và do Chúa mở trí cho tôi hiểu được những bài học và những bài mẫu của các nhà thơ nước ngoài để giờ đây tôi áp dụng cho riêng mình. Chúa cũng đã ban cho tôi những trải nghiệm và những cảm xúc là những cái tôi cần để có thể sáng tác. Khi nhận ra rằng Chúa đã trở thành nguồn thi hứng cho mình, tôi thử làm một bài thơ tình theo kiểu như trước đây tôi đã làm; sau khi hoàn thành tôi cố sửa đi sửa lại, đọc đi đọc lại vẫn thấy nó vô vị và gượng ép đến mức tôi không thèm lưu nó lại trong computer nữa…

…Tôi muốn làm thơ và đọc cho những người bạn đang nằm trên giường bệnh có thể nghe một cô gái mù thì thầm nói về tình yêu của Chúa, về những vẻ đẹp của cuộc sống chung quanh. Tôi thường viết về những người bạn khuyết tật mà tôi quen biết, về niềm tin của họ, về những bất hạnh, những nỗ lực vượt qua khổ đau của họ cho Chúa nghe. . . Có thể nói Chúa Giêsu và những mảnh đời bất hạnh đã trở thành nguồn thi hứng dồi dào cho tôi. Tôi đang đi cùng với Giêsu trong một cuộc phiêu lưu đầy thú vị, dĩ nhiên là chúng tôi cùng trải qua những khó khăn vui buồn sướng khổ của cuộc phiêu lưu ấy”[[15]].

            Những kinh nghiệm thơ của Vũ Thủy là rất quý. Người làm thơ cần phải học và nghiên cứu về thơ (không làm thơ theo quán tính, thơ công thức), phải trải nghiệm cuộc sống sâu sắc, đời sống tâm linh phải phong phú và mạnh mẽ, nguồn cảm hứng thi ca phải là Chúa Giêsu và những mảnh đời bất hạnh. Mục đích làm thơ là để ca tụng Chúa và để chia sẻ niềm tin yêu với mọi người, nhất là những người tuyệt vọng. Bài thơ cần phải được “gọt dũa” nhiều lần sao để trở thành một tác phẩm nghệ thuật…

CON ĐƯỜNG PHÍA TRƯỚC

            Câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ đã sinh hoạt được 12 năm. Đã có nhiều thành tựu. Con đường phía trước còn dài. Tôi mạo muội chia sẻ những suy nghĩ này: Nguyệt san Đồng Xanh Thơ không đủ sức chứa bài của các thành viên, nhiều thành viên đăng bài ở những diễn đàn khác hoặc trên blog riêng, họ không chỉ đăng thơ tôn giáo mà còn đăng thơ thế sự, thơ về những điều riêng tư. Vì thế, Nguyện san Đồng Xanh Thơ cần phải mở rộng hơn biên độ nội dung, hoặc trở thành một diễn đàn thơ cho các tác giả Công giáo. Một tôn chỉ chung cho mọi thành viên là điều rất cần. Một ban biên tập  chuyên nghiệp sẽ quyết định chất lượng bài được chọn, tránh để trường hợp có những bài không tôn giáo chen vào. Về nhân sự, cần hình thành một nhóm tác giả nòng cốt, thực sự tài năng, có uy tín sánh ngang với nhà thơ thế tục. Trong sinh hoạt, cần có nhiều chuyên đề lý luận về thơ hơn nữa để giúp thành viên Câu Lạc bộ tiếp cận được với thơ ca Việt đương đại…

Tháng 3/2022

***


[1] Jos Hương Quê: Bài giới thiệu CLB Đồng Xanh Thơ: https://dongxanhthosaigon.com/vi/about/

[2] Sinh hoạt Đồng Xanh Thơ Sài gòn: https://dongxanhthosaigon.com/vi/ban-tin-clb-dong-xanh-tho-sai-gon/thang-mot/sinh-hoat-dong-xanh-tho-sai-gon-thang-1-2021-22.html

[3] Tập thơ Lấp lánh sương mai có 26 tác giả và 86 bài thơ

[4] Thí dụ: Chuyên đề thứ 4: “Thi Ca Trong Niềm Vui Ân Sủng” ngày 05/10/2019.

[5] Lm Hữu An-Ngày gặp gỡ tác giả Đồng Xanh thơ: http://vietcatholic.net/News/Html/51343.htm

[6] Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008

[7] Tác giả xuất hiện trên Thi Ca Cầu Nguyện: Tác giả in đậm cũng xuất hiện trên Đồng Xanh Thơ: Lm Cao Gia An, Lm Cát Đen, Lm Fx Thanh, Lm Khuất Dũng, Lm Nguyễn Phước Hưng, Lm Sơn Ca Linh, Lm Trần Việt Hùng, Lm Trương Đình Hiền, Ba Chuông, Gã Tuần Phiên, Hồ Giang A, Hương Nam, Sao Khuê, An Chi Lê, Bích Ngọc Nt, Cao Danh Viện, Cao bồi già, Cát Vàng, Dã Tràng Cát, Đinh Văn Tiến Hùng, Đỗ Văn , Dương Kim Quới, Giang Tịnh, Giuse Hà, Hai Tê Miệt Vườn, Hành Giang Sơn, Hằng Việt, Hạt Nho Nhỏ Bé, Hạt Cát, Hoài Việt Nguyễn Vĩnh Tường, Hoàng Công Nga, Hoàng Lý, Hoàng Tâm, Hồn Biển, Hồng Bảo, Kha Đông Anh, Kim Thoa, Lê Đình Bảng, Lê Thị Vân Nga Nt, Lưu Minh Gian, Mạc Tường, MP Hồng Nhung, Ngòi Bút Nhỏ, Nguyễn Văn Sướng, Phước Cao, Rafael-Faustina-H, Sao Mai, Song Lam, Song Thất Tình yệu, Suối ngàn, Thái Huy, Thái Bá, Thanh Hương, Thế Kiên Dominique, Thiên Khuê, Thu Sương, Thùy Linh, TMT, Trầm Thiên Thu, Từ Thanh Hà, Viễn Đông, Viễn Dzu Tử, Vũ Năng, Vũ Thủy, Xuân Hậu

[8] Xem Sinh hoạt Đồng Xanh Thơ tháng 01/2021:

https://dongxanhthosaigon.com/vi/ban-tin-clb-dong-xanh-tho-sai-gon/thang-mot/sinh-hoat-dong-xanh-tho-sai-gon-thang-1-2021-22.html

[9] Xem sinh hoạt Đồng Xanh Thơ Sài gòn tháng 01/2021:

https://dongxanhthosaigon.com/vi/ban-tin-clb-dong-xanh-tho-sai-gon/thang-mot/sinh-hoat-dong-xanh-tho-sai-gon-thang-1-2021-22.html

Xem chương trình hội thảo chuyên đề ba năm 2021-2023:

https://dongxanhthosaigon.com/vi/ban-tin-clb-dong-xanh-tho-sai-gon/tin-tuc/chuong-trinh-hoi-thao-chuyen-de-ba-nam-2021-2023-27.html

[10] https://www.thivien.net/forum/Con-h%E1%BB%8Dc-th%C6%A1-%C4%90%C6%B0%E1%BB%9Dng-Cha-%C6%A1i/topic-ZQ04pcxqoMjAhkEPeFoSfg

[11] https://dongxanhthosaigon.com/vi/news/da-trang-cat/

[12] https://www.vanthoconggiao.net/2019/07/thi-ca-va-cau-nguyen-bai-thuyet-trinh.html

[13] Xin đọc: Bùi Công Thuấn, Tư tưởng Mỹ học Ki tô giáo và văn học Công giáo

https://vanhoadatmoi.net/chuyen-de/tu-tuong-my-hoc-kito-giao-va-van-hoc-nghe-thuat-cong-giao-bui-cong-thuan.html

[14] Vịn câu thơ Hoàng Công Nga: https://lebaotinhbmt.com/gioi-thieu/lop-vo-nhiem/vin-cau-tho-hoang-cong-nga-85.html

[15] https://gxdaminh.net/mot-nguoi-rat-gan-nha-tho-khiem-thi-vu-thuy/ 

Loading

Đánh giá bài viết
call Hotline 1 0798287075 call Hotline 2 0798 287 075 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok