&Những đóng góp mới mẻ về tư tưởng và nghệ thuật
BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK: buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc
***
Lm. Gioakim Đặng Đức Tuấn
&Những đóng góp mới mẻ về tư tưởng và nghệ thuật
(Đọc Tự tích Đức cha Thể vãn)
Bùi Công Thuấn
***
ĐỨC CHA THỂ
Thánh Stêphanô Théodore Cuénot Thể là Giám mục thừa sai Paris (1802-1861). Ngài đến Việt Nam năm 1829. Năm 1835 ngài được Đức cha Taberd truyền chức Giám mục. Ngài đã phục vụ Giáo hội Việt Nam 32 năm trong giai đoạn cấm đạo khắc nghiệt nhất của các vua nhà Nguyễn (Minh Mạng, Tự Đức). Ngài chuyên tâm đào tạo linh mục, nữ tu, thầy giảng và truyền giáo, đặc biệt là truyền giáo cho các dân tộc thiểu số miền Thượng du, dân tộc Bahnar.
Ngày 24.10.1861, ngài đang ẩn ở nhà bà Madalena Huỳnh Thị Lưu[1] thì quân lính bao vây nhà bà. Đức cha bị bắt và bị đóng cũi đưa về tỉnh. Cơn bệnh khắc nghiệt đã làm Đức cha kiệt sức và qua đời (14.11.1861). Sau đó, bản án trảm quyết từ Huế mới đến Bình Định. Sau đó, triều đình lại gửi ra một bản án mới ghi: “Tây dương đạo trưởng Thể đã lấn lút trong nước ta 40 năm nay. Y đã giảng đạo và lừa dối dân chúng. Bị bắt và tra hỏi, y đã thú nhận mọi tội lỗi. Lẽ ra phải đem chém đầu y bêu lên giữa chợ, nhưng vì y đã chết trong tù, ta truyền phải quăng xác y xuống sông”. Chiếu theo bản án ấy, quan Trấn thủ cho đào mồ Đức cha lên để liệng thi hài Đức cha xuống sông.
Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh [[2]]
LM. GIOAKIM ĐẶNG ĐỨC TUẤN
Lm. Đặng Đức Tuấn (1806-1874) sống cùng thời và có mối quan hệ mật thiết với Đức cha Cuénot Thể (1802-1861). Năm 1856, ngài được Đức Giám mục Cuénot Thể truyền chức linh mục tại Tòa Giám mục Gò Thị. Do sắc chỉ “Phân sáp” của vua Tự Đức, cuối năm 1861, cha Tuấn bị triều đình bắt giữ ở Nga Mân sau cho áp giải về Huế. Nhờ các bản điều trần, cha Tuấn được triều đình cho tháp tùng sứ bộ Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào Gia Định thương nghị với Pháp. Sau hòa nghị năm 1862, ngài về quê, làm cha sở Nước Nhỉ (nay thuộc huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định).
Lm. Đặng Đức Tuấn và Đức cha Thể đã sống trong giai đoạn cấm đạo khốc liệt dưới triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, cũng là người chứng kiến Pháp nổ súng tại Đà Nẵng 1858 bắt đầu xâm lược nước ta.
Khi Pháp xâm lược nước ta, về tư tưởng, giới sĩ phu Nho học chia làm ba phe: Phe chống Pháp đến cùng, tiêu biểu là Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), phe rút về ở ẩn để giữ danh tiết kẻ sĩ, tiêu biểu là Nguyễn Khuyến (1835-1919), và phe hợp tác với Pháp là Tộn Thọ Tường (1825-1877) và Hoàng Cao Khải (1850-1933).
Qua thơ văn Lm. Đặng Đức Tuấn để lại, ngài là một Lm. yêu nước, dấn thân, chống Pháp và phải đối diện với cuộc đấu tranh tư tưởng khác là sự nghi kỵ tôn giáo. Các vua nhà Nguyễn theo Nho học, nghi ngờ các vị Thừa sai phương tây tiếp tay cho Pháp xâm lược, vì thế ra lệnh cấm đạo gắt gao. Trong “Tự tích Đức cha Thể vãn”, Lm. Đặng Đức Tuấn làm rõ điều này.
TỰ TÍCH ĐỨC CHA THỂ VÃN
Tác phẩm Tự tích Đức Cha Thể vãn gồm 498 câu lục bát và song thất lục bát. Bài vãn này được làm sau khi Đức cha Thể qua đời (1861), hẳn nhiên Lm. Đặng Đức Tuấn đã kế thừa thể “vãn” trong văn học Việt và văn học “nhà đạo” trước đó, thí dụ, Ai tư vãn của Ngọc Hân công chúa, “Inê tử đạo vãn”[[3]], và đã đọc các khúc ngâm, đọc Đoạn trường tân thanh (truyện Kiều) của Nguyễn Du (1766-1820). Đó là những tác phẩm ta có thể đối chiếu để xem xét những sáng tạo nghệ thuật và tư tưởng của tác giả.
Lm. Đặng Đức Tuấn kế thừa Inê tử đạo vãn về cách thức viết loại truyện “hạnh các thánh”, và mục đích sáng tác để lưu truyền gương sống đạo cho đời sau.
Công danh ghi tạc bia vàng,
Trong đời có một nên gương trong trời.
Chép làm một bổn để đời,
Truyền cho thiên hạ người người học theo.”
(Inê tử đạo vãn–câu 540-545)
Tang thương một cuộc trải qua
Trước thuật tự tích đức cha để truyền
(Tự tích Đức cha Thể vãn. Câu 502-503)
Như vậy, (nói bằng ngôn ngữ hôm nay) có thể xem xét Tự tích Đức cha Thể vãn như một tác phẩm truyện ký bằng thơ (viết truyện người thật việc thật), ca ngợi công đức của Đức cha Thể, mặc dù thể “Vãn” là thể văn để điếu người đã khuất.
Là một truyện thơ Nôm, Tự tích Đức cha Thể vãn có cấu trúc khá tương đồng với Đoạn trường tân thanh.
Mở đầu đoạn trường tân thanh, Nguyễn Du nêu thuyết “Tài mệnh tương đố”, sau đó kể lại cuộc đời nàng Kiều để chứng minh cho nhận định của mình. Đoạn kết, Nguyễn Du dùng chữ Tâm của Phật giáo để hóa giải “Mệnh” và “nghiệp”
“Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”
(mở đầu truyện Kiều)
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
(Nguyễn Du kết thúc truyện Kiều)
Lm. Đặng Đức Tuấn cũng mở đầu Tự tích Đức cha Thể vãn bằng đọan thơ triết lý về lẽ
biến dịch và kết thúc tác phẩm bằng sự kết hợp triết lý biến dịch (“Dịch cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu“) với đức tin Kitô giáo.
Khoản đất trời đổi dời năm tháng
Biển âm dương kẻ vãn người lai
(Mở đầu Tự tích Đức cha Thể vãn )
Thế gian thường biến đổi thay,
Ngày xưa ly loạn ngày nay thái bình.
Ngửa nhờ ơn Chúa chí linh,
Tối làm nên sáng dữ sinh nên lành.
Dầu ai phá nát tan tành,
Hư thì sửa lại tốt lành cao xa.
Tang thương một cuộc trải qua,
Trước thuật tự tích Đức cha để truyền
(Đoạn kết Tự tích Đức cha Thể vãn)
Như vậy, có sự khác biệt rất lớn về tư tưởng giữa Lm. Đặng Đức Tuấn và Nguyễn Du thể hiện trong tác phẩm. Nguyễn Du dựa vào Thiên Mệnh của Nho giáo và thuyết nghiệp quả, tu Tâm của Phật giáo (“Tâm tức Phật/ Phật tức Tâm”) để giải thích và hóa giải những nỗi tang thương ở đời. Kết thúc truyện Kiều là một nỗi ngậm ngùi cam chịu. Trái lại, Lm. Đặng Đức Tuấn dùng lẽ biến dịch (Kinh Dịch) với cái nhìn “Dịch cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu”; “bĩ cực thái lai” kết hợp với đức tin Kitô giáo (nhờ ơn Chúa chí linh) để lý giải mọi biến cố đau thương trong đời Đức cha Thể, tất cả rồi đều tốt đẹp: “Ngày xưa ly loạn ngày nay thái bình”, “Tối làm nên sáng dữ sinh nên lành”, “Hư thì sửa lại tốt lành cao xa”. Đó cũng là niềm tin của Kitô hữu: có vượt qua con đường Thánh giá mới tới được Phục sinh vinh hiển. Một cái nhìn sự vật vận động, biến đổi tích cực.
Có lúc Lm. Đặng Đức Tuấn đối lập Thiên mệnh (trời) với đức tin (Chúa cả Ba Ngôi)
Sức phàm há mấy lăm hơi,
Cũng liều đánh bạc với trời thử coi.
Ngửa trông Chúa cả Ba Ngôi
Lâm khi nguy hiểm giúp tôi tá cùng
(Câu 69-72.Tự tích Đức cha Thể vãn )
Tư tưởng này quán xuyến suốt tác phẩm, vì thế Lm. Đặng Đức Tuấn không phân tích nguyên nhân và thái độ bách đạo của các vua nhà Nguyễn, ngài không kết án hay oán trách chế độ chính trị đương thời, mặc dù vẫn ghi nhận cụ thể việc bắt bớ, giết hại giáo dân, đạo trưởng. Ngài dùng lẽ biến dịch và đức tin Kitô giáo làm nền tảng tư tưởng để ngẫm suy hiện thực. Lm. Đặng Đức Tuấn vừa thuyết phục được vua quan đương thời, vừa vượt qua được sự nghi kỵ của nhà Nguyễn đối với các đạo trưởng (linh mục). Các bản điều trần của Lm. Đặng Đức Tuấn là một minh chứng. Những luận giải của Lm. Đặng Đức Tuấn đã làm thay đổi cái nhìn về đạo Công giáo của các đại thần Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp, kể cả vua Tự Đức.
NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN CHƯƠNG
Yếu tố trung tâm của một tác phẩm văn học là hình tượng nhân vật. Nhân vật làm nên câu chuyện (nội dung). Nhân vật thể hiện chủ đề và tư tưởng tác phẩm. Nhân vật cũng chứa đựng những đặc điểm nghệ thuật của tác giả. Nhân vật lớn làm nên tác phẩm lớn.
1.Nhân vật trung tâm của Tự tích Đức cha Thể vãn là Đức cha Cuénot Thể (người thật việc thật). Hành trạng, cuộc đời của nhân vật này được thuật lại đúng như “chính sử” (đã thuật ở trên), nhưng xin lưu ý, nhân vật văn học khác với nguyên mẫu ngoài đời, vì đây là “nhân vật tư tưởng-thẩm mỹ”(tức là nguyên mẫu đã được tái tạo qua tư tưởng và lý tưởng thẩm mỹ của tác giả). Lm. Đặng Đức Tuấn không chỉ thuật lại (như tường thuật báo chí) về Đức cha Thể, mà còn làm sáng lên những vẻ đẹp của nhân vật Đức cha Thể ở hai góc nhìn: vẻ đẹp bên trong tâm hồn, và vẻ đẹp từ tình cảm yêu thương, gắn bó của giáo dân. Nhân vật Đức cha Thể cũng được nhìn từ phía quan quân nhà Nguyễn giữa thời bách đạo. Nói cách khác, nhân vật Đức cha Thể được xây dựng trong không gian, thời gian rộng, trong nhiều mối quan hệ xã hội của bối cảnh lịch sử chính trị Việt Nam thời các vua Minh Mạng, Tự Đức.
Đây là vẻ đẹp bên trong của nhân vật Đức cha Thể (xin gọi tắt là Đức cha), vẻ đẹp của một lý tưởng, vẻ đẹp của một Mục tử giữa đoàn chiên. Khi bị quan quân tra hỏi về sự hiện diện của mình ở Việt Nam, Đức cha trả lời:
“Quan quân kẻ đứng người ngồi
Hỏi han sự tích hỏi rồi lại biên.
Đức Cha tuy bịnh ưu phiền,
Nhưng khi ứng đáp phân minh mọi lời.
Rằng tôi qua đã lâu đời,
Ước ba mươi bảy năm trời tới nay.
Chỉ lo truyền dạy đạo ngay,
Không làm giặc giã không hay sự đời.
Vì vua cấm đạo Chúa Trời,
Nên phải tàng ẩn tùy thời náu nương.
Tuy tôi người ở viễn phương,
Bởi lòng kính Chúa khắp thương mọi người.
Tuổi rày đã quá sáu mươi,
Thẳng ngay dạ thiệt chê cười mặc ai.
Cứu người đói khát họa tai,
Vốn không tham lợi tham tài mà qua.
Không lòng độc dữ gian tà,
Không làm thiệt hại nước nhà việc chi.
Không tham danh vọng thế thì,
Dạy người cho biết thị phi dữ lành.
Có sao nói thật đành rành,
Không hề nói dối nói quanh đâu là”.
(Câu 413-434)
Lm. Đặng Đức Tuấn làm rõ một vấn đề tư tưởng liên quan đến các Thừa sai thời đó.
Nhà Nguyễn nghi ngờ các Thừa sai có liên quan với Pháp trong cuộc xâm lược Việt Nam. Đức cha Thể nói rõ: ngài “Chỉ lo truyền dạy đạo ngay,/ Không làm giặc giã không hay sự đời. Ngoài ra, ngài còn cứu giúp dân nghèo: “Cứu người đói khát họa tai,…/ Dạy người cho biết thị phi dữ lành”. Tất cả mọi hoạt động của ngài không gây phương hại gì: “Không lòng độc dữ gian tà,/ Không làm thiệt hại nước nhà việc chi”.
Nói bằng ngôn ngữ bình dân, Đức cha cũng như mọi người dân, ngài là người “lương thiện” với tất cả ý nghĩa tốt đẹp nhất. “Đạo trưởng”, Thừa sai phương Tây cũng là một người dân bình thường. Nhìn ở góc độ tôn giáo, Đức cha tỏa sáng hai điều răn quan trọng nhất của đạo Công giáo là “mến Chúa và yêu người”, chuyên tâm loan báo Tin Mừng..
Tuy tôi người ở viễn phương,
Bởi lòng kính Chúa khắp thương mọi người
Trong phần trần thuật, hai chi tiết làm người đọc hôm nay ngỡ ngàng là tuổi tác (Đức cha đã 60 tuổi) và thời gian phục vụ tại Việt Nam (37 năm), phải sống trốn lánh giữa thời cấm đạo. Điều ấy biểu lộ một đức tin kiên trung vô bờ bến.
Rằng tôi qua đã lâu đời,
Ước ba mươi bảy năm trời tới nay.
Chỉ lo truyền dạy đạo ngay,
Không làm giặc giã không hay sự đời.
Vì vua cấm đạo Chúa Trời,
Nên phải tàng ẩn tùy thời náu nương.
…
Tuổi rày đã quá sáu mươi,
Thẳng ngay dạ thiệt chê cười mặc ai
Cứu người đói khát họa tai,
Vốn không tham lợi tham tài mà qua.
Đây là cảnh Đức cha Thể bị bắt. Lm. Đặng Đức Tuấn miêu tả phong thái Đức cha rất đẹp, rất uy nghi, và thanh thản. Ngài tỏa sáng lòng tín thác trong tay Chúa. Ngài không hề sợ hãi, cũng không phản ứng lại những bất công oan khiên triều đình nhà Nguyễn dành cho ngài. Sự xuất hiện của ngài làm quan quân “mất vía”, như thể quân dữ hoảng loạn khi đến bắt Đức Giê su (Ga 18, 6):
Quan cứ ông Quả mà tra
Đồ lễ như vậy ấy là của ai
Chú là đạo trưởng chẳng sai,
Kêu không sao đặng/ chối dài ai cho
Ông Quả bởi lòng sợ lo
Thưa rằng chẳng phải/ đôi co không hoài.
Cho nên quan ở lại dai
Canh giữ nghiêm nhặt ước hai ba ngày.
Đức cha thấy sự đắng cay,
Lại thêm khát nước lâu ngày xót xa
Ở trong lẫm lúa bước ra,
Phú mình mặc ý Chúa Cha lo lường.
Quan quân xem thấy Tây dương,
Như dường mất vía như dường chiêm bao.
Kêu la truyền báo lao xao
Hối rân mõ trống giáo sào gậy cây.
Kéo đoàn kéo lũ đến vây,
Đua nhay chạy tới coi Tây thế nào.
Huyện quan thôi mới truyền rao
Gia gông tùng giả tận cào chớ tha.
Còn gia nhơn với chủ nhà,
Đều đóng gông cả đem ra ngoài vườn.
(Câu 373-394)
Hình ảnh Đức cha xuất hiện ở đọan thơ trên cũng là vẻ đẹp bên ngoài của hình tượng nhân vật Đức cha Thể. Vẻ đẹp ấy thể hiện ở lòng yêu mến của giáo dân. Ngài đến, giáo dân vui, ngài đi, giáo dân bùi ngùi chờ mong. Ngài chịu bắt bớ, đóng cũi, tra vấn thì lòng giáo dân đau đớn xót xa. Ngài “về trời” thì nước mắt con dân như mưa, nỗi sầu thảm bao trùm không gian Đây là đoạn “ai điếu” Đức cha qua đời (lời giáo dân nói với Đức cha):
Tưởng rằng một hội phong mây
Nước non há để tớ thầy lìa nhau
Nào hay kẻ trước người sau,
Khỏi mười lăm bữa cha mau về trời.
Vàng trầm sông Lệ thương ôi:
Gió đưa ngọn thảm mưa rơi đọt sầu.
Mắng tin giáo hữu đâu đâu,
Ngày dài hàm lụy canh thâu đoạn trường.
Bưng khuân lòng khiến thảm thương,
Thương khi lâm tử cũng dường tội nhơn.
Ngậm ngùi cảm bấy công ơn,
Ơn còn người mất lòng hơn tơ vò.
Nhẫn dầu núi lở biển khô,
Biển núi khô lở công phu đá vàng.
Phận cha rồi cuộc gian nan,
Gian nan rồi cuộc thanh nhàn tới nơi.
Chúng con còn ở giữa vời,
Giữa vời biển hiểm là đời phù vân.
Sự đời khi hiệp khi phân
Phân ly lại hiệp xoay vần vô biên.
(Câu 441-460)
Lời “ai điếu” thể hiện mối quan hệ cha con thắm thiết, bộc bạch những nghĩ suy trăn trở về Đức cha, không kềm chế được nỗi thương đau sầu thảm ngày đêm và tỏ lộ một lòng biết ơn sâu nặng với Đức cha. Trong niềm tin Kitô giáo, người giáo dân nghĩ đến cuộc gặp lại Đức cha mai sau (giải thích bằng lẽ biến dịch), “Sự đời khi hiệp khi phân/ Phân ly lại hiệp…”.
Xin lưu ý việc tác giả dùng từ để diễn ngôn: Lời thơ là lời của “chúng con” gần gũi ân cần sâu lắng. Mối quan hệ giáo dân và chủ chăn là quan hệ “tớ thầy” (hiểu theo nghĩa Kinh thánh là mối quan hệ của Đức Giê su và các tông đồ). Tác giả dùng nhiều hình ảnh ẩn dụ giàu chất thẩm mỹ của văn chương bác học kết hợp với lời nói bình dân tạo nên một đoạn “ai điếu” vừa trang trọng vừa xúc động.
Vàng trầm sông Lệ thương ôi:
Gió đưa ngọn thảm mưa rơi đọt sầu
…
Nhẫn dầu núi lở biển khô,
Biển khô núi lở công phu đá vàng.
Hình tượng nhân vật Đức cha Thể trở nên lớn lao vì được miêu tả trong không gian thời gian rộng lớn. Nhân vật ở giữa công chúng, ở tâm điểm của thời đại lúc ấy là cuộc bách hại tôn giáo. Nhân vật ấy điềm tĩnh, thanh thản nhưng uy nghi lẫm liệt tỏa sáng từ bên trong những phẩm chất mới mà kiểu nhân vật “đấng trượng phu, đấng nam nhi, người anh hùng” trong văn học trung đại dưới ý thức hệ phong kiến không có được. Từ Hải là nhân vật lý tưởng của Nguyễn Du, nhưng Nguyễn Du đã phải hạ một câu thơ đau đớn khi Từ Hải thất thế: “Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”.
Trái lại hình tượng Đức cha Thể khi thất thế phải sa vào tay kẻ dữ lại lẫm liệt
Đức cha thấy sự đắng cay,
Lại thêm khát nước lâu ngày xót xa
Ở trong lẫm lúa bước ra,
Phú mình mặc ý Chua Cha lo lường.
Quan quân xem thấy Tây dương,
Như dường mất vía như dường chiêm bao
Lm. Đặng Đức Tuấn đã đem đến cho văn học Việt đương thời một hình tượng rất mới mẻ, rất đẹp về một vị Thừa sai, đủ khả năng làm xóa đi những định kiến tôn giáo của vua quan nhà Nguyễn.
2. Văn chương với hiện thực.
Tự tích Đức cha Thể vãn là một truyện ký. Sự việc, con người, thời gian, không gian được ghi lại trung thực, nhưng Lm. Đặng Đức Tuấn đã ghi lại cái phần sáng, cái phần tốt đẹp của hiện thực, mà không tô đậm cái phần tối, phần oan khuất thương đau, không “tố cáo tội ác” mà vua nhà Nguyễn gây ra cho người Công giáo.
Đây là hình ảnh đời sống thái bình, vua nhân hậu (nhơn hoàng), Đức cha đi lại khắp nơi giảng khuyên giáo dân, từ Nghệ An đến Thừa Thiên, Nam Ngãi Bình Định Phú Yên và vào cả Sài gòn, “Bốn phương, khắp miền âu ca”.
Đương thuở nhơn hoàng ngự ngôi.
Ra vào thong thả lần hồi giảng khuyên.
Nghệ An nhẫn đến Thừa Thiên,
Nam Ngãi Bình Định Phú Yên Sài Gòn
Khắp miền dạy dỗ các con
Thân li cố quốc chơn mòn tha bang.
(Câu 15-22)
Ngàn trùng dặm thẳm đàng xa
Mọi nơi đều có Đức cha cầm quờn
Gian nan khốn khó chi sờn,
Đạo tuy nghiêm cấm giáo nhơn phỉ nguyền.
Ngoài trong lo việc giảng truyền,
Bốn phương thỏa thiệp khắp miền âu ca.
Hàng năm phong chức các cha,
Vườn nho sum ấm, Thánh Tòa sáng danh.
(Câu 159-166)
Cả khi bị bách đạo thì vẫn có nỗi vui trong sự tín thác vào Chúa:
Đương khi bắt đạo tưng bừng,
Mắng tin bao xiết nỗi mừng nỗi lo.
Mừng vì Chúa đã liệu cho,
Có đứng Vị-vồ chăn giữ giáo nhơn.
(Câu 63-66)
Và đây là thảm cảnh “phân sáp” [4]
Đến khi mật trát truyền ra,
Thích tự phân sáp dỡ nhà đạo nhơn.
Càng ngày sự dữ càng hơn,
Đức cha mới tính đi chơn Gò-Bồi.
Tuy rằng là chỗ mồ côi,
Làng còn để lại đặng đôi ba nhà.
Ông Quả thầy Truyền thầy Khoa,
Nghiêm Sang hai chú cũng là theo đây.
Thị Lựu góa phụ nhà nầy,
Cha con tạm ẩn tớ thầy duông thân.
Kẻ sáp đổi đi xa gần.
Kẻ còn ở lại bần thần thương tâm.
Cửa nhà dỡ phá căm căm,
Cho ai lòng sắc không cầm lụy châu
(Câu 333-346)
Đọc đọan thơ, người đọc chỉ thấy ngậm ngùi thương cảm người giáo dân trong khổ nạn, tác giả tuyệt nhiên không truy nguyên hay “tố cáo” tội ác nhà Nguyễn gây ra cho nhân dân. Điều này có thể là, người Công giáo tin rằng mọi sự khó đều là thử thách của Chúa, là thập giá phải mang để đi đến Phục sinh; cũng có thể là, tác giả không muốn gây ra những chia rẽ lương giáo, không muốn tách người Công giáo khỏi cộng đồng dân tộc; và cũng có thể là chỗ khó của Lm. Đặng Đức Tuấn. Ngài vừa muốn thể hiện sự trung thành với nhà vua (trung quân ái quốc) vừa muốn bảo vệ đức tin Công giáo.
Thái độ “phản ánh hiện thực” này của Lm. Đặng Đức Tuấn hoàn toàn khác với Nguyễn Du khi nhìn hiện thực “bể dâu”. Nguyễn Du chỉ thấy sự khắc nghiệt của Thiên mệnh:
“Gẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao”
(Đoạn trường tân thanh-Nguyễn Du)
3. Những đặc sắc nghệ thuật
Đặc sắc nghệ thuật có ý nghĩa tư tưởng của ngòi bút Đặng Đức Tuấn đã thể hiện trong việc xây dựng nhân vật trung tâm và trong ý thức “phản ánh hiện thực” (được nêu ở trên). Người đọc còn tìm thấy nhiều điều thú vị trong nghệ thuật kiến tạo tác phẩm mà Lm. Đặng Đức Tuấn đem đến cho văn học đương thời.
Xin nhắc lại đôi điều. Tiêu biểu cho thơ văn thời kỳ đầu của nhà Nguyễn là Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858) với những bài thơ về “Chí nam nhi”[[5]]. Ông cao rao đạo trung hiếu: “Có trung hiếu nên đứng trong trời đất/ Không công danh thà nát với cỏ cây” (Phận sự làm trai). Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam (1858), văn học Việt Nam chuyển sang nền văn học yêu nước chống Pháp mà Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) là tiêu biểu. Vẫn là đạo “trung hiếu” nhưng đã mang tư tưởng chống Pháp: “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia;/ Sống thờ vua, thác cũng thờ vua, lời dụ dạy đã rành rành, một chữ ấm đủ đền công đó.…”(Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. 1861).
Lm. Đặng Đức Tuấn không nói gì đến đạo trung hiếu của Nho giáo như Nguyễn Công Trứ, cũng không đưa vào tác phẩm những sự kiện và tư tưởng chống Pháp đương thời. Lưu ý rằng, Đức cha Thể đến Việt Nam 1829 và qua đời 1861 khi Pháp chiếm ba tỉnh miền đông Nam bộ. Tại sao Lm. Đặng Đức Tuấn không đưa nhân vật của mình vào những sự kiện chính trị như thế?
Điều này chỉ có thể lý giải rằng Công giáo đứng ngoài chính trị. Đức cha Thể chỉ có một lý tưởng là:
“Rằng tôi qua đã lâu đời,
Ước ba mươi bảy năm trời tới nay.
Chỉ lo truyền dạy đạo ngay,
Không làm giặc giã không hay sự đời”
Tôi nghĩ đó là thái độ chọn lựa đúng đắn của Lm. Đặng Đức Tuấn. Tác giả xây dựng nhân vật Đức cha Thể là một Mục tử, một đấng chăn chiên lành.
Mặc dù Tự tích Đức Cha Thể vãn được viết sau truyện Kiều, nhưng Lm. Đặng Đức Tuấn không chịu ảnh hưởng nghệ thuật của Nguyễn Du. Câu thơ Lục bát của Lm. Đặng Đức Tuấn gần gũi, dân dã hơn (sử dụng nhiều thành ngữ, ca dao). Vẫn có những đoạn, những cảnh tác giả sử dụng vốn từ bác học, có lẽ để đáp ứng đối tượng độc giả có học đương thời. Và tuyệt nhiên không có sự hiện diện của điển ngữ Trung quốc như thường thấy trong truyện Kiều và Lục Vân Tiên lúc ấy.
Trong khi các tác giả văn chương chữ Nôm thời nhà Nguyễn vẫn còn sử dụng bút pháp ước lệ của văn học trung đại thì Lm. Đặng Đức Tuấn đã sử dụng bút pháp hiện thực khá hiện đại, tức là chọn tả những nét điển hình của cuộc sống, đặt nhân vật trong các mối quan hệ xã hội, qua đó gửi thông điệp về những vấn đề nhân sinh. Ngòi bút tả thực của Lm. Đặng Đức Tuấn hết sức sống động (thí dụ đoạn Đức cha bị bắt), những trang tả tình của Lm. Đặng Đức Tuấn cũng sâu sắc thấm thía. Chẳng hạn những đoạn kể về những năm thái bình với niềm hân hoan và nỗi sầu thảm trong đoạn ai điếu khi Đức cha về trời. Màu sắc thẩm mỹ cua bài vãn thật phong phú.
Trong bài vãn này không có nhân vật Tôi thuật truyện. “Cái Tôi” tác giả hòa trong các nhân vật công chúng giáo dân, nói tiếng nói của cộng đồng. Dù vậy, chất trữ tình vẫn là âm giọng chủ đạo. Điều này có thể hiểu được vì Vãn là thể loại bày tỏ tình cảm với người đã khuất. Thể loại truyện ký bằng thơ, phản ánh những vấn đề thời sự, diễn ngôn có tính tư tưởng là những đóng góp của bài Vãn vào văn học Việt đương thởi.
LM. ĐẶNG ĐỨC TUẤN-NHÀ VĂN CÔNG GIÁO
Tiến sĩ Wynn Wilcox (Western Connecticut State University, USA) gọi Lm. Đặng Đức Tuấn là nhà thơ, nhà văn và nhà sử học [[6]]. Ở lĩnh vực thơ văn, Lm. Đặng Đức Tuấn còn các tác phẩm khác như Thuật tích việc nước Nam, Tân cựu Sấm truyền lục bát kinh văn, Minh dân vệ Đạo khúc, Kim thạch giải sầu ca, Văn tế các đẳng,…Để hiểu tài năng và những đóng góp văn chương, tư tưởng của Lm. Đặng Đức Tuấn, cần có một công trình nghiên cứu sâu rộng hơn.
Bài viết này chỉ là bước đầu khám phá văn chương của Lm. Đặng Đức Tuấn. Văn học chữ Nôm đương thời có những tác phẩm đỉnh cao như Chinh phụ ngâm khúc (1741-Đặng Trần Côn), Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều 1741-1798), Ai Tư Vãn (Ngọc Hân bắc cung hoàng hậu.1792), Đoạn trường tân thanh (Nguyễn Du.1766-1820), Lục Vân Tiên (trước 1858) và Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu-1861). Các tác phẩm chữ Nôm này nằm trong hệ tư tưởng Phật, Nho, Lão, sử dụng bút pháp ước lệ của văn học trung đạị. Tự tích Đức Cha Thể vãn của Lm. Đặng Đức Tuấn lại đem đến những yếu tố tư tưởng và nghệ thuật mới. Đó là sự kết hợp triết học biến dịch với Thần học Kitô giáo, thể Vãn không chỉ là thương tiếc oán than mà có tính chất như một “truyện ký” với nhân vật, địa danh, sự việc và bối cảnh xã hội đương thời Việt Nam. Người đọc cũng tìm thấy tính “thuần Việt” trong ngôn ngữ và cách thể hiện. Tất cả hướng đến một đối thoại tư tưởng với đương thời, khi nhà Nguyễn coi Nho giáo là “chính đạo”.
Có nhìn Tự tích Đức Cha Thể vãn ở những giá trị tư tưởng và nghệ thuật ấy mới thấy những đóng góp của Lm. Đặng Đức Tuấn cho văn học Công giáo và văn học đương thời là rất quý giá.
Tháng 6/ 2023
[1] Bà này được nhắc đến với hai tên Lưu và Lựu. Ngày nay trong sách sử ở Giáo phận Qui Nhơn thống nhất gọi là bà Huỳnh Thị Lưu.
[2] Lm Đào Trung Hiệu OP-Thánh Stêphanô Théodore CUÉNOT THỂ, Giám mục thừa sai Paris (1820-1861)https://www.giaophanbaria.org/phung-vu/hanh-cac-thanh/2015/11/14/thanh-stephano-theodore-cuenot-the-giam-muc-thua-sai-paris-1820-1861.html
[3] Năm 1838, trong Tự Điển Việt-La (Dictionarium Anamitico Latinum) của Jean Louis Taberd, phần phụ lục trang 110 đến 135 có in một bài thơ (vãn) tên Inê Tử đạo vãn về một vị tử đạo có tên thánh là Inê. Bài vãn gồm 562 câu, in song song với bản dịch tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Latinh.
[4] Phân sáp: Cuối tháng 7.1861 vua Tự Đức ký sắc lệnh phân sáp toàn diện, nội dung gồm năm khoản: “1- Tất cả già, lớn, bé, nam, nữ Công Giáo phải chia ra phân tán vào các làng lương không Công Giáo. 2- Các làng không Công Giáo phải nhận canh chừng theo tỉ lệ năm người lương canh một người Công Giáo. 3- Các nhà Công Giáo bị phá hủy, đất đai trao cho các người lương canh tác để nộp thuế. 4- Vợ chồng con cái phải tách biệt nhau. 5- Phải khắc chữ tả đạo ở má trái và nơi lưu đày ở má phải”.
Lm Mai Đức Vinh-Các văn kiện cấm đạo: https://catechesis.net/cac-van-kien-cam-dao-4/#:~:text=Cu%E1%BB%91i%20th%C3%A1ng%207.1861%20vua%20T%E1%BB%B1,canh%20m%E1%BB%99t%20ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20C%C3%B4ng%20Gi%C3%A1o.
[5] Nguyễn Công Trứ-bài thơ Chí nam nhi
https://www.thivien.net/Nguy%E1%BB%85n-C%C3%B4ng-Tr%E1%BB%A9/Ch%C3%AD-nam-nhi/poem-U1-UaldAkjbh8IvkcFlb7Q
[6] Wynn Wilcox-A Nôm Source on Nineteenth-Century Vietnamese History: Đặng Đức Tuấn’s Thuật tích việc nước Nam. The Second International Nôm Conference June 1-2, 2006 Huế