Nhà văn Bùi Quang Tú & Lời cám ơn Hà Nội

BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK:  buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

 

Tôi và nhà văn Bùi Quang Tú cùng kết nạp Hội Nhà văn 2014. Anh vừa trở về cõi vĩnh hằng. Tôi đăng lại bài viết này như một nén tâm nhang kính tiễn anh. Vô vàn thương tiếc một người bạn hiền lành và tài hoa.

***

LỜI CÁM ƠN HÀ NỘI

Tạp văn của Bùi Quang Tú, Nxb Đồng Nai 2014

Bùi Công Thuấn

***

Nhà văn Đồng Nai dự Đại Hội IX Hội Nhà Văn: (Từ trái sang) Khôi Vũ, Lê Đăng Kháng, Bùi Công Thuấn, Bùi Quang Tú, Đàm Chu Văn

 

Tạp văn là thể văn ở giữa thể Ký và Tuỳ Bút. Nó cho phép người viết ghi lại những mảnh hiện thực cùng với những cảm nhận của mình. Nếu Ký tập trung phản ánh người thật việc thật và soi rọi vào đó  cái nhìn mang ánh sáng cá nhân thì ở Tùy bút, “cái tôi” tác giả được phóng đại và khúc xạ qua lăng kính con người và sự việc. “Cái Tôi” trong Tùy Bút là cái tôi thẩm mỹ làm nên giá trị của trang văn. Tạp văn không có được “cái tôi” thẩm mỹ, nhưng có thể ghi được những lát cắt hiện thực qua cái nhìn của nhân vật Tôi là người trong cuộc, như một chứng nhân, một trải nghiệm cụ thể, vừa đủ thuyết phục người đọc về những gì khả tín.

1. “Một thời để nhớ”

Lời Cám Ơn Hà Nội  là bài ca về “một thời để nhớ”, vì hầu hết các bài viết khởi đi từ thời điểm hiện tại, tác giả nhớ lại ngày xưa.“Bây giờ đây đang sống ở mảnh đất phương Nam, hồi nhớ lại…”(tr.19) “hồi niên thiếu tôi sống ở Hà Nội…”(tr.36), ”Tôi đã đón bao nhiêu cái tết nhưng vẫn nhớ mãi cái tết Hà Nội năm ấy “(tr.49), ”Tôi nhớ cách đây hơn ba mươi năm tôi đã đi trên một con tàu từ ga Hàng Cỏ”(tr.83), “Chao ôi, tôi lại nhớ tới chuyến đi phép năm 1983. Năm ấy tôi làm hiệu trưởng trường cấp 3 Nam Hà…”(tr.104)…

Ở góc nhìn khác, Lời Cám Ơn Hà Nội là tập hồi ký của người cầm bút. Bạn đọc có thể lần theo từng bước chân của tác giả. “Tôi là một thằng bé nhà quê, thuở bé sống ở quê mẹ, Đức Thọ, Hà Tĩnh”(tr.131). Năm 1955 tác giả theo cha ra Hà Nội, ở nhà G2 khu tập thể Trung Tự, phố Bà Triệu, và sống ở đó 18 năm (tr.7), “Tôi có một tuổi thơ trải dài trên vỉa hè Hà Nội”(tr.136), học trường cấp 1 Lương Khánh Thiện, cấp 2 Tây Sơn 1960. Cấp 3 học trường Đoàn Kết từ năm 1963 đến 1966, lúc này gia đình đã chuyển về khu tập thể Kim Liên (tr.17). Năm 1965 sơ tán về Vạn Phúc, Thanh Trì Hà Nội (tr.20). Tác giả kể :” Tốt nghiệp Phổ Thông, tôi vào trường Đại Học Sư Phạm. Ra trường sau mấy năm dạy học tôi chuẩn bị vào chiến trường miền Nam.(tr.19). Năm 1972, tôi ngoài 20 tuổi, lòng hăm hở như bao chàng trai cô gái khác. Đang là bí thư đoàn trường ở một trường cấp III, tôi viết đơn tình nguyện vào chiến trường miền Nam”(tr.84, tr.128). “Năm 1973 chúng tôi lên đường” (tr.85). “Năm 1974 từ R về được phân về Ban Tuyên Huấn Biên Hòa” (tr.96). “Tôi ở cơ quan được vài tháng thì nhận được quyết định đi biệt phái làm giáo viên trường Văn hóa huyện Thống Nhất “(tr.98), sau đó được kết nạp Đảng. Rồi dạy ở trường Cao Đẳng Sư Phạm Đồng Nai (tr.114), nhiều lần ra Hà Nội. Năm 1983 (tr.104), về phép 1985 (tr.110). 1998 ăn tết ở Hà Nội (tr.156) Ngày 09.02. 2009 thăm Ngày thơ Việt Nam ở Văn Miếu (tr. 124, 151).

Nếu Lời Cám Ơn Hà Nội chỉ là tiểu sử biên niên của tác giả, thì sẽ chẳng có gì đáng đọc, bởi nhìn vào tiểu sử ấy, mà so sánh với nhật ký Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, Dương Thị Xuân Quý (tr.79), thì Lời Cám Ơn Hà Nội không ghi lại “kỳ tích anh hùng” trong kháng chiến chống Mỹ của một thời Hà Nội hào hùng, hay tìm thấy những giá trị thiêng liêng của một Thăng Long hàng ngàn năm văn hiến. Nhân vật Tôi trong Lời Cám Ơn Hà Nội chỉ là một đứa trẻ bình thường của hè phố Hà Nội, là một học sinh chăm ngoan của những mái trường thủ đô và một người thanh niên Hà thành lên đường vào Nam chiến đấu như bao thanh niên khác (không có bài nào viết về một trận tham gia trực tiếp đánh Mỹ). Sau chiến tranh, nhân vật Tôi cũng là một thầy giáo của đời thường trong thời bao cấp, rồi thời mở cửa chuyển sang kinh tế thị trường.

Dù vậy, Lời Cám Ơn Hà Nội là lời của người trong cuộc, là chứng nhân của “một thời để nhớ”, là trải nghiệm trực tiếp trong những tháng ngày lịch sử vẻ vang của dân tộc, thế nên Lời Cám Ơn Hà Nội có giá trị của nó.

Nhân vật Tôi bình thường như bao người Hà Nội bình thường khác, nhưng chính những con người bình thường ấy lại làm nên một lịch sử vĩ đại, hào hùng. Và cũng chính những con người bình thường ấy lại là người gìn giữ vẻ đẹp và những giá trị văn hóa của nghìn năm Thăng Long Hà Nội. Vâng, xin cứ đọc nhân vật Tôi như một trường hợp cụ thể người con Hà Nội:

”Chúng tôi lên tàu, 10 giờ đoàn tàu chuyển bánh rời ga Hàng Cỏ tiến về phương Nam. Tàu chạy qua công viên Lênin, tôi nhoài người qua cửa sổ nhìn về khu tập thể Kim Liên nơi gia đình tôi đang ở. Chắc giờ này ba đang cặm cụi trên bàn viết, mẹ đang chuẩn bị nấu cơm và em gáu đang học bài…Trên tàu là những người mặc quân phục xanh, mũ tai bèo, dép cao su, mang theo ba lô nặng trĩu. Nhấp nhô về tuổi tác, có những thanh niên hai mươi tuổi trẻ măng, lại có những ông già gần 60 ở các ngành Y tế, Lâm nghiệp. Nhưng tất cả đều một tám long bốc lửa vớ miền nam,  đều muốn có mặt ở chiến trường trong giờ phút bước ngắt của lịch sử…”(tr.85).

Nhân vật Tôi, giống như những người con Hà Nội khác, âm thầm góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp vĩ đại của dân tộc. Nói như Nguyễn Khải, là góp một “hạt bụi vàng” làm cho Hà Nội thêm lấp lánh. TS Huỳnh Văn Tới cũng khẳng định Lời Cám Ơn Hà Nội có thể xem như là tiếng lòng của người con Biên Hòa-Đồng Nai đối với Thăng Long-Hà Nội (tr.6)

2.Hà Nội, rất nhiều sắc màu

Một nét ký họa rất xinh: ”Mỗi buổi sáng men theo con đường đất đỏ dẫn đến lớp học. Lớp 10 năm ấy nằm ẩn dưới những khóm chuối, bên những bụi dong riềng đỏ rực và những hầm hào chi chít. Ngoài kia là bãi cát trắng phau, mịn màng và dòng sông êm trôi. Những thuyền bè lả lướt trong nắng mai. Ở đây khá yên tĩnh, về đêm ngước nhìn bầu trời Hà Nội nghe thấy tiếng máy bay ầm ì và những viên đạn pháo cao xạ đỏ lừ tung lên trời, nổ lục bục”(tr.20)

Đây là một căn hộ: “Gia đình tôi đến thuê sau cùng nên đành ở nơi chái bếp, khi dọn đến mồ hóng vẫn bám đầy trên mái. Cái chái bếp ấy rộng mỗi chiều 4 mét, có hai cửa sổ. Nhà tôi chỉ kê được có một giường lớn, hai giường nhỏ, một cái bàn và một cái tủ. Nhà có 7 người, bà nội, ba mẹ tôi và 4 anh em…”, “…Ở cái khu nhà với 4 gia đình và mấy chục con người chỉ có một nhà tắm và một nhà vệ sinh, thế là xảy ra cảnh sáng chờ đi vệ sinh, chiều chờ tắm..Vui nhất là buổi trưa và chiều chỉ có một cái bếp chung nên cả 4 nhà đều nổi lửa. Mỗi nhà một cái thùng phuy đựng mạt cưa, nhồi mạt cưa vào bếp lò, dùng mấy mẫu gỗ thông nhồi mồi cho lửa bén. Nhà thì nướng dọc, nhà thì gọt sấu, tuốt rau rút, giã cua thì thụp…bữa ăn thì đạm, bạc, cơm độn ngô, rau muống luộc dầm sấu, vài con cá trích, trứng vịt luộc dầm nước mắm…”(tr.24-25)

Và đây là một nét sinh hoạt: “Xe đạp hồi ấy lai người và thồ hàng. Ở Ngã Tư Vọng tôi đã thấy một chiếc xe đạp đã phát huy hiệu quả tối đa của nó. Trên ghi đông treo 4 túi vừa vải vừa nhựa. Trong túi là hoa quả, thực phẩm, như mỡ, mắm, mì chính…Ở khung xe áp chặt một chiếc ba lô chắc là đựng quần áo. Phía sau mới thật vĩ đại. Ngồi chễm chệ là một phụ nữ bế con. Một bên là bao tải căng phồng với nồi niêu xoong chảo. Bên kia là thùng dầu hỏa. Ngồi cầm lái là một người đàn ông ngoài 40 tuổi rướn người chở vợ con, đồ đạc về nơi sơ tán. Người Hà Nội những năm ấy lúc nào cũng vội vàng, vì bận việc cơ quan, vì chiến tranh vô cùng ác liệt…”(tr.76)

Hà Nội trong bom đạn Mỹ: “Từ cuối tháng 12 và cao điểm nhất là đêm 26.12.1972, Mỹ cho hàng đàn B52 đánh vào ga Hàng Cỏ, bệnh viện Bạch Mai,  Bộ Giao thông và một số khu tập thể đặc biệt là khu phố đông Khâm Thiên. Nhiều cán bộ, dân thường, bác sĩ, y tá, thực tập sinh bị giết chết (tr.63)…Sáng 27.2, tôi đạp xe về nhà ở C4 khu tập thể Kim Liên để kiểm tra xem nhà cửa, đồ đạc có hề hấn gì không. Vừa tới chân cầu thang đã gặp ông già Tự Do người gầy, đội cái mũ lông to tướng màu nâu. Vợ con đi sơ tán, ông thường xuyên bám trụ. Thấy tôi, ông mỉm cười giơ lên một xâu cóc:’Mình mới ra ruộng bắt được mấy con cóc này, trưa nay có cái nhắm rượu rồi’…Trưa 28.12 tôi lại dự một đám cưới ở Hà Nội. Cô dâu là giáo viên -bạn tôi, mặc ái dài. Chú rể bộ đội mặc quân pục. Đưa dâu bằng xe đạp. Tiệc cưới chỉ có bánh, kẹo, chè và bó hoa lay ơn trắng. Ba phần tư câu chuyện trong đám cưới là chuyện bom đạn. Có người còn nêu sáng kiến đưa mấy thằng giặc lái ra giữa phố cho máy bay Mỹ ném bom”(tr.68)

Những đoạn tôi vừa trích hiện lên như những thước phim chân thực, sắc nét, có sức gợi bao nhiêu ký ức của những người đã sống ở Hà Nội. Ngày nay đọc những đoạn ghi chép này, bạn trẻ có thể không hình dung nổi những tháng ngày đã trở thành huyền thoại ấy của Hà Nội. Bùi Quang Tú đã ghi được những nét rất mộc, nhưng rất sáng những cảnh vật những con người Hà Nội bình dị, sáng trong và vô cùng quả cảm. Tôi hiểu rằng anh có ý thức ghi chép lại những sự việc và con người đời thường ấy của Hà Nội để gìn giữ lấy cái bản sắc, cái bản lĩnh Hà Nội trong từng chi tiết. Mai sau con cháu còn biết đến một cách cụ thể cha ông đã sống như thế nào.

Bùi Quang Tú còn có những bài nghiên cứu về cốt cách văn hóa Hà Nội. Lời cám ơn Hà Nội, Gặp gỡ và cảm nhận, Họ đã trở về trái tim Hà Nội, Hà Nội tình ca, Nguyễn Đình Thi với Hà Nội…ghi chép và tổng hợp được những giá trị văn hóa đặc sắc của Hà Nội. Bùi Quang Tú đã nhận xét về Nguyễn Đình Thi, và có lẽ cũng đúng với nhiều văn nghệ sĩ khác: “Hà Nội đã sản sinh ra nhiều nghệ sĩ tài hoa, trong đó có Nguyễn Đình Thi-một nghệ sĩ đa tài. Và chính ông đã dâng tặng Hà Nội những vần thơ, bản nhạc ghi dấu ấn không phai trong lòng người yêu Hà Nội”(tr. 149).

Bạn đọc được gặp rất nhiều nhà văn, nghệ sĩ trong cuộc sống đời thường mà Bùi Quang Tú đã ghi chép được. Trang văn của anh có nhiều giá trị tư liệu: Ở Hội Nhà văn, Bùi Quang Tú thường gặp Nguyễn Đình Thi (tr.28), anh cũng đã sống cùng với nhà văn Nguyên Hồng ở nhà xuất bản Văn Học (tr.29). Ngôi nhà 96 phố Huế, khu tập thể văn nghệ sĩ có Nguyễn Đình, Bùi Huy Phồn, Lưu Quang Thuận, nhạc sĩ Văn Ký, Nguyễn Văn Tý, Phan Huỳnh Điểu, nhà thơ Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ (tr.30).

Lời cám Ơn với Hà Nội ghi chép về các nhà văn miền Nam tập kết ra Bắc 1954, học tập và trưởng thành lên từ Hà Nội. Đó là: Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Đoàn Giỏi, Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Hoàng Văn Bổn, Hoài Vũ, Phạm Hổ, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Khoa Điềm, Lê Anh Xuân, Diệp Minh Tuyền; Họa sĩ Nguyễn Sáng; Các nhạc sĩ từng sống và làm việc ở Hà Nội khá đông đảo: Lưu Hữu Phước, Hoàng Việt, Hoàng Hiệp, Trần Kiết Tường, Phan Nhân, Huỳnh Thơ, Thuận yến, Trương Quang Lục…(tr 55)… Bùi Quang Tú nhận định: “Từ cái nôi văn hóa Hà Nội họ trở vào chiến trường miền Nam và đã có những đóng góp cho văn học miền Nam như chúng ta đã biết “(tr 53)

Viết về Hà Nội, Bùi Quang Tú đã khai thác được nhiều đề tài, khám phá Hà Nội từ nhiều góc độ và làm hiện lên một Hà Nội với vẻ đẹp văn hóa trong thời đại Hồ Chí Minh. Có thể đó chỉ là một nét rất nhỏ là tiếng rao Phá xa hay Xề cố (Em ơi, Bà Triệu phố), một ấn tượng rất riêng về món ăn ốc luộc, uống nước chè chén (Lang thang vỉa hè Hà Nội), món “ruộm hấp”(Lần đầu ra Hà Nội). Những ngày tháng trẻ con rong chơi, những ngày tháng học trò đầy ắp kỷ niệm, những ngày bao cấp thiếu thốn đủ điều, những ngày rầm rập đoàn quân lên đường vài Nam, ngày bác Hồ ra đi, những ngày Mỹ dội B52 xuống Hà Nội, những người con dũng cảm, tài hoa của Hà Nội. Hà Nội tình ca, Hà nội mùa thu và mùa đông, Hà Nội Ngày thơ Việt Nam, người con Đồng Nai-Hà Nội…Tôi hiểu phải sống với Hà Nội và có tình cảm sâu sắc với Hà Nội mới giúp Bùi Quang Tú viết được những trang văn phong phú sắc màu và nghĩa tình với Hà Nội. Anh cũng nhận ra: “Đã từ lâu Hà Nội và Đồng Nai đã hình thành một sợi dây đàn tình cảm. Người Hà Nội vào Đồng Nai sống và làm việc cũng nhiều. Người Đồng Nai ra Hà Nội học tập, công tác cũng không ít. Cho nên cái sợi dây tình cảm Hà Nội-Đồng Nai mỗi khi có dịp lại ngân rung lên những âm thanh rất đỗi thiết tha, dịu dàng và sâu lắng…”(tr. 160)

3.Tạp văn Bùi Quang Tú

Nếu “văn là người” thì bạn đọc có thể nhận ra một nhà văn Bùi Quang Tú có những đặc điểm rất riêng, không phải bằng văn phong mà bằng những gì anh thể hiện.

Ngòi bút Bùi Quang Tú nhất quán ở việc ghi nhận, phản ánh những gì là đẹp, là nghĩa tình, là nhân văn. Anh không miêu tả cái dữ dội khốc liệt đẫm máu, hay khai thác bi kịch, cũng không khơi gợi lòng căm thù, trang văn của anh  không hề có một lời ta thán hay một sự phê phán những cái tiêu cực, dù anh biết rõ ”vẫn còn đó những vấn đề của Hà Nội trong hôm nay và cả ngày mai”(tr.7). Có lẽ anh là nhà giáo nên văn của anh mực thước, ít khi thấy anh phóng bút để lộ diện sự tài hoa. Tôi thích câu chuyện anh kể về bà cụ 70 tuổi nơi anh sơ tán (Nhớ bà cụ ven sông Hồng), một bà mẹ Việt Nam khó nghèo, bình dị nhưng sâu sắc nghĩa tình đến vậy. Bài viết về họa sĩ Nguyễn Nam Ngữ đầy nghĩa tình (Người Hà Nội giữa rừng Đồng Nai). Tôi cũng rất thích cái bầu khí đầy nghệ thuật của Hà Nội trong những bài: Lãng du cùng nghệ thuật, Đi suốt bài ca, Hà Nội tình ca, Nhờ những mùa thu mùa đông Hà Nội, Tản mạn quanh hồ Gươm. Những bài viết của anh đã hội tụ bao nhiêu nhân tài của Hà Nội, mà ngày hôm nay, có ao ước, cũng khó mà có được.

Anh có những trang văn miêu tả thật trong sáng và đẹp. Rất tiếc những đoạn văn ấy không nhiều trong tập sách này. Xin đọc đoạn văn anh viết về sông Đồng Nai:

Hồi đó tôi có dịp đi dọc đoạn sông tới đoạn làm thủy điện Trị An hiện nay. Những tảng đá hàn nhô lưng giữ lòng sông, chỗ đen bóng, chỗ bạc phếch, vừa trơn tru, vừa nứt nẻ. Nước sông chảy tới đó sôi réo, tung bọt trắng xóa, trận hỗn chiến giữa nước và đá không bao giờ ngơi nghỉ. Những bụi cây rù rì màu đen xám mọc trên tảng đá ngã rạp xuống trong nước tung tóe và gió lồng lộng. Sông Đồng Nai vào mùa nước trong đi trên xuồng có thể nhìn thấy tận đáy cát trắng tinh, bầy cá nhởn nhơ trong làn nước…”

Cách kết bài viết của Bùi Quang Tú cũng tạo ra nhiều cảm xúc thẩm mỹ, đó là ghi lại những dư âm trong lòng khi trái tim nhà văn rung cùng một nhịp với nhân vật.

Sau khi viết về Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, Dương Thị Xuân Quý (Họ đã trở về trái tim Hà Nội), Bùi Quang Tú viết đoạn kết: ”Viết đến đây, trước mắt tôi như đang hiển hiện hình ảnh Nguyễn văn Thạc cùng người yêu Phạm Như Anh đạp xe chầm chậm trên đường Cổ Ngư, họ lặng nhìn nhau lòng dạt dào cảm xúc. Nhà văn Dương Thị Xuân Quý thì đang đưa con đi dạo chơi ở công viên Lênin, chỉ cho bé Ly thấy những bông hoa mang nhiều vẻ đẹp khác nhau. Bác sĩ Đặng Thùy Trâm đang cùng ba mẹ và em gái ngồi ăn bún chả (món ăn mà chị ưa thích), ríu rít chuyện trò trong căn hộ tập thể. Và bạn có tin không, trong dòng người đón Đại lễ ngàn năm Thăng Long có họ đấy…”(tr. 82).

Bùi Quang Tú đã thương yêu nhân vật, sống với nhân vật, thấu hiểu nhân vật như thế nào mới có thể hình dung được vẻ đẹp của những con người Hà Nội như thế.

4. Lời Cám Ơn Hà Nội – tiếng lòng của người con Biên Hòa-Đồng Nai..

Nếu Bùi Quang Tú viết với cảm thức hoàn toàn là người Hà Nội viết về Hà Nội thì chưa hẳn Lời Cám Ơn Hà Nội  có thể hấp dẫn với người Đồng Nai. Cái khó mà anh vượt qua được là ở chỗ, người Đồng Nai soi mình thấy hồ Gươm Hà Nội, và người Hà Nội chan hòa trong dòng dông Đồng Nai. Nhà văn Hoàng Văn Bổn đã sống làm việc ở Hà Nội, trở thành nhà văn lớn của Đồng Nai và của cả nước. Họa sĩ Nguyễn Nam Ngữ là người con Hà Nội hiện là người của đất Đồng Nai, và tác giả Bùi Quang Tú đã là người của Đồng Nai từ những năm 1974 khi anh từ Bắc vào Nam và  từ R về được phân về Ban Tuyên Huấn Biên Hòa, tính đến nay anh đã sống, chiến đấu và công tác ở Đồng Nai 40 mươi năm (trong khi anh chỉ ở Hà Nội 18 năm).

Lời Cám Ơn Hà Nội  là lời của ngày hôm nay cám ơn các thế hệ đi trước đã sống đẹp, sống quả cảm để gìn giữ và đắp bồi một bản lĩnh Việt nam, làm phong phú và ngời sáng hơn nữa những giá trị văn hóa Việt nam. Ở khía cạnh này, Lời Cám Ơn Hà Nội  cũng là lời nhắc nhở về lẽ sống nghĩa tình khi sự xâm lăng văn hóa đang làm mất đi bao nhiêu giá trị cao đẹp của văn hóa Việt Nam những năm tháng khó khăn và hào hùng.

Tôi nghĩ  trong Lời Cám Ơn Hà Nội, nhà văn Bùi Quang Tú cũng gửi những lời tâm huyết tới các thế hệ mai sau. Đó là điều thật đáng trân trọng.

Tháng 9. 2014

Loading

Đánh giá bài viết
call Hotline 1 0798287075 call Hotline 2 0798 287 075 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok