HỘI THẢO VỀ TÁC PHẨM ĐỈNH CAO- NHỮNG VẤN ĐỀ CÒN ĐÓ

TÁC PHẨM VĂN HỌC CÓ GIÁ TRỊ  TƯ TƯỞNG VÀ NGHỆ THUẬT CAO – NHỮNG VẤN ĐỀ CÒN ĐÓ…

Bùi Công Thuấn

Trong hai ngày 27&28.11. 2013 tại TP HCM, Hội đồng Lý luận, Phê bình VHNT Trung ương đã tổ chức Hội Thảo toàn quốc :Văn học, nghệ thuật 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) :Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao- Thực trạng và giải pháp”.

Tổng kết Hội thảo, PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh đã ghi nhận: Hội thảo có 220 đại biểu trong cả nước tham dự, có 70 tham luận và 40 ý kiến phát biểu. Qua hai ngày làm việc, hội thảo đã được tổ chức thành công tốt đẹp, vì đã tập hợp được nhiều ý kiến tâm huyết, có trách nhiệm với văn học nghệ thuật, giải quyết được nhiều vấn đề, và đề ra được nhiều giải pháp. Đó là vấn đề về tiêu chí đánh giá tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, tác phẩm đỉnh cao ; vấn đề về thực trạng sáng tạo và những nguyên nhân; vấn đề về lý luận phê bình VHNT. Hội thảo cũng đề ra những giải pháp và nhiều kiến nghị. Chẳng hạn, văn nghệ sĩ cần nhận rõ vai trò người nghệ sĩ-chiến sĩ, đề cao trách nhiệm trước nhân dân và tổ quốc. Mỗi văn nghệ sĩ tự trau giồi bản lĩnh, vốn văn hóa, khẳng định niềm tin và tìm tòi phương pháp sáng tạo; các cơ quan có trách nhiệm cần quan tâm phát hiện và bồi dưỡng tài năng, xây dựng môi trường dân chủ, cởi mở, có văn hóa; khắc phục sáng tác chỉ có chức năng giải trí và uốn năn khuynh hướng “giải thiêng” lịch sử, cách mạng và văn học cách mạng. Nhiều tham luận đề cập đến vấn đề cơ chế chính sách đối với văn nghệ sĩ, đặt lại việc đầu tư cần có trọng điểm, tránh dàn trải, có thể học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc, của Trung Quốc …

CÒN ĐÓ NHỮNG VẤN ĐỀ

1.Bao giờ thì có thiên tài?

 

Nhà văn Chu Lai cho rằng, làm thế nào để có tác phẩm đỉnh cao, đó là câu hỏi nghìn đời. Hôm nay không trả lời được, mai sau cũng không trả lời được. Tài năng là do trời đất nứt ra. Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu tại hội trường rằng, vấn đề tài năng, tôi nghĩ, có một ông trời trong mỗi nhà văn. Sự vận động của tài năng vừa giải thích được vừa không giải thích được. Tôi khao khát có những công trình bàn về “tài năng học”, về quy luật vận động của tài năng. Trần Đăng Khoa lúc 8 tuổi viết tốt, nhưng khi đi học về thì viết khác. Trong truyện Kiều, không có nhân vật nào là nông dân, vậy tại sao người nông dân lại yêu truyện Kiều? Nhà văn Sương Nguyệt Minh phát biểu: Muốn có văn học đỉnh cao thì phải có thiên tài (phạm vi nhân loại, được nhân loại tiếp nhận). Nhà văn phải có tư tưởng lớn, phải được trang bị đầy đủ vốn tri thức, triết học, thần học, vốn văn hóa dân tộc. Một dân tộc trung bình, không có những nhà văn hóa lớn thì không thể có những nhà văn thiên tài.…Hiện nay nhà văn không dám dấn thân. Họ phải lo cơm áo gạo tiền. Sương Nguyệt Minh chia sẻ. Mấy chục năm sáng tác, anh không sao bước ra khỏi cái bóng của mình. Không biết nó ngấm từ bao giờ. Cứ ngồi vào sáng tác là có anh đảng viên, anh biên tập đứng bên cạnh. Chỉ khi anh thoát khỏi anh biên tập may ra mới viết được. Nhà văn trẻ, nhà văn quân đội cũng thế. Nhà thơ Lê Quang Trang cho rằng, muốn có tác phẩm lớn, phải có tài năng, thiên tài. Nhưng đừng huyền bí hóa tài năng, đừng chờ đợi. Trong VHNT của ta có nhiều tài năng, chẳng hạn, trước kia có Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân…và cả hiện nay, họ đang đóng góp cho VHNT nước nhà. Vấn đề là chọn được tài năng, bồi dưỡng và đầu tư có trọng điểm và nghiệm thu. Ta không thể bồi dưỡng thiên tài, nhưng ta cần giữ cho được thiên tài. TS Lê Thành Nghị không nói đến thiên tài mà nói đến tài năng và điều kiện cho tài năng,. Ông trích dẫn Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Khóa VII, ngày 14.1.1993 về một số nhiệm vụ văn hóa văn nghệ những năm trước mắt : tiếp tục bổ sung và hoàn chỉnh các chế độ lương, thù lao, mua bán tác phẩm, thuế, chính sách khuyến khíc sáng tác, vv bảo đảm cho văn nghệ sĩ chuyên nghiệp có thể sống bằng nghề nghiệp chính của mình”. Ông khẳng định, chúng ta chưa làm được, vì vậy vẫn tồn tại những khó khăn tác động không nhỏ đến hoạt động sáng tạo của văn nghệ sỹ…

2.Từ Nghị quyết đến thực tiễn sáng tạo VHNT

 

Trong Đề dẫn Hội thảo, PGS-TS Đào Duy Quát trình bày 7 giải pháp cơ bản mà Nghị quyết 23 của Bộ Chính Trị là :1-Tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của VHNT…2-Tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo của  Đảng đối với VHNT…3-Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà Nước về VHNT…4-Tiếp tục nghiên cứu đổi mới, phát triển lý luận văn học nghệ thuật…5– Xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ…6-Củng cố, đổi mới hoạt động của các Hội VHNT…7-Tăng cường biện pháp xây dựng và phát triển văn nghệ quần chúng…Trên cái nền của sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện mới tạo điều kiện, tiền đề cho sự xuất hiện những văn nghệ sĩ tài năng xuất chúng, những thiên tài văn học nghệ thuật với những tác phẩm có gía trị đỉnh cao về tư tưởng và nghệ thuật.

Đường lối chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước là rất rõ ràng, bao quát được toàn diện vấn đề và chỉ ra các giải pháp cụ thể. Thế nhưng 15 năm qua chúng ta vẫn chưa có tác phẩm đỉnh cao. Báo cáo đề dẫn, PGS-TS Đào Duy Quát trình bày :”Điều đáng quan tâm là còn chưa nhiều các tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, và nhất là còn rất ít các tác phẩm đỉnh cao về giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Còn quá nhiều sản phẩm văn học, nghệ thuật tầm thường cả về giá trị tư tưởng và nghệ thuật với biểu hiện chủ yếu là xa lánh những vấn để lớn của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, hội nhập quốc tế, chạy theo các đề tài nhỏ nhặt tầm thường, chiều theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng, hạ thấp hoặc đánh mất chức năng giáo dục, nhấn mạnh một chiều chức năng giải trí. Một số tác phẩm biểu hiện tư tưởng cực đoan, tô đậm, cường điệu mặt đen tối, tiêu cực của cuộc sống hiện tại, xuyên tạc, bóp méo lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng và hai cuộc kháng chiến, thậm chí có một số tác phẩm độc hại đi ngược
lại lợi ích của nhân dân và đất nước
…”(Tập Hợp Tham luận, tr.9)…”. Nhà thơ Vũ Quần Phương đã không ngại nói thẳng ra những mặt trái của VHNT đang diễn ra trong bối cảnh kinh tế thị trường. Đó là những “cú chơi” thơ văn phát triển thành tai nạn như kiểu Câu Lạc Bộ thơ Việt Nam, tệ nạn mua bán bằng khen, huân chương, ra báo, in sách lộn xộn. Nhiều tác phẩm yếu kém được quảng cáo rất nhiều, tạo ra sự ngộ nhận, làm méo mó nền văn học. Bạn đọc không biết dựa vào đâu để chọn đọc tác phẩm, đành cầu may. Giải thưởng văn học nở như hoa, nhưng không có tác phẩm. Chúng ta rất ít tranh luận. Lý luận phê bình như bà ốm nghén, cứ kiêng khem mà không sinh nở. Nhà văn Chu Lai cũng nhận định :”Những năm qua vẫn có rất nhiều sản phẩm ra đời, thậm chí cò tiếng vang nhưng thực chất nó mới dừng ở đầu sách, đầu việc chứ chưa phải là đầu thi phẩm”(Tham luận)

Hội thảo đã phân tích nhiều nguyên nhân, như xã hội thay đổi, làm thay đổi văn hóa đọc, sự bất cập trong lãnh đạo văn nghệ, chính sách đầu tư thiếu tập trung, và ý kiến  sau cùng là, kinh tế quan trọng nhưng không quyết định tuyệt đối tài năng. Tài năng và tâm huyết của người nghệ sĩ, chủ thể sáng tạo là quyết định.

Cá nhân tôi nhận thấy rằng, có hai vấn đề, một là, Nghị quyết của Đảng chưa đi vào cuộc sống nên nhiều vấn đề chưa được giải quyết (thí dụ, ý kiến của TS Lê Thành Nghị ở trên) và, hai là, người nghệ sĩ bị giằng co giữa một bên là trách nhiệm nhà văn-chiến sĩ của Đảng, và một bên là sự chi phối không cưỡng lại được của kinh tế thị trường. Nhà văn Chu Lai không ngại thổ lộ :”Trước hết, các nghệ sĩ sáng tạo thường rất lơ mơ về Nghị quyết, nếu hỏi 10 người thì chin người chỉ nói được đại để, bởi xưa nay các nghị quyết đối với họ chỉ có một : làm thế nào viết cho hay”(Tham luận). Nhà văn Phùng Văn Khai nói rõ thực trạng này :”…Văn học thị trường là điều bình thường, thậm chí tất yếu của mỗi nền văn học. Ở ta hiện đang phát triển nền văn học này. Một nhà văn viết phục vụ thị hiếu thị trường trong cuộc đời cầm bút của mình đối với tôi cũng đáng trân trọng như khi viết cái gọi là “văn học chính thống” vậy. Miễn là anh ta viết hay, được độc giả chấp nhận. Ngay cả cái gọi là “văn học chính thống” là gì, tại sao sợ các dòng khác lấn át là câu chuyện dài phải bàn cho thấu đáo. Nhưng với tôi, nó đơn gian thế này: Anh hãy viết bằng tất cả sức lực và trái tim của mình đi mà không cần thiết phải minh định rạch ròi đâu là thị trường, đâu là chính thống. Văn học đích thực, loại vàng mười ấy mà, tự thân nó luôn dung chứa tất cả. Điều này hãy để độc giả đánh giá có lẽ công bằng hơn”(tham luận). Sự cọ sát những ý kiến nêu trên đủ để lộ ra vấn đề, đó là sự vận động chưa tương thích một bên là đường lối văn nghệ của Đảng và một bên là sự cuốn đi tất cả của kinh tế thị trường. Một bên các cơ quan quản lý muốn quản lý văn nghệ như thời bao cấp và một bên (nhà văn) muốn tự do hoàn toàn chỉ viết để phục vụ thị hiếu thị trường. Và như vậy, bao giờ mới có tác phẩm đỉnh cao tư tưởng và nghệ thuật?!

3. Chưa thoát khỏi tư duy lý luận cũ…

 

Phản ánh hiện thực cách mạng, góp phần giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng và cổ vũ cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân, đó là nhiệm vụ của văn học giai đọan kháng chiến. Thời ấy nhà văn viết để phản ánh, lấy người thật việc thật làm đối tượng. Thơ và Ký là hai thể loại nhanh nhạy. Nguyễn Văn Trỗi vừa hy sinh thì Tố Hữu có ngay bài thơ Hãy Nhớ Lấy Lời Tôi ca ngợi Nguyễn Văn Trỗi. Hòn Đất của Anh Đức phản ánh cuộc đấu tranh chống càn của nhân dân Hòn Đất, Kiên Giang những năm 1960…

Đến nay, thời đại đã khác nhưng vẫn thấp thoáng đây đó trong các tham luận lấy nhiệm vụ phản ánh làm tiêu chí chuẩn mực giá trị văn chương .:”Tác phẩm văn nghệ phải phản ánh cái mới, cái chưa có, có sức hấp dẫn và giá trị  với văn học dân tộc.”(tài liệu Tập Hợp Tham Luận, tr. 102) . GS Trần Thanh Đạm viết :”Tôi tin tưởng và quan niệm rằng : chủ nghĩa hiện thực là học thuyết đúng đắn nhất về văn học với tư cách là văn hóa và nghệ thuật ngôn từ, là sự vận dụng ngôn ngữ kỳ điệu của con người trong quá trình giao lưu, giao tiếp giữa con người với con người trong các cộng đồng và giữa các cộng đồng”…”Cùng dựa trên nguyên tắc văn học là phản ánh và biểu hiện bằng văn hóa và nghệ thuật ngôn từ hiện thực… các chủ nghĩa hiện thực khác nhau không chỉ ở chỗ phản ánh và biểu hiện cái gì mà còn ở chỗ như thế nào”…”Chủ nghĩa hiện thực đi theo hai con đường khác nhau : chủ nghĩa hiện thực phê phán, phủ định trở thành chủ nghĩa hiện đại rồi hậu hiện đại. (Tôi cho rằng chủ nghĩa này tuy liên tục thực hiện những cách tân sáng tạo về hình thức, kỹ thuật, nghệ thuật song về thực chất cũng là một biến dạng của chủ nghỉa hiện thực phê phán đối với con người và xã hội, đối với các giá trị của chủ nghĩa tư bản hiện đại ở phương tây, sau đó mở rộng ra toàn cầu “(Tham luận-tài liệu Tập Hợp Tham Luận, tr.98-99)

Những ý kiến của GS Trần Thanh Đạm còn cần được trao đổi nhiều, song nhà văn hôm nay mấy ai còn sáng tác theo nguyên tắc mà Engels đề xuất, rằng, khi nói rằng chủ nghĩa hiện thực ngoài chi tiết chân thực ra còn phải tái hiện tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Chủ nghĩa hiện thực với tư cách một trào lưu sáng tác ở phương Tây đã hoàn thành nhiệm vụ của nó từ lâu rồi. Và Hậu Hiện đại, với tư cách là một trào lưu đương đại của toàn cầu hóa, có những nguyên tắc khác rất xa với chủ nghĩa hiện thực thế kỷ 19. Xin đọc thơ Nguyễn Quang Thiều, Văn Cầm Hải và các nhà thơ trẻ hôm nay xem có  bóng dáng của nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình hay không? Và như thế không thể lấy tiêu chí phản ánh hiện thực để làm thứơc đo giá trị tác phẩm viết bằng những bút pháp khác nhau. Ông Già và Biển Cả của Hemingway đạt giải Nobel văn chương không phải ở tiêu chí phản ánh hiện thực. Bởi tác phẩm chỉ có một nhân vật, với cốt truyện đơn giản, với không gian và thời gian giới hạn.

Trong khi còn lúng túng trong hệ thống lý luận cũ, chúng ta vẫn chưa có một hệ thống lý luận văn học mới để soi sáng nh
ững vấn đề văn học hôm nay, và vì thế phê bình văn học hôm nay đang tồn tại nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề tiêu chí đánh giá tác phẩm. Xin đơn cử một vấn đề khác. Nhiều ý kiến nhận định tác phẩm lớn phải có tư tưởng lớn. Nhưng đó là tư tưởng nào. Nghị quyết đã ghi rõ văn học nghệ thuật Việt Nam phát triển trên nền tảng mỹ học mác-xít, tư tưởng Hồ Chí Minh, vậy nhà văn còn cần hệ tư tưởng nào nữa? Có người loay hoay tìm về Thiền, có người tìm đến Hiện Sinh, nhưng chưa có nhà văn Việt Nam nào thành công trong việc viết tác phẩm có tư tưởng như những nhà văn lớn của thế giới. Và , một thí dụ nữa, khi nói văn học thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn và dân chủ, thì những ý niệm “nhân văn” và “dân chủ” cũng cần phải được làm rõ.

4. Còn thiếu vắng tiếng nói của chủ thể sáng tạo

 

Hội thảo bàn nhiều vấn đề, nhưng cốt lõi đều nhận định, tài năng, tâm huyết của nhà văn, chủ thể sáng tạo là quyết định. Chẳng hạn, chỉ tiền bạc thì không làm nên tác phẩm. TS Lê Thành Nghị dẫn ra, trước kia những nhà văn vĩ đại vẫn thường viết trong nghèo khổ, thiếu thốn và bí bách như Đỗ Phủ, Lý Bạch, Nguyễn Du, Đôxtôiepxky…”Hình như, với họ khát vọng nói lên những đau đớn của kiếp ngưới đang đè nặng trái tim mình là bất diệt, không gì có thể làm họ chùn bước.”

Tuy nhiên, trong Hội Thảo, số nhà thơ nhà văn tham luận lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tôi chỉ nghe được tiếng nói khẳng định mạnh mẽ của nhà văn Chu Lai, nghe những trăn trở của nhà văn Phùng Văn Khai, những đề xuất của nhà văn Sương Nguyệt Minh và nhà văn Võ Thị Xuân Hà. Tôi ao ước được nghe các nhà văn Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Xuân Khánh, Bùi Ngọc Tấn, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều… và nhiều người nữa nói về những trải ngiệm của mình, biết đâu, quan sát cuộc đời sáng tác của họ, chúng ta có thể nhận ra những quy luật của sáng tạo nghệ thuật chăng. Bởi trước họ, văn học VN đã có một “thế hệ vàng” các nhà văn chống Pháp và chống Mỹ mà tác phẩm của họ được đánh giá xứng đáng đứng vào hang ngũ tiên phong của những nền văn học nghệ thuật chống đế quốc trong thời đại ngày nay. TS Lê Thành Nghị quan sát cuộc đời Đôxtôiepxky, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Nguyễn Du. Nhà văn Sương Nguyệt Minh cũng phân tích cuộc đời Lep Tônxtôi, Victo Hugo, Lỗ Tấn, Vũ Trọng Phụng, Hàn Mặc Tử. GS Phong Lê nói đến Nam Cao, Nguyễn Tuân. Có người nhắc đến Lưu Quang Vũ, Trần Đăng Khoa. Tôi nghĩ, chúng ta cần nghiên cứu sự vận động của tài năng, nói như nhà thơ Hữu thỉnh là cần có những công trình bàn về “tài năng học”, để từ đó Đảng và Nhà Nước có thêm một góc nhìn về vấn đề. Thực ra Văn Học VN đã có qúa nhiều kinh nghiệm ứng xử với tài năng, và vì thế Hội Thảo đề ra giải pháp phát hiện, bồi dưỡng và giữ gìn tài năng. Chỉ có điều chúng ta chưa làm được nhiều. Và nhà văn vẫn kêu lên tiếng kêu cô độc.

29.11.2013

Loading

Đánh giá bài viết
call Hotline 1 0798287075 call Hotline 2 0798 287 075 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok