THƠ NGUYỄN HOA

CÂU THƠ MÀU NHIỆM

Đọc tập Thơ Nguyễn Hoa, Nxb Hội Nhà Văn 2014

Bùi Công Thuấn

 Nguyễn Hoa

Nhà thơ Nguyễn Hoa tâm sự:

Tôi sống cuộc đời tôi

Nguyện đi ngày gian khó

Nửa phần áo cỏ tươi

Nửa phần chăm hạt chữ

(Lá chín)

Ý tưởng này mở ra con đường cho người đọc tiếp cận thế giới nghệ thuật của Nguyễn Hoa. Và tôi đã theo chân nhà thơ suốt 348 bài thơ, trong hành trình sáng tạo đầy thăng hoa nhưng cũng không ít trăn trở.

Năm 1981, nhà thơ lưu ý người đọc (19 năm sau) điều này :”…các bạn có thể đọc thơ tôi như người đồng chí/ mong không chiếu cố cho mình điều gì quen…”(Gửi năm tôi năm ba tuổi-2000). Tôi ngạc nhiên về sự chân thành của người thơ khi yêu cầu người đọc thơ “không chiếu cố”. Phải chăng nhà thơ muốn bạn đọc chân thật với chính lòng mình? rằng, khi đọc thơ Nguyễn Hoa, bài hay thì chia sẻ, mà bài không hay cũng cần một tấm lòng tri âm ?

1.”Nửa phần áo cỏ tươi…”

 Sẽ trở về-tôi người lính áo cỏ xanh đạn bom đã bạc

sẽ trở về-tôi người thơ tóc đen ngả màu

Ký ức chiến tranh lặn sâu

Thơ ngắn ít câu chưa nói hết…”

(Vườn quê)

Nửa phần áo cỏ tươi” là nửa đời nhà thơ mặc áo lính, nửa đời người lính trải khắp mọi chiến trường suốt từ những năm 1970 đến 1985. Nửa đời này làm nên phần đặc sắc nhất của Thơ Nguyễn Hoa.

Thơ viết về người lính kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã có những thành tựu đỉnh cao, vậy Nguyễn Hoa định vị chỗ đứng của mình trong thế giới thi ca đương đại như thế nào? Viết về những gian khổ, hy sinh của đời lính, hay viết những bản hùng ca của chủ nghĩa anh hùng cách mạng? Viết về Trường Sơn hay biển đảo? Căm thù hay yêu thương? Sự sống và cái chết?… Thật không dễ vượt qua Mai Ninh, Quang Dũng, Hữu Loan, Yên Thao, Tố Hữu, Chính Hữu, Vũ Cao, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Lê Anh Xuân…(!)

Bộ độ Cụ Hồ, dù là anh Vệ Quốc quân “áo vải chân không đi lùng giặc đánh”, hay anh Giải Phóng Quân với vũ khí hiện đại (Năm anh em trên một chiếc xe tăng) thì phẩm chất người lính vẫn giống nhau: sáng ngời lý tưởng, gian khổ hy sinh, thắm thiết tình đồng đội, tình đồng chí, tình quê hương… và cùng mang tầm vóc anh hùng của thế kỷ XX, thế kỷ cách mạng. Nhân vật người lính trong thơ  khác nhau ở bút pháp và cốt cách nhà thơ. Nhớ máu (Mai Ninh) dữ dội, ào ạt khí thế giết giặc, Đèo Cả (Hữu Loan) gân guốc, hùng vĩ, hoang sơ, Tây Tiến (Quang Dũng) lãng mạn và bi tráng,  Đồng Chí (Chính Hữu) mộc mạc chân chất, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên (Tố Hữu) cảm xúc bay lên trong hơi thơ anh hùng ca, Tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật) là tiếng cười hào sảng của người lính chiến thắng trên đường Trường Sơn, Dáng đứng Việt Nam (Lê anh Xuân) gây xúc động vì tạc được tượng đài anh Giải phóng quân lẫm liệt khi sống cả khi chết “tạc cái dáng đứng Việt Nam vào thế kỷ”…

Thơ Nguyễn Hoa cũng viết về người lính trong đời thực, trong rừng dày, ngoài đảo xa hay tận cột mốc đầu tổ quốc. “Mười bảy tuổi tôi cầm súng đi xa/ Khẩu súng thân quen như chiếc thừng vực nghé”(Lời người chiến sĩ đồng quê-1978),” Tôi là tôi : tuổi hai mươi/ xa đồng làng tới phương trời đạn bom/ Rừng xanh, rừng đỏ Trường Sơn/ Áo màu bạc với mưa nguồn nắng nung…”(Tuổi tôi-1980)Trong rừng dày rừng thưa/ Dấu chân người dày hơn lá đổ/ Dấu chân người, nối dấu chân người/ Đạp cỏ, đạp gai thành những lối mòn/ Tạc vào Trường Sơn…”(Dấu chân người đi đất-1973) “Đạn và súng- súng và tuổi trẻ/ Nắng và mưa-bát ngát núi trên lưng…“(Kỷ niệm về cây gậy Trường Sơn-1982) , “đêm biên giới đất trời lên tiếng nói/ run rẩy ngàn sao…/ Tôi đã sống những tháng năm kỳ lạ/ tuổi trẻ tôi không dễ có hai lần/ tháng năm biết hy sinh tự nguyện…/ trong chiến hào, trên điểm chốt xung phong/ một mùa mưa rừng, mười mùa mưa rừng…đạn quanh người khẩu súng  trên lưng…”(Tuổi trẻ tôi-1978), “- Những đồng đội một lần yên nghỉ dưới vòm cây/ sốt ác tính nhanh như là chớp giật/ người yên nghỉ nở thành hoa của đất/ thành mặt trời rực rỡ mỗi sớm mai…”(Bạn của đất đai) “Và đêm ấy tôi cồn cào nhớ mẹ/ thảng thốt gọi cha không còn bóng đi về  “, “Và làm sao chúng tôi không có lúc nghiêng mình nuốt lệ trước anh em nằm vắt trên rào, trước cửa mở xung phong/ Và đêm nay thật lòng/ tôi cứ nghĩ là tôi chưa làm trọn/ lời hứa về thăm người vợ, người con của đồng đội tôi ở giây phút cuối cùng/ giữa đêm mưa tầm tã…”(Lời người pháo thủ Điện Biên-1984).

Nguyễn Hoa chủ yếu viết về người lính sau 1975, riêng bài Lời người pháo thủ Điện Biên (1984) có một độ lùi khá xa so với lịch sử. Vì thế tâm hồn người lính trong thơ Nguyễn Hoa có sự điềm tĩnh, yên bình và thăng hoa dù nhà thơ có nói đến cái khốc liệt của chiến tranh. Thơ Nguyễn Hoa không có hơi thở nóng hổi của chiến trường “năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt/ máu trộn bùn non/ gan không núng, chí không mòn”(Tố Hữu), không có những trăn trở bi tráng của người lính “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh “(Tây Tiến). Không có cái chật vật “Chúng tôi còn biết xoay sở ra sao/ gạo chỉ còn mang đủ mười ngày còn dành mang súng/ còn mang thuốc/ còn mang nhau/ mang bao nhiêu tai biến dọc đường/ mỗi quyển sách nặng bằng năm viên đạn/ chúng tôi dành mang đạn trước tiên…”(Hữu Thỉnh-chương I-Đường tới thành phố). Nhưng nghĩ suy của người lính Nguyễn Hoa có độ sâu sắc hơn. “tôi suy nghĩ về những điều này:/ Những anh hùng đã vì tình yêu cầm súng trên tay/ Những anh hùng đã vì tình yêu mà gieo vãi hạt giống…Ôi, chỉ có:/ niềm tin về tình yêu con người/ mãi mãi”(Gửi bạn nơi xa-1982). “Tôi cùng đồng đội/ đi con đường của mình/ con đường Tổ quốc”(Con đường Tổ quốc), “Cái chết không phải là đích của tôi/ khi tay tôi cầm khẩu súng/ như ông cha tôi đã từng cầm súng/ như anh tôi đã từng cầm súng…”(Lời chiến sĩ ở điểm tựa biên giới-1979), “Chúng con sống cuộc đời người lính/ đến đứng làm cột mốc ở biên cương/ Cột Mốc-Nơi bắt đầu Tổ Quốc (Nơi bắt đầu tổ quốc).

Nguyễn Hoa có viết về người lính trong mặt trận biên giới phía bắc mùa xuân 1979 (Với những người đã ngã xuống mùa xuân tháng hai ngày 17-1979) và mặt trận biên giới tây nam. Nhưng trong hoàn cảnh bang giao giữa Việt Nam và các nước liên quan có nhiều điều “nhạy cảm”, thì Nguyễn Hoa không viết được nhiều, cũng không nói được bản chất của vấn đề, anh chỉ ghi nhận hiện tượng và ý nghĩa chính trị sứ mệnh người lính:”Các anh đến đây là thiên thần xuất hiện/ màu áo xanh sắc cỏ, sắc cây/ các anh đến không vì hằn thù/ ở Ba Chúc-Sa Mát…Và như thế! Đồng đội ơi/ Có phải/ Chúng ta mang bản chất con người/ Chúng ta hy sinh(Như thế bắt đầu từ mùa khô 1979Xiêm Diệp 1985). Năm 1985 là mốc thời gian đã có độ lùi 10 năm sau cuộc chiến quân dân ta chống bọn xâm lược Kh’mer Đỏ biên giới phía tây nam và giúp nhân dân Campuchia giải phóng đất nước khỏi họa diệt chủng Polpot, cho nên viết về người lính tình nguyện với tâm thế chính trị nhiều hơn là người lính trong thực tiễn chiến tranh.

Điều thấm thía trong thơ Nguyễn Hoa viết về người lính là tình đồng đội, gắn bó như ruột thịt, xẻ chia yêu thương. Thơ là tiếng gọi từ gan ruột.. “Bạn thân yêu!/ bạn ở đâu?…/Sớm mai tôi lên biên giới/ nơi chen vai cùng đồng đội/ nơi ngọt trong tự nguồn/ những bát nước tự nhiên/ mà đời tôi đã uống…”, và “niềm tin về tình yêu con người /mãi mãi”(Gửi bạn nơi xa-1982). Thương bạn nơi rừng sâu, đảo xa “Rừng mùa này lắm măng/ Lo ngoài khơi gió cả/ Đảo bội thu mùa cá/ Thương rừng nhạt bát canh”(Cái nhớ -1972). Xót xa nỗi cô đơn của lính đão, chắt chịu giọt nước như giọt máu trong những cơn khát cháy (Dưới mặt trời), và đây là sự sẽ chia cụ thể: “Mùa khô 85/ rừng Phnôm Ma Lay/ vị tướng tóc trắng đầu, ngày một bình toong…/ Chiến sĩ trinh sát khát quá phải nằm/ đồng đội đắp đất dày khỏi héo…”(Như thế, bắt đầu từ mùa khô 1979), ghi nhớ khôn nguôi lời trăn trối của đồng đội :”Giữa trận chiến đấu này/ Nếu tôi ngã xuống/ Đồng đội ơi/ Để mẹ nhận ra đứ con trai của đồng quê bé bỏng/ Xin hãy trồng lúa xanh trên đất tôi nằm”(Lời người chiến sĩ đồng quê- 1978) ”. Nhà thơ  nghiêng mình tưởng nhớ đồng đội trên mỗi bước chân qua: ‘đường phố nào, cánh rừng nào/ sáu tám, bảy hai…các anh nằm lại”. Đây là lới hứa thiêng liêng với đồng đội: “Và còn mãi bao nhiêu người đồng đội/ Đã cùng tôi chống gậy vượt đường xa”(Kỷ niệm về cây gậy Trường Sơn-1982), “Dưới trời lặng cao biên giới/ đã mở ra những thước chiến hào/ chiến hào:/ những mái tóc đồng đội nhấp nhô trong đất/ xanh như những mầm cây đang bật/ Mùa xuân!” (Những mầm cây-1980)”-Vâng tôi nhớ suốt đời/ Có những người đồng đội/ Hiện ra như mặt trời”(Nơi ấy-1971) .

2.Một hồn thơ trong trẻo lạ lùng

 Dù viết về những tháng ngày chiến đấu gian khổ, viết về một miền quê, hoặc phải nói đến những những gì làm tim ta nhói đau, thì hồn thơ Nguyễn Hoa vẫn trong trẻo lạ lùng. Sự trong trẻo của thơ Nguyễn Hoa chứa đựng trong tư duy nghệ thuật, trong các yếu tố thi pháp và ở tấm lòng chân thực tinh khôi. Xin đọc các bài thơ : Nơi ấy, Dấu chân người đi đất, Lời người pháo thủ Điện Biên, Lời người chiến sĩ ở điểm tựa biên giới, Trở về, Đất nâu, Những mầm cây, Tuổi tôi, Bài thơ bên sông Đáy, Trở lại sông Chu, Ở Cà Mau, Chia tay đất Mũi, Phan Thiết, Đêm trăng Cần Thơ, Ở Hoàng Sa,

Đó là sự trong trẻo của tâm hồn người lính, con người dạn dày với gian khổ và đầy ắp tình đồng đội. Nguyễn Hoa nhận ra cái đẹp trong chính gian khổ hy sinh. Đó là tình quê mà ở bất cứ nơi nào trên đất nước này, nhà thơ cũng thấy cảnh sắc như gương. Và đặc biệt, hồn thơ ấy tinh ròng khi viết về mẹ, một người mẹ quê chân chất và giàu có vẻ đẹp văn hóa Việt (Thưa mẹ, Xin mẹ đừng trách con, Mẹ, .

 Tôi nhận ra điều này, sở dĩ hồn thơ Nguyễn Hoa trong trẻo là vì nhà thơ hướng về tha nhân, viết về tha nhân, hướng về một thế giới cao rộng và nhân văn, hướng về cái đẹp hào hùng của thời đại và cả nỗi đau kiếp nhân sinh, nỗi đau thế sự (Thư gửi những người cha nước Mỹ, Sao em bé không được làm mẹ nữa, Với những người ngã xuống mùa xuân tháng hai ngày 17, Khi giơ cao…). Trong thơ Nguyễn Hoa không có cái tôi vị kỷ. Trong chiến tranh, nhà thơ được trui rèn trong lửa yêu thương của đồng đội và ướp hương mật ngọt của hồn quê từ người mẹ (Tuổi trẻ tôi, Nơi bắt đầu tổ quốc…) . Hai cội nguồn này cũng là bản lĩnh và sức mạnh Việt Nam. Nói vậy để nhận ra hồn thơ Nguyễn Hoa mang khí cốt của dân tộc và thời đại.

 Thiên nhiên trong thơ Nguyễn Hoa cũng là một yếu tố thi pháp tạo ra chất trong trẻo của hồn thơ. Tập Thơ Nguyễn Hoa có nhiều bài lấy cảm hứng từ thiên nhiên khá hay (Vàng của mùa thu, Mùa hè lá cây xanh biếc,Với bông hồng, Mùa thu tôi nhìn lên cây, Trời xanh có thể cắt ra như miếng cốm Vòng, Làng đêm trăng, Giữa thu, Hương màu sắc quê, Đêm biển,..) . Ở những bài thơ này, nhà thơ có những khám phá tinh tế, ngôn ngữ lấp lánh sắc màu, một giọng thơ rất nhẹ và tứ thơ kết bài tỏa sáng bất ngờ, giàu chất tư tưởng. Bài thơ ánh lên nét tài hoa. Thiên nhiên làng quê có cái tình rất thơm, có niềm vui rất đậm (Làng đêm trăng, Mùa xuân sang, Mùa thu Hà Nội…), có những điều thân quen thật mới mẻ.

Có ngọn gió không lời

tan lẫn vào hương lúa

 

Làng đêm trăng quen quá

tự như mình mãi thôi

lòng đã bay lên trước

cùng hương thơm khắp trời

(Làng đêm trăng)

Tuy vậy, bạn đọc quen với những tứ thơ tư tưởng của thơ Đường, hay dào dạt cảm xúc thơ thiên nhiên trongThơ Lãng Mạn (1930-1945) thì khó tiếp cận với cái trong trẻo, tinh tế, chân chất của thơ thiên nhiên Nguyễn Hoa.

Nói thơ Nguyễn Hoa “trong veo” bởi nhà thơ là người lãng mạn. Tôi đã cố tìm, nhưng tuyệt nhiên không thấy bài thơ nào phản ánh những vấn đề nóng bỏng của hiện thực xã hội Việt Nam từ ngày thống nhất đến nay (1975-2014), và vì thế khó có thể hiểu được thái độ của nhà thơ trước hiện thực. Hoặc nhà thơ né tránh chuyện thế sự (như Nguyễn Du chăng ?), hay cái “tạng” người thơ là hướng về cái đẹp, còn chuyện cuộc đời, tất cả rồi sẽ qua, rồi sẽ tốt đẹp. Nhà thơ có ưu tư cũng chẳng làm được gì, tiếng nói của nhà thơ thời kinh tế thị trường yếu lắm. Nhà thơ Nguyễn Duy sức lực vạm vỡ từng hô hào “đánh thức tiềm lực”, nhưng rồi đành buông bút đó sao(?). Vì thế, tôi chỉ  tìm được vài chi tiết hiện thực rất nhỏ trong hàng trăm bài thơ của Nguyễn Hoa, còn lại là chuyện trăng, sao, mây, gió, hoa, bướm (Những cánh bướm, Những cơn gió mùa xuân, Ngọn gió, Trời xanh, mây trắng, nắng vàng, Trăng lộ,…) Trong mắt nhà thơ, đâu cũng đẹp, cũng vui (Ở đây, tất cả đều đang nói, Mùa xuân sang…)

Nhà thơ mong cho sức ỳ (Khi giơ cao) không còn cản trở con đường tiến lên một xã hội tốt đẹp (Dự cảm). Nhà thơ tự hỏi tại sao trong xã hội lại có loại người luồn lách trơn tuột như lươn, như chạch (Sao), phải đau đớn chọn lựa giữa lòng tốt và sự thật, thậm chí hoài nghi cả sự thật (Có thật). Cuộc sống cơm áo gạo tiền, gia đình, vợ con nhẹ tênh:” Nỗi lo toan dịu xuống/ Tiền, gạo, dầu cho con/ Người bỗng dưng nhẹ hẫng/ Cầm bút biết thơ còn” (Ngẫu hứng). Nhà thơ chọn lựa cõi đời này dù vất vả song vì còn những người thân yêu :”Giả như có ai nói to lên:-Anh có muốn làm ngôi sao trời ấy/ để ai đó ngắm…/ Không-Tôi trả lời/ Chẳng một giây nghỉ ngơi/ Bởi tôi còn mẹ/ có vợ và các con tôi/ cùng nỗi buồn vui/ mọc rễ vào mồ hơi, bùn đất/ gần gũi với tôi ngày ngày!…” (Với những ngôi sao trời). Tôi cho rằng đây là một nét riêng của hồn thơ Nguyễn Hoa.

Thơ Nguyễn Hoa có nét riêng bởi anh vẫn giữ được những nét đẹp của thơ thế hệ 1945-1975, nhưng ít nhiều đã thoát ra được ảnh hưởng của loại thơ thế hệ trước để bước vào nền văn học mới đậm đà bản sắc dân tộc, thấm nhuần tinh thần nhân văn và dân chủ sâu sắc. Thơ không chỉ viết để phục vụ Công, Nông, Binh. Thơ không còn là tiếng gọi nhau ơi ới động viên nhau của công nông binh. Thơ không còn lấy mục đích phản ánh hiện thực là nhiệm vụ chính mà phản ánh tâm hồn con người Việt Nam trước thực tại mới. Cuộc sống có bao vấn đề nóng bỏng, nhưng con người Việt Nam trong thơ Nguyễn Hoa sáng trong và điềm tĩnh lạ thường: ”Con đã thấy/ Những giọt nước mắt trong/ Những mái tóc bông/ Những tấm lưng còng/ Bao người con ngã xuống/ Thành cánh đồng/ Thành ngọn nùi/ Thành biển khơi…/Mẹ ơi!/ Và con đã thấy/ Khuôn mặt mẹ/ Đất nước ngời ngời” (Đất nước ngời ngời)

3.”nửa phầm chăm hạt chữ”…

 “Làm sao có thơ hay

Biết điều này

Nhà thơ chẳng bao giờ nên hỏi

Nhưng mỗi ngày, mỗi ngày

Nhà thơ đang đi về nơi cát bụi

Có thể nào lại dấu nỗi đau?

                    (Nỗi đau)

 

Nỗi đau của người làm thơ là không sao viết được thơ hay, “Dập xóa hàng chữ viết…Tóc trắng không có giờ/ Trăm trang in không biết/ còn sống mấy chữ thơ?(Còn sống); “Không viết được/ ‘Những câu thơ thật đẹp’/ Tôi bỏ tôi/ như tối đêm lẩn vào/ đêm tối/ để không thấy bóng mình (Tôi bỏ tôi). Quả là một thái độ chọn lựa quyết liệt.

Nói chuyện với Ê-xê-nin, Nguyễn Hoa nói “thơ như là số phận” (Cùng Ê-xê-nin). Nhà thơ là Hoa bóng đèn :”Hoa trong vườn ngủ hết/ còn thức hoa bóng đèn/ sương gió lùa điệp điệp/ vẫn đốt lòng mình lên”. Nhà thơ là con chim sơn ca, vẫn hót khi thợ săn giương súng lên rình :”Chim sơn ca vẫn hót/ cả cho số phận mình”(Chim sơn ca). Nhà thơ cũng là con chim ở trong lồng ca hát cho những bi kịch của chính mình :”Chim ở trong lồng…quen rồi chim hót/ Đôi khi bất chợt/ gặp chim/ đang nhớ tới/ con mồi, miếng mồi/ và người giăng lưới…Mà chim cánh xõa/ mắt lim dim!” (Bất chợt).

Bài thơ kể lại giấc mơ gặp Nguyễn Trãi, lóe sáng những tư tưởng rất lạ so với những bài thơ trong trẻo, hiền lành của anh. Nguyễn Trãi nói với nhà thơ, những lời thách thức lương tâm, bản lĩnh và tài năng. Thực ra, tác giả đang tự hỏi lòng mình. Nguyễn Hoa dùng hình thức dụ ngôn để nói những điều không dám nói bằng ngôn ngữ tường minh:

“Anh muốn là nhà thơ

Hãy bạn bè cây, gió

Trong chập chờn mờ tỏ

Anh có dám nói to

Cái điều anh ước mơ?

Tôi không có học trò

Cái cổ kia không cứng…”

            (Trong mơ)

Bài thơ chứa đựng hàm ý trả lời cho những câu hỏi ở trên: làm sao có thơ hay, làm sao thơ sống được với đời…Và vì không thể thực hiện được điều mình ấp ủ, thành ra thơ trở thành nỗi đau.

Nói Nguyễn Hoa trăn trở về thơ (Nỗi đau; Còn sống; Tôi bỏ tôi) là nói về những nỗ lực làm mới thơ. Nguyễn Hoa thành công ở những bài thơ kể chuyện thời tuổi hai mươi chiến trường. Ở những bài thơ này, người đọc nhận ra thơ Nguyễn Hoa có cốt cách. Tuy không thật sự gây ấn tượng mạnh mẽ nhưng thơ Nguyễn Hoa đử sức neo trong lòng người đọc những cảm xúc, những nghĩ suy về cái đẹp một thời hào hùng, và cái đẹp của con người Việt Nam (Người đã đi như vậy đến nước Nga, Nơi ấy, Lời người pháo thủ Điện Biên, Lời người chiến sĩ ở điểm tựa biên giới, Những mầm cây, Tuổi tôi, Đ trong rừng khộp mùa khô, Trở về…)

Nguyễn Hoa đã thử nghiệm nhiều cách viết, song những thử nghiệm ấy mới dừng lại ở kỹ thuật thơ, chưa vươn tới sự đổi mới tư duy nghệ thuật và thi pháp thơ. Nguyễn Hoa đã thử viết bài thơ một câu đến bài thơ tám câu, đã thử rút ngắn câu thơ còn một chữ, bài thơ chỉ còn 6 chữ : Dãi yến/ Tổ quý/ Dãi người! (Dãi yến). Đã viết những bài thơ thuần lý trí, (Của thơ), đã sử dụng đậm đặc các từ láy, và phép đảo từ (Em hao hao), kỹ thuật vắt dòng (Giọt hạ, Ban mai, Khi nhớ về câu chuyện cổ…)... Tuy vậy, những dụng công này không đem đến cho thơ Nguyễn Hoa sự mới mẻ nào, nhiều khi làm hỏng thơ. Nhiều bài chỉ có ý, có chữ, không thơ. Có bài, thơ bị năm nát cấu trúc thơ, chỉ còn trơ con chữ vô hồn.So với những vận đổi mới thơ Việt đương đại của nhiều nhà thơ, nhất là thơ trẻ, thì thơ Nguyễn Hoa vẫn nở hoa trên cánh đồng tuyền thống đầy hoa khoe sắc.

Muốn đổi mới thơ thì trước hết cần đổi mới tư duy nghệ thuật và thi pháp thơ. Nguyễn Hoa đã sống với kiểu tư duy nghệ thuật của chủ nghĩa Hiện thực XHCN, thành ra khó tiếp nhận các kiểu nghệ thuật khác. Chẳng hạn, thơ Nguyễn Hoa không phù hợp với kiểu suy tưởng triết lý (như thơ Chế Lan Viên…). Bài thơ Sinh chỉ là một câu văn xuôi thuần lý trí : “Phút con chữ/ thành câu thơ/ tựa giờ sinh thành sự sống/ Oa-oa”

Trong nỗ lực không mệt mỏi làm mới thơ, Nguyễn Hoa cũng có những bài  có thể đứng được với thời gian (Ở chùa Keo, Với bông hồng, Giấc mơ, Trong mơ, Nghe mọt ăn đêm…). Ở những bài thơ này, thơ Nguyễn Hoa đã đã có chất tư tưởng.

4. Chỗ đứng dưới mặt trời

 Nguyên Hoa biết rõ điều này:”Rồi ngày mai/ ai sẽ đứng vào/ chỗ của anh/ Không ai đứng vào chỗ

không phải của mình(Chỗ của anh)

Ngày mai ấy cụ thể như thế này:”Sẽ đến lúc/ Con lau rửa thân thể cha/ Âm ấm sạch nõn bụi trần

Bằng nồi nước lá quê/ Ngải cứu, cúc, tần, chanh, bưởi…/ Thoang thoảng chút vong/ Vấn vương/ Được về đất (Sẽ đến lúc)

Điều gì cứu rỗi nhà thơ? “Câu kinh tụng niệm/ Giải thoát trần ai/ Câu thơ màu nhiệm/ Giải thoát đời tôi

Bởi nhà thơ đã chọn lựa CHỖ ĐỨNG/DƯỚI MẶT TRỜI (Dưới mặt trời) với một niềm xác tín mạnh mẽ: “Khi những con chữ/ Mảnh vụn trái tim tôi/ Vỡ/ Được đặt lên bàn tay bạn như hạt giống nhỏ/ Và bạn ơi/ /Tôi làm sao không sung sướng/ Được ngã nhào thành mặt đất ươm cây “   (Mặt đất ươm cây)

Tháng 3. 2015

Loading

Đánh giá bài viết
call Hotline 1 0798287075 call Hotline 2 0798 287 075 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok