“BỤI ĐỜI VÀ THỤC NỮ”

 

 

 

bui_doi_va_thuc_nu

BỤI ĐỜI VÀ THỤC NỮ

Tiểu thuyết của Nguyễn Trí. Nxb Văn hóa-Văn nghệ Tp HCM. 2017

Bùi Công Thuấn

Bụi đời và thục nữ là tiểu thuyết ca ngợi người thục nữ thời đại. Từ hoàn cảnh gia đình bi đát, phải bỏ học dở dang, Huỳnh Yên đã vượt qua bao khó khăn và nước mắt, vươn lên đạt được hạnh phúc của đời mình.

Bụi đời và thục nữ gồm hai phần, phần kể chuyện “bụi đời” và phần kể về hành trạng của “thục nữ”. Phần “bụi đời” làm nền để tôn lên vẻ đẹp của “thục nữ”. Trên cái nền của những xô bồ “dưới đáy”, đã nở tươi một bông hoa đẹp ngát hương.

Chuyện “bụi đời” là những câu chuyện được kể trên bàn nhậu của những kẻ vô công rỗi nghề (tr.116) ở tiểu khu Ba Ba thuộc liên hiệp lâm trường rừng X, một phần của chiến khu D. Nơi đây “Tứ xứ 64 tỉnh hợp lại, đủ chuyện trên trời dưới đất” (tr.8), “ba chuyện tầm phào”(tr.77), kể về những kẻ “dưới đáy” (tr.71). Phần còn lại từ chương 5 trở đi (từ trang 178) do Trí Khùng (tác giả) kể. Tác giả nói rõ: “Kể từ đây không còn chuyện của các bợm rượu ở tiểu khu Ba Ba nữa, đến lượt Trí Khùng kể chuyện”, “những chuyện chính tôi mục sở thị” (tr. 180). Đó là chuyện gặp lại các nhân vật Mẫn Tàn và cô gái Huỳnh Yên.

Trục chính của truyện xoay quanh cảnh ngộ của các nhân vật: Mẫn Tàn, vợ chồng Chín Đẩu, và Huỳnh Yên. Mẫn Tàn từng là một tay lâm tặc có tiếng (tr.30), bỏ rừng đi làm thuê cho lò heo: Ba giờ sáng mổ heo, ban ngày dong xe thồ đi bắt heo thuê. Nhờ biết tiếng Anh, Mẫn được giới thiệu vào dạy hợp đồng ở một ngôi trường vùng sâu. Mẫn cũng dạy thêm nhưng vẫn nghèo vì nhậu. Chín Đẩu là sĩ quan Cộng Hòa. Do mất giấy chứng nhận cải tạo, Chín không được đi định cư nước ngoài diện HO. Vợ Chín là gia đình Việt cộng nòi. Vì má vợ chết, nên không ai xác nhận cho Chín có công với CM. Bao nhiêu tài sản của Chín bị vợ xài hoang, phá hết. Chín buồn đời sinh ra uống rượu, “ngày ba cữ rượu, sáng xị, trưa xị, chiều là uống chừng nào lết bánh mới thôi. Can rượu dự trữ cho một tuần mới ba ngày đã không còn một giọt” (tr.18). Con trai lớn làm ăn thất bại, tự vận. Con gái bỏ nhà đi lúc 16 tuổi. Chín là dân sông nước, không biết vườn rẫy nên làm ăn thất bại…Yên là con Chín Đẩu. Yên buồn vì cha mẹ cãi nhau, anh Thắng tự tử chết, chị Vui bị chửi oan nên bỏ đi, anh Bình đi làm lâm tặc. Hai đứa em Tám Hoàng và Út Hậu lem luốc thất học. Bà Chín không cho Yên đi học nữa. Yên treo cổ trên cây mít ở góc khuất trong vườn. Bình đi tiểu phát hiện. Yên được cứu. Được thầy Mẫn và nhiểu người giúp đỡ, Yên cố gắng học. Đến lớp 11, vì bị cha mẹ ép lấy Út Trung, con của vợ chồng chủ cây xăng Ngọc Bình, Yên đã bỏ đi. Lúc đầu, Yên làm ở chỗ sản xuất phở, suýt nữa bị cưỡng hiếp. Rồi Yên đến làm công ty, được giao coi kho xuất nhập vật liệu. Yên không chịu ký nhận những lô hàng gian lận, nên gây ra xô xát và bỏ đi. Do chuyện xô xát được báo chí đưa tin, Yên gặp lại chị Vui, cùng chị làm ăn. Yên lấy chồng là Dũng, kỹ sư điện toán làm việc cho công ty Nhật (tr.273). Yên có shop hàng quần áo và cửa hàng ăn uống. Vợ chồng Yên có 3 con. Họ cho con học trường quốc tế…

Những chuyện được bợm nhậu kể hầu hết là những chuyện tiêu cực của xã hội đương thời sau Giải phóng 1975. Chuyện Hùng Thiên Lôi chết vì bị cướp cò súng, Hoàng Anh chết vì phạm phòng (12), Huy chết vì hổ mang bành (16). Chuyện đánh nhau ở quán Karaoke vì không nhường mic, chuyện gian lận xăng (tr.184), chuyện Yên đi làm ở công ty: “Trước tiên là phải đẹp và chịu đi nhà nghỉ với thằng phó tổng bụng phệ”(tr.253), chuyện gian lận vật liệu ở công ty (tr.256), có cả chuyện thắng thua trong chiến tranh Việt Nam (tr.75)…

Bụi đời và thục nữ nói nhiều đến những chuyện thối nát trong nhà trường… Học trò con nhà nghèo bị ức hiếp. Thầy giáo hủ hóa (thầy Thông Ma Thiên lãnh), thầy Lam quấy rối tình dục học trò. Cô Hiệu trưởng Lesbian (đồng tính nữ), trộm cắp ở nhà nội trú, nhà trường bị phụ huynh mua chuộc bao che cho con cái hư hỏng. Thấy Thống – Hiệu phó, thua cá độ, đã khai khống sĩ số những lớp xóa mù để lấy tiền. Thầy Đậm trọ ở nhà Tám Tàng, đã hủ hóa với Tám là vợ Tàng, bị Tàng bắt quả tang phải viết giấy nhận tội. Sự phân biệt đối xử với người dạy hợp đồng khiến thầy Mẫn phải bỏ trường ra đi. Lý do Mẫn ra đề thi môn tiếng Anh lớp 7 bị sai một câu (tr. 133).

Có thể nói cảm hứng chủ đạo của tác phẩm là phê phán những hiện tượng tiêu cực của xã hội ở miền Nam những năm sau 1975. Tác giả tập trung ghi nhận và mổ xẻ rất nhiều hiện tượng. Chẳng hạn, những tiêu cực trong giáo dục có nguyên nhân là do thiếu chữ Tâm (tr.169). Tác giả cũng so sánh với giáo dục miền Nam trước 1975: “nền giáo dục cũ (miền Nam) tốt là bởi đãi ngộ dành cho giáo chức rất tốt… Giáo chức thời chế độ Cộng Hòa toàn tâm toàn ý cho giảng dạy không lo chi cơm áo gạo tiền…”(tr. 170). Tuy nhiên nhiều hiện tượng chỉ là “chuyện tầm phào”, kiểu như chuyện lão Tổng có con vợ nhỏ là cháu gọi vợ cả là dì. Ả 28 tuổi, cắm sừng chồng. Hoặc chuyện “tán gái” của Trung, được kể dài suốt 4 chương. Đó là hành vi của những đứa trẻ hư, nhưng xã hội lại dung túng. Đôi khi tác giả có dùng triết lý dân gian (triết lý vặt) để soi chiếu, như triết lý nhân quả: “Gieo nhân nào gặt quả ấy”, triết lý về sức mạnh đồng tiền: “Xưa nay kẻ làm ra tiền nói bậy nói bạ người ta còn dỏng tai nghe…”(tr.129), triết lý về nhan sắc: “Xưa nay nhan sắc luôn có một quyền lực vô hình, nó thống trị mọi thế giới theo kiểu riêng không thể lý giải được” (172), có cả những câu triết lý rất “buồn cười”: “Đời mà không có tình yêu thì như chiếc xe đạp mà không có pê-đan”(tr.199), “Nhất lé nhì lùn, mấy tay lùn trí tuệ luôn hơn người” (tr. 204)…

Tôi chú ý đến nghệ thuật tiểu thuyết của Nguyễn Trí.

Việc kể lại những câu chuyện của bợm rượu, chuyện của Yên kể mà không trực tiếp dựng lại số phận nhân vật trong một bối cảnh không gian thời gian đang vận động ở thì hiện tại thì đó là truyện kể. Nói cho đúng, Bụi đời và thục nữ chỉ là một truyện dài, chắp nhặt nhiều truyện ngắn, không phải tiểu thuyết.

Dường như tác giả tập trung ghi cho được những cảnh ngộ, những con người mình đã giao tiếp, đã tận mắt nhìn (sở mục) và những gì mình đã trải nghiệm, nhờ thế, hiện thực được bày ra khá bề bộn và sống động. Tuy nhiên kể truyện là để nói điều gì, tức là thể hiện tư tưởng. “Những điều trông thấy” mà tác giả kể dẫn đến tư tưởng gì thì tác giả chưa vươn tới được. Nhà văn tư tưởng sẽ miêu tả sử thi bối cảnh miền Nam sau 1975  khi mà chất “R” (rừng) còn bao trùm lên toàn xã hội, sẽ đi sâu vào bi kịch của người sĩ quan Cộng Hòa Chín Đẩu trong thân phận “bên thua cuộc”, sẽ làm cháy lên khát vọng “làm người lương thiện” (tư tưởng của Nam Cao) của tay lâm tặc Mẫn Tàn và dẫn người đọc theo những trầm luân của Huỳnh Yên như một thục nữ “tài tình chi lắm cho trời đất ghen”trong bối cảnh mới (tư tưởng của Nguyễn Du). Trái lại, Nguyễn Trí say sưa miêu tả những chuyện hủ hóa của thầy giáo, khoái trá trong việc bày binh bố trận cho Út Trung cưa gái!… Tác phẩm phản ánh hiện thực chỉ để phản ánh (và cũng chỉ phản ánh những cái tiêu cực), và hiện thực chưa được chuyển hóa thành tư tưởng-thẩm mỹ. Người đọc tác phẩm cảm thấy hụt hẫng khi gấp trang sách lại. Những “cái ngày xưa” ở miền Nam sau 1975 nay đã thành “cổ tích”. Độc giả miền Nam chẳng ai muốn nhớ lại cái quá khứ khốn khổ ấy. Đừng làm cho những thương tâm chảy máu thêm, bởi cuộc sống luôn hướng về phía trước. Vì thế những chuyện trên bàn nhậu chỉ “mua vui” được những kẻ vô công rỗi nghề như chính tác giả miêu tả. Tác phẩm không chuyển tải được giá trị hiện thực cần phải có như Thời xa vắng của Lê Lựu hay Thiên sứ của Phạm Thị Hoài…

Việc mượn lời các bợm rượu kể chuyện “dưới đáy”(hoặc tác giả hóa thân vào nhân vật hay chính tác giả là nhân vật) giúp tác giả đem ngôn ngữ đời thường của người bình dân vào tác phẩm, giúp tác giả viết được nhiều trang chữ (để in). Nhưng đọc Thục nữ và bụi đời, tôi bị ngộp trong bầu khí dày đặc những lời thô tục, chửi thề. Tôi lắng nghe xem đâu là giọng của tác giả, bởi giọng của tác giả chính là cốt cách nhà văn, nhưng Trí Khùng cũng đang ngồi trong bàn nhậu, nói ngôn ngữ của bợm rựơu, tôi thất vọng. Nhà văn Nguyễn Tuân cho rằng, trước hết “Văn phải là văn”. Nhà văn là người làm cho ngôn ngữ đời thường thành ngôn ngữ văn chương. Nguyễn Tuân đã viết những áng văn chương rất đẹp về con người Việt Nam. Nếu ngược lại, thì đó không phải là văn chương. Ngôn ngữ “bụi” trong Bụi đời và thục nữ làm cho tính văn chương của tác phẩm trở nên mờ nhạt, mặc dù tác giả có khả năng viết những trang văn hay như các chương: Con ông cháu cha, Uy quyền, Một góc đời khác.

Vì sử dụng ngôn ngữ “dưới đáy” làm ngôn ngữ chính, lấy những nhân vật dưới đáy làm nhân vật chính nên khi tác giả đưa những tri thức văn chương vào, (có thể là để làm sang trang văn chăng), nó trở nên kệch cỡm, nếu không nói là gây ra phản cảm. Chẳng hạn, việc so sánh tình lụy của Trung với chuyện tình lụy của các nhân vật trong sách sử xưa như: Tình sử Võ Tắc Thiên, Trụ vương, Hạng Vũ (tr.195). Tác giả luận về tình yêu: “Xưa nay ba cái vụ yêu đương ba láp ba xàm là tốn của thiên hạ nhiểu giấy mực…Chuyện anh hùng vì nhan sắc mà phơi thây thì vô thiên vô lủng…Vậy thì -xin thưa với ba đào sóng dữ – thằng du côn kiêm bất hiếu tử tên Trung có lụy tình âu cũng thường, chẳng có chi phải bàn cho nhọc xác.”(tr. 196) Có lẽ chỉ những bợm rượu khi cao hứng vung tay tới trời mới so sánh Trung với Trụ Vương, Hạng Vũ. Làm sao một thằng du côn trẻ ranh như Trung có thể so sánh với tầm vóc Hạng Vũ trong lịch sử được! Viết những dòng này, tôi biết, tôi sẽ cãi không lại với “bợm” khi rượu đã bốc!

Bợm rượu có thể nói đủ thứ ba láp ba xàm, chuyện tầm phào, nhưng dùng lời bợm rựơu để nói những chuyện nghiêm túc thành không nghiêm túc thì đó lại là chuyện khác. Chuyện thắng thua trong chiến tranh Việt Nam (1954-1975) đã được nhiều chuyên gia lịch sử, quân sự, chính trị trong nước và trên thế giới nghiên cứu, đến nay việc tranh cãi vẫn chưa dứt, vậy mà tác giả phán một câu “rốp rẻng” rằng, Việt Nam Cộng Hòa thua vì: “toàn bộ những người cầm súng cho Cộng Hòa quá chán nản cuộc chiến huynh đệ tương tàn, quá chán cảnh con ông cháu cha ở phố đi bar chơi xì ke xì cọc,  quá chán những chỉ huy của họ tham những và buôn lậu”. Xin hỏi có ai trong cả hai “bên thắng cuộcbên thua cuộc” muốn cầm súng bắn giết anh em mình bên kia chiến tuyến không? Nếu nói người lính Việt Nam Cộng Hòa quá chán nản cuộc chiến huynh đệ tương tàn, thì hóa ra người lính Việt Cộng thích thú cuộc chiến này sao? Ngòi bút Nguyễn Trí không đủ sức để viết về những vấn đề lớn của thời đại, về chiến tranh như Bảo Ninh đã viết Nỗi buồn chiến tranh.

Khi miêu tả những bước gập ghềnh của số phận Hùynh Yên, tác giả đã can thiệp trực tiếp vào sự phát triển của số phận ấy, khiến ngòi bút hiện thực bị bẻ cong. Yên bị gia đình ép lấy Trung, cô bỏ nhà đi. Yên được cô Trang (mẹ của cô Linh là giáo viên chủ nhiệm của Yên) giới thiệu đến khu công nghiệp Y, gặp cô Minh Tâm. Đây là nơi sản xuất phở. Yên được sắp xếp chỗ ở, công việc làm hết sức thuận lợi, vì gia đình Minh Tâm là gia đình Công giáo nề nếp, ông Thắng chủ nhà là ông Trùm rất nghiêm túc việc Chúa, thành kính và cần mẫn”. (tr.237) “Năm giờ sáng ngày Chúa nhật, ông Thắng cùng các thành viên, kể cả mấy đứa đang tuổi ăn tuổi ngủ đều phải đi lễ”. Người đọc tạm mừng cho Yên. Nhưng đùng một cái! Ông trùm đạo hạnh ấy lại trốn lễ ở nhà để cưỡng hiếp Yên, may mà Yên thoát được. Viết như thế thật khó thuyết phục, bởi tác giả miêu tả không logic, nếu không nói là cố ý phỉ báng người Công giáo? Nếu ông Thắng là kẻ rượu chè trai gái thì còn có thể giải thích cho hành vi bỉ ổi của ông ta, họăc đứa con nghiện ngập của ông ta làm bậy với Yên thì còn có thể hiểu. Một ông trùm “rất nghiêm túc việc Chúa, thành kính và cần mẫn” thì thói quen đạo đức và đức tin không cho phép họ làm bậy. Bỏ lễ Chúa Nhật và cưỡng hiếp Yên là một tội rất nặng đối với người Công giáo. Ông trùm luôn biết rõ điều này. Ông trùm là gương mẫu đạo đức cho cả xứ đạo thì không thể “đại diện” xứ đạo làm điều tồi tệ. Viết về ông Thắng như vậy, tác giả đã xúc phạm đến đời sống đức tin của người Công giáo. Bởi vì, theo logic truyện, không cần thiết phải miêu tả ông Thắng phải là một ông trùm thì số phận của Huỳnh Yên mới nguy hiểm, tác giả chỉ cần cho một công nhân trong nhà Minh Tâm làm điều này cũng đủ. Tác phẩm là diễn ngôn của tác giả. Thái độ diễn ngôn của Nguyễn Trí là không thể che dấu.

Kể tiếp chuyện của Yên: Sau đó Minh Tâm lại giới thiệu Yên đến một người bạn làm ở công ty, nơi đây Yên suýt nữa bị bán cho lão phó Tổng Đài Loan bụng phệ. Người đọc mơ hồ thấy rằng, tác giả đã miêu tả những người tốt như cô Trang, Minh Tâm thành những kẻ “môi giới” buôn bán gái. Họ trở thành những người xấu có vỏ bọc bên ngoài đức hạnh? Bước đường sau đó của Yên hoàn toàn may mắn và thành công. Yên gặp lại chị Vui, lấy chồng là kỹ sư làm cho công ty Nhật, việc kinh doanh thành đạt, có 3 con cho học trường quốc tế…Tôi tự hỏi, một cô gái có trình độ lớp 11, lớn lên ở vùng sâu vùng xa, băng vào đời một thân một mình giữa phức tạp phố thị, lại có thể thành đạt như những cô gái được học hành tử tế trong môi trường kinh doanh? Điều ấy thật khó lý giải, nếu không nói rằng tác giả có dụng ý sắp đặt.

Tôi hiểu, việc tạo ra những biến cố của số phận Yên là để làm cho câu chuyện trở nên ly kỳ giật gân nhằm câu độc giả. Tác giả đặt tác phẩm của mình vào dòng văn chương thị trường thì phải đáp ứng những thị hiếu của thị trường, có vậy mới bán được sách. Tôi chợt nhận ra, những gì tôi bàn về văn chương ở đây thật vô nghĩa, bởi văn chương thị trường là văn chương giải trí, chỉ thế thôi. Nhưng lại nghĩ, văn chương giải trí cũng cần có tư tưởng-thẩm mỹ, không chỉ là giải trí đơn thuần. Bụi đời và thục nữ mới chỉ là chuyện tầm phào trên bàn nhậu!

Tôi đã đọc được một số truyện ngắn, tiểu thuyết của Nguyễn Trí (Bãi vàng, đá quý, trần hương; Đồ tể; Ảo và sợ; Thiên đường ảo vọng, Bụi đời và thục nữ…) cùng những truyện ngắn đăng rải rác trên các báo. Rất đễ nhận ra văn chương của Nguyễn Trí. Truyện Nguyễn Trí kể là những cảnh đời tác giả đã trải nghiệm, kể “cho bà con cô bác nghe chơi”(Ảo và sợ, tr.78). Đó là những chuyện đời thường của người bình dân, chuyện kiếm sống, được kể theo kiểu “cà kê dễ ngỗng”, lan man từ chuyện này đến chuyện khác nên truyện ngắn lại rất dài. Xin đọc Nhãn tiềnQuả báo trong Ảo và sợ.  Truyện Quả báo dài 31 trang in, hơn 9000 chữ (thử so sánh với truyện ngắn 1200 trên báo Tuổi trẻ). Nhân vật được tô đậm là kiểu nhân vật yêng hùng, hành xử có chất giang hồ, bụi đời ngoài vòng pháp luật. Ngôn ngữ kể và góc trần thuật là lời ăn tiếng nói của người bình dân (có rất nhiểu tiếng chửi thề), không phải ngôn ngữ văn chương. Không có ngôn ngữ riêng của tác giả. Nguyễn Trí chỉ tập trung miêu tả hiện tượng mà không thâm nhập lý giải bản chất của hiện tượng, đôi khi có triết lý vặt. Cho nên tác phẩm tuy có “phản ánh” được một góc hiện thực, nhưng không có chiều sâu tư tưởng-thẩm mỹ.

Nếu Bụi đời và thục nữ được viết để ca ngợi sức sống của một cô gái, một trang thục nữ, trong hoàn cảnh bi đát, cô gái ấy đã mạnh mẽ vươn lên, thành đạt những mơ ước, thì đó là một thông điệp có sức cổ vũ người trẻ khởi nghiệp. Và nếu sách của Nguyễn Trí bán chạy, nghĩa là đáp ứng được thị hiếu của công chúng thị trường thì đó là sự thành công. Nhiều “nhà văn Nhà nước” muốn viết được nhiều và bán được nhiều sách như “Trí Khùng”, nhưng không làm được.

Tôi lại nghĩ, nhà văn hôm nay cần phải lăn mình vào thị trường và thử sức với thị trường để từ đó viết những áng văn chương mới như Tự Lực Văn Đoàn ngày xưa đã làm.

Tháng 3. 2018

Loading

Đánh giá bài viết

0 những suy nghĩ trên ““BỤI ĐỜI VÀ THỤC NỮ”

  1. Pingback: CHI HỘI-HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM-ĐỒNG NAI – CHÚT TÌNH TRI ÂM

call Hotline 1 0798287075 call Hotline 2 0798 287 075 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok