Đọc CHUYỆN NGÕ NGHÈO,
Một thử nghiệm “Lý thuyết trò chơi”
***
Bùi Công Thuấn
Việc áp dụng Lý thuyết trò chơi (Game Theory) vào phê bình văn học ở Việt Nam còn mới mẻ và không tránh được những ngộ nhận về lý thuyết này [1]. Người ta đánh đồng Lý thuyết trò chơi (Game Theory), lĩnh vực toán học ứng dụng nghiên cứu các tình huống phụ thuộc lẫn nhau giữa các tác nhân thích ứng, với sự chơi (giải trí) trong văn hoc (playing in Litterature) [2]. Bài viết này như một thử nghiệm áp dụng Lý thuyết trò chơi vào phê bình một tác phẩm văn học cụ thể là tiểu thuyết Chuyện ngõ nghèo (Trư Cuồng) của Nguyễn Xuân Khánh. Để từ đó, may ra rút ra được điều gì có thể góp thêm vào các phương pháp phê bình văn học đã quen thuộc ở Việt Nam.
SƠ LƯỢC VỀ LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI
Trước hết cần xác lập nội hàm các thuật ngữ: “chơi” (Play), “sự chơi” (Playing), trò chơi (Game), Lý thuyết chơi (Theories of Play) và “Lý thuyết trò chơi”(Game Theory).
Theo nghĩa tiếng Việt, “chơi” là hành động giả định, không thật, mục đích đem đến
sự khoái cảm, niềm vui, sự giải trí (đi chơi, nói chơi, “làm chơi ăn thật”, chơi đàn, chơi cờ, chơi chữ, chơi tranh, chơi thể thao…)…
Trò chơi là trò diễn để chơi. Quan sát trò chơi, người ta rút ra những quy tắc tổ chức, vận hành một cuộc chơi, đặt ra luật chơi, huấn luyện cách chơi, ràng buộc những điều kiện để định thắng thua…Tất cả những điều ấy khi được khái quát lên thành những nguyên tắc, những tư tưởng chỉ đạo, thì trở thành “Lý thuyết trò chơi”.
Khi đã trở thành một “lý thuyết” (tức là có tư tưởng, có hệ thống lý luận, có phương pháp, có thử nghiệm thực tiễn…) Lý thuyến trò chơi trở lại thực tế đem áp dụng vào nhiều lĩnh vực xã hội khác nhau như kinh doanh, quân sự, kể cả văn học…để giải quyết những vấn đề của cuộc sống.
Xin đọc:
An Introduction to Game Theory – Martin J. Osborne-University of Toronto;
A Primer in Game Theory – Robert Gibbons ;
An Introduction to Game Theory – Levent Koc¸kesen Koc¸ University-Efe A. Ok New York University;
Game Theoy and Litterature – Steven J.Brams – New York Universdity
Applying Game Theory in Literature – Herbert de Ley- University of Wisconsin Press
1.Những đặc điểm của “trò chơi”
Có nhiều yếu tố tạo thành một trò chơi.
Kiểu trò chơi. Mỗi trò chơi có hình thức “diễn” nhất định tùy theo mục đích chơi.
Hình thức “diễn” được quy định bằng luật chơi, các nguyên tắc chơi; bởi vì, cách tổ chức cuộc chơi, các đối tượng chơi khác nhau (trò chơi trẻ con, trò chơi vận động ở trại, chơi cờ tướng, chơi bóng đá, chơi chứng khoán..). Hình thức ”diễn” của trò chơi luôn là giả định cho một thực tế nào đó. Thí dụ: Bàn cờ, cuộc cờ là giả định của bàn cờ cuộc đời, hoặc giả định cho bàn cờ chiến cuộc). Sự thắng thua đem đến niềm vui.
“Người chơi” là người tham gia trò chơi (có thể hai người hoặc nhiều người). “Người chơi” là một thành tố quan trọng vì không có “người chơi” thì dù cuộc chơi có bày ra vẫn chưa thành một trò chơi; và hơn thế, người chơi quyết định cả cuộc chơi. Trước hết, người chơi là “lực lượng” trực tiếp chiến đấu trong cuộc chơi. Thí dụ: nhìn bàn cờ hai bên, mỗi bên có bao nhiêu quân, các quân ấy là quân mạnh (Xe, Pháo, Mã) hay quân yếu (Tốt, Sĩ, Tượng…), các quân ấy đứng ở vị trí nào, vị trí chiến lược hay bị vây ép?
Người chơi xác định chiến lược, chiến thuật, kế họach hành động, triển khai các bước đi. Trong quá trình “chơi”, người chơi luôn phân tích chiến thuật chiến lược và kế hoạch hành động của đối phương để có những giải pháp phù hợp, thích ứng được với thực tế cuộc cờ đang diễn ra, đang biến hóa, đang phát triển, từ đó nắm bắt các cơ hội mới hoặc khắc phục những hậu quả yếu kém. Thí dụ trong chiến tranh Việt Nam, 5 đời tổng thống Mỹ đã thay đổi 5 chiến lược chiến tranh…
“Sân chơi” (bàn cờ, sân bóng, chiến trường, thị trường..) là nơi diễn ra cuộc chơi. Sân
chơi cũng là một yếu tố quan trọng. Một đội bóng chơi ở sân nhà có lợi thế hơn. Một nhà đầu tư khi đi đầu tư ở một thị trường lạ thường gặp khó. Chiến tranh ở rừng khác với chiến tranh ở đồng bằng và thành phố. “Sân chơi” cùng với nhiều yếu tố xã hội xung quanh (lịch sử, địa lý, văn hóa, chính trị, thiên nhiên…) gây ảnh hưởng rất lớn đối với cuộc chơi. Sách Việt khó thâm nhập thị trường Âu, Mỹ vì trước hết là sự khác biệt văn hóa, khác biệt về “cộng đồng diễn dịch”.
Cuộc chơi nào cũng có “luật chơi”, tức là những nguyên tắc, những điều buộc mà
người chơi phải tuân thủ để bảo đảm cho cuộc chơi công bằng, minh bạch. Vi phạm luật chơi người chơi sẽ bị phạt hoặc bị loại. Cầu thủ phạm luật có thể bị phạt thẻ đỏ đuổi khỏi sân. Một người viết văn, anh ta phải biết dùng từ, đặt câu, xây dựng văn bản, kỹ năng tả tình, cả cảnh, viết đối thoại, thành thạo các thể loại, các bút pháp…và không được”đạo văn”, không được vi phạm luật xuất bản…
Trong cuộc chơi, các bên tham gia đều có các “chiến lược” chơi để giành phần thắng.
Sai lầm về chiến lược tất yếu sẽ dẫn đến thất bại. Chiến lược là tư tưởng, là con đường dẫn đến mục tiêu. Từ chiến lược, người ta hoạch định kế hoạch, nội dung, phương pháp hành động, triển khai các bước, các chiến thuật cụ thể thực hiện kế hoạch. Và khi nhận ra chiến lược bị sai, người chơi phải kịp thời thay đổi chiến lược. Trong kháng chiến chống Pháp, Quân Pháp muốn đánh nhanh thắng nhanh, Việt Minh sử dựng chiến lược “trường kỳ kháng chiến”, đánh lâu dài, với 3 giai đọan, sử dụng nhiều chiến thuật đánh du kích…
“Đấu pháp” là cách chơi cụ thể trong từng mặt trận cụ thể (tức là chiến thuật). Trong
Tác chiến, người ta có thể đánh tổng lực (không quân, pháo binh, xe tăng, lục quân…) hay đánh du kích theo kiểu “tránh voi chẳng xấu mặt nào” để tránh tổn thất. Trong bóng đá, người ta có thể dùng cách đá áp sát, hoặc phòng thủ-tấn công, dùng đội hình 4-4-2 hay đội hình 3-5-2; chuyền bóng dài hay đá bật tường, tấn công biên hay tấn công trung lộ…Trong cờ tướng người ta dùng chiến thuật pháo đầu hay song xa…
Mục tiêu và chiến thắng. Bất cứ trò chơi nào cũng có mục tiêu và mục đích giành
chiến thắng. Trên bàn cờ tướng, mục tiêu là con cờ Tướng của phe bên kia. Người chơi cờ làm sao chiếu tướng mà phe bên kia không còn lối đi thì chiến thắng. Tất nhiên có khi hòa.
2.Lý thuyết trò chơi (Game Theory)
Từ những đặc điểm sơ lược trên của trò chơi, người ta rút ra các nguyên tắc tổng quát,
hợp thành “Lý thuyết trò chơi”
Thí dụ:
Đề cương môn học Lý thuyết trò chơi của Đại học Luật TP HCM xác định mục tiêu cụ thể của môn học như sau: “Mục tiêu kiến thức:
Giới thiệu một số khái niệm cơ bản của Lý thuyết trò chơi. Phân tích một số “luật chơi” và chiến lược chơi trong kinh doanh qua tình huống thực tiễn.
Phân tích hành vi của các đối tác (đặc biệt là các doanh nghiệp) trên thị trường qua các vấn đề: Cạnh tranh hay hợp tác kinh doanh; chiếm lĩnh hay chèn ép thị trường; ra quyết định kinh doanh phù hợp
Trình bày các kỹ thuật sàng lọc thông tin, đánh tín hiệu.
Cung cấp các chiến lược đàm phán trên cơ sở phân tích hành vi đối tác, các yếu tố tạo nên sức mạnh đàm phán.
Đưa ra “ứng dụng Lý thuyết trò chơi” trong việc vạch chính sách: xây dựng một thể
chế lánh mạnh trợ lực cho nền kinh tế phát triển trong thời kỳ hội nhập”.
Nhìn tổng quát, khi triển khai một kế hoạch theo Lý thuyết trò chơi, người ta căn cứ vào việc phân tích các yếu tố thực tiễn của trò chơi như đối tác, thị trường, …để từ đó xác lập chiến lược, vạch các chính sách, bố trí nhân sự, sử dụng các kỹ thuật triển khai kế hoạch hành động sao cho đạt được mục tiêu đã đề ra.…Chiến lược là yếu tố quan trọng bậc nhất. Sai lầm về chiến lược sẽ dẫn đến thất bại.
3.Áp dụng Lý thuyết trò chơi vào phê bình văn học
Người ta có thể áp dụng Lý thuyết trò chơi vào kinh doanh sách, quảng bá sách,
nghiên cứu thị trường sách, nghiên cứu các khuynh hướng độc giả…Bài viết này tập trung áp dụng Lý thuyết trò chơi vào phê bình văn học.
Đã có nhiều phương pháp nghiên cứu văn học và phê bình văn học như: Phương pháp tiểu sử, Chủ nghĩa Hình thức, Phê bình Mới Anh, Mỹ. Ký hiệu học, Phân tâm học, Cấu trúc luận, Giải cấu trúc, Xã hội học văn chương của Bakhtin, Lý thuyết người đọc, Phê bình sinh thái, Phê bình Nữ quyền luận, phê bình văn hóa…
Áp dụng lý thuyết trò chơi vào phê bình văn học như thế nào.
Bước thứ nhất là phân tích các yếu tố của “trò chơi”.
Văn học gồm 3 yếu tố cơ bản: Nhà văn – Tác phẩm – Người đọc.
Tác phẩm là “sân chơi”.
Nhà văn và người đọc là “người chơi”.
Nhà văn khi viết tác phẩm là bày ra “cuộc chơi”, ông ta có mục tiêu gì, mục đích gì?
Ông ta bày binh bố trận ra sao? Ông ta có chiến lược gì để đạt mục đích?
Mục đích của nhà văn là in được tác phẩm và chinh phục người đọc (tác phẩm có nhiều người đọc), điều này chi phối quá trình sáng tạo của nhà văn.
Tại sao lại đặt mục tiêu in tác phẩm? Vì trong bối cảnh xã hội Việt Nam, việc in tác phẩm chịu sự ràng buộc của Luật xuất bản, sự thẩm định của Biên tập viên, sự quyết định của Nhà xuất bản…Đã có những tác phẩm không xin được giấy phép xuất bản. Chính vì thế, nhà văn phải định liệu xem nội dung sẽ viết những gì để không bị cấm? Tìm những cách ngụy trang nào nào có thể ”lách luật”? (thí dụ viết biểu tượng, ẩn dụ).
Tác phẩm in ra cần có người đọc, muốn thế, cuốn sách phải hấp dẫn nhiều đối tượng. Nhà văn luôn bận tâm viết thế nào để tạo ra sự hấp dẫn (từ câu văn đến nghệ thuật tả tình, tả cảnh, xây dựng nhân vật, chọn lựa bút pháp, sáng tạo những kiểu viết cá tính…). Mỗi nhà văn tự biết tìm ra cách viết hấp dẫn. Tóm lại, nhà văn phải có tài năng.
Mục tiêu của người đọc khi đọc tác phẩm là gì? Đọc giải trí hay đọc khám phá sáng
tạo… Làm thế nào để thâm nhập tác phẩm, để giải mã những ký hiệu, để khám phá những tầng những vỉa của ý thức sáng tạo, tư tưởng và nghệ thuật của nhà văn và giá trị của tác phẩm và để cảm thụ được hạnh phúc từ tác phẩm đem lại…Tóm lại, người đọc phải có năng lực đọc tác phẩm, phải thủ đắc các phương pháp phẫu thuật, giải mã tác phẩm.
Tác phẩm là một “sân chơi” thụ động. Vì khi bày xong cuộc chơi, thì “Tác giả
đã chết” (R. Barthes). Như vậy, trong cuộc “chơi tác phẩm” chỉ còn người đọc, là người chơi chủ động. Thuyết người đọc cho rằng nghĩa của tác phẩm là nghĩa của người đọc khi tiếp cận tác phẩm, nghĩa này có khi khác với chủ đích của tác giả. Nghĩa của tác phẩm tùy thuộc vào “Tầm đón đợi” và tùy thuộc vào “cộng đống diễn dịch”.
Sơ lược như thế để thấy rằng, khi áp dụng Lý thuyết trò chơi vào phê bình văn học,
nhà nghiên cứu phải thực hiện nhiều công đoạn. Đó là phân tích kỹ tác giả-độc giả (đối tác), phân tích tác phẩm (sân chơi: các yếu tố của tác phẩm như ngôn ngữ, cấu trúc, nhân vật, bút pháp, kiểu tư duy nghệ thuật, phong cách…); phân tích cuộc chơi (để tìm ra các chiến lược, các chiến thuật, của cả tác giả và người đọc) tập trung ở khả năng sáng tạo của nhà văn và khả năng tiếp cận, giải mã tác phẩm của người đọc; phân tích môi trường chính trị, lịch sử văn hóa là bối cảnh của văn học, đồng thời phải xem xét tác phẩm trong “môi trường cạnh tranh” với các tác phẩm đi trước hay cùng thời. Trong các công đọan phân tích theo Lý thuyết trò chơi thì việc tìm ra các chiến lược, chiến thuật của nhà văn và của người đọc, là yêu cầu tiên quyết.
Để làm được điều ấy, nhà phê bình phải sử dụng các phương pháp phê bình khác làm công cụ. phương pháp Tiểu sử của Saint Beuve là dùng tiểu sử tác giả để lý giải tác phẩm. Chủ nghĩa Hình thức và Phê Bình Mới tập trung vào văn bản tác phẩm, vào sự “lạ hoá’, để tìm ra những phẩm chất văn chương. Ký hiệu học tìm ý nghĩa của những ký hiệu của ngôn ngữ và tìm cách giải mã các biểu tượng, các hình tượng văn học. Xã hội học văn chương của Barkhtin hoặc Phân tâm học, Cấu trúc luận, Giải Cấu trúc sẽ giúp nhà phê bình phân tích những mặt khác nhau của tác phẩm. Lý thuyết người đọc đem lại một cách nhìn mới về tác phẩm văn học từ phía người đọc…
Có thể nói, có một cuộc đấu trí giữa người đọc và tác giả trong trò chơi trí tuệ là tác phẩm văn học, bởi đó là thế giới tư tưởng-thẩm mỹ. Tác giả gói rất kỹ chủ đề, tư tưởng, thái độ diễn ngôn trong nhiều tầng lớp ngôn ngữ nghệ thuật. Người đọc phải tìm ra con đường tiếp cận đúng nhất để thâm nhập tác phẩm. Điều này không phải người đọc nào cũng làm được. Xin thử đọc truyện ngắn của F.Kafka. Nhà phê bình Hoài Thanh đã từng bất lực trước thơ Siêu thực.
Vậy Lý thuyết trò chơi áp dụng vào văn học đem lại điều gì mới?
Nó giúp nhà phê bình tìm ra “chiến lược” sáng tác và tiếp cận tác phẩm văn học, từ
đó lý giải các yếu tố khác của tác phẩm, soi rọi sâu hơn vào những tầng ý nghĩa mà tác giả không trực tiếp nói ra, và đọc những “mật ngữ” mọi người đều có thể biết nhưng giữ im lặng…
LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI VỚI CHUYỆN NGÕ NGHÈO của Nguyễn Xuân Khánh
1.Chuyện ngõ nghèo và những “Đại tự sự”.
Chuyện ngõ nghèo (Trư cuồng) của Nguyễn Xuân Khánh viết từ 1982, mãi đến 2016 (gần 35 năm ) mới in được. Trong một thời gian dài như vậy, khát vọng in tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh lớn như thế nào, bởi vì Nhà văn viết tác phẩm với mục đích “viết về Hà Nội, nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình”.
Tại sao phải mất 35 năm tác phẩm mới được in? Câu trả lời rõ ràng là khi bối cảnh xã hội đã thay đổi, khi những vấn đề tác giả đặt ra đã qua đi không còn khả năng “gây hại” cho xã hội, và khi “cộng đồng diễn dịch” đã nhận thức khác, đã tiếp nhận tác phẩm khác đi, người ta thấy “an toàn” thì Chuyện ngõ nghèo được in.
Có người cho rằng cái tên Chuyện ngõ nghèo, nghe nó nhẹ nhàng, hiền lành hơn cái nhan đề “Trư cuồng”, nên nó dễ được nhà xuất bản cho qua! Bởi vì Chuyện ngõ nghèo chỉ là chuyện dân Hà Nội nuôi heo những năm 1980, chẳng có gì to tát. Bây giờ là thời toàn cầu hóa với những công ty, những dự án hàng ngàn tỷ đồng, chuyện nuôi vài con heo chỉ giá vài trăm bạc đã là “cổ tích”. Đấy là nói về cái “môi trường”chính trị xã hội nơi tác phẩm sinh ra.
Nhưng nội dung cuốn sách nói gì khiến cho các nhà xuất bản phải e ngại, chùn bước khi định in?
Nội dung Chuyện Ngõ nghèo là những gì ghi trong cuốn nhật ký của nhân vật Hoàng. Cuốn nhật ký ghi lại quá trình Hoàng nuôi heo. Hoàng nuôi mấy con ỉ và con Lợn Bò trong cái chuồng cạnh nhà. Con này mau lớn nên Hoàng đặt tất cả sự say mê kỳ vọng và dồn hết sức cho nó. Rồi Hoàng bị ốm. Anh hôn mê, chập chờn trong những ký ức, những các mộng. Anh đi vào Hỗn Mang, đi qua Bãi Chết, tới xứ sở Cực Thiên Thai. Sau 30 ngày, anh hồi tỉnh và dần bình phục. Anh hỏi thằng con về tình hình gia đình lúc anh ốm. Nó nói đã phải bán tất cả lợn anh nuôi để lo thuốc men cho anh. Thế là công cốc. Nuôi heo để kiếm sống ai ngờ công nuôi heo chỉ đủ tiền thuốc cho anh.
Vâng, nội dung triểu thuyết Chuyện Ngõ nghèo là “rất hiền lành”. Chuyện của một nhân vật chính (Hoàng), của một gia đình lao động nhỏ, chồng nuôi heo, vợ đi làm, con đi học. Tức là bối cảnh của truyện rất hẹp. Tác giả không mở rộng miêu tả trực tiếp bất cứ bối cảnh hiện thực nào khác; ngoại trừ trong những giấc mơ sảng, Hoàng có “nhớ lại” hình ảnh những con người, những sự việc thời Cải cách ruộng đất (chuyện của anh cán bộ Thái, của Tí Giò, đồ tể Hợi), hoặc vài chi tiết về chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ (anh bộ độ “B quay” tên Lan).
Vậy điều gì trong Chuyện Ngõ nghèo cản trở sự xuất hiện của tác phẩm?
Đó là những quan điểm chính trị, quan điểm sống, quan điểm triết học của Nguyễn Xuân Khánh được nói thẳng ra qua lời của nhân vật Hoàng và hai người bạn là Lân và Tám. Những quan điểm này, cho đến tận bây giờ (2021) vẫn trái ngược với những quan điểm “chính thống” của Đảng.
Đây là diễn ngôn chính trị của nhà văn:
“Đấu tranh giai cấp” là hạt nhân của học thuyết Mác Lê nin. Nguyễn Xuân Khánh diễu nhại: “Chuồng lợn cũng là một sân khấu chính trị”; “Lò mổ cũng là sân khấu chính trị”; có cả đấu tranh giai cấp trong chuồng lợn? [Nhật ký ngày thứ 26]. Triết học Mác Lê Nin về Chủ nghiã Duy vật cũng bị diễu nhại. Hoàng nói chuyện với Đốt: “Chúng tôi đã trở nên con người cuồng tín, những kẻ cực đoan. Chúng tôi đã đạp đổ các thần linh và đem con người lên địa vị thần linh. Chúng tôi muốn đi tới chỗ hoàn thiện hoàn mỹ. Và chính đấy là bi kịch mà chúng tôi không biết”[Nhật ký ngày thứ 62]. Hoàng nói về Cách mạng: “cách mạng sẽ chỉ đẹp đẽ và hấp dẫn khi nó nhân đạo hơn, dân chủ hơn, vừa tầm vóc con người hơn mọi lý tưởng khác”;”…Cách mạng cần phải được thiên khải”[Nhật ký ngày thứ 50]. Hoàng nói về lý tưởng: “Ôi! Cái thế hệ ngây thơ, lý tưởng chủ nghĩa của tôi đã bỏ cả tuổi xanh đẹp đẽ của mình và đầu óc đầy những ảo tưởng đẹp đẽ. Bây giờ, chúng tôi còn cần gì nửa đâu. Chúng ta đang đứng trước một ngõ cụt”.”[Nhật ký ngày thứ 50].
Cực Thiên Thai cũng là một hình ảnh diễu nhại về cái gọi là “một nơi người ta đang thực hiện những mơ ước tốt đẹp nhất của loài người” mà người đọc có thể liên tưởng đến cái gọi là “thiên đường cộng sản” trong học thuyết Marx. “nó là Xứ-Không-Nước-Mắt”,” “là một xứ cực kỳ khoa học”. “Các nhà bác học có thể tạo ra những con người theo đơn đặt hàng. Ví dụ, em thích có một đứa con tóc đen, mắt xanh mũi dọc dừa, hát hay và có năng khiếu về cơ khí. Như vậy em sẽ đến viện sinh đẻ, đưa ra yêu cầu đó”. “Ở đây, chúng tôi quản lý xí nghiệp bằng sinh học, bằng hóa học, bằng vật lý học …”; “người ta còn dùng cả hóa học vào pháp luật”. “Gia đình cũ gồm hai vợ chồng và con cái nay đã bị phá bỏ”; “Vấn đề sinh đẻ thuộc về kế hoạch nhà nước…Ví dụ, nhà nước năm nay cần đẻ thêm mười nghìn dân, trong đó, chín nghìn công nhân, mười nhà bác học, chín trăm kỹ sư và chín mươi người làm nghệ thuật các loại. Những người đàn bà phải đến viện sinh đẻ nơi mình ở để đăng ký thực hiện nghĩa vụ sinh đẻ”; “Có những người đàn bà và đàn ông siêu đẳng về một mặt nào đó, thường hàng tháng phải đến cung cấp trứng và tinh trùng cho trại giống nhân chủng”. “Nói thực, chúng tôi ở đây chẳng tin ai.”;” Ai cũng là người theo dõi kẻ khác, đồng thời là người bị theo dõi. Nhưng may thay cơ quan mật vụ ở đây đã sản xuất ra được những viên gạch thám tử”… “Người đứng đầu Cực – Thiên – Thai tên là A1, hay còn gọi là công dân số 1. A1 xây dựng đất nước này trên nền tảng triết học gọi là: chủ nghĩa cực kinh tế – cực duy lý – cực khoa học”… chủ nghĩa sinh học, một lọai “khoa học phản bội con người”… Và bất ngờ thay, kẻ thống trị, công dân A1 ấy, lộ nguyên hình là con Lợn Bò khi bị “Chân tướng kính” của Tám soi chiếu.
Đây là nhận thức của nhà văn về thân phận con người trong thời đại của mình:
Qua những lần Hoàng bị thẩm vấn, cả trong thực tế lúc anh nuôi lợn và trong mơ, thời năm 1953, hình ảnh người sĩ quan thẩm vấn hiện lên như một biểu tượng của thời đại, đeo bám, ám ảnh suốt đời anh. Lúc nào Hoàng cũng cảm thấy bị rình mò, theo dõi, trấn áp. Hoàng nói về chính mình khi soi chiếu với vợ: “Một người đàn bà phải lấy một người chồng lúc nào cũng ngay ngáy những theo dõi, thẩm vấn, những đe dọa tù đày!”[Nhật ký ngày thứ 45]. Có lúc Hoàng phải kêu lên khi thấy con Lợn Bò nhìn mình: “Tại sao người cứ rình mò ta? Sao người không để ta yên. Đây là chuồng lợn, hãy nhớ đây là chuồng lợn”[Nhật ký ngày thứ 34].Tại sao? Câu trả lời là: vì anh là người cầm bút viết để “nói lên sự thật”, để giữ lấy một chút “nhân phẩm”[Nhật ký ngày thứ 49].
Những người như Hoàng, Tám, bị quy kết là những kẻ có tư tưởng chống Đảng [Nhật ký ngày thứ 45] phải bị cải tạo, bị tẩy não [3].Và vì thế anh sống trong bóng tối dày đặc, trong cô đơn tuyệt vọng, trong bất lực và sợ hãi, triền miên trong nỗi buồn muôn thuở. Trong một bầu khí xã hội như thế, những người lương thiện như Hoàng, Lân, Tám đều trở nên điên khùng, cả với nghĩa ẩn dụ và trong đời thực. “Tám đang học năm thứ ba khoa sinh vật trường đại học tổng hợp thì chúng tôi được gọi nhập ngũ. Năm ấy là năm 1967; chúng tôi vào Nam chiến đấu. Người ta phân chúng tôi vào một đon vị đặc công. “Tám gàn” bây giờ lại được bớt dấu huyền để trở thành “Tám gan”.Tám thương bạn và giỏi trèo cây. Năm 1970, Tám bị thương vào đầu được giải ngũ. Quay trở về hậu phương, Tám học xong Tổng hợp. Hình như anh có trải qua một cuộc tình đầy bất hạnh, và hình như Tám cũng trải qua oan trái và vào tù, nhưng Tám không nói cho ai biết. Kết thúc tác phẩm là hình ảnh Tám, anh bộ đội thời chống Mỹ, lưng đeo ba lô bị điên, bay từ trên cây cao xuống đất chết. Riêng một mình Hoàng biết Tám đã bị móc mất não.
Trong mắt nhìn của Hoàng, qua hình ảnh những con lợn thì xã hội Hoang đang sống là xã hội của những Lợn người và Người Lợn.
Chương viết về Tí Giò trong Cải cách ruộng đất có thể là một điển hình cho tình cảnh của bao người sống nhục chết oan do những chính sách “sai lầm” gây ra. Cái chết của người cán bộ trung kiên tên Thái mà trước khi bị bắn anh còn hô to “Đảng Công sản muôn năm”. Cái chết đầy uất hận của Lan, người lính đi B trở về bị dồn vào con đường chết, Lan thề sau khi chết hồn sẽ hiện về giết chết Tí Giò; tiếng kêu bi thiết của ngưởi đàn bà xin được trói tay lỏng một chút để bồng con… Thế nhưng những oan sai ấy lại được “đồng chí cán bộ sửa sai” Cải cách ruộng đất biểu dương rất đẹp: “Phải hiểu rằng các đồng chí cốt cán rất triệt để cách mạng. Họ sai bởi vì họ quá triệt để. Nhưng triệt để cách mạng là một phẩm giá cao quý nhất”.
Cái sai của họ là “Ác”. Nguyễn Xuân Khánh tô đậm cách giết người bằng dao lá lúa như giết lợn. Cách tô đậm này để tố cáo cái ác và làm cho người đọc thấy kinh sợ cái ác. Hành động giết lợn bằng dao lá lúa được miêu tả từ lúc học nghề đồ tể của Hợi, của Tí Giò đến thực tập đồ tể của Linh (con của Hoàng), và sau đó là hành động giết người man rợ của Tí Giò.
Tí đã nằm phục trong chuồng heo 13 ngày để giết lão Chánh Hưng. Đây là cách Tí giết lão Chánh Hưng: “Tí, lập tức chồm ngay dậy và lưỡi dao lá lúa đã sáng loáng vung lên thọc trúng tim lão quản. Lão chánh rống lên ồ ồ, hai tay ôm lấy ngực, chạy vào nhà và chết ngay dưới chân giường vợ bé”.
Đây là tính cách đồ tể của Tí với anh Thái: “Tí đã dũng mãnh xông lên, rút con dao đồ tể mỏng như lá lúa mà anh thường giắt bên người. Bằng một đường dao chính xác, ngọt ngào, anh đã đâm từ cổ thọc xuống tim người đội trưởng du kích người dẫn đường anh khi xưa. Thái ngoẹo đầu xuống, hình dáng hệt như chúa Giê Su chịu nạn. Lúc chết, mắt Thái vẫn mở to. Đôi mắt như ngơ ngác, như băn khoăn, như bàng hoàng, vì chưa hiểu ra một điều gì đó thật kỳ quái. Khi Tí rút con dao lá lúa ra, dòng máu ở cổ Thái vọt dài”.
Đây là cách Tí dùng trói lợn để bịt mồm bịt miệng người lính “B quay” tên Lan. Bị trói vào cọc nhưng Lan giãy giua, nói to và mở to mắt kêu oan: “Tí cầm chiếc dây cao su quấn ghì đầu Lan vào chiếc cọc tre. Ông vòng dây cao su ngang mồm Lan; Lan há mồm định nói, nhưng chiếc dây đã lanh lẹn ngáng qua, chịt hàm răng lại. Quấn hai vòng cao su xong, Lan bặt nói, nhưng chiếc khăn đen bịt mắt lại tụt xuống. Ánh mắt lúc này còn sáng quắc hơn lần trước. Có lẽ bị bịt hết cửa biểu hiện rồi nên toàn thể tinh lực căm giận phải tuôn trào hết ra ánh mắt. Tinh lực ấy làm ngầu đôi mắt, nó đẩy hai nhãn cầu lồi ra phía trước”.
Và khi Hoàng định nhổ cái cọc trói tử tội đi thì Tí Giò “vung con dao lá lúa đâm thẳng vào trái tim tôi. Tôi thét to và ngất lịm …”
Sau khi Hoàng tỉnh lại, Hoàng lại nghe Hợi hướng dẫn cho Linh cách giết con Lợn Bò:
“- Bình tĩnh nhé. Cắt ngang chỗ này, rồi thọc dao vào chính giữa, đâm thẳng dao
chui vào lồng ngực, sau đó lách nghiêng sang trái. Nó nặng đầy tạ, khổ mỡ dầy, nên phải đâm thật sâu…- Quấn dây cao su vào mồm, cho nó khỏi kêu… Xong chưa? Đừng có run tay… đâm cho thật chính xác, kẻo rồi dao lại chui vào nách lợn. Tốt! Tốt! Cứ như thế… Tiến lưỡi dao về phía ức. Khá lắm! Trúng rồi! Dao chui vào ngực rồi… Nhích mũi dao sang trái, về phía tim. Có thể ngoáy dao cho đứt hết mọi mạch máu chằng chịt quanh tim… Chúa lắm! Đè mạnh vào chuôi dao, tạo lỗ cho máu chảy ra…”
Việc tô đậm cảnh giết chóc này hẳn là có mục đích. Nguyễn Xuân Khánh khái quát cái thời đại ông sống: “Trong trái tim ai cũng lấp ló một anh đồ tể”; “Té ra tôi là một anh đồ tể, tôi đã chọc tiết vợ con tôi”.
Nguyễn Xuân Khánh nói về thế hệ mình:
“Thế hệ chúng tôi là thế hệ những người anh hùng và cả những người sắm vai anh hùng…bừng bừng ở những khung cảnh vĩ mô, ngột ngạt sặc sụa ở những khung cảnh vi mô, đến nỗi chúng tôi không phân biệt nổi khi nào ta thực, khi nào ta giả. Chúng tôi lên đồng đến nỗi không nhìn ra được cái ngô nghê thảm hại khi mình rởm ấy…lắm lúc ngẩn ngơ thấy trong mình thiếu vắng một cái gì rất cơ bản mà mình không xác định nổi; run rẩy vì chợt có lúc thoáng thấy nỗi sợ hãi của phi nhân“.
Nguyễn Xuân Khánh còn nói về nhiều vấn đề khác. Chẳng hạn, hoàn cảnh đói nghèo làm tha hóa con người, tình trạng khùng điên bế tắc của người trí thức, sự đổ vỡ của gia đình…”Lại thiếu gạo. Lại hốt hoảng chạy vạy…Lại eo óc, gắt gỏng cấu xéc càu nhàu. Lại bực bội vì tiền vì miếng cơm. Lại tính toán ti tiện. Cái tế nhị âu yếm thời xưa, vợ chồng tôi đánh mất lúc nào chẳng hay…Tôi nghẹn lại, tắc lại. Tiếng nói của tôi biến mất”[Nhật ký ngày thứ 20]
Hoàng kêu lên: “Tôi, một con vật người nhai rau đang nghĩ suy về đạm. Ở bên kia vách, con lợn Bò của tôi cũng đang tóp tép nhai rau. Lợn ơi ! Mày có nghĩ ngợi gì khi mày cắn một cọng rau, một lá bèo trong miệng? Không biết, vào giờ này, có con người đạm nào còn thức và đang trằn trọc như ta không?”[Nhật ký ngày thứ 21]
Trong cái nhìn của nhân vật Hoàng (tức nhà văn Nguyễn Xuân Khánh). Chính môi trường kinh tế, chính trị xã hội thời bấy giờ (trước đổi mới 1986) đã dồn ép con người vào đường cùng, làm tha hóa họ, làm họ khùng điên và sau cùng giết chết họ một các dã man. Cái chết của Lan và của Tám là hết sức thương tâm. Một người bị tước hết quyền sống, một người bị phẫu thuật đầu người mình khỉ, bị móc mất não.
Tất nhiên với cái nhìn như thế về thực tại Hà Nội những năm 1980, thì Chuyện ngõ nghèo không thể in được. Bởi những diễn ngôn của nhà văn trái với những “đại tự sự” của thời đại.
2. Chiến lược kiến tạo Chuyện ngõ nghèo.
Nguyễn Xuân Khánh làm thế nào để Chuyện ngõ nghèo có thể đến được với độc giả? Điều này chính là chiến lược kiến tạo tác phẩm của nhà văn. Và người đọc phải có chiến lược giải kiến tạo tác phẩm.
Chuyện ngõ nghèo là một cuốn nhật ký. Đây là lời giới thiệu của tác giả Nguyễn Xuân Khánh:
“Nhật ký này là của ông Nguyễn Hoàng; ông Nguyễn Hoàng làm nghề viết báo , kiêm nghề nuôi lợn .
Có lẽ, khi làm nghề cầm bút, ông đã phạm một cái cái “húy” gì đó nên bị thất sủng, phải về nghỉ hưu tuy chưa đến tuổi. Ông là ngươì lớn tuổi, lại mắc bệnh nghề nghiệp nên thích ghi chép. Ông đã ghi lại khá tường tận, thú vị công việc chăn nuôi của mình.
Xét thấy nhật ký này có điều hay hay, nên cố sưu góp lại để các bạn cùng đọc.”
Lời giới thiệu này nhắc người đọc rằng đây không phải là truyện của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, mà là truyện của một ông nhà báo nào đó tên Hoàng, không cần biết nhân thân cụ thể (vì là truyện). Mọi suy nghĩ, nhận thức, phát ngôn là của Hoàng, không phải của Nguyễn Xuân Khánh, và không được quy kết cho Nguyễn Xuân Khánh. Xin lưu ý, nhân vật văn học không phải là tác giả, ngay cả khi tác giả đặt mình làm nhân vật như nhân vật đồng chí Khải trong truyện Một người Hà Nội của Nguyễn Khải.
Cuốn nhật ký Chuyện ngõ nghèo có cấu trúc như sau: phần 1: nhật ký nuôi lợn của Hoàng. Phần 2, Hoàng ốm, mê man, lạc vào Hỗn mang, vào Bãi chết, vào Cực Thiên Thai. Phần Ba: Hoàng tỉnh lại và bình phục, tiếp tục ghi nhật ký.
Như vậy, ngoài phần ghi nhật ký việc nuôi con Lợn Bò từ nhỏ đến khi lớn và thằng Linh giết Lợn Bò để có tiền thuốc cho Hoàng, các phần còn lại là “hiện thực” trong những cơn mê sảng, những ác mộng đan xen với ký ức. Tất cả những “hiện thực ảo” này Hoàng không phải chịu trách nhiệm, vì nó xảy ra trong lúc anh hôn mê, ngoài tầm kiểm soát của ý thức. Thế nghĩa là tác giả Nguyễn Xuân Khánh không liên quan gì.
Ngoài phần ghi chép 83 ngày về nuôi lợn là hiện thực, tất cả những ghi chép khác về cõi Hỗn Mang, về Bãi Chết, về xứ Cực Thiên Thai chỉ là ảo, là biểu tượng, là viễn tưởng. Nơi nào còn có con Nhân Trư – mình người đầu lợn, bắt người ta phải giải câu đố: Con gì sáng ăn thịt người, trưa nghỉ, tối ăn thịt người? Làm gì có nơi nào gọi là Cực Thiên Thai, con người ở nơi ấy chỉ vui, lãnh đạo nơi ấy điều khiển bằng khoa học, bằng chủ nghĩa sinh học? Nơi ấy, mỗi con người đều rình rập người khác và bị rình rập, mỗi viên gạch đều là thám tử? Nơi nào người ta có thể tạo ra giống người như ý muốn! Làm gì có chuyện ráp đầu người vào mình khỉ để làm thay đổi tư duy Người, và khi không thay đổi được thì móc não người đi (Tám là người như thế). Thế có nghĩa là, tất cả những cảnh, những vật, những sự việc xảy ra ở Hỗn Mang, về Bãi Chết, về xứ Cực Thiên Thai dù có mang bóng dáng đời thực (như là Cải cách ruộng đất) thì vẫn là biểu tượng.
Chuyện ngõ nghèo là một hệ thống biểu tượng, vừa ảo, vừa thực. Thí dụ, trong Cải cách ruộng đất, Tí Giò phục kích giết Chánh Hưng, Tí Giò đấu tố ông chú Hương Tẹo, giết anh cán bộ Thái, giết anh bộ đội “B quay” tên Lan, tất cả là thực, thì ngay cả những “việc thực” ấy cũng trở thành biều tượng mang nghĩa khái quát cao hơn, thâm hơn. Và như thế, chuồng lợn, đàn lợn, con Lợn Bò, việc nuôi lợn cũng trở thành biểu tượng đa nghĩa. Ngay cả cách giết lợn bằng dao lá lúa, hình ảnh người sĩ quan thẩm vấn, các nghiên cứu Bách khoa toàn thư Lợn của Lân, cái Kính chiếu Trư, “Chân tướng kính”, virus Poóc xi nô ma ni ! cũng là biều tượng. Đã là biểu tượng, không phải thật, lại là trong cơn mê sảng của Hoàng, một người không rõ nhân thân, thì không thể quy kết cho tác giả Nguyễn Xuân Khánh được.
Chiều sâu của ý thức sáng tạo của Nguyễn Xuân Khánh là khát vọng tự do, khát vọng nhân bản, khát vọng hạnh phúc, khát vọng Cách mạng tốt đẹp hơn, khát vọng một thế giới đầy tình người, không phải là Cực Thiên Thai chỉ là khoa học, máy móc và man rợ. Đây là những khát vọng:
“Cuộc cách mạng của chúng ta mới chỉ làm được công việc phá vỡ xong cái vỏ. Thoái khỏi ách đế quốc mới chỉ là thoát cái vỏ nô lệ. Còn cái cốt lõi của sự nô lệ, nó nằm trong tâm hồn ta, …quá trình rối loạn, tan rã trong xã hội hiện nay chính là quá trình đập vỡ sự nô lệ bên trong ta, để cho những mầm mới nảy sinh..[Người khổng lồ vác nặng]
– Đất nước chúng ta đang rơi vào một chủ nghĩa hư vô. Người ta đã dè bỉu, rồi xóa tất cả những cái nhân đạo xưa, để thay vào đó bằng một thứ chủ nghĩa nhân đạo mới, ở đó bóng dáng con người mờ nhạt. Người ta vẫn rao giảng một cái gì đó quá ư khoa trương, đẹp như một ống kính vạn hoa, để rồi con người soi mình vào đó và không thấy khuôn mặt mình ở đâu cả. Cái áo quá đẹp ấy không hợp với kích cỡ con người. Chúng tôi chán ngấy sự ồn ào mĩ miều và chỉ thèm một thứ nhân đạo đích thực, ở đó người nào nhìn vào cũng thấy khuôn mặt của mình.[Nhật ký ngày thứ 50]
Trong “chiến lược kiến tạo tác phẩm” thì Nguyễn Xuân Khánh sử dụng một “sách lược xây dựng nhân vật” khá biến hóa.
Ở tuyến nhân vật chính có Hoàng và vợ, Linh là con; hai người bạn là Tám và Lân. Họ là những con người hiền lành lương thiện với nhiều khát vọng, có thể họ là những người “ngây thơ” về lý tưởng. Hoàng là người viết văn, muốn nói lên sự thật và quyết giữ lấy nhân phẩm, giữ lấy chút hy vọng về một thời đại tốt đẹp. Vợ Hoàng là công nhân, một người đàn bà truyền thống, cần cù nhẫn nhục và thực tiễn. Nhiều lần chị khuyên chồng bỏ viết. Chị cũng là người chăm sóc anh tận tình. Linh là đứa con đang học đại học, lại say mê đọc Trang Tử, Linh cũng có những tra vấn về hiện thực. Cậu cũng thường có những suy nghĩ trái ngược với Hoàng. Lân là một nhà nghiên cứu Bách Khoa về lợn, anh muốn tìm ra bản chất vấn đề Lợn người-Người Lợn. “có một luận điểm nói rằng, một chiều kích của bản chất người là lợn”. Những “khám phá” của anh có giúp soi sáng cái nhìn của Hoàng. Tám là anh bộ độ chống Mỹ, bị thương, là người đã chế ra “kính chiếu Trư” và “Chân tướng kính” giúp Hoàng nhìn rõ bản chất Lợn trong những kẻ xấu, kẻ ác. Cũng phải kể đến anh cán bộ kháng chiến tên Thái và anh bộ đội “B quay” tên Lan, hai người này bị Tí Giò giết, và anh bội đội tên Vinh chết trong nỗi chờ đợi, hy vọng Liên xô sẽ giúp Việt Nam thay đổi. Những con người “lương thiện” này” đã bị “thời đại” (môi trường kinh tế, bầu khí chính trị) vây khốn. Hoàng, Tám, Thái, Lan phải nhận lấy số phận bi thảm oan sai.
Ở tuyến phản diện có nhân vật viên sĩ quan thẩm vấn, Đồ tể Hợi, phụ tá trường bắn Tí Giò…Các nhân vật này được miêu tả chân dung rất kỹ. Tác giả muốn khắc họa khuôn mặt “Cái ác” của thời đại. Sĩ quan thẩm vấn đeo bám Hoàng riết suốt từ thời kháng chiến chống Pháp (1953) đến thời hiện tại (Hoàng nuôi lợn và viết văn). Anh ta dùng đủ mọi kiểu “lý luận” để quy kết Hoàng tội chống Đảng, mặc dù anh ta không có chứng cớ cụ thể. Nhân vật này là một kiểu nhân vật khủng bố tinh thần. Tuy anh ta không đưa được Hoàng vào trại giam, song làm cho Hoàng bị ám ảnh mọi nơi, mọi lúc, cả trong lúc hôn mê lạc vào Cực Thiên Thai. Bóng dáng anh ta có mặt trong khắp tác phẩm. Nhân vật Tí Giò là một điển hình cho cái ác thời Cải cách ruộng đất, còn nhân vật Hợi là điển hình cho loại “Đồ tể” thời đại. Những nhân vật này được xây dựng ở tư thế “người chiến thắng”, ngoại trừ Tí Giò bị ám ảnh ở những cái chết oan sai mà chết. Chính sự chiến thắng của các nhân vật đại diện cho “cái Ác” này làm nghiêng lệch chủ đề và làm rõ thái độ diễn ngôn của tác giả. Đó là một “chiến lược dụng binh” của nhà văn.
Dù vậy, người đọc cảm thương rất nhiều cho các nhân vật bị “oan sai”. Sự kiên định lý tưởng viết của Hoàng trước người sĩ quan an ninh, cái chết “trung liệt, bất khuất” của người cán bộ kháng chiến tên Thái, cái chết dữ dội căm thù của Lan trước oan sai , cái chết bi thảm của Tám (con người bị phẫu thuật đầu người mình khỉ và bị móc mất não), cái chết đầy hy vọng (ảo tưởng) của Vinh, thái độ mạnh mẽ, thực tiễn của vợ con Hoàng…tất cả những điều ấy được miêu tả hết sức thương cảm và với lòng bao dung đem đến những giá trị tích cực cho tác phẩm.
Trong mắt Hoàng, người bạn chiến đấu, Tám là một bồ tát:
“Nhắm mắt, bóng Tám hiện ra. Mở mắt, bóng Tám vẫn hiện ra. Anh đứng giữa đêm đen chuộc lỗi cho thế gian.
Thật hay mơ? Dù là một giấc mơ thì cũng là một niềm an ủi. Bởi vì chưa thấy một Thích Ca, nhưng đã thấy một Bồ Tát, đã thấy một luân hồi đội đá phù sinh.”[Nhật ký ngày thứ 4 sau khi Hoàng tỉnh lại]
Chính giọng văn trầm tĩnh hiền hòa, cùng với tấm lòng nặng trĩu tình người, kết hợp với những nhận thức minh triết, diễn ngôn của Nguyễn Xuân Khánh đã làm thăng hoa cái hiện thực “đen tối” được nói đến trong tác phẩm. Cái cảm giác “phê phán hiện thực”(bằng diễu nhại nhẹ nhàng, hoặc bằng những biểu tượng dữ dội) nhường chỗ cho ý thức xây dựng những điều tốt đẹp. Hoàng bị theo dõi, bị thẩm vấn cụ thể về vấn đề gì, cả cuốn tiểu thuyết của Hoàng gửi bên nhà Lân, nội dung viết gì cũng không được tác giả nói công khai, vì thế, người đọc hiểu rằng, đó chỉ là cách nhà văn đặt vấn đề, không phải là “sự tố cáo hiện thực” trong một trường hợp cụ thể. Tác phẩm đã vượt qua rào cản đến với người dọc.
Nguyễn Xuân Khánh tổng hợp nhiều kiểu bút pháp để tạo ra hiệu quả nghệ thuật đa sắc điệu. Phần “Nhật ký” (83 ngày, dài 118/203 trang, chiếm 58,1% dung lượng tiểu thuyết). Nhật ký là thể loại ghi lại “người thực việc thực”. Với dung lượng trên 58%, phần nhật ký tạo nên cảm tưởng rằng cuốn sách là truyện thật. Những gì còn lại, dù trong cơn mơ của Hoàng cũng chỉ là phản chiếu của những hình ảnh đời thật trong não trạng của Hoàng. Chẳng hạn, công dân A1 ở Cực Thiên Thai chính là con Lợn Bò trong đời thực mà Hoàng nuôi. Cô hướng dẫn viên tên Mi trong Cực Thiên Thai cũng chính là Hồ Ly trong đời thực của Hoàng. Phần đời thực được ghi trong nhận ký có nội dung đơn giản là chuyện Hoàng nuôi lợn, bỏ bao nhiêu công, cuối cùng công cốc. Nội dung ấy vô hại.
Sau Nhật ký là kiểu bút pháp truyện phiêu lưu thần tiên (như truyện Từ Thức lên tiên chẳng hạn). Hoàng sốt hôn mê, hồn anh lạc vào những cơn ác mộng, những vùng ký ức nào đó. Hoàng dẫn người đọc đi lang thang vào một thế giới khác do nhà văn tạo dựng. Lưu ý rằng, Nguyễn Xuân Khánh không miêu tả thế giới tâm linh tôn giáo như Thiên đường, Địa ngục. Bút pháp truyện phiêu lưu giúp giải phóng sức sáng tạo của nhà văn. Trong không gian “tưởng tượng” đó, các nhân vật đều là siêu nhân, các tình huống, cảnh sắc đều siêu việt, các mối quan hệ đều do nhà văn chủ động tạo ra không theo quy luật của bút pháp hiện thực. Diễn ngôn của nhà văn mở rộng ra nhiều chiều kích mà bút pháp hiện thực bị giới hạn. Chẳng hạn, việc tái hiện những con người, những xáo trộn, những “tội ác” trong trong Cải cách ruộng đất (1953-1956) đều diễn ra trong cơn mê của Hoàng. Phần nhật ký (những năm 1980) không thể tái hiện giai đoạn lịch sử này. Ở Cực Thiên Thai, Nguyễn Xuân Khánh sử dụng một ít kiến thức khoa học về lai tạo, về quản lý, về phẫu thuật, về xã hội học…để tạo nên cô Mi, hướng dẫn viên là “công chúa khoa học” con của công dân A1, họăc tạo ra những “viên gạch thám tử”, hoặc chọn lọc sinh sản để có thể sinh ra những thế hệ người theo ý muốn, hoặc phá bỏ cấu trúc gia đình, vì gia đình làm mất thì giờ ảnh hưởng đến kinh tế…Những “sáng tạo” như thế không nhằm vào việc tiên đoán tương lai mà chỉ là phương tiện để nhà văn nói lên chính kiến của mình về hiện thực.
Tức là bằng chiến lược kiến tạo tác phẩm (cấu trúc kiểu ghi nhật ký thực-ảo, kiểu truyện phiêu lưu thần tiên, hệ thống biểu tượng, cách trần thuật và phân tích tâm lý chân thực tỉnh táo, tình cảm nhân đạo sâu sắc cùng với vốn sống đầy đặn…), Nguyễn Xuân Khánh tạo ra sự hấp dẫn, đưa được thông điệp tới người đọc, tác phẩm chinh phục được người đọc.
Nói cho đúng, nhiều vấn đề Nguyễn Xuân Khánh nói đến thì Nam Cao trước đó đã nói rồi, nên ông không phải chịu trách nhiệm. Thí dụ, những vấn đề như cái nghèo đói làm tha hóa con người (Một bữa no), bi kịch của người trí thức sống mòn (Đời thừa, Sống mòn), khát vọng lương thiện (Chí Phèo), hoặc cái nhìn của nhân vật Hoàng trong Đôi mắt một thời bị phê phán (Cái nhìn của Hoàng trong Chuyện ngõ nghèo bị theo dõi, thẩm vấn trấn áp, kết tội chống Đảng); hoặc vấn đề về những sai lầm trong Cải cách ruộng đất cũng đã được nhiều nhà văn khác nói đến…
Vì thế, tiếng nói của nguyễn Xuân Khánh lẫn vào trong diễn ngôn của các nhà văn khác. Chuyện ngõ nghèo viết trước nhưng lại in sau Ba người khác của Tô Hoài. Chuyện ngõ nghèo (Nguyễn Xuân Khánh viết 1982-in 2016), Thời xa vắng (1986-Lê Lựu) Thiên Sứ (1988-Phạm Thị Hoài), Ba người khác (Tô Hoài viết 1992- in 2006), Thời của thánh thần (2008-Hoàng Minh Tường) và sau này là Mối chúa (2017- Đãng Khấu-Tạ Duy Anh), Kiến, Chuột và ruồi (2019-Nguyễn Quang Lập)..
LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI ĐEM ĐẾN ĐIỀU GÌ CHO PHÊ BÌNH VĂN HỌC?
Nhà văn có chiến lược kiến tạo tác phẩm, người đọc cũng phải có chiến lược tiếp cận và giải mã tác phẩm. Lý thuyết trò chơi hướng đến khám phá các chiến lược ấy.
Và để khám phá được các “chiến lược” của nhà văn trong trò chơi văn chương, người đọc phải thủ đắc nhiều phương pháp phê bình (Chủ nghĩa Hình thức, Phê bình mới, Cấu trúc luận, Giải cấu trúc, Ký hiệu học, Phê bình xã hội học, văn hóa học, phân tâm học…) và áp dụng những phương pháp ấy theo một chiến lược khôn ngoan. Trong đời thực, tất cả mọi “chiến lược” của bất cứ “trò chơi” hay của một hoạt động xã hội nào (chiến lược kinh doanh, chiến lược quân sự…) đề được giữ bí mật. Nhà văn và người đọc cũng dấu kín chìa khóa chiến lược của mình.
Việc đọc những nhà văn lớn, những tác phẩm tư tưởng, những cây bút tiên phong thật không dễ dàng. Bởi sự sáng tạo của nhà văn luôn đi trước và nằm ngoài mọi cách tiếp cận của người đọc. Thế nên, Lý thuyết trò chơi có giới hạn của nó. Nó không giúp người đọc khám phá những giá trị của tác phẩm, những sáng tạo của nhà văn và những âm vọng nơi người đọc, những vang dội trong thời đại.
Thử tìm chiến lược chơi theo Lý thuyết trò chơi áp dụng vào việc đọc bài thơ sau đây của Văn Cầm Hải:
QUÊN LÃNG
Chiếc nôi lật ngược
Tiếng khóc rơi xuống
tã lót rách bươm, lời mẹ ru không khâu vá nổi
tôi và em đi xa
sa mạc
con Sphanh buồn bã
khi bọn cướp đục thủng lấy mất quả tim
tôi và em
trên da bụng em nườm nượp tiếng khóc
theo nhau thành dòng nước lũ
cả căn hầm chữ A
chiếc áo nâu thế hệ
mà nỗi đau vo ve từng hạt máu
đong đầy nghĩa địa.
Huế và mưa 92
***
Tháng 12 năm 2021
_____________________________________
[1] Lý thuyết trò chơi-Bùi Công Thuấn:http://trannhuong.net/tin-tuc-42148/ly-thuyet-tro-choi-game-theory.vhtm
Trần Ngọc Hiếu: Tiếp cận bản chất trò chơi của văn học (Những gợi mở từ công trình Homo Ludens của JohanHuizinga)
[2] Đọc thêm:-Martin J. Osborne: An Introduction to Game Theory – Oxford UniversityPress
– Levent Koc¸kesen Koc& Efe A. Ok : An Introduction to Game Theory–New York University
– Robert Gibbons: A Primer in Game Theory
– Essentials of Game Theory -Concise, Multidisciplinary Introduction. By:
KevinLeyton-Brown University of British Columbia, Vancouver, BC, Canada
YoavShoham Stanford University, Palo Alto, CA, USA
–William Spaniel: Game Theory 101: Introduction
[3] Nhật ký ngày thứ 2 sau khi Hoàng tỉnh lại. Hoàng nhớ lại hình ảnh Tám bị phẫu thuật, lấy đầu Tám lắp vào mình khỉ. Tám không thay đổi liền bị đục não. Lúc Tám chết, chỉ mình Hoàng biết Tám là người bị đục mất não.