CON ĐƯỜNG SÁNG TẠO

CON ĐƯỜNG SÁNG TẠO

Bùi Công Thuấn

VVDT

 

Thành công đặc biệt của Giải Viết văn đường trường Giáo phận Quy Nhơn là quy tụ và bồi dưỡng được một đội ngũ đông đảo những người viết văn trẻ Công giáo trên khắp các vùng miền đất nước. Chúng ta có quyền hy vọng rồi đây vườn văn chương Công giáo sẽ có được những hoa thơm trái ngọt. Nhưng để đạt được những ước vọng văn chương ấy, con đường sáng tạo của người viết văn trẻ Công giáo còn dài, đòi hỏi năng lực viết văn, khả năng kiến tạo được tác phẩm có giá trị tư tưởng – thẩm mỹ.

  1. SỰ CHỌN LỰA ĐỀ TÀI

            Người cầm viết, trước tiên phải xác định mình viết điều gì. Không có đề tài, nội dung, chất liệu thì không thể viết. Người viết văn Công giáo không tự giới hạn đề tài, bởi mọi đề tài đều bình đẳng. Tân Ước thuật lại việc Đức Giê su tiếp xúc với đủ mọi hạng người trong xã hội, kể cả Xa-tan (Mt 4,1:11), nói chuyện với họ về mọi vấn đề, trực tiếp giải quyết tại chỗ những yêu cầu được đặt ra. Tuy vậy, dù dạy bảo hay tranh luận, Lời Chúa đều quy về việc loan báo Tin Mừng: Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, Người đến trong thế gian để cứu rỗi nhân loại.

Và đây là một trường hợp cụ thể: “Bấy giờ những người Pharisêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy. Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hêrôđê, đến nói với Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Caesar hay không?”Nhưng Đức Giêsu biết họ có ác ý, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình! Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế!” Họ liền đưa cho Người một quan tiền. Người hỏi họ: “Hình và danh hiệu này là của ai đây? ” Họ đáp: “Của Caesar.” Bấy giờ, Người bảo họ: “Thế thì của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” Nghe vậy, họ ngạc nhiên và để Người lại đó mà đi.”(Mt 22:15-21). Ngay khi Đức Giêsu giải quyết vấn đề những người Pharisêu đặt ra, thì Người cũng khẳng định Thiên Chúa: “của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.”

Một trường hợp khác: “Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An- phê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.
Người đến dùng bữa tại nhà ông. Nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Đức Giê-su và các môn đệ, vì họ đông đảo và đã đi theo Người. Những kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!” Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói với họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”
(Mc, 2:14-17). Như vậy việc Đức Giê su” ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi”là để khẳng định sứ mệnh cứu rỗi nhân loại. Tân Ước chọn sự việc của đời sống hiện thực để tường thuật, nhưng không phải chỉ để “phản ánh hiện thực”, mà đặt trọng tâm rao giảng Tin Mừng. Câu chuyện có tất cả sự phức tạp, căng thẳng về tư tưởng và xã hội, nhưng việc tường thuật của Thánh sử Mac-cô lại hướng về khẳng định Đức Giê su là người đến trong thế gian để cứu rỗi con ngưởi.

Người viết văn Công giáo cần phải đi vào thế gian, với trái tim nhân ái, trải nghiệm bể dâu để viết. Hãy nói lên tiếng nói của mọi số phận, nhất là những con người nghèo hèn. Học tập Kinh thánh, văn chương Công giáo là văn chương loan báo Tin Mừng. Đó là sứ mệnh Đức Giêsu đã trao lại cho Giáo hội. Sứ mệnh ấy rất cụ thể:Đức Giêsu vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa. Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe“.(Lc 4, 16-21)

  1. HÃY VIẾT NHỮNG TÁC PHẨM TƯ TƯỞNG

Văn chương Việt Nam đương đại có rất ít tác phẩm tư tưởng. Nhà văn Việt Nam lấy việc “phản ánh hiện thực” làm nhiệm vụ chính. Vẫn biết rằng, những tác phẩm phản ánh chân thực hiện thực đều rất giá trị. Tuy nhiên họ gặp khó ở chỗ thế nào là “phản ánh chân thực” cuộc sống, từ đây nảy sinh nhiều vấn đề cả về tư tưởng và nghệ thuật. Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) của Nguyễn Du còn đến hôm nay không phải bởi chất lượng “phản ánh hiện thực”(dù rằng phản ánh hiện thực là một thuộc tính của văn chương) mà bởi nghệ thuật và tư tưởng. Ngày nay chẳng ai còn nhắc tới những tác phẩm viết về phong trào Hợp tác xã ở miền Bắc những năm 1960. Đời sống thay đổi từng ngày. Ghi nhận thời sự là công việc của nhà báo, nhà kinh tế, nhà chính trị. Nhà văn là người sáng tạo cái đẹp văn chương-tư tưởng bằng ngôn ngữ.

Thử đọc truyện Người canh gác của Franz Kafka:

“Tôi chạy qua người canh gác thứ nhất. Thế rồi sợ hãi, tôi chạy ngược trở lại và nói với người canh gác: ‘Tôi đã chạy qua đây lúc ông đang nhìn đi chỗ khác’. Người canh gác nhìn chằm chằm về phía trước chẳng nói năng gì. ‘Tôi nghĩ đúng ra mình không nên làm như vậy.’ Tôi thưa. Người canh gác vẫn không nói gì hết. ‘Ông im lặng nghĩa là tôi được phép đi qua phải vậy không?’” (Hải Ngọc dịch từ bản Anh ngữ: “The watchman” (do Eithne và Ernst Kaiser chuyển ngữ),

Câu truyện có một tình huống, hai nhân vật, ba lời thoại. Cách kể gọn. Tác giả gọt bỏ hết bối cảnh, không gian, thời gian; lược bỏ tất cả sự miêu tả, sự dàn dựng. Truyện chỉ còn lại cái lõi tư tưởng, không phản ánh hiện thực. Thành ra truyện trở nên rất khó hiểu.

Hãy quan sát các nhân vật. Người canh gác hoàn toàn im lặng. Ông ta không nhìn Tôi mà nhìn đi chỗ khác, nhìn chằm chằm về phía trước. Nhân vật Tôi trình bày với Người canh gác về hành động của mình, tỏ vẻ hối lỗi. “Tôi nghĩ“việc vượt qua trạm không xin phép người canh gác là một hành động có gian ý, không nên làm. Nhưng sao người canh gác không ngăn chặn, phải chăng là ông ta lơ đễnh (nhìn đi chỗ khác”), hay ông ta đồng thuận (Ông im lặng nghĩa là tôi được phép). Xin chú ý rằng, những ý nghĩa của sự việc vượt qua trạm gác là ý nghĩ, nhận thức, là lời tự thú của nhân vật Tôi. Chủ đề của truyện của truyện nằm ở đây. Hóa ra trong lòng mỗi người (như nhân vật Tôi) đều có một “người canh gác”, mỗi người tự canh ngác hành vi của mình, tự xác lập thế nào là đúng, thế nào là sai. Sự đánh giá không phải do người đứng ở trạm canh gác. Từ đây lộ ra vấn đề tư tưởng về bản chất của việc nhận thức chân lý. Nhận thức luôn là nhận thức chủ quan. Và vì thế, mỗi người là một bản thể tự do (nhân vật tôi không bị cản trở), phải chịu trách nhiệm về chính mình, không phải tha nhân. Điều này F.Kafka (1883-1924) khác với J.P.Sartre (1905-1980). Đối với Sartre, “Điạ ngụclà Tha nhân (l’enfer, c’est les Autres) (1)

Tác phẩm Ông già và biển cả của E. Hemingway (1899-1961) đạt giải Nobel văn chương không ở giá trị phản ánh hiện thực mà ở tư tưởng về con người và nghệ thuật thể hiện theo “nguyên lý tảng băng trôi”. Ông lão Santiago, người Cuba, là hiện thân của con người kỳ vĩ. Biển cả kỳ vĩ bao nhiêu thì con người kỳ vĩ bấy nhiêu. Bằng sức mạnh của chính mình, con người có thể chiến thắng mọi trở ngại đạt đến những ước mơ cao đẹp. Hình ảnh ông lão sau ba ngày đêm vất vả chỉ kéo vể bộ xương con cá kiếm là hình ảnh có ý nghĩa tư tưởng. Cuối truyện, Ông lão vác cột buồm leo lên đỉnh dốc, ngã nhiều lần, và khi về lều, lão nằm hai tay dang rộng, lòng bàn tay ngửa lên. Có ý kiến cho rằng đó là hình ảnh Đức Giêsu vác thập giá, ngã nhiều lần, rồi dang tay chịu đóng đinh. Nếu Ông lão Santiago chỉ như thế thì Hemingway chưa đạt tới được tư tưởng của Kinh Thánh. Bởi Đức Giêsu không chỉ nằm giang tay chịu đóng đimh, mà còn chịu treo lên. Và khi Chúa bị treo lên, Người cứu rỗi nhân loại: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3, 14-15)

Truyện của F. Kafka và của E. Hemingway là truyện tư tưởng thế kỷ XX. Nếu đọc Kinh Thánh, ta sẽ bắt gặp kiểu truyện này đã có từ hai ngàn năm trước. Trên đường rao giảng, Đức Giêsu kể nhiều dụ ngôn. Thực chất mỗi dụ ngôn là một truyện ngắn được Chúa “sáng tạo” ngay trong hoàn cảnh cụ thể, dành cho đối tượng nghe cụ thể. Đó là những truyện ngắn hay, không chỉ sâu sắc về tư tưởng mà còn thức tỉnh tâm linh và thúc đẩy người nghe hành động. Xin đọc:

Dụ ngôn Ông nhà giàu và La-da-rô: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.

“Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: “Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!“. Ông Áp-ra-ham đáp: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được“.

Ông nhà giàu nói: “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!”. Ông Áp-ra-ham đáp: “Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó”. Ông nhà giàu nói: “Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối“. Ông Áp-ra-ham đáp: “Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin“.

(Luca 16:19-31)

Nói theo ngôn ngữ hôm nay, dụ ngôn Ông nhà giàu và La-da-rô là một truyện “Hiện thực huyền ảo”, vì bối cảnh câu chuyện là cõ âm. Cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa Ông nhà giàu và tổ phụ Áp-ra-ham là ở một cõi khác sau cõi sống chết. Đó là cõi vĩnh hằng, nơi chỉ có thưởng phạt. Truyện kể về cõi sau nhưng là để nói về cõi hiện tại, cõi của ông nhà giàu và La-da-rô lúc sinh thời, cõi của 5 người anh em ông nhà giàu còn đang sống, cũng là cõi của Mô-sê và các Ngôn Sứ đã khai mở. Truyện miêu tả sắc nét đến từng chi tiết, soi rất sâu vào trí tuệ và tâm linh; truyện của cõi tâm linh nhưng lại đầy sự xác tín, để lại những ấn tượng hết sức mạnh mẽ, buộc người nghe phải chọn lựa một thái độ sống, thái độ tư tưởng. Thái độ này sẽ soi dẫn cả cuộc đời cho người được mạc khải.

Nếu chuyện Ông nhà giàu và La-da-rô hoàn toàn là một chuyện hư cấu thì dụ ngôn Người cha nhân hậu (Lc 15, 1-3; 11-32) là chuyện của ngày xưa nhưng lại đang diễn ra trước mắt con người hôm nay: con cái đòi cha mẹ chia gia tài, anh em phân bì, ganh tị với nhau.

Kể dụ ngôn, Đức Giêsu hướng đến lả những người thuộc phái Pha-ri-sêu và các kinh sư. và có cả những người thu thuế, những người tội lỗi cùng nghe. Sự đa dạng đối tượng nghe làm cho câu truyện trở nên đa nghĩa. Nói bằng ngôn ngữ hôm nay, ở tư cách người diễn ngôn, Đức Giêsu là Con nói về Cha trên trời. Nhưng người Do Thái lúc đó chưa nhận ra điều này. Dù vậy, những người thu thuế và người tội lỗi sẽ cảm nhận được lòng bao dung của Chúa. Còn người Pha-ri-sêu và các Kinh sư cũng sẽ tự hổ thẹn về sự ganh tỵ hẹp hòi của họ cũng như không thể bắt bẻ gì được việc Đức Giêsu đón tiếp và ăn uống với những người tội lỗi.

Đặc sắc của truyện là việc kiến tạo những tình huống, gây được những hiệu ứng cảm xúc và tư tưởng rất khác nhau. Người đọc có khi chê trách đứa con hư và không đồng tình với việc người cha chia gia tài cho nó, càng không đồng tình với cách người cha đón tiếp đứa con hoang trở về trọng hậu như thế. Chúng ta bị lôi kéo về phía người con cả. Nhưng khi nghe người cha nói với con cả, ta bị thuyết phục về tình của người cha với cả hai. Câu văn cuối cùng buộc người đọc phải hiểu đây là truyện tư tưởng: “chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã chết, mà nay lại sống, đã mất, mà nay lại tìm thấy“.  Không phải vô tình mà trong các cuộc tĩnh tâm, người ta hay dựng dụ ngôn này thành một vở kịch với những cảnh, những tình huống rất xúc động. Từ lời thơ của Xuân Ly Băng, nhạc sư Kim Long đã dựng dụ ngôn này thành trường ca Ngày về rất hay. Nói vậy để thấy dụ ngôn này có sức khơi gợi những cảm xúc thẩm mỹ rất mạnh mẽ. Đó chính là phẩm chất của tác phẩm văn chương.

Xét ở góc độ xây dựng tình huống như là một yệu cầu của nghệ thuật kể chuyện, trong truyện này, chính tình huống làm lộ ra chủ đề và tư tưởng. Những nhà văn Việt Nam đương đại nhiều người cũng xây dựng được những tình huống truyện đặc sắc. Xin đọc Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, Vợ nhặt của Kim Lân và Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Người viết văn trẻ Công giáo có thể học được nhiều điều về tư tưởng và nghệ thuật từ dụ ngôn này.

Dụ ngôn Người Samari nhân hậu hướng về một đối tượng khác: Luca (10, 25-37) thuât lại rằng: “có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào? ” Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.” Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giêsu rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” Đức Giêsu đáp: “Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêri-hô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.” Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp? ” Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

Đoạn trình thuật của Luca có 2 câu chuyện. Câu chuyện đối thoại của Chúa với người thông luật và dụ ngôn Người Samari nhân hậu do Chúa kể. Đối tượng của dụ ngôn là một người thông luật. Mục đích của ông ta là muốn thử thách Chúa. Còn Đức Giêsu, Người kể chuyện là để hướng ông ta vào việc sống luật yệu thương trong đời sống hàng ngày, không phải chỉ hiều luật theo lý thuyết. Dù là một dụ ngôn nhưng câu chuyện đặt ra trước mắt chúng ta một tình huống khá gần gũi với ngày hôm nay. Một người bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. (giống như một người bị cướp đánh nằm bên đường, hoặc bị tai nạn nằm bên đường và rất nhiều người vô cảm đi qua).Từ đó Đức Giêsu mở ra một tình huống tư tưởng và bảo người thông luật “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.” Rõ ràng từ nhận thức tới hành động phải qua trái tim. Những trái tim chai đá, vô cảm sẽ rất khó thực hiện Lời Chúa: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.” Chúa kể dụ ngôn là để hướng tới hành động, để thúc đẩy con người sống đức tin. Hai câu chuyện quyện vào nhau và nếu tách riêng dụ ngôn ra, thì dụ ngôn chưa phải là một tác phẩm hoàn chỉnh. Vì thế hai nhân vật có thật ngoài đời (Đức Giêsu và người thông luật) đã trở thành nhân vật của truyện lảm hoàn chỉnh chủ đề dụ ngôn.(Cách viết này ta gặp trong văn chương đương đại).

  1. CON ĐƯỜNG SÁNG TẠO

            Lướt qua vài dụ ngôn Chúa kể trong Kinh thánh, chúng ta nhận thấy Kinh thánh đi trước văn chương nhân loại rất xa và người viết văn trẻ Công giáo có thể học nhiều điều từ Thầy Giêsu. Học sứ mệnh văn chương loan báo Tin Mừng. Học cuộc đời Đức Giêsu, gần gũi với mọi hạng người, thấu hiểm cảm thông, chia sẻ.  Yêu thương con người luôn là một giá trị vĩnh cửu của văn chương. Học tư tưởng của Kinh thánh để tự hình thành quan niệm sáng tác, dẫn lối cho con đường sáng tạo.

Mỗi người viết văn phải tự khám phá con đường sáng tạo của riêng mình. Không sáng tạo, không độc đáo, thì không thể thành nhà văn. Nhà văn phải có giọng riêng, có “thế giới nghệ thuật” riêng, tức là có tư duy nghệ thuật, có cách tạo dựng tác phẩm, có không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật, thế giới nhân vật riêng,… và trên nền của cá tính sáng tạo, nhà văn phải có tư tưởng riêng.

Tư tưởng của nhà văn Công giáo là tư tưởng Nhân văn Công giáo, mà cốt lõi là cái nhìn về Con người, là khám phá những vẻ đẹp Người. Con người trong cái nhìn Kinh thánh là hình ảnh của Thiên Chúa. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (Sáng thế ký 1. 27). Và vì thế, dù họ ở địa vị nào, trong hoàn cảnh nào, họ cùng một bản thể trong ơn Cứu độ của Thiên Chúa. Đức Giê su nói: “Thầy là cây nho, anh em là cành” (Ga 15. 5); Thầy gọi anh em là bạn hữu,”(Ga 15, 15). Cái nhìn Nhân văn này đã nâng Con người lên địa vị cao nhất mà những tư tưởng Nhân văn khác không đạt tới. Đức Giêsu đã sống trọn kiếp người, trải nghiệm hiện sinh từng giây phút trong vườn Cây dầu, đã chịu đau thương, khổ nhục đến cùng cực trên đường lên Núi Sọ và yêu thương đến hơi thở cuối cùng trên Thập giá. Để từ đây, con người được sống trong Ánh sáng. Nhìn con người trong hình ảnh Thiên Chúa mà hiện thân là Đức Giêsu, nhà văn Công giáo sẽ có cơ hội khám phá sáng tạo những tác phẩm lớn.

  1. Tagore đã thốt lên những lời này trong Lời Dâng (Gitanjali):

   “Tôi sẽ luôn luôn đuổi xua khỏi tâm hồn mọi ác ý sâu xa và vun trồng cho tình yêu trong mình bừng nở, vì hiểu người đã ngự trị từ lâu trong sâu thẳm tim tôi.

Và tôi, tôi sẽ đem hết sức mình phát hiện người trong mọi việc làm, vì hiểu chính sức mạnh của người đã cho tôi khả năng hành động “(đọan 4-Đỗ Khánh Hoan dịch)[2]

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) đã viết

những câu thơ đặc sắc nhất của ông:

     “Hỡi Chúa Trời, con quỳ dưới chân người, con gánh trên lưng con bóng tối khổng lồ 
             Đôi môi con run rẩy chạm vào những ngón chân Người giá lạnh nhưng những giọt máu chảy từ bàn tay bị đóng đinh của Người từng giọt, từng giọt rơi xuống ngực con rực sáng và nóng ấm vô tận
             Cây thập giá nơi Người bị đóng đinh trong đêm sừng sững dựng lên cái Cây Ánh Sáng vĩ đại nhất trên thế gian này…”

                                          (Cây Ánh Sáng-đoạn 2)

Phía trước là Ánh sáng đang vẫy gọi các nhà văn Công giáo trẻ. Hãy lên đường cùng Thầy Giêsu.

Tháng 8. 2018

 

_____________________

[1] Lenferc’est les autres est une citation extraite de la pièce de théâtre Huis clos de Jean-Paul Sartre,

https://fr.wikipedia.org/wiki/L%27enfer,_c%27est_les_autres

[2] I shall ever try to drive all evils away from my heart and keep my love in flower, knowing that thou hast thy seat

in the inmost shrine of my heart.

And it shall be my endeavour to reveal thee in my actions, knowing it is thy power gives me strength to act.

 

Loading

Đánh giá bài viết
call Hotline 1 0798287075 call Hotline 2 0798 287 075 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok