CUỘC SỐNG-VĂN CHƯƠNG và LÝ LUẬN PHÊ BÌNH VĂN HỌC

CUỘC SỐNG – VĂN CHƯƠNG VÀ LÝ LUẬN PHÊ BÌNH

Bùi Công Thuấn

___________________________________________________________________

tn (3)

Giải thưởng Trịnh Hoài đức (Đồng Nai) lần thứ III

Nhân Đại hội VHNT Đồng Nai lần thứ V, tôi thử nhìn lại chặng đường 5 năm vừa qua (2007-2012) văn chương Đồng Nai đã có những bước đi như thế nào. Và từ đó ngẫm nghĩ đôi điều về tương lai. Hội VHNT Đồng Nai họat động bằng kinh phí của Nhà Nước, và thực hiện nhiệm vụ chính trị được UBND Tỉnh Đồng Nai trao phó, vì thế cần xem xét  sự phát triển của văn chương trong tương quan với sự phát triển xã hội. Đồng thời cũng cần quan sát sự vận động nội tại của văn chương. Nó đang tiến về phía trước, hay dậm chân tại chỗ?

 

2007-2012 là 5 năm với những sự kiện lớn. Đồng Nai kỷ niệm Biên Hòa 310 năm (1698-2008), kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (1010-2010), cũng là giai đoạn Đồng Nai có những bước phát triển mới…. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng theo định hướng, tạo tiền đề để tỉnh phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. UBND Tỉnh Đồng Nai đề raKế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 : Phấn đấu đến năm 2015 trở thành tỉnh cơ bản công nghiệp hóa- hiện đại hóa. (Báo cáo số : Số: 10459 /BC-UBND ,ngày 16  tháng  12  năm 2010 của UBND tỉnh ĐN)

 

1.VĂN HỌC ĐỒNG NAI ĐÃ TRỞ THÀNH MỘT NỀN VĂN HỌC CÔNG NGHIỆP HÓA CHƯA?

 

Câu trả lời là chưa, nhưng 5 năm qua, văn học Đồng Nai đã có nhiều thành tựu cả về mặt phong trào và nỗ lực cá nhân.

 

Ban Văn Học đã tổ chức nhiều trại sáng tác cho các Hội viên. Nhiều đề tài đã được triển khai ở các địa bàn khác nhau hướng đến nhiều lĩnh vực đời sống, qua đó hội viên có cơ hội thâm nhập sâu vào hiện thực đang diễn ra xung quanh mình. Đó là, trại về đề tài công nghiệp, đề tài tam nông, đề tài chất độc da cam và nỗi đau còn lại sau cuộc chiến, đề tài Nhà Giáo-nhà trường, đề tài học tập gương đạo đức của chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội cũng đặt hàng viết về lịch sử 310 năm Biên Hòa Đồng Nai (Trên Dòng Sông Phố-tiểu thuyết của Trần Thúc Hà)

 

Về phía cá nhân nhà văn, tôi nhận thấy nhiều nhà văn  có nỗ lực sáng tạo rất đáng kính nể. Nhiều nhà văn đã tham gia tích cực các trại sáng tác, các sinh hoạt của Hội, nhờ thế có những đóng góp cho thành tựu chung của VN ĐN.

 

Nhà văn Trần Thúc Hà, tuy năm nay đã 75 tuổi, trong 5 năm  ông đã viết : Chuyện nhà tôi, tập truyện ngắn (2007); Người đàn bà, tập truyện ngắn (2008); Trên dòng sông Phố, truyện dài (2008); Nỗi đau này cho đến bao giờ, bút ký; Thế à, truyện ngắn; Người trầm lặng (2011); Người đi mở cõi ; Giã từ cù lao Phố ;  Đồng nâu,truyện(2012) …

 

Nhà văn Nguyễn Quốc Hoàn, nay đã 67 tuổi , tham gia nhiều trại sáng tác, đã viết : (2007)

;Ước mơ của chú bé tật nguyền; Tàn mà không phế; Những năm tháng hào hùng,truyện ký (2010); Xuân Định, sự giao hòa ý Đảng- lòng dân; Lấy máu mình vẽ chân dung Bác Hồ, bút ký (2012). Ngôi chợ quê độc đáo,bút Ký. Một hình ảnh giàu lòng yêu nước, bút ký (305 tr A4-2012)

 

Nhà văn Khôi Vũ, năm nay đã 62. Anh cho in liên tiếp các truyện dài và nhiều truyện ngắn: Phía sau một khách sạn (2007); Tóc trắng, truyện dài (2007); Vỡ dần trong mắt, tiểu thuyết (2009); Chuyện kể của chú bé phiêu lưu; Phù Phiếm Bên Biển – Tập truyện ngắn (2010)…

 

Nhà văn Tấn Hoài (Trần Quốc Tiến ) in Muối đỏ, truyện vừa (2007); Viên gạch lạ, tập truyện (2008); Viên kim cương biển,truyện;  Hoa Quý Lan, tiểu thuyết (2012); Trường Bà Huồn, (Truyện ngắn). Cũ, mới xuân lộc (2012).

 

Nhà văn Hoàng Ngọc Điệp, người rất xông xáo trong phong trào sáng tác, cũng là người nhận được nhiều giải thưởng . Hoàng Ngọc Điệp thành công ở thể loại bút ký: Chú cún đeo lục lạc, tập truyện thiếu nhi (2007); Món quà giáng sinh, tập truyện thiếu nhi (2010); ”DỜI ĐÔ” và tấm tình nghệ sĩ với 1000 năm Thăng Long- Hà Nội; Lời tự tình của đất; Ngôi Nhà Gốm. Truyện ngắn; Hương Bưởi, Nắng Sớm, Vợ Chồng Kalíu,… truyện . Dạo chơi trong vườn,bút ký (2012). Chuyện một người Công giáo, bút ký (2012)…,

 

Nhà văn Đặng Minh Hân (79 tuổi), ngòi bút còn rất khỏe, đã in Văn thơ Đồng Nai, đôi điều cảm nhận,tiểu luận (2007); Chất anh hùng của người Đồng Nai, ký (2007); Chất độc da cam nỗi đau còn lại sau cuộc chiến tranh-phóng sự ảnh; Tiến độ xây dựng nông thôn mới ở huyện Xuân Lộc – Đồng Nai (2012); Đôi điều suy nghĩ về cuốn’ Học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh’, bút ký (2012)

 

Nhà nghiên cứu văn học Bùi Quang Huy đã in. Huỳnh Văn Nghệ như là giấc mơ. Giải khuyến khích của UBTQ Liên hiệp  các Hội VHNT 2010; Văn học Đồng Nai Lịch sử &diện mạo, nghiên cứu (2011).

 

Nhà văn Nguyễn Một, sau Dòng sông độ lượng, ký (2007); là tiểu thuyết Đất trời vần vũ (2009) đạt giải C, cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà Văn (2009-2010); Ngược mặt trời, tiểu thuyết (2012)

 

Các nhà văn nhà thơ khác, có người in 1 cuốn, 2 cuốn, có người không  in riêng thì đăng trên VNĐN và các trang mạng. Phải kể đến Xuân Bảo, Tiêu Thanh Giang, Đào trọng Thử, Đỗ Minh Dương, Đào Sỹ Quang, Lê Đăng Kháng, Dương Đức Khánh, Phạm Thanh Quang, Trần Thu Hằng, Nguyễn Hoài Nhơn, Kiều Văn Phẩm , Đàm Chu Văn, Lê Thanh Xuân, Hoàng Đình Nguyễn, Ngọc Thùy Giang, Trần Ngọc Tuấn, Nguyễn Đức Phước, Nguyễn Thị Khánh, Trương Thanh Phận, Đào Nguyên Thảo…, và gần đây : Trâm Oanh, Dương Thu Hường, Hạnh Vân được dư luận chú ý.

Về đề tài, nhà văn chú ý đến nhiều mặt của đời sống xã hội

Đề tài chiến tranh Cách Mạng Một Hình ảnh Giàu Lòng Yêu nước (Bút ký của Nguyễn Quốc Hoàn),Tấn Hoài có Muối đỏ; Viên gạch lạ, Viên Kim Cương Biển. Hoa Quý lan…

Đề tài người lính, Anh Hoàng có tác phẩm Mặt trận thầm lặng (2007) về lực lượng vũ trang nhân dân, Lê Đăng Kháng có Người lính hát đơn ca, tập truyện ngắn (2007) và Sương sớm, tập truyện ngắn (2011)…

 

Đề tài lịch sử, Trần Thúc Hà có Trên dòng sông PhốNgười đi mở cõi..

 

Đề tài về Bác Hồ, Bác và trăng, tiểu luận của Xuân Bảo. Tình cảm Bác Hồ với Đồng Nai –tấm lòng người Đồng Nai với bác Hồ -Bút ký của Đàm Chu Văn. Lê Thanh Xuân có  Ngõ Công Poăng- Ngôi Nhà Sàn Của Bác- Tân Trào,(2012). Đào Sỹ Quang : Bác Hồ sống mãi trong trái tim tôi,(2012)…

Nguyễn Thái Hải, Hoàng Ngọc Điệp, Trần Thu Hằnglà những tác giả vẫn viết truyện cho thiếu nhi.

 

Đề tài về đời sống công nghiệp, về nông thôn, về nhà giáo, về quê hương Đồng Nai, về đất và người Đồng Nai, về nỗi đau da cam, về những vấn đề “nóng” của đời sống, tình yêu lứa đôi, những nghĩ suy về cuộc sống hôm nay chiếm đa phần trong các sáng tác của nhà thơ nhà văn Đồng Nai. Chẳng hạn: Phù Phiếm Bên Biển (Khôi Vũ), Sự Đời (Đào Sỹ Quang), Đòn Gió (Dương Thu Hường), Với Miền Đất Đỏ, Đợi chờ bình minh em của Đỗ Minh Dương. Đau, Trốn (Đào Trọng Thử), Người đẹp Cù lao (Bùi Kim Chi:), Trọn nghĩa vẹn tình (Hạnh Vân)…

 

Lý luận phê bình Văn thơ Đồng Nai, đôi điều cảm nhận,tiểu luận (2007) của Đặng Minh Hân,Viên phấn và cây viết của Bùi Quang Tú; Văn học Đồng Nai lịch sử và diện mạo, nghiên cứu của Bùi Quang Huy. Chút tình tri âm (2009), Những tìm tòi nghệ thuật của Anh Đức (2009) và Những dòng sông vẫn chảy, LLPB (2011) của Bùi Công Thuấn…

(Tôi xin lỗi vì đã không nêu được đầy đủ tác phẩm của các tác giả Đồng Nai)

trại st Đàlạt 2011

(Trại sáng tác Đà lạt)

2.NHỮNG VẤN ĐỀ THỰC TIỄN VÀ LÝ LUẬN

 

Chúng ta đã có tác phẩm đạt giải trung ương, nhưng chúng ta chưa có tác phẩm tương xứng với tầm vóc Đồng Nai hôm nay. Thời kháng chiến, Hoàng Văn Bổn đã có những bộ sử thi về Đồng Nai, (Trên Mảnh Đất Này, Miền Đất Ven Sông). Hôm nay ta có Trên Dòng Sông Phố, tiểu thuyết lịch sử của Trần Thúc Hà, nhưng Trên Dòng Sông Phố, chưa thể so sánh về tầm vóc đồ sộ và chất sử thi như tiểu thuyết sử thi của Hoàng Văn Bổn. Bao giờ VNĐN mới có những tác phẩm ngang tầm với nền văn học của các nước công nghiệp hóa khi Đồng Nai trở thành tỉnh công nghiệp?

 

Số người viết về đề tài về chiến tranh Cách Mạng còn rất ít, Tấn Hoài thành công ở Viên Gạch Lạ (chuyện ở miền trung) và Nguyễn Quốc Hoàn có tập bút ký Một Hình Ảnh Giàu Lòng Yêu Nước, viết về những người con anh hùng của Đồng Nai trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ

 

Những công trình nghiên cứu lịch sử văn học Đồng Nai mới chỉ manh nha ở cuốn “Văn học Đồng Nai Lịch sử &diện mạo” của Bùi Quang Huy (2011). Dù rất trân trọng công sức và tâm huyết của tác giả với văn học Đồng Nai, song tôi nghĩ, cuốn sách này cần phải được gia công nhiều hơn nữa mới đạt đến tầm vóc và giá trị mà tác giả mong muốn. Chẳng hạn, việc đưa Nguyễn Đình Chiều vào văn chương Đồng Nai (1861-1930) cần phải được xem lại, bởi Nguyễn Đình Chiểu đã về Bến Tre sống trong chùa Tôn Thạnh (Cần Giuộc-Long An) từ 1859, cũng tại đây ông viết Văn tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc 1861; về phương diện khác, tính lịch sử của sự phát triển văn học ở Đồng Nai cần được làm rõ. Điều còn thiếu của cuốn sách là văn học đương đại Đồng Nai chưa được nghiên cứu toàn diện. Cách viết lịch sử văn học còn chịu ảnh hưởng của cách viết trong nhà trường. Tác giả chưa thực sự có những kiến giải của riêng mình. Có khi có những đánh giá võ đoán, thiếu tính khoa học.. Chẳng hạn kết luận về nhà văn Lý Văn Sâm :” Ông sống gần trọn thế kỷ XX.. Trong 80 năm ấy, LVS như một người từ cõi nào đó, đến rồi đi. Ngay những lúc bình yên nhất, nhà văn vẫn tìm cách bứt ra khỏi sự phẳng lặng. Và, đến lúc không làm người giang hồ được nữa, ông ngồi nhớ da diết tháng ngày…Văn chương, đối với nhà văn, là một thứ cần phải viết,…” (tr. 539). Lý Văn Sâm là nhà văn Cách Mạng, đã từng bị địch bắt tù vì những trang văn của mình, là người cầm bút có lý tưởng, là nhà văn khai thác được đậm chất Đồng Nai, vậy mà tác giả lại coi là “ một người từ cõi nào đó, đến rồi đi”, sống” làm người giang hồ “, thì tôi e rằng, những đánh giá như thế sẽ gây họa cho những người đi sau (?)

 

Tôi nghĩ rằng Hội cần đầu tư chuyên sâu cho những mảng đề tài này với những kế hoạch và sự hỗ trợ thích đáng, may ra chúng ta mới có được tác phẩm tương xứng với tầm vóc Đồng Nai hôm nay

VNĐN nhatrang Namcat tien 2 2011

(Trại sáng tác Nha Trang)

Chúng ta đã tổ chức nhiều trại sáng tác, đã tài trợ sáng tác nhiều tác phẩm, song kết quả không cao. Có tác giả sau một đợt dự trại, gửi về bản thảo chỉ 2 trang A4, nội dung như một bản tin. Nói cho thật đúng, cách tổ chức tham quan thực tế vài ngày rồi viết, thì dù nhà văn có tài, cũng chỉ có thể viết theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, cà kê về chuyến đi, gặp người này người kia, rồi thêm vào vài lời bình ngoại đề, thế là có tác phẩm. Có người chỉ gọi điện thoại nói chuyện với nhân vật rồi viết bài. Dù tác giả có tâm huyết và tài năng, thì những tác phẩm như vậy chỉ có thể cung cấp thông tin gián tiếp không có sự khám phá cái đẹp từ bên trong đối tượng.

 

Tôi muốn nói đến chất lượng tác phẩm. Người ta nói nhiều đến các yếu tố tạo nên tác phẩm như vốn sống, tư tưởng và chủ đề, năng lực tổ chức tác phẩm, tâm huyết với đề tài và cái tạng riêng , cái tư chất riêng của ngói bút. Xét đến cùng là tài năng, cái chuẩn mực mà Nam Cao phân biệt người thợ khéo taynhà văn, nhà thơ. Xin thí dụ. Cùng viết tùy bút về dòng sông, mặc dù Hoàng Phủ Ngọc Tường đi sau Nguyễn Tuân, nhưng tùy bút “Ai đã đặt tên cho dòng sông” vẫn mang đặc sắc tư tưởng nghệ thuật riêng của HPNT, khác với Sông Đà của Nguyễn Tuân. Để viết được một bài bút ký về sông Đồng Nai như Nguyễn Tuân và HPNT, tôi nghĩ nhà văn phải đổ ra không ít công sức và tâm huyết. Cũng vậy Nguyễn Tuân là bậc thầy về Tùy bút, Bút ký, nhưng Anh Đức, dù đi sau, bằng tập bút ký Bức Thư Cà Mau, vẫn tự tạo cho mình một vị trí riêng. Chúng ta học được gì từ Hoàng Văn Bổn, Lý Văn Sâm hay những nhà văn khác như Tô Hoài, Nguyễn Xuân Khánh? Những nhà văn đi trước ấy để lại cho ta những kinh nghiệm gì để làm nên tác phẩm giá trị?

 

Câu trả lời là phải sáng tạo.Tức là làm ra cái mới, đặc biệt là sự đổi mới về tư duy nghệ thuật và thi pháp.

Nhiều bài bút ký hôm nay vẫn giữ nguyên cách viết bút ký thời kháng chiến chống Mỹ cách nay đã 40 năm. Tất nhiên là nó không còn hợp với khẩu vị độc giả thế kỷ 21 toàn cầu hóa. Nhiều bài thơ hôm nay vẫn viết trong kiểu thi pháp thơ Đường luật thời Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, vẫn những kiểu thơ 7 chữ, 8 chữ vần điệu du dương với những tứ thơ lãng mạn như Thơ Mới; vẫn tổ quốc ơi, dòng sông ơi, con đò ơi, cánh cò ơi… kể người kể việc, như thơ kháng chiến, không vượt qua được Quang Dũng, Hoàng Cầm, Tố Hữu, Bằng Việt, Xuân Quỳnh…Thành ra thơ rất cũ. Đọc thơ mà thấy ngán ngẩm. Thơ không gây được ấn tượng với bạn đọc.(Xin mở ngoặc, tôi không có ý nói thơ cũ là không hay. Thực tế là, Tây Tiến của Quang Dũng, mặc dù đến nay đã 62 năm, đọc lại vẫn còn rất mới, trong khi Đèo Cả của Hữu Loan ra đời trước, lại không ấn tượng bằng)

 

Trong mấy chục năm qua, nhiều thế hệ nhà thơ VN đã nỗ lực cách tân, song cho đến giờ, chưa nhà thơ nào thành công trên con đường đổi mới thơ của mình, bởi chủ yếu họ cách tân về hình thức, mà thiếu hẳn một kiểu tư duy thẩm mỹ mới. (Lê Đạt có “bóng chữ”. Trần Dần sử dụng chữ rỗng, Khế Yêm làm thơ Tân Hình Thức, Hoàng Cầm, Thanh Thảo, Nguyễn Quang Thiều đi vào Siêu Thực, các nhà thơ trẻ thì thử nghiệm Hậu Hiện Đại…).

 

Ở Đồng Nai tôi cũng đã được đọc nhiều bài thơ hay trong các tập thơ của Xuân Bảo, Đỗ Minh Dương, Lê Thanh Xuân, Đàm Chu Văn, Trần Ngọc Tuấn…, đã được đọc nhiều truyện hay trong Viên gạch Lạ của Tấn Hoài, trong Phù Phiếm Bên Biển của Khôi Vũ, Nông Nổi Cù Lao của Dương Đức Khánh, Lời Tự Tình của Đất của Hoàng Ngọc Điệp, Một Hình ảnh Giàu Lòng Yêu Nước của Nguyễn Quốc Hoàn, Sự Đời của Đào Sỹ Quang, Sương Sớm của Lê Đăng Kháng…Nhưng tôi vẫn mong nhà thơ nhà văn đổi mới hơn nữa thi pháp và khám phá sâu sắc hơn nữa hiện thực mình khai phá.

 

Đã có những dấu hiện của sự đổi mới trong thơ Lê Thanh Xuân, Nguyễn Đức Phước, Trần Ngọc Tuấn, nhưng các tác giả đã không đi đến tận cùng con đường tìm tòi nghệ thuật của mình. Về Văn, Khôi Vũ, Nguyễn Một, Hoàng Ngọc Điệp có khá nhiều trăn trở trong việc tìm tòi những cách thể hiện mới, và ít nhiều đã gặt hái được thành công.

 

Tôi nghĩ, dù là nhà thơ hay nhà văn, thì cái khó nhất của người cầm bút là làm ra cái mới, sự nhọc nhằn khôn nguôicủa người sáng tạolà nỗ lực vượt qua cái bóng của chính mình. Điều này chỉ những nhà văn nhà thơ đánh vật với con chữ, đau đáu tìm tòi trong đơn độc mới tìm thấy chìa khóa.

DH ngoài hành lang 2

(Các nhà văn lão thành )

MỘT LỜI CHÚC TỐT ĐẸP

đến năm 2015 Đồng Nai trở thành tỉnh cơ bản công nghiệp hóa- hiện đại hóa, không biết đến đó (chỉ 3 năm nữa) văn chương Đồng Nai có trở thành một nền nghệ thuật như văn chương các nước công nghiệp hay không (!), tôi không kỳ vọng một cách máy móc về điều ấy. Nhưng thành tự của văn chương nghệ thuật đồng Nai trong 5 năm tới hoàn toàn trông nhờ vào nỗ lực sáng tạo của các nhà thơ nhà văn. Tôi tin rằng những nhà văn nay đã bảy tám mươi tuổi vẫn còn viết được, bởi viết văn là nghiệp. Và đội ngũ nhà văn trẻ kết thừa sẽ phát huy được tài năng  để khẳng định thế hệ mình.

 

Xin kính chúc nhà thơ, nhà văn Đồng Nai dồi dào sức lực và ý tưởng sáng tạo trên một chặng đường mới .

 

Tháng 11.2012

_______________________________________________________

(1)   Bài này không phải là bài tổng kết 5 năm văn học Đồng Nai. Qua một vài thành tựu của VH ĐN, tác giả suy nghĩ đôi điều.

(2)   Xin đọc thêm các bài khác BCT đã viết về văn chương Đồng Nai (Về Hoàng Văn Bổn, Lý Văn Sâm, Nguyễn Đức Thọ, Khôi Vũ,Xuân Bảo, Đào Trọng Thử, Hải Ba, Đàm Chu Văn, Lê Thanh Xuân, Trần Ngọc Tuấn, Nguyễn Đức Phước, Nguyễn Một…

 

Loading

Đánh giá bài viết
call Hotline 1 0798287075 call Hotline 2 0798 287 075 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok