ĐẠI HỘI-HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM LẦN THỨ IX
Bùi Công Thuấn
BCH HNV VN- nhiệm kỳ 2015-2020
Tôi vừa được kết nạp Hội Nhà Văn Việt Nam (HNV) tháng 2.2015 thì liền sau đó được Đại hội HNV khu vực Đông Nam bộ & đồng bằng sông Cửu Long cử đi dự đại hội toàn quốc HNV tại Hà Nội. Đó là một niềm vui đối với một “hội viên trẻ” như tôi (mới kết nạp Hội được 5 tháng) bởi đại hội lần này chỉ có 50% hội viên được cử tham dự. Đoàn nhà văn Đồng Nai có 8 người : Khôi Vũ, Phạm Thanh Quang, Trần Ngọc Tuấn,Trần Thu Hằng, Bùi Quang Tú, Lê Đăng Kháng, Đàm Chu Văn và BCT.
1.Một đại hội thành công tốt đẹp
Người ta thường để chữ “thành công tốt đẹp” trong ngoặc kép, ngầm hiểu rằng đại hội nào mà chẳng thành công tốt đẹp! Nhưng ở Đại hội HNV lần IX, sự thành công là ở ý nghĩa chính trị của đại hội. Đại hội đã chọn được 6 nhà văn vào BCH từ 38 ứng viên. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, nhà văn Khuất quang Thụy, Nguyễn Trí Huân và Nguyễn Bình Phương. Đó là những khuôn mặt văn chương đại diện được cho 1014 hội viên, và đem đến nhiều hy vọng cho HNV nhiệm kỳ 2015-2020.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch HNV khóa VIII báo cáo trước đại hội những nét cơ bản của nhiệm kỳ 2010-2015: HNV đã kết nạp thêm 175 hội viên, nâng tổng số hội viên của Hội đến nay là 1014 nhà văn. Toàn Hội đã sáng tác được 1216 tác phẩm đủ các thể loại. Tổ chức 19 trại sáng tác, dành 24 tỷ đồng cho hoạt động và phát triển nghề nghiệp. Hoạt động đối ngoại của Hội có nhiều khởi sắc: Đã tổ chức thành công Hội nghị quảng bá văn học Việt nam ra nước ngoài và liên hoan châu A-Thái Bình dương lần thứ II với sự tham gia của 151 nhà văn đến từ 43 quốc gia. Đã ký kết hợp đồng quan hệ đối ngoại với 11 Hội nhà văn các nước…đã có 41 tác phẩm giới thiệu ra nước ngoài. Đã đón 37 đoàn nhà văn nước ngoài đến thăm Việt Nam…
Ông nhấn mạnh một vài điểm quan trọng
Một là, HNV kiên định lý tưởng vì tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, đồng hành cùng dân tộc, cống hiến cho lợi ích tối cao của dân tộc.
Hai là, nhà văn VN đã tiếp cận sâu rộng với hiện thực mới, biểu dương, cổ vũ những giá trị mới, dũng cảm phê phán những mặt trái xã hội…
Ba là, nhiều tác phẩm trở về với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc với nhiều tư liệu mới, trở về với những giá trị tinh hoa bền vững, làm giàu thêm niềm tự hào dân tộc
Bốn là, các nhà văn mạnh dạn tiếp thu cái mới, đổi mới cách viết, kết hợp nhiều yếu tố hiện thực và siêu thực, ý thức và siêu ý thức, minh triết và tâm linh, tăng thêm chiều sâu của sự phản ánh ghi đậm dấu ấn hôm nay.
Năm là, bổ sung lớp nhà văn trẻ và hình thành bạn đọc trẻ.
Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển văn học 2015-2020, chủ tịch HNV nhấn mạnh nhiệm vụ đẩy mạnh sáng tác, để văn học thực sự là văn học. Xây dựng Hội thành một tổ chức chính trị -xã hội-nghề nghiệp vững mạnh, đồng hành cùng dân tộc, vì lợi ích tối cao của dân tộc, đoàn kết thân ái, giàu nghĩa tình đồng nghiệp. Bồi dưỡng kết nạp tài năng trẻ, “tất cả vì hội viên, tất cả hướng tới hội viên”, tiếp tục mở rộng giao lưu hội nhập khu vực và quốc tế. Ông cũng trình bày những mục tiêu và các giải pháp cụ thể từ đó có những kiến nghị với Nhà nước, Chính phủ và Quốc Hội. Đại hội nhiều lần vỗ tay tán đồng ý kiến của nhà thơ Hữu Thỉnh, nhất là khi ông nhấn mạnh mục tiêu nhiệm kỳ 2015-2015 “tất cả vì hội viên, tất cả hướng tới hội viên, bảo vệ nhân phẩm danh dự hội viên”
Nhà thơ Đàm Chu Văn (Đồng Nai) trưởng Ban thư ký đã trình bày nghị quyết đại hội và được tuyệt đại đa số các đại biểu thông qua. Nghị quyết nhất trí với báo cáo của BCH khóa VIII, nhất trí thông qua sửa đổi điều lệ HNV (trong đó có điều 12 bổ sung: nhà văn hội viên HNV VN không được tham gia các tổ chức bất hợp pháp), nhất trí thông qua kết quả bầu BCH (06 nhà văn) và Ban kiểm tra (06) nhà văn.
Trong lễ tổng kết đại hội, có nhiều vị khách quý đã đến dự và chúc mừng: Đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên tổng bí thư, đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch Nước. Đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, nguyên trưởng ban Tuyên giáo trung ương. Ông Đinh Thế Huynh, trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Ông Nguyễn Hồng Vinh, chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương và nhiều vị ở các bộ ngành Văn hóa thể thao, Ban Dân vận trung ương, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục chính trị, các giáo sư, nghệ sĩ các Hội VHNT…Đã có nhiều lẵng hoa và điện mừng từ khắp nơi gửi đến đại hội. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã đọc điện mừng của HNV Nga, HNV Trung Quốc, HNV Ba Lan..
2.Một đại hội nhiều niềm vui và có cả nỗi buồn.
Niềm vui lớn là các nhà văn trong cả nước có dịp gặp nhau, tay bắt mặt mừng, truyện trò không dứt. Các nhà văn nữ được dịp mặc những bộ cánh thời trang trên đất Thăng Long nghìn năm văn hiến.
Ông Đinh Thế Huynh, Trưởng Ban Tuyên Giáo TW và nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch HNV khóa VIII là những người có trách nhiệm trực tiếp với Đại hội đã bày tỏ niềm vui hân hoan trong các diễn văn trước đại hội về việc tổ chức đại hội thật tốt đẹp, về việc đại hội bầu được một BCH đủ độ tin cậy và những thành tựu văn học HNV đã làm được trong khóa VIII. Những ngày trước và trong đại hội đã có những lo ngại về ảnh hưởng của một số nhà văn ra khỏi HNV có thể làm xao động tinh thần đồng nghiệp, lo ngại Đại hội sẽ lại diễn ra “bát nháo” như đại hội VIII, lo ngại về sự “mất giá” của HNV. Vì thế đã có ý kiến trong đại hội rằng, cần phải phục hồi sự “sang trọng” của HNV. Điều này đã thực hiện được trong việc tổ chức đại hội rất trang trọng, dân chủ và đổi mới.
Trong đại hội, mọi đại biểu đều được quyền phát biểu ý kiến của mình. Và mọi ý kiến đều được tôn trong. Chủ tọa đoàn hỏi xin ý kiến đại biểu cho đến khi không còn ai phát biểu nữa mới thôi. Nhà văn Nguyễn Thái Sơn lên gần bàn chủ tọa, nói rất to và rất nhiệt tình :” đề nghị anh Hữu Thỉnh rút, đề nghị anh rút”. Cả hội trường lặng đi nhưng không ai tán thành ý kiến này. Điều lệ của HNV cũng không hạn chế số nhiệm kỳ của chủ tịch Hội. Nhà văn Nguyễn Thúy Quỳnh đặt ra về nội dung bổ sung của điều 12. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ đề nghị bỏ điều kiện 2 nhà văn giới thiệu trong việc kết nạp hội viên. GS Mai Quốc Liên đề nghị đề cử 100% thành viên mới của BCH, có lẽ ông muốn thay tất cả 15 vị trong BCH khóa VIII. GS Trần Đình sử đề nghị Đại hội bầu trực tiếp Ban Kiểm tra, không để BCH cử ra ban kiểm tra như trong khóa VIII, vì như thế Ban kiểm tra chỉ là công cụ của BCH. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiến kể lại trường hợp mình bị “tai nạn nghề nghiệp” phải đi tù, nhưng vẫn được Hội quan tâm. Ông quyết liệt đề nghị Hội phải bảo vệ danh dự nhân phẩm hội viên. Ông đòi BCH khóa mới cần có công văn đề nghị đình chỉ điều tra với nhà văn Nguyễn Quang Lập, không nên dồn nhà văn về phía đối lập. Ý kiến của ông được đại hội vỗ tay nhiệt liệt. GS Trần Đình Sử và nhà văn Lê Hoài Nam cũng phát biểu HNV cần phải bảo vệ danh dự nhân phẩm nhà văn. Nhà văn Trịnh Công Lộc đề nghị nên có kết nạp đặc cách một tác giả khi họ có tác phẩm có giá trị đặc sắc. Nhà văn Nguyễn Khắc Phế nói về vấn đề biển Đông, chúng ta lên tiếng quá ít. Cần có tầm nhìn quốc tế. Nhà văn Nguyễn Hiếu nhận xét, báo cáo tổng văn học 2010-2015 thiếu phần văn chương hài. Nhà văn Lê Hoài Nam đặt vấn đề về giải thưởng của HNV luôn có điều tiếng, thí dụ cuốn Hội Thề của Nguyễn Quang Thân. Dư luận lên tiếng ồn ào nhưng Hội lại im lặng. Hội không có lời hồi âm nào cho thỏa đáng. Đó là một thái độ ứng xử không minh bạch…
Tất cả các ý kiến của đại biểu đều được chủ tọa đoàn trả lời thỏa đáng. Những vấn đề thuộc về Điều lệ Hội đều được đại hội biểu quyết công khai, dân chủ với đa số tuyệt đối chấp thuận hay phản đối. Thí dụ, đại hội biểu quyết tuyệt đại đa số đồng ý bổ sung điều 12 :”Hội viên HNV không được tham gia các tổ chức bất hợp pháp”, Đại hội nhất trí 100% ý kiến của GS Trần Đình Sử về việc Ban kiểm tra phải được đại hội bầu trực tiếp, thay cho điều lệ BCH chỉ định Ban kiểm tra. Đại hội cũng phủ quyết ý kiến của nhà văn Tô Nhuận Vỹ đề nghị bỏ điều kiện phải có 02 hội viên giới thiệu vào Hội…
Điều làm cho các đại biểu băn khoan là Văn học Việt Nam chưa có tác phẩm lớn. Số hội viên HNV trên 60 tuổi chiếm đa số. Trong BCH mới, người trẻ nhất là nhà văn Nguyễn Bình Phương cũng đã 50. Trong cơ cấu BCH, thành Phố HCM dù đề cử 06 người và ra sức “vận động hành lang”, vẫn không ai đủ số phiếu quá bán của đại hội, kể cả nhà văn Trần Văn Tuấn, chủ tịch HNV thành phố HCM. Các nhà văn đại diện các vùng miền trong BCH khóa VIII cũng không đủ số phiếu quá bán. Thật tiếc cho nhà văn Trần Đức Tiến (Đông Nam Bộ), Vũ Hồng (Đồng bằng sông Cửu Long), Văn Công Hùng (Tây Nguyên), Nguyễn Thị Thu Huệ (nhà văn xinh đẹp của BCH), võ Thị Xuân Hà (Ban nhà văn Trẻ)…
- Sự thành công của công tác tổ chức
Các nhà văn tỉnh xa đều được UBND Tỉnh hỗ trợ vé máy bay và xe đưa đón. Có tỉnh còn cho nhà văn tiền tiêu vặt. Ngay khi các đoàn đến sân bay Nội Bài, các nhân viên của HNV đã đón và đưa các đoàn về nhà khách La Thành, 218, phố Đội Cấn, Hà Nội. Điều kiện ăn ở thật tươm tất. Giá phòng ở đây là 850 ngàn đồng1 ngày đối với khách du lịch. Tất cả các bữa cơm đều có bia Hà Nội. Mỗi đạo biểu được tặng một gói quà của Hội, gồm : Tuyển tập Lý luận Phê bình Văn học 1945-2015; Biên niên hoạt động văn học của HNV VN, tập I-1957-1975; báo Văn nghệ số đặc biệt, Danh mục các tác phẩm của hội viên, tài liệu đại hội và một áo thun có logo HNV.
Thẻ đeo của đại biểu có hình chân dung. Khi vào hội trường, nhân viên an ninh kiểm tra thẻ này. Các đoàn ngồi theo vị trí quy định. Ghế ngồi của đại biểu có dán tên của từng người. Mọi sinh hoạt trong đại hội đều được tổ chức theo đơn vị đoàn, trưởng đoàn là người chịu trách nhiệm. Trưởng đoàn miền Đồng Nam bộ là nhà văn Trần Đức Tiến.
Việc bầu cử được tiến hành thật dân chủ, công khai, minh bạch và chặt chẽ. Đại Hội biểu quyết số nhân sự của BCH, biểu quyết số danh sách đề cử, đề xuất danh sách bầu cử, lấy ý kiến trực tiếp đại hội về những đại biểu tự ứng cử và đề cử. Nhà thơ Trần Nhương tự ứng cử. Ông giải thích là để lấy hên. Danh sách đề cử từ 20 người đã tăng lên 38 người. Trong đó có 25 người đạt số phiếu cao nhất ở các đại hội khu vực, cùng với 13 người được đề cử thêm trực tiếp tại đại hội.
Mỗi đại biểu được phát một phiếu có 38 ứng viên, chọn 15 người. Đại biểu đi theo hàng 1 lên bỏ phiếu. Sau khi bỏ phiếu, đại biểu được ban bầu cử đóng dấu lên thẻ đại hội đã bầu cử. (để tránh bầu hai lần). Khi ra khỏi phòng họp, đại biểu được nhân viên an ninh kiểm tra thẻ xem đại biểu đã bỏ phiếu chưa.
Phải công nhân một điều tuyệt vời là, chủ tọa đòan đã trả lời thỏa đáng những vấn do các đại biểu nêu ra, đồng thời đưa ra được các ý kiến và giải pháp phù hợp để giải quyết những vấn đề mới phát sinh, khiến cho công việc của đại hội được tiến hành và đạt kết quả như mục đích đại hội. Ví dụ, khi đại hội biểu quyết phải bầu trực tiếp Ban kiểm tra, thì ngay trong một buổi tối, chủ tọa đoàn phải soạn ra quy chế bầu cử Ban kiểm tra để sáng hôm sau trình đại hội. Chẳng hạn, đại hội đã quyết số nhân sự BCH là 15 người, nhưng kết quả chỉ có 6 người đạt phiếu quá bán, thì đại hội chấp nhận nhân sự BCH là 6 người, không bầu cử thêm vòng 2. Thế nghĩa là 6 người trong BCH mới phải làm việc bằng 15 người (như trong BCH khóa VIII)
Lần đầu tiên dự đại hội HNV VN, tôi thấy ai cũng vui vẻ. Tôi tranh thủ tìm gặp những nhà văn mình ái một từ lâu, nhưng chỉ gặp được vài người như Bảo Ninh, Hoàng Quốc Hải, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Ngọc Tư, và làm quen được nhiều nhà văn khắp mọi miền đất nước. Có lẽ niềm vui của Đại hội chính là ở điều này, vì không biết sau 5 năm, đến đại hội X (2020), không biết mình có còn gặp gỡ bạn văn nữa không, hay có người đã thành thiên cổ. Các nhà văn Đồng Nai quê miền Bắc thì tranh thủ về thăm quê ngay sau khi Đại hội bế mạc, và đó là niềm vui riêng của nhà văn Đồng Nai trong chuyến đi này.
14.07.2015
BCT với nhà văn Bảo Ninh
BCT với nhà văn Hoàng Quốc Hải
BCT với nhà văn Nguyễn Danh Lam
Toàn cảnh đại hội tại Trung tâm hội nghị quốc tế
Đoàn nhà văn Đồng Nai tại sân bay Tân Sơn Nhất
Thẻ đại biểu dự đại hội HNV VN lần thứ IX