ĐẤT TRỜI VẦN VŨ-Nguyễn Một

 

 

 

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ CHƠI DAO

Đọc tiểu thuyết Đất Trời Vần Vũ của Nguyễn Một, Nxb Hội Nhà Văn 2009

Bùi Công Thuấn

 

sachhay

Ai cũng biết rằng văn chương là sự sáng tạo cái đẹp bằng ngôn từ, và tác phẩm văn chương là sự lên tiếng của nhà văn trước hiện thực thông qua hình tượng nghệ thuật. Khi đọc tác phẩm văn chương, tôi thường tìm kiếm sự sáng tạo cuả nhà văn và suy gẫm về những thông điệp nhà văn gửi gắm trong tác phẩm. Quả là thú vị nếu gặp được những sáng tạo mới mẻ, độc đáo. Bây giờ có người coi sáng tác văn chương là trò chơi chữ nghiã, nhưng tôi tin rằng nhà văn không chỉ là người “mua vui” cho thiên hạ, mà còn là người sáng tạo, góp phần làm nên bộ mặt văn hóa của thời đại. Ngòi bút cuả nhà văn có sức mạnh…

Tôi sẽ viết những cảm nghĩ cuả mình một cách tự nhiên như nó xuất hiện khi tôi đọc tác phẩm, ngổn ngang như nội dung cuả Đất Trời Vần Vũ, và theo cái cách bây giờ người ta đọc văn bản. Văn bản có nhiều nghiã, diễn giải là vô tận, người đọc giải mã theo cách hiểu văn bản của riêng mình. Có khi cách hiểu của người đọc không trùng khớp với ý định chủ quan cuả tác giả. Cũng dễ hiểu, vì tác phẩm là một sinh thể biệt lập với tác giả, là một thế giới riêng, thế giới do người đọc hình dung ra và gán nghĩa cho nó. Khi đứa con tinh thần ra đời thì cũng là lúc tác giả bị khai tử (Roland Barthes). Tác phẩm thuộc về người đọc.

CÂU CHUYỆN “CON DAO QUYỀN LỰC”

            Đất Trời Vần Vũ có hai câu chuyện được kể theo cấu trúc song song. Một câu chuyện ở hiện tại: Đám tang lão Tư Ngồng; một câu chuyện ở quá khứ, do nhân vật Nhà Thơ kể. Đó là câu chuyện về dòng họ Tư Ngồng và con dao quyền lực.

Câu chuyện ở hiện tại: Trong quán cafe của Lụa, Bảy Tánh thông báo tin Tư Ngồng chết bí ẩn (chương 1), sau đó là việc chuẩn bị đám tang (chương 2) và chôn cất Tư Ngồng (chương 40). Rải khắp 27 chương sau đó là những sự việc và con người liên quan đến Tư Ngồng. Ông đã đi chiến đấu vì lý tưởng, vì tình yêu quê hương đất nước. Khi hoà bình, ông có chức có quyền và đặc biệt nắm trong tay quyền lực bí mật từ con dao, ông đã thay đổi (tr. 316). Ông chiếm đoạt Lan, cô gái quê từ tay Trần Đình, bằng thủ đoạn. Ông chiếm đoạt Biển, giám đốc ngân hàng bằng quyền lực. Ông chiếm đoạt Diễm bằng tiền (tr.318), và sau cùng, chết bằng chính lưỡi dao quyền lực của mình.

Chuyện quá khứ do nhân vật Nhà Thơ (Miên Trường) kể gồm 13 chương, xen kẽ với tuyến truyên hiện tại. Nhà Thơ kể lại câu chuyện về con dao quyền lực mà dòng họ Trương Phước có được từ thời ông tổ Trương Phước theo Trần Thượng Công. Trương Phước đã dùng con dao quyền lực hãm hại nhà họ Trần. Tội ác chồng chất từ đời Trương Phước đến cháu là Trương Phước Loan, đến người cuối cùng là Trương Phước Tư (Tư Ngồng). Khi chôn Tư Ngồng, ni cô Diệu Lan (vợ Tư Ngồng) đã ném con dao xuống huyệt.

HÃY NGHE TIẾNG NÓI CỦA NHÀ VĂN

Có hai dang phát ngôn cuả nhà văn trong tác phẩm: Tác giả phát ngôn gián tiếp qua lời nhân vật, qua hệ thống hình tượng và lời bình ngoại đề.

Đã có một thời Nguyễn Một dạy học, hiểu thực tại của đời nhà giáo, anh viết về giáo dục Việt Nam như sau: Giáo viên khổ vì chuyện vẽ vời của mấy ông lãnh đạo bên giáo dục (tr.114), đó là một nền giáo dục tồi tệ (tr.121). Muà hè, các thầy cô giáo có một tháng nghỉ ngơi, trước khi vào mùa hành xác với những giáo trình nhàm chán, được đặt tên là ‘bồi dưỡng nghiệp vụ’ (tr.196). “Các thầy giáo, những trí thức của đất nước như em mà hàng tháng tranh giành nhau cái lốp xe đạp theo phân phối. Các cô giáo hàng tháng được phát hai tấc vải mùng để làm băng vệ sinh, xài xong giặt phơi và để dành các tháng còn lại may mùng để ngủ, anh chưa thấy ở đâu trên thế giới này, con người sống nhục nhã như thế “(tr.225). ”Thời buổi gì mà ngành giáo dục cũng có tham nhũng thì còn ra cái thể thống gì”(tr.200). “Hoá ra lâu nay lũ trẻ bị lưà dối, Cả nền giáo dục bị lưà dối”(tr.310).

Mượn lời bà Năm Trầu, Nguyễn Một chửi cán bộ Nhà nước tha hoá như Tư Ngồng (cán bộ cấp cao, tr. 285) là “cái đồ dô ơn bạc nghiã “(tr.52), làm quan bây giờ là để hưởng thụ, vì “Kẻ chiến thắng phải được hưởng thụ những chiến lợi phẩm mà họ đã bỏ xương máu ra đổi lấy, đó là lẽ tự nhiên thôi, từ xưa đến giờ là thế, chế độ nào cũng vậy thôi”(tr.61). Chuyện cán bộ lợi dụng quy hoạch để cuớp đất khiến cho nhân dân phải đấu tranh, đả đảo (chương 32, tr.264), Nguyễn Hữu Trí đi đòi công lý bị bắt (tr.209), Nguyễn Một than lên rằng Vân Tiên, Tử Trực chết hết rồi (chương 25)!

Nguyễn Một cũng không ngại khi phải đề cập tới những vấn đề “nhạy cảm”, có thể gây ngộ nhận: Trần Thượng Công suy tư về xứ sở phương Nam, ông cay đắng nhớ lại sự cai trị cuả người Mãn trên đất nước ông. “Ông không thể nào chịu đựng nổi bọn mọi rợ phương bắc lại có thể cai trị đất nước ông”(tr.28), ông còn nghe được lời thề cuả dân chúng “kề vai sát cánh với Chuá chống lại kẻ thù chung là Trung Quốc “(tr.30).

Ấn tượng mạnh mẽ là tiếng nói phản kháng chiến tranh. Chiến tranh đồng nghiã với chết chóc. Cha Diệu Lan đã nghĩ thế này: ”Ông chẳng có lý tưởng chính trị gì cả, là người nông dân, ông yêu ruộng đồng và ghét chiến tranh, cuộc chiến liên miên trên quê hương ông, người chết như rạ “(tr.72). “người anh hùng “ Trần Đình đi kiếm đàn bà, gây ra hai cuộc tàn sát trên cù lao Dao (chương 11). Nguyễn Một cũng đồng nhất những cuộc tàn sát cuả lính ngoại cuốc thời chống Mỹ với cuộc tàn sát vì hận thù tư lợi cuả Nguyễn Biện (chương 36). Anh không coi đâu là chiến tranh chính nghiã hay phi nghiã. Anh gọi chung là đội quân cứu nước, lính Cộng Hoà, lính ngoại quốc. Anh bảo, “Mọi cuộc chiến nhìn từ phiá trước đều là chính nghiã (tr.92), như vậy nếu nhìn từ phiá sau hay nhìn từ phiá khác, thì sẽ thế nào? Chính nghiã hay không là tuỳ thuộc vào phiá người đứng nhìn. Cách đặt vấn đề như thế là rất khác với cách nhìn cuả những nhà văn trực tiếp sống chết ở chiến trường chống Mỹ (Anh Đức, Nguyễn Thi…).

“Tư tưởng” được Nguyễn Một khẳng định trong tác phẩm là: “Tình yêu đã cứu thế giới này, tình yêu mới thực sự có quyền lực và sức mạnh”(339). Anh có nói đến Phật, đến sư bà, ni cô Diệu Lan, nhưng họ vẫn vướng bận lòng trần, không siêu thoát được. Anh ca ngợi Chuá Kitô. “Ở đời này chuyện chết, sống là chuyện tương đối. Vì vậy, tôi tin vào sự phục sinh cuả Chuá Kitô, người ta đóng đinh thể xác Ngài vào cây thánh giá, nhưng triết lý ‘yêu thương loài người’ vĩ đại của ngài giúp cho Chuá ‘phục sinh’ trong lòng con người ‘ như bây giờ và hằng có đời đời chẳng cùng’”(232). Tư Ngồng mặc dù có lưỡi dao quyền lực nhưng không thể giết được Diễm khi Diễm đang hạnh phúc trong tình yêu bên Phong, trái lại, lưỡi dao quyền lực ấy quay lại giết lão.

Hình tượng tư tưởng xuyên suốt tác phẩm là “con dao quyền lực” và ý nghiã “chơi dao có ngày đứt tay”. Con dao quyền lực cuả dòng họ Trương Phước đã gây hoạ đến người cuối cùng cuả dòng họ là Tư Ngồng. Nguyễn Một không miêu tả cụ thể Tư Ngồng có quyền lực gì, anh chỉ nói quyền lực ngầm. Tư Ngồng có ăn chơi, có giết đồng đội, có tranh quyền (nhưng có lý do), nhưng do đâu anh ta có tiền, do dâu có quyền thì Nguyễn Một không lý giải. Cái chết cuả Tư Ngồng không do hậu quả tranh giành quyền lực giưã các thế lực xã hội, mà chết do vỡ tim, vì lưỡi dao vô hình (Một cách lý giải duy tâm).

Phải chăng đây là cái khó của chính tác giả? Nhà văn biết rõ “con dao quyền lực“ là gì,  ai nắm quyền lực ngầm ấy, họ sử dụng quyền lực ấy để làm gì, nhưng nhà văn không dám nói thẳng ra. Cuối cùng, Diệu Lan vứt con dao quyền lực ấy xuống mộ huyệt cuả Tư Ngồng. Hình tượng con dao quyền lực chưa đủ sức chuyển tải tư tưởng.

Nguyễn Một giải quyết mọi mâu thuẫn thù hận trong cõi đời vật chất này bằng thế giới song song, vậy hình tượng này có ý nghiã gì?

Đó là một thế giới “không có hận thù, chiến tranh và những tranh chấp vật chất như chùng ta, nhưng tình yêu thì vẫn tồn tại, bởi tình yêu không là dạng vất chất”(tr.85). Có thể đó là một thế giới lý tưởng mà Nguyễn Một mong muốn có được trong cõi đời này khi anh thể hiện tinh thần phê phán chiến tranh. “Tôi đã gặp ông già người Mạ, kẻ đã đưa tôi vào thế giới song song để tránh cuộc chiến mà tôi chán ghét và sợ hãi “(tr.137). Nhưng trong xử lý nghệ thuật, anh đã không đạt được ý nguyện cuả mình. Anh vẫn phải vay mượn tư tưởng về kiếp sau cuả tôn giáo khi cho nhân vật đầu thai lại cõi nhân gian này (Linh Chi treo cổ và đầu thai lại), tất cả các nhân vật chết, đều vào thế giới song song, nhưng anh không miêu tả họ sống thế nào trong thế giới ấy. Vưà từ giã thế giới vật chất, họ bị lôi đi, nhẹ tênh, không còn thù hận, thế thôi. Cha mẹ Lụa, Lài chết vì đi vớt cá, không thấy có mặt trên thế giới song song. Trần Đình kể cho Nhà Thơ nghe cuộc hỏi cung cuả Tư Ngồng khi gặp nhà thơ ở thế giới song song. Và Khi đã ở trong thế giới song song, Thắng vẫn nhìn cô giáo tắm, vuốt ve thân thể cô giáo! (tr.288). Có lẽ đây là thế giới song song theo giả thuyết của khoa học vũ trụ, không phải thế giới tâm linh của tôn giáo hay thần thoại?

Có thể là, Nguyễn Một mới tưởng tượng ra một thế giới riêng để lạ hoá văn chương và giải quyết những vấn đề không thể giải quyết trong thế giới thực tại. Trong tôn giáo và thần thoại, thiên đàng, điạ ngục, niết bàn, cõi tiên là thế giới tâm linh đã được dân gian miêu tả cụ thể, nơi ấy có thưởng có phạt rạch ròi, không sống chung hoà bình giưã kẻ xấu, kẻ ác với người hiền. Vì thế, thiên đàng, điạ ngục có ý nghiã giáo dục đối với tín đồ đang sống trong cõi nhân gian. Trái lại, thế giới song song của Nguyễn Một không có ý nghĩa ấy đối với nhân vật của mình:”Hoá ra thế giới vật chất này có quy luật riêng cuả nó không lệ thuộc vào thế giới song song”(tr.338).

Trong Đất Trời Vần Vũ, Nguyễn Một muốn đem tất cả những vấn đề thời sự (dương thời) vào tác phẩm. Chương 28, 29 kể chuyện Nguyễn Hữu Hà, anh cuả thầy giáo Nguyễn Hữu Trí. Hà vượt biên, phải ăn thịt người, được định cư ở Đan Mạch, sau đó chán nản, trở về Việt Nam, có lẽ nhà văn muốn khẳng định rằng không đâu hạnh phúc bằng ở Việt Nam (?). Có điều, chương 28, 29 này không kết nối gì với câu chuyện của Tư Ngồng. Cũng vậy, Nguyễn Một đưa Hồi Ký Nguyễn Đăng Mạnh vào (không nói rõ tên) và lên án cả nền giáo dục, có lẽ là để thêm thắt vào cho phong phú cốt truyện chính (chương 37. Tr. 310). Chuyện tù cải tạo của Bảy Tánh là một chuyện ngoại đề. Sự dung nạp vào trong tác phẩm những vấn đề nóng của thời đại, và lên tiếng nói trực tiếp về những vấn đề đó là để ghi lại cái thời đang sống, ghi cái dấu ấn của một thời. Điều này có giá trị hiện thực nào đó. Nhưng khi thời sự qua rồi, còn lại giá trị tư tưởng nghệ thuật gì cho tác phẩm. Ngày nay (2018), chẳng ai còn nói đến chuyện vượt biên, chuyện cải tạo. Nhà trường không còn tranh tre lá nứa của một thời…

Chuyện nhà văn gọi cù lao Phốcù lao Dao, là một dụng ý nghệ thuật, một biện pháp mã hóa hiện thực để né tránh những phiền toái do ngòi bút gây ra. Trong truyện, Nguyễn Một đề cập đến những điạ danh thật của Đồng Nai (Đá Ba Chồng Định Quán-143, Miệt vườn Long Khánh-198, căn cứ Bàu Hàm-208…) nhưng không nói trực tiếp đến Cù lao Phố . Nhà văn gọi Cù lao DaoCù lao Phố trong thế giới song song (chương 14) mà lịch sử không ghi chép lại, không đụng tới. Nếu miêu tả bằng bút pháp hiện thực những chuyện ở Cù lao Phố, người đọc sẽ nghĩ rằng ở cù lao Phố, cán bộ hầu hết tha hoá như Tư Ngồng? Nơi đó người ta mặc sức chém giết để giành lấy quyền lực. Những người dân thấp cổ bé miệng như bà Năm Trầu, Ba Thược, thầy giáo Trí đành bất lực đi tìm công lý…và người ta truy ra tác giả muốn nói về ai. Không phải vô tình người ta đã đặt vấn đề này khi săm soi tác phẩm?

Những chuyện vượt biên, chuyện dân khiếu tố vì đất bị quy hoạch, chuyện tiêu cực trong giáo dục, cuốn Hồi Ký cuả GS Nguyễn Đăng Mạnh, hồi ký của Nhạc sĩ Tô Hải, bút ký chính trị cuả Nguyễn Khải tung ở trên Internet, chuyện cán bộ tha hoá, báo chí đã nói quá nhiều rồi, noí mạnh mẽ. Vì chuyện “thời sự” của Đất trời vần vũ không thể làm “nóng” các diễn đàn như tác giả mong muốn (?). Có thể là do bức xúc cá nhân mà tác giả hóa thân vào tác phẩm để lên tiếng nói phê phán hiện thực. Chẳng hạn chuyện giáo dục. Vì lý do riêng Nguyễn Một đã bỏ nghề dạy học (trước đây Nguyễn Một dạy học- tr.177), nhưng nếu tất cả thầy cô giáo đều vì chán mà bỏ dạy thì đất nước này sẽ thế nào? Chỉ một lời nói của em bé với người tù cải tạo mà anh thoá mạ cả nền giáo dục của miền Bắc (tr.121), anh ca ngợi người tù cải tạo miền Nam! Điều ấy là không công bằng. Tôi nghĩ tác giả hoàn toàn có quyền đưa ra ý kiến chủ quan của mình. Tuy nhiên, nếu chỉ qua lời một em bé (trẻ con chưa có ý thức chính trị) mà phủ định mọi giá trị của nền giáo dục miền Bắc, người đọc sẽ phải hoài nghi thái độ diễn ngôn của tác giả.

Người đọc còn tìm thấy nhiều phát ngôn cuả Nguyễn Một về nhà thơ (tr.174), về Bùi Giáng, về “văn học khai khẩn “(tr.199), “tính đặc thù” cuả miền Đông gian lao mà anh dũng (tr.14), những câu triết lý về cuộc đời, chẳng hạn:” biết bao cuộc chiến tranh trên thế giới này vì người đàn bà “(164)’ hoặc, “chỉ cần họ tin có thần thánh, cho dù điều đó có tồn tại hay không thì thần thánh và linh hồn cũng giúp con người sống tốt hơn em ạ”(tr.233), những điều như vậy chưa đủ sức nâng tầm tư tưởng của tác phẩm.

Những yếu tố kiến tạo tác phẩm như kể truyện theo hai tuyến song song, thế giới song song, không phải là sáng tạo của riêng Nguyễn Một. Tiểu thuyết Lời nguyền hai trăm năm (1989) trước đó đã có cấu trúc hai tuyến song song ngược chiều, và phim Vùng đất của thủ lãnh rồng (Land of the Dragin Lord-Úc-2006) đã miêu tả thế giới song song của khoa học viễn tưởng (xem: http://hdonline.vn/phim-spellbinder-land-of-the-dragon-lord-10920.html).

HY VỌNG Ở NHÀ VĂN TRẺ

Nếu đọc truyện ngắn và bút ký cuả Nguyễn Một, so sánh với Đất Trời Vần Vũ, người đọc sẽ nhận thấy anh đã có một bước tiến khá dài và đáng trân trọng. Viết một tiểu thuyết 40 chương, 344 trang, quả là công việc lao động tổn hao nhiều sức lực và tâm huyết. Anh muốn tác phẩm cuả mình chuyên chở được những vấn đề lớn của một thời. Anh cũng đã mạnh dạn thử nghiệm nhiều kiểu bút pháp của nghệ thuật hiện đại. Những giá trị đích thực của văn chương anh sẽ tồn tại lâu dài, cùng với sự đóng góp của anh làm phong phú văn chương Đồng Nai là điều rất đáng mừng. Qua Đất Trời Vần Vũ Nguyễn Một đã thể hiện một khả năng dàn dựng tiểu thuyết có tầm vóc lớn. Văn chương của anh đã trau chuốt hơn, có chất Văn hơn, ít phô trương “cái tôi” hơn (mặc dù chất tự truyện vẫn còn rất rõ- chương 21). Nhiều chương anh viết rất sinh dộng, hấp dẫn, đã lộ ra cốt cách của một ngòi bút có những phẩm chất tiên phong. Anh viết những trang văn hào sảng về thế giới song song, bút lực của anh mạnh mẽ khi anh dựng lại chuyện lịch sử “không ghi trong sách sử”.

Tôi nghĩ rồi đây anh sẽ vượt lên để viết những tác phẩm có tầm vóc hơn về dung lượng phản ánh hiện thực và đề cập đến những vấn đề chính trị, tư tưởng lớn của đất nước này, nếu anh vẫn giữ được bản lĩnh và phong độ viết như khi viết Đất Trời Vần Vũ.

Tháng12/ 2009. Xem lại 3/ 2018

____________________________________________________________________

DÒNG SÔNG ĐỘ LƯỢNG

Bút ký cuả Nguyễn Một

Ghi chú. Xin đọc bài BCT viết về tiểu thuyết Ngược mặt trời in trong Hoa đỏ bên sông. Nxb Hnv 2014

 

Dòng sông độ lượng là tập bút ký có nhiều bài viết biểu dương “người tốt việc tốt “ có thành tích đóng góp cho sự phát triển cuả Đồng Nai. Đó là một nỗ lực đáng quý cuả Nguyễn Một trong việc thực hiện nhiệm vụ sáng tác theo yêu cầu cuả Hội VHNT Đồng Nai.

Người đọc gặp được những khuôn mặt sáng giá cuả văn hoá Đồng Nai như lão nhà văn Hoàng Văn Bổn; nhà thơ Thu Bồn; nhà văn Khôi Vũ; những người đang làm giàu đẹp đồng Nai như cán bộ tỉnh Đồng Nai Trần Đình Thành chăm sóc bonsai; chủ trường dân lập Bùi Thị Xuân; ông bà Lê Kỳ Phùng, chủ “trang trại kỳ cục”;  Bùi Văn Dương công ty cám Long Châu; Đỗ Khắc Long, tư nhân thầu thu gom rác Long Khánh; ông Tám Hiệu, chủ cơ khi Nghiã Thành; Thầy Đỗ Văn Ban, Hiệu Trưởng trường PTTH Tân Phú; Trần Văn Quyến, chủ trang trại Sơn Thuỷ; Võ Văn Quân, Giám Đốc XQ thêu Đà Lạt. Người đọc tiếp cận được một phần vẻ đẹp hiện thực cuả Đồng Nai qua những con người tiêu biểu cuả phong trào thi đua yêu nước. Nguyễn Một gửi trong trang viết tấm lòng trân trọng, yêu mến với đất nước con người Đồng Nai. Văn cuả anh trong sáng, lấp lánh ở từng câu chữ. Con người, cảnh vật Đồng Nai hiện lên đẹp đẽ. Cái nhìn cuả Nguyễn Một đầy cảm hứng lãng mạn.

Tuy vậy, ở mảng bài này, Nguyễn Một có ít thành công. Bài viết giới thiệu nhân vật ở dạng một bài báo. Chất bút ký còn nhẹ. Tác giả chưa thâm nhập sâu vào đối tượng để có thể dựng lên những hình tượng. Tình cảm anh phô diễn có vẻ khách sáo, dường như là để cho phải phép với nhân vật. Anh thường viết theo một công thức. Trước tiên, anh tìm một “tứ” làm khởi điểm, sau đó kể lại quá trình lập nghiệp cuả nhân vật, từ khó khăn gian khổ đến thành công, và kết bằng một cảm tưởng hoặc bỏ lửng.

Cái công thức ấy làm cho bài viết cuả anh trở nên saó mòn. Chẳng hạn, viết về Hoàng Văn Bổn hay Khôi Vũ, tác giả không thâm nhập vào tác phẩm cuả hai nhà văn này để nói cho được giá trị ngòi bút cuả họ. Anh chỉ điểm tiểu sử và tên tác phẩm. Những điều ấy đã được công bố quá nhiều trên truyền thông. Nguyễn Một bảo Khôi Vũ là người lắng nghe tiếng nói nội tâm, nhưng người đọc chẳng hiểu cái “nội tâm “ cuả Khôi Vũ là gì. Chuyện về chủ trường PTDL Bùi Thị Xuân và nhà giáo Đỗ Văn Ban, hai nhân vật này trong đời thường có điều tiếng trong dư luận. Bài viết cuả Nguyễn Một là bài ca ngợi. Người đọc sẽ nhận ra cái “giả ‘ cuả ngòi bút anh, và hoài nghi về mục đích viết cuả anh! Hoặc có những nhân vật, tôi nghĩ chẳng có gì đáng viết, như Đỗ Khắc Long thầu rác ở Long Khánh. Anh Long làm việc chỉ để kiếm sống. Thất bại trong kinh doanh xăng dầu, kinh doanh phân bón, anh quay sang thu gom rác. “Công trạng” cũng bình thường như mọi người lao động.

 

Cũng nên nói thêm, Nguyễn Một tập trung ca ngợi nhiều con người có gốc xứ Quảng quê anh. Thầy giáo Đỗ Văn Ban (Quảng Nam), Trần Văn Quyến (Quảng Ngãi); Nguyễn Văn Sáng (Quảng Trị); Trần bá Dương; Nguyễn Sự; nhà thơ Thu Bồn (Quảng Nam)…Viết về xứ Quảng, anh có nhiều kỷ niệm và có hiểu biết. Tình cảm cuả anh đối với quê hương là chân thật.

Những bài có hương vị“lãng du” như Lang Thang Xứ Quảng, Thái lan Nụ Cười và Sex, hoặc kiểu bài “góp nhặt cát đá “có đem đến một chút thú vị về sự hiểu biết cuộc sống chung quanh và tấm lòng đau đáu cuả tác giả với vấn đề được đặt ra. Vấn đề mai một các làng nghề: Làng nồi đất, Làng đá, làng Nai; vấn đề tàn phá thiên nhiên ở Rừng Lá, vấn đề “vô lý“ ở Nhơn Trạch…Tuy vậy Nguyễn Một lại né tránh cách giải quyết vấn đề. Lúc cần anh lên tiếng thì anh im lặng (tr. 89). Điều ấy  là mặt yếu cuả bản lĩnh ngòi bút Nguyễn Một, nói cách khác, đó là cách “viết lách “ cuả nhà báo.

Sức hấp dẫn cuả một bài bút ký trước hết là ở những gì được ghi chép qua một góc nhìn tinh tế, mới lạ, ở cách thể hiện có duyên, đồng thời còn ở “cái tôi“ cuả tác giả. “Cái tôi“ ấy phải là “cái tôi“ tài hoa, tinh tế, uyên bác. Điều này chỉ Nguyễn Tuân mới đạt được. Văn Nguyễn Một trong sáng, cách viết có duyên, nhưng “cái tôi“ Nguyễn Một lại mờ nhạt chất nghệ thuật. Dường như anh cố phô bày ra “cái tôi“ ấy, và tìm cách tạo cho nó một tầm vóc.  Viết về người khác, Nguyễn Một trình làng với người đọc một con người vưà có chút “ bụi” vưà có chút “ngông” nghệ sĩ,   vưà là con người sánh ngang với các bậc “đại gia“ trong văn chương và xã hội. Xét cho căn cơ “cái tôi“ trong những bài bút ký cuả anh chưa trở thành hạt nhân nghệ thuật, kết tinh cuả những chất liệu, sự việc, con người anh miêu tả.

Đọc Bút ký Nguyễn Một, người đọc thấy anh viết về anh khá kỹ, quê Quảng Nam, lưu lạc đến Phú quốc rổi Đồng Nai. Anh kể cả thói xấu không bỏ được cuả mình là thói hút thuốc (tr.49). Nhân nói về đám tang Thu Bồn anh khoe chuyện làm nhà (tr.90), anh cũng khoe việc mua mấy phon tượng gỗ trang trí quán café cho bà xã (tr.34), anh hả hê trong bưã rượu thuốc với thịt gà cuả Trần Văn Quyến (tr.71), chuyện làm bể nồi bị ngoại mắng  tr.39), anh nói thẳng ra sự kênh kiệu cuả mình: “Tính tôi khá kỳ quặc, tôi không thích cái gì quá mới và sặc sỡ, một chút rêu phong đủ làm tôi chết lặng hàng giờ liền “(tr.19). Trong tất cả các bút ký chỉ thấy anh đi, nghe nhân vật nói, rồi bày tỏ một vài cảm xúc chiếu lệ như: “Tôi thật sự ngạc nhiê “(tr3), “Tôi giật mình bởi…”(tr.12), “chúng tôi khóc vì mất ông …”(tr.14). Có khi hỏi nhân vật nhưng Nguyễn Một lại “không quan tâm lắm đến câu trả lời “(tr.51). Có khi nghe nhân vật nói, anh “thầm thắc mắc” rồi nhận ra”thắc mắc cuả mình thật ngớ ngẩn“(tr.74). Có rất ít những suy nghĩ sâu sắc về những vấn đề có giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Vì thế để bài viết đỡ chông chênh anh thường mượn một caí “tứ“ cuả một nhà văn nào đó: Bùi Giáng, Lão Tử , Derek Walcott, chẳng hạn.

Tôi thiết nghĩ, nếu anh tìm được nhân vật đúng như ý anh tâm đắc, và xây dựng thành hình tượng có chiều sâu và sức khái quát tư tưởng và nghệ thuật, vượt qua cách viết báo chí, bút ký cuả anh sẽ thành công hơn. Tôi tin rồi đây Nguyễn Một sẽ có được những bài bút ký đặc sắc và tìm được một phong cách riêng cho mình.

Tháng 12 /  2007

______________________

Ghi chú của tác giả :

Khi thẩm định bản thảo Nhà Văn Đồng Nai, Nxb Đồng Nai (2018) đã cắt hai bài trên (bài viết về tác phẩm của Nguyễn Một)

Loading

Đánh giá bài viết
call Hotline 1 0798287075 call Hotline 2 0798 287 075 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok