BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK: buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc
_________________________________________________________________
ĐỌC LẠI TUỒNG THƯƠNG KHÓ CỦA J.B. TÒNG
Bùi Công Thuấn
***
Bài viết “Kể chuyện Tuồng Thương khó diễn ở trường Latinh Sàigòn năm xưa” của nhà nghiên cứu văn học Công giáo Lê Đình Bảng và bài: “Sau 100 năm đọc lại Tuồng Thương khó – kịch bản sân khấu hiện đại đầu tiên của người Việt” của PGS-TS Võ Văn Nhơn là những bài nghiên cứu công phu, cung cấp cho người đọc vốn hiểu biết sâu sắc về Tuồng Thương Khó của ĐGM Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868–1949).
Hai công trình này cũng đồng thời đặt ra nhiều vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu [[1]]. Bài viết này chỉ xin góp một vài điều ghi nhận được khi tôi đọc lại Tuồng Thương Khó của J.-B.Tòng trong tương quan với hai bài viết của các học giả trên.
VĂN BẢN “TUỒNG THƯƠNG KHÓ” CỦA J. B. TÒNG
1.Trang bìa bản in Tuồng Thương Khó (in lần thứ ba) năm 1923 ghi như sau:
2.Trong Tiểu dẫn (in lần thứ nhứt), viết “ngày lễ Các Thánh Nam Nữ, mồng 1 Novembre 1912”, J.-B. Tòng ghi:
“…tuồng Thương khó một ngày một ra việc cả thể, trọng tốt lạ lùng, nhứt là tại làng Ober-Ammergau, trong xứ Bavière, thuộc về nước Allemagne.
Số là năm 1632, bổn đạo làng ấy bị thần khí dữ dằn quá lẽ, tưởng chết tuyệt cả làng. Bấy giờ kẻ lớn trong dân hiệp nhau mà khấn hứa, xin Đ. C. T. cho khỏi nạn thì sẽ làm tuồng Thương khó mà tạ ơn Chúa. Khấn hứa đoạn, liền dứt họa tai, chẳng còn một ai phải chết.
Từ ấy đến rày, gần 300 năm, bổn đạo Ober-Ammergau hằng giữ lời khấn ấy luôn: hễ 10 năm thì làm tuồng Thương khó một lần mà nhớ ơn trọng Chúa đã ban cho mình. Làng Ober-Ammergau …nhờ tiền cúng hỉ, góp nhóp lâu năm, thì đã sáng tạo một trường hát trọng tốt, cùng cất một toà nhà đồ sộ phi thường, đủ ghế bàn cho bốn năm ngàn người ngồi coi, khỏi mưa nắng. Tuồng ấy có năm làm đi làm lại bốn năm chục lần, cho mọi người coi được hết thảy, mà mỗi lần mỗi có bốn năm ngàn người. Tứ phương thiên hạ đua nhau tuôn đến: đủ mặt viên quan chức sắc, phần đời phần đạo, cho tới vì vua chúa công hầu, cùng hàng Giám mục, cũng thân chinh ngự đến thú quê, mà xem cuộc lạ lùng thể ấy” (tr.7)…
Năm 1905, bổn đạo thành Nancy bên nước Langsa, cũng noi theo cách thức Ober-Ammergau, mà làm tuồng Thương khó cả thể lắm. Hơn 2000 người coi, đều ngợi khen chẳng xiết. Ai cũng nói: coi một tuồng bằng nghe mười bài giảng rất khoan ngôn ngữ” (tr.8)…
Tôi thấy sẵn dịp rất trọng là Lễ Ngũ Tuần Nhà trường Latinh Sài-gòn sẽ làm năm tới (Avril 1913), sẵn lòng rộng rãi chư vị giáo nhơn phụ giúp, sẵn nhiều quý hữu đồng tâm hiệp lực, nên tôi mới dám ra công mà dọn tuồng nầy”(tr. 9).
Trong phần “Tiểu dẫn” tôi trích ở trên, có mấy điều cần được lưu ý:
- Chữ “tuồng Thương khó” viết thường, không viết hoa tất cả 3 chữ, nghĩa là
“tuồng Thương khó” không phải là tên riêng của một tác phẩm nhất định. Đó chỉ là tên gọi một vở tuồng, diễn lại sự thương khó của Đức Giêsu (do bất kỳ ai soạn). Giống như ngày nay, nhiều xứ đạo, mùa lễ Giáng sinh, đã tổ chức “Diễn nguyện” canh thức Giáng Sinh. Giáo xứ tổ chứ buổi trình diễn “sân khấu hóa” Kinh thánh, diễn lại lịch sử ơn Cứu Độ. Mỗi xứ, căn cứ vào Kinh thánh, mà tự soạn một kịch bản cho riêng xứ mình. Nội dung “cốt truyện” bảo đảm những gì được tường thuật trong Kinh thánh, còn việc cấu trúc vở diễn, chia hồi, phân cảnh, dựng phông nền, trang phục, dùng nhạc nền, diễn xuất thế nào, thì tùy mỗi nơi “tự sáng tạo”, tự đạo diễn. Nghĩa là không có một “kịch bản” Giáng Sinh có tác giả, được in ấn, được Imprimatur phổ biến rộng rãi để tất cả các giáo xứ cùng diễn như diễn một vở kịch chính thức (thí dụ kịch bản của Shakespear, của Molière..). Kịch bản “tuồng Thương khó” diễn ở nhiều nơi ngày xưa có lẽ cũng thuộc dạng ấy.
Rõ nhất là trong “Tiểu dẫn”, tác giả J.-B Tòng cũng không nói gì đến tác giả kịch bản “tuồng Thương khó”. Ông chỉ viết: “Số là năm 1632, bổn đạo làng ấy bị thần khí dữ dằn quá lẽ, tưởng chết tuyệt cả làng. Bấy giờ kẻ lớn trong dân hiệp nhau mà khấn hứa, xin Đ. C. T. cho khỏi nạn thì sẽ làm tuồng Thương khó mà tạ ơn Chúa. Khấn hứa đoạn, liền dứt họa tai, chẳng còn một ai phải chết”.
Vì “tuồng Thương khó” của dân làng Ober-ammergau không có tác giả, không có kịch bản, điều này giúp xác định tác giả kịch bản “TUỒNG THƯƠNG KHÓ” chúng ta đang đọc là của J.-B. Tòng dọn năm 1912.
J.-B Tòng ghi “nguồn”của vở tuồng này là:
“Đã dọn theo sách Gẫm sự thương khó Đ.C. G. và theo tuồng Thương khó đã làm tại Ober-Ammergau và tại thành Nancy”.
b. Có lẽ nhà nghiên cứu Lê Đình Bảng và những người đi sau ông chỉ tham khảo thông tin trên Nam Kỳ Địa Phận nên đã ghi nguồn như sau:
“Theo ghi nhận của Tuần báo Nam Kỳ Địa Phận vào năm 1632 – 1633, đã xảy ra ôn dịch trầm trọng khắp trong ngoài làng Ober-ammergau, nước Đức. Cha sở hiệp cùng bà con khấn xin Chúa ra tay cứu chữa, với lời hứa sẽ trình diễn “Tuồng Thương Khó” để tạ ơn và Chúa đã nhận lời. Ngay năm sau (1634), vở tuồng ra mắt tại sân nhà thờ xứ. Tiếng lành đồn xa. Người khắp nơi tuốn đến xem, đông đến nỗi ban hành giáo phải tranh thủ dựng một nhà rạp – sàn diễn có sức chứa 5000 chỗ ngồi. Từ ấy đến tận năm 1934, nghĩa là xuyên suốt 300 năm, đến hẹn lại lên, sân khấu nhà thờ Oberammegau cứ đỏ đèn đón khách thập phương tựu về, vửa để thông công ơn phước Mùa Chay thánh, vừa được thưởng thức kịch tuồng. Từ một làng quê xa lắc xa lơ của xứ sở Bavaria, “Tuồng Thương Khó” theo bước chân truyền giáo không mệt mỏi của các thừa sai đi đến khắp nơi. Người ta đã chuyển dịch, biên tập, mô phỏng và diễn xuất “tuồng thương khó” bằng nhiều ngôn ngữ, phong cách nghệ thuật đa dạng của các nước Âu Châu, và cuối cùng đã dừng lại, hội nhập vào sân khấu tuồng kịch của miền đạo xa lạ tận Viễn Đông này là Việt Nam” (nguồn: Ở thượng nguồn thi ca công giáo việt Nam/ miền thơ trong kinh nguyện, trang 460 – 468; Nxb Tôn Giáo 2009)
Xin lưu ý: Lê Đình Bảng không cho biết ông căn cứ vào báo Nam Kỳ Địa Phận số mấy, năm nào; và chữ “Tuồng Thương Khó” ông viết hoa cả 3 chữ, nghĩa là, đó là một tác phẩm có văn bản và bản quyền. Theo mạch lập luận, ông cho rằng kịch bản Tuồng Thương Khó ấy của dân làng Ober-ammergau đã hội nhập vào tuồng kịch Việt Nam. Nhưng ông không nói rõ việc hội nhập ấy diễn ra cụ thể thế nào. Việc ông suy diễn “Người ta đã chuyển dịch, biên tập, mô phỏng và diễn xuất “tuồng Thương khó”(của dân làng Ober-ammergau) bằng nhiều ngôn ngữ, phong cách nghệ thuật đa dạng của các nước Âu Châu” là không có cơ sở. Những diễn giải như vậy của Lê Đình Bảng cần được xem lại vì sai lạc so với “Tiểu dẫn” của tác giả kịch bản J.-B Tòng (xin đối chiếu).
c.Tác giả Vinhsơn Vũ Đình Đường cho biết:
“Truy nguyên nguồn gốc sự kiện trên, tuần báo Nam Kỳ Ðịa Phận số 1306 cho biết thêm chi tiết, vào năm 1632 và 1633 đã xảy ra nạn ôn dịch trầm trọng rải rác khắp trong ngoài làng Oberammergau nước Ðức. Bấy giờ Cha sở cổ động cùng bà con giáo dân khấn nguyện xin Chúa ra tay cứu chữa, với lời hứa sẽ trình diễn “Tuồng Thương Khó” để tạ ơn và Chúa đã nhận lời. Ngay năm sau 1634, giữ lời hứa, vở tuồng đã ra mắt tại sân nhà thờ. Người tứ phương thiên hạ tuốn đến xem đông đến nỗi Ban Chức việc họ đạo phải mau chóng dựng một nhà rạp quy mô có sức chứa trên 5.000 chỗ ngồi. Từ năm đó đến nay, đến hẹn lại lên, diễn viên đồng loạt về ôn tập nhập vai, dụng cụ trình diễn sửa sang sẵn sàng, sân khấu nhà thờ Oberammergau lại dựng rạp chờ đón khách thập phương tề tựu về. 10 năm một lần tái diễn lại vở tuồng kính nhớ sự thương khó Chúa đã chịu chết để gánh tội cho nhân loại. Mọi tín hữu cùng thông công, lãnh nhận ơn phước trong mùa Chay Thánh”.
Riêng tại Việt Nam cũng có “Tuồng Thương Khó” của linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949), vì vào năm 1911, lúc ấy cha còn đang phụ trách ký lục (thư ký) Tòa Giám mục Sài Gòn, đã khởi sự soạn “Tuồng Thương Khó” dựa vào bản văn ngoại ngữ đã trình diễn ở làng Oberammegau, thêm phần tham khảo tư liệu từ “Sách Gẫm Sự Thương Khó Chúa Giêsu” đã có sẵn…”[[2]]
Xin lưu ý: Tác giả Vinhsơn Vũ Đình Đường ghi rõ J.-B Tòng đã “dựa vào bản văn ngoại ngữ đã trình diễn ở làng Oberammegau”…Tôi e rằng điều này chỉ là võ đoán, vì trên báo Nam Kỳ Địa phận không có thông tin ấy:
Báo Nam Kỳ Địa Phận số 1360, năm 1934, tr. 393, có bài: “Kỷ niệm Tam bách niên diễn Tuồng Thương Khó tại Oberammergau 1634-1934” ghi như sau:
“Vốn bấy lâu làng Oberammergau mà nổi danh lừng lẫy trong hoàn cầu là nhờ diễn tuồng Thương khó Đức Chúa Giêsu.
Nguyên năm 1632 và 1633, tại miền xứ nầy bị bịnh ôn dịch dữ dằn quá đỗi, ai nấy đều hoảng vía kinh hồn, người ta phải bỏ làng nước mà đi nơi khác cho đặng lánh nạn ôn dịch, phần nhiều thì đã ra ngã lòng rũn chí…Bấy giờ những kẻ lớn trong dân và là đầu mục các giáo hữu, bèn nhóp hiệp nhau lại trong nhà thờ mà làm lời hứa trọng thể rằng: Nếu Chúa khấng cứu chữa dân nầy cho qua khỏi cơn ôn dịch thì hằng năm họ sẽ diễn tuồng Thương khó mà cảm tạ đội ơn Chúa. Hẳn đã đặng nhậm lời như lòng dân sở nguyện, vì lúc ấy liền dứt cơn ôn dịch. Cho nên qua năm sau 1634 thì họ khỉ sự diễn tuồng Thương khó lần thứ nhứt, và từ ấy đến nay, nhơn dân làng Oberammergau hằng giữ lòng trung thành một trực lời hứa ấy với Chúa luôn.
Ban đầu thì người ta diễn tuồng trong nhà thờ, song sau thiên hạ đến xem càng ngày càng đông, cho nên họ phải diễn ra ngoài sân. Sau hết người ta đã xây dựng một kịch trường lớn rộng chứa đặng 5000 người…”
Xin ghi nhận: bài báo trên Nam Kỳ Địa Phận không ký tên tác giả. Bài báo viết năm 1934, so với Tiểu dẫn của J.B.Tòng (lần in thứ nhứt năm 1912) không có gì sai lạc.
Tiếc là, cả hai tác giả Lê Đình Bảng và Vinhsơn Vũ Đình Đường đã không bảo đảm tính chân thực khoa học của “nguồn” khi trích dẫn, lại tự suy diễn, thêm thắt vào những chi tiết sai lạc so với “nguồn” là Tiểu dẫn của J.B.Tòng và tuần báo Nam Kỳ Địa phận. Điều này có thể gây lầm lẫn cho những nhà nghiên cứu đi sau, nếu họ không đọc trực tiếp Tiểu dẫn của J.B.Tòng (lần in thứ nhứt 2012) và tuần báo Nam Kỳ Địa phận (số 1360, năm 1934).
NỘI DUNG CỦA “TUỒNG THƯƠNG KHÓ”
Nội dung kịch bản Tuồng Thương Khó của J.-B Tòng gồm 2 phần, chia thành 16 “Thứ”, mỗi Thứ (có thể) chia làm nhiều “Hồi”. Mỗi Thứ, mỗi Hồi đều có nhan đề.
Phần Prélude (khúc dạo đầu) dặn dò khán giả:
“Trước khi giáp tuồng, thì mở đầu, như sau: Thầy giảng nói ít lời về tuồng Thương khó, và khuyên kẻ xem phải có lòng thế nào…- Bề ngoài, xin làm thinh và đừng cười, nhứt là khi nhằm chỗ không nên cười…- Lại tuồng nầy, dầu làm giỏi thế nào cũng không nên vỗ tay mừng ngợi.
Đoạn kéo màn ra. Liền thấy đô hội thiên thần sấp mình kính lạy cây Thánh giá lớn dựng giữa rạp hát; cũng một khi ấy nghe hát kinh…”
***
Ngoài lời thoại, kịch bản còn có “lời dẫn” (để trong ngoặc đơn) hướng dẫn cách diễn (Xin xem Thứ thứ 12, Hồi II; Thứ thứ 15, Hồi thứ nhứt; và Thứ thứ 16).
Chữ viết tắt trong kịch bản: Đ C G là Đức Chúa Giêsu
PHẦN THỨ NHỨT
Từ khi Đ C G vào thành Giêrusalem
cho đến khi Giudà nộp Người trong tay quân dữ
Thứ thứ nhứt: Đ C G vào thành Giêrusalem
Nhân vật: Đ C G, Tông đồ, Kẻ buôn bán, Dân.
Hồi thứ nhứt: Đ C G vào thành Giêrusalem
Hồi thứ hai: Đ C G đuổi kẻ buôn bán trong đền thờ
Thứ thứ hai: Công đồng hội nghị tại nhà Caipha
Hồi thứ nhứt: Caipha, Nathanael, Ephraim, Annat, Misael
Hồi thứ hai: Mấy người trước, Nathanael, kẻ buôn bán
Thứ thứ ba: Đ C G từ giã Đức Mẹ (tại nhà ông Ximong ở làng Bêthania). (Tr. 39)
Nhân vật: Đ C G, Đức Mẹ, Ximong, Madalenna, Môn đệ, Thánh nữ
Thứ thứ tư: Đ C G đi thành Giêrusalem
Hồi thứ I: Đ C G và 12 tông đồ
Hồi thứ II: Mấy người trước, trừ ra Vêrô và Gioang
Hồi thứ III: Giudà (một mình)
Hồi thứ IV: Giudà và Nathan, là người buôn bán
Hồi thứ V: Mấy người buôn bán vào
Hồi thứ VI: Giudà
Thứ thứ năm: Đ C G lập phép Thánh Thể (tr. 55)
Đ C G và 12 tông đồ (ngồi bàn)
(Đ C G rửa chân cho tông đồ)
(Các tông đồ có ý kiến)
Thứ thứ sáu: Đ C G vào vườn Giếtsêmani (tr. 65)
Hồi thứ I: D C G và tông đồ: Giacôbê tiền, Vêrô, Tadêu
Hồi thứ II: Mấy người trước, Thiên thần dâng chén (tr. 72)
Hồi thứ III: Mấy người trước, Đathan, Giudà, Selpha (đội trưởng), Malcô (kẻ bị chém đứt tai), Pharisiêu và lính: Giudà dẫn lính đến bắt Chúa Giêsu.
PHẦN THỨ HAI
Từ khi Giudà nộp Đ C G trong tay quân dữ
cho đến khi Đ C G sống lại
Thứ thứ bảy: Đ C G chịu dẫn đến nhà Annat:
Hồi thứ I: Annas, Esdrast, Misael, (bàn luận lúc chờ giải Chúa đến)
Hồi thứ II: Mấy người trước, Đ C G, Lính
Thứ thứ tám: Đ C G chịu dẫn đến nhà Cai pha
Hồi thứ I: Công đồng, Đ C G, Lính
Hồi thứ II: Mấy người trước, Chứng (Họ tìm cách luận tội Chúa Giêsu)
Hối thứ III: (Gamaliel và Nicôđêmô bên vực Chúa Giêsu trước mặt Caipha),
Hồi thứ IV: Gioang, Vêrô, Lính, Gia nô, Nữ tỳ:
(Họ sưởi lửa. Phê rô chối Chúa).
Hồi thứ V: (Vêrô một mình, làm thinh một hồi, bộ buồn lắm- Phê rô độc thoại ăn năn).
Thứ thứ chín: Giudà ngã lòng trông cậy trông (tr.96)
Nhân vật: Công đồng, Giudà, Caipha:
(Họ kết án tử Chúa Giêsu, Giudà hối hận muốn chuộc lỗi lầm nhưng bị từ chối).
Thứ thứ mười: Đ C G chịu Philatồ tra xét (tr.101).
Hồi thứ I:
Nhân vật: Công đồng, Đ C G, Philatồ, Quan quân
(Philatồ hỏi đức Giêsu phạm tội gì, thấy Ngài không đáng án tử).
Hồi II: Philatồ, Đ C G, lính (trong dinh):
(Nội dung: Philatồ hỏi Chúa Giêsu. Ngài nói, nước Ngài thuộc về chân lý: “Min là vua. Min đã sinh ra cùng đã xuống thế, là có ý cho đặng làm chứng sự thật: hễ ai theo lẽ chơn thật, thi nấy nghe lời Min”.(tr.108)
Hồi thứ III: Mấy người trước, một thể nữ
(Nội dung: Philatồ từ chối phê án tử Đức Giêsu. Ông ta nói, Đức Giêsu là người Galilê, hãy đem cho vua Hêrode xử, vì Herode là vua xứ Galilê).
Thứ thứ mười một: Đức Mẹ sầu bi (ở nhà Vêrônica) (tr.112)
Nhân vật: Đức Mẹ, Ximong, Ladarô, Verônica, Mátta, Madalenna, Eliacin, Vêrô, Gioang:
(Nội dung: bàn bạc, lo lắng việc Chúa bị bắt, Giudà phản bội, Phêrô chối Thầy. Đức Mẹ đi tìm con để cùng chịu chết: “Gioang, con chạy đi coi thì sự thể nào, rồi trở về đem Mẹ đi chịu tử hình cùng Con Mẹ”).
Thứ thứ mười hai: Đ.C.G. chịu đánh đòn cùng chịu đội mũ gai (116)
Hồi thứ I: Các nhân vật: Công đồng, Philatồ, Quan quân. Kẻ buôn bán. Đ C G mặc áo trắng. (Nội dung: Caipha và đồng bọn cáo tội Chúa Giêsu song Philatô chỉ cho đánh đòn).
Hồi thứ II: Các nhân vật: Mấy người trước, trừ ra Philatồ
(Nội dung: Caipha nói với Annat đi gặp dân, kéo họ đến đây: “Philatồ muốn nghe tiếng dân, thì có sức mà nghe”
Hồi thứ III:
Nhân vật : Đ C G, Lính, Lý hình
Lời dẫn: tr. 120 (“Hồi nầy là Đ C G chịu đánh đòn và chịu đội mũ gai, không làm chán chường cho người ta thấy. Hoặc thầy giảng nói ít lời, kể lại những sự đau đớn sỉ nhục Đ C G phải chịu trong lúc nầy. Hoặc hát kinh ám hạp cùng sự đánh đòn và đội mũ gai… rồi dở màn qua Thứ sau, thấy Đ C G tan nát cả mình, đầu đội mũ gai, mặt mũi đầy những máu cùng nước miếng, tay cầm gậy nứa, vai choàng một manh áo đỏ”.)
(Hồi này không có lời thoại).
Thứ thứ mười ba: Đ C G bị án tử
Nhân vật: Công đồng, Philatồ. Đ C G. Quan quân, Dân
(Nội dung: Philatồ quyết bênh vực chúa Giêsu, nhưng Caipha xúi dân xin Philatồ phê án tử. Sau cùng ông ta rửa tay tuyên bố không liên can đến việc giết Đức Giêsu).
Thứ thứ mười bốn: Đ C G vác thánh giá lên núi Calavario.(tr.129)
(Lời dẫn: Quan Cai đi đầu, cầm gậy phép mà cai quản. Kế Quan Cỡi Ngựa cầm cờ nước Rôma. Rồi Đ C G vác thánh giá. Bốn Lý Hình theo giục đi cho mau… Công đồng, Thầy Cả Pharisiêu, Quan quân, Dân sự la lối hỗn hào…—Nửa đàng gặp Ximong Cyrênô)
Nhân vật: Đức Mẹ, Madalenna, Vêrônica, Thánh Nữ, Giude Arimathia (bởi Bêthania mà đến).
(Tóm tắt: quan quân giục Đức Giêsu vác thánh giá đi nhanh, nó bắt Ximong vác đỡ. Đức Mẹ và các môn đệ đến gặp Chúa. Vêronica trao khăn. Con cái Giêrusalem khóc thương Giêsu. Đức Mẹ quyết theo Chúa lên núi Calavario).
Thứ thứ mười lăm: Đ C G chịu đóng đinh trên cây thánh giá (tr.137).
Hồi thứ I:
Lời dẫn: không đóng đinh cũng không dựng thánh giá chán chường trước mặt người ta. Song sẽ giãng ít lời thống thiết, hay là hát kinh thâm trầm. Rồi dở màn thất Đ C G chịu đóng đinh giữa hai tên trộm cướp.
Nhân vật: Mấy người trước, Trộm lành, Trộm dữ Esdras
(Nội dung: Annat, thầy cả, Caipha đối thoại về chiến thắng, về việc đổi nội dung bản án đóng trên đầu thánh giá Chúa Giêsu. Chúng chế nhạo Chúa. Lý hình chia áo. Hai tên trộm nói chuyện với Chúa. Chúa nói với Đức Mẹ và Gioan: Ớ bà, này là con bà. Nầy là Mẹ con. Chúa phó linh hồn trong ta Chúa Cha. Trời đất biến đổi, đền thờ rúng động. Tất cả bọn chúng đều sợ hãi. Chúng xin tha tội vì tin thật Đức Giêsu là con Đ C T).
Hồi thứ II:
Nhân vật: Mấy người trước (trừ ra dân), Nicôđêmô, Giude Arimathia,
(Nội dung: Nicôđêmô xin chôn xác Chúa Giêsu, quan sai lính dùng đòng đâm Đ C G. Madalena và Đức Mẹ đau lòng. Caipha bắt chôn Chúa cùng một huyệt với 2 tên trộm. Hắn còn đòi niêm mồ Chúa để xem sau ba ngày Chúa có sống lại như lời đã nói không)
Hồi thứ III: Hạ xác
Nhân vật: Đức Mẹ, Matta, Madalenna, Thánh Nữ, Gioang, Nicodemo, Giude Arimathia
(Nội dung: Madalena, Gioang an ủi Đức Mẹ. Giude Arimathia, Nicôdêmô và Gioang lo việc hạ xác. Đoạn, Giude ôm xác Đ C G để trong lòng Đức Me. Madalenna đổ thuốc thơm, Giude đem xác Chúa vào vườn táng trong huyệt đá)
Thứ thứ mười sáu: Đ C G sống lại (tr. 153)
Lời dẫn: Thứ nầy không có lời nói, một thấy những đều sau nầy:
- Đ C G sống lại, ra khỏi huyệt, sáng láng tốt lành; quân canh hãi hùng kinh khiếp.
- Đ C G thắng trận khởi hoàn; công đồng thẹn thuồng nhuốc hổ.
- Đ C G vinh hiển oai nghi, thần thánh hát mừng: Alleluia!…
Thứ nầy là thứ sau hết và trọng tốt hơn hết, thường gọi là Thiên đàng (Apothéose):
(hát)
CHUNG
***
Ở mỗi Hồi, trước phần lời thoại của các nhân vật, có một bài thánh ca (Cantique) bằng tiếng Pháp, gồm một điệp khúc và 5 tiểu khúc. Theo chú thích ở trang 21, các kinh cùng Cantiques (Thánh ca) in trong cuốn tuồng Thương khó này, thì phần nhiều đã rút trong sách Cantiques cha A. Gravier, in tại nhà René Haton, Paris, – và nhà Procure des Frères de St Jean-de-Dieu, Paris. Khi diễn kịch, các học trò trường Latinh hát bằng tiếng Pháp.
Thí dụ: (xem phụ lục)
VỀ GIÁ TRỊ “TUỒNG THƯƠNG KHÓ” CỦA J.-B TÒNG
Bài viết: “Sau 100 năm đọc lại Tuồng Thương khó – kịch bản sân khấu hiện đại đầu tiên của người Việt” của PGS-TS Võ Văn Nhơn và Đinh Phạm Phương Thảo là một bài nghiên cứu, tổng kết, đánh giá toàn diện về Tuồng Thương khó của J.-B.Tòng cả về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật kịch bản (đd). Bài viết trình bày những luận điểm cơ bản, có giá trị nghiên cứu sau đây:
1.Tuồng Thương khó là một vở kịch có chủ đề tôn giáo, nội dung khai thác từ Kinh Thánh. Các tuyến nhân vật chủ yếu thừa hưởng từ bốn Tin Mừng (của Matthew, Mark, Luke, John). Sự sáng tạo về nhân vật làm vở kịch trở nên dày dặn và hoành tráng hơn.
2. Bao trùm tác phẩm là xung đột giữa Thiên Chúa và thế gian, giữa tình yêu và thù hận. “Đây là xung đột đóng vai trò cốt lõi của vở kịch, đồng thời cũng có ý nghĩa về mặt tư tưởng đối với niềm tin Công giáo, là mâu thuẫn mang ý nghĩa ơn cứu độ”. Trong Tuồng Thương khó, hành động kịch gần như diễn ra liên tục và ở hầu hết các tuyến nhân vật chính.
3.Tuồng Thương khó là một vở kịch hiện đại trước hết bởi hình thức hoàn toàn văn xuôi. Tác giả vận dụng triệt để ngôn ngữ bình dân Nam Bộ, khán giả từ trí thức đến người bình dân cũng có thể xem, có thể hiểu, sống động như một câu chuyện thường ngày.
4. Không lựa chọn cấu trúc của lối viết tuồng hát cũ hay kịch nói phương Tây, Nguyễn Bá Tòng lựa chọn một cấu trúc kịch rất riêng: “Dựa trên nguyên tắc của kịch cổ điển Pháp và tuồng cổ truyền thống, JB. Tòng đã hoàn thiện cấu trúc của vở Tuồng Thương khó với yêu cầu đảm bảo được các chức năng giao đãi, thắt nút, cao trào, mở nút của kịch hiện đại”
5. “Từ vở kịch này, chúng tôi muốn đặt ra một giả thuyết mới: Tuồng Thương khó có khả năng là vở kịch hiện đại viết bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên do người Việt Nam viết. Đây hẳn là một vấn đề đáng được các nhà nghiên cứu văn học và nghệ thuật sân khấu lưu tâm”.
***
Tất cả những luận điểm trên của PGS-TS Võ Văn Nhơn và Đinh Phạm Phương Thảo dựa trên “mặc định” Tuồng Thương Khó của J.-B Tòng là tác phẩm do Nguyễn Bá Tòng sáng tác. Nếu Tuồng Thương khó chỉ là tác phẩm được J.-B Tòng biên dịch hay phóng tác (như Lê Đình Bảng đã lưu ý) thì những nhận định ấy có còn nguyên giá trị? Điều này cần được xem xét cẩn trọng.
“Tuồng Thương khó” đã được dân làng Oberammergau diễn hơn 300 năm, sau đó lan tỏa nhiều nơi, đã diễn ở thành Nancy (Pháp), hẳn tác giả đã xem vở diễn này khi ông đối chiếu việc dàn dựng: “Bên Tây tập tành dọn dẹp cả năm, cả đời; mà đây có bốn năm tháng mà thôi”(Tiểu dẫn, đd). Jacques Lê Văn Đức trên tờ Nam Kỳ Địa Phận số 1748, ngày 17 Février 1943. (Tr.70) viết rằng: “Tôi có dịp xem “tuồng Thương khó” nhiều lần, khi thì ở Nancy, khi ở Oberammergau, khi thì ở Paris trước tiền đường nhà thờ Notre Dame….
Như vậy, có thể Nguyễn Bá Tòng đã xem và kế thừa kịch bản cùng cách trình diễn Tuồng Thương khó của dân làng Oberammergau để viết kịch bản này. Bằng chứng rõ ràng nhất là các bài hát mở đầu mỗi Thứ, mỗi Hồi là thánh ca J.-B. Tòng rút trong sách Cantiques cha A. Gravier, in tại nhà René Haton, Paris, – và nhà Procure des Frères de St Jean-de-Dieu, Paris. Trong kịch bản, J.-B.Tòng để nguyên tiếng Pháp, khi công diễn ca đoàn cũng hát tiếng Pháp.
Thế nghĩa là, cấu trúc tác phẩm, những Thứ, những Hồi, hệ thống nhân vật, mâu thuẫn kịch, cách dàn dựng…(có thể) đã có từ kịch bản Tuồng Thương Khó của dân làng Oberammergau. Ta không rõ J.-B.Tòng dịch lại, phóng tác hay sáng tác Tuồng Thương khó của riêng mình năm 1911 (in 1912 và diễn 1913). Ông cho biết: “Đã dọn theo sách Gẫm sư thương khó Đ.C.G và theo tuồng Thương khó đã làm tại Ober-Ammergau và tại thành Nancy”. “Dọn” có thể là soạn lại một tác phẩm đã có, để tác phẩm ấy phù hợp với đối tượng mình hướng đến. Tức là bỏ đi những chỗ không phù hợp (Thí dụ, bỏ đi cảnh bạo lực: Chúa Giêsu bị đánh đập, bị đóng đinh), thêm vào những gì cần thiết, thay đổi những cảnh, những tình huống sao cho gần gũi với người Việt (Việt hóa triệt để mọi yếu tố của kịch). Ông đặt vấn đề: “Xưa nay đất Nam Kỳ chưa thấy cuộc tốt lành thể ấy. Mà như có làm ai dám trông đặng toàn hảo như các Nước Phương Tây? Như vậy tôi thấy sẵn dịp rất trọng là lễ Ngũ Tuần Nhà trường Latinh Sài gòn sẽ làm năm tới (Avril 1913)…nên tôi mới dám ra công mà dọn tuồng này” (Tiểu dẫn-đd). (Có thể hiểu, các nước Phương Tây đã diễn tuồng này hoàn hảo rồi, mình khó mà bằng họ?).
Xét đến cùng, nội dung kịch bản tuồng Thương khó là câu chuyện đã được kể trong 4 Kinh thánh của Mattheu, Luca, Maco và Gioan. Trình tự sự việc xảy ra, không gian, thời gian, nhân vật, cả lời thoại và hành động trong kịch bản cũng đã có sẵn trong Kinh thánh. Nghĩa là những giá trị tư tưởng, nghệ thuật, giá trị tâm linh của kịch bản là giá trị của Kinh thánh. Người viết kịch bản chỉ tái khám phá, tô đậm những giá trị ấy giúp người xem kịch cảm nhận sâu sắc hơn. Dù là dân làng Ober-ammergau hay bất cứ ai khi viết kịch bản diễn lại cuộc thương khó của Đức Giêsu cũng đều phải tuân thủ nghiêm nhặt những điều đã được thuật trong Kinh thánh. Tác giả kịch bản chỉ “sáng tạo” ở những yếu tố khác.
Tôi hiểu sự đắn đo của PGS-TS Võ Văn Nhơn khi viết: “Từ vở kịch này, chúng tôi muốn đặt ra một giả thuyết mới: Tuồng Thương khó có khả năng là vở kịch hiện đại viết bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên do người Việt Nam viết” (đd). Điều này chỉ là hiện thực khi Tuồng Thương Khó là tác phẩm sáng tạo của riêng Nguyễn Bá Tòng. Nếu trái lại (Tuồng Thương khó chỉ là tác phẩm phóng tác, biên dịch), thì giả thuyết của PGS-TS Võ Văn Nhơn còn cần được nghiên cứu kỹ hơn.
NGÀY NAY ĐỌC LẠI TUỒNG THƯƠNG KHÓ CỦA J.-B TÒNG
Trên báo Nam Kỳ Địa Phận ngày 15 Mai 1913 có một bài dài của ông Giude cảm nhận khi xem Tuồng Thương khó (J.-B Tòng đăng lại trong Tiểu Tự, in lần thứ hai, kịch bản Tuồng Thương khó). Bài viết phản ánh được khá sinh động không khí náo nức xem tuồng của công chúng, các cảnh diễn và và cảm nhận những lợi ích tâm linh khi xem tuồng. Xin trích:
“…Thật tôi lấy làm rất đỗi có phước, vì đã đặng xem tuồng Thương khó, là tuồng dẫn tích Chúa cùng Đức Mẹ đã chịu thương khó vì tội chúng tôi! Tôi bởi phương xa mà đến Sài gòn, nên phải đi tàu, đi xe lửa. Khi xuống tàu, lên xe, đều thấy người ta đông nức không chỗ ngồi; hỏi lại thì rõ là bổn đạo các nơi tuôn đến mà xem tuồng Thương khó…Nhiều họ có cha sở làm đầu đem đi: ai ai đều náo nức ngóng trông cho mau tới mà xem tuồng Thương khó; vì nhựt trình đã rao trước và tiếng thiên hạ đồn rực mấy tháng nay…
…Số lần người ta xem tuồng mỗi lần độ ba bốn ngàn người…Khi vào trong rạp mà ngồi thì thấy công cuộc trần thiết rất trọng tốt xinh đẹp không cùng. Nghe nói ông Nguyễn Hữu Hào vẽ cái mặt tiền thật rất tốt và đầy những ý cao trọng…Trước mặt tiền thì có chữ đề rằng: SE MORIENS DAT IN PRETIUM: Chúa chịu chết mà chuộc tội ta…
. . . . . .
Đến lúc Đ C G vác thánh giá, thật tôi chịu không đặng, vì thấy đoàn quân dữ như muông sói vây phủ bấu xé chiên lành. Đ C G bị xô đẩy, kéo lôi, rất tất tưởi. Khi đó tôi nghe thiên hạ khóc. Có người đứng sau lưng tôi lên tiếng rằng: Quân dữ bất nhơn! Trời ôi! Chúa té xuống nữa đó…
Khi Chúa trút linh hồn, có làm chớp tứ giăng kêu ầm ầm như tiếng sấm. Khi đó quân dữ chạy về khóc lóc ăn năn, cùng xưng Đ C G thật là Đấng vô tội, cùng là con Đ C T thật. Khi người lính đâm cạnh nương long mà thấy máu chảy ra, thì có kẻ đau đớn quá mà xỉu đi, vì thấy quân dữ bất nhơn độc ác quá lẽ như vậy!…”
…
Sau hết, tôi ước ao một đều là chớ chi những Đấng có quờn có thế hiệp nhau mà lập một hội để dẫn những tích thánh cho chúng tôi xem, vì là như bài giảng rất mạnh mẽ, có sức làm cho chúng tôi động lòng ghét tội và kính mến Chúa”.
***
Bài viết phản ánh sự thành công của tuồng diễn năm 1913 ở nhiều mặt, không chỉ ở kịch bản, chẳng hạn về trang trí sân khấu, rạp hát, về các cảnh diễn của diễn viên, về phản ứng sống động của người xem và về tác động tâm linh nơi giáo dân. Bài viết cũng miêu tả được tác động mạnh mẽ của nghệ thuật diễn tuồng (kịch) trong việc loan báo Tin Mừng…
Tuy vậy, cuộc diễn tuồng Thương khó năm 1943, sau 4 đêm diễn chật nich khán giả (và hàng ngàn người không mua được vé), được cả những chức trách trong đạo, ngoài đời giúp đỡ, nhiều lời khen ngợi, đêm diễn cũng không tránh được những lời chê bai. Jacques Lê Văn Đức (người đóng vai Đ C G trong Tuồng Thương khó của J.-B Tòng năm 1913), trong bài viết “Bái biệt tuồng thương khó 1943” trên Nam Kỳ Địa Phận đã viết [[3]]:
“Thậm chí có kẻ nói:’ Thà tôi bỏ tiền đi coi hát cải lương Phụng Hảo còn ngộ hơn’. Một người có đạo mà nói được câu nói đó thì tôi hết còn biết nói làm sao nữa…Có người nói: ‘Hát dở tệ, thua hồi 1924 quá xa’…Có kẻ trách Mr Lượng gạt gẫm người ta trong sự khen các vai tuồng quá thới”…
Tôi trộm nghĩ, chuyện khen chê một tác phẩm nghệ thuật là lẽ thường. Nếu ngày nay tuồng này được diễn, (chỉ cần điều chỉnh một ít từ ngữ cho phù hợp với cách nghĩ, cách nói năng ứng xử của người hôm nay), thì giá trị của vở tuồng vẫn giữ nguyên.
Bởi vì, tác giả xây dựng được mâu thuẫn kịch căng thẳng từ đầu đến cuối (mỗi Thứ, mỗi Hồi đều có những mâu thuẫn kịch riêng, thống nhất với mâu thuẫn kịch trong toàn vở tuồng). Chất thẩm mỹ thể hiện phong phú ở nhiều Hồi, nhiều cảnh. Nhân vật được xây dựng có góc cạnh, sống động gây ấn tượng (thí dụ: Giudà, Caipha, Philatồ, Herode…); việc trình thuật, tổng hợp, trích dẫn và diễn giải Kinh thánh rất rõ ràng, thuyết phục; và đặc biệt thể hiện tư tưởng về Ơn Cứu Độ rất sâu sắc: Đức Giêsu lên Giêrusalem là để thực hiện thánh ý Chúa Cha. Ngài chịu chết để cứu rỗi nhân lọai. Không gì cản được con đường Ngài đi. Với lòng nhân hậu và xót thương, Ngài lẫm liệt đối mặt với cái ác và sự chết. Người chiến thắng mọi thế lực trần gian: cả Philatô và Herode đều không thể kết tội Ngài, trái lại họ còn được Ngài dạy bảo về chân lý. Đây là lời Philatồ: “ta đã tra hỏi phân minh mà không thấy người mắc tội gì đáng chết. Vua Herode đã tra xét trước mặt phô ông thì vua cũng đoán định như ta…”(Thứ thứ mười hai, Hồi thứ I, tr. 118). Tất cả sự dữ, bóng tối đều phải quỳ phục ăn năn. Kết thúc Tuồng Thương khó là cảnh Đức Giêsu Phục sinh vinh hiển (Thứ thứ mười sáu).
Thực hiện sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo hội, tuồng Thương khó của J.B-Tòng có giá trị đặc biệt. Đó là sự tổng hợp, trích dẫn, diễn giải Kinh thánh rất rõ ràng, thuyết phục về cuộc thương khó của Đức Giêsu; là việc dựng lại trong đời thực: không gian, thời gian, nhân vật, sự việc công cuộc Cứu Độ của Đức Giêsu; trình bày được khuynh hướng tư tưởng chính trị của thời đại dân Israel dưới triều Philatô, Herode; giúp người xem hiểu con người thực các tông đồ của Đức Giêsu và từ đó có thể rút ra những bài học tâm linh. Tác giả kịch bản, đặc biệt thành công trong cấu trúc kịch, dẫn chuyện mạch lạc, xây dựng tình huống, khai thác mâu thuẫn, viết lời thoại bình dân gần gũi với người Việt và chú ý đến các chi tiết diễn một cách tinh tế (chẳng hạn không diễn cảnh bạo lực; hoặc dùng những bài thánh ca mở đầu để gợi mở nội dung, tư tưởng của mỗi Thứ, mỗi Hồi).
Về mặt nghệ thuật, tôi nhận thấy giả thuyết của PGS-TS Võ Văn Nhơn là có cơ sở: “Tuồng Thương khó là vở kịch hiện đại viết bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên do người Việt Nam viết”.
Giả như J.-B Tòng có tham khảo tuồng Thương khó của dân Ober-ammergau trước đó, nhưng như tôi đã trình bày ở trên: Cốt truyện, nhân vật, tình huống, ngôn ngữ của tuồng Thương khó đã có trong Kinh thánh và sách Gẫm sự thương khó Đức Chúa Giêsu, nhưng khi viết thành kịch bản để diễn cho công chúng Việt Nam, tác giả J.-B.Tòng phải lao động sáng tạo (phải “dọn”) rất nhiều (thử so sánh với cách viết của Nguyễn Du khi viết Đoạn trường tân thanh, “dọn” từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân).
Tôi nghĩ, các tác giả Công giáo viết “Diễn nguyện” hôm nay có thể học được rất nhiều điều về nghệ thuật biết kịch bản từ Tuồng Thương khó của ĐGM G.B Nguyễn Bá Tòng. Tác phẩm này xứng đáng là một tác phẩm xuất sắc của văn học Công giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Tháng 9/ 2022
Bạn có thể download Tuồng Thương khó theo link:
https://www.mediafire.com/file/6gs3cv4m10w127n/Tuô_ng_thu_n_g_khó_(3e_éd_[…]Nguyê_n_Jean-Baptiste_bpt6k4227963m.pdf/file
[1] Lê Đình Bảng: “Kể chuyện Tuồng Thương khó diễn ở trường La tinh Sài gòn năm xưa” .
Võ Văn Nhơn-Đinh Phạm Phương Thảo: “Sau 100 năm đọc lại Tuồng Thương khó – kịch bản sân khấu hiện đại đầu tiên của người Việt”. Tạp chí Xưa và Nay, số tháng 6 năm 2021
[2] Vinhsơn Vũ Đình Đường: “Tuồng Thương Khó” diễn lại cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu”(14/4/2022)
http://www.cgvdt.vn/cong-giao-viet-nam/tuong-thuong-kho-dien-lai-cuoc-kho-nan-cua-chua-giesu_a14530
[3] Jacques Lê Văn Đức: Bái biệt tuồng thương khó 1943”, 3 số báo Nam Kỳ Địa Phận: số 1746 (tr. 44), số 1747(tr. 56), và số 1748 (tr.70).
______________________
PHỤ LỤC
2. Trang bìa Tuồng Thương Khó, Imprimerie de la Mission, 1923 Quynhơn (hình)
3. “Kỷ niệm Tam bách niên diễn Tuồng Thương Khó tại Oberammergau 1634-1934”. Nam Kỳ Địa Phận số 1360, năm 1934, tr. 393. (hình)
4.Jacques Lê Văn Đức: bài viết “Bái biệt tuồng thương khó 1943”. Nam Kỳ Địa Phận số 1746 (tr. 44), số 1747(tr. 56), và số 1748 (tr.70). (Hình)
Pingback: HOẠT ĐỘNG VĂN HỌC NĂM 2022 CỦA BÙI CÔNG THUẤN – CHÚT TÌNH TRI ÂM