ĐỌC, VIẾT & PHÊ BÌNH VĂN CHƯƠNG-Phần I

BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK:  buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

***

Chuyên đề dành cho người trẻ Công giáo viết văn

Chuyên luận này có 3 phần. Bạn có thể tải về để đọc cả chuyên luận theo link:

https://www.mediafire.com/file/sg2ja1a33xb1m3s/ĐỌC+VIẾT+&+PBVH-có+ảnh-the+Last+edit.pdf/file

ĐỌC, VIẾT & PHÊ BÌNH VĂN CHƯƠNG

Bùi Công Thuấn

***

PHẦN I

  1. LÝ LUẬN VĂN HỌC VÀ SÁNG TÁC VĂN CHƯƠNG

Ngồi trước trang giấy để bắt đầu sáng tác, người viết đã phải tự trả lời nhiều câu hỏi.

Viết cho ai đọc? (Đối tượng)

Viết điều gì? (Nội dung)

Viết để làm gì? (Mục đích)

Viết thế nào? (Cách viết: chọn Thi pháp, bút pháp, thể loại, kiểu cấu trúc,

                         kiểu ngôn ngữ – giọng điệu)

Cần chuẩn bị những gì để viết? (Thí dụ: lấy tư liệu, trải nghiệm…)

Những vấn đề như thế đụng chạm đến bản chất của sáng tạo văn học. Lý luận văn

học nghiên cứu những vấn đề bản chất này. Thực ra Lý luận văn học còn nghiên cứu những vấn đề phổ quát hơn, chẳng hạn: “Sáng tạo” là gì? “Cái Đẹp” là gì? “Thơ” là gì? “văn học” có cần cho cuộc đời không?

M. Gorky coi “Văn học là nhân học”. Nguyễn Đình Chiểu dùng văn học làm vũ khí (“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”). Nguyễn Du viết Truyện Kiều chỉ là để “mua vui”: “Mua vui cũng được một và trống canh”. Xuân Diệu chủ trương: “Làm thi sĩ nghĩa là ru với gió/ Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”(Cảm xúc). Sóng Hồng lại chủ trương: “Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ/ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”(Là thi sĩ). Hàn Mạc Tử nhận ra sứ mệnh của thi ca: “Thi sĩ không phải là một người thường. Với một sứ mệnh của Trời, thi sĩ phải biết đem tài năng ra ca ngợi Đấng Chí tôn và làm cho người đời thấy rõ vẻ đẹp của thơ, để đua nhau nhìn nhận và tận hưởng”(Thư gửi Trọng Miên 1939).

Vấn đề cứ rối tung lên, và gây nên những cuộc tranh cãi. Chẳng hạn: “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh” là cuộc tranh luận diễn ra trong các năm từ 1935 đến 1939. Phái “Nghệ thuật vị nhân sinh” do Hải Triều làm chủ soái và phái “Nghệ thuật vị nghệ thuật” do Hoài Thanh cầm đầu. Cuộc tranh luận này đã khởi đầu trước đó giữa nhà văn Hải Triều và nhà văn Thiếu Sơn. Hải Triều đã viết bài “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh” đáp lại Thiếu Sơn trong Tiểu thuyết thứ Bảy số 16-2-1935.

Gần chúng ta, đã có những vụ án văn học như Nhân văn Giai phẩm (1955-1958), hoặc có những tranh cãi gay gắt về Nỗi buồn chiến tranh (1990) của Bảo Ninh, Cánh đồng bất tận (2005) của Nguyễn Ngọc Tư, Bóng đè (2005) của Đỗ Hoàng Diệu, Hội thề (2010) của Nguyễn Quang Thân…

Và như vậy, văn học không còn là riêng trong phạm vi sáng tác văn chương mà văn học còn là tư tưởng, chính trị, văn hóa và cả kinh doanh (văn chương sex). Nhiều tác phẩm đã bị cấm. Các nước Hồi giáo cấm cuốn Những vần thơ của quỷ Satan (The Satanic Verses) Salman Rhusdy xuất bản năm 1988. Giáo hội Công giáo cấm cuốn Cơn cám dỗ cuối cùng của Chúa (The last temptation of Christ) của Nikos Kazantzakis (1883 – 1957) – nhà văn Hy Lạp), cấm cuốn Những con chim ẩn mình chờ chết (‘The Thorn Birds’) của Colleen McCullough xuất bản 1977. Cuốn Mật mã Davinci (The Da Vinci Code) của Dan Brown xuất bản năm 2003…Nhà nước Việt Nam cấm và tịch thu tiêu hủy nhiều tác phẩm văn chương, chẳng hạn tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn. Những cuốn Trư cuồng của Nguyễn Xuân Khánh. Cuốn Ba người khác của Tô Hoài phải 17 năm sau khi tác giả viết xong mới được xuất bản.

Ngày nay, nhiều lý thuyết văn học đã tìm cách lý giải cho những vấn đề bản chất của văn chương khi xem xét mối quan hệ Tác giả-Tác phẩm-Người đọcmội trường tinh thần (chính trị, lịch sử, văn hóa, xu thế thời đại, giao lưu văn hóa…).

Chẳng hạn,

Phương pháp phê bình tiểu sử coi tác giả là yếu tố quyết định tác phẩm, đọc tác phẩm là để hiểu tác giả, và nhiều khi tác phẩm trở thành “vật chứng” kết tội tác giả.

Các phương pháp phê bình đương đại (Phê bình mới Anh-Mỹ, phê bình Cấu trúc, Giải Cấu trúc…) lại lấy tác phẩm làm trung tâm. Tác phẩm có ý nghĩa biệt lập với tác giả (tác giả đã chết)

Lý thuyết người đọc (Reader Theory) đề cao vai trò người đọc trong vai trò đồng sáng tạo với tác giả ý nghĩa tác phẩm là do người đọc quyết định, bởi họ thuộc về một “Cộng đồng diễn dịch”, và tác phảm phải đáp ứng “tầm kỳ vọng” của người đọc.

Phê bình Marxist quan tâm ý nghĩa chính trị của văn học. Văn học có góp phần vào cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản như thế nào?

Ở Việt Nam, quan điểm của Đảng về văn chương được trình bày rõ trong Đề cương văn hóa (1943), trong báo cáo: “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam” của Trường Chinh 1948, trong Nghị quyết Trung ương 5 (1998) và Nghị quyết 23 (2008) của Bộ Chính trị:

Văn học, nghệ thuật Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế phải phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ. Phấn đấu sáng tác nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn xây dựng con người; vừa có tác dụng định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hoá – tinh thần ngày càng cao của nhân dân. Phát triển sâu rộng văn nghệ quần chúng, đồng thời với tập trung xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp…”

Trên nền tảng mỹ học mác-xít, tư tưởng Hồ Chí Minh, khuyến khích văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn của đất nước, gắn bó với cuộc sống của nhân dân, bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại; lên án, phê phán không khoan nhượng những tiêu cực, xấu xa đang cản trở sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam”.(Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị)

  1. VĂN CHƯƠNG LÀ GÌ?

Một định nghĩa đơn giản: Văn chương là nghệ thuật ngôn từ, tức là sự sáng

 tạo Cái Đẹp bằng ngôn ngữ.

            Cái Đẹp là bản chất của nghệ thuật. Nghệ thuật là sự khám phá, sáng tạo Cái Đẹp. Xin lưu ý, Cái Đẹp là một phạm trù Mỹ học. Cái đẹp là một thực tại khách quan nhưng cảm nhận cái đẹp lại hoàn toàn chủ quan. Fyodor Mikhaylovich Dostoyevsky (1821-1881) nói: “Cái đẹp cứu rỗi thế giới” (trong tiểu thuyết “Thằng ngốc”-1868). Cái đẹp là thuộc tính Người. Chỉ con Người mới cảm nhận Cái Đẹp, làm Đẹp và sáng tạo Cái đẹp.

            Âm nhạc dùng âm thanh,tiết tấu, hòa âm; Hội họa dùng màu sắc, đường nét, bố cục; nghệ thuật Múa dùng đường nét, động tác hình thể; Kiến trúc sáng tạo những cấu trúc…

            Không sáng tạo Cái Đẹp thì không phải là nghệ thuật. Ngày nay, chịu ảnh hưởng của trào lưu Hậu Hiện đại, có những quan niệm ngược lại: nghệ thuật không phải là sáng tạo Cái Đẹp. Có người làm “thơ không thơ”. Viết “văn không văn”. Nhóm Mở Miệng làm Thơ Rác, thơ Dơ, Thơ Nghĩa Địa

            Văn học Việt Nam đương đại khám phá Cái Đẹp theo quan điểm của chủ nghĩa Marx. Sự nghiệp Cách mạng là của quần chúng vô sản. Trung tâm của Mỹ học Marx-Lênin là quần chúng trong đấu tranh cách mạng. Cho nên, nhân vật chính của văn học Việt Nam là Công, nông, binh. Nhà văn xuất thân từ công, nông binh. Nội dung của văn học là những câu chuyện của công, nông, binh. Ngôn ngữ văn học là ngôn ngữ Công nông, binh. Sáng tác văn học là để cổ vũ cuộc đấu tranh cách mạng của công, nông, binh dưới sự lãnh đạo của Đảng.

            “Cái Đẹp” của Mỹ học Kitô giáo được Kinh thánh xác lập: Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo. Mọi sáng tạo của Thiên Chúa đều tốt đẹp.

Sách Sáng Thế ký chương 1 ghi rõ: sau sáu ngày sáng tạo nên vũ trụ và muôn loài: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” (St 1, 31);

Đức Giêsu là “Cái Đẹp” thiện hảo. Khi Đức Giê-su vừa chịu phép rửa xong, Người lên khỏi nước. Lúc ấy các tầng trời mở ra; Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3, 13-17). Trên Núi Tabor, Đức Giêsu “đẹp chói lòa” giữa Mô-sê và ông Ê-li-a. Lại có tiếng từ trời: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!(Mt 17, 1-9). Trên Thánh giá, khi đã hoàn tất cuộc Cứu độ nhân loại, Đức Giêsu tắt thở. Ngài thể hiện Cái Đẹp đầy uy quyền của Thiên Chúa: Và kìa, bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Đất rung đá vỡ. Mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được chỗi dậy. Sau khi Chúa chỗi dậy, các ngài ra khỏi mồ, vào thành thánh, và hiện ra với nhiều người. Thấy động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Đức Giê-su đều rất đỗi sợ hãi và nói: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa“(Mt 27, 51-54).

CÁI ĐẸP CỦA VĂN CHƯƠNG LÀ GÌ?

Cái đẹp của văn chương thể hiện trong mọi yếu tố của tác phẩm, hơn thế, còn thể hiện ở nhân cách xã hội của tác giả và ở cả thái độ tiếp nhận của người đọc.

Cái đẹp của văn chương thể hiện ở lời văn, giọng văn, nghệ thuật diễn đạt, cấu trúc tác phẩm, nhân vật, nội dung được kể, chủ đề được đặt ra, và tư tưởng tiến bộ làm nền  (tư tưởng Nhân văn, Chủ nghĩa yêu nước, Chủ nghĩa nhân đạo, Tinh thần dân tộc, Tính nhân loại, phần tích cực của các tư tưởng triết học…)

Trong các yếu tố của tác phẩm thì tư tưởng là yếu tố cốt lõi. Những nền văn học lớn là những nền văn học có tư tưởng lớn. Văn học Việt đương đại không có tư tưởng.

Ngôn ngữ văn chương có đăc trưng: đó là ngôn ngữ giao tiếp, có tính biểu cảm, tính đa nghĩa, tính hình tượng, và tính cá thể hóa (tạo phong cách). Ngôn ngữ hành chính, ngôn ngữ khoa học, ngôn ngữ báo chí, ngôn ngữ chính luận, ngôn ngữ nhật dụng chỉ có một nghĩa thông tin

Một văn bản văn chương có thể có các nghĩa sau đây

  Nghĩa thông tin Nghĩa biểu cảm
Nghĩa tường minh THÔNG TIN TƯỜNG MINH BIỂU CẢM TƯỜNG MINH
Nghĩa hàm ẩn THÔNG TIN HÀM ẨN BIỂU CẢM HÀM ẨN


            1.Nghĩa thông tin tường minh

     2. Nghĩa thông tin hàm ẩn

     3.Nghĩa biểu cảm tường minh

     4. Nghĩa biểu cảm hàm ẩn

     5. Nghĩa phản ánh hiện thực

     6. Nghĩa tư tưởng

     7. Nghĩa nghệ thuật

     8. Nghĩa của cộng đồng diễn dịch…

Một tác phẩm lớn, mỗi thời đại có thể tìm thấy những ý nghĩa mới. Lý thuyết văn học hiện đại cho rằng, nghĩa của văn bản là một sự diễn giải vô tận, mội người đọc có thể tìm thấy một ý nghĩa riêng.

SỰ SÁNG TẠO

          Sáng tạo là yếu tính của văn chương. Giá trị của một tác phẩm văn chương là ở sự sáng tạo của nhà văn. Trong truyện ngắn Đời thừa, Nam Cao viết: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có”

            Sáng tạo nghệ thuật là gì? Là làm ra “Cái Thẩm mỹ mới” (Cái Đẹp mới).

            Có thể là:

            Một giọng văn mới, thí dụ giọng thơ Nguyễn Bính và giọng thơ Phạm Tiến Duật. giọng thơ Bùi Giáng và giọng thơ Phạm Thiên Thư

Một kiểu nhân vật mới: Nam Cao có kiểu nhân vật trí thức “sống mòn”, người nông dân tha hóa. Văn học Lãng mạn trước 1945 có các kiểu nhân vật Tiểu Tư sản, cốt lõi là “Cái Tôi cá nhân” (Đoạn tuyệt của Nhất Linh, Nửa chừng xuân của Khái Hưng…); trái lại, Văn học kháng chiến sau 1945, nhân vật chính là Công, Nông, Binh trong chiến đấu và lao động, kiểu nhân vật tập thể (Tây Tiến của Quang Dũng, Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu, Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi…)

Một cách viết mới (cách cấu trúc tác phẩm, bút pháp,..): cách viết của Nam Cao, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài (Thiên Sứ)…

Một kiểu tư duy nghệ thuật mới (tư tưởng và thi pháp): tư duy dân dã của Ca dao khác tư duy thơ tư tưởng của thơ Đường. Kiểu tư duy thơ Lãng mạn (Cái Tôi) khác với tư duy thơ Thiền (tư tưởng Thiền-Mỹ học của sự im lặng), tư duy theo Chủ nghĩa Hiện thực khác với Chủ nghĩa Siêu thực…Hậu Hiện đại lật đổ những “đại tự sự” của chủ nghĩa Hiện đại…

Những nhà văn lớn là những người đem đến cho văn học thế giới tư tưởng và thi pháp mới. Chẳng hạn V. Hugo; H. Balzac; Tagore, Franz. Kafka; E. Hemingway; Lev. Tolstoi; J. P. Sartre; Alain Robbe-Grillet (1922-2008); Kim Dung sáng tạo hẳn một thế giới giang hồ trong tiểu thuyết kiếm hiệp…

THI SĨ… LÀ NHỮNG BÔNG HOA RẤT QUÝ HIẾM…” (Hàn Mạc Tử).

            Khi đọc một tác phẩm, tôi luôn tìm kiếm câu trả lời cho vấn đề: tác giả có phải là nhà thơ, nhà văn không? Nếu câu trả lời là “không”, tôi sẽ không đọc anh ta nữa.

            Vậy thế nào là một “nhà thơ”? Những phẩm chất gì tạo nên một Nhà văn”?

            Hàn Mạc Tử trong thư gửi Trọng Miên (1939) đã viết: “Thi sĩ không phải là một người thường Đức Chúa Trời phải cho ra đời một loài thứ ba nữa: loài thi sĩ. Loài này là những bông hoa rất quý và rất hiếm, sinh ra đời với một sứ mạng rất thiêng liêng…” (Hàn Mạc Tử-đd).

            Nhiều người biết mình có tài văn chương bèn làm ra dáng vẻ đặc biệt khác người. Nguyễn Tuân thì “ngông”, Bùi Giáng thì “điên”. Phạm Thiên Thư thì vào chùa tu 10 năm rồi ra.

            Đức Giáo hoàng Gioan Phao lô II gọi nghệ sĩ là “ơn gọi” của Chúa:

            Trong thư gửi nghệ sĩ năm 1999, ngài viết: “Không phải tất cả mọi người đều được gọi trở thành nghệ sĩ theo nghĩa riêng của hạn từ này.”

 “Người nghệ sĩ có một quan hệ rất đặc biệt với cái đẹp. Nói cho đúng, cái đẹp là ơn gọi Tạo Hóa đã ban cho người nghệ sĩ qua hình ảnh họ được Chúa trao cho “nén bạc nghệ thuật”. Chắc chắn, đây cũng là nén bạc phải làm cho sinh hoa kết quả, đúng theo ý nghĩa của dụ ngôn các nén bạc.

Đến đây, chúng ta đụng phải một điểm căn bản. Những ai nhận thấy nơi mình có tia sáng thần linh ấy, tức là ơn gọi làm nghệ sĩ (làm thi sĩ, văn sĩ, nhà điêu khắc, nhà kiến trúc, nhà nhiếp ảnh, nhạc sĩ,…) cũng sẽ cảm thấy mình có bổn phận không được để hoang phí tài năng ấy mà phải phát triển, để đem ra phục vụ nhân loại”.

            Yếu tính của “ơn gọi nghệ sĩ” là gì? Là:“Người nghệ sĩ có một quan hệ rất đặc biệt với cái đẹp. Nói cho đúng, cái đẹp là ơn gọi Tạo Hóa đã ban cho người nghệ sĩ”.

            Nghĩa là năng lực khám phá, cảm nhận và sáng tạo “Cái Đẹp” (tức là có“tia sáng thần linh”). Không có năng lực này thì không thể làm nghệ sĩ.

            Sáng tác là phát huy năng lực sáng tạo. Tiếp cận văn chương là khám phá Cái Đẹp của tác phẩm, khám phá năng lực sáng tạo của tác giả.

            Những người viết theo quán tình bắt chước theo những khuôn mẫu (đã có trong tiềm thức khi học văn ở Phổ thông, hoặc viết theo khuôn mẫu của những tác giả mình đã đọc, chẳng hạn, có một thời người ta viết theo cách viết của Nam Cao, và hôm nay, nhiều người đang bắt chước viết theo Nguyễn Huy Thiệp…Những người như thế chỉ là thợ thơ, thơ chữ. (Chữ của Nam Cao)

TẠI SAO NGƯỜI TA SÁNG TÁC VĂN CHƯƠNG?

Văn chương sử dụng ngôn ngữ là chất liệu, nó thực hiện các chứ năng của ngôn ngữ

            1.Ngôn ngữ là công cụ giao tiếp, văn chương cũng có chức năng giao tiếp. Trước hết đó là sự lên tiếng nói của Cái Tôi để truyền thông điệp đến người khác. Nhu cầu giao tiếp là thuộc tính xã hội của con người. Sự lên tiếng nói (diễn ngôn) là một quyền căn bản của nhân quyền. Tôi có quyền lên tiếng nói về những vấn đề của chính Tôi và những vấn đề xã hội có liên quan đến Tôi. Khi lên tiếng nói Cái Tôi được giải phóng, đồng thời nó thể hiện những khát vọng, những tham vọng. Văn chương trước hết là sự thể hiện Cái Tôi. Đọc bất cứ trang văn nào, người đọc cũng thấy Cái Tôi đứng chặn trước mặt.

                        “Dừng chân đứng lại trời, non, nước

                        Một mảnh tình riêng ta với ta

                                    (Qua Đèo Ngang-Bà Huyện Thanh Quan)

                        “Ta là Một là Riêng là thứ Nhất

                        Không có chi bè bạn nổi cùng ta

                                    (Hy Mã Lạp Sơn-Xuân Diệu)

                        “Ngày nay, cứ mỗi lần ra khỏi cửa, thật tôi không sao che giấu nổi niềm tự hào được là một người An Nam và sự kiêu hãnh được có một vị hoàng đế”(Vi hành-Nguyễn Ái Quốc)

            Tham vọng văn chương là tham vọng được lưu danh, được để đời. Phan Bội Châu làm chính trị và ông dùng văn chương làm vũ khi tuyên truyền, thể hiện tư tưởng cách mạng. Khi Việt Nam Quốc dân đảng thất bại, Nhất Linh quay về văn chương, và nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã để lại dấu ấn trong lịch sử văn học Việt.

            Những bậc thức giả chỉ coi văn chương làm phương tiện giao tiếp bởi văn chương có sức mạnh tác động trực tiếp lên tư tưởng tình cảm qua các hình tượng nghệ thuật.

“Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch
Lập thân tối hạ thị văn chương”

      (bài thơ Vịnh hòai-trong tập Tùy Viên thi thọai-của Viên Mai)

            2.Nhà văn là người nói tiếng nói thay cho một cộng đồng, nói tiếng nói thời đại của mình. Lên tiếng nói chính là sự tồn tại. Đó là sự tồn tại của lịch sử, tồn tại của một thời đại. Vì thế văn chương luôn được sử dụng để xây dựng văn hóa của thời đại, của dân tộc. Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi là tiếng nói và là sự tồn tại của dân tộc ta thế kỷ 15. Nguyễn Trãi trở thành danh nhân văn hóa của thế giới.

            3. Ngôn ngữ là tư tưởng, cũng là hành động. J.P.Sartre gọi là “nhà văn dấn thân”(écrivain engagé). Tác phẩm văn chương thực hiện hai chức năng tư tưởng và hành động một cách mạnh mẽ, bền bỉ, nhờ sự tác động của hình tượng nghệ thuật. Vì thế văn chương được dùng trong nhà trường để dạy đạo đức, chính trị, văn hóa. Văn chương được các nhà chính trị dùng làm vũ khí, được các nhà đạo đức, nhà truyền giáo dùng để giáo huấn các tín đồ. Thật dễ hiểu khi Nhà nước cấm những tác phẩm có nội dung tư tưởng độc hại, những tác phẩm phản độngđồi trụy.

            4. Văn chương còn là sự sáng tạo Cái Đẹp bằng ngôn ngữ. Con người cần Cái Đẹp. Chỉ con người mới nhận thức được Cái Đẹp, mới thưởng thức vẻ đẹp, mới khám phá Cái Đẹp và mới biết làm Đẹp. Cái Đẹp là thuộc tính Người. Loài vật không biết Cái Đẹp. Và vì thế con người cần văn chương. Quan hệ người với người cần những lời nói đẹp (lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau). Người ta cần có những hình tượng đẹp, hình tượng lý tưởng để nhìn lên và noi gương. Và con người thưởng thức cái đẹp văn chương mọi nơi, mọi lúc: đọc một truyện hay, ngâm một bài thơ hay…những truyện dân gian, thơ ca dân gian được lưu truyền khắp nơi, từ đời này sang đời khác…

            5. Ngoài ra văn chương còn có giá trị văn hóa, kinh tế và nhiều giá trị khác. J.K.Rowling là tác giả của bộ truyện Harry Potter, lúc đầu chỉ là một nhân viên nghèo bà trở thành người giàu có ở nước Anh. Chỉ riêng trong năm ngoái, Dan Brown đã kiếm được 76 triệu dollars (bản quyền Mật mã Davinci) và đẩy nhà văn nữ J.K Rowling (tác giả Harry Porter) xuống hàng thứ hai với 59 triệu dollars.

(J.K.Rowling)

                    Kết luận 1: Văn chương là nghệ thuật ngôn từ,tức là sự sáng tạo Cái Đẹp bằng ngôn từ. Đồng thời văn chương thực hiện những chức năng của ngôn ngữ (giao tiếp, tư tưởng, hành động, thẩm mỹ và cá thể hóa). Trong xã hội, văn chương được sử dụng cho những mục đích khác nhau (chính trị, tôn giáo, kinh tế, văn hóa..). Bản chất của văn chương là sự sáng tạo Cái Đẹp. Đánh mất bản chất này thì văn chương không còn là văn chương.

(Dan Brown)

Bùi Công Thuấn. Tháng 10/ 2023

___________________________________________________________________________

(Mời xem tiếp phần II:

https://buicongthuan.wordpress.com/2023/10/13/doc-viet-phe-binh-van-hoc-phan-ii/ )

Chuyên luận này có 3 phần. Bạn có thể tải bản full để đọc theo link:

https://www.mediafire.com/file/x8i5l2ufar3z8bm/ĐỌC+VIẾT+&+PBVH+-+bản+chính+thức.pdf/file

Loading

Đánh giá bài viết

1 những suy nghĩ trên “ĐỌC, VIẾT & PHÊ BÌNH VĂN CHƯƠNG-Phần I

  1. Pingback: ĐỌC, VIẾT & PHÊ BÌNH VĂN HỌC-Phần II – CHÚT TÌNH TRI ÂM

Bình luận đã được đóng lại.

call Hotline 1 0798287075 call Hotline 2 0798 287 075 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok