BÙI CÔNG THUẤN
ĐƯỜNG LÊN NÚI CÚI
Truyện dài tư liệu
***
Hội đồng Giám mục Việt Nam thăm Núi Cúi- Đức cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh, GM GP Xuân Lộc đang giới thiệu Núi Cúi với các Đức Giám mục.
CHƯƠNG 2
GẶP GỠ MÙA XUÂN
Rời khỏi thị xã, xe đi vào con đường nhỏ băng qua những cánh rừng cao su bạt ngàn xanh. Nắng dát vàng mọi nẻo. Không gian yên tĩnh và thanh khiết khiến tâm hồn con người thoát khỏi những ràng buộc mà lắng đọng những điều sâu xa.
Rồi xe đi vào vùng của những vườn cây trái tốt tươi. Nơi đây bốn mùa đều ngọt ngào hương vị của đất, của trời: Cà phê, chôm chôm, bưởi, măng cụt, mít, xoài, chuối, điều… Thiên nhiên kỳ diệu đã ban tặng cho con người bao điều quý giá để con người được sống hạnh phúc. Bất giác vang lên đâu đây Lời Chúa trong sách Sáng Thế: “Đức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác. 15 Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai.”(St 2, 4b-9.15)
Mười lăm phút sau, xe trở ra quốc lộ 20. Đức cha miên man suy nghĩ. Hai bên đường, phố xá đông vui, nhôn nhịp người đi chúc xuân, người đi chơi xa. Những chậu hoa xuân đủ màu sắc tươi thắm vẫn còn đầy ắp trong nhà, trước cửa. Hàng quán, phố thị nằm dọc hai bên đường. Phố bám theo quốc lộ, phía sau là những khu dân cư sống bằng nương rẫy.
Dọc theo quốc lộ 20 vùng Gia Kiệm là nhà thờ các giáo xứ: Hưng Bình, Ninh Phát, Thanh Sơn, Võ Dõng, Phát Hải, Kim Thượng, Phúc Nhạc, Phát Lộc, Đức Mẹ Vô Nhiễm, Gia Yên, Tân Yên, Mẫu Tâm, Bạch lâm, Đức Huy, Dốc Mơ. Nhà thờ giáo xứ nào cũng cờ hoa rực rỡ đón xuân. Vì Chúa là Chúa của mùa xuân. Thánh lễ đêm giao thừa, nhà thờ nào cũng đông đủ mọi gia đình đến để được Chúa chúc phúc (Mt 5,1-10), tạ ơn Chúa và cầu bình an năm mới. Thánh lễ Tân niên sáng mùng một là thánh lễ của sự thành tín kính thờ Thiên Chúa và niềm hy vọng Chúa sẽ ban một năm tốt lành. Vì lời Thánh vịnh viết: “hãy ký thác đường đời cho Chúa”(Tv 37, 5) và Lời Chúa dạy: “Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai, vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy”(Mt 6, 25-34)
Người Công giáo hôm nay, bốn mùa là bốn mùa hồng ân của Chúa, bốn mùa lễ hội. Các xứ đạo Công giáo dù là ở nơi nông thôn còn khó khăn hay ở thành phố, đều chăng hoa kết đèn rực rỡ khắp nơi. Từ lễ Giáng Sinh đến tết dương lịch, rồi tết âm lịch không khí lễ hội vui tươi trở thành những điểm nhấn của năm. Văn hóa Công giáo bao trùm cả không gian sinh hoạt của cộng đồng. Xóm ngõ nào cũng có băng-rôn “Mừng Chúa Giáng sinh”. “Mừng Xuân thánh ân”. Người ta đi mua sắm, du lịch vui chơi. Người Công giáo thì sống với tâm tình phó thác, tin yêu và hy vọng vào sự quan phòng của Chúa.
Các sinh họat tâm linh tôn giáo đã gần như thành nề nếp truyền thống. Tháng 5 và tháng 10 là hai tháng đặc biệt mừng kính Đức Mẹ. Khắp nơi trong giáo phận, thôn xóm nào cũng vang lên lời kinh tiếng hát trong những buổi tối đọc kinh chung rước Đức Mẹ viếng thăm nhà. Tháng 11 là tháng cầu nguyện cho các linh hồn ông bà tổ tiên với lòng hiếu thảo tri ân. Tháng 12 hướng về Ơn cứu Độ của mùa Giáng Sinh. Lễ Vọng Giáng Sinh ở các giáo xứ đề tổ chức canh thức diễn nguyện lịch sử Ơn Cứu Độ, khiến cho người giáo dân hôm nay gần gũi với lịch sử Cựu Ứớc và Tân Ước. Lễ hội Giáng Sinh kéo dài gần hết tháng Một dương lịch.
Tiếp theo đó là Tết âm lịch. Nhà nhà chuẩn bị tết ngay từ đầu tháng chạp âm lịch. Ngày mùng 2 tết dành để kính nhớ tổ tiên, ngày mùng 3 cầu nguyện cho công ăn việc làm. Trong những ngày xuân, các Cha sở, Cha phó, Ban Hành giáo và các đoàn thể đi thăm viếng các gia đình. Người Công giáo chia sẻ quà xuân cho người nghèo và làm nhiều việc từ thiện. Đó là nét đẹp của văn hóa Công giáo góp phần vào làm giàu có nền văn hóa nhân ái của dân tộc này.
Cho đến hôm nay, sau gần 500 năm, với một lịch sử nhiều lần bị bách hại, đạo Công giáo ở Việt Nam vẫn tồn tại và góp phần quan trọng vào văn hóa Việt. Một minh chứng cụ thể là chữ Quốc ngữ do các nhà truyền giáo làm ra đã tạo ra một bộ mặt văn hóa mới, làm thay đổi hẳn nền văn hóa dựa vào chữ Hán, chữ Nôm. Các kiến trúc nhà thờ, đền đài Công giáo, các lễ hội Công Giáo, lối sống bác ái Công giáo làm mới hẳn những truyền thống văn hóa tam giáo (Phật-Nho-Lão) đã có hàng ngàn năm của người Việt.
Người Công giáo hôm nay cùng với cộng đồng dân tộc đang trực tiếp bảo vệ và phát triển đất nước, bảo vệ những giá trị truyền thống trước làn sóng xâm lăng văn hóa khi mở cửa hội nhập toàn cầu hóa. Đường hướng “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã dẫn dắt giáo dân hòa nhập nhiều hơn vào cộng đồng văn hóa dân tộc. Và trong sự hiệp thông với Giáo hội toàn cầu, giáo hội Công giáo Việt Nam thực sự là những chứng nhân cho đức tin trong thế kỷ XX và XXI. Vì thế Giáo hội Việt Nam được giáo hội toàn cầu và Nhà Nước Việt Nam tôn trọng. Tầm vóc toàn cầu ấy lại thể hiện ở từng giáo xứ và ở cách sống đạo của mỗi cá nhân tín hữu khi họ tham gia vào các hoạt động mục vụ chung của giáo hội.
Chiếc xe chở đức Giám Mục giáo phận giảm tốc độ rồi quẹo vào sân nhà thờ Dốc Mơ. Đức Giám mục vẫn vừa ngắm nhìn cảnh vật vừa nghĩ suy về ơn Chúa ban cho giáo phận. Nhà thờ Dốc Mơ đẹp uy nghi, có dáng dấp của nhà thờ Chính Tòa Xuân Lộc. Khu vực nhà thờ vẫn còn nguyên vẹn trang trí ngày xuân, đẹp và khang trang. Năm 1972 cha cố Trần Đình Vận cùng cộng đoàn đã xây nhà thờ này (80m x 30m x 30m). Tháp chuông cao 65m vươn cao lên bầu trời. Thấm thoát đã hơn 40 năm với bao biến động lịch sử. Nhưng đoàn chiên Chúa mỗi ngày một đông hơn, hạt giống đức tin vẫn triển nở tốt tươi hơn.
Xe chạy vào khu nhà xứ. Cha sở Hoàng Minh Đường cùng với cha Quản Hạt Gia Kiệm Phạm Duy Liễm và quý chức Ban Hành giáo đã đứng chờ đón Đức cha. Rải rác trong sân, những người khách đến thăm nhà xứ cũng vội vàng chạy đến để được chào Đức cha giáo phận. Họ ngạc nhiên vì hôm nay là mùng 4 tết, Đức cha lại đến thăm và chúc mừng năm mới Cha sở. Họ không biết rằng giáo xứ Dốc Mơ đang bước vào năm kỷ niệm mừng Ngọc Khánh giáo xứ (1954-2014) và Đức Giám mục giáo phận đến thăm giáo xứ Dốc Mơ không phải là chuyện tình cờ.
Cách nay 60 năm, Ngày 02.11.1954, khoảng 3.000 giáo dân gốc Giáo phận Bùi Chu và Phát Diệm theo Cha Giuse Trần Đình Vận đến Đồi Mơ, cây số 81 quốc lộ 20 lập nghiệp và lập nên Giáo xứ Dốc Mơ. Cha cố Vận đã coi sóc giáo xứ này 32 năm. Cha Hoàng Minh Đường kế nhiệm. Năm nay ngài đã 77 tuổi (ngài sinh năm 1937), quá tuổi hưu nhưng ngày vẫn phục vụ Chúa trong hân hoan. Ngài tổ chức nhiều hoạt động bác ái cho giáo dân. Chẳng hạn, ngài lập khu dạy nghề may công nghiệp cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Qua 20 năm, đã đào tạo được hơn 2000 lao động cho các khu công nghiệp. Trong xứ cũng có nhà hưu dưỡng cho các cụ bà neo đơn. Nhà hưu dưỡng này được lập từ 1966 do các nữ tu dòng Con Đức Mẹ Mân Côi Chí Hòa phụ trách.
Đức Giám mục giáo phận đến thăm cha sở Dốc Mơ dịp này tuy theo truyền thống dân tộc, nhưng trong tâm ý, ngài còn dành những tình cảm đặc biệt của người chủ chăn với người Mục tử huynh đệ, những người đã sống đời dâng hiến của một mục tử như lòng Chúa mong đợi; những người đã ở giữa đoàn chiên và dẫn dắt đoàn chiên đến bên suối ngọt và đồng cỏ xanh. Năm nay đã là năm thứ 10 của sứ vụ Giám mục của Đức cha giáo phận. Người đã xây dựng Tòa Giám mục và Đại chủng viện (2008), nơi đào tạo mục tử cho đoàn chiên Chúa; đã vun đắp cho Giáo hội các Giám mục Giuse Nguyễn Năng (2009), Giám mục Tôma Aquino Vũ Đình Hiệu (2009), tấn phong Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo (2013); và còn bao dự định lớn lao trước mặt…
Phòng khách của giáo xứ Dốc Mơ là một phòng nhỏ. Giữa phòng có kê một bàn gỗ lớn và nhiều ghế đẩu. Trên tường đối diện cửa ra vào có ảnh các Đức Giáo Hoàng, ảnh các Đức Giám mục giáo phận, ảnh của cha cố Trần Đình Vận. Phía dưới là một tủ sách và tủ dựng vật dụng nhỏ trên có ảnh tượng và bình hoa.
Phòng khách đơn sơ, nhưng trang trọng. Có lẽ phản ánh phần nào phong cách sinh hoạt của Cha sở. Ngài cũng mộc mạc, giản dị, gần gũi và chân thành giữa mọi người. Buổi gặp gỡ hôm nay cũng đơn sơ và thân tình như vậy. Có Đức cha giáo phận, cha quản hạt Hạt Gia Kiệm cha sở Dốc mơ, có các ông chánh xứ Dốc mơ, có cả ông Trưởng Ban Hành giáo giáo phận tháp tùng Đức cha.
Sau khi mọi người an vị, cha sở Dốc Mơ có lời chào mừng Đức cha giáo phận cùng các vị khách. Câu chuyện xoay quanh không khí ngày tết, sinh họat mục vụ và đời sống giáo dân.
Đức cha rất vui khi biết giáo xứ Dốc Mơ vẫn giữ được những truyền thống tốt đẹp. Rồi đột ngột ngài hỏi:
-Năm nay kỷ niệm 60 năm Kim khánh giáo xứ Dốc Mơ, cha sở có định tổ chức lễ lớn không?
Cha sở Hoàng Minh Đường cười xuề xòa thưa:
-Kính thưa Đức cha, con cám ơn Đức cha đã quan tâm đến giáo xứ chúng con. Con sẽ về Tòa Giám mục để xin ý kiến Đức cha về tổ chức lễ. Con định trong dịp lễ Ngọc khánh xin Đức cha ban Phép Thêm Sức cho 171 em. Còn phần tổ chức cụ thể Ban Hành giáo và các đoàn thể trong giáo xứ đang bàn bạc để tiến hành.
Đức cha muốn đi sâu vào đời sống tâm linh của giáo xứ, ngài hỏi:
-Thế kỷ niệm 60 năm, cha sở thấy giáo xứ được những ơn đặc biệt nào không?
-Thưa Đức cha, Ơn Chúa ban cho giáo xứ thì rất nhiều, nhưng con đặc biệt tạ ơn Chúa về ơn đức tin. Số giáo dân ngày càng đông, bây giờ là hơn 12 ngàn, có lẽ là giáo xứ có số giáo dân đông nhất trong giáo hạt Gia Kiệm. Giáo xứ Dốc mơ trở thành giáo xứ mẹ của các giáo xứ Đức Long, Đức Huy và giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Nơi đây cũng ươm mầm ơn gọi đời dâng hiến của 58 Linh mục và 80 tu sĩ chủng sinh… và ơn Chúa cho con kế nhiệm cha cố Vận làm cha sở nơi này đã 28 năm, được giáo dân yêu mến và gắn bó trong mọi hoạt động mục vụ. Con định xin Đức cha con con được hưu…
Đức cha chia sẻ:
-Tuổi của cha sở là tuổi có thể hưu, nhưng là môn đệ của Chúa, làm việc của Chúa thì không thể ngưng nghỉ được giờ nào. Những “tiếng kêu” của thời đại vẫn khẩn thiết đòi hỏi chúng ta dấn thân. Cha Chevrier đã nói: “Linh mục là người bị ăn”, là tấm bánh bẻ ra cho mọi người…
Cha sở Dốc Mơ thăm dò ý Đức cha:
-Dạ thưa Đức cha, Người định giao cho con việc gì thêm nữa có phải không?
-Nếu có giao thêm việc cho cha là Chúa giao, còn Giám mục giáo phận chỉ là thừa hành ý Chúa. Tôi cảm nhận sâu xa rằng Chúa còn cần Cha cho ý muốn của Chúa, nhưng tôi chưa hình dung được cụ thể, mà chỉ biết chắc rằng cha sẽ vui vẻ dẫn dắt giáo dân cộng tác với Chúa trong việc mưu ích cho giáo hội và cho các linh hồn.
-Dạ thưa, Đức cha làm con lo lắng. Ở tuổi của con thì còn có thể làm được việc gì cho giáo hội nữa thưa Đức cha?
Đức cha cười hiền hòa:
-Thế cha không thấy đức Thánh cha Gioan XXIII à? Ngài được Chúa cất nhắc lên ngôi Giáo Hoàng lúc đã 78 tuổi. Ai cũng nghĩ rằng ngài sẽ chỉ là Giáo Hoàng một thời gian ngắn để bầu chọn một giáo hoàng mới, thế nhưng chính ngài đã triệu tập Công đồng Vaticano II, canh tân giáo hội, đưa giáo hội nhập cuộc với thời đại hôm nay. Việc Chúa muốn, Chúa sẽ làm. Tuổi của cha chắc là chưa bằng tuổi của Đức Thánh cha Gioan XXI, cho nên cha cứ yên tâm …
-Đức cha dạy vậy thì con chỉ biết xin vâng. Đức cha cần con phụ với Người việc gì thì con xin sẵn lòng.
-Đấy cũng là lời thưa “xin vâng” của Đức Mẹ ngày xưa ấy. Nhắc đến Đức Mẹ, tôi trăn trở không nguôi.
-Thưa Đức cha, là chuyện gì ạ?
-Cha sở biết đó, giáo phận hiện giờ không có trung tâm hành hương tôn kính Đức Mẹ, để kéo ơn Chúa qua tay Đức Mẹ xuống cho giáo phận và cho mọi người. Hơn 20 mẫu đất ở Russeykeo định làm trung tâm hành hương Đức Mẹ đã không thực hiện được. Nhà Nước trả lời, đó là đất quốc phòng, không thể xây dựng cơ sở tôn giáo. Chúng ta trình bày rằng, đất của giáo phận còn cách chân núi Chứa Chan 2 cây số và xung quanh núi đã có nhiều cơ sở tôn giáo như chùa chiền, cũng đâu có ảnh hưởng gì, nhưng họ vẫn từ chối. Có lẽ vùng đất ấy chưa đẹp lòng Chúa nên Chúa đòi buộc chúng ta phải đi tìm nơi khác.
-Thưa Đức cha, bây giờ người định liệu thế nào?
– Cha biết đó, trước kia giáo phận xây dựng được Trung tâm hành hương Đức Mẹ Bãi Dâu, đoàn con Mẹ có nơi tụ về tôn kính Mẹ và xin ơn bình an. Từ ngày giáo phận được tách ra để thành lập giáo phận Bà Rịa- Vũng Tàu (2005), giáo phận Xuân Lộc không có trung tâm hành hương Đức Mẹ nào nữa. Các đoàn thể con dân Xuân Lộc hàng tháng thuê xe từng đoàn, từng đoàn đi viếng Đức Mẹ Tà Pao. Có những đoàn còn đi viếng Đức Mẹ Măng Đen ở Kontum và hàng năm đi viếng Đức Mẹ La Vang ở ngoài Quảng Trị. Lòng sùng kính Đức Mẹ là một ơn đặc biệt Chúa ban cho Giáo hội, để qua Mẹ ơn Chúa đổ xuống cho chúng ta. Không có ơn Chúa thì chúng ta không thể làm được việc gì. Chúa đã dạy rằng: “vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5). Cho nên việc xây dựng một trung tâm tôn kính Đức Mẹ cho Giáo phận là một việc hết sức khẩn thiết. Gần 10 năm rồi, giáo phận trăn trở nhưng chưa thực hiện được.
-Thưa Đức cha, vậy trở ngại chính bây giờ là gì?
– Là chúng ta chưa tìm được đất để xây dựng trung tâm. Cha biết đó, đất xây dựng Trung Tâm phải đủ rộng để con cái tụ về, lại phải gần với trục lộ giao thông để thuận tiện đi lại, và nhất là đất phải có cảnh quan đẹp, trinh nguyên, không có vết tích của cái xấu, cái ác. Trong hòan cảnh khó khăn như hiện nay thì tìm đâu ra trong giáo phận một nơi như vậy.
-Thế thưa Đức cha, khi Nhà Nước từ chối mình thì họ có đề xuất cho mình nơi nào khác không?
-À, họ có đề xuất cho mình một nơi, nhưng ở rất sâu trong rừng, và là đất của nhà dòng ở Hà Nội. Nơi ấy không thể xây dựng trung tâm được vì xa trục lộ giao thông, với lại, là đất của nhà dòng.
Mọi người lặng đi một lát suy nghĩ.
Rồi bất chợt ông Chánh Tiến (ông Phạm Quang Tiến, giáo xứ Dốc Mơ) lên tiếng:
-Để chúng con dẫn Đức cha đi coi nơi này xem có được không. Đây là vùng đất mình hy vọng có thể tìm được nơi xây dựng trung tâm.
Một niềm hy vọng như bừng lên, nhưng chưa hình dung cụ thể là thế nào. Đức cha tin chắc một điều Chúa đã hứa: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho “ (Mt, 7,7)
***