ĐƯỜNG LÊN NÚI CÚI-Chương 4

ĐƯỜNG LÊN NÚI CÚI

                                           Truyện dài tư liệu

                                             Bùi Công Thuấn

***

Chương 4

NHỮNG BƯỚC CHÂN ĐẦU TIÊN

Núi Cúi nhìn từ dưới chân

Núi Cúi nhìn từ xa

***

Có tiếng chuông điện thoại reo. Tôi cầm máy. Danh bạ hiện lên chữ “Đức cha”, tôi vội thưa:

-Thưa! Đức cha gọi con?

Tiếng Đức cha quen thuộc:

-Thầy có rãnh không, ngày mai đi với Đức cha lên Núi Cúi?

-Dạ, thưa Đức cha, mình đi lúc mấy giờ, xin cho con biết để con chuẩn bị?

-Tám giờ, thầy sang Tòa Giám mục, có xe đưa thầy đi.

-Dạ, tám giờ sáng mai con sang. Con cám ơn Đức cha.

-Được lắm, ngày mai gặp thầy nhá.

Đây là lần thứ ba tôi được Đức cha gọi đi theo ngài lên Núi Cúi. Mục đích là để tôi ghi nhận tư liệu, sau này cần, có dịp thì viết.

Lần trước cùng với nhiều đoàn thể đi thăm Núi Cúi, chúng tôi chỉ đứng dưới chân đồi nhìn lên, chưa có đường lên núi. Cũng mới chỉ biết rất ít về Núi Cúi. Có thông tin rằng giáo phận chọn Núi Cúi để xây dựng Trung tâm hành hương Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Đứng trên núi nhìn ra xa, không gian xanh tit tắp. Một bên là hồ Trị An mênh mông, một bên là những cánh vườn rẫy chạy dài từ Thống Nhất đến La Ngà. Nơi này sơn thủy hữu tình, xây đài Đức Mẹ thì rất tuyệt. Nhưng Núi Cúi giờ còn hoang sơ. Để thành một Trung tâm hành hương thì còn phải bao công sức và thời gian. Chưa ai có thể hình dung ra và cũng chưa rõ giáo phận sẽ thực hiện như thế nào.

Lần thứ hai đi thăm Núi Cúi với Đức cha, chúng tôi đã lên được đến đỉnh núi. Tháp tùng Đức cha có cha cố Hoàng Minh Đường, cha quản hạt Gia Kiệm Phạm Duy Liễm, các ông chánh giáo xứ Dốc Mơ và ông Trưởng Ban Hành giáo- giáo phận. Cha quản hạt tay cầm bản đồ khu đất hướng dẫn Đức cha những phần đất mà giáo phận đã mua được. Hình như là 13 mẫu. Ngài đứng quan sát bốn hướng. Đỉnh núi mặt bằng còn hẹp, mới chỉ chẻ được một ít khối đá lớn. Rồi Đức cha dẫn mọi người đi từ đồi này sang đồi kia. Đường đi cheo leo, gió lộng, nhìn xuống thấy rợn ngợp.

Đức cha chỉ cho mọi người chỗ này định đặt tượng đài Đức Mẹ, phía đồi bên kia làm nhà nguyện Thánh thể. Tôi phục ngài ở khả năng đọc bản đồ địa hình với những vòng tròn lớn nhỏ chằng chịt. Trông Đức cha chẳng khác gì một nhà thiết kế và xây dựng, ít ra là những ý tưởng về xây dựng ban đầu, trước khi một công ty thiết kế khảo sát, đo đạc và vẽ bản đồ khu vực Trung tâm.

Đức cha mặc sơ mi trắng, quần tây đen, ngài đeo một chuỗi tràng hạt lớn trước ngực, đầu đội nón dạ (bérét) đen. Nhìn Đức cha đi lại, quan sát, hoạch định, tôi thấy ngài năng động, trẻ trung, có tầm nhìn rất xa và sự dấn thân mạnh mẽ trước một công trình mới. Rồi đây, Đức cha sẽ kéo cả đoàn tàu giáo phận theo ngài, đem tất cả nhiệt tình, công sức xây dựng Trung tâm này trong hồng ân của Chúa và sự bầu cử của Đức Mẹ.

***

Xe khởi hành từ Tòa Giám mục, ghé nhà xứ Dốc Mơ đón cha cố Đường, cha Quản Hạt Phạm Duy Liễm và quý chức Ban Hành giáo giáo xứ Dốc Mơ rồi đi Núi Cúi. Hôm nay cha cố Đường mặc sơ mi trắng quần đen, áo bỏ ngoài quần, chân đi dép nhựa, phong thái đích thực một ông già nông dân. Cái cách cha đón tiếp, nói chuyện cũng gần gũi thân thiện, như một người nông dân chân chất hiền lành. Cha Quản Hạt mặc áo sơ mi cổ cồn, kiểu áo sơ mi có đai ở gấu áo bỏ ngoài quần. Ông Trưởng Ban Hành giáo người dong dỏng, mặc sơ mi xanh quần đen, đội nón kết trắng, lúc nào cũng theo sát Đức cha. Ông chánh Tiến (Trưởng Ban Hành giáo Dốc Mơ) mặc sơ mi sọc đứng, dài tay, dáng bệ vệ nhưng rắn chắc. Hình như mọi người biết rằng đây là lúc lặn lội lên núi, leo dốc, lầm lũi với đất cát nên chuẩn bị một bộ vó của những người thám hiểm, khác với sự trang trong trong những ngày lễ.

Rời nhà xứ, xe chạy vào con đường “cô Tin”. Vì lần đầu đi đường này, tôi hết sức ngạc nhiên. Con đường vừa mới làm, còn dang dở. Phía đầu đường, hai bên đường vừa mới được đập bỏ bờ tường, dời hàng rào. Ông chánh Tiến giới thiệu:

-Đây là đường “cô Tin”, tên một người có nhiều đất ở Dốc Mơ, giáo dân hai bên khi biết giáo phận mở đường lên Núi Cúi, họ tự nguyện hiến mỗi bên 2m để mở rộng đường. Con đường dày khoảng 2km.

Ông Trưởng Ban Hành giáo-giáo phận tiếp lời:

– Cái xóm này là xóm cô Tin. Đường đó bắt đầu từ ngoài chỗ Dốc Mơ phía dưới, đi ra tới cái cầu thôi, đường tới đấy đã có sẵn rồi, đường dân ra trại heo gì đó. Đến cái cầu là hết. Đường Cô Tin khởi sự là từ cha cố Đường. Khi mà mình được chấp thuận thành lập Trung tâm hành hương Đức Mẹ Vô Nhiễm Núi Cúi rồi, cha cố Đường với ông Chánh Tiến đây mới đi ngắm đường, sẽ chạy qua các cái vườn để mà mở nối tiếp từ cái cầu vào Trung tâm Đức Mẹ Núi Cúi. Khi ấy thì cha cố Đường mới đi vận động các hộ dân ở bên đó để họ dâng đất. Có nhà thì cắt thửa đất ra làm đôi, có nhà thì một vài mét đất. Họ dâng cho tất cả là 9 mét để làm đường. Đoạn đầu đường mỗi bên cho 2m.

Xe đi tiếp, trước mặt chúng tôi là một con đường đất vừa mở. Lòng đường, đất còn đỏ au. Xe ủi đất mới chỉ ủi phẳng mặt đường, đất còn ùn lên hai bên đường. Con đường dài thẳng tắp, có lúc lên dốc xuống đèo. Vì là đường đất nên có lúc rất bụi. Trên đường những chiếc xe ủi, xe múc đất, xe lu, xe tưới nước vẫn đang lăn bánh hối hả và nhiều công nhân đang làm việc. Tôi hỏi:

-Con đường này mình làm hay Nhà Nước làm, thưa ông chánh?

Ông Chánh Tiến giải thích:

-Con đường này mình làm, vừa mới đây thôi.

-Đất làm đường mình mua hay thế nào, thưa ông?

-Dân tự nguyện cho mỗi bên 12m để làm đường, dù là đường cắt ngang vườn rẫy của họ.

Tôi vô cùng kinh ngạc và thán phục tinh thần hiệp thông của giáo dân Dốc Mơ trong việc xây dựng Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Núi Cúi mà cụ thể là tự nguyện đóng góp đất đai, sức người để làm con đường này. Bây giờ, ở đâu, tấc đất cũng là tấc vàng, vậy mà giáo dân sẵn sàng hiến đất làm đường lên Đức Mẹ Núi Cúi. Có người còn hiến cả xe lu, xe múc đất nữa. Nói sao hết được tấm lòng yêu mến Mẹ và sự gắn bó với giáo phận.

Xe chạy đến chân Núi Cúi. Một mặt bằng rộng lớn hiện ra. Trước kia nơi đây là vười đìu, vườn soài, không có lối đi, giờ đã được san ủi sạch sẽ, sẽ là một “quảng trường” rất rộng chờ đón mọi người. Tôi không tin được trong một thời gian ngắn, giáo phận đã làm được nhiều việc lớn như vậy.

Xe theo đường đất mới ủi, dốc ngược lên Núi Cúi. Nơi một ngọn đồi nhỏ, thấp, xe ủi cũng đang ủi mặt bằng, tôi không rõ nơi ấy rồi sẽ để làm gì. Sau những vòng cua hẹp, xe đã có thể vọt hẳn lên đỉnh Núi Cúi. Nơi đây giờ đã hiện ra hai khu đất rộng đang chuẩn bị làm nhà, bởi tôi thấy nhiều khung sắt và thợ xây dựng đang làm việc.

Mọi người xuống xe. Cha Quản Hạt và cha Cố Đường lại dẫn Đức cha đi xem xét mặt bằng đã san ủi trên đỉnh Núi Cúi. Giờ đây đã có thể nhìn thấy con đường đất đỏ mới ủi chạy về Dốc Mơ. Và dưới kia, xe ủi, xe lu đang làm con đường dưới bờ hồ. Những đường nét đầu tiên của Núi Cúi đã hình thành. Tiến độ thi công nhanh thật. Mới chỉ sau vài lần lên thăm Núi Cúi tôi đã thấy bộ mặt Núi Cúi thay đổi hàng ngày.

Xe lần trở xuống chạy ra bờ hồ. Con đường bờ hồ quanh Núi Cúi đang được san ủi. Bãi đỗ xe là những triền đất bờ hồ cũng đang được đổ đất cho bằng phẳng. Cơ ngơi thật quy mô và ngăn nắp. Tư duy xây dựng của giáo phận Xuân Lộc thật lớn lao và khoa học. Bước thứ nhất là đất mặt bằng và làm đường. Tất cả đã đâu vào đấy. Quả là những việc lớn lao ngoài sức tưởng tượng của một người bình thường. Tôi không sao lý giải được làm cách nào trong một thời gian ngắn giáo phận lại có thể tiến hành đồng bộ nhiều công việc như thế, hình như mọi việc đều tốt đẹp, không thấy dấu tích trở ngại.

Làm đường Cô Tin vào Núi Cúi

(Đường Cô Tin đang làm)

***

Xe trở về nhà xứ Dốc Mơ. Hôm nay cha cố Đường “đãi” cơm Đức cha và mọi người, cũng chỉ có bốn, năm bàn ăn đơn sơ như một bữa cơm gia đình ngày thường. Trong phần nghi thức, cha cố Đường và giáo xứ Dốc Mơ tặng hoa Đức cha nhân dịp kỷ niệm thụ phong linh mục sắp tới của ngài. Đức cha cũng tặng hoa và chúc mừng kỷ niệm thụ phong linh mục của cha cố Đường. Hóa ra hai vị cùng một ngày thụ phong 29.04. Cha Cố Đường năm 1965, còn Đức cha năm 1966 tại nhà thờ Chính Tòa Sài Gòn. Tình thân của các ngài là vậy.

Cha cố Đường ngồi một chút với Đức cha rồi ngài đứng lên đi chào và tiếp khách ở các bàn.

Tôi ngồi cạnh Đức cha, tất nhiên là mình phải hết sức giữ ý tứ. Nhưng Đức cha chỉ ăn qua loa, còn ngài nói chuyện hỏi thăm từng người trong bàn về công việc.

Cha Quản Hạt và ông chánh Tiến thưa với ngài về việc mua lại đất cho trung tâm. Ông Trưởng Ban Hành giáo chia sẻ với Đức cha về việc giấy tờ xin phép.

Tôi chẳng biết gì, chỉ lặng im nghe và quan sát. Tôi thấy Đức cha ăn uống rất đơn giản. Một chén rau, rồi một chén canh và một chút cơm. Tôi nghĩ, Đức cha đang thực hiện chế độ ăn kiêng. Nếu vậy thì ngài lấy đâu sức khỏe để làm việc? Trách nhiệm với giáo phận như núi chất trên vai.

Trong khi tôi mải nghĩ ngợi, Đức cha luôn tay gắp thức ăn cho mọi người. Tôi thấy rất rõ niềm hân hoan, tin tưởng của Đức cha với quý cha và quý chức nơi đây. Phong cách của Đức cha là vậy. Ngài chỉ ăn chút ít rồi đứng dậy đi đến các bàn để chào thăm mọi người. Ai cũng vui mừng.

Đức cha kể. Có lần Tòa Giám mục tổ chức lễ, có tiệc liên hoan. Quan khách có các chức sắc chính quyền. Các vị ấy thấy Đức cha đi từng bàn tiếp giáo dân, họ ngạc nhiên hỏi:

-Sao cụ Giám Mục lại đi đến từng bàn chào mọi người vậy? Họ là giáo dân dưới quyền của cụ Giám Mục cơ mà?

Đức cha vui vẻ trả lời:

-Giám Mục là để phục vụ mọi người, nhất là những người bé nhỏ, nghèo khó và khốn khổ.  Cũng như các vị hay nói: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Giám Mục là người phục vụ cộng đoàn. Giám Mục làm mọi việc là làm cho cộng đoàn, và  mọi việc của giáo hội là của cộng đoàn, mọi người chung tay góp sức làm.

Hình như nghe Đức cha nói vậy, họ ngộ ra được điều gì đó mà họ đã quên từ lâu (?).

Chuyến đi này tôi có may mắn tìm hiểu được một vài vấn đề về xây dựng Trung tâm hành hương Đức Mẹ Núi Cúi trong thời gian vừa qua.

Cha Đường tặng hoa

Cha cố Giuse Hoàng Minh Đường tặng hoa Đức cha Đaminh

***

Trong lúc trò truyện, tôi hỏi Đức cha:

-Thưa Đức cha, sau khi quan sát từ ba địa điểm và khoanh vùng chọn điểm, Đức cha và giáo phận quyết định như thế nào?

Đức cha Đa Minh nhớ lại:

– Đức cha với Ban Tư vấn quyết định lấy cái chỗ đó, tức là Núi Cúi ấy và xây dựng Trung tâm hành hương Đức Mẹ ở đó. Về phía giáo phận, cuộc họp Hội đồng Linh mục giáo phận mùa xuân 2014 cũng xin Đức cha xây dựng Trung tâm hành hương tôn kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyễn Tội tại Núi Cúi.

Đức cha phân tích:

-Thế tại sao mình lại chọn nơi này để xây dựng trung tâm? Cái thuận lợi thứ nhất, đó là nơi sơn thủy hữu tình. Một vùng đất trinh nguyên, tĩnh lặng, rất phù hợp để làm nơi tôn kính thiêng liêng và tĩnh tâm cầu nguyện. Cái thứ hai là, xung quanh Núi Cúi là vùng đất của giáo dân, mình có thể thương lượng để sang lại, bởi Trung tâm, ngoài các diện tích xây dựng còn cần một quảng trường rộng, vùng này mình có thể tìm được. Thứ ba là, Núi Cúi khá gần quốc lộ 20, chỉ cách khoảng 800 mét, việc đi lại hành hương sau này của giáo dân khắp nơi là rất là thuận tiện. Thứ tư là, Núi Cúi nằm ở gần giáo xứ Dốc Mơ, mọi việc giáo phận có thể nhờ cha cố Đường, Ban Hành giáo Dốc Mơ cùng với các giáo xứ thuộc Hạt Gia Kiệm xung quanh hỗ trợ. Lòng nhiệt thành với việc Chúa và lòng tôn kính Đức Mẹ trong giáo dân sẽ có dịp triển nở thành hành động tích cực.

Rồi Đức cha có vẻ ưu tư:

-Vấn đề còn lại là, không biết Nhà Nước có coi đây là vùng đất quốc phòng như đất ở Russeykeo không, và vì thế, điều quan trọng nữa là, Nhà Nước sẽ cho phép mình làm đến đâu. Những cái đó mình còn đang thăm dò.

Tôi hình dung ra bao nhiêu công việc rồi đây giáo phận sẽ phải làm nếu xây Trung tâm. Tôi đặt vấn đề:

-Khi dự định xây Trung tâm tại đây, mình đã có lường trước cái khả năng của mình không thưa Đức cha? Thí dụ, khả năng xây dựng và phát triển Trung tâm trở thành một nơi hành hương có tầm vóc quốc gia và tầm vóc thế kỷ? Hay khả năng quản lý cơ sở, khả năng tài chính, khả năng tổ chức các hoạt động của trung tâm, khả năng nhân sự cho tất cả các công việc không? Tất cả những cái đó, Đức cha và Hội đồng Linh mục giáo phận lúc đó đã có bàn đến chưa? Thưa Đức cha?

-Chưa. Ngay khi mình quyết định thì cũng chưa chắc gì Nhà Nước đã cho mình nhá, nhưng mà mình chỉ có một cái ý này: Nếu được, thì chúng ta sẽ làm Trung tâm. Nếu không được thì mình sẽ giãn dân ra. Cái khu vực này thì quá đông dân rồi. Với cái ý định như vậy, mình cứ tiến hành…

-Thưa Đức cha, những công việc ban đầu của Trung tâm như mua đất, tổ chức bộ khung xây dựng rồi tiến hành làm đường, Giáo phận giao cho ai chịu trách nhiệm?

Đức cha nhìn về cha cố Đường, ngài nói:

-Giáo phận nhờ cậy cha cố Đường , cha Quản hạt Gia Kiệm và quý chức Ban Hành giáo Dốc Mơ.

Rồi Đức cha chia sẻ những điều như là huyền nhiệm:

-Chuyện này thì có nhiều điều hấp dẫn nhưng cũng không ít khó khăn. Thí dụ đất Núi Cúi, là do một người dâng hiến. Hồi xưa, nghe nói ông ấy là Việt Kiều Cambuchia hồi hương, ông ở dưới lòng hồ. Chỗ giáo xứ Thánh Tâm bị chìm, giờ không còn. Trong một giấc chiêm bao, ông thấy nhà thờ bị chìm phá như thế đó. Ông ấy lại mơ, Đức Mẹ bảo ông rằng, Đức Mẹ muốn lên trên chỗ kia ở, tức là trên đỉnh núi. Nhưng lúc bấy giờ ông ấy không giám nói với ai cả, và cũng chẳng biết nói với ai. Ông chỉ giữ kín tâm sự. Khi mà cha cố dẫn người dẫn đến hỏi đất, thì ông ấy dâng đất cho giáo phận, không lấy gì hết.

Đức cha nhấn mạnh điều này:

-Và mảnh đất đó sao nó lạ như thế này là, về sau, chính chỗ đó, mình làm nhà nguyện Thánh Thể. Rồi từ nhà nguyện Thánh Thể sinh ra biết bao nhiêu ơn lành Chúa ban cho công việc xây dựng Trung Tâm. Bây giờ nhà Thánh Thể làm tạm đã dời đi, thì đài Đức Mẹ lại xây đúng ở đó, đúng cái ý của ông ấy là Đức Mẹ muốn được ở trên núi.

Đức cha đắn đo:

-Chuyện giấc mơ của người hiến đất Núi Cúi, Đức cha chỉ nghe kể lại. Người ấy là thật, đất hiến cũng là thật, nơi làm nhà nguyện Thánh Thể tạm cũng là thật, và nơi xây đài Đức Mẹ cũng là thật. Và từ nhà nguyện Thánh Thể ơn Chúa tuôn để xuống cho giáo phận, chắc chắn đó là điều huyền nhiệm trong sự quan phòng của Chúa và sự bầu cử của Đức Mẹ, không phải là chuyện tình cờ.

Đức cha quay sang ông chánh Tiến:

-Đấy là những gì Đức cha được biết, còn việc cụ thể, thì cha cố Đường và ông chánh đây rõ hơn Đức cha.

Ông chánh Tiến thưa với Đức cha:

-Con cám ơn Đức cha và giáo phận đã cho Cha cố chúng con và chúng con được tham dự vào công việc lớn lao của giáo phận từ những bước ban đầu. Thưa Đức cha, ngay khi tiếp nhận được quyết định của Tòa Giám mục, cha cố  cùng với cha Quản Hạt cho mời con để bàn bạc thực hiện ý nguyện của giáo phận. Cha cố giao cho con đi tìm hiểu đất cát vùng xung quanh Núi Cúi, đất của ai, và thăm dò xem ý kiến của họ thế nào, sau đó các ngài sẽ xin ý kiến Tòa Giám mục thực hiện.

Người trò chuyện:

-Thế ông chánh làm sao biết được đất của ai để mà liên hệ, hơn nữa đất vườn của người ta đang canh tác, nguồn sống của người ta, nhượng lại cho mình thì họ sống bằng gì.

Đức cha nói:

-Đấy mới là vấn đề, và ông chánh chính là người thực hiện ý Chúa. Ông chánh có nhiều ưu thế. Ông sống ở đây từ nhỏ, quen biết nhiều, lại làm trong Ban Hành giáo nhiều năm nên có sự thân tình rất rộng. Hơn nữa ông chánh là người rất khéo léo nên dễ thuyết phục người ta, có phải không ông chánh?

Ông chánh e dè thưa:

-Thưa Đức cha, đúng là con sống ở đây từ nhỏ nên biết hầu hết dân ở đây. Dốc Mơ là một xứ đạo toàn tòng, lòng đạo rất nhiệt thành. Nên khi con gặp gỡ và trình bày dự định của giáo phận là xây dựng Trung tâm hành hương Đức Mẹ ở Núi Cúi thì ai cũng hân hoan và sẵn lòng cộng tác.

Tôi biết vấn đề đất cát là không dễ dàng:

-Ông chánh có gặp khó khăn gì khi thương lượng mua không?

Ông Tiến vẫn hân hoan:

-Lúc đầu gặp anh Toàn anh cũng có hai mươi mấy mẫu ở đấy. Anh cứ nói người ta bên Tòa Giám Mục không mua, vì giấy tờ không ấy được. Nhưng mà rồi con cũng cố gắng đến các gia đình, cứ nói mua cho Tòa Giám Mục là họ cũng sẵn sàng. Họ bán. Lúc đầu cũng dễ dàng, về sau cũng có một số người họ biết mình làm đường, họ đòi giá cao hơn. Rồi sau khi mua được những cái người đấy rồi, mới bắt đầu mở rộng. Lúc đầu Đức cha cũng định mua 17 héc ta để đưa Đức Mẹ lên núi cao thôi. Nhưng mà rồi đến sau mua được, Nhà Nước cho phép, xuống đường bờ hồ thì bờ hồ đẹp quá, Đức cha bảo vậy mua thêm. Mua vào được bốn mươi mấy héc ta. Rồi cha Quản Hạt với con đi mua mấy chục mẫu của cái anh Toàn, vâng, 27 mẫu. Mua được cái anh đấy nữa mới bắt đầu mở mang rộng ra, làm đường.

Đức cha chia sẻ thêm:

-Ông Toàn là chủ đất hai mươi mấy mẫu. Ông ấy bán cho mình, chỗ bây giờ làm nhà đón tiếp đó, ngay bên ngoài. Lúc đó ông ấy khai thác đất để bán. Ông ấy san núi, bây giờ nó còn lại cái vết tích. Ông ta cứ vạt, vạt núi xuống, lấy đất để bán. Nhưng rồi người ta không chịu. Nhà Nước cấm ông ta. Vì thế nên gặp lúc tôi đang đi tìm đất, ông ấy bán luôn. Ông ta có hai mươi mấy héc ta gì đó. Đức cha trả 25 tỷ. Ông để lại cho cả xe cuốc xe gì gì đó. Lúc bấy giờ mình đâu có nhiều tiền. Ban cố vấn bảo, thôi Đức cha đừng có mua vội, cứ để đó, từ từ, rồi tính. Sau ông ấy hạ xuống 11, 5 tỷ. Đất cái phía mà bây giờ mình vào bờ hồ. Lúc bây giờ nó đâu có đường đâu. Tất cả chỉ là hoang. Khi có đất mình mới cày mở đường.

Cha Quản Hạt nghiêng người về phía Đức cha, ngài nói vừa đủ nghe:

-Thưa Đức cha, bây giờ người ta đòi tăng giá cao lắm, không như lúc đầu đâu ạ. Chúng con cũng chỉ mua thêm được vài héc ta thôi thì đã hết tiền.

Tôi hỏi ông Tiến:

-Thế ông Chánh tiến hành công việc thế nào?

Ông Tiến chân thành:

– Em cứ phải đi vận động trước, đến từng nhà trao đổi. Khi họ đồng ý, thì mới gọi họ gặp cha Quản Hạt để thương lượng giá tiền. Lúc trước, chỗ 47 mẫu, em cứ đến gia đình họ, lúc bấy giờ nó còn dễ, thì thỏa thuận giá bao nhiêu tiền. Nếu họ chịu nhận tiền thì em hẹn với họ 2 giờ chiều vào nhà xứ gặp cha cố để làm giấy tờ và nhận tiền. Giai đoạn sau, cha Quản Hạt cũng cho em đi trước, thỏa thuận với họ. Nếu họ đồng ý bán, cha Quản Hạt ngài sẽ đến. Khoảng 6, 7 giờ tối, hai cha con đi đến gia đình họ. Có tiếng nói của cha Quản Hạt, họ nể trọng hơn

– Ông chánh mua được tất cả bao nhiêu mẫu cho giáo phận?

– Lúc trước mua được 47 hécta, sau đi với cha Quản Hạt mua thêm được ba mươi mấy mẫu nữa. Mua xuống bờ hồ rồi mới mở con đường quanh hồ.

– Thế làm thế nào để ông biết đất của ai, và lúc mua rồi, làm thế nào để xác định ranh giới đất?

Ông chánh Tiến nói một điều mà tôi không nghĩ ra được:

– Nhờ quen biết nên em có được xem bản đồ địa chính, nhờ thế em biết đất ấy của ai. Mình gặp họ thương lượng. Khi xác định đúng tên họ là chủ thửa đất, mình thỏa thuận tiền bạc, rồi cứ theo cái bản đồ ấy mà xác định ranh giới. Sau này bên địa chính họ hỏi chỗ này chỗ kia, em bảo những chỗ này tôi mua rồi. Xong rồi mới làm con đường dưới hồ.

Mua đất đã khó, còn có việc khó hơn, tôi hỏi:

-Mình làm giấy tờ như thế nào, thưa ông?

– Lúc làm giấy tờ, chúng em chỉ làm giấy tay.

-Làm giấy tay thì làm sao xin chính quyền công nhận mình được?

– Sau họ làm giấy hiến cho Tòa Giám Mục. Phần giấy tờ tiếp theo thì Tòa Giám mục làm việc với cấp trên.

Tôi chưa rõ cụ thể đến nay giáo phận đã mua được bao nhiêu héc ta để có thể thực hiện được trung tâm:

-Thưa Đức cha, giáo phận đã có được bao nhiêu hécta?

-Khoảng hơn một trăm hécta, nhưng Nhà Nước mới chỉ cho phép xây dựng trong phạm vi 13 héc ta.

 

_____________

Loading

Đánh giá bài viết
call Hotline 1 0798287075 call Hotline 2 0798 287 075 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok