ĐƯỜNG LÊN NÚI CÚI
Truyện dài tư liệu
Bùi Công Thuấn
(Núi Cúi ngày lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng trung tâm hành hương)
Đường lên Núi Cúi -Chương 5
CON ĐƯỜNG GIAN NAN
Việc tìm được đất làm Trung tâm tôn kính Đức Mẹ là một ơn đặc biệt, là niềm vui và hy vọng của cả Giáo phận. Nhưng con đường phía trước còn rất dài. Chưa thể lường hết được khó khăn về mọi mặt. Trong khi khai phá vùng đất hoang Giáo phận vừa mua được, việc thứ nhất phải làm là xin phép để chính quyền giao đất và cấp phép xây dựng. Hẳn nhiên ai cũng biết Nhà nước luôn rất thận trọng trong việc giao đất cho tôn giáo.
Đức cha chia sẻ:
-Tất cả hồ sơ đều phải gửi về tỉnh, mà tỉnh thì họ vẫn ngại vấn đề trung tâm, nơi tập họp đông người. Bởi vì họ khó giữ an ninh trật tự, mà an ninh chính trị là nhiệm vụ hàng đầu, cho nên họ không chấp thuận. Họ nói rằng đất ở trên đó là đất quốc phòng. Mình đã có kinh nghiệm đất trên Russeykeo. Nghe nói chỗ Núi Cúi là đất quốc phòng thì mình liên hệ ngay với quân khu 7. Bởi Quân Khu 7 là đơn vị quân đội bao quát khu vực đó. Khi hồ sơ đã gửi đi, mình được Quân khu 7 trả lời đó không phải là đất quốc phòng, mà chỉ là điểm tọa độ cao pháo binh. Rất mừng. Họ chấp thuận cho 22 hécta. Như vậy Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thay Bộ Chính trị, cũng đã chấp thuận cho mình 22 héc ta. Mình có được thuận lợi đó.
Căn cứ vào ý kiến của hai cấp có thẩm quyền trên, Tỉnh mới chấp thuận cho mình gần 5 héc ta. Nhưng mà, lúc đó mình cũng chưa biết đất thực là thế nào, vì họ chấp thuận trên bản đồ. Khi mình kiểm tra thực địa thì hầu hết là đất sườn đồi và thung lũng. Không thể xây dựng được. Biết làm thế nào bây giờ? Thôi, Tỉnh đã cho vậy, thì cứ nhận, rồi xin tiếp. Bởi ngay cả 5 hecta là đất bằng thì cũng chưa đủ để xây dựng những cơ sở tối thiểu của Trung tâm.
Người trò chuyện
-Thưa Đức cha, đến nay Tỉnh đã chấp thuận cho mình được bao nhiêu héc ta tất cả.
Đức cha giải thích:
-Mình cứ kiên trì xin và trình bày để họ hiểu rõ về công việc của mình, đến nay Tỉnh đã chấp thuận cho mình 13, 627 hecta đất để xây dựng Trung tâm.
-Và Đức cha cho khởi công xây dựng ngay?
-Thầy thấy đó, từ khi mình tìm được đất ở Núi Cúi đến nay phải đã mất 4 năm mới có thể bắt đầu xây dựng, vì thế Giáo phận quyết định làm ngay.
-Nhưng thưa Đức cha, lúc mình làm Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Trung tâm (2015) thì mình đã được chấp thuận 13,627 héc ta chưa?
-Lúc ấy mình chỉ được cấp 4, 43 hécta thôi.
Rồi Đức cha nói với niềm hân hoan xác tín:
-Còn gian nan lắm, nhưng việc Chúa muốn thì Chúa làm và Đức Mẹ dẫn dắt.
Tôi chia sẻ ý nguyện của Đức cha. Người luôn có niềm xác tín như vậy. Tôi lại nghĩ, việc giao tiếp với chính quyền để xin phép chắc phải do bộ phận hành chính của Tòa Giám mục thực hiện, nhưng cụ thể là ai nhận trọng trách này. Tôi hỏi Đức cha:
– Việc liên hệ với chính quyền để xin phép, Giáo phận giao cho ai làm, thưa Đức cha?
Đức cha cho biết:
-Người trực tiếp lo việc này là ông Trưởng Ban Hành giáo – Giáo phận, ông Nguyễn Văn Chiến. Ông ấy là cầu nối giữa mình với Chính quyền. Một đàng ông hiểu công việc của mình, một đàng ông quen giao tiếp. Họ cũng biết ông là Trưởng Ban Hành giáo- Giáo phận nên tin được. Ông khéo léo, tin cẩn, và biết làm việc. Ông ấy lo đầy đủ thủ tục hồ sơ, liên hệ các cơ quan ban ngành, tháo gỡ những chỗ vướng, nên tất cả các giấy phép này, giấy phép kia, việc lớn như vậy, chỉ từ 2014 đến nay công việc của Giáo phận mới thành được như vậy.
-Con cám ơn Đức cha. Xin Chúa ban cho Đức cha sức khỏe để Đức cha tiếp tục xây dựng Trung Tâm tôn kính Đức Mẹ như ý nguyện của Giáo phận và của riêng Đức cha.
***
Ông Trưởng Ban hành giáo -GPXL Nguyễn Văn Chiến mặc áo sơ mi xanh đội nón kết trắng, đứng bên phải ĐC Đaminh)
Hôm nay lễ Thánh Giuse bổn mạng Giáo phận, sân Tòa Giám mục rộn rã người ra vào. Các đoàn thể khắp nơi về mừng lễ. Đó là một nếp sinh hoạt quen thuộc. Từ khi Giáo phận xây dựng được cơ sở Tòa Giám mục mới, nơi đây đã trở thành nơi gặp gỡ của mọi sinh hoạt Mục vụ của Giáo phận. Cộng đoàn dân Chúa gặp nhau hân hoan như được bước vào cung điện Nhà Chúa.
Sau phần nghi lễ và liên hoan, tôi tìm gặp ông Trưởng Ban Hành giáo – Giáo phận. Tôi đã quen ông từ khi tham gia sinh hoạt trong Ban Giáo dân, nhưng ông hiện diện trong mọi hoạt động của Giáo phận, thành ra gần như có thể gặp ông thường xuyên ở Tòa Giám mục. Cũng ít thấy quý chức nào lại gắn bó với các hoạt động của Giáo phận và gần gũi các Đức Giám mục Giáo phận như ông.
Dáng ông dong dỏng, hơi gầy nhưng nhanh nhẹn, trẻ trung và hiền hòa dễ gần. Trong cách giao tiếp, ông chân thành nên được lòng tin của mọi người. Không bao giờ vắng nụ cười trên khuôn mặt ông, và ngay cả những khi có những công việc “nóng” vẫn thấy ông điềm đạm, hiền hòa. Có lẽ vì thế mà ông nối kết được mọi tâm hồn trong công việc.
Trong những lần gặp nhau trò chuyện việc của Giáo phận, tôi và ông thường đi bộ chậm chậm trong sân Tòa Gíam mục, dưới bóng những hàng cây cao mát rượi. Có khi tìm một băng ghế ngồi, cũng có khi bất chợt gặp nhau, vội vàng chỉ kịp gửi một lời chào. Cũng có khi gặp ông dịp Đức cha gọi tôi đi với ngài lên xem xét công việc trên Núi Cúi.
Những câu chuyện cứ chắp nối. Và khi Đức cha cho hay ông chính là người lo việc giấy tờ, xin giao đất, xin phép xây dựng Trung tâm cho Giáo phận, tôi mới hiểu tại sao ông gần gũi với Đức cha như vậy. Những lần gặp gỡ với ông giúp tôi hình dung ra những gì ông đã làm cho công trình của Giáo phận trong những năm qua, những công việc không phải ai cũng làm được.
Đúng như Đức cha nói. Chính Chúa đã dùng những cơ hội, những hoàn cảnh những con người để thực hiện ý của Chúa. Tôi hiểu ông đã đi dưới ánh sáng dẫn dắt của Chúa Thánh Thần.
***
Người trò chuyện
-Ông có lo việc xin phép cho đất của Giáo phận trên Russeykeo không? Chắc ông làm việc với chính quyền huyện Xuân Lộc trên đó phải không?
Ông Trưởng Ban Hành giáo-Giáo phận (xin gọi tắt là ông Chánh):
–Dạ không, trên Tỉnh.
-Trên Tỉnh, mình quan hệ với bộ phận nào? Có phải Sở Tài nguyên Môi trường không?
-Trên Tỉnh. Thường cao nhất là Tỉnh Ủy. Chính quyền trực tiếp là Ủy ban Nhân dân, các Phó chủ tịch tỉnh. Xuống Sở Tài nguyên Môi trường, thường là ở bộ phận tham mưu. Rồi liên hệ về quy hoạch và cấp phép xây dựng là Sở Xây dựng. Người tư vấn chuyển tiếp là Ban Tôn giáo, bộ phận chuyên trách Kitô giáo. Việc gì cần liên hệ với lãnh đạo thì mình liên hệ lãnh đạo, việc gì cần tư vấn, mình trực tiếp ở phòng. Những đơn vị ấy là đơn vị trình bày hồ sơ, và tư vấn cho mình. Khi làm việc thì gặp gỡ trực tiếp ở ngoài cơ quan, điện thoại, email.
Người trò chuyện
-Đất trên Russeykeo, phải không?
Ô Chánh:
–Dạ Russeykeo. Sau khi trao đổi hết các vấn đề thì các anh ấy nói đất an ninh quốc phòng. Mình cũng giải thích: Đất của mình nằm lô đất sau cùng còn cách chân núi Chứa Chan 2, 5 km, chứ không phải sát chân núi. Hơn nữa, trên đỉnh núi có cái chùa, và ở dưới Gia Lào cũng có hai cái chùa mới, tức là hai cơ sở tôn giáo nằm ngay trong khu vực đất quốc phòng. Trung tâm mình xin còn cách chân núi 2, 5km, đâu có ảnh hưởng gì?
Lần sau gặp, họ cũng chỉ lấy lý do đó, họ không chấp thuận.
Ông ngừng một chút rồi nói tiếp:
-Sau đó Ban Tôn giáo chỉ cho một chỗ, ở tít trên Phương Lâm, gần đồi chuối, từ ngoài Quốc lộ 20 đi vào 20 cây số. Đất ấy hình như của dòng Xi Tô, chỗ đó có mấy chục hécta. Đất là đất của Xi Tô, đã có người ở, nhưng Nhà nước quản lý. Em bảo, đất của người ta làm sao mình lấy được! Đất lại cách quốc lộ 20 vào trong 20 cây số, giáp ranh với Lâm Đồng, làm sao đưa Trung tâm vào trong đó được. Trung tâm (nó) phải ở chỗ trung tâm, chỗ nào người ta đến được. Em không chịu. Thế là sau đó, cuối năm 2014, Đức cha mới qua bên Dốc Mơ, Ngài mới thổ lộ với cha cố Đường. Sự việc như thầy biết rồi đó.
Ông kể:
-Ngày mùng 4 tết, Đức cha sang thăm chúc tết cha cố Hoàng Minh Đường ở giáo xứ Dốc Mơ, có cha quản Hạt Gia Kiệm. Ngài thổ lộ việc tìm đất làm Trung tâm tôn kính Đức Mẹ. Ngài nói với quý cha rằng, đất của Tòa Giám mục định làm Trung tâm Đức Mẹ ở Russeykeo không xin được phép để xây dựng. Nhà nước trả lời đó là đất quốc phòng. Bây giờ Giáo phận chưa biết tìm đất ở đâu.
Nghe vậy, cha cố Đường, cha quản Hạt Gia Kiệm mới dẫn Đức cha đi tìm đất. Sau rất nhiều lần thăm dò và khoanh vùng, Giáo phận chọn được khu vực Núi Cúi. Một mặt Giáo phận vừa tìm mua đất, mặt khác liên hệ với chính quyền để xin giao đất và xin phép xây dựng Trung tâm.
Ông Chánh cho biết:
-Lúc ấy Tòa Giám mục đã mua được khoảng 22 hécta. Đầu tiên chỉ vậy thôi. Mình làm tờ trình. Theo sự hướng dẫn của một bộ phận Chính quyền, mình trình bày chỗ Russeykeo vì lý do an ninh quốc phòng, không thể xây dựng Trung tâm. Bây giờ chúng tôi tìm được nguồn đất ở bên này, chúng tôi xin phép được giao đất và xây dựng Trung tâm.
Người trò chuyện
-Mình trình cho Ủy ban Nhân dân Tỉnh hay cơ quan nào?
Ông Chánh:
– Ủy ban Nhân dân Tỉnh chứ! Tất cả đều phải trình Ủy ban Nhân dân Tỉnh hết, rồi sau đó Tỉnh mới giao cho các ban ngành liên quan. Mình phải liên hệ trực tiếp với Tỉnh. Họ ghi nhận ý đó.
Người trò chuyện
-Như vậy tờ trình đầu tiên của mình xin là bao nhiêu hécta?
Ông Chánh:
-Mình xin xây dựng 22 hécta. Tờ trình em còn giữ.
Ông Chánh nói tiếp:
-Đầu năm 2014 mình xin được giao đất để xây dựng. Khi giao đất, một mặt là mình phải liên hệ trên Tỉnh, một mặt là mình phải ra ngoài Trung ương nữa.
Người trò chuyện
-Ngoài Trung ương mình phải liên hệ với cơ quan nào?
Ông Chánh:
–Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Công an, những ngành liên quan đến tôn giáo. Vừa làm việc với ngoài Trung ương, vừa làm việc với địa phương.
Ông trầm ngâm và có vẻ e dè:
-Thực sự ra, trên Tỉnh, có người đồng thuận, có người không. Vấn đề là ở thời điểm đó còn khó và còn vướng lắm. Xưa thì, có bao giờ Bí thư với Chủ tịch Tỉnh đến thăm Tòa Giám mục đâu. Cùng lắm là có Phó chủ tịch, Trưởng Ban Dân vận, Ban Tôn giáo hoặc Chủ tịch Mặt trận dẫn đoàn đến thăm dịp lễ Giáng sinh. Lúc ấy Tỉnh chỉ chấp thuận cho mình gần 5 hecta.
Người trò chuyện
-Tức là Ủy ban Nhân dân Tỉnh chấp thuận bằng văn bản?
Ông Chánh:
-Không, mới ngỏ lời gần 5 héc ta. Trung ương nói nếu được 5 hécta mình cứ nhận, sau đó rồi xin thêm. (Thì thực sự ra) khi mình đến khu đất đó, mình mới chỉ ngó từ xa, (thì) đâu có định được đất nó thế nào.
Ông Chánh kể lại:
-Em mới hỏi ông chánh Tiến, trưởng Ban hành giáo Dốc Mơ là, khu đất nào, để xin tờ bản đồ, mình hoạch định nó. 22 hécta ban đầu gồm những thửa đất nào, rồi mình cộng các thửa lại để cho đủ 22 hécta, mình xin số tờ, số thửa, mình gắn vào tờ trình, chỗ nào trọn thửa, chỗ nào một phần thửa (đấy) để cho đủ số đó.
Ông Chánh thú nhận rằng:
-Mình đâu có nắm được cái thửa ấy nó nằm cụ thể trên mặt đất ở chỗ nào, các ông ấy cũng chẳng nắm được, chỉ biết nó ở trên bản đồ. Thế nên khi hỏi các ông ấy hai cái đồi (Núi Cúi) nó nằm đâu, các ông ấy phác phác trên bản đồ như vậy, thì mình làm theo các ông ấy, chắc nó là thửa đó, rồi làm tờ trình. Sau đó họ giao cho Sở Tài nguyên Môi trường. Mình liên hệ với Sở Tài nguyên, Ban Giám đốc giao cho Chi cục Quản lý Đất đai chuyên về quản lý đất này, trao đổi với nhau, bản vẽ mình đưa lên bao nhiêu thì họ biết bấy nhiêu. Những cái đồi, thung lũng, đủ mọi thứ. Hai bên trao đổi liên hệ với cả Ban Tôn giáo, trao đổi với nhau về 5 hécta. Em nói, 5 hécta thì không thể làm Trung tâm, vì đây là Giáo phận lớn nhất nước. Hai bên lại trao đổi, từ 5 hécta lên 8 hécta, rồi 8 hécta lên 10 héc ta. Và chốt cuối cùng là 13, 627 hécta.
Vậy để cho mình đạt được việc tổ chức Lễ Đặt viên đá đầu tiên vào ngày 15.8.2015, họ tranh thủ giao đất cho mình là 4, 43 hecta đầu tiên, giao đất để cho mình kịp tổ chức lễ. Thực sự ra khi giao 4, 43 hecta, mình cũng đã thực hiện cắm mốc đầy đủ.
Người trò chuyện
-Lúc đó bên Sở Tài nguyên Môi trường họ có đi với mình không?
Ông Chánh:
-Có chứ! Họ đi thực địa chứ, nhiều lần xuống khảo sát, kể cả lãnh đạo Tỉnh, và các ban ngành liên quan đều đi xuống khảo sát hết tất cả, rồi mới giao cho mình 4, 43 hécta.
Người trò chuyện
-Trong 4, 43 hécta có 2 cái đồi Núi Cúi không?
Ô Chánh tỏ vẻ thất vọng:
-Có một phần cái đồi bên này, chỗ bây giờ làm nhà nguyện Thánh Thể đó. Bên kia chưa có gì hết, nằm ngoài các thửa đất được giao. Khi mình về mình mới check lại bản đồ, mới biết nó lệch hết. Cái chỗ mình xin xây thì không có, còn chỗ được chấp thuận xây thì chỉ có một tí đất chỗ nhà nguyện Thánh Thể, còn lại bao nhiêu đều là sườn đồi và thung lũng, đâu có làm được cái gì!
Người trò chuyện
-Bây giờ mình làm sao?
Ông Chánh:
-Sau khi giao xong, bắt đầu trao đổi lại. Mình nói, đất được cấp phép nó nằm thế này thì không xây dựng được cái gì cả. Đất tính thì nhiều, nhưng thung lũng với sườn đồi không hà. Mình trao đổi lại với lãnh đạo Tỉnh với bên các ban ngành, như vậy thì không thể xây cất gì được, xin chuyển đổi lại. Sau khi trao đổi thống nhất rồi, em về làm lại tờ trình, hoạch định lại bản đồ có thêm hai đồi, còn chỗ sườn đồi, thung lũng thì bỏ đi, không lấy nữa, cắt bỏ ra, rồi vẽ lại…
Người trò chuyện
-Vẽ lại, là mình vẽ hay Sở Tài nguyên Môi trường Tỉnh?
Ông Chánh:
-Đất của mình thì mình làm, mình phải tự làm hết tất cả. Nhờ mình có được cái file bản đồ của họ, nên mình cập nhật được, với lại, nhờ mình đã đi thực địa, mình biết được cần phải chọn chỗ nào. Vẽ xong, mình trao đổi với họ, lại điều chỉnh, lần thứ hai thì nhất trí với phương án mới vẽ đó.
Ông Chánh chợt nhớ:
-Chưa, còn phương án thứ ba! Họ thấy rằng phía trên này còn vướng rừng bảo hộ. Thế là không được chấp thuận. Lại trao đổi nữa. Đi tới đi lui lần thứ ba. Cuối cùng, từ bản đồ đầu tiên ra đến bản đồ cuối cùng là 5 cái bản đồ, rất nhiều lần trao đổi lại, check lại. Cuối cùng, thống nhất là 13, 627 hécta.
Người trò chuyện
-Tức là sau khi đặt viên đá đầu tiên 15.08.2015?
Ông Chánh:
-Sau Lễ đặt viên đá đầu tiên, trao đổi lại vấn đề ranh mốc lại, khu đất mình chọn lựa. Chọn lưa là do mình chứ họ không chỉ định và họ cũng chẳng biết chỗ nào mà chỉ định. Thế là mình chọn lựa, mình cứ mày mò rồi làm. Vì không phải cái chuyên môn của mình nên làm tới đâu mình học tới đó. Không biết thì hỏi mấy đứa con nó chỉ, chẳng hạn như về kỹ thuật, cứ mày mò làm. Làm xong rồi trao đổi với họ đến cái bản đồ cuối cùng thống nhất, rồi mới làm lại tờ trình cuối, điều chỉnh lại, trình lên Ủy ban Nhân dân Tỉnh.
Người trò chuyện
-Vất vả quá ông nhỉ!
Ông Chánh tâm sự:
-Thực sự ra thì quá trình mình tự làm, nên mình phải làm rất nhiều tờ trình. Thứ nhất là tờ trình mình nhắc lại khi mà họ chưa giải quyết, rồi tờ trình xin chuyển đổi vị trí các thửa đất vì lý do là các vị trí kia là nó không có hiệu quả về mặt bằng đất để xây dựng các công trình, nó vướng sườn đồi hoặc vướng thung lũng. 4, 4 hécta người ta giao ban đầu về sau này phải cắt bỏ đi hết 1 hécta mấy, để cập nhật lại chỗ khác. Họ hỗ trợ mình rất là nhiều. Nhất là từ nhiệm kỳ sau của Đảng ủy và Ủy ban Nhân dân Tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo Tỉnh tạo điều kiện. Những cái gì tồn đọng của tôn giáo, chính quyền đã trao đổi để giải quyết.
Người trò chuyện
-Công việc dễ dàng hơn rồi phải không, thưa ông?
Ông Chánh:
-Khi đã trao đổi xong với lãnh đạo, ngỏ ý, được đồng thuận rồi mới bắt đầu thực hiện. Vấn đề lại nảy sinh. Khi mình làm tờ trình cuối cùng để xin giao đất thì lại phải cập nhật theo thủ tục mới. Theo quy định Nhà nước, thì phải cập nhật vào quy hoạch Nông Thôn Mới từ xã, rồi lên huyện, rồi mới lên tỉnh. Phải đi theo từng cấp như vậy, phải cập nhật lại diện tích 13, 627 hécta mới vào Nông thôn Mới, đất quy hoạch tôn giáo (ấy), xong rồi mới trình lên từng cấp, Hội đồng Nhân dân Tỉnh trên đó mới duyệt lại.
Người trò chuyện
-Sao nhiêu khê quá vậy, thưa ông?
Ông Chánh vẫn kiên nhẫn:
-Xong việc đó rồi Tỉnh mới trình ra Trung ương. Tại vì, quỹ đất người ta xin, ra ngoài trung ương 5 năm mới trình một lần. Về quy hoạch, 5 năm Trung ương mới duyệt xét một lần cho các địa phương, mình vướng vào quy hoạch 5 năm đó. Năm 2010 mình đã xin tại Ryusseykeo. Năm 2014 mới xin tại Núi Cúi, , qua Lễ đặt viên đá 2015, mới là chu kỳ 2016-2021.
Ông Chánh kể về những sự phức tạp của việc xin phép:
-Tất cả quỹ đất Đồng Nai ra ngoài Trung ương cho đến tới cuối năm 2016, tỉnh Đồng Nai mới được chấp thuận. Tháng 11, em nhớ là tháng 11/2017. Tỉnh mới có thể làm thủ tục giao đất cho mình, mà theo theo những quy định mới, thủ tục mới. Lại chờ đợi, lại làm tờ trình, lại trao đổi, đi lên đi xuống không biết bao nhiêu lần, mới được giao đất. Quyết định giao đất tháng 5 hay tháng 6 gì đó.
Người trò chuyện
-Nghĩa là mới đây thôi?
Ông Chánh:
-Mới đây thôi đấy, vì Tỉnh chờ được Bộ Tài nguyên Môi trường ngoài kia chấp thuận tháng 11 mà, rồi về Tỉnh mới làm các thủ tục giao đất, theo các thủ tục mới, rồi họ mới giao đất cho mình. Mình là được giao đất sớm nhất trong tất cả các công trình ở Đồng Nai, kể cả công trình Nhà nước, công trình doanh nghiệp. Mình là được giao sớm nhất!
Trong sân đã có những đoàn lên xe ra về. Tôi hỏi:
-Ông Chánh đã về chưa?
-Chưa, em còn ở lại xem Đức cha có dặn dò gì không, có giao việc gì mới không, với lại cũng phải gặp vài vị trong Ban Hành giáo- Giáo phận để trao đổi những công việc sắp tới của Giáo phận.
Người trò chuyện
-Ông chờ tôi chút, tôi đi lấy chai nước, rồi mình nói chuyện tiếp nhá.
Tôi đến bàn để nước uống, lấy hai chai nước lọc. Tôi đưa cho ông một chai. Nãy giờ nói chuyện say mê, quên cả uống nước.
Người trò chuyện
-Lúc mình xây Nhà Nguyện và hội trường thì mình xin phép thế nào?
Ông Chánh:
-Xin xây dựng tạm 3 năm.
Người trò chuyện
-Lúc đó đã có giấy phép giao đất chưa?
Ông Chánh ngậm ngùi:
-Chưa. Cái xin xây dựng tạm cũng là một vấn đề, cũng có người bị kỷ luật, có người bị khiển trách. Mình xin làm tạm trước Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Trung tâm. Lúc ấy chưa được giao đất, chưa có gì cả. Mình mới chỉ mua đất, san ủi mặt bằng. Về mặt tâm linh, Đức cha nói mình cần nhanh chóng có chỗ đặt Thánh Thể để kéo ơn Chúa xuống cho Giáo phận. Với lại, em nghĩ, mình làm tạm thời thì đâu có vấn đề gì.
Người trò chuyện
-Lúc đó mình đã được chấp thuận 5 hecta đất chưa?
Ông Chánh:
-Chưa chưa! Chưa có cái gì hết, nhưng mình đã ngỏ ý với lãnh đạo Tỉnh. Có người tỏ ý đồng thuận, có người không. Mình làm tờ trình, xin xây dựng tạm, trong thời hạn 3 năm. Hai Phó Chủ tịch Tỉnh lên thẩm tra, một phụ trách về xây dựng, một phụ trách về đất đai. Trước nhất là mình xin làm nhà tạm là để kịp dịp Lễ đặt viên đá đầu tiên. Bởi vì khi tổ chức lễ, mình phải có nơi đón khách, phải có nơi làm lễ và rồi còn đãi tiệc nữa. Nếu đất trống trơn giữa nơi hoang vu thì tổ chức thế nào được? Rồi mình cũng ngỏ ý với Trung ương, xin trung ương giúp cho.
Người trò chuyện
-Lúc ấy tôi thấy Giáo phận làm hai nhà tạm ấy rất nhanh, khá rộng lớn và đẹp. Tôi không hiểu sao Giáo phận có thể làm nhanh như vậy. Không khí thi công phấn khởi vô cùng. Tiến độ công việc cứ ào ạt, cơ ngơi mỗi ngày mỗi khác.
Ông Chánh khẽ lắc đầu:
-Đó là nhìn bên ngoài vậy thôi. Mình xây dựng khi chưa có giấy phép, họ làm khó mình cái chỗ đó. Họ cũng mời lên. Kỳ đó có Đức cha, Đức Ông với em, được mời lên Tỉnh, trao đổi về cái việc đó. Em với tư cách Trưởng Ban hành giáo-Giáo phận, đứng ra nhận trách nhiệm, với lý do là các ngài không biết gì về việc này.
Ông Chánh minh giải với họ:
-Thực ra, các ngài cũng lo lắng cho việc tổ chức Đại lễ đặt viên đá đầu tiên. Muốn đặt viên đá thì cần phải có cái nhà. Đã là trung tâm, thì phải có nhà nguyện tạm, thứ hai nữa là, phải có nhà đón khách. Khách dự lễ sẽ có Hội đồng Giám mục Việt Nam, có cả khách chính quyền Trung ương, địa phương.
Em nói vậy, thế họ bảo, tại sao không làm ở phía dưới, sau lễ đài.
Em lại phải trình bày:
-Các quý vị biết nơi đó là rất ồn ào, vì là nơi người dân dự lễ. Thứ hai nữa là, mặt bằng nó không có đủ. Thứ ba nữa là gió. Thế nên mới phải xin làm tạm trên đó.
Người trò chuyện
-Kết quả thế nào?
Ông Chánh:
-Em phải nhận khuyết điểm. Rồi thôi. Sau đó mình phải làm tờ trình, xin Tỉnh chấp thuận cho mình làm nhà tạm 3 năm để có chỗ làm Nhà nguyện và tiếp khách.
Người trò chuyện
– Tôi lại tưởng lúc đó mình đã được giao đất 5 hécta có giấy tờ hẳn hoi rồi mình mới làm mấy cái đó?
Ông Chánh:
-Chưa, chưa có gì hết! Mình cũng đã ngỏ lời trước, họ cũng đã đồng ý. Nhưng mà mình và họ nghĩ là nó nằm trong ranh đất. Nhưng không phải, nó nằm ngoài ranh đất mình xin. Ấy! Nó gay là gay ở chỗ đó, chỗ mình làm nhà tạm nằm ngoài ranh đất.
Người trò chuyện
-Khi ông làm việc và gặp nhiều khó khăn như vậy thì ông có nghĩ điều gì không?
Ông Chánh:
-Thực sự ra thì em cảm nhận được điều này. Ở mỗi (cái) thời kỳ, mỗi một (cái) giai đoạn, Chúa, Đức Mẹ nâng đỡ và che chở cho mình. Em nói mỗi thời kỳ, mỗi giai đọan là thế này, là khi Đảng và Nhà nước đổi sang nhiệm kỳ mới, nhiệm kỳ 2010-2015 sang nhiệm kỳ 2016-2020 chẳng hạn, đặc biệt là khi có những chủ trương, chính sách mới, thì mình có cái thuận lợi. Cái việc đó nó đỡ cho mình, không thôi thì rất là gay gắt. Với lại, được cái, là mình phối hợp được nhiều ban ngành. Không phải mình chỉ làm việc với cấp lãnh đạo Tỉnh, mà minh còn trực tiếp làm việc với các Ban trực thuộc Tỉnh, các phòng chuyên môn, nhờ thế công việc mới nhanh được.
Người trò chuyện
– Lúc ông đi lo công việc như vậy thì ông đi một mình hay có ai bên Tòa Giám mục đi với ông?
Ông Chánh:
-Một mình em.
Người trò chuyện
– Nhưng làm sao người ta tin ông để làm việc được?
Ông Chánh:
-Thứ nhất là, đầu tiên Đức cha cho em một cái giấy ủy quyền, thứ hai là người ta cũng biết mình là Trưởng Ban Hành giáo của Giáo phận rồi. Với lại, trước đó mình đã quen biết với họ.
Người trò chuyện
-Trước khi làm việc, ông có quen thân nhiều các vị trong cơ quan Nhà nước không, các vị ở địa phương, ở các phòng ban, ở Ủy ban Nhân dân Tỉnh chẳng hạn?
Ông Chánh:
-Thưc sự ra quen thân nhiều các ông ấy là sau khi mình đi giao dịch về công việc của Giáo phận. Mình gặp họ nhiều lần thành ra quen thân thôi.
Người trò chuyện
– Nhưng mà cái độ thân tình thì có nhiều không? Tức là chỗ thân tình cá nhân, mà vì cái tình thân ấy, họ giải quyết công việc cho mình, thì cái thân tình ấy có nhiều không?
Ông Chánh:
-Vấn đề đó, thực sự là ơn Chúa. Em không có giao tiếp với họ trên bàn nhậu Bởi vì mình không nhậu được. Cà phê lại càng không. Mối quan hệ tình thân của mình với họ là ở cái khác. Thí dụ những dịp lễ, tết, mình đến thăm viếng họ. Em đi với Tòa Giám mục chúc tết chung, rồi mình gặp gỡ riêng. Họ quý cái chân tình của mình, họ thấy được sự trung thực của mình trong làm việc, nhất là việc em làm không phải là việc riêng, cũng chẳng có lợi lộc riêng tư gì, tất cả là vì việc chung của Giáo phận. Họ hiểu vậy, thành ra họ quý mến mình. Em thấy có điều đặc biệt này là, họ rất quý mến Đức cha Đaminh, họ trọng cái nhân cách của Đức cha, họ thấy được tầm vóc của Đức cha, họ nhìn ra được những việc Đức cha làm là có những giá trị tốt cho văn hóa, cho xã hội, thành ra, khi em giao tiếp với họ, em có được ảnh hưởng rất lớn của Đức cha phía sau, nên công việc em làm mới được như vậy.
Người trò truyện:
– Đức cha Đaminh có đi gặp gỡ giao tiếp với các vị ấy nhiều không?
Ông Chánh lắc đầu:
-Không Không, để thầy có thể hiểu rõ được uy tín và ảnh hưởng của Đức cha Đaminh với chính quyền trung ương, địa phương em có thể tóm tắt như sau:
Uy tín và ảnh hưởng của Đức cha Đaminh khởi đi từ cuộc gặp gỡ với ông Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt vào ngày 29.4.2005 tại Tòa Giám mục. Dịp ấy ông vào dự mit tinh tại thành phố Hồ Chí Minh kỷ niệm ngày thống nhất đất nước. Ông đến thăm Tòa Giám mục, nhân trước đó ông có nhận được bản báo cáo tổng kết của Ban Bác ái Xã hội Giáo phận. Em nhớ là bản tổng kết được 54 tỷ đồng. Ông đến thăm chia sẻ và khích lệ người Công giáo Giáo phận.
Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên này, ông tỏ ra rất quý mến và cảm phục việc lãnh đạo của Đức cha Đaminh, nhất là được nghe phát biểu rất chân thành của Đức cha Đaminh.
Đức cha Đaminh nói: “Bác ái là bản chất của người Công giáo. Người Công giáo không làm việc bác ái là đánh mất bản chất của mình. Chúng tôi sẽ vận động cho người Công giáo ngày càng gia tăng làm việc bác ái giúp mọi người không phân biệt”. Ngài xin chính quyền tạo điều kiện để người Công giáo làm việc bác ái, làm những công việc lợi ích cho dân, làm giàu đẹp cho đất nước.
Nghe Đức cha Đaminh nói, ông rất hài lòng và ông nói: “Các Cụ cứ lo việc tôn giáo cho tốt còn việc xã hội để chúng tôi lo”.
Sau cuộc tiếp xúc, ông Chủ tịch Phạm Thế Duyệt còn đi thực địa một vài giáo xứ xem công việc bác ái của họ có trùng khớp với bản báo cáo hay không!
Ngoài ra, còn hai ba lần ông Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thử thách việc bác ái cụ thể của Giáo phận như việc giúp đỡ đồng bào Sơn La di dời để lấy đất làm thủy điện Sơn La-Hòa Bình, hay việc cứu trợ những thuyền nhân ở Thanh Hóa lên đất liền định cư. Họ đã lênh đênh trên thuyền từ đời cha đến đời con thời vua quan cấm đạo. Và còn một lần nữa giúp cho một học sinh dân tộc, xin cá nhân ông Chủ tịch đóng học phí trọn khóa.
Qua những lần thử thách đó ông Chủ tịch rất quý mến và tin tưởng Đức cha Đaminh. Ông đã giúp đỡ nhiều cho việc phân chia Giáo phận mới Bà Rịa mà Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đề nghị từ lâu. Hay việc thành lập Chủng viện Xuân Lộc mà Đức cha Phaolô-Maria cũng đã xin từ lâu, kể cả trường nghề Hòa Bình, trường nghề duy nhất cùa Giáo phận và có thể nói là duy nhất của Giáo hội Việt Nam, việc tái lập Ban Bác ái Xã hội Caritas Việt Nam đã ngừng trên 35 năm.
Ngoài ra ông Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn giới thiệu Đức cha Đaminh cho các vị lãnh đạo Chính phủ trong nhiều dịp. Cụ thể trong dịp đầu năm 2006 khi Đức cha Đaminh gọi điện chúc mừng năm mới ông, ông đáp: “Tôi đang ngồi uống rượu “thánh” của Cụ cho với các vị lãnh đạo đây”.
Có thể nói nhờ tình cảm đặc biệt của ông Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và lời giới thiệu Đức cha Đaminh cho các vị lãnh đạo Trung ương nhất là các vị lãnh đạo Ban Tôn giáo, Ban dân vận, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nên từ Trung ương đến địa phương đều quý mến Đức cha Đaminh.
Hơn nữa trong những dịp viếng thăm của các vị lãnh đạo Trung ương, Tỉnh, kể cả những dịp viếng thăm của các vị lãnh đạo tôn giáo như dịp Đức Hồng y Thánh bộ Truyền giáo đến Tòa Giám mục. Đức cha Đaminh cũng cho em được tham dự, nhất là được cụng ly với các vị lãnh đạo Chính quyền trong các bữa tiệc mừng. Vì Đức cha Đaminh không biết uống rượu. Nhờ vậy quý vị lãnh đạo Chính quyền Trung ương, Tỉnh, địa phương biết em, ngoài ra nhờ giấy giới thiệu của Đức cha Đaminh cho Em với tư cách là Trưởng Ban Hành giáo- Giáo phận, đại diện Đức cha để liên hệ với Chính quyền.
Người trò chuyện
– Như vậy, có phải nhờ ủy quyền của Đức cha Đaminh mà ông có thể giao tiếp với các cấp?
Ông Chánh:
-Dạ, đúng vậy…
Người trò chuyện
– Chắc ông phải đi lại rất nhiều?
Ông Chánh:
-Dạ, liên hệ đủ thứ ban ngành.
Người trò chuyện
– Ông liên hệ các ban ngành ở đây, còn ở ngoài Trung ương thì ai đi?
Ông Chánh:
-Em cũng đi luôn.
Người đàm thoại ngạc nhiên:
-Ông cũng đi luôn? Ra ngoài đó ông đi một mình hay đi với ai?
Ông Chánh:
-Em đi một mình.
– Ông giỏi thật? Sao ông quen ngoài đó để ra giao tiếp với họ được?
-Thực sự ra với Ban Tôn giáo ngoài đó, thí dụ, mỗi lần họ vào đây họ thăm, thì mình biết người này làm chức vụ này, người kia làm chức vụ kia. Chính trong cái nối kết ấy, mình hỏi thăm, mình xin số điện thoại, và trao đổi với nhau.
Người trò chuyện
– Ra ngoài đó ông gặp họ ở nhà riêng hay cơ quan?
-Đến cơ quan. Em ra ngoài đó, chủ yếu là chúc tết. Năm nào cũng đi
– Việc thăm chúc tết là bình thường, còn ông làm việc lúc nào?
-Làm việc chủ yếu bằng điện thoại, hoặc gửi email.
-Về mặt hành chính thì có tờ trình văn bản?
-Vâng, phải làm việc bằng văn bản hành chính, tờ trình. Còn giao tiếp thì qua điện thoại hoặc qua thư, hoặc là gặp gỡ khi các anh ấy vào đây. Có khi họ vào công tác ở thành phố Hồ Chí Minh. A lô một cái, mình gặp ở trên đó.
Người trò chuyện
– Như trường hợp ông Nguyễn Thiện Nhân (Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam), ông Nguyễn Xuân Phúc (lúc ấy là Phó Thủ tướng) vào đây thì mình có liên hệ trước không?
Ông Chánh:
-Các vị ấy đi theo đường chính ngạch. Họ họ báo với Tỉnh là đến Tòa Giám mục chúc tết.
-Ông Nguyễn Thiện Nhân và ông Nguyễn Xuân Phúc về đây, họ có lên Núi Cúi lần nào chưa?
-Chưa chưa!
-Nếu ra Trung ương thì ông gặp ai?
-Nếu ra Trung ương, thì đến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ
Người trò truyện:
-Việc ông Nguyễn Thiện Nhân (Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam) chuẩn thuận cho mình 22 hecta thì mình làm thế nào?
Ông Chánh:
-Mình có gửi tờ trình. Cụ thể là thế này. Mình ra ngoài đó gặp gỡ, trao đổi, trình bày nguyện vọng của mình, và gửi những tờ trình. Sau khi ông Nguyễn Thiện Nhân vào đây, ông đã nắm bắt được vấn đề nên có ý kiến chuẩn thuận của Mặt Trận.
Người trò chuyện
– Khi giao tiếp với ông Nguyễn Thiện Nhân thì ông trực tiếp hay qua văn phòng của ông ấy?
Ông Chánh:
-Phải qua văn phòng chứ, rồi gặp anh Trình (Lê Bá Trình- Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).
Ngưng một chút, ông Chánh nói tiếp:
– Ban Dân vận Trung ương cũng vậy. Qua văn phòng rồi gặp anh Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương.
Người trò chuyện
-Còn bên Quân khu 7 thì sao?
Ông Chánh:
-Về quân khu 7, trước đây anh chỉ huy trưởng của Đồng Nai, anh lên làm Tư lệnh Quân Khu 7. Có thuận lợi cho mình khi liên hệ lên trên đó. Thường là, tất cả các văn bản, Ủy ban Nhân dân Tỉnh sẽ gửi cho các Ban, Ngành, trong đó có lấy ý kiến của Quân Khu 7, đại diện Bộ Quốc phòng trong này. Chỗ Tỉnh đội sẽ có tờ trình lên Bộ Quốc phòng, mà trực thuộc là Quân Khu 7. Quân Khu 7 cũng đồng thuận nhất trí vì, họ biết khu vực này, và họ cũng hiểu công trình của mình sẽ góp phần phát triển kinh tế xã hội, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, họ cũng đồng thuận.
Người trò chuyện
-Tức là mình làm việc trước với họ rồi, nên khi Tỉnh chuyển hồ sơ qua, thì họ đã nắm được vấn đề và họ đồng thuận? Công nhận ông giỏi thiệt!
Ông Chánh:
-Thực ra là ý Chúa. Còn em thì em chỉ làm theo lương tâm của mình là một người Công giáo, làm theo sự thôi thúc của trách nhiệm với Giáo phận (với tư cách là Trưởng Ban hành giáo-Giáo phận) và đặc biệt là lòng yêu thương và sự ủy thác của Đức cha Đaminh.
Người trò chuyện
-Vâng, nói theo Đức cha Đaminh, “Việc Chúa muốn, Chúa làm”. Chúa dùng cơ hội, hoàn cảnh, con người để thực hiện việc của Chúa.
Ông Chánh:
-Thầy chưa thấy hết cái phức tạp của vấn đề đâu. Phức tạp lắm!
Người trò chuyện:
-Tôi tưởng vậy là xong rồi?
Ông Chánh:
-Chưa chưa! Khi mà đụng vào công trình tôn giáo, đất mới được giao với số lượng lớn, nó đụng tới vấn đề cấp phép quy hoạch. Cả một vấn đề! Ngày xưa không có thủ tục cấp phép quy hoạch. Bây giờ quy định phải cấp phép quy hoạch. Mà cấp phép quy hoạch thì thời gian nó kéo dài, rất là lâu. Việc giải quyết vấn đề mất 6 tháng, một năm, hai năm là bình thường. Việc cấp phép quy hoạch này là một cái bước mới rất khó.
Rồi ông Chánh kể:
-Mình lại phải mày mò xem việc xin cấp phép quy hoạch là làm thế nào? Quy trình là như thế này: Trước khi cấp phép quy hoạch lại phải được đánh giá tác động môi trường, bảo vệ môi trường, lại phải làm việc với một đơn vị khác, lại thủ tục, giải trình, đi lại và chờ đợi. Khi người ta họp về quy hoạch, hồ sơ phải có đánh giá tác động môi trường. Có cái đó, xong rồi mới đưa vào cấp phép, chuẩn bị hồ sơ cấp phép sau. Em phải liên hệ hợp đồng với bên Chi cục Bảo vệ Môi trường trực thuộc Sở Tài nguyên Môi trường cho nó nhanh. Sau khi trao đổi với Chi cục Bảo vệ Môi trường, mình ký hợp đồng xong và bắt đầu đi làm hồ sơ.
Người trò chuyện
-Vậy là xong rồi phải không, thưa ông Chánh:
Ông Chánh:
-Chưa chưa, còn lắm nhiêu khê. Họ bảo bây giờ muốn làm hồ sơ cho nó nhanh, nguyên cái công bố ở dưới xã là 40 ngày. Chi cục họ xuống đo đạc, thử đất, xong rồi làm hồ sơ. Họ đưa hồ sơ cho mình đem về xã ký. Khi hồ sơ đã xong, họ họp hội đồng, mời tất cả các Giáo sư, Tiến sĩ về đánh giá tác động môi trường. Họp hội đồng rồi, có những gì cần chỉnh sửa, người ta báo thì mình phải chỉnh sửa lại, Chi cục phải làm lại, được rồi, mới trình cho Sở Tài nguyên, Sở Tài nguyên mới trình cho Tỉnh ký giấy đánh giá tác động môi trường, rồi mới bổ sung vào hồ sơ cấp phép.
Người trò truyện:
-Sao mà lắm thủ tục nhiêu khê quá vậy?
Ông Chánh kể tiếp:
– Trước cái đánh giá tác động môi trường, việc mình đi đường điện cũng vậy. Cái đường điện của mình thuộc hai huyện. Ba mét bên này thuộc huyện Định Quán, bốn mét bên kia thuộc huyện Thống Nhất. Đường điện của mình nó nằm bên Định Quán. Lúc đó họ cũng bắt mình phải có kế hoạch bảo vệ môi trường, đi đường điện cũng phải bảo vệ môi trường. Mà đường điện lại nằm giữa hai huyện, nên huyện không cấp giấy được, lại phải lên tỉnh. Cũng phải lên tỉnh cả gần tháng trời.
Người trò chuyện
-Khi được chấp thuận đánh giá tác động môi trường rồi thì hồ sơ xin cấp phép của mình được thông qua chưa?
Ông Chánh:
-Khi có giấy đánh giá tác động môi trường, bảo vệ môi trường rồi, mình cũng trao đổi với các anh lãnh đạo Tỉnh xin cấp phép cho kịp thời gian. Tỉnh chỉ đạo cho bên Sở Xây dựng đồng hành, nhận hồ sơ cho người ta để cấp phép quy hoạch cho nó kịp. Kỳ đó mình tính 15. 8 là lễ khởi công mà. Khi nộp hồ sơ còn vướng chưa làm quy hoạch, qua 15/8 rồi mà cũng chưa có, tới tháng 11, chủ trương của Tỉnh là có hết tất cả rồi. Bên Sở Xây dựng trình Ủy Ban Nhân dân Tỉnh ký giấy quy hoạch, mình cũng chậm trễ mất gần một tháng trời. Vì họ phải xin ý kiến chủ trương lại. Lãnh đạo Tỉnh phải họp lại, thống nhất chủ trương với các ban ngành. Ông Phó Chủ tịch sẽ ký giấy phép, nhưng ông ấy đi công tác suốt, tới gần ngày lễ rồi vẫn chưa có, em lại làm tờ trình, gửi cho Bí thư tỉnh, Chủ tịch tỉnh, Ban Tôn giáo tỉnh. Em nêu lý do: Hồ sơ đã nộp, hẹn một tháng mấy rồi, mà chưa nhận được giấy phép. Thế là gửi đi ngày hôm trước, ngày hôm sau, là lễ 22.11, lễ NGÀY GIÁO PHẬN, mình nhận được giấy phép kịp đúng ngày lễ.
Người trò truyện:
-Đúng là nín thở! Không ngờ công việc phức tạp và nhiêu khê đến vậy. Qua những sự việc như vậy, ông rút ra được những vấn đề gì không? Chẳng hạn làm thế nào để mình có thể xin được quyết định giao đất, quyết định cho phép xây dựng công trình?
Ông Chánh:
-Em chỉ nói về phía em, về phía xã hội thôi nha. Được cái, là mình làm việc, giao tiếp rất hài hòa trong các ban ngành, đồng bộ cấp trên, cấp dưới. Với cấp dưới, mình xin họ tư vấn cho mình những cái gì thuộc về thủ tục hồ sơ. Mình cũng trao đổi công việc của mình để họ hiểu và tham mưu báo cáo cho lãnh đạo, rồi lãnh đạo của họ mới chuyển lên Tỉnh. Mình cũng quen các cấp lãnh đạo trên tỉnh, cái gì vướng mắc là mình xin ý kiến các vị ấy. Các vị ấy chỉ đạo cho các ban ngành ở dưới giúp đỡ mình, nhờ thế công việc mới có bước tiến.
Người trò chuyện
-Về mặt làm giấy tờ, hồ sơ hành chính, ai làm cho ông?
Ông Chánh:
-Hầu như tất cả giấy tờ hành chính, hồ sơ, thủ tục em tự tìm hiểu và soạn thảo tất cả. Em gởi lên cho Đức cha xem, xin ngài hoàn chỉnh. Sửa xong rồi thì đem qua văn phòng đánh máy. Em gửi đi và theo dõi việc các cơ quan giải quyết hồ sơ.
Người trò chuyện
– Trong quá trình ông làm việc, giao tiếp với chính quyền, thì cái khó khăn nhất của ông là cái gì?
Ông Chánh:
-Thầy muốn nói về khó khăn gì? Thực sự ra chưa có cái gì gặp khó khăn cả. Khó khăn là vướng theo quy định, mà vì vướng những cái quy định đó nên nó mất thời gian của mình. Khó khăn đối với bên họ là một phần, mà bên mình cũng là một phần. Chẳng hạn, vì cái bản vẽ mình bị chậm, đâm ra nó cũng ảnh hưởng. Nhưng được cái là khi mình có vấn đề gì, thay vì mình phải có đầy đủ mọi thủ tục mới nộp được, thì mình xin với lãnh đạo Tỉnh, Tỉnh chỉ đạo xuống Sở Xây dựng nhận hồ sơ để xem trước. Có cái gì cần sửa, họ cho mình biết, mình chỉnh sửa lại. Khi mình có đầy đủ giấy tờ nộp vào là người ta giải quyết nhanh.
Người trò chuyện
– Họ có nghi ngại gì về mặt chính trị không? Khi mình làm những công trình lớn như thế này?
Ông Chánh:
-Không, họ không ngại chính trị. Đối với Nhà nước, với tôn giáo họ không ngại chính trị lắm đâu, nhưng mà họ chưa hiểu được hết cái vấn đề, thí dụ để làm gì? Dĩ nhiên họ biết là Trung tâm hành hương, thế nhưng mà họ chưa biết cái mức độ mình làm nó như thế nào…
Người trò chuyện
– Tức là chưa hiểu rõ quy mô thế nào, mục đích xây dựng Trung tâm để làm gì, và khi đi vào hoạt động, Trung tâm sẽ tạo ra ảnh hưởng xã hội, văn hóa như thế nào? Phải vậy không, thưa ông?
Ông Chánh:
-Đấy, cho nên họ ngại là ngại vấn đề đó. Chẳng hạn như trước đây, mình xin xây dựng Tòa Giám mục, là cả một vấn đề khó khăn. Khó khăn từ mọi phía. Còn bây giờ, mình có nhiều thuận lợi. Thứ nhất là họ hiểu rõ việc mình làm. Cái thuận lợi thứ hai là, con người của Đức cha Đaminh, kể cả từ Trung ương đến địa phương, khi gặp gỡ, gần gũi, đều quý mến kính trọng cái nhân cách, bản chất của ngài. Thứ ba nữa là, Giáo phận Xuân Lộc đã tổ chức những hội nghị, những đại lễ, tất cả đều thành công tốt đẹp, an ninh trật tự rất tốt. Cái đó người ta lại phục, người ta tin tưởng, nó thuận lợi cho mình. Có sự hỗ tương hai bên.
Người trò chuyện
– Trong khi ông giao tiếp như vậy, mối quan hệ cá nhân của ông với các cơ quan ban ngành, tình thân giữa ông với các vị trong bộ máy chính quyền có ảnh hưởng đến quyết định họ dành cho Tòa Giám mục không?
Ông Chánh:
-Có chứ!
Người trò truyện:
-Ảnh hưởng bao nhiêu phẩn trăm? 70% không? Ý tôi muốn nói là tình cảm cá nhân đối với người giao tiếp, tức là cái thân tình cá nhân, cái đó nó có ảnh hưởng không?
Ông Chánh:
-Không lượng định được, vì kết quả công việc là do mối quan hệ rộng lớn cả về chính trị, xã hội, văn hóa của Giáo phận đối với cộng đồng xã hội trong tầm vóc quốc gia; lại nữa, còn ảnh hưởng của Đức cha, chủ chăn của một Giáo phận có tới một triệu giáo dân. Tất nhiên Nhà nước hiểu được vai trò của Đức cha đối với một triệu giáo dân, hơn nữa trong cả Hội đồng Giám mục. Những cái đó có ảnh hưởng sâu xa và mạnh mẽ trong mối tương quan tôn giáo và chính trị. Riêng phần em, em là người đại diện Giáo phận trực tiếp lo hồ sơ, thì những thân tình cá nhân có giúp cho công việc của em được dễ dàng hơn, so với cách làm việc chỉ chạy theo hành chính.
Nó có cái thân tình như thế này, cái gì mà mình cần nói thì mình gặp, và chính cái gặp gỡ đó mình mới nói hết được. Điện thoại thì mình không nói được hết ý. Với những cái nối kết như vậy, họ có vấn đề gì cần trình bày với các ngài, thì qua em, họ nói với em, em sẽ trình bày với Đức cha trước, thế này thế kia, khi gặp gỡ với nhau trao đổi, nó rất nhanh, thuận lợi, cái gì được, không được thì báo cho nhau trước để mà không có đụng, đối thoại không đối đầu, nó là như vậy, vì mình là một cái đầu mối kết hợp cả hai, có sự tin tưởng nên nó thuận lợi.
Người trò chuyện
-Ông ở Tân Mai phải không? Gia đình trước nay làm công việc gì mà ông quen thân bên chính quyền nhiều vậy?
Ông Chánh:
-Không, hồi xưa em không có làm gì cả. Từ hồi làm Ban Hành giáo thì em mới quen. Hồi trước mỗi năm, tới lễ Giáng Sinh, giống như Tòa Giám mục, Ban Hành giáo Tân Mai có mời lãnh đạo Chính quyển thành phố về dự. Nhờ đó mà quen biết. Rồi sau này trực tiếp lo công việc, phải đi lại với các anh ấy nhiều lần, người ta thấy mình hiền lành, thật thà, thành ra quen thân. Cái chính là mình chân thành làm việc Giáo phận, và họ ngày càng hiểu Giáo phận hơn, nên họ giải quyết công việc cho mình.
Có lần lãnh đạo tỉnh xuống thăm Tòa Giám mục, chương trình của họ là thăm Tòa Giám mục, Đại Chủng viện, Nhà Truyền thống rồi về. Ngay sau khi xong nghi thức chúc mừng nhau, thấy có sự vui vẻ, em mới ngỏ với Đức cha Đaminh:- Thưa Đức cha, nhân dịp này, mình mời Bí Thư dùng cơm. Đức cha đồng ý. Em biết ông ấy đã hẹn ở ngoài rồi. Trong khi vui vẻ, mình gợi ý mời cả đoàn. Thấy cái tình của mình, Bí Thư nhất trí vui vẻ. Khi ngồi trong bàn cơm, Đức cha tiếp ông ấy, thân tình vui vẻ như một gia đình. Mọi việc mở ra một cái hướng khác liền. Bí Thư và Chủ tịch xuống bao giờ cũng có các Ban, Ngành đi theo. Nhờ đó mà mình quen thân tất cả. Ban Tôn giáo tỉnh bảo, bây giờ đi các nơi, người ta cứ hỏi tại sao Đồng Nai của ông lại thoáng thế này, thế nọ, thế kia? –Thì các vị cứ về Đồng Nai mà xem.
Cả hai chúng tôi cùng cười vui vẻ, cám ơn Chúa đã cho Giáo phận những người nhiệt thành làm việc Chúa, âm thầm như ông Chánh đây.
Đã mất nhiều thời gian của ông Trưởng Ban Hành giáo-Giáo phận, tôi chia tay ông với tất cả sự quý mến và cảm phục:
– Cám ơn ông. Xin Chúa trả công cho ông bội phần. Kính chúc ông vui, khỏe để tiếp tục công việc của Giáo phận. Còn nhiều vất vả và hy sinh ông ạ!
________________
Phụ lục 1
Quyết định về việc giao đất
để xây dựng công trình tôn giáo
tại xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất
Ngày 16/7/2018, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 2432/QĐ-UBND về việc giao đất để xây dựng công trình tôn giáo tại xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất.
Chấp thuận giao 136.270,7m2 đất thuộc các thửa đất số 41, 57, 63, 64, 65,70,71, 72, 73, 74, 75, 76, 92, 93, 94, 109, 110, tờ bản đồ số 5 và mỗi phần các thửa đất số 42, 38, 39, 40, 54, 15, 77, 79, 80, 91, 102, 108, 111, 115 tờ bản đồ địa chính số 5 xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất cho Trung tâm Đức Mẹ Núi Cúi để sử dụng vào mục đích đất cơ sở tôn giáo (xây dựng các công trình tôn giáo).
– Hình thức giao đất: Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.
– Thời hạn sử dụng đất: Lâu dài.
– Vị trí, ranh giới khu đất được xác định trích lục và đo chỉnh lý thửa đất bản đồ địa chính số 4916/2017, số 3526/2017 tỷ lệ 1/1000 do Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh thực hiện ngày 24/4/2017 và ngày 18/5/2017 (kèm theo).
Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 2519/QĐ-UBND ngày 28/5/2015 của UBND tỉnh.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông; Cục trưởng Cục thuế; Trưởng Ban Tôn giáo; chủ tịch UBND huyện Thống Nhất, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thống Nhất, Chủ tịch UBND xã Gia Tân 1, Trung tâm Đức Mẹ Núi Cúi, các tổ chức và cá nhân liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Đính kèm: Quyết định số 2432/QĐ-UBND.
Như Quỳnh
https://www.dongnai.gov.vn/pages/newsdetail.aspx?NewsId=160781&CatId=107https://www.dongnai.gov.vn/pages/newsdetail.aspx?NewsId=160781&CatId=107
______________________
Phụ lục 2
Quyết định về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết
xây dựng tỷ lệ 1/500 Trung tâm Đức Mẹ Núi Cúi,
xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất
Ngày 22/11/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4148/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Trung tâm Đức mẹ Núi Cúi, xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất.
Phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Trung tâm Đức Mẹ Núi Cúi, xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất. Khu vực quy hoạch thuộc xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai (được xác định tại Trích lục và đo chỉnh lý thửa đất bản đồ địa chính số 3526/2017, tỷ lệ 1/1.000 do Văn phòng Đăng ký Đất đai tỉnh thực hiện ngày 18/5/2017).
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành; Các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Đính kèm: Quyết định số 4148/QĐ-UBND.
Như Quỳnh
https://www.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=163158&CatId=107
__________