ĐƯỜNG LÊN NÚI CÚI-Chương 6

Đường lên Núi Cúi -Chương 6

Bùi Công Thuấn

 

 

 

 

        Thưa Đức cha! Đến hôm nay Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Núi Cúi đã được phép xây dựng và đang thi công, trong tương lai gần sẽ hoàn thành. Chúng con muốn Đức cha cho biết có nguyên nhân động cơ nào dẫn đến thành công này không?

Đức cha Đaminh rất vui:

-Tôi có thể trả lời ngay với thầy. Nguyên nhân đưa đến thành công này có nhiều: nguyên nhân xa, nguyên nhân gần. Xa như sự thành công của Đại hội FABC (Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục châu Á) và những cuộc viếng thăm cấp cao của các vị lãnh đạo Nhà nước (về Tôn giáo). Nguyên nhân gần như Lễ Kim Khánh Linh mục của Đức cha Giáo phận.

***

 

 FABC & NHỮNG SỰ KIỆN

(FABC: Federation of Asian Bishops’ Conferences)  

fabc-3

         Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) lần thứ X là một sự kiện có ảnh hưởng quan trọng đối với Giáo hội Việt Nam và đặc biệt với giáo phận Xuân Lộc. Lần đầu tổ chức một hội nghị quốc tế về tôn giáo ở Việt Nam, Hội đồng giám mục Việt Nam hiểu những khó khăn mình sẽ gặp phải.

         Trả lời phỏng vấn Ban Biên tập WHĐ (trang web của Hội đồng Giám mục Việt Nam) về FABC, Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh nhận định [1]:

Tôi thấy có một số trở ngại từ cả đôi bên. Nhìn bề mặt là những thủ tục hành chánh phức tạp. Nhìn chiều sâu, là sự nghi ngờ và sợ sệt từ đôi bên. Song cho đến nay, xem ra đôi bên hiểu nhau hơn, nhất là biết rõ hơn về chủ đề của Hội nghị X là Loan Tin Mừng Sự Sống và Tình Thương của Chúa Giêsu Kitô nhằm đáp lại những thách đố trong xã hội Á châu hôm nay. Và đôi bên có những bước mở đường cho nhau vượt qua những nghi ngại.

          Đức Hồng Y còn kể tiếp câu chuyện: Đầu năm 2011, Ban Thường Vụ FABC có mời tôi dự cuộc họp ở Bangkok. Vị Tổng Thư ký có đặt cho tôi hai câu hỏi: (1) Nhà nước Việt Nam có cho các thành viên FABC nhập cảnh không? (2) Nếu tổ chức tại Việt Nam, các tham dự viên Hội nghị X có được tự do phát biểu không?

Tôi trả lời: (1) Xem ra Nhà nước Việt Nam muốn cho tổ chức Hội nghị IX tại Việt Nam, nên tôi nghĩ rằng Nhà nước sẽ cho các tham dự viên nhập cảnh; (2) Năm 2010, Hội đồng Giám mục Việt Nam có tổ chức Đại Hội Dân Chúa Việt Nam với sự tham dự của đại diện 26 giáo phận tại Việt Nam, cùng một số đại diện những Giáo hội ngoài Việt Nam và có cộng đoàn công giáo Việt Nam. Tôi thấy mọi người phát biểu cách tự do, tất nhiên theo chủ đề Hội đồng Giám mục Việt Nam nêu ra, là xây mới Giáo hội tại Việt Nam thành Giáo hội mầu nhiệm – hiệp thông – sứ vụ. Sau đó FABC quyết định tổ chức Hội nghị X năm 2012 tại Việt Nam.

          Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm thông báo những tín hiệu vui từ phía chính quyền Việt Nam [2]: “Chúng tôi đã thông báo cho Chính quyền biết. Chính quyền đã có văn thư trả lời, và đề nghị xúc tiến việc thực hiện thủ tục nhập cảnh cho các Giám mục và chuyên viên thần học đến dự hội nghị. Ngày 23 tháng 11 vừa qua, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã thông báo cho chúng tôi biết: (1) Đồng ý cho 118 khách được nhập xuất cảnh Việt Nam, theo danh sách đính kèm; (2) Những khách này được nhận thị thực tại sân bay quốc tế. Như thế, coi như mọi sự đang tiến hành tốt đẹp.

Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc, nơi đăng cai tổ chức hội nghị, trả lời phỏng vấn Ban Biên tập WHĐ:

Phóng viên: Để đón tiếp một hội nghị có tầm vóc khu vực như thế, chúng con hình dung Đức cha phải lo lắng và vất vả nhiều. Đức cha có thể cho chúng con biết đôi chút về sự chuẩn bị đó không?

Đức cha Đaminh xác nhận:

Đúng là chúng tôi rất lo lắng và vất vả. Nhà cửa, phòng ốc phải tu sửa lại, các trang bị nội thất cũng phải coi lại, phải bổ sung hoặc thay thế. Chẳng hạn phải trang bị cho phòng họp chính và 9 phòng họp nhóm của Hội nghị, các phòng phải được trang bị máy lạnh v.v… Chúng tôi chưa có kinh nghiệm về việc tổ chức một hội nghị như thế này nên nhiều khâu chuẩn bị phải dò dẫm. Việc trang trí cho Hội nghị cần nhiều sáng tạo, công phu. Chúng tôi có nhờ những chuyên gia nghệ thuật trợ giúp, để nhân đó, trình bày cho Hội nghị những nét văn hoá nghệ thuật đặc trưng của dân tộc; rồi khâu ẩm thực chẳng hạn, cũng là một vấn đề rất phức tạp.”[3]

Đức cha nói thêm:

-Trả lời phỏng vấn chỉ khái quát thế. Trong thực tế thì nhiều việc lắm. Thí dụ, bố trí chỗ ở và làm việc cho khoảng 250 vị khách quốc tế sao cho có đủ những tiện nghi tôi thiểu, phải có Internet băng thông rộng để đưa tin. Cái này mình phải thuê riêng. Đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh cho Hội nghị, tôi đề nghị Chính quyền bảo vệ vòng ngoài. Tòa Giám mục chịu trách nhiệm bên trong. Đến cả vấn đề ẩm thực cũng phải được bảo đảm an toàn tuyệt đối, thực phẩm lấy nguồn từ đâu, được kiểm tra thế nào, nấu nướng khẩu vị ra sao. Xin lưu ý rằng các Đức Hồng y và các Đức Giám mục ở châu Á có khẩu vị rất khác nhau…

Đấy là về điều kiện ăn ở và làm việc, còn việc tổ chức đón tiếp, tổ chức Đêm Văn hóa Việt Nam như một điểm nhấn nữa, công phu lắm! Trước đó gần 2 tháng, Ban Giáo dân-giáo phận do Đức Ông Vinh sơn chủ trì đã họp bàn về những công việc cụ thể. Phải huy động đến vài ngàn người tham gia tổ chức.

***

CacDaiBieu

(Các đại biểu)

BẢN TIN TỔNG HỢP VỀ FABC LẦN THỨ X

 

Chúa nhật 9-12-2012, Đức hồng y Oswald Gracias, Tổng thư ký Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC), cùng với một số Giám mục và chuyên viên của FABC đã đến phi trường Tân Sơn Nhất để chuẩn bị tham dự Đại hội toàn thể FABC lần thứ X tổ chức tại Tòa Giám mục Xuân Lộc, Việt Nam.

Riêng Đức hồng y Oswald Gracias đã cùng Đức hồng y Gaudencio Borbon Rosales (Đặc sứ của Đức Thánh Cha tại Đại hội X FABC), Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli (Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam), và Đức Hồng y GB. Phạm Minh Mẫn ra Hà Nội, cùng với Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn (Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam) đến thăm xã giao Chính quyền Việt Nam trước khi khai mạc Đại hội.

Hội đồng Giám mục Việt Nam đã cử Ðức cha Phaolô Bùi Văn Ðọc, Giám mục Mỹ Tho, và Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Ðệ, Giám mục Thái Bình, đi dự Hội nghị.

Ban Biên tập WHĐ phỏng vấn Đức cha Phao lô Bùi Văn Ðọc, ngài cho biết nội dung chính của Hội nghị lần này là:

– Hội nghị toàn thể của Liên Hội đồng Giám mục Á châu lần này, vì là kỷ niệm 40 năm thành lập và quy chế được Toà Thánh Vatican phê chuẩn vào năm 1972, nên đã chọn chủ đề: Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) kỷ niệm 40 năm – Ðáp lại những thách đố tại châu Á. Hội nghị sẽ nhìn lại các sinh hoạt và đường lối đã vạch ra trong 40 năm qua, và chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa; cố gắng phân định các dấu chỉ của thời đại và cầu nguyện xin Ơn Khôn ngoan; cùng nhau suy nghĩ trong cái nhìn đức tin về bối cảnh mục vụ hiện nay tại châu Á, và xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn Giáo hội; suy nghĩ về cách thức đáp ứng những thách đố trên bình diện mục vụ, xin ơn quảng đại và can đảm. Sau cùng Hội nghị muốn nói lên sự quyết tâm dấn thân mới mẻ và quyết liệt hơn cho Giáo hội tại Á châu.

Trong hội nghị, Ðức cha Phaolô chia sẻ tham luận:

-Bài tham luận của tôi nhắc lại đường lối đối thoại theo ba hướng mà Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) đã đề ra ngay từ khi mới thành lập (Tài Liệu Làm Việc, số 5) là: hướng về người nghèo, hướng về các nền văn hoá, hướng về các tôn giáo, tôi có đề nghị nên cùng nhau suy nghĩ về một hướng thứ tư, là đối thoại với xã hội vô thần duy vật. Tôi có nhắc tới sự hướng dẫn tích cực của Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong dịp các Giám mục Việt Nam đi viếng mộ hai thánh Phêrô và Phaolô năm 2009.

Trong phần thứ hai, tôi nhắc lại số 17 đề cập đến một “văn hoá mới” đang lan rộng tại châu Á và làm đảo lộn những giá trị cổ truyền, do ảnh hưởng của việc toàn cầu hóa, tạo ra một não trạng “duy thế tục”, duy vật, duy hưởng thụ, duy tương đối. Trong thực tế hiện nay, não trạng này cũng khá phổ biến ở Việt Nam, giống như ở nhiều nước Á châu khác. Não trạng này, nếu không được lưu ý kịp thời, có thể làm xói mòn các niềm tin tôn giáo, và ngay cả đời sống đức tin Kitô giáo.

Trong phần thứ ba, tôi đề cập tới những nỗ lực của Giáo hội tại Việt Nam, tiêu biểu là Ðại hội Dân Chúa năm 2010, một cố gắng nhìn lại của Giáo hội tại Việt Nam để hướng tới việc sống đức tin sâu xa hơn, trên cả ba bình diện mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ, để làm chứng cho Tin Mừng về Tình Yêu của Thiên Chúa trên Quê hương Ðất Nước Việt Nam và tất cả những nơi mà có người Việt Nam Công Giáo hiện diện.

Cuối cùng, Ðức Cha Phaolô bày tỏ ước mong của ngài:

– Cũng như một số Ðức cha Việt Nam khác, tôi mới biết Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC), vì từ trước tới nay, chúng tôi ít có dịp giao lưu, nhưng lần này tôi hy vọng sẽ là “một sự bắt đầu mới” của Giáo hội tại Việt Nam hội nhập vào khu vực Á châu, một sự hội nhập rất cần thiết, vì rõ ràng Việt Nam là một quốc gia Á châu, dân tộc Việt Nam là một dân tộc Á châu. Chắc chắn chúng ta có rất nhiều điểm chung với các Giáo hội chị em tại Á châu. Sự hiệp thông giữa các Giáo hội địa phương tại châu Á sẽ làm cho Giáo hội trở nên năng động hơn, vui tươi hơn, và hỗ trợ nhau cách hữu hiệu hơn trong việc loan báo Tin Mừng cho chư dân và việc Tân Phúc âm hoá.

Tôi tin vào cái nhìn tiên tri của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II: Thế kỷ 21 là thế kỷ của châu Á. Chúng ta hãy mạnh dạn giới thiệu gương mặt Chúa Giêsu cho các dân tộc Á châu, cho các nền văn hoá Á châu. Chắc chắn Ngài sẽ thu phục được những con người Á châu, vì chính Ngài cũng là một người Á châu như mọi người Á châu chúng ta. Ngài sẽ ban cho chúng ta Thần Khí Phục sinh của Ngài, và càng ngày sẽ càng có thêm người được chia sẻ Tình Yêu và Sự Sống của Ngài. Ngài sẽ đẩy lùi “nền văn hoá sự chết” khỏi lục địa Á châu. (Ban Biên tập WHÐ)

THÁNH LỄ KHAI MẠC FABC LẦN THỨ X

Sáng nay (ngày 11-12-2012), đông đảo các Linh mục Giáo phận Xuân Lộc, tu sĩ nam nữ đại diện các dòng tu, đại diện qúy chức Ban Hành giáo và Ban Trị sự các giới trong Giáo phận cùng một số khách mời đã quy tụ về Tòa Giám mục Xuân Lộc dự Thánh lễ khai mạc Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC) và kỷ niệm 40 năm thành lập FABC (1972- 2012).

Cùng tham dự lễ khai mạc có đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ, chính quyền địa phương, và đại diện các tôn giáo bạn.

Trước khi Thánh lễ bắt đầu, Hội nghị đã chụp hình lưu niệm chung trong khuôn viên Tòa Giám Mục Xuân Lộc và trong hội trường chính.

Đúng 9 giờ, Đức hồng y Gaudencio Borbon Rosales đặc sứ của Đức Thánh Cha cử hành Thánh lễ Khai mạc tại nhà nguyện tòa Giám Mục Xuân Lộc. Rước chủ tế là các Chủng sinh Đại Chủng viện Xuân Lộc và hơn 230 linh mục giáo phận hiện diện cùng đồng tế.

Trong bài chia sẻ Tin Mừng nói về người mục tử đã bỏ 99 con chiên tốt để đi tìm một con chiên lạc, Đức hồng y đặc sứ so sánh với tình hình ở Á châu. “Tại Á châu, Kitô hữu rất ít, nên có thể nói ở châu lục chúng ta có tới 99 con chiên lạc, và chỉ có 1 con chiên ở trong chuồng! Mà Chúa thì không muốn mất một con chiên nào! Dù chỉ một con chiên lạc, Ngài cũng bỏ tất cả để đi tìm! Huống hồ là 99 con lạc! Vậy trách nhiệm của chúng ta là gì?

Sau lễ, Đức Hồng y Đặc sứ công bố Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gởi cho Hội nghị FABC X tổ chức tại Xuân Lộc, Việt Nam. Đức ông Giuse Đinh Đức Đạo tóm dịch: Nội dung có ba phần chính: Qúa trình hình thành FABC; quá khứ FABC đã diễn ra chuyện gì và hướng tới tương lai.

Cuối cùng ngài chuyển Phép lành Tòa thánh của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đến mọi thành phần dân Chúa. Vị Đặc sứ khẳng định: Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI luôn đồng hành với FABC.

          Đức Tổng giám mục Léopoldo Girelli đón tiếp phái đoàn Chính phủ đến thăm tại phòng khách Toà Giám mục Xuân Lộc.

Thánh lễ khai mạc kết thúc vào lúc 10 giờ 30.

KHAI MẠC HỘI NGHỊ        

Lúc 10g30 Đại hội cử hành nghi thức khai mạc tại Tòa Giám mục Xuân Lộc.

Một cuộc rước trọng thể đưa phái đoàn FABC cùng với đại diện chính quyền và đại diện các tôn giáo bạn đi từ Toà Giám mục vào Hội trường Đại Chủng viện.

Chương trình bắt đầu bằng tiết mục biểu diễn trống của các nữ tu dòng Nữ tỳ Chúa Giêsu Linh mục.

Sau đây là diễn tiến chương trình:

Lm. Raymond Leslie O’Toole, Thư ký thường trực của FABC cám ơn và giới thiệu chương trình.

Ông Trưởng Ban Tôn giáo Tỉnh Đồng Nai giới thiệu phái đoàn chính quyền và tôn giáo bạn.

Đức Giám mục Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Giám mục Chính toà Xuân Lộc chào mừng Đại hội.

Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam nói về Giáo hội Việt Nam và FABC.

Đức Hồng y Oswald Gracias, Tổng thư ký FABC trình bày sơ lược 10 Đại hội FABC.

Đức Tổng Giám mục Léopoldo Girelli, Đại diện không thường trú của Đức Thánh Cha tại Việt Nam nói về FABC và năm Đức Tin.

Đức Hồng y Gaudencio Borbon Rosales, Đặc sứ của Đức Thánh Cha tại Đại hội X FABC chuyển sứ điệp của Đức Thánh Cha đến Đại hội và dân tộc Việt Nam.

Ông Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ chúc mừng Đại hội.

Đức Hồng y GB. Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh diễn tả tâm tình của giáo dân Việt Nam đối với Đại hội.

Chương trình khai mạc chấm dứt bằng vũ khúc “Dân ca ba miền” của các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc.

Trước khi ra về, phái đoàn Chính quyền đã trao tặng Đại hội FABC X những lẵng hoa thật lớn và thật đẹp.

Phái đoàn FABC sau đó dùng cơm trưa vào lúc 13g30, và phiên họp đầu tiên của Đại hội đã bắt đầu vào lúc 16g. Với giờ cầu nguyện Taizé lúc 20g30, ngày khai mạc Đại hội FABC X đã kết thúc trong bình an.
Tường thuật nghi thức khai mạc

 

200 thanh niên nam nữ của giáo xứ Ninh Phát, và một số giáo xứ hạt Xuân Lộc trong màu áo dài hồng, và khăn đóng, áo thụng màu vàng đồng, đón các đại biểu dọc theo đường đi của tiền sảnh Tòa Giám mục sang hội trường Đại Chủng viện.

Gần 600 nhạc công các ban nhạc kèn của một số giáo Hạt trong giáo phận Xuân Lộc như của Hạt Gia Kiệm (300), Hạt Xuân Lộc (120), Hạt Hòa Thanh (100) và Hạt Biên Hòa (70) đứng kín một phần sân của Đại Chủng viện.

Đội trống của giáo xứ Bắc Hải, Hố Nai 145 người mang lễ phục ngày hội của truyền thống Việt Nam. Và hơn 100 đồng bào Công Giáo người  dân tộc  với trang phục của mình  đã sắp hàng ngay thẳng trước sân còn lại của Đại Chủng viện để đón các thành viên của Hội nghị và các vị khách quý tiến vào hội trường Đại Chủng viện khai mạc hội nghị.

Khoảng hơn 11 giờ trưa, đoàn rước quý đại biểu dự hội nghị, quý đại diện chính quyền, các tôn giáo bạn từ tiền sảnh Tòa Giám Mục sang Hội trường Đại Chủng viện giữa những tiếng pháo tay giòn giã, không dứt, giữa những nhạc kèn, tiếng trống hào hùng âm vang.

Dẫn đầu đoàn là các thanh niên trong trang phục dân tộc áo dài màu vàng đầu đội khăn đóng mang 40 logo của FABC đi đầu đoàn rước. Mỗi Logo giơ cao lên là biểu tượng của một năm FABC hoạt động.  Sau đó là các vị Tổng Đại diện của các giáo phận tại Việt Nam do Đức Ông Vinhsơn Đặng Văn Tú, Tổng Đại diện Giáo phận Xuân Lộc đi đầu. Tiếp theo là các Đức Giám mục và các thành viên văn phòng của Hội nghị.

Sau đó nổi bật là 40 chàng trai trong trang phục lính triều đình ngày xưa, cầm 40 lọng vàng đứng ngay hàng trực đón quý đại biểu. Họ đón các vị khách quý đai diện Chính Quyền và các tôn giáo, và các vị Tổng Giám mục, Hồng y đại biểu.

Sáu vị đi cuối cùng đoàn rước là Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, (Giám mục Xuân Lộc chủ nhà) Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn văn Nhơn, (Chủ Tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam) Đức Hồng Y GB Phạm minh Mẫn, (Tổng Giám mục Tổng giáo phận thành phố Hồ Chí Minh)  Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli (Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam), Đức Hồng y Oswald Gracias (Tổng Thư ký FABC) và Đức hồng y Gaudencio Borbon Rosales (Đặc sứ của Đức Thánh Cha tại Đại hội X FABC). Ngoài lọng vàng trang trọng, còn có các thầy Đại Chủng viện thánh Giuse Xuân Lộc cầm sẵn dù trong tay để che nắng cho từng vị đại biểu.

Mở  đầu lễ  khai mạc là “Tiếng trống khai hội” của 20 diễn viên múa trống rất nghệ thuật và điêu luyện của quý Dì thuộc Hội dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh mục. Trong trang phục áo dài vàng truyền thống, với những tiếng trống hào hùng, âm vang góp phần làm hưng phấn ngay từ những phút đầu tiên.

Sau phần trình diễn đặc sắc của tiếng trống truyền thống, Cha Raymond Leslie O’Toole, Thư ký điều hành Hội nghị FABC, và Đức ông Giuse Đinh Đức Đạo, Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc phụ trách phiên dịch ngồi vào bàn điều hành phía trên sân khấu để bắt đầu chương trình Lễ Khai Mạc.

Trước khi các Đức Hồng Y, Tổng Giám mục có diễn văn khai mạc, ông Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Đồng Nai giới thiệu cùng quý đại biểu Hội nghị FABC những vị đại diện các cấp chính quyền từ Trung ương đến tỉnh Đồng Nai và thị xã Long Khánh; cùng đại diện các tôn giáo bạn: Phật giáo, Cao Đài Tây Ninh, và Tin Lành về dự lễ khai mạc. Đáng lưu ý, có sự hiện diện của ông Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Dương ngọc Tấn, Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính Phủ; ông Trần Hoàng Thám, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Nguyễn Thành Trí, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai.

          Lời chào mừng của Đức Giám mục Xuân Lộc.

Trong diễn văn chào mừng – khai mạc, Đức cha Đaminh Nguyễn chu Trinh, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc chào mừng Đức Hồng y Gaudencio Borbon Rosales (Đặc sứ của Đức Thánh Cha), Đức Hồng y Oswald Gracias (Tổng Thư ký FABC), Tổng Giám mục Leopoldo Girelli (Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam), quý Đức Hồng y, Tổng Giám mục, Giám mục, tất cả quý Đại biểu về dự Đại hội FABC. Ngài cũng chào mừng quý vị đại diện các cấp chính quyền từ  Chính phủ, đến cấp Tỉnh, cấp Thị xã, đến quý vị đại diện các tôn giáo bạn… Đức cha Đaminh thay mặt cho Đức cha Phụ tá Tôma, cùng 475 Linh mục, 1692 Tu sĩ nam nữ, 237 Chủng sinh và gần một triệu giáo dân thuộc Giáo phận Xuân Lộc gởi lời trân trọng đến tất cả quý vị về dự lễ Khai mạc FABC, nhất là dâng lên Đức Thánh Cha lòng kính trọng trong sự hiệp thông và yêu mến vâng phục.

Đức cha Đa Minh cũng cho biết, cùng với Tổng giáo phận thành phố Hồ Chí Minh, Giáo phận Xuân Lộc đã huy động mọi tài lực, nhân lực để góp phần tổ chức tốt nhất cho Đại hội FABC gặt hái nhiều thành công tốt đẹp. Vì là lần đầu tổ chức Hội nghi FABC tại Giáo phận Xuân Lộc và Tổng giáo phận Tp.HCM, chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót, mong quý Đại biểu thông cảm. Cuối diễn văn khai mạc, Đức Cha Đaminh kính chúc quý Đại biểu tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần, quý khách đầy an bình hạnh phúc, chúc hội nghị FABC X thành công.

           Lời chào mừng của Chủ Tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam

Tiếp theo đó, Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, nhân danh các Giám mục Việt Nam, toàn thể dân Chúa, gởi lời chào mừng đến các Đại biểu của Hội nghị, đặc biệt đến vị Hồng Y Đặc sứ của Đức Thánh Cha. Dân Chúa Việt Nam hết sức biết ơn quý đại biểu Hội nghị FABC. Ngài nhắc qua trang sử vàng Truyền giáo tại Việt Nam. Các Thừa sai là những người tiên phong đem hạt giống Đức Tin đến quê hương Việt Nam. Máu các Thánh Tử Đạo Việt Nam không ngừng vun chăm cho hạt giống Đức Tin lớn mạnh. Đức Cha Chủ tịch nói, qua thực tế, Việt Nam mới chỉ có khoảng 7 triệu tín hữu Công giáo, còn 87% dân số chưa thuộc Kitô hữu Công giáo. Đức Cha nhấn mạnh: Sự hiện diện của quý Đại biểu về dự Hội nghị FABC nhắc nhớ đến sứ vụ Truyền giáo. Ngài xin trao tất cả qua bàn tay Đức Maria.

Đức Tổng Giám mục – Chủ Tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nói lời cám ơn chân thành các cấp chính quyền Việt Nam, cách riêng Giáo phận Xuân Lộc. Theo Ngài, quý vị Đại biểu về dự Hội nghị FABC đều nhận thấy sự trân trọng, hiếu khách, và được tiếp đón hết sức nồng hậu.

 

          Phát biểu của Đức Hồng y Tổng thư ký FABC.

Đức Hồng y Oswald Gracias – Tổng Thư ký FABC là người Ấn Độ, trong bài nói chuyện, Ngài đã nói đôi nét về Lịch sử FABC. Đây chính là hoa trái của Công đồng Vaticano II. Hội nghị FABC lần thứ X còn là kỷ niệm 40 thành lập FABC (1972-2012). Đây là một dịp, một cơ hội để nhìn lại – phân định quá khứ, vừa hướng tới tương lai. Với bầu khí quá tốt đẹp này, Ngài mong muốn có dịp được trở lại Việt Nam. Ngài cũng tin rằng quý Đức Hồng Y, và quý Đức Cha đại biểu rồi sẽ trở về đất nước của mình, nhưng chắc còn để lại trái tim nơi đây.

          Cảm tưởng của Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli

Vị Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam là Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli khi bước lên đã  mở lời ‘xin lỗi’, vì sẽ nói một cách bộc khởi, không soạn sẵn. Trước hết ngài có lời chào đến Đức Hồng y đặc sứ Đức Thánh Cha tại hội nghị FABC, ngài nói: vị Đặc sứ là đôi mắt, đôi tay, môi miệng của Đức Thánh Cha. Về dự Hội nghị, gặp gỡ các Đại biểu đại diện Liên Hội đồng Giám mục Á Châu… ngài cảm thấy an bình như thể ở nhà mình. Trước sự hiện diện quý giá của các vị đại diện chính quyền, của các vị khách quý các tôn giáo bạn đã thể hiện tương quan với Giáo hội Việt Nam với quốc gia và dân tộc của mình.

Mượn lời Chúa Giêsu, ngài nói đến việc nhận ra các dấu chỉ thời đại, cụ thể nơi Hội nghị FABC là một dấu chỉ. Hướng đến Năm Sống Đức Tin, ngài cho biết cả Châu Á cần được Phúc Âm hóa. Trong sứ vụ tân Phúc Âm hóa, ngài nhấn mạnh tương quan hai chiều: trong Giáo hội và ngoài Giáo hội, vừa tích cực học hiểu giáo lý đào sâu Đức tin, vừa hướng đến lương dân chưa là Công giáo; ngài đặc biệt chú ý vai trò anh chị em Giáo dân những chứng nhân Tin Mừng sống giữa đời.

Ngài cầu chúc Hội nghị FABC sẽ đem lại nhiều hoa trái trong công cuộc tân Phúc Âm hóa. Vị đại Đại diện Tòa Thánh kết bằng câu tiếng Việt: ‘Đức Thánh Cha yêu các con, yêu anh chị em’.

          Lời phát biểu của Trưởng Ban Tôn giáo Chính Phủ

Ông Phạm Dũng- Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, trước hết, cảm ơn những lời khen ngợi tốt đẹp của các Đại biểu về đất nước Việt Nam, con người Việt Nam, và Giáo hội Công giáo Việt Nam. Trong bầu khí chuẩn bị Mừng Chúa Giáng Sinh, thay mặt Chính phủ, Ban Tôn giáo Chính phủ, chính quyền các cấp chúc mừng các vị Hồng Y, các vị Giám Mục… Ông cũng kính chúc hội nghị FABC thành công tốt đẹp.

Vị đại diện Chính quyền cũng nói qua tầm quan trọng của FABC trong đời sống Kitô hữu, cách riêng đối với người Công giáo Việt Nam, khi lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Ông đánh giá cao Giáo hội Công giáo Việt Nam đã có những đóng góp cho sự nghiệp chung của dân tộc, cho đời sống an bình- ổn định- phát triển, nhất là trong công cuộc đổi mới đất nước. Với sứ vụ yêu thương của Chúa Giêsu, ông nói lại tinh thần thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam về “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc”, nhắc lại ý của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI với các Đức Giám mục Việt Nam trong dịp Ad Limina gần đây ‘một người Công giáo tốt cũng là một công dân tốt’. Ông khẳng định lại chính sách nhất quán về tự do tôn giáo của chính phủ Việt Nam. Kết lời phát biểu, ông đã nói một câu mà nhiều người rất tâm đắc: ‘cầu chúc Chúa phù hộ cho tất cả chúng ta’.

Đức Hồng Y GB Phạm Minh Mẫn

Phát biểu cuối cùng, Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục-Tổng Giáo phận Tp.Hồ Chí Minh nói lên trong ngày khai mạc hội nghị FABC lần thứ X này ‘ba lời cám ơn”.

Lời cám ơn đầu tiên xin gởi đến tất cả quý Đức Hồng Y và Quý Đức Tổng Giám mục, quý Đức Giám mục đại biểu các nước trong khu vực Á châu về dự hội nghị FABC. ‘Ngôi nhà Việt Nam’, với sự hiện diện của quý Đại biểu đã mở rộng thêm cánh cửa, đón nhận luồng gió trong lành và tươi mát của sự hiệp thông;

Lời cám ơn thứ hai xin gởi đến Chính phủ Việt Nam, chính quyền tỉnh Đồng Nai đã tạo điều kiện cho Giáo hội giúp xây dựng “Ngôi nhà Việt Nam” thêm tình người, tình huynh đệ, anh em một nhà.

Lời cám ơn thứ ba xin gởi đến mọi thành phần Dân Chúa Việt Nam, cách riêng Giáo phận Xuân Lộc đã tích cực hợp tác với nhiều thành viên các Giáo Phận khác tích cực tổ chức hội nghị FABC; cảm ơn tất cả các vị đã góp phần cho Giáo hội Việt Nam đón tiếp hội nghị FABC trong niềm vui phấn khởi, tình huynh đệ anh chị em một nhà.

Sau cùng Đức Hồng y nói: Ngài xin ‘báo cáo’ những gì nghe thấy từ sáng tới giờ từ phía quý đại biểu, quý khách, trước việc tổ chức đón tiếp nồng hậu của địa phương: ngỡ ngàng vì những điều thật kỳ diệu, thật hoành tráng.

          Kết thúc Nghi thức khai mạc

Lễ khai mạc kết thúc với phần trình diễn các tiết mục múa dân ca ba miền của các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc.

Cha Thư ký Raymond Leslie O’Toole gởi lời cám ơn đến tất cả mọi người đã tích cực làm nên buổi lễ khai mạc sinh động, tốt đẹp. Mọi người dùng cơm chung.

 

***

NGÀY LÀM VIỆC THỨ HAI FABC X:

Xin ơn khôn ngoan để nhận ra dấu chỉ thời đại

 

Thánh lễ buổi sáng lúc 7 giờ do Đức Hồng y GB. Phạm Minh Mẫn chủ tế. Ngài chia sẻ những cảm nhận trong việc đón nhận và sống Lời Chúa cùng Sự Khôn Ngoan của Ngài, nhằm đáp lại những thách đố trong xã hội hôm nay:

  1. Trước hết, sau 15 năm sống và phục vụ trong thành phố của tôi, tôi cảm nhận Chúa Giêsu luôn đồng hành với chúng tôi, như Ngài đã đồng hành với hai môn đệ làng Êmau. Tôi cảm nhận tình yêu của Ngài có đủ năng lực biến đổi những khổ đau và thất vọng, thành cơ hội cho gia đình giáo phận chia sẻ với mọi người niềm tin yêu và hy vọng của mình…
  2. Thứ đến, tôi cảm nhận Chúa Thánh Thần đang ban ơn canh tân lòng trí và mở rộng tầm nhìn, để chúng tôi có thể đáp lại những thách đố gay go của xã hội hôm nay…
  3. Thứ ba, trong khó khăn, thử thách, và cả trong sợ hãi, tôi cảm nhận rằng, với sự dìu dắt của Chúa Giêsu và Thánh Thần của Ngài, cùng sự trợ lực của Thánh Mẫu Maria và các thánh Tử Đạo Việt Nam, nhiều người công giáo… mở rộng lòng trí cùng con tim, lấy tình yêu đáp trả tình yêu của Thiên Chúa đối với mọi người,… cách riêng những người lâm cảnh cùng khổ, và sống bên lề xã hội.
  4. Sau cùng, trong thành phố quá đông dân này, tôi cảm thấy nhiều người cần đến nguồn nước hằng sống của Chúa Giêsu… Do đó, tôi cảm thấy có bổn phận giúp cho mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn công giáo, bước đầu là trở nên giếng nước đầu làng, nơi đó Chúa Giêsu hiện diện và cung cấp nguồn nước trong lành cho mọi người…

Trong ngày, có 3 phiên họp chung và 1 phiên họp theo nhóm.

Ngày thứ hai của Đại hội cũng kết thúc bằng giờ cầu nguyện Taizé.

 

***

NGÀY LÀM VIỆC THỨ BA

 

          Thứ Năm 13-12-2012 Đại hội toàn thể Liên Hội đồng Giám mục Á châu suy tư với chủ đề “Suy tư đức tin về hoàn cảnh mục vụ, xin ơn hướng dẫn”.

Chia sẻ Lời Chúa trong Thánh lễ, vị Hồng y chủ tế Gioan Thang Hán của Hong Kong cho rằng Thánh Gioan Tẩy Giả chính là gương mẫu tuyệt vời của việc loan báo Tin Mừng, giúp người khác nhận ra Đức Giêsu chính là Đấng Cứu tinh mà nhân loại cần tìm đến. Vị chủ tế nói về những thách đố của Giáo hội Hong Kong trong quá khứ cũng như hiện tại.

Lúc 9g, các thành viên Đại hội đã họp nhóm, thảo luận về những xu hướng chính yếu của thời đại dẫn đến những yêu cầu về mục vụ. Sau đó là những báo cáo của các văn phòng FABC.

Vào lúc 12g trưa, Đại hội vui mừng chào đón Đức hồng y Luis Antonio Tagle (Tổng giám mục Manila) và Đức Tổng Giám mục Orlando B. Quevedo (Tổng giám mục Cotabato) đến tham dự Đại hội.

Sau trưa, lúc 13g30, Đại hội đặc biệt long trọng chào đón Đức Tổng Giám mục Savio Hàn Đại Huy, Tổng thư ký Bộ Truyền giáo. Đáp từ cho những lời chào mừng trọng thể, vị Tổng thư ký đã kể một câu chuyện thật vui để ghi nhận những thành quả và khích lệ những nỗ lực truyền giáo của Giáo hội Việt Nam.

Buổi chiều, Đại hội tiếp tục với các cuộc hội thảo và kết thúc bằng hát Kinh chiều trọng thể tại Hội trường lúc 19g.

Buổi tối là giờ cầu nguyện Taizé.

***

NGÀY LÀM VIỆC THỨ TƯ

Thứ sáu 14-12-12 là lễ kính thánh Gioan Thánh giá chủ đề Hội nghị: “Đáp ứng những thách đố mục vụ, xin ơn can đảm và quảng đại”.

Trong bài giảng Thánh lễ cử hành vào lúc 7g, Đức Hồng y chủ tế Malcolm Ranjith của Sri Lanka đã khai triển mẫu gương đời sống của Thánh Gioan Thánh Giá. Ngài nói, để có thể đáp ứng những thách đố mục vụ của thời đại, cần phải liên kết chặt chẽ với Chúa Giêsu trên thập giá. Thành công của đời tông đồ không phải ở những gì chúng ta đã làm được, mà ở chỗ chúng ta đã mở lòng ra như thế nào để Chúa ngự trị trong ta và trong mọi người. Trong Chúa, ta mới có thể đáp ứng được những thách đố lớn lao phát sinh trong thế giới hiện đại.

Trong các phiên họp hôm nay, Đại hội bàn về chủ đề, soạn thảo sứ điệp và tu chỉnh điều lệ FABC.

 

 

***

 

ĐÊM VĂN HÓA VIỆT NAM

 

Vào lúc 20g15, các thành viên đại hội được mời ra sảnh Tòa Giám mục để chuẩn bị tham dự Đêm Văn hóa Việt Nam. Đức hồng y Gaudencio và Đức Tổng Giám mục Hàn Đại Huy, lấy lửa từ nến Phục sinh, thắp hai “ngọn đuốc đức tin”. Hai ngọn đuốc này truyền lửa qua 54 ngọn đuốc khác trên tay 54 thanh niên, tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam; đồng thời cũng truyền lửa cho 256 lồng đèn hoa sen trên tay 256 thiếu nữ, tượng trưng cho 256 giáo xứ của Giáo phận Xuân Lộc.

Lửa thắp lên rồi, một đoàn rước bắt đầu hình thành và chuyển động – băng qua một sân cỏ rộng tiến vào hội trường Đại Chủng viện – gồm: nhóm Đuốc đức tin nam nữ, đoàn Lễ tân nón lá, đội cồng chiêng, các nữ tu Mến Thánh Giá trong trang phục ba miền, các thỉnh sinh Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục trong những tà áo dài lộng lẫy, 40 bạn trẻ mang logo FABC, đội trắc, đoàn lính thú mang lọng che, 12 thiếu nữ Lễ tân áo đỏ, và các em thiếu nhi thiên thần, mỗi em cầm tay một thành viên đại hội tiến bước vào hội trường.

Linh mục Tiến Lộc giới thiệu chương trình bằng tiếng Anh lưu loát và vui tươi. Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm nói tiếng Anh rất tự nhiên (không soan thành văn bản để đọc) giải thích ý nghĩa, nội dung chương trình và khai mạc Đêm Văn Hóa.

Chương trình gồm những phần chính: Nguồn gốc dân tộc Việt, Âm nhạc Ba Miền, Âm nhạc Các Dân Tộc Việt Nam, Ca nguyện. Mọi người rất hân hoan sống lại thuở ban sơ của quê hương với Lạc Long Quân và Âu Cơ, say mê thưởng thức những nét đặc sắc của âm nhạc và điệu múa dân tộc, chăm chú ngắm nhìn hình ảnh nhà thờ Việt Nam ở các miền đất nước, ngỡ ngàng trước sự điêu luyện của ca đoàn Trùng Dương khi trình diễn những tác phẩm “Hòn Vọng Phu”, “Trường ca Mẹ La Vang”…

Đêm Văn Hóa Việt Nam kết thúc với lời cám ơn của Đức Ông Giuse Đinh Đức Đạo, kinh Salve Regina, lời phát biểu cảm tưởng và phép lành của Đức Hồng y Đặc sứ Tòa Thánh.

 

***

 

          NGÀY LÀM VIỆC THỨ NĂM

Ngày làm việc cuối cùng của FABC X tại Xuân Lộc diễn ra với chủ đề: FABC tái cam kết dấn thân cho sứ vụ của Giáo hội tại châu Á.”

Các đại biểu họp hai phiên toàn thể, nghe diễn văn ngắn của Đức Tồng Giám mục Savio Han Đai Huy từ Bộ Truyền Giáo, và nghe báo cáo của Ban Thư ký Trung ương FABC. Phiên tiếp theo các đại biểu dành thì giờ để đọc, thảo luận và duyệt sứ điệp của đại hội.

Đầu giờ chiều, các đại biểu lên xe trở lại Sài Gòn. Một số đại biểu, tham dự viên FABC lên đường về nước. Các đại biểu còn lại được chia thành 15 đoàn (1 đoàn thăm Đại Chủng Viện Thánh Giuse, 14 đoàn thăm các Giáo xứ thuộc các Hạt) và cử hành Thánh lễ, dùng cơm tối với cộng đoàn tại đó, do một Giám mục Việt Nam dẫn đoàn và chủ sự Thánh lễ (trừ đoàn tại Nhà thờ Cha Tam vì tại đây có cộng đoàn người Hoa), để, theo như lời ĐHY GB Phạm Minh Mẫn (WHĐ, 01-12-2012), rằng: “Các Hồng y, Giám mục Á châu, muốn đi đến nhiều nhà thờ trong thành phố cùng dâng lễ với người Công giáo Việt Nam vào lúc 18h30 chiều thứ bảy 15-12-2012, để đi vào chiều rộng và chiều sâu của đời sống đạo nơi người Công giáo Việt Nam.”

Cụ thể, 15 đoàn của FABC như sau: 1/ Đại Chủng viện thánh Giuse. 2/ Giáo xứ Đa Minh Ba Chuông (Hạt Phú Nhuận. 3/ Giáo xứ Thánh Phaxicô Xaviê (Hạt Chợ Quán). 4/ Giáo xứ Bình An (Hạt Bình An). 5/ Giáo xứ Tân Chí Linh (Hạt Chí Hòa). 6/ Giáo xứ Gia Định (Hạt Gia Định). 7/ Giáo xứ Xóm Thuốc (hạt Gò Vấp). 8/ Giáo xứ Trung Chánh (hạt Hóc Môn). 9/ Giáo xứ Phú Bình (hạt Phú Thọ). 10/ Giáo xứ Tân Định (Hạt Tân Định). 11/ Giáo xứ Phú Trung (Hạt tân Sơn Nhì). 12/ Giáo xứ thánh Nguyễn Duy Khang (Hạt Thủ Đức). 13/ Giáo xứ Tân Lập (Hạt Thủ Thiêm). 14/ Giáo xứ Xóm Chiếu (Hạt Xóm Chiếu). 15/ Giáo xứ Hà Nội (Hạt Xóm Mới).

 

***
          NGÀY LÀM VIỆC THỨ SÁU

            Sáng Chúa nhật ngày 16-12-2012, ngày thứ sáu và cũng là ngày cuối cùng của FABC X, Lễ bế mạcKỷ niệm 40 năm thành lập Liên Hội đồng (1972-2012) được cử hành tại Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn vào lúc 9h30 sáng do Đức Hồng y Oswald Gracias (Tổng thư ký FABC) chủ sự và giảng lễ, sau đó là phần công bố sứ điệp của Hội nghị toàn thể Liên Hội đồng Giám mục Á châu lần thứ X.

Buổi trưa, Đức Hồng y chủ nhà GB Phạm Minh Mẫn đãi tiệc, bế mạc FABC X tại Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn.

 

***

 

Phụ lục 1

                      Sứ điệp Hội nghị toàn thể lần thứ X

                    của Liên Hội đồng Giám mục Á châu

 

          “Canh tân các sứ giả Tin Mừng để phục vụ công cuộc Tân Phúc âm hóa tại châu Á”

“Chúng tôi loan báo cho anh chị em điều chúng tôi đã thấy và đã nghe” (1 Ga 1, 3).         

         Chúng tôi, các giám mục đại diện của các Hội đồng Giám mục thành viên và các Hội đồng Giám mục liên kết, thuộc Liên Hội đồng Giám mục Á châu, đã họp Hội nghị toàn thể lần thứ X tại Xuân Lộc và Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam), từ ngày 10 đến ngày 16 tháng Mười Hai 2012.

         Tham dự Hội nghị, có: Đức hồng y Gaudencio Rosales, Đặc sứ của Đức Thánh Cha; Đức Tổng giám mục Saviô Hàn Đại Huy SDB, Tổng thư ký Bộ Loan báo Tin Mừng các dân tộc; Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam; quý đại biểu huynh đệ của các Liên Hội đồng Giám mục châu Đại dương, châu Mỹ Latinh và châu Âu; quý đại biểu một số tổ chức quyên góp và tài trợ; quý Đức cha và Thư ký các văn phòng FABC; và quý khách mời. Tổng số đại biểu tham dự là 111 vị (gồm: 7 hồng y, 69 giám mục, và 35 linh mục, tu sĩ, giáo dân).

          Chúng tôi cảm tạ Chúa về biến cố lịch sử bản Quy chế thành lập FABC được Tòa Thánh chuẩn nhận 40 năm trước đây. Quả là một hồng phúc đặc biệt cho chúng tôi vì dịp kỷ niệm 40 năm FABC lại trùng với bốn biến cố quan trọng: Năm Đức Tin, kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Vatican II, 20 năm xuất bản sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, và Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 13 vừa kết thúc về Tân Phúc âm hóa để thông truyền đức Tin Kitô giáo.

          Tất cả những biến cố này nhắc chúng ta ý thức về căn tính sâu xa nhất của mình: chúng ta là một cộng đoàn đức Tin được Chúa kêu gọi thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng nơi trần gian. Chúng tôi cảm tạ Chúa đã chúc lành cho FABC trong công cuộc canh tân sứ vụ yêu thương và phục vụ tại châu Á.

          Chúng tôi hết lòng biết ơn Giáo hội tại Việt Nam, đặc biệt các giáo phận Xuân Lộc và TP.HCM, đã dành cho chúng tôi sự đón tiếp hết sức nồng hậu và hiếu khách. Chúng tôi cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã cởi mở và giúp đỡ Hội nghị chúng tôi được diễn ra tại đất nước có những truyền thống và văn hóa phong phú này. Chúng tôi nguyện xin Thiên Chúa ban muôn ơn lành cho Giáo Hội tại Việt Nam và nhân dân Việt Nam.

          Chúng tôi cũng bày tỏ tình hiệp thông và liên kết, cũng như sự khích lệ, đối với Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc. Các đại biểu của Giáo hội Trung Quốc đã không có mặt tại Hội nghị của chúng tôi. Chúng tôi thiết tha mong mỏi sẽ có ngày cuộc quy tụ huynh đệ được mở rộng thêm ra với sự tham gia tích cực tại FABC của Giáo hội Trung Quốc. Chúng tôi hiệp nhất với Giáo hội Trung Quốc trong lời cầu nguyện cho mọi người của đất nước rộng lớn này được bình an, hưởng niềm vui và hy vọng đã được Chúa Kitô mang đến.

         Chúng tôi hết lòng biết ơn tất cả anh chị em giáo dân, nam nữ tu sĩ, các linh mục và giám mục đang thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, thậm chí phải liều cả mạng sống. Tinh thần quả cảm và hết lòng phục vụ Tin Mừng của anh chị em đã soi sáng và củng cố chúng tôi rất nhiều.

         Tuần lễ diễn ra Hội nghị thực sự là một Tuần Đức Tin. Ngọn lửa niềm tin của chúng tôi vào Thiên Chúa đã bừng cháy thêm lên trước đức Tin sâu sắc và sống động của dân Chúa tại Việt Nam và qua câu chuyện của các vị tử đạo. Nhờ chứng từ cao cả của các vị tử đạo, sức mạnh của đức Tin và đức Cậy đã ngời sáng.

         Trong ánh sáng của Lời Chúa, Hội nghị của chúng tôi nhận diện những nẻo đường thực thi sứ vụ mà Chúa Thánh Thần soi dẫn. Được Thánh Thần hướng dẫn, chúng tôi đọc các dấu chỉ thời đại, những trào lưu lớn trong xã hội tại châu Á và những thực tại đang diễn ra trong Giáo hội của mình, đồng thời phân tích những thách đố và cơ hội đang mở ra để có thể đáp ứng từ chiều sâu đức Tin của mình. Chúng ta đang thực thi một sứ vụ rất khó khăn là loan báo Đức Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu thế giữa những thay đổi mau chóng tại châu Á. Vì lẽ đó, chúng ta càng phải ý thức hơn nữa mình phải trở thành một cộng đoàn có kinh nghiệm về Đức Kitô và làm chứng cho Đức Kitô. Trọng tâm công cuộc Tân Phúc âm hóa đã được Đức Chân phước giáo hoàng Gioan Phaolô II khởi xướng và được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tái khẳng định, chính là lời thúc giục hãy trở nên những chứng nhân đích thực và đáng tin cậy về Đức Giêsu là Thiên Chúa và là Đấng Cứu thế.

          Chính Thần khí đã từng thúc đẩy Công đồng Vatican II nay cũng đang hiệu triệu chúng ta thành những sứ giả được đổi mới của Tin Mừng để phục vụ công cuộc Tân Phúc âm hóa. Chính Thánh Thần là Đấng có thể làm cho Giáo hội và từng người chúng ta nên mới. Chính Thánh Thần là Đấng giúp chúng ta có thể đáp ứng một cách đáng tin và có hiệu quả trước các trào lưu xã hội và những thực tại đang diễn ra trong Giáo hội đã được Hội nghị bàn đến.

         Để trở nên những thừa sai mới, chúng ta phải đáp lại Thần khí đang hoạt động tích cực trong thế giới, trong sâu thẳm hiện hữu của chúng ta, trong các dấu chỉ thời đại và trong tất cả những gì thực sự thuộc về con người. Chúng ta cần phải sống linh đạo Tân Phúc âm hóa.

          Chúng tôi đề nghị với anh chị em một số chiều kích cơ bản của nền linh đạo này:

  1. Gặp gỡ cá nhân với Đức Giêsu Kitô. Trước hết và trên hết, những sứ giả mới của Tin Mừng cần phải có một đức Tin sống động, được xây dựng trên nền tảng cuộc gặp gỡ sâu xa, cá vị và có sức biến đổi, với con người sống động của Đức Giêsu Kitô, một cuộc gặp gỡ đem lại hiệu quả là bản thân được hoán cải và trở nên môn đệ của Chúa Giêsu trong lời nói và việc làm. Tóm lại, chúng ta loan báo Đấng mình đã thấy, đã nghe và chạm đến (1 Ga 1, 1-3). Cuộc gặp gỡ cá vị này và đời sống người môn đệ là điều hết sức cần thiết. Thiếu điều này, không ai có thể chạm đến cái hồn của châu Á.
  2. Say mê sứ vụ. Nếu chúng ta có mặt là để thi hành sứ vụ, thì chúng ta cần phải có niềm say mê sứ vụ. Truyện kể về Giáo hội tại châu Á đan xen với truyện kể về các vị thừa sai và các vị tử đạo. Các vị là những giáo dân, tu sĩ nam nữ và hàng giáo sĩ đã dám liều mạng sống mình vì Đức Kitô. Câu chuyện về các ngài thôi thúc và khích lệ chúng ta. Các ngài là hiện thân của niềm say mê truyền giáo theo một cách thức mà loài người không thể làm được, nhưng đối với Thiên Chúa thì hoàn toàn có thể (Lc 18, 27). Chân phước Gioan Phaolô II khẳng định: “Một ngọn lửa chỉ có thể được thắp lên bởi chính một vật đang cháy lửa… (chúng ta) phải cháy lửa tình yêu Chúa Kitô và lửa nhiệt thành mong ước làm cho Đức Kitô được nhiều người nhận biết hơn, yêu mến hơn, bước theo sát Người hơn” (Tông huấn Ecclesia in Asia, số 23). Lời Thánh Phaolô: “Tình yêu Ðức Kitô thôi thúc chúng tôi” (2 Cr 5, 14) lay động cõi lòng chúng ta hãy chia sẻ tình yêu khôn sánh của Chúa Giêsu cho toàn thể thế giới. Bởi lẽ chúng ta xác tín rằng mọi niềm khao khát của các dân tộc Á châu đều được kiện toàn nơi Chúa Giêsu, Đấng là Sự Sống.
  3. Tập trung vào Nước Thiên Chúa. Việc loan báo Chúa Giêsu tác động đến mọi khía cạnh cuộc sống và các tầng lớp xã hội –toàn bộ cuộc sống con người. Do đó linh đạo Tân Phúc âm hóa không tách thế giới của chúng ta khỏi Triều đại của Thiên Chúa. Không tách đời sống vật chất khỏi tôn giáo, cũng không làm cho đời sống đức Tin xa lìa nghĩa vụ làm thay đổi đời sống chính trị và kinh tế xã hội. Trên hết, linh đạo của sứ giả Tân Phúc âm hóa không tách Đức Giêsu Kitô ra khỏi Nước Chúa, cũng không tách những giá trị của Nước Chúa ra khỏi Con người Đức Giêsu. Tập trung vào Nước Thiên Chúa là trao bản thân mình cho Chúa Giêsu và tầm nhìn của Người về một nhân loại mới đúng theo khuôn mẫu của Người.
  4. Quyết tâm hiệp nhất. Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho chúng ta được hiệp nhất với Chúa Cha, với Người và với nhau (Ga 17, 20-22). Qua cuộc Khổ nạn, cái Chết và sự Phục sinh của Người, Chúa Giêsu đã phục hồi mọi sự nơi chính mình Người, và đưa nhân loại cùng toàn thể thụ tạo vào sự hiệp thông với Chúa Cha và Thánh Thần. Như Chúa Giêsu, những nam nữ thừa sai Tân Phúc âm hóa cần phải sống và cổ võ sự hiệp thông.

         Quả thật, linh đạo hiệp thông chính là linh đạo của Tân Phúc âm hóa. Chân phước Gioan Phaolô II nhắc chúng ta nhớ “hiệp thông và sứ vụ gắn kết với nhau không thể tách rời”. Thông hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi “là nguồn mạch và là hoa trái của sứ vụ: hiệp thông đưa đến sứ vụ và sứ vụ được hoàn tất trong hiệp thông”(Tông huấn Ecclesia in Asia, số 24, trích dẫn Thông điệp Christifideles laici, số 32). Vì thế đây phải là phương châm của chúng ta: “hiệp thông vì sứ vụ” và “sứ vụ vì hiệp thông” (Tông huấn Ecclesia in Asia, số 25). Các sứ giả Tin Mừng sẽ gặt hái kết quả hữu hiệu khi sống kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu và quảng đại dấn thân làm chứng và cổ võ sống thông hiệp với Chúa, với nhau và với mọi thụ tạo.

          Trong bối cảnh châu Á đang tìm kiếm sự hài hòa giữa những căng thẳng và xung đột đang gia tăng, mọi thành phần dân Chúa –giáo sĩ và giáo dân, nam cũng như nữ, giới trẻ cũng như thiếu niên nhi đồng– đều được mời gọi trở thành những người loan báo Tin Mừng, sứ giả của Lời Chúa, người kiến tạo hòa bình và xây dựng sự hiệp thông. Một sự hiệp thông như vậy cần được thể hiện qua chính sự hiệp thông sống động của các cộng đoàn giáo xứ và giáo phận.

  1. Đối thoại, một phương cách sống và thi hành sứ vụ. Công cuộc Tân Phúc âm hóa kêu gọi lấy tinh thần đối thoại thúc đẩy cuộc sống hằng ngày và chọn tương quan hòa hợp chứ không đối đầu. Đối thoại phải là tiêu chí cho mọi hình thức thực thi sứ vụ và phục vụ tại châu Á. Đặc trưng của đối thoại là khiêm tốn nhận ra sự hiện diện kín đáo của Thiên Chúa trong cuộc tranh đấu của người nghèo, trong sự phong phú về văn hóa của nhân dân, trong sự đa dạng về truyền thống tôn giáo và trong thẳm sâu cõi lòng mỗi người. Đối thoại như thế là lối sống và phương cách truyền giáo của chúng ta. Đối thoại trở thành nền tảng cho nền linh đạo hiệp thông nhằm canh tân sứ giả Tin Mừng.
  2. Hiện diện khiêm hạ. Chúng tôi tin rằng mỗi người châu Á đều dự phần và đồng hành trong cuộc hành trình tiến đến Nước Thiên Chúa, và tin rằng những cánh đồng truyền giáo là những thửa đất có sự hiện diện và hoạt động lạ lùng của Thánh Thần Thiên Chúa. Trên cánh đồng truyền giáo bao la tại châu Á, chứng từ lặng lẽ nhưng hùng hồn của đời sống Kitô hữu đích thực đòi phải biết hiện diện trong khiêm hạ, biết sống đối thoại, trong đó bao gồm cuộc sống cầu nguyện và “chiêm niệm”. Đó là yêu cầu đặt ra cho các sứ giả mới của Tin Mừng, hoạt động giữa những nền văn hóa đề cao sự bỏ mình và quý trọng cầu nguyện. Sự hiện diện khiêm hạ phải được thể hiện bằng nếp sống giản dị và liên kết với người nghèo.
  3. Vai trò ngôn sứ của người truyền giáo. Trở nên ngôn sứ là trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần, nhận diện những nghịch lý tại châu Á và tố cáo bất cứ những gì làm suy yếu, hạ thấp giá trị và tước bỏ phẩm giá của con cái Thiên Chúa. Những sứ giả mới của Tin Mừng phải bảo vệ phẩm giá làm người của tất cả mọi người, nhất là của phụ nữ, trẻ em và những người không có đủ điều kiện sống cho ra con người trong xã hội châu Á chúng ta. Qua việc tố cáo bất công, những sứ giả mới của Tin Mừng loan báo tình yêu của Thiên Chúa, “những điều quan trọng hơn trong Lề Luật” tức là là công bình, lòng nhân từ và thành tín (Mt 23, 23), và tình yêu được Chúa Giêsu dành ưu tiên cho người nghèo.
  4. Liên đới với những nạn nhân. Trong Hội nghị, chúng tôi đã lưu ý con số các nạn nhân của quá trình toàn cầu hóa, của bất công, của thảm họa hạt nhân và thiên tai, của những cuộc tấn công do những kẻ cực đoan và khủng bố gây ra, con số ấy đang gia tăng từng ngày. Chúa Giêsu đứng về phía nạn nhân của các thảm họa và bất công. Người liên đới với những ai bị xã hội loại bỏ. Liên đới và xót thương những nạn nhân và bị gạt ra ngoài lề xã hội phải trở thành chiều kích chính yếu của linh đạo Tân Phúc âm hóa.
  5.  Chăm sóc tạo thành. Hội nghị cũng đã lưu ý việc lạm dụng thiên nhiên vì lợi ích kinh tế thiển cận và ích kỷ vẫn chưa được khắc phục. Những nguyên nhân do con người gây ra đã góp phần đáng kể làm cho trái đất nóng lên và khí hậu thay đổi, khiến người nghèo và người bị bóc lột phải hứng chịu những tác động bi đát hơn nữa. Mối quan tâm đến sinh thái, việc bảo toàn công trình tạo dựng, bao gồm sự công bằng và đồng cảm giữa các thế hệ, là yếu tố cơ bản trong linh đạo hiệp thông.
  6. Can đảm sống đức Tin và tử đạo. Từ buổi đầu Kitô giáo có mặt đến nay, mảnh đất Á châu đã thấm máu đào của các vị tử đạo. Nếu ngày nay chúng ta được mời gọi hãy đem sự hy sinh cao cả mà làm chứng cho đức Tin, chúng ta sẽ không từ nan. Chúa Giêsu đã căn dặn chúng ta, hy sinh như thế là dấu chứng tối hậu chúng ta tận trung với Người và với sứ mạng của Người. Xin các vị tử đạo tại đất nước chúng ta, trong đó có nhiều vị đã được tôn kính trên bàn thờ, giúp chúng ta biết noi gương các ngài và chuyển cầu cho chúng ta được thêm mạnh sức. Chúng ta tri ân Đức Chân phước giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã công bố nhiều vị chứng nhân người Á châu là những đấng tử đạo của Giáo hội, “máu các vị tử đạo là hạt giống phát sinh Kitô giáo”.

          Kết luận

          Trong Năm Đức Tin này, vào thập niên thứ hai của thiên niên kỷ mới, nhân dịp kỷ niệm 40 năm FABC, chúng tôi kêu gọi mọi người thuộc các Giáo hội tại châu Á hãy nuôi dưỡng niềm say mê đặc biệt đối với công cuộc Tân Phúc âm hóa.

         Chúng ta không được để mình thờ ơ hoặc bi quan trước những trào lưu xã hội tại châu Á đang đe dọa cấu trúc xã hội, sự bền vững của gia đình và tầm nhìn đức Tin của chính cộng đoàn Kitô hữu. Ẩn bên trong những thực tại này có thể là những nguồn lực nội tại của Thánh Thần, đang hoạt động trong lòng những giá trị Á châu, là những hạt giống của một nhân loại mới đang khao khát sự sống viên mãn trong Đức Giêsu.

          Sứ vụ của công cuộc Tân Phúc âm hóa, mới trong nhiệt tâm, mới về phương pháp và mới trong cách diễn tả, đang được đặt ra cấp thiết. Sứ vụ này kêu gọi các sứ giả Tin Mừng phải canh tân đổi mới với một linh đạo được đổi mới, linh đạo hiệp thông, linh đạo truyền giáo, linh đạo Tân Phúc âm hóa. Mỗi giáo xứ, mỗi cộng đoàn, mỗi gia đình cần phải trở thành trường dạy nền linh đạo này. Sứ vụ này đòi hỏi các nhà thừa sai mới phải sống hoán cải sâu sắc, phải thay đổi tầm nhìn cũng như phải nên giống Đức Kitô trong tâm tư và thái độ, và phải hiệp thông với Thiên Chúa. Sứ vụ này đòi hỏi phải có niềm tin sống động vào Chúa, phó thác nơi Chúa, theo chân Chúa Giêsu từ trong tư tưởng, tình cảm đến hành động.

          “Đoàn chiên nhỏ beeacute;” của Chúa Giêsu không được rụt rè hoặc sợ hãi giữa hàng tỉ người châu Á, chiếm hơn 60% dân số thế giới. Bởi vì chúng ta có chính Đức Giêsu Kitô, là nguồn duy nhất mang lại niềm tin cho chúng ta, là hồng ân độc đáo Thiên Chúa ban cho loài người. Người đồng hành với chúng ta như đã từng đi với các môn đệ trên đường đến Emmaus (Lc 24, 13-32). Trong mỗi cử hành Thánh Thể, Người mở mắt và sưởi ấm trái tim chúng ta bằng ngọn lửa tình yêu đối với công cuộc Tân Phúc âm hóa tại châu Á.

           Xin Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu và là Mẹ của chúng ta, đồng hành cùng chúng ta đang bước đi trên những nẻo đường Á châu để “kể chuyện Chúa Giêsu”. Chúng ta không sợ. Chúng ta đã được Chúa bảo đảm, “Hãy yên tâm, Thầy đây, đừng sợ!(Mt 14, 27). Và chúng ta đã nhận được lời Người cam kết: “Hãy nhớ, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế(Mt 28, 20).

Xuân Lộc và TP.HCM, Việt Nam

Ngày 16 tháng 12 năm 2012

 

 

***

Phụ lục 2

Bản tin trên website của Ban Tôn giáo Chính phủ [5]

Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á châu

và những vấn đề Giáo hội Công giáo châu Á quan tâm

 

          Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 11-15/12/2012 Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á châu đã diễn ra tại Tòa Giám mục Xuân Lộc; ngày 16/12/2012 Lễ bế mạc diễn ra tại nhà thờ Đức Bà Tp. Hồ Chí Minh. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu nội dung của Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á châu và một số vấn đề Công giáo châu Á quan tâm.

  1. Nội dung Hội nghị

Sáng ngày 11/12/2012, tại Tòa Giám mục Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai đã khai mạc Hội nghị lần thứ X của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (viết tắt theo tiếng Anh là FABC).

Chủ đề Hội nghị là: “Bốn mươi năm FABC: Đáp ứng những thách đố của Châu Á”.

Có 119 đại biểu dự Hội nghị, trong đó có 115 đại biểu nước ngoài và 4 đại biểu của Việt Nam, gồm: 9 Hồng y, 29 Tổng Giám mục, 45 Giám mục, 18 linh mục, 3 đức ông, 3 nữ tu, 1 nam tu và 11 giáo dân đến từ 30 nước và vùng, lãnh thổ của 5 châu lục.

Bốn đại biểu của Việt Nam là Hồng y Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục Tổng giáo phận TP. Hồ Chí Minh; Tổng Giám mục Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục Tổng giáo phận Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam; Giám mục Nguyễn Văn Đệ, Giám mục giáo phận Thái Bình; Giám mục Bùi Văn Đọc, Giám mục giáo phận Mỹ Tho).  

Nhận lời mời của Ban Tổ chức, Lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ, Ủy Ban Nhân dân tỉnh và một số ban ngành tỉnh Đồng Nai dự Lễ Khai mạc.

Phát biểu tại Lễ Khai mạc đồng chí Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ đại diện cho chính quyền đã ghi nhận những đóng góp của đồng bào Công giáo trong những năm qua, đồng thời mong muốn Công giáo Việt Nam ngày càng hội nhập mạnh mẽ trong mọi mặt đời sống xã hội, tiếp tục thực hiện đường hướng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, và ý chỉ của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI: “người giáo dân tốt đồng thời là người công dân tốt”.

Tại phiên khai mạc các đại biểu đều đánh giá cao sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền các cấp đến Hội nghị FABC và hoạt động tôn giáo diễn ra sôi động, tự do tại Việt Nam.

Trước đó, ngày 10/12/2012, Đoàn đại diện cấp cao của FABC đến chào xã giao Bộ Ngoại giao và Ban Tôn giáo Chính phủ. Đồng chí Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ đã tiếp đoàn. Đoàn cảm ơn Nhà nước đã quan tâm, tạo điều kiện cho Giáo hội tổ chức Hội nghị. Đặc sứ của Giáo hoàng Benedict XVI, Hồng y Gaudencio Rosales cũng cho biết, Giáo hoàng đánh giá cao tiến triển trong quan hệ Việt Nam – Vatican, cũng như sự giúp đỡ của chính quyền Việt Nam trong hoạt động của Đặc phái viên không thường trú của Vatican.

Trong Lễ khai mạc Hồng y Gaudencio, Đặc sứ của Giáo hoàng đã chuyển đến Hội nghị Sứ điệp của Giáo hoàng Benedicto XVI, Giáo hoàng bày tỏ mong ước các Giám mục châu Á hãy tiếp tục quảng đại, dấn thân, đồng thời canh tân mọi khả năng và lòng nhiệt tình thực thi sứ vụ Giám mục để tình yêu Chúa Kitô, Hội Thánh, tin Mừng được thực hiện. Được đức tin nung nấu, các Giám mục cổ võ nền văn hóa mang tính nhân văn và bền bỉ theo dõi cuộc đối thoại giữa các tôn giáo.

Sau phiên khai mạc các ngày tiếp theo Hội nghị thảo luận nội bộ mỗi ngày một chủ đề. Ngày 12/12/2012, với chủ đề “Xin ơn khôn ngoan để nhận ra dấu chỉ thời đại”. Ngày 13/12/2012 “Suy tư đức tin về hoàn cảnh mục vụ, xin ơn hướng dẫn”. Ngày 14/12/2012 với chủ đề: “Đáp ứng những thách đố mục vụ, xin ơn can đảm và quảng đại” và kết nạp Đông Timo là thành viên chính thức FABC. Ngày 15/12/2012 với chủ đề: “Tái cam kết dấn thân theo các sứ vụ của Giáo hội tại châu Á”; các đại biểu chia thành 15 nhóm tham dự thánh lễ tại 14 nhà thờ và Đại chủng viện Thánh Giuse TP. Hồ Chí Minh.

Ngày 16/12/2012, Hội nghị tổ chức Thánh lễ kỷ niệm 40 năm thành lập FABC (1972-2012) tại nhà thờ Chính tòa Đức bà Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh và cử hành lễ bế mạc FABC, Hồng y Oswald Gracias, Tổng Thư ký FABC đã đọc Sứ điệp của Đại hội nói về linh đạo của Tân Phúc Âm hóa với 9 điểm: Gặp gỡ Đức Kitô, Loan báo Tin mừng, Tập trung vào Nước Trời, dấn thân xây dựng sự Hiệp thông, đối thoại, khiêm tốn, nhất tâm bảo vệ phẩm giá con người, liên đới với các nạn nhân trong xã hội, can đảm thực hiện đức tin bằng sự hy sinh.

Hội đồng Giám mục Việt Nam tham dự Hội nghị có 4 thành viên với một bài tham luận của Giám mục Bùi Văn Đọc, Giám mục giáo phận Mỹ Tho. Bài tham luận của Giám mục Bùi Văn Đọc đã đề cập đến việc mở rộng hướng đối thoại của Giáo hội châu Á từ “ba hướng đối thoại” sang bốn hướng đối thoại”: đối thoại với các tôn giáo, các nền văn hóa bản địa và người nghèo tại châu Á, gợi ý có nên chăng cần đối thoại với chế độ xã hội chủ nghĩa. Tiếp đó Giám mục Đọc trích dẫn lời Giáo hoàng Benedict XVI trong bài Huấn từ với Hội đồng Giám mục Việt Nam (năm 2009): “một sự hợp tác lành mạnh giữa Giáo hội và Cộng đồng chính trị là điều có thể thực hiện được. Giáo hội không hề muốn thay thế chính quyền, nhưng chỉ mong rằng trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng lẫn nhau, Giáo hội có thể góp phần mình vào đời sống của đất nước, nhằm phục vụ tất cả mọi người dân”.

Hồng y Phạm Minh Mẫn, có bài chia sẻ về cảm nhận sống Lời Chúa nhằm đáp lại những thách thức trong xã hội hôm nay, “điều cần thiết là phải sống Lời Chúa dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để hòa nhập vào nền văn hóa”.

Hai giáo phận được chọn làm địa điểm tổ chức Hội nghị FABC đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật chào mừng Hội nghị với những tiết mục đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, mang lại tình cảm tốt đẹp cho các đại biểu các nước đến dự Hội nghị. Tối ngày 14/12/2012, Tòa giám mục Xuân Lộc tổ chức Đêm Văn hóa Việt Nam với nhiều tiết mục đặc sắc gồm những phần chính: Nguồn gốc dân tộc Việt, âm nhạc ba miền, âm nhạc các dân tộc Việt Nam, và ca nguyện. Tiết mục thuở ban sơ của quê hương với Lạc Long Quân và Âu Cơ, với những nét đặc sắc của âm nhạc và điệu múa dân tộc, hình ảnh nhà thờ Việt Nam ở các miền đất nước, trình diễn những tác phẩm “Hòn Vọng Phu”, “Trường ca Mẹ La Vang”,…

Các đại biểu phát biểu tham luận của mình về Giáo hội tại châu Á. Nhìn chung các bài tham luận đều có nội dung thuần túy tôn giáo, nêu các vấn đề thuộc lĩnh vực thần học Công giáo, những thách đố trong việc truyền giáo của Giáo hội tại châu Á cũng như tác động của “đời sống thế tục”, “toàn cầu hóa” ảnh hưởng đến đức tin Công giáo, đưa ra những sáng kiến nhằm xây dựng giáo hội châu Á phát triển, việc truyền giáo đạt hiệu quả.

Nội dung chính của Hội nghị FABC đề cập đến những nội dung như: Vấn đề “toàn cầu hoá”; văn hóa; di dân; dân số; tự do tôn giáo; truyền thông xã hội; môi sinh môi trường; các giáo phái và đời sống ơn gọi,…và những tác động đến Công giáo tại châu Á, thách thức mà Công giáo châu Á phải đối diện,…

FABC sửa đổi chức danh của Tổng Thư ký FABC thành Chủ tịch FABC, phụ tá Tổng Thư ký FABC thành Tổng Thư ký FABC,…Hội nghị FABC đã định ra đường hướng hoạt động mục vụ của Công giáo trong thời gian tới.

Hội nghị đã công bố Sứ điệp với chủ đề: “Chúng tôi loan báo cho anh chị em điều chúng tôi đã thấy và đã nghe”.

Trong Sứ điệp, FABC cho biết Giáo hội cần nhận diện những nẻo đường thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng (truyền giáo) nơi trần gian, nhận biết các dấu chỉ thời đại, những trào lưu lớn trong xã hội tại châu Á và những thực tại đang diễn ra trong Giáo hội của mình, đồng thời phân tích những thách đố và cơ hội đang mở ra để có thể đáp ứng từ chiều sâu đức Tin.

FABC đề nghị chức sắc, giáo dân trong giáo hội cần phải sống linh đạo Tân Phúc âm hóa với 10 nội dung chính như: Gặp gỡ cá nhân với Đức Giêsu Kitô;  Say mê sứ vụ; Tập trung vào Nước Thiên Chúa; Quyết tâm hiệp nhất; Đối thoại, một phương cách sống và thi hành sứ vụ; Hiện diện khiêm hạ; Vai trò ngôn sứ của người truyền giáo; Liên đới với những nạn nhân; Chăm sóc tạo thành; Can đảm sống đức Tin và tử đạo. Tất cả những đề nghị của FABC đều tập trung vào việc kêu gọi tất cả thành phần Giáo hội tham gia truyền giáo tại châu Á.

FABC không quên nhắc đến sự quan tâm của chính quyền Việt Nam đối với Hội nghị: “Chúng tôi cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã cởi mở và giúp đỡ Hội nghị chúng tôi được diễn ra tại đất nước có những truyền thống và văn hóa phong phú này. Chúng tôi nguyện xin Thiên Chúa ban muôn ơn lành cho Giáo Hội tại Việt Nam và nhân dân Việt Nam”.

  1. Những vấn đề FABC quan tâm

Chủ đề của Hội nghị FABC lần này cũng được nhiều người quan tâm: “Bốn mươi năm FABC: đáp ứng những thách đố của châu Á”. FABC cũng như Giáo hội Công giáo tại châu Á đang phải trải qua những thách đố như thế nào và giải quyết nó ra sao? Đó chính là thách thức như xu hướng thế tục hóa ảnh hưởng đến đời sống tu trì của linh mục, tu sỹ; sự không bền vững của gia đình truyền thống ảnh hưởng giáo dục đức tin Công giáo trong các gia đình; giới trẻ bị cuốn theo lối sống hưởng thụ, không thiết tha đến việc đi lễ nhà thờ hay xưng tội,…tất cả đã tác động không nhỏ đến việc giữ đạo và truyền đạo Công giáo ở châu Á.

Trước Hội nghị Giáo hội cũng công bố một loạt bài phỏng vấn của chức sắc Giáo hội Công giáo Việt Nam và FABC, trong đó đáng lưu ý là bài phát biểu của Tổng thư ký FABC, Hồng y Oswald Gracias, đã khẳng định: Hội nghị lần này Giáo hội quan tâm đến 3 vấn đề của Châu Á đó là: đối thoại với các nền văn hóa, với các tôn giáo và với người nghèo châu Á”. Đồng thời Hồng y cũng khẳng định FABC, Giáo hội Công giáo không tham gia vào đời sống chính trị cũng như can thiệp vào công việc nội bộ của bất cứ quốc gia nào.

Việc đối thoại đó của FABC cũng chính là phục vụ cho việc truyền giáo của Công giáo tại châu Á. Vì một việc FABC không thể không quan tâm đó chính là qua nhiều thế kỷ Công giáo được truyền vào châu Á, nhưng kết quả lại rất hạn chế, tại châu lục có 60% tổng dân số địa cầu sinh sống nhưng chỉ có 3% người theo Công giáo. Dân số Công giáo châu Á hiện nay là 124.046.000 người chiếm 3, 05% trong tổng số gần 4 tỷ người dân. Đặc biệt là tại một số quốc gia châu Á, FABC nhắc đến trong Hội nghị đó là việc truyền giáo đạt kết quả rất hạn chế, đôi khi còn giảm sút. Tại Kazakhtan, một nước cộng hòa Trung Á, thành viên chính thức của FABC có 150.000 giáo dân sống ở 4 giáo phận, giáo phận Chúa Ba Ngôi chỉ có 10% số người đi lễ nhà thờ ngày Chủ nhật. Tại Mông Cổ một thành viên liên kết của FABC sau gần 100 năm truyền giáo đến nay chỉ có 850 người Công giáo, trong đó có rất nhiều người không còn đến nhà thờ. Tại một số nơi ở Nam Á, người Công giáo chỉ chiếm 1% hoặc ít hơn, Nêpan chỉ có 8.000 người Công giáo trong tổng số 27, 5 triệu người. Khu vực Đông Á, Nhật Bản và Trung Quốc số người Công giáo chiếm dưới 1%; ở Hàn Quốc số người Công giáo chiếm 9%. Người công giáo chỉ là thiểu số tại châu Á trừ hai nước là Philippin và Đông Timo.

Một câu hỏi nữa được đặt ra đó là tại sao FABC lại đối thoại với các nền văn hóa, các tôn giáo. Châu Á là quê hương sản sinh ra các tôn giáo lớn như Phật giáo, Hồi giáo, Ấn giáo và cả Công giáo. Người dân châu Á đa phần đã theo hoặc bị ảnh hưởng của tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống trước khi Công giáo được truyền vào, vì vậy việc truyền Công giáo vào khu vực này bị hạn chế. Ở một số nước, khu vực thì một số tôn giáo lớn có vị trí bao trùm trong xã hội. Các nước khu vực Trung Đông và Đông Nam Á như: Iran, Irăc, Li bi, Ả rập xeut, Các tiểu vương quốc Ả rập, Kuweit, Quatar, và Inđônêxia, số người theo Hồi giáo chiếm vị trí rất cao. Một số nước Đông Nam Á và Đông Á ảnh hưởng bởi Phật giáo như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Thái Lan, Mianma, Lào, Campuchia, Nepan, Mông Cổ,…..Còn tại Ấn Độ số người theo Ấn Độ Giáo chiếm vị trí lớn trong xã hội (khoảng 80% người Ấn Độ tự xem mình là người theo Ấn Độ Giáo). Châu Á cũng là khu vực có tỷ lệ người thu nhập dưới mức trung bình chiếm tỷ lệ cao trên thế giới. Chính vì vậy, FABC đặt ra mục tiêu cho Công giáo tại châu Á trong thời gian tới cần phải đối thoại với các nền văn hóa, các tôn giáo và người nghèo.

Trong bài viết lý giải việc dân số Công giáo chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn tại Châu Á, nhà thần học Felix Wilfred (người Ấn Độ) cho rằng một trong những nguyên nhân đó là tình cách “nước ngoài” đã là một đặc trưng của tất cả các giáo hội Công giáo địa phương tại châu Á. Tình hình này không chỉ do sự kiện là Kitô giáo đã được đưa vào từ bên ngoài. Tính cách “nước ngoài” của Kitô giáo cũng không phải do tôn giáo này tuyên xưng một đức tin khác. Bởi vì, các dân tộc Á châu luôn tiếp nhận và tôn trọng tính đa dạng. Felix Wilfred cho rằng: “Lý do chính khiến Kitô giáo đã bị xem là xa lạ vì các Giáo hội địa phương tại các nước Á châu, nhìn chung đã tách rời xu hướng sống của dân tộc, lịch sử, các cuộc đấu tranh và mơ ước của người dân. Các Giáo hội đã không tự đồng hóa mình với dân tộc, mặc dù đã thực hiện nhiều công trình có giá trị nhân danh đức bác ái”. Từ đánh giá đó, ông đưa ra đề xuất cho Giáo hội tại châu Á là: đối thoại với các tôn giáo, đối thoại với các nền văn hóa, đối thoại với người nghèo khổ.

Còn trong bài viết: “Đi tìm một cách thế hiện diện mới của Giáo hội tại châu Á”, Giám mục phụ tá Tổng giáo phận TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Khảm cho rằng: “Kitô giáo được xem là sản phẩm của quyền lực và văn hóa phương Tây, xa lạ với văn hóa và đời sống của người dân châu Á, do đó không thu hút được nhiều người dù đã hiện diện ở đây rất lâu”. Chính trong bối cảnh đó, mà Liên Hội đồng Giám mục Á châu đã và đang thúc đẩy việc xây dựng một cách thế hiện diện mới của Giáo hội tại châu Á. Để xây dựng một cách thế hiện diện mới của Giáo hội tại lục địa này, trước hết phải làm sao xây dựng Giáo hội thực sự trở thành một Giáo hội địa phương, một Giáo hội ăn sâu vào thực tại đời sống của các dân tộc Á châu “một Giáo hội nhập thể trong một dân tộc, một Giáo hội bản địa, một Giáo hội hội nhập trong một nền văn hóa”.

Theo Giáo hội, Hội nghị FABC không chỉ định ra đường hướng hoạt động mục vụ cho Giáo hội trong thời gian tới, mà Hội nghị này còn là cơ hội để những tín hữu sống chung trên mảnh đất châu Á với những nét chung về địa lý, văn hóa, xã hội, để chia sẻ cho nhau và học hỏi cùng nhau những kinh nghiệm trong việc thi hành sứ vụ “yêu thương và phục vụ” của Chúa Kitô trên đất nước cũng như tại châu Á nói chung./.

Bích Đượm – chuyên viên Vụ Công giáo

 

***

Sau khi Cha con cùng ôn lại FABC X tại Xuân Lộc (2012), tôi hỏi Đức cha:

-Thưa Đức cha, qua FABC X, Đức cha suy nghĩ gì về ảnh hưởng của Hội nghị này đối với công việc của giáo phận?

Đức cha trả lời ngay:

-Tôi gọi đó là một “biến cố” có ý nghĩa tực tiếp với công việc của Giáo phận.

Đức cha giải thích:

-FABC X là một biến cố Chúa dùng để tác động đến nhiều phía, không chỉ với Giáo hội Công giáo Việt Nam mà cả phía Nhà nước và quốc tế.

Ngưng một chút, Đức cha cho biết:

– Ngày 28/9/2014, nghĩa là gần 2 năm sau FABC X, khi tiếp Đức cha, Ông Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ, đã nhắc lại sự kiện này. Ông đánh giá cao việc Giáo phận Xuân Lộc đã tổ chức Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) lần thứ 10 quy mô, trang trọng, đặc biệt phát huy bản sắc tốt đẹp văn hóa dân tộc trong đời sống đức tin, trong sinh hoạt tôn giáo..[6]

Đức cha cho biết thêm thông tin:

– Ông Phạm Dũng cũng cho biết, Hội nghị giữa Việt Nam (Ban Tôn giáo Chính phủ) và Liên minh Châu Âu (EU) chia sẻ kinh nghiệm về tự do tôn giáo vừa được tổ chức ngày 25, 26/9/2014 tại Hà Nội. Trong đó Việt Nam và EU đều thống nhất vấn đề thượng tôn pháp luật và coi trọng quyền con người trong tự do tôn giáo [6 đd].

 Về phía Giáo hội toàn cầu, Đức cha nói:

          – Khi đoàn đại diện FABC X gặp gỡ chào thăm lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ, ông Phạm Dũng- Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ- đã nhờ Đoàn chuyển lời cảm ơn tới Đức Giáo hoàng, các Bộ chức năng của Vatican đã tạo điều kiện cho bà con giáo dân làm tốt sứ mệnh của người công giáo và mong rằng Vatican quan tâm hơn nữa đến bà con Công giáo và chức sắc Công giáo ở Việt Nam.

Tại cuộc gặp gỡ này, Đức Hồng y Gaudencio Rosales, Đặc sứ của Giáo hoàng Benedicto XVI và Tổng thư ký FABC, Hồng y Oswald Gracias cũng cho biết, Đức Giáo hoàng đánh giá cao sự tiến triển của mối quan hệ giữa Việt Nam và Vatican, cũng như sự giúp đỡ của chính quyền Việt Nam trong việc cho phép đại diện không thường trú của Vatican hoạt động tại Việt Nam.[7]

Đức cha nói trong suy tư:

– Chúng ta chưa thấy được hết tầm quan trọng của FABC, nhưng bài viết trên trang của Ban Tôn giáo Chính phủ rõ ràng phản ánh khá trung thực, khách quan những nhận thức của Nhà nước về Hội nghị. Tác giả bài viết đặc biệt quan tâm đến nội dung này của Hội nghị: …các bài tham luận đều có nội dung thuần túy tôn giáo, nêu các vấn đề thuộc lĩnh vực thần học Công giáo,…” và phát biểu của Tổng thư ký FABC, Hồng y Oswald Gracias, đã khẳng định: Hội nghị lần này Giáo hội quan tâm đến 3 vấn đề của Châu Á đó là: “đối thoại với các nền văn hóa, với các tôn giáo và với người nghèo châu Á”. Đồng thời Hồng y cũng khẳng định FABC, Giáo hội Công giáo không tham gia vào đời sống chính trị cũng như can thiệp vào công việc nội bộ của bất cứ quốc gia nào.

Người trò chuyện:

-Thưa Đức cha, con cũng bất ngờ khi 4 năm sau FABC, Đức Tổng Giám mục

Phanxicô Xaviê, Tổng giáo phận Huế, trong lễ Kim Khánh mừng  50 năm Linh mục của Đức cha (năm 2016) còn rất ấn tượng: “Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) là một thành công vĩ đại ngoài sự tưởng tượng của những tham dự viên. Họ ca ngợi công việc đó không phải cho riêng Đức cha mà cho Hội đồng Giám mục Việt Nam.”

          Đức cha vui tươi hẳn lên:

-Tôi có nhiều hy vọng khi chia sẻ ý tưởng này với Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Ngài nói: “cho đến nay, xem ra đôi bên hiểu nhau hơn Và đôi bên có những bước mở đường cho nhau vượt qua những nghi ngại”. Tôi cũng lưu ý những phát biểu của ông Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ. Ông ghi nhận những đóng góp của đồng bào Công giáo trong những năm qua, đồng thời mong muốn Công giáo Việt Nam ngày càng hội nhập mạnh mẽ trong mọi mặt đời sống xã hội, tiếp tục thực hiện đường hướng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, và ý chỉ của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI: “người giáo dân tốt đồng thời là người công dân tốt”.[8]

Người trò chuyện:

-Thưa Đức cha, trong xu thế hội nhập và phát triển, Nhà nước cũng có những nhận thức mới về tôn giáo. Đó là sự nhìn nhận tôn giáo là một phần của lịch sử dân tộc, văn hóa và đạo đức và hơn thế, là thực thể xã hội có khả năng cố kết cộng đồng và ổn định trật tự, an toàn xã hội; thừa nhận và khuyến khích phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của tôn giáo trong công cuộc xây dựng xã hội mới. Từ sự đổi mới tư duy về tôn giáo, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của đồng bào có đạo và đạt được tính hiệu quả của quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này [9].

Đức cha nhìn vấn đề cụ thể hơn:

-Thực ra cũng phải từ thực tiễn đời sống tôn giáo của nhân dân Nhà nước mới có sự đổi mới tư duy về tôn giáo. Thực tiễn ấy là, như FABC đã triển khai trong Sứ Điệp: Giáo hội Công giáo tại châu Á “hướng về người nghèo, hướng về các nền văn hoá, hướng về các tôn giáo; thể hiện bằng nếp sống giản dị và liên kết với người nghèo.” Và “xót thương những nạn nhân và bị gạt ra ngoài lề xã hội…” Đó chính là “sống phúc âm giữa lòng dân tộc” của Giáo Hội Việt Nam trong mấy chục năm qua, là những gì mà Caritas Việt Nam đã làm, giáo dân Giáo phận Xuân Lộc đã làm từ nhiều thập kỷ qua. Cho nên, việc Nhà nước cho phép Giáo phận Xuân Lộc xây dựng Trung tâm hành hương Đức Mẹ Núi Cúi là căn cứ vào chính thực tiễn tôn giáo mà FABC và Giáo hội Công giáo Việt Nam đã thể hiện. Tất nhiên là trong xu thế hội nhập chung với thế giới.

Ngưng một chút để lắng sâu những suy tư, Đức cha nói:

-Chúng ta cám ơn Chúa đã cho chúng ta một cơ hội để chúng ta có thể làm vinh danh Chúa, và cầu xin ơn Chúa cho cho công việc của Giáo phận. Đức cha nghĩ tầm quan trọng sâu xa của FABC X (năm 2012 tại giáo phận Xuân Lộc) đối với việc xây dựng Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Núi Cúi là như vậy.

VÀI HÌNH ẢNH ĐÊM VĂN HÓA VIỆT NAM

fabc-lễ 13

fabc-lễ 2

Fabc 3 -khán giả

fabc-diễn viên 1

Fabc-diễn viên 4 ca trù

fabc-diễn viên 9

(Tác giả chụp chung với các diễn viên)

__________

TIN TỔNG HỢP: tham khảo từ trang Giáo phận Thái Bình

http://giaophanthaibinh.org/m/c204/Giao-hoi-Viet-Nam.aspx?pi=44

[1] http://giaophanthaibinh.org/m/a2447/Hoi-nghi-toan-the-Lien-Hoi-dong-Giam-muc-A-chau-luong-gio-trong-lanh-va-tuoi-mat-cua-su-hiep-thong.aspx

[2] http://giaophanthaibinh.org/m/a2414/Hoi-nghi-toan-the-Lien-Hoi-dong-Giam-muc-A-chau-.aspx

[3] http://giaophanthaibinh.org/m/a2484/Hoi-nghi-toan-the-Lien-Hoi-dong-Giam-muc-A-chau-.aspx

[4] Tác giả bài viếtBan Truyền thông Giáo Phận Xuân Lộc. Nguồn tingiaophanxuanloc

http://dongthanhtam.net/Giao-hoi-viet-nam/Nghi-le-Khai-mac-Dai-hoi-FABC-lan-thu-X-2118.html

[5] Bích Đượm http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/249/0/3442/Hoi_nghi_Lien_Hoi_dong_Giam_muc_A_chau_va_nhung_van_de_Giao_hoi_Cong_giao_chau_A_quan_tam

[6]Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ tiếp đoàn Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

Kiều Nga-trang web của Ban Tôn Giáo Chính Phủ http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/254/0/6089/Thu_truong_Bo_Noi_vu_Truong_ban_Ban_Ton_giao_Chinh_phu_tiep_doan_Giam_muc_Giao_phan_Xuan_Loc

[7] Mối quan hệ Việt Nam-Vatican được đánh giá cao:

https://vov.vn/chinh-tri/moi-quan-he-viet-namvatican-duoc-danh-gia-cao-239095.vov

[8] Dẫn lại bài viết của Bích Đượm

[9] Nguyễn Nguyên HồngHọc viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/xay-dung-dang/2018/53298/Quan-diem-doi-moi-cua-Dang-ve-ton-giao-tin-nguong.aspx   

Loading

Đánh giá bài viết
call Hotline 1 0798287075 call Hotline 2 0798 287 075 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok