ĐƯỜNG LÊN NÚI CÚI-Chương 1

                                                                 Bùi Công Thuấn

                                                             ĐƯỜNG LÊN NÚI CÚI

                                                              Truyện dài tư liệu

                                                                           ***

Núi cúi nhìn từ ngả ba Thánh Tâm

Núi Cúi bên Hồ Trị An (khi chưa xây dựng thành Trung tâm Hành hương )

Chương 1

ÂM VANG “TIẾNG KÊU”

 

Nghe tin Đức cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh, nguyên Giám mục giáo phận Xuân Lộc (2004-2016) nằm viện, tôi vội đi thăm. Ngài nằm trong một phòng nhỏ, được quý thầy, quý dì Tòa Giám mục chăm sóc. Mấy bữa nay, giáo dân ai biết Đức cha nằm viện, đều rất lo cho Ngài. Bởi, Ngài dù đã nghỉ hưu, nhưng vẫn đảm nhận trọng trách tiếp tục xây dựng Trung tâm hành hương Đức Mẹ Núi Cúi cho giáo phận Xuân Lộc. Và công việc mới chỉ bắt đầu.

Tôi rất vui khi thấy Đức cha đã hồi phục, mặc dù hai chân ngài còn bị liệt. Một chân mới chỉ co duỗi được chút xíu. Đức cha cho biết từ bụng trở lên đã khỏe, chỉ còn phần chân, bác sĩ nói phải chịu khó tập. Rồi Đức cha vui vẻ nói với tôi:

-Đức cha đang mong thì thầy tới!

Tôi nghĩ đó là cách nói thân tình của Đức cha, nhưng lại hơi lo, vì sợ mình đến trễ, Đức cha buồn lòng chăng?

-Con xin lỗi Đức cha vì con lên thăm Đức cha trễ. Ngày nào con cũng hỏi thăm bịnh tình của Đức cha, nhưng bận công việc hôm nay mới lên thăm Đức cha được. Thưa, Đức cha, Người cần chia sẻ điều gì với con không?

Hỏi Đức cha như vậy vì tôi biết những khi ngài có điều gì đó về văn chương cần chia sẻ, ngài thường gọi tôi đến, cha con trò truyện.

Từ khi tôi phụ giúp biên tập và in ấn 13 tập truyện của Đức cha, ngài thường chia sẻ với tôi những dự dịnh sáng tác, hoặc là một ý tưởng hay cảm xúc mới nào đó, có khi Ngài phác ra một cốt truyện, xác lập một chủ đề, tư tưởng và những thông điệp, rồi hỏi tôi: “Thầy thấy có được không”. Bao giờ tôi cũng thưa: “Thưa Đức cha, con thấy đây là một tập truyện hay, vì nó đề cập được những vấn đề quan trọng của đời sống người Công giáo, và góp phần chia sẻ trách nhiệm với xã hội

Đức cha hỏi là để chia sẻ, và tôi thưa với Đức cha là thưa với tư cách người đọc trong mối tương quan tác giả, tác phẩm. Điều quan trọng là viết tác phẩm như thế nào. Đó là quyền sáng tạo của nhà văn. Tôi không trình bày ý kiến riêng, biết đâu, có thể làm sai lệch ý định sáng tác của Đức cha.

Khi viết xong một tác phẩm, Đức cha thường đưa cho tôi và nhiều người đọc bản thảo để giúp ngài hoàn chỉnh. Đã có những cuốn sách, Đức cha phải viết lại đoạn này đoạn khác, hoặc xây dựng lại nhân vật. Điều này có thể hiểu được. Sáng tác luôn là chủ quan, nhưng nhà văn sáng tác là hướng về người đọc. “Tầm đón đợi” của người đọc và “cộng đồng diễn dịch” tác phẩm có thể  nằm ngoài ý định của tác giả, nên có thể gây ra tranh cãi. Cuốn Đất Mới tập 1 mới in và phát hành thì Đức cha nhận được một thư phản hồi. Lời lẽ khá nặng nề. Ngài chia sẻ với tôi lá thư đó. Tôi hiểu người đọc tiếp nhận tác phẩm với những cái khung định kiến đã cũ so với lý luận tiếp nhận hiện đại; với lại, Đất Mới gồm 3 tập, mới chỉ đọc tập 1 thì chưa thể hiểu được mục đích diễn ngôn của tác giả.

Cho nên khi nghe  Đức cha nói “Tôi đang mong gặp thầy”, thì tôi nghĩ ngay đến việc sáng tác văn chương của Đức cha. Có điều làm tôi ngạc nhiên và thán phục là, Đức cha đang nằm điều trị, hai chân còn đang bị liệt. Ngài đã lớn tuổi, lại đang nhận trọng trách với giáo phận, vậy mà Ngài vẫn nghĩ đến sáng tác. Chắc là những nghĩ suy nung nấu và cảm hứng sáng tạo phải mãnh liệt lắm mới thôi thúc Đức cha đến vậy.

Đức cha cho biết Ngài định viết tiếp cuốn Tiếng Kêu 2.

Bây giờ tôi mới vỡ nhẽ ra điều Ngài nói là mong gặp tôi. Đó không phải là một lời xã giao, mà là một công việc, một thao thức, một khát vọng riêng, nằm trong khát vọng lớn là công việc xây dựng Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Vô Nhiễm Núi Cúi. Ngài muốn, khi người giáo dân đến Trung tâm để kính viếng Đức Mẹ và tôn vinh Chúa, thì người giáo dân ấy cũng cần hiểu những vấn đề và ý nghĩa sâu xa của việc xây dựng trung tâm. Muốn vậy, cần có nhiều sách báo, phim ảnh, bài hát về Núi Cúi. Và vì thế, một tác phẩm văn chương về Núi Cúi không thể thiếu.

Bởi tác phẩm văn chương là sáng tạo nghệ thuật, nó mang đến cái đẹp cho người đọc, trong đó có cái đẹp nội dung, tư tưởng. Nó giúp người đọc sống cùng với giáo hội trong việc xây dựng Trung tâm, một công trình lớn lao của cả giáo phận. Nó cũng kết nối mọi tâm hồn, mọi thế hệ, ở những không gian văn hóa khác nhau, chung một tấm lòng cảm tạ hồng ân của Chúa và tín thác nơi Đức Mẹ, và noi gương các thánh tử đạo.

Tôi thưa với Đức cha:

– Đức cha còn đang điều trị, Người nên nghỉ ngơi, bao giờ Đức cha bình phục, người hãy viết cũng được.

Trong sự hào hứng, Đức cha phác thảo ra cuốn Tiếng Kêu 2. Ngài nói:

-Trong cuốn Tiếng Kêu 1, cha Gioakim và cha Phương Bảo đã về với Chúa. Hai ngài để lại tâm nguyên xây Trung tâm Đức Mẹ. Bây giờ phải tìm nhân vật khác. Khó là tìm một nhân vật nữ và tạo dựng một cốt truyện mới so với Tiếng Kêu 1. Cuốn Tiếng Kêu 1 viết về tượng Đức Mẹ vớt được ở sông Mê Kông, từ đó mình lần lại hành trình truyền giáo từ thời các Thừa sai, và đặc biệt mình lắng nghe “Tiếng kêu” của Chúa Giêsu Hài đồng, trước những vấn đề của thời đại đối với nhân phẩm con người. Tượng Đức Mẹ Mêkông trong tập 1 đã trả về Cambuchia. Giờ tiếp nối chủ đề và cảm hứng của tập 1 để viết về Núi Cúi.

Tôi tiếp lời Đức cha:

-Nếu Đức cha thấy có cảm xúc, thì trong hoàn cảnh Đức cha đang nằm điều trị, ngài cứ đọc và dùng điện thoại di động thu âm lại, chuyển file cho con, con sẽ biên tập lại.

Cha ở Tòa giám mục giúp việc Đức cha thưa:

-Thưa Đức cha! Bây giờ có phần mềm chuyển lời nói thành văn bản word ngay trên điện thoại. Đức cha cứ đọc, con thu lại và chuyển thành file word gửi cho thầy.

Đức cha vui mừng và ngạc nhiên thú vị về các phương tiện hiện đại. Trước đây, Đức cha phải ngồi gò lưng viết tay bản thảo, rồi lại nhờ người đánh máy lại, mất rất nhiều thời gian và sức lực. Giờ chỉ cần đọc to lên là đã có văn bản, chỉnh sửa lại lỗi chính tả và in ra được ngay. Con người hôm nay giỏi thật.

***

Tôi có nhiều dịp được trò chuyện với đức cha. Hầu hết trong những dịp ấy Đức cha thường nói về sáng tác.

Sự quan tâm của ngài rất rộng. Ngài nói rằng nhóm Tự Lực Văn Đoàn chỉ có 7 người, nhưng họ để lại dấu ấn trong lịch sử phát triển của văn học dân tộc. Chúng ta chưa quan tâm đến văn chương như một phương cách rao truyền Tin Mừng. Chúng ta mới chỉ có Hàn Mặc Tử đạt được một thành tựu thi ca đặc biệt trong các nhà thơ Mới. Thi tứ và nguồn cảm xúc của Hàn mặc Tử có dấu ấn của Kinh Thánh. Thực ra Kinh Thánh đã làm nên cả một nên văn minh, văn hóa, văn học nghệ thuật châu Âu từ bao nhiêu thế kỷ nay, và Giáo hội hướng về châu Á cũng dạy rằng chúng ta phải làm cho Kinh Thánh trở thành một bộ phận của văn hóa dân tộc. Cha ông chúng ta đã làm và chúng ta cần phải tiếp tục mạnh mẽ hơn nữa.

Tôi hỏi:

-Thưa Đức cha, điều gì thôi thúc Đức cha sáng tác văn chương?

-À! Tôi đọc những cuốn như Bão Biển và nhiều cuốn khác, tôi thấy họ xuyên tạc Công giáo quá, họ xây dựng những hình tượng xấu về các tu sĩ, về thái độ sống đạo của người Công giáo. Mình muốn nói rằng, đạo Công giáo không phải thế. Giáo dân, tu sĩ Công giáo là đoàn dân Chúa, sống Lời Chúa giữa trần gian và đem Tin Mừng đến cho mọi người. Mình hiểu rằng họ viết như vậy là để phục vụ nhiệm vụ chính trị. Nhưng muốn xóa đi những ảnh hưởng xấu của Bão Biển chẳng hạn, chúng ta phải xây dựng những hình tượng chân thực về tu sĩ và giáo dân Công giáo. Điều ấy chỉ có thể thực hiện được bằng tác phẩm văn chương. Đức cha viết tác phẩm không phải vì mục đích trở thành nhà văn, mà mục đích là để chia sẻ những trải nghiệm đức tin, chia sẻ những suy niệm về bài học sống đạo trong cộng đồng. Bộ truyện dài Đất Mới là hành trình sống đạo của linh mục và giáo dân  ở giai đoạn khó khăn nhất của đời sống thời kỳ đầu Giải Phóng: hành trình giáo hội Việt Nam “sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”, cần phải canh tân lòng trí theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Người Mục tử phải gắn bó sống chết vì đoàn chiên…

Nghe Đức cha nói, tôi ngạc nhiên và thú vị. Dù Đức cha không nghiên cứu nhiều về lý luận văn chương, song thực tiễn trải nghiệm giúp ngài nhận ra những giá trị đích thực của văn chương, từ đó dấn thân vào một lãnh vực hết sức khó khăn là viết văn. Ngài viết văn mới mục đích rất minh triết, văn chương là để rao truyền Tin Mừng, là hướng về những người bé nhỏ nhất, nghèo khó nhất và khốn cùng nhất, là đem đến niềm tin yêu, ánh sáng cho đời sống. Trong tình hình văn chương Công giáo còn non yếu hiện nay, những tác phẩm của ngài sẽ là một dấu ấn đẹp cho mai sau.

Có lần ngài nói với tôi:

-Mình đã viết về Đất Mới, vùng đất của lòng người giữa một giai đoạn lịch sử sống đạo của người Công giáo hôm nay. Tôi dự định viết Trời Mới để nói về việc xây dựng những công trình như Trung tâm Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa Bãi Dâu, Núi Tao Phùng ngày xưa và Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Vô Nhiễm Núi Cúi hôm nay. Bởi những công trình ấy vừa là nơi chúng ta tôn vinh Chúa và kính Đức mẹ, nhưng cũng là những công trình văn hóa làm giàu đẹp Văn hóa Việt. Hơn nữa việc xây dựng những công trình ấy giáo phận gặp rất nhiều khó khăn. Từ đó mình nhận ra một cách hiển nhiên sự quan phòng của Chúa và muôn ơn lành Chúa đổ xuống cho giáo phận. Nếu không viết lại thì những thế hệ đi sau đâu hiểu được những nỗ lực của giáo phận đối với đời sống xã hội của cộng đồng.

Tôi thưa với Đức cha:

-Do đâu Đức cha có khát vọng xây dựng Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Vô Nhiễm Núi Cúi?

Đức cha như chìm vào một vùng suy tưởng mênh mông, trải dài cả đời người, với những cảm xúc thật mãnh liệt:

– Thầy biết rồi đó. Khi chúng ta chia tách giáo phận Bà Rịa, giáo phận Xuân Lộc không còn Trung tâm hành hương nào để tôn kính Đức Mẹ. Đức cha được sinh ra trong đền thánh Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở quê hương. Nơi đây có 16 thánh tử đạo trong số 118 các Thánh Tử Đạo Việt Nam và còn lại 116 anh hùng tử đạo khác. Rồi xảy ra bao biến cố lịch sử và biến cố riêng của cuộc đời Đức Cha. Quả là hồng ân Chúa đã ban cho Đức cha thật lớn lao. Thầy biết đó, noi gương thánh Đa Minh và các vị Thừa sai, chúng ta cần cậy trông vào Đức Mẹ. Có lần thất bại, thánh Đa Minh đã than thở với Đức Mẹ. Ngài được Mẹ dạy, hãy rao giảng và cổ động mọi người lần chuỗi Mân Côi. Vâng lời Đức Mẹ, ngài đem hết khả năng truyền bá chuỗi Mân Côi, giải thích các mầu nhiệm thánh, kêu gọi mọi người thực hành việc đạo đức này. Kết quả thật lạ lùng! Cho nên Đức Cha thao thức và ao ước có một nơi để tôn kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội và kính các Thánh tử đạo Cha ông. Một nơi để mọi người tụ về, cảm tạ ơn Chúa và tôn vinh Mẹ; kéo ơn của Chúa xuống cho giáo phận và cho mọi người.

Đức cha kể tiếp chuyện quê hương:

– Làng Phú Nhai rộng chừng 3 cây số vuông, thuộc xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, giáo phận Bùi Chu. Làng chia thành 7 xóm. Trung tâm của làng là đền thánh Đức Mẹ Vô Nhiễm cổ kính tráng lệ. Xung quanh nhà thờ, ngoài vùng dân cư là đồng lúa bao la. Hết đồng lúa bao quanh là con sông chạy xung quanh làng như những vòng tròn khép kín mà ngôi nhà thờ là trung tâm. Làng Phú Nhai còn có 1 cái cổng làng to đẹp.

Năm 1866, ngay sau khi vua Tự Đức ký sắc lệnh tha đạo, chấm dứt gần 3 thế kỷ Kitô giáo bị bách hại, cha chính xứ Emmanuel Rianô Hòa cho xây dựng nhà thờ bằng gỗ, lợp bổi. Năm 1881, Giám mục Hòa cùng với linh mục Barquerô Ninh xây nhà thờ lần thứ hai theo kiến trúc Á Đông và hai tháp chuông. Năm 1916, Giám mục Phêrô Munagôri Trung và linh mục Morênô xây nhà thờ lần thứ ba theo kiến trúc Gothic Khánh thành năm 1922 nhưng bị cơn bão lớn tàn phá nặng nề vào ngày 24 tháng 6 năm 1929.

Người làng kể rằng, thời đạo còn bị bách hại, năm 1858 Đức Cha Valentinô Berrio-Ochoa Vinh, Giám Mục Bùi Chu (tử đạo năm 1861) cùng với cha chính địa phận Emmanuel Rianô Hoà đã cùng nhau tha thiết khấn cùng Đức Mẹ Vô Nhiễm rằng: Nếu Đức Mẹ ban sự bình an cho địa phận, thì địa phận sẽ nhận Đức Mẹ làm quan Thầy và sẽ xây một Đền Thờ xứng đáng để dâng kính Người. Lời khấn đã được Đức Mẹ chấp nhận, tuy chưa có bằng an ngay, nhưng tinh thần giáo dân và giáo sĩ mạnh dạn hơn. Những người quá yếu đuối đã bỏ đạo thì tiếp tục ăn năn trở lại, dần lắng dịu.

Sau khi khấn dâng, các Ngài cũng không biết ý Đức Mẹ muốn xây đền thánh ở đâu. Có một người đàn ông tên Luông thấy tuyết đọng ở phía Bắc nhà thờ, ông trình với các đấng bản quyền. Các ngài xuống kiểm tra và quyết định xây ngôi Thánh Đường ở đây. Năm 1866, Cha chính Hoà giữ lời khấn hứa, đã xây Đền Thánh bằng gỗ lợp bổi. Ngôi Thánh đường Phú Nhai ngày nay xây lại năm 1933 và hoàn thành trong 3 năm. Năm 2003 đền thánh được tôn tạo và ngày 12/8/2008 tòa thánh ký sắc lệnh phong Phú Nhai lên tiểu Vương cung thánh đường. Đây là tiểu Vương cung đầu tiên ở miền Bắc.

Đức cha nói về giáo phận:

-Lần hiện ra ở Fatima với 3 trẻ, Đức Mẹ luôn nhắc nhở hãy làm một đền thờ để ghi nhớ Đức Mẹ. Với chúng ta, giáo phận Xuân Lộc, trong dịp kỷ niệm 50 năm thành lập giáo phận, nhìn lại quãng đời 50 năm thành lập giáo phận, biết bao nhiêu ơn lành Chúa đã đổ xuống cho giáo phận chúng ta. Không có ơn Chúa thì không thể làm gì được. Từ một giáo phận mới được tách ra khỏi giáo phận mẹ Sài Gòn ngày 14.10.1965, với số giáo dân ban đầu là 164. 144 người thuộc ba tỉnh Long Khánh, Biên Hòa, Phước Tuy và thị xã Vũng Tàu. Vậy mà sau gần 50 năm, dù đã có thêm một giáo phận mới là Bà Rịa, chúng ta vẫn có số giáo dân đông đảo là 921.482 người. 8 Giám mục. 552 Linh mục triều và dòng. 744 chủng sinh. 75 dòng tu với 1858 tu sĩ nữ và 274 tu sĩ nam. Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta tất cả cảm nhận một cách sâu xa tình Chúa đã ấp ủ giáo phận. Bàn tay quan phòng kỳ diệu và mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần đang hướng dẫn và dìu dắt giáo phận trong mọi biến cố thăng trầm của lịch sử.

Đức cha im lặng một chút rồi tiếp:

-Vì thế, trước hết là chúng ta cầu nguyện, rồi chúng ta dâng những hy sinh, như các em nhỏ ở Fatima…em nhỏ nhất 7 tuổi, em đã đón nhận bệnh tật như sự hy sinh để mà cầu nguyện. Chị Lucia sống đến 97 tuổi, nhưng mà suốt cuộc đời của chị là đau khổ, bởi vì chỉ có con đường đau khổ thập giá mới đem Ơn Cứu độ đến cho nhân loại. Hôm nay, chúng ta muốn Đức Mẹ giúp chúng ta, mọi người chúng ta cố gắng thực hiện mệnh lệnh của Đức Mẹ: đọc kinh Mân Côi, Tôn sùng trái tim Mẹ và cải thiện đời sống, rồi chúng ta cùng góp công góp sức vào để xây dựng Trung tâm này để là nơi chúng ta cảm tạ Chúa, tôn vinh Mẹ và kính các thánh tử đạo.

Bây giờ tôi hiểu rõ hơn nguồn gốc ơn gọi của Đức cha. Ơn gọi ấy có từ truyền thống đức tin và máu các thánh tử đạo trong lịch sử. Tôi cũng hiểu được do đâu Đức cha có lòng sùng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm một cách đặc biệt và khát vọng xây Trung tâm dâng kính Đức Mẹ. Đức cha muốn truyền thống đức tin của cha ông trong lịch sử tiếp tục triển nở trên đất Đồng Nai để nhờ Đức Mẹ Vô Nhiểm kéo ơn lành của Chúa xuống cho giáo phận Xuân Lộc.

-Thưa Đức cha, còn tượng Đức Mẹ sông Mê Kông có liên quan gì đế dự định xây dựng Trung tâm hành hương Đức Mẹ Vô Nhiễm Núi Cúi của Đức cha không?

Đức cha giải thích:

– Bức tượng Đức Mẹ được trục vớt ở dòng sông Mêkông năm 2012 có những ý nghĩa đặc biệt. Đức Mẹ đã đến với dân tộc Cămpuchia, một dân tộc với 95% lương dân, một dân tộc đã phải qua biết bao đau thương và gian khổ, nhất là nạn diệt chủng gần một nửa dân tộc. Đức Mẹ đã soi sáng cho một người lương dân biết được “Mẹ đang ở dưới lòng sông”, người ta đã vớt tượng Đức Mẹ lên và Đức Mẹ đã ban ơn cho 1 trong số những người trục vớt được khỏi căn bệnh hiểm nghèo. Chính vì thế, Giáo phận chúng ta thỉnh Đức Mẹ về đây với hình ảnh của Ngài, để Đức Mẹ ở với chúng ta. Giáo phận chúng ta cũng đã trải qua biết bao thăng trầm thử thách và Đức Mẹ đã cho Giáo phận chúng ta có được ngày hôm nay. Chúng ta cầu xin Đức Mẹ bầu cử cùng Chúa cho Giáo phận chúng ta luôn được bình an, và xin cho mọi người luôn biết tôn trọng phẩm giá con người để Chúa được vinh danh.

-Thưa Đức cha, Đức cha dự dịnh xây dựng quy mô của Trung tâm như thế nào?

Đức cha nói trong một viễn cảnh thật hân hoan:

-Thầy thấy đó. Những buổi lễ lớn của giáo phận tổ chức ở sân Tòa Giám mục như lễ tấn phong các đức Giám mục năm 2009, hội nghị Liên Hội đồng Giám mục châu Á (FABC) năm 2012 chỉ có thể chứa được 13 hoặc 15 ngàn người. Trung tâm phải có chỗ cho hàng trăm ngàn hoặc một triệu người trong những lễ lớn của giáo phận và của Giáo hội Việt Nam. Chẳng hạn đến một ngày nào đó chúng ta được đón Đức Giáo hoàng, giáo dân cả nước tụ về. Nơi ấy có đài Đức Mẹ, Nhà nguyện Thánh Thể, các nhà đa năng cho các sinh hoạt tôn giáo, có nhà cơ nhỡ, nhà chăm sóc người già neo đơn, nhà y tế, nghĩa trang đồng nhi nữa…

Quả là một công trình lớn, có thể coi là một công trình thế kỷ.

***

Những lần nói chuyện với Đức cha Đa Minh, tôi hiểu thêm được nhiều công việc của giáo phận…Nhưng hơn thế, hiểu sâu sắc hơn những tác phẩm của Đức cha. Ngài đã in các cuốn với bút danh Song Nguyễn:

  1. Một Đời Dâng Hiến, truyện dài, Nxb Tôn Giáo. 2009
  2. Đất Mới, truyện dài 3 tập. Nxb Tôn Giáo. 2009
  3. Đồng Hành, truyện dài, Nxb Tôn Giáo. 2010
  4. Định Hướng, truyện dài. Nxb Tôn Giáo. 2011
  5. Chuyến Xe Về Trời, tập truyện ngắn 1 Nxb Tôn Giáo. 2011
  6. Còn Một Niềm Tin, tập truyện ngắn2. Nxb Tôn Giáo. 2011
  7. Suối Nguồn, tập truyện ngắn 3. Nxb Tôn Giáo. 2011
  8. Người Cha Hiền, tập truyện ngắn 4. Nxb Tôn Giáo. 2012
  9. Những Người Mẹ, tập truyện ngắn 5. Nxb Tôn Giáo. 2012
  10. Chỉnh Hướng, truyện dài, Nxb Tôn Giáo, 2013
  11. Đồng Cỏ Xanh, truyện dài, Nxb Tôn Giáo, 2013
  12. Tiếng Kêu, truyện dài. Nxb Phương Đông 2014
  13. Vì sao sáng, truyện dài. Nxb Tôn giáo 2015

Tôi đã viết một chuyên luận về các tác phẩm của Song Nguyễn, cuốn “Tiếp cận thế giới nghệ thuật của Song Nguyễn”. Nxb HNV. 2014. Chuyên luận phát hiện được nhiều điều về thế giới nghệ thuật của Đức cha. Có thể nói các tác phẩm của Song Nguyễn là một bộ sử thi về đời sống của người Công giáo Việt Nam (giáo dân, Linh mục, tu sĩ) suốt từ những năm 1945 đến thời “đổi mới” (1986). Đây là giai đoạn lịch sử có những biến động hết sức lớn lao. Tác giả khẳng định và ca ngợi các Mục tử dẫn dắt đoàn chiên đi qua những thảm trạng của chiến tranh và xây dựng một đời sống mới. Sự kiên vững đức tin, tình thương yêu và thái độ vì tha nhân là những bài học mà mọi người đọc đều có thể tiếp nhận từ ngòi bút của Song Nguyễn.

Tôi lại hỏi Đức cha:

-Công trình xây dựng Trung tâm hành hương Đức Mẹ Vô Nhiễm Núi Cúi lớn lao như thế, Đức cha sẽ thực hiện thế nào trong tình hình còn rất nhiều khó khăn mọi mặt?

Đức cha cười hân hoan:

-Việc Chúa muốn, Chúa Làm. Chúng ta cứ phó thác nơi Chúa và cậy trông nơi Đức Mẹ…

-Thưa Đức cha, Ngài định viết tiếp Tiếng Kêu 1 về Núi Cúi như thế nào, bởi con thấy bối cảnh câu chuyện, những sự việc, con người giờ đã khác, và tầm vóc lớn lao hơn rất nhiều so với nội dung Tiếng Kêu 1.

Đức cha rất vui như đã tìm được cách viết:

– Chỉ có một cách là, giống như là ông giáo sư gì bên Vatican đó, ông ấy hỏi Đức Thánh Cha, tức là phỏng vấn Đức Thánh Cha, và Đức Thánh Cha trả lời. Thầy cũng hỏi và Đức cha trả lời. Thầy cũng dựa theo cái cốt truyện mà hôm nọ Đức cha đưa cho thầy. Thầy viết, tôi viết, xong rồi mình sửa.  Cách viết này nó giúp mình vượt qua được những chỗ khó, chẳng hạn, khi viết về việc quan hệ với chính quyền để xin giao đất và xin phép xây dựng, hoặc những mối quan hệ của tôn giáo với đời sống xã hội, thì nó dễ hơn.

Tôi lại hỏi Đức cha:

-Việc xây dựng Trung tâm có rất nhiều công việc, liên quan đến nhiều người, nhiều tổ chức xã hội; giáo phận lại tổ chức nhiều họat động, trong đó có cả những chuyến đi Mục vụ của Đức cha ra nước ngoài; cũng đồng thời làm phát sinh nhiều vấn đề tư tưởng trong công luận…theo Đức cha, mình chọn thể loại nào, cách thể hiện thế nào để phản ánh được một hiện thực rộng lớn và phức tạp như vậy?

Đức cha trả lời ngay:

-Tất cả những cái đó, thì thầy cứ đặt vấn đề, Đức cha trả lời. Thầy quan sát thấy vấn đề gì, hoặc trong quá trình suy nghĩ, thầy phát hiện ra vấn đề gì, thầy cứ đặt vấn đề, Đức cha sẽ trả lời. Như thế nó tránh được nhiều nhân vật, cái thứ hai nữa là nó giống như một cuộc phỏng vấn thật, gần gũi, sống động, khác với truyện hư cấu. Bởi vì việc xây dựng Trung tâm hành hương Đức Mẹ Vô Nhiễm Núi Cúi là sự thật, tất cả còn đang diễn ra? Không khí còn đang rất khẩn trương, sôi nổi trên công trường cũng như trong tâm hồn mọi giáo dân; và vì thế, mình muốn mọi người đọc hiểu vấn đề, cùng thao thức với giáo phận, cùng chia sẻ với giáo phận. Nhưng thầy cũng lưu ý rằng đây là tác phẩm văn chương. Vì chỉ có tác phẩm văn chương mới sống lâu dài trong lòng người đọc.

Tôi tiếp lời Đức cha:

– Thưa Đức cha, đâylà kiểu truyện dài tư liệu, hay tiểu thuyết tư liệu, tức là tất cả đều là thật, người thật, việc thật, nhưng được kiến tạo thành tác phẩm nghệ thuật. Những phần miêu tả, những phần sự kiện, sự việc, được ghi lại đúng như những gì đã diễn ra; cả nội dung, tư tưởng, cũng là thật. Nhưng cấu trúc thế nào, kiến tạo thế nào, chuyển hóa thực tại đời sống bề bộn thành thế giới nghệ thuật thế nào; kết hợp tư liệu và hư cấu thế nào, thì đó là sáng tạo. Và điều quan trọng là phải có một cốt truyện chặt chẽ và một hay nhiều nhân vật xuyên suốt tác phẩm tạo nên cốt truyện đó. Điều ấy thì con chưa nghĩ ra.

Đức cha vui vẻ:

-Đấy, đại khái là như vậy, cái đó thì thầy cứ viết thoải mái. Thầy cứ hỏi và Đức cha trả lời, mọi việc nó sẽ sáng ra. Bây giờ thì cần có một cấu trúc tổng thể rồi mình triển khai từng phần, hôm nào Đức cha sẽ bàn với thầy việc này.

 

***

Loading

Đánh giá bài viết
call Hotline 1 0798287075 call Hotline 2 0798 287 075 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok