LẶNG LẼ VĂN CHƯƠNG 2015

LẶNG LẼ VĂN CHƯƠNG 2015

Bùi Công Thuấn

 

BCH nhiệm kỳ 2015-2020

 

 

 

Năm 2015 đã lùi vào quá khứ lãng quên để lại một đời sống văn học tẻ nhạt lặng lẽ. Nhà thơ Việt Phương cho rằng: văn học Việt Nam lẹt đẹt và khủng hoảng như giai đoạn hiện nay thiết nghĩ cũng không có gì là lạ.”(1)

1.Tắt ngấm những “kỳ vọng”

 Cuối năm 2014, người ta hồ hởi nói đến những kỳ vọng về văn chương trẻ sẽ bùng nổ trong năm 2015.

“Năm 2014 có thể coi là 1 năm đầy thành công của những tác giả trẻ, những cái tên như Anh Khanh, Phong Việt, Hamlet Trương, Iris Cao, Gào… trở nên quen thuộc với bạn đọc cả nước. Những con số sách bán ra lên đến mức không tưởng, những sự kiện văn hóa đọc “choáng váng” do những cây bút trẻ tạo ra đã phá tan đi sự tĩnh lặng nhiều năm qua của người viết trẻ. Những thành công đó khiến bạn đọc có quyền trông chờ vào họ trong năm 2015.”(2)

Trang Văn học quê nhà cũng nhận xét: ”Phải thừa nhận rằng, một năm qua, những tín hiệu vui của văn chương Việt mới dừng ở số lượng ấn phẩm đến tay người đọc, ở sự tự tin và sáng tạo của các tác giả trong việc lựa chọn hướng đi chứ chưa có những thành tựu lớn về và đóng góp nhiều ở thi pháp. Tuy nhiên với những gì mà các tác giả trẻ đã khẳng định được, chúng ta có quyền hi vọng vào một năm mới của những bùng nổ, đột phá từ những bạn trẻ ấy.”(3)

Thế nhưng dõi theo suốt năm 2015, tôi thấy những tác giả trẻ được “kỳ vọng” ấy đã không trình làng được tác phẩm nào ghi được dấu ấn thành tựu văn chương của mình cả về tư tưởng và nghệ thuật, và vì thế, họ mới chỉ là những tác giả đứng bên lề dòng chảy văn chương đích thực của văn chương Việt Nam đương đại. Đã là Phong trào thì lúc nào cũng ồn ào, hào nhoáng, và đầy những “lời có cánh”, song tài năng sáng tạo những tác phẩm văn chương đích thực có giá trị tư tưởng và nghệ thuật (như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài…) bao giờ cũng là “của hiếm”. Văn chương “mua vui” có chăng chỉ được vài trống canh là vậy. (xin mượn chữ của Nguyễn Du)

  1. Nhen nhúm những hy vọng.

 Đã có những nỗ lực đưa văn chương Việt Nam ra nước ngoài hội nhập với văn chương thế giới, và chúng ta có quyền hy vọng.

Ngày thơ Việt Nam 2015 kết hợp ba hoạt động: Liên hoan Thơ châu Á – Thái Bình Dương với Hội nghị Quốc tế quảng bá Văn học Việt Nam. Các hoạt động được tổ chức tại nhiều địa bàn khác nhau thuộc Hà Nội, Quảng Ninh và Bắc Ninh. Liên hoan thơ Quy tụ 151 đại biểu quốc tế đến từ 43 quốc gia và các vùng lãnh thổ, và nhiều nhà văn, nhà thơ, dịch giả tiêu biểu  khắp các vùng miền trên cả nước.

Từ ngày 28/9 đến ngày 2/10/2015 tại Pháp đã diễn ra chuỗi sự kiện liên quan tới giới thiệu, dịch thuật, phê bình và gặp gỡ nhà văn, dịch giả văn học Việt Nam ở các thành phố Paris, Bordeaux và Limoges.

PGS. TS. Đoàn Cầm Thi, nhà nghiên cứu từ Học viện Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông (Inalco) của Pháp cho biết : Văn học Việt được dịch khá nhiều tại Pháp, từ “Truyền kỳ mạn lục”,”Chinh Phụ Ngâm”, “Truyện Kiều” đến “Thầy Lazaro Phiền”, “Tố Tâm”, “Số Đỏ”, “Chí Phèo”, “Dế mèn phiêu lưu ký”…Theo thống kê của Unesco, Pháp là nước dịch nhiều tác phẩm viết bằng tiếng Việt nhất, hơn cả Mỹ, Nga, Đức. Trong giai đoạn 1980-2009, có khoảng 130 cuốn sách văn học Việt Nam được dịch sang Pháp văn, trong khi con số này trong Anh văn là 83, Nga văn là 42, Đức văn là 27. Hiện nay, có 3 tủ sách văn học Việt Nam. Đó là L’Aube, Philippe Picquier và Riveneuve. Trên thực tế, hai tủ sách của NXB L’Aube và NXB Philippe Picquier, được thành lập những năm 1992-1994, đã từng in nhiều tác phẩm Việt Nam thời Đổi Mới, hiện nay hầu như không hoạt động nữa. Riêng tủ sách « Văn học Việt Nam đương đại » của NXB Riveneuve còn rất trẻ và đang tỏ ta sung sức. Thành lập cuối 2012, Tủ Sách đã in được 13 đầu sách, với ý thức giới thiệu các gương mặt của văn học Việt Nam hôm nay với những đề tài và thử nghiệm mới.

PGS. TS. Đoàn Cầm Thi nhận định : Như vậy, có thể nói văn học Việt bắt đầu được quan tâm ở Pháp. Tuy nhiên, tất cả chỉ là tương đối, vì giữa 3.000 tiểu thuyết được in hàng năm tại đây, thì những cuốn sách Việt chỉ tạo được một sự có mặt vô cùng khiêm tốn. Và đương nhiên, ngoài những dịp kỷ niệm như Năm Pháp-Việt (2014) hay như năm nay, 40 năm kết thúc chiến tranh, văn học Việt khó có thể gây được sự chú ý của dân chúng Pháp.(4)

Và đây là cảm nghĩ của một nhà văn trẻ, nhà văn Nguyễn Danh Lam, người đã hai lần được giải thưởng tiều thuyết của Hội Nhà Văn:“Viết xong, in xong một cuốn sách, ngồi ngắm nghía một mình, nó thật giống ngón tay che sát mắt, lúc ấy có mà cả vũ trụ cũng chẳng bằng nó. Nhưng có đi ra nhà sách mới thấy nó lọt thỏm giữa một rừng “hoa”, thậm chí đi tìm cuốn sách của mình cũng… đỏ con mắt! Đặc biệt, khi mình ra nước ngoài, lạc vào một Bookstore, cái cảm giác đi giữa hàng… cây số sách mới thấy ngay cả Lev Tolstoi cũng… bé như con kiến! Càng ngày mình càng hiểu rõ hơn, một cách thực lòng nhất, ảo tưởng về mình là thực sự khôi hài…nhà văn Mai Sơn gửi cái ảnh, cuốn sách mình được dịch- xuất bản sang tiếng Pháp, nằm… thò gáy trong một nhà sách ở Paris (ảnh phải), lại càng hiểu “thân phận” của mình hơn. Nước Pháp mỗi năm cho ra lò mấy nghìn tiểu thuyết mới của các tác giả bản xứ! Thế nhé! Nghề văn nhẹ bỗng…”

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã từng cho biết: “Văn học ra nước ngoài liên quan đến dịch, chào hàng, xuất bản vì vậy rất cần huấn luyện viên, ông bầu, nhà tổ chức đứng sau nhà văn. Văn chương Việt Nam như đám đá bóng Hàng Đẫy nghiệp dư, lăng nhăng, còn văn học thế giới cũng như bóng đá Anh, Italy vừa ra tiền bạc, ra hồ hởi, hưng phấn vừa ra cả những mối quan hệ”; “Thế hệ chúng tôi ra nước ngoài như chim chích lạc rừng, lọt vào thành phố không biết chỗ nào tả, chỗ nào hữu, không biết ai chân thành, ai dối trá”(5)

Những gì PGS. TS. Đoàn Cầm Thi cho biết và những suy nghĩ “khiêm tốn” của nhà văn Nguyễn Danh Lam làm chúng ta suy nghĩ và nhận ra nhiều vấn đề, song chúng ta có quyền hy vọng.

  1. “Văn đàn dậy sóng”

Văn đàn 2015 dậy sóng không phải bởi sự xuất hiện những tác phẩm đỉnh cao hay những tài năng xuất chúng, mà ồn ào về việc ăn cắp thơ. Tôi không dùng chữ “đạo thơ”, bởi “đạo thơ” là từ Hán Việt, không nói đúng bản chất của vấn đề. Lấy thơ người khác làm thơ của mình, không xin phép, không ghi nguồn, thì đó là ăn cắp. Người làm thơ Phan Huyền Thư lấy đã lấy bài thơ ‘Buổi sáng’ của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan đưa vào bài ‘Bạch lộ’ trong tập thơ ‘Sẹo độc lập’. Cũng trong tập thơ Sẹo độc lập”, trước đó đã có nghi ngờ Phan Huyền Thư ăn cắp thơ Du Tử Lê. Vấn đề là, khi bị phanh phui sự việc, Phan Huyển Thư lại quanh co nhằm đánh lừa dư luận, và khi phải xin lỗi hai lần, Phan Huyền Thư vẫn không nhận lỗi. Công luận phẫn nộ là vì vậy.

Từ xưa đến nay, nhà văn được coi là người đi trước và soi sáng lương tri nhân loại. Nhà văn là biểu tượng cho minh triết, phẩm hạnh và nhân cách. Văn chương nghệ thuật là sáng tạo độc đáo, mỗi tác giả là một cá tính sáng tạo, tác phẩm của họ tạo nên một thế giới nghệ thuật riêng. Nhà thơ, nhà văn không bao giờ chấp nhận tác phẩm của mình “chịu ảnh hưởng” người khác. Văn chương Việt Nam đã có bao nhiêu tài năng và nhân cách được muôn đời kính phục. Tại sao nhân dân tôn thờ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, tại sao thế hệ hôm nay vẫn ngưỡng mộ Hữu Loan, Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Lê Anh Xuân,…bởi các nhà thơ ấy là tinh hoa của dân tộc này, họ là tiêu biểu cho tinh thần, nhân cách của thời đại. Nhà văn, phẩm chất hàng đầu phải là nhân cách, chỉ có nhân cách lớn mới làm nên tác phẩm lớn. Chuyện ăn cắp thơ là một vết nhơ nhân cách đối với nhà thơ nhà văn Việt Nam.

  1. Những “động cựa” giữa ao bèo

 Khi truyện ngôn tình lấn át văn đàn và gây ra những tác hại cho giới trẻ thì Cục xuất bản mới quyết định yêu cầu các NXB không đăng ký xuất bản sách ngôn tình, đam mỹ.

Công luận đã lên tiếng mạnh mẽ: Ẩn hoạ tiềm ẩn từ “cạm bẫy bão ngôn tình”, Ngôn tình hay “dâm thư” trá hình? “Trên thực tế, sách ngôn tình xuất xứ từ Trung Quốc so với sách ngôn tình đến từ phương Tây hoàn toàn khác nhau, giới xuất bản, dịch thuật Việt Nam cũng thừa nhận các nhà làm sách ngôn tình ở phương Tây là một đẳng cấp khác xa so với nền xuất bản Việt. Họ có thể làm ít nhưng rất chất lượng và có trách nhiệm kiểm duyệt rất chặt trước khi đưa ra lưu hành.

Nhà phê bình Văn Giá cũng nhận định, trẻ em mới lớn chưa có sức đề kháng nên tiếp nhận mọi thứ rất lệch lạc. Do đó, khi đọc những truyện ngôn tình “ngập ngụa” trong sex, trong đó miêu tả gây tò mò hấp dẫn cho giới trẻ nhưng ở hướng giới tính lệch lạc, nguy hiểm.”(6)

Hiếu Văn trên báo Nhân Dân viết:Ðừng mang danh nghệ thuật để truyền bá trụy lạc: …Nhưng lợi dụng đề tài đồng tính để truyền bá các sản phẩm có nội dung trụy lạc là điều đáng phải bị lên án, nếu nghiêm trọng thì phải xử lý trước pháp luật; đặc biệt, khi các sản phẩm loại này hướng tới người đọc trẻ, nhất là học sinh, thì càng cần phải nghiêm khắc hơn. Vì thế không chỉ nhà xuất bản, cơ quan quản lý in-tơ-nét,… mà các nhà trường cũng cần phải tổ chức, quản lý, điều hành diễn đàn trên mạng của nhà trường một cách lành mạnh, bổ ích.”(7)

Công luận cũng lên tiếng mạnh mẽ về bản dịch bài thơ Sông Núi Nước Nam trong Sách giáo khoa, phản ứng gay gắt bìa sách Truyện Thúy Kiều in tranh của Lê Văn Đệ vẽ hình thiếu nữ khỏa thân, bởi Truyện Kiều được dạy trong nhà trường. Hình thiếu nữ khỏa thân ở bìa sách sẽ làm sai lạc sự cảm nhận về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật của Truyện Kiều. Dù vậy vẫn có ý kiến cho rằng những việc như thế là bình thường. Đây là ý kiến của Ts Phạm Xuân Thạch, Chủ nhiệm khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội: “Theo tôi, nếu nhìn từ góc độ tiếp nhận văn hoá thì đó lại là một vụ bê bối hết sức lớn. Nó hé lộ cho ta thấy cái chuẩn thẩm mỹ và văn hoá hết sức thấp cũng như cái hời hợt của một bộ phận công chúng, trong đó có cả những người nổi tiếng ngày nay. Người ta đánh giá một hiện tượng nghệ thuật ấy trên những cái chuẩn hết sức mơ hồ và hời hợt về thuần phong mỹ tục và hoàn toàn thiếu hiểu biết.

Chính vì thiếu hiểu biết nên người ta mới không hiểu được ngôn ngữ nghệ thuật của bức minh hoạ bìa, một hoạ phẩm được vẽ theo một phong cách rất đặc biệt trước Cách mạng và dị ứng đến thế với tranh khoả thân.

Người ta hời hợt đến mức không cần xem chú thích trong sách để tìm hiểu xem đó là tranh của ai và người đó có vị trí thế nào trong lịch sử hội hoạ. Tóm lại, người ta tiếp nhận một sản phẩm văn hoá bằng những cảm nghĩ thông thường (common sense), bằng một thứ “lẽ phải thông thường” và là một thứ “common sense” hết sức thấp.

Cái hết sức đáng lo ngại là chuẩn thẩm mỹ rất thấp đó dường như là chuẩn chung, hết sức phổ biến trong xã hội chúng ta. Nó là một thứ nguy hại, ngăn cản sự xuất hiện của những giá trị mới, chân chính, làm đa dạng và sâu sắc thêm đời sống văn hoá. Bởi cái mới, bao giờ cũng là một sự thách thức những định kiến.”(8)

Có lẽ Ts Phạm Xuân Thạch là người có một “chuẩn thẩm mỹ” rất cao, cùng với sự hiểu biết vượt trội mới dám khinh thường độc giả và nặng lời với công chúng như vậy. Ông cho rằng công chúng “hoàn toàn thiếu hiểu biết, chuẩn thẩm mỹ rất thấp.  Cái hết sức đáng lo ngại là huẩn thẩm mỹ rất thấp đó dường như là chuẩn chung, hết sức phổ biến trong xã hội chúng ta.”.Tôi không tin rằng trình độ của công chúng hôm nay lại như lời ông Tiến sĩ nói. Nhưng tôi biết chắc điều này, ông Tiến sĩ không nhận thức được sự khác biệt giữa một bức tranh (hội họa) với bìa một cuốn sách (và cuốn sách được dạy trong nhà trường). Bức tranh với tư cách một tác phẩm hội họa, được trưng bày ở phòng triển lãm, là một tác phẩm có giá trị tư tưởng-thẩm mỹ độc lập, rất khác với bức tranh ấy in trên bìa sách. Chức năng của bìa sách là giúp định hướng người đọc về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật của cuốn sách. Bức tranh dùng làm bìa sách cũng phải tuân thủ chức năng ấy. Bìa sách dùng trong nhà trường còn phải có tính giáo dục. Nếu bìa sách là tranh khỏa thân như vậy thì nội dung, tư tưởng và nghệ thuật của Truyện Kiều là gì? Chẳng lẽ chỉ là truyện cô gái ở trần để ngực ra ngoài? Chính Nguyễn Du đã phải nghệ thuật hóa lời tục tĩu Tú Bà dạy nghề cho Kiều ở lầu xanh. Ông chỉ viết: “Này con thuộc lấy làm lòng/ Vành ngoài bảy chữ vành trong tám nghề”(câu 1209-1210). Ông đâu có miêu tả vành trong vành ngoài là gì, tám nghề cụ thể là gì. Tôi nghĩ, nếu hiểu theo cách của ông Tiến sĩ, thì vẽ bộ tranh tám nghề của Kiều, chắc các bức tranh ấy sẽ “giá trị” hơn tranh của Lê Văn Đệ ! Cũng cần thấy rằng, truyện Kiều được viết bằng bút pháp ước lệ, đem vẽ thành tranh hiện thực như tranh của Lê Văn Đệ, thì hình ảnh sẽ hoàn toàn sai lạc với phẩm chất nghệ thuật của hình tượng văn học. Tranh bìa ấy đã xuyên tạc giá trị truyện Kiều, tục hóa giá trị thẩm mỹ của hình tượng Thúy Kiều, nên công chúng mới lên tiếng. Công chúng không thiếu hiểu biết như ông Tiến Sĩ nhận thức đâu!

  1. Đọng lại những nghĩ suy

 Đại hội đại biều lần thứ IX Hội Nhà Văn Việt Nam đã được tổ chức thành công tốt đẹp. Đại hội đã biểu quyết sửa đổi điều lệ Hội, thông qua báo cáo tổng kết nhiệm kỳ VIII (2010-2015) và đề ra phương hướng nhiệm vụ 2015-2012, và bầu được một Ban chấp hành đáng tin cậy trong tình hình chính trị – xã hội tiềm ẩn nhiều “nguy cơ” (nguy cơ đứt gãy truyền thống văn hóa dân tộc, nguy cơ tha hóa do đời sống kinh tế thị trường toàn cầu hóa gây ra…). Trước Đại hội có những tiếng eo sèo, sau Đại hội, văn đàn trở lại im ắng. Thấp thoáng có tiếng nhà thơ Việt Phương than thở: ”Việc Ban Chấp hành Hội Nhà văn chủ yếu là những người cao tuổi cả khiến tôi buồn lắm…Tôi cũng buồn vì một nhẽ, nhìn đâu đó trong cơ cấu tổ chức của Hội Nhà văn có biểu hiện của những nhóm lợi ích, mà ở đó, họ nâng nhau lên, cùng nhau chia sẻ lợi ích và quyền lực, chứ không phải hoàn toàn vì sự phát triển chung của văn học. Nền văn học của chúng ta bây giờ lẽ ra phải là một nền văn học đầy sức trẻ, một nền văn học của ngày mai, một nền văn học hướng đến tương lai, thì giờ đây đang cũ kỹ và nhiễu loạn hơn bao giờ hết, khi mà phần lớn chỉ quan tâm đến chuyện không đâu vào đâu, hơn là hướng tâm hồn mình vào việc sáng tác thi ca.”(1, đd). Tôi nghĩ, tổ chức-lãnh đạo và sáng tác là 2 việc khác nhau. Đại hội Hội Nhà Văn là một sinh hoạt chính trị, Ban chấp hành Hội Nhà Văn là bộ phận lãnh đạo Hội, nằm trong công tác tổ chức của Đảng. Dù họ là nhà văn già hay trẻ, thì Ban chấp hành 6 người không thể ép hơn 1000 nhà văn Hội viên sáng tác được các tác phẩm đỉnh cao. Sáng tạo là công việc đơn độc của nhà văn. Có một thực tế này, khi chưa được kết nạp vào Hội Nhà Văn, nhà văn trẻ viết rất mạnh bạo, nhưng khi trở thành Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, tài năng của họ chững lại, lỗi ấy do Ban chấp hành Hội Nhà Văn chăng? Hay do “tài năng” nhà văn Việt Nam chỉ có thể viết được một cuốn truyện?

  Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ tư (2011 – 2015) của Hội Nhà văn Việt Nam có 170 tác phẩm của 144 tác giả tham gia. Trong đó có nhiều cây bút trẻ, và nhiều nhà văn đã thành danh hưởng ứng. Trong danh sách đạt giải nhà văn trẻ tiếp tục khẳng định tài năng, chẳng hạn Trần Nhã Thụy (Hát), Nguyễn Danh Lam (Cuộc đời ngoài cửa)…Đáng tiếc không có giải thưởng hạng A. Cuộc thi được đánh giá là: ”Nền cao nhưng chưa có đỉnh”(9). Tôi không hiểu tác gia bài viết gọi “nền” là gì, và tầm cao của nền cỡ nào, trong khi suốt bài viết khá nhiều đánh giá nền không cao: ”chất lượng cũng không cao”,… có bộ tiểu thuyết dài ba tập với hơn hai nghìn trang in, nhưng ít để lại ấn tượng. Thậm chí, có tác phẩm được giải như Đốt trúc của Nguyễn Đắc Như (giải C), những chương cuối tác giả đã tỏ ra đuối sức. Đây cũng là tình trạng chung của không ít cây bút tiểu thuyết, là sự hụt hơi của tác giả, sau khi mở đầu đã triển khai khá hoành tráng… vẫn viết theo lối mòn,… Một vài tác phẩm được trao giải theo chúng tôi là còn gượng”. Cho đến nay, các tác phẩm đạt giải lần này chưa gây được tiếng vang nào.

Năm 2015 là năm kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Nguyễn Du.  Nhiều hoạt động văn hóa lớn đã được tổ chức để tôn vinh nhà thơ lớn của dân tộc. Cũng đã có những hướng tiếp cận, nghiên cứu mới về Nguyễn Du so với 10 năm trước. Nhưng những vấn đề về Nguyễn Du và Truyện Kiều vẫn còn thách thức nhiều thế hệ nữa. Nguyễn Du là người thế nào? Tại sao Nguyễn Du không viết về thực tại lịch sử xã hội Việt Nam dương thời, ông dấu kín mọi suy nghĩ, cảm xúc của mình trước “những cuộc bể dâu”? Làm sao tìm được nguyên bản Truyện Kiều của Nguyễn Du? Vấn đề mối quan hệ giữa Truyện Kiều của Nguyễn Du và Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân do Đổng Văn Thành (Trung Quốc) đặt ra vẫn chưa được giải quyết rốt ráo, ngoại trừ bài viết của GS Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Du viết truyện Kiều thời điểm nào trong đời ông (trước khi ra làm quan cho Gia Long, hay sau khi đi sứ Trung Quốc về 1814)?…Tôi có cảm giác rằng người ta suy tôn Nguyễn Du nhưng chưa thực hiểu Nguyễn Du. Xin cứ đọc tiểu thuyết Nguyễn Du của Nguyễn Thế Quang thì có thể thấy rất rõ điều này.

Lý luận và phê bình văn học có nhiều vấn đề trăn trở trong những năm qua. Có người vận dụng Phân Tâm Học, Thi Pháp học, Cấu trúc luận và Giải Cấu trúc để lý giải văn học Việt nam. Có lúc rất ồn ào về Hậu Hiện Đại, gần đây có sự cọ sát với lý thuyết trung tâm và ngoại biên, lý thuyết trò chơi, lý thuyết về diễn ngôn…Và có những nhà lý luận đã mạnh dạn khẳng định rằng chủ nghĩa Hiện Thực Xã hội chủ nghĩa đã hết vai trò lịch sử. Lại có thêm nhận thức rằng các lý thuyết văn học phương Tây là viết cho các nền văn học phương Tây, ta không thể áp dụng “nguyên xi” vào thực tại văn học Việt Nam mà cần xây dựng một nền lý luận văn học của riêng mình trong mói tương quan với thực tại sáng tác. GS Trần Đình Sử đề xuất: ” Cách hiểu như trên về khái niệm nền lí luận văn học Việt Nam từ góc độ diễn ngôn cho phép chúng ta có thể quan niệm rằng muốn xây dựng một nền lí luận văn học Việt Nam hiện đại, xứng tầm thời đại và dân tộc như nhiều người mong muốn, vấn đề không phải là quán triệt tư tưởng này, chủ trương nọ, không phải học tập cho có hệ thống lí thuyết nước ngoài, mà then chốt là đột phá bốn yếu tố của diễn ngôn lí thuyết. Muốn thế thì xây dựng đội ngũ các nhà lí luận, nghiên cứu, tạo điều kiện cho họ được học tập, sáng tạo tự do, để  họ tự kiến tạo hệ thống của riêng mình, phương pháp của mình, đem vận dụng vào thực tế văn học mà  họ tâm đắc.

Dân chủ hóa, đa nguyên hóa về ý thức hệ và  hệ thống quyền lực, thì chắc chắn một nền lí luận văn học Việt Nam hiện đại sẽ xuất hiện từ trong thực tế nghiên cứu sinh động theo tinh thần sáng tạo ấy.

 Cho đến nay, tôi chưa thấy đâu là tăm hơi của nền lý luận văn học theo sự tiên liệu chắc chắn của GS Trần Đình Sử, nhưng tôi giật mình vì không biết ông nói thật hay chỉ giả định, bởi ông tự thú điều này: “Nền lý luận mà chúng ta đang có cũ quá rồi! Quá date rồi! Chúng ta, trong đó có tôi đã sai lầm, đã ấu trĩ, đã ngộ nhận nhiều rồi…Tôi là một tội đồ đã reo rắc bao nhiêu sai lầm cho bao nhiêu thế hệ sinh viên học sinh. Tôi muốn làm một việc gì đó, để sửa sai cho mình, trước hết được nói ở trong cuốn sách này”. (10)

Có một sự thật GS Trần Đình Sử nói có thể tin được là:” Nền lý luận mà chúng ta đang có cũ quá rồi! Quá date rồi! Chúng ta, trong đó có tôi đã sai lầm, đã ấu trĩ, đã ngộ nhận nhiều rồi..”Nền lý luận ấy đi sau sáng tác xa lắm.

Kết thúc năm 2015, tôi ngậm ngùi mãi. Từ 1975 đến nay đã là 40 năm văn học, nhưng chưa có một công trình nghiên cứu, lý luận nào, đánh giá thỏa đáng 40 năm văn học ấy.(11) Nhiều nhà văn đã ra đi trong âm thầm mà không biết những đóng góp của mình cho văn chương Việt Nam 40 năm qua được đánh giá thế nào khi họ đã từng phải “lên bờ xuống ruộng” vì tác phẩm của mình? Có thể họ còn phải chờ 300 năm nữa như Nguyễn Du đã từng chờ…

  1. 12. 2015

______________________________

https://giangnamlangtu.wordpress.com/2015/01/25/tuong-thuat-toa-dam-tran-dinh-su-tren-duong-bien-cua-li-luan-van-hoc/

  • (11)Đọc them: Bùi Công Thuấn-40 năm văn học Viện Nam, những gì còn với mai sau:

http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=21141,(kỳ 1)

http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=21142 (kỳ 2)

 

 

Loading

Đánh giá bài viết
call Hotline 1 0798287075 call Hotline 2 0798 287 075 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok