KINH BUỒN
VÀ HÀNH TRÌNH TƯ TƯỞNG CỦA LÊ ĐÌNH BẢNG
(Đọc tập thơ Kinh buồn của Lê Đình Bảng. Tác giả xuất bản 2012)
Bùi Công Thuấn
Nhà thơ Lê Đình Bảng đã in các tập thơ: Bước chân người Giao Chỉ (Sài gòn 1967), Hành hương (2006), Quỳ trước đền vàng (2010), Lời tự tình của bến trần gian (2012), Ơn đời một cõi mênh mang (2014), Kinh buồn (2014), và các tập thơ được phổ nhạc: Đội ơn lòng Chúa bao dung (2012), Lời khấn nhỏ chiều Chúa nhật (2012), Về cõi trời mênh mang (2012). Ngoài ra Lê Đình Bảng còn là nhà nghiên cứu có uy tín về lịch sử văn học Công giáo Việt Nam. Ông đã in “Văn học Công giáo Việt Nam-Những chặng đường” (2010), và bộ sách gồm 6 cuốn “Ở thượng nguồn thi ca Công giáo Việt Nam” (2009) do ông sưu tầm, nghiên cứu…
Kinh buồn là tập thơ thể hiện nhiều nỗi trăn trở của Lê Đình Bảng về lẽ trầm luân, còn – mất, tử – sinh của kiếp người, về đời hư huyễn phù vân, về sự ra đi của những người thân yêu. Kinh buồn không phải thơ tư tưởng nhưng là hành trình tư tưởng của Lê Đình Bảng một hành trình vật vã nước mắt để đến được bến bình an.
NHỮNG TRẢI NGHIỆM BỂ DÂU
Đọc những tập thơ khác của Lê Đình Bảng, người đọc chỉ thấy một nhà thơ tài hoa, phóng khoáng và say mê; bay bổng với những bài ca tuyệt vời về Cái Đẹp, về cuộc sống; về tình yêu, trong khộng gian và thời gian bát ngát tươi xanh. Đọc Kinh buồn, người đọc sẽ rất ngạc nhiên khi thấy nhà thơ đầm đìa nước mắt.
Con đã khóc, từ khi tấm bé
Những mùa Đông, mất mẹ mất cha
Ì ầm tiếng súng quê xa
Bên kia phòng tuyến, nhạt nhòa mưa bay
Con đã khóc những ngày trai trẻ
Mơ kiếm cung, dọc bể, ngang trời
Thế rồi, bèo dạt hoa trôi
Thuyền ra sông lớn, bời bời lòng đau
…
Con những tưởng rày trông mai nhớ
Sẽ phôi pha duyên nợ trần ai
Nào ngờ, sét đánh bên tai
Người đi, đi mãi bên ngoài thời gian
…
Khóc là khóc, lòng chưa giải hết
Đời ai không tử biệt sinh ly
Trông ra gò đống xanh rì
Trăm năm còn thấy, thấy gì nữa đâu
(Như hoa thơm Chúa hái về )
Bài thơ gợi ra những nét rất đậm hành trình tư tưởng của nhà thơ Lê Đình Bảng trong đời dâu bể. Nhà thơ đã chứng kiến, đã sống tận đáy cái hiện thực cùng cực, nghiệt ngã của lịch sử xã hội Việt Nam. Lê Đình Bảng sinh năm 1942, nghĩa là ông đã chịu đói lả những năm Ất Dậu 1945. Năm ấy hơn hai triệu con dân Việt chết đói. May mà ông thoát chết. Sau đó, dân tộc phải này phải hứng chịu mưa bom bão đạn trong 30 năm chiến tranh vệ quốc. Đau khổ, tang thương, ly tán không lời nào nói hết:
“Đêm đêm mưa đạn tơi bời
Dưới hiên thềm đá mẹ ngồi cầu kinh”;
Rồi lửa ngút giặc tràn quê nội
Mẹ con mình khăn gói đi mô”
(Khóc mẹ).
Ì ầm tiếng súng quê xa
Bên kia phòng tuyến, nhạt nhòa mưa bay.
Mừng rằng đất nước đã hòa bình, thống nhất và phát triển, nhưng những vấn đề về Con người vẫn còn đó. Số phận mỗi con người trong vòng tử sinh vẫn là con thuyền trầm luân trong bể khổ: “Thế rồi, bèo dạt hoa trôi/ Thuyền ra sông lớn, bời bời lòng đau”. Nước mắt chảy mãi không nói hết lời: “Khóc là khóc, lòng chưa giãi hết/ Đời ai không tử biệt sinh ly/ Trông ra gò đống xanh rì/ Trăm năm còn thấy, thấy gì nữa đâu”.
Hiện thực trần gian vẫn còn đấy.
Chúa có thấy chuyện bây giờ thuở trước
Vẫn những thằng Bờm, vẫn những phú ông
Vẫn những chợ phiên đổi chác bán buôn…
…Hai nghìn năm vẫn dấm chua, mật đắng
Ôi, những vết thương chưa thể liền da.
(Lòng Chúa bao dung)
Trong thơ Lê Đình Bảng, có rất ít những câu thơ phản ánh hiện thực xã hội Việt Nam. Điều này khiến ông khác hẳn những nhà thơ lấy việc “phản ánh hiện thực” làm mục đích sáng tác. Có lẽ, là một nhà thơ lãng mạn, ông chỉ quan tâm đến Cái Đẹp, tìm và thể hiện Cái đẹp (chức năng chính của người nghệ sĩ); hơn nữa, thơ không thể sánh với văn xuôi trong việc ghi lại những cảnh đời, những biến động lịch sử, những tang thương dâu bể. Ở Miền Nam trước 1975, Ca khúc Da Vàng (Trịnh Công Sơn), Mùa hè đỏ lửa (Phan Nhật Nam),… đã miêu tả cụ thể những bi kich nghiệt ngã khốc liệt của chiến tranh mà người dân miền Nam phải chịu. Lê Đình Bảng chọn lựa con đường sáng tạo của riêng mình.
Lê Đình Bảng giữ thái độ vô ngôn trước hiện thực. Tâm thức ông thăng hoa thành những bài thơ “bờ sôi ruộng mật”, những vườn ngát hương hoa trái, những đỉnh non ngàn mây trắng bay, những bờ bãi mênh mông sóng nước.
Tôi nghĩ đến Nguyễn Du (1765-1820). Nguyễn Du hoàn toàn im lặng trước hiện thực xã hội Việt Nam thời Quang Trung-Gia Long. Tác phẩm của ông hầu hết lấy đề tài lịch sử, con người Trung Quốc (Bắc hành tạp lục). Qua đó ẩn chứa tư tưởng của ông về hiện thực. Có lẽ Nguyễn Du hiểu được lẽ hưng phế, hiểu được bản chất tang thương của thế sự, hiểu được bản chất thế tục của những tranh giành quyền lực, và ông chọn thái độ im lặng. Và ông bị phê phán ở thái độ này. Điều này không quan trọng, bởi Nguyễn du để lại nghìn sau những bài thơ chứa đựng những tư tưởng lớn.
Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên,
Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên.
(Tạp thi kỳ 1-Nguyễn Du)
Dịch nghĩa
Tráng đầu bạc đầu buồn nhìn lên trời,
Hùng tâm, sinh kế cả hai đều mờ mịt.
Lạy Chúa nhiều đêm con thức trắng
Để xem ngày tháng có dài thêm
Một mình con hắt hiu chờ sáng
Tháng Bảy trời mưa ngâu suốt dêm
(Lời kinh khuya-Lê Đình Bảng)
Câu thơ “Tháng Bảy trời mưa ngâu suốt đêm” là ẩn dụ cho đêm đầy nước mắt. Đêm cũng là ẩn dụ cho cái nhìn về cuộc tang thương (thương hải tang điền). Nhà thơ chờ mãi, trong cô đôc, hiu hắt, nhưng đêm dường như dài thêm. Nhìn ra bên ngoài, vẫn là đêm chờ sáng. Soi vào hiện hữu, nhà thơ thấy gì?
Ta nhìn ta giữa chiêm bao
Thịt da, hoa lửa, má đào, tóc tơ
Ta nhìn ta hóa cây trơ
Hắt hiu trôi giữa đôi bờ tịch liêu
…
Một mình ta với mưa tuôn
Xem mây réo biếc, trận cồn kêu sương
Một mình ta giữa trăm muôn
Cái hương, cái tuyết, cái hồn phiêu linh
(Bên bờ tịch liêu)
Điệp khúc “Ta nhìn ta”, “một mình ta”, là thái độ tự soi vào hiện thể, soi vào tận đáy lòng mình, soi vào bản thể của Ta, vào ba ngàn thế giới chung quanh ta; là thái độ tự thức, tự giác, tự gạt bỏ tất cả những gì ngoài Ta, không thuộc về Ta, để hiểu cho thấu bản thể của Ta trong cõi nhân sinh này. Nhà thơ thấy mình chỉ là “cây trơ” “giữa đôi bờ tịch liêu”, chỉ thấy “một mình ta” (nỗi cô đơn hiện sinh) giữa những “kêu/ réo” của mưa tuôn, của mây biếc, của cồn đầy sương, của trăm muôn hình sắc phiêu linh. Những hình ảnh ẩn dụ này chính là cuộc đời “kêu/ réo” vây quanh. Cuộc đời xô bồ, ồn ào, đa mang, nhưng nhà thơ đã hóa “cây trơ” (không phải là cây khô, cây chết), một trạng thái “không tồn tại”. Hiện sinh mà không tồn tại, đó là trạng thái bi kịch.
Bi kịch là ở chỗ còn vướng cái duyên cái nghiệp.
Năm mươi mùa lũ trôi qua
Mẹ cha giờ đã đi xa cuối trời
Cái thân làm tội cái đời
Cái duyên, cái nghiệp của người, của ta
(Trầm tư)
Lê Đình Bảng dùng tư tưởng triết học Lão – Trang và tư tưởng Thiền để lý giải. Lão Tử nói “Hoạn hữu thân”[“Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả, vi ngô hữu thân; Cập ngô vô thân, ngô hữu hà hoạn?”– Lão tử – Câu 13 – Đạo Đức kinh]. Vì có Thân, nên ta phải họan nạn. Và Phật nói thêm. Hiện hữu (Thân) vốn là “Khổ” (Khổ đế trong Tứ Diệu đế – Kinh Chuyển pháp luân). Cái khổ truyền từ kiếp này đến kiếp lai sinh, bởi vì Thân là do nghiệp (Đã mang lấy nghiệp vào thân-Nguyễn Du). Nghiệp ấy do ta gây ra, nhưng nghiệp ta mang lấy cũng do kiếp trước và do người khác, mà Nghiệp là sợi dây trói (dù là thiện nghiệp hay ác nghiệp) trong quan hệ “duyên “ với ta (Lý Duyên khởi). Nhà thơ đã đi qua 50 năm mùa lũ cuộc đời trong sự trói buộc của Thân-Nghiệp ấy.
Chúa biết con nghèo, con đói rách
Trôi sông lạc chợ, sống cầm hơi
Chạy ăn từng bữa, qua từng bữa
Dang nắng dang mưa với đất trởi
…
Chúa bảo con, đường lên núi thánh
Ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh
Là băng qua núi cao rừng thẳm
Mỗi bước chân đi mỗi gập ghềnh…
…Chúa bảo con mỏng dòn dễ vỡ
Ơ hờ cơn gió thoảng chiêm bao
Làm sao con dối lòng con được
Chỉ một chênh chao giây phút đầu
Ở bến trần gian đầy cám dỗ
Ngàn vàng mua lấy thú thương đau…
(Suối nguồn yêu thương)
Dưới ánh sáng tư tưởng thần học Kitô giáo, Lê Đình Bảng nhìn vấn đề rõ hơn. Tất cả những “mưa lũ”, những hoạn nạn do “Thân/ Nghiệp” của kiếp người đều đã được an bài. Đó là con đường phải đi qua. Con đường Thánh giá. Thân phận con người là một thụ tạo, mỏng dòn, bị trần gian cám dỗ. Chính tội lỗi đã trói buộc con người (không phải Nghiệp). Nói theo ngôn ngữ nhà Phật, con người bị “dính mắc” cái Nghiệp do chính mình tạo ra.
Chúa biết lòng con như chỉ rối
Sợi thưa mau, ngang dọc bời rời
Làm sao con gỡ mình ra được
Thôi, ngược dòng trôi, đuối sức hơi
…
Chúa biết đời con luôn vướng vít
Những là rầy nhớ với mai mong
Còn chi sau mỗi mùa thu hái
Những rớt rơi, từng hạt đắng lòng
Chúa bảo con xa đàng tội lỗi
Mà sao con nhắm mắt làm ngơ
(Lời kinh khuya)
Đọc những dòng tâm sự của nhà thơ với Chúa, tôi nghĩ đến những thao thức của thánh Augustino (354-430) trong cuốn Tự thuật (Confessions). Augustino là thánh Tiến sĩ của Giáo hội. Ông từng là một thanh niên sống sôi nổi, mê đắm trong những tham vọng trần gian như mọi Con Người ở trần gian này. Bởi con người là xác thịt, là bùn đất, là bản năng (Freud). Trần gian vốn là vậy. Là dính mắc, là cay đắng, là oan khuất ngậm ngùi, là nước mắt phôi pha, là “Không”. Một mình ta phải mang lấy.
Trần gian chẳng uống giùm cay đắng
Lệ đá xanh và cây héo khô
Nỗi chết có san bằng tất cả
Ba nghìn thế giới vẫn là không
(Mộ khúc)
Rồi đây người chẳng bên người
Hắt hiu cồn vắng, duềnh khơi giang hà
Cầm bằng giọt lệ phôi pha
Nửa người oan khuất, nửa ta ngậm ngùi.
(Nghìn sau)
TRA HỎI KHÔN NGUÔI
Trải nghiệm một hiện sinh như vậy, nhà thơ đứng trước rất nhiều vấn đề tư tưởng.
Hỏi ngàn xanh lá đương xuân
Thoắt sinh sôi, đã lụi tàn, sầu đông
Hỏi đàn chim ngói qua sông
Trong hơi rét đậm, giữa đồng vàng khô
Cái gì như thể hư vô
Sao nghe rơi rớt những xô dạt buồn
(Lời thì thầm của bụi tro)
Đó là câu hỏi về hiện hữu, đương xuân đấy, thoắt cái đã lụi tàn, phải chăng hiện hữu là hư vô? Nỗi buồn xô dạt hết phận người. Nhà thơ ngắm nhìn thiên nhiên và tra vấn (tra vấn là thái độ triết học). Thiên nhiên đâu có Thân, có Nghiệp như người, sao vẫn chịu quy luật của tàn phai hư vô?
Thiên nhiên vốn vô ngôn, nhà thơ quay lại hỏi mình.
Ta về, gẫm lại thân ta
Thoắt trông tấc bóng ngày qua xuân thì
Ta về, hỏi gã Trương Chi
Tình muôn kiếp trước yêu vì những ai
Đêm đêm, ngọn lửa trăng chài
Đâu hồn phách ở cõi ngoài, hư vô
Ta về hỏi những xa xưa
Một vầng trăng lặn đáy hồ lặng thinh
Bụi tro là của riêng mình
Ừ, thôi tan tác giữa nghìn mênh mông
(Hư vô)
Vẫn là câu hỏi về “Hữu thể và thời gian” (Sein und Zeit – Martin Heidegger, 1889-1976): thoắt trong tấc bóng, thân ta đã qua tuổi xuân thì. Hỏi Trương Chi, đâu là duyên của muôn kiếp trước? (Truyện Trương Chi-Mị Nương). Hỏi, ánh trăng như ngọn lửa chài đêm đêm (một tứ thơ trong Phong kiểu dạ bạc của Trương Kế) đó là hồn của những ai? Nhà thơ đặt những câu hỏi về hiện thể, về “duyên-nghiệp”, hỏi về cõi âm; tức là từ thực tại đến siêu hình, từ hiện tượng đến tâm thức, tâm linh. Không có câu trả lời. Trăng dưới đáy hồ lặng thinh (Mỹ học Thiền). Đành vậy, rồi thân ta cũng là bụi tro tan tác vào nghìn mênh mông (hư vô).
Ngầm trong những câu hỏi về Hữu thể là những “xao xuyến” (anxiety) triết học về tính bất định, bất toàn, bất túc, hữu hạn của con người. Tồn tại là tồn tại quy tử (Being toward death – M. Heidegger).
Khi đã là tro bụi, nào ai còn nhận ra tro bụi của ai. Đó là nỗi bi đát hiện sinh (cay đắng). Thân đã là tro bụi, vậy mà con người vẫn mê lầm.
Tôi ru tôi, nỗi bọt bèo
Bởi hồn tơ tóc còn nhiều đắng cay
Bụi mình, bụi của ai đây
Sông Hằng xa tít chân mây, cuối trời
Bụi nào, bụi của thân tôi
Bụi ta huyễn hoặc, bụi đời lầm mê
(Trăm năm tro bụi)
Nhà thơ mượn cách lý giải của Phật. Đời là hư huyễn, là Không, vạn pháp là Không. Thân ta với ngũ uẩn cũng là Không. Nhưng con người cứ mê lầm là Có, để rồi quay quắt mãi trong giả niệm Có-Không, Còn-Mất, Sinh-Tử nhị nguyên không thoát ra được (Thiền thoại con chó có Phật tính không).
Nhưng dường như lý giải của Phật không đủ thuyết phục, nhà thơ quay sang hỏi Chúa.
Con thường hỏi rất vu vơ
Chúa ơi, biết đến bao giờ đời con
Lặng thầm như đá trên non
Trơ thân trầm tích, vô ngôn giữa đời
…
Con thường hỏi giữa mênh mông
Chúa ơi, ngàn biếc chen hồng mà chi?
Mai kia, cỏ lá xanh rì
Trông ra mấy vạt tà huy mịt mùng
…
Con thường hỏi những trăng sao
Chúa ơi, quanh quất bến nào, đường quê
Ngước nhìn lên đỉnh Canvê
Nửa khuya thao thức còn nghe tiếng gà
Ở đây nhìn thấu xương da
Trăm năm còn mất, đâu là hợp tan?
Con thường hỏi những tro than
Chúa ơi, cả những phai tàn, về đâu?
(Tĩnh tâm)
Vẫn là những câu hỏi về hiện thể (“đời con”), về “còn-mất” sinh tử, về sự tàn phai của “vạn pháp”, và tiến xa hơn, nhà thơ hỏi Chúa con đường nào về bến quê (Quo vadis?).
Tất nhiên là Chúa không trả lời. Câu trả lời ở trên đỉnh Canvê. Với người Công giáo, con đường Cứu Rỗi là con đường Thánh giá. Mỗi người tự vác thập giá mình theo Chúa, như Chúa đã vác thập giá và bị đóng đinh trên đồi Can vê để Cứu rỗi nhân loại.
Con đường Canvê là con đường Đức tin. Mà đức tin lại là điều mong manh nhất. Kinh Thánh đã chỉ ra điều này từ hai ngàn năm trước. Môn đệ Phêrô được Đức Giêsu trực tiếp dạy bảo. Nhiều lần ông khẳng định lòng tin của mình với Chúa. Vậy mà, ngay đêm Đức Giêsu bị người Do Thái bắt, Phêrô đã chối Chúa ba lần trước lúc gà gáy, mặc dù Chúa đã cảnh báo ông ngay trong bữa tiệc ly trước đó.
Nha thơ tra hỏi về đức tin của chính mình.
Vâng, lạy Chúa, thiên đường chỉ có một
Mà nẻo về thì xa lắc xa lơ…
Con lạc giữa ngã ba đường thế kỷ
Lô xô quán không, hương khói nhạt nhòa
Đã mấy dặm dài lau lách, phù hoa
Đã mấy canh khuya lạc lầm, chia cách
…
Chúa ở xa con xa quá đỗi
Âm dương còn cách trở đôi bờ
Chiều nay ra ngóng con thuyền bé
Bằn bặt về đâu, sóng nhấp nhô…
(Con biết tìm Chúa nơi đâu)
Giông bão ấy làm sao con đến được
Chỉ thấy hoa rơi và lá rụng đầy
Ôi đức tin con, ngọn cỏ lắt lây
Vâng, lạy Chúa, thiên đường chỉ có một
(Ngước trông lên Thánh giá)
Thiên đường xa xôi quá. Chúa cũng ở xa quá. Nhà thơ lại sống giữa đời lầm lạc, như con thuyền bé trước biển đầy giông bão, làm sao đến đuộc đất hứa. Như âm dương cách trở, làm sao nhà thơ có thể đến với Chúa được, làm sao đến được Nước Thiên Đàng là nơi Chúa hứa thưởng ban.
Tra hỏi như thế là tra hỏi về căn cốt của Đức tin, là lộ ra một sự hoài nghi về chính hiện thể của mình, về chính “tồn tại”. Vực thẳm ngay dưới chân, nếu không có Ơn Cứu Rỗi, Con người không thể vượt qua vực thẳm. “Ôi đức tin con, ngọn cỏ lắt lây”.
Những khủng hoảng đức tin như thế bất cứ người theo Chúa nào cũng trải qua. Bởi ơn Đức tin là ơn Chúa. Không phải do nỗ lực ý chí của con người. Ánh sáng mạc khải ấy chỉ mở lối cho những tâm hồn bé mọn. Đức Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.”(Lc 10, 21) [Jesus said, “I praise You, Father, Lord of heaven and earth, that You have hidden these things from the wise and prudent and revealed them to babes. Even so, Father, for so it seemed good in Your sight].
May mà nhà thơ còn chút lòng tin của hạt cải li ti (Đức Giêsu nói với môn đệ: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: “rời khỏi đây, qua bên kia!” nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được” (Mt 17, 20)
Chúa ở nơi đâu, gần xa cùng khắp
Đừng bỏ rơi con lạc lõng, mồ côi
Và ước chi trong thương tích của Người
Con tìm được một bến bờ nương náu
(Lòng Chúa bao dung)
Con biết mình khô khan yếu đuối
Nhưng hằng tin được rỗi linh hồn
Từ trong giọt máu sau cùng ấy
Đã nhú chồi xanh mưng búp non
Lạy Chúa, chiều nay chân gối mỏi
Nhọc nhằn lên dốc núi chon von
Bài ca ai hát Exsultet
Có phải là lời Chúa gọi con
(Hát từ ngôi mộ trống)
Trên Thập giá, Đức Giêsu đã đổ hết máu mình để Cứu Rỗi nhân lọai. Nhà thơ tin rằng, trong giọt máu cuối cùng (một tứ thơ rất hay) chảy ra từ cạnh sườn của Chúa (do lưỡi đòng của nhân loại đâm thâu qua), mình cũng sẽ được cứu rỗi. Trong niềm tin ấy, khi nghe hát bài Exsultet (Bài công bố Tin Mừng Phục sinh), nhà thơ nghe tiếng Chúa gọi mình.
TRỞ VỀ
Thực ra hiện hữu, hiện sinh vốn vô nghĩa (không có nghĩa). Người ta gán nghĩa cho nó để bám víu vào đó mà sống, mà hành động. Sự gán nghĩa này tùy theo nhận thức (Hiện tượng luận – E. Husserl-1859-1938) về cuộc đời và mục đích mà con người muốn đạt đến.
Ý nghĩa đích thực của hiện sinh phải trong hai chiều kích. Chiều cao, chiều hướng lên, hướng về Thiên Chúa và chiều rộng, chiều ngang, chiều hướng về tha nhân. Ý nghĩa của hiện sinh không chỉ là chiều soi vào hiện thể của cá nhân để chỉ thấy buồn nôn, phi lý, xao xuyến, hư vô, chỉ thấy sống là đi về cái chết (Being toward death). Chết không phải là hư vô mà là sự sinh sôi. Lê Đình Bảng ý thức về bản thể trong mối tương qua đa chiều như vậy thật cụ thể.
Ta còn ở với dương gian
Để yêu, yêu lấy đời dan díu này
Để gieo hết hạt trong tay
Phơi phong hết nắng của ngày đương xuân
(Ta còn để lại gì không)
Ơn đời nặng nghĩa bao dung
Gió ơi xin cứ nuôi rừng đầy hương
Trở về, làm hạt mưa sương
Thác sinh hẹn với vô thường, nghìn sau
(Mượn lời thác sinh)
Ta đứng co ro, mình một bóng
Dưới hiên mưa ướt lối đi này
Mà xem đá rịn mồ hôi lạnh
Để nghiệm ra khoảnh khắc một đời
Vào cõi mênh mông thiên cổ lụy
Hạt mầm hư nát mới sinh sôi
(Nhớ)
Hóa ra, khi mở lòng ra với đời, khi nhận ra “ơn đời nặng nghĩa bao dung”, nhận thức được tương quan với người mới là bản chất của hiện sinh, và chỉ khi nhận ra “Hạt mầm hư nát mới sinh sôi”[“Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt.” (Ga 12,24)] thì những câu hỏi siêu hình mới được hóa giải.
Nhà thơ thấy nhẹ nhàng, thảnh thơi.
Trở về thăm cội tùng xưa
Cùng rong rêu uống sương mưa đầm đỉa
Gối đầu bên rặng lau, nghe
Trong hơi gió thở, đêm khuya thì thầm…
…
Trở về ăn bát cơm chay
Quán thưa, rượu cạn, bàn đầy ly không
Trở về giục giã bên sông
Nước lên, thuyền cũng lên, trông gió mùa
(Một cõi đi về)
Đó là tư tưởng “Vô vi” của Lão tử. Nói theo nhà Phật, khi đã an trụ Tâm, khi đã thoát khỏi cái Tâm sai biệt [“Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”-kinh Kim Cang], đạt đến Cái Tâm Bát Nhã (Bát nhã tâm kinh) thì con người mới thoát mê lộ. Bài thơ Tĩnh tâm là một bài tuyệt hay.
Con nhủ thầm mình vừa tỉnh cơn mê
Có lưu luyến, có bồi hổi, giục giã
Nên đâu dám ngửa tay xin phép lạ
Nhưng hằng tin có Chúa ở trong mình
Dặn lòng mình, khấn nguyện một lời kinh
Hãy cố nâng niu từng ngày sống một
…
Hoa có rụng, hãy rụng vào đất sạch
Trái còn xanh xin ở mãi trên nhành
Bên kia Biển Hồ, nước biếc non xanh
Cứ thả lưới ở mạn thuyền bên phải
Một lòng tin nhỏ li ti hạt cải
Để thuyền neo, tôm cá chở đầy khoang…
(Bên kia hồ yên ả)
Một ngày được ở trong nhà Chúa
Con sẽ đàn ca lên, hát vang
(Suối nguồn yêu thương)
Khi đã tỉnh cơn mê, nhà thơ khẳng định một lòng tin. “Một lòng tin nhỏ li ti hạt cải/
Để thuyền neo, tôm cá chở đầy khoang” như các tông đồ của Đức Giêsu xưa. Họ thả lưới suốt đêm nhưng không được con cá nào. Nghe lời Chúa, Simon thả lưới bên phải thuyền thì lưới đầy cá. (Lc 5, 5-7). Tin vào Chúa, nhà thơ hồi sinh tâm hồn, biết “nâng niu từng ngày sống”. Không bận tâm vấn đề Tử sinh. “Một ngày được ở trong nhà Chúa/ Con sẽ đàn ca lên, hát vang”.
Nhà thơ cám ơn đời
Cảm ơn trời đất trăm năm
Bao nhiêu ơn xuống, mưa dầm thấm lâu
Kể từ con cá, lá rau
Cây kim, sợi chỉ thưa mau, cũng là…
(Lênh đênh phận người)
THAY LỜI KẾT
Trong tập Kinh buồn có một mảng thơ rất hay khác là những bài thơ viết về cha, mẹ, vợ, con, về những người thân yêu đã qua đời (đặc biệt hay là những bài viết về các Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, GS Nguyễn Đăng Thục, Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình, họa sĩ Giuse Bùi Liêm, Lm Nguyễn Phúc Dân…) . Những bài thơ này vừa kế thừa được dòng thơ về tình gia đình, tình bạn trong thơ truyền thống của dân tộc, vừa góp thêm một cách viết rất mới, rất tài hoa. Nhà thơ yêu thương, tiếc xót người thân yêu nhưng không bi lụy, không sa đà vào những tư tưởng siêu hình. Riêng tôi nghĩ, chính cái chết của những người thân yêu này gợi nhiều ý nghĩa về hiện sinh cho nhà thơ, và hơn thế, giúp nhà thơ ngộ ra nhiều chân lý của Kinh Thánh trong hành trình tư tưởng của mình.
Là người tốt nghiệp Cử nhân Giáo khoa Việt Hán Đại học Văn khoa Sàigòn trước 1975, Lê đình Bảng am tường văn chương, tư tưởng phương Đông, nên nhận thức và kiến giải những vấn đề tư tưởng của ông thấm rất sâu triết học phương Đông (Phật-Nho-Lão). Và điều mới mẻ là trong thơ của ông, những tư tưởng Phật- Nho- Lão ấy, và cả triết học phương Tây, lại được ánh sáng Kinh thánh soi chiếu, nhờ thế con đường tư tưởng của Lê Đình Bảng khác hẳn nhà thơ xưa cũng như các nhà thơ đương đại (Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư, Tô Thùy Yên…).
Con đường tư tưởng ấy phù hợp với những lời chỉ dạy của Giáo hội trong Tông huấn Giáo hội tại Châu Á: “Á Châu cũng là chiếc nôi của các tôn giáo lớn trên thế giới -Do Thái Giáo, Kitô Giáo, Hồi Giáo và Ấn Giáo. Đó là nơi phát sinh nhiều truyền thống thiêng liêng khác như Phật Giáo, Lão Giáo, Khổng Giáo…Giáo Hội giữ một niềm kính phục sâu xa nhất đối với các truyền thống này và tìm cách chân thành đối thoại với các môn sinh của truyền thống đó. Những giá trị tôn giáo họ truyền dạy, chờ được hoàn thành viên mãn trong Đức Giêsu Kitô”. (Tông huấn Ecclesia in Asia của Đức Giáo hoàng Gioan Phao lô II. Chương I, đoạn 6)
Tôi hình dung thế này. Các tập thơ khác của Lê Đình Bảng (Qùy trước đền vàng, Hành hương, Lời tự tình của bến trần gian…) là những bè phối khác nhau của một đại giao hưởng, và Kinh buồn là bè trầm (Bass), rất sâu, rất dày, đầy uy lực, có sức nâng đỡ để tất cả các bè phối ở trên cùng cất cánh. Thiếu bè trầm, giao hưởng sẽ rất mong manh và chênh vênh. Nhờ thế người đọc có thể nghe được tiềng gió thoảng đầy ắp không gian của violin, tiếng ngọt ngào lãng mạn của Guitar, tiếng trầm hùng như sóng ngầm đại dương của Cello, tiếng thánh thót như giọt sương rơi trên lá cỏ của Piano và tiếng hùng tráng, ào ạt, thúc giục của dàn kèn đồng, dàn trống trong buổi xuất hành. Nói như thế để thấy màu sắc thẩm mỹ và tư tưởng của thơ Lê Đình Bảng rất phong phú. Thơ Lê Đình Bảng hay, dễ đọc nhưng cũng có những đòi hỏi khắt khe.
Đọc Kinh buồn, bạn đọc sẽ không thấy buồn, bởi nhà thơ đã dẫn chúng ta thoát khỏi những hư huyễn của bến trần gian mà bước vào cõi hoan ca an nhiên trong ánh sáng Exsultet của Tin Mừng.
Cảm ơn trời đất trăm năm
Bao nhiêu ơn xuống, mưa dầm thấm lâu
Kể từ con cá, lá rau
Cây kim, sợi chỉ thưa mau, cũng là…
(Lênh đênh phận người)
***
Tháng 6/2021
Pingback: Đọc lại tiểu thuyết “Một linh hồn” của Thụy An- Tác giả: Bùi Công Thuấn | Chân Thiện Mỹ's Blog