NAM KỲ ĐỊA PHẬN-Bài II-“TÂN VĂN”, “THỜI SỰ”-Bùi Công Thuấn

Bạn có thể đọc các bài viết chính của Bùi Công Thuấn theo link:  buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

NAM KỲ ĐỊA PHẬN – (Bài II) TÂN VĂN & THỜI SỰ

Bùi Công Thuấn

***

            Ở bài Nam Kỳ Địa Phận-Những định hướng khởi đầu [[1]], giới thiệu số báo đầu tiên của Nam Kỳ Địa Phận, tôi đã giới thiệu khái quát mục đích, nội dung và những giá trị chung của tờ báo, đồng thời cũng giới thiệu ý kiến đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu về những đóng góp của Nam Kỳ Địa Phận cho giáo hội Công giáo Việt Nam đương thời (1908-1945) và cho sự phát triển của báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX.

TÂN VĂN & THỜI SỰ

            Trong Nam Kỳ Địa Phận có mục “Tân Văn” và “Thời sự” đăng các “bản tin”.

Những năm đầu, Nam Kỳ Địa Phận có rất ít bản tin. Các bản tin có tính chất là những “chuyện lạ” thú vị. Tỷ lệ số báo có bản tin khoảng 30%:

Trong 10 số báo đầu, chỉ có 3 số có bản tin (số 4, số 8 và 9). Từ số báo 11 đến số 20 chỉ có 2 số báo có bản tin (số 11 và 14 có Văn Tín). Từ số báo 59 đến số 69 có 4 số có Tân Văn (65. 67. 68, 69).

Những năm về sau, khi thế chiến diễn ra; tình hình chính trị, quân sự ở Pháp có biến động, Nam Kỳ Địa Phận đăng nhiều bản tin hơn, nội dung “thời sự” cụ thể hơn. Chẳng hạn những tin về Nhà nước bảo hộ Pháp và nhà vua Annam (Khải Định, Bảo Đại)

Năm 1945 có thêm mục: “Xem qua các báo”, tức là đọc tin trên các báo khác (song Ban biên tập không ghi nguồn). Thí dụ số 1845 (ngày 1er Janvier 1945, tr.8), đăng lại tin của báo New-York Times về thế chiến II; và thêm mục “Thế giới thời đàm”, bàn chuyện thời sự thế thế chiến.

            Xin đọc một vài “Văn Tín”, “Tân Văn”, “Thời Đàm

                                                                        ***

            Xin đọc: năm 1909, số 11 (ngày 1er Février), tr.174

VĂN TÍN

CỌP DỮ. – Nghe tin tại Châu Pha, về hạt Bà Rịa từ hôm tháng Mai trước đến nay, cọp hằng đến phá phách xóm làng, làm cho ai nấy kinh tâm. Bắt bò, heo, chó vô hồi, mà may chưa dám động đến mạng con người. Dầu vậy lòng người người đã tán loạn, cũng cậy cùng Bổn Quán xin rao cho Quí Vị hay mà khẩn cầu cùng chi phương trị thú dữ.

RỦI. – Cách mấy bữa rày tại hạt Vĩnh Long có người báo tin rằng: nhà nọ có một đứa con nhỏ, bởi hơ hỏng chẳng ai coi, để nó xuống xuồng mà chơi, rủi lật xuồng chết mất. Bởi mình ơ hờ nên phải mất con thương tiếc! Ai có con xin gìn giữ.

ƠN LẠ. – Nguyễn Hữu Nghi ở Cái Mơng tuần trước có gởi thơ cho Bổn Quán mà thuật truyện về một đứa nhỏ đặng ơn Đức Mẹ cứu khỏi chết đuối. Xin kể dón lại:

            Tại họ nhỏ kia tên là Rạch Bà Chủ, có tên giáp Lễ có một đứa con bốn tuổi, xuống chơi bên mé sông, rủi té xuống, nước trôi tống đi. Chừng hay mất, ai nấy tưởng nó đã đi đời rồi. Song người mẹ ngoan đạo có lòng kính mến Đức Mẹ, bèn hết lòng cậy trông kêu xin Người. Bà con chạy kiếm táo tác, sau hết gặp nó nổi phê phê, trôi theo dòng nước. Coi lại thì trôi đã ba bốn công đất rồi. Vớt lên thấy như thường, không phải nao. – Ấy ai kính mến cậy trông Đức Mẹ, thì Người hết lòng hộ vực, chẳng lựa là phải đi tìm phép lạ phương xa. Đâu cũng là một Đức Mẹ có tài có phép và có lòng khoan nhơn, ta hãy hết dạ cậy tin kính mến người.        (Bản tin không có tác giả)

            Xin đọc: năm 1909: số 14 (Ngày 25 Février), tr. 219.        

VĂN TÍN

(Ghi chú: các đề mục bản tin đều viết chữ in hoa.)

QUAN LỚN. – Quan Nguyên soái Nam Kỳ A. Bonhoure đã qua đời, nhơn dân thương tiếc; nay ông Gourbeil lên thế. Ta hãy nguyện xin cho người đặng an trị.

THƯƠNG TIẾC. – Hôm cha Ackermann là cha sở Đất Đỏ đổi đi Vĩnh Long, thì trong họ buồn bực thương tiếc không biết chừng nào, đã gửi đến Bổn Quán một bài đưa cha, song không thể ấn hành đặng, cực chẳng đã phải để qua. Trong bài ấy nói nhiều lời thiết yếu, chỉ bổn đạo Đất Đỏ thật hết lòng thương mến cha.

CỦA GỞI VỀ THIÊN ĐÀNG. – Bố Mua là một họ khó khăn ở trên rừng, đại tiểu nhơn số có 500, mà có lòng sốt sắng, đồng tâm hiệp lực mà lập đặng một nhà thờ rất xứng đáng. Bổn đạo họ nầy hết lòng vâng thuận ý bề trên mà làm cho sáng danh Chúa, nên đã làm cho lòng đấng chăn chiên đặng hoan hỷ, quên những sự lao khổ khó nhọc. Bồn Quán chúc khen cùng xin Chúa trả công cho kẻ chăn và đoàn chiên.

KIẾM TIỀN XÀI TẾT. – Hôm tối 28 tháng chạp, ăn trộm đục vách nhà lầu cha sở, Cha Võ hạt Trà Vinh. Cha sở nghe dựt mình thức dậy, tưởng người ta kêu đi kẻ liệt. Ăn trộm nghe cha thức dậy đi trên lầu, thì sợ cha xuống mà làm phước cho nó, bèn kiếm đàng phóng đi. – Có phước cho hai đàng.

CẦU KHO. – Gần nhà thờ có tiệm bán đồ vật dụng, nhứt là trử bánh dầu.

                                     (Bản tin không có tên  tác giả)

***           

            Năm 1915 có nhiều bản tin về chiến tranh:

            –Lễ cầu cho Nhà nước tại họ Long Hưng hạt SaĐéc (Le 3 Décembre 1914), [số 312, tr.10]

            –Nhà nước thông tri-tin về giặc giã (từ ngày 22 tới ngày 29 Décembre 1914), [số 312, tr.15]

            –Nhà thờ thành Reims bị quân giặc phá [số 313, tr. 21]

            –Alêmang nói chuyện (thư của tù binh Đức) [số 313, tr 24]

            –Bốn trăm lính bịnh A Lê Măng bị hỏa thiêu (lính Đức)[ số 215, tr. 58]

Xin đọc: năm 1920, Số 567, tr.4

                                                Địa phận Văn tín:

            -Đức cha Mossard sẽ đi qua Tây trong đầu tháng Janvier đây, có cha SI (P.Sion) đi nữa. Đức Cha đi sớm đặng có chịu quan thầy mổ lấy cái vảy cá trong con mắt ra trước khi sang thành Roma thăm Đức Giáo Tông.

            -Cha Đượm (P. Dumortier) đã đi ra ngoài Dalat hôm thứ bảy trước; xe lửa cha đi bữa đó dọc đàng đụng nhằm một xe đá, làm xe lửa phải hư nhiều, phải đổi xe khác, nên trễ hết 6 giờ. Mà may nhờ ơn Chúa không ai phải hại.

            ***

Xin đọc: năm 1924, số 774(17 Janvier), tr. 38.

TÂN VĂN (Nouvelles religieuses)

Rome. – Khi Đức thánh Phapha hay đặng cái bờ đê lớn nơi hồ Gleno, xứ Bergame, bị sập nước tràn ra linh láng ngập nhiều hại ruộng nương, vườn tược, nhà cửa dân sự xứ ấy, lại thêm vài trăm người phải vong mạng, Đức Giáo Hoàng cảm thương kẻ mắc cơn rủi ro tai nàn, liền gửi cho Đức cha thành Bergame 25.000 quan tiền Italie (lires) và Đức cha thành Brescia 15.000 quan tiền mà trợ cấp những người lâm cơn hoạn nạn túng ngắt.

***

Xin đọc: năm 1930. Số 1122 (13 Novembre 1930), tr. 713

Thời sự

            Hồng mao. – Nạn thất nghiệp

            Hiện thời, cái vấn đề thất nghiệp tại nước Anh, nổi lên gay go lắm, chánh phủ lao động Mac Donal không tài nào giải quyết nổi. Vì vấn đề ấy không phải thuộc về chính sách của một đảng phái, mà lại thành ra một việc lo chung của mọi người trong nước.

            Chánh phủ Mac Donal lên cầm quyển đã 15 tháng trời rồi, song không có phương sách gì cho giảm bớt nhơn công thất nghiệp.

            Hồi cuối năm 1929, ở trong sổ Bộ lao động thì có đến 110.000 thất nghiệp. Bây giờ đây số ấy tăng lên đến 2.139.571 người, nghĩa là sánh với số tổng cộng nhơn công trong nước, người thất nghiệp chiếm hết mười chín phần trăm rồi.

            Quan Thượng thơ J. H. Thomas, trước kia là một tay làm thợ ở hãng Hỏa xa; trong 10 tháng ngài lo kiếm thế nầy thế kia, nhưng bây giờ cũng thối chí ngã lòng rồi. Từ 12 năm nay cái nạn thất nghiệp ở nước Anh vẫn cứ triền mien luôn mãi, không có như ở các xứ khác. Mà hễ số người thất nghiệp nhiều chừng nào, thì cái kho chẩn cấp của chánh phủ phải mắc nợ nhiều chừng ấy. Chưa gì mà kho ấy đã thiếu 50 triệu Anh kim rồi.

            Quan Thượng thơ bộ tài chánh là ông Snowden không biết kiếm ở đâu có số tiền to lớn ấy mà bù đắp cho nổi. Tuy thế, coi mòi nước Anh cũng không đến nỗi gì!

            Vì nước Anh nhờ công nghệ phát đạt trót một thế kỷ này, gom góp tiền bạc ở trong nước chẳng phải là ít, nên mới có thể châu cấp cho bọn thợ thuyền họ được, nhưng sau nầy đây, không biết họ chịu đời nổi chăng?

            Nam Kỳ. – Bắt đặng một đảng ăn cướp rất hung dữ ở Long Xuyên

            Đã hai ba năm nay, có một bọn ăn cướp rất oai cường, có đủ súng ống thuốc đạn. Chúng nó ở lẫn lộn từ Vàm-nao xuống tới Long-xuyên, thường ngày chúng nó hằng đánh cướp những nhà giàu có và đón sông cướp lột mấy ghe thương hồ, đã lấy của lại giết người, rất nên tàn nhẫn.

            Nhơn dân nội vùng ấy bị những nhiễu một cách lạ thường, tối lại những kẻ có tiền chẳng ai dám an giấc. Ghe phen các báo đã kêu ca cùng quan chủ tỉnh Long-xuyên và sở tuần thành ghé mắt, mà phần tri phần trị trong tỉnh cũng đành vô kế khả thi.

            Mới đây nhờ có mấy viên chức Mật thám Châu Đốc là: 1. Brigadier Bùi Văn Nếp. 2. Đinh Văn Vân. 3. Nguyễn Văn Ngỡi. 4.Nguyễn Văn Giác dit Thanh, hết lòng sốt sắng vì phận sự, ra công khó nhọc truy tầm, nên 21 Aout 1930 bắt đặng tên Xơ, tên Đượm, tên Kiệt, với một cây súng một lòng.

            Qua bữa mồng 7 Septembre 1930, lại bắt thêm tên Nguyễn Vân dit Lạo, Lê Hoàng dit Ba, tên Lê Văn Chính, tên Kỳ, tện Tị, tên Tiên, tên Công và lấy đặng 2 cây súng nữa, 1 cây súng hai lòng, 1 cây 1 lòng với 50 bì nạp sẵn (Cartouches).

            Vậy từ giờ sắp tới có lẽ nhơn dân ở vùng ấy sẽ được yên ổn mà làm ăn khỏi lo sợ về cái hại ăn cướp nầu nữa.

            Mong sao quan trên sẽ xét kỹ công lao của mấy viên chức mật thám nói trên đây và tưởng thưởng một cách xứng đáng ngõ về sau vui lòng mà vui tròn phận sự.

            Poulo-Condore. – Bão lớn tại Côn nôn.

            Hôm ngày mồng 5 Novembre, tại đảo Côn-nôn phát lên một trận bão lớn, cuộc hư hại tính ra thật nhiều, nào là nhà đèn khí hư sập, kho trữ thực vật cũng hủy tan, 2 khám đường sập ngã hết, số người tử nạn trót 100, mà nhứt là những tù phạm, nhà thờ cũng bị sập, tàu chaloup và tam bản đếu chìm hết, cây cối ngã rạp, những cây cổ thụ dầu to lớn bực nào cũng cự chẳng nổi với trận bão ấy.

            Xin đọc 1938:

            –Hoàng đế Bảo Đại ngộ nạn: tại Ban-mê-thuột chiều 13/12/1938. Máy bay đã chở ngài tới Saigon hồi 11 giờ rưỡi ngày 15/12/1938 (số 1536)

            Xin đọc 1940, số 1589

            Nhân dịp đầu năm 1940-Quan toàn quyền chúc mầng cho dân Đông Dương:

            “Bổn chức xin gởi lời chúc mầng các dân tộc Đông dương: Hỡi người Pháp và người Đông Dương hãy nhận những lời cầu chúc thân ái của bổn chức đây, là những lời cầu chúc theo buổi chiến tranh, nó thóat khỏi cái khuôn sáo thường lệ như là chúc cho được muôn đều hạnh phúc và may mắn!…

            Những lời cầu chúc ấy, do một tư tưởng cao hơn, ấy là tư tưởng nghĩ đến bổn phận của chúng ta đối với thời cuộc hiện thời.

            Bổn chức xin chúc dân sự được cường tráng, dầu là người nhà binh hay thường dân cũng vậy. Các người hãy biết phụng sự ở chỗ mình ngày nay, hay ở nơi mình sẽ bị kêu gọi ra ngày mai. Các người nên dự bị hy sinh đến cùng mực, và đến lúc phải hy sinh tánh mạng, thì các người hãy hy sanh cho có danh dự. Rồi đến ngày chắc chắn chiến thắng, mong rằng quê hương sẽ được bằng lòng các người.

            Đó là lời chúc của bổn chức. Lời chúc ấy sẽ thiệt hiện được, vì nó không do sự may rủi của đời người, mà là do các người mà ra vậy.                  

                                                                                                            Ký tên

                                                                                                Đại tướng Catroux [[2]]                                  Xin đọc: năm 1945,

Số 1846, mục “Xem qua các báo” (tr. 23) có các bài viết:

Chiến tranh tàn phá (viết về thiệt hại chiến tranh 1914-1918 để so sánh với chiến tranh 1939-1945)

Nhà thờ Strasbourg trúng bom Anh Mỹ bị hư hại lớn.

Đặc tính của V2 (bom V2 của Đức).

Số 1845 (ngày 1er Janvier), tr.11

                                                THẾ GIỚI THỜI ĐÀM

Trận tấn công lớn của Đức đã khởi ở mặt trận Tây-âu, quả nhiên một trận quan trọng và đã làm cho dư luận Đồng-minh phải kinh ngạc.

Vì đã hơn nửa năm sau, khi quân Đồng-minh đổ bộ lên Tây-âu bấy giờ bộ Tư lịnh Đức mới bắt đầu khởi trận đánh quật lại.

Đạo nhựt lịnh của Đức gởi cho quân đội họ ở miền Tây rằng:

Thời khắc hành động lớn lao đã tới, và bây giờ mới là lúc bộ Tư lịnh Đức vén bức màn bí mật che đậy những sự sửa soạn vĩ đại của quân đội Đức trong nửa năm nay. Như vậy tất những sự sửa soạn của Đức phải cẩn thận lắm.

Theo tin mới nhận được, thì trong vài ngày đầu của trận tấn công, quân Đức đã đánh phủng được chiến tuyến Mỹ nhiều nơi và tiến sâu vào nước Bỉ từ 25 đến 30 cây số, chiếm hai thành Malmedy và Stavelot

Malmedy là một tỉnh Bỉ ở cách phía nam Aix la Chapelle hơn 40 cây số, có lẽ quân Đức định từ đó đánh vòng lên để chiếm lại Aix la Chapelle, nhưng lộ quân thứ nhứt của Mỹ đóng ở Aix tất cũng mạnh lắm; vậy trận Aix la Chapelle nếu diễn ra lần nữa chắc phải kịch liệt hơn những lần trước nhiều.

Trận tấn công lớn của Đức ở Tây-âu khiến ta có thể ngờ rằng có lẽ Đức đã lập xong được một phòng tuyền vững vàng ở Đông-âu nên mới dám xuất kỳ đại đội tiến đánh ở phía Tây như vậy.

KHUYNH HƯỚNG LÀM TRUYỀN THÔNG

CỦA NAM KỲ ĐỊA PHẬN

  1. Tính chuyên nghiệp của Nam Kỳ Địa Phận

Đây là Mục lục Số 1752 (17 Mars 1943):

1. Communique de l’vêché. tr.113

2. Mandement. tr.114 [[3]]

3. Huấn lệnh của Đức Giám mục Saigon. tr.115

4.Thơ chung Đức cha Phê rô (Địa phận Vĩnh Long). tr.119

5. Cuộc cộng tác của giáo hữu nước Nam. tr.122

6. Kiệu Đức Mẹ Lavang. tr.124

7. Thiếu niên với cuộc đời (phiếm luận). tr.126

8. Góp nhặt những chuyện lạ. tr.128: có hai bài ngắn:“Mùa Đông có gì lạ”; “Nếu trái đất ngừng lại”.

Trong 8 nội dung thì có đến 6 bài viết về những sinh hoạt tôn giáo của Địa phận Nam

Kỳ. Không có bản tin thời sự xã hội nào.

Điều này cho thấy Nam Kỳ Địa Phận là tuần báo chuyên về nội dung tôn giáo. Những “Tin Văn”, “thời sự”, “Phiếm luận” chỉ là một phần rất nhỏ trong nội dung. Quan sát những “bản tin” của các mục “Tin Văn”, “thời sự”, “Phiếm luận”, người đọc sẽ nhận ra đó không phải bản tin thời sự (Times) tường thuật những việc đang xảy ra để đưa tin, trái lại Nam Kỳ Địa Phận đăng lại những tin đã xả ra một thời gian trước đó, như những câu chuyện, có yếu tố “chuyện lạ” để hấp dẫn, hoặc  để “mua vui” mà không đặt vấn đề trách nhiệm xã hội (xin đọc “Kiếm tiền xài tết” và  “Sống trăm tuổi” đã trình bày ở trên)

  • Tính khuynh hướng

Chức năng của một tờ báo trước hết là đưa tin. Việc “Bổn Báo” (ban biên tập Nam Kỳ Địa Phận) chọn lựa tin, trình bày bản tin, hướng về đối tượng công chúng để thông tin…thể hiện “khuynh hướng” của tờ báo trước hiện thực đời sống.

Hiện thực của Nam Kỳ Địa Phận hướng đến là hiện thực đời sống tôn giáo của Địa phận Nam Kỳ. Đó là hiện thực chính.

Nhưng Nam Kỳ Địa Phận nằm trong một đất nước bị Thực dân Pháp đô hộ, với những biến cố lịch sử lớn lao, như việc Pháp khai thác thuộc địa, Thế Chiến I (1914-1918), Thế chiến II (1939-1945); cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc đầu thế kỷ XX như: phong trào kháng thuế 1908, phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, phong trào Duy tân của Phan Chu Trinh, khởi nghĩa của Nguyễn Thái Học, Phát xít Nhật chiếm Đông Dương, nạn đói Ất Dâu 1945…

Hiện thực ấy của đất nước và thời đại không thể nằm ngoài trách nhiệm thông tin của tờ báo (phần đạo và phần đời): “Vì lòng ái mộ cho danh Cha cả sáng, cùng ước ao cho con nhà An Nam ta mọi nơi đâu đó đều đua nhau tấn tài tấn đức, cho thông phần đạo và ngoan việc đời…”(Bổn quán kỉnh cáo). Tôi không rõ chủ trương “ngoan việc đời” cụ thể là như thế nào? “ngoan việc đời” có phải là người dân thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với tổ quốc không? Hay chỉ “sống và làm việc theo pháp luật” đương thời?

Cho nên năm 1914, Nam Kỳ Địa Phận có đăng

“NHÀ NƯỚC THÔNG TRI”

tin về giặc giã:

(Communiqué du Gouvernement, le 10 Novembre 1914)

Số 297, có bài- “Cuộc rước đưa cơ lính pháo thủ Langsa về quê hương trợ chiến” chiều 15/9 tại xã tây Saigon.

NHÀ NƯỚC THÔNG TRI: “các đạo binh Alêmăng đều phải tháo lui vở chạy, hễ binh Langsa có binh Hồng Mao phụ giúp kéo tới đâu thì đều thắng trận tới đó, quân giặc Alêmăng rút chạy không kịp, phải bỏ nhiều súng ống khí giái, và phải bỏ nhiều kẻ đã bị chúng nó bắt lại.

Quan đại lãnh binh sai các đạo binh Langsa, đã đánh dây thép tin cho Nhà nước hay, binh lính Langsa hưng tâm mà đánh đuổi quân nghịch hết lực, và các đạo binh lính Langsa thảy đều tử tế vưng phục, bằng lòng nhịn nhục chịu cực mà thắng chiến, Nhà nước được phỉ mừng tin cậy binh lính mình” (Communiqué du Gouvernement, le 17 Septembre 1914)

Số 298: tin về giặc giã (23 Septembre 1914). tr.623

Số 299: tin về giặc giã từ ngày 22 tới 29 Septembre. tr.639

Số 300: tin về giặc giã từ ngày 29 Septembre tới 6 Octobre. tr.655

Số 301: tin về giặc giã từ ngày 6 tới 13 Octobre. tr.671

Số 302: tin về giặc giã từ ngày 13 tới 20 Octobre 1914. tr. 685

Số 303: tin về giặc giã từ ngày 20 tới 27 Octobre 1914. Tr.701

Số 304. tin về giặc giã từ ngày 27 Octobre tới 3 Novembre 1914

Số 305: tin về giặc giã từ ngày 3 tới ngày 10 Novembre 1914 (tr.734)

Số 306: tin về giặc giã từ ngày 10 đến 17 tháng 11 1914. Tr.748

Số 307: tin về giặc giã từ ngày 17 tới 24/11/1914. Tr.767

Số 308: tin về giặc giã từ ngày 24 Novembre tới 1er Decembre 1914

Số 309: tin về giặc giã từ ngày 2 tới 8 Décembre 1914. Tr.799

Tiếp tục đăng “Nhà nước thông tri” tin về giặc giã ở các số báo: 310, 311, 312, 313, 314, 315, 316, 317…

***

Năm 1922 Nam Kỳ Địa Phận đăng liên tiếp các bản tin về Hoàng đế Khải Định sang Pháp:

Số 686 (4 Mai 1922), tr. 268

Hoàng đế Annam. – Lối ngày 18 Mai thì Đức Hoàng đế Khải Định sẽ xuống tàu Porthos tại cửa Hàn (Tourance) mà sang qua nước Langsa, có quan Thống sứ Pasquier theo hộ giá.

            Chừng Đức Hoàng đế vô tới Saigon là lối 20 Mai, Nhà nước và nhơn dân sẽ bày lễ trọng nghing tiếp Ngài.

            Thuở nay các đấng tiên hoàng nước ta, chưa có ai đã bỏ nước mà đi xa như vậy, mới lần nầy là trước hết nên là một cuộc quan trọng lắm, vì tình thiết Bảo hộ Đại Pháp với nước Nam. Không phải là Hoàng đế đi xem đấu xảo thuộc địa tại Marseille mà thôi, song ý Ngài là đi viếng nước Đại Pháp trước hết, cùng xem mấy nơi tồi tàn giặc Alêmăng đã hủy phá cho hàn cơ cuộc. – Lại cũng đem Hoàng tử giao cho thầy Đại Pháp dạy dỗ văn chương. Bận đi qua thì Đức Hoàng đế đi thẳng tới Paris, chừng về mới ở dự xem cuộc đấu xảo, và các cuộc mừng rước Ngài tại đây thì là trong bận trở về đó. – Chánh phủ Đông Pháp có xuất ra 4000$ đặng dọn dẹp các cuộc rước mừng Hoàng đế tại Marseille. (Bản tin không có tác giả)

Số 690 (1/6/2022), tr.331:

Hoàng đế Annam. – Đức Hoàng đế Khải Định đã vô tới Saigon chiều thứ Hai 22 Mai, Nhà nước rước cách trọng thể, binh lính sắp hàng hai bên đàng từ bến tàu nhà rồng (tàu đi tây) cho tới dinh Tổng thống. Hoàng đế nghỉ tại đây 3 bữa rồi qua thứ 5 thì đã xuống tàu lại mà sang qua tây.

Trong mấy bữa Đức Hoàng đế ở tại Saigon thì quan Thống đốc Nam Kỳ M Cognacq lo tiệc yến đãi đằng Đức Hoàng đế và các quan đi theo cách trọng hậu lắm; và Hoàng đế có ban cho quan Thống đốc le Grand Cordon de L’Ordre Impérial di Dragon de l’Annam. (không có tên tác giả)

Số 691 (ngày 8/6/2022),tr. 350:

Lễ chung nước Nam. – Hôm 28 Mai thì cả nước Annam đã ăn mừng lễ giáp năm Đức Vua Gia Long khôi phục triều đình Huế. Theo như lịnh Hoàng đế Khải Định dạy phải làm cho trọng thể, tại Nhà thờ Chánh Huế ngày ấy có làm một lễ trọng, có đủ các quan tây cũng có đủ các quan Annam tại triều tựu đến chầu và mặc y phục đại lễ, mà kính nhớ ơn các viên quan Langsa đã phò giúp Đức vua Gia Long khi trước.

Số 693 (ngày 22/6/2022),tr. 379:

Hoàng đế Annam. – Đức vua Khải Định đã tới Djibouti ngày thứ Bảy 10 Juin, tàu bị dông gió nên có trễ. Đức vua có lên viếng thành và nhà nước tiếp rước trọng. Vua, Hoàng tử và các quan theo hộ giá thảy đều quới thể an bình. Bữa kế đó thì tàu Porthos chỉ dặm thẳng qua Marseille. (Bản tin không có tên tác giả).

Số 694 (ngày 29/6/2022), tr. 398:

Hoàng đế Annam. – Điện tín tại Paris ngày 21 Juin cho hay Đức Hoàng đế Khải Định đã tới Marseille rồi, có quan Thượng bộ Sarraut quan Thống sứ Charles và quan Thân sĩ Outrey thay mặt quan toàn quyền Long xuống tại bến tàu rước Hoàng đế, lại có những cơ lính Annam bồng súng dàn hầu. Đức Hoàng đế lên xe hơi mà ngự đến dinh Trấn phủ.

Số 695 (ngày 6 Juillet 2022),tr. 414:

Hoàng đế Khải Định. – Đức Hoàng đế Annam đã tới tại Paris ngày 24 Juin, có quan Thượng bộ Sarraut, quan Tổng thống Long cùng nhiều quan rước Đức Hoàng đế tại bến xe lửa, đoạn Ngài đến dinh Thượng bộ thuộc địa là nơi Hoàng đế ở cả lúc ngụ tại Paris. Đoạn Hoàng đế vào viếng Đức Giám quốc Millerand rồi đi viếng nhiều nơi nữa đi tới đâu dân sự thảy đều kính chào tung hô mừng rỡ. Các nhựt báo đền khen ngợi Đức Hoàng đế và Đông cung Thái tử, đằm thắm nghiêm trang, thêm y phục rự rỡ lạ lùng tốt lành, ai ai cũng đều muốn xem cho hẳn. Thãy đều xưng ra Hoàng đế Annam sang viếng Đại Pháp đây là dấu tỏ tình liên lạc Việt Nam với Bảo hộ Pháp quốc càng thêm bền vững.

***

Nam Kỳ Địa Phận cũng thường trích đăng “Thống chế Pétain đã nói”. Tôi không rõ việc đăng những lời của Pétain có mục đích gì? Thông tin về một “lời hay ý đẹp”, hay thông tin chính trị về huấn thị của thủ tướng chính phủ Vichy?

Xin đọc: Thống chế Pétain đã nói (số 1781 năm 1943, tr. 474. Có in hình Pétain):

“Tôi ghét những lời giả dối đã làm hại các người rất nhiều. Đất đai, nó chẳng hề nói dối. Nó vẫn là nơi nhờ cậy của các người. Nó chính là Tổ quốc. Một miếng đất bỏ hoang, ấy là một phần nước Pháp đương chết. Một khoảnh đất hoang được trồng lúa lại, ấy là một phần nước Pháp tái-sinh” [[4]].

Tin của Radio Sài gòn, đăng bài phỏng vấn Ông Jacques Lê Văn Đức Hội đồng liên bang Đông Pháp (số 1706, ngày 22/4/1942, tr.196): Ông Đức nói:

“Nói tắt một lời, Hội đồng mới, dầu là liên bang, hay là Thành-phố, hay là Quản-hạt, vân vân, thì chớ khá dùng chức mình mà lo việc tư, song phải kể mình như là tôi tá phụng công nước nhà, lo công lợi ích lợi chung, vì Thống chế Pétain khuyên bảo ai nấy “Phải phụng sự nước nhà”.

Ông Jacques Lê Văn Đức còn viết bài kêu gọi cầu nguyện cho nước Pháp thắng trận (“Prions, Prions, Prions pour la France) [Số 1614, ngày 4 Juillet 1940. Tr. 379].

Năm 1941, NKĐP số 1690 có bài Một ngày của thống chế Pétain, đăng lại tin của ARIP. Năm 1942, trện NKĐP số 1694, Tác giả Hữu Tâm trong bài Nước Pháp trước thời cuộc nghiêm trọng đã ca ngợi thống chế Pétain.

***

Những bản tin của Nhà nước Pháp (Nhà nước thông tri), về chiến tranh, về Thống chế Pétain, về các quan toàn quyền và bản tin về Hoàng đế Khải Định, Hoàng đế Bảo Đại…là tin thời sự chính trị xã hội. Có lẽ việc đưa tin như thế, Nam Kỳ Địa Phận không thể thoái thác, bởi Nam Kỳ Địa Phận là một tờ báo xuất bản công khai, đặt dưới quyền chính trị của Nhà nước thuộc địa Pháp.

Ở mảng hiện thực khác, tôi không tìm thấy trên Nam Kỳ Địa Phận bản tin nào về phong trào kháng thuế 1908, về vụ án Phan Bội Châu bị Pháp bắt ngày 30.6.1925 và bị đưa ra Hội đồng đề hình ngày 23.11.1925; không có tin Nguyễn Thái Học và 13 đồng chí bị Pháp kết án tử hình ngày 30.3.1930. Cũng không có dòng tin nào thể hiện tình bác ái với hơn hai triệu người chết trong nạn đói ở Bắc Kỳ từ tháng 10 năm 1944 đến tháng 5 năm 1945; mà chỉ có những dòng tin về sự khó khăn tài chính của tờ báo (xin đọc số báo 1845, ngày 1er Janvier 1945).

Người đọc có thể hiểu vì đó là những tin “xúc phạm đến việc quốc chánh”nằm ngòai tiêu chí của tờ báo. Xin lưu ý rằng, ông Trần Chánh Chiếu, chủ bút báo Nông Cổ Mín Đàm (1906) và chủ bút Lục Tỉnh Tân Văn (1907) bị thực dân Pháp bắt tháng 10 năm 1908 vì có quan hệ với phong trào Đông Du và đăng báo chống Pháp [[5]].

TẠM KẾT

  1. Giá trị lớn của những Tin Văn trên Nam Kỳ Địa Phận là những thông tin của giáo hội Công giáo. Tin về Đức Giáo hoàng, các Đức Giám mục, các Linh mục, các giáo họ, các sinh hoạt của đời sống đức tin.    Chẳng hạn bản tin về Giám mục Mossad (người thành lập tờ Nam Kỳ Địa Phận)

                                                                        Địa phận Văn tín  (Nguồn: Năm 1920, số 567, tr. 4)

            -Đức cha Mossard sẽ đi qua Tây trong đầu tháng Janvier đây, có cha SI (P.Sion) đi nữa. Đức Cha đi sớm đặng có chịu quan thầy mổ lấy cái vảy cá trong con mắt ra trước khi sang thành Roma thăm Đức Giáo Tông.

            -Cha Đượm (P. Dumortier) đã đi ra ngoài Dalat hôm thứ bảy trước; xe lửa cha đi bữa đó dọc đàng đụng nhằm một xe đá, làm xe lửa phải hư nhiều, phải đổi xe khác, nên trễ hết 6 giờ. Mà may nhờ ơn Chúa không ai phải hại.

            2. Người đọc cũng có thể tìm thấy những thông tin lịch sử về Nhà nước bảo hộ Pháp, về Hoàng đế Khải Định, về Hoàng đế Bảo Đại; tin về văn hóa văn nghệ Công giáo như Tuồng thương khó của J. B. Tòngtrên số báo các năm: năm 1913, số 212 (tr.60). Năm 1922, số 705 (tr.567). Năm 1923, số 727 (tr. 105). Năm 1943, bài của Jacques Lê Văn Đức đăng trên các số báo: 1746; 1747; 1748; 1749). Đó là những tư liệu rất quý đối với người nghiên cứu tôn giáo, lịch sử, xã hội, văn học Công giáo…

Dù có tính khuynh hướng, song Nam Kỳ Địa Phận là một tờ báo tôn giáo chuyên nghiệp. Trong một thời gian dài đầy biến động lịch sử, Nam Kỳ Địa Phận duy trì được mục tiêu của mình là: “Vì lòng ái mộ cho danh Cha cả sáng, cùng ước ao cho con nhà An Nam ta mọi nơi đâu đó đều đua nhau tấn tài tấn đức, cho thông phần đạo và ngoan việc đời…”. Phần thông tin địa phận giúp kết nối giữa chủ chăn và giáo dân, giữa các giáo dân ở nhiều giáo họ trong địa phận với giáo hội, nhờ đó giáo dân có tình hiệp thông sống đạo sốt sắng hơn. Những giá trị như thế thật lớn lao.

***

Ngày 15/4/2024


[1] Bùi Công Thuấn-Nam Kỳ Địa Phận-Những định hướng khởi đầu

https://vanhoadatmoi.net/chuyen-de/tuan-bao-nam-ky-dia-phan-nhung-dinh-huong-khoi-dau-bui-cong-thuan.html

[2] Tướng Georges Catroux là Toàn quyền tạm thời 23.8.1938 đến 25.6.1940

[3] Communique de l’vêché: Thông cáo từ Tòa Giám mục

Mandement: Huấn lệnh (văn bản của giáo chủ dùng để chỉ thị)

[4] Thống chế Pétain (1856-1951)  là thủ tướng trong chính phủ Vichy từ năm 1940 đến năm 1944. Ông được ca ngợi là anh hùng dân tộc Pháp trong Thế chiến thứ nhất nhưng đến cuối đời lại bị kết tội phản quốc vì đã hợp tác với Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai. https://cand.com.vn/Ho-so-mat/Thong-che-Petain-Anh-hung-dan-toc-Phap-hay-toi-do-phan-quoc-i392379/

[5] Ngô Sỹ Tráng-Những đồng góp của Trần Chánh Chiếu trong phong trào Duy tân ở Nam Kỳ đầu thế kỷ XX. Tạp chí Khoa học ĐHSP Tp HCM số 8(86) năm 2016. Tr 110-116

Loading

Đánh giá bài viết
call Hotline 1 0798287075 call Hotline 2 0798 287 075 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok