Bạn có thể đọc các bài viết chính của Bùi Công Thuấn theo link: buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc
NAM KỲ ĐỊA PHẬN–Những định hướng khởi đầu
(Đọc tuần báo Nam Kỳ Địa Phận số 01, năm 1908)
Bùi Công Thuấn
***
Bạn có thể tải file theo link:
https://drive.google.com/file/d/1kg9wX3GCuFZFNnWl0HMfpcaV94c710Fx/view?usp=sharing
Tuần báo Nam Kỳ Địa Phận do Giám mục Lucien-Emile Mossard (1851-1920) chủ trương thành lập. L. Mossard thụ phong linh mục năm 1876. Ngài đến Sài Gòn ngày 2. 11.1876.
Lm Mossard từng coi xứ Tân Định (1881), Chợ Đũi (1882), nhà thờ lớn Sài gòn (1898), và được phong Giám Mục địa phận Tây Đàng Trong (1899). Ngài đã trông coi địa phận đến năm 1920.
Nam Kỳ Địa Phận in huy hiệu của tòa giám mục Sài Gòn. Chủ bút của Nam Kỳ Địa Phận là Lm J. B Hướng. Linh mục B.P. Paul Vàng (Directeur-Gérant) là người sau cùng phụ trách tờ báo.
Bài Kỷ niệm ba mươi lăm tuổi trọn (số 1788, năm 1943) cho biết: “Vậy trong khoảng 35 năm báo N.K.Đ.P. đã tùng quyền dưới 4 trào Giám mục là: Đức cha Mossard. Đấng sáng lập báo Nam Kỳ; Đức cha Quinton; Đức cha Dumortier và Đức cha J. Cassaigne hiện kim Giám mục địa phận.
Lại cũng thay đổi bốn đời linh mục quản lý là: cha J.B. Huỳnh Tịnh Hướng, tiên khởi chủ nhiệm kiêm quản lý từ 26 Novembre 1908 cho đến 12 Novembre 1909; cha Gabriel Nguyễn Thanh Long, từ 12 Novembre 1909 đến 9 Novembre v1922; cha Jacques Huỳnh Công Quận từ 9 Novembre 22 đến 30 Mars 1943; và từ 5 Avril 1943 đến nay là cha Paul Nguyễn Văn Vàng hiện kim chủ nhiệm kiêm quản lý bổn báo.”
Báo ra ngày thứ Năm hàng tuần. Số đầu tiên ra ngày 26 Novembre 1908 và số cuối cùng ra ngày 1er Mars 1945. Nam Kỳ Địa Phận là một trong những tờ báo có thời gian xuất bản lâu nhất đầu thế kỳ XX. Theo tài liệu của linh mục Vàng, GS Nguyễn Văn Trung cho biết: “lúc đầu có 2000 độc giả, nghĩa là gấp 5, 6 lần độc giả Lục Tỉnh tân văn, Nông Cổ” (Lục Châu Học, chương V). Số báo 1845 (1er Janvier 1945), bài Kính cáo Độc giả, “Bổn Báo” cho biết, cuối năm 1944 có 1700 độc giả.
Nam Kỳ Địa Phận ra đời và phát triển trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp đô hộ với chính sánh báo chí khắc nghiệt [[1], cùng với những biến động lớn lao của lịch sử Việt Nam và thế giới (phong trào Đông du, phong trào Duy tân, Thế chiến I, Thế chiến II,…). Bối cảnh ấy đã ảnh hưởng sự phát triển của tờ báo. Chẳng hạn, khuynh hướng “khai đàng văn minh cho nhơn dân đặng tấn phát..” nằm trong tinh thần duy tân: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”; hoặc chủ trương “không xúc phạm đến việc quốc chánh”, tức là không phản ánh và bày tỏ thái độ đối với tình hình chính trị đương thời. Nam Kỳ Địa Phận kiên định mục đích “mở trí khôn các giáo hữu lớn nhỏ hầu giữ đạo cho tấn tới một ngày một hơn và cũng có chỉ phương thế về sự làm ăn ở đời, cho các giáo hữu vịn theo mà giúp đỡ nhau,..”(Bài Cám ơn Đức Cha). Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Lục xem xét thái độ chính trị của tờ báo, ông khẳng định:
“Tôi đã chịu khó mầy mò khoảng 1000 trang báo Nam Kỳ Địa Phận có được trong tay thử xem có bài báo nào có bài báo viết ca tụng hoặc nịnh bợ chế độ thực dân Pháp không?
Tôi không thấy có dù một bài, dù chỉ là nói xa xôi, nói gián tiếp dù mục Văn Tín của tờ báo đăng lại nguyên văn các các thông cáo của nhà nước về thời cuộc như đã nói ở trên.
Điều đó cho thấy tư cách đứng đắn của những vị chủ trương tờ báo”[[2]]
Các nhà nghiên cứu nói về những đóng góp của Nam Kỳ Địa Phận như sau:
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Lục: “phần đóng góp quan trọng nhất vẫn là phổ biến chữ Quốc ngữ đến quảng đại quần chúng, nhất là tại thôn quê cho giới bình dân ít học. Nó có một chỗ đứng nhất định trong dòng văn học nói chung” [1 đd].
Nhà nghiên cứu văn học Công giáo Lê Đình Bảng nhận định Nam Kỳ Địa Phận “mở ra một kỷ nguyên cho báo chí Công giáo Việt Nam. Đọc lại mấy hàng”Bổn Quán Kính Cáo” sau đây, ta càng thấm thía sứ vụ Loan Báo Tin Mừng của những con người cầm bút, hết lòng phục vụ công cuộc “Truyền thông Công giáo” ngay từ buổi đầu gian nan ấy”[[3]].
PGS-TS Đỗ Quang Hưng (Viện nghiên cứu Tôn giáo Việt Nam) trong cái nhìn tổng quan về báo chí trước 1945 nhận xét: Nam Kỳ Địa Phận “sống ngót 40 năm, được coi là tờ báo Công giáo thành công nhất cả về nội dung và hình thức, không chỉ có giá trị về thông tin, giáo dục Công giáo mà còn có đóng góp độc đáo về báo chí, về sự phát triển chữ Quốc ngữ.”[[4]].
Gs Nguyễn Văn Trung (1930-2022) [[5]] là người có nhiều thuận lợi khi nghiên cứu về Nam Kỳ Địa Phận. Ông đã so sánh Nam Kỳ Địa Phận với hai tờ báo cùng thời là Nông Cổ (1901-1921) và Lục Tỉnh Tân Văn (1907-1944), từ đó ghi nhận:
“Về nội dung, chúng tôi thấy tờ Nam Kỳ địa phận phong phú đa dạng…Lối trình bày tờ báo của Nam Kỳ địa phận không khác gì thời bây giờ, lối viết Quốc ngữ trừ một vài từ ngữ kiểu nói thông dụng vào thời đó, ở miền Nam rất gọn, sáng sủa, dễ hiểu và nhất là rất khó tìm thấy một lỗi viết chính tả, không khác gì lối viết văn xuôi bây giờ”; Nam Kỳ địa phận “chỉ có 1/3 nói về đạo, còn lại nói về đời… nó là một vốn tư liệu phong phú, đa dạng mà ngày nay chúng ta có thể khai thác về nhiều mặt: kinh tế, thương mại, phong tục, sử ký, y học dân tộc, văn học, ngôn ngữ, v.v..”; “Chỉ nguyên mảng văn học truyền miệng (câu thai, đố, đối, tục ngữ, chuyện giải buồn, tiếu đàm…) riêng của miền Nam chúng ta có thể sưu tầm được cả trăm, ngàn câu, có cả giải thích, hẳn là một điều thật quí…”
***
NỘI DUNG NAM KỲ ĐỊA PHẬN SỐ 1 (1908)
Mục lục số 1
Bổn quán kính cáo
Nam Kỳ Địa Phận Nhựt rình chung
Cảm ơn Đức cha
Lời rao cần kíp
Lời ngạn ngữ vua Salomom
Thánh Thể kiệu
Nhơn lai Thiên Chúa mạc hình dong
Bổn phận kẻ làm cha mẹ
Cổ loại tương phùng
Con nít có trí
Ngải mơn
Phương linh dược
Bốn đấng chịu tử đạo
Thuốc trị bịnh tức lói
Cọp bắt người ta tại Cù Mi
***
Nam Kỳ Địa Phận số 1 (1908) công bố mục đích tờ báo, trình bày một khuôn mẫu hình thức (xem mẫu bìa và các đề mục trang), định hướng nội dung các chuyên mục và xác lập đối tượng cùng những tương tác với người đọc.
1.Về mục đích lập báo: Nam Kỳ Địa Phận vừa có mục đích tôn giáo, vừa có mục đích xã hội, nhưng tránh vấn đề chính trị (“không xúc phạm đến việc quốc chánh”):
Bài Bổn quán kính cáo nói rõ:
“Vì lòng ái mộ cho danh Cha cả sáng, cùng ước ao cho con nhà An Nam ta mọi nơi đâu đó đều đua nhau tấn tài tấn đức, cho thông phần đạo và ngoan việc đời…”
Bài cám ơn Đức Cha cũng nhắc lại mục đích này: “thơ chung của Đức Cha gởi mà thông tin Người có định lập một cái nhựt trình chữ Quốc ngữ, để cho các bổn đạo ở xứ nầy xem cho rõ việc đạo, lại dạy cho biết việc đời”.
2.Về tư tưởng,
Nam Kỳ Địa Phận hướng đến mục đích giáo dục quốc dân và canh tân đất nước:
“nhựt báo nầy có ý khai đàng văn minh cho nhơn dân đặng tấn phát, cho bề đạo việc đời đều thông thuộc”.
Nền tảng giáo dục dựa trên giáo lý Công giáo (truyện Ngải Mơn) và đạo đức Nho học.
Thí dụ: nhận xét về tình hình suy đồi phong hóa đương thời, Nam Kỳ Địa Phận viết:
“Việc quân thần, quốc chánh thì hay vậy; mà còn việc phụ tử, phu phụ, bằng hữu, là
cha con, vợ chồng, anh em bạn hữu, thì sự hiếu thảo, tín ngãi và nhơn nghĩa chẳng toàn, đã suy khuyết nhiều. Dầu cho nước mạnh nhà giàu đi nữa mà đạo cang thường chẳng giữ thì sự vinh hoa phú quý cho mấy cũng không bền.” (Bổn quán kỉnh cáo).
Nhận xét trên dựa vào nội hàm ý thức hệ Nho giáo khi nói về các quan hệ xã hội: “quân thần” (vua-tôi), “phụ tử” (cha-con), “phu phụ” (vợ-chồng), “hiếu thảo” (đạo Hiếu), “tín ngãi, nhơn nghĩa” (Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín), “đạo cang thường” (tam cương: ba giềng mối xã hội-Quân thần, Phụ tử, Phu phụ; “ngũ thường” là 5 phẩm chất đạo đức-Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín).
3. Nội dung
Nam Kỳ Địa Phận bao quát nhiều lĩnh vực: “báo sẽ biện luận về những đều sau nầy: Đạo lý, Phong hoá, Bá nghệ, Bát học và Văn tín”.
Nam Kỳ Địa phận là một tờ báo Công giáo nhưng hướng đến đối tượng độc giả rộng rãi, gồm cả Lương và Giáo.
“Nam Kỳ Địa Phận Nhựt trình chung/
Lương, Giáo hai bên mặc thích dùng”.
Chủ bút cũng kêu gọi bạn đọc góp bài. Đề tài được mở ra rất rộng:
“Vậy trong chư quới vị ai thấy đều chi hữu ích, miễn là không xúc phạm đến việc quốc chánh cùng danh vị người ta, thì xin viết mà gởi đến. Bổn quán Nhựt báo sẽ liệu mà ấn hành; chớ ngại ít nhiều hay là nói cao thấp” (Bổn quán kỉnh cáo).
4.Thể loại bài viết:
Qua các bài viết, Nam Kỳ Địa Phận số 1 đã định hình thể loại, có cả thơ và văn xuôi. Có bài nghị luận về một vấn đề (Bổn phận làm cha mẹ, Phương linh dược), có truyện “người thật việc thật” (Thánh Thể Kiệu, Cọp bắt người ta tại Cù Mi), có truyện cười (Con nít có trí, Ngải Mơn), Ngụ ngôn (Cổ loại tương phùng), có bản tin (Bốn Đấng chịu tử đạo) và có cả “quảng cáo” (Sửa đồng hồ, Thuốc trị Phong lác, Sách Đức Chúa Bà hiện ra tại Lourdes).
Các bài viết có văn phong vừa bác học, hiện đại (ngôn ngữ thời sự), vừa rất bình dân. Xen kẽ vào lý lẽ (dùng từ Hán-Việt) là trích dẫn danh ngôn đông tây, hoặc dẫn chứng các nhân vật nổi tiếng. Khẩu ngữ Nam bộ được dùng rộng rãi. Tính cách nhân vật và văn hóa Nam bộ được khắc họa rõ (xin đọc bài Ngải Mơn). Nhờ đó, tờ báo trở thành tiếng nói của nhiều thành phần xã hội.
5.Yếu tố “đạo và đời” trong Nam Kỳ Địa Phận số 1 được trình bày thế nào?
Xin điểm qua các bài trong Nam Kỳ Địa Phận số 1: có 7 bài nói về đạo trong tổng số 13 bài, như vậy số bài nói về đạo chiếm hơn 50% nội dung tờ báo, không phải “chỉ có 1/3 nói về đạo” như GS Nguyễn Văn Trung cho biết ở trên. Cụ thể là:
1.Bài Cám Ơn Đức Cha: “mở trí khôn các giáo hữu lớn nhỏ hầu giữ đạo cho tấn tới một ngày một hơn và cũng có chỉ phương thế về sự làm ăn ở đời, cho các giáo hữu vịn theo mà giúp đỡ nhau,..”
2.Bài Lời ngạn ngữ của vua Salomon: giảng trực tiếp Kinh thánh. Bài viết giới thiệu sự khôn ngoan của vua Salomon rồi trích và giải thích câu của Salomon: “Kính sợ Chúa, ấy thật là đầu cội rễ sự khôn ngoan; kẻ mê muội thì khinh dễ sự khôn ngoan và lời răn dạy” (C.1, v. 7.)
3.Bài Thánh Thể Kiệu kể một gương đạo đức tôn giáo: Đức Vua Manuel nước Búttughê, dù là vua, nhưng đã cùng với vác thầy phó tế khiêng Kiệu Thánh thể trong ngày lễ Mình Thánh Chúa.
4.Bài Nhơn lai Thiên Chúa mạc hình dong, (thơ chữ Hán)
5.Bài Bổn phận làm cha mẹ dẫn truyện thánh để đặt vấn đề: ông thánh Gioang Baotixita, Ông thánh Grêgoriô, Ông thánh Ambrôxiô
6.Bài Cổ loại tương phùng (Đui què gặp nhau): truyện ngụ ngôn bằng thơ song thất lục bát về sự tương trợ nhau để sinh tồn.
7.Bài Con nít có trí: truyện cười nói về sự thông minh của con nít
8.Bài Ngải Mơn: truyện ngắn, phê phái thói mê tín của Ba Miểng, một người đạo dòng. Nhân vật một người chầu nhưng, trực tiếp giảng đạo:
“có một người chầu nhưng, người nầy thấy ba Miểng khua môi không nhằm, sanh gương xấu cho kẻ ngoại, thì đỏ mặt mà nói rằng: chú Ba nè, chú là người đạo dòng mà chú ăn nói như vậy, thiệt tôi hổ thẹn quá. Chú không nhớ trong Kinh Tin Kính, câu thứ nhứt dạy ta tin có một Đức Chúa Trời phép tắc vô cùng mà thôi sao? Vậy dầu thiên thần thì cũng còn kém xa Chúa ngàn trùng, phương chi ma quỷ là loạn thần Chúa phạt, mà chú dám nói nó thua Chúa có một phép sống mà thôi. Nói như vậy có phải là lộng ngôn phạm thượng và bất thông đạo lý không? Dẫu một hai khi ma quỷ có làm hại cho ngưởi nọ kẻ kia đi nữa, chẳng qua là tại Chúa cho phép nó làm, hầu thử kẻ lành như ông Gióp, hay là phạt kẻ dữ như vua Saolê. Nếu Chúa cấm thì ma quỷ chẳng có phép mà làm rụng một sợi tóc trên đầu ta, có đâu mà làm chết, làm sống? Âu là chú cậy mình đạo dòng, tưởng mình thông hiểu các lẽ cao sâu trong đạo, nên chẳng sá chi đến việc nghe giảng sách phần mới buông lời thế ấy.”
9.Bài Phương linh dược: văn nghị luận bàn về chữa bịnh nghèo.
10.Bài Bốn Đấng sẽ lên bậc Á thánh: bản tin tôn giáo về phong thánh.
11.Bài Thuốc trị tức lói: giới thiệu bài thuốc chữa bịnh.
12.Bài Cọp bắt người tại Cù Mi: Bổn báo chỉ cách bắt cọp cho ngững người thợ rừng ở Cù Mi (Bà Rịa)
13.Có ba mục quảng cáo: sách Truyện Đức Chúa Bà hiện ra tại Lourdes, Tiệm sửa đồng hố và các thứ đồ máy, Thuốc trị phong lác.
Như vậy số bài nói về Đạo chiếm một phần lớn nội dung, tất cả đều tập trung vào chủ đề, nhưng đa dạng về kiểu loại bài. Sức hấp dẫn của những bài này là những câu chuyện “người thật việc thật” trong đời sống, những gương sáng trong Kinh thánh và giúp giải quyết những vấn đề cụ thể của việc sống đạo. Những chuyện đời đều có mục đích giáo dục “khai đàng văn minh cho nhơn dân”.
6. Góp phần phổ biến và phát triển chữ Quốc ngữ (ý kiến của Nguyễn Văn Lục và Đỗ Quang Hưng).
Đúng như GS Nguyễn Văn Trung nhận định: “lối viết Quốc ngữ trừ một vài từ ngữ kiểu nói thông dụng vào thời đó, ở miền Nam rất gọn, sáng sủa, dễ hiểu và nhất là rất khó tìm thấy một lỗi viết chính tả, không khác gì lối viết văn xuôi bây giờ”.
GS Nguyễn Văn Trung cho biết thêm: “Tập thể những người làm tờ báo Nam Kỳ địa phận những năm đầu thế kỷ vừa qua là những người thông thạo văn hóa phương Tây mà vẫn thấm nhuần Nho học, vừa là những người biết cách làm báo như nhà nghề, mà cũng biết viết văn Quốc ngữ gọn, rõ, không sai chính tả. Bây giờ, tìm được những linh mục, trí thức gốc miền Nam còn am hiểu Nho học, biết viết văn Quốc ngữ như những linh mục Hồ Tấn Đức, Nguyễn Thanh Chiêu hồi đầu thế kỷ không phải là điều dễ”;
Đây là cách làm việc: “Sửa bài vở là công của Lm Hồ Tấn Đức “tánh người rất kỹ càng, nên bài vở của ngài tự sửa lấy, từ dấu hỏi dấu ngã chí chấm phết đều giữ hoàn toàn không sai một nét”, còn các bài vở khác thì đều gửi bản vở thứ hai cho ngài coi lại, sửa chữa; ngài sửa chữa cho các sách của nhà in Tân Định nên “nhờ ngài mà sách vở báo chí của nhà in Tân Định mới có vẻ đúng đắn hơn các nhà in khác trong Nam kỳ“(Lục Châu Học, chương V, đd)
Xin đọc một đoạn văn trong bài Thánh Thể Kiệu. Văn rất trong sáng, trừ một vài từ của khẩu ngữ (“thì”, “dong nhan”, “mà đặng”):
“Hôm ngày lễ Mình Thánh Chúa, nhằm ngày 20 tháng Năm ta, năm nay đây, đã kiệu Mình Thánh Chúa. Các đấng Giám mục, Linh mục, Giáo hữu nam phụ lão ấu, ca nhạc, đèn đuốc nghinh Mình Thánh Chúa ra mà kiệu.
Đức Vua Manuel xin xen hàng cùng các thầy phó tế lãnh khiêng bàn kiệu. Triều thần e nhẹ thể oai nhan, thì tâu Đức Vua rằng: “Đức Vua hạ giá chầu Thiên Chúa thì là trọng; mà Đức Vua trao tay vàng cầm bàn kiệu, thì e nhẹ dong nhan thánh đế chăng.” Đức Vua bèn đáp rằng: “Vua cả cai trị trời đất ngự bàn kiệu, còn vua thế gian mà đặng khiêng bàn kiệu thì sao lại mất dong nhan oai thể, chẳng là nghịch lẽ lắm đó?”
Đức Vua thân chinh vào nắm lấy tay bàn kiệu cùng quì hai gối xuống đất mà kính lạy Mình Thánh Chúa. Ai nấy thấy đều hãi hùng, mà ngợi khen Đức Vua chẳng dừng”.
***
ĐỌC NAM KỲ ĐỊA PHẬN số 1
Xin đọc những bài chính:
(Lưu ý: để giữ đúng văn phong ngôn ngữ đầu thế kỷ XX, các bài báo được đánh máy lại nguyên văn chính tả của bản in 26.11.1908. Có một số từ có cách viết khác ngày nay. Thí dụ: vui mầng (vui mừng), quới vị (quí vị), đặng (được), những đều (những điều); dong nhan (dung nhan); nhơn hiền (người hiền)…Phần in đậm là để lưu ý bạn đọc).
***
BỔN QUÁN KỈNH CÁO
(NKĐP, số 01, tr.1-4)
“Vì lòng ái mộ cho danh Cha cả sáng, cùng ước ao cho con nhà An Nam ta mọi nơi đâu đó đều đua nhau tấn tài tấn đức, cho thông phần đạo và ngoan việc đời thì Đức Giám mục đã dạy kiến tạo nhựt báo nầy để mà thúc giục mọi người lo tấn phát.
Trong Nhựt báo sẽ biện luận về những đều sau nầy: Đạo lý, Phong hoá, Bá nghệ, Bát học và Văn tín.
I. Sẽ dùng lý lẽ, tích truyện, hoặc lấy lời thánh hiền, mà phân biệt chánh tà cùng dẫn đàng chơn thật.
II. Kể những gương lành, truyện thánh, tích những đấng thông minh cùng người danh sĩ; để cho con trẻ đặng học đòi noi theo, cho đặng răn mình sửa nết, trước là cho nên người đức hạnh phần đạo, sau là nên kẻ thông minh lịch lãm phần đời. Xét việc xem sóc dạy dỗ con trẻ trong nước ta hãy còn im lưu trì hưỡn, chưa có tấn cho kịp thì. Phép mình ít biết, phép người cũng không thuộc, việc đạo ít thông, việc đời lại càng thua sút. Nhơn cớ là bởi chẳng chuyên cần lo lắng việc dạy dỗ con trẻ cho kỹ càng. —Việc văn chương chữ nghĩa cũng còn chậm trễ. Chẳng phải thiếu người thông thuộc, song thiếu kẻ nông lòng dốc sức cho có trường hay, thầy giỏi. Trúng là việc rất cần, vì học mà nên, hay là không học mà nên? Muốn học cho nên phải có thầy thông minh đức hạnh; học nên mới biết đàng chánh nẻo tà, đâu là trung, đâu là hiếu. Có học mới biết pháp thủ lễ nghi, mới rỡ Hanh cha mẹ, đẹp mặt họ hàng. Lại hễ là Bất học thì vô thuật, và không học thì không biết biến hóa, thì sao cho tiện bề sinh phương lập nghiệp? Nên ước lo cho việc giáo huấn mỗi nơi mỗi họ đều tấn tới.
Còn xét về chánh việc Phong hóa thì đã ra cuộc biến dời nhiều. Mấy kẻ đã quên thói lành gương tốt tổ tông di truyền, mà lại thêm sinh biến nhiều thế! Việc quân thần, quốc chánh thì hay vậy; mà còn việc phụ tử, phu phụ, bằng hữu, là cha con, vợ chồng, anh em bạn hữu, thì sự hiếu thảo, tín ngãi và nhơn nghĩa chẳng toàn, đã suy khuyết nhiều. Dầu cho nước mạnh nhà giàu đi nữa mà đạo cang thường chẳng giữ thì sự vinh hoa phú quý cho mấy cũng không bền. Bởi đó người ta thường hay nói: Không ai giàu ba họ, vinh ba đời; là tại vì không lo sửa cái đức tánh mình. Vậy xin những đấng thông minh trí thức phân tỏ cho ai nấy đặng cải ác tùng thiện, gương lành thì theo, thói hư thì lánh. Cho kẻ trên người dưới, kẻ khó người giàu đều biết tương kính tương ái, kính nhau, thương nhau, giúp nhau như người đồng quốc đồng gia, một nhà một nước vậy. Ấy là sự lo tích lấy cái tâm đức mà lưu lại cho con cháu đặng nhờ; rồi sau mới lo tới thâu tích tiền tài, thì chẳng hại chi vì có chữ đức buộc chữ tài cho vững.
III. Về nghề nghiệp làm ăn thì ta sánh cùng người nước khác không đặng. Kể ra thì là: Sĩ, Nông, Công, Thương, Tiều, Ngư, Canh, Mục, là nghề văn chương, nghề làm ruộng, làm thợ, buôn bán, đốn củi, nghề bắt cá làm vườn và nuôi trâu bò chiên dê. Mà chưa thấy nghề nào cho thiệt phát. Dẫu cho có nhiều người thạo, kẻ nghề nọ, người nghiệp kia mà cũng chưa đủ sánh. Ta có biết cái chi thì một mình hay, một mình biết, một mình làm, không ai coi trước giúp sau; còn người nước khác, hễ là tìm đặng cách gì, kiếm đặng phương chi, thì xúm nhau hùn với nhau, chỉ vẽ cho nhau làm. Dẫu nhiều khi ban đầu không đặng khá, cũng có nhiều khi bị thiệt hại, song cũng không sờn lòng, lại bởi có người hiệp sức giúp trí, thì sau hết việc cũng thành và đặng lợi cả. —Người nước ta, hễ thấy ai mới nổi nghề gì, tính làm cái chi, thì chẳng những là không ai tiếp giúp, mà lại đứng đó mà nhìn, cầu cho việc bất thành, mà nhạo chơi. Cứ việc ai nấy lo, bè ai nấy chống, cho nên phải xiêu lưu tứ tán, cùng phải gian nan đồ khổ, xác thiếu thốn, hồn ra trễ nãi. Thôi tự tư dĩ hậu, thì ta hãy đồng tâm hiệp lực mà giúp nhau, cho mọi nơi mọi xứ đều an cư lạc nghiệp.
- Lo cho mỗi nơi có những nhà làm nghề, cho con nít kẻ lớn có thể làm ăn. Nam nữ
mới lớn lên, mà không phương làm ăn thì phải hiểm nghèo nhiều thê. Ở nhưng làm sao cho
khỏi sự dữ? mà đi làm mướn nơi không đạo đức, kết bạn cùng kẻ vô nhơn, thì cũng như gieo
mình xuống hố.
- Trong các nghề làm ăn, ai thông nghề nào thì thủ nghệ ấy; Nhứt nghệ tinh nhất
thân vinh, là một nghề cho ròng cũng độ thân đặng; song hãy lo mở mang cho rộng hơn. Muốn mở rộng, một mình không sức, nên phải hiệp nhau; bảo nhau thì có tôn ti thượng hạ, có kẻ biết chỉ vẽ. Có đua tranh, tìm kiếm, thì lần lần nghề mới ra tinh ròng.
Luận về cuộc thương mãi, thì xem ra lớn hơn các nghề; vì cuộc buôn bán có thạnh vượng, thì các nghề mới phát; ai làm nghề chi cũng có một ý, là cho đặng bán cái vật mình làm ra, mà như không có nhà buôn bán trữ hàng hóa thì bán cho ai? Mấy người nước khác đặng giàu có phú quý là tại đâu? Cũng là lại nhờ một sự hùn hiệp với nhau mà làm nghề nọ nghề kia, nhứt là buôn bán. Nên ta cũng phải cứ đó mà noi theo.
IV. Sẽ nói về những sự thường mở trí cho con nít. Nhiều vật, nhiều món ta dùng, thấy đó mà không biết bởi đâu mà tới, làm làm sao. Những cuộc cơ xảo máy móc cũng nên biết. Lại có nhiều sự thường trong trời đất xảy ra, thấy mà chẳng hiểu, thì nhiều khi cũng sinh bán tín bán nghi; mà như biết thì cũng có ích nhiều bề.
V. Nói về những tin tức trong Hội thánh, trong các họ, đâu có việc chi nên hay, nên biết, thì thông báo cho nhau, cùng là quốc gia, luật pháp v.v
Sau hết, trong phần Tạp vụ sẽ để những truyện vui giải buồn; những bài thuốc linh đơn thần hiệu cùng là câu thai câu góp v.v.
***
Vậy trong chư quới vị ai thấy đều chi hữu ích, miễn là không xúc phạm đến việc quốc chánh cùng danh vị người ta, thì xin viết mà gởi đến. Bổn quán Nhựt báo sẽ liệu mà ấn hành; chớ ngại ít nhiều hay là nói cao thấp. Vì có thương nhau muốn làm ích cho nhau, thì cứ lời chơn chất minh bạch mà dắc díu nhau. Chớ lo kẻ năng thuyết bất năng hành, là hay nói hay chê mà không hay làm; hay là như có làm, thì lại sinh sự xích mích, vì là trước danh lộ tính, là cho đặng khoe cái tài của mình, chớ không tìm ích chung. Hễ vạn sự dĩ hòa vi quới là trong việc nào cũng phải lấy chữ hòa hảo là quý mà thôi.
Vậy xin ai nấy lo mua nhựt báo nầy mà xem, trước là đặng nhiều phần ích và hồn và xác, sau là lấy đó giáo huấn cháu con, cho trai đặng gặp đường thông minh, gái đặng thấy gương đức hạnh, mà học đòi noi theo.—Bán giá rẻ, vì Đức cha muốn cho ai nấy có thể mà mua đặng, lại vì hết lòng muốn làm ích cho mọi người, chớ không có ý tìm lợi như lời lân ái chí thiết Đức cha nói trong thơ chung gởi cho bổn đạo ngày mồng 10 tháng 8 tây trước đây rằng: “Ta cất tiếng khuyên mời anh em, xin anh em vui lòng vội vã nhậm lấy phương ta dùng mà làm ích cho anh em. Nhựt trình ấy lập ra chẳng phải cho đặng té lợi cho Nhà chung, một có ý gieo tin lành trong vườn Hội thánh, có ý cho gia đạo mọi người mọi nơi đều đặng nhờ ích lợi cho phần hồn phần xác mọi bề…” Thường người ta nói cầu danh bất cầu lợi, mà đây danh không cầu, lợi cũng không kiếm, một tìm ích chung cho mọi người và cho Danh Cha cả sáng mà thôi.
***
Sau kỉnh lời cùng chư quới vị, các hàng viên quan chức sắc, hương chức cựu tân, cùng quý nhơn quý hữu đặng tường. Nay mong ơn Đức Giám mục quờn cao chức trọng, đã dạy lập cuộc nhựt báo nầy có ý khai đàng văn minh cho nhơn dân đặng tấn phát, cho bề đạo việc đời đều thông thuộc. Ấy là ơn rất trọng ta phải cám mến không cùng. Người mà thương lo cho ta, huống chi ta là người đồng một quốc âm với nhau, há dễ ta lại làm ngơ! Gẫm trong chư quới vị, chẳng thiếu chi nhơn hiền kiến thức, trí tri lực lãm, văn nghệ lầu thông; nếu khấ..tay vùa giúp, ắt là sanh dân bớt cơ nghèo bần khổ. …người đồng thinh đồng khí, thì hãy đồng chí đồng tâm, mà vẽ thúc giục cho muôn dân đặng nhờ phước.
BỔN QUÁN CẨN KÝ
(số 1-trang 2, 3, 4)
***
BÀI CÁM ƠN ĐỨC CHA
(NKĐP, số 01, tr.5)
Chúng tôi đã đặng thơ chung của Đức Cha gởi mà thông tin Người có định lập một cái nhựt trình chữ quốc ngữ, để cho các bổn đạo ở xứ nầy xem cho rõ việc đạo, lại dạy cho biết việc đời, nên chúng tôi tạm đôi hàng mà tạ ơn Người, vì đã có công tìm phương cách nọ kia mà giúp đỡ chúng tôi cho bản việc bổn phận chúng tôi phải làm. _Chúng tôi tưởng rằng: sự lập nhựt trình nầy thì làm ích nhiều lắm cho hết mọi người lớn nhỏ trong anh em chúng tôi, hoặc có sự gì trắc trở trong cửa nhà kém giờ mà dạy dỗ con cái mình cho đủ đều về lẽ đạo, thì nhựt trình nầy sẽ giúp phò kẻ ấy, kẻo có nhiều nhà có đạo bởi bối rối việc đời, mà bỏ qua hay là không dạy dỗ con cái mình cho đúng phép chăng. Theo như thơ chung Đức Cha đã nói, thì nhựt trình lập ra trước là giúp đàng mở trí khôn các giáo hữu lớn nhỏ hầu giữ đạo cho tấn tới một ngày một hơn và cũng có chỉ phương thế về sự làm ăn ở đời, cho các giáo hữu vịn theo mà giúp đỡ nhau, chớ chẳng phải là làm nhựt trình nầy mà tìm ích hay là danh vọng chi. Nên xin anh em trong giáo hữu đâu đó có xem nhựt trình nầy, chớ ai khá đem lòng nhạo báng cùng soi bói làm chi, nói tắt một lời, là Đức Cha có ý lập nhựt rình nầy để chỉ dẫn cho ta biết đàng chánh nẻo tà, và dạy sự thương yêu giúp đỡ nhau mà thôi. Vậy anh em giáo hữu chúng tôi hết lòng cung kính cảm tạ và xin Đức Cha ban phép lành cho chúng tôi.
Giáo Hữu Đồng Ái Kính Và Cảm Tạ.
H.K.K
LỜI NGẠN NGỮ CỦA VUA SALOMON
(NKĐP, số 1. trang 6)
Vua Salomom là một vị đại vương, thượng trí thông minh, bởi ơn Đức Chúa Thánh Thần soi sáng, thì đã chép sách chỉ dẫn đàng nẻo khôn ngoan mà dạy răn con cái. Ta sẽ rút một k…một đều cho quý vị xem. Những lời ấy Hội thánh kể như Lời Đức Chúa Thánh Thần phán, vì chính mình Người là sự khôn ngoan thật, đã soi sáng cho vua ấy chép vào trong sách Thánh kinh. Vậy Người chép rằng: “Kính sợ Chúa, ấy thật là đầu cội rễ sự khôn ngoan; kẻ mê muội thì khinh dễ sự khôn ngoan và lời răn dạy” (C.1, v. 7.)
Vậy ta xét coi sự khôn ngoan thật ở tại đâu? Sự khôn ngoan thật và sự thông thái khác nhau. Thông thái là biết nhiều điều, khôn ngoan là biết làm lành lánh dữ, biết kính sợ chỗ phải kính sợ. Dầu cho biết nhiều sự mà cậy mình, chẳng nhìn được Chúa, chẳng kính sợ cùng vưng lời Người dạy dỗ mà làm lành lánh dữ thì liền ra tối tăm mê muội chẳng còn đáng bậc thông minh nữa.
***
THÁNH THỂ KIỆU
(NKĐP, số 01, tr.7)
Nước Búttughê là một nước ở phương tây, giáp cõi nước Hiphanho; tuy nước ấy đất đai hẹp hòi, nhơn số cũng là thua sút, song bát vật cơ xảo thì chẳng kém, tày bì với các nước văn minh. Thường bả nhứt tâm hành chánh đạo; từ vua chí dân một lòng tận tình trực chỉ khâm sùng Thiên Chúa.
Hằng năm vua quan dân sự chẳng khi nào sai ngoa những ngày Duminh, Lễ cả, lại ép buộc những người ngoại quốc vào trong nước phải tùy tục. Các ngày Lễ cả tương bày rực rỡ, trau giồi dọn dẹp đền thờ đền thánh, tỏ lòng sốt sắng xứng con trời tôi vua. Mà trong các lễ thì lễ Mình Thánh Chúa lại dọn lớn hơn bội phần, chẳng những đền thờ chưng bông hoa, cờ xí, đèn đuốt, song lại ngoài các ngỏ lộ dựng treo những đại kỳ, hoa dây vắt chạy lợp phủ, gấm địa trải treo rất xinh đẹp. Vì ngày lễ nầy thì kiệu Mình Thánh Chúa đi các ngả trong thành kinh đô.
Hôm ngày lễ Mình Thánh Chúa, nhằm ngày 20 tháng năm ta, năm nay đây, đã kiệu Mình Thánh Chúa. Các đấng Giám mục, Linh mục, Giáo hữu nam phụ lão ấu, ca nhạc, đèn đuốc nghinh Mình Thánh Chúa ra mà kiệu.
Đức Vua Manuel xin xen hàng cùng các thầy phó tế lãnh khiêng bàn kiệu. Triều thần e nhẹ thể oai nhan, thì tâu Đức Vua rằng: “Đức Vua hạ giá chầu Thiên Chúa thì là trọng; mà Đức Vua trao tay vàng cầm bàn kiệu, thì e nhẹ dong nhan thánh đế chăng.” Đức Vua bèn đáp rằng: “Vua cả cai trị trời đất ngự bàn kiệu, còn vua thế gian mà đặng khiêng bàn kiệu thì sao lại mất dong nhan oai thể, chẳng là nghịch lẽ lắm đó?”
Đức Vua thân chinh vào nắm lấy tay bàn kiệu cùng quì hai gối xuống đất mà kính lạy Mình Thánh Chúa. Ai nấy thấy đều hãi hùng, mà ngợi khen đức vua chẳng dừng.
Khi đã huờn tất lễ đoạn, Đức Vua ngự giá hồi cung, thì nhơn dân đón hai bên đàng cả tiếng tung hô và chúc mừng rằng: “Vạn tuế, vạn tuế Đức Vua Manuel xứng đấng làm con nhà có đạo! Vạn tuế! vạn tuế Đức Vua là tôi trong thần Thiên Chúa!”
Thật vua nầy tuy phần đời tuổi còn thấp trẻ mà lòng đạo đã quá người trưởng lão. Chẳng những một dân Búttughê chúc tụng bia danh Đức Vua Manuel nầy, song bá tánh cũng đều đáng tạc để: Mãn chiền tồn khiêm thọ ích (Kiêu ngạo thì bị thiệt hại, còn khiêm nhường thì đặng ích).
P. Toại Công Tri sĩ
***
Nhơn lai Thiên Chúa mạc hình dong,
Sinh, dục, tái bồi, phỗ thế công;
Vâng lãnh thập điều minh tánh giáo,
Tuần hườn thất tích cáo tân còng,
Chiêu chiêu thánh đạo thiên trung nhựt,
Mục mục thần ân thảo thượng phong.
Tợ thử tiên thi, hà dĩ báo?
Nguyện nhơn chiếu sự phỗ thiên đồng.
CẦU KHO
***
BỔN PHẬN KẺ LÀM CHA MẸ
(NKĐP, số 01, tr.8-9)
Cha mẹ muốn dạy dỗ con cái cho nên tốt lành đức hạnh, thì việc trước hết cha mẹ phải lo, là cho mình đặng nên gương sáng cho con cái noi theo. Như trong Thánh kinh nói về ông Zacharia là cha và bà Isave là mẹ ông thánh Gioang Baotixita rằng: “Hai ông bà trước mặt Chúa thật là người nhơn đức, và hằng nắm giữ điều răn Chúa luôn.” Vậy kẻ làm cha mẹ mà có nhơn đức, thật là đều rất quý báu cho mình và cho con cái chẳng sai. Vì nhơn đức hay là tính nết xấu cha mẹ cũng lưu truyền cho con cái từ thuở đầu thai, chẳng khác chi như khí huyết tốt, thì sinh con cái ra nó đặng mạnh mẽ; mà khí huyết xấu, thì sinh con cái ra nó yếu đuối bịnh hoạn.
Vậy trong gia đạo, thì cha mẹ nhơn đức phải cho rạng ngời, nết na phong hóa phải cho toàn hảo, sảng chiếu ra như mặt trời mặt trăng; thì ắt là con cái sẽ trở nên xinh tốt đẹp đẽ như mấy vì tinh tú khác. Ông thánh Grêgoriô nói rằng: “Kẻ gánh việc dạy dỗ kẻ khác thì phải tinh sạch các tính mê thói xấu mới đặng. Vì con mắt lờ không lẽ thấy đặng vật nhỏ tăm tăm; hay là lay đầy bùn lấm thì không phủi chùi vật gì cho sạch đặng”. Ông thánh Ambrôxiô tấn sĩ rằng: “Ớ kẻ làm cha mẹ, nếu phò người chẳng giữ lòng sạch sẽ, là sạch sự bợn nhơ tội lỗi, thì chớ trông sẽ dạy dỗ con cái mình nên. Trước phải sửa lòng dạ mình cho sạch tội lỗi đã, sau mới sửa lòng dạ con cái mình cho sạch đặng.”
CẦU KHO
CỔ LỌAI TƯƠNG PHÙNG
(Đui què gặp nhau)
(NKĐP, số 01, tr.9)
[Đây là một truyện thơ dài, xin tóm tắt như sau]Anh Què gặp anh Đui, cả hai cùng than khổ. Đui đề nghị cả hai nhập một giúp đỡ nhau: Anh Đui cõng anh Què (“Tôi cõng anh đường xa cũng nổi/ Anh ngồi trên chỉ lối cho rành…”. Hôm ấy hai anh hợp lực giúp nhau, nên họ dư ăn dư mặc (“Vậy bữa ấy hai anh hiệp lực/ Nên trong đời túc thực dư y”)
Tác giả kết luận:
Nầy gương cho kẻ đời ni,
Sang giàu, hèn khó, nghĩ suy học đòi.
Phải tương trợ những hồi gay trở,
Phải giúp đỡ trong thuở ngược xuôi.
Nước còn quên cát làm doi
Huống chi ta chẳng tái bồi lấy nhau
LÂM TRUNG, Dật sĩ
CON NÍT CÓ TRÍ
(NKĐP, số 01, tr.7)
Ông già kia tuổi tác xem ra đáng kính, đi dạo đến nhà nọ, ngồi nói chuyện chơi, có năm ba người. Trong nhà có một đứa con nít độ chừng năm sáu tuổi, cái tiếng, cái cung dọng nó nói ai cũng khen là có trí. Ông già thấy vậy thì nói rằng: – Con nít mà có trí làm vậy, thì thường thường hễ đến khi lớn thì nó ra u mê đi”.- Thằng nhỏ nghe vậy thì đáp lại rằng: Thưa với ông, vậy thì hồi nhỏ ông có trí lắm, phải không ông?
***
NGẢI MƠN
(NKĐP, số 1, tr.10-13)
Tại Tân Lập có một tên kia thiên hạ thường kêu là ba Miểng, tưởng là tại anh ta sứt môi chớ không phải là tên tộc và Ba Miểng nầy là người đạo dòng mà cũng hay tin những chuyện dị đoan huyễn hoặc, cũng nói những đều cớ trêu không nhằm đạo lý. Bữa nọ anh ta đi chơi trong xóm ngoại, vô nhà kia gặp ba bốn người ngồi đàm tiếu với nhau về việc ngải nghê Mên man. Có kẻ khen Mên giỏi, ngải cao, nào ngải nhắn, ngải đo dấu chơn, nào phép thư da trâu lưỡi búa vô bụng cùng những phép chuyện chữa mở ngải rất hay. Người khác thêm rằng: họ nói ở Sốc Rồ có một thầy Mên nuôi thứ ngải mơn hay quá, hễ người nào cầm nó, thì bất luận là xin hỏi ai điều chi được hết, dầu vàng ô bạc khạp, họ cũng tuôn ra cho. Ba Miểng ngồi nghe vẫu tai, rồi đáp rằng: Mên thiệt ngải cao! Nó nhờ ông … phù hộ nên làm được những chuyện lạ lùng quá tri. Ma quỷ cũng có phép tắc lắm nó thua Đức Chúa Trời có một phép mà thôi, là làm chết được, song làm sống không được.
Trong những kẻ ngồi đó có một người chầu nhưng, người nầy thấy ba Miểng khua môi không nhằm, sanh gương xấu cho kẻ ngoại, thì đỏ mặt mà nói rằng: chú Ba nè, chú là người đạo dòng mà chú ăn nói như vậy, thiệt tôi hổ thẹn quá. Chú không nhớ trong Kinh Tin Kính, câu thứ nhứt dạy ta tin có một Đức Chúa Trời phép tắc vô cùng mà thôi sao? Vậy dầu thiên thần thì cũng còn kém xa Chúa ngàn trùng, phương chi ma quỷ là loạn thần Chúa phạt, mà chú dám nói nó thua Chúa có một phép sống mà thôi. Nói như vậy có phải là lộng ngôn phạm thượng và bất thông đạo lý không? Dẫu một hai khi ma quỷ có làm hại cho ngưởi nọ kẻ kia đi nữa, chẳng qua là tại Chúa cho phép nó làm, hầu thử kẻ lành như ông Gióp, hay là phạt kẻ dữ như vua Saolê. Nếu Chúa cấm thì ma quỷ chẳng có phép mà làm rụng một sợi tóc trên đầu ta, có đâu mà làm chết, làm sống? Âu là chú cậy mình đạo dòng, tưởng mình thông hiểu các lẽ cao sâu trong đạo, nên chẳng sá chi đến việc nghe giảng sách phần mới buông lời thế ấy.
Còn việc ngải nghệ có đều chi hay, mà chú bội khen rằng quá trí? Ngải nó là một thứ thuốc độc kia cũng như những vị thuốc độc trong tiệm thuốc chệc, mỗi vị độc thì có vị khác trừ giải. Cho nên chuyện bỏ ngải, mở ngải, thì cũng như bỏ thuốc độc, giải thuốc độc vậy, chớ có lạ gì? Còn những việc dị đoan cầu ma, tróc quỉ thầy ngải làm, chẳng qua là ma quỷ dựa hơi phỉnh phờ những kẻ non lòng yếu sức, cho nó tin sợ, mà lỗi lịnh Chúa cho ra đều tội lỗi, chớ có linh thính vào đâu được?
Ba Miểng thấy một người chầu nhưng bạn hôm sớm mai mà ăn nói sách hoạch, lại trách mình là đạo kim cổ, thì cứng họng, thẹn thuồng xẻn lẻn lui ra.
Song bởi anh ta nghe chuyện ngải mơn thì đem bụng tin, nên trở về nhà ăn cắp của vợ mười đồng bạc nhảy xuống xuồng bơi tuốt qua Sốc Rồ tìm thầy ngải.
Thời may tới đó gặp một người Cao Mên, hỏi thăm, nó dắc tới nhà thầy ngải kia tên là Lão Xược.
Ba Miểng vào lạy, xin chuộc ngải mơn. Thầy Cao Mên chịu cho mà đòi ăn mười đồng bạc. Ba Miểng lật xơ mốc ra, lấy bạc trao. Lão Xược vô buồng lấy cục ngải đem ra, coi giống như miếng da trâu khô biểu ba Miểng sè bàn tay mặt ra và lấy ngải va chà cùng bàn tay, rồi dặn rằng: Xong rồi đá. Vậy hễ khi chú muốn xin hỏi ai điều gì, thì trước hết chú phải lấy tay nầy, mà vuốt ngang qua miệng một cái, ngải trong tay sang qua miệng tiên đoán cho chú, chắc chú sẽ đắc lời. Ba Miểng lòng mầng phơi phới, lạy tạ rồi ra, nhẩy xuống xuồng, bơi tuốt một buổi, quên ăn quên uống. Đến nhà ông hộ K…cặm xuồng dưới bến, nhảy lên bờ, đi thẳng vô cửa ngỏ ngói. Chó nó thấy đi tướng đầu quân môi trớt, quàn tà lỏn, áo mỏng trôn, bộ giò mốc cời, nó sủa thôi đà tét mép. Anh ta cứ lủi vô nhà trong, lấy tay vuốt mỏ một cái, rồi nhảy thót lên bộ ngựa giữa ngồi chéo mẩy huế chinh chòng. Lại hỏi lớn tiếng rằng: có anh hộ ở nhà không? Biểu ảnh ra tao nói chuyện một chút.
Ông hộ đang nghỉ nhà sau, nghe đầy tớ nói có một thằng điên ở đâu vô ngồi nhà trên, thì ổng biểu đuổi nói đi. Ba Miểng không chịu đi, lại rằng: Mầy xuống nói với anh hộ, biểu ảnh cho tao mượn đỡ vài ngàn đồng xài chơi: dạo này tao túng.
Ông hộ nghe vậy, thì nói với đầy tớ rằng: Biểu chú đó ra nhà sau, tao cho mượn. -Ba Miểng mầng khấp khởi, liền bước xuống, đi xênh xang, năm bảy bước gặp ông hộ. Ổng la lớn rằng: Thằng ba, thằng tư ở đâu? Biểu trẻ bắt thằng này vật xuống quết năm chục, rồi đuổi đi cho rảnh. Đồ điên ở đâu mà tới đây vậy! Đầy tớ làm y như lời ông hộ dạy. Ba Miểng ta sưng mông, than khóc inh ỏi rằng: Trời đất ôi! Ông tà á rặc hại tôi! – Những người trong nhà nghe, không hiểu chuyện gì, tưởng là thằng điên nói xàm, cười lộn ruột một hồi, rồi đuổi đi.
Tôi nghiệp anh ta xuống xuồng, rồi nghĩ tủi, rồi giận lão thầy ngải láo xược, tính trở lên Sốc Rồ đòi bạc lại, liền nhổ giầm bơi trở lại. Đến Sốc Rồ, lên nhà Lão Xược la om sòm rằng: thầy nói ngải thầy cao lắm, nói đâu nghe đó, thầy coi cái mông tôi đây! Thầy báo, thầy hại cho họ đánh tôi vêu mông. Thầy phải trả bạc lại cho tôi. -Lão Xược rằng: Khéo nói lạ thế, đành mua, đành bán rồi thì thôi, có đâu mà đòi đi trả lại? Mà để tôi hỏi chú đều này: chú có làm y như lời tôi dặn không? -Ba Miểng rằng: sao mà không y? -Lão Xược nhìn sững Ba Miểng một hồi, rồi thêm rằng: Đây nè, cớ sự nầy là tại chú. Để tôi giải cho chú nghe, chú đừng phiền tôi. Chú thì sứt môi, chắc hồi chú vuốt miệng, chú không rà tay vô cái kẽ sứt đó, nên cái hơi vơ doan bạc phận trong ruột chú nó xì ra tại cái lỗ ấy, nó làm cho chú bị đòn như vậy, chớ có phải tại ngải thấp ở đâu? Mà thôi, nếu chú còn bụng tin tưởng tôi, thì chú cứ trở về kiếm thêm vài chục nữa, đem lên đây tôi cũng ráng chịu khó làm ơn trợ chú một phen nữa.
-Thôi, thôi, lạy ông, lạy cha tôi kiểu thầy.
Thấy ba Miểng đó, nghĩ thầm cười:
Bị quất ít roi, mông rã rời;
Bởi nói không suy, nên lỗi đạo,
Vì nghe chẳng xét, mới lâm đời.
Mên kia lão khẩu phân rành rẽ,
Hộ nọ cao tay xử rạch ròi.
Án Miểng này treo, răn Miểng khác.
Nói nghe cẩn thận, phải cân lời.
LÂM TRUNG, Dật sĩ.
***
PHƯƠNG LINH DƯỢC CHỮA BỊNH NGHÈO
(NKĐP, số 01, tr.13)
(Bài nghị luận khuyến khích làm ăn để chữa bịnh nghèo. Xin trích đọan mở đầu:)
“Trong cuộc trần gian không chi khốn hơn là bịnh hoạn. Khi lâm phải, ai lại không tìm thầy chạy thuốc? Tìm là tìm thầy giỏi, chạy là chạy thuốc hay. – Gẫm sự nghèo cũng là một bịnh, cũng là khốn, cũng là tai. Nhưng vậy ít người cho bài, ít người lo thuốc. Thầy thuốc thì thầy thuốc. Bịnh đau thì bịnh đau. Phải ai tai nấy. Giúp không giúp, lại chê bai, rằng: Khó khăn nói chẳng nên lời. Chớ thật sự, chẳng phải tại khó khăn mà nói chẳng nên lời. Song tại vì mình thốn thiếu, nên mới tính, mà làm không đặng, té ra như việc nói khoét. Hay là thiên hạ thấy không làm, thì tưởng là không biết luận tính kế chi. Cũng có khi là họa lai thần ám, là mắc hoạn nạn nghèo khổ nên rối trí đi. Mảng lo cho vợ con, làm không kịp thở, có rảnh có hở đâu mà tính phương chi, luận kế gì cho hay đặng? Thấy người ta phát đạt, mình cũng mong vinh hoa (thấy người ta giàu mình cũng muốn). Mà ngặt nghĩ lại, lực bất tùng tâm (muốn mà không sức) nên cũng còn tấn thối lưỡng nan (còn lưỡng lự) chưa lo bề bước tới…”
HUỲNH KIM LAN, Lương y
***
BỐN ĐẤNG SẼ LÊN BỰC “Á THÁNH”
(NKĐP, số 01, tr.14)
Đức cha có đặng tin bên thành Rôma thuyết rằng: nội tháng 10 tây tới đây thì sẽ lo việc tôn bốn Đấng đã chịu tử vì đạo tại Nam kỳ, lên bực á thánh, là cha Lộc, cha Lựu, Trùm Lựu và Phaolô Hạnh.- Sang năm sau lễ Phục Sinh có lẽ trông sẽ đặng làm lễ Phong thánh bốn Đấng ấy tại Rôma.-Nầy là tin rất đáng vui mầng, ta hãy cám đội ơn Chúa.
***
THUỐC TRỊ BỊNH TỨC LÓI
(NKĐP, số 01, tr.15)
Thường con nhà học trò mà siêng năng, thì nghe người hay bị tức lói; khi không nó bắt đánh trống ngực, trái tim quạt lia, làm cho mệt đuối sức.- Có bài thuốc gia truyền rất hiệu nghiệm mà trị chứng ấy, là lúc bị như vậy thì mỗi ngày sớm mai bụng đói lấy chừng mươi hột tiêu sọ, mà nhai biến đi và nuốt hết (ngày nào biết có công việc phải lao lực nhiều hơn thì ăn chừng mươi lăm hột). Cứ làm vậy ít bữa thì yên tâm. Đã dễ, lại rẻ tiền: Hãy thử mà coi.
***
CỌP BẮT NGƯỜI TẠI CÙ MI
(NKĐP, số 01, tr.15)
[tóm tắt] Bà Rịa đi ra ngoài nữa có một họ tên là Cù Mi. Xứ ấy là rừng biển…Mới đây cha sở họ Cù Mi gởi thơ cho bổn quán mà nói rằng từ hôm mùng 9 Sept tới nay có 3 thợ rừng tên là Yên, Điểu và Lân, đang làm cây trên rừng mà bị cọp bắt giữa ban ngày. Chỗ đó xa nhà thờ bảy tám trăm thước tây mà thôi.
Về phần Bổn quán thì xin chỉ trước một phương thường người ta hay làm, dễ, không chi hiểm nghèo. Chính mình trong Bổn quán đã có làm như vầy và bắt đặng một con cọp lớn tại Ba Lai chỗ Cửa Đại, và đặng bạc thưởng 25 đồng nữa.
Bắt một con chó, buộc theo chỗ cọp hay đi…
Còn một thế khác dễ hơn, khỏe hơn và không có phải sợ chuyện gì…cũng thí một con chó buộc nó gần vách chừng hai ba thước tây…cấm súng hai lòng, nạp hai viên đạng to. Chừng cọp lại mà rình con chó, thì phải cho tỉnh, nhắm ngay tim mà đưa một phát, nó nhào lăn. Rồi nhắm lại, bồi một phát nữa, chắc hết cựa quậy.
BỔN QUÁN
***
[QUẢNG CÁO-trang bìa sau]Truyện Đức Chúa Bà hiện ra tại Lourdes
Tại nhà in Tân Định có bán sách thuật lại đủ gốc tích Đức Chúa Bà hiện ra tại thành Lourdes. Sách nầy chép tiếng xuôi dịu rất hay, lại có hình đẹp lắm.
Giá một cuốn……0$60
Đóng bìa rồi . ….0 80.
Tiệm sửa đồng hồ và các thứ đồ máy
Ông Carôlô Tị ở Đất Hộ (Saigon) Boulevard Luro, môn bài số 48, có sửa đồng hồ lớn, đồng hồ quả quít, và các thứ máy. Sửa kỷ, tốt, chắc, lại ăn giá rẻ.
Thuốc trị phong lác
Thầy Nicolas Tàu ở Ba Giồng có tìm đặng thuốc trừ bịnh Phong Lác, bất kỳ thứ nào, từ ba mươi năm trở lại thì chắc cho hết. Không biết bao nhiêu người nhờ thuốc thầy nầy mà đặng lành. -Ai muốn đến mà xin khán bịnh, hay là viết thơ mà bàn hỏi, cũng đặng. Đề bao thơ như vầy:
Monsieur Nicolas Tàu, à Ba Giồng, par Tân Hiệp.
[1] sắc lệnh ngày 30-12-1898 của tổng thống Pháp Félix Faure, qui định thêm: tất cả những tờ báo in bằng quốc ngữ Việt Nam phải có sự cho phép trước của quan toàn quyền
[2] Nguyễn Văn Lục–Dòng văn học mang dấu Chúa (phần 51-Kết)
https://sites.google.com/site/gsnguyenvanluc/bai-viet-2014/phan-51
[3] Lê Đình Bảng–Báo chí Công giáo Việt Nam một hành trình thế kỷ (1908-2019)
[4] Đỗ Quang Hưng–Báo chí tôn giáo ở Việt Nam trước 1945
[5] Nguyễn Văn Trung–Lục Châu Học-Chương V. http://nguyenvantrung.free.fr/lucchauhoc/index.html