NGUYỄN HUY THIỆP LÀ NGƯỜI THẾ NÀO

BÙI CÔNG THUẤN

 

 

VIẾT THÊM

Văn học việt Nam thời kỳ “đổi mới” (1980-1990) có những đỏi hỏi đổi mới mạnh mẽ, đặc biệt là đòi hỏi từ bỏ Chủ nghĩa Hiện thực xã hội chủ nghĩa mà Trường Chinh đề ra từ 1948 trong Báo cáo “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam”. Trong xu thế chung, phải kể đến “Thời xa vắng” của Lê Lựu, “Thiên Sứ” của Phạm Thị Hoài, “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh… và các bài viết của GS Hoàng Ngọc Hiến về “Chủ nghĩa Hiện thực Phải đạo”(1979), và “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa” (1987) của Nguyễn Minh Châu. Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn có cách viết nói “trắng phớ” ra. Nên ông tạo được dư luận.

Nhưng khi Bộ Chính trị có nghị quyết 23-NQ/TW:”Tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học, nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi, thể nghiệm, nâng cao chất lượng toàn diện nền văn học, nghệ thuật nước nhà”, thí những vấn đề “nóng” về phương pháp sáng tác Hiện thực Xã hội chủ nghĩa trở nên nhạt, và Nguyễn Huy Thiệp lui dần vào quá khứ.

Ngày nay đang có những “mưu toan” phong thánh cho Nguyễn Huy Thiệp là “Thiên tài”, là “Văn hào…”. Thực ra, ai thích Nguyễn Huy Thiệp và phong cho ông danh hiệu gì thì đó là quyền của cá nhân. Nhưng xin lưu ý rằng, “Văn hào” từ xưa tới nay là những nhà văn mà tác phẩm của họ ghi lại được một diện rộng của hiện thực và đặc biệt, họ là “nhà văn tư tưởng”, tác phẩm của họ là “tác phẩm tư tưởng”. Văn chương của họ là ánh sáng lương tri của nhân loại. Nguyễn Huy Thiệp không có tư tưởng, tác phẩm của ông cũng chỉ phản ánh cái hiện thực không “Xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam, chẳng đề cập được vấn đề gì của nhân loại. Ông chỉ là một nhà văn tiên phong như nhiều nhà văn tài năng khác của Văn học Việt Nam.

Bài viết sau đây đã đăng trên Văn nghệ TP Hồ Chí Minh. Nay đăng lại.

_______________________

NGUYỄN HUY THIỆP LÀ NGƯỜI THẾ NÀO?

Bùi Công Thuấn

Trước đây tôi đã định viết về Nguyễn Huy Thiệp (NHT) nhưng lại thôi, vì người ta đã viết quá nhiều về ông, mình không nên làm ồn thêm.

Nhưng có một sự thật là Hội Nhà Văn Việt Nam chưa hề trao cho Thiệp giải thưởng nào. Thiệp nhận được giải thưởng của nước ngoài. Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp được dịch nhiều sang tiếng Pháp (ở Pháp Thiệp có 9 đầu sách được dịch). Nguyễn Huy Thiệp được nhận giải thưởng Nonino ở Ý. Họ đọc Thiệp qua bản dịch tiếng Anh.

Nguyễn Huy Thiệp thú nhận điều này:”người đã đề cử tôi cho giải thưởng Nonino có nói với tôi đại ý rằng: “Tôi chỉ đọc ông có hai truyện nhưng tôi đã “ngửi” thấy ở ông có điều gì đấy...”. Với bản dịch Crossing the River của Dana Sachs và 10 người khác nữa ở Mỹ, Nguyễn Huy Thiệp đã bị “giết phăng”, “giết không kịp ngáp” ở trong thế giới tiếng Anh… Đấy là một thực tế mà khi trao đổi với đại diện các nhà xuất bản có tên tuổi trong chuyến đi châu Âu vừa rồi tôi (NHT) mới nhận ra.(1)

Sự nổi tiếng của Nguyễn Huy Thiệp có căn gốc từ đâu?

Trước hết Nguyễn Huy Thiệp có tài kể chuyện, những câu chuyện lạ và hấp dẫn. Chủ để truyện ẩn rất sâu, điều này bộc lộ cái “thâm” của sĩ phu Bắc Hà. Tôi ít thấy người cầm bút đương thời có cái “thâm”, cái “độc” và cái “tài” như Nguyễn Huy Thiệp. Người ta công nhận Thiệp viết hay nhưng không dám trao giải thưởng. Người ta nhận rõ Nguyễn Huy Thiệp góp phần đổi mới văn học Việt Nam nhưng không dám đưa Nguyễn Huy Thiệp vào Sách Giáo khoa (*). Có người bảo, Nguyễn Huy Thiệp là cục xương khó nuốt của Hội Nhà Văn Việt Nam.

Văn Học Việt Nam đương đại có hai người gây được những bước ngoặt quan trọng về thi pháp truyện ngắn. Đó là Nam Cao và Nguyễn Huy Thiệp. Sau Nam Cao, một thời người ta bắt chước cách viết của ông. Cũng vậy, Nguyễn Huy Thiệp đã mở ra một cách viết mới mà cho đến nay nhiều người vẫn bắt chước (truyện Dị Hương vừa đạt giải, đã bắt chước cách viết của Kiếm Sắc)

Nhưng điều gây tranh cải và làm cho Thiệp nổi tiếng là ở thái độ của Nguyễn Huy Thiệp trong tác phẩm, và cái cách Nguyễn Huy Thiệp dùng văn chương cho những mục đích ngoài văn chương của mình. Thiệp có tài viết những đoạn văn ỡm ờ, kể những câu chuyện ỡm ờ, nửa thông minh, nửa mù mịt, nửa chân thật, nửa đểu cáng, và đặc biệt là tài giấu mặt sau rất nhiều kiểu mặt nạ.

Truyện của Nguyễn Huy Thiệp lạ là ở chỗ, trước đó, nhà văn Việt Nam viết bằng phương pháp Hiện Thực XHCN. Nguyễn Huy Thiệp triệt để bác bỏ kiều bút pháp này. Nguyễn Huy Thiệp lạ ở chỗ, trước đó văn học Việt Nam chỉ viết tụng ca, anh hùng ca, thì Nguyễn Huy Thiệp lật đổ tất cả mọi thần tượng, kể cả Quang Trung (Phẩm Tiết) là người anh hùng của dân tộc. Cái thâm của Thiệp là ở chỗ, Thiệp mượn và bịa đặt ra chuyện xưa để nói về cái hiện thực hôm nay.Thiệp phủ định thực tại xã hội XHCN. Thiệp đang sống, cái thực tại mà văn chương giai đoạn trước ca ngợi hết lời (”Đẹp vô cùng tổ quốc ta ơi!; “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”). Thiệp phủ định chủ nghĩa Marx –Lenin là nền tảng tư tưởng Cách Mạng Việt Nam. Và gần như Thiệp phủ định tất cả.

Trong Vàng Lửa, Nguyễn Huy Thiệp viết: ”Châu Âu chín chắn hơn. Họ đã bắt đầu hiểu vẻ đẹp và vinh quang một dân tộc không phải do cách mạng hoặc chiến tranh mang lại, cũng không phải do các nhà tư tưởng …”. Đó là cách Nguyễn Huy Thiệp mượn chuyện người để phủ định cái thực tại ở ta. Cứ theo câu chữ hàm ý mà đọc, thì Thiệp cho rằng ở ta vinh quang dân tộc là do cách mạng, do hai cuộc kháng chiến và do chủ nghĩa Mác-Lênin. Những điều như thế ở Việt Nam đã trở thành đại tự sự, thành tín niệm, không tranh cãi và được rao truyền trên tất cả các kênh truyền thông hàng ngày. Thiệp phủ định những điều ấy nhưng không nói thẳng ra, và người ta hiểu ý Thiệp nhưng không bắt bẻ Thiệp được.

Đây là một đoạn diễu nhại cái nhìn theo chủ nghĩa Marx: ”Hắn bắt một con thạch sùng rồi để lên bàn. Hắn trình bày thế giới bằng cách miêu tả con thạch sùng ấy. Thượng tầng kiến trúc là đầu, hạ tầng cơ sở là chân, khúc đuôi là đạo đức. Hắn cho rằng đạo đức rụng rồi lại mọc, đạo đức có thể ngoe nguẩy một mình, còn toàn bộ sự sống chuồn mất”(Mưa)

Mượn lời Trương Chi, Thiệp chửi đời là “cứt:”…chàng hiểu chắc chắn rằng cuộc sống của chàng thật là cứt, là cứt chó, không sao ngửi được. Không chỉ riêng chàng, mà cả bầy. Tất cả đều thối hoắc.-Cứt”(Trương Chi)

Bạch thầy! Đâu đâu con cũng thấy toàn là súc vật. Mọi sự thảy súc vật hết. Cả sự chung tình cũng súc vật. Ý thức hướng thiện cũng súc vật nốt”(Sang Sông )

Nguyễn Huy Thiệp chửi cả Hội Nhà Văn thế này:

“ …Nhìn vào danh sách hơn 1000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam người ta đều thấy đa số đều chỉ là những người già nua không có khả năng, sáng tạo và hầu hết đều… “vô học”, tự phát mà thành danh. Trong số này có tới hơn 80% là nhà thơ tức là những người chỉ dựa vào “cảm hứng” để tuỳ tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa, nhìn chung là lăng nhăng, trừ có dăm ba thi sĩ tài năng thực sự (số này đếm trên đầu ngón tay) là còn ghi được dấu ấn ở trong trí nhớ người đời còn toàn bộ có thể nói là vứt đi cả. Giai thoại có một nhà thơ nói về tình cảnh thơ ở trong bài thơ sau đây (tôi đã đưa chuyện này vào trong tiểu thuyết của tôi vì nó quá hay) khá tiêu biểu cho thực tế đó: “Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ/ Hôm qua nó bảo: Dí thơ vào l…/ Vợ tôi nửa dại nửa khôn/ Hôm nay lại bảo: Dí l… vào thơ!”, tôi cũng không phủ nhận cảm tình của nhân dân đối với thơ nhưng quả thực trên thực tế cái danh nhà thơ là một thứ nhìn chung chỉ là nhăng nhít, hữu danh vô thực, chẳng ai muốn dây vào nó: nhà thơ đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa.        

Tôi biết sẽ có nhiều người phản ứng lại điều tôi nói “trắng phớ” ra như thế nhưng ở đây nó là thực tế. Tôi chỉ nói ra một thực tế “tàn nhẫn” mà mọi người vẫn tránh né hoặc “không nỡ” nói ra mà thôi. Đã đến lúc người ta phải nhìn vào thực tế để thúc đẩy văn học cũng như thúc đẩy xã hội phát triển.“ (Nguyễn Huy Thiệp–Trò Truyện Với Hoa ThủyTiên.)

Đoạn đối thoại sau đây, Thiệp biết rõ sẽ bị nhiều người chửi nhưng Thiệp tiếp tục chửi: ”Nghe tôi nói nhé: lớn lên chú đừng sa vào con đường văn chương chữ nghĩa. Thế nào chú cũng ăn đòn. Người ta sẽ nguyền rủa đấy. Chú không chống nổi sự ngu dốt của bọn có học đâu. Tôi đây này, tôi hiểu sâu sắc sự ngu dốt của bọn có học tai hại thế nào, vừa phản động, nó vừa ngụy biện, lại vừa mất dạy. Sự ngu dốt của bọn có học tởm gấp vạn lần so với người bình dân…Tôi thấy buồn vì văn học của ta ít giá trị thật. Nó thiếu tín ngưỡng và thẩm mỹ thực”(Những Bài Học Nông Thôn)

Đoạn đối thoại sau đây Thiệp tự bộc lộ sự đánh giá về chính mình:

Tôi cười bảo: Anh biết không: người cách mạng chỉ chú tâm vào mục đích cuối cùng mà thôi. Anh Bường bảo:” Đừng có bẫy tay vào chính trị tư tưởng, mày đểu lắm”…”Bản chất của mày là một thằng trí thức lưu manh chính trị. Tởm lắm! (Những Người Thợ Xẻ)

Thiệp nói về việc đi dạy học của mình: ”Lúc nãy ở trong chùa nói chuyện với sư, giật mình nghĩ lại thấy mấy chục năm nay mình đi dạy học, dạy trẻ con toàn những thứ láo khoét”(Chăn Trâu cắt Cỏ)

Vâng, như thế thì dù Nguyễn Huy Thiệp kể truyện hay, nhưng Nguyễn Huy Thiệp không có mục đích sáng tạo nghệ thuật, thì tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp không hẳn là có ích cho đời, và có ích cho văn chương (tất nhiên là có ích cho những ai muốn dùng Thiệp để phủ định Chủ nghĩa hiện thực Xã Hội Chủ Nghĩa). Nguyễn Huy Thiệp chỉ dùng văn chương làm phương tiện bộc lộ thái độ với chính kiến trước thực tại.

Truyện của Thiệp hấp dẫn là bởi Thiệp biết khai thác nhiều kỹ thuật viết khác với bút pháp của chủ nghĩa Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa, nhưng mục đích của Thiệp là dẫn dụ người đọc vào những câu truyện mà ẩn sâu bên dưới lớp vỏ ngôn từ là thái độ chính trị của Thiệp.

Thái độ chính trị của Thiệp là gì?

Rời bỏ chủ nghĩa Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa , rời bỏ chủ nghĩa Marx, Nguyễn Huy Thiệp tìm về cội nguồn tinh thần nào?

Đọc truyện của Thiệp, tôi thấy lổn nhổn, nếu không nói là bát nháo đến dở hơi (!)  những ý niệm của chủ nghĩa Hiện Sinh, của Thiền, của Đạo, của Freud, của Thiên Mệnh. Tất cả còn sống sít, chưa được tiêu hóa (có lẽ Nguyễn Huy Thiệp chưa được học đến nơi đến chốn. Thực tiễn cuộc sống của Nguyễn Huy Thiệp cũng không cho phép ông tiếp cận với những tư tưởng này khi ông đi dạy học và sống ở miền Bắc Việt Nam trước 1975)

Xin đọc:

Oái oăm ở chỗ đạo là thứ danh không phải danh, điều ấy đẻ ra những khó khăn trong xuất xử. Chính Khổng Tử cho rằng người làm quan là để thi hành điều nghĩa chứ đạo thì chẳng thi hành được”(Nguyễn Thị Lộ).

Rõ ràng Nguyễn Huy Thiệp phê phán Lão Tử về Đạo. Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử Viết: Đạo Khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh”. Thiệp chỉ hiểu cái nghĩa đen mặt chữ của ý niệm Đạo.

Cũng vậy, Khổng Tử coi trọng Nhân và Lễ, Mạnh Tử mới coi trong Nghĩa. Thuyết Thiên Mệnh của Khổng Tử và Đạo vô vi của LãoTử khác xa nhau. Nguyễn Huy Thiệp cho vào một rọ và quậy cho nó nháo nhào lên.  Nguyễn Huy Thiệp chưa học vỡ nghĩa sách thánh hiền (mượn chữ của Nguyễn Tuân), nhưng cứ hô hoán lên, khiến những người không biết, tưởng Thiệp nói điều chân lý, họ vừa sợ Thiệp, lại vừa chê trách thánh nhân!

Cũng trong truyện Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Huy Thiệp gán cho Nguyễn Trãi phạm trù “cô đơn” của Triết học Hiện Sinh. Quả thực, sự vay mượn tư tưởng này là hết sức gượng ép, bởi thời của Nguyễn Trãi chưa có triết học Hiện Sinh. Như kiểu người ta chê trách Nguyễn Du sao không cho Từ Hãi đi làm cách mạng rồi lên làm Chủ tịch Nước!!!

Thiệp nhận ra sự khiếm khuyết của văn chương Việt Nam là không có tư tưởng, và Thiệp nỗ lực bù vào chỗ khiếm khuyết ấy, nhưng tôi cho rằng Thiệp thất bại cả về tri thức, cách thể hiện tư tưởng và bút pháp.

Chẳng hạn, tư tưởng Hiện Sinh trong tác phẩm văn học phương Tây được trình bày bằng cách viết dòng ý thức thông qua miêu tả Hiện Tượng Luận. Thiệp chưa đạt tới cách viết này (Muối của Rừng). Khi chuyển sang khai thác tư tưởng Thiền (Sang Sông), Thiệp cũng không đạt được cách nói vô ngôn là đặc trưng mỹ học Thiền.

Nguyễn Huy Thiệp thất bại trong việc tìm kiếm một tư tưởng thấu đạt đến chân lý cho cuộc đời, ông trở nên bi quan.|”Chúng tôi cần gì nhiều tiền, nhiều nhà, nhiều đạo đức, nhiều anh hùng. Thoắt buổi sáng, đã trưa, đã chiều. Thoắt mùa xuân, đã thu, đã đông…Chỉ có nỗi buồn là vĩnh cửu(Con Gái Thủy Thần)

“Kìa trăm năm

Tài mệnh là gì

Chỉ thấy đớn đau

          (Kiếm Sắc)

Tôi nhặt những ánh mắt đời

Hòng dõi theo ánh mắt tôi

Dõi vào cõi ý thức

Cõi ý thức mênh mông xa vời

Dầu tôi biết vô nghĩa, vô nghĩa, vô nghĩa mà thôi”

            (Thương Nhớ Đồng Quê)

Đời người ta, ai chẳng đã từng săn đuổi bao điều phù du?”

                    (Những Ngọn Gió Tua Hát)

Không cần phải đọc kinh Phật, bạn đọc cũng hiểu Nguyễn Huy Thiệp thiên về tư tưởng Phật: đời vô nghĩa, đời vô thường, đời là bể khổ (Khổ Đế trong Tứ Diệu Đế).

 Những tưởng Nguyễn Huy Thiệp tìm thấy chân lý gì mới lạ sau khi từ bỏ Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa, chủ nghĩa Marx, hóa ra ông lại chạy vòng vòng trở về thứ triết lí tiêu cực của Nguyễn Gia Thiều trong Cung Oán Ngân Khúc. Đó là một bứơc thụt lùi đáng thương hại!

Nghĩ thân phù thế mà đau, 
Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê.

Tang thương đến cả hoa kia cỏ này. 

Tuồng ảo hóa đã bày ra đấy, 
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau. 
Trăm năm còn có gì đâu, 
Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì ! 

                (Nguyễn Gia Thiều-Cung oán ngâm khúc)

Hơn thế Nguyễn Huy Thiệp còn bộ lộc những nhận thức tư tưởng hết sứ méo mó. Qua lời nhận vật Bường, Nguyễn Huy Thiệp phỉ báng thế này:” Con ơi, thế Giêsu Crit có đểu cáng và độc ác không? Như Lai có đểu cáng và độc ác không?”(Những Người Thợ Xẻ)

Đến như thế thì người đọc không còn gì để trao đổi với Nguyễn Huy Thiệp nữa, bởi Như Lai và Giêsu Christ là hai con người truyền rao chân lý từ bi, bác ái. Hai con người ấy bằng chính đời sống tại thế của mình, đã đã chứng minh cho sự Giác ngộ và sự Cứu độ chúng sinh. Hơn 2000 năm nay, nhân loại đã tôn thờ hai con người ấy như đấng thiêng liêng, và tìm đến Phật, đến Giêsu như là người giúp mình sang sông “đáo bỉ ngạn”. Vậy mà Nguyễn Huy Thiệp coi Đấng Giác Ngộ và Đấng Cứu Rỗi ấy đều là đểu cáng và độc ác, vậy còn ai trên cõi đời này đáng được Nguyễn Huy Thiệp cho là từ bi, bác ái, lương thiện?

3. Hãy xem Nguyễn Huy Thiệp quan niệm thế nào về văn chương?

Bác ơi, chữ nghĩa nó ghê gớm lắm. Nó là ma đấy. Yếu bóng vía là nó ám mình, nó làm cho thê thảm đau đớn mới thôi”…”Văn chương có nhiều thứ lắm. Có thứ văn chương hành nghề kiếm sống. Có thứ văn chương sửa mình. Có thứ văn chương trốn đời trốn việc. Lại có thứ văn chương làm loạn”(Giọt Máu II)

Văn chương phải bất chấp hết. Ngập trong bùn, sục tung lên, thoát thành bướm và hoa, đấy là chí thánh”(Giọt Máu VII)

Văn chương là thứ bỉ ổi bậc nhất…Nó gây ra sự nổi loạn trong cuộc đời thường”(Chút Thoáng Xuân Hương)

Có lẽ không cần phải bình luận gì thêm, bởi đó là cái nhìn hết sức phiến diện về văn chương. Chẳng lẽ thơ Thiền, thơ R.Tagore, văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Minh Châu…là “bỉ ổi”, là “làm loạn” sao?

Nhiều người đã ca tụng Nguyễn Huy Thiệp khi thấy Nguyễn Huy Thiệp từ bỏ chủ nghĩa Hiện Thực Xã hội Chủ nghĩa, thấy Nguyễn Huy Thiệp phê phán hiện thực đất nước xây dựng theo Chủ nghĩa Xã hội dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin, thấy Nguyễn Huy Thiệp lật nhào thần tượng (mượn Quang Trung để lật nhào thần tượng cách mạng). Đó là quyền của người đọc.

Nhưng bình tâm mà đọc Nguyễn Huy Thiệp, thì thấy rõ hạn chế này ở ngòi bút của ông. Văn Nguyễn Huy Thiệp thiếu tư tưởng nhân đạo. Cái nhìn của Nguyễn Huy Thiệp thiếu sự “thành ý, chính tâm”. Nguyễn Huy Thiệp chỉ thấy cái ác, cái dâm cái loạn, cái đểu cáng. Còn nếu muốn nghe Nguyễn Huy Thiệp nói chính trị, thì người đọc sẽ lắc đầu mà đi thôi.

Xin đọc

“Dân chúng nhẹ dạ nông nổi cũng như thế đấy. Các nhà chính trị, các thiên tài là kẻ có khả năng xô dạt dân chúng về cả một phía. Dân chúng cầu lợi. Chỉ cần tí lợi là họ sẽ a dua nhau bu đến. Họ không biết rằng điều ấy chất chứa toàn bộ sự vô nghĩa trong đời sống của họ. Họ sinh ra, hoạt động, kiếm ăn, cứ dạt chỗ nọ rồi dạt chỗ kia mà chẳng tự định hướng cho mình gì cả. Chỉ đến khi nào dân chúng hiều rằng không được cầu lợi, mà có cầu lợi thì cũng chẳng cho ai, người ta chỉ hứa hẹn suông để bịp bợm thôi, thảng hoặc có cho thì cho rất ít, lợi bất cập hại. Lợi phải do chính dân chúng tạo ra bằng sức lao động của mình. Họ cần hiểu rằng phải cầu một thứ cao hơn thế nữa, đấy là giá trị chân chính cho toàn bộ cuộc sống của mình, quyền được tự mình định đoạt cuộc sống, tóm lại là tự do”(Những Bài Học Nông Thôn)

Tôi không hiểu Nguyễn Huy Thiệp đã “giảng đạo” hay lên lớp chính trị cho ai, vì ông nói đến sự vô nghĩa của đời sống (chủ đề của tôn giáo), rồi lại nói đến ý nghĩa của lao động (một phạm trù của chủ nghĩa Marx-Lao động là vinh quang), rồi lại nói đến kinh tế (hoạt động, kiếm ăn). Mãi đến cuối đoạn văn mới lộ ra rằng con người, nhân dân cần tự do, nhưng họ không biết rằng tự do là giá trị trên hết, họ cũng không biết rằng họ đang nô lệ, đang bị các nhà chính trị lừa gạt…

Và theo cách viết đeo mặt nạ của Thiệp, thì Thiệp đang nói về nhân dân Việt Nam, nhân dân Việt Nam đang bị nô lệ mà không biết. Thiệp nói về các nhà chính trị Việt Nam: Họ chỉ “hứa hẹn suông để bịp bợm thôi”.

Hãy bỏ qua tâm ý của Thiệp, thì bạn đọc nhận ra rõ ràng rằng Thiệp chẳng có một lý thuyết xã hội nào, hay nền tảng triết học tư tưởng nào để lập ngôn, chỉ có cách nói đưa đẩy vòng quanh, cảm tính, như thế Thiệp sẽ chẳng đối thoại với ai được (những lý thuyết gia kinh tế, chính trị), còn quần chúng nhân dân thì chán ngấy chính trị rồi. Họ sẽ lật tẩy cái bản mặt của Thiệp mà rằng:”

“Đừng có bẫy tay vào chính trị tư tưởng, mày đểu lắm”…”Bản chất của mày là một thằng trí thức lưu manh chính trị. Tởm lắm! (Những Người Thợ Xẻ)

Tôi đã từ bỏ Nguyễn Huy Thiệp từ lâu lắm rồi! Bởi chăng nên mất thì giờ vào những thứ vô bổ mà thiệp chào mời như đoạn văn Thiệp viết ở trên.

Tháng 4.2012

_____________________________

  • Lê Thị Thái Hòa- Nguyễn Huy Thiệp: “Thế giới đã an bài!” nguồn :Thanh Niên
  • Bài này đã đăng trên báo Văn Nghệ TpHCM số 199 ngày 26.04.2012

(*) Chương trình mới (2020) có đưa tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp vào làm ngữ liệu

Loading

Đánh giá bài viết
call Hotline 1 0798287075 call Hotline 2 0798 287 075 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok