NHÀ VĂN ĐỒNG NAI – MỘT THẾ HỆ MỚI
Bùi Công Thuấn
Ban Văn học – Hội VHNT Đồng Nai có 75 tác giả (năm 2017), trong đó có 14 Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Trong chuyên luận này, tôi tập chú vào các nhà văn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ở Đồng Nai. Những tác giả khác tôi cũng đã viết về họ trong cuốn Hoa đỏ bên sông (Nxb HNV. 2014). Tôi thực hiện cuốn sách này như một đóng góp nhỏ hướng đến kỷ niệm 40 năm thành lập Hội VHNT Đồng Nai (1979-2019)
HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Hội Văn học – nghệ thuật Đồng Nai được thành lập ngày 22-12-1979 tại Biên Hòa. Chủ tịch Hội đầu tiên là nhà văn Lý Văn Sâm. Năm 1980, nhà văn Hoàng Văn Bổn từ Xưởng phim Quân đội nhân dân chuyển về làm Phó chủ tịch Hội kiêm Tổng biên tập báo Văn nghệ Đồng Nai. Từ đó đến nay đã gần 40 năm, Hội đã đạt được nhiều thành tựu về các hoạt động văn học nghệ thuật.
Hoạt động chính của Hội VHNT địa phương là hoạt động phong trào. Hội quy tụ những người cầm bút để sáng tác, thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Phẩm chất chính trị là tiêu chí hàng đầu của hoạt động Văn nghệ phong trào.
Đây là hoạt động của Ban văn học Hội VHNT Đồng Nai năm 2017: “Theo thống kê, năm 2017, hội viên Ban Văn học đã tham gia 4 trại sáng tác và nhiều sự kiện, hội thảo do Hội VHNT Đồng Nai tổ chức; với hàng trăm sáng tác và góp mặt trong một số tuyển tác phẩm in ấn, xuất bản năm 2017. Có 11 tập sách cá nhân được xuất bản, và trên 40 tác phẩm được in ấn trên các báo, tạp chí chuyên ngành Trung ương; cùng nhiều giải thưởng Trung ương và địa phương. Năm 2017, Ban Văn học kết nạp 03 hội viên mới, và có 01 hội viên được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam (nhà thơ Nguyễn Đức Phước)…”[1].
Văn kiện Đại hội lần thứ V-Hội VHNT Đồng Nai đánh giá về hoạt động Văn học: “…trong 5 năm qua, Ban Văn học đã thể hiện rõ khả năng và trách nhiệm của một ban chủ lực, luôn chủ động công việc…xúc tiến tổ chức các trại sáng tác,, các buổi hội thảo, tọa đàm, giao lưu tác phẩm, mở lớp bồi dưỡng kỹ năng sáng tác…Đã có 118 giải thưởng trong các cuộc thi văn học nghệ thuật trung ương và địa phương được trao cho các tác giả hội viên Ban Văn học. Số đầu sách xuất bản trong nhiệm kỳ là 52 cuốn. Đã có 217 tác phẩm hội viên Ban Văn học được giới thiệu trên các báo và tạp chí trung ương, địa phương trong 5 năm qua”
Phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 của Hội VHNT Đồng Nai tập trung vào các nhiệm vụ sau: “Tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao trong năm 2018, nâng cao chất lượng hoạt động và sáng tác nhằm phục vụ cho đời sống tinh thần của người dân trong tỉnh, tập trung các đề tài: Cuộc vận động sáng tác “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, 320 năm Biên Hòa-Đồng Nai hình thành và phát triển; các đề tài công nghiệp và công nhân lao độngh, bảo vệ chủ quyền-biển đảo,hướng đến những ngày lễ lớn của đất nước và tỉnh Đồng Nai trong năm 2018”
[Báo cáo số 25/BC-VHNT, ngày 15 tháng 12 năm 2017 của NS Nguyễn Khánh Hòa, Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai, gửi Thường trực Tỉnh ủy, UBND Tỉnh Đồng Nai và các Sở, Ban, Ngành có liên quan cùng các hội viên]Nhà văn phong trào bộc lộ tâm tình: “Hội VHNT đặc biệt là Ban Văn học đóng vai trò kêu gọi, thúc giục tạo nên chất men sáng tạo cho anh chị em trong Ban văn. Mỗi lần cần có chương trình sáng tác, thực hiện sách để phục vụ nhiệm vụ chính trị hoặc tổ chức các trại sáng tác, tổ chức đi thực tế, văn phòng Hội và Ban văn học đã cố gắng rất nhiều. Bản thân tôi mới được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam, rất hào hứng phấn khởi và luôn phải tự vượt lên chính mình để hoàn thành yêu cầu của tổ chức. Có những đề tài không phải sở trường như viết về công nghiệp, nông nghiệp nhưng nhờ bản thân cố gắng và sự động viên của Ban tổ chức, của bạn bè tôi đã thực hiện được.
Thông qua các hoạt động anh chị em chúng tôi đã có sự thông cảm, chia sẻ, gắn kết dần dần nâng chất lượng sáng tác lên. Là một người viết từ những năm tháng tuổi trẻ, nay ở tuổi xế chiều vẫn sôi nổi tham gia các phong trào đối với tôi là một điều hạnh phúc.”
[Nhà văn Bùi Quang Tú: http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=946&CatId=79]Theo lời của nhà văn Bùi Quang Tú, nhà văn phong trào viết để “hoàn thành yêu cầu của tổ chức” là chính, tức là thực hiện nhiệm vụ chính trị, không bận tâm đến chất lượng nghệ thuật: “Có những đề tài không phải sở trường như viết về công nghiệp, nông nghiệp nhưng nhờ bản thân cố gắng và sự động viên của Ban tổ chức, của bạn bè tôi đã thực hiện được.”
Nhà văn chuyên nghiệp thì khác. Ngoài phẩm chất chính trị (như Điều lệ Hội Nhà Văn Việt Nam quy định), họ còn phải sáng tác những tác phẩm đạt đỉnh cao về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần xây dựng một “nền văn học, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp nhân dân” (Nghị quyết 23-NQ/TW).
Sự phát triển của một nền văn học, ngoài việc xem xét các phong trào, tôi quan tâm đến sự vận động nội tại của văn chương, đó là sự vận động của tư tưởng và nghệ thuật, là sự xuất hiện gây dấu ấn của các phong cách nghệ thuật. Nhà văn E. Hemingway đạt giải Nobel với cuốn Ông già và biển cả, một cuốn tiểu thuyết rất mỏng, có cốt truyện đơn gian, nhân vật chính là ông già đánh cá. Điều gì làm nên giá trị của tác phẩm? Chính là tư tưởng và nghệ thuật, không phải ở nội dung phản ánh hiện thực. Khôi Vũ tự đánh giá văn chương của mình: “Nhiều năm sau đọc lại, tôi nhìn ra chất “kể” nhiều hơn chất “tả” trong sách, phần “truyện” nổi rõ hơn phần “tư tưởng”. Mà như thế, gọi là “tiểu thuyết” có lẽ đã thậm xưng!”(Con ếch ngắm trăng). Trong 40 năm phát triển của văn chương Đồng Nai, Nhà văn nào có đóng góp về tư tưởng và nghệ thuật vào sự phát triển của văn học Việt Nam đương đại?
MỘT THẾ HỆ MỚI
Tôi gọi thế hệ cầm bút sau thế hệ nhà văn kháng chiến như Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn là một thế hệ mới. Chẳng hạn, nhà văn Khôi Vũ-Nguyễn Thái Hải, tuy thành danh từ trước 1975 với 7 đầu sách Tuổi Hoa đã in, nhưng sau 1975 việc sáng tác của anh bị ngưng lại. Mãi tới 1981 anh mới in được truyện “Trạm xá ngoại thành” trên Văn nghệ Tp HCM. Năm 1982 Khôi Vũ đi học lớp bồi dưỡng viết văn trẻ cùng với Phạm Thanh Quang (bộ đội), Đàm Chu Văn (bộ đội) là những nhà văn rường cột của Hội VHNT Đồng Nai hôm nay.
Nhà văn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam sinh họat ở Hội VHNT Đồng Nai hiện nay (2018) gồm có: Khôi Vũ-Nguyễn Thái Hải (vào HNV 1990), Đàm Chu Văn (1999), Trần Ngọc Tuấn (2001), Phạm Thanh Quang (2002), Lê Đăng Kháng (2002), Lê Thanh Xuân (2003), Nguyễn Một (2006), Trần Thu Hằng (2011), Bùi Công Thuấn (2015). Bùi Quang Tú (2015), Nguyễn Trí (2016), Đỗ Minh Dương (2017), Nguyễn Đức Phước (2018). Nhà văn Nguyễn Đức Ánh (2001) mới chuyển đến.
Các nhà văn Đồng Nai được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam từ sau đổi mới 1986. Họ khác biệt với thế hệ nhà văn kháng chiến như Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn. Họ xuất thân từ nhiều nguồn, không thuần nhất kiểu Nhà văn-chiến sĩ như văn nghệ kháng chiến. Nội dung tác phẩm không còn là hiện thực kháng chiến chống Mỹ được miêu tả trực tiếp, mà là hiện thực đời thường, bề bộn, tốt xấu lẫn lộn. Họ rời bỏ Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa, không còn viết anh hùng ca với những nhân vật lý tưởng. Thời họ sống là thời của Kinh tế thị trường (khác với thời bao cấp). Quan điểm văn chương nghệ thuật của Đảng đã đổi mới (Nghị quyết 23-NQ/TW năm 2008 của Bộ Chính trị), cho phép họ thỏa sứ khám phá sáng tạo. Nhưng đồng thời văn chương của họ đã chịu sự chi phối của thị trường. Nhiều nhà văn đã đi hẳn vào văn chương trị trường. Các nhà văn Khôi Vũ, Nguyễn Trí, Nguyễn Một… rất năng động với thị trường…Nhà thơ Trần Ngọc Tuấn in thơ Thiền (Loại thơ này nằm ngoài kế hoạch sáng tác của Hội VHNT Đồng Nai)…
GIẢI THƯỞNG TRỊNH HOÀI ĐỨC
Giải thưởng Trịnh Hoài Đức (Đồng Nai) được tổ chứ 5 năm một lần nhằm biểu dương các tác giả có tác phẩm viết về đất nước, con người Đồng Nai. Mặc dù tiêu chí giải và việc thẩm định tác phẩm của các giám khảo (được mời ở ngoài tỉnh) còn nhiều vấn đề, song kết quả giải thưởng, trong một góc độ nào đó, có thể là “thước đo” thành tựu văn chương Đồng Nai. Rất tiếc Giải thưởng Trịnh Hoài Đức lần thứ IV không có tên nhà văn Khôi Vũ- Nguyễn Thái Hải, một cây bút đã in hơn 50 tác phẩm, không có mặt nhà thơ Lê Thanh Xuân, từng là Trưởng Ban Văn học Hội VHNT Đồng Nai… Nhìn vào danh sách các tác giả Ban Văn học đạt giải trong 4 lần trao giải vừa qua (20 năm), ta có thể thấy được sức viết và sự đóng góp của nhà văn Đồng Nai.
Lần I
(2000) |
Lần II
(2001-2005) |
Lần III
(2006-2010) |
Lần IV
(2011-2015) |
Hoàng văn Bổn
Lê Bá Ước Phạm Thanh Quang Nguyễn Thu Trân Đàm Chu Văn Trần Ngọc Tuấn Đỗ Minh Dương
|
Hoàng Văn Bổn
Khôi Vũ Trần Thu Hằng Nguyễn Một Lê Thanh Xuân Đàm Chu Văn Thu Trân Trần Ngọc Tuấn H. Đình Nguyễn Lê Đăng Kháng Minh Chung Nguyễn Đức Phước Nguyên Hùng
|
Trần Thúc Hà
Khôi Vũ Tấn Hoài Hoàng Ngọc Điệp Đàm Chu Văn Lê Thanh Xuân Đỗ Minh Dương Tiêu Thanh Giang Kiều Văn Phẩm Bùi Quang Huy Bùi Công Thuấn
|
Trần Thu Hằng Nguyễn Một
Nguyễn Trí Đào Sỹ Quang Đỗ Trung Tiến Phương Rong Hạnh Vân Đỗ Minh Dương Trần Ngọc Tuấn Lê Đăng Kháng Phan Quang Hợp H. Đình Nguyễn Huỳnh Ngọc Ẩn Vũ Đức Hậu Ng. Xuân Từng Bùi Công Thuấn Bùi Quang Huy |
Các nhà văn đạt giải nhiều lần gồm có: Khôi Vũ (2), Trần Thu Hằng (2), Nguyễn Một (2), Lê Thanh Xuân (2), Đàm Chu Văn (3), Trần Ngọc Tuấn (3), Đỗ Minh Dương (3), Lê Đăng Kháng (2), Bùi Công Thuấn (2), Bùi Quang Huy (2), Thu Trân (2). Rõ ràng đây là đội ngũ nòng cốt, sung sức và có những đóng góp nhất định làm nên bộ mặt văn chương Đồng Nai trong gần 30 năm qua. Nhà văn Nguyễn Trí được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam 2016 là một sự xuất hiện có tính đột phá.
Trong Ban Văn học thuộc Hội VHNT Đồng Nai còn nhiều tác giả có quá trình sáng tác dày dặn như: Hoàng Ngọc Điệp, Nguyễn Hoài Nhơn, Đào Trọng Thử, Trần Thúc Hà, Trương Thanh Phận, và những tác giả trẻ triển vọng như Đào Sỹ Quang, Dương Đức Khánh, Hạnh Vân, Phương Rong… Tác phẩm của họ ít nhiều đã ghi được dấu ấn trên văn đàn, tuy nhiên, họ cần có được những tác phẩm đột phá về nghệ thuật và nội dung để khẳng định tài năng văn chương của mình.
NHÀ VĂN ĐỒNG NAI VIẾT NHỮNG GÌ?
Xin quan sát tác phẩm của những nhà văn tiêu biểu (ghi nhận chưa đầy đủ)
KHÔI VŨ
Sách viết với bút danh Khôi Vũ:
- Già lửa (Tập truyện ngắn–1986), 2. Chuyện ở dãy phố năm căn (Truyện vừa– 1987), 3. Người có một thời (Tiểu thuyết–1988), 4. Giữa dòng đời (Tiểu thuyế –1989), 5. Lời nguyền hai trăm năm (Tiểu thuyết–1989), 6. Dòng sữa cây nước mắt (Tiểu thuyết–1990), 7. Mặt trời của riêng ai? (Tiểu thuyết–1990), 8. Triệu phú (Tiểu thuyết -1992), 9. Ngọn lửa âm thầm (Tiểu thuyết–1993), 10. Tri thiên mệnh (Tập truyện ngắn – 2001), 11. Bên kia dãy điệp vàng (Tập truyện ngắn–2003), 12. Bay với đôi tay trần (Tiểu thuyết–2004), 13. Cái bóng (Tiểu thuyết–2005, 14. Những người nuôi lửa (Tiểu thuyết -2005), 15. Nhớ Biên Hòa (Hồi ức & Truyện ký-2005), 16. Phía sau một khách sạn (Truyện vừa-2006), 17. Vỡ dần trong mắt (Tiểu thuyết-2009), 18. Ám ảnh đất Bazan (Tiểu thuyết-2009), 19. Phù phiếm bên biển (Tập truyện ngắn-2010), 20. Đàn ống tre bên kia sông (Tập truyện ngắn–2012), 21. Bến đời mơ thực (Tiểu thuyết 2016)…
Sách thiếu nhi viết với bút danh Nguyễn Thái Hải:
- Hoa tầm gởi (Truyện vừa-1970), 2. Chiếc lá thuộc bài(Truyện vừa-1971), 3. Ngoài cửa sổ (Truyện vừa-1971), 4. Mùa sương mù (Truyện vừa-1971), 5. Tiếng hát vành khuyên (Truyện vừa-1972), 6. Xóm nhỏ (Truyện vừa-1972), 7. Nhóm lửa (Truyện vừa-1973), 8. Con dốc cổng trường (Truyện vừa-1975), 9. Bên bóng Thái sơn (Truyện vừa–1989), 10. Thằng đầu bò (Tập truyện ngắn–1989), 11. Ba chàng thám tử (Truyện vừa–1992), 12. Cha con ông Mắt Mèo (Truyện vừa–1993), 13. Những trái sao xoay (Truyện vừa–1993, 14. Những ông tướng nhà trời (Truyện vừa–2002), 15. Chú bé phiêu lưu (Tập truyện ngắn–2002), 16. Thằng heo sữa (Truyện vừa–2003), 17. Cánh chuồn kim biếc (Truyện dài 3 tập–2004), 18. Cây trứng cá gãy ngọn (Truyện vừa- 2006), 19. Sao chim không hót (Tập truyện-2011), 20. Mơ làm thủ lĩnh (Truyện vừa – 2011), 21. Một ngày hè ở biển (Tập truyện-2012)…
NGUYỄN MỘT
Tác phẩm cho thiếu nhi – bút danh Dạ Thảo Linh:
Hoa dủ dẻ (Tập truyện – 1997), Năm đứa trẻ xóm đồi (Truyện dài – 1999), Ngũ
hổ tướng (Truyện dài – 2000), Màu hoa trắng (Truyện ký –2001), Long lanh giọt nắng (Truyện dài–2003), Mùa trái chín (Truyện vừa –2004)…
Bút danh Nguyễn Một
Tha Hương (Tập truyện ngắn –1996), Vũ Điệu trên đỉnh Kung Pô (Tập truyện
ngắn –2001), Quà của đất (Tập bút ký –2002), Như là cổ tích (Tập truyện ngắn – 2005), Giữa đời thường (Tập bút ký –2005), Dòng sông độ lượng (Tập bút ký – 2008), Đất trời vần vũ (Tiểu thuyết – 2009), Ngược mặt trời (Tiểu thuyết -2012), Câu chuyện bên một dòng sông – Phim tài liệu VTC9 2009 (kich bản, lời bình và đạo diễn)
Hành trình ước mơ (kịch bản phim tài liệu), Người Việt tử tế (Bút ký-viết chung với Lê Thanh Phong-2017)…
LÊ ĐĂNG KHÁNG
Các tác phẩm đã in: Sương sớm (tập truyện ngắn), Đến hẹn (thơ-2004), Tiếng chim mắc nợ (thơ-1992), Hoa cúc ổi (tiểu thuyết-2006), Quả ngọt (thơ và trường ca -2014), Kẻ đánh thuế đời mình (tập truyện-1997), Vầng trăng nơi thiên đường (tiểu thuyết-1991), Vùng sáng trước mặt (tập truyện- 2002), Thiếu phụ cùng băng ghế (tập truyện-2016)…
PHẠM THANH QUANG
Đã in: Tình yêu thuở ấy (Tập truyện ngắn-1993), Trước dòng xoáy cuộc đời (tiểu thuyết-1995), Sương khói quê nhà (Tập thơ-1999), Địa linh (Tập truyện ngắn -2001), Khoảng lặng không gian (Tập thơ-2002), Lạc giữa hành tinh (truyện thiếu nhi- 2003), Tìm lại mỹ nhân (tập truyện-2004), Tình yêu màu lính (2017)…
NGUYỄN TRÍ
Đã in: Bãi vàng. Đá quý. Trầm hương (Tập truyện-2013), Đồ tể (tập truyện-2014), Thiên đường ảo vọng (Tiểu thuyết-2015), Ảo và sợ (Tập truyện-2016), Tuổi thơ không cánh diều (2016), Ngoi lên từ đáy (2016), Bay cao thì mặc bay cao (2016), Ngụy (Tập truyện-2017), Bụi đời và thục nữ (Tiểu thuyết-2017), Trí Khùng tự truyện (Hồi ký-2017), Khùng (Tập truyện-2017)…
TRẦN THU HẰNG: Chuyến tàu ước mơ (tập truyện thiếu nhi-2004), Đàn đáy (tiểu thuyết, 2005), Cơn lũ, ốc sên và hoa hồng (Truyện vừa, 2005), Chàng thợ gốm (tập truyện thiếu nhi-2005), Rừng thiêng vẫy gọi (Tiểu thuyết, 2006), Trăng khuyết (Tập truyện ngắn, 2006), Người đàn bà lưu vong (Tiểu thuyết, 2008), Thần đồng và cuộc chiến bảo vệ Thủy Tháp (Truyện khoa học viễn tưởng, 2010), Chuyện tình ở Hầm Hinh (Tiểu thuyết, 2015)…
ĐỖ MINH DƯƠNG
Các tập thơ đã in: Thư tình để ngỏ (thơ-1990), Chạnh lòng (thơ-1997), Tình yêu và định mệnh (thơ-2001), Hành trình lục bát (thơ-2003), Với miền đất đỏ (thơ-2007), Đợi chờ bình minh em (tập thơ-2009), Đồng dao cho mình (thơ-2013), Lục bát dọc đường (tập thơ-2014)…
LÊ THANH XUÂN
Các tập thơ đã in: Niềm vui tặng mẹ (thơ thiếu nhi in chung- 1978), Trăng qua nhà (1989), Tiếng ru đêm (2000), Đồng Hành (2001), Âm điệu quê hương (2003), Trong vườn (tập thơ thiếu nhi – 2003), Khoảng cách thời gian (2006), Hồn đá (2006), Thơ Lê Thanh Xuân (tuyển tâp- 2015), Tặng và nhớ (2018)…
TRẦN NGỌC TUẤN: Các tập thơ đã in: Giác quan biển (1994), Giữa cỏ (1996), Chân chim hóa thạch (1998), Con mắt dã quỳ (2000), Gửi dòng sông Đồng Nai (2004), Suối reo (2006), Hiện hữu (2013)…
ĐÀM CHU VĂN:
Tác phẩm đã in: Dòng sông ngại chảy (Tập thơ-1998). Tiếng Mùa (Tập thơ-2003), Ký ức tháng tư (tập ký-2003), Trong màu lá cây rừng (tập truyện ký-2004), Cào cào giã gạo (tập thơ thiếu nhi-2005), Hai Phía thời gian (tập thơ- 2009), Giấc rừng (Tập thơ-2014)…
NGUYỄN ĐỨC PHƯỚC
Sông Thiêng (Tập thơ-2000), Đêm khát (tập thơ-2008)…
Với trên 53 cuốn sách đã in (tính đến 2017) trong đó có nhiều tiểu thuyết, nhiều bộ truyện cho thiếu nhi, nhà văn Khôi Vũ-Nguyễn Thái Hải đã có một sự nghiệp văn chương đồ sộ. Anh vẫn đang nỗ lực hoàn thành những bộ sử thi khi anh bước vào tuổi 70 (2020). Ở thể loại nào anh cũng có những thành tựu. Tiểu thuyết Lời nguyền hai trăm năm với cấu trúc hai tuyến song song có bóng dáng sử thi, đến nay vẫn được đánh giá cao về nghệ thuật tiểu thuyết so với tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Nguyễn Thái Hải đặc biệt thành công ở truyện viết cho thiếu nhi. Truyện thiếu nhi của anh hấp dẫn và giàu giá trị giáo dục. Anh có nhiều truyện trinh thám thiếu nhi mà người lớn đọc vẫn thích thú. Truyện ngắn Khôi Vũ mang hơi thở thời sự nhưng vẫn vươn lên tính tư tưởng. Khôi Vũ viết rất nhanh, có một “tứ” là anh có thể viết thành một truyện thú vị. Chuyến đi Singapore ngắn ngủi nhưng anh đã viết được 9 truyện ngắn, tiền nhuận bút dư đủ cho cả chuyến đi. Già Lửa, Chuyện ở dãy phố năm căn và Đàn ống tre bên kia sông là những tập truyện viết trực tiếp về con người, đất nước Đồng Nai, nhưng những tác phẩm khác của Khôi Vũ cũng phản ánh rất rộng không gian, thời gian, đất nước con người Đồng Nai. Nhân vật của Khôi Vũ mang khí chất Đồng Nai, mạnh mẽ, giàu nghĩa tình. Trang văn của anh đẹp và giàu tình người.
Hai nhà văn Lê Đăng Kháng và Phạm Thanh Quang từng là người lính thời kháng chiến chống Mỹ. Văn của các anh đậm chất lính. Phạm Thanh Quang từng bị “tai nạn nghề nghiệp” vì một truyện trong tập truyện Địa linh (2001). Cả hai đều in các tập thơ. Tập thơ Quả ngọt của Lê Đăng Kháng được giải Trịnh Hoài Đức lần thứ IV (2011-2015).
Nhà văn Nguyễn Trí xuất hiện và tự khẳng định bằng giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013 và rất nhanh sau đó, anh được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam 2016. Tiểu sử của anh gây sửng sốt văn đàn. Năm 1975, Nguyễn Trí mới học lớp 10. Gia đình phân tán, anh vào Đồng Nai mưu sinh khi mới 17 tuổi. Anh đã lăn qua đủ thứ nghề: Nghề nấu rượu, nghề nhảy tàu, nghề đi tìm vàng, khai thác đá quí, trầm hương, nghề chặt củi, đốt than, xe ôm… Ấn tượng sâu đậm nhất với anh là nghề đồ tể và nghề dạy Anh văn (chính xác là dạy tiếng Anh “bồi”). Tác phẩm của anh được viết từ chất liệu của chính cuộc đời anh. Hiện đang là “thời” của anh, mỗi nhà văn đều có “thời” của mình. Anh liên tục in tác phẩm. Năm 2017 anh đã in 4 cuốn.
Tôi chú ý đến hai “nhà văn trẻ” mà tác phẩm của họ có nhiều yếu tố cách tân của tiểu thuyết Việt. Đó là Nguyễn Một và Trần Thu Hằng. Nhà văn Nguyễn Một khẳng định tài năng viết tiểu thuyết với tác phẩm Đất trời vần vũ. Đến tiểu thuyết Ngược mặt trời, Nguyễn Một thực sự cách tân cách viết. Anh gọi tiểu thuyết của anh là “tiểu thuyết rời rạc”. Anh phối hợp nhiều kiểu bút pháp của tiểu thuyết đương đại, phối hợp thể loại. Có cả một vở kịch trong tác phẩm. Nguyễn Một thực sự thử thách bản lĩnh ngòi bút khi viết về những vấn đề nóng của lịch sử và thời đại như vấn đề đạo Công giáo ở Việt Nam, về chiến tranh. Dù vậy anh vẫn có những trang văn lãng mạn rất đẹp.
Trần Thu Hằng khẳng định tài năng văn chương ở tiểu thuyết lịch sử và cách mạng (Chuyện tình ở Hầm Hinh). So với Khôi Vũ và Nguyễn Một, Trần Thu Hằng đã mở rộng biên độ thời gian và không gian hơn, đề cập trực tiếp những vấn đề lịch sử và cách mạng ở Đồng Nai hơn. Trần Thu Hằng đặc biệt xây dựng được nhân vật người phụ nữ bản lĩnh trong những hoàn cảnh khốc kiệt của đời sống. Tiểu thuyết của Trần Thu Hằng hấp dẫn từ trang đầu đến trang cuối. Ngôn ngữ văn chương của Trần Thu Hằng giàu phẩm chất trí thức và chất văn chương.
Về các nhà thơ, Tôi chú ý thơ Thiền của Trần Ngọc Tuấn. Trần Ngọc Tuấn chọn loại thơ này quả là một thách đố tư tưởng và tài năng, hơn thế bằng cả đời hành Thiền của mình. Nhà thơ không thể viết thơ Thiền khi không thông hiểu kinh Phật. Phật giáo có hàng trăm bộ kinh, bộ nào cũng khó đọc: kinh Chuyển pháp luân, kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa, kinh Kim Cang, kinh Pháp hoa, kinh Lăng nghiêm, kinh Tạp A Hàm, Trung A Hàm, Trường A Hàm, kinh Pháp cú…Nhưng là một nhà thơ, Trần Ngọc Tuấn phải chuyển hóa tư tưởng Phật thành tứ thơ, và tứ thơ ấy chỉ nở hoa bằng trải nghiệm Thiền và giác ngộ Thiền của chính tác giả. Tư tưởng Thiền đã trở thành tư tưởng thẩm mỹ từ thơ Thiền Lý-Trần. Tư tưởng ấy cũng sâu đậm trong thơ Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều. Thơ Thiền đương đại chỉ có Phạm Thiên Thư và Trần Ngọc Tuấn. Trong khi các nhà thơ trẻ hăm hở thể nghiệm thơ Hậu hiện đại thì Trần Ngọc Tuấn lại trở về nguồn và có những đóng góp mới. Đó chính là tài năng và bản lĩnh sáng tạo.
Các nhà thơ Đàm Chu Văn, Lê Đăng Kháng, Đỗ Minh Dương, Lê Thanh Xuân vẫn viết bằng bút pháp “truyền thống”. Đàm Chu Văn có thế mạnh ở những bài thơ viết về đồng đội trong chiến tranh. Đỗ Minh Dương có những bài đồng dao hay. Trường ca của Lê Đăng Kháng có rất nhiều lửa nghệ thuật. Thơ Lê Thanh Xuân có nhiều tứ hay và mới lạ. Tôi đọc tuyển tập 150 bài thơ của Lê Thanh Xuân và nhận ra phẩm chất “thi sĩ” của anh vượt trội ở sự sáng tạo nhiều tứ thơ tài hoa và phóng khoáng. Những nơi anh qua, những nơi anh đã sống đều hiện lên rất đẹp, rất đặc sắc và rất thơ theo góc nhìn riêng của anh. Lê Thanh Xuân cũng có những bài đi một lối khác với thơ truyền thống, đó là loại thơ truyền thống-hiện đại, tuy anh không nói đến cách tân. Dòng chảy “truyền thống-hiện đại” là dòng chảy chính của thơ Việt sau những nỗ lực của nhiều nhà thơ muốn cách tân thơ từ sau đổi mới (1986).
Thơ của Nguyễn Đức Phước, Hạnh Vân (tác giả đạt giải Trịnh Hoài Đức lần thứ IV cả thơ và văn, chưa là hội viên Hội Nhà văn) nằm trong trường “thơ trẻ” đầu thế kỷ XXI với kiểu tư duy, kiểu ngôn ngữ mới. Tuy nhiên, hai tác giả này đi sau Nguyễn Quang Thiều, Thanh Thảo, Văn Cầm Hải, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Vĩnh Tài, Ly Hoàng Ly, Vy Thùy Linh…nên không gây được sự chú ý trên văn đàn.
MAI SAU…
40 năm qua, Hội VHNT Đồng Nai đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình. Các hoạt động VHNT sôi nổi, số hội viên được kết nạp thêm nhiều. Các văn nghệ sĩ Đồng Nai đạt nhiều giải thưởng của trung ương và của nước ngoài (xin đọc các văn bản tổng kết của Hội). Văn học nghệ thuật Đồng Nai phản ánh được đất nước con người Đồng Nai trong các chặng đường lịch sử và cách mạng, đồng thời tiếp bước các thế hệ cha anh làm giàu thêm văn hóa Đồng Nai. Đó là một thành tựu quan trọng.
Về văn học, thế hệ nhà văn bước ra từ kháng chiến đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhà văn-chiến sĩ. Đó là cố nhà văn Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, Nguyễn Đức Thọ và các nhà văn Lê Đăng Kháng, Phạm Thanh Quang, các nhà thơ Lê Thanh Xuân, Đỗ Minh Dương, Đàm Chu Văn…Tác phẩm văn học viết về đề tài cách mạng và kháng chiến là dòng chảy chính và có những thành tự lớn (tác phẩm của Hoàng Văn Bổn, Lý Văn Sâm). Những nhà văn mặc áo lính cũng bày tỏ những trăn trở về những vấn đề đạo đức, lối sống khi đất nước chuyển sang kinh tế thị trường. Thế hệ này giữ nguyên bút pháp của Chủ nghĩa Hiện thực xã hội chủ nghĩa và thi pháp của văn chương kháng chiến. Nhà văn trẻ Trần Thu Hằng đang tiếp bước dòng chảy này, bước đầu đã có những thành tựu có giá trị khẳng định tài năng. Nhưng cũng thật khó, vì Trần Thu Hằng không có trải nghiệm đời sống kháng chiến phong phú như các nhà văn đi trước. Chuyện tình ở Hầm Hinh của Trần Thu Hằng là một thành công của một cây bút trẻ dồi dào sức sáng tạo.
Văn chương Đồng Nai cũng đã xuất hiện thế hệ nhà văn hướng về thị trường, tác phẩm của họ hòa vào văn chương thị trường. Điều này là tất yếu khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường hội nhập toàn cầu hóa. Đó là các nhà văn Khôi Vũ-Nguyễn Thái Hải, Nguyễn Một, Nguyễn Trí… Các nhà văn này đều có tác phẩm đứng được trong thị trường và có những đóng góp vào sự đổi mới chung của văn chương Việt Nam, như sự thể nghiệm nhiều kiểu bút pháp khác với văn chương “truyền thống”(Họ đã được giải thưởng của Hội Nhà Văn). Tuy nhiên, nếu chỉ hướng vào văn chương thị trường thì văn chương Đồng Nai sẽ khó vượt lên. Trước 1945, nhà văn Lê Văn Trương đã viết 247 cuốn. Vũ Ngọc Phan, trong Nhà văn hiện đại, đã kinh ngạc: “Viết sách mà mỗi tháng cho ra vài quyển, có lẽ từ xưa đến nay ở nước ta mới có Lê Văn Trương là một”. Thế nhưng đến nay, có mấy người nhắc đến ông, bởi ông viết văn chương thị trường, sự tồn tại tác phẩm của ông do thị trường quyết định.
Những nhà văn trẻ như Đào Sỹ Quang, Dương Đức Khánh, Hạnh Vân, Phương Rong…cũng đã khẳng định được tên tuổi trên văn đàn. Họ sẽ là mùa xuân của văn chương Đồng Nai… Người Đồng Nai có quyền chờ đợi và hy vọng.
Trách nhiệm bồi dưỡng thế hệ nhà văn trẻ của Hội VHNT Đồng Nai thật nặng nề…
Tháng 3. 2018
_______________________________