THƠ THIỀN CỦA TRẦN NGỌC TUẤN
(Đọc tập thơ Hiện hữu của Trần Ngọc Tuấn. Nxb Hội Nhà văn 2013)
Bùi Công Thuấn
Tập thơ Hiện hữu của Trần Ngọc Tuấn (*) có 40 bài thơ Thiền. Thơ trong tập Hiện hữu là tiếng nói của người hành Thiền, tức là sự khám phá tư tưởng Thiền và những trải nghiệm trên con đường tu tập Thiền Tịnh Độ. Người thơ đã đạt tới là trạng thái an nhiên, vô ngại, không còn bận tâm đến những vấn đề nhân sinh. Thơ chỉ có tâm thức và tư tưởng, không có tâm trạng, không có cảm xúc nhục thể hay những vui buồn của muôn nẻo đường đời. Vẻ đẹp của thơ là vẻ đẹp tư tưởng và vẻ đẹp cốt cách tài hoa của tác giả, với tư cách là một nhà thơ, không phải là một Thiền sư
Đường đi sáu nẻo mênh mang
Chẳng màng biển lớn, chẳng màng núi cao
Đêm về sẵn có trăng sao
Sáng ra sen nở đầy ao trước nhà
(Trên đường thiên lý)
Tôi tạm chia thơ Thiền Trần Ngọc Tuấn thành hai loại. Loại thứ nhất gồm những bài thể hiện trực tiếp tư tưởng Thiền, những bài này rất ít chất thơ. Loại thứ hai là thơ, tứ thơ là sự thăng hoa tư tưởng Thiền. Những bài thơ này có thể đọc theo hai nghĩa, nghĩa của thơ và nghĩa của Thiền. Nói cách khác, Thiền đã thăng hoa thành thơ và thơ Thiền của Trần Ngọc Tuấn có cốt cách riêng. Tôi chú ý đến những bài thơ này.
TRÊN ĐƯỜNG THIÊN LÝ
Đường đi sáu nẻo mênh mang
Chẳng màng biển lớn, chẳng màng núi cao
Đêm về sẵn có trăng sao
Sáng ra sen nở đầy ao trước nhà
Lớp nghĩa thứ nhất gợi ra cốt cách những hiền sĩ xưa, không màng danh lợi, dù lợi danh như biển lớn, như núi cao. Con người trở về với thiên nhiên, sống cuộc sống an nhiên tĩnh tại. Cỏ vẻ như ta đã gặp đâu đó một cốt cách như thế, Nguyễn Công Trứ chẳng hạn: “Của trời trăng gió kho vô tận/ Cầm hạc tiêu dao đất nước này”.
Và xa hơn là Nguyễn Trãi:
Côn Sơn suối chảy rì rầm,
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.
Côn Sơn có đá rêu phơi,
Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm.
Trong ghềnh thông mọc như nêm,
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.
Trong rừng có bóng trúc râm,
Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.
(Côn Sơn ca-Nguyễn Trãi)
Nhưng những từ “Sáu nẻo”, “sen nở đầy ao” trong thơ Trần Ngọc Tuấn dẫn ta về nẻo Thiền. Người đời thường nói “đường đời muôn nẻo”, Trần Ngọc Tuấn viết “sáu nẻo”. Ấy là những nẻo luân hồi. Con người sau khi chết thì lại đầu thai vào một trong sáu nẻo: Ngạ quỷ, địa ngục, cõi người, Súc sinh, A tu la, cõi trời. Từ “sen nở đầy ao” có hai Thiền thoại. Thiền Thoại thứ nhất kể rằng, tại hội Linh Sơn, khi đức Phật đưa lên một cành hoa, Đại Ca Diếp mỉm cười. Phật biết chánh pháp đã có người tâm đắc kế thừa sau này. Sau đó Đức Phật đem pháp Tứ Đế, Thập nhị nhân duyên, khai thị cho Tôn giả. Người ta cho rằng cành hoa Đức Phật cầm là hoa sen, nơi Ngài giảng thuyết ở gần ao. Thiền thọai thứ hai kể rằng, Hữu Nghiêm Đại Sư, chuyên tu tịnh nghiệp, được tam muội, sự linh ứng rất nhiều. Đại sư lại nằm mộng thấy hoa sen lớn nở trong ao, nhạc trời vi nhiễu, khi tỉnh dậy làm thơ để tự tiễn hành. Bảy hôm sau, ngài ngồi ngay thẳng mà hóa. [1]
Như vậy, Trên đường thiên lý là chứng nghiệm của hành giả (người hành Thiền) đã vượt qua tử sinh và “ngộ đạo” như Ca Diếp hoặc Hữu Nghiêm Đại Sư. Xin lưu ý rằng, nhân vật trữ tình không hiện diện trực tiếp trong bài thơ, vì thế có thể hiểu bài thơ là niềm hạnh phúc của tất cả những hành giả đã chứng ngộ, cũng có thể là trải nghiệm riêng của Trần Ngọc Tuấn khi tâm thức đã buông bỏ được những tham sân si ở đời.
Nói như vậy vẫn chưa giải thích được cái hay bài thơ này trong sự kết hợp Thiền và thơ. Chất thơ đậm ở hình ảnh thơ và nhạc điệu của Lục bát. Có lẽ ít có câu thơ lục bát nào mà hình ảnh, nhạc điệu phóng khoáng tự tại như thế. Nguyễn Du có câu thơ: “Cánh hồng bay bổng tuyệt vời”, hoặc “dọc ngang trời rộng vẫy vùng biển khơi” để miêu tả cái cốt cách Từ Hải. Liên tưởng như thế, người đọc cũng nhận ra cốt cách thi nhân của Trần Ngọc Tuấn. “mênh mang biển lớn/ núi cao/ trăng sao” mở ra sự vận động của thời gian không gian rộng, nhưng không mất hút vào hư không, mà đọng lại nơi “sen nở đầy ao trước nhà”, tất cả trở nên viên mãn. Hình như thấp thoáng nụ cười của Ca Diếp.
QUÊ NHÀ
Đâu đâu cũng thấy quê nhà
Giọng chim hót sớm, tiếng gà gáy trưa
Đò chiều lặng lẽ dưới mưa
Thong dong ông lão đón đưa người về
Bài thơ vẽ ra không gian quê thanh bình và tình quê sâu nặng của người thơ. Người thơ nhìn “Đâu đâu cũng thấy quê nhà”. Những âm thanh “Giọng chim hót sớm, tiếng gà gáy trưa” thân thương lắm. Con đò buổi chiều không chỉ là con đò mà còn là tấm lòng của người quê mong “đón đưa người về”. Cơn mưa chiều càng làm cho đò chiều lặng lẽ hơn. Người đọc nghe trong âm vang hồn mình tiếng gà gáy rộn trong thôn trong thơ Lưu Trọng Lư (“Tiếng gà đã rộn trong thôn,/ Nửa đời phiêu lãng chỉ còn đêm nay”- Giang hồ), nghe sự thảng thốt của trần Tế Xương: “Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò” (Sông Lấp). Hình ảnh ông lão đưa đò còn gợi ra Bến My Lăng vắng lặng: “Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng,/ Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng…”(Yến Lan). Liên hệ như thế để thấy Thơ Trần Ngọc Tuấn có sức gợi sâu rộng trong lòng người đọc.
Nếu hiểu bài thơ như vậy thì chất Thiền của bài thơ hiển lộ ở yếu tố nào?
“Quê nhà” và “người về” lấy ý câu chuyên con ông trưởng giả trong kinh Pháp Hoa. Truyện kể rằng: Đứa con ông Trưởng Giả bỏ cha đi lưu lạc. Lang thang, ăn mày từ nơi này sang nơi khác, mỗi ngày càng xa quê cũ. Rồi trên bước đường tha hương cầu thực, gã trở về đúng vào ngôi nhà xưa ấy, gặp ngay người cha ấy, nhưng gã nào có hay biết. Gã đã quên cội gốc của mình từ lâu. [2] Câu chuyện cũng là hình ảnh của chúng sinh, lang thang trong khắp nẻo luân hồi, làm khách phong trần, “trôi dạt theo dòng thức sanh diệt và đuổi bắt những pháp hư ảo bên ngoài. Càng theo cái sanh diệt hư huyễn thì càng xa cái chơn thật vô sanh, tức càng ngày càng xa quê hương chính mình.”. Vua Trần Thái Tông đã nói trong bài kệ Núi thứ nhất viết: “Lang thang làm khách phong trần mãi,/ Ngày cách quê hương muôn dặm trình”. (Khóa Hư Lục – Thích Thanh Từ dịch) [2 đd]
Câu truyện người con hoang trở về cũng có trong Kinh thánh Tân Ước: “Đức Giê-su nói tiếp: “Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng”. Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói ! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy’. Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. (Luc 15, 11-20)
Hai câu chuyện cùng kể về sự trở về của người con hoang nhưng tư tưởng và chủ đề khác nhau. Thiền thoại nói đến sự từ bỏ cái hư huyễn, trở về chân tâm để tự chứng ngộ. Kinh Thánh nói về hình ảnh con người tự đánh mất mình trong tội lỗi và ý thức tự hối để trở về với cội nguồn Cứu độ là tình yêu thương (người Cha). Từ tư tưởng Thiền, Trần Ngọc Tuấn chuyển hóa thành thơ với những hình ảnh vừa quen thuộc, vừa mới mẻ, đó là sự sáng tạo tài năng của nhà thơ.
TRÊN ĐỈNH KIM-CANG
Giờ ngồi với đỉnh Kim-Cang
Thương ngày xưa mải lang thang kiếm tìm
Ruổi rong tăm cá bóng chim
Bỏ quên tiếng hát trong tim thì thầm
Bài thơ dẫn người đọc vào ngay cảnh giới Thiền “Giờ ngồi với đỉnh Kim-Cang”.
Kim-Cang là kinh Kim Cang Bát nhã ba-la-mật, một bản kinh quan trọng và sớm nhất trong kinh điển Phật giáo Đại thừa. Kim Cang Bát nhã Ba-la-mật có nghĩa là trí tuệ tuyệt đối cứng rắn như kim cương. Kinh có một sức mạnh sấm sét, phá tan mọi kiến chấp. Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ nói về trí tuệ tuyệt đối khi giảng đoạn 1 kinh Kim Cang như sau: “Có một thời, đức Thế Tôn ở tại nước Xá Vệ (Sravasti), bên rừng cây Kỳ Đà (Jeta), trong vườn Cấp Cô độc (Anathapindika), cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị đại tỳ kheo. Tới giờ ăn sáng, ngài mặc y, cầm bát đi vào thành Xá Vệ khất thực. Sau khi trở về và ăn xong, Ngài thu dọn y bát, rửa chân, trải tòa ngồi xuống”. Ý nghĩa của đoạn kinh này là: Chân lý tuyệt đối, trí tuệ bát nhã là trí tuệ thấy cái tột cùng sự thật ngay ở cuộc sống hiện tại, không phải là cái gì xa lạ, mà ở ngay trong mọi cử chỉ hành động của cuộc sống hiện tại. Không tìm trí tuệ bát nhã ở đâu hết, mà ngay trong thực tại, như việc Đức Phật đi khất thực và làm những việc bình thường.[3]
Bộ kinh này bao gồm một cuộc đàm luận giữa Phật và tôn giả Tu-bồ-đề. Cốt tủy của kinh Kim Cang là hàng phục tâm và an trụ tâm, “Ưng vô sở trụ nhi sinh kì tâm”, bởi vì tất cả các pháp đều không có Ngã, không có Nhân, không có Chúng Sanh, không có Thọ Giả.. Cuối kinh có bài kệ rằng: Nhất thiết hữu vi pháp/ Như mộng huyễn bào ảnh/ Như lộ diệc như điện/ Ưng tác như thị quán (nghĩa là: Tất cả các pháp hữu vi/ Như là mộng huyễn, như là điện sương,/ Như bóng nước, như ảnh tượng, /Xét suy như thế cho tường chớ quyên.)
Bài thơ là tấm lòng Bồ tát thương chúng sinh, cũng là tự ý thức của hành giả về sự lầm lạc ngày xưa. Đó là những ngày “lang thang kiếm tìm/ Ruổi rong tăm cá bóng chim”, như con ông trưởng giả trong kinh Pháp Hoa, càng đi càng xa chân tâm, càng vô vọng như “bóng chim tăm cá”, mà quên mất rằng sự chứng ngộ ở ngay ở tâm của mình, “Bỏ quên tiếng hát trong tim thì thầm”. Nghe được tiếng thì thầm trong tâm chính là “kiến tánh”. Kiến Tánh là nhận ra Bản Thể Tâm bất sanh bất diệt của mình. Từ đó thấy rõ thân này cho đến vũ trụ đều là pháp sanh diệt, hư huyễn.
MÂY NGHÌN NĂM TRƯỚC và LẶNG NGHE
Mây nghìn năm trước
về đâu?
Tôi nghìn năm cũ
bể dâu chốn nào?
Vạn ngày một giấc chiêm bao
Mây nghìn năm trắng
và tôi phiêu bồng
“Cái Tôi” hiện diện trực tiếp trong bài thơ, cái Tôi suy tư, cái Tôi lãng mạn. Ba câu đầu là câu hỏi triết lý về hiện hữu, không có câu trả lời. Từ đây Tôi nhận ra thực tại là hư huyễn. Đời người chỉ là một giấc chiêm bao. Trong kinh Vô Ngã Tướng, Đức Thế Tôn nói rõ: Tất cả sắc…, thọ…, tưởng…, hành…, thức, đều là vô ngã, vô thường, “dầu ở quá khứ, hiện tại hay vị lai, ở bên trong hay ở ngoại cảnh, thô kịch hay vi tế, thấp hèn hay cao thượng, xa hay gần, đều phải được nhận thức với tri kiến chân chánh theo thực tướng của nó: ‘Cái này không phải của tôi, đây không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi’.”[4] Không có cái Tôi tự Ngã thì sao có thể hỏi về “Tôi nghìn năm cũ”. “Mây nghìn năm” là sắc, là vô thường, vô ngã, sao có thể hỏi “Mây nghìn năm trước về đâu?”
Câu cuối là một nhận thức chân lý. Mây ngàn năm vẫn trắng và tôi cũng như mây, tôi phiêu bồng. Khi buông bỏ câu hỏi về hiện hữu thì hiện hữu hiển thị. Hành giả đột ngột tri ngộ, bay lên. Bao nhiêu sức nặng của Ngã chấp kéo con người xuống cõi u mê đều bị chặt đứt. Điệp từ “Mây nghìn năm trước” và” Mây nghìn năm trắng” được dùng thật sáng tạo để khám phá cái tột cùng sự thật ngay ở cuộc sống hiện tại (Kinh Kim Cang)
LẶNG NGHE
Lặng nghe ngọn cỏ yên bình
Mới hay mặt đất ân tình làm sao
Lặng nghe tiếng gió trên cao
Mới hay chim chóc trăng sao vui vầy
Lặng nghe nhịp đập tim này
Mới hay Ngã chấp từ nay phai tàn
Đọc bài thơ bằng ngôn ngữ thơ, người đọc thấy được sự tinh tế của nhà thơ khi “lặng nghe tiếng ngọn cỏ, tiếng gió, tiếng chim, tiếng trăng sao” và lặng nghe lòng mình. Đó là một tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, là nhận thức sâu sắc về sự sống, về “ân tình”. Mặt đất làm cho ngọn cỏ xanh, cho cây cối đầy hoa trái, là nơi nuôi dưỡng con người. Trên cao kia là không gian tự do, là niềm hoan ca của vạn vật chim chóc trăng sao. Và từ thiên nhiên, vũ trụ, ngoại cảnh, nhà thơ trở về nghe lòng mình, tuyệt nhiên không vướng bận. Và vì không còn vướng mắc vào Cái Tôi, nên nhà thơ thấy mình hòa trong muôn vật, nhận ra giá trị của hiện hữu.
Thực ra hành giả đã hàng phục tâm theo lời Phật trong kinh Kim Cang: “Phật bảo Tu Bồ Đề: “Các bậc Bồ Tát đại nhân nên hàng phục tâm mình như sau: Có cả thảy bao nhiêu loại chúng sanh, hoặc sinh từ trứng, hoặc sinh từ thai, hoặc sinh từ sự ẩm ướt, hoặc từ sự biến hóa, hoặc có hình sắc, hoặc không có hình sắc, hoặc có tri giác, hoặc không có tri giác, hoặc không phải có tri giác cũng không phải không có tri giác, ta đều phải đưa tất cả các loài ấy vào Niết Bàn tuyệt đối để tất cả đều được giải thoát.”. Lời dạy ấy có nghĩa là, muốn hàng phục tâm, hành giả phải độ chúng sinh, “đưa tất cả chúng sinh vào Niết Bàn tuyệt đối”. Khi ta còn vướng mắc vào sắc tướng, khi ta còn “nghe”, còn “hay” bằng Ngã chấp, thì ta còn lầm lạc. Chỉ khi muôn ngàn hình tướng (niệm) cho lặng xuống, lặng vào chỗ không còn sanh diệt, khi đó là hàng phục tâm. Cho nên, hành giả “lặng nghe”(nghe trong tĩnh lặng) tiếng ngọn cỏ, tiếng gió, tiếng chim, tiếng trăng sao, và “lặng nghe nhịp đập tim này”, là tiếng của chúng sinh đã được đưa vào Niết Bàn tuyệt đối. Vì thế, hành giả thấy mình hồn nhiên cùng chim chóc, cây cỏ, trăng sao.
Ý NGHĨA CỦA HIỆN HỮU
Hai bài thơ Mây nghìn năm trước và Lặng nghe đã thể hiện rõ thái độ về hiện hữu của Trần Ngọc Tuấn. Bài thơ Hiện hữu làm rõ thêm ý nghĩa tư tưởng của tập thơ:
Tay nâng giọt nước ân tình
Thấy trong hiện hữu có hình muôn hoa
“Giọt nước” gợi ta nhớ đến “giọt sương trên ngọn cỏ” trong bài thơ Thị đệ tử của Vạn Hạnh Thiền sư về lẽ vô thường: “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,/ Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô./ Nhậm vận thịnh suy vô bố uý,/ Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.”(Đời người như bóng chớp, có rồi không,/ Vạn thứ cây mùa xuân tốt tươi, mùa thu khô héo./ Đạt đến thông hiểu rồi thì sự thịnh suy không sợ hãi,/ Thịnh suy chẳng qua như giọt sương treo đầu ngọn cỏ.)
“Giọt nước” cũng gợi ra thiền thọai “Giọt nước cành dương” của Quán Thế âm Bồ Tát cứu độ chúng sinh. Đó là “giọt nước ân tình”. Nếu hành giả đưa tất cả chúng sinh vào Niết Bàn tuyệt đối như lời Phật dạy, thì ngay trong thực tại này (hiện hữu) đã thấy được Phật trong vạn vật (Kinh Hoa Nghiêm). “Hình muôn hoa” cũng chính là cành hoa đức Phật giơ lên và Ca Diếp đã cười. Hiện hữu của Trần Ngọc Tuấn đã vượt qua hiện sinh của chủ nghĩa Hiện Sinh. “Nương theo pháp thấy ánh rằm/ Nương theo trí thấy lặng thầm hoa bay”(Hoa bay).
Thơ Thiền Trần Ngọc Tuấn tiếp nối được dòng thơ Thiền Việt Nam đã có từ thời Lý- Trần trong lịch sử văn học dân tộc.Trần Ngọc Tuấn là nhà thơ chọn cho mình một lối đi riêng trong dòng chảy thơ Việt đương đại sau Phạm Thiên Thư.
Tháng 01. 2018
__________________
(*). Trần ngọc Tuấn sinh ngày 1.1.1964, quê ở Quảng Ngãi. Tốt nghiệp ĐH Kinh tế Tp HCM, hiện sống ở Đồng Nai. Hội viên Hội Nhà văn Việt nam (2001).
Tác phẩm đã xuất bản: Giác quan biển (1994), Giữa cỏ (1996), Chân chim hóa thạch (1998). Con mắt dã quỳ (2000), Gửi dòng song Đồng Nai (2004), Suối reo (2006), Hiện hữu (2013)
[1] Quê hương cực lạc.https://thuvienhoasen.org/a8014/huu-nghiem-dai-su
[2] Con đường trở về: [3] https://phatphapungdung.com/kinh-kim-cang-giang-giai-phan-9-122742.html [4] Kinh Vô ngã tướng: http://linhquyphapan.vn/tin-tuc/kinh-vo-nga-tuong
Pingback: THƠ THIỀN TRẦN NGỌC TUẤN | Tranngoctuanvn's Blog