VĂN HỌC CÔNG GIÁO VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI-Trò chuyện văn chương kỳ 2

Bạn có thể đọc các bài viết chính của Bùi Công Thuấn theo link:  buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

 

https://www.youtube.com/watch?v=czojfBL7wps

“TRÒ CHUYỆN VĂN CHƯƠNG”-Kỳ 2

Giới thiệu

VĂN HỌC CÔNG GIÁO VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI

***

            Kính thưa quý vị và các bạn,

Văn học Công giáo Việt Nam đến nay đã có một lịch sử phát triển gần 400 năm. Các giá trị của Văn học Công giáo đã được nghiên cứu và khẳng định. Giới học thuật trong nước bắt đầu nhận ra diện mạo của văn hóa, văn học Công giáo trong sự phát triển chung của dân tộc.

Nghiên cứu về văn học Công giáo có các công trình: Lịch sử văn học Công giáo của Võ Long Tê xuất bản năm 1965, cuốn Văn học Công giáo Việt Nam-Những chặng đường của Lê Đình Bảng, xuất bản năm 2010 và  cuốn Sơ thảo Văn Học Công giáo Việt Nam của nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh xuất bản ở Canada năm 2023.

Ngoài ra, còn nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu khác như GS Lm Thanh Lãng, GS Nguyễn Văn Trung, Ông Phạm Đình Khiêm, Ts Lm Dom Nguyễn Đức Thông, Lm Gioan Võ Đình Đệ, Lm Trương Đình Hiền, Lm Paul Nguyễn Minh Chính và các nhà nghiên cứu chữ quốc ngữ như Lm Nguyễn Hưng, Lm Jos Đỗ Quang Chính,..

 Những công trình này đã ghi nhận và bao quát rất rộng lịch sử văn học Công Giáo từ khởi đầu đến nay, cả trong nước và hải ngoại.

Kính thưa quý vị và các bạn,

Cuộc trò chuyện hôm nay giới thiệu với các bạn chuyên luận Văn học Công giáo Việt Nam đương đại của Bùi Công Thuấn. Cuốn sách được nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản năm 2022. Tác giả tập trung nghiên cứu Văn học Công giáo từ 1975 đến nay, nhằm tiếp nối và bổ sung cho các công trình của Võ Long Tê và Lê Đình Bảng.

Nội dung cuốn sách Văn học Công giáo Việt Nam đương đại gồm 4 phần:

Phần “Tổng quan”, ngược dòng tiến trình phát triển lịch sử của văn học Công giáo; nghiên cứu Mỹ học Kitô giáo và tìm hiểu những Lời dạy của Giáo hội về văn học nghệ thuật. Đây là phần tiền đề có ý nghĩa phương pháp luận cho việc nghiên cứu. Trên nền tảng của các lý thuyết văn họcphê bình văn học đương đại, tác giả tiếp giải quyết những vấn đề mà các nhà nghiên cứu đi trước còn bỏ ngỏ.

Phần “Thơ Công giáo đương đại” nghiên cứu chung về thơ Công giáo ở giai đoạn sau Hàn Mạc Tử, từ đó khám phá những sáng tạo mới mẻ về tư tưởng, thi pháp, phong cách của thơ Xuân Ly Băng, Trăng Thập Tự, Lê Đình Bảng, Trần Mộng Tú, Trần Vạn Giã, Trần Đỉnh, và về các câu lạc bộ Đồng Xanh ThơThi Ca Cầu Nguyện.

Phần “Văn xuôi Công giáo đương đại” là một đóng ghóp mới vào văn học Công giáo, bởi trước đó, người ta chỉ biết đến thơ ca Công giáo qua thơ Hàn Mạc Tử. Chuyên luận đặc biệt viết về tác phẩm của Song Nguyễn, của Lm Nguyễn Trung Tây, Lm Nguyễn Đức Thông, nhà văn Nguyễn Thị Khánh Liên, nhà văn Nguyễn Văn Học, các tác giả trẻ, các nhà nghiên cứu Công giáo, các giải thưởng văn học Công giáo…

Phần “Phụ lục”: Chuyên luận đặ lại vấn đề về một số tác phẩm còn nghi vấn. Tiểu thuyết Một linh hồn của Thụy An không phải là một tác phẩm văn học Công giáo. Đây chỉ là một chuyện tình lấy bối cảnh Công giáo. Tây Dương GiaTô bí lục, không phải là một “sử liệu” mà chỉ là một ngụy thư, được viết để phỉ báng Kitô giáo. Và, những vấn đề còn tồn nghi về tác giả Inê tử đạo vãn– Chuyên luận khám phá tác phẩm từ văn bản.

Phần “Phụ lục” cũng khảo sát các hoạt động văn hóa, các sáng tác văn học ở các giáo phận Phát Diệm, Quy Nhơn, Xuân Lộc.

Kính thưa quý vị và các bạn,

4.Ngoài việc ghi nhận sự phát triển phong phú của văn học Công giáo đương đại, chuyên luận còn khẳng định những đóng góp của văn học Công giáo Việt Nam cho văn học dân tộc:

Thứ nhất là, Văn học Công giáo đem đến cho văn học dân tộc tư tưởng Thần học, Triết học và Mỹ học Kytô giáo, khác biệt hẳn với tư tưởng tư tưởng Phật, Nho, Lão trong văn học Trung đại Việt Nam, chịu ảnh hưởng từ văn học Trung quốc. Xin đọc Felippe do Rosario Bỉnh.

Thứ hai là, Văn học Công giáo góp phần phát triển thể loại văn học Việt, chẳng hạn thể truyện văn xuôi chữ Nôm (Các thánh truyện của Majorica), thể Diễn ca (Sấm truyền ca của Lm. Lữ Y Đoan), đặc biệt là văn chương chữ Quốc ngữ (các sáng tác của Lm. Felippe do Rosario Bỉnh như là một khởi đầu có ý nghĩa đặc biệt)

Thứ ba là, kế tục truyền thống văn học hiện thực của dân tộc, Nhà văn Công giáo góp tiếng nói có trách nhiệm về vận mệnh dân tộc trước những biến động lịch sử. Ngày nay, các bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ, tác phẩm của Lm Đặng Đức Tuấn vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử, tư tưởng và văn học…

Thứ tư là, Văn học Công giáo góp phần hiện đại hóa văn học dân tộc. Truyện thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản được coi là truyện quốc ngữ đầu tiên viết theo phong cách phương Tây. Thơ Hàn Mạc Tử đã đưa thơ Việt Nam từ cổ điển đến hiện đại (từ thơ làm theo thi pháp thơ Đường đến thơ Siêu thực). Tuần báo Nam Kỳ Địa Phận được xuất bản liên tục trong 37 năm (1908-1945) là một đóng góp quan trọng vào sự phát triển của báo chí Quốc ngữ đầu thế kỷ 20. Các vở Tuồng: Tuồng Cha Minh (1881), Tuồng Joseph (1888), Tuồng Sinh nhựt (1912), Tuồng Thương Khó (1912), là những tác phẩm tiên phong của thể loại kịch hiện đại Việt Nam.

Thứ năm là, ngay từ khởi đầu, văn học Công giáo Việt Nam đã tích cực hội nhập với văn hóa, văn học dân tộc: từ việc hội nhập tư tưởng, nội dung đến nghệ thuật. Thể Diễn ca Lục bát, truyện văn xuôi chữ Nôm, việc Việt hóa ngữ liệu văn học phương Tây (rõ nhất trong Sấm truyền ca), việc phản ánh và khắc họa bối cảnh lịch sử và con người Việt Nam thời đại (Thuật tích việc nước Nam)..

Kính thưa quý vị và các bạn, rất tiếc là,

Cho đến nay, “Văn học Công giáo Việt Nam” vẫn còn xa lạ đối với công chúng. Hiện chưa có một công trình chính thức nào của các trường Đại học, của Viện Văn học hay của một cơ quan, một tổ chức xã hội nghiên cứu về lịch sử Văn học Công giáo được được công bố. Ủy ban Văn hóa của Hội đồng Giám mục Việt Nam có Ban Thánh nhạc, Ban Mỹ thuật thánh nhưng không có Ban Văn học Thánh.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên:

Đạo Công giáo truyền vào Việt Nam trong những thế kỷ mà lịch sử Việt Nam có những biến động dữ dội. Các vị Thừa sai đầu tiên và Giáo hội Việt Nam sau này chỉ tập trung vào việc truyền đạo. Việc dùng chữ Quốc ngữ và các hình thức thơ văn viết kinh sách là để truyền đạo, không hướng đến sáng tác văn học. Giáo hội sử dụng Thánh ca, Thánh vịnh, Kinh thánh Cựu Ước, Tân Ước hay Mỹ thuật thánh, kể cả Kiến trúc trong Phụng vụ là để tế lễ Thiên Chúa và loan báo Tin Mừng… Vì thế, Giáo hội Công giáo Việt Nam không xây dựng một nền văn học riêng của mình.

            6.Kính thưa quý vị và các bạn,

Chuyên luận “Văn học Công giáo Việt Nam đương đại” là cái nhìn tổng quan về văn học Công giáo, đặt ra và giải quyết những vấn đề phương pháp luận nghiên cứu văn học, đồng thời tập chú vào thực trạng và những vấn đề của Văn học Công gíao hôm nay (từ sau 1975 đến nay).

Chẳng hạn,

Hiện đã có một thế hệ nhà văn trẻ Công giáo hội nhập được với thời đại mới, nhưng làm thế nào để giúp họ phát huy tài năng, in ấn tác phẩm và sinh hoạt chung trong một môi trường sáng tạo Công giáo? Hay họ sẽ chỉ là người viết đơn lẻ như những người cầm bút đi trước, rồi dần dần mai một đi!

Hiện nay đội ngũ các nhà nghiên cứu Công giáo khá đông đảo. Họ có tài năng và tâm huyết, song làm thế nào để quy tụ họ lại, thống nhất tư tưởng và phương pháp để viết bộ Lịch sử văn học Công giáo, hoặc thực hiện những công trình nghiên cứu từ các nguồn tư liệu nằm trong thư viện trên khắp thế giới? Đến bao giờ thì văn học Công giáo Việt Nam mới được công nhận là một bộ phận lịch sử của văn học Việt Nam?

Và một vấn đề đã được đặt ra từ rất lâu là, bao giờ Ủy ban Văn hóa của Hội đồng Giám mục Việt Nam có một Ban văn học để phát triển văn học Công giáo, xây dựng một nền văn học của Tin Mừng?

Câu trả lời còn ở phía trước.

Rất mừng rằng, hiện nay đã có những Nghiên cứu sinh làm luận văn Tiến sĩ về đề tài Văn học Công giáo, và đã có nhà nghiên cứu văn học thế tục quan tâm đến những đóng góp của văn học công giáo với văn học dân tộc.

 Riêng giáo phận Quy Nhơn có nhiều hoạt động để hướng đến 400 năm Văn học Công giáo, như tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tổ chức các giải thưởng văn học. Tủ sách Nước Mặn đã in ấn các sáng tác của người trẻ Công giáo, trong đó có công trình Sơ thảo văn học Công giáo của nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh. Việc in ấn này là sự kế tục và để làm phong phú thêm tủ sách của cha ông…

Bức tranh Văn học Công giáo Việt Nam đương đại đã có những mảng màu tươi sáng hướng đến tương lai. Thời đại hội nhập toàn cầu đã mở ra vận hội mới về tư tưởng và nghệ thuật cho nhà văn Công giáo; và dịp kỷ niệm 400 năm Văn học Công giáo Việt Nam sẽ là một hội tụ có ý nghĩa lịch sử đối với sự phát triển của văn học Công giáo.

Xin chân thành cám ơn quý vị và các bạn đã chia sẻ.

Bạn có thể tải file cuốn sách theo link

https://www.mediafire.com/file/o2eeqq9s8cwr7u1/00_VHCG_%25C4%2590%25C6%25AF%25C6%25A0NG_%25C4%2590%25E1%25BA%25A0I_ALLS.rar/file

***

Loading

Đánh giá bài viết
call Hotline 1 0798287075 call Hotline 2 0798 287 075 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok