VĂN HỌC CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI HỘI NGHỊ LÝ LUẬN PHÊ BÌNH VĂN HỌC LẦN THỨ V
(Bản tin)
Bùi Công Thuấn
***
Ngày 27/11/2024 tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp cùng Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Việt Nam và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Lý luận Phê bình Văn học lần thứ V với chủ đề “50 năm Văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và Xu thế” .
Hội nghị quy tụ nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận nhà phê bình uy tín cả nước về tham dự. Có 45 tham luận được in trong Kỷ yếu hội nghị. Vì thời gian giới hạn, chỉ những tham luận có tính tiêu biểu mới được trình bày trực tiếp trong hội nghị.
Chúng tôi chú ý đến một vài tham luận đề cập đến những vấn đề mình quan tâm:
–Thành tự của văn học Việt Nam sau 1975, Nhìn từ việc tiếp nhận lý thuyết phương tây hiện đại của PGS-TS Trần Hoài Anh.
–Dấu ấn hành trình 50 năm của thi ca hậu chiến của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.
–Lý luận-Phê bình văn nghệ Việt Nam từ ngày Đổi Mới: Thành tựu và hạn chế của PGS-TS Nguyễn Văn Dân.
–Tiểu thuyết lịch sử Việt Namn sau 1975: Diện mạo và khuynh hướng của TS Nguyễn Văn Hùng.
–Tiểu thuyết Việt Nam sau 50 năm thống nhất đất nước của TS Đỗ Hải Ninh.
–50 năm đổi mới thơ Việt của nhà thơ Trần Anh Thái.
–Dòng chảy thế hệ các nhà văn trẻ Tp HCM 50 năm qua: diện mạo, đặc điểm, và thành tựu. TS Hà Thanh Vân.
Và đặc biệt là tham luận của nhà thơ Mai Văn Phấn: “Cảm thức đức tin trong thơ Công giáo Việt nam từ 1975 đến nay” và ý kiến phản biện sau đó cũng đồng thuận với những gì tham luận đã trình bày. Tham luận này được trình bày trực tiếp trong hội nghị, và được in lại trên trang vanvn.vn của Hội Nhà văn Việt Nam ngày 28/11/2024..
Lần đầu tiên trong một Hội nghị khoa học về Lý luận-Phê bình văn học có một tham luận về đức tin Công giáo, về thơ ca Công giáo.
Nhà thơ Mai Văn Phấn khẳng định:
“Đạo Công giáo bắt đầu hiện diện tại Việt Nam từ khoảng thế kỷ XVI…Từ khi có Đạo Công giáo, đức tin Kitô giáo đã tác động sâu sắc đến đời sống tinh thần của một bộ phận người Việt, đặc biệt, góp phần làm phong phú và thay đổi diện mạo văn học Việt Nam. Các tác phẩm văn học Công giáo, từ thơ ca, văn xuôi đến văn học giáo lý, dần hình thành và phát triển, mang theo tinh thần và giáo huấn Kitô giáo. Điều này không chỉ tạo nên một dòng chảy văn học tôn giáo mà còn góp phần làm phong phú nền văn học nước nhà với các đề tài mới mẻ về đức tin, lòng mến, và niềm hy vọng. Nhân đức tin, tình yêu thương, sự khiêm nhường và lòng bác ái của đạo Công giáo được thể hiện rõ nét trong văn học Công giáo, tạo nên những tác phẩm ca ngợi Thiên Chúa và các giá trị nhân bản. Văn học Công giáo cũng tạo nên những lối viết độc đáo, kết hợp giữa ngôn ngữ dân gian và ngôn ngữ giáo lý, khiến cho những giáo huấn Kitô giáo trở nên gần gũi với người dân Việt Nam. Đồng thời, chữ Quốc ngữ – một công cụ mà các vị thừa sai đã dày công phát triển – không chỉ là phương tiện truyền giáo mà còn trở thành nền tảng văn hóa quan trọng, thúc đẩy văn học phát triển theo hướng mới. Qua đó, đạo Công giáo đã tạo nên một môi trường tinh thần, giúp con người hướng về sự siêu việt, tìm kiếm chân lý và cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống hàng ngày.”[[1]]
“Với Công giáo Việt Nam, cảm thức đức tin Thiên Chúa và những biến chuyển tinh thần trong văn chương được thể hiện rõ trong diễn trình thơ Công giáo từ năm 1975 đến nay. Cảm thức ấy biểu hiện qua khát vọng cứu rỗi, an bình và hy vọng trước những biến động không ngừng của thời cuộc khi các giá trị xã hội và văn hóa liên tục thay đổi”.
“Theo thiển nghĩ của tôi, các nhà thơ là tín hữu Công giáo người Việt không nhiều; trước năm 1975 có thể xướng tên các nhà thơ, Bàng Bá Lân[2], Hồ Dzếnh[3], Hàn Mặc Tử[4], Quách Thoại[5]…; sau năm 1975 có các nhà thơ như Lê Quốc Hán[6], Xuân Ly Băng, Lê Đình Bảng[7], Đình Chẩn[8], Trần Vạn Giã[9], Mai Văn Phấn… “
Tuy tham luận chưa giới thiệu được đầy đủ về thơ ca Công giáo Việt Nam sau 1975, nhưng những gì đã được trình bày tại Hội nghị là sự khẳng định về một nền thơ ca Công giáo trong dòng chảy thi ca dân tộc, khẳng định vai trò của đức tin Công giáo đối với đời sồng tinh thần của một bộ phận người Việt và đối với thi ca. Sự hiện diện của tham luận này cũng thể hiện cái nhìn rộng mở của Hội Nhà văn Việt Nam khi tổng kết thành tựu 50 năm của văn học Việt. Cái nhìn rộng mở này xuất phát từ ánh sáng nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII:“Phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các tôn giáo, tín ngưỡng” hướng đến “phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”.
Nhìn chung, Hội nghị Lý luận Phê bình Văn học lần thứ V mới chỉ là bước khởi đầu trong việc tổng kết thành tựu 50 năm văn học Việt Nam từ 1975, mới chỉ là “thoáng nhìn” hay một “phác thảo” về 50 năm văn học vừa qua, bởi vì nhiều bài tham luận có nội dung rất sơ sài trong việc tổng kết, đánh giá, lý giải những thành tựu. Chẳng hạn tham luận:
–Tiểu thuyết Việt Nam sau 50 năm thống nhất đất nước của TS Đỗ Hải Ninh.
–50 năm đổi mới thơ Việt của nhà thơ Trần Anh Thái.
…
Từ Hội nghị LLPBVH lần thứ IV năm 2016 tại Tam Đảo đến nay đã 8 năm. Tất cả những vấn đề văn học làm “nóng” văn đàn một thời nay đã lắng xuống. Nhìn trong hội trường, nhiều khuôn mặt nổi trội ở những hội nghị lần trước, nay đã vắng bóng (có lẽ vì tuổi tác) như GS-TS Trần Đình Sử, GS Nguyễn Đăng Mạnh, nhà phê bình Chu Giang, cả những nhà phê bình “trẻ”, những “thùng thuốc nổ” trong những hội nghị lần trước (chữ của giới phê bình) như nhà phê bình Nguyễn Hòa, nhà phê bình Đông la… cũng không xuất hiện. Đó là một thực tế, lịch sử đã sang trang đón một thế hệ văn học mới.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khái quát mục tiêu của Hội nghị: “Hội nghị Lý luận Phê bình lần thứ V hy vọng sẽ mang tới một cái nhìn khoa học, có tính lịch sử, có tính tổng kết cũng như phác thảo một diện mạo văn học Việt Nam trong những thập niên tới của đất nước. Hội nghị một lần nữa khẳng định và tôn vinh những giá trị đã có của văn học Việt Nam 50 năm qua, đồng thời cũng là sự chào đón một thời đại mới của văn học Việt Nam như chúng ta từng chờ đợi”.
Tháng 11/ 2024
VÀI HÌNH ẢNH HỘI NGHỊ:
(Toàn cảnh)
PGS-TS Nguyễn Ngọc Thiện-BCT-Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam)
(Từ trái qua: nhà văn Dương Hướng, Minh Chuyên, Phan Hoàng, BCT, Mai Văn Phấn)
(PGS-TS Nguyễn Ngọc Thiện, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Nhà văn Bích Ngân và BCT)
(Cafe vỉa hè Hà Nội trước khi vào hội nghị: Nhà văn Trần Văn Tuấn, nhà thơ Trần Đăng Khoa…)
[1] Mai Văn Phấn-Cảm thức đức tin trong thơ Công giáo Việt Nam từ 1975 đến nay
Cảm thức đức tin trong thơ Công giáo Việt Nam từ 1975 đến nay