BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CHÍNH CỦA BÙI CÔNG THUẤN THEO LINK:
buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc
VĂN TRẺ ĐỒNG NAI
Bùi Công Thuấn
***
TỔNG QUAN
Bài viết này là sự nhận dạng bước đầu một “thế hệ” văn chương Đồng Nai xuất hiện đầu thế kỷ XXI, cũng là lời chào một thế hệ mới, sẽ là trụ cột, là người kế tục sự nghiệp văn chương của các thế hệ đi trước ở Đồng Nai. Nhiều chục năm qua, lãnh đạo Hội VHNT Đồng Nai nặng lòng tìm kiếm những cây bút trẻ. Đến nay (2023) Hội đã kết nạp trên 10 hội viên trẻ và có trên 20 người là cộng tác viên thường xuyên ở lĩnh vực văn học [[1]].
Đó là các tác giả thế hệ 8x và 9x: Nguyễn Huyền Quy, Lê Vũ Anh Đào, Đào Nguyên Thảo, Phương Rong, Hoàng Thị Quỳnh Trang, Huỳnh Ngọc Tuyết Cương, Lê Phan Hiếu Anh, Tống Thanh Tâm, Hoàng Thu Thảo, Đàm Minh Khôi, Lã Hoài Mai, Hoàng Phương, Nguyễn Hải Yến, Trần Hoan, Trần Thị Hiếu, Văn Ánh Ngọc, Vân Nhi, Phạm Bá Khoa, Lý Thăng Long, Võ Anh Vũ, Hoàng Phước Nguyên, Phan Gia Hưng, Nguyễn Võ Mỹ Duyên, Vy Ngân, Trần Huynh Quỳnh, Lê Nguyễn Hà Ngọc, Ngô Gia Hân, Phan Nhật Anh, Minh Anh, Đặng Huệ Linh, Lưu Thiện Vương, Nguyễn Thị Thu Ngân,…[[2]]
Tôi ghi nhận, Hội VHNT Đồng Nai đã tổ chức nhiều hoạt động văn học cho người viết trẻ: tổ chức trại sáng tác trẻ (trại sáng tác trẻ lần thứ nhất được tổ chức năm 2017), in các tuyển tập văn học trẻ (tuyển tập Thiếu nhi và dân tộc thiểu số (2018), Khi đàn chim vỗ cánh (2019), Chạy về phía mặt trời (2021); chọn cử tác giả tiêu biểu đi dự Hội nghị người viết văn trẻ toàn quốc (Phương Rong, Nguyễn Huyền Quy, Huỳnh Ngọc Tuyết Cương). Những hoạt động ấy đều hướng đến việc quy tụ những tài năng và bồi dưỡng “tay nghề” cho người viết trẻ. Và chúng ta có thể hy vọng những mùa gặt ở tương lai.
Người viết trẻ Đồng Nai hôm nay sinh ra và bắt đầu viết trong một bối cảnh văn hóa, xã hội hoàn toàn khác với cha anh. Từ sau “Đổi mới” (1986), đất nước đã chuyển sang nền kinh tế thị trường và đã có nhiều thành tựu hội nhập toàn cầu hóa. Người viết trẻ Đồng Nai hoàn toàn sống trong hòa bình, no ấm. Internet đã kết nối toàn cầu, nhờ thế, họ có nhiều điều kiện tiếp cận những thành tựu văn học thế giới và họ có nhiều môi trường hoạt động văn học hơn.
Đảng đã có những đổi mới về văn học (Nghị quyết Trung ương 5 ngày 16 tháng 7 năm 1998, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị ngày 16/6/2008, Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI), khuyến khích mọi thể nghiệm sáng tạo, vì thế họ không còn vướng mắc về phương pháp sáng tác Hiện Thực Xã hội Chủ nghĩa như thế hệ trước. Người viết trẻ hôm nay được thử nghiệm mọi kiểu sáng tác miễn là tác phẩm đạt được những giá trị đích thực.
Đến nay, văn chương Việt Nam đã chảy thành ba dòng với những đặc điểm khác biệt: Văn chương cách mạng và kháng chiến, Văn chương dân chủ và nhân văn và Văn chương thị trường. Người trẻ có thể chọn lựa khuynh hướng cho ngòi bút của mình và có thể học tập được rất nhiều điều từ thế hệ nhà văn đi trước. Họ được khuyến khích viết về cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, như thế hệ cha anh: Hoàng Văn Bổn, Lý Văn Sâm, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Nguyễn Minh Châu, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy… Họ cũng thấy được nhữ hạn chế của những tác phẩm văn học thời “đổi mới” (1986-2000) của Nguyễn Mạnh Tuấn, Lê Lựu, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Hoàng Minh Tường, Tạ Duy Anh, Trần Huy Quang…Họ có thể tiếp tục con đường cách tân như Thanh Thảo, Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Quý, Văn Cẩm Hải, Ly Hoàng Ly, Mai Văn Phấn…Hoặc lăn vào dòng Văn chương thị trường như nhà văn Khôi Vũ, Nguyễn Một, Nguyễn Trí, Nguyễn Nhật Ánh, Dương Thụy…
Đảng yêu cầu: “Trên nền tảng mỹ học mác-xít, tư tưởng Hồ Chí Minh, khuyến khích văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn của đất nước, gắn bó với cuộc sống của nhân dân, bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại; lên án, phê phán không khoan nhượng những tiêu cực, xấu xa đang cản trở sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam” (Nghị quyết 23/BCT).
Văn học là sự lên tiếng nói trước những vấn đề của thời đại. Và trước những yêu cầu của Đảng, thế hệ người cầm bút 8x, 9x sẽ viết gì, viết thế nào để có những đóng góp mới mẻ cho sự phát triển của văn học Đồng Nai?
Tôi nghĩ, để thực hiện được mục tiêu: “xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” theo những yêu cầu trên của Đảng, người viết trẻ Đồng Nai cần phải kế thừa được truyền thống của các thế hệ đi trước đồng thời phải mạnh dạn sáng tạo. Thời nào có văn chương của thời ấy.
NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CHUNG
1. Đã xuất hiện một thế hệ mới nhiều hy vọng
Nhìn vào sáng tác của Văn trẻ Đồng Nai, tôiđã thấy bóng dáng những nhà văn chuyên nghiệp. Con đường sáng tạo của họ còn dài, và chúng ta có quyền hy vọng.
Nhiều người trong số họ đã quan tâm đến cuộc sống chung quanh, ghi chép những câu chuyện của cộng đồng, khám phá nhân vật hôm nay, đốt nóng cảm hứng từ hiện thực mình quan sát và trải nghiệm; hoặc trăn trở về những vấn đề nhân sinh và lên tiếng nói trách nhiệm của người nghệ sĩ. Đấy là hướng đi rộng mở và đúng với yêu cầu “bám sát thực tiễn của đất nước, gắn bó với cuộc sống của nhân dân,…”.
Hoàng Thị Quỳnh Trang quan tâm đến vần đề giáo dục trẻ tình gia đình, tình anh em, tình bạn (Mẹ; Mùa đông đầu tiên). Hoàng Thu Thảo viết về những “góc đời sứt mẻ”, những thân phận hẩm hiu (Góc đời sứt mẻ; Mùa nấm mối). Tống Thanh Tâm có cái nhìn sâu sắc và nhân hậu hơn về tình yêu, về hoang thai (Nụ cười), về thực tại con cái không chăm sóc cha mẹ già (Nghịch thời) và sự tha hóa đạo đức của con người hôm nay khi người ta đánh đổi tất cả để lấy sự xa hoa. Truyện của Lê Vũ Anh Đào hướng về những vấn đề tư tưởng khi khám phá hiện thực. Trong một xã hội thực dụng, con người không bằng con chó (Một chuyện không cười nổi). Để vượt qua bi kịch, người trẻ cần mở lòng ra biết đón nhận yêu thương của mọi người (Yêu thương ngày cũ). Lã Hoàng Mai viết những truyện giải trí giàu tính giáo dục. Ở quán café những người không ngủ là một truyện khá hay về người trẻ hôm nay. Trịnh Khánh Linh viết rất sâu sắc và đầy yêu thương về tình yêu của người đồng tính (Hoàng hôn vắng một người), về thảm cảnh của những đứa trẻ trong một gia đình tan vỡ (Cha và con; Những cánh diều cô đơn). Và Đào Nguyên Thảo có những truyện, những bài thơ tình yêu đầy cảm động (Truyện: Hoàng hôn muộn; Mẹ sẽ trở về; Thơ: Em và muộn sầu giầu kín; Đến cuối con đường). Nguyễn Huyền Quy là một tài năng đa dạng. Tác giả này vừa làm thơ, vừa viết truyện, vừa viết kịch bản và viết chân dung văn nghệ sĩ. Ở mỗi thể loại, Huyền Quy đều ghi được dấu ấn riêng.
Nội dung, tư tưởng và những vấn đề tác giả đặt ra trong tác phẩm sẽ làm nên giá trị của một ngòi bút, song nghệ thuật thể hiện sự sáng tạo mới làm nên khuôn mặt văn chương của một tác giả, mới định vị tác giả trên dòng chảy văn học đương đại.
Thơ Huỳnh Ngọc Tuyết Cương gây được ấn tượng, bởi vì, bài thơ nào của anh cũng có tứ thơ mới lạ. Thơ Đào Nguyên Thảo quyến rũ ở giọng thơ tự tình nhẹ nhàng nhưng hàm chứa tư tưởng, bản lĩnh và trí tuệ mạnh mẽ của một người con gái dám đối mặt với mọi giông bão cuộc đời. Trịnh Khánh Linh có ngòi bút phân tích tâm lý rất tinh tế và sâu sắc, văn giàu chất thẩm mỹ, thể hiện một tình cảm yêu thương con người rất chân thực. Tống Thanh Tâmcó cách nhìn đa diện về một vấn đề. Và tác giả này viết rất thuyết phục dù đó là những vấn đề gai góc. Truyện thiếu nhi của Hoàng Thị Quỳnh Trang giàu tính giáo dục nhưng nhẹ nhàng và hấp dẫn. Lã Hoàng Mai trong truyện Ở quán café những người không ngủ đã viết khá hấp dẫn về người trẻ hôm nay; truyện có thể nói với người trẻ nhiều điều khi người đọc soi chiếu sự tương phản giữa nhân vật Tôi và cậu trai lạ (đọc bằng Giải Cấu trúc-cặp đối lập nhị phân).
2.Nhiều cây bút trẻ chưa thoát khỏi Cái Tôi
Điều này thể hiện rõ khi tác giả viết về chính mình, khi kể những câu chuyện mà mình là nhân vật. Cần phân biệt với nhân vật xưng Tôi do tác giả nhập thân vào một nhân vật khác trong truyện để trần thuật.
Thực ra viết về chính mình, về Tôi, không có gì đáng trách, nếu Cái Tôi ấy mang được những đặc điểm của con người thời đại. Khi ấy Cái Tôi ấy trở thành Cái Ta chung.
Thơ của Lê Phan Hiếu Anh là tiếng nói của Cái Tôi hôm nay: cô đơn, buồn, trăn trở.
Nguyễn Hải Yến trong bài viết ngắn Chạy về phía mặt trời chỉ là ghi lại những cảm xúc, suy nghĩ của Tôi khi giúp đưa một cháu bé 4 tuổi đi qua chỗ có con chó to, vì cháu sợ chó. Bài viết không đề cập đến bất cứ vần đề xã hội nào. Thơ Nguyễn Huyền Quy là những lời tâm tình của người vợ trẻ nói với chồng, của người mẹ trẻ (tác giả) nói với con về tình yêu thương của mình (Quà sinh nhật con, Chàng kỵ sĩ lên 3, Ru con, Con thuyền của mẹ, Tóc ngắn, Như em đợi anh). Đàm Minh Khôi chưa vượt qua văn chương học trò (Biên Hòa trong tôi). Ngô Gia Hân (Tiệm sách cũ), Nguyễn Võ Mỹ Duyên cũng kể những chuyện thời học trò (Nhành hoa ngũ sắc). Lý Thăng Long lại kể chuyện tình học trò đầy bạo lực và thực dụng chủ nghĩa (Con đường hôm qua; Em là mùa hạ trong tôi)
Tôi không tìm thấy tiếng nói của người viết trẻ Đồng Nai về những vấn đề nóng của hôm nay như: vấn đề biển Đông, Hoàng sa, Trường sa. Không có tác phẩm nào của người trẻ lên tiếng về sự xâm lăng văn hóa (đặc biệt là sex vô luân và lồi sống thực dụng), sự suy đồi về đạo đức; tình trạng công nhân thất nghiệp, nạn buôn người, nạn kinh doanh xác thịt phụ nữ, tình trạng lưu manh lừa gạt trong mọi hoạt động xã hội. Nhận xét này của Nghị quyết 23/BCT có thể đúng với một vài tác giả trẻ Đồng Nai: “Có biểu hiện xa lánh những vấn đề lớn lao của đất nước, chạy theo các đề tài nhỏ nhặt, tầm thường…”.
Tôi ngỡ ngàng khi đọc Chạy về phía mặt trời của Nguyễn Hải Yến.Nhân vật Tôi giúp em bé 4 tuổi đi qua chỗ có con chó to. Em bé sợ chó. Tôi không hiểu tác giả đặt vấn đề xã hội gì trong bài viết ấy? Tôi xót xa hơn khi đọc Con đường hôm qua; Em là mùa hạ trong tôi của Lý Thăng Long. Tác giả say sưa kể chuyện tình học trò với những cảnh đấm đá và những thủ đoạn lừa tình, dù nhân vật học trò mới chỉ là học sinh lớp 7…Chuyện hai nhà hàng xóm mất gà, sinh ra xích mích nghe đã cũ lắm rồi, nhưng Lê Vũ Anh Đào viết lại (Vụ án hai con gà), không rõ để giải quyết vấn đề xã hội nào? Đọc Nguyễn Huyền Quy viết về chiếc xe chở con đi học hàng ngày (Con thuyền của mẹ), tôi không tìm thấy vấn đề thế sự nào ngoài đó là chuyện riêng tư của tác giả với con mình.
3.Thử đề xuất một vài vấn đề.
Trừ một số ít tác giả có cách viết điêu luyện, hấp dẫn, khi tiếp cận một hiện thực mới; nhiều tác giả rất lúng túng trong kiến tạo tác phẩm như cấu trúc truyện, khắc họa nhân vật, chọn lựa bút pháp và xây dựng một phong cách riêng.
Tôi có cảm giác các tác giả trẻ không đọc Lý luận văn học về bản chất và sứ mệnh văn chương, về mối quan hệ nhà văn-tác phẩm-người đọc và cuộc đời. Họ mới chỉ viết theo quán tính, viết theo năng khiếu trời cho, chưa có ý thức sáng tạo tiến bộ. Việc sử dụng bút pháp rất đơn điệu và chưa chú ý đến vẻ đẹp văn chương (lời văn). Nếu họ đọc Văn học là gì (đề cập những vấn đề Viết là gì? Viết để làm gì? Viết cho ai?) của J.P.Sartre, họ sẽ nghĩ khác, viết khác[[3]]. Và nếu họ đọc kỹ các Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị Quyết 23/ BCT, họ sẽ thực hiện tốt hơn trách nhiệm công dân trong sáng tác của mình.
Vốn sống, vốn văn học của các tác giả rất mỏng. Trang văn của họ thiếu những tầng vỉa văn hóa giàu có của cha ông, vì thế tác phẩm của họ khó có thể hội nhập vào dòng chảy văn chương dân tộc đương đại. Chẳng hạn, về thơ tình yêu lãng mạn, những Xuân Diệu, Nguyễn Bính, TTKH,… đã thống trị văn đàn thời 1930-1945. Bây giờ vẫn có tác giả trẻ Đồng Nai viết những bài thơ tình loại thơ 7, 8 chữ với nhạc điệu, ngôn ngữ, nỗi buồn sự cô đơn của Cái Tôi như thời Xuân Diệu, thì thơ ấy tuy mới viết, song đã cũ lắm rồi.
Bởi thơ Việt đã có những nỗ lực cách tân mạnh mẽ sau từ 1945. Năm 1946, Trần Dần đã đòi “chôn Thơ Mới”. Và từ năm 1956, nhóm Sáng tạo ở Sài Gòn với Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên đã chủ trương làm thơ tự do, thoát ly hoàn toàn thơ tiền chiến (trước 1945). Độc giả miến Bắc đọc thơ tình Hoàng Cầm, đọc thơ cách tân của Lê Đạt, Trần Dần. Độc giả miền Nam đọc thơ tình Nguyên Sa, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên, Lý Thụy Ý… Và thế hệ “Thơ Trẻ” đầu thế kỷ XXI cũng đã để lại dấu ấn trong việc cách tân Thơ Việt (Văn Cầm Hải, Ly Hoàng Ly, Vy Thùy Linh, nhóm Ngựa Trời…). Tôi ngờ rằng có những tác giả trẻ Đồng Nai chưa từng đọc thơ tình Việt Nam nên mới lặp lại người đi trước (?).
Về nghệ thuật kiến tạo tác phẩm, hình như khi viết Tùy bút, tản văn, các tác giả chưa đọc tùy bút Nguyễn Tuân, tùy bút Anh Đức, chưa đọc Ký của Hoàng Ngọc Điệp. Viết truyện ngắn, các tác giả chưa học được nghệ thuật cấu trúc truyện theo sự vận động tâm lý nhân vật của Nam Cao (truyện Chí Phèo), cách giữ bí mật cốt truyện của Nguyễn Quang Sáng (truyện Chiếc lược ngà), cách xây dựng truyện bằng nhiều tình huống liên tiếp của Nguyễn Minh Châu (Chiếc thuyền ngoài xa), kể theo phong cách Kinh thánh và chuyện cổ điển của Nguyễn Huy Thiệp (Phẩm Tiết, Vàng Lửa, Kiếm sắc), và chưa tác giả nào có những thử nghiệm các bút pháp đương đại như Văn chương Hiện sinh với thủ pháp “dòng ý thức”, Chủ nghĩa Siêu thực, Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, Chủ nghĩa Hậu Hiện đại, kiểu văn chương tư tưởng (như F. Kafka, J.P.Sartre, A.Camus…)
Nói cách khác, Vốn viết văn của ngưởi viết trẻ Đồng Nai còn rất mỏng. Đó là vốn sống, vốn lịch sử, vốn văn học Việt, vốn Lý luật văn học, đặc biệt là các lý thuyết văn học và phê bình văn học đương đại (Phê bình mới Anh, Mỹ; Ký hiệu học, Phân tâm học, Chủ nghĩa Cấu trúc, Giải cấu trúc, Lý thuyết trò chơi-Game Theory, Thuyết người đọc-Reader Theory…). Những “vốn” này ảnh hưởng trực tiếp đến trang viết. Thí dụ, nếu người trẻ muốn viết về văn học kháng chiến (kế tục nhà văn Hoàng Văn Bổn, nhà văn Lý Văn Sâm, nhà văn Lê Bá Ước, nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ), họ cần phải biết lịch sử kháng chiến, học cần đọc các sử thi kháng chiến, đọc thơ kháng chiến và hơn nữa, chính họ phải có vốn về đời sống kháng chiến (bằng cách nghiên cứu, điều tra, đi thực địa, gặp các nhân chứng, đến các vùng chiến trường…). Người làm thơ trẻ muốn theo kịp thơ Việt hôm nay, thì họ phải biết thơ truyền thống, thơ kháng chiến, phải biết những nỗ lực cách tân thơ Việt từ 1945 đến nay. Nếu không, họ sẽ rất lạc lõng và rất cũ.
Tôi nghĩ, Hội VHNT Đồng Nai cần có nhiều trại sáng tác bồi dưỡng nghiệp vụ hơn là trại tham quan gặp gỡ. Đồng thời tổ chức những cuộc trao đổi, giới thiệu tác giả, tác phẩm để họ có cơ hội cọ sát, tự định vị ngòi bút của mình.
NIỀM HY VỌNG
Dù các tác giả trẻ Đồng Nai mới chỉ bắt đầu hành trình văn học của mình, song đã xuất hiện những cốt cách và tài năng. Vấn đề là Hội VHNT Đồng Nai cần hết sức chăm lo cho họ. Được vậy, chúng ta có quyền hy vọng những mùa vàng văn học Đồng Nai trong thời gian không xa.
Tháng 3/ 2023
Đọc tiếp: 15 KHUÔN MẶT VĂN TRẺ ĐỒNG NAI
***
Bạn có thể đọc đầy đủ chuyên luận Văn trẻ Đồng Nai, (xin tải về theo link:
https://www.mediafire.com/file/1kfyphruj3k0ejy/V%25C4%2582N_TR%25E1%25BA%25BA_%25C4%2590%25E1%25BB%2592NG_NAI-B%25E1%25BA%25A3n_full-official.pdf/file
[1] Trần Thu Hằng-Nhân Hội nghị Viết văn trẻ lần thứ X: Sức trẻ trong sáng tác văn học ở Đồng Nai
http://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202206/nhan-hoi-nghi-viet-van-tre-lan-thu-x-suc-tre-trong-sang-tac-van-hoc-o-dong-nai-3120426/index.htm
[2] Tổng hợp từ bài viết của các tác giả: Hoàng Ngọc Điệp, Đàm Chu Văn, Hạnh Vân, Thy Vân.
[3] What is Literature? by Jean-Paul Sartre