Bạn có thể đọc các bài viết chính của Bùi Công Thuấn theo link: buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc
NAM KỲ ĐỊA PHẬN – Bài 5- VỀ VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
Bùi Công Thuấn
***
Bạn có thể tải bản full chuyên luận về Nam Kỳ Địa Phận (5 bài viết) của Bùi Công Thuấn theo link: https://www.mediafire.com/file/fo4ies0y1dtxses/NKĐP-Chuyên+luận+pdf.rar/file
***
Về văn học, Nam Kỳ Địa Phận có phần Thi phú, có các chuyên đề dạy “làm văn” và đăng nhiều truyện trong mục Truyện giải buồn. Bình quân mỗi số báo 24 trang, có 5 trang đăng thơ, truyện. Nội dung văn học chiếm khoảng 20% thông tin của tờ báo. Trong suốt 37 năm, Nam Kỳ Địa Phận đã hình thành một đội ngũ đông đảo những cây bút văn học trên dưới 25 người, đó là một lực lượng hùng hậu với một khối lượng tác phẩm khá phong phú.
Ngày nay nhìn lại Nam Kỳ Địa Phận trong dòng phát triển của báo chí và văn chương Việt đầu thế kỷ XX, người đọc sẽ đặt vấn đề: những đóng góp đặc sắc của Nam Kỳ Địa Phận về văn học là gì? Đội ngũ nhà văn, nhà thơ của Nam Kỳ Địa Phận có tạo nên một trào lưu văn học riêng không? Có tạo nên một nền văn học Công giáo đặc sắc trên dòng chảy văn học Việt không? Và lịch sử văn học Việt còn nhắc đến tên những nhà văn nhà thơ Công giáo nào của Nam Kỳ Địa Phận?
I. “TRUYỆN GIẢI BUỒN”
Tất cả các truyện đăng trên Nam Kỳ Địa Phận đều được xếp vào mục “Truyện giải buồn” trong Mục lục cuối năm (từ năm 1930, mục lục ghi: “Chuyện giải buồn”).
Ở những năm đầu (1919-1915) và năm cuối (1936-1945), Nam Kỳ Địa Phận chỉ đăng Thi Phú Quy Pháp và Chuyện giải buồn, chuyện lạ mà không có truyện dài.
Chuyện giải buồn là những câu chuyện đời thường, có hình thức truyện ngắn, nhưng ít chất văn chương. Chủ đề hướng đến giáo dục và giải trí. Số lượng Chuyện giải buồn khá nhiều, điều này thể hiện rõ tính báo chí của truyện:
Năm 1910: có 33 truyện; Năm 1911: 30 truyện; năm 1912: 15 truyện; năm 1913: 10 truyện; năm 1914: có 24 Chguyện giải buồn và 6 chuyện lạ (các trang: 686, 703, 720, 736, 768, 800). Năm 1915: 10 truyện; năm 1916: 10 truyện; năm 1918: 19 truyện; năm 1919: 12 truyện; năm 1923: 19 truyện; năm 1924: 15 truyện;…Năm 1931, 1932: “Chuyện đọc chơi giải buồn”: 20 truyện. Năm 1936: 38 truyện; năm 1937: 39 truyện; năm 1938: 33 truyện; năm 1939: 14 truyện; năm 1940: 14 truyện. Những số báo cuối chỉ có chuyện thời sự, chuyện chiến tranh (1943…)
Xin đơn cử:
Năm 1935 có các truyện:
–Quả trứng thúi (tr. 575)-Lưu Thanh
–Một cái bẩy cạm (tr. 590)-Lưu Thanh
–Hằng sản hằng tâm (tr. 606)-Lưu Thanh
–Vợ tôi hạp tuổi (tr. 622)-Lưu Thanh
–Cái mừng đích đáng (tr. 654)- Lưu Thanh
–Vì đâu nên nỗi (tr. 671)- Lưu Thanh
–Tên trộm bị bắt (tr. 686)-Lưu Thanh
–Tấm lòng công chánh (tr. 702)-Lưu Thanh
-Chén thuốc vô tình (718)- Lưu Thanh
–Đồ hư thân (tr. 767)-Lưu Thanh
–Lời một người liệt (tr. 783)-Lưu Thanh
–Lòng ích kỷ (tr. 799)-P. Lượng
Năm 1939 có các truyện:
–Chuyện Từ Dốt (tr: 41, 75, 216, 234)
–Câu chuyện ngày thứ Năm đăng trên 25 số báo. Các trang: 270, 281…
-Nhàn đàm, hài đàm: Cái răng bất nhơn (tr.42), Chú ba Bơ (tr.238), Chuyện biến ngôn (tr. 254), Ông chủ tử tế (tr. 687), Bà con gần (tr. 767), Điều nên biết (tr. 751).
-“Chuyện giải buồn, chuyện ngắn”:
Maria Madalêna -tác giả: Edouard Romilly. Người dịch: J.T.V.C.
(tr. 44, 59, 77, 91, 108, 126, 142).
Trung hiếu đời nay (tr.62)-Lưu Thanh.
Bức thư bão đãm (tr.94)-Lai Lịch.
Mụ đầm của tôi đi coi ngựa đua– Chuyện vui của Kỳ-khôi (tr. 110).
Gương nữ lưu (tr. 159, 174)-Lưu Thanh.
Bức thơ oanh liệt (tr. 286)-Lưu Thanh.
Hỏng việc đáng tiếc (đoản thiên)-Mĩ Hương.
các tr: 318, 335, 349, 366).
Một cảnh tượng (tr. 399)-Kim Sơn.
Nụ cười xưa nay )-Nguyễn Toan.
(gồm nhiều chuyện cười ngắn- các tr: 416, 431, 447).
Chiếc xoàn cầu (tr.541)-Kim Sơn.
Vua già chọn đông cung-Thanh Lý (truyện ngắn nhi đồng. tr. 638).
Xâu chuỗi lần (tr. 655)-P. Lai Lịch.
Cái cười (khuyến vui, không ghi tên tác giả. Các tr: 702, 734,763).
Tuần cập kê (tr. 799)-Senex.
Nhận xét về truyện ngắn trên Nam Kỳ Địa phận, TS Trần Văn Trọng (2015) viết: “Nam Kỳ địa phận là tờ báo Công giáo đầu tiên ở Việt Nam với các tác giả người Công giáo (chắc hẳn họ đều được đào tạo trong các trường Dòng hoặc Nhà chung). Khảo sát trong tác phẩm của họ, chúng tôi nhận thấy cảm hứng đạo lý theo quan niệm Thiên Chúa giáo khá nổi trội. Những cái tên nổi bật có thể kể đến như Công Bình, Bến Gỗ, Lưu Lạc Tiếu, Ngô Hảo Học, Nguyễn Hữu Hậu, Xitê Vọng, Đỗ Chi Lan…
Những cây bút trên Nam Kỳ địa phận là sự tiếp nối cho thế hệ ký giả – nhà văn người Công giáo cuối thế kỷ XIX như Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Trọng Quản, nhất là Trương Vĩnh Ký, cả về cảm hứng sáng tác lẫn hình thức thể hiện”.[[1]]
***
Tiểu thuyết (truyện dài) nở rộ ở các năm 1916-1934 (gần 20 năm), trước thời kỳ tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn (1932).
Thật ngạc nhiên là bút danh của nhiều tác giả chỉ ghi tên tắt, có rất ít tác giả ghi tên thật. Điều này gây khó cho các nhà nghiên cứu. Vì tác giả không ghi tên thật nên tính khả tín của nội dung câu truyện được kể và những diễn ngôn của tác giả trong truyện không được bảo đảm. Tất nhiên Ban Biên tập vẫn phải chịu trách nhiệm về giá trị của các truyện ấy đối với việc thực hiện mục đích của tờ báo.
Tác giả và tác phẩm chính:
1.Phê rô Nghĩa:
– Đôi bước lưu ly, đăng năm 1928 (4 số báo); Năm 1929 (51 số báo); Năm 1930 (30 số báo).
– Mưa mai nắng chiều đăng năm 1928 (trên 13 số báo. Các trang: 558, 573, 590, 609, 622, 639, 654, 671, 686, 702, 718, 734, 750). Mưa mai nắng chiều kể chuyện ông mụ Lý Quyên giàu có và ông Nhị Độ, đông con, nghèo khó (tr. 559)…
– Ôi là tự do đăng năm 1931 (số 1168, kỳ 1, tr.622) và các trang: 638, 654, 671, 686, 703, 718, 734, 751, 782, 815, 831. Năm 1932, các trang: 14, 30, 47, 62, 95, 127, 159, 206, 222, 237, 255, 271, 286, 303 (Tất cả là 26 số báo). Chuyện kể: Trời nóng bức, hai thầy trò tôi bước xuống thang lầu đi ngoạn cảnh mấy nơi bệnh viện xem thiên hạ đau những bịnh gì. Chúng tôi thấy một nhà bố thí, nuôi kẻ đói nghèo bệnh tật. Một bệnh nhân trẻ xin tôi thuốc hút. Tôi hỏi han tình trạng của anh ta. Anh ta xin một đôi giờ để kể lại cái khúc đoạn trường thảm trạng của mình… (kỳ 1, số 1168, tr. 624). Anh ta kể: khi xưa tôi là con một gia đình thế phiệt lương gia ở Hà Tĩnh, cha là Cai Tổng. Là con trai út nên tôi rất được yêu quý. Nhưng mẹ tôi mất sớm, rồi tôi trở thành đứa con phá gia chi tử, “phá tan cả cái danh giá cha ông lưu truyền mà làm nên một cái gia đình vô phước, đã vô phước lại mang cái bỉ nạn tuyệt tự vô nhơn sau nầy, thật là đều không có thể nói” (tr. 640)
– Cha giết con: (Tiểu thuyết). Đăng trong các năm: 1932. 1933,
– Nhị độ mai: đăng năm 1934 (40 số báo)
Nhà nghiên cứu Gió Biển CMR (Nt Đinh Thị Oanh) trong bài viết về “Tiểu thuyết của cha Phê rô
Nghĩa đăng trên tuần báo Nam Kỳ Địa phận”, đã nhận xét: “Cha giết con và Đôi bước lưu ly là hai tiểu thuyết mang màu sắc đạo Công giáo hơn cả trong tất cả các tiểu thuyết của Phêrô Nghĩa [[2]].
2.Joseph Tý Trần Giác,
– Cực lạc đảo đăng năm 1930trên 20 số báo. Kỳ 1, số 1109, tr. 492. Và các trang: 492, 511, 526, 541, 574, 590, 606, 622, 637, 654, 670, 686, 702, 718, 734, 750, 766, 782, 798, 814. Chương I, kể chuyện gia thất Revest. Chương II: Chuyện đời xưa: Maximin xin bà nội thuật chuyện đời xưa cho cho mình nghe, chuyện Cù lao phước lộc …(tr. 945).
– Nước xoáy nơi biển Bắc cực đăng năm 1930, kỳ 1. Số 1121, tr. 684 và các trang:684, 699, 716, 728, 746. Truyện kể: đất Nam kỳ, tỉnh Vĩnh Long, sông Mang-thít, có chỗ Gò-ân nước xoáy. Nhân đó, tác giả kể chuyện nước xoáy kinh hoàng trên Bắc cực hải. Có hai người đi du lịch đã sa vào chỗ nước xoáy…(tr. 685).
4. Giacôbê Chương Công,
– Đất khách lưu ly (Năm 1931, đăng ở trang phụ) kỳ 1, số 1137. Truyện kể: Chương I: Hai chị em. Dọc theo bờ Địa Trung Hải, giữa thành Toulon và Saint Raphael có một chòi ngư phu tên là Vincentê, vợ là Maria và hai con. Vincentê vì cứu người mà chết, để lại vợ con thê thảm. Maria là một người hiền đức, đạo hạnh và đảm đang nên được dân làng quý mến giúp đỡ. Hàng ngày, sáng tối, Maria và các con quỳ gối trước ảnh chuộc tội và ảnh Đức bà mà đọc kinh sốt sắng. ..
5. Charles Ngọc Minh:
– Truyện Ông Gioang Ngô Kim Thạch đăng năm 1916, các trang: 652, 669, 702, 717, 733, 749, 782, 798. Năm 1917 (đăng 23 số báo) các trang: 13, 30, 45, 61, 93, 110, 125, 141, 157, 186, 204, 222, 239, 255, 271, 287, 335, 383, 446, 478, 575, 591, 607.
– Cơ quang nhơn vậtđăng trong các năm 1919 (Kỳ 1, số 565), năm 1920; 1921; 1922: Nội dung: học trò (Paul) xin thầy Gamaliel Chơn Huấn luận phân bốn câu “Cổ kim vấn nạn”…. “có cội rễ khôn ngoan vô cùng, mạch nguồn hết mọi sự”trí tài con người chẳng sao mà xét tra cho nổi đăng…” (năm 1920, số 568, tr. 24)
Trong Lục Châu Học (chương II: Diễn tiến truyện văn xuôi quốc ngữ), GS Nguyễn Văn Trung nhận xét: “Truyện ông Gioang Ngô Kim Thạch”, một trong những tiểu thuyết viết theo truyện Tàu có tính tôn giáo đầu tiên… Ngoài ra, truyện còn có nhiều nét giống hệt với hai tác phẩm nổi danh của văn học Việt Nam: Kim Vân Kiều và Lục Vân Tiên, giống cả về nội dung đến hình thức, chỉ khác ở chỗ đây là một áng văn xuôi, không phải vần như hai tác phẩm kia…”
6. Lưu Thanh:
– Thần công lýđăng 9 số báo năm 1934 (số 1324, tr. 686), các trang: 686, 702, 719, 734, 751, 767, 783, 799, 814). Năm 1935: (29 số báo) các trang: 14, 31, …Kể tích ông quan hưu Huỳnh Tuấn Hạnh, quê ở làng Thủy Tú, tổng Huỳnh Công, Huyện Minh Linh (rày gọi là phủ Vĩnh Linh) tỉnh Quảng Trị. Đời Triều vương Tự Đức, ngài làm quan Thị-lang bộ Hình ở triều Huế. Ngài là một ông quan liêm khiết, bặt thiệp, ôn hòa, mọi người trên yêu dưới chuộng…(tr. 687)
7. Công Đạo:
– Chuyện một nhà có đạo tị nạn trên rừng cát. Công Đạo phỏng dịch một tác phẩm của Eusèbe, một nhà văn la tinh thế kỷ III, từ số 587 (1920) đến 649 (1921), cả thảy 62 số báo (Nguyễn Văn Trung, đd).
8. P. Vàng:
– Cuộc hành trình Romađăng trong các năm: 1933; 1934; 1936 (năm 1936 ghi rõ hơn: “Cuộc hành trình Rôma của Đc Jean Baptiste Tòng”) (đăng số 1399)
9. J.B. Nguyễn Tấn Đo.
-Nặng lòng vì nghĩa đăng năm 1933, số 1248, kỳ 1. tr. 255. Nặng lòng vì nghĩa kể chuyện cậu Hoàng Vĩnh Định, con ông Hoàng Vĩnh Tứ (ngoài 40 tuổi) làm chức Hương Cả ở làng An Hội, tỉnh Bến Tre. Ông Tứ tính tình nhơn đức, gặp ai hoạn nạn thì ông giúp đỡ. Cậu Định siêng năng ham học, bạn học ai cũng mến…(tr. 256)
10. Nhuận Thân
–Tiếng Oanh. (kỳ 1, số 1724, phụ trang năm 1941, đến kỳ 24, số 1756, phụ trang năm 1943…).
Tòa soạn giới thiệu: Bổn báo nhận được bổn Tiểu thuyết dưới đây nhan đề “TIẾNG OANH”, của một vị trợ bút; để thay vì chuyện “Công chúa Babylon”.
“Tiếng Oanh” là câu chuyện bổ ích cho hôn nhân, gia đình, càng đọc càng thấm thía! Cốt chuyện đã ly kỳ, câu văn lại chải chuốt, dịu dàng như tiếng chim “oanh”.
CÁC TÁC GIẢ CÓ TÊN VIẾT TẮT
- J. L. v. Đ:
GS Nguyễn Văn Trung cho biết bút danh J. L. v. Đ là tên viết tắt của Jacques Lê Văn Đức
(xem Lục Châu Học, chương II).
– Hai chị em đăng năm 1916. Các trang: 159, 191, 207, 223, 239, 256, 287, 304, 320, 336, 365, 381, 398, 412, 420, 446.
– Trung và nịnh đăng trong các năm 1917; 1918. Jacques Lê Văn Đức phỏng dịch từ Pháp văn từ số 449 (1917) đến số 511 (1918), cả thảy 62 số báo (Nguyễn Văn Trung, đd)
2. F. X. T:
– Truyện tên Hicmar đăng năm 1916, các trang 494, 509, 526, 542, 589, 608, 621, 638.
– Người bị chết oan: F.X.T. phỏng dịch từ Pháp văn, đăng từ số 512 (1918) đến số 534 (1919),
cả thảy 22 số.
– Đồng xu thuật lại tích của nó đăng năm 1920 (kỳ 1: số 564 tr. 779), và các trang: 14 32, 47, 63, 78, 94,112, 127, 221, 237, 255, 270, 286, 319. Năm 1922, các trang: 14, 30, 45, 78, 93, 108, 126, 173, 205, 270.
3. B. L:
– Con chim Rossignol đăng năm 1924, các trang: 95, 111, 127, 142, 158, 174, 191, 204, 221, 238,
254, 269, 285, 303, 317, 335, 350, 365, 381, 398.
4. N. M. K:
– Truyện vua vàng bạc đăng năm 1924 và 1925.
5. P. L,
– Bước đàng gay hiểm (31 số báo) đăng năm 1926 (số 890) và các trang: 252, 271, 287, 303, 318, 335, 351, 367, 383, 398, 414, 431, 446, 463, 479, 495, 511, 527, 606, 621, 639, 672, 687, 702, 719, 734, 751, 766, 783, 799, 814; Năm 1927, các trang: 31, 47, 79, 94,111, 143, 175, 207, 238.
6. N. C. T
– Trên con đường quản hạt (tiểu thuyết), đăng năm 1932, các: trang 318, 334, 350, 366, 382, 398, 413, 430, 446.
7. H.V.C…
– Mối thù mật nhiệm, tiểu thuyết (Phụ trang) kỳ 2 (số 1286), đăng các năm 1934: 1936; 1938.
8. G. Y.
– Dạo rảo xứ Thủ Dầu Một đăng năm 1918, các trang: 731, 745, 764, 780, 795, 810.
9. X.
– Đi chơi Trung kỳ, Bắc kỳ và bên Tàu (tác giả: X.) đăng năm 1917, các trang: 762, 780, 793, 811; năm 1918 (12 số báo)
10. P. T
– Thánh giá của thằng thắt cổ(tác giả P.T.) đăng năm 1922, các trang: 462, 479, 494, 510, 527…
11. J. Trần T.
– Bạch mai truyện đăng năm 1925, các trang: 332, 347, 367, 382, 396, 414, 429, 445, 462, 468.
12. Joseph T
– Phụng hoàng tháp (La tour des Aigles) đăng năm 1927 (38 số báo trong tờ Supplement số 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8); Năm 1928: 34 số báo. Nội dung kể chuyện dân Langsa chống quân Đức ở Phụng Hoảng Tháp.
13. N. K
– Truyện tước hầu Hildebert nộp bạn mình cho quỷ, đăng năm 1916, các trang:13, 31, 47, 62, 79, 94, 110. N. K. kể chuyện thuở nước Langsa còn vua cai trị, hầu tước Hildebert và vợ là bà Maria ở trong một lâu đài nguy nga do tiền nhân để lại. Lúc đầu họ sống giàu sang chức quyền nhưng sau ra nghèo…
14. X.X
– Người mặt sắt (kỳ 1, đăng trên số 1217, năm 1932. Phụ trang)
Nam Kỳ Địa Phận giới thiệu: “N. M. S. Đó là mấy chữ đầu của cái tựa mộ bổn tiểu thuyết mà N. K. Đ. P. sẽ đăng ra để giúp vui độc giả./ Sự tích xảy ra trên mặt biển Trung-Hoa, có nhiều khúc lâm li, bí mật, đủ tâm tình, đủ gương nhơn đức…/ Xin hãy đón xem từ đầu chí cuối cho kỹ càng thì mới tường sự tích anh hùng của một chàng thiếu niên Nam-Việt” (Phụ trang, trang 2)
15. P. N. C. T
– Nàng công chúa Babylon. Kỳ 1, phụ trang số 1688, năm 1941.
16. B.V.N
–Chiếc nhẫn của người sát nhân. (năm 1926-Phụ trang- Kỳ 1, số 888). Tác giả J. Gondry du Gardinet. B.V.N dịch thuật
17. T.N
–Linh hồn một ấu nhi (năm 1926, số 911, kỳ 1, tr. 590, và các trang…): Nầy là hạnh trẻ Guy de Fontgalland mà mẹ người là bà công hầu de Fontgalland đã góp cùng chép lại…
***
Nhận định chung về truyện và tiểu thuyết trên Nam Kỳ Địa Phận, nhà nghiên cứu Gió Biển CMR (Nt Đinh Thị Oanh) nhận xét: “Từ truyện đầu tiên Truyện ông Gioang Ngô Kim Thạch đăng năm 1916 cho đến tiểu thuyết Tiếng oanh năm 1942, báo Nam Kỳ địa phận đã có gần 20 tác phẩm của hơn chục tác giả. Các tác phẩm này, bên cạnh những đặc điểm chung của truyện và tiểu thuyết Nam Bộ, đã có những nét đặc sắc riêng do được các nhà văn Công giáo sáng tác. Tất cả đã giúp hình dung được phần nào quá trình phát triển và diện mạo của tiểu thuyết hiện đại Nam bộ nói riêng và của tiểu thuyết hiện đại Việt Nam nói chung những năm đầu thế kỉ XX”[[3]]
Bài viết của GS Nguyễn Văn Trung trong Lục Châu Học và các bài viết của Gió Biển CMR (Nt Đinh Thị Oanh) (đd 1 & 2) đã trình bày khá đầy đủ về đặc điểm truyện và tiểu thuyết Nam Bộ đầu thế kỷ XX, cùng với những đóng góp của Nam Kỳ Địa Phận, tôi không nhắc lại.
Tôi ghi nhận điều này, trong các công trình nghiên cứu về truyện, tiểu thuyết đầu thế kỷ XX ở Nam bộ, nhiều nhà nghiên cứu không nhắc tới tên các tác giả tiểu thuyết trên Nam Kỳ Địa Phận.
Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan (Nxb Tân Dân-Hà Nội 1942), quyển I, đề mục “Những nhà văn tiên phong”, chỉ nhắc tới Trương Vĩnh Ký và nhóm Đông Dương tạp chí gồm các nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn, Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục (tr. 50); Nhóm Nam Phong tạp chí gồm Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Trọng Thuật, Đông Hồ, Tương Phố (tr. 92)…
Tự điển Văn học (bộ mới-Nxb Thế Giới, năm 2004) không hề nhắc tới tuần báo Nam Kỳ Địa Phận, cũng không có tên tác giả văn học nào của tuần báo này (Phêrô Nghĩa, Jacque Lê Văn Đức…)
Đến năm 2010, trong cuốn Văn học Công giáo Việt Nam-Những chặng đường, nhà nghiên cứu Lê Đình Bảng có nhắc tới Jacques Lê Văn Đức (1887-1974) và Phêrô Nghĩa (1891-1981), tức linh mục Philipphê Lê Thiện Bá. Lê Đình Bảng chỉ ghi nhận tên tác giả và tên tác phẩm, không có một dòng nào giới thiệu các giá trị văn học (tr. 318).
Trên trang của Tổng giáo phận Huế, năm 2020, tác giả Lê Thiện Sĩ giới thiệu cuộc đời và tác phẩm của linh mục Lê Thiện Bá, nhưng không hề nhắc tới các tiểu thuyết của Phêrô Nghĩa trên Nam Kỳ Địa Phận. [[4]].
Trong Sơ thảo văn học Công giáo Việt Nam (Nguyễn Publishing-Toronto 2023), nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Vy Khanh có giới thiệu tiểu sử và tác phẩm của Lm Lê Thiện Bá, nhưng không phân tích các giá trị văn học của ông (xem tr. 105). Ông cũng giới thiệu Charles Ngọc Minh (tr. 117), Jacques Lê Văn Đức (tr. 120).
Viết lịch sử văn học Việt thời ấy, người ta nhắc tới Hồ Biểu Chánh với hơn 40 tiểu thuyết vừa phóng tác, vừa sáng tác in hầu khắp các tờ báo. Nguyễn Chánh Sắt (Nghĩa hiệp kỳ duyên. 1920), Phạm Minh Kiên với các tiểu thuyết lịch sử như Việt Nam Lý trung hưng, Việt Nam anh hùng kiệt, Lê triều Lý thị, Tiền Lê mạt vận, Trần Hưng Đạo, Lê Văn Trương với hơn 100 tiểu thuyết cũng in hầu khắp các báo, tiêu biểu là các tác phẩm in trên Phổ thông bán nguyệt san và các tác giả khác như Nam Đình Nguyễn Thế Phương, Bửu Đình… [[5]]
Học phần: “Văn xuôi tự sự Quốc ngữ Nam bộ cuối thế kỷ XIX- đầu thế kỷ XX” (năm 2014 của Khoa Sư phạm, bộ môn Sư phạm Ngữ văn, trường Đại học Cần thơ), Đề cương chương 5 chỉ nghiên cứu các tác giả: Hồ Biểu Chánh, Lê Hoằng Mưu, Trần Thiên Trung, Tân Dân Tử, Nguyễn Chánh Sắt, Trần Quang Nghiệp, Sơn Vương [[6]].
Có thể các nhà nghiên cứu chưa khám phá ra các tác giả tiểu thuyết của Nam Kỳ Địa Phận, cũng có thể tiểu thuyết của Nam Kỳ Địa Phận tuy có đóng góp vào sự phát triển chung của tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XX ở Nam bộ, song các tác giả tiểu thuyết của Nam Kỳ Địa Phận không phải là những cây bút tiên phong, có tư tưởng, nghệ thuật và phong cách độc đáo (như Hồ Biểu Chánh chẳng hạn?).
Nhìn trong dòng chảy văn học Việt đầu thế kỷ XX, bộ phận văn học của Nam Kỳ Địa Phận chưa hội nhập được với lịch sử văn học dân tộc. Điều này có lẽ vì Nam Kỳ Địa Phận là tuần báo của Công giáo, trực thuộc Tòa Giám mục Sài Gòn. Tờ báo chủ yếu thông tin tôn giáo và phục vụ cho mục đích truyền giáo trong giáo phận. Sáng tác văn học chỉ là một phần nội dung thông tin để làm phong phú nội dung tờ báo. Xin xem các tác phẩm của Phêrô Nghĩa và Jacques Lê Văn Đức [[7]].
II. CÂU ĐỐ CHỮ, CÂU THAI, LỜI TỤC NGỮ VÀ THI PHÚ
1. “Lời tục ngữ Annam”
Lời tục ngữ Annam là một tiểu mục của tờ báo. Tục ngữ được đăng và giải nghĩa ngắn gọn.
Năm 1910: tục ngữ Annam đăng trên 19 số báo. Các trang: 62, 112, 159, 176, 224, 368, 384, 400, 416, 432, 448, 480, 496, 512, 544, 560, 565, 704, 720.
Năm 1913, tục ngữ Annam và La tinh, đăng trên 23 số báo. Các trang: 32, 48, 64, 144, 452, 468, 484, 532, 500, 515, 548, 564, 596, 628, 660, 676, 692, 724, 766, 782, 814, 830, 846.
Năm 1918: tục ngữ Annam (17 số báo) gồm các trang: 76, 107, 142, 157, 174, 189, 204, 220, 234, 314, 345, 364, 380, 443, 475, 587, 699. Lời ngạn ngữ (17 số báo) gồm các trang: 32, 42, 59, 64, 91, 123, 252, 262, 330, 413, 425, 457, 492, 524, 603, 684, 778.
Năm 1930, 1931, 1932…1942.. Nam Kỳ Địa Phận không đăng tục ngữ Annam.
Xin đọc năm 1910, trang 62: (các câu tục ngữ sắp xếp theo vần A của chữ đầu tiên và đánh số thứ tự):
1.Ách giữa đàng mang vào cổ: ai dự đến việc chi không can đến mình, thì phải sự cực.
2.Ai ăn trầu thì nấy đỏ miệng: chỉ nghĩa ai làm sự gì thì có sự nấy.
3.Ai ai cũng đầu đen máu đỏ: hễ lòai người thì ai cũng như nấy, một thể.
4.Ai ai cũng tâm, cang, tỳ, phế: cũng một nghĩa như câu trên.
5.Ai ai cũng giấu đãy xấu của mình: ai cũng che đậy sự quấy, sự lỗi của mình.
6.Ai bắt chim mèo treo làm chim mồi: kẻ vô tâm u ám như chim mèo, thì không ai sửa tánh thành nó lại đặng; lại không ai dùng nó mà làm gương cho kẻ khác bắt chước.
Xin đọc năm 1918, số 508, trang 699 (chỉ có 1 câu):
Câu 614: Chuối đút miệng voi: Kẻ tham lam không khi nào lấy làm đủ. Nên người ta nói rằng: lòng tham giục biết bao nhiêu cho đầy túi.-Thường dùng vặt câu này mà nói kẻ hay ăn chẳng biết no.
***
Nam Kỳ Địa Phận đăng và giải thích tục ngữ Annam có lẽ là để giúp người Việt hiểu được ngữ nghĩa của những tục ngữ quen dùng nhưng không hẳn ai cũng hiểu. Bởi nhiều câu tục ngữ có cách diễn đạt bằng hình ảnh ẩn dụ. Không theo nghĩa đen (nghĩa tường minh) của lời.
Nhìn ở góc độ văn hóa, tục ngữ chứa đựng những giá trị tư tưởng, kinh nghiệm sống của cha ông được lưu truyền qua lời ăn tiếng nói hàng ngày. Tục ngữ thiên về nhận thức lý trí. Tục ngữ xuất hiện trong những hoàn cảnh xã hội cụ thể. Xã hội Việt Nam ngày xưa là xã hội nông nghiệp, tục ngữ xuất phát từ bối cảnh đời sống nông nghiệp. Ngày nay xã hội Việt Nam đã chuyển sang đời sống công nghiệp và hội nhập toàn cầu, người Việt hôm nay còn sử dụng một số câu có ý nghĩa minh triết để giữ lấy bản sắc cho riêng dân tộc mình. Vì thế tục ngữ được giải thích trong Nam Kỳ Địa Phận có những câu ngày nay đã mai một.
2.Câu đố chữ, câu thai
Câu đố chữ là dạng chơi chữ, đây là thú chơi tao nhã của người có chữ (người có học sách thánh hiền). Câu đố của người bình dân dùng ngôn ngữ bình dân, có cả loại câu đố tục giảng thanh.
Xin đọc Câu đố chữ năm 1910, số 59, tr. 8
14.Thò tay mà bẻ nhánh bông
Can chi hậu sợ phập phồng lá gan
(xuất một chữ)
Nicolas Lục (Chà và)
15.Tú tài mà chẳng có tài
Có tài vác giáo học hoài đít đê
L.T
Câu thai
Số lượng câu thai trong Nam Kỳ Địa Phận không nhiều, đó là dạng câu đố. Các câu được đánh số. Xin đọc vài câu:
Câu thai số 11 (năm 1917, số 419, tr. 92):
Chớ chê rằng chú ngụ cư
Ngồi trong nhà quán thơ từ vãng lai
Giải: con chim khách
Câu thai số 12 (tr. 92):
Tre pheo chắn gió che mưa
Dạo chơi cá nước, sóng đưa tôm đầm
(Xuất cầm thú)
Câu thai số 13 (năm 1917, số 432, tr. 304)
Nắm tay cũng đủ mà chơi
Lu trăng chẳng sợ, sáng trời nõ lo
(Giải: chim cú)
Câu thai 14 (năm 1917, số 432, tr. 304)
Tiếng tăm nghe cũng dị kỳ
Nhiều lần thế đã, nể vì tên tôi
(Tên một con)
Câu đố chữ, câu thai là dạng chơi chữ, đòi hỏi sự thông minh. Câu đố, câu thai có lời giải, dành cho độc giả. Đây là cách Ban Biên tập giữ mối quan hệ gắn bó với độc giả.
3. “Thi phú, Ca vịnh và Bài cung tặng”; Văn uyển”
Nội dung mục này đăng thơ.
Năm 1910 có các bài:
Mục đỗ nhĩ văn-Cửu Giang Long. Tr.3
Tân niên khánh hỷ-P. Hoàng. Tr. 69
Văn minh khải kính– Hương Chủ Đây. Tr. 147
Lễ ngũ tuần cha sở Thủ Thiêm-Cả Giảng. tr. 145
Tên còm với tên đui. Tr. 476
Chánh tế tân văn chúc phong– Bổn quán. Tr. 568
Bầy gà giành da trâu thúi-Ph. T. tr. 615
Năm 1911, có các bài
Tân niên khánh hỷ. tr.51, 52
Mừng minh niên. Tr. 69
Năm đã qua-Lê Quang Kiên. Tr.69
Tốn bốn sous không tiếc-Huich. Tr. 75
Thêu dệt-Kim Chi. Tr. 765
Phong cảnh Trường An Ninh-Hồ Ngọc. tr.798
Năm 1912, có bài NAM KỲ ĐỊA PHẬN NHỰT BÁO DIỄN CA của tác giả: P.M (Chợ Quán), số 160, tr. 41,
Năm 1916 có các bài
Minh niên cung hỷ – Minh niên khánh hỷ. Bổn quán. Tr. 65, 66
Kính điếu Cha Đủ – N.D.N. tr. 68
Long xuân khánh hạ – B.Q. tr. 83
Chồn và dê dạo chơi.- P.N. tr. 187
Vài lời nhắc em trẻ.- P.C. tr. 190
Khuyến học.- P.C. tr. 206
Khuyên các trẻ em.- P.C. tr. 208
Khuyên nữ.- P.C. tr. 352
Con dế và con bươm bướm.- P.C. tr. 380
Con bồ câu với con kiến.- P.C. tr. 411
Chị dạy em.- PC. Tr. 445
Sư tử, lừa và gà.- P.C 509
Kính điếu cha Nghi họ Búng.-Nguyễn Đức. tr. 518
Chồn và dê.- P.C. tr. 523
Bảy mươi chưa què chớ khoe mình lành.- P.C. tr. 555
Sư tử và chuột. – P.C. tyr. 573
Bốn điều hại.- P.C. tr.744, 761
Năm 1936: Văn uyển có các bài
Tân niên cung hỷ (lời chúc bằng văn xuôi của Bổn Quán) tr. 49
Cảm tưởng lễ Đức Bà Mông Triệu. Thơ của P.T. tr. 639
Bà Claude-Anzé khóc con. Thơ 5 chữ của tác giả X. tr. 707
Dịch ngụ ngôn Pháp: Nói dối bị hại. thơ 5 chữ. Tác giả X. tr. 786
Giáng sinh cứu thế; Mục đồng thơ. Thơ thất ngôn. P. Tạo. tr. 891; 892
Cứu thế thánh đản. Lục bát của P. Tạo. tr. 910
Mừng Chúa Hài Đồng. Thơ tự do của P. Kim.tr. 912
Danh thánh Giêsu. tr. 924
Năm 1924 có Ca mừng tân linh mục (số 772, tr. 7).
Năm 1926. Luân lý ca-Phê rô Nghĩa. Các trang: 133, 150, 184, 215, 250, 264, 280, 295, 311, 326, 344; –Huấn tử ca (tiếp theo Luân lý ca) số 899, kỳ 1. Tr. 394, 409, 426, 442, 458, 475, 491, 506, 520, 555, 585, 617, 718, 747
Năm 1942 có 18 bài: Đêm hôm ấy (tr.15); Bài thơ nghinh chiến (tr.46); Tân niên khánh hỷ (tr. 73); Ngày xuân thăm bạn (tr. 79); Say tết (tr. 115); Chú Ba rọi ăn chay (kiểu thơ thất ngôn), tác giả: T.Đ.K. (tr.127); Tặng các cô Đồng nhi (tr. 139); Người đà sống lại (tr. 160); Phục sinh (tr. 171); Hội La tinh cựu vãn (tr. 185); Tháng Đức Bà. Thơ Thất ngôn Đường luật, tác giả: P.T (tr. 218); Đồng quê (tr. 238); Nữ Vương ban sự bình an (tr. 253); Kiệu Mình Thánh Chúa (tr. 300); Người mâu thuẫn (tr. 337); Đêm thu (tr. 546); Thức tỉnh (tr. 586).
Nhìn vào tên các bài thơ trong mục “Thi phú, Ca vịnh và Bài cung tặng”; Văn uyển”, người đọc có thể nhân ra ngay đây là “thơ nội bộ” của Nam Kỳ Địa Phận (văn chương công cụ). Hình thức thơ được dùng để giáo dục và sinh hoạt. Thơ trên Nam Kỳ Địa Phận không phải là thơ nghệ thuật. Các tác giả thơ Nam Kỳ Địa Phận không có khám phá sáng tạo gì về tư tưởng và nghệ thuật. Khác với thơ Việt đầu thế kỷ XX mà tiêu biểu là các nhà thơ Tản Đà, Thế lữ, Huy Thông, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Hàn Mạc Tử, Thâm Tâm, T.T.K.H…
III. DẠY NGHỀ VĂN CHƯƠNG
Tôi dùng chữ “dạy nghề văn chương” để gọi chung các bài viết vừa có tính lý luận, vừa đặt trọng tâm vào việc thực hành viết văn trên Nam Kỳ Địa Phận.
Những bài viết này có chủ đích rõ ràng là góp phần vào sự phát triển văn chương Việt thời đó. Nam Kỳ Địa Phận hướng đến công chúng bình dân để nâng cao dân trí về tiếng Việt và văn chương Việt. Trở lại bối cảnh nước ta còn dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, 95% dân ta mù chữ, thì việc nâng cao ý thức về tiếng Việt và văn chương Việt cho công chúng là một việc hết sức ý nghĩa. Xin lưu ý, mãi đến năm 1952, nhà văn Nhất Linh mới xuất bản cuốn “Viết và đọc tiểu thuyết” (Nxb Đời nay). Năm 1972 sách được in lại [[8]].
Xin đọc trên Nam Kỳ Địa Phận:
Năm 1914, Đ. Hồ Ngọc Cẩn viết một loạt bài về THI PHÚ QUY PHÁP:
-Dạy cách làm Vãn Vè. Làm Vãn Lục bát (tr.41, 61, 138)
-Dạy cách làm thi cú, niêm luật, giải luật (tr.150)
-Dạy cách làm thơ thất ngôn: Thất ngôn bát cú, Tứ tuyệt…(tr.265, 297).
-Dạy về cách làm văn: Dạy về cách làm Văn Sách (tr. 319, 328)
-Dạy về cách làm văn tế (tr.346, 360)
-Dạy về cách làm Phú (tr. 391)
-Dạy cách làm thi phú nhứt vận (tr.489)
-Dạy cách làm Phú tạp vận (tr. 521)
-Dạy về chính kiểu tuồng hát (tr. 679, 762): đây là lời tác giả:
“Lời bảo: Đời nay thiên hạ có bày tuồng hát kiểu nói nôm na, không văn hoa đối đáp; chỉ nói đơn sơ như cách nói chuyện, ví dụ như Tuồng cha Minh, Tuồng Thương Khó,v.v…song chính kiểu tuồng thói nước ta dùng bấy lâu nay thì chẳng phải đặt cách thế ấy đâu.
Vậy chính kiểu tuồng An nam quen hát mọi nơi thì thật là kiểu văn hoa, đối đáp cao kỳ bóng bảy lắm, cho đến nỗi kẻ muốn học ý tứ bóng dáng, lời nói văn hoa, thì thường coi sách tuồng mà học. Bởi đó đặt tuồng cho có ý vị hay ho, thì chẳng phải dễ đâu; điều ấy trước thì nhờ thiên tư bặt thiệp, sau nữa nhờ năng coi sách mới quen đặng. Song ý tứ và kiểu cách đặt tuồng thế nào thì cũng nhón lại đặng ít điều như sau này…” (Đ. Hồ Ngọc Cẩn. tr. 679)
Năm 1917, Đ. Hồ Ngọc Cẩn có Sách tập làm bài luận cho có văn Nho-Giáo tập hành văn (số 420, tr.105 và các trang :135, 152, 169…). Tác giả đặt và giải quyết các vấn đề: Bài luận là đí gì? Phải làm bài luận làm sao? Có lẽ nào giúp làm bài luận chăng? Đề bài, Dàn bài là gì? Lý sự phải tìm ở đâu? Lý bởi Dénifition là làm sao? Luận lý theo Circonstances làm sao? Luận lý theo Cause và Effets làm sao? Sắp câu sửa tiếng làm sao? Và làm bài tập.
Năm 1923, Đ. Hồ Ngọc Cẩn viết Văn chương giáo thức, dạy phương pháp làm văn (số 771, tr. 814; năm 1924 các trang: 10, 28, 56, 61, 91, 104, 121,135, 217, 251, 283, 299, 360, 396, 426, 457, 506, 682, 697). Tác giả “Lược thuyết”:
“Rừng nho khó dạo, biển thánh khôn dò; dám đâu biện bạch tinh thô, huống lựa phân trần biểu lý. Nhưng còn thiết nghĩ đạo ngãi đồng bang; việc dở hay chẳng khá hành tàng, đều phải trái nên bàn mới tỏ. Thật nên mừng cho Việt Nam ta, rày việc văn minh đà tấn bộ, bể hóa học cũng mở mang, tiếng Pháp đâu đó có nhiều kẻ làu thông, chữ nho xem ra lòng không muốn phụ. Văn Pháp cũng muốn trau tria cho nhằm mẹo mực, văn nho còn chuốt ngót cho đáng khuyên son, ấy cũng là đều thậm phải. Song nghĩ lại mà coi, tiếng ngoại quốc còn đua bơi như thế, tiếng nước mình há dễ bỏ qua? Phải học sơ chút đỉnh gọi là, để nhuần tay làm văn quấc ngữ. Vậy nay mượn lời quê kệch, biện bạch vài trương, dám tự tình dạy chút văn chương, giúp các trò giữa trường Nam Việt, bày lời tình thiệt mặc tiếng khen chê, Văn chương giáo thức nhận đề, nay xin mở lời diễn thuyết”(năm 1923, số 771, tr.814).
Tác giả luận bàn những vấn đề sau đây: 1/học văn chương là đều cần thiết. 2/Nước nào có văn chương nấy. 3/ Mùi văn hoa đọc qua đã biết. 4/ Văn chương ở tại đâu? 5/ Văn hay phải bày cho có lớp. 6/ Văn hay phải tường sự lý.7/ Làm văn bài phải thông tiếng nói. 8/ Văn bài đừng sai kiểu nói. 9/ Biết lập câu văn bài mới khéo. Tác giả tổng luận văn bằng một bài lục bát dài 26 câu, tóm tắt những điều đã giảng thuyết (tr. 219).
Sau đó là các vấn đề:
Về cách làm bài, tác giả ra đề bài cho học sinh làm: Bài thứ nhất: “Thì giờ là quý, phải dùng cho nên”. (Lời dặn: N. B: Thầy làm nửa thân, còn nửa thân trò phải đối lại. Khúc nào có chấm…thì là để phần cho học trò làm). Trang 283 đăng 4 bài học trò làm. Tr. 299 tiếp tục đăng 3 bài học trò làm (nhưng không ghi tên trò)…Những trang tiếp theo tiếp tục đăng bài học trò làm về những đề tài khác.
Về cách viết thiệp (Năm 1924, số 815, tr. 697).
Như vậy, trong suốt 10 năm, từ 1914 đến 1924, tác giả Đ. Hồ Ngọc Cẩn đã liên tục viết bài “dạy chút văn chương” cho học trò Nam Việt, mà mục đích là để “nhuần tay làm văn quấc ngữ…”. Điều ấy thể hiện lòng yêu tiếng Việt và ý thức xây dựng văn chương Việt của tác giả mạnh mẽ thế nào [[9]].
***
Xin đọc các bài viết khác trên Nam Kỳ Địa Phận:
1.Năm 1912, trên Nam Kỳ Địa Phận có bài: Văn chương An Nam (Littérature) cuả Lm P. Lục, (đăng từ số 176, tr. 279 và các tr: 363, 379, 411, 428, 520, 559, 688, 706, 717), Ngô Hữu Công viết tiếp từ số 190, tr. 520 và các tr: 833, 866, 894,..Trong Lời bảo, P. Lục viết: “…Vậy nay lược bày một quyển nôm na, hầu giúp trẻ học chữ Quốc Ngữ, viết tiếng An nam theo kiểu văn chương cùng người thiên hạ…”(số 176, tr. 297). Nội dung: 2/ Trí vẽ. 3/Tài làm cho động tâm tình (Sensibilité). 4/Tài đoán. 5/ Nói về sự tốt. Đoạn II: Về ý tứ: về ý nhằm, về ý xứng đáng, về ý cao sâu, về ý vui vẻ, về ý khéo léo, về ý dịu dàng. Đoạn thứ III: Về sự viết (Style). Điều 1: dạy các luật chung phải giữ trong các thứ bài…(năm 1913 không đăng tiếp)
2.Năm 1917, Jacques Lê Văn Đứcviết Về cách làm tuồng (số 421, tr.118). Ông nói hai điều là: người làm tuồng phải thuộc vai tuồng và thuộc bộ tịch. Sau đó tác giả phân tích tầm quan trọng của việc học thuộc vai tuồng, và giảng giải kỹ về bộ tịch đi đứng trên giàn, về ăn bận (tr. 122), sự vẽ mặt, … Ông kết luận: “Ước ao cho các họ làm tuồng chơi cho thường, thứ nhứt là tuồng các thánh tử đạo, vì tuồng để mà làm cho người ta nhắc lòng nhắc trí lên sự thật”(tr. 122)
3.Năm 1936 (số 1399, tr.254), Nam Kỳ Địa Phận đăng lại bài: Cái nguy hiểm bởi đọc tiểu thuyết huê tình (từ Noel Catéchisme de Rodez). Nội dung: một Linh mục trò chuyện với một cô gái mê đọc tiểu thuyết. Ngài bảo cô hãy cầu nguyện với Chúa trước khi đọc tiểu thuyết và cảnh tỉnh cô những nguy hiểm trong tiểu thuyết.
4.Năm 1942, tác giả T.T. viết về vấn đề Thế nào là tư cách nhà văn (số 1724, tr. 432). Ông đưa ra ý kiến: Tư cách nhà văn là biết tự trọng, đừng háo danh. “Một nhà văn, biết tự trọng lấy tài học mình mà làm nên danh giá, có khi họ không màng cho người ta biết tên tuổi, tiếng tăm họ là khác”. Tác giả dẫn chứng các nhà văn Voltaire, Flaubert để củng cố cho luận điểm của mình.
Về Tuồng Thương Khó có các bài viết:
1.Lễ Ngũ tuần-nhà trường La tinh Sài gòn-Tuồng Thương Khó:
J.B.Tòng (năm 1912, số 204, tr 844) kêu gọi mọi người gắng công góp sức làm Tuồng Thương Khó, “đồng tâm hiệp lực với nhau, mà làm cho sáng danh Chúa, cùng rỡ cuộc ơn đền ngãi trả…Tôi xin chúc cho ngọc hữu đặng trọn câu: Công thành danh toại”.
2. Luận về Tuồng Thương Khó Đ.C.G (năm 1912, số 208, tr. 912): Nhà trường LaTin năm tới sẽ làm lễ Ngũ Tuần, trong lễ nầy sẽ diễn Tuồng Thương Khó. Bổn Quán kêu gọi mọi người tham gia làm tuồng và đọc sách tuồng để được hưởng ơn ích thiêng liêng:
“Tuồng Thương Khó nầy đã dọn cùng in ra một cuốn sách; Bổn Quán ước ao cho chư quới hữu đặng xem sách nầy, hầu khi coi dẫn tích thì dễ hiểu dễ theo hơn. Dẫu người không có thể mà đi xem tuồng nầy thì cũng nên đọc sách ấy lắm, vì xưa nay chưa có sách nào chỉ rõ sự thương khó Chúa bằng sách ấy. Xem vào sách ấy thì thấy rõ ràng lòng Chúa thương yêu ta là thể nào. Trong những sách mà nói hay làm cho động lòng, thì chẳng có sách nào ví bằng sách dẫn tích thương khó Chúa. Ai có lòng ngay mà xem đến sách ấy ắt sẽ đặng ơn ăn năn thống hối…”
3. Lễ Ngũ Tuần-Nhà trường Latinh Sài gòn (Avril 1913). (bài đăng năm 1912, tr. 830. 844): J. B. Tòng nhờ Nam Kỳ Địa Phận cám ơn và kêu gọi hỗ trợ làm Tuồng Thương Khó nhân dịp Trường Latinh tổ chức Lễ Ngũ Tuần: “Xin chư quí hữu, một người một tay, hiệp lại mà làm nên non cao vòi vọi, hầu bia chữ ngãi nhơn lưu truyền hậu thế”.
4. Tuồng Thương Khó-Chừng nào sẽ làm lại nữa (năm 1913, số 236, tr. 539). Tác giả Paul Hội cám ơn Bề trên và mọi người. Ông kể lại những mối xúc động khi diễn tuồng và trả lời câu hỏi diễn viên có khóc thật không. Ông cũng không biết bao giờ tuồng được diễn lại. Ông xin Chúa thêm lòng sốt sắng cho “trẻ em cháu đời sau…ra sức làm cho hay hơn, thì hậu lai cũng chúc tụng như thế chẳng sai”.
5. Tuồng thương khó – Giacôbê Đức (năm 1913, số 239, tr. 585). Tác giả thay mặt các ngôi tuồng cám ơn Đức cha, các cha cùng các cô bác cả Lục Châu vì “đã tỏ lòng thương xót chúng tôi quá hậu. Chúng tôi dám quyết rằng: Tuồng Thương Khó đã đặng công thành trọn hảo, trước là nhờ ơn Chúa, sau là nhờ cô bác thương tình dung chế; chớ chúng tôi là tay ngang, chẳng phải kép hát, cũng không phải người thiện nghệ, mà làm đặng việc cả thể dường ấy…
Vì vậy Tuồng Thương Khó là việc Chúa làm, cho nên mọi lời thiên hạ đồn thổi ngợi khen, ấy là hương thơm bay lên tòa Chúa, cùng là của dưng thượng tiến Đ C T. Phận chúng tôi là lư hương của Chúa, ấy là phước rất nên lớn phước.”(tr. 585).
Sau đó tác giả kể lại những xúc động trong quá trình tập và diễn tuồng “châu lụy chan hòa, cảm thương Chúa đã chịu nạn chịu chết, mà cứu chuộc chúng tôi cho khỏi chết đời đời”(tr. 588)…Tác giả xúc động nhiều vì ông đã đi Rôma, viếng cái thang đức Giêsu ngày xưa đã bước lên để vào dinh Philatô, khi chịu xử án. Ông cũng đi viếng nới Đức Bà làm phép lạ nơi thành Lourdes, nơi ấy có đường thánh giá, nhớ chặng đường Thánh giá Chúa ngày xưa.
6. Tuồng Thương Khó tại Bà Rịa là bài cảm nhận của Huỳnh Thanh Ngươn (đăng năm 1923, số 770, tr.793). Có sao nói vậy, tác giả kể lại việc mình đi từ Sàigòn ra Bà Rịa xem diễn Tuồng Thương Khó. Lúc đầu nghĩ chắc Bà Rịa thua Sài Gòn, nhưng khi vào xem mới vỡ nhẽ “tôi thật như người chiêm bao mới tỉnh…Xin lỗi họ Bà Rịa. Chớ ai ai cũng tưởng họ Bà Rịa làm không xong. Bởi mắt tôi đã thấy, tai tôi đã nghe rồi thì nay tôi mượn tờ N.K.Đ. P. này mà cáo lỗi cùng họ Bà Rịa, và cao rao sự lạ lùng nầy cho ai nấy biết…Về phần tôi, thì tôi xin nói tắt một lời nầy mà cáo thú cùng họ Bà Rịa, là: “Tôi đã tới, đã thấy và bái phục/ Je suis venu, J’ais vu, je suis vaincu”(tr.795).
7. Cuộc diễn tuồng Thương Khó tại Bà Rịa (năm 1923, số 771, tr. 809) của Anthony Hoàng. Tác giả kể: Chúa nhật 16 Décembre 1923, tác giả rủ mấy anh em mướn một cái auto xuống Bà Rịa xem diễn tuồng. Rạp hát thì cao ráo, ghế ngồi có số thứ tự lớp lang…“Đúng 5 giờ thì khởi sự hát. Những người đến xem tuồng cũng đông, lại cũng có nhiều vị ở Sài gòn xuống nữa. Trước hết khi kéo màn ra thì thấy có một Thánh giá dựng giữa rạp, có 10 thiên thần chia đứng hai bên chầu cây Thánh giá và hát một kinh tiếng Langsa nghe rất thâm trầm êm ái. Thấy đó và nghe kinh ấy thì cũng đủ động lòng. Thật đáng khen cho đồng nhi nam nữ họ Bà Rịa hát hay lại rõ ràng lắm. Còn bọn nhạc nghe nói tập chẳng đặng bao lâu, mà thổi nghe cũng rập ràng êm ái lắm. Còn các vai tuồng nhứt là các vai chánh thì làm đúng theo bực mình lắm. Tuồng hát đủ từ đầu chí cuối y theo trong cuốn tuồng. Mấy người giúp việc ngoài thì tận lực cùng cha sở lắm. Vãng hát khi ấy 8 giờ…”(tr. 810).
Qua các bài viết của Đ.Hồ Ngọc Cẩn, Lm P. Lục, Jacques Lê Văn Đức và cảm nhận của nhiều khán giả khi xem Tuồng Thương Khó, người đọc hôm nay thấy hé lộ nhiều vấn đề văn học trên Nam Kỳ Địa Phận.
Trước hết là, Nam Kỳ Địa Phận đã bước đầu nhận thấy những vấn đề lý luận về ngôn ngữ, về văn học, về thi pháp, về những giá trị và chức năng của văn học, từ đó định hướng các hoạt động văn học: viết bài giảng dạy về “làm văn”, đăng tải các tác phẩm gồm nhiều thể loại, quảng bá rộng rãi ý kiến công luận về Tuồng Thương Khó…
Nam Kỳ Địa Phận có một ý thức, một chủ đích và một cách làm cụ thể để phát triển Tiếng Việt và sử dụng tiếng Việt để viết văn. Các tác giả đặc biệt hướng đến giới trẻ học trò Việt lúc ấy. Tuy các bài dạy chưa phải là những nội dung của khoa Ngôn ngữ học hay Thi pháp học hay các lý thuyết và phương pháp văn học, song đó là những kinh nghiệm cụ thể của các tác giả. Những nỗ lực ấy thật đáng quý, bởi đó là thời kỳ khởi đầu của chữ Quốc ngữ và văn chương Quốc ngữ.
Việc diễn Tuồng Thương Khó tạo ra một không khí sôi nổi và có tác động tâm linh mạnh mẽ, từ đó khơi gợi nhiều tâm tình tôn giáo và khát vọng nghệ thuật nơi người xem. Những bài cảm nhận chủ yếu là thuật lại những gì đã xem, đã nghe và đã cảm xúc chủ quan của tác giả. Đó là dạng phê bình đơn sơ, cảm tính, chưa có học thuật. Các tác giả chưa phân tích giá trị của kịch bản, của nhân vật, của mâu thuẫn kịch và cách phát triển xung đột, những đăc sắc của lời thoại; cũng không nhận định về nghệ thuật dàn dựng, nghệ thuật diễn và các điều kiện phụ trợ như hóa trang, âm thanh, ánh sáng, font vẽ bối cảnh… song sự chân thành và niềm xúc động tâm linh đã tạo nên những giá trị nhất định. Có sự đồng nhất kịch diễn với Kinh Thánh và với con người hiện thực của Đức Giê- su trong cuộc khổ nạn, vì thế các bài cảm nhận chỉ chú ý phô diễn cảm xúc tâm linh và ý nghĩa Ơn Cứu Độ từ vở tuồng.
TẠM KẾT
- Các hình thức hoạt động văn học trên Nam Kỳ Địa Phận khá phong phú, hướng đến nhiều đối tượng và thực hiện nhiều nhiệm vụ của tờ báo. Nam Kỳ Địa Phận quy tụ được một đội ngũ nhà văn hùng hậu, trong đó nhiểu người có tài năng, uy tín trên văn đàn (Đ. Hồ Ngọc Cẩn, J. B. Tòng, Jacques Lê Văn Đức, Paul Tạo, Phêrô Nghĩa…)
- Nam Kỳ Địa Phận số 1 năm 1908, bài Bổn quán kính cáo nói rõ:
“Vì lòng ái mộ cho danh Cha cả sáng, cùng ước ao cho con nhà An Nam ta mọi nơi đâu đó đều đua nhau tấn tài tấn đức, cho thông phần đạo và ngoan việc đời…”
Bài cám ơn Đức Cha cũng nhắc lại mục đích này: “thơ chung của Đức Cha gởi mà thông tin Người có định lập một cái nhựt trình chữ Quốc ngữ, để cho các bổn đạo ở xứ nầy xem cho rõ việc đạo, lại dạy cho biết việc đời”.
Nhìn lại 30 năm phát triển của tờ báo, Nam Kỳ Địa Phận xác định lại rõ ràng mục đích của tờ báo là sự phát triển tiếng Việt và mục đích tôn giáo:
“…con đường quốc văn vừa mới khỉ đầu khai phá, gai góc còn lắm, sỏi sạn rất nhiều, hào
hố gập ghềnh trăm điều nguy hiểm, thế mà bổn báo đã dám dặt chơn dấn thân khỉ bước…Bổn báo rất mầng vì con đường của bổn báo khỉ đi đó đã được công chúng hoan nghinh, nhiều người tán trợ…phong trào quốc văn càng lan rộng, giá trị quốc văn càng thạnh hành, thì báo chí quốc văn cũng cứ lần lần khai trương xuất bản…”;
Bổn báo nay rất mầng vì cũng đã đầy đủ 30 tuổi, sẽ vinh hạnh sống qua năm thứ 31, bổn báo sẽ xin đem hết tài trí gắng hết sức lực mà giúp vào việc Công giáo tiến hành, để theo cho trọn cái gương mẫu chúa Giêsu đã làm xưa, và cho khỏi hoài mất cái tuổi phải lập thân với thiên hạ vậy.”(Bài: Ba mươi tuổi trọn, số 1532, tr.729, ngày 24.11.1938)
- Như vậy hoạt động văn học chỉ là một bộ phận nội dung của Nam Kỳ Địa Phận, tham gia vào việc phát triển tiếng Việt và thực hiện nhiệm vụ Công giáo tiến hành. Điều này rất khác với những tờ báo khác đương thời như Nông Cổ Mín Đàm (1901), Lục Tỉnh Tân Văn (1907), Đông Dương Tạp Chí (1913-1919), Nam Phong Tạp Chí (1917-1934), Đông Pháp Thời Báo (1923), Phụ Nữ Tân Văn (1929), và sau này là Tự Lực Văn Đoàn (tuần báo Phong Hóa và tuần báo Ngày Nay)…
Vì thế không thể đánh giá các giá trị văn học (tác giả, tác phẩm, hoạt động văn học) của Nam Kỳ Địa Phận như đánh giá một tờ báo văn học. Với những gì đã làm được, Nam Kỳ Địa Phận đã có những đóng góp giá trị vào sự phát triển của tiếng Việt, của báo chí tiếng Việt và thúc đẩy sự phát triển văn học Công giáo đầu thế kỷ XX. (Những nội dung này cần những bài nghiên cứu chuyên sâu hơn).
Tháng 9/ 2024
_______________
[1] Trần Văn Trọng (2015), Luận án Tiến sĩ văn học: Truyện ngắn quốc ngữ Nam Bộ từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội.
[2] Gió Biển CMR: Giới thiệu tác phẩm tiểu thuyết Công giáo của cha Phê rô Nghĩa đăng trên tuần báo Nam Kỳ Địa Phận: https://dongtrinhvuongsaigon.org/vi/news/sach-hay/tac-pham-tieu-thuyet-cong-giao-cua-cha-phero-nghia-932.html
[3] Gió Biển, CMR (Nt Đinh Thị Oanh): Khái lược Nam Kỳ Địa Phận-tờ báo Công giáo đầu tiên tại Việt Nam
https://dongtrinhvuongsaigon.org/vi/news/sach-hay/tuan-bao-nam-ky-dia-phan-916.html
[4] Lê Thiện Sĩ-29/9/2020: Linh mục Philipphê Lê Thiện Bá (1891-1918-1981)
[5] Phạm Phú Phong: Báo chí đặt nền móng cho tiểu thuyết phát triển
https://baodanang.vn/channel/5399/201706/bao-chi-dat-nen-mong-cho-tieu-thuyet-phat-trien-2558917/
[6] Trường Đại học Cần Thơ-Khoa Sư phạm-Bộ môn Sư phạm Ngữ văn-Đề cương chi tiết học phần “Văn xuôi tự sự Quốc ngữ Nam bộ cuối thế kỷ XIX- đầu thế kỷ XX”:
[7] Nguyễn Vy Khanh-Sơ thảo văn học Công giáo Việt Nam (Nguyễn Publishing Toronto 2023), tr. 105, 120.
[8] Nhất Linh-Viết và đọc tiểu thuyết: Trong Mấy lời nói đầu, Nhất Linh viết:
“…Sở dĩ tôi viết cuốn Viết và đọc tiểu thuyết này là vì tôi tin tưởng một cách rất chắc chắn rằng:
- Bất kỳ ai biết chữ Quốc ngữ, cho dẫu người đó viết văn sai mẹo hay không có học thức cao rộng, cũng có thể viết ra những tiểu thuyết có giá trị. Cái chính là cần có khiếu riêng, cái khiếu ấy có thể có ở bất cứ giới nào, người làm thợ hay người làm ruộng, nhưng xưa nay không nảy nở ra được chỉ vì cái thành kiến trưởng giả cho văn nghệ tiểu thuyết là một thứ cao siêu dành riêng cho một hạng người.”
[9] Đa Minh-Maria Hồ Ngọc Cẩn là Giám mục người Việt tiên khởi của Hạt Đại diện Tông Tòa Bùi Chu và cũng là Giám mục người Việt thứ hai của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Khẩu hiệu Giám mục của ngài là: “Hết tình nhẫn nhục và tận tâm giáo huấn“. Wiki.