VIẾT MỘT TRUYỆN NGẮN
Bùi Công Thuấn
***
(Nhà văn Nam Cao)
Người mới cầm bút thường thử sức bằng truyện ngắn. Bởi vì, kể chuyện thì ai cũng kể được. Mình cứ đem những chuyện mình đã trải nghiệm viết ra giấy (văn bản) là thành truyện ngắn. Khát vọng thể hiện Cái Tôi cùng với sức hấp dẫn của cái danh “Nhà văn” càng thôi thúc ngòi bút, thế là ta cứ “bê nguyên xi” chuyện thật ngoài đời vào trang văn, “có sao nói vậy”.
Những câu chuyện như thế có phải là truyện ngắn không?
Chuyên luận này dành cho người Công giáo trẻ viết văn.
***
Một đứa trẻ đứng ở lề đường trước cửa nhà, nó nhìn đường phố, người người qua lại. Một chiếc xe ngựa đi ngang qua. Nó chạy vào nhà, hồ hởi kể cho mẹ nó nghe về một con vật nó chưa từng thấy. Con vất ấy kéo một cái xe, tiếng chân lóc cóc, có miếng da che mắt. Một người ngồi trên xe cầm một sợi dây buộc ở miệng nó giật giật. Mẹ nó bảo, đó là con ngựa kéo xe…Đứa bé ấy vừa kể chuyện.
Khi có sự việc gì mới lạ mà ta muốn chia sẻ cho mọi người, ta thường kể lại chuyện ấy. Ai cũng có thể kể chuyện, miễn là có cảm hứng muốn kể. Chuyện thường được kể theo công thức 5W: ai (Who), chuyện gì (What), xảy ra ở đâu (Where), khi nào (When), sự việc diễn tiến thế nào (how). Tức là có nội dung, nhân vật, thời gian, không gian, kết cấu và mục đích kể chuyện.
Mục đích kể chuyện (tức là mục đích diễn ngôn của người kể chuyện) có thể là: để thông tin, để gửi một thông điệp nào đó, để truyền lại một bài học, để tuyên truyền hay để phê phán,…
Kể lại cuộc đời Đức Giêsu, Kinh thánh Tân Ước hướng đến giáo dục Đức Tin cho nhân loại. Những dụ ngôn Đức Giêsu kể là những thông điệp về Đức Tin. Martha đã tuyên xưng: “Thưa Thầy: vâng, con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian” (Ga 11, 27). Kinh thánh tuyên xưng Đức Giêsu “là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6). Ai tin vào Đức Giêsu thì được cứu rỗi. Đức Giêsu khẳng định: “Lòng tin của anh đã cứu anh » (Mc 10, 46-52).
Kể chuyện văn chương thì không dễ. Bởi vì, kể chuyện văn chương là nghệ thuật, tức là sáng tạo Cái Đẹp ngôn ngữ: Cái Đẹp của lời văn, của nhân vật, cái hay của câu chuyện, sự sâu sắc của chủ đề, tư tưởng, và sự mới lạ của một phong cách độc đáo…
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
I.Định nghĩa truyện ngắn
Căn cứ vào số chữ, truyện ngắn đăng báo thường dài 1.200 chữ, các cuộc thi thường giới hạn truyện 2.500 chữ. Truyện cười chỉ có vài dòng, truyện “chớp”(Flash) là truyện rất ngắn.
Căn cứ vào nội dung, truyện ngắn là một lát cắt của cuộc sống. Truyện thường chỉ khai thác một tình huống, trong một khoảnh khắc của một vài nhân vật.
Dù ngắn, cấu trúc một truyện ngắn cũng đủ các yếu tố: nhan đề, nội dung, cốt truyện, nhân vật, tình huống, bối cảnh, thời gian, chủ đề, tư tưởng…
Về bút pháp (phương thức kể truyện), có các kiểu truyện:
Truyện chương hồi của văn học cổ điển (kể việc là chính).
Truyện Hiện thực: kể những chuyện trong đời thực (Nam Cao).
Truyện Lãng mạn: kể những chuyện vượt lên trên đời thực (Nguyễn Tuân).
Truyện Hiện thực huyền ảo (Gabriel García Márquez),
Con gái thủy thần của Nguyễn Huy Thiệp.
Truyện Hậu hiện đại (truyện của Donald Barthelme).
Truyện bi kịch: kể những bi kịch cuộc đời, những khát vọng bị hoàn cảnh đè
bẹp (một số truyện của Nam Cao).
Truyện hài: dùng tiếng cười để phê phán (Nguyễn Công Hoan).
Truyện dân gian: có thi pháp riêng về kiểu nhân vật, cách kể, cấu trúc truyện của từng phân loại: Thần thoại, Truyền thuyết, Cổ tích, Ngụ ngôn, truyện cười…
Thử đọc một truyện rất ngắn của Franz Kafka:
Tôi chạy qua người canh gác thứ nhất. Thế rồi sợ hãi, tôi chạy ngược trở lại và nói với người canh gác: “Tôi đã chạy qua đây lúc ông đang nhìn đi chỗ khác”. Người canh gác nhìn chằm chằm về phía trước chẳng nói năng gì. “Tôi nghĩ đúng ra mình không nên làm như vậy.” Tôi thưa. Người canh gác vẫn không nói gì hết. “Ông im lặng nghĩa là tôi được phép đi qua phải vậy không?”
Hải Ngọc dịch dịch từ bản Anh ngữ: “The watchman” (do Eithne và Ernst Kaiser chuyển ngữ), trong Franz Kafka: Collected Stories, Gabriel Josipovici biên tập và giới thiệu (Everyman’s Library,1993). |
|
Truyện chỉ có hai nhân vật, “tôi” và “người canh gác”. Tôi chạy qua, chạy lại hỏi và tự hỏi. Người canh gác hoàn toàn im lặng. Truyện là một tình huống. Tác giả gọt bỏ hết các lớp cấu trúc truyện: không thời gian (không biết truyện xảy ra lúc nào), xóa mờ không gian (không biết truyện xảy ra ở đâu), và các yếu tố của cốt truyện (truyện không đầu, không đuôi).
Chủ đề của truyện là gì? Truyện thể hiện tư tưởng gì? Thực không dễ hiểu.
Nhan đề “Người canh gác”, định hướng suy nghĩ của người đọc. Trong truyện này ai là người canh gác (Tôi hay Người canh gác)? Canh gác điều gì (bởi Người canh gác có ngăn chặn Tôi đâu)? Tôi đúng hay sai, lấy gì để phân định? Vì khộng có những yếu tố của hiện thực, người đọc nhận ra bản chất của truyện: truyện không phản ánh hiện thực mà chỉ là giả định hư cấu, qua đó tác giả đặt vấn đề tư tưởng (kiểu truyện tư tưởng): đúng hay sai (chân lý) là do anh tự nhận thức và quyết định theo lương tâm của anh. Chân lý thuộc về anh, những rào cản bên ngoài chỉ là giả. Anh mới đích thực là người quyết định số phận mình. (Trong truyện, Tôi không biết điều đó nên cứ tra hỏi.)
II.Các yếu tố của truyện
Đặc trưng của truyện là “hư cấu” tức là “sáng tạo” một hiện thực thẩm mỹ mới. Ghi lại một câu chuyện thật trong cuộc sống, chuyện “người thật việc thật”, đó là Ký (Nhật ký, Bút ký, Ký sự, Phóng sự). Truyện cũng kể “người thật việc thật”, nhưng nhà văn đã nghệ thuật hóa (tức là hư cấu, là nhào nặn lại hiện thực theo quy luật của Cái Đẹp), đặt vào cái khung lý tưởng thẩm mỹ của mình (quan điểm về Cái Đẹp). Vốn sống, tư tưởng, tình cảm, và cả cá tính sáng tạo (Cái Riêng nghệ thuật) của mình trở thành máu thịt của truyện. Vì thế truyện thường có nguyên mẫu ở ngoài đời (tức là người thật việc thật), nhưng “nhân vật” là một hình tượng tư tưởng-thẩm mỹ (tức là một hình ảnh chứa đựng tư tưởng, và vẻ đẹp riêng), khác với “nguyên mẫu”.
Để viết truyện, cần nắm vững đặc điểm của các yếu tố truyện:
1.Nhan đề truyện
Nhan đề truyện chứa đựng nội dung, tư tưởng và nghệ thuật của truyện. Nhan
đề định hướng tư tưởng và sự cảm nhận của người đọc. Nhan đề cũng có nhiệm vụ tạo sự độc đáo, sự hấp dẫn cho truyện. Một truyện hay thường có nhan đề độc đáo.
Thay đổi Nhan đề, sẽ dẫn theo sự thay đổi ý nghĩa tác phẩm.
Thí dụ 1: Truyện Chí Phèo có 3 nhan đề với ba cách hiểu khác nhau: Cái lò gạch cũ; Đôi lứa xứng đôi; sau cùng Nam Cao đổi thành Chí Phèo.
Thí dụ 2: Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du là “Tiếng kêu mới đứt ruột”. Khi gọi Đoạn trường tân thanh là “Truyện Kiều”, truyện chỉ còn có nghĩa về cuộc đời Thúy Kiều mà bỏ mất chủ đề tư tưởng của Nguyễn Du: Nguyễn Du lên tiếng kêu thương cho số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến: “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.
Có nhiều cách đặt nhan đề truyện
Đặt theo tên nhân vật: Nam Cao có truyện Chí Phèo, Dì Hảo..
Nhan đề là một biểu tượng: truyện Đôi mắt của Nam Cao, Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du (Đoạn trường tân thanh nghĩa là tiếng kêu đứt ruột).
Nhan đề là một chi tiết truyện có ý nghĩa biểu tượng: truyện Đồng hào có ma của Nguyễn Công Hoan; truyện “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân.
2.Nội dung truyện
Nội dung truyện là toàn bộ câu truyện từ mở đầu đến kết thúc. Một truyện hay,
trước hết phải có nội dung hay. Người ta có thể tóm tắt nội dung truyện.
Thí dụ 1: Nội dung truyện Chí Phèo kể lại cuộc đời Chí Phèo từ lúc sinh ra đến lúc chết. Chí Phèo là đứa trẻ không cha không mẹ, bị vứt bỏ bên lò gạch cũ. Lớn lên làm canh điền cho nhà Bá Kiến, bị Bá Kiến vô cớ cho đi tù. Ra tù, Chí Phèo tìm đến nhà Bá kiến trả thù, bị Bá Kiến biến thành công cụ tha hóa. Nhờ tình yêu của Thị Nở, Chí Phèo thức tỉnh. Chí tìm đến nhà Bá Kiến, giết Bá Kiến và tự sát…
Thí dụ 2: Nội dung Đoạn trường Tân Thanh (quen gọi là Truyện Kiều) kể lại 15 năm luân lạc của Thúy Kiều. Gia đình Kiều đang sống bình an, Tiết Thanh Minh, Kiều và em đi chơi. Kiều gặp Kim Trọng và thề nguyền yêu đương. Bỗng tai họa ập đến, cha và em Kiều bị bắt. Kiều phải bán mình lấy tiền cứu cha và em. Không ngờ Kiều bị Sở Khanh lừa vào lầu xanh. Ở đây, bị Tú Bà ép tiếp khách, Kiều tự tử nhưng không thành. Sau đó Kiều gặp Thúc sinh và được Thúc Sinh cứu ra khỏi lầu xanh, hai người ăn ở với nhau. Vợ Thúc Sinh là Hoạn Thư đánh ghen, bắt Kiều về đày ải, bắt làm nô tỳ. Kiều sợ hãi sự thâm hiểm của Hoạn Thư nên phải trốn đi. Ra khỏi nhà Hoạn Thư, Kiều lại bị bọn Bạc Hà, Bạc Hạnh lừa vào lầu xanh. “Chém cha cái số hoa đào/ Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi”. Ở lầu xanh lần thứ hai, Kiều gặp Từ Hải, người anh hùng này giúp Kiều trả thù bọn Sở Khanh, Tú Bà, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Bạc Bà, Bạc Hạnh. Những tưởng đời Kiều được thảnh thơi để về quê, nhưng Từ Hải bị Hồ Tôn Hiến lừa đánh bất ngờ, chết đứng giữa trận tiền. Kiều bị Hồ Tôn Hiến ép hôn. Quá đau đớn, nhục nhã và tuyệt vọng, Kiều đã trầm mình ở sông Tiền đường. Đoạn kết: Kiều được cứu vớt và tái hợp với Kim Trọng.
Nội dung truyện được dàn dựng bằng một cốt truyện. Tóm tắt nội dung truyện là tóm tắt theo cốt truyện. Cốt truyện là những biến cố làm thay đổi số phận nhân vật, làm phát triển các mạch truyện.
3.Cấu trúc truyện
Nội dung ấy được sắp xếp theo một mô hình (motif), một nguyên tắc hay một
logic nào đó, được gọi là cấu trúc (cấu trúc truyện do tác giả sáng tạo ra). Giống như khi làm nhà, ta sẽ dựng cột, kèo theo một kiểu mẫu nào đó (kiểu nhà Việt, mái nhà hình cái thuyền úp, kiểu nhà Rông Tây Nguyên là hình lưỡi rìu. Chùa chiền có mái cong. Nhà làm theo kiểu phương Tây có dạng kiểu Kỷ Hà học. Nhà ở của người Kh’mer là nhà sàn…)
Thí dụ 1: Đoạn trường Tân Thanh (Truyện Kiều) có cấu trúc chính luận: Mở đầu Nguyễn Du nêu luận đề “Tài mệnh tương đố” (người có tài thì bị số mệnh ghen ghét), sau đó kể chuyện cuộc đời Kiều để chứng minh cho luận đề ấy. Phần kết, Nguyễn Du đề xuất giải pháp chữ Tâm (Phật giáo) để hóa giải: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài”.
Thí dụ 2: Cấu trúc truyện Chí Phèo là cấu trúc vòng tròn. Mở đầu truyện là hình ảnh cái lò gạch cũ, nơi người ta nhặt được Chí phèo bị bỏ rơi. Kết thúc truyện cũng là hình ảnh cái lò gạch cũ. Khi Chí Phèo chết, Thị Nở nhìn xuống bụng và nghĩ, ngộ nhỡ mình có chửa! Thị nhìn ra xa, thấp thoáng hình ảnh cái lò gạch cũ bỏ không. Trong cấu trúc ấy Nam Cao thuật lại ba lần Chí Phèo đến nhà Bá Kiến: Lần I: Ra tù, Chí đến gây sự và bị Bá Kiến thu phục. Lần II: Chí đến xin Bá Kiến cho đi ở tù, vì ở tù còn có cơm mà ăn, về làng không có tấc đất cắm dùi. Chí bị Bá Kiến làm tha hóa. Lần ba, Chí thức tỉnh, đến hỏi tội Bá Kiến và giết Bá Kiến. Sau đó, Nam Cao viết thêm đoạn vĩ thanh (cảm nghĩ của Thị Nở về Chí Phèo).
Truyện ngắn hiện đại thường có những kiểu cấu trúc truyện sau đây:
Kiểu cấu trúc chương, hồi. Mỗi chương, hồi kể một sự việc. Kết mỗi hồi, sự việc đang ở đỉnh cao mâu thuẫn. “Hạ hồi phân giải” (nghĩa là: muốn biết sự việc thế nào, xin xem hồi sau sẽ rõ).
Nhiều truyện được kể theo tuyến tính thời gian, sự việc: việc gì xảy ra trước thì kể trước, việc gì xảy ra sau thì kể sau. Truyện Hai đứa trẻ của Thạch Lam kể theo thời gian: Chiều xuống, Liên dọn hàng, chị em ngồi chờ tàu. Đêm, Liên ngồi ngắm sao. Cho đến khuya, khi tàu đi qua, vãn khách, Liên đi ngủ.
Truyện tâm lý: truyện kể theo sự vận động tâm lý nhân vật, bỏ qua yếu tố thời gian, không gian (các truyện của Nam Cao). Có khi truyện chỉ là một mảnh tâm trạng trong một tình huống, hoàn cảnh nào đó. Truyện Hai đứa trẻ của Thạch Lam chỉ là tâm trạng đợi tàu của Liên từ chiều đến khuya.
Kể truyện trong kể truyện: mở đầu, tác giả kể chuyện nhân vật ở hiện tại, sau đó hồi tưởng, kể lại chuyện trong quá khứ. Đoạn kết, trở về hiện tại tác giả kể tiếp truyện.
Cấu trúc gặp gỡ, ly cách, tái hợp (truyện Kiều)
Truyện kết có hậu (truyện dân gian)
Cấu trúc theo tình huống (truyện Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu)
Cấu trúc bị đảo để giữ bí mật (Chiếc lược ngà, Quán rượu người câm của Nguyễn Quang Sáng và kiểu truyện trinh thám, kiểu truyện cười).
Truyện Hậu hiện đại phá vỡ cấu trúc truyền thống (làm phân mảnh cốt truyện, nhân vật, thời gian, không gian…).
Những truyện hay thường có cấu trúc lạ.
4.Nhân vật
Nhân vật là yếu tố trung tâm của tác phẩm văn học. Kể truyện là kể về nhân vật.
Sự thành bại của một tác phẩm là do nghệ thuật xây dựng nhân vật. Gấp trang văn lại mà nhân vật không hiện lên được thì tác phẩm ấy thật nhạt nhẽo. Những tác phẩm lớn là tác phảm mà nhân vật từ trang sách bước ra và hòa vào dòng đời, thức tỉnh lương tri nhân loại. Thí dụ nhân vật Hamlet của Shakespears, nhân vật Jean Val Jean trong Những người khốn khổ của V. Hugo; Sở Khanh, Tú Bà, trong Đọan trường tân thanh của Nguyễn Du; Chí Phèo của Nam Cao…
Cho nên việc tìm nhân vật, khắc họa nhân vật, kiến tạo cho nhân vật một số phận, giao cho nhân vật thực hiện nhiệm vụ tư tưởng và nghệ thuật, là công việc quan trọng bậc nhất của nhà văn.
Có nhiều kiểu nhân vật tùy theo thể loại và bút pháp.
Truyện cười có kiểu nhân vật gây cười: Thí dụ, nhân vật Xuân tóc đỏ trong tiểu
thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, các nhân vật truyện cười dân gian như thầy Đồ, thầy Đề, nhân vật Hề.
Tuyện cổ tích thường là nhân vật phiếm chỉ, thiện ác phân minh: Tấm/ Cám, nhân vật người anh, người em trong Ăn khế trả vàng
Truyện hiện thực: nhân vật hiện thực là nhân vật xã hội, được miêu tả điển hình hóa, mang những đặc điểm của một giai cấp, một tầng lớp xã hội.
Truyện Lãng mạn: nhân vật có những đặc điểm vượt lên trên đời thực, có khi có những phẩm chất phi thường. Thí dụ, nhân vật Từ Hải trong Truyện Kiều có những đặc điểm lãng mạn. Nguyễn Du tả Từ Hải có những phẩm chất, tính cách vượt lên đời thường: “Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”; “Dọc ngang trời rộng vẫy vùng biển khơi”; Hoặc nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân.
Nhân vật của Thần thoại là các vị thần: truyện Thần trụ trời
Nhân vật của Ngụ ngôn là nhân vật ẩn dụ.
Vai trò của nhân vật trong truyện.
Truyện là truyện kể về nhân vật. Vì thế nhân vật tạo nên nội dung truyện. Số phận của nhân vật là sự phát triển nội dung truyện. Trong truyện, nhân vật xuất hiện hay kết thúc đều theo một hành trình số phận. Truyện không thể có nhân vật thừa. Có khi tác giả đẩy nhân vật ra sân khấu mà không biết làm thế nào cho nhân vật trở vào.
Nhân vật phát triển số phận để thực hiện chủ đề truyện, qua đó thể hiện tư tưởng của tác giả. Trong Truyện Kiều (Nguyễn Du), nhân vật Thúy Kiều thể hiện chủ đề: tiếng kêu thương cho số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Nhân vật Từ Hải thể hiện tư tưởng tự do của Nguyễn Du. Rất tiếc, thời Nguyễn Du, Từ Hải chưa thể đi làm cách mạng để xây dựng một xã hội mới công bằng, tự do.
Về nghệ thuật, nhân vật có thể là người kể chuyện xưng “Tôi”. Trong trường hợp này, “Tôi” là nhân vật ở ngôi kể (thực hiện nhiệm vụ trần thuật), không phải tác giả.
Nhân vật hiện thực (Hiện thực phê phán, Hiện thực Xã hội chủ nghĩa…) phải được miêu tả trong bối cảnh lịch sử, xã hội cụ thể, trong không gian, thời gian thực, với những mối quan hệ xã hội phức tạp. Nhân vật cũng phải được soi chiếu ở nhiều phương diện khác nhau như Con người xã hội, Con ngưởi thể lý, Con người tâm lý, Con người tâm linh. Nhân vật hiện thực chịu sự quy định của những nguyên tắc hiện thực, tức là, nhân vật phải “thật” như ngoài đời.
Xây dựng nhân vật theo các kiểu nhân vật khác, tác giả viết truyện phải tuân thủ các nguyên tắc về bút pháp mà mình chọn lựa (nhân vật Lãng mạn, Thần Thoại, Cổ tích, Ngụ ngôn, Siêu thực, Hậu Hiện đại…)
Chẳng hạn, nhân vật trong văn học trung đại là nhân vật phong kiến (Truyện Kiều, Lục Vân Tiên…). Nhân vật Lãng mạn thường là trí thức tiểu tư sản (Đoạn Tuyệt, Nửa chừng xuân, Hồn bướm mơ tiên…). Nhân vật Hiện thực xã hội chủ nghĩa là Công, Nông, Binh…(Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, Đất của Anh Đức…)
Việc xây dựng nhân vật
Ngòi bút Nguyễn Du, Nam Cao đặc biệt ở việc khắc họa chân dung và tính cách nhân vật
Thí dụ 1: Nguyễn Du tả Tú Bà qua mắt nhìn của Thúy Kiều:
“Thoắt trông nhờn nhợt màu da/
Ăn chi cao lớn đẫy đà làm sao!”.
Thí dụ 2: Nam Cao tả Lang Rận:
“Anh chàng có cái mặt trông dơ dáng thật. Mặt gì mà nặng chình chĩnh như mặt người phù, da như da con tằm bủng, lại lấm tấm đầy những tàn nhang. Cái trán ngắn ngủn, ngắn ngùn, lại gồ lên. Đôi mắt thì híp lại như mắt lợn sề. Môi rất nở cong lên, bịt gần hai cái lỗ mũi con con, khiến anh ta thở khò khè. Nhưng cũng chưa tệ bằng cái lúc anh cười. Bởi vì lúc anh cười thì cái trán chau chau, đôi mắt đã híp lại híp thêm, hai mí gần như dính tịt lại với nhau, môi càng lớn thêm lên, mà tiếng cười, toàn bằng hơi thở, thoát ra khìn khịt. Trời đất ơi! Cái mặt ấy, dẫu cho mỗi ngày rửa ba lượt xà phòng, bà cựu trông thấy vẫn còn buồn mửa. Huống chi anh chàng lại bẩn gớm, bẩn ghê. Có lẽ mỗi buổi sáng ra cầu ao, anh ta chỉ nhúng mấy ngón tay, rửa độc một tí đầu mũi mà thôi. Mặt anh mốc meo lên. Còn quần áo thì gố ghỉnh, thì đầy dỉ, đứng cách ba thước còn ngửi thấy mùi chua, mà rách rưới, mà mất cúc, mà sứt chỉ, mà lôi thôi lếch thếch. Không hiểu anh ta chỉ có một bộ quần áo hay sao mà từ ngày đến nhà bà đến giờ vẫn chưa thay. Hèn chi mà rận lắm hơn giòi. Chúng bò lổm ngổm ở trên cổ, ở hai vai, ở dưới lưng. Chúng bò lổm ngổm xuống cả cái giường mà anh nằm. Anh ngồi chỗ nào, lúc đứng lên, thế nào cũng có vài chú rận kềnh nằm ngửa, múa máy những cái chân nhỏ li ti, như một người bụng to ngã chổng kềnh, không biết làm thế nào để đứng lên. Thỉnh thoảng, gặp những lúc không có việc gì làm, anh ta ra ngồi ở đầu hè, cởi áo ra, nhặt rận đưa lên miệng nhấm kêu lép tép. Còn cái gì tởm cho bằng cái cảnh một ông lang trần trùng trục, ngồi bắt rận trong một ngôi nhà sạch sẽ như nhà bà cựu, có một người đàn bà trẻ, đầu lúc nào cũng mượt trơn, yếm lúc nào cũng trắng bong, quần lụa cạp điền lúc nào cũng buông chùng đến gót chân, và một cô con gái chưa chồng có tiếng là đỏm dáng, gọn gàng như cô Đính, em ông cựu? Bởi vậy, mỗi lần bà cựu và cô Đính trông thấy thế, cả hai cùng sầm mặt, nguýt lang.”(Lang Rận-Nam Cao)
Nam Cao vừa tả, vừa bình luận, vừa bày tỏ cảm xúc, bày tỏ thái độ. Ông dùng nhiều biện pháp so sánh, ngôn ngữ cường điệu. Thực ra Nam Cao tả Lang Rận qua mắt nhìn và cảm xúc, suy nghĩ, phẩm bình của nhân vật Bà Cựu (“bà cựu và cô Đính trông thấy thế”).
Nguyễn Tuân dùng nghệ thuật tương phản để xây dựng nhân vật Huấn Cao (Chữ người tử tù). Nguyễn Tuân đặt Huấn Cao bên cạnh Quan ngục. Huấn Cao thì lẫm liệt, Quan ngục thì khúm núm:
“Trong một không khí khói tỏa như đám cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ. Khói bốc tỏa cay mắt, họ dụi mắt lia lịa.
Một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng phẳng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò, thì run run bưng chậu mực…”
2.Bao giờ nhân vật cũng được đặt trong một tình huống, một hoàn cảnh đặc biệt, từ đó làm thay đổi số phận và bộc lộ phẩm chất, tính cách của nhân vật. Càng nhiều tình huống, truyện càng hấp dẫn.
Thí dụ 1, tình huống Tràng “nhặt được vợ” (Truyện Vợ Nhặt-Kim Lân) trong lúc nạn đói đang hoành hành.
Thí dụ 2: truyện Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu) có nhiều tình huống liên tiếp: 1-Nhân vật Phùng bất chợt chụp được ảnh đẹp chiếc thuyền ngoài xa. Chiếc thuyền vào bãi người đàn bà lên bờ, người đàn ông đi sau. 2-Phùng chứng kiến cảnh bạo hành của người đàn ông chài với vợ. 3-Ba hôm sau, chứng kiến cảnh bạo hành, Phùng xông vào đánh người đàn ông chài và bị anh ta đánh lại. 4-Ở tòa án Huyện, Phùng vô cùng ngạc nhiên về thái độ của chị vợ. Chị xin tòa đừng bắt chị bỏ hắn vì trên thuyền cần có người đàn ông chống chèo những lúc giông bão. 5-Đêm ấy bất chợt Phùng thấy chiếc thuyền ngoài xa đang chống chọi với cơn bão. Kết truyện là tình huống thứ 6: Nhìn bức ảnh mình chụp in trên tờ lịch treo trên tường nhà sính nghệ thuật, Phùng thấy người đàn bà từ trong bức tranh bước ra, hòa vào dòng đời. Các tình huống liên tiếp nhau này làm nên câu chuyện và bộc lộ chủ đề.
5.Chủ đề.
Chủ đề là vấn đề tác giả đặt ra khi kể câu chuyện.
Có khi chủ đề bị lộ do chính tác giả nói thẳng ra bằng những bình luận ngoại đề.
Có khi truyện kể xong rồi mà chủ đề không hiện lên, không rõ tác giả muốn nói điều gì qua câu chuyện kể. Đó là truyện của những tác giả non tay.
Mỗi truyện thường có một chủ đề, song cũng có truyện có nhiều chủ đề.
Thí dụ: truyện Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu) có 3 chủ đề. Chủ đề 1: chuyện Phùng đi chụp ảnh. Chủ đề 2: nạn bạo hành trong gia đình. Chủ đề 3: mối quan hệ giữa nghệ thuật và hiện thực.
Những truyện giá trị là truyện có chủ đề về những vấn đề lớn của cuộc sống.
Những truyện hay là truyện có chủ đề được giấu kín.
Những truyện viết bằng nghệ thuật ẩn dụ, bằng hình ảnh biểu tượng, rất khó phát hiện ra chủ đề
6.Tư tưởng
Tư tưởng của tác phẩm hay tư tưởng của tác giả thể hiện trong tác phẩm là những nhận thức nền tảng về thế giới quan (đời là gì?), nhân sinh quan (sống là gì, sống thế nào?). Những tư tưởng này có thể là những hệ thống triết học mà tác giả thụ đắc được. Tư tưởng của các trí thức thời phong kiến là đạo Nho (Thuyết Thiên mệnh, các đạo lý Tam cương, Ngũ thường). Ở Việt Nam Phật giáo xuất hiện trước nên tư tưởng Phật có vị trí quan trọng trong tâm thức Việt (Tứ diệu đế, giải thoát khổ lụy bằng con đường tu Tâm). Nhà Nho khi về hưu, thường sống với thiên nhiên, sống Nhàn theo tư tưởng “Vô vi” của Lão Tử. Tư tưởng của tam giáo Phật-Nho-Lão hòa đồng trong suy nghĩ và lối sống của trí thức Việt (tam giáo đồng nguyên). Khi đạo Công giáo truyền vào Việt Nam, trí thức Việt tiếp thu triết học và Thần học Kitô giáo. Và trong cuộc đấu tranh giành độc lập, các nhà cách mạng tiếp thu chủ nghĩa Marx-Lenin, lấy tư tưởng Marx-lenin làm nền tảng.
Như vậy, tư tưởng của văn học trung đại Việt là tư tưởng phong kiền (Phật-Nho-Lão). Văn học Công giáo thể hiện tư tưởng triết học và Thần học Kitô giáo. Văn học Cách mạng phản ánh hiện thực theo quan điểm của chủ nghĩa Marx-lenin. Ngoài ra, văn học Việt Nam cũng du nhập nhiều trào lưu tư tưởng khác như thuyết Hiện sinh; Chủ nghĩa Lãng mạn, Chủ nghĩa Hiện đại và Hậu hiện đại.
Chẳng hạn, Chủ nghĩa Hiện đại (các trào lưu thế kỷ XX: chủ nghĩa Hiện thực, Chủ nghĩa Ấn tượng, Chủ nghĩa Lập thể, Chủ nghĩa Siêu thực, …) đề cao chân lý, khẳng định những giá trị vĩnh cửu, đặt ra những nguyên tắc lý trí chuẩn mực… Trái lại, Chủ nghĩa Hậu Hiện đại lật đổ các Đại Tự sự, “giải thiêng” những chân lý vĩnh cửu (không có gì là “muôn năm”, là “vạn tuế” như thời vua chúa), đề cao sự khác biệt, đề cao Cái Khác (The Others), chủ trương phi tâm, phân mảnh cấu trúc, sử dụng diễu nhại, sử dụng những yếu tố ngẫu nhiên hoang tưởng…
Vì thế, khi viết hay đọc truyện ngắn (cả truyện dài), người đọc cần tìm cho ra tư tưởng chi phối quá trình sáng tạo của tác giả.
Thí dụ 1. Trong Đoạn trường tân thanh, Nguyễn Du lý giải số mệnh bằng Thiên Mệnh của Nho giáo (“Gẫm hay muôn sự tại trời/ Trời kia đã bắt làm người có thân”). Ông dùng các pháp của nhà Phật để lý giải cái khổ của Kiều (“Đã mang lấy nghiệp vào thân”). Sống là tạo “nghiệp”, khổ là do “nghiệp”. Luân hồi là do nghiệp. Muốn hết khổ phải giải “nghiệp” bằng con đường tu Tâm (“Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”), bởi Phật tại Tâm. Một bài kệ viết: “Tâm tức Phật/ Tức Phật tức Tâm”. Như vậy tư tưởng của Nguyễn Du trong truyện Kiều là tư tưởng Phật giáo. Ông dùng tư tưởng Thiền để giải quyết vấn đề xã hội. Ông không dùng lý thuyết đấu tranh cách mạng để nhìn nỗi thống khổ của Kiều là do chế độ phong kiến gây ra, vì thế ông không cho Từ Hải lật đổ chế độ ấy (tư tưởng cách mạng), vì thời ông (1765-1820), ở Việt Nam chưa có tư tưởng cách mạng.
Thí dụ 2: Văn học Công giáo nói chung (Kinh thánh, các truyện Hạnh các thánh, các Tuồng, Vãn, thơ ca…) đều thể hiện tư tưởng triết học và Thần học Kitô giáo, tập trung ở việc loan báo Tin Mừng, giáo dục Đức tin (các tín điều trong Kinh Tin Kính). Tin rằng Thiên Chúa là đấng tạo dựng nên vũ trụ, tạo tác nên con người, nhưng con người sa ngã. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa đến trong thế gian để cứu rỗi nhân loại. Tin sự sống vĩnh cửu, sự sống lại, Thiên đàng, Hỏa ngục…Những vấn đề như thế đã được các triết gia, các nhà thần học lý giải (Thánh Augustin, thánh Thomas Daquinas…). Các nhà triết học và Thần học cũng chống lại các học thuyết thế tục (Thuyết Duy vật vô thần, thuyết Darwin. Chủ nghĩa thế tục, Chủ nghĩa tư bản…)
Xin đọc bài thơ sau đây của Lm Philipphe Bỉnh viết bằng chữ Quốc ngữ TK 18.
Tìm thấy thánh Câu rút thơ
Lạy Câu rút thánh giấu bây nay
Tìm tõi làm sao mới thấy rày
Gỗ sức Ngôi Con xưa vác nặng
Giường cao Cha Cả đã nằm đây
Vì dân dưỡng xác tham bùi ngọt
Nên Chúa liều mình chịu đắng cay
Xin hãy theo chân mà gánh vác
Khăng khăng ghi tạc lấy ơn này
(Mậu Ngọ niên, Mồng 3 tháng Majus năm 1798)
Chú thích: câu rút: phiên từ tiếng Bồ “Cruz”, chỉ thánh giá
Thực ra, chỉ những tác giả lớn mới có tư tưởng và cũng chỉ những tác phẩm lớn mới chứa đựng những tư tưởng có chất khai mở cho nhân loại (Shakespears, V. Hugo, F, Kafka, R Tagore; J. P. Sartre, Nguyễn Du…
(Nhà văn Nguyễn Tuân)
7.Diễn ngôn trong tác phẩm
Diễn ngôn là một thuật ngữ mà nội hàm khá phức tạp, chưa được thống nhất ở Việt Nam. Có 3 hướng tiếp cận thuật ngữ Diễn ngôn: từ Ngôn ngữ học cấu trúc của F. de Sausure, Diễn ngôn trong nghiên cứu văn học do M. Bakhtin, hoặc Diễn ngôn với ý nghĩa triết học, tư tưởng và văn hóa học của Foucault.
Có thể hiểu sơ lược, Diễn ngôn là thông điệp trong tác phẩm mà tác giả muốn gửi đến người đọc cùng với thái độ của tác giả khi trình bày thông điệp ấy. Như vậy “thông điệp” nằm trong nội dung, chủ đề, tư tưởng còn thái độ tác giả (nằm ngoài tác phẩm) thể hiện trong hình thức diễn đạt: đặc điểm nhân thân, cách dùng từ, giọng điệu, thể loại, lý tưởng thẩm mỹ, bối cảnh lịch sử, tầng văn hóa…
Thí dụ: Nguyễn Du kể truyện nhân vật Thúy Kiều, nội dung truyện là tiếng kêu thương của thân phận người phụ nữ, từ đó trình bày tư tưởng “Tài mệnh tương đố” và đưa ra giải pháp hóa giải “Tài/ Mệnh” bằng chữ “Tâm” (Phật giáo). Những điều ấy thuộc về “thông điệp”. Còn thái độ phát ngôn của Nguyễn Du khi trình bày những “thông điệp” ấy là thế nào (tức là thái độ đối thoại với người đọc, với thời đại)? Nguyễn Du phê phán sâu sắc chế độ phong kiến, lên án mạnh mẽ những thế lực chà đạp lên con người và bày tỏ lòng yêu thương vô hạn với những thân phận nô lệ. Tổng hợp thông điệp của tác phẩm và thái độ phát ngôn của tác giả, sẽ giúp người đọc hiểu được “diễn ngôn” của Nguyễn Du. Tất nhiên, diễn ngôn ấy là diễn ngôn của một nhà Nho, một ông quan phong kiến đã sống trong những biến động lớn lao của lịch sử (1765-1820) nên chứa đựng cả phần tích cực và hạn chế do thời đại quy định. Chẳng hạn, mở đầu truyện, Nguyễn Du ca ngợi chế độ phong kiến (“Bình thành công đức bấy lâu,/ Ai ai cũng đội trên đầu xiết bao”-Câu 2491, 2492). Và vì ca ngợi chế độ phong kiến, Nguyễn Du bắt Từ Hải phải chết (chống lại triều đình), dù Từ Hải là lý tưởng tự do của Nguyễn Du.
Những truyện hay là những truyện có diễn ngôn sâu sắc và mạnh mẽ. Xin đọc Nguyễn Huy Thiệp: Tướng về hưu, Vàng lửa, Kiếm sắc, Phẩm tiết…
- Ngôn ngữ/ Lời văn
Nguyễn Tuân yêu cầu: “Văn phải là văn”(Văn chương phải là Cái Đẹp). Có thể hiểu, văn chương là sự sáng tạo cái đẹp bằng ngôn ngữ. Và tiếp nhận văn học là cảm nhận cái đẹp qua ngôn ngữ. Ngôn ngữ (lời văn, thể loại, văn bản, thi pháp…) là yếu tố quyết định phẩm chất văn chương.
Vì thế, tác giả viết văn phải trau chuốt câu văn, phải viết được những câu văn “đẹp” (dùng từ, ngữ pháp, diễn đạt, giọng điệu…). Câu văn trong truyện là câu văn hình ảnh, cảm xúc, từ được dùng chính xác, tinh tế, sáng tạo…
Câu văn trong truyện là câu tường thuật, câu miêu tả, câu cảm nhận. Trong truyện, tránh kiểu câu văn nghị luận (câu nhận định, câu đánh giá).
Ngôn ngữ truyện là ngôn ngữ nghệ thuật: ngôn ngữ có tính hình tượng, tính biểu cảm, tính phong cách. Cùng viết về một đối tượng, mỗi nhà văn có cách viết riêng, sử dụng vốn từ riêng và có phong cách nghệ thuật riêng. Kim Lân dùng ngôn ngữ bắc bộ trong truyện Vợ Nhặt. Nguyễn Thi, Anh Đức dùng ngôn ngữ Nam bộ trong truyện ngắn của mình (Những đứa con trong gia đình, Đất…)
Những truyện hay là truyện có lời văn gây được ấn tượng thẩm mỹ trong lòng người đọc.
- Phong cách nghệ thuật
Vấn đề phong cách nghệ thuật cho đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về nội hàm của thuật ngữ: Phong cách nghệ thuật là gì? Phong cách thuộc về nội dung hay hình thức?
Đọc thơ văn của Hồ Xuân Hương, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Chế Lan Viên, Tố Hữu, Nguyễn Huy Thiệp, ta nhận ra ngay chân dung nghệ thuật của tác giả, không lẫn lộn với các tác giả khác. Tuy vậy rất nhiều nhà văn nhà thơ không có phong cách, tức là người đọc không thể nhận diện khuôn mặt tác giả qua tác phẩm.
Chỉ những nhà văn có tài năng sáng tạo, có tư tưởng thẩm mỹ riêng, có cá tính độc đáo mới có phong cách văn chương.
Phong cách là những đăc điểm nội dung và nghệ thuật bộc lộ ra bên ngoài giúp người đọc nhận ra cái riêng văn chương của một tác phẩm, một tác giả, một thời đại. Có phong cách tác phẩm, phong cách tác giả, phong cách thời đại. Thông thường, người ta chọn một đặc điểm nổi trội để nhận dạng phong cách nghệ thuật.
Thí dụ: thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh có phong cách cổ điển khác với thơ ca Bác viết cho công, nông binh có phong cách dân gian. Nguyễn Tuân là nhà văn của “Cái Đẹp”. Nam Cao đặc sắc ở những truyện “Bi kịch”. Hồ Xuân Hương,Vũ Trọng Phụng đậm chất tục dân gian. Thơ ca dân gian có đặc điểm riêng về thi pháp và phong cách…
Phấn đấu để tác phẩm có phong cách riêng là nỗ lực không ngừng của một nhà văn.
- Trách nhiệm văn chương
Người viết văn, trước trang giấy trắng, phải trả lời câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? (Hồ Chí Minh), tức là đối tượng và mục đích viết văn. Hai yếu tố này chi phối toàn bộ nội dung, tư tưởng, nghệ thuật của người viết.
Trẻ con có tâm lý và trình độ, tư duy rất khác với người lớn. Văn học Phật giáo, văn học Công giáo hướng đến những đối tượng độ giả khác nhau. Viết để loan báo Tin Mừng và viết để tuyên truyền cách mạng là hai mục đích khác nhau; làm văn chương nghệ thuật là hướng đến sáng tạo Cái Đẹp, còn viết văn chương thị trường là để bán tác phẩm lấy tiền…
Vì thế xã hội luôn yêu cầu người viết phải thực hiện trách nhiệm công dân, trách nhiệm nhà văn. Vì văn chương sử dụng ngôn ngữ làm công cụ, nên văn chương trước hết thực hiện chức năng ngôn ngũ: chức năng giao tiếp, chức năng tư tưởng, chức năng hành động, chức năng thẩm mỹ.
Trách nhiệm công dân là gì? Người nông dân làm ra lúa gạo nuôi sống người dân. Người lính hy sinh thân mình để bảo vệ tổ quốc. Y, Bác sĩ ngày đêm cứu chữa bệnh nhân. Người lao động đổ mồ hôi làm ra sản phẩm phục vụ nhu cầu của mọi người, làm giàu đất nước. Thầy cô giáo kiên trì đào tạo các thế hệ công dân, các thế hệ nhân tài cho đất nước. Vậy nhà văn có trách nhiệm gì? Câu trả lời là: nhà văn viết tác phẩm văn học, viết về người nông dân, người lính, về Y, bác sĩ, về thầy cô, về người lao động…lên tiếng thay cho họ, nói lên tình cảnh, nguyện vọng của họ, khẳng định những giá trị của họ. Người trẻ mới tập viết văn thường bị bó trong Cái Tôi chật hẹp.
Nguyễn Du lên tiếng thay cho người phụ nữ nô lệ trong chế độ phong kiến. Nam Cao lên tiếng kêu cứu “Tao muốn làm người lương thiện”, thay cho người nông dân bị thực dân phong kiến thống trị, làm tha hóa. Vũ Trọng Phụng quất những ngọn roi dữ dội vào mặt cái xã hội tư sản thành thị vô luân trước 1945 (Số Đỏ)…
Câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Cần phải được trả lời trước khi tác giả cầm bút bắt đầu viết những dòng đầu tiên.
III. Viết một truyện ngắn
(Phần này trình bày những yếu tố kỹ thuật)
1.Muốn viết truyện thì phải “có chuyện” mới viết được.
Truyện là tác phẩm được kể bằng văn bản. Chuyện là câu chuyện được kể bằng lời nói (nói chuyện).
Trước hết người viết văn phải nghe ngóng, thu lượm những câu chuyện ngoài đời; bản thân phải trải nghiệm đời sống, lắng nghe lòng mình, suy gẫm thế sự, nung nấu khát vọng muốn kể lại một câu chuyện. Tất cả những điều ấy tạo nên “vốn sống” cho nhà văn. Nguyễn Du thổ lộ: “Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Nếu Nguyễn Du không trải nghiệm lịch sử bể dâu (từ Lê Chiêu Thống đến Quang Trung rồi Gia Long), không tận mắt chứng kiến (“những điều trông thấy”) và không lắng nghe lòng mình đau đớn thì không thể viết Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh).
Vốn sống là vốn để viết văn. Vốn sống giúp nhà văn miêu tả chân thực những gì mình đã trải nghiệm; nhưng vốn sống không phải là chuyện. Vốn sống chỉ góp phần máu thịt cho câu chuyện. Ai cũng có vốn sống nhưng mấy ai trở thành nhà văn?
Để viết truyện, người cầm bút phải kể một câu chuyện. Nhà văn Mạc Ngôn, Giải Nobel văn chương 2012 khẳng định: Nhà văn “là người kể chuyện”.
Đó là những chuyện mới lạ. Không ai muốn nghe một chuyện đã biết rồi (đặc điểm thông tin).
Tác giả Công giáo trẻ nên viết những gì (kể chuyện gì)? Hãy kể những câu chuyện của những phận người mà Đức Giêsu nói đến trong Tám mối phúc (Mt 5, 1-12), Hãy đi khắp nơi, đến với mọi cảnh ngộ, để hiểu biết, cảm thông, chia sẻ với tha nhân trong những cơn khốn cùng, như Đức Giêsu ngày xưa đến với mọi người, an ủi họ, chữa lành cho họ, giải quyết mọi vấn đề của họ và đem Ơn Cứu Độ đến cho họ. Truyện của tác giả Công giáo cần tỏa sáng tư tưởng Mỹ học Ki tô giáo, thể hiện sâu sắc Chủ nghĩa nhân văn của Tin Mừng (đức yêu người-thí dụ dụ ngôn Người Samari nhân hậu-Lc 10:25–29) và đem đến niềm hoan hỷ tâm linh cho những người tuyệt vọng [1].
- Muốn dựng truyện, phải “hư cấu”
Viết truyện không phải là “bê nguyên xi” chuyện ngoài đời vào trang văn. Khi kể một câu truyện, nhà văn phải ghép nhiều hoàn cảnh, nhiều mảnh đời vào một không gian; nhiều tình huống trong một cấu trúc. Từ đó gắn vào một chủ đề, thể hiện một tư tưởng.
Truyện phải có đầu đuôi (có cấu trúc thẩm mỹ hoàn chỉnh): có mở, có phát triển các tuyến truyện, các số phận, các mâu thuẫn, các vấn đề..Tất cả những việc như thế đòi hỏi năng lực “hư cấu” nghệ thuật. Nguyễn Công Hoan nói: “Truyện là bịa y như thật”. “Hư cấu” hay là “bịa” là tưởng tượng, tái tạo, sáng tạo mọi chi tiết trong truyện.
Không có năng lực “hư cấu” (tưởng tượng, tái tạo, sáng tạo) thì không thể viết truyện.
- Ngôi kể, tường thuật
Muốn kể một câu chuyện thì phải có người kể chuyện.
a.Khi tác giả (người viết truyện), trực tiếp trần thuật, anh ta là “người kể chuyện”. Nhân vật Tôi (tác giả) ở ngôi I. Người đọc (người nghe kể) ở ngôi thứ 2, và các nhân vật trong truyện ở ngôi thứ 3. Trong cách kể chuyện này, tác giả là nhân chứng của câu truyện, tạo được lòng tin nơi người đọc, rằng chuyện tôi kể là chuyện thật, chuyện tôi đã trải qua. Tác gải trực tiếp xen vào câu chuyện để bình luận, để bày tỏ nghĩ suy. Xin đọc:
“Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi trời, có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: Đời là tất cả nhưng cũng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “Chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ồ thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế thì có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này! A ha! Phải đấy hắn cứ thế mà chửi, hắn chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo? Mà có trời biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết.”(mở đầu truyện Chí Phèo-Nam Cao).
Câu mở đầu, “Hắn vừa đi vừa chửi”, là một câu kể. “Hắn” (Chí Phèo) là ngôi thứ 3.. Làng Vũ Đại cũng ở ngôi thứ 3. Tức là tác giả Nam Cao kể chuyện. Sau đó Nam Cao nhập thân vào Chí: “Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ồ thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất!”. Đây là câu văn tác giả bình luận: “Mà có trời biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết.”
Nếu nhân vật Tôi (tác giả) là người trong cuộc, có vai trò trong cấu trúc truyện, góp phần làm nên nội dung truyện thì chấp nhận được. Những cây bút non tay, kể chuyện của cá nhân mình, nhân vật Tôi (tác giả) thường trở nên thừa, vì không có vai trò kiến tạo truyện.
Hiện nay, ngôi kể thường là một nhân vật trong truyện. Nhân vật Tôi là nhân vật mà tác giả hóa thân thành để thuật lại câu chuyện. Cũng có truyện, tác giả thay đổi ngôi kể từ nhân vật này sang nhân vật khác, như thế tạo nên sự phong phú của giọng kể (mỗi nhân vật có giọng kể riêng). Có khi nhân vật chỉ là những mặt nạ khác nhau để tác giả phát ngôn (Nguyễn Huy Thiệp).
4. Khắc hoạ nhân vật
Trước hết phải chọn được nhân vật độc đáo (thí dụ Xuân Tóc đỏ, Chí Phèo, Lang Rận, Huấn Cao …), tức là kiểu nhân vật “không giống ai”, chưa có mặt trong văn chương trước đó.
Khắc họa nhân vật bằng miêu tả chân dung trong từng hoàn cảnh. Khắc họa tính cách qua lời nói, cảm nghĩa, hành động, qua các mối quan hệ giao tiếp và phản ứng của nhân vật trong từng tình huống.
Khi còn ở nhà, Kiều là một tiểu thư thanh tân nhưng vào lầu xanh, Kiều đã khác:
“Khi sao phong gấm rủ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường
Mặt sao dày dạn gió sương
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân”
(Đoạn trường tân thanh-Câu 1235-1238)
Cần lưu ý rằng, việc khắc họa nhân vật phải thống nhất về tính cách, thống nhất ngoại hình và bên trong (hình dáng-phẩm chất- tính cách) nghĩa là giữa nhân tướng học và tâm lý học phải tương quan hợp lý đối với từng kiểu nhân vật, kiểu bút pháp. Nhà văn phải nắm vững Nhân tướng học, Tâm lý học, Xã hội học, Tâm linh học (parapsychology) khi khắc họa nhân vật. Người hiền khác với kẻ gian. Mắt tam giác thì ác mà mắt bồ câu thì hiền. Làm quan phải tai to mặt lớn. Kẻ tiểu nhân thì trán nhọn, tai lép, râu chuột, mắt láo liên… “Người khôn con mắt đen xì/ Người dại con mắt nửa chì nửa thau”(Ca dao);
“Những người thắt đáy lưng ong,
đã giỏi chiều chồng, lại khéo nuôi con.
Những người béo trục béo tròn,
Ăn vụng xoen xoét đánh con cả ngày.”(Ca dao)
Nam Cao tả chân dung Chí Phèo:
“…Hắn về lớp này trông khác hẳn, mới đầu chẳng ai biết hắn là ai . Trông đặc như thằng sắng cá! Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất câng câng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc quần áo nái đen với áo Tây vàng. Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng, phượng với một ông thày tướng cầm chuỳ, cả hai cánh tay cũng thế . Trông gớm chết!”.
Thái độ của Nam Cao với nhân vật bộc lộ ở cách gọi Chí bằng “Hắn”, gọi các bộ phận thân thể Chí là “Cái” và trực tiếp bộc lộ cảm xúc: “Trông gớm chiếc”.
- Tả thiên nhiên, tả bối cảnh xã hội.
Tả cảnh thiên nhiên để thể hiện tâm trạng Tôi là đặc trưng của bút pháp Lãng mạn. Xin đọc:
“Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào. Trong cửa hàng hơi tối, muỗi đã bắt đầu vo ve. Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị: Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn.” (Hai đứa trẻ-Thạch Lam)
Tả bối cảnh xã hội làm nền cho nhân vật là yêu cầu bắt buộc của bút pháp Hiện thực.
Xin đọc:
“Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào. Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người. Giữa cái cảnh tối sầm lại vì đói khát ấy, một buổi chiều người trong xóm bỗng thấy Tràng về với một người đàn bà nữa. Mặt hắn có một vẻ gì phởn phơ khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh. Người đàn bà đi sau…” (Vộ Nhặt-Kim Lân)
- Miêu tả tâm lý
Trong việc khắc họa nhân vật, miêu tả tâm lý là một yêu cầu có tính quyết định tính cách nhân vật.
Tâm lý nhân vật là những dòng suy nghĩ, cảm xúc, tâm trạng của nhân vật trong một hoàn cảnh nào đó. Tâm lý, cảm xúc của một nhân vật thường dẫn đến hành động tiếp ngay sau đó. Ngược lại, có khi tác giả chỉ miêu tả hành động của nhân vật, người đọc phải qua hành động ấy để khám phá tâm lý nhân vật. Tâm lý học, Phân tâm học giúp soi sáng con người bên trong của nhân vật.
Truyện ngắn của Nam cao là truyện tâm lý. Tác giả miêu tả sự vận động tâm lý sâu sắc của các nhân vật. Cấu trúc truyện tuân theo sự vận động tâm lý ấy. Và vì thế, truyện của Nam Cao có rất ít việc miêu tả ngoại cảnh.
Bị Thị Nở từ chối tình yêu, Chí đi tìm bà cô Thị Nở để trả thù nhưng chân Chí lại đưa Chí đến nhà Bá Kiến. Lúc ấy Bá Kiến đang ghen với bà Tư. Bà ấy đi đâu lâu thế? “Mắt bà, miệng bà có duyên, nhưng trông đĩ lắm. Hơi một tí là cười toe toét, tít cả mắt lại, cái má thì hây hây. Mà thấy ghét những thằng trai trẻ,”. Nam Cao bình luận bằng phân tích tâm lý: “Những lúc như thế, thì một người dẫu khôn ngoan cũng không bình tĩnh được. Nhất là khi trông thấy một thằng chỉ đến vòi tiền uống rượu như Chí Phèo”. Cả hai thằng, Chí Phèo và Bá Kiến, đều đang trong cơn ghen, đang bị đàn bà bỏ đói, đều không thể bình tĩnh được, thì việc tất yếu phải xảy ra: “Hắn rút dao ra, xông vào. Bá Kiến ngồi nhỏm dậy, Chí Phèo đã văng dao tới rồi. Bá Kiến chỉ kịp kêu một tiếng. Chí Phèo vừa chém túi bụi vừa kêu làng thật to”…
Kiểu truyện miêu tả sự kiện, biến cố thường ít miêu tả tâm lý. Nhà văn tập trung miêu tả hành động của nhân vật, miêu tả những gì quan sát được từ bên ngoài.
Có khi nhân vật Tôi (ngôi kể) tự phân tích tâm trạng của mình trong những tình cảnh nhất định.
Đây là đoạn nhân vật Phùng (Chiếc thuyền ngoài xa-Nguyễn Minh Châu) chụp được bức ảnh “chiếc thuyền ngoài xa”, Phùng vừa kể, vừa tự phân tích tâm lý:
“Lúc bấy giờ trời đầy mù từ ngoài biển bay vào. Lại lác đác mấy hạt mưa. Tôi rúc vào bên bánh xích của một chiếc xe tăng để tránh mưa, đang lúi húi thay phim lúc ngẩng lên thấy một chuyện hơi lạ: một chiếc thuyền lưới vó mà tôi đoán là trong nhóm đánh cá ban nãy đang chèo thẳng vào trước mặt tôi.
Có lẽ suốt một đời cầm máy ảnh chưa bao giờ tôi được thấy một cảnh “đắt” trời cho như vậy: trước mặt tôi là một bức tranh mực tầu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi, toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào? Chẳng biết ai đó lần đầu đã phát hiện ra bản thân cái đẹp chính là đạo đức? Trong giây phút bối rối, tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lý của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong gần tâm hồn.”
(Đoạn “toàn bộ khung cảnh…tâm hồn” là Phùng tự phân tích tâm lý của mình).
- Tạo tình huống
Tình huống truyện là một hoàn cảnh đặc biệt, xảy ra bất ngờ, tạo ra bước ngoặt phát triển cốt truyện, làm lộ ra tính cách và số phận nhân vật và tạo nên bất ngờ thú vị cho người đọc (tính thẩm mỹ). Truyện ngắn mà không có tình huống truyện, sẽ mất đi nhiều giá trị. Những tình huống tạo ra mâu thuẫn truyện hoặc đẩy mâu thuẫn truyện lên một bước mới, sẽ tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt.
Thúy Kiều (Đoạn trường tân thanh-Nguyễn Du) đi dự tiết Thanh Minh, lúc trở về bất ngờ gặp mộ Đạm Tiên, và liền sau đó lại gặp Kim Trong. Ngay đêm đó Kiều mơ thấy Đạm Tiên báo mộng cuộc đời luân lạc của nàng. Đó là những tình huống mở ra số phận Kiều về sau.
Tình huống chính trong Truyện Vợ Nhặt (Kim Lân) là tình huống Tràng bất ngờ “nhặt” được vợ. Tình huống này làm thay đổi cuộc đời Tràng và làm lộ ra giá trị nhân đạo của tác phẩm.
Truyện Chiếc thuyền ngoài xa có 6 tình huống (đã phân tích ở trên)
- Giọng điệu
Giọng văn là một đặc điểm phong cách. Giọng văn tạo bởi việc sử dụng phối hợp các âm Bằng/ Trắc nhịp nhàng, việc ngắt giọng tạo câu dài hay ngắn, việc dùng các từ và dấu câu biểu cảm; và âm giọng vùng miền (do vốn từ, dùng thành ngữ, phương ngữ).
Giọng Nguyễn Tuân trong Vang bóng một thời là vẻ đẹp cổ kính. Nguyễn Tuân dùng từ Hán Việt, dùng cách diễn đạt thường gặp trong truyện trung đại.
Giọng văn Nam Cao là giọng trí thức Bắc bộ.
Giọng kể của Kim Lân trong Vợ Nhặt là giọng Bắc bộ.
Giọng Nguyễn Thi trong Người mẹ cầm súng là giọng Nam bộ.
Thí dụ 1:
“Người đàn bà lẳng lặng đi vào trong bếp. Tràng nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực không còn vẻ gì chao chát chỏng lỏn như mấy lầnTràng gặp ở ngoài tỉnh. Không biết có phải vì mới làm dâu mà thị tu chí làm ăn không? Bà mẹ Tràng cũng nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên. Bà lão xăm xắn thu dọn, quét tước nhà cửa. Hình như ai nấy đều có ý nghĩ rằng thu xếp cửa nhà cho quang quẻ, nề nếp thì cuộc đời họ có thể khác đi, làm ăn có cơ khấm khá hơn”.(Vợ nhặt-Kim Lân)
Những từ: “nom, chao chát chỏng lỏn, tu chí làm ăn, xăm xắn, quét tước, quang quẻ, có cơ khấn khá”nằm trong vốn từ đặc trưng bắc bộ. Nếu bạn chú ý đến các âm Bằng/ Trắc cuối mỗi vế câu, bạn sẽ nhận ra tiếng nhạc của giọng văn.
Thí dụ 2: giọng oang oang của Nguyễn Công Hoan
“Tôi cực lực công kích sách vệ sinh đã dạy ta ăn uống phải sạch sẽ, nếu ta muốn được khỏe mạnh, béo tốt. Thuyết ấy sai. Trăm lần sai! Nghìn lần sai! Vì tôi thấy sự thực, ở đời này, bao nhiêu những anh béo, khỏe, đều là những anh thích ăn bẩn cả. Thì đấy, các ngài cứ hãy nhìn ông huyện Hinh, hẳn các ngài phải chịu ngay rằng tôi không nói đùa.
Chà! Chà! Béo ơi là béo! Béo đến nỗi giá có thằng dân nào vô ý, buột mồm ra nói một câu sáo rằng: “Nhờ bóng quan lớn“, là ông tưởng ngay nó nói xỏ ông. Tức thì, mặt bàn là một, mặt nó là hai, bị vả đôm đốp. Mà rồi thằng khốn nạn ấy, ông truy cho đến kỳ cùng, không còn có thể làm ăn mở mày mở mặt ra được”(Đồng hào có ma).
Nếu chú ý dấu phẩy (,) ngắt câu, bạn sẽ nhận ra âm giọng của đọan văn. Mạch văn ngắn, cuối mạch văn đa số là từ có âm trắc (từ gạch dưới). Những yếu tố ấy tạo ra giọng văn oang oang diễu nhại.
Một tác giả mới xuất hiện, cần có một giọng văn lạ để gây ấn tương.
Thí dụ 3: Tướng về hưu-Nguyễn Huy Thiệp
“Cha tôi tên là Thuấn, con trưởng họ Nguyễn. Trong làng, họ Nguyễn là họ lớn, số lượng trai đinh có lẽ chỉ thua họ Vũ. Ông nội tôi trước kia học Nho, sau về dạy học. Ông nội tôi có hai vợ. Bà cả sinh được cha tôi ít ngày thì mất, vì vậy ông tôi phải tục huyền. Bà hai làm nghề nhuộm vải, tôi không tường mặt, chỉ nghe nói là một người đàn bà cay nghiệt vô cùng. Sống với dì ghẻ, cha tôi trong tuổi niên thiếu đã phải chịu đựng nhiều điều cay đắng. Năm mười hai tuổi, cha tôi trốn nhà ra đi. Ông vào bộ đội, ít khi về nhà”.
Nguyễn Huy Thiệp viết câu ngắn, hoặc ngắt câu thành mạch văn ngắn, cuối mạch văn là một từ âm Trắc (từ gạch dưới), tạo ra giọng văn rắn rỏi, dứt khoát, lạnh lùng.
- Kiến tạo một truyện ngắn
a.Chuẩn bị:
Sau khi đã tìm được một chuyện lạ (nội dung), chọn được nhân vật chính, nhân vật phụ; định hình được chủ đề (kể chuyện để nêu vấn đề gì?), đặt vấn đề trên một lập trường tư tưởng (Chủ nghĩa yêu nước, Chủ nghĩa Marx, triết học và Thần học Ki tô giáo, Chủ nghĩa nhân đạo, những giá trị nhân văn…), xác định diễn ngôn (thái độ phát ngôn), chọn bút pháp, thể loại, giọng điệu,… nhà văn bắt đầu viết truyện ngắn.
b.Tạo một bản thô:
Kể lại câu chuyện một cách tự nhiên chủ nghĩa: có sao nói vậy hoặc “bê nguyên xi” câu chuyện ngoài đời vào trang văn. Có thể bước đầu cấu trúc truyện theo tuyến thời gian, tức là, việc gì xảy ra trước thì kể trước; hoặc tuyến nhân vật: nhân vật đi đến đâu thì kể đến đó (giống như tường thuật bóng đá, người ta tường thuật theo trái bóng lăn). Cố gắng kể chuyện có đầu có đuôi (tức là có cấu trúc hoàn chỉnh). Với một truyện ngắn, bản thô chừng 1 trang A4.
c.Làm cho câu truyện có da có thịt, có linh hồn, có hương sắc.
Miêu tả bối cảnh xã hội, cảnh thiên nhiên nếu cần thiết.
Khắc họa chân dung nhân vật cho sắc nét và si61ng động trong từng hoàn cảnh.
Trau chuốt lời thoại của nhân vật sao cho có cá tính, làm lộ ra sự vận động tâm lý sâu sắc của nhân vật; tả cho sinh động các hành động của nhân vật phù hợp với sự vận động tâm lý; làm hiện ra các mối quan hệ phức tạp của nhân vật; đặt nhân vật trong những tình huống ngặt nghèo để nhân vật bộc lộ phẩm chất, tính cách và phát triển số phận.
Bắt đầu sửa chữa câu văn sao cho đúng ngữ pháp. Thay đổi liên tục các kiểu câu, chú ý liên kết câu để tạo một đoạn văn bản chặt chẽ về ý tứ và có giọng điệu.
Bắt đầu sửa chữa việc dùng từ: Thay thế những từ ngữ trơ (từ sáo mòn, vô nghĩa), không dùng những từ khái niệm (của văn chính luận), thay bằng những từ biểu cảm (từ hình ảnh, màu sắc, âm thanh, cảm xúc), sao cho việc diễn đạt được rõ nghĩa, câu văn không có chữ thừa.
Hoàn chỉnh truyện ngắn
Sắp xếp lại cấu trúc truyện, phần nào kể trước, phần nào kể sau. Cài đặt những
tình tiết để kết nối giữa các phần của bố cục truyện.
Kết hợp thuật chuyện với dựng cảnh, kết hợp kể chuyện ở hiện tại với hồi tưởng quá khứ để mở rộng không gian truyện.
Kiểm tra lại chủ đề, tư tưởng xem diễn ngôn có tính tích cực hay không?
Kiểm tra lại “tính văn chương” của tác phẩm:
Ngôn ngữ có đạt chuẩn ngôn ngữ nghệ thuật không? Hay là lạc sang ngôn ngữ báo chí, ngôn ngữ chính luận, ngôn ngữ hành chính, ngôn ngữ khoa học…?,
Nhân vật có đạt những phẩm chất thẩm mỹ không, có gây được ấn tượng không? Có sống động không? Có nhân vật nào thừa, có nhân vật nào không có số phận không?
Nội dung truyện kể có mới lạ không? Nghệ thuật có khám phá gì mới? Cần phải loại bỏ những cái cũ: kiểu nhân vật cũ, cách diễn đạt cũ, vấn đề cũ…);
Truyện có hấp dẫn không? Tức là có giữ được bí mật cấu trúc truyện không? Có đạt được sự sự thâm trầm của chủ đề, tư tưởng và tính hợp lý trong việc giải quyết các mâu thuẫn truyện?
Hãy đưa cho một người bạn thân đọc và nhận xét truyện. Những phản biện của người bạn ấy nếu thuyết phục thì tác giả nên sửa chữa, vì người đọc tiếp nhận tác phẩm (một kiến trúc ngôn ngữ) khác với tác giả (người tạo kiến trúc ngôn ngữ chủ quan). Có thể người bạn cảm nhận diễn ngôn trong tác phẩm hoàn toàn khác với ý định chủ quan của tác giả, điều ấy là bình thường. Vì tác phẩm là một sinh mệnh, có tiếng nói riêng, và người đọc có thể khám phá những lớp ý nghĩa không trùng hợp với diễn ngôn của tác giả. Nếu điều này xảy ra thì tác giả nên yên lặng để tác phẩm lên tiếng, vì khi tác phẩm đã vào đời, thì cũng là lúc “Tác giả đã chết” (Roland Barthes).
Cho đến khi truyện trở thành một bức tranh đẹp thì công việc của tác giả mới hoàn tất.
Thực ra để viết được một truyện ngắn hay, không dễ chút nào. Mỗi tác giả chỉ viết được một vài truyện hay, còn lại, có rất ít sự sáng tạo. Bởi vì, truyện viết sau phải mới lạ hơn truyện viết trước, và tác giả phải vượt qua cái bóng của chính mình. Điều này chỉ những tài năng văn chương mới làm được.
LỜI KẾT
Sáng tác truyện ngắn là công việc sáng tạo, tức là làm ra Cái Thẩm mỹ mới, điều này tùy thuộc vào khả năng thiên phú. Trời không cho năng khiếu văn chương thì không thể làm nhà văn. Cũng vậy, nếu không có năng khiếu vẽ thì người vẽ tranh sẽ chỉ vẽ những bức tranh không ra hồn.
Viết văn là một công việc nặng nhọc, đòi hỏi nhiều điều kiện như vốn sống, cá tính sáng tạo, các kỹ năng viết, óc tổ chức tác phẩm, và phải am hiểu nhiều ngành khoa học (Triết học, Tâm lý học, Nhân tướng học, Xã hội học…); am hiểu nhiều vùng miền văn hóa, lịch sử… Tác giả cần có một tầm trí tuệ nhất định và một trái tim yêu người, yêu đời mãnh liệt thì trang văn mới thực sự trở thành hơi thở cuộc sống, mới đem đến ánh sáng lương tri cho nhân loại.
(Đức Giê su dẹp yêu giông bão)
Người viết căn Công giáo cần học tập cách trần thuật của Kinh thánh, đặc biệt là học tập cách đức Giêsu kể những dụ ngôn. Đó là những truyện ngắn hay về nội dung, sâu sắc về tư tưởng và có giá trị khai ngộ tâm linh. Đức Giêsu là bậc thầy văn chương của nhân loại.
Người viết trẻ Công giáo hãy tìm vốn sống, vốn tư tưởng, vốn văn hóa cho ngòi bút của mình từ Kinh thánh (làm điển ngữ). Hãy “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc” để diễn ngôn của mình trở thành tiếng nói chung của cộng đồng, đem Tin Mừng đến cho mọi người.
Bùi Công Thuấn
Tháng 01/ 2025
Bạn có thể tải chuyên luận về máy theo link
https://www.mediafire.com/file/q4mwyuckn5zpcuc/VIẾT+MỘT+TRUYỆN+NGẮN-Word+for+pdf.pdf/file
Ghi chú
[1] Bùi Công Thuấn: Tư tưởng Mỹ học Kitô giáoTư tưởng Mỹ học Kitô Giáo Và Văn học nghệ thuật Công giáo – Bùi Công Thuấn