Các bài viết chính của Bùi Công Thuấn (đọc theo linh): buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc
Bạn có thể tải chuyên luận về Nam Kỳ Địa Phận (bản full 7 bài viết) theo link: https://www.mediafire.com/file/w9tthddhwp7gtvi/NAM+KỲ+ĐỊA+PHẬN-Chuyên+luận-7+bài+pdf.rar/file
_____________________________________
45 NĂM VĂN HỌC ĐỒNG NAI
& những ấn tượng không phai
Bùi Công Thuấn
***
Trong chuyên luận “45 Năm văn học Đồng Nai”[[1]], tôi đã viết về văn học Đồng Nai bằng lý trí, phân tích, khám phá những tác phẩm, tác giả, những hiện tượng văn học để xác lập những đặc điểm, những giá trị của văn học Đồng Nai. Trong bài viết này, tôi lắng nghe lòng mình và ghi lại những ấn tượng sâu đậm (cảm tính, riêng tư) về những nhà văn, những sinh hoạt, những ngày tháng tôi gắn bó với Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai.
1.Lãnh đạo Hội VHNT Đồng Nai là những nghệ sĩ lớn
Hình ảnh nhà văn Lý Văn Sâm và Hoàng Văn Bổn làm việc ở văn phòng Hội ám ảnh tôi mãi. Với tôi, những năm 1980, các nhà văn lãnh đạo Hội là những nhà văn lớn, vượt trội cả về nhân cách và tài năng. Tôi chỉ đứng xa mà nhìn. Các vị ấy thật giản dị, gần gũi và thân thương. Lúc ấy tôi đã có ý định viết về nhà văn Hoàng Văn Bổn, nhưng đứng trước khối lượng tác phẩm đồ sộ của ông, tôi lượng biết sức mình. Ông nói với tôi, Thuấn cần tác phẩm nào, cứ đến nhà mình. Mãi đến khi ông về cõi vĩnh hằng, tôi vẫn nợ ông một lời hứa. Tôi day dứt mãi.
Nhà văn Lý Văn Sâm làm tôi kinh ngạc. Tôi ngưỡng mộ ộng về những trang văn đẹp và lãng mạn. Đất nước và con người Đồng Nai hiện lên như tranh vẽ, giàu chất huyền thoại. Mãi cho đến nay, tôi chưa gặp lại phẩm chất ấy của văn chương ông ở bất cứ nhà văn Đồng Nai nào.
Các Chủ tịch hội sau này như Họa sĩ Nguyễn Nam Ngữ, Nhạc sĩ Nguyễn Khánh Hòa, NSND Giang Mạnh Hà đều là những lãnh đạo Hội đáng mến mộ. Các anh là những nghệ sĩ tài năng. Tác phẩm của các anh thực sự thuyết phục tôi (chẳng hạn, những ký họa sắc nét của họa sĩ Nguyễn Nam Ngữ, những ca khúc tài hoa của Nhạc sĩ Khánh Hòa, những vở diễn hoành tráng của NSND Giang Mạnh Hà, anh đã có 200 vở diễn). Các anh đều tận tâm làm việc Hội, sống chan hòa với anh em trong tất cả các sinh hoạt phong trào. Nói thực lòng, làm Chủ tịch Hội văn nghệ, nếu không có thực tài, nếu không tỏa sáng về nhân cách, không gần gũi anh em, thì khó lòng được các hội viên kính trọng. Thế hệ lãnh đạo của Văn nghệ Đồng Nai 45 năm qua để lại trong tôi sự cảm phục và lòng yêu mến không phai nhạt với thời gian.
- Văn chương Đồng Nai cũng giàu có như đất nước, con người Đồng Nai
Các nhà văn, nhà thơ Đồng Nai sinh trưởng trong khắp mọi miền đất nước từ Bắc chí Nam, điều này tạo nên sự giàu có, phong phú của văn học Đồng Nai ở cả nội dung và nghệ thuật. Nhìn vào văn học Đồng Nai có thể hình dung ra văn học cả nước. Sự phát triển của văn học Đồng Nai cũng mang những đặc điểm văn học cả nước, và nhiều nhà văn nhà thơ Đồng Nai đã góp phần vào sự phát triển của văn học cả nước trong 50 năm qua. Một Hội VHNT địa phương thường đậm nét địa phương. Trái lại, nhiều nhà văn nhà thơ Đồng Nai trở thành những tác giả lớn của văn học Việt trong 50 năm qua.
Lý văn Sâm, Hoàng Văn Bổn là những nhà văn Cách mạng và kháng chiến đóng góp vào sự phát triển cùa tiểu thuyết sử thi. Khôi Vũ, Nguyễn Một, Nguyễn Trí là những cá tính sáng tạo đặc sắc đóng góp và sự cách tân nghệ thuật tiểu thuyết. Các nhà thơ Đàm Chu Văn, Trần Ngọc Tuấn, Nguyễn Đức Phước, Hạnh Vân… là những khuôn mặt Thơ Trẻ có những tập thơ gây được ấn tượng trong nỗ lực cách tân thơ Việt đương đại. Thơ truyền thống ở Đồng Nai cũng rất mới mẻ (Lê Thanh Xuân, Lê Đăng Kháng, Đỗ Minh Dương…). Ký ở Đồng Nai (Hoàng Ngọc Điệp, Hoàng Đình Nguyễn, Trâm Oanh, Đào Sỹ Quang, Trần Thu Hằng…) đã để lại những trang văn đẹp, sống động, đầy khám phá về hiện thực Đồng Nai trên đường công nghiệp hóa ở khắp mọi miền quê hương. Lực lượng viết cho thiếu nhi của văn học Đồng Nai cũng là những nhà văn có uy tín đối với văn đàn và được các em mến mộ (Hoàng Văn Bổn, Khôi Vũ, Hoàng Ngọc Điệp, Trần Thu Hằng, Trâm Oanh, Phạm Thanh Quang…). Các tác giả phong trào, tuy thời gian chưa nhiều, song nhiệt tình tham gia các hoạt động của Hội và sức sáng tạo thật đáng nể (Hoàng Văn Thống, Nguyễn Duy Đồng…), và thật đáng mừng, nhiều khuôn mặt trẻ có sức vươn lên mạnh mẽ, sẽ là thế hệ nối tiếp trách nhiệm của các thế hệ đi trước (Hoàng Thị Quỳnh Trang, Huỳnh Ngọc Tuyết Cương, Lê Phan Hiếu Anh, Tống Thanh Tâm,…)
Như vậy, các thế hệ nhà văn đồng Nai như những lớp sóng nối tiếp nhau, mỗi lớp sóng lại chứa đựng những nội lực, bồi đắp và làm giàu có thêm những giá trị của lớp trước. Sau các nhà văn lão thành Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, Hoàng Kim Chung, Trần Thúc Hà, Tấn Hoài…là các nhà văn thế hệ đổi mới: Khôi Vũ, Nguyễn Đức Thọ, Đàm Chu Văn, Phạm Thanh Quang, Lê Đăng Kháng, Đỗ Minh Dương. Nối tiếp thế hệ “đổi mới” là “thế hệ hội nhập”: Nguyễn Một, Trần Thu Hằng, Hoàng Ngọc Điệp, Đào Sỹ Quang, Dương Đức Khánh, Nguyễn Đức Phước, Hạnh Vân, Nguyễn Trí; và một thế hệ trẻ bước tiếp vào thế kỷ XXI.
Đã có lúc chúng ta lo lắng nhiều về sáng tác, đó là những năm trước “đổi mới”. Sau những hồ hởi của cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, đời sống kinh tế xã hội Việt Nam đứng trước những khủng hoảng (1975-1985). Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa “phản ánh hiện thực cách mạng, kết hợp với lãng mạn cách mạng, thông qua điển hình hòa cao độ” không còn đáp ứng yêu cầu sáng tác trước một hiện thực phức tạp và hết sức khó khăn.
Đọc Tình Đời đen bạc và Người điên kể chuyện người điên của Hoàng Văn Bổn, các tập thơ: Em bán sầu riêng, Sợ, Trốn… của Đào Trọng Thử, ta thấy niềm xót xa và nỗi ưu tư của nhà văn trĩu nặng. Lúc ấy, Nhà văn Nguyễn Minh Châu viết những lời gan ruột: “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”[[2]], Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến nhìn thẳng vào văn học Việt và nhận xét, đó là nền văn học viết theo “Chủ nghĩa hiện thực phải đạo”[[3]].
Nào ai hiểu thấu nỗi lòng của nhà văn Đồng Nai đối với quê hương đất nước, với thực tại xã hội khi ấy! Nhưng nhà văn Đồng Nai đã vượt qua được, không tác phẩm văn học Đồng Nai nào gây ra những dư luận không tốt như văn học cả nước lúc bấy giờ (Những Thiên đường mù của Dương Thu Hương, Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu…), nhưng cũng không tránh khỏi những tổn thương (truyện ngắn Phạm Thanh Quang, thơ Đàm Chu Văn).
Từ khi Đảng “đổi mới”, đặc biệt là các nghị quyết 5 Trung ương (16/7/1998) và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (16/6/2008) đã mở ra một khoảng trời rất rộng cho sáng tạo, khuyến khích mọi tìm tòi, thể nghiệm, mọi bút pháp, phong cách, cùng với tình hình kinh tế xã hội của đất nước mỗi ngày một phát triển đã tạo nền cho cho văn học Đồng Nai bước vào một thời đại mới. Tác phẩm của Khôi Vũ (Lời nguyền hai trăm năm), Nguyễn Một (Đất trời vần vũ, Ngược mặt trời), Nguyễn Trí (Bãi vàng, đá quý, trầm hương; Ăn bay,..), Trần Thu Hằng (tiểu thuyết Người đàn bà Lưu vong)… là tiêu biểu.
Viết những cảm nhận này, tôi tự khẳng định lòng mình rằng, văn học Đồng Nai, dù có khi thăng trầm, song đã có những bước phát triển thật mạnh mẽ và giàu có.
3.Nhớ những người đã ra đi
Cố Nhà văn Nguyễn Đức Thọ là người chứng kiến tôi được kết nạp Hội VHNT Đồng Nai năm 1988. Con người và tác phẩm của anh để lại trong tôi ấn tượng không hề phai suốt mấy chục năm qua. Anh nổi tiếng với Hồi ức làng Che. Những tập truyện ngắn Ốc mượn hồn, Dấu chân tiên của anh thật đặc sắc. Đọc văn của anh, tôi tự khẳng định, anh là nhà văn viết truyện ngắn bi kịch xuất sắc nhất của văn học Việt Nam đương đại. Rất tiếc anh ra đi quá sớm. Có lúc tôi nghe tiếng đập thổn thức từ trái tim anh khi anh nói về 15 năm sáng tác của mình, lênh đênh như phận nàng Kiều: “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”. Tôi cứ nghiệm câu Kiều này mãi. Con đường sáng tác của nhà văn, càng đi càng khó, vì vốn sống cạn kiệt, vì cảm hứng sáng tạo khô dần đi, vì những ràng buộc của cuộc sống ngày càng trói chặt, làm sao viết được tác phẩm vượt qua được hào quang của chính mình, mà trách nhiệm của nhà văn mỗi ngày một nặng! “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”, Nguyễn Đức Thọ đã nén tiếng thở dài lo lắng khi khẽ ngâm câu Kiều ấy. Nhớ anh lắm, một tài năng mới chỉ phát tiết tinh anh đã vội xa lìa chúng ta.
Cố nhà văn Trần Thúc Hà để lại trong tôi một ấn tượng khác. Ông gửi cho tôi tập truyện Một tiếng chim rừng khi ông đang trên giường bệnh hiểm nghèo ở tuổi trên 80. Sức sống của ông, sức viết của ông, trách nhiệm nhà văn và nỗ lực vươn lên của ông để lại cho tôi bao nhiêu bài học quý giá. Ông có nhiều truyện ngắn hay. Truyện Người cận vệ của vua Hàm Nghi được chọn là 1 trong 10 truyện ngắn hay của báo Văn Nghệ (HNV) năm 2019. Có lẽ đó là niềm an ủi quý giá đối với ông. Ông cũng là tác giả viết tiểu thuyết lịch sử ở Đồng Nai. Ông tham gia nhiệt tình các phong trào sáng tác. Đọc bài tôi viết giới thiệu tập truyện Một tiếng chim rừng, ông viết những lời rất cảm động:
“Kính gửi anh Bùi Công Thuấn. Tôi thực sự xúc động và biết ơn anh đã cho cho in trên Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai anh viết về tập truyện ngắn của tôi bạn bè mang đến cho tôi, tôi không thể lên Hội để nhận Tạp chi. Bệnh viện phát hiện ra tôi bị ung thư phổi vào tháng chín năm ngoái, sau tám tháng kiểm tra lại cách đây nửa tháng bệnh đã tiến triển vào giai đoạn 4 – giai đoạn cuối. Số phận anh ạ, làm sao cưỡng được. Lấy Tạp chí ra đọc, đọc đi dọc lại vài lần cũng cho mình một niềm vui trong những ngày bệnh tật.
Bạn bè đánh giá qua bài viết của anh họ mới biết về tôi, chứ lâu nay thì cũng như người viết tỉnh lẽ. Đó là một điều an ủi, động viên rất lớn trong những ngày bệnh tật.
Tôi chân thành cảm ơn anh nhiều lắm”.
Trần Thúc Hà (thư ngày 29/5/2021)
Nhà văn Trần Thúc Hà kính mến của tôi ơi, anh sẽ sống mãi trong tâm tưởng những người con Đồng Nai yêu quý văn chương của anh.
Cố nhà văn Bùi Quang Tú là “anh em nhà họ Bùi” viết văn ở Đồng Nai. “Nhà họ Bùi” có Bùi Quang Huy, Bùi Quang Tú, Bùi Công Thuấn. Cả ba đồng điệu ở chỗ cùng viết lý luận phê bình. Đứng bên cạnh Bùi Quang Tú, dù ở bất cứ nơi nào, anh cũng vượt trội hơn tôi về vẻ đẹp trai, thanh lịch văn nhân. Anh lại là con của nhà văn Bùi Hiển nổi tiếng một thời, là tác giả vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Bề dày nhân thân ấy của anh đẩy tôi xuống phía sau trong đội ngũ người cầm bút Đồng Nai. Anh kết nạp Hội Nhà văn năm 2014 cùng với tôi, thành ra kỷ niệm của anh với tôi đầy ắp. Anh vừa viết lý luận, vừa viết truyện và làm thơ, kể ra, anh là một ngòi bút tài hoa có phong cách riêng ở Đồng Nai. Tác phẩm của anh cung cấp những tư liệu quý về nhiều nhà văn Việt Nam. Tiểu sử anh tiêu biểu cho lớp trẻ miền Bắc đầy ắp lý tưởng một thời, và văn chương của anh, để lại những ghi chép chân thực về cuộc sống, những khám phá sâu sắc về đất nước, con người Đồng Nai, về Hà Nội…Anh ra đi, văn nghệ Đồng Nai mất đi một nhà văn tài hoa (xin mở ngoặc, ở Đồng Nai chỉ còn một cây bút tài hoa rất mực là nhà thơ Trần Ngọc Tuấn)
Lời cuối
Tôi đã viết những dòng dầy cảm tính và rất riêng tư về văn học Đồng Nai, nếu có gì không phải, xin bạn đọc lượng thứ.
Xin cùng nhau mừng 45 năm văn học Đồng Nai. 45 năm của những mùa vàng sung túc, đã sừng sững những đỉnh Thi sơn góp phần phát triển văn học Việt đương đại.
Giờ đây, chúng ta mở lòng ra, đón chào một thời đại mới, với những cây bút mới, sẽ làm nên nhửng mùa vàng trĩu quả trong tương lai. Tôi tin chắc là vậy.
Tháng 11/ 2024
_________________________________________________________
[1] Bùi Công Thuấn-45 Năm Văn học Đồng Nai. Nxb HNV, quý II. 2024.
[2] Nguyễn Minh Châu-Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa
Nguồn: Báo Văn Nghệ. Hà Nội số 49&50, ngày 5/12/1987.
[3] Hoàng Ngọc Hiến- “Về một đặc điểm của văn học nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua“,
Nguồn: Báo Văn Nghệ, số 23, ngày 9/ 6/ 1979.