50 NĂM VĂN HỌC VIỆT NAM-Nhìn lại những hiện tượng văn học

Các bài viết chính của Bùi Công Thuấn (đọc theo linh):  buicongthuan.blogtiengviet.net/disp/abc

Bạn có thể tải bản full chuyên luận về Nam Kỳ Địa Phận theo link: https://www.mediafire.com/file/w9tthddhwp7gtvi/NAM+KỲ+ĐỊA+PHẬN-Chuyên+luận-7+bài+pdf.rar/file

***

50 NĂM VĂN HỌC VIỆT NAM-Nhìn lại một vài hiện tượng văn học

Bùi Công Thuấn

Khi một tác phẩm, một tác giả, một sự kiện văn học xuất hiện có sức tác động, lôi cuốn và tập hợp sự chú ý của công chúng, nó tạo nên một hiện tượng văn học. Sự xuất hiện những tác phẩm hay, những tài năng độc đáo thì đó là những hiện tượng tích cực. Nhưng có những hiện tượng mới xuất hiện, “lêch chuẩn” với quan điểm truyền thống, tạo nên những tranh cãi có khi gay gắt. Một “Cái Mới” xuất hiện, bao giớ nó cũng phải chịu sự va đập, thử thách, để dành lấy một chỗ đứng. Nếu chịu đựng được những đợt sóng xô đẩy, nhấn chìm, thì Cái Mới sẽ chiến thắng (Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư,..).

Dẫu thế nào, những hiện tượng văn học cũng là dấu chỉ sức khỏe của một nền văn học đang vận động về phiá trước.

  1. Nguyễn Huy Thiệp “Trò chuyện với hoa thủy tiên”

Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn” là một bài viết của Nguyễn Huy Thiệp năm 2004. Trong tiểu mục: “Cái khó của nghề văn thời nay” bài viết có đoạn:

Nhìn vào danh sách hơn 1000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam người ta đều thấy đa số đều chỉ là những người già nua không có khả năng, sáng tạo và hầu hết đều… “vô học”, tự phát mà thành danh. Trong số này có tới hơn 80% là nhà thơ tức là những người chỉ dựa vào “cảm hứng” để tuỳ tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa, nhìn chung là lăng nhăng, trừ có dăm ba thi sĩ tài năng thực sự (số này đếm trên đầu ngón tay) là còn ghi được dấu ấn ở trong trí nhớ người đời còn toàn bộ có thể nói là vứt đi cả. Giai thoại có một nhà thơ nói về tình cảnh thơ ở trong bài thơ sau đây (tôi đã đưa chuyện này vào trong tiểu thuyết của tôi vì nó quá hay) khá tiêu biểu cho thực tế đó: “Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ/ Hôm qua nó bảo: Dí thơ vào l…/ Vợ tôi nửa dại nửa khôn/ Hôm nay lại bảo: Dí l… vào thơ!”, tôi cũng không phủ nhận cảm tình của nhân dân đối với thơ nhưng quả thực trên thực tế cái danh nhà thơ là một thứ nhìn chung chỉ là nhăng nhít, hữu danh vô thực, chẳng ai muốn dây vào nó: nhà thơ đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa.

  Tôi biết sẽ có nhiều người phản ứng lại điều tôi nói “trắng phớ” ra như thế nhưng ở đây nó là thực tế. Tôi chỉ nói ra một thực tế “tàn nhẫn” mà mọi người vẫn tránh né hoặc “không nỡ” nói ra mà thôi. Đã đến lúc người ta phải nhìn vào thực tế để thúc đẩy văn học cũng như thúc đẩy xã hội phát triển”.

Ông đã nói đúng, đã “đánh” vào đúng cái điểm yếu nhất của một tổ chức văn học. Tất nhiên ông đã phải nhận lại những “phản đòn” dữ dội trong công luận về những gì ông “nói trắng phớ ra”. Đó là một thực trạng không ai dám nói, không ai nỡ làm tổn thương những nhà văn xuất thân từ một vùng quê hương nước mặn đồng chua, áo rách, quần rách đi đánh giặc (Đồng chí-Chính Hữu). Nhưng còn bởi cái “hào quang” ảo về cái danh nhà thơ nhà văn nổi tiếng trên văn đàn, không thể bị xúc phạm! Vì thế, khi bị Nguyễn Huy Thiệp chỉ thẳng mặt nói: nhà văn nhà thơ các anh hầu hết đều… “vô học”,… thậm chí còn lưu manh nữa”, thì đó là một sự xúc phạm không thể tha thứ!

Thực chất của vấn đề là gì? Có một độ kênh nhất định trong nhận thức về nhà văn, nhà thơ của Nguyễn Huy Thiệp với những hội viên Hội Nhà văn Việt Nam trong thực tế. Hội Nhà văn có những hội viên chuyên nghiệp (những người được Nguyễn Huy Thiệp công nhận) và có những hội viên của văn nghệ quần chúng (những người mà Nguyễn Huy Thiệp chê là “vô học”).

Phát triển văn nghệ quần chúng là một nhiệm vụ quan trọng của Hội Nhà văn. Quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị là: “Phát triển sâu rộng văn nghệ quần chúng, đồng thời với tập trung xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp (Nghi quyết 23 BCT. Ngày 16/6/2008).

Ngày nay, nhiều người vẫn ta thán về hiện tượng bình dân hóa thơ ca và Việt Nam là một vương quốc thơ chính là không nhận thức rõ về nhiệm vụ chính trị của việc “phát triển sâu rộng văn nghệ quần chúng” này.

Hình như sự tổn thương của những “nhà thơ” bị Nguyễn Huy Thiệp điểm danh vẫn còn nguyên đó, và vấn đề Nguyễn Huy Thiệp đặt ra để xóa cái sự “vô học” của “nhà thơ” (tức là  xây dựng một đội ngũ nhà văn chuyên nghiệp) thì Hội Nhà văn vẫn chưa thực hiện được.

2.Internet, văn chương mạng trong nước và ngoài nước.

Ngày nay (2024), những vấn đề về văn chương mạng (văn chương đăng trên các trang mạng xã hội, các blog cá nhân) đã trở nên bình thường như một sinh hoạt tự nhiên.

Nhưng ở cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, khi trong nước, có rất ít các trang văn chương mạng thì những trang văn chương mạng hải ngoại chiếm lĩnh “thị trường”.

Có sức hút và có ảnh hưởng đáng kể là các trang: hopluu.net, tienve.org, talawas.org; damau.org… Tất nhiên những trang mạng hải ngoại đăng bài của các tác giả sống ở nước ngoài (những nhà văn di tản), điều này giúp cho những nhà nghiên cứu văn học Việt trong và ngoài nước có cơ hội dõi theo sự phát triển của một dòng chảy văn học Việt trong một không gian văn hóa mới, khác với không gian văn hóa trong nước. Điều đặc biệt là nhiều tác giả trong nước cũng đã tham gia diễn đàn ở các trang mạng nước ngoài, bởi họ không thể đăng bài trên các tờ báo trong nước.Người đọc có thể thấy rõ ý thức đối lập về chính trị, tư tưởng của những trang mạng nước ngoài đối thực tại trong nước.

Nhiều bài viết có chất lượng học thuật, tác giả có công phu nghiên cứu sâu rộng, đem đến nhiều điều bổ ích cho người đọc. Song do tính phức tạp về tư tưởng, và mục đích chính trị của tờ báo, những trang mạng này có thể gây ra những ảnh hưởng chính trị đối với một bộ phận tác giả nào đó trong nước. Chẳng hạn, ảnh hưởng của trào lưu Hậu Hiện đại đối với người trẻ trong nước, thơ của nhóm Mở Miệng (2002), tập truyện Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu năm 2005, …Ngay cả trang damau.org, mặc dù có ghi rõ là trang “văn chương không biên giới” (Literature Without Borders), nhưng Da Màu cũng có lập trường chính trị riêng.

Ngày nay nhiều trang văn học mạng ở hải ngoại đã chết vì số lượng độc giả tiếng Việt giảm nhiều (thế hệ thứ hai, thứ ba người Mỹ gốc Việt không biết tiếng Việt), và bởi ở trong nước đã có quá nhiều trang văn học đăng bài.

Những trang vanvn.vn. Tạp chí Sông Hương (tạp chisonghuong.com); vanchuongthanhphohochiminh.vn; vanchuongviet.org; vanviet.info;…là những trang khá phong phú về bài vở. Mội Hội Văn học nghệ thuật địa phương cũng có một trang riêng đăng tải sinh hoạt văn nghệ địa phương.  Hình như người ta thích đăng bài ở trang Vanvn hơn, vì đây là nơi có thế giá: trang của Hội Nhà văn Việt Nam. Người xuất hiện trên trang này coi là “nhà văn” (nhưng bài đăng trên vanvn.vn trôi nhanh quá. Chỉ sau 1 ngày, có thể đã không còn tìm thấy dấu tích nếu bạn không kịp lưu lại đường link).

3. Luận văn – Đỗ Thị Thoan

Luận văn “Vị trí kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa” là luận văn Thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan năm 2010 do PGS.TS. Nguyễn Thị Bình hướng dẫn (bản hiện lưu tại Thư viện Ðại học Sư phạm Hà Nội có số V-LA1/4784 – Luận văn).Hội đồng chấm luận văn lần thứ nhất bao gồm PGS. Nguyễn Văn Long, TS. Chu Văn Sơn, PGS. TS. Ngô Văn Giá, TS. Nguyễn Văn Phượng và PGS. TS. Nguyễn Đăng Điệp được thành lập theo quyết định số 7460/QĐ-ĐHSPHN đánh giá luận văn ở mức xuất sắc và cho điểm tuyệt đối (10/10).

Tại Hội nghị Lý luận-Phê bình văn học lần thứ III (đầu tháng 6-2013 tại Tam Đảo), đã có nhiều ý kiến phê phán khá gay gắt đối với bản luận văn này (Chu Giang). Nhưng 26/7/2013: GS. Trần Đình Sử lại viết bài “Cuộc phê phán luận văn của Đỗ Thị Thoan hay là sự xung đột về khung tri thức và thế hệ” nhận định: cuộc phê phán luận văn của Đỗ Thị Thoan rầm rộ khắp cả nước là “một cách hành xử quá nóng vội”.

Sau đó một hội đồng thẩm định khác được thành lập gồm PGS.TS Đoàn Đức Phương, GS. Đặng Thanh Lê, PGS.TS Phan Trọng Thưởng, PGS.TS Lê Quang Hưng và PGS.TS Phạm Duy Đức.

Ngày 14/3/2014: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ra quyết định số 708/ QĐ-ĐHSPHN về việc thu hồi bằng thạc sĩ khoa học ngữ văn của Đỗ Thị Thoan.

Đây là một hiện tượng học thuật gây tranh cãi. Vấn đề nằm ở chỗ đã có hai hội đồng thẩm định luận văn với các kết quả khác nhau, từ đây gây ra một cuộc chiến quyết liệt. Một bên dựa trên quyền tự do học thuật, quyền nghiên cứu khoa học để bênh vự Đỗ Thị Thoan. Một bên nhìn luận văn của Đỗ Thị Thoan là hành động chính trị có mục đích lật đổ.  Trong luận văn, Đỗ Thị Thoan cũng nói thẳng ra mục đích chính trị của mình [[1]].

Và những tranh cãi về luận văn này, dù núp dưới chiêu bài nào, cũng không dấu được mục đích chính trị của người tranh luận (Chu Giang, Trần Đình Sử…). Người ta mưu toan biến trường hợp “Luận văn” này thành một vụ “Nhân văn Giai phẩm” thứ hai, nhưng điều này bất thành.

Việc Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội thu hồi bằng Thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan là một hành động chính trị có tính tất yếu.

4.Những tác phẩm “có vấn đề”

Những tác phẩm gọi là “có vấn đề”, thực ra là cách nói về mối quan hệ giữa tác phẩm văn học với chính trị. Vấn đề Văn nghệ và chính trị đã được đặt ra và giải quyết ngay từ Báo cáo Chủ nghĩa Mác và Văn hóa Việt Nam của Trường Chinh (1948). Với ý thức về “tự do sáng tạo”, nhà văn cho mình được quyền viết, được quyền lên tiếng nói trách nhiệm bằng lương tâm của mình trước mọi vấn đề của hiện thực, của đất nước; lên tiếng nói của nhân dân. Nhưng cũng có người viết về những “vùng cấm” để gây scandal, cầu một chút danh. Dù thế nào, khi cái “tự do” của người viết đi ngược với quan điểm văn nghệ của Đảng, trái với luật pháp Nhà nước thì tác phẩm của anh ta phải bị xử lý hành chánh, và bản thân anh ta bị xử lý theo tổ chức. Bởi vì sự ổn định chính trị của đất nước là yếu tố tiên quyết để phát triển xã hội và nhà văn là “chiến sĩ” đứng trong tổ chức của Đảng, anh ta phải thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Ngày nay nhìn lại những tác phẩm “có vấn đề”, người đọc có thể nhận ra việc thực hiện nhiệm vụ chính trị là yêu cầu, là chuẩn mực trên hết của một tác phẩm.

Vấn đề nằm ở chỗ, quyền quyết định nằm trong tay người thẩm định tác phẩm, người thực hiện nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước (Nhà xuất bản, Cục xuất bản, Bộ Thông tin văn hóa, Ban Tuyên giáo tỉnh, Ban Tuyên giáo Trung ương…). Chính trình độ chính trị-văn hóa, quan điểm, và chuyên môn của anh ta sẽ chi phối việc thẩm định tác phẩm, từ đó ra quyết định xử lý tác phẩm.

 Chẳng hạn, tại sao có sự đánh giá khác nhau giữa hai hội đồng khoa học của trường Đại học Sư phạm Hà Nội về Luận văn của Đỗ Thị Thoan? Kết quả tất nhiên là, việc thực hiện nhiệm vụ chính trị phải là tiên quyết.

Xin lược qua vài trường hợp (xin không nhắc tới những tác phẩm xuất hiện trên mạng xã hội, không có tư cách pháp lý).

Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết: “Những cuốn Cù lao Tràm, Đứng trước biển,(1985) đụng chạm vào những vấn đề cốt lõi của sự trì trệ, thói quan liêu của xã hội thời đó. Tôi bị “đánh” “lên bờ xuống ruộng”[[2]].

Bút ký “Cái đêm hôm ấy… đêm gì”  của nhà văn Phùng Gia Lộc đăng trên báo Văn Nghệ 1987[[3]] đã tạo nên một “cơn địa chấn” góp phần đẩy nhanh công cuộc đổi mới sau Đại hội Đảng lần thứ 6.

Tiểu thuyết Nỗi buồn chiền tranh (1987) của Bảo Ninh, tuy được giải thưởng của Hội Nhà văn  năm 1991, nhưng đến nay vẫn chưa hết gây tranh cãi.[[4]].

Truyện ngắn Linh nghiệm của tác giả Trần Huy Quang đăng trên Văn nghệ tháng 7/1992. “chỉ 4 ngày sau khi số báo này ra mắt, nó liền bị thu hồi và có lệnh hủy”[[5]].

Tiểu thuyết Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn (Nxb Thanh Niên. 2000) đã bị thu hồi và tiêu hủy vì đã vi phạm khoản 1 và 2, điều 33, Luật xuất bản… [[6]]

Báo cáo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau về truyện Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư kết luận “truyện ngắn Cánh đồng bất tận thiếu tính giáo dục cho xã hội, giáo dục con người và thiếu tính định hướng chân – thiện – mỹ để con người vươn tới. Cho nên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị Hội Văn học nghệ thuật thường xuyên có định hướng chính trị cho hội viên (trong đó có Nguyễn Ngọc Tư) được học tập lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao ý thức trách nhiệm của người cầm bút cách mạng”[[7]]

            Tiểu thuyết Mối Chúa của Đảng Khấu (Tạ Duy Anh) bị Cục xuất bản đình chỉ phát hành (2017) với lý do: “Nội dung cuốn sách phản ánh những vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện nay. Tác giả đã vạch trần những tiêu cực và bất công trong xã hội. Tuy nhiên, phần lớn các nhân vật trong tác phẩm từ thấp đến cao đều đen tối, vô vọng, đau đớn./ Qua lời kể của các nhân vật, hiện lên những thế lực hắc ám, một xã hội hầu như chỉ được chỉ huy bởi những kẻ ngu dốt, tham lam, thủ đoạn. Toàn bộ hệ thống bộ máy chính quyền bộc lộ sự tàn nhẫn, vô đạo, đàn áp nông dân, giết hại lẫn nhau, giết người chống đối chỉ vì tiền…)[[8]].

            Hầu như các tác phẩm “có vấn đề” đều viết về mặt tiêu cực của xã hội, không phản ánh hiện thực cách mạng, không viết bằng phương pháp Hiện thực xã hội chủ nghĩa. Trái lại, cảm hứng phê phán là chủ đạo (nhưng văn học Hiện thực phê phán đã lùi xa vào quá khứ). Nếu xem xét mối quan hệ của văn học với hiện thực thì mảng hiện thực và những vấn đề nhà văn đặt ra đã bị thực tiển vượt qua. Thời của Thánh thần (Hoàng Minh Tường, 2008), Kiến Chuột và Ruổi (Nguyễn Quang Lập, 2018), Mối chúa (Đảng Khấu. 2018)không thể bằng thông tin báo chí về những vụ án hơn một triệu tỷ VN đồng (thí dụ, vụ án Vạn Thịnh Phát…)

            Nhà văn Tạ Duy Anh (Lão Tạ-Đãng Khấu) than thở: “Chưa  bao giờ tác phẩm hư cấu kém tác dụng như giai đoạn này. Những tác phẩm hư cấu hiện nay khiến cho người viết cảm thấy tuyệt vọng về tác dụng của nó với xã hội. Có hôm Bình Phương (Nhà văn Nguyễn Bình Phương-pv) đọc xong cuốn này gọi điện cho tôi. Tôi bảo mình cứ hì hục làm suốt ngày đêm, viết xong một cuốn sách nhọc vô cùng nhưng đến khi nghĩ lại thấy nó chả tác dụng gì, chả tác động đến ai. Ông Phương động viên mình: Thôi thì mình cứ làm, rồi sau cũng sẽ có một số người đọc, để tìm hiểu đời sống ngày hôm nay chẳng hạn”[[9]].

5.Cái gọi là “trào lưu Hậu hiện đại”(Postmodernism) ở Việt Nam

Cho đến nay (2024) những ồn ào về cái gọi là “Hậu hiện đại” ở Việt Nam đã không còn là “hiện tượng” thu hút nhiều sự quan tâm như những năm đầu thế kỷ XXI.

            Ngày ấy, hình như người ta mặc định rằng, cứ phải là “Hậu hiện đại” thì văn học Việt Nam mới không lạc hậu, mới là nền văn học theo kịp thế giới, và vì thế người ta gán cho những tác giả, tác phẩm không liên quan gì với Hậu Hiện đại là văn chương Hậu hiện đại (chẳng hạn truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Thiên Sứ của Phạm Thị Hoài…).

       Giới học thuật nỗ lực tìm hiểu, dịch thuật và giới thiệu về mặt lý thuyết “Chủ nghĩa Hậu hiện đại”. Nhiều người trong số họ có thế giá học thuật. Và tùy theo trình độ hiểu những tài liệu nước ngoài viết về Hậu Hiện đại mà họ đọc được, mỗi người có những cách kiến giải khác nhau. Đã có một sự “tù mù” học thuật về Hậu Hiện đại trên văn đàn Việt. Hình như Hậu Hiện đại ở Việt Nam, được hiểu như thể “thầy bói sờ voi”…

Đây là các tác giả viết về Hậu Hiện đại của: Bùi Văn Nam Sơn, Phương Lựu, Lê Huy Bắc, Nguyễn Minh Quân, Thụy Khuê, Nguyễn Văn Dân, Lã Nguyên, Hoàng Ngọc Tuấn, Nhật Chiêu, Ngô Tự Lập, Lê Nguyên Cẩn, Nguyễn Hồng Dũng, Phùng Gia Thế, Nguyễn Ước, Nguyễn Đức Hiệp, Tạ Văn Tịnh OP, Thích Thanh Thắng, Bùi Quang Thắng, Nghiêm Tuấn Hùng, Đoàn Minh Tâm, Đông La, Khổng Đức, Ngô Văn Tạo, Nguyễn Đăng Thường, Lê Anh Hoài, Hà Văn Thùy, Nguyễn Quỳnh Anh, Lewis Barry (Hoàng Ngọc Tuấn dịch), Skornev (Ngân Xuyên dịch), Alan Kirby (Chân Phương dịch), Richard Rorty (Trần Văn Đoàn dịch), Iving Sandler (Như Huy dịch), Lyotard (Ngân xuyên dịch), Chu Lập Nguyên (Đỗ Văn Hiểu dịch), Stickism (Phan Nhiên Hạo dịch); Nguyễn Thị Lam Anh dịch “8. Postmodernist theories”- Pearson Longman. ..

            Các nhà văn nhà thơ thế hệ “già” (những người bước ra từ kháng chiến), không bận tâm gì đến bất cứ lý thuyết nào. Trong Hội nghị Lý luận phê bình lần thứ II tại Đồ Sơn, nhà văn Nguyễn Khắc Phê phát biểu:  “trong văn chương, không có chuyện “chủ nghĩa” nào hết! ”

            Đối với những người viết trẻ, có một sự vồ vập, háo hức nào đó khi bắt chước các tác giả người Việt hải ngoại (Đinh Linh, Đỗ Kh, Trần Vũ, Lê Thị Thấm Vân, Nguyễn Thị Hoàng Bắc…). Và tùy theo cách họ hiểu Hậu Hiện đại là gì, sáng tác của người trẻ là rất khác nhau. Người ta ra sức “giải thiêng” các “Đại tự sự” ở Việt Nam. Có người “thực hành” những thứ “thơ không thơ, thơ rác, thơ dơ, thơ nghĩa địa” mà thực chất là mượn cái gọi là “giải trung tâm”(ngoại biên-trung tâm) để “lật đổ” tất cả những gì họ muốn lật đổ. Bài thơ Lỗ Thủng lịch sử (2003) của Nguyễn Hữu Hồng Minh [[10]] đã bị phản đối suốt nhiều năm qua. Hậu Hiện đại với tư cách là một trào lưu đa nguyên về tư tưởng không được chấp nhận ở Việt Nam.

            Tất nhiên cũng có những cây bút trẻ thực tâm muốn đổi mới văn chương Việt bằng cách vận dụng một vài ý tưởng và thủ pháp nghệ thuật của Hâu Hiện đại, và họ có những thành công nhất định. Chẳng hạn, thơ Văn Cầm Hải, thơ Nguyễn Thúy Hằng, tiểu thuyết Ngược mặt trờiTừ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín của Nguyễn Một…

            Nói cho công bằng, văn chương Việt Nam 50 năm qua không chỉ tiếp thu Hậu Hiện đại mà còn thử nghiệm nhiều trào lưu nghệ thuật khác của thế giới. Chẳng hạn nghệ thuật Siêu thực (Surréalisme) trong thơ Nguyễn Quang Thiều, Thanh Thảo…, những thủ pháp của nghệ thuật Hiện thực huyền ảo (Magic realism) trong tiểu thuyết, như Thiên sứ (Phạm Thị Hoài), Ngồi, Những đứa trẻ chết già (Nguyễn Bình Phương), Ngược mặt trời của Nguyễn Một)…khuynh hướng hiện sinh: Thế giới xô lệch (Bích Ngân), Giữa dòng chảy lạc, Giữa vòng vây trần gian (Nguyễn Danh Lam); tiểu thuyết lịch sử: Hồ Quý Ly (Nguyễn Xuân Khánh), Giàn thiêu (Võ Thị Hảo), Hội thề (Nguyễn Quang Thân),…khuynh hướng nữ quyền (Feminism) trong tiểu thuyết của Y Ban, Thuận, Đoàn Minh Phượng, …

6.Hiện tượng “đạo” văn, “đạo” thơ

Có lẽ hiện tượng làm nhức nhối đời sống văn học trong 50 năm qua là hiện tượng “đạo” thơ, “đạo” văn. Thật không hiểu nổi tại sao cả những người đã có danh trong xã hội mà vẫn vi phạm! Đã có những vụ kiện ra tòa. Đã có những hội thảo về thơ, sau đó ban tổ chức phải “rút kinh nghiệm”.

Đây là thông báo Ban Thường vụ Hội Nhà văn về hội thảo “Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tửdo Tạp chí Nhà văn tổ chức ngày 8/8/2012 tại Hội trường Hội Nhà văn Việt Nam:

 Ban Thường vụ Hội Nhà văn nhận thấy chuyện đạo văn là một trong những vấn đề hệ trọng liên quan đến danh dự của nhà văn mà trường hợp cụ thể ở đây là nhà thơ Hoàng Quang Thuận. Thông tin bước đầu trên báo chí cho thấy: ông Trần Trương, người được cho là bị nhà thơ Hoàng Quang Thuận đạo văn đã trả lời báo chí khẳng định không có việc này. Tuy vậy, với trách nhiệm đối với tư cách hội viên của mình, Hội Nhà văn tiếp tục lắng nghe ý kiến của dư luận, đặc biệt là của những người liên quan trực tiếp đến vấn đề đó là nhà thơ Hoàng Quang Thuận và ông Trần Trương. Đồng thời, Thường vụ Hội Nhà văn sẽ chỉ đạo trực tiếp Ban Kiểm tra của Hội thực hiện đúng quyền hạn và trách nhiệm của mình khi có yêu cầu để có kết luận về vấn đề trên một cách thỏa đáng và công bằng dựa trên luật pháp.”

Sẹo độc lập là tập thơ đạt giải Hội Nhà văn của Phan Huyền Thư. Bài Bạch lộ (Độc ẩm với Lã Bất Vi) trong tập Sẹo độc lập đã “đạo” lại bài thơ Buổi sáng của tác giả Phan Ngọc Thường Đoan. Sau những tranh cãi qua lại, Phan Huyền Thư đã 2 lần gửi thư xin lỗi Phan Ngọc Thường Đoan và trả giải thưởng lại cho Hội nhà văn [[11]].

Đọc bài “Những vụ đạo văn thơ “nổi tiếng” Đồng bằng sông Cửi Long ngày 26,10,2015 của Lê Xuân-Ngọc Duyên, tôi thực sự không sao hiểu được nhân cách của những người ngang nhiên lấy thơ người khác gửi đăng báo, tạp chí và dự thi. Đó là ông Cao Phú Cường, một giáo viên dạy văn THCS ở An Giang; là ông Trương Thanh Liêm, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Cần Thơ. Vì đạo văn, ông bị “cho thôi chức” vào đầu năm 2012. “Ông Liêm là Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phong Điền (Cần Thơ) được điều về Liên hiệp các Hội VH&NT thành phố Cần Thơ làm Chánh văn phòng vào tháng 9/2011, đến tháng 11 cùng năm, được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn”[[12]].

Phải chăng cái danh “nhà thơ”, “nhà văn” là hết sức sang trọng, cao quý và hấp dẫn khiến cho những người “háo danh” nhưng “tài hèn sức mọn” đã phải ăn cắp thơ người khác làm thơ của mình. Luật pháp xử lý về những trường hợp “đạo thơ” chưa nghiêm minh, nên chỉ vài trường hợp được nhận dạng, còn lại tác giả thực sự của thơ đành phải chịu ngậm ngùi.

7. Để suy gẫm

Có thể kể thêm vài hiện tượng nữa để suy gẫm.

Hiện tượng về sự “mất giá” của các giải thưởng văn chương. Điều này đã được nói nhiều nhưng thời gian qua đi, hiện tượng vẫn chưa được khắc phục. Nguyên nhân là việc chọn trao giải cho các tác phẩm “làng nhàng”, kiểu như trao giải cuộc thi thơ 2019 – 2020 của báo Văn nghệ, cho bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm của Tòng Văn Hân (ngày 09/4/2021); và nhiều giải văn chương đã bị thương mại hóa. Chẳng hạn, cuộc thi Chuyện của những dòng sông của báo Viêt Nam net từ 05/3 đến 30/6/2024. Mục đích cuộc thi là “để độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, thể hiện mong muốn, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững trên các dòng sông và cộng đồng xung quanh”. Thực ra không phải lỗi của Ban tổ chức, mà lỗi của nền văn học không có tác phẩm vượt trội. Hiện nay văn học đang trong giai đoạn thiếu tài năng, thì dù có tổ chức bao nhiêu cuộc thi cũng không tìm đâu ra tác phẩm hay. Việc thương mại hóa các giải thưởng có thể giết chết văn chương, bởi người tham gia các giải thưởng như thế chỉ có mục đích duy nhất là kiếm tiền thưởng, đơn vị tổ chức chỉ mượn văn chương để quảng cáo thương hiệu, không phải mục đích văn chương.

            Đã có lúc văn đàn xôn xao về việc nhà văn Việt Nam nào xứng đáng đề cử trao giải Nobel văn chương. Năm 2021, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, thông báo ông nhận được thư mời đề cử giải Nobel và ông sẽ là người đưa ra những ứng viên cho Hội đồng Nobel tuyển chọn. Người ta nhắc đến một vài tên tuổi như Mai Văn Phấn, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương, Bảo Ninh…Nhưng đến nay không còn nghe nhắc đến việc đề cử ai dự giải Nobel văn học nữa. Quy chế của Quỹ Nobel hạn chế tiết lộ thông tin về các đề cử, dù công khai hay riêng tư, thời hạn bảo mật là 50 năm. Các hạn chế này bao gồm thông tin về người đề cử, người được đề cử, các cuộc điều tra, tìm hiểu và ý kiến ​​liên quan đến việc trao giải thưởng [[13]]. Ai cũng biết cái khó của văn học Việt là rất ít tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài, và càng ít hơn nữa các tác giả Việt trong nước được đọc và biết đến ở nước ngoài. Văn học Việt không thể cạnh tranh với văn học của các nước khác vì chúng ta không có tác phẩm lớn, không có nhà văn lớn.

            Cũng đã có một thời vấn đề sáng tác những “tác phẩm lớn” được đặt ra ở nhiều hội nghị, hội thảo, trong các Nghị quyết, nhưng đến nay Văn học Việt Nam chưa có tác phẩm lớn, chưa có nhà văn lớn. Việc xác định thế nào là “tác phẩm lớn” vẫn còn tranh cãi: tác phẩm lớn theo tiêu chuẩn văn học thế giới hay theo tiêu chuẩn chính trị Việt? Nếu lấy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị thì văn học Việt Nam có nhiều tác phẩm lớn: những bộ sử thi chẳng hạn (Những bộ tiểu thuyết sử thi của Hoàng Văn Bổn), có nhiều nhà văn đạt giải thưởng lớn là Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, Giải thưởng Hồ Chí Minh. Nhưng nếu lấy tiêu chí văn học thế giới, tác phẩm lớn là tác phẩm đặt ra những vấn đề có tầm vóc nhân loại, một tác phẩm tư tưởng và có những đóng góp mới mẻ về nghệ thuật cho văn học thế giới (như R. Tagore, E. Hemingway…), được thế giới biết đến rộng rãi, thì văn học Việt Nam không có tác phẩm nào đạt đến tầm vóc ấy. Văn hóa Việt xưa nay coi trọng cái nhỏ bé, cái xinh xắn mà không chú trọng đến những cái vĩ đại, bởi thực tiễn dân tộc này phải chiến đấu chống kẻ thù xâm lược và chống bão lụt. Tài trí, sức lực cả dân tộc dồn vào để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng ấy. Điều ấy là vĩ đại so với thế giới. Còn lại, trong cuộc sống bình thường, người Việt sống giản dị. Cho nên không thể so sánh Chùa Một Cột của Việt Nam với Vạn Lý Trường Thành của Trung quốc và tất nhiên văn học Việt không thể sánh với văn học Trung quốc và văn học Ấn độ về tầm vóc đồ sộ của tư tưởng và nghệ thuật. Có người cho rằng cần phải có “tự do” nhà văn mới có thể viết “tác phẩm lớn”. Vậy ở giai đoạn “đổi mới” (1986-2000) những tác phẩm nào xứng đáng đề cử giải Nobel? Và, tại sao, những nhà văn Việt ở hải ngoại, hoàn toàn “tự do”, nhưng không ai viết được tác phẩm nào vang danh thế giới? Trái lại, những đổi mới văn học đều xuất phát từ nhà văn trong nước. Vấn đề là, tài năng văn học là thiên phú, vì thế văn học Việt còn phải chờ nhiều thế hệ nữa.

            Những “lùm xùm” về việc kết nạp nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh vào Hội Nhà văn năm 2021, và gần đây, lại “lùm xùm” việc ngưng kết nạp hội viên với bà Hương Lan của Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh. Nguyên nhân là vì những vướng mắc trong đời sống cá nhân và công việc của Ban tổ chức. Bà Hương Lan bị Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh ngưng kết nạp là vì có đơn của nhà thơ Nguyễn Trường Thanh – hội viên của Hội Nhà văn TPHCM, tố cáo bà Hương Lan vu khống ông “gạ tình” bà; trong khi đó, Bà Hương Lan cho rằng, ông Phạm Trung Tín đã nhắn tin, gọi điện tỏ ý “vòi vĩnh” tiền cảm ơn cho ông cũng như một số thành viên trong Ban Chấp hành sau khi được kết nạp[[14]]. Những việc như thế thực chất là sự mua bán khuất tất việc vào Hội. Nó làm đã làm mất đi những giá trị cao đẹp của nhà văn, mất lòng tin của mọi người vào các tổ chức Hội Nhà văn, và làm thất vọng công chúng yêu văn học.

Hiện tượng “đa năng” văn học không biết nên vui hay nên buồn.

Đó là hiện tượng một tác giả đang viết văn xuôi bỗng nổi hứng làm thơ, đăng được vài bài, in một tập thơ, được bạn bè ca ngợi bằng những lời có cánh, thế là nghiễm nhiên thành “nhà thơ nổi tiếng”. Nếu thực sự là một tài năng đa diện, như Nguyễn Đình thi, vừa là nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, có nhiều tác phẩm đóng góp cho sự phát triển văn học nghệ thuật dân tộc, được vậy thì quý biết mấy. Nhưng nếu ngược lại, khi không thể viết văn xuôi (tiểu thuyết) tác giả nhảy sang làm thơ, vì nghĩ làm thơ thì dễ (làm một bài thơ chỉ mất 30 phút trong khi viết một tiểu thuyết mất 3 năm), thì thật đáng buồn cho nền văn học. Nghĩa là tác giả ấy không biết mình có thực tài về thơ hay văn. Thế nên, dù viết thể loại nào cũng chỉ “làng nhàng”, không cất cánh được. Những nhà văn, nhà thơ có thực tài thì chỉ chuyên tâm một thể loại. Nam Cao, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Huy Thiệp trở thành bất tử ở thể loại truyện ngắn. Nói thực lòng, tôi hoài nghi mục đích sáng tác “đa thể loại” của các cây bút “đa năng”, hình như họ mưu cầu điều gì đó ngoài văn chương… Nhưng văn chương là một “nghề chơi” (“nghề chơi cũng lắm công phu”-Nguyễn Du-Truyện Kiều-câu 1201), ai múa được thì cứ ra sân khấu. Múa hay, múa đẹp thì người ta vỗ tay, mà múa dở, múa ngây ngô, khán giả cũng được tràng cười, cũng vui đáo để! Nói như cụ Phan Khôi “Nắng được thì cứ nắng”!

            Những điều ấy đáng để suy gẫm lắm thay!

Tháng 10/ 2024


[1] Bùi Công Thuấn-Luận văn Nhã Thuyên, hay sự thất bại của việc vận dụng lý thuyết trong nghiên cứu

https://buicongthuan.wordpress.com/2017/03/03/luan-van-nha-thuyen-hay-su-that-bai-cua-viec-van-dung-ly-thuyet-trong-nghien-cuu/

[2] Duy Thông-Nguyễn Mạnh Tuấn-Nửa đời văn không thẻ hội viên.

https://nguoidothi.net.vn/nguyen-manh-tuan-nua-doi-van-khong-the-hoi-vien-2888.html

[3] Trung Hiếu-Đất nước qua 30 năm đổi mới-kỳ 2: Nhân chứng trong “Cái đêm hôm ấy…đêm gì”?

https://thanhnien.vn/dat-nuoc-qua-30-nam-doi-moi-ky-2-nhan-chung-trong-cai-dem-hom-ay-dem-gi-185533757.htm

[4] Nhà văn Nguyên Ngọc: “Nỗi buồn chiến tranh” góp phần làm cựu binh Việt – Mỹ gần nhau hơn

https://viettimes.vn/nha-van-nguyen-ngoc-noi-buon-chien-tranh-gop-phan-lam-cuu-binh-viet-my-gan-nhau-hon-post138401.html

[5] Lại Nguyên Ân

https://vanviet.info/tu-lieu/cc-tai-nan-van-chuong-duong-dai-4-truyen-ngan-linh-nghiem-cua-tran-huy-quang-v-mot-vu-n-van-nghe-ngay-sau-cao-tro-doi-moi/

[6] Thụy Khuê-Chuyện kể năm 2000 Ngày 16/3/2000, Bộ Văn Hóa Thông Tin đã ra quyết định số 395/QÐ-BVHTT, đình chỉ phát hành và thu hồi, tiêu hủy cuốn Chuyện Kể Năm 2000 của tác giả Bùi Ngọc Tấn vì đã vi phạm khoản 1 và 2, điều 33, luật xuất bản… http://chimviet.free.fr/tacpham1/stt2/BNTAN.html

[7] Thoại Trúc-Nguyễn Ngọc Tư bị kiểm điểm nghiêm khắc vì điều gì?(báo cáo (số 41-BC/TG, ngày 12/4/2006)

https://tuoitre.vn/nguyen-ngoc-tu-bi-kiem-diem-nghiem-khac-vi-dieu-gi-133791.htm

[8] Myli-Lý do tiểu thuyết Mối chúa của Tạ Duy Anh bị đình chỉ phát hành

https://danviet.vn/ly-do-tieu-thuyet-moi-chua-cua-ta-duy-anh-bi-dinh-chi-phat-hanh-7777807027.htm

[9] Đào Nguyên-Ồn ào quanh Mối Chúa

https://tienphong.vn/on-ao-quanh-moi-chua-post976891.tpo

[10] Nguyễn Hữu Hồng Minh-Lỗ thủng lịch sử

https://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=1512

[11] Phan Nhật Phi-Ba vụ đạo thơ khiến văn đàn sôi sục (23,10,2015)

https://znews.vn/3-vu-dao-tho-khien-van-dan-soi-suc-post592748.html

[12] Lê Xuân-Ngọc Duyên-Những vụ đạo thơ văn “nổi tiếng” Đồng bằng Sông Cửu Long

https://tienphong.vn/nhung-vu-dao-tho-van-noi-tieng-dbscl-post821898.tpo

[13] Hà Chi-Nhà văn nào của Việt Nam xứng đáng được giải Nobel

https://znews.vn/nha-van-nao-cua-viet-nam-xung-dang-duoc-giai-nobel-post1363545.html

[14] Đông Du-Kết luận của Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh về ồn ào kết nạp hội viên bà Hương Lan

https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/ket-luan-cua-hoi-nha-van-tphcm-ve-on-ao-ket-nap-hoi-vien-voi-ba-huong-lan-1360404.ldo

Loading

Đánh giá bài viết
call Hotline 1 0798287075 call Hotline 2 0798 287 075 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok