“PHẢI ĐẬP VỠ MÌNH RA”
(Đọc tập thơ Thành phố tôi đang sống của Nguyễn Hoa, Nxb Hội Nhà văn 2017)
Bùi Công Thuấn
Khi tôi viết về tập thơ Thành phố tôi đang sống của Nguyễn Hoa thì nhà thơ đã là tác giả của 19 tập thơ [1], một con số có ý nghĩa đối với một đời thơ. Nhiều nhà phê bình có uy tín đã đánh giá cao thơ ông cả về tư tưởng và nghệ thuật [2]. Năm 2015 tôi cũng đã viết về tập Thơ Nguyễn Hoa của ông, khám phá những giá trị riêng của thơ Nguyễn Hoa [3] và bây giờ, tôi thực sự ngạc nhiên khi tác giả đã ở tuổi “đang thuộc về đất”, mà hồn thơ vẫn tươi xanh, vẫn dồi dào cảm hứng trong những bài thơ rất trẻ. Bí mật sự sáng tạo của hồn thơ Nguyễn Hoa ám ảnh tôi mãi…
“PHẢI ĐẬP VỠ MÌNH RA”
Thường khi đến tuổi “cổ lai hy” (Nguyễn Hoa sinh năm 1947), người ta thường buông xả tất cả. Sức lực mòn mỏi (Tôi đang thuộc về đất), trái tim khô cạn cảm xúc (Lại ước), lòng không còn đa mang chuyện đời. Trí tuệ rời bỏ cõi nhân gian để suy gẫm về kiếp nhân sinh (Trang viết, Quả tim lành). Và nếu có làm thơ, thì thật khó có khả năng tự làm mới mình (“Đôi lúc bạn ơi, tôi biết mình cũ/ nhưng làm sao”-Thành phố tôi dang sống). Bởi tuổi trẻ mới là tuổi của sáng tạo. Những Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính và sau này, cả Tố Hữu đều không vượt qua được hào quang thời trẻ.
Nhưng Nguyễn Hoa vẫn đi về phía trước với những bài thơ có khí chất mới lạ, và tỏa sáng ngọn lửa riêng. Do đâu Nguyễn Hoa đạt được điều kỳ diệu ấy?
Câu trả lời của nhà thơ là:
“…Phải đập vỡ mình ra
Sáng lòe
Ngọn lửa
Sự đập vỡ ấy không thể là
Không đau khổ!…”
(Bất ngờ)
“…Ánh sáng tự mình
Đập ra
Là đúng nhất…”
(Tôi đang thuộc về đất)
Để mới lạ trong từng con chữ, Nguyện Hoa là “Phải đập vỡ mình ra”. Đó là một hình tượng hàm nghĩa. “đập vỡ mình ra”? để “ánh sáng tự mình”, trở thành thơ, điều ấy có nghĩa là gì? Theo cách hiểu đã thành nếp, “đập vỡ mình ra” là sự thoát khỏi Cái Tôi cá nhân ám ảnh thơ Việt nam mãi từ thời thơ Thơ Mới trước 1945, sự ám ảnh mạnh đến nỗi nhiều thế hệ nhà thơ đi sau phải quyết liệt “chôn Thơ Mới” như Trần Dần, Thanh Tâm Tuyền…Thực ra với Nguyễn Hoa, trong thơ của ông chưa bao giờ có một Cái Tôi như trong thơ Lãng Mạn. Cái Tôi trong thơ Nguyễn Hoa là Cái Tôi của thơ kháng chiến nhưng đã có những vận động theo một hướng riêng.
“Đây là sự gần gũi tôi thấy được
những nợ nần hơn cả máu, mồ hôi
giữa bạn và tôi
giữa con người với con người
phải có!
Cũng như bạn và tôi đã nợ nần cây cỏ
áo lá xanh qua cuộc chiến tranh dài
cho bông hoa buổi sáng nở tươi
chúng ta sống-chúng ta tồn tại!”
(Tổ quốc-những điều gần gũi)
PGS-TS Phạm Quang Trung (ĐH Đà Lạt) trong bài viết “Để hiểu thêm thơ Nguyễn Hoa” [2c] có những lý giải về thơ Nguyễn Hoa khá sâu sắc. Thơ Nguyễn Hoa là chính cuộc đời của ông: “Với Nguyễn Hoa, thơ chính là sự sống ròng – sự sống nhiệm màu, sự sống sinh sôi.”; Nguyễn Hoa “là người giữ được sự bình thản trước cảnh bể dâu của cuộc đời”; và,“với Nguyễn Hoa, thơ chính là số phận của đời anh theo nghĩa đen của từ này”.
Như vậy, muốn hiểu thơ Nguyễn Hoa phải hiểu chính cuộc đời Nguyễn Hoa. Bí mật thơ Nguyễn Hoa là làm thế nào để những trải nghiệm dâu bể thăng hoa thành thơ. Nhưng Nguyễn Hoa giữ gìn rất kín nhiệm đời mình, dù ông chia sẻ rất nhiều với tha nhân. Ông không tỏ lộ hay than thở điều gì, chỉ hé đủ một khoảng trời xanh, đất xanh cho thơ.
Đó là những tháng ngày đi qua chiến tranh, ông “ngộ” ra “TÌNH YÊU LỚN” (Gửi bạn nơi xa) là một điều có ý nghĩa bao trùm. Rồi, khi cuộc sống trở nên “…ào ào bỏng lửa lạnh căm” (Trăng-Mắt-Bão), ông phải sống “Những tháng ngày kiên trì chịu đững/… và xót xa nhiều đến nỗi/ chật đêm ngày…”(Lời cuộc sống). Có quá nhiều gió bão làm gẫy đổ những giá trị, nhà thơ tự hỏi: “Và tôi/ Không biết bao nhiêu lần bão gió/ có lần nào như cây đổ không?/ Và ánh sáng thủy chung-cuối cùng?”(Những cây đổ sau bão). Ông cũng đi qua một thời đại của thơ Việt Nam, từ sử thi hào hùng (Là từ lá cờ ấy), sang tiếng nói riêng của cái Tôi (Lại ước). Những thăng trầm ấy thật không dễ dàng để một người làm thơ luôn giữ được hồn thơ xanh ngát, nhưng với Nguyễn Hoa, từ đó thơ cất thành tiếng hát.
“có thể tôi hát bài ca chưa mới
nhưng tôi hát bài ca của chính mình!”
(Bài hát của mình)
Đây là một nét rất đẹp của thời nhà thơ đi qua chiến tranh:
“Sớm mai
Tôi lên biên giới
Nơi chen vai cùng đồng đội
Nơi ngọt trong tự nguồn
Những bát nước đầu tiên
Mà đời tôi đã uống
Nơi giấc mơ tôi đầy quả chín
Đêm đêm…
(Gửi bạn nơi xa)
PGS-TS Hồ Thế Hà [2d] giải mã “ánh sáng tự mình” trong thơ Nguyễn Hoa. Ánh sáng đó xuất phát từ những tư tưởng, tình cảm đẹp ẩn chứa trong hình tượng thơ. Ông khám phá nhiểu hình tượng thơ Nguyễn Hoa. Chẳng hạn: “Sau hình tượng đất và mẹ là hình tượng lửa. Lửa và mặt trời trong thơ Nguyễn Hoa vừa là cổ mẫu văn hóa vừa là những hình ảnh sinh động trần thế. Nó biểu hiện cho những gì đồng nghĩa với nhiệt huyết, tinh thần minh triết của sự sống, nó có khả năng soi sáng, tẩy uế và sự sinh sôi; đồng thời, lửa cũng tượng trưng cho những gì chết chóc, tàn phá và thiêu hủy; lửa của dục vọng, của sự trừng phạt hoặc lửa của chiến tranh tàn bạo. Trong thơ Nguyễn Hoa, lửa có cả hai biểu tượng nghĩa ấy.”
Thực ra hình tượng trong thơ Nguyễn Hoa rất phong phú. Nói “hình tượng” là nói tứ thơ đã lớn lên thành một hình hài, một sinh thể nghệ thuật, có hồn cốt khí phách, từ đó bước ra khỏi bài thơ, sống với vẻ đẹp riêng. Trong tập Thành phố tôi đang sống, nhiều hình tượng mới mẻ (dù là đề tài cũ) có sức ám thị cả về tư tưởng và nghệ thuật. Đó là hình tượng Nguyễn Trãi (Người về từ Đông Quan), hình tượng Cao Bá Quát (Tìm ông), hình tượng lá cờ cách mạng (Là từ lá cờ ấy), hình tượng Tổ quốc (Tổ quốc- Những điều gần gũi), hình tượng “Những ngôi sao không bao giờ mọc lại”, hình tượng “Với bàn tay của bạn tôi có thể đặt lên một chiếc lá xanh” (Với bàn tay của bạn), hình tượng “những cây đại thụ đổ” (Những cây đổ sau bão), …Ở những hình tượng này, tư tưởng và tình cảm của Nguyễn Hoa lấp lánh nhiều vẻ đẹp, cốt cách thơ Nguyễn Hoa tỏa sáng và hồn thơ Nguyễn Hoa thật năng động. Bởi nhà thơ đã “đập vỡ mình”, đem hồn mình soi vào lịch sử, đem cả kiếp nhân sinh thử thách trong giông bão, để làm sáng lên ngọn lửa tình nghĩa thủy chung, dù trong cả những khi đắm chìm dâu bể…
“Trang giấy như biển khơi trước mặt
Căng buồn lên, chèo lái
để con thuyền thơ đi tới
bến lòng người…
Là từ lá cờ ấy đã vẫy tôi
lá cờ mà như tôi nhìn thấy
khuôn mặt ông cha, hồn ông cha
khuôn mặt đồng đội, hồn đồng đội
lá cờ mà như tôi nhìn thấy
đang bay lên sự sống của chúng ta!
(Là từ lá cờ ấy)
Nhìn ở góc độ hình tượng thơ, Ts Hồ Sỹ Vịnh (Trường đại học Quốc tế Sài Gòn, chuyên ngành văn hóa) đề xuất, Nguyễn Hoa nên thử sức với trường ca để cách tân thơ: “Với tư cách là người đọc, tôi thấy Nguyễn Hoa có nhiều tiền đề, thi hứng để viết trường ca. Ông thuộc thế hệ nhà thơ hậu chiến, nhiều năm sống trong trường học Quân đội, đến với nhiều chiến trường, được trải nghiệm sự đời, và đã có những bài thơ mang hồn cốt trường ca về Đất nước, về người mẹ, người chị Việt Nam, về những vùng đất thiêng của lịch sử, v.v… sao lại không chọn lối này để sáng tạo và cách tân?[2a]
THƠ NGẮN, THƠ DÀI VÀ CÁCH TÂN THƠ
TS Hồ Sỹ Vịnh đọc hai tập: Thơ Nguyễn Hoa (2014) và Thơ Ngắn (2015) của Nguyễn Hoa, khẳng định thơ ngắn là một đặc điểm Nguyễn Hoa, và “cảm nhận được mấy ý tưởng thơ mang tài năng cách tân”.
Hồ Sỹ Vịnh giảng giải: “Cách tân, đổi mới trong thơ ca không phải cất dấu của sự phá phách ngông cuồng, thiếu mục đích sống và lý tưởng thẩm mỹ. Nó chỉ là phương tiện nghệ thuật. Nguyễn Hoa tin và sáng tạo theo hướng đó. Thơ ông như một cuốn nhật ký của một người lính, sống với quê hương sông Chu, trải nghiệm với chiều dài đất nước, nhưng tứ thơ của ông không miên man, kể lể, miêu thuật sự kiện mà đi tìm “tâm lý của sự kiện”
Với Hồ Sỹ Vịnh, cách tân “chỉ là phương tiện nghệ thuật” của thơ, là “sự phá phách ngông cuồng, thiếu mục đích sống và lý tưởng thẩm mỹ”. Tôi e rằng đó là một cách hiểu chưa đầy đủ. Vì thế ông chỉ nhận ra sự cách tân của thơ Nguyễn Hoa ở những biện pháp nghệ thuật như: “Nguyễn Hoa lạ hóa hai đối tượng miêu tả thiên nhiên: Đất và Cỏ.”, ở “lối nói kiệm lời, hàm súc về một chân lý.”, “Chưa hết, Nguyễn Hoa còn biết nhân cách hóa hiện tượng tự nhiên, dùng những khái niệm văn hóa sinh thái để chia sẻ với người đời…”[2a]
Những điều Hồ Sỹ Vịnh nói về sự cách tân của thơ Nguyễn Hoa chỉ là biện pháp nghệ thuật ngôn ngữ Thơ, dù cổ điển hay hiện đại, nhà thơ nào cũng sử dụng. Cách tân thơ trước hết là thay đổi tư duy nghệ thuật, từ đó thay đổi đề tài, đối tượng, cảm xúc thơ; thay đổi bút pháp, thay đổi cách thể hiện và làm mới ngôn từ. Cách tân đâu chỉ là “lạ hóa, nhân hóa, lối nói kiệm lời “ như Hồ Sỹ Vịnh hiểu.
Thí dụ, thơ kháng chiến (1945-1975) hoàn toàn khác thơ Lãng mạn trước 1945. Thơ kháng chiến là thơ Hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nhân vật trung tâm của thơ là Công, nông, binh. Cái Tôi trong thơ chuyển hóa thành Cái Ta công dân. Nội dung thơ là đời sống kháng chiến của nhân dân. Cảm hứng thơ là cảm hứng anh hùng ca…Các nhà thơ trẻ đầu thế kỷ XXI cách tân thơ Việt bằng việc chuyển hẳn tư duy nghệ thuật từ chủ nghĩa Hiện thực xã hội chủ nghĩa sang thơ Hậu hiện đại, mà căn cốt là tâm thức Hậu hiện đại với những thủ pháp chính là: phá vỡ cấu trúc thơ truyền thống, là hiện thực phân mảnh, là chối bỏ những “đại tự sự” thay vào đó là “tiểu tự sự”, là những hoang tưởng, ngẫu nhiên, giễu nhại, xóa nhòa sự phân cách thể loại; là phi tâm hóa và ngoại vi hóa… (Văn Cầm Hải, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Vĩnh Tài…), nhiều người sử dụng bút pháp Siêu thực (Thanh Thảo, Nguyễn Quang Thiều…). Thơ không lấy việc phản ánh hiện thực là mục đích như thơ kháng chiến, mà khám phá hiện thực, là sáng tạo một hiện thực thứ hai từ hiện thực thứ nhất (Cái biểu đạt dẫn đến Cái biểu đạt khác-liên văn bản).
Tất nhiên Nguyễn Hoa không cách tân thơ như các nhà thơ trẻ đầu thế kỷ XXI. Ông làm mới thơ mình so với thơ Kháng chiến bằng con đường khác.
Nguyễn Hoa vẫn viết về đề tài truyền thống như Tổ quốc (Tổ quốc-những điều gần gũi), về Bác Hồ (Con ước làm cơn gió nhẹ), về cách mạng (Ánh sáng bản Luận cương, Là từ lá cờ ấy), về mùa thu (Mùa thu nay), về đồng đội (Những ngôi sao không bao giờ mọc lại), về tình bạn (Gửi bạn nơi xa, Bên bạn…), về danh nhân lịch sử (Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, Êxênin, Nadim Hitmet), về hiện thực đời sống (Thành phố tôi đang sống, Lời cuộc sống, Báo động, Với bạn viết bài ký “Thủ tục để làm người còn sống”, Mối liên quan trong đêm bệnh viện, Những cây đổ sau bão…). Xin đọc:
“Bạn ơi, tôi vẫn sống không rượu, không thuốc
Không còn áo lính cổng thành
Đêm dài hơn trằn trọc hơn
mắt mờ hơn
và mái tóc rễ tre dày hơn sợi bạc
các cháu lớn nhanh đổi thay điệu hát
nỗi buồn, nỗi khó nhân lên
cũng thành phố xòe bung
phập phồng lo toan hy vọng…
Hoa sấu vẫn vào hè rơi đầy vai đường Trần Phú
những cây số dài…”
(Thành phố tôi đang sống)
Người đọc nhận ra ngay thơ Nguyễn Hoa nằm trong dòng “thơ truyền thống” ở bút pháp “tả thực” chân chất (Như bài Đồng Chí của Chính Hữu, Nhớ của Hồng Nguyên), ở nội dung bài thơ là đời sống được ghi nhận, chân thực và sống động đến từng đường nét. Nhân vật trữ tình ngập tràn tâm trạng. Giọng thơ là giọng tâm tình đối thoại chia sẻ, hướng ngoại. Những yếu tố thi pháp ấy đã là đặc điểm của thơ kháng chiến (1945-1975).
Nguyễn Hoa làm mới thơ mình như thế nào? Xin đọc một bài:
VỚI BÀN TAY CỦA BẠN
Với bàn tay của bạn tôi có thể đặt lên một chiếc lá xanh
chiếc lá xanh cuống đang ứa nhựa
mà ở đó bạn nhận ra sự mát mềm của lửa
lửa sự sống lên cành
khí trời bạn thở mùa thu bồng bềnh
mùa thu với sắc vàng thiên nhiên chợt hiện rồi chợt tắt
như hoàng hôn trong mơ hồi hộp nhòa dần
Còn bây giờ chiếc lá xanh đang cựa với cuộc đời của nó
cuộc đời biết sống hết mình cho cây
cái cây mà bạn đi bóng tỏa trên đầu
có lúc qua cửa sổ nhà tầng quờ tay bắt được
có lúc ngợp mắt với cây cao-cao như trời xanh ấy vô cùng
*
Với bàn tay của bạn tôi có thể đặt lên một chiếc lá xanh
chiếc lá cài lưng đi qua cuộc chiến tranh
nó làm cho tôi giống cái cây trên đường
nó làm cho tôi lẫn vào đêm-đêm xanh
nó làm cho tôi lẫn vào đất-đất xanh
nhờ nó mà tôi sống
qua cuộc chiến tranh
*
Rồi lá lá mọc lên
rồi lá lá rụng xuống
rồi sẽ đi qua những điều tự nguyện và không tự nguyện
nhưng phải thế!
Với bàn tay của bạn tôi có thể đặt lên một chiếc lá xanh
Như tôi đang đặt lên
Trái tim mình!
Người đọc vẫn gặp những điều quen thuộc trong cốt cách thơ Nguyễn Hoa. Đó là giọng tâm tình, chia sẻ, đối thoại; nội dung thơ cũng là vấn đề về chiến tranh, về lẽ sống. Bài thơ chứa đựng những suy nghiệm thấp thoáng ý nghĩa triết lý theo một hướng nhìn tích cực; Nguyễn Hoa vẫn sử dụng những thủ pháp nghệ thuật đã rất quen thuộc như phép trùng điệp, phép nhân hóa, phép ẩn dụ.
Nhưng đọc kỹ bài thơ, người đọc phải nhận rằng, có cái gì đó rất khác và rất mới so với những bài thơ khác của Nguyễn Hoa. Cái Khác ấy là gì? Nội dung bài thơ không còn là hiện thực được phản ánh, mà là một ẩn dụ. Cái biểu đạt không dẫn đến Cái được biểu đạt mà dẫn đến Cái biểu đạt khác: chiếc lá xanh cuống đang ứa nhựa dẫn đến lửa, lửa sự sống lên cành. Lửa lại dẫn đến Mùa thu, đến cái cây bóng tỏa trên đầu, đến nhà tầng, đến trời xanh ấy vô cùng. Từ đây, chiếc lá dẫn đến sự sống còn khi nhà thơ đi qua cuộc chiến tranh. Và, từ một chiếc lá xanh cuống đang ứa nhựa, chuyển hóa thành một thông điệp sự sống:
Với bàn tay của bạn tôi có thể đặt lên một chiếc lá xanh
Như tôi đang đặt lên
Trái tim mình!
Bài thơ không nói những điều lớn lao “bốn mươi thế kỷ cùng ra trận” hay “cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ” như thơ kháng chiến, cũng không ngân vang những khúc anh hùng ca của những Tiểu đội xe không kính hay Năm anh em trên một chiếc xe tăng. Bài thơ không còn phản ánh hiện thực, mà sáng tạo một hiện thực thứ hai từ hiện thực thứ nhất (chẳng hạn hiện thực đi qua chiến tranh). Bài thơ là một ẩn dụ, vì thế nó đa nghĩa, vì thế nó mở ra nhiều tầng liên tưởng, qua đó chuyển tải những thông điệp tư tưởng. Khác rất xa với những câu thơ như “Áo anh rách vai/ quần tôi có vài miếng vá” (Đồng chí-Chính Hữu), đơn giản chỉ là hình ảnh hiện thực với nghĩa tường minh.
Nguyễn Hoa có nhiều tứ thơ khá mới như:
chiếc lá xanh cuống đang ứa nhựa
mà ở đó bạn nhận ra sự mát mềm của lửa
Và dường như rất quen mà rất lạ:
chiếc lá cài lưng đi qua cuộc chiến tranh
nó làm cho tôi giống cái cây trên đường
nó làm cho tôi lẫn vào đêm-đêm xanh
nó làm cho tôi lẫn vào đất-đất xanh
nhờ nó mà tôi sống
qua cuộc chiến tranh
Trong tập Thành phố tôi đang sống có nhiều bài mới lạ như vậy, đọc rất thú vị. Đó là các bài: Bất ngờ, Ánh sáng bản Luận cương, Là từ lá cờ ấy, Con ước làm cơn gió nhẹ, Người về từ Đông Quan, Tổ quốc-những điều gần gũi, Tôi đang thuộc về đất,…
Tôi thực sự ngạc nhiên về sự trẻ trung và sức sáng tạo của một cây bút “đang thuộc về đất”như Nguyễn Hoa.
“HÀNG NGÀY TÔI TỰ ĐÓNG ĐINH”
Đọc thơ Nguyễn Hoa, người đọc tưởng ông làm thơ thật dễ dàng, vì ông viết như người nói chuyện tự nhiên, ông nói về những điều của đời thường. Không lãng mạn bay bổng, cũng không triết lý cao xa, không hiện thực gai góc cũng không vẽ vời mộng mơ (dù ông có ước mơ). Câu thơ không trau chuốt. Thơ như đời thường tự nó.
“Trên bàn bình không cắm hoa
Cái ghế xếp dây không mở
đêm ngoài cửa sổ
khóm hồng bạn trồng rì rầm với trời sao…”
(Gửi bạn nơi xa)
Bóc tách lớp vỏ những sự vật được nhà thơ miêu tả, thơ bỗng hiện ra. Góc nhìn nghệ thuật từ gần đến xa, từ bên trong hướng ra bên ngoài và từ thấp hướng lên rất cao. Tưởng rằng không có gì để thành thơ (điệp từ “không”), vậy mà trong một lóe sáng, thơ xuất hiện rực rỡ (khóm hồng và bầu trời sao). Đêm yên tĩnh nhưng đầy ánh sáng và hương sắc của tình bạn. Đêm lặng im mà trái tim nói được rất nhiều điều. Vâng, đó là thơ Nguyễn Hoa.
Để viết được những câu thơ dung dị như vậy, Nguyễn Hoa “hàng ngày tự đóng đinh” mình vào thơ.
“Trên trang giấy trắng tinh
Hằng ngày tôi tự đóng đinh
Bằng những con chữ lúc ngọt ngào quả chín
Lúc đắng khói bom
Và những niềm vui và những nỗi buồn…
Và cứ như thế số phận tôi gắn vào số phận em
Mà ngày ngày tôi tự đóng đinh từng chiếc thiêng liêng
(Với thơ)
“Đóng đinh” là một hình phạt khổ nhục. Nhưng tự đóng đinh từng chiếc thiêng liêng lại gợi ra ý nghĩa cứu độ. Làm thơ là tự nguyện mang lấy những nỗi thống khổ để sáng tạo. Như từ những chiếc đinh thiêng liêng “…trái tim tôi có tia nhỏ/ mà từ đó cháy bùng ngọn lửa” (Với thơ).
Tôi hiểu, đó là Nguyễn Hoa. Đó là bí mật sáng tạo của Nguyễn Hoa để có những bài thơ mới lạ hơn mỗi ngày, để giữ được hồn thơ thanh khiết và ngọn lửa yêu đời, yêu người luôn rực sáng.
Hình như có rất ít nhà thơ chọn con đường tự đóng đinh để hóa thân thành thơ như Nguyễn Hoa, để cuộc sống đời thường cất lên tiếng hát:
Xe chở rác đi về con đường nhỏ
Đây ngôi nhà quen
khuôn mặt quen
nụ cười đột ngột sáng đèn
Như ở đó tôi linh cảm được
hồn bao người thành phố, hồn tôi…
Thơ bắt đầu như thế, bạn yêu ơi!
(Thơ bắt đầu như thế)
Tháng 5 năm 2017
__________________________________
[1] Các tập thơ của Nguyễn Hoa: 1. Dưới mặt trời.(1988) – 2. Vàng của mùa thu (1989)– 3. Ngôi sao số phận tôi (1991) – 4. Con tổ quốc (1992) – 5. Sấm lành (1993)
– 6. Sơn ca (1994) – 7. Từ một đến tám (1997)- 8. Trở về (1997)
– 9. Cây trong vườn ông nội-thơ thiếu nhi (1998)- 10. Mùa xuân không bị bỏ quên (2000),
– 11. Bên con (2002) – 12. Nhận (2003) – 13. Ánh mắt tươi (2005)
– 14. Lặng lẽ tôi (2007) – 15. Lửa mát (2009) – 16. Máy bay đang bay và những bài thơ khác (2011)
– 17. Thơ Nguyễn Hoa (2014) -18. Thơ Ngắn (2015) -19. Thành phố tôi đang sống (2017)
[2] Xin đọc:
a–Ts Hồ Sỹ Vinh (Gs-Ts Văn hóa, ĐH Quốc tế Sàigòn) – Thơ Nguyễn Hoa-Nguồn sáng tạo:
http://vanhien.vn/news/tho-nguyen-hoa–nguon-tho-sang-tao-43164
b-Ts Mai Bá Ấn (ĐH Tài chính-Kế Toán)- Thơ Nguyễn Hoa – tụ gom thành nhị và lặng lẽ tỏa hương
c-PGS-Ts Phạm Quang Trung–Để hiểu thêm thơ Nguyễn Hoa
d-PGS-Ts Hồ Thế Hà–Những mảnh vỡ tiềm thức trong thơ Nguyễn Hoa
e-Nhà phê bình Trịnh Thanh Sơn- Nguyễn Hoa : Bâng khuâng mình đấy có yêu được mình ?
http://4phuong.net/ebook/49486607/nguyen-hoa-bang-khuang-minh-day-co-yeu-duoc-minh.html
f-Nguyễn Hoa với những vần thơ trải lòng-ĐCSVN
http://www.baomoi.com/nguyen-hoa-voi-nhung-van-tho-trai-long/c/7399932.epi
g-Nhà thơ Bùi Văn Kha–Bay mãi những câu thơ tin tưởng
[3] Bài Câu thơ nhiệm màu đăng ở tạp chí Thơ và trên trang của Hội Nhà Văn:
http://vanvn.net/news/36/5684-cau-tho-mau-nhiem.html