ĐẠI HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM LẦN THỨ IX
DƯ ÂM NHỮNG VẤN ĐỀ
Đại hội Hội Nhà Văn Việt Nam lần thức IX được coi là thành công ở ý nghĩa chính trị, công tác tổ chức và bầu được một ban chấp hành “gọn nhẹ” có thể tin tưởng được ở tài năng và uy tín. Nhưng từ đại hội, nhiều vấn để đã được đặt ra cho Ban Chấp Hành nhiệm kỳ mới, và cho hơn 1000 hội viên HNV.
1.Làm thế nào để có tác phẩm đỉnh cao?
Đây là vấn đề đã được đặt ra từ nhiều cuộc hội thảo tổng kết thực hiện nghị quyết TW 5 (khóa VIII) (1988) và nghị quyết 23 (2008) của Bộ Chính Trị ” Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Ngày 27/11/2013 tại thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận, Phê bình VHNT Trung ương cũng đã tổ chức hội thảo “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao-Thực trạng và giải pháp” . Hội thảo có 68 tham luận của các giáo sư, Tiến sĩ tham dự. Thế nhưng đến nay, khi Đại hội Hội Nhà Văn Việt Nam lần thứ IX, văn chương Việt Nam vẫn chưa có tác phẩm lớn. Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2010-2015 của Ban Chấp Hành HNV khóa VIII nhận định :”Hạn chế dễ thấy nhất là qúa trình kết tinh còn còn chậm. Số lượng tác phẩm thì nhiều, nhưng chất lượng chưa tương xứng, tính chuyên nghiệp chưa cao, ảnh hưởng xã hội chưa rộng. Còn ít những tác phẩm có tầm khái quát lớn, khai phóng mới lạ, mang tính đột phá. Đây là một hạn chế đã được chỉ ra từ lâu nhưng khắc phục còn chậm”
Câu trả lời cho vấn đề là chưa xuất hiện những tài năng văn chương kiệt xuất. Bao giờ Văn chương Việt Nam mới có những E.Hemingway, M.A.Sholokhov, Mạc Ngôn…? Và vấn đề là làm thế nào để phát triển tài năng, làm thế nào để tài năng có thể viết được tác phẩm lớn. Có một thực tế là, trong các hội thảo, người ta còn loay hoay mãi về tiêu chí đánh giá một tác phẩm đỉnh cao. Chưa có sư thống nhất nào về vấn đề thế nào là tác phẩm văn chương đỉnh cao. Và ở Việt Nam không nhà văn nào chịu công nhận một nhà văn khác là “tài năng”, có lẽ là do quán tính của tư duy “bụt nhà không thiêng” hay chưa có một Viện Hàn Lâm để công nhận tài năng?
Người ta hướng đến lớp nhà văn trẻ, bởi từ xưa đến nay tài năng thường xuất hiện ở người trẻ. Tuy nhiên, nhìn vào đội ngũ nhà văn trẻ trong khoảng 10 năm trở lại đây, sau một vài tác phẩm lúc đầu được dư luận chú ý, đến nay ngòi bút của họ đã chững lại, hoặc không thể vượt qua chính mình để chiếm lĩnh những đỉnh cao, đó là chưa kể nhiều ngòi bút đã chết yểu. Đã có lúc chúng ta kỳ vọng ở Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà , Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Danh Lam, Đỗ Tiến Thụy, Phong Điệp, Phan Hồn Nhiên, Nguyễn Ngọc Thuần…Nhưng có lẽ chúng ta còn phải chờ lâu nữa. Và ngay cả những cây bút đang ăn khách như Anh Khang, Hamlet Trương, Iris Cao…cũng không hy vọng gì, bởi họ thuộc dòng văn chương thị trường, văn chương giải trí, chỉ ồn ào nhất thời, chẳng để lại giá trị gì.
Cũng có những tài năng đã được khẳng định, nhưng hoàn cảnh đã trói tay họ. Nói hoàn cảnh là nói cái riêng, cụ thể mà môi trường văn chương Việt Nam chưa thể dung nạp. Hãy quan sát Bảo Ninh và tiểu thuyết Nỗi Buồn Chiến Tranh. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho biết:” “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh đã được tái bản khá nhiều lần ở trong và ngoài nước và cho đến nay, đây là cuốn tiểu thuyết của một nhà văn Việt Nam được in nhiều nhất ở nước ngoài. Cuốn sách của Bảo Ninh đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và có mặt ở khá nhiều thư viện của một số trường Đại học danh giá trên thế giới. Có lẽ văn chương thời hiện đại ở xứ ta, chỉ có tác phẩm của Bảo Ninh và Nguyễn Huy Thiệp (hai nhà văn sống ở trong nước) được nước ngoài in nhiều đến vậy.”(1) Sau hai mươi năm, Bảo Ninh chưa có tác phẩm nào vượt qua Nỗi Buồn Chiến Tranh. Ông lý giải rằng, ông “ đã chịu ảnh hưởng quá nặng, quá lâu cái bóng của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Hay nói cách khác, bị chính trị hoá quá mức cần thiết. Tác phẩm hay phải vượt qua được những cái bóng đó.”(2)
Hơn hai phần ba hội viên HNV là những người trên 60 tuổi. Chúng ta hy vọng gì ở những ngọn đèn sắp hết dầu? Có mấy người được như nhà văn Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Xuân Khánh là những nhà văn trên 80 tuổi? Hoàng Quốc Hải đã bỏ ra trên 30 năm ròng rã để hoàn thành 2 bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ gồm 10 tập, dung lượng trên 6.500 trang. Đó là hai bộ tiểu thuyết Tám Triều Vua Lý và Bão Táp Triều Trần. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cho biết về tiểu thuyết Đội gạo lên chùa :”Tôi “đội gạo lên chùa” bằng tất cả vốn sống của cuộc đời mình, bằng tất cả sự trải nghiệm 79 năm của mình. Dịch giả Đoàn Tử Huyến nhận xét: “Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh hiện là một trong số rất ít nhà văn Việt Nam có tác phẩm đáng đọc nhất”. Các cuốn tiểu thuyết Hồ Quý Ly (804 trang), Mẫu thượng ngàn (808 trang), Đội gạo lên chùa (trên 800 trang)không làm độc giả ngán vì quá dày mà ngược lại đã khiến hàng ngàn người sửng sốt và tấm tắc đọc hết từ đầu tới cuối. Vâng, để có tác phẩm lớn, nhất thiết nhà văn phải viết bằng độ dày trải nghiệm đời mình như Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Xuân Khánh.
- “Văn chương Nhà Nước” và “Văn chương thị trường”
Ở Việt Nam bây giờ đã hình thành 2 xu hướng văn chương rõ rệt: “Văn chương thị trường” và “văn chương Nhà Nước”. Thế nhưng tại Đại hội HNV VN lần thứ IX, không ai nhìn thấy 2 xu hướng này. Người ta chỉ chú ý đến văn học trung tâm mà không chú ý đến văn học ngoại biên.
Về “văn chương thị trường”, thử nhìn vào thị trường sách văn chương 2014, người đọc sẽ thấy ngay xu hướng này đang lấn át “văn chương Nhà Nước”. Đã có một Hội thảo nói về vấn đề này. Ngày 28/5/15, Viện Văn học tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Sáng tác văn học Việt Nam thời kỳ Đổi mới – Thực trạng và triển vọng” tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. PGS- TS Võ Văn Nhơn và Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Thúy có chung tham luận: “Văn học thị trường ở TP HCM“. Nghiên cứu này chỉ ra rằng, “Nội dung tác phẩm xoay quanh đề tài tình yêu, lối viết lãng mạn xa rời thực tế, sự trải nghiệm ít ỏi của người viết. Về thể loại, các best-seller hầu hết là tản văn, du ký, tự truyện. Sự thống trị của đề tài này một phần là kết quả của việc nhập khẩu văn học ngôn tình Trung Quốc, cùng nhu cầu của người đọc” (http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/van-hoc-thi-truong-tp-hcm-lam-nong-hoi-thao-3225637.html)
Văn chương thị trường được PR bằng nhiều hình thức và hướng về công chúng trẻ. Hamlet Trương và Iris Cao được giới thiệu : Là hai cây bút ăn khách của làng sách trẻ hiện nay, các tác phẩm của Hamlet Trương và Iris Cao được làng xuất bản săn đón. Trong ba năm qua, Hamlet Trương đã có tới 150.000 bản sách (Thời gian để yêu, Thương nhau để đó, Tay tìm tay níu tay), còn Iris Cao cũng chạm con số 100.000 bản sách được bán ra. Bởi thế, con số 20.000 bản Ai rồi cũng khác phát hành trong lần in đầu tiên là lớn, nhưng không phải là sự bất ngờ với sách của Hamlet Trương”(4) Văn chương thị trường được viết để đáp ứng thị hiếu của công chúng đang sống trong môi trường kinh tế thị trường, ở đó chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa sex vô luân, đồng tính… đang thống trị người trẻ chưa đủ trưởng thành về văn hóa để ý thức được những giá trị nhân văn và bản sắc dân tộc, và chưa đủ bản lĩnh loại bỏ những độc tố họ tiêm nhiễm phải.
Bây giờ công luân đã lên tiếng báo động về “thảm họa” của tiểu thuyết ngôn tình, và tình trạng một số cây bút trẻ ăn theo loại văn chương thị trường này (3). Tác giả Hiếu Văn lên tiếng :”…lợi dụng đề tài đồng tính để truyền bá các sản phẩm có nội dung trụy lạc là điều đáng phải bị lên án, nếu nghiêm trọng thì phải xử lý trước pháp luật; đặc biệt, khi các sản phẩm loại này hướng tới người đọc trẻ, nhất là học sinh, thì càng cần phải nghiêm khắc hơn.“
Tác giả Minh Anh đồng tình với Cục xuất bản về biện pháp cảnh báo đối với bạn đọc rằng .” việc Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) có Công văn số 2116 gửi các nhà xuất bản (NXB) đề nghị không đăng ký xuất bản truyện ngôn tình, đam mỹ là cần thiết, nếu không nói là chậm trễ. Bởi, nội dung suy đồi của một số cuốn sách ngôn tình, đam mỹ không chỉ bị nhiều tác giả phê phán trong các bài viết về thị trường sách ở Việt Nam, mà trong “cộng đồng ngôn tình” ở Việt Nam cũng đã có nhiều ý kiến phản đối việc xuất bản một số ấn phẩm có nội dung đồi trụy, đồng thời phê phán sở thích lệch lạc của nhóm độc giả thiểu số.”
“Văn chương Nhà Nước” là xu hướng sáng tác theo kế hoạch, theo các chủ đề đặt hàng trong trại sáng tác của các Hội VHNT địa phương và HNV. Đây là nền văn học được đầu tư lớn cả về tác giả, về tài trợ tác phẩm và tổ chức các sinh hoạt văn học. “Văn chương Nhà Nước” có nhiều giải thưởng hàng năm từ Hội VHNT địa phương đến HNV. Nền văn chương này tập trung viết về đề tài về lịch sử, cách mạng và kháng chiến, xây dựng văn học tư liệu, xuất bản “Hồi ký các cán bộ cách mạng, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang nhân dân”…(4) Nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch HNV nhận xét trong báo cáo nhiệm kỳ 2010-2015 rằng, tác phẩm viết về chiến tranh còn chông chênh. “Cái chưa từng có trong lịch sử chưa trở thành cáo chưa từng có trong văn học”. Ông nhấn mạnh đến nhiệm vụ của văn học là xây dựng nhân cách, xây dựng phẩm hạnh, xây dựng con người, xây dựng văn hóa. “Văn học phải giúp làm cho cái thiện trở thành quy tắc ứng xử hằng ngày”.
Tuy nhiên những tác phẩm “văn chương nhà nước” lại có ít người đọc. Sách chỉ in vài ngàn cuốn hoặc vài trăm cuốn, tác giả dành để tặng là chính. Ngay cả các tác phẩm đạt giải thưởng của HNV cũng không có mặt trong Top Ten sách bán chạy trong các Hội chợ sách. Tác giả Lam Thu dẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng về tình trạng lấn át của sách thị trường: “Sách văn học thị trường nên xếp vào loại giải trí, đọc cho thư giãn, cho vui”.Ông cho rằng văn học thị trường nếu số lượng quá nhiều và ngày càng lớn mạnh sẽ lấn át các tác phẩm văn học lớn, có giá trị cao. “Tiếc thay hiện nay vì lợi nhuận, có những nhà xuất bản và công ty sách lao vào làm sách thị trường rẻ tiền, lá cải. Cũng đúng thôi, cơ chế thị trường nên có cung thì có cầu. Nhưng cũng không nên quên rằng nếu chúng ta kích cầu kiểu này thì rất nguy hiểm”(5)
Rõ ràng là HNV chưa có một kế hoạch đường dài phát triển văn học trong nền kinh tế thị trường. Cách làm của HNV vẫn là cách là văn chương thời bao cấp. Và dĩ nhiên thị trường sẽ tự sản sinh văn học của riêng nó, và đến một lúc nào đó nó sẽ “gây bão” cho nền văn học nói chung như những hiện tược đã diễn ra thời gian vừa qua (tiểu thuyết ngôn tình, văn chương sex…)
- Nhiều vấn đề còn ngổn ngang
Trong đó có vấn đề căn cốt là sự yếu kém của lý luận và phê bình văn học. “Hoạt động lý luận phê bình có chuyển biến, nhưng tính học thuật chưa cao xét theo yêu cầu cơ bản, hệ thống, toàn diện. Phê bình trên báo chí còn nặng về khen ngợi một chiều, tác dụng thẩm định giá trị và hướng dẫn dư luận còn nhiều hạn chế. Sự gắn kết giữa nghiên cứu với lý luận phê bình chưa mạnh. Việc tiếp thu các trào lưu lý luận bên ngoài tuy có cố gắng mở rộng khung thông tin nhưng vận dụng vào điều kiện nước ta có chỗ còn thiếu nhuần nhiễn”(Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2010-2015 của HNV)
Theo dõi vấn đề lý luận phê bình từ đổi mới đến nay, chúng ta chưa thể lạc quan. Đầu tiên là sự phủ định Chủ nghĩa Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa, phủ định lý thuyết về phương pháp sáng tác; chỉ ra hệ thống lý luận phê bình văn học của chủ nghĩa Mác-Lênin có những sai lầm, sau đó là sự ào ạt du nhập những lý thuyết phê bình hiện đại phương Tây. Đã có thời người ta “dị ứng” với Chủ nghĩa cấu trúc, còn bây giờ, nhà phê bình đã vận dụng các lý thuyết Phân tâm học, Thi pháp học … Có lúc văn đàn ồn ào về Hậu Hiện Đại nhưng người ta nghi kỵ tính đa nguyên của lý thuyết này. Các nhà nghiên cứu cũng nói đến văn học trung tâm và văn học ngoại vi, văn học nữ quyền… và sau cùng là nỗ lực muốn xây dựng một nền lý luận phê bình riêng của Việt Nam, song nó mới chỉ được gợi ra trong ý tưởng. Việt Nam không có những lý thuyết gia về lý luận và phê bình văn học.
Ngày 23 tháng 1 năm 2015, nhân dịp ra mắt cuốn sách “Trên đường biên của Lý luận văn học” của tác giả Trần Đình Sử, Khoa Viết văn báo chí, ĐH Văn hóa HN đã tổ chức tọa đàm “Trần Đình Sử trên đường biên của lí luận văn học”. Những ý kiến của các nhà phê bình trong tọa đàm này phản ánh khá đầy đủ tình hình khủng hoảng về lý luận văn học hiện nay. GS Trần Đình Sử tâm sự : ”Nền lý luận mà chúng ta đang có cũ quá rồi! Quá date rồi! Chúng ta, trong đó có tôi đã sai lầm, đã ấu trĩ, đã ngộ nhận nhiều rồi…”, “Tôi là một tội đồ đã reo rắc bao nhiêu cũ kỹ, ấu trĩ, ngộ nhận cho bao nhiêu thế hệ sinh viên học sinh. Tôi muốn làm một việc gì đó, để sửa sai cho mình, trước hết được nói ở trong cuốn sách này”.(6)
Không có một hệ thống lý thuyết văn học tiên tiến dẫn đạo, văn học sẽ không thể tiến lên phía trước. Điều này văn học thế giới đã khẳng định. Nhiệm vụ của HNV nhiệm kỳ 2015-2020 sẽ rất nặng nề. Vì nếu không giải quyết được vấn đề này thì văn học Việt Nam sẽ còn trì trệ cũ kỹ và sẽ lại được nói đến trong ĐH HNV VN lần thứ X năm 2020.
_________________________________
- http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=10936
- http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=13074
- Đừng mang danh nghệ thuật để truyền bá trụy lạc (http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/binh-luan-phe-phan/item/25685502-%20%C3%B0ung-mang-danh-nghe-thuat-de-truyen-ba-truy-lac.html); Ngôn tình và trách nhiệm của nhà phê bình (http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/binh-luan-phe-phan/item/26539702-trach-nhiem-cua-nha-phe-binh.html); Đọc ngôn tình, công chúng trẻ cần sự định hướng: (http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/doc-ngon-tinh-cong-chung-tre-can-su-dinh-huong-351744/). Giới trẻ Việt Nam ngộ độc truyện ngôn tình Trung Quốc (http://laodong.com.vn/van-hoa/gioi-tre-viet-nam-ngo-doc-truyen-ngon-tinh-trung-quoc-215267.bld). Sách Việt ồn ào chuyện sex (http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/207710/sach-viet-on-ao-chuyen-sex.html
- Dạo qua chợ sách của người viết trẻ (https://buicongthuan.wordpress.com/2015/02/15/dao-qua-cho-sach-2014-cua-nguoi-viet-tre/)
- http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=19629
- http://trannhuong.com/tin-tuc-19005/giao-su-tran-dinh-su-da-len-duongchang-moi.vhtm