GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2017

NIỀM VUI MÙA GẶT MỚI

(Đọc truyện ngắn chung khảo Viết văn đường trường 2017)

Bùi Công Thuấn

quy nhơn 2017

 

Những truyện ngắn chung khảo Giải Viết văn đường trường 2017 để lại trong tôi một ấn tượng đặc biệt, đó là một mùa vàng văn chương của giáo phận Quy Nhơn. Nhiều truyện hay, nhiều cây bút đã vượt qua cách viết ghi chép hiện thực để vươn tới sáng tạo một hiện thực mới; nhiều văn phong đĩnh đạc; nhiều giọng văn mới, tươi sáng. Nhiều cây bút xông xáo vào những vùng rất gai góc của nghệ thuật và tư tưởng. 2017 là mùa vàng của những cây bút thực sự tài năng và chuyên nghiệp.

NHỮNG SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT

Vấn đề căn cốt của viết văn là sáng tạo nghệ thuật. Ai cũng có vốn sống, ai cũng trải nghiệm đời dâu bể, ai cũng ấp ủ bao điều muốn chia sẻ, và ai cũng có thể kể chuyện. Nhưng để thành nhà văn, tức là người làm ra cái đẹp bằng ngôn ngữ, thì yếu tố sáng tạo nghệ thuật là điều quyết định. Nếu chỉ ghi chép lại hiện thực thì không thể thành nhà văn.

Truyện ngắn chung khảo giải Viết văn đường trường 2017 đã khám phá nhiều con đường sáng tạo.

Nhiều truyện viết bằng bút pháp Lãng mạn. Tất nhiên bút pháp Lãng mạn không mới. Những năm trước, nhiều cây bút bị trói chặt vào bút pháp hiện thực và vì thế, khi tác giả non tay dựng truyện, thì rất dễ phạm phải những điều mà người đọc cho là “vô lý”. Năm nay các tác giả viết bay bổng hơn. Họ thoát ly được cái hiện thực chất liệu để vượt lên. Đây là nét mới của Viết văn đường trường Quy Nhơn 2017. Truyện Lãng mạn đem đến những dư cảm thú vị. Trong thế giới tưởng tượng, tác giả dệt nên những ước mơ. Truyện Lãng mạn nói cái ước mơ, cái chỉ có trong những trái tim khao khát sống. Nếu anh tin thì anh có thể yêu một cô gái xuất tu bị mù. Cây ngô đồng là một kiểu “lãng mạn lý tưởng”. Hoàng yêu Phương. Hai người thường hẹn hò chỗ cây ngô đồng. Rồi Phương bỏ Hoàng để yêu người khác, cô mong đổi đời. Nhưng chuyện đời không như mộng tưởng của Phương. Người yêu cô bỏ đi. Phương có bầu, lại bị ung thư dạ dày. Cô về quê sinh con rồi chết. Hoàng hay tin, về nhận con Phương là con mình, bất kể bị nguyền rủa. Nếu là trong hiện thực, người ta có thể ngờ rằng Hoàng bị “tâm thần” nên mới hành xử “điên” như vậy. Nhưng ngòi bút lãng mạn muốn khẳng định một tình yêu đầy bao dung.

Thầy ơi! Em yêu anh là một truyện tình muộn màng. Sơn và Uyên là bạn thời Đại học. Ngày chia tay Sơn mới viết thư tỏ tình với Uyên. Và Khi xa nhau Uyên mới hiểu mình yêu Sơn, cô thường đến những nơi kỷ niệm với Sơn. Một thời gian sau, bất ngờ Uyên gặp lại Sơn trong thánh lễ, lúc này Sơn đã là thầy giúp xứ. Uyên lên rước lễ cuối cùng nơi thầy Sơn trao mình thánh. Cô nói: Sơn! Em yêu anh”. Thầy Sơn bối rối. Tôi không hiểu Chúa có thông cảm cho đôi trẻ yêu nhau phạm sự thánh này không, và không biết con đường tu của thầy Sơn sẽ thế nào khi Uyên quyết tâm đeo bám? Nếu đặt câu hỏi như vậy thì đâu còn là truyện lãng mạn!

Đặc sắc nhất trong những truyện vào chung khảo là kiểu truyện hư cấu (Fiction), tức là những truyện tưởng tượng sáng tạo, không lấy việc phản ánh hiện thực làm mục đích. Kiểu truyện này xác định phẩm chất đích thực của một nhà văn. Tác giả dựa vào một vài yếu tố có thật, từ đó tạo dựng cốt truyện, xây dựng nhân vật để truyền đạt một thông điệp. Nội dung truyện là một hiện thực mới, không phải là hiện thực ngoài đời. Đọc truyện hư cấu, người đọc không cần bận tâm những điều được miêu tả mà cần đọc cho được cái thông điệp tác giả gửi trong truyện.

Nước mắt của niềm vui là một truyện hư cấu cảm động. Xóm trọ có 2 người. Một ông lão chạy xe ôm, một bà bán hàng rong ở bến xe để tìm con. Bà lấy chồng ngoại đạo, sau đó chồng bỏ 2 mẹ con. Rồi con bà cũng bỏ đi lúc nó 4, 5 tuổi, tay nó có bớt hình ngôi sao. Bà đi tìm con đã bao nhiêu năm. Nếu nó còn sống thì nay đã khoảng 40. Một lần bà bị xe tông phải cấp cứu, người ta gọi ông lão xe ôm đến trông nom bà (vì bà không có thân nhân). Rồi bà tỉnh lại. Ông thương bà, không muốn bà đi bán nữa. Ông đưa một vị Linh mục đến xức dầu cho bà, sau đó nói cho bà biết vị linh mục có bớt sao trên tay. Lúc ra viện, “Lão chở bà đến ngôi giáo đường ấy như mong muốn của bà. Đang giờ Thánh lễ, bà kéo tay lão vào ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Bà nhìn vị linh mục trong chiếc áo trắng đang giảng lễ trên gian thánh, mắt bà lung linh, niềm vui đượm nhuần trên gương mặt nhăn nhúm bởi mưa gió và thời gian”. Truyện để lại một niềm vui vĩnh cửu về tình mẹ, tình người và về lòng Chúa yêu thương bao la đối với những con người khốn khổ.

 Kho báu dưới chân tượng Mẹ là một truyện hư cấu có nhiều sáng tạo thú vị. Lão Mạnh 60 tuổi, từng đi lính. Sau chiến tranh, lão làm đủ nghề và nhờ đó mà phất lên. Lão sùng đạo kinh khủng. Mỗi lần có ai khen lão ăn nên làm ra, Lão thường nói rất tự tin rằng: “Chúa có mắt” (ý rằng, Chúa bù cho lão những lúc gian nan). Cạnh nhà lão là nhà ông Bường, một người Tin Lành đáng ghét. Lão đặt tượng Đức Mẹ cạnh nhà ông ta. (vì lão vốn biết người Tin lành không tin thờ Đức Mẹ, “ghét của nào lão trao của đó”. Nếu vậy thì lão chẳng thiện ý chút nào. Nhân quả theo ngay). Một thời gian sau, heo của lão lăn ra chết, vợ lão bị suy thận phải nằm viện, lão mất trắng 3 tỷ vào tín dụng đen. Quá đau buồn, lão sinh ra uống rượu và bỏ Chúa. Bây giờ thì lão bảo “Chúa mù” rồi! Lão chôn dấu một hộp tiền dưới chân tượng Đức Mẹ. Mỗi tháng lão đào lên lấy tiền chữa bệnh cho vợ rồi chôn xuống.  Nhưng rồi lão thấy một sự lạ. Tiền trong hộp không vơi đi mà cứ dôi ra. Lão thừ người, chỉ có thể là Đức Mẹ giúp lão, vì gần đây lão đã bắt đầu đi lễ và buổi tối thường đọc kinh trước tượng Đức Mẹ. Dù đã nghĩ vậy nhưng chuyện hộp tiền cứ canh cánh trong lòng lão. Cho đến một đêm kia, trời mưa, lão thấy một bóng đen đến chỗ đài Đức Mẹ, cuốc mấy nhát moi đất lấy hộp tiền của lão lên, rồi đậy hộp lại ngay. Đúng lúc ấy lão chộp được hắn, thì ra là ông Bường, người Tin Lành ở nhà bên cạnh. Bây giờ thì lão Mạnh biết ai là người bỏ thêm tiền vào hộp lão cất giấu. Ông Bường nói với lão Mạnh rằng, ông phải ngầm giúp vì biết lão Mạnh không ưa ông. Hơn nữa cả hai người từng là người lính, Công giáo và Tin Lành vẫn là hai anh em được sinh ra từ một người mẹ, chảy chung một dòng máu, bú chung một bầu sữa. Biết kiên nhẫn đi với nhau, sẽ có một ngày đoàn viên! Lão mạnh nheo mắt cười. Bây giờ lão lại tin Chúa có mắt, Mẹ có mắt. Đọc truyện này, chỉ có người “ngây thơ” mới tin rằng những gì tác giả kể là có thật, nhưng thông điệp từ câu truyện thì thật giàu ý nghĩa.

Vết nứt trên mặt tượng Chúa (truyện Vết nứt) là một “tứ truyện” có nhiều ý nghĩa tư tưởng. Nhìn vết nứt trên mặt tượng Chúa, vị Linh Mục già, nổi tiếng nghiêm khắc, thay vì la mắng thằng cháu nghịch ngợm làm rơi tượng, lại nhận ra nhiều điều. Vết nứt ấy là vết nứt của đạo Chúa. Từ nhận thức như vậy, Linh mục già đã hóa giải mâu thuân tôn giáo trong hôn nhân cho hai cháu. Ngài nói: “Tin Lành, Công giáo, hay bất cứ hệ phái nào đều đến từ kế hoạch của Thiên Chúa. Sự phân tách như vết nứt làm cho viên đá tảng trở nên bức tranh phong phú hơn. Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và không ngừng dưỡng nuôi muôn loài theo kế hoạch của Ngài. Ngài như điểm cao nhất trên đỉnh núi, Ngài luôn yêu thương và kêu mời mọi tạo vật đến gần với Ngài, trở nên hoàn hảo như Ngài. Mỗi tôn giáo, như mỗi con đường từ các hướng khác nhau giúp người ta đi lên đỉnh núi gặp Ngài theo nhiều hình thức khác nhau, ngôn ngữ khác nhau, văn hóa khác nhau…”

 Lật đổ là một truyện hư cấu bạo tay hơn nhiều. Hiền mẫu đang họp. Một bà mẹ bỏ ra ngoài, vác ghế đá đập vỡ cửa kính xe hơi của cha sở. Người ta đứng xem kín sân nhà thờ nhưng không ai hiểu. Khi cha sở xuất hiện, ngài bảo mọi người giải tán. Rồi ngài vào nhà thờ quỳ trước Thánh Thể. Bỏ cả ăn trưa. Sau đó cha tự mình dọn dep chỗ kính vỡ trên sân. Lễ chiều ngài không giảng, để mọi người tự suy gẫm. Ngài biết, ngài là nguyên nhân gây ra sự đau khổ cho người đàn bà điên. Ngài đã sống bê tha, nên giáo dân bỏ nhà thờ. Từ đó ngài tự hối lỗi, cải thiện đời sống. Nhà thờ đông hơn, giáo dân sốt sắng thánh thiện hơn. Người đàn bà điên chính là thiên thần lật đổ. Cần phải lật đổ chủ nghĩa thế tục đã làm tha hóa đời sống người Công Giáo, trong đó có cả giáo sĩ. Đó là một ý tưởng mạnh mẽ nhưng không dễ được chấp nhận.

Những truyện hư cấu tôi vừa giới thiệu ở trên đặc sắc cả trong sáng tạo nội dung và nghệ thuật. Đó là truyện của những cây bút chuyên nghiệp, góp phần làm cho cuộc thi trở nên giá trị và phong phú. Nhưng cũng có truyện hư cấu buộc tôi phải hoài nghi về thông điệp tác giả ẩn trong đó. Xin đơn cử truyện “Văn dĩ tải đạo”.

Tác giả kể về việc viết truyện gửi Giải Viết văn đường trường: “Sau hai ngày vật vã mà câu truyện vẫn chưa thể hoàn thành. Còn bốn ngày thôi là hết hạn nộp bài của Viết Văn Đường Trường. Tôi thư giãn bằng cách vào Face làm thơ tình, mà chủ yếu là thơ thất tình. Đối thơ với một bạn đến hơn hai mươi bài thơ, thì bạn đó cũng xin cáo từ vì mệt. Tôi trở lại với tác phẩm của mình và thấy vẫn thật sự bế tắc. Truyện ngắn của tôi thế này: Vì tôi yêu em. Câu truyện như sau: “Tôi là một Mục sư. Tôi biết. Còn em là một cô gái Công giáo. Tôi cũng biết.”. Sau hai lần gặp em, tôi được tin mẹ đau. Khi tôi về thăm mẹ thì thấy em đang chăm sóc mẹ. Em thuộc hội Legio. Lúc trở lại công việc (của hội thánh Tin Lành), tôi chia tay em với nhiều hy vọng. Truyện kể đến đó thì tác giả bế tắc.

Tác giả bèn hỏi ý kiến một mục sư bạn về câu chuyện để may ra gỡ được thế bí chăng. Vị Mục sư này thẳng thắn nhận xét:

Mục sư mà còn bị tiếng thét của ái tình, của cái mỹ miều bên ngoài, hay bên trong làm điên đảo, ông không thể dẫn dắt ai được.”

 “Thử nghĩ về hậu quả của việc ông Mục sư đi yêu một cô gái Công Giáo, mà cô ta là ‘chiến binh của Mẹ Maria’ có nghĩa là không có sự thoả hiệp trong cô ấy. Nếu đây chỉ là cuộc tình lãng mạn thì truyện của nhà văn, ta đọc để mua vui ‘vài trống canh’ và quên. (Người theo Chúa ăn năn sống theo tiêu chuẩn của Ngài sẽ không để lãng mạn vượt qua khuôn khổ. Mục sư không thể không biết và không thể không giảng giải điều này cho con dân của Chúa trong Hội Thánh. Ông phải là tấm gương phản ảnh Cứu Chúa trong thế gian qua cuộc sống và qua những bài giảng luận). Nhưng nếu đây là thực tế thì sẽ là một chuyện tình dẫn đến thảm hoạ

Khi thành vợ chồng, họ sẽ phải sinh con, hai thái cực của gia đình nhà Mục sư- và cô gái Công Giáo kia sẽ giáo dục con mình sao đây? Thần học là cái chung, nhưng gia đình là cái riêng, và đây lại là hạt nhân của xã hội. Cảnh đồng sàng dị mộng xuất phát từ đây và dẫn đến đổ vỡ. Bao nhiêu năm làm Mục sư trong Hội Thánh mình đã nhận thấy cái rạn nứt lớn nhất dẫn đến đổ vỡ nhiều nhất trong những cặp hôn nhân lại không phải là người ngoài đời đã ăn năn đến với Chúa mà lại là từ những cặp vợ chồng thuộc hai hệ phái của Thiên Chúa Giáo. Người Công Giáo hay Tin Lành, Chính Thống Giáo và ngược lại

 lý do thứ ba. Người đọc là Công Giáo hay Tin Lành sẽ cảm nhận thấy sự nông nổi trên mọi phương diện của câu chuyện, người ta sẽ hỏi: Tác giả muốn đạt được ý tưởng gì đây?”

Đọc xong truyện này, tôi nghĩ rằng người viết truyện phải là một cây viết rất “chuyên nghiệp” mới có thể cợt đùa với chữ nghĩa như vậy. Cách viết biến hóa như trong một trò ảo thuật (ấy là tôi đoán mò vậy) điêu luyện khiến người coi không thể nhận ra những “mánh” bên trong. Tác giả kể truyện như thật, lại như kể chơi, bằng một giọng văn lúc thì tếu táo, lúc lại trang nghiêm, quyết liệt.

Tác giả kể hai câu truyện với hai giọng văn khác hẳn nhau, hàm chứa hai chủ đề lồng vào nhau. Đó là vấn đề tình yêu khác tôn giáo, và vấn đề viết văn để làm gì? Đọc được hai chủ đề này người đọc sẽ hiểu được diễn ngôn của tác giả về Đại kết.

Truyện tình tác giả kể như đùa, vì là chuyện bịa để “mua vui”, à không, để gửi dự thi Giải Viết văn đường trường 2017. Vị Mục sư bạn đã bác thẳng thừng cái sự “đùa” bằng văn chương này. Ông dằn mặt vị Mục sư tác giả: Mục sư là Người theo Chúa ăn năn sống theo tiêu chuẩn của Ngài sẽ không để lãng mạn vượt qua khuôn khổ. Mục sư không thể không biết và không thể không giảng giải điều này cho con dân của Chúa trong Hội Thánh. Nói cách khác, văn học phải có mục đích “tải đạo”, Mục sư không thể “lãng mạn”.

Nhân truyện tình khác tôn giáo giữa tác giả và cô gái Công giáo, vị Mục sư bạn bác bỏ hoàn toàn tinh thần đại kết: “thử nghĩ về hậu quả của việc ông Mục sư đi yêu một cô gái Công Giáo, mà cô ta là ‘chiến binh của Mẹ Maria’ có nghĩa là không có sự thoả hiệp trong cô ấy”. Sau cùng, vị Mục sư bạn đưa ra một phán quyết tối hậu: “Bao nhiêu năm làm Mục sư trong Hội Thánh mình đã nhận thấy cái rạn nứt lớn nhất dẫn đến đổ vỡ nhiều nhất trong những cặp hôn nhân… là từ những cặp vợ chồng thuộc hai hệ phái của Thiên Chúa Giáo”. Cái ý tưởng Đại Kết mà tác giả định kết thúc chuyện tình bị vị Mục sư bạn bác bỏ hoàn toàn: “Người đọc là Công Giáo hay Tin Lành sẽ cảm nhận thấy sự nông nổi trên mọi phương diện của câu chuyện, người ta sẽ hỏi: Tác giả muốn đạt được ý tưởng gì đây?”

 Tôi hình dung (giả định) câu chuyện thế này. Tác giả là một Mục sự, trong bài giảng của mình, tác giả kể cho con chiên nghe truyện tình Vì tôi yêu em. Rồi tự phân thân thành Mục sư bạn viết lời bình, bác bỏ tất cả những ý tưởng về đại kết. Cách kể truyện có vẻ dân chủ, có vẻ như thật, như đùa, nhưng cái thông điệp bác bỏ tinh thần đại kết thì rất rõ. Hóa ra truyện không còn là đùa nữa.

Truyện hư cấu có sức mạnh của nó là vậy.

TINH THẦN ĐẠI KẾT

Chủ đề về Đại kết được Ban tổ chức Giải Viết văn đường trường 2017 lưu ý như sau:

“…để góp phần giúp các thành phần Dân Chúa đôi bên ý thức và mạnh dạn dấn thân hưởng ứng luồng gió Chúa Thánh Thần đang thổi vào thời đại mới, Ban Tổ chức cuộc thi năm nay đã mạnh dạn chọn sự kiện 500 năm cuộc cải chánh của Martin Luther làm chủ đề, bên cạnh sự kiện 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Tuy nhiên đại kết Kitô giáo có vẻ là một điều hoàn toàn mới mẻ đối với các tác giả, kể cả các tác giả nhà tu. Hầu như chỉ từ khi đọc bản thể lệ cuộc thi, các tác giả mới bắt đầu tìm hiểu vấn đề, cả về lý thuyết lẫn thực tế... Nhiều câu chuyện được xây dựng khá vội và hơi chủ quan theo quan điểm của mình. Dù vậy, nói chung các tác giả đã bắt đầu nêu lên được vấn đề để mời gọi Dân Chúa đôi bên cùng suy nghĩ.(Thư của Ban tổ chức)

Như vậy Ban tổ chức mới chỉ đặt mục tiêu là các truyện dự thi “nêu lên được vấn đề để mời gọi Dân Chúa đôi bên cùng suy nghĩ.

Sắc lệnh về Đại kết của Công đồng Vaticanô II – dạy rằng:

1.Cổ vũ việc tái lập sự hợp nhất giữa toàn thể các Kitô hữu là một trong những mục tiêu chính của Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II. Quả thực, Đức Kitô đã thiết lập một Giáo Hội và chỉ một Giáo Hội duy nhất, thế nhưng nhiều cộng đồng Kitô giáo tự xưng với mọi người rằng chính mình mới là di sản đích thực của Đức Kitô; thật vậy, tất cả đều tuyên xưng mình là môn đệ của Chúa, nhưng lại khác biệt nhau về quan điểm và đi theo những đường lối xa cách nhau, như thể chính Đức Kitô đã bị chia cắt (1). Quả thực, sự phân rẽ này vừa trái ngược tỏ tường với ý muốn của Đức Kitô, vừa là cớ vấp phạm cho thế giới và gây tổn hại cho sứ mạng rất cao cả là rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo...

 Trong Giáo Hội duy nhất đó của Thiên Chúa, ngay từ buổi sơ khai đã xuất hiện ít nhiều rạn nứt (15) mà Thánh Tông Đồ đã nghiêm khắc khiển trách như một điều cần ngăn chặn (16); rồi trong các thời đại kế tiếp, lại nảy sinh nhiều phân rẽ trầm trọng hơn và nhiều Cộng đồng lớn đã tách khỏi sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công giáo, đôi khi do sai lỗi của những người ở cả hai bên. Tuy nhiên, ngày nay, những người được sinh ra và tiếp nhận niềm tin vào Chúa Kitô trong các Cộng đồng ấy, không thể bị kết tội chia rẽ và Giáo Hội Công giáo vẫn kính trọng, yêu thương họ như anh em. Thật vậy, những người tin vào Chúa Kitô và đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy thành sự, vẫn hiệp thông cách nào đó với Giáo Hội Công giáo cho dù không được trọn vẹn. Chắc chắn những khác biệt trong nhiều cấp độ giữa họ và Giáo Hội Công giáo về giáo thuyết, hoặc về kỷ luật hay cơ cấu tổ chức, đã là những trở ngại, đôi khi cũng khá nghiêm trọng đối với tình hiệp thông trọn vẹn trong Giáo Hội, phong trào Đại Kết đang cố gắng vượt qua những trở ngại ấy. Nhưng dù sao đi nữa, bởi đã được công chính hoá nhờ đức tin khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, họ đã được tháp nhập vào Chúa Kitô (17) và vì thế có quyền mang danh Kitô hữu, và đáng được con cái của Giáo Hội Công giáo nhìn nhận là anh em trong Chúa (18).

Hơn nữa, trong các yếu tố hoặc gia sản đã góp phần xây dựng và tác sinh Giáo Hội, có một số điều, thậm chí rất nhiều và là những điều thật cao quý, có thể nằm ngoài phạm vi hữu hình của Giáo Hội Công giáo, như Lời Chúa trong Sách Thánh, đời sống ân sủng, đức tin, đức cậy, đức mến, các ân huệ thiêng liêng của Chúa Thánh Thần, và những yếu tố hữu hình khác nữa: tất cả những điều đó, xuất phát từ Đức Kitô và dẫn đưa về chính Người, đương nhiên cũng thuộc về Giáo Hội duy nhất của Người.

 Cũng vậy, nơi các anh em đã tách rời khỏi chúng ta, một số nghi lễ thánh thiêng của Kitô giáo vẫn được cử hành; tuy cách thức có khác nhau tuỳ hoàn cảnh của mỗi Giáo Hội hay Cộng Đồng, những nghi lễ ấy chắc chắn có hiệu năng làm phát sinh đời sống ân sủng và phải được đón nhận như những lối mở dẫn đến sự hiệp thông mang lại ơn cứu rỗi.

 Do đó, các Giáo Hội (19) và các Cộng Đồng ly khai ấy vẫn không hoàn toàn mất đi ý nghĩa và giá trị trong mầu nhiệm cứu rỗi, dù chúng ta tin rằng nơi họ vẫn còn một số điều khiếm khuyết. Thật vậy, Thánh Thần của Chúa Kitô vẫn dùng họ như những khí cụ mang lại ơn cứu rỗi, nhờ vào năng lực phát xuất từ chính sự sung mãn của ân sủng và chân lý đã được trao ban cho Giáo Hội Công giáo.

 Nhưng các anh em đã tách rời khỏi chúng ta, cá nhân cũng như Cộng Đồng và các Giáo Hội của họ, không được hưởng sự hợp nhất mà Chúa Giêsu Kitô đã muốn trao ban cho những kẻ Người đã tái sinh và thông truyền sự sống mới trong một thân thể duy nhất, sự hợp nhất mà Thánh Kinh và Truyền Thống đáng kính của Giáo Hội đều tuyên xưng. Thật vậy, các phương thế cứu rỗi chỉ có thể được tìm thấy đầy đủ nơi trợ tá phổ quát của ơn cứu rỗi là Giáo Hội Công giáo của Chúa Kitô. Thật vậy, chúng ta tin rằng Chúa đã ủy thác tất cả ơn phúc của Giao ước mới cho một Tông Đồ Đoàn duy nhất, với thánh Phêrô là người đứng đầu,…”

Tôi trích dẫn hơi dài lời dạy của Giáo hội về đại kết để có cơ sở luận bàn về vấn đề được các tác giả đề cập trong truyện. Xin lưu ý rằng, Giáo hội vẫn giữ nguyên những tín điều đã tuyên xưng, chỉ mở rộng hướng nhìn và cách tiếp cận vấn đề. Không có sự thỏa hiệp, cũng không xóa nhòa những khiếm khuyết, không cào bằng giáo hội tông truyền và các giáo hội ly khai. Giáo hội nhấn mạnh: “các phương thế cứu rỗi chỉ có thể được tìm thấy đầy đủ nơi trợ tá phổ quát của ơn cứu rỗi là Giáo Hội Công giáo của Chúa Kitô” và: “Chúa đã ủy thác tất cả ơn phúc của Giao ước mới cho một Tông Đồ Đoàn duy nhất, với thánh Phêrô là người đứng đầu,.

Tôi đã đọc được 28 truyện viết về Đại kết. Đây là một con số có ý nghĩa. Đề tài này được khai thác khá mạnh dạn về tư tưởng và khám phá khá rộng trong thực tiễn sống đạo. Các tác giả cũng đề xuất cách nhìn, hướng tiếp cận và cách giải quyết những vấn đề của đại kết hôm nay.

Nhiều truyện tình khác tôn giáo bị gia đình cả hai bên Công giáo và Tin Lành phản đối quyết liệt (Vết nứt, Đường đi của gió, Khi bình minh đến). Nguyên nhân là do sự khác biệt tín lý và do những định kiến cố hữu. Sau những kiên trì và cầu nguyện, lứa đôi đã thành sự theo hôn nhân Công giáo. Cũng có những người tình không tìm được đến với nhau. Vì hoàn cảnh, họ phải chia tay (người đi xa, người đi tu, người qua đời), nhưng họ luôn tin rằng họ ở bên nhau trong một đức tin (Người con gái Tin lành, Lời thì thầm trên sân ga, Bế đỗ bình yên, Mưa rửa hang, Ngọn đèn chầu). Những truyện tình kiểu này có cấu trúc na ná với các truyện tình khác tôn giáo những năm trước.

Những định kiến Công Giáo-Tin Lành cũng tạo ra những bi kịch. Để vượt qua bi kịch, các tác giả thường cầu xin ơn riêng của Đức Mẹ. Đây là một điều thú vị. Đức Mẹ là điểm hội tụ sự khác biệt Công Giáo và Tin Lành, nhưng cũng chính Đức Mẹ đã đem đến sự hòa giải và hợp nhất. Truyện Kho báu dưới chân tượng Mẹ, truyện Một Chúa, một tình yêu là thí dụ. Tin Lành của Mẹ là truyện ông Thuấn có cô con gái duy nhất đi tu. Rồi khi đi Tây nguyên thực tập, cô lại giao tiếp với người Tin lành. Ngày nghỉ, cô dẫn một Mục sự trẻ về nhà và ở lại chơi hai ngày. Ông Thuấn điên người vì con. Hai người còn hò hẹn trở lại Tây Nguyện cùng truyền đạo. Nhưng rồi ông mơ thấy Đức Mẹ bảo ông: “ông biết đấy, Người Kitô hữu không chỉ là Vương đế và Tư tế, còn phải là Ngôn sứ nữa! Ông đã hướng con bé sống chức vụ Vương đế và Tư tế, còn chức vụ Ngôn sứ, hãy để nó thực thi theo cách riêng của mình…” Tỉnh cơn mơ, “Ông Thuấn ngây người ra khi thấy cảnh Núi rừng rộng lớn và hàng ngàn tín hữu đa sắc tộc Tây Nguyên đang được ôm trọn trong vòng tay con gái ông…”. Truyện Phải chăng con là cái cớ là tình cảnh người con có mẹ Công Giáo, bố Tin Lành. Người con này phải sống trong bi kịch hai đạo. Ngày theo đạo của bố, tối theo đạo của mẹ. Xung khắc tôn giáo khiến bố mẹ cãi nhau hoài. Người con bỏ đi tu. Sau đó mẹ chết vì ung thư. Ngày con khấn dòng không ngờ có người bố hiện diện. Con quá vui mừng. Sau hiểu ra, bố được Đức Mẹ cứu trong một cơn đột quỵ, giờ bố tin theo đức tin Công giáo.

Nhiều nghịch cảnh do sự khác biệt tôn giáo gây ra xuất phát từ môi trường xã hội. Chính những quan hệ xã hội trói buộc làm con người rất khó thoát ra. Các tác giả đã khá vững tay trong việc tháo gỡ những ràng buộc này. Lòng cha là tình cảnh một Mục sư có thằng con theo Công Giáo. Ông bị giáo hội Tin lành phản đối. Về sau con ông trở thành Linh mục. Ngày lễ truyền chức, vị Linh mục trẻ chỉ có vài thân nhân. Nhưng không ngờ vị Mục sư đã hiện diện tại nhà thờ Công Giáo trao áo lễ cho con. Đây là vẻ đẹp của tinh thần đại kết, bởi tất cả quy hướng về Chúa.

 Chung một niềm tin là tình cảnh của cô học trò lớp 11 tên là Trúc Mai, trùng tên Bạn Trúc Mai theo đạo Tin Lành. Bạn này lôi kéo được nhiều bạn đọc Kinh Thánh, nhưng bạn ấy hay nói xấu Công giáo, nói sai về Đức Mẹ. Trúc Mai không biết phải làm sao. Cô băn khoăn mãi. Sau đó cô hỏi cậu là Lm Minh. Cha Minh chỉ cho Trúc Mai phương cách cảm hóa các bạn. Trong một lần dã ngoại, cô bạn Tin Lành bị té xuống kênh được Mai vớt và chăm sóc. Từ đó hai người thành bạn thân, không còn công kích nhau nữa vì “chung một niềm tin”. Truyện chỉ ra rằng, tinh thần đại kết không thể thực hiện bằng nhửng tranh luận hơn thua mà phải được thực hiện bằng hành vi của đức ái.

 Tình ca Giêsu là nghịch cảnh của người con Công Giáo có cha là người Tin Lành. Ông phụ trách truyền thanh Tin Lành. Trong đêm diễn nguyện Giáng Sinh, người con được chọn vào vai Đức Mẹ nhưng người cha quyết liệt phản đối. Cha xứ và Ban Hành giáo phải đến thăm và thuyết phục người cha. Lúc ấy mới vỡ nhẽ ra rằng, người cha trước kia là Tin Lành, lấy vợ Công Giáo thì theo Công Giáo. Rồi một biến cố xảy ra, ông ngờ rằng vị Linh mục trước kia (Cha Phương cựu quản xứ giáo xứ) làm lộ tội lỗi của ông nơi tòa cáo giải, ông đến nhà xứ xỉ vả cha Phương rồi bỏ đạo và cấm cả vợ con đi nhà thờ. Sau đó ông biết lỗi là do ông, trong một cuộc rựơu say, ông đã thú tội với bạn. Câu chuyện lan ra, nhưng vì sĩ diện, ông đã lặng im và trở lại Tin Lành. Cha xứ đã xin lỗi ông. Ngài khuyên ông hãy thực hiện sự hiệp nhất ngay trong gia đình mình.

Nhiều truyện nói về những mặt tốt của đạo Tin Lành, đó là lòng hăng say truyền đạo, là nắm vững Kinh Thánh, là cách ứng xử tế nhị. Có người cho rằng có nhiều điều người Công Giáo cần phải tìm hiểu, học tập. Truyện Tầm sư học đạo là một truyện kể khá sinh động. Chiến được cử sang nhà thờ Tin Lành tìm hiểu. Dù là giáo lý viên giỏi giáo lý, anh vẫn ngại. Anh nhận lệnh cha xứ cùng với cuốn sách “chỉ nam” ngài trao cho làm vốn. Anh cũng nhờ Google tìm tông huấn “Niềm vui của Tin Mừng” để dằn bụng. Chiến đến nhà thờ Tin Lành, được đón tiếp thân thiện. Chiến gặp người tên Hòa, hai người thường tranh luận. Chiến tìm điểm chung để tránh mâu thuẫn. Thời gian sau đó Chiến cùng đi làm thiện nguyện với họ. Rồi cha xứ đổi đi, cha mới về, việc cử người sang Tin Lành học hỏi bị lãng quên. Người trong giáo xứ nghi kỵ Chiến. “Chiến thấy sao đường về nhà hôm nay xa thế, nhưng có lẽ, ngày những người anh em Tin Lành, Chính Thống, Anh Giáo trở về Ngôi Nhà Chung còn xa hơn rất nhiều…” Truyện để lộ ra một điều là những nghi ngại giữa Công Giáo và Tin Lành còn rất nặng. Con đường Đại kết còn xa.

Truyện Những cái ôm khai thác một vấn đề “nóng” và “nhạy cảm” mà người có đức tin phải đối mặt. An và Lê là hai sinh viên, một Công Giáo, một Tin Lành. Giờ triết Mác-Lê, thầy giáo già nói nhiều về tôn giáo (theo quan điểm của chủ nghĩa Duy vật-vô thần). Cả hai thấy đức tin của mình bị xúc phạm. Họ cùng gặp thầy giáo để trao đổi về đức tin. Ông hẹn cho hai người thuyết trình về tôn giáo trong buổi học cuối. Từ đó An và Lê trở nên quen nhau. Cả hai cùng chuẩn bị cho buổi đối thoại quan trọng đó. Đến giờ học, có tin báo, thày giáo đột quỵ nằm viện. Cả hai đến thăm thầy và trao cho thầy chuỗi hạt. Họ nói sẽ cầu nguyện cho thầy. Câu truyện có một cái kết may mắn cho cả hai phía. Và đọng lại vẻ đẹp tinh thần đại kết của hai sinh viên An và Lê. Họ không bị ngăn cách bởi sự khác biệt tôn giáo mà họ cùng hành động vì chung một đức tin.

Nắng mới trên vùng cao là cuộc “đụng độ” trực tiếp giữa Công Giáo và Tin Lành trên vùng Yên Bái- Tây Bắc. Giáo xứ của cha Thanh hầu hết là người H’mông. Đã có tới 4000 giáo dân. Khi Cha Thanh đi dự tĩnh tâm về, ông trùm xứ báo có nhiều giáo dân bỏ đạo đi theo Tin Lành. Họ nói Tin Lành cũng thờ Chúa, và họ còn được giúp tiền để làm ăn. Cha Thanh khuỵu gối trước nhà tạm và kêu cầu Chúa: “Lạy Chúa, con phải làm gì đây khi đàn chiên của con đang gặp thử thách”. Sau đó cha Thanh về xin ý kiến Đức Giám mục giáo phận, Đức cha dạy: “Cha nhớ đừng có đòi độc quyền rao giảng Chúa Kitô nhé! Chúa sẽ có cách của Chúa, cha đừng quá lo! Chúc cha bình an, mình sẽ sớm lên thăm cha!”. Cha Thanh về, trực tiếp đi gặp vị Mục sư Tin Lành để chia sẻ về việc rao giảng lời Chúa. Theo lời dạy của Giám mục giáo phận, ngài đề nghị với vị Mục sư Tin Lành rằng giáo dân của ngài đã biết Chúa, còn rất nhiều đồng bào H’mông chưa được biết chúa, xin anh em Tin Lành giúp họ. “Như thế là cả Công Giáo và Tin Lành cùng gắng sức giúp cho nhiều người được nhận biết Chúa Kitô!”. Và sau một biến cố của đức ái, cha Thanh đã giúp người mục sư Tin Lành nhận ra vấn đề. Vị mục sư xin là anh em với cha Thanh.

Quả thực, để giải quyết những vấn đề như vậy trong thực tế không dễ dàng gì. Người viết truyện cũng phải dùng đến những yếu tố “phi thực” (không có trong đời thực) để có cớ giải quyết vấn đề. Trong truyện Những cái ôm, yếu tố phi thực ấy là ông thầy giáo dạy triết Mác-Lê phải nằm viện đúng vào ngày hai sinh viên có đức tin thuyết trình tranh cãi với thầy về tôn giáo. Nếu ông thầy giáo không ốm, và cuộc tranh luận diễn ra, chắc chắc hai sinh viên kia phải chịu thiệt. Trong truyện Nắng mới trên vùng cao, yếu tố “phi thực” là ở chỗ, tác giả đẩy cuộc tranh luận về Đức Mẹ đến độ căng thẳng khiến một giáo dân không kềm chế được vác dao chém vị Mục sư. Cha Thanh đã nhận lấy vết chém ấy. Nhờ hành vi của đức ái này của cha Thanh mà vị Mục sư nhận ra vấn đề.

 

Thể hiện tinh thần đại kết, các tác giả đều dựa trên điểm tín lý mấu chốt này, cả Công Giáo và Tin Lành đều tôn thờ một Chúa, vì thế đều là anh em, nên cần hiểu biết và tôn trọng nhau, đều cùng nỗ lực rao giảng lời Chúa. Tránh định kiến, tránh khai thác những mâu thuẫn tín lý như việc tin thờ Đức Maria, về ảnh tượng, về phép giải tội, phép Thánh thể. Tuy nhiên cũng có những tác giả đã có những cách lý giải có thể gây ngộ nhận về đại kết.

 

Truyện Chung điều nguyện ước, tác giả ca ngợi Tu hội Taizé của một người bạn Tin Lành và để cho một chủng sinh Công giáo (Phó tế) có ý định gia nhập hội và truyền bá cách cầu nguyện của hội này ở Việt Nam. Truyện Lối rẽ một con đường, tác giả để cho nhân vật Ân bỏ Công Giáo theo Tin Lành mà không lý giải. Rồi áp đặt suy nghĩ:“Không có điều gì xảy ra ngoài ý Chúa”. Tác giả luận rằng: “-Người ta đang đi chung một con đường, đến một điểm nào đó, họ bất mãn với nhau nên muốn rẽ sang một con đường khác, con đường mà họ nghĩ sẽ nhanh hơn, dễ dàng hơn. Chỉ mong trên những ngả rẽ ấy, họ thấy cần sự đồng hành của anh em- những người họ đã bỏ lại đầu ngả rẽ; và những ngả rẽ ấy cuối cùng đều về đến đích, để phía cuối con đường tất cả đều gặp nhau trong niềm vui và gặp được Người mà họ hằng mong đợi. Có lẽ là vậy”. Truyện Mục sư ơi!, tác giả bày tỏ sự quý mến vị Mục sư tin lành chỉ vì sự lịch lãm của con người này, sau đó luận rằng: “Nếu biết trân trọng nhau, Công Giáo và Tin Lành đã không căng thẳng đến thế…Tôi mơ màng nghĩ đến một sự hòa hợp, vào ngày mai… khi ánh bình minh lại rạng rỡ chiếu tỏa khắp mặt đất. Và người ta, dù Tin Lành hay Công Giáo, cùng nắm chặt tay nhau tiến về phía Ánh Sáng Chân Lý”.

Tôi nghĩ, những luận giải như thế cần phải được đối chiếu lại với lời dạy của Giáo hội trong Sắc lệnh về đại kết của Công đồng Vaticano II, có vậy truyện mới góp phần “nêu lên được vấn đề để mời gọi Dân Chúa đôi bên cùng suy nghĩ.

NHỮNG SẮC MÀU CỦA NIỀM VUI

 Những truyện chung khảo Giải Viết văn đường trường 2017 còn có những sắc màu khác, tôi gọi là “sắc màu của niềm vui” bởi nó để lại trong tôi những ấn tượng sâu đậm cả về nội dung và nghệ thuật. Những ấn tượng này do nghệ thuật kể truyện của tác giả tạo ra. Ngoài những truyện Lãng mạn, những truyện hư cấu (Fiction), tôi còn bị thuyết phục bởi những cách viết có phong cách riêng, vì thế muốn dành một đôi phút để thưởng thức vẻ đẹp của những truyện này.

Dòng sông chảy về đâu là truyện pha trộn chất sử thi với chất bi kịch, nhưng kết thúc là một niềm vui thăng hoa. Ai đã sống những ngày bom đạn của chiến tranh Việt Nam, ai đã chịu đau khổ vì ly tán trong những ngày sau 30.4.75, ai đã chịu những mất mát, đau thương không bù đắp, không thở than, đọc truyện này sẽ thấm thía một giai đọan bi thương của lịch sử, sẽ cảm nhận được vẻ đẹp nhân văn của đức tin Công giáo, và nhận được sự tiếp sức cho những ai còn đang thăng trầm dâu bể. Quả là một áng văn chương đẹp.

Tác giả kể qua nhân vật Tôi.

Chiều buồn như chiều tiễn mẹ con Ngân vượt biên. Chồng ngân chết trận, cha nàng chết vì chiến tranh. Nàng không thể chịu đựng nổi nỗi thống khổ ấy nên muốn vượt biên. Nàng rủ tôi cùng đi với nàng. Tôi không đi vì hoàn cảnh gia đình nặng nề. Trước kia nàng và tôi cùng trong ca đoàn, tôi yêu nàng, nhưng nàng lại lấy một anh lính thủy quân lục chiến. Tôi đã ngậm ngùi tiễn nàng. Chuyến đi của nàng gặp nạn. Một tháng sau xác nàng trôi giạt vào bờ, tôi đau đớn chôn cất người yêu. Nhưng tôi không tìm thấy xác cháu bé con nàng.

Tôi đi qua chiến tranh, rồi đi cải tạo. Trở về đời thường tôi cưới vợ. Rồi góa vợ ngay khi nàng sinh con đầu lòng.  “Ở tuổi bạc đầu, ngồi vỉa hè sửa xe, vá xe nuôi con trai ăn học. Bao nhiêu biến cố thời cuộc tôi đều biết chút mùi. Nên chẳng biết nghĩ gì bây giờ? Chỉ mừng là mình còn sống, còn lao động, còn lòng tin ở Chúa. Và đứa con trai mặt mũi sáng sủa, khỏe mạnh, chịu khó học hành. Thứ gì qua cũng đã qua rồi. Như Kinh Thánh nói: Con chim đói hay no Chúa còn biết, những đau thương, khổ ải của con người sao Chúa không biết? Biết chớ, Chúa biết hết. Biết cả việc mỗi lần xin lễ cho vợ, tôi cũng xin lễ cho người con gái tôi chôn xác trên biển năm nào

Nhiều năm sau, thằng con trai tôi học đại học. Một lần đi học về, nó báo với tôi rằng có một “chị đẹp”, giống như người trong tấm ảnh trong tấm ảnh (Ngân) mà tôi cất giấu. Chị ấy phát tài liệu Tin Lành ở khu vực nhà thờ Đức Bà. Tôi tìm đến nơi, gặp cô gái. Đúng là con của Ngân. Tôi cho cô xem ảnh Ngân. Cô rưng rưng thốt lên, “Mẹ cháu đẹp quá”. Rồi tôi nói cho cô biết mẹ cô là người Công giáo. Chính tôi là người đã chôn cất mẹ cô khi con thuyền vượt biên bị nạn. Cô kể cho tôi nghe hoàn cảnh của mình. Cô có ba mẹ nuôi theo đạo Tin Lành, bạn trai cũng Tin Lành. Cô cùng nhóm bạn thường đi truyền đạo trong giới trẻ.

Sau đó, “Tôi dẫn con Ngân ra thăm mộ Ngân. Nhưng như tôi đã nói, bãi biển đâu đâu cũng là khu du lịch. Tìm nơi ngày xưa tôi chôn cất Ngân là không thể. Mà ngần ấy năm tro bụi của Ngân cũng theo con sóng ra khơi xa rồi. Tôi và cháu cứ đứng mãi trên bờ biển, nhìn sóng biển chạy vào rồi chạy ra khơi xa.

Theo quy luật của dòng chảy, tất cả mọi dòng sông đều đổ về biển. Đạo Công giáo và đạo Tin Lành giống như hai nhánh sông cùng chảy về biển Tình Yêu Chúa. Chúa đứng đó, bao dung và nhân ái chờ đợi những nhánh sông chảy về. Tôi buồn vui điều gì khi tôi cũng chỉ là một mạch nước nhỏ trong nhánh sông kia. Tôi khát khao chảy về biển rộng, dù trải qua bao sóng ngầm nhưng tôi không phải rẽ ngang.

Con Ngân còn sống là tốt rồi. Và như con trai tôi nói, cháu tin Chúa là được rồi.”

Một buổi chiều, tan thánh lễ, tôi bước chân về đài Đức Mẹ, đọc kinh và cầu nguyện cùng Mẹ. Đứng trước tôi là một cô gái, mặc bộ áo dài trắng, thả tóc thề. Tôi không ngờ đó là con gái Ngân. Tôi lau nước mắt mà nước mắt vẫn cứ chảy ra…

Tôi gọi đây là một áng văn chương đẹp bởi giọng văn trầm lắng giàu chất triết lý và sâu sắc về tâm linh. Đan xen với giọng triết lý trầm buồn sâu thẳm là giọng trẻ trung, dí dỏm của người trẻ là đứa con trai và cô gái con của Ngân. Sự tương phản quyết liệt giữa những đau thương của chiến tranh, ly tán, mất mát với sự sống động, trẻ trung, tươi mát của một thế hệ mới, trong một niềm tin mới có sức gợi đến tận cùng những cảm xúc thẩm mỹ. Cách viết “chân thực” làm cho trái tim người đọc rung lên theo với những dòng những chữ như có ánh sáng lung linh. Đây là đoạn kết:

“Tôi đứng sau lưng, nín thở và cầu nguyện. Cô gái ấy bỗng nhiên quay lại, nở một nụ cười. Tôi không thể tin vào hình ảnh trước mắt. Tôi chỉ biết rơi nước mắt nhưng là giọt nước mắt vui mừng.

– Chú ơi! Đức Mẹ Maria hiền từ và đẹp quá! Hồi đó tên thánh cháu là Maria hả?

Tôi lau nước mắt mà nước mắt vẫn cứ chảy ra.

– Sao chú khóc hoài vậy? Bộ cháu nói gì cũng làm chú khóc hết hả?

Thấy vậy tôi mỉm cười. Nụ cười của tôi vẫn còn rưng rưng nước mắt…”

 Lẽ ra tôi cần phải viết thêm về nhiều truyện hay nữa của mùa giải này, bởi trong lòng vẫn còn thấy hân hoan, nhưng lại tự nghĩ, không nên làm mất nhiều thời gian của bạn đọc, để thời gian đó bạn đọc đọc trực tiếp tác phẩm thì những giá trị của tác phẩm sẽ sinh sôi và thăng hoa rực rỡ hơn.

Xin chúc mừng Giải Viết văn đường trường 2017 có được một mùa vàng văn chương rất vui.

Bùi Công Thuấn

 

 

Loading

Đánh giá bài viết

0 những suy nghĩ trên “GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2017

  1. Pingback: VĂN HỌC CÔNG GIÁO-GIÁO PHẬN QUY NHƠN – CHÚT TÌNH TRI ÂM

call Hotline 1 0798287075 call Hotline 2 0798 287 075 facebook Fanpage Chat FB zalo Chat Zalo youtube Youtube Tiktok Tiktok